Nguyễn Bình Phương
Một hồn thơ tinh quái
Một hồn thơ tinh quái
(Đọc “Buổi câu hờ hững”,
Khi thấy dòng chữ Buổi câu hờ hững - nhan đề tập thơ Nguyễn
Bình Phương mới ra mắt bạn đọc - trong tôi chộn rộn những ngạc nhiên. Xưa nay vẫn
có quan niệm câu cá là một cánh cửa dẫn đến thiền dành cho bậc chân tu, ẩn sĩ.
Dẫu biết câu cá là niềm vui của Nguyễn Bình Phương bấy lâu, nhưng khi lấy đó
làm nhan đề tập thơ thì có lẽ lại là chuyện khác.
Phải chăng nhà thơ, giữa độ tuổi “nhi bất hoặc” và “tri thiên
mệnh”, sau bao năm quẫy đạp phóng túng giữa biển đời và biển văn, phút chốc đốn
ngộ? Nhưng lại “hờ hững”: hờ hững với việc câu, có khi không phải vì Nguyễn
Bình Phương đã đạt tới cảnh giới thiền để đứng ngoài cuộc đời mà vì tâm trí còn
bộn bề những băn khoăn về đời.
Tâm thế Nguyễn Bình Phương trải giữa một bên là hiện thực cuộc
sống và một bên là những trạng thái tĩnh lặng mang dấu ấn thiền - nỗi day
dứt về tự thân bộc lộ qua câu thơ mà tôi cho là đề từ của thi tập này: Đó là đời
hay thơ/Đó là anh hay Phật?.
Đôi lúc có cảm giác như ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh
nào, suy tưởng của Nguyễn Bình Phương đều hướng về thiền. Ban đầu chỉ là một
cách “chơi chữ” đơn thuần trong bài Huế: Mở mắt/ Đã Tịnh Tâm/ Mưa gọi những đường
cong hiển lộ/Vậy là Huế làm anh ngờ ngợ. Chữ tịnh tâm vừa gọi tên một thắng cảnh
nổi tiếng của mảnh đất cố đô vừa gợi trạng huống con người hướng đến khi thiền.
Nhưng Nguyễn Bình Phương không dừng lại ở việc “chơi chữ”, khi “chơi thật” cùng
các con, anh cũng nghĩ rằng mình đang sống trong một thế giới ta bà ngộ nghĩnh
của trẻ em với: “Con voi bé nhỏ, con ve kềnh càng, con báo lù lì, con rùa vĩnh
cửu”. Trong thế giới đó, còn tràn ngập những hình ảnh biểu trưng của thế giới
Phật giáo như chục tầng trời, ngọn thác, quả chuông… Thoát ra khỏi thế giới trẻ
thơ, nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc, tâm trí Nguyễn Bình
Phương cũng dạo qua “mảnh đất thiền”. Nói về đồng đội, anh cho rằng: Đứng nhắc
những đường lê bỏng cháy/ Vết thương đã trút lại cõi trần/Đừng khói hương nhiều
làm họ lẫn/ Bình yên đâu cần bóng bồ đề/ Họ là cây bồ đề mênh mông không tuổi.
ý thiền không chỉ nằm trong những hình ảnh cõi trần, khói hương, bồ đề mà hiển
lộ rõ ràng trong cái tứ: Chuyện xưa qua cũng đã qua, những người lính năm xưa với
những gì đã cống hiến, bản thân họ đã thành Phật cả rồi nên không cần phải “tô
vẽ” gì thêm. Nhiều lúc sự ồn ào quá mức của người sống lại đi ngược lời Phật dạy:
Quan trọng là bình yên trong tâm hồn - điều quan trọng ngay cả với những người
đã khuất.
Hướng suy tưởng vào bản thân, trút bỏ những tạp niệm trong
lòng, Nguyễn Bình Phương tự thấy: Những ham muốn thời trẻ trung cũng mất. Cao
hơn, anh muốn trút bỏ trên bề mặt thể xác, cắt đứt nó với thế giới vật chất. Đầu
tiên, anh rũ bỏ mình khỏi chiều dài đằng đặc đến vô cùng của thời gian: Anh vứt
bỏ đồng hồ/ Và thành người ngoài cuộc. Kế tiếp, anh tách mình khỏi cái vô biên
của không gian. Không gian thực tại với anh giờ cũng như mơ, thấp thoáng chút
Trang tử trong đó: Không phân biệt/Ngủ bên ngoài mái hiên hay ngủ trong lòng mẹ/Đâu
cũng là giấc mơ. Tách mình ra khỏi thế giới vật chất, bình thản nhìn nhận lại bản
thân mình, anh nhận thấy Ta lớn lên bởi kiếm tìm/Giờ kiếm tìm cũng cũ rồi.
Nguyễn Bình Phương triết luận về sự sống một cách nhẹ nhàng
như: ốm là bước qua nghịch lý/ Về thiếp trong những nét nhòa/ Kẻ dừng lại kia vừa
giật mình chạnh nghĩ/ Tuồng như sống cũng chỉ là rơi. Tứ thơ Tuồng như sống
cũng chỉ là rơi gợi nên trong tôi sự tích về sự đốn ngộ của đức Phật khi Ngài
nhìn thấy hòn đá lăn xuống vực vỡ ra thành từng mảnh mà thấu hiểu đạo lý ở đời.
Nhận chân giá trị sự sống, Nguyễn Bình Phương hướng suy nghĩ đến những miền
siêu tưởng: Sông Hồng đê mê hóa một nén hương/ Dẫn ý nghĩ về nơi không thể biết.
Sông Hồng thành nén hương là một phép liên tưởng độc đáo. Sông Hồng lúc uốn lượn
quanh co, lúc vươn mình xuôi thẳng. Nén hương thân thẳng đứng nhưng khói từ đầu
hương uốn lượn mong manh khó nắm bắt. Sông Hồng đi vào tâm thức người Việt như
một thành tố văn hóa vĩnh hằng. Nén hương là một trong những biểu tượng của đời
sống tâm linh. Nhìn sông Hồng chảy con người ta thấy được cái vô biên của trời,
cái vô định của đất, cái vô cùng của lòng người. Nhìn nén hương cháy con người
ta thấy được cái mong manh của kiếp người, cái mênh mang của lòng người và tiếng
vọng thầm thĩ bền chặt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con sông và nén
hương tưởng chừng như xa nhau cả thế giới nhưng hóa ra lại có những nét tương đồng.
Nguyễn Bình Phương quả rất tinh tường mới nhận ra được những nét tương đồng ấy.
Sau cùng, một Nguyễn Bình Phương thiền tụ lại ở hình ảnh: Giữa
mê trận những con mồi/ Giữa chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi/ Một người một
chiếc cần câu buông lơi. Nói theo cách nói của Hoài Thanh khi nhận xét về cánh
cò trong thơ Vương Bột và cánh cò trong thơ Xuân Diệu thì từ hình ảnh Cô chu
thôi lạp ông/ Độc điếu hàn giang tuyết của Liễu Tông Nguyên đến hình ảnh Giữa
chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi/ Một người một chiếc cần câu buông lơi
của Nguyễn Bình Phương có khoảng cách cả thế hệ ngàn năm. Quang cảnh xung quanh
Liễu Tông Nguyên tinh lặng đến đìu hiu quạnh quẽ với chim bay hết, tuyết đầy trời,
không bóng người qua lại, quang cảnh xung quanh Nguyễn Bình Phương đầy sự nhốn
nháo, xô bồ của thế giới hiện đại đầy rẫy những tham, sân, si. Trong Giang tuyết,
cảnh – thân – tâm tất cả đều tĩnh lặng, hợp nhất với nhau tạo nên sự yên tĩnh
tuyệt đối. Liễu Tông Nguyên dùng cái tĩnh của cảnh để gợi cái tĩnh của tâm, còn
Nguyễn Bình Phương dùng cái động, cái gian hiểm của cảnh để gợi cái tĩnh, cái
thanh thản của tâm.
Vậy phải chăng Nguyễn Bình Phương đã đạt tới cõi thiền? Chưa
đâu, theo tôi Nguyễn Bình Phương mới chỉ chạm “sơ sơ” đến thiền mà thôi. Tâm hồn
anh hãy còn động lắm. Động qua hai chữ buông lơi, đặc biệt là chữ lơi. Âm đầu
“l” ấy gợi nên cho chúng ta một trường liên tưởng từ đến những lả lơi, lưu luyến,
lả lướt… hàng loạt tính từ gợi cảm giác về một sự dùng dằng, không dứt khoát.
Đúng thế, Nguyễn Bình Phương vẫn còn luyến tiếc cuộc đời, luyến tiếc những thú
vui trần thế lắm.
Vì luyến tiếc cuộc đời, nên Nguyễn Bình Phương rất lo lắng cho sức khỏe bản thân. Mới ốm đau một chút, anh đã cất lời kêu than: Bệnh tật đã cất lời của nó/ Mi thấy những muộn phiền trên tóc ta không? Rồi anh thấy lạnh, một biểu hiện của tuổi già, mong muốn một chút ấm áp, những biểu hiện của nỗi sợ tuổi già, sợ cái chết: Mình ngờ ngợ thời gian rất lạnh/ Chấm một dấu chấm than đỏ quạch/ Chờ xem ấm tới bên nào.
Vì luyến tiếc cuộc đời, nên Nguyễn Bình Phương rất lo lắng cho sức khỏe bản thân. Mới ốm đau một chút, anh đã cất lời kêu than: Bệnh tật đã cất lời của nó/ Mi thấy những muộn phiền trên tóc ta không? Rồi anh thấy lạnh, một biểu hiện của tuổi già, mong muốn một chút ấm áp, những biểu hiện của nỗi sợ tuổi già, sợ cái chết: Mình ngờ ngợ thời gian rất lạnh/ Chấm một dấu chấm than đỏ quạch/ Chờ xem ấm tới bên nào.
Và khi ánh mắt Nguyễn Bình Phương “hấp háy” liên tục
lúc bắt gặp một cô gái “dáng hiền hiền xinh xinh” xuất hiện trong bệnh viện nơi
anh nằm thì chúng ta biết rằng anh còn cách thiền một khoảng cách xa lắm.
Nguyễn Bình Phương vẫn đủ tỉnh táo để nhận thức về vòng lợi
danh và quan hệ với bản thân mình. Một nhận thức rất “kỳ”, rất đúng chất con
người anh Nguyễn Bình Phương: Một cái chức không đâu bỗng vỗ nên thành biển/ Biển
xanh đen vây cá mập giương buồm/ Đêm đảo cánh xoay muôn đường ngàn hướng/ Sáng
ra hoa đại rụng ơ hờ… Hãy vung tay vẽ, mình ạ, nét bập bùng của lửa/ Kẻo cái chức
nhì nhằng vẽ bậy xuống đời ta thì chúng ta biết giữa sợi dây ràng buộc anh với
cuộc đời này hãy còn bền chặt lắm. Nguyễn Bình Phương chưa thể thoát tục được.
Quan trọng hơn cả khi trong Nguyễn Bình Phương vẫn còn những
dằn vặt, tự vấn về nghề như thế này: Đứng dậy, sũng ướt, đi rồi tự hỏi/ Viết là
tìm thấy hay đánh mất - Sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn và vẫn còn niềm
cảm hứng dạt dào: Chưa kịp vắng/ Đã lại rào rạt chữ thì anh vẫn còn nặng tình với
cuộc đời, với văn chương lắm. Nặng tình như vậy sao mà thiền nổi.
Những xúc cảm mang dấu ấn thiền của anh ở trên xét cho cùng
chỉ là những phút lắng đọng của một hồn thơ “tinh quái” đang bước vào giai đoạn
“phát hiện lại chính mình” mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét