Những ngày đầu năm mới, tôi tự thưởng cho mình một chuyến du
xuân lên với vùng biên Mường Lát để được hít hà cái tiết trời trong lành của
núi rừng, hòa mình cùng những lời ca tiếng hát trong những ngày hội xuân. Dừng
chân ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi nơi sinh sống của 55 hộ dân đồng bào dân tộc Dao,
tôi may mắn được hòa chung vào không khí rộn ràng của những điệu nhảy, lời ca
tiếng hát của những chàng trai cô gái trong bản giữa tiết trời xuân ấm áp. Trên
mỗi gương mặt người dân ở Hạ Sơn đều ánh lên niềm vui về những đổi thay trong
cuộc sống và lời cầu chúc một mùa xuân mới no đủ.
Bản Hạ Sơn nằm dọc tuyến Quốc lộ 15C với những ngôi nhà truyền
thống của người Dao đỏ nằm san sát nhau xen lẫn những ngôi nhà được xây dựng
theo lối kiến thức hiện đại là minh chứng cho một Hạ Sơn đang dần “thay da đổi
thịt”. Tôi gặp lại ông Triệu Văn Lĩu trong đám đông đang reo hò, nhảy múa, từng
là nhân vật trong bài viết của tôi về gương một nông dân làm kinh tế giỏi. Vẫn
cái bắt tay thân tình và nụ cười hiền hậu, ông Lĩu kéo tôi hòa vào đám đông những
chàng trai cô gái mặc trang phục truyền thống đang ca hát và nhảy múa.
“Đầu xuân năm mới chúng ta hội tụ quê nhà, chúc Tết chúc tuổi,
mừng xuân mới. Chúc các bạn ai ai cũng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn, thắng lợi
hơn mọi năm”. Đó là lời bài hát mà ông Lĩu và thanh niên trong bản hát cho nhau
nghe, hát tặng những vị khách phương xa khi đến với bản làng trong những ngày đầu
xuân.
Ông Lĩu bảo: “Những ngày đầu xuân bản mình thường tổ chức
ngày hội xuân cho bà con trong bản. Mọi người sẽ cùng nhau uống rượu, ca hát,
nhảy múa và chúc nhau một năm mới sức khỏe, mùa màng bội thu”. Đó cũng là cách
để người dân Hạ Sơn gắn kết với nhau trong lời ca tiếng hát và chén rượu thơm nồng,
để được nghiêng ngả cùng núi rừng, quên đi những vất vả và những điều không may
mắn của năm cũ, để cầu chúc cho một mùa xuân mới no ấm hơn.
Bên ngôi nhà khang trang nằm ven con đường lớn trải nhựa bằng
phẳng, ông Triệu Văn Lĩu kể cho tôi nghe về cuộc di cư lịch sử của người Dao để
có một Hạ Sơn hôm nay. Cách đây hơn 20 năm, được sự vận động của Ban định canh
định cư huyện Mường Lát và cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi, một số hộ dân ở bản Pù
Quăn đã di cư xuống vùng đất thấp hơn để sinh sống, thành lập nên bản Hạ Sơn.
Những cô gái người Dao sặc sỡ trong
trang phục truyền thống
cùng nhau đi chơi xuân.
Trước đây hơn nửa thế kỷ, đỉnh Pù Quăn cao ngất là nơi sinh sống
của 72 hộ dân đồng bào dân tộc Dao. Họ di cư từ những bản người Dao khác trên địa
bàn huyện Mường Lát về nơi có những ngọn núi cao, khe nước mát lành để canh tác
nương, rẫy. Để đến được Pù Quăn không có con đường nào khác là phải đi qua những
núi cao, vực sâu. Địa hình hiểm trở, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại khiến cho
cuộc sống của họ cứ mãi luẩn quẩn trong cái đói. Thêm vào đó, những đỉnh đồi chỉ
tràn ngập cây Anh Túc chẳng còn chỗ cho cây lúa, cây ngô đâm chồi nảy lộc.
Trăn trở trước những khó khăn của đồng bào, những người lính mang quân hàm xanh ở Pù Nhi ngày ấy đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương tuyên truyền, vận động đồng bào Pù Quăn chuyển xuống sinh sống ở khu vực hai bên đường Tỉnh lộ 217 (nay là Quốc lộ 15C), nằm giữa trung tâm xã Pù Nhi và huyện Mường Lát, lấy tên bản là Hạ Sơn. Tên bản đánh dấu của một cuộc di dân lịch sử giúp cho người Dao đỏ có cuộc sống đổi thay như hôm nay.
Trăn trở trước những khó khăn của đồng bào, những người lính mang quân hàm xanh ở Pù Nhi ngày ấy đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương tuyên truyền, vận động đồng bào Pù Quăn chuyển xuống sinh sống ở khu vực hai bên đường Tỉnh lộ 217 (nay là Quốc lộ 15C), nằm giữa trung tâm xã Pù Nhi và huyện Mường Lát, lấy tên bản là Hạ Sơn. Tên bản đánh dấu của một cuộc di dân lịch sử giúp cho người Dao đỏ có cuộc sống đổi thay như hôm nay.
Sau hơn 20 năm xuống núi xây dựng cuộc sống mới, đến nay bản
Hạ Sơn đã có 55 hộ, 236 nhân khẩu. Cánh rừng trồng 135 ha vẫn từng ngày xanh tốt,
3 ha lúa nước 2 vụ, hơn 1.500 con gia súc gia cầm đã mở ra hướng phát triển
kinh tế cho người dân Hạ Sơn trong những năm qua. Điều đặc biệt, người dân tộc
Dao ở Hạ Sơn còn có nghề gia truyền bốc thuốc chữa bệnh. Những bài thuốc nam được
các bà, các mẹ truyền lại cho nhau từ đời này qua đời khác đã giúp chữa bệnh cứu
người và mang lại thu nhập cho người dân trong bản.
Các chàng trai cô gái người Dao cùng nhau
nhảy múa trong ngày
hội xuân của bản làng.
Một mùa xuân mới lại về, sau những lời ca tiếng hát và lời
chúc mừng thì người dân ở Hạ Sơn lại trở về với cuộc sống đời thường bên nương
ngô, cây lúa. Những thửa ruộng lúa nước hai vụ đang được bà con gieo
cấy. Các bà các mẹ và cô gái trong bản lại cần mẫn thêu thùa những bộ quần áo
truyền thống kịp sửa soạn cho đám cưới đầu xuân. Màu xanh của những nương ngô,
thửa ruộng lúa nước, cánh rừng xoan lát bạt ngàn và cả những ngôi nhà khang
trang kiên cố nằm dọc Quốc lộ 15C là minh chứng cho một Hạ Sơn đang khởi sắc.
Mùa xuân mới ở Hạ Sơn thêm rộn ràng hơn trong lời ca tiếng hát và những đổi
thay từng ngày trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây.
Linh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét