Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Chữ tín đã nói thì phải làm, món lợi trước mắt chớ có ham

Chữ tín đã nói thì phải làm, 
món lợi trước mắt chớ có ham

Cổ ngữ có câu nói rằng: “Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người”. Vậy làm người như thế nào? Con người cần phải có những tố chất nào để trở thành ‘Con Người’ chân chính, làm nền tảng cho thành công, thành tựu sự nghiệp? Người xưa đã đúc kết ra một số phép tắc cơ bản rất đáng để chúng ta tham khảo.
Trong cuộc sống và sự nghiệp khó tránh khỏi phải đối diện với những lời đồn thổi. Người có tầm nhìn thoáng đạt sẽ không để lời đồn thổi ảnh hưởng đến mình, nhưng nếu có tin đồn, thêu dệt ác ý cố tình hãm hại mình, hoặc làm tổn hại đến uy tín, sự nghiệp của mình thì xử trí thế nào? Nhất là lời nói dối trá đó lại được kẻ đại ác, đại xảo trá, lại giỏi hùng biện tạo ra thì quả là không dễ đường xử lý.
Khi gặp trường hợp này thì hãy tìm đến một bậc có trí tuệ uyên bác, có đức hạnh xử lý giúp, vì chỉ họ mới đủ khả năng đủ tài trí và đức độ để vạch rõ trắng đen, lập lại kỷ cương.
Khi Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão, Tử Cống không hài lòng chất vấn Khổng Tử: “Thiếu Chính Mão là người hiển đạt nước Lỗ, Phu tử mới bắt đầu làm chính trị đã giết ông ta, phải chăng là không được thỏa đáng?”
(Ảnh minh họa: sadibey.com)
Khổng Tử nói:
“Kẻ đại ác có 5 loại, những kẻ trộm cướp lớn nhỏ đều không nằm trong số ấy.
Thứ nhất là: Tâm thông đạt mà nham hiểm.
Thứ hai là: Hành sự quái dị lại ngoan cố.
Thứ ba là: Nói giả dối lại ngụy biện.
Thứ tư là: Ghi nhớ những cái xấu ác lại biết nhiều.
Thứ năm là: Tán đồng những sai trái và tô vẽ chúng lên.
Trong 5 loại đại ác này, chỉ cần có một loại trong đó là cần phải xử tử rồi, mà Thiếu Chính Mão lại có đủ 5 loại đại ác đó. Do đó ông ta đến đâu cũng có thể tụ tập bè cánh đông đảo, gieo rắc tà thuyết mê hoặc lòng người, bài xích chính Đạo, lấy tà làm chính, mà lại có thể biện giải được thuyết của hắn. Đây là kẻ kiệt hùng trong đám tiểu nhân, không thể không giết”.
Người mưu sự nghiệp thì đều lấy chữ tín làm đầu, nhất là đối với người kinh doanh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thay đổi, hoặc do một phút hưng phấn, có thể có những quyết định không lý trí, đã nói ra rồi thì làm thế nào? Giữ chữ tín làm đến cùng bất chấp rủi ro cá nhân hay xin lỗi lỡ lời?
Năm 1898, ở một quán rượu bên sông Rohne nước Pháp, ông chủ Doland tình cờ gặp hai anh em du khách người Anh. Họ cùng nhau uống rượu vui vẻ. Rượu ngà ngà, họ có làm cam kết như sau: “Ông chủ Doland bỏ ra 1.000 franc giúp anh em nhà Gaino mở xưởng bánh mì, sau khi xưởng đi vào sản xuất, mỗi tuần anh em nhà Gaino phải cung cấp miễn phí cho ông chủ Doland 50 pound (khoảng 22 kg) các loại bánh ngọt”.
Mọi người ai cũng cho rằng ông chủ Doland do men rượu mới cam kết ‘lạ đời’ ‘vung tiền qua cửa sổ’ như thế này.
Thế nhưng đến tận ngày nay, sau hơn 100 năm trôi qua, công ty bánh mì anh em Gaino là một trong những nhà cung cấp bánh mì, sản xuất mấy trăm loại bánh mì, bánh ngọt lớn nhất miền nam nước Pháp. Mà hiện nay, công ty Gaino vẫn tuân thủ thỏa ước đã ký kết năm xưa, mỗi tuần đều cung cấp miễn phí bánh ngọt lên tới vạn pound (khoảng 4,5 tấn) cho một nhà cung cấp đồ ăn Tây do hậu duệ của ông chủ Doland kinh doanh.
Một cam kết lúc rượu hưng phấn, cũng chẳng có thời hạn, mà ông chủ Doland và con cháu 2 du khách người Anh kia đều nghiêm túc thực hiện hơn 100 năm nay. Đây là thương vụ kinh doanh mà cả 2 bên đều lãi lớn, tuy có vẻ như ‘bị thiệt’ nhưng họ lại giành được ‘chữ tín’ được giới thương nhân kính trọng nên kinh doanh rất phát đạt.
Một cam kết lúc rượu hưng phấn, mà con cháu 2 du khách người Anh và ông chủ Doland đều nghiêm túc thực hiện hơn 100 năm nay. (Ảnh minh họa: DKN)
Trong cuộc sống trăm công nghìn việc, xử lý công việc thế nào tốt hơn? Trước một sự việc thường có 2 cách làm: Một là dốc sức mau chóng làm xong việc này rồi còn làm việc khác, hoặc mau chóng thấy có được kết quả; Cách thứ 2 là cứ tuần tự theo trình tự làm bước nào chắc bước ấy, đến cuối mới thấy được kết quả. Vậy cách nào có hiệu quả hơn?
Có một lần, học trò của Khổng Tử là Tử Hạ được phái đến một địa phương của nước Lỗ để làm quan. Trước khi đi, Tử Hạ đến thăm hỏi Khổng Tử và thỉnh giáo ông về việc cai trị.
Tử Hạ hỏi: “Thưa thầy! Con xin hỏi thầy, làm thế nào để cai quản tốt một địa phương?”.
Khổng Tử trả lời: “Chớ muốn mau chóng, chớ nhìn cái lợi nhỏ. Muốn mau chóng thì không đạt, nhìn cái lợi nhỏ thì việc lớn không thành”.
Câu nói của Khổng Tử chính là, làm một việc gì đừng mong cầu mau chóng, đừng ham muốn cái lợi nhỏ. Làm việc mà cầu mau chóng thì sẽ không thành công, không đạt được mục tiêu. Người ham muốn cái lợi nhỏ thì sẽ không làm thành được sự nghiệp lớn.
Hiện nay nhiều người làm việc cho người khác, cho ông chủ, công ty thì chỉ làm vừa sức, vừa mức đạt được là được rồi, còn việc của mình thì mới dốc hết tâm sức. Cũng có người thì khi có người khác hoặc lãnh đạo có mặt thì toàn tâm toàn sức làm, nhưng khi không có ai thì lại làm qua quýt cho xong hoặc trốn việc.
Nghề nghiệp có thể tạo nên vị thế cho một người, nhưng thái độ đối với công việc, trách nhiệm đối với người khác mới tạo lên phẩm cách và giá trị của con người.
Tăng Tử nói rằng: “Mỗi ngày phải ba lần tự kiểm điểm bản thân, xem có hết sức mà làm những việc người ta giao phó hoặc nhờ cậy không? Có giữ được sự tín nghĩa với bạn bè hay không? Có ôn tập những gì mà thầy đã dạy không?”
(Nguyên văn: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?)
Nghề nghiệp có thể tạo nên vị thế cho một người, nhưng 
thái độ và trách nhiệm mới tạo lên phẩm cách 
và giá trị của con người. (Ảnh minh họa: Epoch Times)
Tấm gương lớn nhất có được sự nghiệp thành công vĩ đại nhờ sửa mình chính là vua Thuấn.
Mẹ Ngu Thuấn không may qua đời từ khi Thuấn còn nhỏ tuổi. Sau đó phụ thân tái hôn, mẹ kế là một người không có đức, sinh em trai là Tượng. Cha Thuấn không những chỉ yêu thương mẹ kế và em trai, ba người họ lại còn thường liên kết lại ức hiếp Thuấn.
Nhưng đối với cha mẹ, Thuấn vẫn luôn luôn vô cùng hiếu thuận. Mặc dù phụ thân, mẹ kế và em trai đều coi Thuấn như cái gai trong mắt, muốn trừ bỏ, nhưng Thuấn vẫn cung kính hiếu thuận cha mẹ, yêu thương em trai, dốc hết sức mình làm cho gia đình hòa thuận êm ấm, cùng hưởng niềm vui gia đình với họ.
Vua Thuấn. (Ảnh: Wikipedia)
Khi còn nhỏ, Thuấn bị cha mẹ mắng mỏ, suy nghĩ đầu tiên trong tâm là: “Nhất định là mình có chỗ nào làm không tốt mới khiến cha mẹ tức giận”. Thế là ông càng cẩn thận kiểm điểm lại lời nói việc làm của mình, nghĩ cách để cha mẹ vui. Khi bị em trai ức hiếp vô lý, Thuấn không những không vì thế mà phẫn nộ, trái lại ông cho rằng là do ông chưa làm được tấm gương tốt mới khiến đức hạnh em trai có những khiếm khuyết. Ông thường xuyên tự khiển trách mình sâu sắc, có lúc thậm chí còn chạy ra cánh đồng khóc lớn, tự hỏi tại sao mình không thể làm được tận thiện tận mỹ, để cha mẹ vui lòng. Mọi người thấy ông nhỏ tuổi đã có thể hiếu thuận hiểu biết như vậy, không ai không cảm động sâu sắc.
Nhờ khéo tự sửa mình, Thuấn đã trở thành người nổi tiếng hiền năng đức hạnh, được mọi người tiến cử với vua Nghiêu, sau còn được vua Nghiêu nhường ngôi cho.
Thế nên có câu thơ rằng:
Chữ tín đã nói là phải làm,
Món lợi trước mắt chớ có ham.
Làm việc cho người trung trên hết,
Sửa người trước hết hãy sửa mình.
Nam Phương
Theo https://www.dkn.tv/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...