Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Người gánh nắng


Người gánh nắng
Viết thay lời tựa
Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn khi viết về chùa chiền ở Khánh Hòa đã có những nhận xét là Khánh Hòa có lẽ là tỉnh nhiều chùa hơn tất cả các tỉnh Miền Nam Trung Việt và chùa có mặt hầu hết trên khắp xã phường trong tỉnh. Các tổ khai sơn đều là người Việt, phần nhiều có sự nghiệp để lại cho đời.
Như chùa Linh Sơn tại thôn Hiền Lương huyện Vạn Ninh có ngài Hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư, lập chùa năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) và để lại câu chuyện ngồi tu thiền dưới cây Kén bên cạnh có một con hổ đến tìm nơi sinh nở, tự nhiên.
Tại huyện Ninh Hòa có Hòa thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo, tổ khai sơn chùa Thiên Đức. Người đương thời gọi ngài là Hòa thượng Đò vì ngài đã ra công làm  một cây cầu để dân làng sử dụng tránh đi đò nhiều phiền phức. Đồng thời ngài cũng ra công đào một cái giếng nước trên đồi cho dân trong vùng Bình Tây vốn là vùng gần biển và ruộng muối nên thiếu nước ngọt để uống. Nước giếng rất ngọt và không bao giờ cạn. Để nhớ ơn, nhân dân gọi giếng là Giếng Thảo. Sống với ngài còn có đôi cọp mun rất hiền từ với muôn loài.
Cũng tại huyện Ninh Hòa có chùa Thiên Sơn, tổ khai sơn là ngài Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn. Hòa thượng thường đi vân du vài ba tháng mới về chùa một lần, có khi về mà không vào chùa chỉ ngồi thiền ở cổng tam quan rồi lại ra đi. Việc ăn uống rất đơn sơ: chỉ một vốc cơm khô, một nắm lá cây cũng đủ một bữa. Khi mẹ mất, nhà sư đến ngồi thiền định bên mộ, giữa đất trời, suốt một năm tròn. Sau đó lại vào núi Chí Tôn ngồi kiết già rồi tịch trên tảng đá cao, người khô cứng như một  gốc cây khô.
Tại Nha Trang, chùa Hải Đức có vị Đại sư Bích Không, pháp danh Trừng Đàn đậu Tú tài năm 1918, trải qua nhiều năm khó khăn cực nhọc mới khởi công xây dựng chùa trên Hòn Trại Thủy. Khởi công năm 1943 và hoàn tất năm 1945. Trước đó Đại sư phải bôn ba đi tìm khắp tỉnh để chọn địa điểm cho cảnh thiền môn vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hành nguyện đại thừa.
Tại Diên Khánh cũng có những ngôi chùa có rất nhiều kỳ tích đáng ghi, như chùa Vạn Thiện với câu chuyện của ngài Thiện Khoáng, chùa Thiên Lộc với sự tích Bà Sáu, chùa Linh Quang với chuyện ngài Nhơn Nguyện, xuất gia lúc 9 tuổi, hơi tối dạ, trước tu ở chùa Kim Long (Ninh Hòa) sau vào trụ trì và trùng tu chùa Linh Quang. Ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt đúng vào giờ ngọ nên có tên gọi là Hòa thượng Rau.
Còn rất nhiều ngôi chùa có nhiều sự việc đáng cho khách tham quan lưu tâm mỗi khi đến thăm viếng.
Riêng tại Nha Trang, cận kề một danh thắng là Hòn Chồng, có Hòn Đỏ là một hòn đảo hoang vu đầy cỏ gai và đá tảng, không có nước và bóng cây. Đây là một hòn đảo chết. Tuy nhiên vào năm 1960 lại có một nhà sư tìm lên khai thác đảo để lập chùa.
Trải qua nhiều năm tháng, cặm cụi lao động một mình nhà sư này đã gầy dựng thành một hòn đảo có màu xanh và một ngôi chùa nhỏ nhoi ẩn mình trong cây lá. Đó là chùa Từ Tôn và người xây dựng là nhà sư Thích Viên Mãn.
Khi in cuốn Xứ Trầm Hương (năm 1969) nhà thơ Quách Tấn chưa biết đến ngôi chùa này. Viết tiếp theo thân phụ, ông Quách Giao muốn ghi lại những công lao của một vị sư đã âm thầm tạo dựng một ngôi chùa trên một hoang đảo.
Những sự việc đã xảy ra, những tâm tư của người trong cuộc đều do nhà sư Thích Viên Mãn kể lại.
Hòn Đỏ hiện nay là một danh thắng của thành phố Nha Trang, trên đảo lại có thêm một ngôi chùa được một vị sư dày công xây dựng. Phải có những giờ phút đứng giữa nắng giữa khí nóng hừng hực của đá, chúng ta mới cảm nhận được nổi kham khổ của những tháng ngày lao động trên đảo và những gì ông Quách Giao ghi lại chỉ là những đường nét mong manh trong bức tranh thiên nhiên khắc nghiệt giữa trời bể thẳm xanh.
Cái nhan đề Người Gánh Nắng cũng chỉ đủ để gợi nên một chút trần ai, một niềm ý chí, trong cõi đời bao la bát ngát này. 
Nha Trang, ngày 10 tháng 10 năm 2006
Lê Triều Phương
Vào chuyện
Sư Viên Mãn đưa khách xuống bến đò vào lúc mặt trời vừa khuất non Tây.Trên vòm trời phía đông, rặng mây hồng đã chìm sau đầu dãy núi, để lại trên vòm trời ánh hồng rực rỡ đỏ thắm. Dãy đá nơi bến đò đỏ hồng, soi mình trên sóng nước. Sư Viên Mãn ngước nhìn ráng hồng và quay lại nhìn Phương nói nhỏ:
- Cậu hãy nhìn các hòn đá trên bến đò để nhận rõ là bóng sắc ráng hồng của trời chiều dường như đã nhuộm thắm bức tường đá này. Đứng bên kia bờ chúng ta sẽ thấy khi sắc mây hồng đã nhạt, bầu trời trở lại trong xanh, rồi tím thẫm thì vách đá nơi bến đò vẫn còn đượm sắc hồng  thắm. Có lẽ vì thế nên người dân trên bờ ngày xưa gọi hòn đảo nhỏ này là Hòn Đỏ chăng?
Khách lặng nhìn mặt nước biển màu xanh thẫm rồi nói cùng nhà sư:
- Kính thầy, theo như ý của con thì có lẽ Hòn Đỏ là tên xưa kia của các người đi biển làm nghề đánh cá, từ ngoài khơi đã lấy hòn đảo này làm mục tiêu để vào bến và vì đá trên hòn đảo có sắc đỏ nên họ gọi và luôn tiện đặt tên cho hòn đảo.
Sư Viên Mãn mỉm cười:
- Tôi cũng đã từng nghe như vậy. Nhưng đây là nói đến những người dân bên trong đất liền, không bao giờ bước chân lên thuyền ra biển. Họ hằng ngày ngắm nhìn hòn đảo này và trông vào sắc đá mà gọi tên.
Khách vui vẻ:
- Thế thì Hòn Đỏ là tên gọi của dân chúng nơi đất liền và ngoài biển khơi. Dù sao cũng là tên do người dân lao động nhìn cảnh thực tế mà gọi. Lâu thành tên chính thức trên giấy tờ.
Như vậy ta gồm cả hai lại thì hợp lý hơn. Người đi biển thì nhìn thấy sắc đỏ của đảo từ ngoài khơi như một ngọn hải đăng chỉ lối đường về. Người trong đất liền thì trông hòn đảo như kết tụ bóng ráng chiều hôm.
Sư Viên Mãn:
- Mô Phật, cậu có tâm hồn thi sĩ quá. Nếu như có người nhờ cậu đặt tên cho hòn đảo này theo ý thích của cậu thì cậu đặt như thế nào?
- Thưa thầy, con sẽ gọi đảo này là Đảo Ráng Chiều. Gọi như vậy là vị hòn đảo này khác với các hòn đảo khác trên vịnh Nha Trang. Các đảo khác khi về chiều có màu  xanh thắm phơi mình cùng với sóng nước thương man xanh lặc lìa của biển cả. Còn riêng hòn đảo này thì lại có sắc đỏ thật đặc biệt. Buổi sáng, nhìn từ phương đông, thấy sắc đỏ  hồng tươi, buổi chiều nhìn từ phương tây thấy màu đỏ lại càng thêm hồng thắm.
Câu chuyện trao đổi chưa xong thì thuyền đưa đò cũng vừa cặp bến. Từ tạ nhà sư xuống đò, khách ngẩng nhìn thấy phương tây màu trời đã sẫm tối. Và khi ngồi im trên đò khách lại nhìn thấy hòn đá lớn nhất trên bến đỏ au lên như một ngọn đuốc. Bóng nước hồng rung rinh. Bóng nhà sư lặng chìm vào bóng  xanh thẫm của cây lá.
Con đò lặng lẽ rời bến. Gió chiều thổi mạnh, sóng vỗ vào mạn thuyền làm nước  bắn lên tung tóe.
Một mình đứng lặng trên bến, sư Viên Mãn bỗng nhớ đến những ngày đầu tiên sư bước chân lên đảo này.
Đó là vào năm 1960.
Sư vốn người ở Phú Yên.
Quê hương
Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Tôi mất cha từ thuở ấu thơ. Mẹ tôi ở vậy, sống trong lam lũ, lao động cực nhọc để nuôi tôi.
Làng tôi cũng nghèo như những làng quê nằm ven chân núi. Núi ở quê tôi trùng trùng chạy dài đến chân trời song không có nhiều cây cao cổ thụ, không có nhiều rừng xanh rậm rạp. Làng tôi ít ruộng lúa mà lại nhiều gò cùng với những ngọn đồi trơ trọi, ít cây cao mà nhiều đá tảng. Đất phần nhiều là đất sỏi, thật là hợp với câu ca: “Quê hương tôi, đất cày lên sỏi đá”. Mỗi khi mưa đến thì đất lại nhão nhòe nhão nhoẹt mà khi có nắng lên lại khô cứng như kết chặt cùng nhau. Người ta thường gọi đó là đất da bò.
Tôi lớn lên trong nghèo khó. Thiếu cơm ăn và vải mặc. Nhưng nhờ ở tấm lòng yêu thương của mẹ tôi mà tôi đã vui vẻ sống hòa đồng cùng với các bạn đồng trang, đồng hoàn cảnh trong làng.
Ngay từ sáng tinh mơ, mẹ tôi đã ra đồng làm thuê cho hàng xóm. Đầu vụ mùa thì đi cấy, làm cỏ lúa. Đến ngày mùa thì đi gặt lúa. Không đúng vụ mùa thì lại đi xay lúa, giã gạo thuê. Nhờ các công việc này mà gia đình tôi có được miếng ăn, tuy không đầy đủ song khỏi phải vay mượn, thiếu thốn. May nhờ mẹ tôi không ốm vặt nên công việc làm thuê ít khi gián đoạn.
Nhiều buổi sáng khi tôi tỉnh giấc thì mẹ tôi đã ra đồng. Rửa mặt xong, tôi ngồi nhai  thong thả vài củ khoai lang mà mẹ tôi để sẵn trên bàn và chờ đợi tiếng hò reo kêu réo của bè bạn trong làng. Chúng tôi kết thành từng nhóm những bạn trẻ đồng tuổi và đồng tánh. Trẻ thơ thường đến với nhau khi có cùng chung một vài sở thích. Đá bóng, lội sông, chơi đá dế, thả diều là những thú chơi thường dễ dàng kết bạn thân với nhau. Chúng tôi đều là con nhà nghèo. Được sống cùng với thiên nhiên nên hòa hợp với nhau rất dễ. Buổi sáng hội cùng nhau tại sân đình làng để cùng chơi đánh bi, đánh đáo. Sân đình thường vắng vẻ nên rất thích hợp với tuổi thơ. Trẻ em trong làng chia làm nhiều nhóm: đi học, chăn bò, giữ em trông nhà. Nhóm bọn chúng tôi không được đi học, không có bò mà chăn, nhà lại trống trơn nên khỏi phải trông coi.
Nhóm đi học thuộc thành phần gia đình khá giả, cha mẹ có công ăn việc làm đủ sống nên cố gắng gởi con đến trường. Có đôi gia đình tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con theo học.
Nhóm chăn bò, phần đông là chăn bò cho gia đình hoặc chăn thuê cho các gia đình khá giả đã cho cha mẹ chúng công ăn việc làm và giúp đỡ chúng khỏi phải đi chơi. Nhóm này thường tụ hội trên một gò mả rộng, có ngôi miếu nhỏ nép mình dưới một gốc đa cổ thụ, tỏa bóng mát một vùng. Bò thì được thả ăn tự do còn bọn trẻ thì quây quần dưới tàn cây đa rậm mát. Chúng ít khi đánh bi mà lại đánh đáo, đánh trổng hoặc bịt mắt bắt dê,
Đánh đáo là cách đánh bằng các đồng xu thảy vào một cái lỗ to gấp đôi đồng xu, đứng cách lỗ vài ba bước dài ngắn tùy theo khổ người chơi. Cao thì đứng hơi xa, thấp thì đứng hơi gần. Dưới lỗ đáo là một vạch ngang dùng để giới hạn quyền ưu tiên sử dụng của người đang chơi. Thông thường chỉ có hai người chơi. Nếu nhiều người thì phải chia thành hai nhóm và lần lượt chơi theo thứ tự như chỉ có hai người. Trò chơi ban đầu hai bên dùng một đồng xu đứng cách xa lỗ đáo cùng ném vào lỗ. Khi đồng xu lọt được vào lỗ đáo thì được giành quyền ưu tiên, khi không ai ném vào được lỗ đáo thì phải đo xem đồng xu nào kề gần lỗ nhất thì được ưu tiên: khi cả hai cùng vào lỗ thì phải đi lại. Khi phân định ưu tiên xong thì các bên chơi đậu tiền lại, khi thì hai xu và có khi nhiều hơn tùy theo vốn của hai bên.
Cuộc chơi bắt đầu bằng người ưu tiên đứng xa ném tiền vào nơi lỗ đáo. Tiền xu nào chui vào lỗ thì được lấy ra thuộc về người chơi. Khi có tiền chui vào lỗ đáo thì người chơi được quyền lấy một đồng xu đặt bên mép lỗ đáo và dùng đồng chì (một mảnh chì hình tròn như đồng xu nặng nhẹ tùy theo người sử dụng) đánh văng đồng xu này mà không được chạm vào các đồng xu khác. Khi những đồng xu  không vào được lỗ mà nằm chồng lên nhau thì được gọi là tang, khi có hai đồng chồng lên nhau thì gọi là tang hai, khi có ba thì gọi là tang ba v.v... và ngưòi đang chơi được quyền dùng đồng chì riêng của mình ném cho những đồng xu chồng lên nhau rời nhau ra và không được chạm vào các đồng xu khác. Khi không có “tang” thì người đang chơi được đối thủ chỉ định: một là ném hòn chì vào lỗ, hoặc ném hòn chì trúng vào một đồng xu nào trên vạch ngang mà không được chạm vào các đồng xu khác.
Một đôi khi đối thủ bắt người chơi dùng hòn chì ném vào một đồng xu ở bên dưới vạch ngang để làm cho đồng xu này văng lên khỏi vạch. Những khi có nhiều đồng xu ở quanh miệng lỗ thì phần nhiều đối thủ đều bắt buộc người chơi ném chì vào lỗ mà không được chạm vào các đồng xu chung quanh. Khi thấy có nhiều đồng xu nằm khít vào nhau thì việc yêu cầu ném trúng một đồng nằm ở giữa sẽ nhất định xảy ra. Trong cuộc chơi nếu người đang chơi có sai phạm thì chỉ được hưởng những đồng tiền đã chui vào lỗ và phải nhường chỗ cho đối tượng cùng chơi. Khi chỉ còn có một đồng xu thì người chơi phải tìm cách ném đồng xu này vào được trong lỗ. Nếu không ném được thì phải theo lời đối phương làm theo một trong ba cách: một là dùng chì ném cho được vào lỗ, hai là ném cho trúng đồng xu còn lại, ba là phải ném cho văng lên đồng xu nằm dưới lằn vạch.
Trong cuộc chơi chia hai phe thì mỗi phe phải cử ra một “cao thủ” làm chủ và được đi đầu, tiếp đến là người của đối thủ và cứ thế lần lượt cho đến khi hết tiền. Các trận chơi phần nhiều tùy thuộc vào tay lành nghề và còn tùy thuộc vào hòn chì nữa. Hòn chì nặng thì thích hợp cho việc phá “tang”. Hòn chì mỏng thì thích hợp cho việc ném chì vào lỗ hay đánh trúng mục tiêu giữa đám tiền bao quanh. Tuy nhiên hòn chì lại tùy thuộc vào tay người chơi nghề: sự quen tay là căn bản trong công việc sử dụng hòn chì.
Cách đúc hòn chì cũng rất công phu. Nung chảy và đổ chì vào một cái khuôn làm bằng đất sét có một cái lỗ do một đồng xu được in sâu vào. Độ dày tùy thuộc vào người thích sử dụng. Đem chì nấu chảy đổ vào khuôn rồi đợi cho nguội đem đập vỡ ra và đem hòn chì ra mài nơi thềm gạch để có một hòn chì cạnh sắc, mặt láng. Nhờ hòn chì do sự khéo tay đúc mà nổi danh trong đám đánh đáo. Những trẻ đánh đáo “chuyên nghiệp” đều thèm muốn có được một hòn chì vừa đẹp, vừa hợp với lối đánh của mình. Đôi lúc trên hòn chì lại còn ghi tên chủ và ngày tháng đúc. Một đôi khi chúng phải dành dụm tiền để mua lại cho được hòn chì “lý tưởng”. Có lúc chúng lại trao đổi bằng hiện vật hợp với sở thích của nhau. Như trao đổi một con sáo ra ràng, một con chim cu mới nở hoặc một con cò trắng mới vừa bẫy được. Trong hoàn cảnh nghèo khó của tuổi thơ vẫn có những sự trao đổi vừa là tình bạn, vừa hợp theo sở thích.
Sau trò chơi đánh đáo là trò đánh trổng. Sân chơi trổng cần thoáng rộng. Thường là sân đình hoặc là một nổng gò rộng. Bộ trổng gồm có hai thanh gỗ dài ngắn khác nhau có đường kính to bằng ngón tay cái người lớn, đôi khi lớn bằng đầu ngón chân cái. Thanh dài có tên là trổng mẹ, dài độ 5 tấc, thanh ngắn gọi là trổng con, dài khoảng 1 tấc (có khi ngắn bằng 0,50 tấc). Đa số trổng đều làm bằng gỗ chà rang. Cây chà rang là một loại cây thân bao giờ cũng thẳng, thường hay mọc thành từng đám gần nơi suối nước. Gỗ chà rang được sắp vào hàng danh mộc. Vì có thân mọc thẳng và đầu đuôi bằng nhau nên được dùng làm cột kèo, rui mè cho những ngôi nhà tranh cao cấp. Một ngôi nhà có mái làm toàn bằng gỗ chà rang thì trông rất đẹp mắt vì thân thẳng và màu trắng ngà của thân cây đã bóc vỏ. Mối mọt cũng rất ít  xâm phạm vì gỗ cứng. Màu gỗ đậm sắc theo thời gian. Thân cây tròn láng và đồng đều từ đầu đến cuối nên có người lầm tưởng là gỗ được thợ bào đẽo kỹ lưỡng. Không gì thích thú bằng  buổi trưa hè cột võng nằm nơi hiên nhà trong cơn gió nồm hiu hiu thổi, tai nghe tiếng cu cườm gáy vọng từ bụi tre đầu vườn vẳng lại, mắt đăm đăm nhìn lên mái tranh ngắm những cây rui, cây mè, màu vàng như ngà voi, suôn đuột đan xen nhau thẳng tắp trên mái hiên nhà.
Người đi rừng thường gặp chà rang mọc thành từng đám. Cây cao, mọc thẳng vút và có thân lớn đường kính gần 0,50 mét. Thân cao có đến 4, 5 mét. Ngọn và gốc gần như bằng nhau. Vỏ cây chà rang rất mỏng, dễ lột khi còn tươi, để khô khó lột, màu gỗ luôn luôn có màu vàng ngà. Vì mọc thẳng nên chà rang ít có mắt nơi thân. Rừng chà rang trông giống như rừng bạch đàn, nhiều khi mọc rậm nhưng bao giờ cũng thoáng. Người đi chặt chà rang bao giờ cũng có hứng thú vì cây tuy cứng song lại dễ chặt và nhất là khi bó lại thành bó thì bó củi trông vô cùng thích mắt. Như là một bó lồ ô vậy. Tuy nhiên vì là gỗ quí nên chà rang rất nặng. Nhiều thợ rừng thường mất sức vì ham bó nhiều cây để vác về nhà. Vì là loại cây thẳng nên thường bị chặt ngay từ khi còn nhỏ nên rất ít khi có được các cây có thân lớn để làm cột nhà (hơn nữa là vì chỉ có màu trắng nên tuy là danh mộc song chà rang lại không được quí bằng gỗ trắc, gỗ lim v.v...) Cho nên đa số cây chà rang chỉ dùng để làm rui, mè cho đẹp  mái nhà mà thôi.
Ở thôn quê nhà thường là nhà tranh. Mái nhà, ngoài kèo và đòn tay ra còn có rui mè làm căn bản. Sau khi dựng cột kèo xong người ta thường bỏ đòn tay để làm sườn nhà. Xong đòn tay thì phải bố trí rui mè để dùng làm sườn mái lợp tranh hoặc rạ. Cây rui thường lớn bằng cổ tay, được xếp dọc trên nóc mái chỗ cây đòn dông gióng xuống, nằm gác trên các cây đòn tay được xếp nằm ngang. Cây mè thì nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng ngón tay cái là lớn nhất đặt nằm song song với các cây đòn tay cách nhau chỉ độ một gang bàn tay tùy theo độ lợp mái dày hay thưa.
Ngoài việc làm mái nhà, chà rang còn rất thông dụng làm vật dụng trong gia đình. Trước tiên là làm đũa bếp, đũa con để ăn cơm. Sớ gỗ chà rang vừa cứng vừa thẳng nằm theo hàng dọc thân cây nên rất dẻo, rất khó gãy. Hơn nữa vì thân thẳng nên dễ dàng vót thành đũa. Sớ chà rang gần giống như sớ của cây tre, cây cau (cũng thường dùng làm đũa ăn) Đũa chà rang màu vàng ngà ít bị đổi màu nên nếu biết gìn giữ thì có thể dùng đến 5, 10 năm mà vẫn còn tốt. Lựa một khúc gỗ chà rang có độ dài bằng chiếc đũa rồi dùng rựa chẻ ra làm nhiều cây nhỏ. Vì sớ gỗ thẳng nên đa số cây đều bằng nhau và việc vót cho tròn rất dễ dàng.
Ngoài việc làm đũa, gỗ chà rang còn dùng trong việc “khớp răng cối xay lúa”. Khi xưa, cối xay lúa là công cụ dùng hằng ngày của thôn quê. Cối xay lúa gồm hai tấm thớt chạy xoay trên nhau để làm hạt lúa được bóc vỏ. Hệ thống bóc vỏ gồm nhiều thanh gỗ nằm xuôi chiều. Thớt trên lưu động chung quanh một trục gọi là ngõng cối xay. Thớt dưới cố định. Khi thớt trên di động thì lúa trên lòng cối theo lỗ cối xuống đền các khe trống của thớt và được các răng gỗ này chạm vào nhau đủ làm cho vỏ lúa bóc ra khỏi hạt. Vì thế nên các thanh gỗ này thường hay mòn và xơ ra nên cần có độ cứng bền lâu. Xay lúa trong một thời gian thì “răng cối xay” mòn dần và lúa không còn được bóc vỏ đều đặn nữa, khi đó gọi là lúa xay bị sống. (nghĩa là nhiều hạt lúa còn nguyên). Khi ấy cần phải thay răng cối xay. Và gỗ chà rang thường được đem ra sử dụng. Đất dùng trong lòng cối thường là loại đất sét lấy ở các đụn gò mối (đất này có độ cứng cao). Dần dần theo năm tháng cối xay lúa đi vào quên lãng và  chỉ còn nhìn thấy trong các dịp triển lãm nông cụ cổ của nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong văn học sử có bài thơ Vịnh Cái Cối Xay của vua Lê Thánh Tôn:
Thóc lúa kho trời vẫn sẵn đầy
Tạc thành cái cối để mà xay
Thâu tàng châu ngọc tư mùa đủ
Chuyển vận âm dương một máy xoay
Đất phẳng nổi đùng cơn sấm động
Vừng to vung tóe hạt mưa bay
Đem tài xoay xỏa ra tay giỏi
Lợi dụng cho dân đủ tháng ngày.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng có bài thơ Cối Xay:
Khen con tạo hóa cũng tài thay
Khéo tạc nên hình cái cối xay
Tiếng nói ầm ầm như sấm động
Miệng cười răng rắc tựa mưa bay
Lưng đeo đai bạc trăm vành nặng
Dạ chứa lòng vàng một ngõng ngay
Lại có hai tai thông sáng cả
Gác ngoài danh lợi lắc đầu quay.
Chúng ta nhận thấy một nông cụ đã từng được một vị vua, một ông Nghè tam nguyên làm thơ ca tụng thì xứng đáng được người dân nhớ mãi dù tên tuổi đã bị thời gian vùi lấp.
Gỗ chà rang được dùng nhiều trong gia dụng và giới trẻ cũng đã dùng trong sinh hoạt vui chơi. Chúng thường lựa nơi các đống củi của gia đình để tìm cho được một khúc củi chà rang, thân to độ chừng ngón tay cái. Loại này thường thẳng từ đầu đến ngọn và rất dễ dàng phân biệt trong đám củi khô. Chọn xong cây gỗ chúng dùng mảnh chai chuốt sạch vỏ mỏng bên ngoài rồi dùng gang tay phân độ dài trổng mẹ và trổng con. Mẹ thường dài gấp 4 lần con. Một mẹ thường có 4 con vị cần dự bị nhiều lúc đánh mạnh trổng con có thể bay vào bụi rậm hoặc văng xuống ao, hồ. Chia như thế để  khi nạo vỏ xong  thì chỉ cần chặt cây chọn ra làm hai, một để làm trổng mẹ, một lại chặt ra làm 4 để làm trổng con (chia cây làm đôi là một cách làm đơn giản).
Có con trổng rồi thì cách chơi được tổ chức như sau:
Cách tại nơi đầu sân chơi một khoảng độ 1 mét khoét một lỗ dài khoảng độ 1 gang tay sâu 2 đốt ngón tay. Thường thì lấy độ dài của trổng con làm ni tấc. Lỗ dài và rộng đủ để đặt trổng con nằm vào gọn trong lỗ. Người chơi được chia làm hai. Một đứng cuối sân làm chủ, một đứng giữa sân chuẩn bị bắt trổng con. Nhóm chủ lần lượt theo từng người đặt trổng con nắm ngang miệng lỗ rồi dùng trổng mẹ hất mạnh trổng con ra bất cứ phía nào cốt để đối phương không đón bắt được trổng con. Phe đối phương phân phối người đứng thế nào để có thể đón chận bắt khi trổng con được hất văng ra. Nếu  không bắt được trổng con thì đối phương phải đứng tại nơi trổng con nằm yên dưới đất và ném mạnh trổng con thế nào để trổng con chạm đúng vào cây trổng mẹ được đặt nằm ngang trên miệng lỗ. Mỗi khi ném trúng thì cuộc chơi thay đổi chủ. Nếu ném không trúng thì giai đoạn 2 của cuộc chơi được thực hiện.
Giai đoạn 2 là đặt trổng con nằm xuôi theo trong miệng lỗ chỉ ló lên một phần đầu. Người chơi dùng trổng mẹ khẻ đánh cho trổng con văng lên khỏi miệng lỗ và dùng  trổng mẹ đánh văng trổng con, càng xa càng tốt. Khi đó đối phương đã sẵn sàng phân tán ra khắp sân để đón bắt trổng con. Đây là giai đoạn gay go và thích thú nhất của cuộc chơi. Bên chủ cố gắng đánh văng xa và khác hướng để đối phương không thể nào bắt được trổng con. Đối thủ cố gắng bắt cho được trổng con để ngăn không cho đối phương được thêm nhiều điểm. Có một điểm cần lưu ý trong giai đoạn chơi này: Một khi phe chủ đánh bật trổng con  lên khỏi miệng lỗ thì dùng trổng mẹ nâng nhẹ trổng con lên hai lần, một lần nâng, một lần đánh ra xa. Nếu làm được như vậy thì  số điểm sẽ được tính bằng số đo trổng con (chớ không phải trổng mẹ) từ chỗ rơi đến miệng lỗ. Nếu khi nâng mà trổng con rơi xuống ngay thì chỉ được coi như đã đánh một lần và chỉ dùng trổng mẹ để đo. Đa số đều nằm gần miệng lỗ nên nếu không được một khoảng cách bằng trổng mẹ thì thay đổi chủ chơi.
Phần nhiều các thành viên đều dùng cách đánh ngay không qua khâu nâng thêm một lần (cho nó chắc gạo). Theo đúng luật chơi thì bên cầm trổng mẹ không được nhấc trổng mẹ rời khỏi miệng lỗ đợi đối phương ném trổng con về miệng lỗ và cố đánh văng trổng con ra xa. Khi trổng con chạm đất, khoảng cách tính theo số đo của trổng mẹ. Các đối thủ phân chia người đứng rải ra các hướng để đón bắt trổng con, mỗi khi trổng con bị đối phương đánh trúng văng ra xa. Khi bắt được trổng con thì cuộc chơi được đổi chủ. Sự đón bắt kỳ này khó khăn hơn lúc ban đầu vị  sức bay của trổng con khi này rất nhanh và không thể định được hướng như lúc ban đầu. Người ném trổng con cũng dùng đủ mưu mẹo để lừa phỉnh đối phương như nhá nhá để đối phương tưởng đã ném mà nhấc trổng mẹ lên để đánh trổng con, khi đó thì quan sát viên kịp thời hô hoán lên để xin thay đổi chủ chơi. Khi bị như vậy thì bên chủ phải thay ngay người chơi (đó là thủ đoạn để thay người đánh giỏi của đối phương) Tuy nhiên thủ đoạn này chỉ được chấp thuận có ba lần và đối thủ cũng phải được thay người.
Tục ngữ có câu:
Đánh trổng mang u
Đánh cù lỗ óc.
Câu tục ngữ này nói về sự tai hại của hai lối chơi. Mang u là bị u đầu vị cây trổng con có thể văng vào đầu khiến đầu có cục u. Còn đánh cù (là một cách chơi dùng gậy đành vào trái banh bằng trái bưởi hoặc bằng dây chuối quấn thành trái banh. Khi chơi gậy có thể đánh trúng nhầm đầu).
Chơi đánh trổng là một trò chơi dân dã không tốn kém và thích hợp với tuổi thơ nơi nông thôn. Nó luyện cho trẻ thơ sự nhạy bén của đôi mắt, sự nhanh tay và nhanh chân. Chơi trổng cũng cần đến sự chung sức chung lòng của tập thể, Sự phân công chiếm lĩnh các vị trí để đón bắt cây trổng con và sự khôn lanh khi hất cây trổng con thoát khỏi sự đón bắt của đối phương. Chơi đánh trổng gần giống như trò chơi đánh khúc côn cầu của Tây phương.
Dưới chân ngọn núi Cù Lao nơi mé biển có hai vợ chồng người dân chài sống lẻ loi một mình. Đó là vợ chồng anh Sáu Sài Gòn.
Anh Sáu quê ở Long An. Nhà nghèo phải đi làm thuê. Suốt năm tháng dầm mưa dãi nắng ngoài đồng mà vẫn không đủ miếng ăn. Muốn đổi đời nên anh lên Sài Gòn kiếm sống. Bươn chải giữa đô thị người khôn của khó, anh Sáu vẫn không có một công việc ổn định. Tình cờ anh quen biết với một cô gái người miền Trung vào Sài Gòn tìm việc làm sinh sống. Cuộc tình duyên của những người nghèo khó xảy ra đơn giản như bao cuộc tình duyên khác. Cùng một cảnh ngộ, cùng một cuộc đời, hai người quen nhau nhanh chóng. Ban đầu, hỏi thăm gia cảnh, hẹn nhau gặp gỡ ở công viên. Chủ nhật hoặc ngày nghỉ, đi Sở thú, xem chiếu bóng, rồi  trở thành thân nhau.
Sài Gòn có rất nhiều rạp chiếu bóng thường trực. Sáng bắt đầu chiếu từ 7 giờ. Trưa chỉ nghỉ có nửa giờ rồi tiếp tục cho đến 11 giờ khuya. Suốt cả ngày chỉ chiếu có một phim. Hết phim chỉ nghỉ có mười lăm phút rồi bắt đầu chiếu lại.Việc chiếu thường trực rất lợi cho người cần xem phim. Vào rạp lúc nào cũng được. Xem bao nhiêu lần trong một ngày cũng được. Có người ngồi luôn trong rạp từ sáng cho đến khuya. Nhất là ở những rạp có máy lạnh. Có thể vừa xem phim vừa ngủ trưa. Không muốn xem phim đứt đoạn thì vào ngồi ngủ đợi đến lúc bắt đầu chiếu lại coi luôn một thể. Rạp chiếu phim thường trực cũng là nơi tiện cho việc hẹn hò gặp nhau của đôi lứa trai gái cần một không gian tranh tối tranh sáng để được ngồi gần nhau. Đây là nơi tiện lợi cho những mối tình nghèo. Anh chị Sáu thân nhau nhờ những buổi xem phim thường trực ấy.
Cuộc sống gia đình tuy tạm yên ổn nhưng anh Sáu lại gặp phải một trở ngại lớn lao. Đó là anh đang ở vào tuổi thi hành quân dịch. Khi đó tuy thành phố Sài Gòn chưa có các cuộc truy quét rầm rộ để bắt lính nhưng có nhiều cuộc khám xét các cư dân trú ngụ bất hợp pháp thường xảy ra. Việc không có chỗ cư trú và ở vào tuổi quân dịch khiến vợ chồng anh Sáu sống thường trực trong sự lo âu. Cuối cùng vợ chồng anh Sáu quyết định ra Nha Trang sinh sống bằng nghề chài lưới. Cả ngày lênh đênh trên mặt biển thì việc bị bắt đi quân dịch có thể tránh khỏi. Nha Trang là quê hương của chị Sáu. Vợ chồng ban đầu tạm thời nương náu nơi nhà bà cô già góa bụa của chị Sáu. Bà Hai ở thôn Cù Lao. Thuở xưa bà có chồng làm nghề đi biển. Chồng theo thuyền ra khơi, vợ ở nhà đan lưới. Trong một ngày mưa bão, chồng bà mất tích giữa bể khơi. Tuy không con, bà vẫn ở một mình cho đến tuổi già. Khi gặp hai vợ chồng anh chị Sáu bà vui lòng nhận cho họ ở nhờ và coi như là con ruột. Bà bày cho chị Sáu nghề rổi cá. Đó là một nghề buôn bán cá tươi trực tiếp từ các ghe thuyền đi đánh cá từ bể Đông trở về. Từ sáng sớm “nội rổi “đã chờ sẵn nơi bến cá đợi thuyền về.
Chân trời vừa hửng sáng, mặt biển yên lành gợn đôi nét sóng lăn tăn. Nền trời màu xanh nhạt rồi ửng hồng. Mặt trời sắp nhô lên ở chân trời. Trên mặt biển đã xuất  hiện một vài chiếc thuyền đánh cá trở về. Khi mặt trời nhô lên khỏi mặt sóng thì đã có một đôi chiếc thuyền cặp bến. Thuyền về từ xa, người trên bờ đã nhận ra là thuyền của ai. Mỗi một con thuyền đều có một nét riêng, một dáng riêng, một cách điều khiển khi thuyền chạy, đều được nhiều người đón chờ trên bến phân biệt ngay từ lúc thuyền còn ở xa. Nhìn thuyền chạy chậm hay nhanh, nhất là thấy mạn thuyền thấp hay cao là họ biết ngay trúng cá hay không. Khi thuyền cặp bến, thuyền nào có bạn nấy. Bạn “rổi cá” đón  lấy các mẻ cá từ dưới thuyền chuyển lên rồi sau khi được chủ cá hay chủ thuyền dặn dò giá cả họ nhanh chóng đem cá ra chợ. Ngày trước phương tiện chuyên chở chưa đầy đủ như bây giờ, bạn “rổi cá” phải gánh cá chạy từ bến cá ra chợ có khi đường dài đến 10 cây số. Nay thì có xe ngựa, xe lam. Đôi khi được người nhà chở bằng xe Honda. Những thuyền không có bạn rổi bao mua thì có nhiều bạn hàng tranh mua. Trong lúc này tiếng cãi nhau, tiếng trả giá, tiếng cười nói chen lẫn với tiếng chửi thề khiến cho không khí chợ cá ồn ào náo nhiệt. Cho nên tục ngữ có câu:
“Ồn ào hối hả như chợ rổi cá ban mai”.
Đặc biệt chỉ có nhiều tiếng cãi cọ tranh nhau mà ít khi xảy ra sự việc đánh nhau. To tiếng, cãi cọ, nói tục, nói cạnh nói khoé như là thói quen hơn là ác ý. Cho nên khi mua được cá rồi thì mạnh ai nấy chạy vội đi chợ mà không một ai còn nhớ đến những cuộc cãi cọ tranh giành trước đó. Buổi sáng hôm sau trong lúc ngồi đợi thuyền cá về họ lại vui vẻ đùa giỡn cùng nhau, vui vẻ thắm thiết như bà con trong nhà.
Chị Sáu nhờ bà Hai chỉ bảo để theo nghề rổi cá. Tuy nhiên vì ít vốn và bản tính hiền lành nên sau một thời gian chạy rổi chị đành phải giải nghệ ở nhà học bà Hai nghề đan lưới. Anh Sáu vóc người nhỏ nhắn, sức khỏe yếu nên sau vài chuyến đi bạn anh cũng thôi việc, trở về đánh bắt cá ven bờ. Anh nhờ vốn bà Hai cho mượn sắm được một chiếc thuyền con, vài ba tay lưới. Buổi chiều anh chèo thuyền đi thả lưới rồi về nhà nằm đợi đến nửa khuya lại chèo thuyền đi thu lưới. Công việc tuy vất vả nhưng được tự do. Mỗi khi trời động hay mùa mưa bão thì đành phải nằm nhà ăn cơm với nước mắm. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng không nghèo hèn. Chị Sáu mỗi buổi sáng đem cá chồng lưới được bán ở chợ Cù Lao, trưa về lại tiếp tục nghề đan lưới. Hai vợ chồng trẻ sống bồng bềnh theo sóng nước trong niềm vui tự nhiên của một ngư dân.
Rồi một hôm, vợ chồng anh Sáu sau khi bàn với nhau đồng thưa với bà Hai xin cho ra ở riêng. Có hai lý do rất giản đơn, một là vì nhà bà Hai ở hơi cách xa bến bãi nên việc neo thuyền vì thiếu người trông coi nên thường bị người lạ tạm mượn thuyền chèo đi trong một vài hôm rồi bỏ thuyền nơi bến khác khiến anh Sáu phải đi tìm mất nhiều thời gian, hai là nhà bà Hai quá chật nên việc sinh hoạt trong nhà khó khăn.
Bà Hai vui vẻ chấp thuận và giúp thêm cho một ít vốn để hai vợ chồng ra bãi đá dưới chân núi Cù Lao, cận sát mé biển, cất một  túp lều bằng tranh. Nơi đây khi ấy chưa có đường đi rộng mà chỉ có một lối mòn ven chân núi để người dân qua lại sinh hoạt. Vùng này lại thiếu nước ngọt nên không một ai thích sinh sống nơi đây. Chỉ có đôi mái tranh đơn sơ che tạm để các ngư dân tạm trú trong những ngày đánh cá trong vùng.
Tuy thưa vắng người ở song hai vợ chồng anh Sáu sau khi cất lều xong lòng rất vui mừng vị từ đây hai vợ chồng đã có được một ngôi nhà riêng, một mảnh đất riêng và nhất là một nơi ở rất thuận tiện cho công việc sinh sống hằng ngày.
Ngôi lều tranh, vách lá, cửa phên, bên trong chỉ kê vỏn vẹn một cái giường tre nhỏ gọn và một cái bàn nhỏ bằng gỗ tạp cũ kỹ. Trên vách lá, chỉ có vỏn vẹn một tấm gỗ dùng làm bàn thờ, trên để một bình hoa bằng đất và một đèn dầu. Vào ngày rằm, mồng một, bình hoa có cắm hoa điệp, hoa sống lâu. Đôi lúc cũng có một nải chuối, một quả bưởi tùy theo mùa trái cây. Cẩn thận sợ hỏa hoạn nên một căn bếp nhỏ được cất cách xa lều chính.
Về nước tiêu dùng, chị Sáu phải hằng ngày đi gánh ở tận xóm Cù Lao, mỗi ngày một đôi. Khi cần giặt áo quần thì chị phải đem vào tận trong giếng thôn Cù Lao. Anh Sáu thì phải tắm bằng nước biển, chỉ có chị Sáu mới được tắm bằng nước ngọt. Lâu ngày thành thói quen. Nhiều đêm trời nóng nực chị Sáu theo anh Sáu ra tắm biển.
Trời mùa nóng màu trời như xanh thắm hơn, lòng trời cao hơn và trong suốt hơn, muôn vì sao lấp lánh như nhiều hơn, biển bao la và dịu hiền hơn. Con sóng đêm nhẹ nhàng ve vuốt trên làn da trắng muốt của chị Sáu khiến anh Sáu chợt nhận thấy rằng vợ mình tươi trẻ hơn mọi ngày. Nước biển ấm áp, gió biển ngọt ngào. Hai vợ chồng như sống lại những giờ hạnh phúc lúc mới gần nhau.
Cuộc sống êm đềm trôi qua, rồi một hôm chị Sáu bỗng nhiên cảm thấy khó chịu trong người, thỉnh thoảng lại buồn nôn khi ăn phải cá lạ. Chị đến nhà bà Hai  tỉ mỉ kể chuyện và được bà Hai vui mừng cho biết là chị đã có thai. Sau câu chuyện kể lại với chồng, chị Sáu thấy chồng chăm làm hơn trước, chèo thuyền đi thả lưới sớm hơn và niềm vui rỡ ràng trên nét mặt. Anh lại giành làm những công việc nặng nhọc hơn như là gánh nước, chặt củi v.v... Lời nói thường ngày có phần dịu dàng, âu yếm hơn. Chị Sáu ngày ngày vẫn ngồi đan lưới, bán cá, nấu cơm. Cuộc sống đơn giản, hồn nhiên như khí trời và gió biển.
Một buổi chiều anh Sáu thấy một người trẻ tuổi vóc người nhỏ nhắn, đứng nơi bãi cát gần mép biển, mắt đăm đăm nhìn ra Hòn Đỏ. Ban đầu anh tưởng là một du khách đi qua dừng chân đứng ngắm cảnh trời, mây, nước. Nhưng sau khi quan sát kỹ anh thấy dường như đây là một vị sư vì bộ quần áo màu nâu và có dáng đứng như quan sát nhiều hơn là thưởng cảnh.
Anh Sáu từ từ lại gần và gật đầu  mỉm cười với vị sư trẻ tuổi. Qua vài câu xã giao anh Sáu biết được danh tánh của nhà sư cùng với  tâm nguyện của nhà  sư mong muốn được ra  thăm Hòn Đỏ để khai hoang và lập chùa tu hành trên hải đảo.
Ráng chiều đang xuống nhẹ nơi phương Tây, nhuộm thắm đỏ bầu trời rực rỡ. Anh Sáu ngước nhìn những cánh mây đọng dưới chân trời:
- Thưa chú, mấy hôm nay biển động. Muốn ra thăm đảo phải đi vào buổi sáng sớm. Buối chiều sóng dâng cao khó vào được bến. Sáng mai chú cứ đến đây vào lúc rạng đông, tôi sẽ đưa chú ra thăm Hòn Đỏ.
-  Mô Phật, xin cảm ơn lòng hiếu khách của thí chủ. Đã từ lâu tôi đã có tâm nguyện là sẽ ra viếng hòn đảo này và nếu có cơ duyên thì tôi dự trù sẽ khai phá đất đai để lập một ngôi chùa nhỏ tại đảo để tu hành.
- Thưa chú, từ trước đến nay Hòn Đỏ vẫn còn hoang vu. Không một người dân địa phương nào có ý định ra sinh sống hoặc trồng tỉa vì trên đảo có rất nhiều đá mà lại ít đất, ít cây. Phần nhiều chỉ toàn là các bụi gai cằn cỗi. Cái khổ nhất là thiếu nước. Vùng này lại ít mưa nên khô hạn vẫn luôn luôn là trở ngại cho người muốn khai hoang.
Hơn nữa, dân trong vùng Cù Lao chuyên sống bằng nghề đánh cá. Nếu có gia đình nào muốn sinh sống bằng nghề làm rẫy thì đa số lại đi vào sinh sống gần các ngọn núi hoặc đồi phía Bắc kề cận sông Cái. Vùng này đất đai màu mỡ và nhất là nước ngọt lại có sẵn.
Trên Hòn Đỏ chẳng những không có nước mà vấn đề lên xuống rất cơ cực và phương tiện đi lại từ đất liền ra đảo cũng khó khăn. Tôi, ngày ba bận bơi thuyền đi qua lại và vòng theo bờ đá mà chỉ nhìn nhiều hơn là đặt chân leo lên để chỉ được nhìn thấy mấy lùm gai góc và đá chồng lên nhau.
- Mô Phật, nếu trên đó gai cỏ mọc được thì con người có thể sinh sống được. Tôi vốn cư ngụ trên núi Sinh Trung. Hằng ngày tôi đều nhìn thấy Hòn Đỏ này. Sáng, trưa, chiều, tối, nhất là những đêm có trăng, tôi đã trông thấy sinh khí bốc lên từ Hòn Đỏ. Buổi bình minh, trong ánh hồng, trên hải đảo này có muôn vàn giọt sương mai lóng lánh, tôi nhận thức được rằng nơi nào có sương đọng thì nơi đó sinh vật có thể sinh sống và  phát triển.
 Buổi trưa, Hòn Đỏ như lắng mình trong vùng trời  biển xanh bát ngát. Màu xanh của biển trời hứa hẹn rằng con người có thể yên lành sống trong màu hiền hòa đó. Với ánh nắng ban trưa Hòn Đỏ như một ngư dân trần mình đội nắng cùng với biển xanh.
Buổi chiều khi biển xôn xao trước muôn ngàn con sóng thì Hòn Đỏ vẫn yên lành đứng nhìn biến động của biển cả. Từ đỉnh Sinh Trung, nhìn Hòn Đỏ vào buổi chiều khi ánh dương đã dần khuất nơi chân trời mới thấy được sinh khí đã quy tụ về đây. Những dãy đá dưới chân đảo như lắng đọng sắc ráng đỏ của chiều tà, như những cánh hoa sen hồng nổi trên lòng biển thắm xanh.
Buổi tối trời Hòn Đỏ yên lặng dưới bầu trời đầy sao, đậm nét trên mặt đại dương. Trong những đêm trăng sáng, Hòn Đỏ phơi mình xanh tắm dưới ánh trăng vàng dịu dàng trong sáng.
- Thưa chú, như vậy Hòn Đỏ đối với chú là một địa linh song đối với dân làm nghề biển của chúng tôi thì nơi đây chúng tôi đã từng leo lên, đã từng quan sát, đã từng đi chặt cây lấy củi cho nên chúng tôi thấy nó khô cằn, gai góc, không có một chút hy vọng gì để lên đó lập nghiệp. Tại nơi đây, cá dưới biển có thể nuôi sống chúng tôi, nước ngọt trong làng có thể cung cấp đầy đủ cho cuộc sống của chúng tôi thì hà cớ gì chúng tôi phải lên một vùng thiếu nước thiếu đất để sinh sống.
Trong cộng đồng người làng Cù Lao này đều có chung một ý tưởng là vùng đất ở hải đảo Hòn Đỏ vẫn là một hải đảo đầy đá, đầy cơ cực dành cho con người khi muốn khai phá nó. Muốn khai khẩn đất đai thì lên non lên núi chớ ai lại lên hòn đảo đầy đá này.
- Mô Phật, tôi vẫn tin rằng bất cứ nơi nào có được con người góp sức vào thì nơi đó có thể sinh sống được. Nhìn từ xa, Hòn Đỏ là một hải đảo đầy sinh khí. Nhờ ở địa thế gần bờ nên việc thiếu nước có thể khắc phục được với quyết tâm của con người. Hòn Đỏ thiếu cây xanh thì chúng ta trồng cây xanh. Hòn Đỏ thiếu đất thì chúng ta bồi bổ thêm. Hòn Đỏ chỉ cần đến một tấm lòng yêu mến thiên nhiên, một ý chí cương quyết biến nơi này có thể sinh sống được. Khi cây cối mọc lên thì sẽ có con người lai vãng, sẽ là nơi đến để thanh thản tâm hồn.
Đã từ lâu tôi nguyện rằng cuộc đời tôi sẽ gắn liền với hải đảo này. Nó trơ trọi với mọi người nhưng không trơ trọi với tôi, Hôm nay gặp được anh, tôi tin rằng tôi đã gặp được duyên lành. Mối lương duyên của tôi với Hòn Đỏ sẽ nhờ có anh mà hợp thành. Sáng mai, tôi sẽ đợi anh ở đây. Mong anh giúp cho tôi được toại nguyện.
- Thưa chú, sáng mai tôi có thể giúp chú qua đảo và cùng chú lên đảo quan sát địa thế. Còn việc khai thác thì vị tôi bận kế sinh nhai nên chắc là không thể cùng chú khai hoang Hòn Đỏ được vả lại  tôi còn có gia đình. Chú cứ yên tâm ở lại trên đảo một vài hôm, tôi sẽ tiếp tế nước uống cho chú hằng ngày.
- Mô Phật, vạn sự khởi đầu nan, tôi chấp nhận cảnh gian nan lúc ban đầu. Được gặp anh ngày hôm nay tôi rất phấn khởi và tin tưởng rằng sự mong ước của tôi sẽ thành hiện thực.
Tôi không phải là nhà địa lý, nhưng tôi nhìn cảnh vật bằng tấm lòng, bằng đôi mắt của một nhà tu hành. Nơi nào tâm hồn mình đã chan hòa thì nơi đó sẽ là nơi mình trú ngụ.
Tôi không có tâm địa đi chiếm đất, vị đất là của trời, của chung của mọi chúng sinh không dành riêng cho ai. Đất chưa có duyên thì đất sẽ còn khô khan cằn cỗi. Khi đất gặp được duyên lành thì đất sẽ trở thành hữu dụng, sẽ trở thành cảnh quan tươi tốt để mọi người cùng chung hưởng. Tôi mong muốn nơi hiu quạnh, cằn táo này sẽ có một ngôi chùa, một cảnh quan xanh mát để tất cả mọi người cùng đến tu tâm dưỡng tánh, học Phật, để giác ngộ trước cuộc sống phức tạp của cuộc đời. Hòn đảo này dù có khô cằn nhưng tâm hồn ta sẽ được thanh thản hơn trước biển cả bao la, trước thiên nhiên rộng lớn. Mọi ưu phiền trong lòng sẽ được vơi đi.
Tôi không có tài thuyết pháp.Tôi đã được sư phụ Thích Phước Ninh giảng dạy trong những ngày theo thầy đi đây đó. Sư phụ tôi thường nhân thấy cảnh này đã chỉ dạy cho tôi đoạn kinh nọ; nhân sự việc ấy để nói đến lời kệ kia. Có nhiều vấn đề phức tạp mà thầy đã  làm sáng mắt tôi bằng những ví dụ giản đơn và chứng nghiệm lời dạy của đức Phật thật thâm trầm. Nhiều câu nói tầm thường mà thầy đã gợi trong lòng tôi những suy tư cả tuần cả tháng tôi mới hiểu thấu đáo. Trong công việc hằng ngày tôi đã học được nơi thầy tôi nhiều điều bổ ích cho việc thấu hiểu kinh kệ. Tôi rất thích thú khi được nghe thầy kể các câu chuyện về các bậc đại giác đã đắc đạo trong khi lao động tầm thường như giã gạo, gánh nước, chẻ củi v.v...
Câu chuyện giữa hai người chấm dứt khi bóng tối đã tràn ngập khắp vùng Hòn Đỏ.
Khi sư Viên Mãn gặp và làm quen với anh Sáu Sài Gòn thì chị Sáu đã có thai được 8 tháng. Cho nên anh Sáu chỉ đi đánh cá vào buổi chiều để có thể trở về vào giữa khuya với mục đích là để được săn sóc vợ trong lúc tắt lửa tối đèn. Bà Hai đi lại thường xuyên hơn cho nên anh Sáu có đủ thời gian giúp đỡ sư Viên Mãn qua lại hải đảo hằng ngày.
Nước trong vũng Hòn Đỏ lên xuống theo triều cường của biển. Mỗi ngày lên xuống ít nhất là một lần. Khi nước xuống lòng vũng nhô lên những rặng san hô, những vùng rong mắc cạn và những cồn cát mịn màng. Mực nước chỉ cao đến đầu gối. Người muốn qua đảo chỉ cần xăn quần là lội qua được. Tuy nhiên nước lại lên cao chỉ trong một vài giờ cho nên rất ít người dạn gan lội qua và leo lên đảo.
Buổi sáng đầu tiên qua đảo khi nước triều đã dâng cao. Anh Sáu và nhà sư đẩy nhẹ chiếc thuyền chở vật dụng gồm nước, gạo, cuốc xẻng, rựa v.v... Anh Sáu một bên, nhà sư một bên hông ghe cùng đẩy ghe vượt qua cồn cát và các rặng đá ngầm. Xa bờ độ 50 mét thì leo lên thuyền bơi qua đảo. Sóng trong vũng không lớn, song vì phải tránh né các tảng đá nhấp nhô trong vũng nên thuyền phải chèo quen tay mới mong khỏi phải va vào đá. Chung quanh đảo, đá dựng đứng rất hiểm trở. Sóng nơi đây đập mạnh khiến cho thuyền không thể cặp vào bờ. Anh Sáu chọn được một nơi có vùng đá thấp và kín đáo để có mực nước yên lặng dễ ra vào. Đây là hướng gần bờ và dễ dàng leo lên Hòn Đỏ. Nơi đây tạm gọi là bến. Từ trên đất liền nhìn ra thì nơi đây có nhiều tảng đá to lớn đứng như một cổng chào chờ đón khách lên thăm đảo. Nơi bến khi nước dâng cao thì thuyền lại dễ cặp bến, khi nước rút cạn thì để lộ một vùng đá bằng phẳng thuyền có thể đi an toàn trên đó. Khi biển dậy sóng thì nơi đây nhờ có đá to chắn sóng nên an toàn cho việc cặp bến. Anh Sáu là người đầu tiên tìm ra bến này.
Đẩy ghe vào giữa hai tảng đá để tránh sóng, anh Sáu buộc ghe vào một tảng đá nhô cao và có hai đầu nhô lên như một cái yên ngựa. Đây là một cọc neo thuyền thiên nhiên.
Cuộc leo dốc bắt đầu sau khi đổ bộ lên đảo. Nhờ nhiều lần leo lên tìm củi nên anh Sáu đã phát giác ra một lối đi lên đỉnh do thiên nhiên tạo lập. Đó là lòng một con suối khô được tạo ra khi mùa mưa đổ xuống trên đảo. Nước trên cao chảy xuống tạo thành dòng lũ, bào thành lối mòn chạy ngoằn ngoèo qua các khe đá, mương gai. Lâu đời dòng suối tạm này trở thành lối mòn trèo lên đỉnh đảo. Lòng khe lối đi đầy gai góc và đá sạn lởm chởm. Tuy vậy đó là lối đi duy nhất thuận tiện cho việc lên đồi.
Anh Sáu cầm rựa đi trước phát quang các bụi cây gai cho lối đi được quang đãng. Nhà sư vai vác cuốc, vai mang bọc lương thực và nước uống. Mỗi người tay cầm một cây gậy. Vừa leo, anh Sáu vừa  dẫn giải hình thế hòn đảo cùng với cách leo dốc: phải cẩn thận từng bước. Bước từng bước một, ngắn nhưng cần vững chắc. Cây gậy là một trợ cụ cần thiết nhất để ta nương vào đó mà bước lên cao hay xuống thấp. Nhiều lúc, chân lỡ vấp phải đá hay đạp phải gai thì thân phải nương vào gậy để khỏi té nhào. Muốn nương chắc vào gậy thì phải đi chậm, dùng gậy để làm trụ vượt qua khe, leo qua đá.
Lên đến đỉnh đồi, hai người ngồi trên một hòn đá nằm nghiêng nghiêng trên bờ dốc nhìn xuống vũng nước giữa Hòn Đỏ với đất liền. Nước vũng nằm yên lặng trong màu xanh thắm của biển khơi. Cảnh yên lặng, bao la chỉ ở trên tầm cao mới cảm nhận được. Trong ánh nắng vàng, màu xanh của biển cả dịu dàng biết bao.
Đợi khô mồ hôi, sư Viên Mãn bắt đầu bò qua các lùm gai để vào sâu trong chóp đảo. Không một bóng cây. Không một bụi rậm có lá xanh. Toàn vùng chỉ toàn là đá lẫn vào các bụi gai. Nào là gai mắc mèo, gai cắc cu. Gai mắc cỡ nhiều hơn hết. Chỉ có loại gai này còn giữ được một màu xanh của cây cỏ. Cảnh quan khô khốc, cỏ gai xác xơ. Bộ mặt khắc nghiệt của cảnh thiếu nước lồ lộ khắp đảo. Nếu không có cảnh biển nước mênh mông bao quanh, con người chắc sẽ tưởng mình đang đứng nơi sa mạc hoang vắng.
Anh Sáu ngồi thản nhiên nhìn cảnh vật. Trong trí anh đang nghĩ đến sự so sánh khu đồi trơ trọi và hoang dã này với vùng biển mênh mông của anh đang sinh sống. Anh lặng lẽ nhìn bóng nhà sư Viên Mãn đang lần từng bước đi dạo khắp vùng đồi, giống như hình ảnh của anh đang chèo chiếc thuyền con nhỏ bé giữa vùng biển nước bao la. Cái thẳm sâu của biển cả hiểm nguy chẳng khác gì cái khô khốc của núi đồi nơi đây. Thân phận của anh đối với trùng dương sẽ cũng như cuộc đời của nhà sư trên đồi Hòn Đỏ. Nếu không có sự kiên trì vững chí thì sẽ bị cảnh thiên nhiên tàn khốc nuốt chững đi. Cuộc đời của anh trên chiếc thuyền câu nhỏ bé với đôi tay lưới cũ ngắn giữa biển cả bao la chẳng khác gì cuộc đời cô độc của nhà sư Viên Mãn kia sẽ sống giữa đá và gai góc trên đỉnh đồi. Tuy nhiên anh đã bắt được cá thì nhà sư kia sẽ khai phá được mảnh đồi này để trồng cho được cây xanh có bóng mát và ngôi chùa dù có bé nhỏ đi nữa cũng đủ làm ấm lòng khách thập phương. Sự cần lao của anh đã có kết quả thì sự cần cù lao khổ của nhà sư chắc chắn sẽ thành công.
Anh tự mỉm cười vì sự so sánh hoàn cảnh của anh với hoàn cảnh của nhà sư tuy không giống nhau nhưng có được sự tương tự nhau là làm việc tận lực với một quyết tâm bền vững để đạt đến sự mong muốn của lòng mình.
Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, anh cảm thấy mình hạnh phúc hơn nhà sư kia vì anh đang có một gia đình đầm ấm, đầy đủ ấm êm.(anh sắp có con). Sau giờ phút lao động cực nhọc anh lại được hạnh phúc bên gia đình. Còn nhà sư, giờ đây sau những thời gian cực nhọc chỉ sống có một mình, tuy có mẹ song không được sống cùng mẹ, tuy có đồng môn song lại sống lẻ loi giữa nơi hoang đảo. Mỗi tuần chỉ gặp mẹ một lần, bằng hữu một lần. Rồi suốt đời sẽ sống nơi đây nếu tâm nguyện kia được thành tựu.
Đột nhiên anh Sáu có một quyết định cương quyết: phải tận tâm, tận lực giúp cho nhà sư Viên Mãn khai khẩn thành công trên hải đảo Hòn Đỏ. Anh nguyền giúp được phần nhỏ nào vào công việc khai hoang trên Hòn Đỏ thì phải thực hiện cho kỳ được.
Gió trên biển thổi vào khe đá từng hồi như cuộn lời tâm nguyện của anh Sáu đưa đi khắp mười phương.
Sau này anh cảm thấy thỏa nguyền khi nghe sư Viên Mãn tâm sự: Tôi hằng khấn nguyện cùng đức Quán Thế Âm Bồ Tát rằng nếu suốt cuộc đời mà tôi chưa hoàn thành việc khai hoang để lập chùa trên hòn đảo khô cằn này thì kiếp sau nếu được hồi sinh tôi vẫn tiếp tục công việc khai hoang lập chùa. Tôi nguyền sẽ muôn đời kiếp kiếp thực hiện cho được tâm nguyện này.
Hòn Đỏ là một hòn núi đá. Trước kia nối liền với dãy núi Cù Lao.  Sau nhiều năm tháng bị biển xâm thực cắt đôi chia Hòn Đỏ ra khỏi đất liền. Nhìn những dãy đá đỏ au trên sườn núi Cù Lao không một ai có thể phủ nhận là Hòn Đỏ và núi Cù Lao là hai hòn núi có chung cội nguồn. Hòn Đỏ trở thành một hải đảo và chung quanh đảo nước triều lên xuống hằng ngày đã bào mòn tất cả những đất cát. Chung quanh chân đảo nhiều tầng đá to lớn chồng chất lên nhau. Nhiều nơi như có sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa là có hòn nhỏ nằm nâng đỡ hòn lớn. Mới trông, khó có ai tin được rằng những tảng đá này đã nằm như thế từ xưa đến nay. Toàn thể cấu trúc giống như những hải đảo khác. Đá dưới chân đều bị bào mòn và những hòn trên đỉnh chỉ bị nắng mưa mài nhẵn mà thôi.Theo vết tích còn để lại thì xưa kia mực nước biển đã dâng ngập đến nửa hòn đảo. Cho nên đa số mặt bằng trên chóp đảo còn xen lẫn giữa đá và đất. Mùa mưa ở Nha Trang không có nhiều cơn mưa dữ dội hoặc kéo dài suốt tháng nên vẫn còn lại một vùng rộng, đất chen lẫn với đá tảng.
Sư Viên Mãn là người dân Phú Yên, sư đã từng sống trên những ngọn đồi sỏi đá ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa  v.v.. nơi đã được dân cư địa phương khai phá bằng kinh nghiệm, biến các sườn đồi thành những vùng canh tác cây màu. Việc dùng đá xây thành cấp bậc để ngăn chận đất  để sản xuất đã là một đặc thù của các đồi núi Phú Yên. Dùng kinh nghiệm này nhà sư đã thực hiện cách khai phá trên đỉnh Hòn Đỏ.
Trước tiên nhà sư lượm và chuyển những tảng đá nằm ngổn ngang trên mặt đất, trong các lùm bụi để sắp thành một bức tường đá chung quanh chỏm mặt đảo. Ban đầu là đi thu nhặt những hòn đá có thể tích nhỏ. Sau phải dùng xà ben hoặc cuốc có mỏ sắt nhọn như các phu đường sắt để trục các tảng đá có chân ăn sâu dưới mặt đất. Nhiều hòn đá trên mặt thì nhỏ nhắn song càng đào sâu xuống chân đá càng to lớn ra. Nhiều lúc phải đào sâu đến 2, 3, mét và mất cả hàng tuần. Khi đào xong được gốc thì còn phải dùng cây làm đòn đứng xeo đá lăn xuống chân đảo. Lầm lủi một mình, nhà sư đã đơn độc đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Đất đào được nhà sư đem đổ vào một nơi bằng phẳng để dùng cho việc trồng tỉa.
Đôi lúc công việc lăn đá cần phải nhờ đến sự giúp sức của các bạn chài, bỏ lưới chung quanh đảo khi họ cặp thuyền vào nghỉ trưa nơi các hốc đá dưới chân đảo. Nhiều lúc nhà sư phải đào thành những con mương lớn để  di chuyển các hòn đá lớn bằng cách xeo lần lần, bằng cách trượt từ từ trên một mặt bằng có độ xiên cao.. Rất may mắn là độ nghiêng của sườn đồi lại khá thuận tiện cho việc lăn đá xuống chân đảo. Những cây xeo đá thì đi mua nơi các vựa cây nơi bờ đầm chợ Xương Huân. Vác được cây xeo lên núi cũng là một kỳ công..
Cây có độ dài từ 3 đến 4 mét cho nên đem được lên đến đỉnh núi thì thật là gian lao. Nhiều lúc phải luồn cây qua khe suối rồi leo lên dốc tìm cách kéo cây lên. Nhiều khi không thể nào đem cây lên hướng này được nên đành phải đưa cây xuống để tìm hướng khác đưa lên. Nhờ được cây cứng và dài nên nhà sư có được một trợ lực về sức đẩy nên nhiều tảng đá lớn mà chỉ có một mình nhà sư cũng đẩy được đá xuống chân núi. Nhiều lúc cần làm đường ray dẫn đường cho đá đi theo hướng cố định nhà sư phải tốn công sức nhiều ngày. Công việc dời đá cứ tuần tự mà tiến hành, không nôn nóng không chậm trễ như là công việc hằng ngày. Cho nên phải cần đến thời gian năm năm việc di dời đất đá để có mặt bằng mới thành tựu. Du khách hôm nay đi lại thong thả ung dung trên đỉnh hải đảo Hòn Đỏ đâu có biết rằng xưa kia nơi này đá mọc chập chùng, lối đi chật hẹp, gai góc mọc đầy mà con người cô độc này đã suốt nhiều năm dài cặm cụi khuân từng viên đá, xeo từng tảng đá để có được một mặt bằng rộng rãi đầy cây xanh bóng mát như hôm nay.
Công việc dời đá song song với việc đắp nền cho khu dựng Phật đàn. Những viên đá nhỏ, khi đào được đều dùng trong việc làm nền cho khu Phật đàn... Với diện tích độ 10 mét vuông thì khu nền Phật đàn được thành hình nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 tháng thì khu nền đã thành hình. Cứ một lớp đá là một lớp đất xen vào để có mặt bằng phẳng... Những đêm có trăng, đỉnh đồi tràn ngập ánh vàng, gió biển thổi về ngào ngạt mùi mặn nồng, nhà sư lặng lẽ khuân đá đi đắp các kệ lên xuống trên các con đường lên xuống hoặc thành đá quanh sân.
Khi trăng lên đúng đỉnh đồi, bầu trời xanh thẳm, gió khơi đã thổi lạnh, trên các vách đá đã ướt đẫm sương khuya. Nhà sư dừng tay ngồi nghỉ bên đống đá, ngước nhìn bầu trời đầy sao, lòng thanh thản và yên tĩnh vô cùng. Những cụm đá, bờ đất như thì thầm cùng nhà sư, trìu mến nhìn nhà sư như các trẻ thơ nhìn thương yêu người tạo thành ra nó. Cảnh vật trên đỉnh đảo trầm lặng, bất chợt từ đâu vẳng lại tiếng con dế mèn gáy. Nơi xa vắng này tiếng dế cất lên như gần gũi thân yêu. Kỷ niệm thời ấu thơ phút chốc lại tràn về trong lòng người tu hành. Sư nhớ đến tiếng dế gáy lẻ loi nơi cánh đồng vắng trong mùa cày phơi đất tháng ba. Trong thời thơ ấu, nhiều lúc sư không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi là trong các vụ mùa, khi nước đồng lênh láng thì các con dế mèn này sống ở đâu để đến vụ cày phơi đất, lại râm ran gáy từ nơi này đến nơi khác.
Cứ mỗi buổi sáng tinh sương, sư cùng chúng bạn đi lật từng hòn đất trên các luống cày để bắt những chú dế than hoặc dế lửa. Lúc ban đầu sư không phân biệt được đâu là dế cồ đâu là dế mái. Cứ thấy dế nhảy là vồ. Bắt được con nào cho vào hộp diêm bọc sẵn trong túi. Sau này được bè bạn chỉ cho: dế đực gọi là dế cồ, cánh có vằn ngoằn ngoèo bóng láng như tóc các cậu có mái tóc quăn. Cuối thân con cồ có ba cái lông nhỏ. Đầu dế đực to và bóng láng. Còn dế cái gọi là dế mái thì cánh không có vằn ngoằn ngoèo mà chỉ có các gân chạy xuôi từ trên xuống dưới và sau lưng có một cọng dài, cuối có một nụ nhỏ thường chổng lên trời. Khi biết được các điểm đặc biệt này thì nhìn là biết ngay dế cồ hay dế mái. Dế cồ còn phân biệt nhiều loại: dế cồ than màu đen bóng, dế cồ lửa màu vàng óng, đôi khi có pha màu nâu đậm. Dế than thường lớn con hơn dế lửa. Con dế nhỏ thường hay gọi là dế ốc tiêu. Loại này gáy rất lớn và đánh nhau rất hăng say. Do đó có danh từ ốc tiêu để dành cho các trẻ em nhỏ bé mà dám đánh cả những bạn lớn hơn mình. Đó là bé ốc tiêu.
Dế bắt về, được nhốt riêng mỗi con trong một hộp diêm. Trên nắp hộp thường có xoi một vài lỗ nhỏ để thông hơi. Dế thường được nuôi bằng giá sống, cỏ mần trầu, cỏ ống hoặc đôi khi nuôi bằng cơm. Dế thường gáy vào ban đêm. Khi gặp địch thủ hoặc thắng trận thì dế gáy inh ỏi. Trái lại khi gặp dế mái thì sau khi gáy vài tiếng chào mừng, dế cồ thường cọ cánh rè rè vài cái ngắn gọn mà bọn trẻ thường gọi là” tục mái” như các chú gà cồ.
Đa số trẻ em đều thích chơi dế. Nhất là để được nghe tiếng dế gáy ngoài việc cho chúng đá với nhau. Từ “đá dế” thay cho việc hai con dế cắn nhau. Thật ra trong khi chúng cắn nhau chúng cũng có đôi phen dùng hai chân sau (càng) để hất đối thủ phải lăn nhào. Khi dế gáy thì chúng dùng đôi cánh cọ vào nhau gây thành một loạt âm thanh giòn giã, đôi khi lảnh lói và trầm bổng khác nhau. Trẻ chuyên môn có thể nghe tiếng gáy của dế mà biết được con nào là dế than, con nào là dế lửa và con nào là dế cụ, con nào là dế ốc tiêu. Thường thì dế cồ than có cánh dày và lớn nên có tiếng dài và trầm. Dế ốc tiêu có cánh mỏng nên âm thanh lảnh lói, tiếng nghe rổn rảng và bay xa, như tiếng cười của trẻ con, đôi khi như tiếng cười của các cô thôn nữ trên cánh đồng lúa lúc sang mùa gặt.
Nhiều trẻ em nơi thôn dã sống cùng với thiên nhiên nên rất thông thuộc việc bắt dế. Ban đêm khi nghe một tiếng dế gáy thì sáng hôm sau lập tức chạy ra nơi đã được định hướng tìm thấy một viên đá, một đống cây khô hoặc một mô đất cày, là lật lên túm lấy chú dế gáy khi hôm. Đặc tính của loài dế là ít khi di chuyển chỗ ở, tối gáy nơi nào là sáng trú tại nơi đó.
Ngoài việc bắt dế để cho chúng đá nhau (ở ngoài Bắc gọi là chọi) trẻ em còn có một sở thích là nghe dế gáy. Mỗi hộp diêm nuôi một con dế. Ban đêm chúng thi nhau gáy suốt đêm, khi một con gáy thì lần lượt các con khác cùng gáy theo như một dàn hợp xướng, đầy âm điệu nhịp nhàng. Thời hậu chiến đã có một nhà thơ sáng tác một tác phẩm có tên là Nhạc Dế. Tuy thơ không tả nhạc của con dế mà chỉ nói lên một thế giới âm nhạc thiên nhiên.
Ngoài việc nghe dế gáy, các trẻ em còn say mê trong việc đá dế. Thật ra là cho dế cắn nhau. Hai chú dế đá nhau (còn gọi là chọi nhau) được bỏ vào một cái hộp không chật lắm mà cũng không rộng lắm. Thường có tên gọi là sân đá dế. Trước khi dế được đưa vào sân đá, chủ nhân thường dùng một que nhỏ (đôi khi là một chân nhang) cắm nhẹ vào sau vòng cổ của dế và thổi nhẹ cho chú dế phình rộng đôi cánh và khi được thả vào sân thì dế khuỳnh cánh ra gáy re re. Khi nhìn thấy đối thủ cũng được làm như mình, vừa xong nhịp gáy thì đôi bên xông vào nhau. Trước tiên là đọ càng. Gọi là trương càng đọ sức vì hai chú dế trước tiên giương rộng hai càng cọ với nhau như để đo sự rộng hẹp của cặp càng nhiều khi trông giống như hai võ sĩ thượng đài cụng găng chào nhau. Hai chú dế ít khi nhân nhượng nhau tuy đôi lúc càng hai bên chênh lệch một to một nhỏ.
Cái dũng khí của dế là phải cắn nhau trước khi chịu thua. Chỉ khi nào thua một vài độ chú dế thua mới chịu chạy dài khi đụng râu cùng đối thủ mạnh hơn. Cặp râu của dế rất quan trọng. Thường con dế nào bị mất râu hay bị cụt râu thì khả năng chiến đấu có phần giảm sút. Trẻ em rất thích thú khi nhìn thấy con dế nào trước khi lâm trận, vừa gáy xong thì đưa chân trước ra vuốt hai cái râu trông giống như vị nguyên soái trong tuồng hát bội đưa hai tay cuốn cong hai lá cờ lệnh cắm sau lưng trước khi xưng tên họ để giao chiến. Một đôi khi sau khi bị thổi gió và được đặt xuống sân đá, dế vẫn không xù cánh gáy râm rang thì chú chủ sẽ dùng một que con trên đầu có một cục sáp nhỏ gắn vài sợi tóc vo qua lại cặp râu để kích thích. Lập tức chú dế giương cao rộng đôi càng xông lên chiến đấu. Lúc so càng đôi khi hai chú dế cũng so nhau tiếng gáy. Tiếng gáy như reo vui, như khiêu khích, như thách đố trước khi xung trận. So càng, gáy thi xong, chúng dùng đôi càng  cắn chặt lấy nhau. Nhiều khi trận chiến âm thầm chịu đựng cho đến lúc một trong hai chú dế vùng ra bỏ chạy. Một đôi khi chúng vừa cắn nhau vừa dùng chân, đá, búng và chồm lên nhau để làm đối phương hoảng sợ bỏ chạy.
Cuộc chiến đấu có khi còn dữ dội  đến nỗi có kẻ bị cắn gãy chân, lòi ruột. Thường thì cuộc giao đấu kết thúc từ ban đầu vị khi thấy đối phương càng to, tiếng gáy hùng dũng và thái độ chiến đấu hăng say nên đối thủ bỏ chạy khỏi phải giao đấu. Sau nhiều lần thổi gió, nhiều lúc chú dế bị nắm râu mép thổi vài hơi, đôi khi lại được chủ cho nếm một ít nước bọt để gọi là “tăng lực” song khi thả xuống thì chỉ kịp giơ càng đọ sức rồi lanh chân chạy trốn. Kẻ chiến thắng bao giờ cũng giương cánh gáy, vuốt râu và đôi lúc lại “túc túc gọi mái”.
Cái thú chọi dế ngoài việc xem dế đá, bọn trẻ còn được dịp hò reo cổ vũ cho dế “phe ta”. Có lúc sau trận đá dế lại có trận đánh nhau vị ganh tức. Phe thắng thì hân hoan, phe thua thì đổ lỗi cho nhau và cuối cùng thì xảy ra trận ẩu đả. Rồi ai về nhà nấy cùng hẹn nhau vào sáng hôm sau. Chiều và tối hôm ấy bọn trẻ lại đi sùng lục khắp nơi để tìm ra tiếng gáy của những chú dế có tiếng gáy lảnh lói và âm vang.
Sáng hôm nay là ngày đầu tiên trong việc phát hoang. Trước tiên là chọn ngay khoảnh đất chính giữa đỉnh đồi. Việc phát quang cây cối không có gì khó khăn vị cây chỉ toàn là gai mắt mèo mọc um tùm trên các kẽ đá. Bên trên là gai mắt mèo bên dưới là gai mắc cỡ. Dẹp gai bên trên trước rồi dùng cuốc dọn ngay cây bên dưới. Suốt cả buổi sáng mà chỉ mới xong có một khoảnh nhỏ. Càng về trưa công việc càng nặng nhọc. Đôi bàn tay đã rướm máu vị gai cào. Miệng đã khô vì khát nước và nhất là lưng đau rát vì nắng xối. Khi trời đứng bóng thì công việc dọn sạch lùm gai mắt mèo đã hoàn tất. Nhà sư ngừng tay, đi nấu cơm trưa. Bữa cơm trên đảo đầu tiên chỉ có muối đậu mà thơm ngon vô cùng. Nhai thật chậm rãi, hương vị ngọt ngào của cơm trắng lẫn với vị đậm đà của đậu phộng rang vừa  cháy vàng. Phần thức ăn do mẹ làm từ đầu hôm và gói vào lá chuối để sư đem lên đảo.
Sư vừa ăn vừa đưa mắt nhìn khoảnh đất mới được dọn dẹp chỉ còn có đá. Đá lổn nhổn, đá trải dài, đá nằm phơi mình dưới nắng. Ban đêm đá thu lấy khí lạnh, cô đọng giọt sương để thấm vào lòng đất nuôi sống cây cỏ chung quanh. Ban ngày đá thu nhận ánh mặt trời, hấp thụ nhiệt, nung nóng Hòn Đỏ đến không còn sự sống. Nhà sư bỗng nghĩ đến một phương pháp làm triệt tiêu cái nóng hừng hực trên đảo. Đó là phải trồng cây để lấy bóng mát, để tàng cây che kín không cho ánh nắng lọt xuống mình đá. Như vậy ban ngày sẽ không còn nóng nữa và ban đêm tàng cây sẽ cho những giọt sưong rơi rụng và đá vẫn tiếp tục hội tụ hơi lạnh để tạo thành những giọt nước tuy ít oi song vẫn đều đều cung cấp nguồn sống cho thực vật dưới chân đá. Tuy nhiên muốn trồng cây cho có hiệu quả thì phải có đất, muốn có đất thì phải moi đá và lăn đá đi xa.
Đến xế chiều thì khu đất rộng hơn 25 mét vuông đã dọn sạch cây cỏ gai góc và chỉ còn lại đá to, đá con lởm chởm.
Nắng hoàng hôn nhuộm thắm bầu trời phương Tây. Gió trên biển thổi về ào ạt. Cơn nóng bức ban trưa đã theo gió đi xa như thấm vào màu đỏ của  trời Tây. Do chỉ ăn một ngày một bữa cơm (ăn đúng vào giữa trưa) nên nhà sư khỏi phải lo nấu cơm chiều. Thời gian còn lại sư che lại tấm bạt và làm nệm cỏ để nằm. Gom nhặt tất cả các cây cỏ đã cuốc, chặt  ban ngày để làm thành một nệm cỏ khá dày rồi trải lên trên một chiếc chiếu cũ. Chiếc giường đơn giản này đã  giúp đỡ nhà sư suốt khoảng thời gian khai phá Hòn Đỏ. Độ vài hôm thì loạt cỏ gai mới được thay và  cỏ cây cũ lại được chôn kỹ xuống hố để chuẩn bị cho việc trồng cây có bóng mát.
Chuẩn bị cho việc an giấc xong thì bóng hoàng hôn đã tràn ngập khắp bầu trời hải đảo. Bóng tối vẫn còn trong sáng dưới ánh sao. Biển khơi vẫn dịu dàng vỗ sóng. Gió khơi hiu hiu thổi. Tiếng côn trùng râm rang khắp đảo. Mây trời bay từ biển khơi vào đất liền, bay ngang qua đảo mây như hạ xuống thấp hơn. Nhìn mây, nhìn trời, sư có cảm giác như mình đang ngồi trên một chiếc thuyền lớn trôi trên biển cả. Không một chút bềnh bồng, không một giây chao đảo. Đảo vẫn trôi yên bình dưới  mây trời, các vị sao nhấp nháy nhiều hơn, trong sáng hơn, thỉnh thoảng ẩn mình vào làn mây trắng nhẹ dịu dàng trôi trong lòng trời xanh thẳm.
Tuy ngồi một mình trên đảo mà nhà sư không cảm thấy cô đơn. Lòng sư như ấm lại, sư nghĩ đến niềm vui sướng và hạnh phúc vì lần đầu tiên được nằm ngủ trên hải đảo mà sau này sẽ gắn bó với cuộc đời mình. Ngọn đồi này xưa nay chưa ấm bóng người, từ nay sẽ không còn cô đơn heo hút nữa. Đêm kỷ niệm đầu tiên sẽ là nguồn an vui trong những tháng ngày lao khổ trên mảnh đất này. Tự nhiên sư ràn rụa nước mắt… Đêm đó nhà sư đã đọc trọn hồi kinh Bát Nhã, đã nguyện khấn cùng Quán Thế Âm Bồ Tát phù trợ cho mình đạt được ý nguyện khai hoang, lập chùa trên hòn đảo hoang sơ này. Và sư thiếp vào giấc ngủ lúc nửa khuya.
Trong giấc ngủ, nhà sư đã trông thấy cảnh xanh tươi trên hải đảo cùng với ngôi thiền tự xinh xắn tắm mình trong nắng sớm giữa trời biển bao la. Bỗng nhiên cảnh mưa gió hãi hùng lại ập đến, những đợt sóng to, hung dữ ào ào nhô lên đổ ập xuống ngọn đồi. Lũ sâu bọ hùa hơi tràn đến ăn hết cỏ cây xanh tươi trên đảo. Chúng ăn cả đất đá.
Giật mình thức tỉnh, nhà sư thấy trời gần sáng. Chiếc mền đã đẫm ướt sương khuya. Sư ngồi lên và bắt đầu đọc kinh sáng.
Lâu nay quen với không gian ấm áp của chùa khi đọc kinh, có khói nhang, có mõ, có chuông, dưới ánh nến chập chờn, tiếng tụng kinh vang trong gian phòng ấm cúng, nên hôm nay sư dường như không nghe được tiếng tụng kinh của mình mà chỉ nghe tiếng trầm trầm của sóng vỗ hòa cùng tiếng gió vi vu. Các vị sao còn sót lại trên bầu trời, sáng lóng lánh. Vòm trời cao rộng, thanh thoát và vô cùng an lành.
Hôm nay chính thật là một buổi tụng kinh sáng đầu tiên khởi sự một  hành trình khổ cực gian lao trên con đường xây dựng một môi trường, một cảnh sắc, một ngôi chùa trên một hoang đảo vắng người.
Một tuần sau thì mặt bằng nền chùa đã  xong.
Mặt bằng dự trù lập chùa chỉ vỏn vẹn có 25 mét vuông. Mỗi chiều dài chỉ độ 5 mét. Nền chỉ toàn bằng đá núi đập nhỏ trộn lẫn với đá cuội cùng với cát đem từ đất liền sang. Mặt trên của nền phủ một lớp đá cuội lượm nơi bãi biển khi nước thủy triều xuống thấp. Nhìn mặt nền người ngắm có cảm tưởng nhìn một mặt bằng được thiên nhiên tạo thành bởi các hòn đá cuội bằng cỡ nhau. Công việc này nhờ công chị Sáu đã nhiều ngày dành thì giờ rảnh rổi đi lượm đá để dành. Anh Sáu có bổn phận sắp đá vào bao cát và hằng ngày chở qua đảo tập trung tại bến đá để cho nhà sư vác lần lên đỉnh đồi.. Đá xây nền móng được tạo dựng tại chỗ, được chẻ ra từng phiến vuông vức và sắp chồng lên nhau rất sít sao khỏi cần phải dùng đến vôi hồ. Thấm thoát hơn một tuần trôi qua nền chùa đã ổn định và 8 cột trụ được trồng vững vàng chuẩn bị cho việc cất tạm ngôi lều dùng để làm ngôi chùa nhỏ.
Ngày dựng lều có anh Sáu lên phụ giúp. Và túp lều có mái lợp vải lều của nhà binh đã hoàn tất trong ngày. Vách chung quanh chỉ được che bằng những tấm giấy cát tông lấy từ các thùng giấy bán ở chợ Đầm. Túp lều thờ Phật trên đảo Hòn Đỏ được hoàn tất. Sư Viên Mãn dời chiếc nệm cỏ lên nền lều và bắt đầu sống chính thức tại túp lều đầu tiên trên hải đảo.
Nơi chính diện, một chiếc bàn gỗ tạp cũ được kê vững vàng làm án thờ Phật. Duy nhất chỉ có một tấm hình Phật tổ được lồng kính trang nghiêm, một lư hương bằng đất nung, một cây đèn dầu và một cái chuông, một chiếc mõ nhỏ nhắn. Gia tài của nhà sư chỉ có chừng đó. Hằng tuần nhờ ở sự tiếp tế của mẹ nên nhà sư yên tâm tiếp tục khai phá Hòn Đỏ.
Khi bầu trời phía đông hừng sáng thì chiếc thuyền thúng đã được chất đầy các thùng chứa nước. Trên bầu trời xanh nhạt nhấp nháy đôi vị sao thưa thớt. Mặt biển yên lặng bao la.
Lặng lẽ đẩy chiếc thuyền thúng ra xa bờ, sư Viên Mãn ngước nhìn Hòn Đỏ in hình trên nền bầu trời bình minh. Một dải mây trắng nhẹ mỏng nằm lơ lửng giữa lòng trời nối liền với đảo. Không gian vắng lặng. Nhà sư im lặng đẩy nhẹ chiếc thuyền thúng. Bóng nước xao động rung rinh, bước chân nhẹ nhàng nương theo chiều trôi của chiếc thuyền thúng. Lòng vũng đầy đá và san hô. Bước chân lại càng khua nhẹ. Hai tay vin chặt vào miệng thúng, nhà sư vừa đẩy vừa nương mình theo trớn trôi của thuyền. Nhờ bám vào thuyền nên trọng lượng của thân mình nhẹ đi và bàn chân chỉ khẽ chạm nhẹ trên rặng đá san hô. Bàn chân đã có một vài mảnh san hô cắt phải, cảm giác đau rát cứ tăng dần cho đến lúc thuyền ra chỗ sâu. Vừa bơi hai chân, vừa đẩy thuyền tiến về phía đảo. Từ bờ ra đến đảo chỉ độ 800 mét mà phải gần đến nửa giờ đồng hồ mới tiếp cận được với rặng đá nhấp nhô  quanh đảo.
Mặt trời đỏ hồng đã nhô cao trên mặt bể. Mây trắng từ xa lần lượt kéo về. Mặt biển đã nhấp nhô con sóng. Ven bờ đá, sóng đã vỗ cao. Chiếc thuyền thúng đã được đưa vào neo giữa hai tảng đá nằm sàng sàng gần mép nước. Thuyền được buộc vào một tảng đá có hình một chiếc yên ngựa nằm nép trong bờ.
Trước khi xuống nước đẩy thuyền, nhà sư đã bọc kỹ bộ quần áo nâu vào trong một tấm nhựa ni lông và chỉ bận vỏn vẹn có chiếc quần đùi.
Giấu cẩn thận chiếc bọc ni lông vào một hốc đá cao, sư Viên Mãn bắt đầu chuẩn bị cho việc gánh nước lên đồi. Đường đi từ bến nước lên đến đỉnh đồi là một con đường thiên nhiên nương theo một khe suối nước đã cạn giữa hai dãy đá chạy quanh co. Mùa mưa, đây là một khe suối. Mùa khô là lối đi thiên nhiên đầy đá và sạn. Một đôi đoạn bằng phẳng, mặt đất đầy những lùm gai khô cằn lá nhỏ li ti trông như những chiếc vảy cá dính vào các cành khẳng khiu. Lá lưa thưa và lác đác có một vài nụ hoa trắng. Hoa nở trông cô đơn và lẻ loi giữa hai vách đá. Tuy nhiên trong khung cảnh hoang sơ, những nụ hoa nhỏ bé rung rinh trước gió cũng đủ trang điểm cho buổi bình minh trên khe suối cạn của Hòn Đỏ đẹp đẽ vô cùng.
Cuộc chuyển vận nước bắt đầu. Hai đầu gánh là hai chiếc thùng dầu lửa đặt gọn vào hai chiếc gióng bằng mây, cao khoảng nửa mét. Đòn gánh là một thanh tre già hai đầu có móc và có dây buộc chặt vào đầu gióng. Khi đặt đòn gánh lên vai thì đáy hai thùng cách xa mặt đất, gọn gàng để dễ bề xoay trở theo thế đi lên theo triền dốc. Nước đựng trong thùng chỉ vào khoảng hai phần ba thùng để tránh nước tạt ra ngoài. Gánh nước đặt trên vai phải, tay trái chống một chiếc gậy tre vừa nhẹ vừa bền. Cuộc leo dốc bắt đầu.
Đường dốc nhiều đá và sạn. Hòn lớn, hòn bé, nhiều hòn có cạnh sắc bén đâm tua tủa buộc bước chân người đi phải cẩn thận, rón rén. Nhiều lúc cần phải bước dài như nhảy để qua các mỏm đá nhọn khó đặt chân lên. Nhiều khi phải rụt rè, nhẹ đặt bàn chân lên các khe đá để có thể lấy đó làm điểm tựa mà bước lên thêm một bước nữa. Có nhiều lùm gai lúc ban đầu phải dùng chân giẫm lên, cắn răng chịu sự đau đớn do gai châm để rồi sau đó nơi lùm gai này sẽ trở thành một vùng êm mát cho cơn nóng của đá lúc trời trưa,
Đau chân, nhọc nhằn vị nắng gắt không làm nhà sư nản lòng, mà nhà sư chỉ sợ nước trong thùng rơi vãi ra ngoài. Vị thế cho nên tuy mỗi khi đạp nhằm một cây gai hay viên đá sắc cạnh nhà sư cố nén cơn đau mà không chồm lên hay nhảy vọt lên để tránh mà phải cắn răng chịu đựng để gánh nước khỏi phải chòng chành khiến cho nước tóe ra ngoài.
Nắng mai đã bắt đầu nóng bỏng. Mây trắng trên bầu trời đã trôi về tận cuối chân trời. Vách đá bắt đầu hừng hực nóng. Gió biển vẫn im lìm và chỉ hiu hắt trên đỉnh đồi. Đường dốc như một đường hầm lộ thiên. Sư Viên Mãn bước từng bước cẩn thận, nặng nề. Mồ hôi đã bắt đầu rướm trên chiếc lưng trần. Đầu đội một chiếc mũ ni màu nâu che kín chỏm đầu không tóc, nhà sư lặng lẽ chịu đựng sức nóng càng ngày càng gay gắt.
Tấm thân nhỏ bé, gầy còm như đang “đánh vật” cùng đôi thùng nước. Đường luôn luôn dốc, không có một đoạn phẳng nào để dừng lại, đứng nghỉ lấy sức. Nhất là không  có được một nơi bằng phẳng để tạm đặt gánh xuống đứng nghỉ ngơi. Nhiều lúc quá mệt, nhà sư chỉ còn có thể dừng bước, chống gậy, để nguyên đòn gánh trên vai mà đứng nghỉ. Lúc ấy nhà sư mới biết được mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, trên chiếc lưng trần. Bỗng một cơn gió dịu dàng thoảng đến. Cơn mệt nhọc như tan biến đi và cuộc hành hương lên dốc lại tiếp tục. Hai lần đứng nghỉ là hai lần được thay vai. Cái nặng và cái nhọc sau mỗi lần thay vai dường như được vơi bớt, nhưng nó lại nhanh chóng trở về trên đôi vai đang gánh, mà không hề vơi đi sự nặng nhọc.
Hai bàn chân không còn mang nặng cảm giác đau rát vị đá nhọn, sạn và gai. Sự mệt nhọc đã trung hòa sự đau rát. Chỉ một  đôi khi, chân lỡ bước nhầm lên trên một mảnh đá nhọn thì sự đau nhói lại tràn về, bước chân đi chậm lại và cơn mệt như chợt tan đi, nhường chỗ cho cảm giác đau nhức hoành hành trong đôi chân. Rồi sự mệt nhọc lại trở về và cơn đau nơi bàn chân lại vơi bớt. Cứ như vậy liên tiếp, tiếp diễn cho đến khi lên được đến đỉnh đồi.
Vừa đặt đôi thùng xuống khỏi vai, nhà sư đã nhận thấy thân hình mình nhẹ nhõm. Mệt nhọc và đau nhức như tan biến. Gió từ biển khơi thoang thoảng thổi về. Cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng đến thật nhanh. Giờ đây nhà sư mới thấu hiểu được hạnh phúc trong cõi trần là ở tại đây, trong lúc này. Chân có giẫm trên gai, đá nhọn, vai phải quằn dưới gánh nặng, mồ hôi phải chảy giọt trên thân mình giữa một không gian cơ cực: nắng nung đến rát da mặt, cháy da lưng, thì khi lên được đến đỉnh dốc ta mới nhận ra được hạnh phúc của cần lao khi được ngơi nghỉ là quý đến dường nào.
Nghỉ chân được vài phút nhà sư lại xuống đồi để  tiếp tục gánh nước. Mấy bận sau như đã quen với gian lao nên việc  leo dốc  thuận tiện, không vất vả như ban đầu. Ban đầu vì chưa quen với địa thế, nhưng sau khi đã quen với con đường, với gai, đá nhọn thì nhà sư lại còn nhận thêm cái nóng bức, cái nắng chói chang của ban trưa.
Nắng và nóng ở biển được phân chia theo từng vùng. Trên trùng dương, giữa biển khơi nắng dường như được chan hòa cùng với sắc xanh của biển nên sức nóng dịu dàng. Bao bọc lấy sức nóng như có một làn hơi nước che chắn. Cho nên cái nắng giữa trùng dương chỉ gặm mòn cơ thể một cách nhẹ nhàng và từ từ. Nếu con người đủ nước cho cơ thể thì việc chống chọi với sức nắng còn có thể chịu đựng dài lâu.
Cái nắng trên bãi tắm lại làm tăng sự mát lạnh của làn nước biển. Sau vài phút nằm tắm nắng rồi lao mình vào lòng biển, con người sẽ nhận được sự mát mẻ của biển khơi tăng gấp bội phần.
Còn cái nắng và nóng trên sườn đồi Hòn Đỏ thì khác hẳn với mọi nơi. Đường lên dốc trong lòng khe nhỏ hẹp, giữa những tảng đá phơi mình dưới nắng trưa. Khí nóng hừng hực tràn lan, toả rộng khắp nơi. Đá hấp thụ nhiệt khá nhanh và cũng tỏa nhiệt rất chóng. Dường như chúng thu nhiệt thì ít mà tỏa ra lại nhiều. Không khí trên mặt đá rung rinh, linh động như đang bốc hơi. Đá nằm trải dài nên không cho bóng mát. Đá uỡn mình như chờ đón nắng trời. Gió không về nên sức nóng đọng lại trên từng phiến đá. Trong lòng khe nhỏ hẹp, nóng và nắng đang cuộn mình giao nhau. Thuở xưa nơi trận Xích Bích, Chu Du đã đốt thuyền quân Tào Tháo nóng cháy đến độ đỏ cả vách đá. Trong lòng khe, nhìn sắc đỏ của đá chói chang và hừng hực nóng, sư Viên Mãn cũng có cảm tưởng như mình đang bị vây hãm vào cuộc chiến tàn khốc này.
Có những tảng đá nằm trải bằng phẳng giữa đường, song nhà sư không dám bước lên vị thân đá như đang nung lửa. Bên cạnh đá trải dài một đám cỏ gai. Đành phải bước lên gai để tránh cái nóng đến cháy bàn chân người. Chấp nhận cái đau nhức còn hơn giẫm lên cái nóng thiêu đốt. Trong cái đau nhức, bàn chân còn hy vọng được chạm đến sự mát lạnh của đất, của lá cỏ xanh. Mặc dù đó chỉ là cảm giác thoáng qua nhưng sự lựa chọn vẫn là cần thiết. Cho nên nhiều khi dừng chân đứng nghỉ, sư Viên Mãn đã đứng giữa một lùm gai để nghỉ chân tạm bợ.
Dưới chân thì đá đang đọng lửa, còn bên trên thì nắng chói chang như suối nóng đang rót xuống chiếc lưng trần. Những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt trên lưng như xoa dịu ít nhiều cơn nóng bức. Trời càng nóng thân thể càng đổ mồ hôi. Thế quân bình của phản ứng con người giúp cho nhà sư thích nghi với khắc nghiệt của thiên nhiên. Với lòng kiên nhẫn, với chiếc lưng trần, sư Viên Mãn lặng lẽ bước từng bước một như người đang gánh nắng đi hành hương. Trên chiếc lưng trần những giọt mồ hôi long lanh ánh nắng, nối tiếp nhau chảy dọc xuống ướt đẫm cả chiếc quần đùi màu nâu. Có nhiều giọt mồ hôi trên mặt, trên cổ chưa kịp chảy xuống đến thắt lưng đã khô đi dưới sức nóng hừng hực giữa ban trưa để nhường chỗ cho những giọt mồ hôi lớn hơn, nặng hơn nối tiếp nhau chảy xuống.
Trên đôi vai chật hẹp, xương xẩu, thịt da đỏ au lên vì chiếc đòn gánh đè nặng dù đã được sang vai nhiều lần. Càng lên cao sự trĩu nặng mỗi lúc một oằn thêm. Trong nắng nóng ban trưa trên lưng dốc Hòn Đỏ, sư Viên Mãn cặm cụi gánh nắng, cô đơn giữa bầu trời chói chang, lầm lủi giữa đá nóng lẫn cùng gai góc. Hai thùng nước chứa chan sắc nắng, sóng sánh theo bước chân đi chậm chạp. Trời cao lồng lộng như đang ngắm nhìn nhà sư gánh hai thùng nắng đọng lại thành nước, trong cái chói chang, oi bức, như cười cợt với tấm lưng trần thấm đẫm mồ hôi.
Trong công việc cần lao cực khổ, nét mặt của nhà sư vô cùng tĩnh lặng. Đôi mắt mở to nhìn thẳng về phía trước, không một nét băn khoăn, lo nghĩ. Lặng lẽ mà đi như một vị sư hành hương đi trong sa mạc vắng người. Sự cực khổ dường như chỉ tập trung trên đôi vai gầy đỏ au lên vì nắng, vì nặng. Đôi mắt lặng lẽ, cam chịu khác với những đôi mắt của các vị sư đang yên lặng quét sân chùa, lau bàn thờ hay gánh nước tưới rau, tưới cây kiểng của chùa. Đôi mắt sáng ngời trên khuôn mặt khắc khổ, gầy guộc đen đủi. Đôi mắt sâu thẳm như chỉ nhìn vào hư không, yên thắm của sự sống an lành. Có những vị sư trẻ ngồi bên bếp lửa nấu cơm với gương mặt bình thản, đôi mắt linh động thấp thoáng ánh lửa hồng. Có những vị sư già buổi sáng ngồi tụng kinh, ánh bình minh đã bừng trong đôi mắt. Trong đôi mắt của nhà sư lúc này đã hàm chứa tất cả ánh mắt của biết bao nhiêu vị sư đã từng chịu khổ hạnh trong việc tu hành. Vui có, khổ có song không hề có một chút gợn của sự thất vọng, của sự chán nản, của sự thiếu đi niềm hy vọng. Đôi mắt đã làm cho nét mặt của nhà sư Viên Mãn bình thản và an nhiên.
Trong khung cảnh nắng nóng, đường dốc cheo leo, gập ghềnh gai góc mà sự mệt nhọc chỉ hiển hiện trên từng giọt mồ hôi, trên bước chân chậm chạp và trong hơi thở dồn dập nặng nề, còn nét mặt của nhà sư vẫn an nhiên bình thản. Nét mặt lúc bấy giờ giống tựa như nét mặt của các vị cha, mẹ đang cần cù lao động vì bầy con nhỏ. Những nét cơ cực như lắng xuống, tan biến đi vị tình thương con vô bờ bến của mẹ cha. Cuộc đời nếu vị một mục đích cao cả thì dù có cam khổ đến đâu nét mặt của những người cha mẹ vẫn an vui khi phải lao động cho con mình được hạnh phúc. Sự so sánh giữa nhà sư gánh nước lên trên đồi với cha mẹ lao động để nuôi con gần như chính xác. Tính chất vị tha vẫn luôn luôn trong sáng. Gánh nước lên xây dựng chùa cũng gian khổ như cha mẹ lao động nuôi con. Giọt mồ hôi nào chảy xuống trong lao động cũng là giọt mồ hôi vì ta, vì người, vì một mục đích cần thiết, cao cả.
Khi gánh được đôi nước lên đến đỉnh đồi, sư Viên Mãn ngồi trên một túm cỏ khô nhìn xuống mặt biển xanh bao la để thấy rằng lòng mình thênh thang nhẹ, tấm thân mình khoan khoái trước trời biển mênh mông. Những sự nhọc nhằn như thoát ra ngoài thân thể, hòa tan vào sắc biếc của trời biển. Cơn gió hiu hiu đã mang đi những giọt mồ hôi, làm dịu cái nóng nung giữa trưa nóng. Lòng nhà sư đằm thắm như sắc nắng dịu dàng không còn gay gắt nữa và thân thương trìu mến với người biết bao nhiêu. Nắng bây giờ không như nắng lúc gánh nước khi leo đồi. Cũng là cùng một luồng nắng nhưng tùy tâm con người, khi thì nắng nóng rát da khi thì nắng dịu dàng ấm áp.
Sau khi đem đôi nước đổ vào ba cái chum lớn kê trong một hốc đá là nơi an toàn cho việc trữ nước, nhà sư lại quảy đôi thùng tiếp tục xuống núi gánh nước. Khi lên có cái khó của người gánh nặng, khi xuống có cái khó của người xuống dốc mà phải gánh đôi thùng tuy nhẹ nhưng cồng kềnh. Nương vào cây gậy để giữ được thế thăng bằng và làm điểm tựa khi bước xuống dốc cao thẳng đứng. Lên cẩn thận thì khi xuống lại càng cẩn thận hơn. Lên dốc ít khi bị té song khi xuống dốc thì thường hay có lắm lúc lăn nhào.
Công việc gánh nước cứ tiếp tục mỗi lúc chậm dần. Khi đưa hai thùng nước cuối cùng lên đến đỉnh thì trời vừa đứng bóng. Ngồi nghỉ được một chốc thì buổi ăn trưa bắt đầu. Món ăn chỉ là một gói bắp nấu mà mẹ sư Viên Mãn đã nấu lúc ban chiều. Nhai chậm rãi từng hạt bắp, nhà sư cảm nhận được chất ngọt và vị bùi trộn lẫn vào nhau thấm dần vào vòm miệng. Đây là một phương thức ăn để cảm nhận được sự đầy đủ trong sinh hoạt ăn uống của người tu hành. Nhớ lại có một thời, sư đã được bổn sư giảng dạy về cách ăn uống trong việc tu hành và việc một nhà sư chỉ ăn mỗi ngày có một hột mè mà vẫn sống trong thời gian tu tập. Một vị sư chỉ ăn rau (ăn mỗi ngày một cọng rau) mà sống. Việc ăn rong biển để sống qua cơn thiếu thốn nhà sư đã thực nghiệm trên Hòn Đỏ trong những ngày bão tố khi không thể liên lạc được với đất liền. Anh Sáu Sài Gòn (người đã giúp nhà sư đi qua hải đảo) đã dạy nhà sư ăn món rong biển này.
Miệng nhai bắp, mắt nhìn ra biển khơi lồng lộng màu xanh thắm, lòng nhà sư thật thanh thản. Trong giây phút này nhà sư cảm nhận được tất cả hạnh phúc của riêng mình và tin tưởng nơi công việc mình đang làm sẽ không phí phạm (và nhất là sẽ) không vô nghĩa. Gánh được nước lên đồi là giải quyết được một phần cơ bản nhất cho công việc khai phá hoang đảo này. Mặc dù rất gian khổ song nhà sư vẫn tin rằng sức mình có thể thực hiện được.
Nước sinh hoạt cho mỗi ngày là một đôi, gồm để ăn uống và  tưới cây. Như vậy mỗi tuần sẽ chỉ phải gánh nước có một lần và những ngày còn lại sẽ dồn hết cho lao động khai phá và trồng tỉa. Ngoài ra mỗi khi lên đảo thì nhà sư lại mang theo một phần nước cho việc sinh hoạt trong ngày đó. Thời gian lao động trên đảo rất cần nên mỗi tuần sư chỉ về đất liền một lần để lấy lương thực và tiếp tế nước.
Suốt 10 năm liền công việc gánh nước vẫn tiến hành đều đặn nhờ vào  ý chí và tâm nguyện của nhà sư.
Ăn uống xong sư Viên Mãn chú tâm vào việc chuẩn bị tân tạo chỗ tạm trú của mình trong thời gian khai thác, khẩn hoang ở trên đồi. Đó là  một cái hốc ăn sâu vào một tảng đá  nhô cao có nhiều bụi tầm xuân leo mọc tạo thành một chỗ ẩn náu lý tưởng: nắng thì có bóng mát và mưa thì có chỗ tạm nương. Muốn cho an toàn khi mưa đến nhà sư đã che phía dưới lùm cây một tấm vải bạt ni lông như một cái lều ẩn trong lùm tầm xuân. Mặt đất bên dưới là một tảng đá bằng phẳng như một tấm phản rộng. Tuy không được hoàn toàn bằng phẳng nhưng cũng đủ để đặt lưng nằm ngơi nghỉ trong những giờ sau lao động. Vách đá là chỗ tựa để tránh gió mưa.
Trời đang trong xanh bỗng nhiên mây ở chân trời ùn ùn kéo nhau che kín bầu trời. Rồi cơn mưa  bất chợt ào ào đổ xuống. Mưa giăng màn che kín không gian biển rộng.. Hòn Tre, Hòn Mun và các đảo khác mờ đi trong làn mưa để rồi quanh đảo chỉ còn có màn mưa trắng giăng giăng.  Mưa vây quanh đảo nhỏ như hợp sức với những cơn sóng ào ạt quanh chân đảo. Giữa cơn mưa Hòn Đỏ như cô đơn song vẫn an nhiên trước sóng gió bão bùng. Gió mưa làm tấm bạt ni lông run lên bần bật khiến sư Viên Mãn phải ngồi nép mình bên vách đá, lặng nhìn dòng nước chảy trên tấm bạt ni lông và cùng tuôn chảy vào chiếc thùng hứng bên dưới. Niềm vui của nhà sư là được có thêm nước dự trữ cho những ngày khai phá trên đảo. Ít nhất là có được một tuần khỏi phải gánh nước.
Nha Trang không có mưa dầm, chỉ có những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi. Nhiều lúc cơn mưa kéo dài chỉ trong vòng đôi ba ngày là cùng. Những lúc đó đảo Hòn Đỏ bị cô lập giữa biển động. Sóng vỗ ầm ầm quanh chân đảo nên không có một chiếc thuyền nào có thể cặp vào. Đảo như bị cô lập, như trôi ra xa giữa sóng gió trùng dương.
Mỗi khi cơn mưa kéo dài, đảo bị cô lập với đất liền sư Viên Mãn phải chấp nhận tình trạng thiếu lương thực trên đảo. Hàng tuần sư ra đảo chỉ mang theo một ít gạo và một ít tương chao và xì dầu. Sư chỉ ăn mỗi ngày một bữa, đúng vào giờ ngọ. Nhiều lúc bị cô lập trên đảo, sư phải ăn những lá rong xanh mọc nơi mép đá ven biển. Sóng lớn đánh tạt rong lên các mỏm đá cao, nhà sư đã lựa những mảnh rong còn non xếp  từng chồng trên một dĩa nhựa rồi mỗi lúc dùng bữa sư ngồi  nhai chậm rãi như ăn bắp nấu. Từng lá rong xanh được nhai chậm rãi, nhai thong thả như để tận hưởng hương vị thơm ngon của rong biển. Thật ra nhà sư nhai chậm rãi là vị thói quen hơn là muốn tận hưởng hương vị của rong vì hương vị này nhạt pha lẫn vị đắng và chát. Nhìn vị sư ngồi nhai rong biển, ta có cảm  tưởng là mình đang bắt chợt thấy được hình ảnh một vị chơn tu thuở trước, trong câu chuyện một vị sư ngồi nhai một hột mè mà đủ sống trong một ngày.
Trong các câu chuyện được dân gian kể lại như câu chuyện ngài Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn tu tập tại chùa Thiên Sơn (còn có tên là chùa Lỗ Mây) thuộc xã Ninh Hưng huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Việc ăn uống của Hòa thượng rất giản dị. Chỉ một nắm cơm khô, một nắm gạo rang, hoặc một nắm lá cây, bất cứ lá cây gì, cũng đủ nuôi sống. Ngoài ra còn một vị sư tu ở chùa Linh Quang thuộc thôn Đại Điền Trung, hiệu là  Nhơn Nguyện. Ngài xuất gia từ lúc 9 tuổi. Khi tu có hơi tối dạ, thường bị phạt mỗi khi không thuộc kinh. Sau một tuần ngồi tịnh thiền dưới cây ké tại núi Phú Nhơn ngài đã ngộ đạo và vào tu ở chùa Linh Quang và ngài nhập thất trong thời gian là ba năm. Suốt thời gian này ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt vào đúng ngọ. Do đó ngài có tên là  Hòa thượng Rau.
Ăn rong thay cơm, nhà sư không bị đau bụng hay khó chịu vị ban đầu nhà sư ăn rất ít, nhai rất kỹ và có lẽ nhờ bộ máy tiêu hóa tốt . Ban đầu chỉ ăn chút ít, sau lần lần thay cho bữa ăn chính. Cuối cùng cơ thể quen dần với loại lương thực mới lạ này.
Lần ăn rong ban đầu vào lúc trời mưa dầm vì không có lao động nên việc ăn rong thay cơm rất dễ thực hiện. Sau đó cần có sức khỏe để khai phá hoang đảo nên việc ăn rong chỉ để giặm vào những ngày nghỉ làm hoặc trong ngày gió mưa. Tuy nhiên trong suốt mười năm lao động trên đảo Hòn Đỏ sư Viên Mãn vẫn duy trì chế độ ăn rong mỗi tuần hai lần để giảm thiểu việc tốn hao lương thực vị sư phải tự túc trong vấn đề này khi chùa chưa có bổn đạo. Anh Sáu Sài Gòn chỉ dạy nhà sư ăn rong với mục đích thay rong làm rau xanh trong các bữa ăn còn sư khi thực hành lại lấy rong thay cho lương thực. Nhà sư đã thực hiện cách ăn này cho nhiều loại rong biển từ rong rau câu, rong đồng mứt. rong chân vịt v.v... và đã nhận chân ra là: mỗi loại rong đều có một mùi vị riêng giống như các hoa quả, các rể củ v.v.. Hạp miệng với loại nào thì thích ứng với loại nấy. Ban đầu khó chịu sau dần dần quen và sau đó làm lương thực để mà sống.. Trong lúc ăn, nếu lòng ta không nghĩ đến chất ngon vị ngọt thì miệng nhai nhánh rong đắng cũng giống như nhai một cọng rau muống vậy.
Trong hoàn cảnh cơ cực nhất, con người có thể sẵn sàng chấp nhận những điều khổ cực nhất, vui với những điều mình có thể có và giữ được niềm vui trong những cái tầm thường nhất mà mình có được. Nếu giữ được nếp sống này ta luôn luôn có hạnh phúc và ta sẽ được vơi đi những đau khổ mà trần gian này đã đem đến cho ta. Khi ta chấp nhận sự đau khổ thì đau khổ sẽ vơi đi, khi ta không nhớ đến sự đau khổ thì đau khổ sẽ biến mất giữa lòng ta.
Có một đôi khi anh Sáu Sài Gòn đem rong biển nấu thật chín và mời sư Viên Mãn ăn và nhà sư đã thốt nên:
- Không có mùi vị gì khác. Tuy nhiên ăn chín khó ăn hơn ăn sống.
Theo ý nghĩ của nhà sư thì cọng rong kia dù có thay đổi cách thức nấu xào, hay cách thức chế biến thì bản chất của rong biển vẫn là bản chất của rong biển. Vị ăn trong miệng vẫn tùy thuộc vào cảm nhận của con người. Tuy nhiên khi cần sức khỏe để lao động thì  việc ăn cơm rau vẫn cần thiết.
Hằng năm cứ vào mùa nắng, dân cư trong đất liền đợi khi nước triều xuống, lội ra vớt rong biển về phơi khô đem bán cho bạn hàng chế biến hải sản. Nhiều lúc họ vớt lên phơi ngay trên bãi đá và đợi khi nào rong khô  họ mới đem giỏ ra hốt đem về. Nhiều lúc thấy các bãi rong lòng mứt hoặc rau câu chân vịt bị hái sạch, sư Viên Mãn đã suy nghỉ Trời có sinh thì có hoại, tuy nhiên lòng ta vẫn mong muốn là tất cả các loài chim muông, cây cỏ đều được tự sinh sôi nẩy nở  yên lành chung quanh đảo này.
Một tuần, nhà sư chở nước lên đảo một lần và chở đất lên đảo một lần. Chở nước thì vận chuyển  từ đất liền ra đến chân đảo dễ dàng thuận tiện song việc gánh nước lên đến đỉnh đồi lại khó khăn. Còn chở đất thì nghịch lại.
Muốn có đất thì thuyền phải ngược lên tận các bãi đất hoang gần chiếc cầu sắt Ngọc Hội chạy qua sông Cái. Tại đây có những bãi đất hoang mọc đầy gai mắc cỡ và cỏ mần trầu. Đất ở đây là đất sét pha lẫn đất cát dọc hai bờ sông. Vì vậy nên đất rất xốp.
Từ chiều hôm trước, nhà sư đã nhờ anh Sáu cho mượn chiếc ghe và chuẩn bị 50 chiếc bao cát cùng với cuốc và xuổng. Khi trời vừa hừng đông ghe đã vượt qua khỏi cửa sông Cái, qua cầu xóm Bóng, rồi ngược giòng sông. Nơi cửa sông, gió biển hiu hiu thổi. Thuyền đánh cá từ biển xa trở về. Âm thanh của máy thuyền vang vọng trên sóng nước. Tiếng máy có âm thanh trầm nặng là tiếng máy của chiếc thuyền có cá nặng đầy khoang. Tiếng máy có âm thanh nhẹ và bổng là tiếng  máy của  thuyền đánh cá ít gặp may mắn, cá nhẹ lòng khoang. Bầu trời bình minh căng lòng tươi mát đón đoàn ghe thân yêu trở về. Bến cá Cù Lao vui nhộn vì vợ con các ngư dân ra đón cha, chồng và những người “rổi cá” chen nhau trong chờ đợi.
Để lại sau lưng tiếng reo hò vui vẻ, chiếc ghe của nhà sư vẫn im lìm tiến thẳng về eo đất nằm giữa dòng sông. Đây là một cồn đất nhỏ hoang vắng. Lau sậy và cỏ lát mọc đầy. Đất phù sa của dòng sông Cái tích tụ nhiều năm. Lấy đất ở đây không ai ngăn trở. Neo thuyền cặp sát bờ, nhà sư đi sâu vào bên trong tìm vùng đất tốt. Nơi nào có cây to và cỏ nhiều, nơi ấy có đất tốt cho trồng trọt. Đất được cho vào bao cát, cột chặt miệng. Bao cát này làm bằng một loại vải lâu mục của nhà binh thường dùng để làm hầm trú ẩn hoặc hầm chiến đấu. Khi di chuyển đi nơi khác, các hầm này được bỏ hoang, dân chúng thường đến đào bới đổ cát đi và đem về bán để dùng vào nhiều công việc
Đến gần trưa thì ghe đã được chất đầy bao cát đựng đất và ghe được xuôi về Hòn Đỏ. Ghé nhà anh Sáu, bữa cơm trưa đã chờ sẵn. Tuy đạm bạc song nhờ lao động nên bữa cơm với rau dền chấm xì dầu vẫn được xem là bữa cơm đầy đủ. Ăn xong thì nước triều vừa lên, ghe nhờ thêm một tay chèo là anh Sáu nên ghe cặp bến Hòn Đỏ rất nhanh. Các bao đất được chuyền lên bến mau lẹ và anh Sáu lo trở về nhà chuẩn bị cho chuyến đi thả lưới ban chiều. Còn lại một mình, sư Viên Mãn, mỗi vai vác một bao đất, bắt đầu leo dốc.
Vác đất không nhọc công bằng gánh nước vì gánh nước thì hai đầu gánh thường bị vướng các mỏm đá trên đường lên dốc và nhất là phải chú tâm sợ nước vương vãi ra đất. Vác đất tuy nặng hơn song lại gọn gàng khi di chuyển, khi bước chân lên gộp đá và nhất là khi di chuyển qua các khe đá chật hẹp. Hai bao đất cũng che được hai vai và một phần lưng dưới ánh nắng gay gắt xế trưa. Trong không khí hừng hực, bóng nhà sư lặng lẽ di chuyển, âm thầm, kiên nhẫn, Cảnh mênh mông vắng vẻ của hoang đảo không hề làm chùn bước của con người đã có quyết tâm thực hiện cho được ước nguyện của mình.
Lên đến đỉnh đồi, nhà sư đặt hai bao đất xuống đúng vào vị trí đã dự định rồi lẳng lặng xuống đồi. Gió từ biển khơi đã lồng lộng thổi về. Trên bầu trời trong xanh, lênh đênh đôi dải mây trắng mỏng. Cơn nắng như hun vẫn đổ xuống hòn đảo nhỏ nhoi này. Bên dưới là biển nước mênh mông, trên này là không gian đầy nắng lửa. Trên đỉnh đồi thì có gió thoảng song ở nơi các khe đá, đường mòn ẩn khuất trong đá, không khí vẫn hừng hực khí nóng, lưng của đá vẫn tỏa  khí nóng. Khi vác đất qua những vùng này, chân tự nhiên bước mau, lòng mong cho chóng đến vùng có gió biển thổi qua. Nơi đây chân tự nhiên dừng lại, gió như một nguồn nước mát xối xuống toàn thân. Mọi sự mệt nhọc như tan biến, hai bao cát không còn đè nặng trên hai vai. Bóng người trải dài trên vách đá, nhà sư trong thế đứng nghỉ hơi, mắt hướng về bể khơi, lồng ngực hít đầy  gió biển. Rồi lại tiếp tục cất bước lên đồi.
Chuyến cuối cùng vừa xong thì mặt trời đã khuất dưới chân trời. Phương Tây rực rỡ ánh vàng. Biển  ào ào con sóng. Hơi mát đã tràn về. Nhà sư lại tiếp tục đem các bao đất đổ vào các khe đá, lấp mặt các tảng đá tạo thành một khoảnh đất bằng phẳng vuông vức. Xong việc thì trời đã tối hẳn. Nhìn qua một lượt những công thành của một ngày lao động, nhà sư xuống bến tắm gội những vết đất đã gắn chặt trên lưng, trên tay chân. Dầm mình trong một vũng nhỏ kín gió nhà sư cảm thấy sóng biển ấm áp đã âu yếm vỗ nhẹ lưng mình. Cơn mệt mõi như tan vào lòng biển. Nhà sư lặng lẽ trở về túp lều nhỏ trên đồi. Trong bầu trời chạng vạng tối, giữa không gian xa vắng của đảo khơi, tiếng tụng kinh tối vang lên rõ mồn một. Tiếng mõ nhịp nhàng đều đặn. Thỉnh thoảng một tiếng chuông buông rơi nhẹ nhàng nhưng trầm lắng. Mùi hương lan xa, tỏa lững lờ trong bóng  tối buông dày. Đêm đã phủ đầy trên hải đảo.
Nằm gối đầu trên đá, nhà sư mơ màng lắng nghe tiếng dế vọng xa xa, khi mơ hồ, khi như rõ bên tai. Những kỷ niệm xa xưa của những ngày thơ ấu chợt thoảng về như đọng dưới ánh trăng vàng. Lòng nhà sư nhẹ nhàng mở rộng đón lấy sự thanh thản dưới trời khuya.
Sự êm đẹp của thiên nhiên luôn luôn kề cận, quấn quít chung quanh ta nhưng vì quá bận rộn với công việc hằng ngày nên lòng ta quên đi cái đẹp của thiên nhiên, của cây cỏ chung quanh ta.
Ngước nhìn lên bầu trời trong xanh vằng vặc trong suốt như pha lê. Ánh trăng dịu mát như mơn trớn, như xoa dịu cái nóng ban ngày như vẫn còn phảng phất trên da thịt. Bù lại nóng bức ban ngày, đêm trăng như rải sửa mát dịu trên toàn cảnh Hòn Đỏ. Ánh trăng như mặt phải của cuộc đời mà sức nóng ban trưa là mặt trái. Nhờ có nó ta mới hưởng được những giờ phút thoải mái hoàn toàn hạnh phúc.
Giữa trời biển bao la, giữa khó khăn cực nhọc ban ngày, sư Viên Mãn lòng vui sướng ngộ ra một điều là con người không cô đơn trước thiên nhiên. Thiên nhiên vô tình khi con người không lưu ý đến song rất hữu tình với con người hằng để tâm đến thiên nhiên. Lao động là môi trường để con người gần gũi và yêu mến thiên nhiên. Nhờ lao động con người mới thấy rõ ý nghĩa của cuộc đời, mới yêu mến cuộc sống. Khi nội tâm ta hòa đồng cùng vũ trụ thì thiên nhiên dù khắc nghiệt đến đâu cũng là bạn đồng hành với ta trên cõi đời này. Khai phá hòn đảo này, sư Viên Mãn chỉ muốn góp một phần nhỏ vào công việc lập một ngôi chùa nhỏ trên đảo cùng với cảnh quan có cuộc sống như trên đất liền với cỏ cây xanh tươi. Ngôi thiền viện sẽ là nơi tu tâm dưỡng tánh cho tất cả ai ai  mong muốn giữa trời biển bao la có một nơi để tu niệm.
Trong sạn đá, trong khô héo, hoang vu, chỉ có nắng và gai góc, tuy gần đất liền mà không một dấu chân người. Hằng ngày có thuyền câu quanh đảo nhưng không người đến thăm vì thiếu nước, thiếu phương tiện tới lui và nhất là thiếu nguồn sinh sống. Từ khi bước chân lên hải đảo không một giây phút nào nhà sư chạnh lòng chán nản. Niềm hy vọng cất được một ngôi chùa trên hoang đảo đã giúp nhà sư vượt qua tất cả mọi gian khổ. Sư không bao giờ nghĩ đến một ngôi chùa nguy nga đồ sộ mà chỉ mong có một ngôi chùa lợp tranh thanh tịnh với một vài đệ tử mến cảnh mến thầy. Sư nhớ lại những tháng ngày theo học nơi trường Bồ Đề, trong giờ giảng văn, sư thích nhất là bài thơ Thú Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh có những câu:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái

Lửng lơ khe đá cá nghe kinh

Thoảng bên tai một tiếng chày kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng…
Và ở Nha Trang này không biết tìm đâu ra một động Hương Tích vừa trần vừa tiên, cảnh, tình  hòa quyện lấy nhau, để cùng nép mình trước hiên Phật. Vị vậy nên khi đứng trên đỉnh núi Sinh Trung, nhìn thấy Hòn Đỏ cô đơn trên sóng nước, nhà sư đã có tâm nguyện ra đảo lập chùa. Với một tình yêu thiên nhiên, với lòng khát vọng tìm ra một nơi tu hành theo sở nguyện cho nên dù gian khổ đến bậc nào nhà sư cũng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Tự mình khai phá, tự mình xây dựng là chính, còn nhờ ở người khác là tùy duyên, tùy hoàn cảnh.
Sau nhiều ngày dọn dẹp phát quang và làm nền, che chùa, khu đồi trên đỉnh Hòn Đỏ tạm thời đã được dọn sạch. Gai góc được chặt nhỏ phơi khô rồi đốt cháy bỏ vào các hố đào sẵn để chuẩn bị cho việc trồng cây lưu niên. Đất đưa từ đất liền lên đảo được chia thành khu vực để chuẩn bị trồng rau.
Tháng tám thời tiết thường hay thay đổi đột ngột. Trời đang nắng chang chang bỗng nhiên phương Tây mây kéo về đen đặc cả một bầu trời. Và mưa bắt đầu tuôn xuống. Nước mưa ào ạt chảy theo các triền dốc cuốn theo những hạt đất, hạt sỏi cùng các cọng cỏ khô. Mặt đất như bị bào mòn dần dần để trơ lại những tảng đá lớn cùng với những tảng đá nhỏ lô nhô chung quanh. Đã mấy trăm năm nay chỉ có sự bào mòn mà chưa có một sự bù đắp nào để làm cho đất trên đảo được thêm  phì nhiêu màu mỡ. Cây to trên đảo không có, chỉ có các bụi gai góc mà sự rụng lá không thể bù vào sự mất mát xói mòn của các cơn mưa lũ. Bởi vậy cho nên cần đến sự hướng dẫn dòng chảy chậm để giảm bớt sự chảy ào ạt cuốn đi tất cả đất đai trên mặt đảo. Cho nên đá nhỏ được xây thành tường thấp chung quanh và các khe ngoằn ngoèo làm chảy chậm bớt dòng nước mưa trên đảo. Sau cơn mưa dông trời lại ửng nắng. Thời gian này rất thuận tiện cho việc trồng tỉa.
Những hạt giống được xin từ quê hương Phú Yên như: sắn nước, hạt é, và những hạt rau cải, tần ô….Những luống đất không thẳng hàng vì địa hình của mặt đất, được trộn xới nhiều lần với những bọc phân ủ, đang thấm đẫm nước mưa và ấm dần trong nắng. Các hốc trồng sắn nước, nằm rải rác khắp nơi theo các thế đất và đá.  Đất đưa từ đất liền lên được dùng để trồng rau, trồng khoai lang, khoai mì, đu đủ, cà, ớt v.v...
Sau cơn mưa rào và một ngày nắng ấm, các hạt giống đã được gieo trồng. Các hạt sắn nước có sắc vàng nhạt được trộn với một ít tro để chống kiến được gieo vào các hốc đất cạnh các  tảng đá. Những hạt cải ly ti màu nâu sẫm cũng được trộn với tro và rải đều trên các luồng đất mịn bằng phẳng. Hom mì cũng được chặt ra thành từng đoạn ngắn và được vùi trong các hốc đất ít đá. Rút kinh nghiệm ở những  vùng tự do khi kháng chiến chống Pháp, sư đã dồn các  lá cây, cỏ dại vào các hốc đá to có trộn thêm đất ruộng để trồng các củ khoai sọ, khoai mỡ, khoai tím v.v… Riêng về việc trồng khoai lang thì sư chia ra hai cách trồng:
Loại ăn lá thì được trồng trên những luống đắp thành vồng có rãnh chung quanh để tụ nước. Loại lang ăn lá có những phiến lá tròn dùng đế luộc ăn  thay cơm hoặc dùng làm món ăn hằng ngày.
Loại ăn củ thì lá có khía răng cưa, lá ít phát triển nhìn lúc ban đầu trông không đẹp mắt bằng lang ăn lá song lại cho củ rất nhiều. Các vồng lang củ thường được vun to, giữa các thân vồng luôn luôn có độn thân lá của các giống cây mọc hoang trên đảo để làm phân cho củ và để làm cho đất xốp. Vồng lang đầu tiên trên Hòn Đỏ chỉ vỏn vẹn có một vồng dài khoảng 10 mét. Khoai lang chỉ trồng thích hợp ở các vùng đất xốp. Nhiều nơi chỉ  trồng lang trên đất cát mà củ lại rất nhiều và tinh bột cũng rất nhiều. Đặc biệt là khoai trồng trên đất thịt thì củ lớn song thường bị sùng và nhiều lúc lại bị sượng vị ngập nước. Riêng khoai trồng đất cát thì tuy có củ nhỏ song ăn rất bùi và thu hoạch rất thuận tiện. Có nhiều vùng đất cát song nhờ kinh nghiệm lót phân xanh (cành lá cây xanh) trong thân vồng nên củ khoai lớn mà bao giờ cũng tràn đầy tinh bột tuy khi nhìn trên mặt vồng ta chỉ thấy thưa thớt các lá khoai .
Vốn biết rằng đất nơi đảo không thích hợp với việc trồng khoai ăn củ song khi nhớ đến những chiếc giỏ bằng tre trồng khoai lang trong thời gian chống Pháp ở những vùng thiếu đất, nhà sư đã áp dụng cách trồng này trong các giỏ  có lỗ thưa chung quanh, rộng 1 mét, cao nửa mét, dưới đáy có lót lá dày và đổ đất dày khoảng một gang tay, trên mặt xếp các dây khoai lang dài có hai đầu để thò ra ngoài giỏ. Trên các cọng dây khoai phủ một lớp lá xanh dày và đè lên trên là một lớp đất, rồi tiếp tục rải dây khoai. Cứ thế mà trồng độ 4, 5 tầng. Giỏ khoai được đặt trên một tảng đá, hằng ngày tưới nước như tưới một vồng khoai. Tuy nhiên mỗi khi lang đã mọc nhiều thì việc tưới nước có nhiều khi khỏi cần đến vì khi gặp trời mưa thì giỏ lang không khi nào bị úng nước và khi trời nắng thì trong lòng giỏ vẫn còn chứa nhiều độ ẩm. Khi lá khoai mọc đầy bò dài xuống đất, giỏ khoai  trông giống như một ụ khoai lang trồng trên tảng đá, đôi khi trông giống như một khóm lang mọc tự đá, bò lên đá. Cách trồng lang này rất thích hợp nơi thiếu đất, thiếu nước.
Đến mùa thu hoạch, sau khi cắt các ngọn lang bao quanh giỏ, sư chỉ cần dùng lưỡi liềm cắt đứt các thanh tre đã ẩm mục rồi dùng cuốc nhỏ đào xới đất trong giỏ ra. Khi xới tầng đất trên cùng, các củ khoai lang hiện ra nằm chen chúc cạnh nhau như một bầy heo con màu đỏ hồng, màu trắng vàng trông thật dễ thương. Kết quả thu hoạch tùy theo cách trồng và cách bón phân lá. Nếu các dây khoai đặt quá sát nhau thì củ nhiều song lại có thân nhỏ. Nếu đặt thưa dây lang thì củ lớn song lại ít củ. Lại còn việc đất và phân lá tốt hay xấu, thích hợp với khoai hay không thích hợp. Phần nhiều đều do kinh nghiệm của người trồng mà ra. Đôi lúc không cần đào xới mà khi các nang tre đan được cắt, đất trong giỏ vì phần nhiều là đất cát trộn với lá, cành cây nên tự động bung ra và củ lang rơi nằm đầy trên mặt đá.
Trên Hòn Đỏ chỉ có thiếu đất chớ không thiếu nơi trồng. Mỗi tuần chỉ một chuyến vận chuyển đất lên đảo cũng đủ để trồng một vồng khoai.
Song song với việc trồng lang, việc trồng sắn nước  cũng dễ dàng thành công hơn các loại giống khoai khác như khoai sọ, khoai tím, khoai mỡ. Củ sắn nước dễ trồng song không có lợi về kinh tế vì giá trị không cao, không thể thay thế cho thực phẩm như khoai, mì. Tuy nhiên đó là một thức ăn tạm thời vừa no, vừa đỡ khát nước. Củ sắn nước đã giúp cho nhà sư trong khi nắng hạn, khi các lu nước đã vơi đi mà chưa kịp vào bờ để lấy nước thì các củ sắn nước này đã làm dịu cơn khát, vơi cơn đói, trong khi chờ thuyền của anh Sáu chở thêm nước từ đất liền ra đảo mỗi khi nhà sư vì nhiều công việc cần làm nên không thể về đất liền mang gạo và chở nước ra đảo. Những lúc này nhà sư chỉ còn nhờ vào sự tiếp tế của anh Sáu Sài Gòn. Không có anh Sáu không có ghe thuyền ra đảo, không có phương tiện chở nước, chở đất. Nhiều lúc chờ không được vì một lẽ gì đó anh Sáu không ra đảo thì nhà sư lại phải đợi nước thủy triều xuống, lội vào bờ.
Một hôm khi lội vào bờ nhà sư mới hay anh Sáu Sài Gòn không ra được đảo vị bận đưa chị Sáu đi nhà thương sinh sản.
Việc lấy nước, gánh nước một mình trên đảo vắng vẫn âm thầm trong quạnh vắng, trong hiu quạnh giữa trời đất bao la nắng gió trùng trùng. Nhưng hạnh phúc đang lớn dần vị công việc càng ngày càng tiến triển. Kết quả đã trông thấy từng ngày. Vồng lang đã xanh lá, khoai mì đã xòe cánh nõn. Trên luống cải đã  đậm màu xanh tươi sống. Mầm sống đã hiện diện. Niềm vui và hi vọng đã theo gió sớm tràn về..,

Gió đưa mười tám lá xoài

Mười hai lá mít lạc loài về đây.
Câu ca dao này tuy không hiểu được cặn kẽ nguồn gốc và ý nghĩa song cứ mỗi lần nghĩ đến, sư Viên Mãn vẫn thấy bâng khuâng trong lòng. Lá mít, lá xoài của quê hương vẫn bàng bạc trong hồn. Hình ảnh này thân thương như khi có người nhắc đến bờ tre, con sông đầu làng. Hơn nữa hai tiếng lạc loài đã nói lên thân phận của kẻ không nhà như cây mít cây xoài xa vườn, xa nơi lớn lên. Nhà sư chợt nhớ đến những cây xoài, cây mít trên chùa Linh Quang nơi núi Xuân Đài tỉnh Phú Yên. Chùa Linh Quang nổi tiếng là một ngôi danh lam có thắng cảnh đẹp. Núi Xuân Đài nằm ở phía Nam huyện Đồng Xuân, nối tiếp từ Thạch Lãnh chạy xuống, núi gò liên tục, làng xóm nối dài, ruộng vườn xen trộn. Chùa Linh Quang còn có danh là chùa Đá Trắng, vì đá trên núi phần nhiều mang sắc trắng. Trong sân chùa và quanh chùa có giống xoài tượng rất ngon. Vỏ mỏng, thịt dẻ và hương thơm. Đặc điểm là để được lâu, hương không phai và vị vẫn thắm.
Trước đây giống xoài này hằng năm phải đem về Huế cống vua. Cho nên xoài trên chùa bị chức sắc trong làng quản lý. Khi mùa xoài có trái, các phu dân phải túc trực tại chùa để canh gác. Họ phải đếm từng nụ xoài lúc mới tượng trái và chăm nom cho đến khi xoài già mới làm lễ hái trái và dùng ngựa chở xoài trong các giỏ tre ủ xoài cùng với lá sầu đông để đến khi về tới Huế thì xoài vừa chín vàng da. Do được bảo vệ nghiêm nhặt cho nên tuy chùa có danh là có xoài quý song nhà chùa không bao giờ được hái trái cúng dâng Phật trong các mùa xoài. Tuy nhiên năm nào chùa cũng có trái xoài để cúng. Đó là không rõ nguyên nhân nào khi mùa xoài được hái sạch để dâng vua thì trên cây xoài luôn luôn còn sót lại những trái chín vàng mắt thường không bao giờ được thấy. Đêm trước đó, sư cụ nhà chùa sau tuần kinh đêm ra đứng nơi hiên chùa. Bỗng một mùi hương xoài chín dìu dịu thoảng đến. Sao trên trời như sáng tỏ thêm, gió hiu hiu thổi nhẹ.
Sáng hôm sau, thức dậy sớm, sư cụ ra đứng dưới gốc xoài đưa mắt nhìn lên cành cao, thì bỗng nhiên thấy thấp thoáng trong cành lá tươi xanh nhấp nháy ánh vàng dao động. Nhìn lên cây thì sư cụ trông thấy một chùm xoài chín đang đong đưa trước gió. Và từ đấy hằng năm sau ngày hái xoài hiến vua, chư đệ tử trên chùa lại đua nhau quan sát cành xoài và nhất là đêm đêm quanh quẩn bên gốc xoài để chờ đợi hương xoài thoảng đến. Những người có  tấm lòng mộ đạo thì cho đó là tấm lòng che chở vật quí của đất để dâng cho Phật. Kẻ có tấm lòng thực tế thì bảo rằng đó là tấm lòng thành kính của những người canh giữ đã cố ý khi hái trái đã để sót lại trong đám lá xanh rậm cho chùa và phải đợi đến khi xoài chín, màu vàng mới lộ ra và hương thơm của xoài mới báo thức cho nhà chùa tìm hái để dâng Phật. Nhờ có những trái xoài còn sót lại mà giống xoài trên chùa Đá Trắng mới được nhân rộng ra khắp vùng núi Xuân Đài. Tuy đã xa chùa, song tiếng ngon của xoài Đá Trắng vẫn lưu truyền trong nhân gian mãi mãi.
Sau khi ổn định chỗ ăn ở trên Hòn Đỏ, sư Viên Mãn nhớ đến giống xoài nơi chùa Đá Trắng nên có một ước nguyện là sẽ trồng đầu tiên trên hải đảo này giống xoài quí của quê hương. Nhân một chuyến về thăm quê nhà, bằng cách tháp tùng một ghe thuyền buôn thương phẩm, đi từ bến Cù Lao về Sông Cầu, nhà sư đã  thoã ước nguyền.
Thuyền rời bến vào buổi chiều tháng ba âm lịch. Gió nồm đã thổi hiu hiu, thuyền ra khơi trong trời quang mây  tạnh. Trên thuyền chỉ có vị sư và ông thương gia có tiệm buôn ngay dưới chân núi Sinh Trung. Tình cờ mẹ nhà sư khi đi làm, biết được vị thương gia có chuyến ghe về Phú Yên nên tin cho sư Viên Mãn biết và nhà sư đến xin được tháp tùng.
Thuyền căng buồm ra khơi, xuôi theo chiều gió đi thẳng một mạch đến sáng thì cặp bến Sông Cầu. Trong thời gian  thuyền cất hàng và mua hàng, nhà sư đã lên đường về thăm chùa Bảo Sơn rồi ghé chùa Linh Quang để xin mua hột xoài giống. Nhà chùa biếu tặng được 14 hột và một cây rựa dày bản để dùng trong việc phát hoang. Thành công trong việc có được giống xoài đặc biệt, và nhất là được sự cổ võ nồng nhiệt của chư tăng nơi chùa Linh Quang về ý định khai hoang lập tự trên hải đảo Hòn Đỏ, sư Viên Mãn hăm hở trở lại Sông Cầu theo thuyền về Nha Trang. Đi và về chỉ có 5 ngày đêm. Mọi việc êm xuôi như con thuyền thuận gió.
 Sư Viên Mãn đem mười bốn hột xoài ủ vào trong một bồn đất nơi ang nước tại chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa. Tại nơi đây sẽ đầy đủ nước tưới, bóng mát và được sư chăm sóc của mẹ già của sư mỗi khi sư bận trên hải đảo. Kết quả rất khả quan là cả mười hột đều  nẩy mười mầm non xanh tốt. Và nhà sư đã đem hột xoài nẩy mầm lên Hòn Đỏ.
Sáng hôm nay, khi đem nước tưới đến khu ươm hột xoài thì nhà sư phát hiện ra 14 hột xoài đã đâm rễ. Mỗi hạt xoài đều có một rễ dài, trắng muốt to bằng mút đũa, cắm sâu vào lòng đất. Hôm qua sự kiện này chưa có. Thế mà chỉ trong một đêm mọi việc đã xảy ra. Thiên nhiên thật là kỳ lạ. Khi ta chú tâm thì không nhận thấy, mà khi ta hờ hững lơ là đôi phút thì hiện tượng lại hiện ra. Trong vườn hoa đôi lúc ta bận việc không chú ý đến  thì bỗng một hôm ta thấy cả khóm hoa đã đầy nụ hoa. Cũng như có nhiều khóm hoa ta chưa kịp thấy nụ thì hoa nở đã đầy cành.
Những rễ xoài đã đâm xuống đất song mãi đến mười hôm sau hai lá xoài mới thoát ra khỏi cái vỏ cứng khô... Cây xoài con đã thành hình trọn vẹn. Mỗi cây xoài con lại được đem trồng vào một chiếc giỏ mồm bò. Chiếc giỏ này được đan bằng tre có nhiều lỗ dùng để đeo vào mồm con bò mỗi khi đi ra đồng để tránh việc bò ăn lúa khi đi đường. Đôi khi giỏ được đan bằng dây mây để có được độ bền cao. Độ lớn của thân giỏ chỉ vừa khít với chiếc mồm của con bò và được đeo vào mõm bằng một sợi dây mây quấn ngang qua giữa hai sừng bò.
Ở thôn quê khi ươm cây giống, người ta thường dùng giỏ này để tiện việc di chuyển và nhất là để tiện dụng khi cây đã lớn thì có thể đem trồng luôn với cây khỏi phải bứng cây và nhờ ở giỏ có nhiều lỗ nên rễ cây thoải mái mọc tự nhiên. Và vì làm bằng tre nên rất chóng mục mỗi khi được chôn xuống đất.
Hố trồng xoài đã được chuẩn bị từ lâu. Đó là những cái hố được đào tại những vị trí thích hợp: nhiều đất ít đá và gần các tảng đá to. Như vậy để tránh các cơn gió mưa dữ dội trên đảo mỗi khi mùa dông bão tháng chín tháng mười. Mỗi hố rộng hơn một mét đường kính và sâu đến nửa mét. Một đôi chỗ bên dưới là một tảng đá lớn, khi đó lại phải di chuyển vị trí trồng đến một chỗ khác. Khó khăn như thế cho nên mỗi ngày chỉ đào có một hố mà thôi.
Ba tháng sau thì 14 cây xoài đã được trồng trong những hố xoài khắp vùng trên đảo. Phải cần đến sự chăm sóc hằng ngày kéo dài đến hai năm, 14 cây xoài mới chắc chắn được sống trên Hòn Đỏ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này vì thiếu nước nên xoài chỉ phát triển theo mùa mưa và vì bên dưới đá tảng nhiều nên sau một thời gian cho trái được vài năm thì đa số cây xoài đã chết dần. Hiện còn lại duy nhất là cây xoài nằm trên khu đất gần nền chùa. Tàn xoài tỏa rộng tươi mát xum xuê. Hằng ngày nhà sư kê ghế bố nằm dưới gốc cây mắt nhìn ra bể để lòng nhớ về quê hương Phú Yên, nơi có vườn xoài Đá Trắng (mặc dù nay không còn nữa). Nằm dưới tàn xoài, nhìn những cành lá lao xao trong nền trời xanh cao rộng, lòng nhà sư được ấm êm sống lại những tháng năm có những buổi trưa hè nằm dưới bóng xoài nơi chùa Linh Quang ở Đá Trắng.
Cây xoài trên Hòn Đỏ này mỗi năm ra một lần trái, hương vị trái chín vẫn còn đọng chất thanh ngọt của chùa xưa mặc dù trái nhỏ hơn, ít sai hơn song vẫn còn hình dáng của những trái xoài đã được đem về Huế dâng lên vua ngự thiện. Đa số trái của cây xoài này đều được dâng lên cúng Phật và đem về các chùa lớn như Long Sơn, Hải Đức, Kỳ Viên v.v... các nơi này đã từng cưu mang nhà sư Viên Mãn.
Khi các cây xoài gốc Đá Trắng Phú Yên chết, nhà chùa được các Phật tử miền Nam cung cấp cho hột  giống xoài cát Hòa Lộc để trồng thay thế. Tuy nhiên khí hậu và thổ nhưỡng ở đây không được thích hợp cho nên giống xoài Hòa Lộc chỉ có tàn chớ ít trái. Đây là sự trùng hợp với sở nguyện của nhà chùa. Trồng cây cho bóng mát. Những cây xoài phương Nam tuy trái không thắm ngọt như xoài Đá Trắng song  vẫn tỏa tàn che mát đạo chúng. Trồng xoài trên hải đảo sư Viên Mãn chỉ có một ao ước là có bóng mát trên hoang đảo này và nếu có được mùa trái thì trước là để cúng Phật sau là để chia cho chúng sinh. Du khách mỗi lần thăm viếng đảo đều có được một cảm giác lâng lâng khi đặt mình đong đưa trên chiếc võng cột tòn ten dưới gốc xoài. Nỗi nhớ quê hương Phú Yên được ru yên dưới bóng xoài trên hoang đảo và làm dịu đi lòng thương nhớ quê nhà của nhà sư sống một mình.
Những cây xoài trước đây chỉ mọc chung quanh chùa mà bây giờ đã được trồng lan xa ven dọc theo các con đường trên đảo.
Tháng bảy năm nay, mùa thu sớm về cùng nhiều mây trên vòm trời. Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa chuẩn bị lễ Vu Lan sớm hơn mọi năm. Các vị chư tăng, ni đều được phân công chuẩn bị tăng lễ. Sư Viên Mãn tuy có chùa Từ Tôn song vẫn hằng về phục vụ tăng lễ như mọi năm. Buổi họp hôm nay có phần chi tiết nên giờ vãn buổi họp có phần trễ hơn mọi chiều.
Trời đã tối mịt, nhà sư mới đến được gian lều nhỏ của gia đình anh Sáu Sài Gòn trên bờ vịnh Hòn Đỏ. Anh Sáu đã chèo thuyền đi thả lưới. Nước triều đã dâng cao. Không còn người đưa qua đảo, sư Viên Mãn đành phải tự túc dùng một chiếc thùng xốp bơi sang. Đó là một chiếc thùng lớn đựng đồ điện tử của quân đội phế thải đem ra bán ở chợ Đầm Nha Trang. Thùng vuông vức một mét vuông, có bờ cao 5 tấc. Thường ngày sư Viên Mãn gởi tấm xốp nơi lều của vợ chồng anh Sáu. Mỗi khi qua đảo không có đò thì sư lại dùng tấm xốp này thay cho thuyền chở vật liệu gia dụng như gạo, rau, v.v..Không bao giờ sư dám leo lên ngồi trên tấm xốp vị sợ hư hao. Sư luôn luôn lội dưới nước và đẩy tấm xốp trôi đi.
Hôm nay trên tấm xốp có chở thêm một cái “can” đựng nước 20 lít và hai nhánh chuối, quà của chùa Sinh Trung. Sau khi cẩn thận chất đồ vào tấm xốp cùng với quần áo sư Viên Mãn đẩy thuyền ra xa bờ. Mùa này biển thường có những cơn gió lốc từ bờ thổi ra. Biển không có sóng cao song mặt biển đầy con sóng. Nương theo con gió, nhà sư đẩy tấm xốp thuận dòng trôi mau ra Hòn Đỏ. Bỗng nhiên một cơn gió lốc từ bờ thổi mạnh cuốn theo chiếc thuyền xốp ra hướng biển khơi. Không thể nào chống chọi được với cơn lốc nhà sư đành bíu chặt lấy tấm xốp để mặc cho cơn lốc thổi người và vật  trôi theo luồng gió. Ban đầu nhà sư tưởng mình và thuyền chỉ bị cuốn đi xa bờ trong chốc lát rồi sẽ tìm cách bơi vào Hòn Đỏ, nhưng sau một giờ vật lộn với cơn lốc nhà sư phát hiện ra mình đã quá xa bờ. Bóng đèn điện đường nơi bờ biển Nha Trang không còn lờ mờ trong đêm.
Bốn mặt, biển mênh mông. Trên trời mây giăng mù mịt. Biển và trời mù mịt tối tăm. Không biết tự bao giờ nhà sư đã leo được lên chiếc thuyền xốp, ngồi co ro ôm lấy cái “can” nước ngọt. Trời biển đen tối bao la không biết được phương hướng đâu là bờ, đâu là chân trời. Mặt biển yên lặng, không gian tối đen, không một tiếng sóng, không một hơi gió. Nhà sư có cảm tưởng như mình đang ở trong một vực thẳm. Để được yên lòng nhà sư bắt đầu tụng kinh. Và trong đêm tăm tối những lời kinh trong kinh Từ Bi bỗng nhiên sáng chói như một dòng sông tràn đầy ánh sao. Hoàn toàn đắm mình trong câu kinh nhà sư bỗng nhiên thoát ra ngoài cảnh tượng đen tối của đêm đen và lòng được an nhiên như đang ngồi đọc kinh khuya trên hải đảo Hòn Đỏ. Lòng không một chút lo sợ, nhà sư tin tưởng ở sự cứu giúp của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Trên bầu trời mây đã tan và muôn vị sao lấp lánh. Nơi chân trời hừng đông đã ửng sáng. Nhà sư đã định hướng được phương trời. Nhìn về hướng đất liền vẫn thấy mờ mịt không một bóng núi, chỉ nhìn thấy một màu xanh bát ngát.  Vị không nhìn thấy bến bờ nên nhà sư biết rằng mình đã trôi giạt cách bờ khá xa và bây giờ chỉ còn hy vọng được một chiếc thuyền đánh cá nào đi ngang qua trông thấy và cứu vớt lên.
Tin tưởng vào sự phù trì của đức từ bi Quán Thế Âm Bồ Tát, sư Viên Mãn lo chuẩn bị cho cuộc đợi chờ được cứu vớt giữa biển khơi. Trước tiên, sư kiểm soát lại chiếc can đựng nước. Nước vẫn còn đầy nguyên vẹn. Thứ đến là hai nải chuối mốc đã vàng da. Vốn sống khắc khổ và kiệm ước trên hải đảo nên với lượng nước và thức ăn này sư có thể sống trên mười ngày giữa trùng dương bao la. Nắng giữa biển khơi dịu dàng hơn nắng trên hoang đảo Hòn Đỏ. Nơi đó  nắng của trời hợp cùng nóng của đất, của đá nung đốt con người. Khí nóng hừng hực đổ từ trên trời xuống, hất từ dưới đất lên và như đọng trên mặt đá. Giữa trùng dương chỉ có nắng nóng của mặt trời, cái nóng như được màu biển xanh bao phủ, được gió biển xua đuổi dịu dàng. Cho nên, nhà sư yên chí là mình có thể chịu đựng được trong một khoảng thời gian dài. Cái sợ duy nhất là bão tố, phong ba. Giữa trùng dương trong sóng gió thân con người như bèo bọt, như mỏng manh. Tuy nhiên niềm tin nơi số phận, nơi sự hằng cứu giúp của đấng từ bi Quán Thế Âm Bồ Tát làm cho tâm nhà sư được an như.
Công việc chống nắng được bắt đầu bằng việc cởi lấy tấm áo để dùng làm tấm che đầu, che mặt. Che lưng thì  dùng chiếc quần. Như vậy, sư có thể ngồi hằng giờ trên chiếc thuyền bé tí để mặc cho gió thổi thuyền trôi đi. Khi đã mỏi chân thì sư nhẹ nhàng tháo bỏ quần áo quấn quanh người rồi nhẹ nhàng chuồi mình xuống nước. Một cảm giác khoan khoái dâng tràn trong cơ thể, cảm giác sung sướng, mát mẻ như đưa con người từ nơi cơ cực đến chốn hạnh phúc trên cõi trần gian. Sự mát mẻ của biển xanh ôm ấp lấy toàn thân, khiến cho nhà sư không còn thấy mình đang trôi giạt giữa cảnh mênh mông của trời đất của nắng nóng giữa trùng dương. Nhà sư yên lặng tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc này và người đã thầm đọc kinh cảm tạ Bồ Tát Quán Thế Âm.
Sự sợ hãi giữa cô đơn không còn nữa mặc dù chỉ có một mình giữa trời biển bao la. Hạnh phúc mát mẻ chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ thì vị sư càng lúc càng thêm cảm thấy cái lạnh từ trong ruột tràn ra cơ thể. Nước biển bây giờ không còn mát nữa mà lạnh, lạnh đến không thể chịu được. Cố gắng lắm nhà sư mới trèo được lên chiếc thuyền bé tí và choàng vội lấy áo quần ôm chặt vào lòng. Ánh nắng ban trưa hừng hực chiếu khắp cơ thể  làm vơi đi cơn lạnh. Chỉ một lát sau  cảm giác nồng ấm lại trở về với cơ thể. Hiện giờ mặt trời đã chiếu thẳng trên đỉnh đầu. Cơn đói cồn cào và cơn khát sôi sục bỗng nhiên ào ào kéo đến. Tuy đã quen với những cơn đói khát trên Hòn Đỏ nhiều tháng năm rồi mà hôm nay lòng nhà sư vẫn không kìm được sự thèm một hớp nước lạnh và một  trái chuối chín. Sau khi ăn chuối và uống nước, nhà sư đã trở lại trạng thái bình thường và việc ngồi nhập định dưới ánh nắng mặt trời gay gắt lại tiếp tục.
Giờ khắc trôi qua mau chóng. Mặt biển tuy không ào ạt sóng như ở gần bờ song mặt biển vẫn lô nhô những con sóng cao. Sóng ở ngoài khơi khác với sóng nơi bờ biển. Sóng  ngoài khơi chỉ nhô lên và hụp xuống, sóng chỉ đứng một chỗ chớ không chạy từ ngoài khơi vào bờ. Giữa trùng dương bao la biết đâu là bờ để cho sóng có hướng mà chạy. Sư Viên Mãn đã suy tư như vậy khi nhìn thấy thuyền của mình chỉ nhô lên hụp xuống tại một chỗ mà thôi. Sóng không đưa thuyền đi mà chỉ có gió là đẩy thuyền trôi theo chiều gió. Nhưng gió lại thổi không có hướng nhất định, khi thì bên phải, khi thì bên trái mạn thuyền.
Buổi trưa trên mặt đại dương bát ngát một màu xanh thẳm nối tiếp với sắc trời cũng xanh thẳm. Tầm mắt người nhìn vô cùng bát ngát mênh mông. Con người vô cùng bé nhỏ, vô cùng cô đơn giữa không gian vô tận. Trong đất liền giữa đồi núi và đồng bằng ta không có được cảm giác một mình đứng giữa vô biên. Ngoài biển khơi, ta mới cảm nhận được rằng kiếp người vốn đã ngắn ngủi mà đối với trùng dương lại càng nhỏ bé vô ngần. Trong cái ngút ngàn xanh thẳm kia, ta chỉ chực tan đi, chỉ chực hòa đồng vào màu xanh thẳm kia vậy.
Buổi chiều, mặt sóng trùng dương có sự thay đổi rõ rệt. Muôn sóng nhấp nhô (thật đúng với từ nhấp nhô) và lòng người thêm phần kinh hãi. Mọi sợ hãi như thu hẹp lại, cái bát ngát giữa ban trưa không còn nữa mà chỉ còn có nỗi lo âu như sánh đặc lại theo cùng thời gian. Bầu trời xanh dịu mát lóng lánh muôn ngàn vị sao như vỗ về lòng người trước cảnh. Càng về đêm lòng đại dương càng thêm đậm đặc màu đen thẫm. Tầm mắt không nhìn được ra xa mà chỉ nhấp nhô trên muôn ngàn con sóng. Sóng không trôi ra xa mà chỉ ở quanh quẩn bên ta nhô lên hụp xuống nhịp nhàng. Ngồi thiền định trên chiếc thuyền con và thầm đọc kinh Từ Bi cứu độ. Nhà sư chìm đắm trong giấc ngủ mê say.
Khi mở mắt, sư Viên Mãn đã trông thấy được chân trời. Giữa màu xanh bao la của biển và của trời có một lằn ánh sáng rộng lớn màu hồng nhạt. Ban đầu là màu trắng trong có pha lẫn ánh hồng. Càng ngày ánh hồng càng đậm và tỏa sáng khắp chân trời. Nơi chân trời phơi phới các dải mây trắng xốp trôi lờ lững. Ngắm nhìn cảnh quan, nhà sư không còn cảm thấy mình cô đơn nữa. Qua một đêm tăm tối, ánh sáng lại hiện lên, màu biển lại xanh hiền hòa, màu mây lại thay màu đổi sắc và lòng biển lại dịu hiền xanh trong vắt. Trước cảnh bình minh rực rỡ lòng nhà sư bỗng nhiên an tịnh vô cùng. Cảm giác cô đơn trên biển cả không còn nữa mà chỉ còn tấm lòng thênh thang trước bao la. Khi tâm đã hòa đồng cùng trời biển thì trí không còn gợn chút lo âu vị sự sống còn. Thiên nhiên đã no đầy trong cuộc sống hiện tại cho nên nếu ta có chết đi trong giờ phút này thì cuộc đời ta đã hoàn toàn mãn nguyện. Cho nên lòng nhà sư hoàn toàn yên tĩnh và chỉ lo chuẩn bị áo quần chống nắng và gìn giữ cái can nước như một vật quí thiêng liêng.
Một ngày nắng cũng nhanh chóng trôi qua và kế tiếp một đêm đen êm ả trên biển cả. Khi còn trên Hòn Đỏ, sư Viên Mãn tuy có nhiều đêm ngồi ngắm sao trời song  không hề có được một đêm yên tĩnh nào mà sư nhìn thấy bầu trời to rộng mà hạ thấp gần gũi với con người đến thế. Bầu trời như sát xuống hơn. Các vị sao trong sáng hơn, long lanh hơn và nhất là hiện rõ hơn. Ánh sao lấp lánh như đang muốn trò chuyện cùng người cô đơn trên biển cả, như thì thầm khuyên nhủ, an ủi hãy tin tưởng, cố gắng đợi chờ một sự cứu vớt đang tiến đến gần. Bỗng nhiên nhà sư đăm đăm nhìn một vị sao gần nhất  sáng nhất và tưởng như  đó là mẹ của mình đang dõi nhìn mình và như âu yếm khuyên nhủ mình hãy yên tâm và tin tưởng nơi đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Thốt nhiên câu niệm Phật Quán Thế Âm bộc phát từ nơi cửa miệng nhà sư. Và từ đó nhà sư không đọc kinh nữa mà miệng luôn luôn niệm chú Quán Thế Âm rồi để tâm hồn mình trôi dần vào yên tĩnh của đêm đen biển lặng.
Sáng sớm hôm sau khi vừng hồng thái dương vừa ló dạng thì nhà sư đã thấy rõ ở chân trời một chiếc tàu to lớn đang tiến về phía mình. Niềm sung sướng vô biên như ánh hồng rực rỡ tràn ngập trong lòng, nhà sư tưởng như đức Mẹ Từ Bi đã hiện ra trong ánh hào quang lộng lẫy. Và sau đó nhà sư được chiếc tàu viễn dương của Nhật Bản cứu vớt. Hai ngày sau chiếc tàu gởi nhà sư cho một chiếc thuyền đánh cá đưa về Nha Trang. Nhà sư cảm ơn vị thuyền trưởng và các thủy thủ đã cứu sống mình và tuyệt đối không nhận một món quà gì của chiếc tàu đã cứu vớt mình và chỉ xin được đem về cùng với mình chiếc thuyền xốp và chiếc “can” cũ để làm vật kỷ niệm cho cuộc trôi giạt ra biển khơi.
Quách Giao

Theo http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...