Địa
danh Phú Yên được biết trong tôi lần đầu không phải đợi đến khi đặt chân đến với
những thắng cảnh như ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, bãi Xép, mũi Đại Lãnh, vịnh Xuân
Đài hay núi Chóp Chài, tháp Nhạn, sông Ba… mà bắt đầu từ một con đèo chất ngất
(Đèo Cả/ đèo Cả/ núi cao ngất/ mây trời Ai Lao/ sầu đại dương/ dặm về heo hút/
Đá bia mù sương) và một ngọn gió phóng khoáng “như con ngựa hoang lang bạt trên
thảo nguyên không gì ngăn cản nổi, lồng lộng, gầm rú thổi suốt đêm ngày” (Ơ cái gió Tuy Hoà/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/
Gió trẻ lại - lưng chừng/ Gió nghỉ, Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng) trong thơ
của Hữu Loan và Trần Mai Ninh. Thế đấy, những hình ảnh về vùng đất ấy trong tôi
sơ khởi là vậy. Nó hoang sơ, dữ dằn nhưng cũng hào hoa và không kém phần lãng mạn,
vô tư. Và cứ thế những hình ảnh đó đeo bám, thôi thúc trong tôi để một ngày phải
tìm đến với nó, nơi xứ sở của “hoa vàng trên cỏ xanh”.
Theo
suốt dặm dài của dải đất ven biển, khúc ruột miền Trung có biết bao ghềnh đá
thơ mộng và đẹp đẽ. Nào là ghềnh Bàng ở Đà Nẵng, ghềnh Bàn Than ở Quảng Nam hay
ghềnh Ráng, ghềnh Lộ Diêu ở Bình Định và ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên… Trong số những
tuyệt tác của bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người ấy thì ghềnh Đá Đĩa của
xứ Nẫu nổi lên là một thắng cảnh có một không hai, vừa độc đáo kỳ vĩ vừa thơ
mông, trữ tình mà không thể có bất cứ ghềnh đá nào khác trên đất Việt này có thể
sánh cùng. Từ xa trông lại ghềnh Đá Đĩa nhìn giống một tổ ong khổng lồ với những
phiến đá màu đen huyền bí với đủ các hình lục giác, ngũ giác, hình tròn, hình
vuông ken khít bên nhau, chất chồng lên nhau đẹp hút hồn tựa như mê cung của
nghệ thuật sắp đặt. Có những chỗ, hàng ngàn viên đá xếp chồng lên nhau theo từng
cột dọc hình lăng trụ, cột thì thẳng đứng cột thì xiên nghiêng, tựa như những
chồng đĩa khổng lồ từ mặt biển xanh biếc vươn cao lên trời cao để đón đợi,
trông chờ bày đặt muôn ngàn vật phẩm tươi ngon hiến dâng cho thượng đế. Cũng có
chỗ, chồng đĩa ấy như thể vừa bị sóng biển va vào làm cho muôn chiếc đĩa đá xô
nghiêng, trải dài ra và lõm xuống theo hình lòng chảo. Cứ thế, hàng vạn viên đá
tưởng như tách rời kia nhưng kỳ thực lại dính bện vào nhau thành từng chồng từng
lớp, chồng nọ nối chồng kia, lớp này sang lớp khác, tay ôm tay níu, bám chặt lấy
bờ biển Đông, mặc cho sóng xô gió quật đêm ngày nhưng vẫn chẳng thể nào tách rời
nhau ra được.
Thả hồn
trên những chồng đĩa, lim dim hai con mắt để lặng yên lắng nghe trăm ngàn con
sóng xô bờ ta có cảm giác như thể đang được nghe câu chuyện tình du dương của
biển. Từng phiến đá màu đen mát lạnh hoà trong từng lớp bọt tung lên trắng xoá
để nâng niu những bàn chân trần của muôn ngàn du khách khiến cho tất thẩy mọi
người ai ai cũng có cái cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu để quên đi hết mọi
âu lo, mệt mỏi. Cứ như thế, đêm ngày chồng đĩa đá khổng lồ với đủ các hình thù
độc đáo ngạo nghễ bên bờ biển xã An Ninh Đông để mê hoặc người xem.
Đứng trước biển Đông bên ghềnh Đá Đĩa, bất chợt ta lại nghĩ,
nếu biển xanh kia là một chàng trai khổng lồ thì ghềnh đá đĩa ở An Ninh Đông
này tựa như một cô nàng nhỏ xinh, mơ mộng liên tục thay sắc theo thời gian để
mong chờ đón đợi người thương. Mỗi khi ánh bình minh nhô lên từ biển Đông mang
theo những tia nắng vàng ươm xiên nghiêng, phủ tràn lên những đĩa đá đen tuyền
khiến cho cả ghềnh đá bừng sáng lung linh bởi những vảy vàng lấp lánh làm ta lại
nghĩ đến những vũ nữ Apsara trong xiêm y lộng lẫy sắc vàng đang cong tay uốn
mình trong những điệu múa. Đến khi chiều về, ánh tà dương dần buông xuống biển,
cái khối đá kỳ vĩ ấy lại được nhuộm hồng bởi ráng đỏ của màu hoàng hôn. Khi ấy
ghềnh đá như thể đang mong mỏi một màn đêm buông xuống cho cặp tình nhân bên
nhau tình tự.
Với một không gian không quá lớn (chiều rộng khoảng 50
m và chiều dài khoảng 200 m), ghềnh Đá Đĩa cùng với trăm ngàn con sóng tung bọt
trắng xóa đêm ngày. Nó cứ thế để mặc sức thỏa thuê và mê mải người xem. Nghe
nói những ghềnh đá kiểu như ghềnh Đá Đĩa ở cao nguyên Vân Hòa này có không nhiều.
Ở Việt Nam chỉ có một cái duy nhất và trên thế giới cũng chỉ có dăm cái như thể
các ghềnh đá đĩa Giant's Causeway ở Ireland, Fingal ở Scotland, Los
Órganos ở Tây Ban Nha, Jusangjeolli ở Hàn Quốc. Về hiện tượng tự nhiên độc đáo
này theo như giải thích của các nhà khoa học địa chất thì đó là kết quả hoạt động
của các núi lửa diễn ra cách đây khoảng 200 triệu năm. Khi đó các nham thạch
phun lên từ miệng núi lửa gặp nước biển lạnh nên đông cứng lại cùng với đó là
phản ứng dị ứng lực diễn ra nên khối đông lạnh nham thạch đã bị rạn nứt đa chiều
một cách tự nhiên nhưng cũng rất tuyệt vời. Những phiến nham thạch ấy đa phần nứt
theo mạch dọc làm thành những cột đá thẳng đứng hoặc xiên chéo, ngoài ra cũng
có những đường nứt theo mạch ngang tạo thành trăm ngàn phiến đá ken khít vào
nhau, chồng chất lên nhau, đẹp đến lạ lùng và ẩn chứa biết bao nhiêu điều bí ẩn
của tạo hóa.
Nằm kề
bên bờ biển Đông, ghềnh đá màu đen kỳ vĩ và độc đáo ấy cũng rất đỗi thơ mộng
duyên tình. Sóng biển và những chồng đá đĩa kia cứ như một cặp đôi chẳng thể
nào chia tách. Những chồng đá màu đen khổng lồ huyền bí đêm ngày được sóng biển
dâng trào, xô bọt trắng tinh tràn lên ve vuốt khiến ta có cái cảm giác như thể
chàng biển tìm về bên nàng đá dịu hiền để cất lên những lời âu yếm, du dương và
vỗ về, ve vuốt cô nàng yêu dấu. Mỗi khi trăng lên, biển đêm diệu kỳ trên ghềnh
đá tựa như thiên đường trên mặt đất. Cả gầm trời bao la với muôn sắc vàng tươi
tỏa sáng loang loáng như thể đang cùng tan chảy trên từng cột đá và đọng lại
lung linh dưới những vũng, khe lấp lánh. Cái ánh trăng tươi tắn tỏa sáng rạng ngời
trên từng chồng đĩa cùng muôn ngàn ngọn gió trong mát nối nhau xô bờ khiến cho
bao người không khỏi say sưa, ngây ngất thả hồn theo từng nhịp sóng đêm ngày
hát ca. Theo tiếng sóng biển, trăng trên ghềnh cũng như thể xôn xao, dạt dào và
lung linh, huyền mị. Trăng tuôn ánh vàng, trải xuống xống bạc, khiến cho những
cột đá liêu xiêu đè bóng lên nhau một cách huyền ảo giữa biển cả vô bờ và gọi về
trong ta khúc ca ngọt ngào của thủa đôi mươi: “Tôi yêu biển và tôi yêu em …”.
Biển ấy, mỗi sớm tinh sương, muôn ngàn những tia nắng tinh khôi của bình minh
buổi sớm ló rạng phản chiếu long lanh, tinh nghịch nhấp nhô trên từng chiếc đĩa
khổng lồ giữa mây trời kì ảo càng khiến cho ghềnh đá trở lên kỳ vĩ, mơ mộng mà
chẳng có tay máy hay tay bút nào tả xiết cho hết được cái đẹp của gầm trời đá
đĩa Phú Yên.
Bờ biển ghềnh đá ấy đêm ngày ngạo nghễ bên bờ biển, soi bóng
một cách duyên dáng trên mặt biển xanh màu ngọc bích để làm nền cho bao cặp
uyên ương đang tay trong tay hạnh phúc ngời ngời hay hút hồn biết bao cô nàng
trên khắp mọi miền đang tìm về “bung lụa”, như thể muốn ghi dấu một sự kiện khó
quên trong đời trên vùng đất mới mà chẳng thể lẫn vào bất kỳ một xứ sở nào khác
được. Chỉ cần một ghềnh đá thế thôi, góc nhỏ biển Đông của xứ Nẫu chẳng phải kể
thêm đến mũi Hải Lãnh hay vịnh này, vũng nọ mà vẫn tiếng nổi như cồn, khiến biết
biết bao danh thắng trên dặm dài bờ biển hình chữ S này cũng phải ghanh tị và
nghiêng mình thán phục trước cái diệu kỳ, độc đáo nên thơ của một bờ đá bé nhỏ
nhưng không kém phần hùng vĩ, mộng mơ.
Chưa hết,
Phú Yên từng được biết đến là một trong những nơi cội nguồn của các pho sử thi
huyền thoại như “Đam San”, “Xinh Nhã” … Không những thế, cùng với Khánh Hòa,
vùng đất này còn nổi tiếng là xứ sở của trầm hương và cách đây ngót chục thế kỷ
về trước, với dòng sông Đà Rằng, Phú Yên từng được biết đến là một “con đường
muối”, một mặt hàng cực kỳ quan trọng đối với đồng bào vùng Tây Nguyên. Nghĩ thế
cứ ngỡ thủ phủ xứ Nấu phải là nơi đô hội phồn hoa, ngày đêm tưng bừng náo nhiệt.
Nhưng không, phố biển Tuy Hòa bé nhỏ, xinh xắn lại vô cùng bình yên, tĩnh lặng;
cứ như thể lúc nào cũng dịu dàng, e lệ, kín đáo một cách duyên thầm bên bờ biển
Đông.
Hình
như, bao nhiêu chất thơ của biển cả, núi, sông đều được chắt lọc lại và dồn cả
cho Tuy Hòa nên phố biển lúc nào cũng cứ bình yên trong những thơ mộng. Ngay từ
khi chưa đặt chân xuống phố biển, từ ô cửa kính của máy bay, người ta đã dễ
dàng nhìn thấy núi Chóp Chài như chiếc nón bài thơ đặt úp chọc thủng trời xanh
bên bờ sông Ba. Và rồi một bờ biển dài miên man, phẳng lặng lúc nào cũng ánh
lên màu ngọc bích sóng đôi bên bãi cát trắng xoá, mịn màng một cách đầy quyến
rũ. Cảnh đẹp tươi mát ấy cứ hiển lộ như một lời chào gọi khiến cho khách phương
xa cảm thấy vô cùng khó cưỡng.
Vẫn biết, châu thổ Tuy Hòa được sông Ba đêm ngày cần mẫn bồi
đắp không ngừng không nghỉ. Biết bao đời nay, dưới cái dáng vẻ thướt tha như dải
lụa kia, con sông đã từng phải oằn mình để chuyên trở phù sa từ vùng thượng lưu
Kon Tum, trên độ cao 1500 m, băng qua bao dải thác ghềnh của hơn ba trăm cây số
đường dài xuống miền hạ lưu mà làm nên các bãi bồi rợp trắng hoa lau (sông Ba ở
hạ lưu còn có tên gọi khác là sông Đà Rằng, theo tiếng Chăm có nghĩa là lau sậy)
và những cánh đồng xanh mướt thẳng cảnh cò bay. Đứng trên núi nhạn, nghĩ về Tuy
Hoà trong suốt dặm dài lịch sử, trên các địa tầng của văn hoá sông Ba; lặng ngắm
thế núi dáng sông hình biển của Tuy Hòa, ta chợt nhận ra mảnh đất này quả thực
đã được thiên nhiêu ưu ái cho khá nhiều. Có lẽ cũng bởi vì thế mà xứ sở non nước
hữu tình này, ngay từ rất sớm, bao đời đến nay, đã được các tiền nhân chọn lựa
làm nơi quần cư sinh tụ. Bây giờ trên dải đất ấy, dọc bên đôi bờ sông Ba những
địa tầng văn hóa cũng nối dài miên man, thăm thẳm tựa như non nước trập trùng.
Duyên
dáng bên dòng nước sông Ba thơ mộng và trữ tình, tháp Chăm rêu phong cổ kính sừng
sững trên núi Nhạn lại khiến ta nhớ về một nước non Chàm của người xưa đã từng
vang bóng “Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mỹ dưới
trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo
bên thành” (Trên đường về - Chế Lan Viên). Ngắm nhìn Bảo tháp đã từng đi qua
ngót chục thế kỷ ta không chỉ nghiêng mình thán phục người xưa mà còn bâng
khuâng, luyến tiếc, cho cái “Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước/ Bao năm sau còn dội
tiếng kêu thương” để rồi trong lòng không khỏi đồng cảm mà tiếc thương cho “Những
tượng Chàm lở lói rỉ rên than” và phấp phỏng âu lo như nhà thơ của “Điêu tàn”
đã từng thấp thỏm “Ai tưởng đến Tháp Chàm kia trơ trọi/ Tháng ngày luôn rộng cửa
đợi Ma Hời/ Ai nhìn đến làn thương rêu lở lói/ Trên thịt hồng nứt nẻ gạch Chàm
tươi!” (Thu về). Nhưng xem ra, sắc đẹp tàn phai ẩn chứa trong hoang tàn, đổ
nát, lở loét của những tháp Chăm kia nó lại có những giá trị thẩm mỹ riêng của
nó. Chẳng thế, có không ít quý khách, nhất là những thiếu nữ đến đây đã không dấu
nổi sự thích thú mê mẩn nên đã thi nhau tạo dáng để lưu giữ những khoảnh khắc của
cuộc đời trên những phế tích của thời gian.
Chiều nay, dưới chân Tháp Nhạn, miên man trong những nghĩ
suy, rồi lặng lẽ đưa mắt nhìn về con sông Đà Rằng cổ kính đang khép mình phía
dưới chân núi, ta có thể thấy được phố biển Tuy Hòa bên đôi bờ sông nước đang
ngày một thay da đổi thịt. Dõi mắt về phía xa xa, hình như đèo Cả cũng đang chập
chờn ẩn hiện trong những áng mây trời mờ mờ ảo ảo. Lúc ấy, bất giác trong ta lại
thấy ngân vang lên câu ca “Chiều
chiều lại nhớ chiều chiều, Trông về núi Nhạn mà yêu Tuy Hòa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét