Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Những bản tình ca bất hủ


Những bản tình ca bất hủ
Dân ca quan họ dù có nhiều chức năng, hình thức diễn xướng nhưng về cơ bản vẫn là một thể loại ca hát đối đáp kết bạn giao duyên và hát hội hát canh vẫn là những hình thức diễn xướng chủ yếu. Những bài hát theo Giọng vặt, giọng Giã bạn trong các cuộc hát đối đáp kết bạn giao duyên, hát hội, hát canh thường là những bài có sức sống lâu bền nhất và được lưu truyền rộng rãi nhất.
 Bởi vậy, có thể nói, tinh hoa của dân ca quan họ chủ yếu nằm trong mảng ca hát về tình bạn và đặc biệt là về tình yêu nam nữ.
Học giả Vũ Ngọc Phan cho rằng "Dân ca quan họ chủ yếu là xây dựng tình bạn". Cao Huy Đỉnh cũng nhìn nhận: "Hát quan họ là lối hát tiếp bạn lịch sự và tế nhị ở trong nhà. Một lối hát tiếp bạn tập thể rất lịch sự và tế nhị đã có phần thuần văn hoá và nghệ thuật". Chính vì quan họ là nghệ thuật của tình bạn nên không có gì lạ khi dân ca quan họ là dân ca nói về tình bạn nhiều nhất và hay nhất trong dân ca Việt Nam.
Các ngày hội quan họ là những ngày hội kết bạn, những ngày “Tứ hải giao tình”:
Hôm nay tứ hải giao tình
Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà
Hôm nay ba huyện giao hòa
Tuy rằng ba huyện hóa ra một làng.
Sự thân thiện, cởi mở, tin cậy, lòng hiếu khách, luôn luôn là cội nguồn và là một “đảm bảo bằng vàng” cho mọi tình bạn. Những điều ấy thì người quan họ rất sẵn:
Mấy khi bạn đến chơi nhà
Lấy than quạt nước pha trà người xơi
Chè này tinh khiết người ơi
Bạn hiền ơi, mời người ngồi chơi xơi nước để tôi bằng lòng..,
Chỉ mới là buổi sơ giao mà đã tha thiết thế, tận tuỵ thế, tin cậy thế làm sao mà một tình bạn đẹp không thể bắt đầu. Và quả thật, đắm mình trong thế giới huyền hoặc của quan họ, ta có thể cảm nhận “Một ngày sum họp trúc mai/Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm” như người quan họ cảm nhận.
Tình bạn quan họ càng thắm thiết là cái tình của bạn quan họ, trong một bọn quan họ, một đôi quan họ, giữa các bọn quan họ kết nghĩa với nhau, đối đáp cùng nhau, thi thố với nhau trong các buổi hát hội hát canh thâu đêm suốt sáng. Trong ca từ quan họ luôn xuất hiện từ “bốn tôi”, “bốn em” như một đại từ nhân xưng chỉ có trong quan họ:
Bốn em như thể con tằm
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong
Bốn em như thể con ong
Con quấn, con quít, con trong con ngoài...
Nhất vui bằng tối hôm nay
Vui bằng đám hội vui tày bốn tôi...
Dây nào xe bốn chúng tôi
Se chín lần kép, se mười lần đơn...
Bốn tôi như thuyền dưới ao
Lòng tôi đắm, dạ tôi đuối...
Bốn em như chiếc thuyền hoa
Yêu nhau về nết, mặn mà về duyên...

Quan họ cổ truyền luôn là hát đôi cùng giới, một đôi quan họ liền anh hay liền chị luôn luôn là một đã đành. Nhưng đôi đó hợp cùng đôi đối thủ trong thi tài hát đối cũng được “se chín lần kép, se mười lần đơn” để trở thành một thì thật kỳ lạ. Hoá ra, người ta thi thố với nhau không nhằm phân rõ sự hơn thua, cao thấp mà chỉ để được chia sẻ, đồng cảm, hoà hợp tuyệt đối với nhau, để trở thành một“bốn tôi” như thế.
Điều thú vị và độc đáo trong nội dung quan họ là tình bạn bao giờ cũng hết sức “gần” với tình yêu hoặc nói như GS dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết , trong dân ca quan họ có một sự “ỡm ờ”, “úp mở”, “mờ tỏ” (chữ dùng của GS Tuyết) rất đặc trưng giữa tình bạn và tình yêu. Rất nhiều câu hát dường như không thể đoán định được đang nói về tình cảm gì, tình bạn hay tình yêu. Có người nói cái tình cảm mờ tỏ đó nếu cần phải có một cái tên thật chính xác thì nên gọi là “tình quan họ”.
Nhưng thực sự thì dân ca quan họ là cả một bách khoa thư về tình yêu đôi lứa. Những nấc thang và những cung bậc vĩnh cửu, muôn màu, muôn vẻ của tình yêu đôi lứa: giao tiếp làm quen, tìm hiểu, ướm hỏi, tương tư, tỏ tình, hẹn ước, hy vọng, nhớ thương, trách móc, hờn ghen, sầu hận, tuyệt vọng, hạnh phúc và bất hạnh... được thể hiện thật phong phú, tinh tế, quyến rũ trong ca từ quan họ.
Tỏ tình ư? Thường là bằng cách xa xôi, kín đáo, e lệ ngập ngừng một chút:
Ai làm đường sá xa xôi
Nào ai có biết rằng tôi nhớ người...
Cổ tay người trắng như thể gương tàu
Con mắt bồ câu làm cho phải khổ...
Chim khôn mắc phải lưới hồng
Muốn bay em gỡ búi tơ hồng cho chăng...
Bắc Nam đôi ngả đôi nơi
Chim khôn chết mệt về nhời nhỏ to...
Nhưng cũng có thể bằng cách rõ ràng hơn, tự tin hơn, cũng là câu hỏi nhưng đã ngầm ý khẳng định:
Người như cây gỗ xoan bào
Tôi như câu đối dán vào nên chăng?
Người như tấm vóc đại hồng
Tôi như kim tuyến thêu rồng nên chăng?...
Ai ra Quán Trắng, phố Nhồi
Để thương để nhớ cho tôi thế này
Người về thưa mẹ cùng thầy
Có cho tôi kết duyên này hay không?...
Người quan họ yêu nhau, phải lòng nhau, vì cái “cổ kiêu mắt phượng”, “răng đen hạt ấu”, vì “mũi chỉ đường khâu”, vì “cái bút nghiên ông đồ”, vì những “nhời nhỏ to”, vì cái đẹp cái tài cái khéo đã đành, nhưng son sắt, bền chặt chính là nhờ cái “duyên”:
Còn duyên ngồi gốc cây thông
Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa
Chị ba có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà)
Còn duyên buôn nụ buôn hoa
Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ
(Chị năm đừng thấy chúng em lắm bạn mà ngờ
Lắm bạn thì lắm vẫn chờ người đây).
Và quan trọng hơn cả là nhờ tình thương, sự chia sẻ, chịu đựng, hy sinh vì nhau:
Gió đưa cây cải lên trời
Cây dăm ở cỗi chịu nhời đắng cay...
Cầu tre ai bắc gập ghềnh
Người đi khéo ngã lấm mình em nâng
Quan họ hay nhất, phong phú, tinh tế, ám ảnh nhất là khi diễn tả cái tương tư, niềm nhớ nhung, nỗi nghi ngại, hờn trách. Tương tư trong quan họ là cái tương tư xuyên thời gian, xuyên không gian, dằng dặc, mênh mông:
Sầu về một tiết tháng Giêng
May áo cổ kiềng người mặc cho ai
Sầu về một tiết tháng hai
Bông chửa ra đài người đã hái hoa
Sầu về một tiết tháng ba
Con mắt la đà dạ nọ tương tư
Sầu về một tiết tháng tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
Sầu về một tiết tháng năm
Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu...
Năm thức rau em nấu năm mùi
Em đơm năm bát đợi người đàng xa
Hỡi người xa, hỡi đường xa
Đêm năm canh em ngủ có ba
Còn hai canh nữa em ra trông giời...
Thương nhớ, bồn chồn da diết, thậm chí “thảm thiết” thế, tin tưởng đinh ninh vào lời thề non hẹn biển thế, nhưng vẫn thoáng nỗi nghi ngại hờn trách dù có thể là không đâu. Bởi thế mới có chuyện “Gửi bức thư sang” khuyên người đừng “ngả ngả nghiêng nghiêng”, đừng “đứng núi này trông núi nọ cao hơn/đứng sông này trông sông nọ sâu hơn”, đừng “tham vàng bỏ ngãi, tham phú phụ bần”, đừng “cam hương quít chín người chê”, nhắc nhở người rằng “ngọc còn có vết nữa là chúng em đây”, nhắn nhủ người rằng “đâu hơn người kết đâu bằng người chờ đợi em”.
Cái nền rộng, chiều sâu và tầm cao nhân văn, sự tinh tế, thanh cao của văn học quan họ về đề tài tình yêu đã góp phần quan trọng cùng âm nhạc quan họ làm nên những tình ca bất hủ trong nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam. Từ rất lâu, người Việt Nam và các đôi lứa các thế hệ Việt Nam đã sống, lao động, chiến đấu và thương yêu nhau trong âm vang của giai điệu và lời ca quan họ. “Trống cơm”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Cấy trúc xinh”, “Ra ngõ mà trông”, “Xe chỉ luồn kim”, “Chàng buông vạt áo em ra”, “Qua cầu gió bay”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Còn duyên”, “Khách đến chơi nhà”, “Thuyền thúng”, “Người ở đừng về”... đã vượt khỏi không gian các làng quan họ Kinh Bắc đến với mọi miền đất nước và vượt biên giới đất nước đến với bạn bè thế giới và được chào đón nồng nhiệt.
Cần nói rõ rằng phần lớn các bài quan họ vừa nhắc trên đều là các bài quan họ đã được một số nhạc sĩ nổi tiếng ghi âm, tân nhạc hoá để dễ truyền bá, phổ biến, về mặt âm nhạc “hương đồng gió nội” đã bị “bay đi rất nhiều”. Tuy nhiên về mặt ca từ, lời ca gần như vẫn được giữ nguyên vẹn có lẽ bởi sự toàn bích khó có thể cải biên, thêm bớt để hay hơn.

Ta hãy xem trường hợp bài “Người ở đừng về”. Đây là bài hát được nhạc sĩ Xuân Tứ lấy giai điệu và lời ca của hai bài quan họ nổi tiếng thường được hát trong giọng Giã bạn trong chặng cuối của một canh quan họ là “Chuông vàng gác cửa Tam Quan’ và “Tua rua chưa đến đỉnh đầu” để cấu tạo, biên soạn lại mà thành. “Người ở đừng về” như chúng ta đã biết hiện nay tuy vẫn có âm hưởng giai điệu của “Chuông vàng gác cửa Tam Quan” và “Tua rua chưa đến đỉnh đầu” nhưng cấu tạo âm nhạc không hoàn toàn giống với hai bài quan họ truyền thống trên. Nhưng riêng về ca từ thì gần như nguyên vẹn lời ca của “Tua rua chưa đến đỉnh đầu”, nhạc sĩ chỉ đảo hai câu “Người về em dặn người rằng/ Đâu hơn người kết đâu bằng đợi em” từ vị trí ở phần mở đầu thành hai câu cuối bài hát. Dưới đây là lời ca bài “Tua rua chưa đến đỉnh đầu”:
Tua rua chưa đến đỉnh đầu
Bây giờ người nhớ bạn đâu người về
Người ơi người ở đừng về
Người về em dặn người rằng
Đâu hơn người kết đâu bằng đợi em
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ứơt đầm như mưa
Người ơi nguời ở đừng về
Người về em vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người ơi người ở đừng về
Người về em dặn tái hồi
Người về em chả đứng ngồi với ai
Người về em dặn mấy nhời
Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua
Người ơi người ở đừng về.
Trường hợp “Người ở đừng về” và hàng loạt bài dân ca quan họ được các nhạc sĩ hoặc nhạc công nhạc mới ca khúc hoá, tân nhạc hoá để trình diễn phổ biến, âm nhạc có thể cấu trúc lại, “bỏ thô lấy tinh” theo quan niệm của các nhạc sĩ, nhưng lời ca thì vẫn phải trông cậy hoàn toàn vào lời quan họ truyền thống. Thế mới biết sức chinh phục của ca từ quan họ là lớn đến mức nào. Đó là những lời ca bất chấp mọi thử thách của thời gian.
Nguyễn Thế khoa
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...