Tư tưởng Nguyễn Du
qua Đoạn trường tân thanh 1
qua Đoạn trường tân thanh 1
Chương I
Học giả Dương Quảng Hàm, trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu [1], ở phần tổng kết
về lịch sử văn học đã đưa ra nhận định tiêu cực về một nền quốc học độc đáo của
dân tộc Việt Nam như sau:
"Những tác phẩm về triết học đã hiếm phần nhiều lại là
những sách chú giải, phu diễn (như Tứ thư thuyết ước của Chu An, Dịch kinh
phu thuyết và Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn, Hy kinh trắc lãi của Phạm
Đình Hổ), chứ không có sách nào là cái kết quả của tư tưởng độc lập, của công
sáng tạo đặc sắc cả.
Bởi thế, nếu xét về mặt triết học, thì ta phải nhận rằng nước
ta không có quốc học, nghĩa là cái học đặc biệt, bản ngã của dân tộc ta".
Và khi dành một chương riêng để khảo sát về truyện Kim Vân Kiều
của Nguyễn Du [2], tác giả
họ Dương đã đánh giá tư tưởng của truyện ấy qua câu mở đề rất ngắn ở mục
Triết lý truyện Kiều như sau:
Tiếp theo mục nầy, là mục nói đến Luân lý truyện Kiều, một
đề tài thường được nêu lên nhiều hơn cả trong các công trình nghiên cứu về giá
trị của tác phẩm nầy.
Các nhận định trên đây của học giả Dương Quảng Hàm có
thể xem là tiêu biểu cho hướng nghiên cứu của phần lớn các công trình khảo sát
tư tưởng Truyện Kiều thường được nhắc đến, dù mỗi tác giả nêu lên những
lập luận khác nhau để xét xem triết lý trong truyện là mượn từ Phật giáo hay
Nho giáo, đôi lúc còn đối chiếu với cả quan điểm đấu tranh giai cấp theo biện
chứng duy vật về lịch sử.
Sự kiện trong kho tàng văn học Việt Nam không có những tác phẩm
với lối trình bày có hệ thống mạch lạc và với lối văn đặc loại để diễn đạt tư
tưởng như ở trong truyền thống văn hoá Trung hoa, Ấn độ, Hy lạp...là một sự kiện
khách quan [4]. Nhưng qui chiếu
vào phương cách diễn tả đặc loại nầy, để đi đến kết luận "rằng nước ta
không có quốc học", nghĩa là không có một lối tư tưởng điều hành cuộc sống
con người, phải chăng học giả họ Dương đã lẫn lộn giữa nội dung và hình thức?
hoặc nói cách khác giữa tư tưởng và một phương cách để diễn đạt tư tưởng?
Thứ đến, việc đối chiếu văn học nước ta vào các truyền thống
văn hoá phải chăng đòi hỏi trước tiên có một sự phân tích chính các bản
văn để khai phá nét tinh túy của chúng trước khi đi tìm những ảnh hưởng, có thể
rất đa biệt, chi phối một tác phẩm. Trong trường hợp truyện Kiều của
Nguyễn Du, vấn đề khảo sát về văn hoá, tư tưởng Việt Nam xuyên qua tác phẩm nầy
lại khó khăn hơn nữa. Đây là một tác phẩm chuyển dịch từ một áng văn của Văn học
Trung hoa, mà nội dung câu truyện hầu như sao y lại bản gốc [5], như thế đào
sâu tư tưởng nơi truyện Kiều của Nguyễn Du phải chăng cũng chỉ là làm công việc
khảo sát tư tưởng của văn hoá Trung hoa xuyên qua bản chuyển dịch nầy? Nếu có
chăng một vài nét đặc biệt, thì dường như được xem là chỉ nằm trong khuôn khổ
tài năng và kỹ thuật văn chương, như nhận xét sau đây của Dương Quảng Hàm:
"Tác phẩm của ông thật có phần sáng tạo đặc sắc: ông sắp
xếp nhiều việc một cách khác để cho hợp lý hơn hoặc để tránh sự trùng điệp; ông
thay đổi nhiều điều tiểu tiết để tả cảnh ngộ hoặc tình hình các vai trong truyện
một cách rõ rệt hơn; ông lại bỏ đi nhiều chỗ thô tục (như đoạn kể rõ "vành
ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề") và nhiều đoạn rườm, thừa, không bổ
ích cho sự kết cấu câu chuyện" [6].
Gần đây, học giả Hán Chương Vũ Đình Trác, trong luận án Triết
học "Triết lý nhân bản Nguyễn Du" đã nêu lên "những dị biệt gốc
rễ" giữa hai tác phẩm Việt Hoa để cho thấy nét cá biệt về mặt tư tưởng của
nhà văn hóa Việt Nam; và tác giả luận án nầy đã đưa ra mười bảy (17) điểm quan
trọng [7]. Và ở một nơi
khác trong luận văn, học giả họ Vũ đã dựa vào những nét đặc sắc riêng của tư tưởng
Nguyễn Du trong truyện kiều để nhận xét rằng:
"Nguyễn Du đã chắt lọc hết tâm can với những tinh túy của
tâm hồn Việt Nam, để xây dựng tác phẩm nầy" [8].
Với chủ để "Triết lý nhân bản" và với công trình đối
chiếu hai bản văn, học giả họ Vũ đã minh chứng có một lối tư tưởng riêng kết tụ những
nét tinh túy của tâm hồn Việt Nam qua nổ lực sáng tác độc đáo khi chuyển dịch
bản văn Trung hoa qua các vần thơ nôm. Ít nhất, với công trình nghiên cứu nầy
và một số các tác phẩm tương tự, ta thấy câu nói quá dứt khoát và tiêu cực của
học giả họ Dương cho rằng: "nước ta không có quốc học" cần phải xét lại.
Học giả Dương Quảng Hàm đã nhận xét là nước ta không có quốc học. Và nhận xét
đó hàm ngụ tiên kiến về một sự am tường về nội dung chữ học và phương
thức sinh hoạt của nó. Ở đây chúng ta đóng ngoặc những tiêu chuẩn do các truyền
thống, thường được xem như đã là đương nhiên, để dặt vấn đề lại từ căn cơ nội
dung chữ "học".
Chữ "quốc học" được học giả họ Dương nói đến đây nằm
trong khung của một loại tư duy đặc biệt gọi là triết học:
Khi đưa quốc học vào mấu móc triết học để định giá, thì hẳn
chữ triết học đó phải mặc nhiên được xem là thiết yếu cho văn hóa. Và chữ học đi
kèm chữ quốc học và triết học phải được hiểu là sinh lực của nền văn hóa đó.
Triết học, từ ngữ đó được dùng xuyên qua lối chuyển dịch của
người Trung hoa khi cập nhật truyền thống tư tưởng Tây phương. Từ nguyên tự tiếng
Tây phương, đến cách hiểu của các nhà dịch thuật Trung hoa, và việc lấy lại từ
ngữ hán-việt nầy của người Việt chúng ta, mọi người đều chân nhận tầm quan trọng
thiết yếu của nội dung hàm ngụ trong từ ngữ ấy; nó đã được xem là một qui ước
phổ quát để gợi lên ý thức về phần cốt lõi của một nền văn hoá, mặc dù xuyên
qua lịch sử của mỗi vùng, mỗi dân tộc, mỗi tác giả, mỗi thời đại...nó được gọi
bằng những từ ngữ khác nhau với những cách đặt vấn đề và lối diễn tả khác nhau.
Trong cuộc sống thường ngày của người Việt chúng ta, thay vì
chữ học chúng ta thường dùng chữ đạo để nêu lên những tiêu
chuẩn nền tảng giải thích giá trị, phê phán hành vi của mỗi người trong mỗi
hoàn cảnh riêng: đạo làm con, đạo vợ chồng, đạo làm dân, đạo trời đất, đạo
Tâm... và âm hưởng nầy cũng hiện diện trong các phương thức biểu lộ có tính
cách văn chương, bình dân hay bác học qua các thế kỷ.
Nhưng chữ triết học, lại đòi hỏi một tiến trình hình thành
phát triển có tính cách đặc biệt. Ta thường gọi là "học", hàm ngụ những
nổ lực suy tư sâu hơn, rộng hơn để tìm ra một nhất quán, nối kết những yếu tố rời
rạc vào một nền tảng chung. Phương thức diễn đạt, liên hệ đến tầm vóc của lối
suy tư nầy, đòi hỏi một nhất thống, nối kết từng sự kiện vào một nền tảng duy
nhất.
Một cách hậu thiên, qua nếp sống của dân tộc, chúng ta đã chứng
nghiệm được rằng có một sự nhất quán như thế trong nội dung, và một hiện tượng
qui chiếu từng hoàn cảnh riêng lẽ của sinh hoạt con người vào một số trực giác
nền tảng. Và lối "triết học" bất thành văn nầy rất độc đáo khi đưa nếp
sống của người Việt chúng ta đối chiếu với cách suy tư và sinh hoạt của các dân
tộc khác.
Nhưng về mặt văn học, nghĩa là toàn bộ những sáng tác văn
chương, thành văn cũng như văn chương truyền khẩu, phải nhận một cách khách
quan, phương thức diễn đạt có tầm vóc sâu rộng đó rất hiếm hoi.
Chúng tôi đã khám phá được công trình đầu tiên về lối suy tư
như thế, được viết thành văn, qua tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái, được Vũ Quỳnh
hiệu chính lại một cách qui mô trong quyển I của sách nầy [10].
Ở đây chúng ta đặt vấn đề xem tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh có phải là một tác phẩm văn học, phản ảnh những yêu sách về suy tư
triết học (theo nghĩa chung của nó) hay không?
- Trước hết về mặt nội dung, chúng ta đã thấy phương thức
cập nhật vấn đề tư tưởng một cách rốt ráo, qua việc nêu lên chủ đề của tác phẩm
đến ngọn nguồn là thân phận con người nói chung.
Đến đây nhiều người sẽ nêu lên vấn đề:
Căn cơ của truyền thống triết học Tây phương (mà chúng ta
gián tiếp vay mượn ngôn ngữ đó) đòi hỏi phải đi đến một vấn đề rốt ráo hơn nữa,
đó là vấn đề hữu thể tổng quát, nghĩa là đào sâu nền tảng chung không
những để đặt nền tảng cho cuộc sống con người, mà còn truy nguyên về bản tính
vũ trụ và thần thánh (Thượng-đế). Hệ luận, là truyền thống đó đã thiết định được
các bộ môn học về vũ trụ (khoa học thiên nhiên), con người (khoa học nhân văn)
và Thượng-đế (thần học) [11]
Phải chăng quan niệm nầy có lẽ ảnh hưởng nhiều đến đường hướng
nghiên cứu của Dương Quảng Hàm, khi tác giả nhận định rằng "dân tộc
ta không có quốc học"!
Thực ra phải chân nhận rằng nhận thức đó là quan điểm phổ
thông nhất trong quần chúng Tây phương cũng như trong giới nghiên cứu văn học
nước ta. Tuy nhiên quan điểm nầy chỉ là một phương thức đặt vấn đề tư
tưởng của một vùng văn hoá nhất định, dù nó có nhiều ảnh hưởng nhất, đặc biệt
đã đi vào truyền thống giáo dục của Tây phương. Hơn nữa, về nội dung, sự kiện lấy
thân phận con người "cõi người ta" làm khung trời thiết yếu và duy nhất
cho tư duy văn hoá đã là nét độc đáo của nền văn hoá Việt Nam; nét độc đáo đó
là một yếu tố tạo nên phần cốt lõi của "quốc học", điều mà Dương Quảng
Hàm chưa truy cứu.
- Về phương diện diễn tả, tuy dùng lối văn thơ và
dùng câu truyện Kiều để gián tiếp trình bày các nội dung tư tưởng qua
hình ảnh một câu truyện tiểu thuyết tượng trưng, tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh đã có kết cấu mạch lạc trong bố cục:
phần mở đầu nêu lên chủ đề;
thân bài dùng câu truyện để khai triển các nội dung liên hệ;
và kết luận đưa ra một hệ thống tư tưởng, giải đáp những vấn
đề nêu lên ở phần dẫn nhập.
Chú thích:
Chú thích:
[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, xb lần thứ 1, tại Hà Nội,
1941, in lần thứ 10, Sài gòn, 1968, tr. 458 do Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu
xb.
[4] Chúng tôi đã có dịp nêu lên nhận định nầy trong cuốn "Văn Hiến,
nền tảng của minh triết", Định Hướng Tùng thư xb, Reichstett, Pháp, 1996,
tr. 32.
[5] Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, tr. 378:
"Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện nầy (do tác giả hiệu
là Thanh tâm tài nhân) với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng
đại cương tình tiết hai quyển giống nhau: các việc chính, các vai nói đến trong
truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu thuyết Tàu".
[7] Xem Hán Chương Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
Hội hữu xb, California 1993, các trang từ 269-279.
[10] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn hiến nền tảng của Minh triết,
Định Hướng Tùng thư xb, Reichstett, 1996.
[11] Xem A.G Baumgarten, Metaphysica, IIe éd (17430) ớ 2 "Ad
metaphysicam referentur ontologia, cosmologia, psychologia et theologia
naturalis".
Chương II
Hệ thống tư tưởng trong Đoạn Trường Tân Thanh
Việc chọn nhan đề cho một tác phẩm của mình là điều rất quan
trọng cho bất cứ một tác giả văn học nào bất kỳ. Nó cô đọng toàn bộ nội dung của
tác phẩm. Và vì thế, khi nghiên cứu sự thay đổi nhan đề một tác phẩm qua thời
gian, ta cũng thấy được phương cách hiểu và đánh giá tầm quan trọng của một nội
dung nào đó được đề cao. Khởi thủy Nguyễn Du đã lấy tựa đề cho tác phẩm của
mình là Đoạn Trường Tân Thanh. Nhưng theo Trần Trọng Kim, dư luận cho rằng
Phạm Quí Thích đổi lại là "Kim, Vân, Kiều tân truyện" và rồi dần dà
được gọi "theo thói thường mà nhận là Truyện Thuý Kiều" [1].
Truy cứu về nguồn gốc truyện Kiều, các nhà nghiên cứu văn học
thường nêu lên hai bản tiểu thuyết Trung hoa, và cả hai bản đều mượn tên các
nhân vật trong câu truyện để đặt tên cho tác phẩm của mình, hoặc Vương
Thúy Kiều truyện, hoặc Kim Vân Kiều truyện.[2] Với việc chọn nhan đề mới là "Đoạn Trường Tân Thanh",
và đặc biệt là nội dung độc đáo của phần mở đề và phần kết luận nơi bản văn chữ
nôm, ta thấy mục đích của Nguyễn Du khi viết lại truyện nầy chủ yếu không phải
là chuyển dịch một câu chuyện, nhưng là mượn lấy một mẫu chuyện mà ông thấy có
những chất liệu thích hợp có thể dùng để chuyển đạt tư tưởng của mình.
Tầm quan trọng của phần dẫn nhập và kết luận
* Sau câu mở đề gói ghém tất cả luận đề của tác
phẩm, đến câu thứ bảy và tám
Kiểu thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh,
rõ ràng tác giả dùng một câu truyện giả tưởng, nhưng điển
hình để minh chứng.
* Và phần kết uận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" để
nêu lên quan điểm của tác giả, trả lời cho những chủ đề đặt ra lúc ban đầu.
Ngẫm hay muôn sự tại trời (câu 3241).
Ở đây chúng ta chưa đi vào việc phân tích phương cách đặt vấn
đề, chủ đề nào được nêu ra và luận thuyết như thế nào trong phần kết luận,
nhưng hình thức bố cục của bản văn đi đôi với việc chọn lựa một nhan đề mới cho
tác phẩm của mình là một chỉ dẫn giúp chúng ta lưu ý đến tầm quan trọng của nội
dung nhan đề mới nầy.
Tựa đề Đoạn Trường Tân thanh
"Đoạn Trường" nghĩa là đứt ruột, diễn tả nỗi đớn
đau cùng cực.
"Tân Thanh" nghĩa đen là "tiếng mới", lời
mới.
Các nhà nghiên cứu văn học giải thích rằng "Tân Thanh"
cũng như sau nầy Phạm Quý Thích còn đổi là "Tân Truyện", hàm ngụ công
việc viết lại câu truyện bằng chữ nôm. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, khi đọc
toàn bản văn, thì "Tân Thanh" còn cảm nhận như là một lời gợi ý của
tác giả về một âm hưởng mới trong nổi đau hàm ngụ trong tác phẩm.
"Nỗi đau" của ai? Cái gì tạo nên đau đớn?
Thông thường thì nỗi đau đớn nầy thường được đồng hoá với
nhân vật Kiều, được hiểu như một phụ nữ nào đó gặp phải hoàn cảnh oan nghiệt
trong cuộc đời.
Trong lịch sử văn học Việt Nam vào thế kỷ 19, cận kề với thời
điểm sáng tác truyện Kiều của Nguyễn Du, hai tác phẩm quan trọng khác đó
là Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúccũng diễn đạt nỗi đau của
những người phụ nữ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Hẳn nhiên đằng sau những phụ
nữ nầy còn là âm vọng của một khối đa số dân chúng và cũng là nỗi thao thức
riêng của các tác giả. Nhưng đặc biệt tựa đề Đọan Trường Tân Thanh nêu
lên một nỗi đau của không riêng gì ai, nghĩa là của tất cả. Cái gì tạo đau khổ
đến đứt ruột, tác giả sẽ diễn tả trong phần dẫn nhập. Nhưng ở đây, khi nổi đau
của tất cả được lồng vào nhân vật duy nhất là Kiều, thì cô Kiều đó được ngầm
hiểu là tượng trưng cho thân phận kiếp làm người.
Nếu Aristote đã nêu lên rằng sự hiểu biết cao độ, nghĩa là
triết học, đòi hỏi phải đi đến mức độ phổ quát, thì tác phẩm "Đọan Trường
Tân Thanh" không phải là bản văn truy tìm cái chung nơi hòn sỏi, cũng như
nơi con người, nhưng là cơn đau chung của kiếp làm người.
Và chúng ta sẽ thấy "Cõi người ta" là cái khung duy
nhất của điều gọi là suy tư hay tư tưởng của tác phẩm "Đoạn Trường Tân
Thanh" cũng như của truyền thống văn hóa tạo cảm hứng cho thiên tài Nguyễn
Du, và của những người Việt tiếp nhận âm hưởng của tập thơ nầy.
II.2- Từ bố cục tổng quát tác phẩm
Đoạn Trường Tân Thanh
Dựa vào bản văn hiệu chính của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim [3], toàn bộ tác phẩm Đoạn-trường Tân-thanh gồm có 3254
câu.
Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt:
Mở đề: Sáu câu (1-6)
Hai câu chuyển (7-8)
Câu truyện nàng Kiều (8-3240)
Phần tổng luận (3241-3252) với hai câu kết (3253-3254)
Về lối bố cục tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, vấn đề được
nêu lên là sự hiện diện của hai câu kết:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Sau 12 câu thơ tổng luận với nội dung tư tưởng cô động, giọng
văn trang trọng, hai câu kết tưởng chừng như bông đùa đã làm cho nhiều nhà phê
bình văn chương xem đấy là một âm thanh lạc điệu trong một bản trường ca tuyệt
vời. Có người vội đánh giá rằng đây là hai câu thơ tệ nhất đã gượng ghép vào nhằm
đánh lạc hướng những phê phán hay phản ứng bất chừng của triều đình nhà Nguyễn.
Và người ta tự hỏi phải chăng việc sử dụng lối kết luận như thế là một qui ước
của những tác giả đương thời, vừa muốn diễn tả những bực nhọc của mình cũng như
phản ảnh những nỗi khổ đau của xã hội, vừa muốn tránh việc có thể làm phật ý giới
đương quyền [4].
Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, lối diễn tả kỳ lạ nầy của
Nguyễn Du có thể phản ảnh thái độ rất đặc biệt của kẻ sĩ Việt Nam.
Khi đã từng viết
Bất tri tam bất dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như [5]
hẳn tác giả đã mặc nhiên biết về tài năng văn chương đặc biệt
của mình. Nhưng đồng thời với nhận thức nầy, kẻ sĩ hẵn không mang tâm tình của
một Từ Hải
Chọc trời, khuấy nước, mặc dù,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (ĐTTT, câu 3247);
nhưng ý thức sâu xa rằng
Có tài, mà cậy chi tài! (ĐTTT, câu 3247).
Thái độ khiêm tốn đó, dù nó là một qui ước văn chương đi nữa,
thì cũng gợi lên một yêu sách về đạo đức của một kẻ sĩ.
Về sự liên tục tư tưởng liên quan đến mạch văn của phần Tổng
luận, hai câu văn lạc điệu nầy có sức gợi lên những nội dung ẩn kín buộc đọc giả
phải suy tư. Hai câu nầy đi liền với một luận văn, đặc biệt là đi liền với câu
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ĐTTT, câu 3252).
không phải làm giảm niềm thâm tín của tác giả về nội dung phần
Tổng luận, nhưng muốn nói lên giới hạn tài sức của tác giả trước một nội dung
quan trọng nhưng còn nhiều gai góc.
Câu truyện Kiều nêu lên là một tượng trưng còn bất cập; phần
Tổng luận lại nói đến chữ Tâm, nhưng chữ Tâm ấy gợi lên như một âm vọng của một
trực giác, một lời mời đọc giả bước qua câu truyện để chứng thực trong cuộc sống
của mình. Phải chăng với nội dung sinh động của chữ Tâm so với những gì đã diễn
tả được trong tác phẩm, thì tài của Nguyễn Du đi nữa cũng chỉ là những
"lời quê, chắp nhặt, dông dài"; và trước chữ Tâm ấy, tác giả cũng tự
thú rằng những gì đã được viết ra cũng chỉ "mua vui...được một vài trống
canh"?
Qua nhận xét riêng của chúng tôi về hai câu thơ kết luận nầy,
chúng tôi thấy Nguyễn Du đã cống hiến một mặt tính cách siêu vượt của Đạo Tâm,
đồng thời thái độ khiêm tốn cần thiết của con người trước chân lý.
Chúng ta trở lại phần bố cục của tác phẩm Đoạn Trường
Tân Thanh. Ngoài vấn đề hai câu kết luận, thì sáu câu thơ mở đề, hai câu chuyển
(7 và 8), cũng như phần tổng luận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" đến
buộc ta phải xét đến mục đích hình thành tác phẩm nầy.
Khi so sánh với nguyên tác bản văn, học giả Vũ Đình Trác đã
nêu lên mười bảy điểm khác biệt quan trọng và đi đến kết luận:
Có rất nhiều những điểm dị biệt khác, nhất là về phương diện
văn chương - theo ý kiến phần (đông) các học giả - bởi thế tác phẩm của
Nguyễn Du có giá trị của một sáng tác phẩm, chứ không phải một dịch phẩm [6].
Và đặc biệt học giả họ Vũ đã nêu lên hai điểm khác biệt làm
ta lưu ý. Đó là phần mở đầu (điểm khác biệt thứ nhất) và phần kết thúc (điểm
sai biệt thứ mười bốn). Hai phần nầy là sáng tác độc đáo của Nguyễn Du.
"Truyện Kiều kết thúc bằng sự thăng quan tiến chức đầy
danh vọng lợi lộc của Kim Trọng và Vương Quan - Đọan Trường Tân Thanh lại kết
thúc bằng quan niệm Tâm đạo" [7].
Nếu đọc kỹ câu chuyện [8], ta thấy ngay toàn bộ câu truyện của Kiều chẳng qua được dùng
làm thí dụ hay chất liệu để diễn tả luận đề được nêu lên trong phần mở đầu, và
biện minh cho Tổng luận, đặc biệt được khởi đầu bằng chữ "ngẫm".
Như thế, về mặt tư tưởng, chính phần đầu và phần kết là
chủ yếu. Vậy có gì quan hệ khi nêu lên nhận xét nầy?
- Trước hết, để có thể đi vào tư tưởng Nguyễn Du một cách
nghiêm túc, ta cần ưu tiên đi sát với lối đặt vấn đề của chính tác giả. Nghĩa
là những dữ kiện trong truyện Kiều phải được đưa vào cái khung sẵn có trong phần
mở đầu.
- Thứ đến, những chi tiết trong truyện Kiều, dù đã được Nguyễn
Du sửa đổi cho ăn khớp với luận đề, và có thể có những âm hưởng của các truyền
thống văn hoá Nho, Phật, Lão... thì cũng không thể tránh được những hạn chế hay
những ràng buộc với nguyên bản. Hẳn nhiên đại thể của câu truyện đã cống hiến
những chất liệu cần thiết đánh động tâm tư của tác giả; và tác giả đã chọn lấy
câu truyện đó để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng, nếu chỉ phân tích câu truyện,
với những chi tiết lắm lúc gượng ép, và xa lạ với tập tục của cuộc sống dân
gian Việt Nam, mà không lưu ý đến chủ ý riêng của tác giả Nguyễn Du (rõ rệt được
nêu lên trong phần dẫn nhập và phần kết) thì chúng ta dễ đánh mất phần thiết yếu
của tư tưởng Nguyễn Du.
Một nhận xét quan trọng nữa liên quan đến bố cục của tác phẩm,
đó là nỗ lực hệ thống hoá tư tưởng. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp đào sâu điểm nầy
khi phân tích và lý giải phần dẫn nhập và phần tổng luận. Nhưng ở đây, khi đối
chiếu với những tác phẩm như Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc chẳng
hạn, thì rõ rệt bản văn Đoạn Trường Tân Thanh, không còn là một tác phẩm
văn chương tiểu thuyết nhằm kể một câu truyện. Nguyễn Du đã đưa ra những thắc mắc,
trực giác được để nêu lên toàn bộ ở phần dẫn nhập. Tiếp đó, thay vì dùng ngôn
ngữ trừu tượng lập luận từng điểm như lối văn triết học trong các kinh sách
Trung hoa hay Tây phương, tác giả dùng một câu truyện để chứng minh. Và trong
phần tổng luận, Nguyễn Du nêu lên những nhận định riêng của mình ăn khớp với
kinh nghiệm rút ra từ câu truyện để giải đáp những vấn đề nêu lên trong phần dẫn
nhập. Về mặt hệ thống hoá tư tưởng, sau tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái (ở
quyển I) do Vũ Quỳnh hiệu chính, hẳn tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nổi
bật ở điểm nầy.
Chú thích:
Chú thích:
[1] Xem Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, hiệu chính và chú giải truyện
Thúy Kiều, Nguyễn Du, Tân Việt, Sài gòn xb in làn thứ 8, tựa, trang VI.
[2] Dư Hoài: Vương Thuý Kiều truyện; Thanh Tam tài
nhân: Kim Vân Kiều truyện.
[3] Bản văn dùng làm tài liệu nghiên cứu dựa vào bản
1995, do nhà xb Văn hoá Thông tin, đã in lại theo bản in lần thứ 8 của nhà xb
Tân Việt, Sài Gòn
[4] Xem hai câu thơ cuối cùng của Chinh Phụ Ngâm và Cung
Oán Ngâm Khúc:
Ta hồ trượng phu đương như thị (của Đặng Trần Côn)
- Ngâm nga mong gửi chữ tình
Đường nầy âu hẳn tài lành trượng phu (của Đoàn Thị Điểm
diễn nôm)
- Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa (Ôn Như Hầu)
[5] Ba trăm năm nữa, ôi không biết
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như? Thanh Hiên thi
tập, bài 78, "Độc Tiểu Thanh Ký".
[6] Hán Chương Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
Hội Hữu, xb, California, 1993, tr. 278.
[7] Sđd, tr. 155.
[8] Xem "Kiểu thơm lần giờ trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh" (câu 7-8)
Chương III
Phân tích bản văn Đoạn Trường Tân Thanh
III.1- Phần dẫn nhập: Xây dựng nền tảng của tư tưởng
a. Chủ đề của tác phẩm
Phần dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm tám câu thơ,
nhưng hai câu 7 và 8 là lời chuyển vào câu truyện Kiều, nên có thể nói rằng phần
nầy thực sự chỉ có sáu câu chia làm 2 phần:
Nêu lên chủ đề của tác phẩm: Tác giả chỉ dùng hai câu thơ đầu
để cô đọng hết chủ đề toàn bộ tác phẩm:
Trăm năm, trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh, khéo là ghét nhau
Câu 3 và 4 diễn rộng nội dung câu 1
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Câu 5 và 6 là một cách nói khác câu thứ 2
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Học giả Vũ Đình Trác, khi đối chiếu phần nầy với nguyên tác
Hán văn còn đi đến một nhận xét mạnh dạn hơn:
Nguyên văn mở đầu bằng một bài từ nói về thuyết "hồng
nhan bạc mệnh", rồi kể lại những mẫu chuyện giai nhân bạc mệnh đời xưa, để
phụ họa cho thuyết ấy. Nhưng Nguyễn Du chỉ nói vắn tắt bằng một câu thơ
tám chữ:"Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" để nêu lên cuộc va chạm
giữa Trời và Người [1].
Theo thiển ý của chúng tôi, câu thơ thứ nhất rất quan hệ vì
hai lý do:
Toàn bộ câu truyện Kiều, đặc biệt nhân vật Kiều (và ở câu sáu
là má hồng) được dùng để diễn tả "cõi người ta" ở câu 1.
Về mặt tư tưởng, chúng ta thấy tác giả xác định lãnh vực của
suy tư, đó là hiện sinh con người, tức là tra vấn về cõi người ta nầy.
Vì thế, chúng tôi cho rằng Nguyễn Du dẫn nhập toàn bộ tác phẩm
vào chủ đề được cô đọng trong hai câu đầu.
b- Những điểm nổi bật trong sáu câu thơ mở đầu
Đối chiếu với hai tác phẩm bằng văn nôm đi trước và rất gần với
Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta thấy Chinh Phụ Ngâm (bản dịch của Đoàn Thị
Điểm) và Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu có nhiều chỗ tương hợp
về cả ý lẫn lời văn, đặc biệt trong phần dẫn nhập.
"Thuở trời đất nỗi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy" (CPN, câu
1-4).
"Trải vách quế, gió vàng hiu hắt,
Mãnh vũ-y lạnh ngắt như đồng;
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào! (CONK, câu
1-4)
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Sáu câu thơ đầu của Đoạn Trường Tân Thanh rõ rệt nằm
trong ngôn ngữ và ý tưởng chung của hai tác phẩm Chinh Phụ Ngâm và Cung
Oán Ngâm Khúc. Sự kiện đó, một mặt phản ảnh một tâm tư rất cá biệt của con người
Việt Nam nói chung, và rõ rệt hơn là của các nhà văn hào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ
19. Như thế, điểm nào là điểm độc đáo của Đoạn Trường Tân Thanh và của
Nguyễn Du?
- Điểm độc đáo quan trọng nhất, không phải chỉ đối với
hai tác phẩm Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc, mà còn đối với
hầu hết tác phẩm văn học Việt Nam khác trước đó, là việc đưa ra một chủ đề
phổ quát cho thân phận con người. Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán
Ngâm Khúc nêu lên một hoàn cảnh đặc biệt, hoặc của một người cô phụ, hoặc
của một cung phi về tuổi xế chiều, và gợi lên một nội dung tư tưởng đặc loại: sự
xa cách hoặc sự dòn mỏng của kiếp người trong thời gian qua đi. Nhưng ở Đoạn-Trường
Tân-Thanh, chủ đề được nâng lên ở cấp độ phổ quát của toàn bộ ý nghĩa cuộc sống,
qua câu "Trăm năm, trong cõi người ta" (ĐTTT, câu 1).
Hệ quả chúng ta thấy là chữ Tài không chỉ hạn chế
trong số ý nghĩa thông thường là sắc đẹp, tài năng thi phú, đàn..., và chữ Mệnh
cũng không gò bó trong một số hoàn cảnh bên ngoài, thường còn gọi là số rủi
may. Các hình ảnh văn chương chỉ là những tượng trưng gợi lên những diễn tiến
trong cuộc vật lộn, hay nói theo Hán Chương Vũ Đình Trác là cuộc va chạm giữa
Trời và Người, kết dệt nên cõi người ta.
Điểm độc đáo thứ hai là các từ ngữ được nhân cách
hoá: ghét, quen thói... đánh ghen. Đoàn Thị Điểm và Ôn Như Hầu cũng có
dùng thuật ngữ nầy khi nêu lên chữ "ai", kéo Trời Xanh xuống cõi người
để đối chất, nhưng trong phần dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, thuật
ngữ nhân cách hóa hiện diện trong mỗi câu thơ tạo nên một khung sinh hoạt đặc
loại, mà Nguyễn Du gọi là "cõi người ta" hàm ngụ một lời chất vấn về
chân tính con người.
c- Trăm năm, trong cõi người ta
Cảm thức về hữu hạn tính
Trong đoạn trình bày về bố cục của tác phẩm Đoạn Trường
Tân Thanh, chúng ta xác định được rằng chủ đề chính nằm trong hai câu đầu:
"Trăm năm, trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh, khéo là ghét nhau".
Nội dung thiết yếu nằm trong câu thứ hai. Tuy nhiên nội dung
đó cũng chỉ thiết định được trong cái khung khai mở ra suy tư văn hoá, tức
là cảnh vực con người nằm trong câu đầu.
Điều đáng lưu ý là ở câu thứ hai, chủ tâm của tác giả không
nhằm trình bày ý nghĩa hay bản chất của chữ Tài hay chữ Mệnhlà
gì hay thế nào, nhưng nhấn mạnh đến sự xung đột giữa Tài và Mệnh. Như thế chủ đề
chính là một thảm kịch, một cuộc chiến [2]. Và muốn rõ hơn về hai đối thủ tranh chiến nhau, thì phải tìm
vết tích của chúng, một phần ở ngay từ ngữ "ghét" được nhân cách hoá
và mặt khác ở trong cái khung của câu một.
Câu một có hai phần: phần đầu gồm hai chữ trăm năm,
một con số chẵn tượng trưng cho mức tối đa của thời gian cuộc sống con người tại
thế; phần thứ hai gồm bốn chữ trong cõi người ta.
Cõi người ta. Chữ cõi gợi lên một không gian, hoặc
tách rời khung cảnh sống chung như cõi biên cương, cõi xa xôi, hoặc giới hạn
vào một thế giới đặc loại như cõi trần, cõi tiên...; người ta, theo nghĩa
thông thường được hiểu là chung chung cho mọi người hàm ngụ một cách biệt nào
đó với tôi.
Chẳng hạn:
"Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề".
Hoặc: Người ta nghĩ vậy, còn tôi nghĩ khác.
Tính cách chung chung nầy, khi đưa vào lãnh vực tư tưởng, thường
được gọi là dư luận (theo lối nói của Platon), hoặc ngay cả dùng lại chữ nầy
(tiếng Pháp gọi là "le on dit") để nói đến một lối suy tư
thiếu phản tỉnh (xem cách trình bày của Heidegger).
Nhưng ở đây người ta, cũng không phải là dư luận cũng
không phải kết hợp giữa hai chữ người và ta, mà nối kết trong
toàn bộ bốn chữ trong cõi người ta; và tiếp sau hai chữ trăm năm, nó
chỉ có nghĩa là con người.
Hai phần nầy của câu thơ đầu làm nên thời gian - không gian hạn
định thế giới của tư tưởng.
Quan niệm về thời gian - không gian để nói lên một toàn khối
cống hiến sự nhất thống cho nhận thức không phải là một sáng kiến mới mẻ. Tiếng
Trung Hoa dùng lối nói vũ trụ (Vũ biểu thị không gian, trụ biểu
thị thời gian) để chỉ toàn khối nầy; còn Kant thì gọi thời gian - không gian là
là những hình thái tiên thiên của trực giác tạo điều kiện cho việc nhận thức
các đối tượng của tri thức sự vật.
Nếu không gian - thời gian là một trực giác phổ biến làm nên
khung của nhận thức, thì sự giới hạn một loại không gian, một loại thời gian đặc
loại, cũng như việc nêu cảnh vực nầy ở đầu tác phẩm, là những yếu tố có tầm vóc
quan trọng buộc ta phải đào sâu ý nghĩa.
Qua công việc phân tích của các bản văn trong cuốn I của tác
phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, chúng tôi cũng đã
khám phá được rằng ưu tư văn hoá trong các bản văn ấy không phải là truy tìm bản
chất hay nguồn gốc của mọi vật theo nhận thức dựa vào nguyên tắc nhân quả;
nhưng ưu tư văn hoá được gói gọn trong việc mô tả các trực giác về các mối tương
quan của hữu thể con người.Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du lại nói
rõ hơn nữa về mối ưu tư đặc loại nầy của tư tưởng: Cảnh vực thiết yếu
trong đó tư tưởng đến với con người là chính cuộc đời con người chứ không ở nơi
nào khác.
Nhưng nếu hai tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái và Đoạn
Trường Tân Thanh nêu lên cảnh vực hiện sinh con người, thì không có nghĩa
là hai tác phẩm nầy chỉ biết đến một lãnh vực trong ba lãnh vực của bộ môn siêu
hình học Tây phương (vũ trụ, con người và Thượng đế).
Để có thể am tường sự khác biệt tinh tế nầy, chúng ta thấy
trong tiến trình lịch sử triết học Tây phương, Kant đã dày công kiểm thảo nền tảng
của truyền thống tư tưởng ấy và đi đến kết luận:
Khung của triết học, theo ý nghĩa toàn bích nầy của nó, qui về
bốn câu hỏi sau đây:
1- Tôi có thể biết gì?
2- Tôi phải làm gì?
3- Tôi hy vọng được điều gì?
4- Con người là gì? [3]
Qua câu hỏi cuối cùng của Kant, chúng ta thấy truyền thống
triết học Tây phương đã quay lại khởi nguyên câu hỏi của Socrate, đã lấy con
người làm ưu tư tối hậu cho tư tưởng; nhưng trong sự quay lại đó, Kant vẫn bị
ràng buộc với đường mòn siêu hình học cũ khi nêu lên "con người là gì?".
Chữ là gì (=quid) trong câu nầy phản ảnh tiền kiến về một sự am
tường về thế giới chung của hữu thể (= cái gì) mà con người được nêu lên để
đối chiếu.
Tiếp sau thời phục hưng Tây phương, trào lưu nhân bản dần dà
được triển khai về mọi mặt trong lịch sử văn hoá nhân loại. Nhưng xuyên qua các
câu hỏi rốt ráo cuối cùng Kant nêu lên để thiết định lại nền tảng siêu hình học
truyền thống Tây phương, ta thấy mặc dù lấy "Con người" làm "bản",
nghĩa là con người trở thành ưu tư tối thượng và nền tảng của tư tưởng, thì con
người đó cũng không vượt qua khỏi tiền kiến của một câu hỏi tiên thiên -
nó là gì?-, nói một cách khác cái gì (quid) đã được mặc nhiên
nhìn nhận như một nền tảng đã có sẵn trong tầm tay con người để "con người"
có thể qui chiếu.
Câu chuyện Bánh chưng trong quyển I Lĩnh Nam
Chích Quái cống hiến một lối giải thích chu đáo về sự khác biệt giữa trực
giác về nhân tính trong văn hoá Việt Nam và những quan điểm về con người trong
các nền nhân bản đang thịnh hành.
Vua Hùng Vương thứ ba muốn truyền ngôi báu (tượng trưng
cho Vương đạo, tức là nhân tính con người) cho 22 người con. Ngài ra lệnh
cho các con đi tìm lễ vật nào ngài vừa ý nhất để truyền ngôi báu. Hai
mươi mốt (21) vị đã dựa vào tài sức của mình đi tìm được nhiều loại lễ vật vàng
bạc, châu báu...chỉ có Lang Liệu lắng nghe lời thần dạy làm bánh dày - bánh
chưng, tượng trưng cho Đất - Trời - Người kết hợp, nên được vua cha truyền ngôi
Vua.
Các nền nhân bản đang phổ biến đã tiền kiến ngôi vua (tức
là tượng trưng của nhân tính) có thể ví như một cái gì quý giá nhất
mà tài sức mình đánh giá được để có thể sang đổi. Họ đã dựa vào sự giúp đỡ của
các quan lại thân thiết, cũng như nỗ lực tìm tòi của mình, và cũng dựa vào giá
trị của các phẩm vật quí giá bên ngoài. Nhưng với Lang Liệu, chàng thấy hụt
chân vì không thấy được có cái gì theo sự hiểu biết của chàng trong
vũ trụ nầy có thể đẹp được lòng vua cha. Chàng theo lời thần nhân, khởi đầu với nhân
tính qua mối tương giao trời Đất - Trời - Người mà tượng trưng là hai chiếc Bánh
dày - Bánh chưng và hoàn thành các mối tương giao đó, nên đạt được Vương Đạo.
Với câu truyện tượng trưng nầy, chúng ta thấy ưu tư của văn
hoá, của tư tưởng nơi Vũ Quỳnh, nơi Nguyễn Du không phải xây dựng một nền nhân
bản nào đó, một loại nhân bản trong muôn ngàn nền nhân bản ngày nay, tiền
kiến rằng con người là một cái gì, dù cao quí hơn những cái gì chung
quanh nó, nhưng vẫn đặt nền tảng trên "cái gì" nói chung.
"Trăm năm trong cõi người ta" là thế giới của những
con người, những ai, như có một sự xa cách hữu thể học đối với những
gì trước mắt, làm ta suy tư. Trong kỹ thuật văn chương, Nguyễn Du dùng thuật ngữ
nhân cách hoá ở phần dẫn nhập để đưa đọc giả vào cảnh vực đặc loại nầy. Một lời
nói làm ta vui, ta hy vọng, ta ghét, ta giận... chỉ có thể cảm nghiệm được trong
"cõi người ta"; nó không có một cứ điểm nào trong thế giới những cái
gì nào đó để thiết định cả. Và chính cái lạ kỳ của sự kiện nhỏ nhoi đó cũng cho
thấy nét "linh ư vạn vật" của nhân tính, và cảnh vực riêng của sinh
hoạt gọi là văn hoá và tư tưởng.
"Trăm năm trong cõi người ta", cảnh vực giới hạn đó
có gì khác với "hai chục năm, vài trăm năm tuổi thọ tối đa của một sinh vật
nào đó trong thiên nhiên, cây cỏ, thú rừng..., với những sinh hoạt riêng thuộc
giống loại của chúng"?
Trên bình diện gọi là khoa học khách quan, hay nhận thức đặt
nền tảng trên câu hỏi căn nguyên là "cái gì", hai đối tượng truy cứu
nầy không có gì khác nhau.
Thời hạn của một sinh vật sống chỉ được 5, 10 phút hay vài
trăm năm đến với con người như một nhận thức của một sự hiểu biết gọi là vô tư.
Nếu thi ca có đặt thành vấn đề phù du của tạo vật, thì không phải vấn đề phát
xuất từ sự kiện bên ngoài để đối chiếu với thân phận hữu hạn của cuộc
đời con người. Cảm thức về hữu hạn tính thực sự chỉ xuất hiện ra trong "cõi
người ta", hàm ngụ một tâm tình bất an: nhận thức hữu hạn đó bị chính chủ
thể từ khước, không thể nào chấp nhận được. Sự chối từ căn nguyên nầy biểu lộ
qua chữ "không" căn nguyên tạo nên một tranh chấp, va chạm với nhận
thức của chính mình.
Và kinh nghiệm nầy được diễn tả rất linh hoạt trong tư tưởng
của Lão tử về cái "Vô" căn nguyên, cũng như trong từ ngữ Polemos (cuộc
chiến) của Héraclite.
Cũng như lối nói truyền thống Hy lạp về Nỗi nhớ căn
nguyên hay Đại ký ức, tác giả chuyện Họ Hồng Bàng đã từng dùng lối
văn tượng trưng để diễn tả cảm thức về hữu hạn tính và những con đường khác
nhau của tư tưởng.
Hai nhân vật tượng trưng cho ý thức hữu hạn tính là Đế Lai và
Âu Cơ.
Đế Lai tuy đang trị vì phương Bắc, nhưng "sực nhớ đến
chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ".
Phương Bắc là tượng trưng cho giới hạn tự nhiên cho cảnh vực
con người, nhưng tự trong giới hạn nầy, nỗi nhớ phương Nam dấy lên
trong người mình buộc Đế lai phải ra đi.
Nhưng nổi nhớ có sức đưa Đế Lai về phương Nam cũng
đồng thời xuất hiện với chủ tâm riêng của Đế Lai:
Vất bỏ Âu Cơ một mình
Chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể...để vơ vét
thật nhiều của.
Phương Nam của cảnh vực siêu việt con người nay bị chuyển
thành phương Nam của toàn thể các sự vật mà mình ham muốn.
ở đây một lần nữa cho thấy có sự tương hợp giữa cách đặt vấn
đề của Đế Lai và nền nhân bản phát xuất từ Kant. Thế giới vô tận làm khung cho
nhận thức siêu nghiệm của Kant là không gian vô tận, thời gian vô tận nhằm giúp
con người thu thái càng ngày càng nhiều kiến thức về sự vật. Trong Kant
chúng ta cũng thấy nhận thức siêu nghiệm được khám phá đồng thời với ý thức về
hữu hạn tính của con người. Nhưng ngay cả ở trong đặc tính hữu hạn nầy, tư tưởng
Việt Nam có những điểm khác biệt với tư tưởng Kant:
Nhận thức hữu hạn của Âu Cơ là nỗi cô đơn, không những bị nhốt
một mình trong trại của Đế Lai, mà cảm thức thiếu vắng mối tương giao với một
ai khác. Nàng chung mang nổi khổ của nhân dân nước Nam và đêm ngày mong đợi
Long Quân. Từ thân phận hữu hạn nầy, nàng được Lạc Long Quân đột nhiên đến,
nâng nàng lên thân phận đồng sàng với Thần thánh, thể hiện trọn vẹn nhân tính.
ở vào đoạn khác, cũng nhân vật Âu Cơ và cũng ở trong một hoàn
cảnh diễn tả hữu hạn tính của thân phận nàng; nhưng ở đây Âu Cơ nằm trong một
cuộc tương tranh khi thì vừa muốn mặc lấy tâm tình của Đế Lai, khi thì vừa giữ
lấy tâm tình Âu Cơ ở đoạn đầu. Lúc ở một mình, vì vắng mặt Long Quân đang ở Thủy
phủ, nàng lại đem con trở về Bắc Quốc của Đế Lai, nhưng vì con đường đó bít lối,
nàng lại quay đầu về phương Nam kêu cứu Long Quân.
Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái chọn hai phản ứng tiêu biểu đối
nghịch nhau trước cảm thức về nhân tính dấy lên từ kinh nghiệm hữu hạn của thân
phận con người, sau đó mới đưa vào cõi thực của nhân sinh như một cuộc chiến giữa
hai đối lực. Nhưng trong mỗi một lối trình bày, ta luôn thấy tư tưởng phát xuất
từ hai yếu tố bất khả phân ly: siêu việt và hữu hạn, nỗi nhớ Một phương Nam ẩn
dấu, hay sự hé lộ của siêu việt tính, xuất hiện khi con người chạm trán với
thân phận hữu hạn của mình.[4]
Nơi Đoạn Trường Tân Thanh ta không thấy tác giả
minh nhiên nêu lên trực giác về nỗi nhớ hay siêu việt tính đi trước theo lối
văn chương diễn dịch cổ điển của Trung hoa, Hy lạp hay cả trong Lĩnh Nam Chích
Quái; trái lại tác giả dùng lối diễn tả hiện thực, khởi đầu từ việc chứng kiến
cuộc chiến đang xảy ra trong cuộc đời, cảm nhận nỗi đau, và từ đó đưa ra một nhận
định theo khả năng hạn chế của thân phận hữu hạn của mình. Có thể nói đây là bước
đi của Âu Cơ đi về phía Bắc của Đế Lai và đang gặp bế tắc, nhưng chưa từng ngộ
được Long Quân trong Đại ký ức. Siêu việt tính vẫn ở cận kề, nhưng tương
quan với hiện sinh như một sự vắng mặt, một sự làm thinh phi lý xét về phía con
người. Sự bất tương hợp Tài - Mệnh, nỗi đau về tình trạng phi lý và
không có cách gì cứu gỡ được nầy, dấy lên nỗi phẫn uất hoặc than oán qua những
chữ dùng rất mạnh được nhân cách hoá, ở phần dẫn nhập nầy: ghét, ghen.
Trong truyền thống văn hoá nhân loại, ta chứng kiến lối nói nầy của Job (sách
Job trong Thánh kinh Do-thái) Prométhée (trong kịch bản Prométhée bị trói của
Eschyle) hoặc trong các tác phẩm của Nietzsche. Trong phần truyện Kiều, cũng
như các tác phẩm đương thời của văn học Việt Nam như Chinh Phu Ngâm, Cung
Oán Ngâm Khúc, trong mỗi hoàn cảnh hữu hạn phi lý, các tác giả không ngại diễn
tả phản ứng bực dọc :
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha (ĐTTT, 85-86).
- Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay? (ĐTTT, 411-412)
- Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan nầy còn một kêu Trời, nhưng xa! (ĐTT, 595-596)
- Trăng già độc địa làm sao?
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên! (ĐTTT, 687-688)
- Hoá nhi thật có nỡ lòng
Làm chi dày tía, vò hồng lắm nao! (ĐTT, 1129-1130)
- Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy (CPN, 3-4)
- Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi (CONK, 73-74)
Tóm lại cảm thức hữu hạn tính là một trực giác căn nguyên gắn
liền với "cõi người ta", dấy lên một cuộc chiến nội tâm, khai lộ nhận
thức về lời tra vấn liên quan đến chân tính con người. Và sáu chữ đầu của Đoạn-trường
Tân thanh đã cô động toàn bộ chủ đề nền tảng đó của tư tưởng.
d- Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Đây là câu tra vấn nền tảng về chân tính con người tại thế.
Câu thứ hai là chủ đề, nêu lên sự kiện thiết yếu buộc con người
phải suy tư. Riêng vị trí ở câu hai gắn liền với câu đầu định vị "cõi người
ta", ta thấy sự kiện đó không phải là một kinh nghiệm hậu thiên, của một sự
việc đã xảy ra rồi, nhưng xuất hiện như một trực giác căn nguyên, một khả năng
tiềm ẩn nơi tâm con người trong thân phận tại thế của nó. Nếu đối chiếu với bố
cục của truyện Kiều ở phần thứ hai, ta càng thấy rõ hơn. Trước khi chứng kiến Tài và Mệnh xung
khắc qua những giai đoạn khổ đau sau nầy của mình, Kiều đã tiền cảm "một
thiên bạc mệnh":
"Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân" (ĐTTT, 34).
Ta cũng gặp lại cảm thức nền tảng và căn cơ đó trong một câu
thơ hầu như đương thời nơi Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu:
"Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra" (CONK 55-56).
Hơn thế nữa, trực giác nầy không hướng đến một hoàn cảnh
riêng biệt để dừng lại trong một sự kiện cá biệt; nhưng trước một kinh nghiệm
nhất định, nó tiếp nhận ngay yếu tính toàn bích của "cõi người ta".
Trong câu truyện Tất Đạt Đa gặp một số cảnh tang thương của những kẻ ngoài phố
cho ta một thí dụ điển hình. Từ những kinh nghiệm nhất định nầy, Ngài đã chứng
ngộ được yếu tính căn cơ về cuộc đời là hữu hạn, bất tất và khổ. Kiều cũng có một
kinh nghiệm tương tự, khi đứng trước một ngôi mộ vô chủ:
"Đau đớn thay, phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh của là lời chung (ĐTTT, 83-84).
Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu" (ĐTTT, 107-108)
Đáng lưu ý nữa là trong câu "Chữ tài chữ mệnh khéo là
ghét nhau", điểm nhấn mạnh cũng còn là lời tra vấn buộc mọi người phải giải
đáp ở đây không phải là câu hỏi nhằm tìm hiểu bản chất của chữ tài hay chữ
mệnh, nhưng là thắc mắc về tương quan xung khắc của hai đối lực trong nội
tâm con người tại thế.
Nếu Hécraclite dùng chữ cuộc chiến (Polemos) thì
thánh Augustinô lại dùng chữ bất an (Cor inquietum), Kierkegaard đã
dùng chữ khắc khoải và từ ngữ nầy được dùng lại trong lối diễn tả của M.
Heidegger.
Trong truyện Họ Hồng Bàng, có hai chi tiết trùng hợp với câu
thơ nầy về ý tưởng. Trước hết là ý nghĩa tên gọi Âu Cơ, tượng trưng của hiện
sinh bất an của con người, và chi tiết thứ hai là sự mâu thuẫn dồn dập nơi thái
độ Âu Cơ khi Long Quân vừa vắng mặt: Tuy nhớ Long Quân, nhưng Âu Cơ lại quay về
phương Bắc của Đế Lai và bị Hoàng Đế ra lệnh chận lại nên bí lối.
Cuộc chiến "nội tâm" dấy lên nhằm tra vấn về một nội
dung duy nhất: đâu là chân tính của con người để vượt thắng nỗi bất
an nầy?
Câu trả lời phát xuất từ tài sức và trí tưởng tượng của con
người: là hẳn phải do một đối lực đầy quyền uy nhưng xa cách và ghen ghét, thù
oán, thân phận con người tại thế:
Nếu đối chiếu với truyện Họ Hồng Bàng, ta thấy rõ rệt có một
sự khác biệt về phẩm tính gán cho siêu việt tính hay Trời xanh, hoặc Lạc
Long Quân, trong hai tác phẩm. Lạc Long Quân ở truyện Họ Hồng Bàng là người đến
trước nâng con người lên địa vị thần thánh, luôn gia ơn và gần với con người mặc
dù ẩn kín. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, ở phân dẫn nhập, (cũng như
trong Chinh-Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc) Trời xanh, tuy vẫn ẩn
dấu, nhưng luôn xa cách và xuất hiện gián tiếp qua Mệnh (thường hiểu là bạc mệnh)
như một đối thủ oan nghiệt với con người. Tuy kết luận hai bên sẽ đồng qui
(chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy khi phân tích phần tổng kết) nhưng vì hai tác
phẩm mỗi bên nhấn mạnh đến một lãnh vực sinh hoạt khác nhau của nhân tính, nên
có hai lối diễn tả:
Ở truyện Họ Hồng Bàng, tác giả đi từ nguyên thủy nhân tính
ghi ở Đại-ký-ức con người; chân tính ẩn dấu mặc dù thực tại của lịch sử lãng
quên nhưng được nêu lên trước để làm nền. Và, lối văn được diễn tả là lối văn
huyền thoại. Nó đi từ khung cảnh tích cực từ phía siêu việt tính, để khai mở
cho thấy điểm tiêu cực của lịch sử qua cuộc phiêu lưu về phương Bắc của Âu Cơ.
Ở phần dẫn nhập Đoạn-Trường Tân-Thanh là lối văn tả
thực, bám sát vào hiện sinh tại thế đang gặp phải cảnh bí lối, bất an, hàm ngụ
trước hết siêu việt tính đang vắng mặt một cách phi lý đi từ nhận thức lầm lạc
cố hữu của con người. Nhưng chính từ cảm thức bất an, bí lối đó, toàn bộ nhận
thức, cảm xúc và ngay cả phán đoán nhất thời của con người, được đặt thành câu
hỏi trường kỳ về nhân tính. Nếu ở truyện Họ Hồng Bàng, con người đã được diễn tả
đến mức độ thần hoá (không ăn, không bú mà tự nhiên trường đại), thì ở phần dẫn
nhập của Đoạn Trường Tân Thanh ta thấy hiện tượng siêu việt tính là Trời xanh lại
mang thân phận hữu hạn của chính con người (= quen thói mà hồng đánh ghen).
Trong cuộc sống của con người, và đặc biệt của người Việt
Nam, chúng ta thường xuyên gặp lại hai phương cách diễn tả nầy về mối tương
giao với siêu việt.
Khi đã lưu ý đến điểm chủ yếu của toàn câu thơ nằm ở phần
"khéo là ghét nhau", thì chữ Tài chữ Mệnh sẽ được
hiểu trong khuôn khổ của toàn bộ nhân sinh; nghĩa là một khung trời hay con đường
đi của con người (tài) và một câu trả lời của một đối lực ẩn dấu cũng ở trong
mình, phủ định con đường mình đang đi (đó là mệnh).
Với cách đặt vấn đề bi tráng và rốt ráo về thân phận con người
tại thế đối chất với trực giác về sự vắng mặt hay ẩn dấu của chân tính, Nguyễn
Du, qua phần dẫn nhập Đọan Trường Tân Thanh đã đưa nền văn học Việt
Nam vào mức cao điểm của những ưu tư nền tảng về tư tưởng hướng dẫn cuộc sống
nhân loại.
Nó phản ảnh hai chân trời tương phản của ngài Tất Đạt Đa, con
người trong hoàng cung và con người khắc kỷ tìm Đạo để chứng nghiệm bế tắc trước
khi gặp chân trời giải thoát mới.
Nó diễn đạt hùng hồn những câu văn nghịch lý của Đạo-đức-kinh
về cõi "thiên hạ", để làm nổi bật "Đạo thường ẩn dấu" khác
với "Đạo khả đạo" của nhân vi.
Nó phác họa những lý chứng được xem là tự nhiên của "tâm
duy nguy" trong thế giới hữu hạn của "bá đạo" để tra vấn về siêu
việt tính "duy vi" của Tâm đạo.
- Nó cô
động lối nói về cuộc chiến nguyên sơ của Héraclite, để gợi lên sự giả tạo, thiếu
nền tảng của niềm vui hài hoà dựa vào nỗ lực của tài trí con người, để hướng tư
duy về một Logos ẩn kín, siêu việt, mà tiếc thay truyền thống triết học
Tây phương đã đồng hoá với khả năng luận lý trong tầm tay của lý trí con người:
"Chữ Logos mà người ta hiểu, không bao giờ biết được, trước khi nghe nói đến
cũng như sau khi đã được nghe" [5]; "Sự hài hoà ẩn kín có giá trị hơn nhiều so với sự
hài hoà trước mắt" [6]; "Về chữ Logos mà người ta biết được, và Logos bao trùm tất
cả, hai bên xung khắc nhau, và điều mà người ta đều phải hiểu thì lại còn
xa lạ với họ" [7]; "Sự sắp xếp có đầu đuôi (theo khả năng con người) dù
đạt đến mức hoàn hảo tốt đẹp nhất cũng chỉ là một đống phân được tổng hợp lại
do may rủi" [8].
Nó là nội dung thiết yếu của tư tưởng Sophocle trong đại tác
phẩm "Oedipe vua", diễn tả sự xung khắc rõ rệt giữa Tài và Mệnh và
nổi đau thống thiết của kiếp làm người trước sự phi lý của hiện sinh mà không
có cách gì giải nổi.
Nó cũng là cảm thức phẫn nộ của Promethée trong tác
phẩm "Prométhée bị trói" của văn hào Eschyle, một nhân vật tượng
trưng đã tận lực phục vụ cho hạnh phúc và tiến bộ của nhân loại, nhưng bị đọa
đày bởi Trời xanh Zeus.
Nó thể hiện linh động tình trạng mâu thuẫn của tư tưởng
Socrate, vừa cổ súy con người "hãy tự biết mình" vừa tự thú là điều
thực sự mình biết là mình không hề biết gì cả!
Nó là nỗi khắc khoải của nhà tư tưởng thánh Augustinô, khi tự
thú: "Tâm hồn chúng con khắc khoải, bất an".
Nó gần gũi với thái độ được xem là khôn ngoan của
con người đau khổ Job, khi bất chấp mọi lý chứng truyền thống, đã kêu lên
với Trời xanh để tra vấn về sự phi lý của thân phận con người vô tội đang bị định
mệnh oan nghiệt đổ trên mình.
Nó đi vào thân phận tự do kinh hoàng của con người theo lối
nhìn của Dostoievski, qua một lăng kính tinh thần xa lạ với cái nhìn về con người
"nhân bản" phát xuất từ thời Phục hưng Tây phương. Thân phận con người
tinh thần, tự do bi thương đó được triết gia Nicolas Berdiaeff diễn tả như sau:
"Shakespeare, nhà tâm lý tuyệt vời, vẫn là nhà tâm lý của
nghệ thuật nhân bản.
Còn Dostoievski lại xuất hiện vào một thời đại khác của thế
giới, ở một giai đoạn khác của nhân loại. Nơi ông con người cũng đã chấm dứt
tình cảm thuộc về vũ trụ khách quan mà Dante đã từng dừng lại.
Tiếp diễn qua Thời Tân Kỳ, con người đã tự định vị mình trên
mặt đất, tự nhốt mình trong một vũ trụ thuần con người - Thiên Chúa, quỷ, trời
xanh và địa ngục đã bị đẩy lui vào cõi bất tri, không còn liên hệ đến cõi trần
nữa, đến độ tất cả những thực thể đó mất hết dấu tích. Con người bây giờ trở
thành một tạo vật trơ trẽn với hai chiều kích, con người đã mất đi chiều kích của
siêu việt tính thâm sâu. Chỉ còn sinh hồn (là đối tượng tâm lý), còn thần trí
(linh hồn) của nó như đã biến đi đâu rồi. Nhưng, một ngày nào đó, các sinh lực
sáng tạo, niềm vui đã khởi phát và tô điểm cho thời đại Phục hưng, cạn đi. Con
người cảm thấy nền đất dưới chân mình không còn vững chãi và kiên cố như mình
tưởng. Từ chiều sâu ẩn kín nầy, những tiếng vọng bỗng nhiên bật vang lên, sự hiện
hữu của miền nằm sâu dưới từng đất nầy và bản chất núi lửa phun trào của nó bắt
đầu xuất lộ. Một hố thẳm mở ra từ đáy vực của lòng con người, và bây giờ Thiên
Chúa và quỷ thần, Trời xanh và địa ngục sẽ tái xuất hiện. Trước hết, trong cõi
thâm sâu nầy người ta sẽ chập chững di động: ánh sáng ban ngày dành riêng chiếu
dọi thế giới của sinh hồn và thế giới vật chất bắt đầu tàn lụi, nhưng ánh sáng
mới vẫn chưa sáng rực lên" [9].
Câu "chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" đánh dấu
trực giác của ngày mà ánh sáng ban ngày của tài sức con người đang tàn lụi và
cũng là ngày mà tự đáy vực của siêu việt tính thâm sâu dấy lên tiếng vọng chất
vấn con người phải suy tư về chân tính trọn vẹn của mình. Ánh sáng của chân
tính chưa rực lên, nhưng âm vọng của nó đã đến trong sự chối từ trật tự hoan lạc,
hữu lý của ánh sáng ban ngày của con người (= tài). Cảm thức về sự phi lý
của cuộc đời và nỗi đau nguyên sơ nầy là ngưỡng cửa đi vào "Nhà chân tính
siêu việt", tức là ngưỡng cửa Tiền Đường.
Lối dẫn nhập đó của Đoạn Trường Tân Thanh làm ta
liên tưởng đến lời than oán của tác giả Thánh vịnh trong bản văn Cựu ước [10] mà Con Người Giêsu đã dùng để kêu lớn tiếng trước khi chết
trên thập giá: "Êli, Êli lema sabakthani": lạy Thiên Chúa tôi, lạy
Thiên Chúa tôi! nhân sao Ngài lại bỏ tôi? (Mt. 27, 46).
Chú thích:
Chú thích:
[1] Hán Chương VŨ ĐÌNH TRÁC, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
tr. 270.
[2] Theo lối nói của Héraclite là Polemos.
[3] Kant, Oeuvres, (Cass.) VIII, p. 343.
[4] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Tiếp cận Tư tưởng Việt Nam
, quyển I, Phần 2.
[5] Héraclite, Fg. 1.
[6] Sđd,
Fg. 54
[7] Sđd,
Fg. 72.
[8] Sđd,
Fg. 124.
[9] Nicolas Berdiaeff, L'esprit de Dostoievski, bản dịch
của Alexis Nerville, ed. Stock, Paris, 1974, tr. 54-55.
[10] Tv. 22, 2.
III.2- Câu truyện Kiều
Kiều thân phận
con người
Những chỉ dẫn thiết yếu để đi vào phân tích tư tưởng truyện Kiều
Việc phân tích Phần dẫn nhập, dựa vào chính bản văn
của Đoạn Trường Tân Thanh, giúp chúng ta đi vào chính chủ đề mà Nguyễn Du muốn
khai triển, đó là "tra vấn về chân tính của con người từ thực trạng của
con người tại thế".
Câu truyện Kiều ở phần thân bài là một tượng trưng điển hình,
nó chỉ có giá trị tư tưởng khi lồng vào khung của chủ đề nầy. Hệ luận của hướng
nghiên cứu về truyện Kiều trước hết là tìm sự nhất quán của bản văn nối kết
liên tục giữa chủ đề và chất liệu dùng làm điển hình để chứng minh. Cần lưu ý sự
nhất quán nầy để hiểu những điểm độc đáo của chính tác giả:
Cũng như bao nhiêu nhà văn hào khác, luôn luôn có sẵn những
truyền thống tư tưởng ảnh hưởng trên tâm tư của mình. Nhưng, một mặt tư tưởng
xuất hiện trong mỗi tác giả có thể trùng hợp, ngay cả trong từ ngữ được dùng,
mà không nhất thiết đã có những ảnh hưởng trên nhau; mặt khác sự thâu hoá các
kiến thức do các truyền thống văn hoá khác nhau đem lại cũng không loại trừ
thiên tư độc đáo của một nền văn hoá đặc loại hay một tác giả trong nỗ lực, tiếp
thu, thanh lọc, tổng hợp dựa vào trực giác sẵn có nơi mình.
Thứ đến, khi dựa vào sự vay mượn một mẫu truyện Trung hoa đã
có sẵn để làm chất liệu khai triển tư tưởng của mình, Nguyễn Du chân nhận nơi
nguyên bản có những dữ kiện chung chung, hoặc hướng tư tưởng trùng hợp với chủ
đề của mình, nhưng dù sao việc vay mượn đó có những giới hạn:
- Dù đã loại trừ hay sửa đổi nhiều chi tiết như học giả Hán
Chương Vũ Đình Trác đã dày công truy cứu trong luận án Triết lý nhân bản của
Nguyễn Du, nhưng không thể loại bỏ hay sửa đổi hết những nếp suy tư, thủ thuật
văn chương gắn liền với tài năng sáng tác của tác giả nguyên bản.
- Một bản văn rút ra từ một cuốn tiểu thuyết cống hiến cho ta
nhiều mảnh tâm tư khác nhau, được diễn tả ngôn ngữ riêng của từng nhân vật. Sự
kiện đó tạo nên một kho tàng phong phú về mặt nghiên cứu tâm lý xã hội, biến
chuyển về nội dung của một từ ngữ theo tâm thức của mỗi khung văn hoá, hay nhân
vật khác nhau. Nhưng tính cách phong phú của lối văn nầy, nếu đối chiếu với lối
văn qui ước để diễn tả tư tưởng thành hệ thống, trong đó mỗi từ ngữ được xác định
trong một nội dung nhất định, thì dễ tạo nên một cảm tưởng rằng Đoạn Trường
Tân Thanh có quá nhiều mâu thuẫn xét về mặt tư tưởng nhất quán của nó.
Trong nỗ lực tìm cốt lõi tư tưởng của Nguyễn Du qua Đoạn
Trường Tân Thanh, được nêu rõ trong phần dẫn nhập cũng là chủ đề của tác phẩm,
chúng ta sẽ đặc biệt theo sát sự nhất quán của chủ đề và tạm đóng ngoặc lại những
vấn đề liên quan đến luân lý tâm lý xã hội của câu truyện.
Nội dung của tượng trưng nhân vật Kiều
Kiều là hiện thân cuộc chiến giữa Tài và Mệnh. Trong
phần giới thiệu Kiều Nguyễn Du đã đưa nàng lên mức độ cao nhất mà con người
đánh giá được để diễn tả mức rốt ráo của chữ Tài:
Và qua lời phát biểu của một tiểu Kiều trong giấc mộng (Đạm
Tiên), nàng cũng là người đứng giải nhất trong sổ đoạn trường, nghĩa là hiện
thân của nỗi đau làm người hay bạc mệnh. Nên tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh được dân gian gọi tắt là truyện Kiều lại đi đúng với chủ đề
hơn những lối gọi tên khác như Thúy Kiều hoặc Kim Văn Kiều Tân
Truyện. Các cách gọi tên thứ hai nhấn mạnh đến câu truyện hơn là chủ đề được
Nguyễn Du nêu lên.
Nhân vật Kiều được mặc nhiên dùng để chỉ về "cõi người
ta" hay thân phận con người tại thế. Nhiều câu thơ trong Đoạn Trường
Tân Thanh gợi lên tính phổ quát mà nhân vật nầy tượng trưng:
Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (ĐTTT, 107-108)
hoặc
Trời kia đã bắt làm người có thân...
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh, dồi dào cả hai (ĐTTT, 3242, 3246,
3247).
Nhưng trong lối áp dụng tượng trưng có tính cách phổ quát nầy,
tác giả cũng đã đùng một số qui ước văn chương đặc biệt để nhấn mạnh đến hoàn cảnh
tại thế của con người, qua Kiều.
Trước hết, là hình ảnh người phụ nữ. Người phụ nữ
tượng trưng cho thân phận hữu hạn tại thế của con người cũng rất quen thuộc
trong các lối nói văn chương của các nền văn hoá nhân loại. Huyền thoại Trung
hoa đã nói đến Nữ Oa; Thánh kinh Do thái, Kitô giáo đã luôn dùng thành ngữ con
gái Sion, người nữ được Thiên Chúa sủng ái; và đặc biệt trong câu truyện lập quốc
Họ Hồng Bàng, Âu Cơ là người Mẹ nhân loại, biểu thị cho thân phận con người
trong thời gian. Trong Đoạn Trường Tân ThanhKiều mặc lấy thân phận người
đàn bà nói chung nầy, nghĩa là nhân loại trong "cõi người ta".
Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (ĐTTT, 83-84)
Quy ước văn chương thứ hai cũng rất thường được dùng là sắc đẹp
trên mặt = má hồng, hồng nhan.
Trong truyện Họ Hồng Bàng, nàng Âu Cơ được tác giả truyện ấy
mô tả là "dung mạo đẹp lạ lùng". Ôn Như Hầu trong truyện Cung Oán
ngâm khúc dùng chữ má đào:
Mà xui phận bạc nằm trong má đào! (CONK, câu 4).
Chữ Tài trước hết được cô động trong sắc đẹp, mà màu sắc tượng
trưng là màu đỏ, màu hồng gợi lên sự sống (màu máu huyết) của thân xác bên
ngoài nơi sinh vật. Màu đỏ trên khuôn mặt, trên đôi má diễn tả cảm năng tự
nhiên của con người bị thu hút bởi hình ảnh trước mắt. Trong ngôn ngữ Việt Nam,
để nói đến nội dung khác so với cái đẹp hồng nhan nầy, người ta
dùng chữ duyên. Duyên hàm ngụ một sắc đẹp không thấy bằng mắt, mà sau nầy
Kiều nhờ đấy mà biết đến (Giác Duyên) một chân trời khác sau khi kết
liễu đời mình trên sông Tiền Đường nhờ Giác Duyên cứu vớt.
Dostoievski trong truyện anh em nhà Karamazov có lần đã thấy sự xung đột giữa
hai thế giới qua hai sắc đẹp má hồng và Duyên như sau:
"Sắc đẹp không phải chỉ là một cái gì đáng kinh hoàng,
mà còn là một điều kỳ bí. Nơi ấy, quỷ chiến đấu với Thiên Chúa, và bãi chiến
trường là tâm con người" [1].
"Má hồng" tóm lại là tượng trưng của năng lực lôi
kéo Đế Lai đi tìm các của lạ ở phương Nam, là bước đi tự do của Âu Cơ quay lại
phương Bắc của Đế Lai, hàm ngụ việc quên lãng Lạc Long Quân. Má hồng
trong Đoạn Trường Tân Thanh là khả năng phán đoán, đánh giá của con
người trong thân phận tại thế, quên lãng siêu việt tính
trong Tâm mình.
Quy ước văn chương thứ ba là thành ngữ bạc mệnh. Ở trong
phần dẫn nhập chỉ nói đến chữ Mệnh mà thôi. Chính vì chữ Mệnh nằm một
mình không kèm theo chữ bạc đi trước, mà nhiều cuộc tranh cãi về ý
nghĩa chữ nầy khi đề cập đến tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh. Ôn Như Hầu
không dùng chữ Mệnh mà dùng chữ phận bạc, và đặc biệt nói rõ hơn nữa
khi ghép phận bạc nầy như một thành tố của má đào:
Các nhà nghiên cứu về đề tài nầy thường đồng hóa Mệnh trong
câu hai với nội dung chữ định mệnh thường được hiểu chung chung là định
luật tất yếu, máy móc, theo nguyên tắc nhân quả áp dụng cho kiến thức của ta về
sự vật. Thực ra, quan niệm chung chung đó mâu thuẫn với chính cách đặt vấn đề của
Nguyễn Du. Nếu định mệnh tất yếu được nêu lên như một định luật mà con người am
tường được, khi A là Tài và B sẽ gặp tai họa (bạc mệnh), thì đâu là tấn
bi kịch làm con người khổ đau đến đứt ruột!
Khi nghiên cứu về nội dung chữ khổ theo quan niệm của các nền
văn minh cổ xưa, nhà tư tưởng Mircea Eliade đã cho thấy rằng "khổ
đau" có giá trị bi kịch và làm con người suy tư khi con người chới với
không biết căn nguyên từ đâu:
"Phút giây gây cấn của "khổ đau" được kết tạo
ngay khi nó xuất lộ; khổ đau chỉ dấy lên nỗi bất an khi căn do của nó còn chưa
thấu rõ" [3].
Mà nếu truy xa hơn nữa về sự tương quan tài - mệnh có
nguồn gốc là kiếp trước, được hiểu là một cuộc đời nào đó của chính nhân vật nầy
trong một vòng quay đi trước của vũ trụ, thì về phương diện hữu thể học, lối
quan niệm nhân quả mà con người vốn đã am tường lại đi trước cả sự kiện nầy. Hẳn
nhiên trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nhiều lần nói đến nợ kiếp
trước nầy, nhưng nợ nầy có được hiểu trong khuôn khổ nhận thức sự vật hay
không? Hay đây chỉ là một lối nói tượng trưng đưa ngôn ngữ diễn tả sự
vật vào ngôn ngữ diễn đạt nhân tính (Tây phương gọi là ý nghĩa hữu thể học). Chữ
"kiếp trước" theo nghĩa hữu thể học nầy trùng hợp với chữ thiên
mệnh, ở chương đầu sách Trung Dung, theo nghĩa Mệnh con người
làm người một cách tiên thiên bất chấp ý muốn và suy nghĩ của con người. Trong
phần Tổng luận, Nguyễn Du dùng lối văn hoàn toàn độc đáo, khi phát biểu:
"Trời kia đã bắt làm người có thân....
Đã mang lấy nghiệp vào thân" (ĐTTT, 3242-3249).
Như thế Mệnh không phải là kết quả của một diễn tiến
máy móc theo quan niệm nhân quả, hàm ngụ rằng toàn bộ vận hành nầy nằm trong một
định luật tất yếu của vũ trụ mà con người có thể tự sức mình am tường được.
Quan niệm chung chung về tất định thuyết nói trên khi đề cập
đến chữ mệnh dù có những tình tiết dị biệt, nhưng về mặt hữu thể học
lại tương ứng với quan niệm về định mệnh thuyết của Phái Khắc Kỷ
trong truyền thống Tây phương.
Theo trường phái nầy, con người nằm trong một vận hành của thế
giới được điều hành bởi Lý trí phổ quát, mà trí năng suy tư của triết nhân có
thể am tường được. Mọi sự xảy ra đều được điều hành hợp lý, khi vui cũng như
lúc khổ đau, nên con người khôn ngoan là đón nhân một cách bình thản, không ngạc
nhiên về bất cứ những gì xảy đến cho mình, vì mọi cái xảy ra đều là định mệnh.
Không thắc mắc, ngạc nhiên, nhưng vô cảm là thái độ tuyệt vời của con người am
tường định mệnh thuyết.
Nhưng, đối chiếu lại nỗi đau và những phản kháng nơi những
câu dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, ta không hề thấy dấu tích về
tâm tình nầy.
Người ta cũng nêu lên quan điểm nhân quả của nhà Phật.
Một điều chắc chắn là Đoạn-Trường Tân Thanh đã sử dụng
rất nhiều ngôn ngữ của truyền thống tư tưởng nầy; nhưng cách hiểu của Nguyễn Du
có những điều phải truy cứu thêm mới thấu đáo được vấn đề.
Nhân quả được nhà Phật nói đến nằm trong khuôn khổ của nhận
thức dấy lên từ Karma, tức là hành tạo nghiệp. Con đường nầy Tất Đạt
Đa đã chứng nghiệm ở giai đoạn đầu đi tìm đạo và ngài đã tìm cách diệt căn của qủa
khổ khi áp dụng phương thức khắc kỷ hàm ngụ rằng nhân là dục nơi
thân xác. Nhưng con đường suy luận nhân quả đó đưa đến bế tắc. Ngài đã ngộ tức
là gặp được ánh sáng của chân tính đến với ngài bằng một hướng khác. ở
giai đoạn giác ngộ nầy, vận hành nhân quả của Karma được ánh sáng làm
cho ngài ngộ mặc khải rằng tất cả vũ trụ quan nằm trong vòng vi của giả ảo đều
phát xuất từ dục; và dục tức là ước vọng con người tự làm nên mình với tài sức
của mình. Chấm dứt nhận thức về thực tại nhân sinh dựa vào nhân quả để đưa con
người vào chân trời tự do của chân tính siêu việt nơi đáy lòng con người đó là
cốt lõi của tư tưởng nhà Phật. ít nhất đó là tư tưỏng của Nguyễn Du khi kết luận
toàn bộ tác phẩm bằng cách nêu lên "Thiện căn ở tại lòng ta" (ĐTTT,
3251).
Như thế Kiều gắn liền với Mệnh, và cũng là bạc mệnh phải
được hiểu thế nào?
Nếu chữ Tài được hiểu như Đế Lai hiểu lầm phương Nam, để tìm
của cải vật chất nơi ấy theo ước mơ của riêng mình, hoặc như Âu Cơ vì quên Lạc
Long Quân mà quay tìm về phương Bắc của Đế Lai, nghĩa là nghiệp sai lầm căn
nguyên của con người tại thế, thì chữ Mệnh hay Mệnh bạc, phải được hiểu là
tự con đường đi đó đã hàm ngụ một sự chối từ phát xuất từ chân tính con người
(đối chiếu lời thơ trong Cung Oán ngâm khúc).
Trước hết chữ bạc hàm ngụ một sự đối xử tàn tệ, làm
mất đi niềm vui đang có. Nếu chữ Mệnh được hiểu như là chữ phận,
thì âm hưởng gợi lên là thân phận được xếp đặt sẵn rồi, như phận làm tôi, làm
con. Và chữ nầy ăn khớp với câu thơ ở phần Tổng luận "Trời kia đã bắt làm
người có thân" (ĐTTT, 3242).
Nói cách khác thân phận làm người tiên thiên hàm ngụ cuộc chiến
nầy và chính cuộc chiến ấy được Nguyễn Du gọi là nghiệp.
Đã mang lấy nghiệp vào thân (ĐTTT, 3249).
Nghiệp là lối nói của chữ "có thân" hay nhân tính
nhập thế. M. Heidegger dùng chữ thời tính để diễn tả nghiệp hay
chân tính của con người tại thế không chỉ được hiểu theo nhận định khách quan của
nhận thức thường nghiệm là bị giới hạn trong một thời gian và không gian nhất định.
Ý thức về giới hạn trong khuôn khổ của vũ trụ bên ngoài nhằm phân biệt vật nầy
với vật khác, tự nó không dấy lên một câu tra vấn nào về chân tính con người tại
thế. Hữu hạn tính chỉ đến với tư tưởng khi hàm ngụ (cảm nghiệm trước) siêu
việt tính của nhân tính con người. Nói cách khác, chỉ con người mang lấy
nghiệp mới cảm nghiệm được hữu hạn tính của mình, đồng thời với nỗi khổ đau
phát xuất từ hữu hạn tính đó.
Và đây là ngưỡng cửa để hiểu được chữ "khổ" trong
ngôn ngữ nhà Phật, cũng như khổ đau trong Kitô giáo. Nếu dùng ngôn ngữ Việt Nam
chúng ta, chúng ta có thể nói rằng các sinh vật có thể có cảm
giác đau nhưng chỉ có con người mới biết được khổ.
Tài và mệnh bạc trong một giới hạn văn chương
tượng trưng có thể chia ra hai cảnh vực một bên là hoàn cảnh vui tươi, tài sắc,
và hoàn cảnh thứ hai đi tiếp theo là hoàn cảnh bi thương, ngang trái. Nhưng văn
chương tượng trưng luôn sử dụng hình ảnh thế giới vật thể để gợi lên một cảnh vực
con người siêu việt, nên ta phải hiểu hai hoàn cảnh, hai thời gian trước
sau đó chỉ là hai đối lực tương tranh (Coincidentia oppositorum) trong nghiệp. Xem
ra như là nhân quả xét theo nhận thức về thế giới vật thể, nhưng kỳ thực nói
như Ôn Như Hầu "Phận bạc nằm trong má đào" rồi, Nguyễn Du cũng đã
minh nhiên nhận thức như thế:
Rằng: hay thì thiệt là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (ĐTTT, 489-490).
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai? (ĐTTT, 1247-1248)
Và trong Tài của Kiều đã hàm ngụ "Thiên bạc mệnh"
ở trong:
Tính đa sầu, đa cảm của Kiều, không dừng lại ở mức tâm lý của
một phụ nữ mới lớn lên, nhưng là cảm năng nhạy bén về nghiệp làm người bi
thảm, nghĩa là phải lao vào cuộc chiến mà tự sức mình không hiểu nguyên do:
Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoát nghe Kiều đã đầm đầm châu sa (ĐTTT, 81-82).
Thúy Vân dừng lại ở nhận thức thường nghiệm khách quan, nên
trước cảm năng nhạy bén của Kiều về thân phận con người, thì không hiểu gì hết,
và phát biểu:
Vân rằng: chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa! (ĐTTT, 106-107).
Cũng một lối cười nầy, Lão Tử đã viết trong Đạo-Đức-kinh:
Kẻ sĩ thật sự nghe Đạo,
Cố gắng thực hành;
Kẻ sĩ trung bình nghe Đạo,
Thoạt nhớ, thoạt quên;
Kẻ thấp nghe Đạo,
Vào thời hiện đại, M. Heidegger lại nói một cách khác, nhưng
cũng rất chõi tai:
Mệnh, như thế, không thể hiểu được trong khung của thuyết định
mệnh, được hiểu là một lý thuyết dựa vào nguyên tắc nhân quả ứng dụng cho nhận
thức các sự vật hiện hữu trong vũ trụ tự nhiên. Dù trí tưởng tượng của con người
có thể vẽ ra một kiếp trước hay kiếp sau, thì các dữ kiện đó của trí tưởng tượng
cũng đặt nền trên nhận thức về sự vật trong không gian - và thời gian bên ngoài
gắn liền với bản chất của nhận thức nầy. Hình ảnh tưởng tượng nói về thời gian
kiếp trước chỉ là một lối nói nhằm gợi lên chân trời ẩn dấu của một thực tại là
chính thân phận con người, thân phận của gánh nặng tự do: có thể nhớ nhưng có
thể quên. Nói đến kiếp trước cũng như lối nói về Đại-ký-ức, tức là một thực tại
ẩn dấu cũng còn gọi là "Tâm duy vi" xuất lộ cho cảm thức con người
như một tiếng vọng của một quá khứ thật xa vượt lên quá khứ của thời gian ta
nơi nhận thức thường nghiệm. Vì thế các nhà tư tưởng lớn của nhân loại thường
dùng lối nói thi ca để chỉ về nhận thức chân tính nơi thân phận con người là sự
quay trở lại (Phản phục trong lối nói của Lão, hồi đầu kiến ngạn: quay đầu thì
thấy bến, của nhà Phật...)
Tài là thân phận con người có thân bước ra với vũ trụ, đồng
thời khi mở ra thì lãng quên chính chân tính của mình. Nhưng tình trạng lãng
quên đó chưa phải là cảm thức về chữ mệnh. Mệnh hàm ngụ có lối cảnh tỉnh
dấy lên từ chân tính ẩn dấu, để con người ngộ được cái khổ khi
ý thức về sự bế tắc hay lạc lầm của Tài. Nên Mệnh bạc là lối
phát biểu về sự thất bại của lối mở ra, hàm ngụ sự quên lãng chân tính của con
người. Nhưng tự căn con người thấy đã mang thân làm người tại thế thì tất yếu
phải mở ra, không phải do tự ý mình nhưng do tự phận làm người có
thân mà thôi. Đó là cảm thức về sự phi lý, con người không biết còn dựa
vào đâu để trụ được, như chơi vơi giữa hố thẳm. Và mặc khải một số
tôn giáo cho rằng đấy là tội căn nguyên, hay nghiệp làm người.
Nhưng trong nỗi chới với, nỗi khổ nầy, siêu việt tính hé lộ
như một sự chối từ chữ Tài trong thân phận con người: tất cả thế giới tài kia
không phải là chân tính, tất cả không trừ một cái gì. Vì không một cái gì
dù được tôn vinh đến đâu có thể kết dệt nên chân tính con người cả. Chân tính
đó thuộc chân trời của ai và những ai, siêu việt lên tất cả những cái gì cộng lại.
Lý do đó cho ta thấy Kiều phải chết đi nghiệp cũ của Tài ở trước cửa nhà chân
tính (sông Tiền Đường), nhờ Duyên cứu vớt để mặc lại thân phận mới của Thiện
căn từ Đạo Tâm.
Mệnh bạc, nhưng trong cuộc chiến với cái vui của Tài, nó
là âm vọng khai mở tư tưởng hướng về một cõi chân thật của phận làm người. Một
loại khổ đau mang lại phúc lớn, như lời phát biểu của Nguyễn Du trong phần Tổng
luận của Đoạn Trường Tân Thanh:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa,
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" (ĐTTT,
3249-3252)
III.3- Cõi người ta là cuộc chiến Tài-Mệnh
Bố cục truyện kiều
Dựa vào nội dung của chủ đề tác phẩm là "Chữ tài và chữ
mệnh khéo là ghét nhau", hoặc là tra vấn về chân tính con người, ta có thể
chia truyện Kiều làm ba phần.
Phần đầu: Kiều trước khi gặp nạn (từ câu 9-568) : Phần mở đầu
phô diễn khung cảnh xuất lộ của Tài và âm hưởng của Mệnh dấy
lên từ Tâm của Kiều, tiên đoán một cuộc chiến cam go.
Phần hai: Kiều gặp nạn và cuộc sống lưu lạc xa quê của nàng
(từ câu 569-2602): Phần hai là cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, những phản ứng
của Kiều để tìm con đường giải thoát.
Phần ba: Kiều tự vẫn ở sông Tiền Đường và được Giác Duyên cứu
(từ câu 2603-3240): Phần ba gợi lên vấn đề cứu độ và cảnh giới của hy vọng.
Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị
em (ĐTTT, 128-129)
Hữu tình
Có thể tóm lược nội dung phần đầu của truyện Kiều trong
hai câu thơ trên.
Chúng ta sẽ thấy toàn bộ truyện Kiều có sự nhất quán về tư tưởng
khi xoay quanh vấn đề xung đột Tài - Mệnh tượng trưng cho tra vấn về
chân tính con người; nhưng so với những tác phẩm có tầm vóc ảnh hưởng trên văn
hoá nhân loại, đặc biệt là Trung hoa và Hy lạp (Chu Dịch, Kinh Thư, Đạo Đức
kinh, Tây Du ký, Oedipe làm vua, Prométhée bị trói...), truyện Kiều cũng như hầu
hết các tác phẩm văn học Việt Nam, kể cả bản văn lập quốc (câu truyện Họ Hồng
Bàng) có nét đặc thù là lấy Tình làm vùng đất nguyên sơ để truy cứu về
chân tính: tình trai gái vợ chồng, tình bè bạn, tình huynh đệ, tình con cái với
cha mẹ, tình con dân đối với quốc gia dân tộc, tình con người đối với trời
cao...Hy lạp và Trung hoa và ngay cả Ấn độ thường dùng vùng đất của nhận thức
lý trí để khai mở chân tính qua cảm thức cách biệt giữa trí năng hữu hạn và
chân tính vô hạn. Do đó qui kết của vấn đề thường cô đọng trong hai nội
dung Hữu và Vô, được nêu lên như nền tảng rốt ráo nhất của tư tưởng.
Tư tưởng Việt Nam, trong vùng đất được cống hiến để suy tư là tình, vấn đề
rốt ráo là gặp gỡ, hoà hay cô độc - lưu lạc - phân ly. Những
phương cách để chỉ về các mối tương giao cũng vì thế khác nhau: phẩm chất của
nhận thức được nêu lên là chủ quan hay khách quan, sai hay đúng, rõ ràng hay mù
mờ; phẩm chất của mối tương giao dựa vào Tình là vui hay buồn, hiền
hoà hay hung ác, buông xuôi thất vọng hay hy vọng, tin hay ngờ, đại độ hay vị kỷ
kiêu căng...
Vì thế, nếu chỉ lấy vùng đất cá biệt, lý hay tình,
gắn liền với những phương cách diễn tả khác nhau mà không lưu ý đến cốt lõi của
nội dung duy nhất của tư tưởng là tra vấn về chân tính thì dễ đi đến tình trạng
tranh cãi giữa hai người điếc, hoặc đưa lại những tổng hợp "đầu cua - tai ếch" (Synchrétisme
primaire), hoặc dấy lên những mặc cảm tự ti hoặc tự tôn thiếu căn cứ [6]. Về điểm nầy
M. Heidegger đã nhận định rất sâu sắc:
"Người tư tưởng không lệ thuộc một nhà tư tưởng nào,
nhưng nếu thực sự người đó tư tưởng, thì lại phải bám sát điều làm cho mình tư
tưởng, nghĩa là bám sát vào chân tính [7].
Vùng đất rối rắm của cõi người ta theo Nguyễn Du là chữ
Tình; trong phần đầu truyện Kiều cảm năng nầy được trình bày tuần tự theo cấp
năng động của nó gắn liền với nỗ lực đi tới của chữ Tài.
Bố cục phần đầu dựa vào tiến trình nầy có thể chia làm ba cảnh
vực:
Giai đoạn được xem là thụ động, hoàn cảnh bên ngoài được cống
hiến cho con người như một sự kiện khách quan của cảm thức thường nghiệm (từ
câu 9-38).
Giai đoạn thứ hai mô tả cuộc du xuân đồng thời với sự hé lộ mệnh
bạc qua cuộc "gặp gỡ giữa đường" (câu 93) với vong linh của Đạm
Tiên (từ câu 39-132). ở đây Tài được tượng trưng qua việc mở ra tìm vui trong
ngày hội; trước cái động đó của Tài có sự đáp trả cái động từ cảm thức nỗi buồn
ẩn kín.
- Giai
đoạn ba chữ Tình được minh nhiên nhắc đến trong thể động thật sự. Toàn bộ truyện
Kiều lấy tương quan với Kim Trọng là khuôn vàng thước ngọc (qua từ ngữ tượng trưng
rất gợi ý là Kim Trọng) để lồng chữ Tài vào vùng đất của Tình. [8]
Khi chữ Tình được minh nhiên thể hiện, thì cũng lúc
đó Đạm Tiên mạc khải:
Ví đem vào tập đoạn trường,
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai!
(ĐTTT câu 209-210).
Và bản đàn bạc mệnh được gảy lên diễn tả cô đọng tất cả toàn
bộ sinh hoạt của cuộc sống, như cuộc vật lộn giữa Tài và Mệnh, dấy lên một mâu
thuẫn nơi cảm xúc:
Rằng: hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế
nào" (các câu 389-340)
Cảnh giới êm đềm mặc ai
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai (các câu 37-38)
Trong phần Tổng luận Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du
không dùng chữ tất cả mọi vật thể trong vũ trụ, nhưng dùng chữ
"muôn sự" hàm ngụ "trong cõi người ta". Có gì khác biệt
trong hai lối nói nầy?
Ưu tư của tư tưởng truyền thống Tây phương đang ảnh hưởng
trên cuộc sống nhân loại hiện nay, là truy cứu nền tảng sự hiện hữu của mọi vật
trên trời dưới đất, để từ đó dẫn lối cho bước đường đi của nhân loại. Đó là câu
tra vấn căn đế môn học tối thượng của tư tưởng triết học gọi là hữu thể học.
Con người được gọi là linh ư vạn vật, vì nó có khả năng không những cảm nhận được
vấn đề hữu thể, mà còn giải quyết được vấn đề do hữu thể đặt ra.
Con người được định vị trong khung tư tưởng ưu tư hướng đến
việc lãnh hội nền tảng của sự vật có thể là con người hiểu biết bằng nhận thức
của lý trí (homo sapiens), con người chơi hay sở đắc tài vật, hưởng
thụ (homo ludens)hay con người lao tác, thể hiện nhân tính qua nỗ lực sản
xuất tài vật (homo faber). Và đó cũng chỉ là nhưng mẫu người
tiêu biểu được tôn vinh qua lịch sử văn hoá nhân loại. Tùy tiền kiến về bản chất
nền tảng căn nguyên của tất cả các sự vật, mà các mẫu người hay mẫu văn hoá nêu
trên áp dụng những phương thức thực hiện con đường đi của mình; nhưng điểm
chung của cách đặt vấn đề nền tảng nầy là xem nền tảng ấy như một cái gì nằm
bên ngoài, một hiện hữu kiên cố mà người ta thấy được một cách đơn giản tự
nhiên. Mô tả buổi bình minh của nền tư tưởng nầy Gérard Granel nói ví von rằng:
"Buổi sáng (buổi đầu) của tư tưởng là tư tưởng
của một buổi sáng khởi đầu, nghĩa là của buổi xuất hiện của một thế giới đang
tràn ngập ánh sáng, nhưng cũng là buổi mà (thật sự) chưa có mặt trời" [9].
Ngay từ buổi sáng khởi đầu của truyền thống hữu thể học Tây
phương, người ta, đặc biệt là Parménide, đã nói đến Hữu và Vô căn
nguyên một cách hoan hỉ tự nhiên như một vật gì đã ở trong bàn tay của mình. Và
từ cái tự nhiên di nhiên đó, mỗi vật nương tựa vào để vững chải đứng trong bản
tính cố định, một chỗ dành riêng cho mình. Tư tưởng là nhận ra bản tính của mỗi
vật "tự tại" nầy và phát biểu cho tương hợp với đối vật của nhận thức.
Và có được sự tương hợp toàn vẹn thì gọi mà một nhận thức khách quan. Nhận thức
nầy như thế hàm ngụ rằng Chân tính là cái gì đã xuất lộ toàn vẹn như ánh mặt trời
đã mọc vào buổi trưa bung ra toàn lực ánh sáng của mình, không có gì còn che dấu;
và mặt khác khả năng tiếp nhận và phát biểu của con người cũng vô tận, thu thái
và truyền đạt được hết bản tính của tất cả mọi sự vật trước mắt. Nên tiêu chuẩn
nhận ra chân tính của sự vật kỳ cùng được xem là sự hiện hữu trong mỗi dự tính
không những bằng nhận thức mà bằng việc cải biến sự vật theo ước muốn và sự hiểu
biết của mình. Đến mức độ nầy, tư tưởng được đồng hoá với kiến thức khoa học mà
ta thường hiểu ngày nay.
Tóm lại, khung cảnh của truyền thống tư tưởng nầy là toàn thể
những cái gì khách quan bên ngoài bức tường của thân phận con người, vô tâm, vô
cảm: mặc ai.
Triết lý, tư tưởng bấy giờ được hiểu là một lý thuyết, có giá
trị nhiều hay ít khi có thể đem ra áp dụng để thực hiện một cái gì, từ
việc xếp đặt trật tự xã hội, bảo vệ sức khoẻ đến nghiên cứu thiên văn, vật lý,
biến chế thực phẩm...Nhưng khi quay lại về buổi sáng của lối tư tưởng nầy,
buổi sáng khởi đầu và xây nền cho tiến trình diễn tiến lịch sử nhân loại đến hôm
nay, thời huy hoàng của tư tưởng khoa học được đồng hoá với nhận thức khách
quan ấy, M. Heidegger đã nhận định:
Điều đáng làm ta suy nghĩ hơn cả trong thời đại chúng ta, thời
đại cống hiến cho chúng ta để suy tư là chúng ta chưa từng tư tưởng [10].
Chúng ta hôm nay, con người chịu ảnh hưởng của lối truyền thống
tư tưởng siêu hình học Tây phương, chưa từng tư tưởng, không phải vì vùng đất
ta chọn để khởi phát suy tư là lý hay tình, nhưng chính chúng ta chưa từng tra
vấn về chân tính gắn liền với thân phận tại thế của chúng ta. Nếu phải dùng lại
lối nói của M. Heidegger chúng ta phải nói:
Vì mặt trời chưa lộ, mà thân phận tại thế lại khát khao ánh
sáng, nên cái chưa đó (le pas encore) gắn liền với thời tính hay kiếp
làm người của mọi thời đại thực sự mới là điều đáng làm ta suy tư.
Không phải thời đại chúng ta, thời đại minh nhiên tiếp theo
Nietzsche, bạo gan dám tôn vinh chủ nghĩa hư vô, hay xua đuổi thần thánh, là
nguy cơ cực điểm làm ta suy tư; nhưng điều đáng suy tư hơn nữa là từ thời vàng
son gọi là đạo nghĩa truyền thống, đã dựa trên nền tảng hữu thể học nầy để tư
duy về con người, vũ trụ và thần thánh, liệu vùng trời của những cái gì
đó đã có con người và thần thánh cư ngụ chưa! Hữu Thể Tối Thượng trong
siêu hình học của các triết gia cô đơn và bất động, có gì gần gũi với mặc khải
Kitô giáo về Thiên Chúa là tình yêu, Đấng đã ban chính con một mình làm người,
để cứu con người vì yêu thương hay không? Cũng trong thắc mắc có tính cách lịch
sử nầy, thử hỏi: liệu có thể đồng hoá nhà hữu thể học với một thánh nhân, hoặc
truyền thống siêu hình học Tây phương với truyền thống tư tưởng Kitô giáo hay
không?
Thánh Augustinô đã từng dùng hai thành ngữ để nói đến hai đối
lực tương tranh trong cõi người ta: một bên là"concupiscentia
oculorum" và bên kia là "Cor nostrum
inquietum". Dục của con mắt gợi lên con mắt mở rộng ra ham muốn
thấy cho hết mọi vật xuất lộ ra trước mắt, và đối lực kia là Tâm ẩn
kín bất an đang khát khao một nơi cư ngụ thật cho con người. Nơi cư ngụ
đó chưa phải bây giờ và ở đây.
Bây giờ và ở đây là thực tại ập đến với con người. Nhưng
do đâu thực tại bây đây đi vào tương quan với chân tính con người?
Ngay từ bước khởi đầu, để diễn tả thực trạng bên ngoài, Nguyễn
Du cũng không nói đến vũ trụ của thiên nhiên sỏi đá, cỏ cây...nhưng tác giả đi
ngay vào cõi người ta. Mới đọc qua mấy vần thơ dẫn nhập của thân bài là truyện
Kiều:
Rằng: Năm gia tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững
vàng (câu 9-10).
ta tưởng như đọc những trang sách mô tả cảnh hòa bình, hồn
nhiên vô tội của thời ấu thơ nơi J. J. Rousseau, từng gây ảnh hưởng trên tư tưởng
nhân bản triết học ngày nay.
Xã hội an bình, gia đình trai gái đầy đủ, có tài có sắc...hình
ảnh tượng trưng của một thiên đàng trần thế theo tâm thức của người trong truyện.
Ở đây Nguyễn Du không dùng lối diễn tả trực tiếp để minh định ngay từ đầu cốt
lõi nội dung của chủ đề như Ôn Như Hầu:
Thảo nào khi mới chôn nhau
nhưng tuần tự mô tả diễn tiến của tư tưởng. Hình ảnh an bình
bên ngoài nầy khác với thuở vàng son của J. J. Rousseau. J. J. Rousseau mô tả sự
kiện thủa ấu thơ như mẫu mực khách quan của xã hội con người. Theo Rousseau, bước
đi xã hội tương lai sẽ phải lấy mẫu mực khách quan thời thơ ấu nầy để đối chiếu
và điều chỉnh.
Đạo Đức kinh và ngay trong Tân ước cũng nói đến việc
"hoàn đồng", trở thành như bé thơ; nhưng trong cả hai tác phẩm sau nầy, hoàn
đồng chỉ là lối nói tượng trưng về tâm tình vô chấp và tin tưởng, phó
thác vào chân tính.
Nơi Nguyễn Du, tình trạng an bình nầy lại mang một đặc điểm
khác nữa. Nó nằm trong tiến trình của tư tưởng hướng về chân tính. Thực tại bên
ngoài, ở đây được gợi lên như một cảnh "thanh bình" dựa trên một hình
ảnh xã hội tối ưu; nhưng trong sự thật gọi là khách quan, dù có chiến tranh,
tai ương hay gì đi nữa, thì tự nó cũng "thanh bình" theo nghĩa
là chưa đi vào cái khổ thật của nhân tính. Trong câu truyện về
cuộc đời của Tất Đạt Đa, giai đoạn đầu lúc Ngài còn là hoàng tử trong cung ăn
khớp với hoàn cảnh thực tại bên ngoài của Kiều. Và trong câu truyện của Thánh
kinh Cựu ước, khi Abram lắng nghe được lời trên cao để lìa quê và sống cuộc đời
xa xứ, ta biết rằng trước đó ông ta đang "an bình" trong quê cũ của
mình; sau nầy ông sẽ chấp nhận thân phận bất an của kẻ xa quê hương (xem Sáng
thế 12,1). Nhưng "an bình" theo nghĩa nầy không có nghĩa là một cảnh
thiên đàng trần thế theo nghĩa khách quan.
Khác biệt thứ hai khi đối chiếu với cảnh "an bình"
khách quan của J. J. Rousseau, là trong hoàn cảnh bên ngoài được xem là tốt đẹp
đó, từ bên trong đã (một âm vang của "Mệnh"), âm vang làm rối loạn
trật tự "an bình" cũ, Nguyễn Du gọi là:
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân (câu 34).
Tư tưởng khác với nhận thức khách quan ở điểm chính yếu nầy.
"Cái vui hiểu biết" khách quan (tựa đề một tác phẩm của Nietzsche) tự
nó không phải là tư tưởng, nó là sự mở ra với sự vật và dừng lại ở thế giới sự
vật. Tư tưởng thật sự gắn liền với tra vấn về chân tính con người phát xuất từ
giây phút lắng nghe được một âm vang "não nhân" nằm trong thế giới
bên ngoài đến với con người, hoặc đúng hơn là xuyên qua thế giới bên ngoài nầy.
Chính "âm vang" nầy một mặt là sức mạnh đưa con người ra khỏi
"hoàng cung an bình cũ", mặt khác lại mở ra nhận thức về "cõi
người ta", tách rời hay siêu việt lên thế giới "cái gì". Nhưng
chữ Tài và chữ Mệnh ở đọan văn nầy được nêu lên ở thế thụ động như một tiềm
năng mà thôi. Danh từ chuyên môn triết học gọi là khả tính của phận
làm người tại thế.
Nên, thế giới của "muôn sự" trong cõi người ta luôn
gợi lên ưu tư về nơi cư ngụ của nhân tính; ưu tư đó khác với thái độ dửng dưng,
khách quan trong trật tự của nhận thức các đối vật, thế giới của những cái gì.
Chú thích:
Chú thích:
[1] Rút từ câu trích của N. Berdiaeff, trong L'esprit de
Dostoievski, tr. 67.
tr. 114.
[4] Đạo Đức Kinh, XLI.A. Thưng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn
đạo nhược tồn nhược vong; hạ sĩ van Đạo, đại tiếu chi,
[5] M. Heidegger, Qu'appelle-t-on penser? bản dịch của A. Becker
và G. Granel, PUF, Paris 4 e éd., 1983, tr. 72.
[6] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn Hiến nền tảng của minh triết, Định
Hướng Tùng thư xb, Reichstett, 1996, chương VIII Tinh thần kiểm thảo cô chấp
và tinh thần khai phóng của minh triết, tr. 199-209.
[8] Lối nói tượng trưng về tương quan giữa con người tại thế và chân
tính siêu việt của mình như thế (ĐTTT từ câu 133-568) cũng được dùng trong truyện
Hồng Bàng Thị (mối tình Âu Cơ - Lạc Long Quân hay mối tình oan nghiệt giữa nàng
và Đế Lai) hay trong bản văn Thánh kinh Cựu ước mang tên Diễm tình ca.
Tác động của chữ Tài và chữ Mệnh từ thân phận làm người của
Kiều
Đoạn văn kế tiếp mô tả hai sự kiện: ngày hội Đạp Thanh và cuộc
gặp gỡ giữa Kiều và Đạm Tiên.
Tác giả vận dụng kỷ thuật văn chương để diễn tả hai khung cảnh
có thời gian - không gian bên ngoài khác nhau:
Ngày hội là cảnh ngày gắn liền với ánh sáng rực rỡ của Mặt trời.
Không gian là sân khấu của các niềm vui chung đụng, dù có cảnh buồn của lễ Tảo mộ,
dù có "thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay". Ở cảnh
ngày nầy có sự tập họp của nhiều thành tố, thiên nhiên, đoàn lũ, vật dụng như
ngựa xe...xa gần, sống chết..., nhưng trong giòng nước dập dìu, nô nức đó không
thấy ai gặp ai (từ câu 39-50).
Thế giới gặp gỡ có thời gian tượng trưng là buổi
tàn của ngày "chiều chiều bóng ngã về Tây". Không gian là con đường về
nhỏ hẹp "ngọn tiểu khê..., nhịp cầu nho nhỏ..., nấm mồ, ngọn cỏ" với
những nét riêng biệt của mỗi vật thể. Không gian của con người không phải là sự
chung đụng, tập họp, nhưng mỗi người như cách biệt nhau: "chị em thơ thẩn
dan tay ra về". Giới hạn hay khoảng cách không gian của sự vật lại đi
kèm với cảm xúc về một sự gần giũi ẩn kín của một ai. Trong cảnh nao nao,
buồn đó (Mà sao hương khói vắng tanh thế mà! - câu 59) có những
sự hé lộ đáng lưu ý:
Cảm thức buồn của Kiều và sự vô tâm của Thúy Vân:
Lòng đâu sẵn mối thương
tâm (câu 81)
Vân rằng: chị cũng nực cười (câu
105).
Kiều mở ra với nỗi khổ chung của mọi người và của thân phận thâm
sâu của con người.
Đau đớn thay , phận đàn
bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời
chung
(câu 83-84).
Rằng hồng nhan tự
nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai
đâu
(câu 107-108)
Con người gặp con người, mở ra tình "chị em":
Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển, mới là chị em (câu
127-128)
Toàn bộ tiểu đoạn nầy bắt đầu từ câu 51 và kết thúc ở câu
132.
Cả hai thế giới, tuy được diễn tả qua những hình ảnh khác
nhau, lồng vào khoảng thời gian khác nhau, nhưng chúng tượng trưng cho những đối
lực Tài - Mệnh của một ngày của nghiệp làm người. Sự kiện trùng
hợp giữa các đối lực (coincidentia oppositorum) xuất hiện trong thắc
mắc của Kiều:
Rằng: "Sao trong tiết Thanh minh
Mà sao hương khói vắng tanh thế mà? (câu 59-60).
Nếu đoạn đầu (từ câu 9-38), cuộc tương tranh giữa tài và mệnh
được diễn tả trong khả tính của thân phận con người, thì ở đoạn nầy phác họa một
"cõi người ta toàn diện" với tượng trưng có tính cách phổ quát và rốt
ráo. Mấy chữ cuối của câu thơ cuối đoạn: "bài cổ thi", có
giá trị như một lời sấm phát xuất chân tính mặc khải hết về thân phận con người
tại thế: "Gốc cây, lại vạch một bài cổ thi".
Như thế, nội dung chữ Tài được diễn tả ở đây là những
nội dung nào?
Đạp bằng được mọi khoảng cách gọi là tự nhiên, như thiên
nhiên đối với con người, con người với nhau, con người với vật dụng, cõi chết
và cõi sống..., Tài là một khả năng tổng hợp để tạo một thế giới với
những đặc điểm:
Tổng hợp tất cả các đối vật thành một tất cả, tính
theo lượng số.
Mọi sự vật đã được bao bọc ổn cố trong ánh nắng của ban ngày.
Mặt trời như đã xuất lộ từ hồi nào, một sự kiện hiển nhiên, không cần được ý thức
và nhắc đến như một thắc mắc phải tra vấn.
Song song với tổng hợp thành một thực thể đồng nhất nầy, mọi
sự vật đều được tập trung, trừ cảm thức về thân phận con người. Hoặc nói theo
ngôn ngữ triết học hiện đại đây là thế giới đã được khách thể hoá thành đối vật (monde
objectivé). Và Tài có thể gọi là tiến trình đối vật hoá vũ trụ (l'objectivation
du monde).
Và chữ Mệnh ở đây được diễn tả qua những nội dung
nào?
Mệnh xuất hiện trước hết như cảm thức về sự xa cách
và giới hạn:
Mặt trời được nhắc đến. Hình ảnh tượng trưng ở đây không phải
là cảnh bình minh, con người chờ tiếp nhận ánh sáng, dù mặt trời chưa mọc và
đang chờ đón mặt trời. Nhưng mặt trời đã ngã về Tây, cũng trong nội
dung của hình ảnh tượng trưng trên, nghĩa là mặt trời đã khuất, chỉ còn lại ánh
dọi của nó. Nhưng đặc điểm của lối nói nầy như hàm ngụ sự vắng bóng mặt trờilại
có phần lỗi của người ở trong. Lỗi theo nghĩa "tội nguyên tổ" hay
"tiền khiên" trong nội dung: Kiếp trần, biết dũ bao giờ cho xong?
(câu 2930). Lỗi được qui cho kiếp trần vì mặc lấy khả tính lầm lạc. Dostoievski
gọi đó là gánh oan nghiệt của tự do. Nhưng nhận thức buổi chiều tà, đúng là trực
giác nguy cơ về sự xa cách, ly biệt với Mặt Trời (hay Chân tính), hoặc nói theo
lối nói của Heidegger là sự "rút lui của Chân tính" ngay khi Chân
tính hé lộ ra trong hiện sinh; sự rút lui, ẩn dấu, khước từ hay siêu việt lại
là lời nói nguyên sơ của Chân tính nhắc nhở con người quay lại với thân phận
chân thực của mình.
Từ trực giác xa cách với Chân tính, con người nhận ra hữu
hạn tính với năng lực riêng của nó. Nó từ chối thế giới an bình, ổn cố, tự
nhiên - di nhiên cũ, cũng như cả sức tổng hợp để quán xuyến tất cả, vô biên giới
của chữ Tài, để thấy sự cách biệt trong các mối tương giao: người với đất, người
với người.
Chị em thơ thẩn dan tay ra về (câu 52).
Nao nao dòng nước uốn quanh....
Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng nửa
xanh (các câu 55, 57-58).
Nhưng chính cảm thức hữu hạn đó cũng cống hiến nhận thức tính
cá biệt của mỗi vật, mỗi người, đặc biệt là mở ra chân trời của thế giới người
mà chân tính của nó ẩn dấu đằng sau "hồng nhan", nghĩa là hình hài
bên ngoài như một sinh vật trong thiên nhiên mà thôi.
Nguyễn Du đã dùng hình ảnh văn chương của một kẻ đã chết, (Đạm
Tiên) lại là một phụ nữ, để gợi lên cái gì vượt lên khả năng của "dục vọng
con mắt" hay khả năng nhận thức sự vật; Đạm Tiên ấy là tượng trưng cho
Chân tính siêu việt của con người tại thế.
Khổ cứu độ
Khổ, đau, buồn là những từ ngữ được lặp đi lặp lại trong tiểu
đoạn nầy. Vượt lên trên cảm giác có tính cách tâm lý được dùng như là những
hình ảnh văn chương, Khổ là một lối nói cô động về cảm thức thân phận
con người trần thế nhằm diễn tả sâu sắc, cắn vào da thịt hay toàn bộ cuộc sống.
Cảm nhận được các tương quan mở ra như là những chiều kích kết dệt nên nhà của
nhân tính, nhưng đồng thời cũng cảm nhận hữu hạn tính của phận mình; hữu hạn vì
đang xa cách, đồng thời có thể mãi làm cho xa cách. Làm sao có thể đạp đổ cái
khung hữu hạn tính gắn liền với phận mình! Một vòng quay phi lý và bế tắc! Đó
là nội dung cô động của "khổ" trong truyện Kiều, trùng hợp với chữ
"khổ" trong nhà Phật hay "khổ nạn" của Kitô giáo.
Vấn đề đặt ra ở đây là ý thức hay trực giác về khổ, tự
nó có phải là phương thuốc rốt ráo để giải phóng con người một cách dứt
khoát, tân tạo hay tái lập những tương quan Đất - Trời - Người chân thực hay
không? Trước hết chữ Tự mình hàm ngụ rằng con người là một thực thể
cô độc, hay "ngã chấp", vật thể không tương quan đó chỉ nằm trong
ngôn ngữ của chữ Tài và thế giới của nó. Trực giác về chân trời của
"cõi người ta" gắn liền với việc thiết định chân tính như
những tương quan. Nên tự giải phóng, dù quan niệm như một cố gắng tìm tự do cá
nhân, hay hạnh phúc tập thể, ngay cả cho toàn nhân loại, dựa trên chính việc
làm "tự mình" của cá nhân hay tập thể như thế, đều mâu thuẫn với yêu
sách của nội dung chữ khổ, mà con người cảm nhận và muốn thoát ra. Lịch
sử nhân loại với những bước tiến về văn minh và kỹ thuật, cũng như những giải
pháp canh tân xã hội đã chứng thực rằng hoàn cảnh sống của con người thoải mái
và tiến bộ hơn. Nhưng trong bản văn nầy của Đoạn Trường Tân Thanh, tình trạng
con người nhắc đến để thực hiện một mẫu mực xã hội tốt đẹp theo "ý mình",
cảnh vực thiên đàng trần thế bên ngoài đó, một mặt, tự nó, không có gì làm
cho con người vui hay buồn, vì chưa đi vào cảnh vực của lời tra vấn về chân
tính như các mối tương quan. Mặt khác, nếu nó đi vào lời tra vấn của Chân tính,
nghĩa là hàm ngụ sự đánh giá về sức cố gắng của con người để hoàn thành nhân
tính mình như những tương quan, thì bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cũng gắn liền
với câu chất vấn ngược lại của mệnh, và nỗi khổ bấy giờ lại xuất hiện: nỗi
khổ nầy không tha cho kẻ giàu hay người nghèo, thông minh hay ngu dốt, lành mạnh
hay bệnh tật, lạc hậu hay tân tiến...
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (câu 489-490).
Còn ngậm đắng nuốt cay, vì không ai, không thời nào con người tự
mình gỡ được cho mình thân phận làm người tại thế gắn liền với nỗi khổ nầy
cả!
Nhưng điều làm ta ngạc nhiên là, trong Đoạn Trường Tân
Thanh, và ngay đoạn nầy, dường như có mở ra một ngưỡng cửa về sự giải thoát hay
đúng hơn là duyên cứu độ. Và điểm nầy là dấu quan trọng nhất để nhận
ra sự khác biệt căn cơ giữa các nền nhân bản thuyết, thường được hiểu và được
phổ biến hiện nay khi nhắc đến chữ nầy, và lối tra vấn về Chân tính của con người
tại thế trong tư tưởng của Nguyễn Du.
Sự giải thoát hay chính từ ngữ đó, cũng rất hiếm hoi trong
ngôn ngữ truyền thống triết học Tây phương. Gần đây và chỉ rất gần đây, đặc biệt
sau triết học của Hegel, triết gia đã dùng những hứng khởi từ Kitô giáo để
đưa ý niệm nầy vào trong tư tưởng triết học, đồng thời chuyển đổi nội dung chữ
cứu độ thành tự cứu thoát hay giải phóng. Phong trào nhân bản dấn thân tiếp
theo Hegel và Karl Marx lại phổ biến rộng rãi ý tưởng đó trong sinh hoạt xã hội
và chính trị.
Văn hoá Trung hoa, đặc biệt Khổng hay Lão, ngay cả các Kinh
như Kinh Dịch, Kinh Thư mô tả rất rõ sự xa cách giữa Chí Thiện, Đạo với thực trạng
của nhân sinh. Nhưng lạ thay để lấp trống khoảng cách nầy thì vấn đề nêu lên
khá đơn giản:
Sách Trung Dung nói rằng:
Trên không oán trời, dưới không trách người. Nên người quân tử
sống bình dị để theo Mệnh. Còn tiểu nhân làm liều để cầu may. [1]
Theo Mệnh và Mệnh là Thiên mệnh, một cái gì vượt trên sức con
người, xem ra như chữ nói đến việc vươn tới, mà không lý đến việc có đạt được
hay không.
Còn Đạo Đức kinh thì viết:
Đồng với Đạo, thì Đạo vui mà nhận..
Cả hai Nho cũng như Lão có gợi lên sự xa cách do tự nơi hành
vi của con người và lạc quan về con đường đi đến hoặc trở về với Đạo. Ít nhất
nơi tư tưởng Trung hoa Nho - Lão đã bỏ sót bên lề thân phận Nữ Oa đội đá vá trời
một cách tuyệt vọng!
Phần Nguyễn Du trong câu kết dùng lại rất nhiều những từ ngữ
của nhà Nho như "trách Trời gần, trời xa, thiện căn, Tâm, Mệnh",
nhưng qua câu truyện Kiều, với nội dung Mệnh gắn liền với khổ lại
gần với tư tưởng bi kịch về thân phận con người của bi kịch Hy lạp, tư tưởng
nhà Phật và Kitô giáo hơn.
Trong bi kịch Hy lạp, đặc biệt trong bản văn Oedipe làm
vua của Sophocle, khổ gắn liền với thân phận làm người khi
Oedipe thấy thế giới của tài trí đã cắt đứt tương quan với Cha Trời, đã buộc Mẹ
Đất phải thắt cổ tự vẫn vì tội vô luân do con người mang lại. Con đường đi lui
không còn, và tới cũng không tìm ra một sinh lộ nào. Khổ chỉ mở ra được
Chân tính của thực tại con người tại thế như một bế tắc, hàm ngụ một lời kêu cầu.
Nhưng dù sao nhận thức được chân tính của thân phận con nguời tại thế tại thế
như một kẻ mù (Oedipe đâm mù hai mắt tượng trưng cho ý thức về sự giả ảo của
Tài) và là một kẻ lưu lạc (Oedipe tự đày đi biệt xứ).
Nơi nhà Phật mà Nguyễn Du múc lấy nhiều hứng khởi, thì có hai
nội dung chính về con đường giải thoát liên quan đến khổ. Nhận rõ thân phận con
người tại thế là khổ cũng đã đồng nghĩa với giải thoát. Câu đó nghĩa
là gì? Dục, Ngã, thế giới của Karma hay Tài có tương liên với
nhau và cùng ở trong một trật tự, trật tự của mê lầm. Nhận thức được khổ hàm
ngụ hai điều: ngộ hay gặp Chân tính không thể diễn tả, đồng thời là bước
qua hay chết đi cảnh vực cũ trong đó là Dục và Ngã. Làm sao ngộ được Chân tính,
nhà Phật dùng chữ Duyên, được Nguyễn Du lặp lại nguyên tự trong hình ảnh tượng
trưng là Giác Duyên.. Một biến cố bất ngờ xảy đến, không do tự tính toán hay
tài sức con người. Sự giải thoát như duyên đưa vượt qua một cảnh giới
mới, nên còn gọi là cứu độ. Trong Kitô giáo, bất cứ trang nào của Thánh kinh
cũng đều qui về nỗi khổ của con người và sự cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng duyên
trong nhà Phật ở đây lại là tình thương của Thiên Chúa hiện thân trong cơn đau
khổ cùng tột của Con Ngài là Đức Kitô. Con Người Kitô đó đã thể hiện nỗi khổ là
chết mình đi và được đưa vào bờ bến của sự sống lại.
Sức mạnh cứu độ trong Kitô giáo phát xuất từ tình yêu của
Thiên Chúa, nhưng tình yêu đó cứu độ khi có sự chết đi để được đưa vào sự sống
chân thật.[3]
Trong ý nghĩa của chữ khổ là nghiệp con người tại
thế, Đạm Tiên là chân tính ẩn dấu sẽ lên tiếng mời gọi con người:
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em (câu 128-129).
Chữ hữu tình ở đoạn gặp Đạm Tiên nầy, hàm ngụ trong
cảnh "khổ" như trên đã trình bày. Đạm Tiên tượng trưng cho lời ẩn kín
vừa phủ nhận thế giới bên ngoài, vui, thiếu bóng con người, vừa giúp Kiều bước
vào thế giới của "khổ" hướng kề chân tính. Tiềm năng trong tiếng đàn
bạc mệnh nay linh hoạt, giúp Kiều nhận ra lời ẩn kín. Kiều như vượt qua một thế
giới cũ đi vào cảnh vực bên kia, nên có câu: « Chớ nề u hiền ».
Chính cái bất ngờ hầu như phi lý của câu truyện là gặp gỡ người từ cõi bên kia,
mà tình theo nghiã nầy mới linh hoạt và mở ra được tương giao thật: Ta
lại gặp ta.
Hẳn nhiên, theo nghĩa đen là Kiều gặp Đạm Tiên, nhưng hai chữ ta nầy
còn mang nhiều âm hưởng nữa:
Tôi tìm lại được Chân tính của tôi
Tôi gặp được người khác, nhưng cùng nhân tính như tôi, từ đó
có thể nhận ra và gọi người đối diện tôi là chị em - nên có chữ chúng ta.
Nhưng cũng như câu truyện Lạc Long Quân đã cho Âu Cơ đồng
sàng để hoàn thành nhân tính siêu việt, ở đây câu truyện cũng nhuốm màu huyền
thoại, gợi, lên một niềm tin hay hy vọng soi sáng cho những bước đường còn đầy
nguy cơ của thân phận con người tại thế (còn gọi là cứu cánh tính của con người)
vào thời chung mãn.
Tính và Tình
Câu tuyệt diệu
Trong đoạn trước, chữ hữu tình là sức mạnh phát ra
từ Kiều, tương ứng với sức mạnh nơi Đạm Tiên. Tình đó cũng là Đức tức
là sức mạnh của Đạo, nối con người với Đạo, và cũng nối kết
con người lại với nhau. Sức mạnh đó tự nhiên, không phải theo nghĩa tự nhiên -
siêu nhiên trong lối nói của tư tưởng truyền thống Tây phương, nhưng vốn gắn liền
với thân phận con người trong tại thế (xem câu 3249 - Đã mang lấy nghiệp
vào thân).
Ở trong đoạn nầy hai chữ hữu tình lại là nằm trong
một câu thơ làm nền giải thích thế giới của Kim Trọng trong tương quan Thuý Kiều.
Hình ảnh người đã khuất và kẻ còn sống trước mặt gợi lên hai cảnh vực về
sự xuất lộ ra của Chân tính và sự rút lui của Chân tính, theo lối diễn tả của
Heidegger, hay cả của Đạo Đức Kinh. Sức mạnh nầy cũng là Đức của Đạo,
một sức mạnh tự nhiên làm nên thân phận con người tại thế. Vì sức mạnh tự nhiên
nầy, mà câu thơ kế tiếp nói rõ: "Đố ai gỡ rối tơ mành cho xong!".
Nhưng toàn diện thân phận con người tại thế, hay Chân tính của nó trong phận tại
thế không phải chỉ là sức mạnh nầy hay sức mạnh kia, nhưng là cuộc
chiến giữa đôi bên. Pascal đã từng nhận xét: "Ai làm thiên thần, thì cũng
làm con vật" nhằm gợi lên trực giác về cuộc chiến nầy.
Đoạn văn nầy (một đoạn văn tiêu biểu về tài năng văn chương của
Nguyễn Du, và có thể nói là tinh hoa của cái đẹp trong ngôn ngữ và thi ca Việt
Nam), thường được nghiên cứu với chủ đề "Mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều"
như một cuộc tình đôi lứa đi kèm với những tranh luận về vấn đề luân lý gia
đình và xã hội.
Trong lối văn tượng trưng mà ưu tư chính là gợi lên thắc
mắc về thân phận con người tại thế một cách rốt ráo, chúng ta thấy các nhà tư tưởng
thường không có chủ tâm đi vào vấn đề luân lý, nhận thức khoa học, chẳng hạn
như Kiều tự vẫn, đã đêm khuya lại quay trở lại tìm Kim Trọng (Đoạn Trường Tân
Thanh), Lạc Long Quân dành vợ của Đế Lai (Họ Hồng Bàng), Công chúa Tiên Dung
cãi lại lệnh cha và vua (Đầm Nhất Dạ), An Tiêm vô ơn, nghịch lại với vua (chuyện
Dưa Hấu)...
Chủ đề cuộc chiến Tài - Mệnh vẫn là chủ đề của đoạn
nầy, và hơn thế nữa chủ đề đó được nêu lên qua những tượng trưng phản ảnh những
hoàn cảnh tinh tế nhất.
Chủ đề đó được diễn tả ở đây bằng sự tương phản trong những mẫu
người, để đi đến một nhận định có tính cách hệ thống rất cô động:
Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
(= nói đến Đạm Tiên)
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
(= Kim Trọng)
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
(= Kinh nghiệm về cuộc chiến nội tâm)
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong Tính Tình (179-184).
(Phát biểu về chân tính con người tại thế)
Nếu có thể nói đến hệ thống tư tưởng của Nguyễn Du, sáu câu
thơ nầy là bản tóm lược.
Dùng lại chữ của Nguyễn Du, ta thấy tinh hoa của Đoạn
Trường Tân Thanh là sự tra vấn về "Tính-Tình" qua kinh nghiệm của
cuộc chiến Tài - Mệnh tạo nên trăm mối nơi Tâm con người.
Lão Tử gọi Đạo và Đức, sách Trung Dung gọi
là Tính và Đạo, còn Nguyễn Du gọi Tính và Tình.
Cũng một nội dung ấy, nhưng kinh nghiệm và cách diễn tả khác nhau tạo thành những
truyền thống văn hoá khác nhau. Cũng có thể gượng ứng dụng ngôn ngữ triết học
truyền thống Tây phương để nói Tính là Hữu thể (l'Être) và Tình là sự
xuất lộ của Tính trong trần thế (L'Existence). Gượng nói vì đây là
hai cách thế để diễn đạt chân tính về con người, nhưng cũng chỉ là chân tính của
con người ấy. Nhưng điểm gay cấn ở chỗ nầy, mà một cách nào đó Nguyễn Du cho đấy
là tuyệt diệu, ngôn ngữ tôn giáo gọi là kỳ bí, mầu nhiệm, đó là: Tại sao
trong thân phận con người tại thế, Tình lại có thể xa Tính,
mặc dù tại thế là sự xuất hiện của Tính qua sức mạnh của nó là Tình? Tại
sao có sự xa cách nầy để có cuộc chiến giữa Tài và Mệnh và
có con đường cứu độ? "Có thể" đó là căn của "khổ". Nguyễn
Du cũng như các truyền thống văn hoá nhân loại cổ xưa không dùng chữ có thể là tự
do theo nghĩa làm theo điều mình muốn, như quan niệm tự do trong thời Tân
kỳ. Nhưng có thể nầy được diễn tả rõ rệt trong mỗi đoạn của tác phẩm Đoạn
Trường Tân Thanh là có thể gắn liền với cuộc chiến và khổ. Trong
sách Sáng-thế của Thánh kinh Do Thái và Kitô giáo, mạc khải Thiên Chúa ẩn kín
đi đôi với sự mạc khải về thân phận con người có thể lầm lạc,
và khổ:
Ta sẽ đổ dồn những khổ đau trong những lúc sanh đẻ, trong khổ
đau ngươi sẽ sanh con cái" (St. 3,17).
Ngươi sẽ bươi đất để sinh sống trong những khổ đau suốt
chuỗi ngày của đời người..." (St. 3,17).
Trán đổ mồ hôi, ngươi mới có bánh để ăn cho đến khi trở về lại
bụi đất...(St. 3,19).
"Khổ tuyệt diệu" vì "khổ" mở ra tư tưởng
về tương quan Tính và Tình như một sức mạnh cứu thoát, kỳ cùng là "hồn"
làm nên thảm kịch tin và hy vọng đưa Đoạn Trường Tân Thanh vào danh
sách những tác phẩm văn hoá điển hình của lịch sử nhân loại.
Vì Tình là sự xuất lộ của Tính, vừa mở ra cho
con người lại vừa che dấu hay rút lui; nên con người hoàn thành nhân tính của
mình trong cuộc chiến nầy.
Tư tưởng tra vấn chân tính của con người, vì thế, chỉ có thể
được thực hiện trong tư thế nầy của Tính, nói cách khác là phải đi vào nội dung
của Tình và sức năng động của nó. Nên Nguyễn Du không bàn cãi "một
cách vu vơ" về Tính mà tra vấn về Tính bằng cách diễn đạt
kinh nghiệm "ngổn ngang trăm mối của "Tình".
Chú thích:
Chú thích:
[1] Trung Dung, chương 30: Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân. Cố
quân tử cư dị sĩ ư mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ kiêu hạnh
[3] Đến đây có một vấn đề nêu ra. Tư tưởng vì được đồng hoá với triết học,
mà triết học đó phải xây dựng trên nền tảng siêu hình học của Hy lạp; tiền kiến
đó không những chi phối thế giới Tây phương, kể cả tư tưởng thần học Kitô giáo,
mà còn ảnh hưởng trên nền văn hoá của thế giới hiện nay. Tư tưởng xét trong
khung nhỏ hẹp nầy như không hề lưu ý hay biết đến một lối tra vấn nào khác về
chân tính, xuyên qua việc tra vấn trong thân phận tại thế của con người. Nên tư
tưởng tự đóng khung trong thế giới nhận thức về sự vật mà người ta luôn gán cho
là một sự suy tư theo lý trí tự nhiên. Chữ tự nhiên hàm hồ nầy đã được nêu
lên trong các cuộc tranh cãi ở sách Mạnh Tử. Ta nêu lên câu hỏi:
Tự nhiên dựa vào cái gì? Hay dựa vào khả
tính siêu việt của con người hay của những ai? Trực giác về siêu việt tính
của con người thuộc về tự nhiên của trật tự nào? Trực giác về hữu hạn tính
của con người có phải là tự nhiên không?
Qua phần diễn tả của Nguyễn Du trong phần nầy, hai phần tự
nhiên nêu trên đều gắn liền với con người: Con người có thể lạc lầm đi vào thế
giới của Tài, và con người có thể lắng nghe được âm vang của Mệnh, dù ở
đây âm vang đó còn dội lên như một sự phủ nhận. Dấu tích âm vang nầy còn tìm thấy
trong các ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác nhau: Vô hạn, vô cùng, siêu việt...
Việc phân chia tư tưởng ở phần tự nhiên gồm nhận thức thường
nghiệm, triết học và khoa học..., còn những tra vấn về siêu việt tính, sự cứu độ
là thuần túy mặc khải tôn giáo, hàm ngụ như không phải thuộc khuôn viên của lý
trí tự nhiên, vô tình đẩy ra bên lề những nhà tư tưởng nhà văn hoá lớn của nhân
loại như Phanxicô Assisi, Pascal, Dostoievski..., kể cả các thánh hiền Đông
phương. Và hơn thế nữa tách rời những ưu tư tôn giáo ra khỏi lãnh vực của văn
hoá nói chung. Nếu tư tưởng triết học được đóng khung trong lối đặt vấn đề của
siêu hình học Tây phương, thì đúng như lời Dương Quảng Hàm đã nhận xét, Nguyễn
Du không phải là một triết nhân và cũng không phải là nhà tư tưởng. Nhưng nếu
tư tưởng là sự tra vấn về chân tính của thân phận con người tại thế, thì đã đến
lúc xét lại việc sử dụng từ ngữ tự nhiên nầy.
[4] Trong đoạn văn mô tả cuộc gặp gỡ Kim Trọng - Kiều cho đến lúc Kiều
gặp nạn, nghĩa là từ câu 133 đến 568, các nhà phê bình văn học, đặc biệt là Bùi
Kỷ, Trần Trọng Kim, đã ghép cảnh gặp gỡ lần đầu giữa hai người trong dịp ngày hội
Đạp Thanh vào đoạn chúng ta vừa phân tích, có lẽ đã dựa vào khung không gian
liên tục của câu truyện (từ câu 133-243). Trên bình diện tư tưởng, lối xếp
thành chương, đoạn như thế cũng rất có ý nghĩa: nó gợi lên sự xung đột giữa hai
tương quan hay hai trật tự khác nhau của sự gặp gỡ: một với Đạm Tiên, tượng
trưng cho con người trong chiều sâu ẩn kín, và một với Kim Trọng như hình hài
con người trước mắt.
Nhưng nếu chúng ta đọc hết cả đoạn văn nầy, chúng ta cũng thấy
tiểu đoạn đó cũng được dùng để diễn tả trọng tâm chủ đề đặt ra là cuộc va chạm Tài
- Mệnh được nêu lên trong khung cảnh của mối tình Kim Trọng - Kiều.
Nói tóm lại tiểu đọan nầy là gạch nối giữa hai đoạn, nhưng
trong mục tiêu truy cứu nội dung tư tưởng Đoạn-trường Tân-thanh, chúng tôi
đã chọn lối xếp đặt lại bố cục câu truyện, để dễ đi vào sự nhất quán của tư tưởng
nêu lên trong chủ đề.
Phương thức diễn tả nội dung phức hợp của chữ Hữu Tình
"Cõi người ta" ở trong đoạn nầy được Kiều cảm
nhận như là ngổn ngang trăm mối. Đây không phải là cảnh tượng xã hội bên
ngoài giữa các tầng lớp giai cấp chủ - thợ, tư bản - vô sản, nam - nữ, già
- trẻ..., hoặc tình trạng phức tạp của các đối tượng nhận thức, ngày càng
đòi hỏi phải sâu sát hơn, hay số lượng của những dự án ngày càng tăng theo nhịp
đòi hỏi của ước muốn nào bất kỳ của con người. Nguyễn Du gắn liền "ngổn
ngang trăm mối" với cái khung "bên lòng" hay trong "cõi
lòng".
Ngỗn ngang là "vô trật tự" hay tệ hơn nữa là sự xung đột giữa hai trật tự vốn đang cư ngụ trong "Tình", nhưng cả hai không có cùng vùng trời, cùng ngôn ngữ để hiểu nhau.
Ngỗn ngang là "vô trật tự" hay tệ hơn nữa là sự xung đột giữa hai trật tự vốn đang cư ngụ trong "Tình", nhưng cả hai không có cùng vùng trời, cùng ngôn ngữ để hiểu nhau.
Tình trạng "ngổn ngang" đó được thể hiện ngay trong
lối bố cục và các mẫu đối thoại trong đoạn nầy; Kiều nói một đường, Kim
Trọng mẹ của Kiều hiểu một nẻo; chưa kể đến những biến chuyển bất
chừng lúc Kiều tiếp nhận lời cảnh tỉnh của Đạm Tiên hay khi quyết tâm quên
tất cả đánh liều nhắm mắt "vì hoa nên đánh đường tìm hoa" (câu 443).
Hai thi hào của Đức vào thời cận đại, trước trào lưu nhân bản
đang ở vào thời cao độ, đã nhận ra thực trạng của thân phận con người tại thế
và các khung trời khác nhau, hoặc ẩn hay hiện của nó xuyên qua cuộc sống của
con người thời đại.
Trong kịch phẩm Faust, J-W-Goethe, ở phần cuối truyện đã mượn
lời Méphistophéles nói với Faust thế nầy:
"ở đây, thuộc về ta!".
Và ta thấy cũng trong tác phẩm nầy, cõi người ta "ở
đây thuộc về ta" nầy vui tươi rực sáng như ban ngày của Hội Đạp Thanh hay
cảnh huy hoàng khi Kiều lần đầu gặp Kim Trọng.
"Nầy hãy xem, hãy xem đoàn lũ đổ xô ra vườn và ra đồng!
thuyền bè dập dìu vui tươi rẽ sóng bên sông, ngang dọc!... và con thuyền cuối
tách xa những chiếc khác, chở đầy đến mạn thuyền. Những nẻo đường xa xôi nhất
trên núi cũng rực sáng qua những tia óng ánh của áo quần. Ta đã nghe tiếng rộn
trong làng; đấy thật đúng là thiên đàng của dân chúng; lớn nhỏ, người người nhảy
múa: ở đây ta cảm được ta là người, nơi đây ta dám là người" [1].
"Cõi người ta" đầy vui tươi đó, Kiều cũng đã gặp, tức
khắc sau cuộc tương ngộ lần đầu với Đạm Tiên. Âm hưởng ở đây không phải cung
đàn bạc mệnh u uẩn, nhưng là tiếng nhạc vàng:
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần (câu 134).
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời (câu 139-140).
Nhưng từ đằng sau, trên hay dưới chân trời mở toang đầy ánh
sáng đó, Đại ký ức hay âm vang của cung đàn bạc mệnh vẫn ngân lên.
Trong bài thơ Đại ký ức, thi hào Hölderlin đã nhận ra thân phận
tại thế của con người tự nhận là nhân bản chúng ta hôm nay như sau:
Một dấu chỉ (một quái vật), đấy là chúng ta, và (một
sự xuất lộ) mất hết sự sống, chúng ta nay trơ trơ không cảm được khổ đau,
và hầu như chúng ta đã mất lời để nói, nơi xứ lạ.
Đại-ký-ức đó nơi đoạn nầy của Đoạn Trường Tân Thanh là
sự giật mình nhận ra lại "lòng ta". Trong "cơn tỉnh cơn mê"
trước mắt, con người nhận ra khủng hoảng trong bước hụt chân giữa hai
trật tự:
Chập chờn cơn tỉnh, cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chẳng khôn,
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đã lên ngựa, người còn ghé theo" (câu 165-168).
Nhạc vàng và cung đàn bạc mệnh, Đạm Tiên và Kim
Trọng, vui dòn mỏng của những lần gặp gỡ chen lẫn với nỗi buồn dai dẳng vì xa
cách:
Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng
Ngày vui ngắn chỉ đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (câu 423-426).
Tóm lại, bằng nhiều hình ảnh, tâm tình khác nhau, đoạn nầy chỉ
gợi lên một cuộc chiến giữa hai sức mạnh giằng kéo của "Hữu Tình".
Nhưng trong cuộc tranh chấp đó, nhiều chi tiết của Đoạn
Trường Tân Thanh hé lộ ra đây không phải là một cuộc xung đột giữa hai yếu
tố trái nghịch, có-không, vui-buồn ở trên một bình diện hay trong một trật tự
(xét về mặt hữu thể học) như lối biện chứng của Hegel.
Cái buồn khổ nơi cung đàn bạc mệnh không phải ở trong cùng trật
tự với cái buồn nơi Kim Trọng. Không phải vì hai đối tượng khác nhau
của tác động buồn, nhưng tất cả nỗi buồn-vui trong tương quan Kim - Kiều hàm
ngụ trong cái vui phổ quát của thế giới "bây giờ, thuộc về ta".
Buồn vọng lên từ cây đàn bạc mệnh gắn liền với số đoạn trường không nằm trong
lãnh vực tâm lý, nhưng có thể nói là một lối nói tượng trưng hướng về
"Khổ" thuộc về hữu thể học.
Cái vui của ngày hội Đạp Thanh bao phủ cả cảnh âm u của cảnh
mồ mả trong lễ Tảo mộ, "Thoi vàng vó rắc, tro tiền gió bay" (câu 50).
Cảnh buồn vào buổi xế chiều vẫn vui khi Kim Trọng xuất hiện
(câu 133-164).
Thúy Vân nực cười vì cảm thức đau xót người xưa củaKiều (câu
106).
Người mẹ chỉ hiểu cái buồn của Kiều trong câu chuyệnĐạm
Tiên được nàng kể lại như chỉ là nỗi buồn vu vơ trong một giấc mộng thoáng
qua (câu 235-236).
Kim Trọng không hiểu gì về đàng sau câu nói của Kiều:
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa (câu 415-416).
Câu nói có tính cách sấm ngôn của một thầy bói, gợi lên thân
phận con người tại thế; nhưng với lối hiểu của Kim Trọng, mệnh bạc và tài
hoa theo nghĩa khổ đau và sắc đẹp - tài ba theo nhận thức thường nghiệm nên đã
trả lời bạo miệng.
Sinh rằng giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều"
(câu 419-420).
Nhiều tác giả gợi lên câu nầy để cho rằng Nguyễn Du có tư tưởng
lạc quan về nỗ lực "cãi mệnh" của con người. Kỳ thực, làm sao sắp gần
câu nầy với giá phải trả cho sự cứu độ Kiều là nàng phải chết đi con người cũ,
để được duyêncứu? Và làm sao lại có câu nầy trong phần Tổng luận: "Ngẫm
hay muôn sự tại trời" (câu 3240). Nếu nhận xét nầy có gần gũi với nhận định
về sự lạc quan trên đây, thì đó là về mặt tâm lý, xã hội thuộc lãnh vực thường
nghiệm. Nghĩa là nó đúng trong khung ngôn ngữ của Kim Trọng. Nhưng"khổ"
dấy lên từ cung đàn bạc mệnh mà Kiều phát biểu, gắn liền với chân
tính con người tại thế "Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong" (câu 244).
Sự chen chân giữa hai trật tự tâm lý và hữu thể học qua lối
văn tượng trưng, đặc biệt ở đoạn nầy không những tạo một cảnh "ngổn ngang"
trong chính bản văn, mà còn cống hiến cho chúng ta nhiều lối giải thích về tư
tưởng truyện Kiều, lắm lúc xa lạ với nhau như "nỗi khổ" của Kiều được Đạm
Tiên báo mộng và cách hiểu của mẹ nàng!
Chữ Tình trong quan niệm Tính - Tình của Nguyễn Du
Blaise Pascal trong "Pensées" đã nói đến
một trật tự gọi là "Lý của con tim" để mở ra một lối tư tưởng
trật ra bên lề của truyền thống triết học Tây phương dựa vào lý trí được hiểu là
khả năng nhận thức sự vật. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã dùng
chữ Tình trong khuôn khổ của Tương quan Tính-Tình, đưa câu truyện
nầy vượt qua mức độ của một tiểu thuyết mô tả những cảm xúc thường nghiệm đến cảnh
giới con người thắc mắc về chân tính của mình.
Nhìn với tiên kiến phê bình văn học dựa vào khung trời của
tâm lý, xã hội, và đối chiếu với những chung đụng gay cấn của mối tình Kim
Trọng - Kiều, nhiều tác giả đã ví Truyện Kiều như một tác phẩm văn
chương thuộc trường phái lãng mạng của văn học Tây phương, đặc biệt
là văn học Pháp vào thời cận đại. Trong bối cảnh nghiên cứu nầy, đôi đường có
những khác biệt, vì lãng mạng Tây phương diễn đạt sức năng động phi lý của
tình cảm con người gắn liền với sức mạnh tự nhiên của thể lý, tiếp theo sau hay
chống lại thế giới hữu lý của truyền thống nhận thức và đạo lý dựa trên lý trí:
Cõi âm u, sinh động tình cảm buồn rầu thay cho lối phân tích, vô cảm, trật tự nề
nếp... Còn tính lãng mạng nơi Đoạn Trường Tân Thanh có những dữ kiện
của Lãng mạng Tây phương nhưng cũng có những giới hạn: Có việc táo bạo vượt qua
khuôn phép luân lý truyền thống (như ban đêm lại đi tìm trai), nhưng cũng có đặt
ra những bức tường không vượt qua được như lập trường bảo vệ chữ trinh trong
tình cảm trai gái. lưu tâm đến quyền uy của cha mẹ...
Nhưng chữ Tình của Đoạn Trường Tân Thanh có
thực sự nằm trong nội dung tình cảm thông thường nầy, làm đối tượng cho lối văn
mô tả sự kiện xảy ra trước mắt, hay đây là một lối nói tượng trưng đưa vào cảnh
vực hữu thể học? Phong trào lãng mạng Tây phương ở Đức không phát triển trong
lãnh vực tiểu thuyết tình cảm như Pháp (tiểu thuyết lãng mạng Pháp ảnh hưởng
nhiều đến trào lưu lãng mạng của văn chương Việt Nam vào cuối tiền bán thế kỷ
20): Tình trong phong trào lãng mạng Đức nằm trong khuôn khổ triết học,
được đồng hoá với đà sinh lực của Vũ Trụ, kéo con người vào sự tổng
hợp của toàn thể, đẩy lui dần lý trí được tiên kiến là giấc mơ của cá thể muốn
tách rời khỏi Đại Nhất là Thiên Nhiên nguyên thủy. Hầu hết các triết gia của Đức
vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 chịu ảnh hưởng của những chữ Tình nầy.
Đoạn Trường Tân Thanh thật sự không có chủ tâm mô tả
tình cảm như đà sống thể hiện ưu thắng trong tình cảm lứa đôi, cũng không hề
nêu lên chữ Tình như hình ảnh năng lực của Thiên Nhiên Đại Nhất, (mà
Nietzsche dùng từ ngữ Dionysos để tượng trưng) tranh chiến với lý trí (Apollon) [2]. Trước hết về
mặt hữu thể học, cũng nằm trong ưu tư đi tìm căn cơ là chân tính như cách đặt vấn
đề chữ Tình của trào lưu tư tưởng về "sự sống" của Đức, nhưng có sự
khác biệt hữu-thể-học giữa hai quan niệm như trong phần chúng ta đã khảo sát về
nội dung các câu thơ Dẫn nhập (từ 1-6).
Chân tính được nêu lên không phải là nền tảng cho "tất cả
mọi sự vật" tiền kiến là cái gì đã xuất lộ trước mắt; chân
tính mà Đoạn Trường Tân Thanh tra vấn là chân tính của con người tại
thế, thuộc "cõi người ta", thế giới của những ai chứ không
phải những cái gì.
Cuộc chiến Tài-Mệnh thể hiện trong chữ Tình là
hai lực đối chọi của nhưng có thể gắn liền với thân phận con người tại
thế. Những tình cảm, hình ảnh nêu lên là chất liệu được dùng để tượng trưng cho
các đối lực thuần túy con người ẩn dấu đàng sau các hiện tượng trước mắt. Hẳn
nhiên việc sử dụng các hình ảnh cho thích hợp, lấy cảnh vực Tình hay Lý để
khai triển đó là những chi tiết đáng đào sâu để thấy nét đặc sắc của tài năng
và phương cách diễn đạt độc đáo của mỗi tác giả, mỗi truyền thống văn hoá, mỗi
thời đại; nhưng ở đây vấn đề chính được đặt ra là đưa các hình thức văn chương
lại vào chính những ưu tư nguyên ủy của tác phẩm hay chủ đề của nó.
Thứ đến, việc đối chiếu chữ Tình trong Tính.-Tình vào
trật tự của tình cảm thường nghiệm và tiếp theo đó là những phán đoán, biện
minh về mặt luân lý lại càng xa lạ với chủ đề hơn nữa. Những tiền đề "Trăm
năm trong cõi người ta" (câu 1), những nội dung đi sâu vào tận căn của
thân phận con người như "Ví đem vào tập đoạn trường, thì treo giải nhất,
chi nhường cho ai" (câu 210) hay tiếng ngân của cung đàn bạc mệnh qua
tay Kiều diễn tả tóm gọn toàn bộ nhân sinh (xem câu
471-488), làm sao có thể xếp lối đặt vấn đề của Nguyễn Du vào mục tiêu duy nhất
là mô tả những tình cảm nhất thời của các mối tình đôi lứa!
Chữ "Tình" trong Tính-Tình được diễn tả
qua hình ảnh rốt ráo là sự xung đột giữa Tài qua các câu:
Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa (câu 442-442).
và Mệnh qua các câu:
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai (câu 209-210).
Hoa là cái sức lôi cuốn hay lực bên ngoài; nhưng cũng là
từ việc đánh giá chân tính cư ngụ nơi bên ngoài đó, mà con người tự mở ra để đi
tìm. Tìm bên ngoài như là mở ra để thiết lập một tương quan,
nhưng tìm hàm ngụ là thực hiện ý của mình. Đó là tương quan giả,
như Đế Lai về Phương Nam tìm của lạ theo ý mình. Người trở thành đồ
vật, chất liệu làm thoả mãn ý mình, tưởng rằng hoàn thành nhân tính trong
nỗ lực chiếm hữu "hoa" để làm lớn cái tôi của mình lên. Về mặt hữu thể
học thì đây chỉ còn là thế giới cái tôi, chưa mở ra với ai khác để có được sự sống
nhân tính như một tương quan thật. Buồn, vui được nhắc đến đây tượng trưng cho
sự gần gũi hay xa cách giả tạo (xét về mặt hữu thể học khi đối chiếu với khổ
căn nguyên) giữa tôi và đối tượng tôi tìm. Trong các văn bản tôn giáo, thế giới
nầy gọi là tôn vinh thần tượng (Idolâtrie), mà nhà Phật gọi là thế giới
của Karma, có căn nơi ngã, xuất hiện từ dục. Sự giả ảo được
nêu lên không nằm trong khuôn khổ nhận thức thường nghiệm và cả trong lối đặt vấn
đề có hay không của siêu hình học truyền thống Tây phương. Kim
Trọng, người vẫn là người, nhưng trong thế giới mở ra của Kiều, Kim Trọng (trong
tương quan với Kiều) đã bị tha hoá vì ý muốn của Kiều. Và chữ Tình được Kiều khai
triển trong mối tương giao với Kim Trọng như thế, lại gắn liền với
thân phận con người trần thế của nàng như một nghiệp chướng, và đó chính
là một trong những nội dung khổ của nhân sinh: "Đố ai gỡ mối tơ
mành cho xong" ( câu 244).
"Đoạn trường" khổ đứt ruột, tưởng chừng như ở một
nơi nào khác xét về lối nhận thức thường nghiệm nhưng, nỗi khổ nầy không ở chỗ
nào khác hơn là "âm vang" từ chính sự xuất lộ của chữ Tình trên.
Hình ảnh tượng trưng về Đạm Tiên hay thế giới kẻ chết cũng chỉ gợi lên cái ẩn
kín bên trong tương quan con người mở ra với ai khác để hoàn thành chân tính của
mình.
Tương quan ẩn kín của chân tính liên hệ với con người tại thế
như thế nào?
Nó đồng thời xuất hiện với sự khai triển Tính do con người;
xuất hiện nơi câu trả lời cho sự khai triển nầy qua âm vang "không phải",
và âm vang nầy dội lên nơi cảm thức "khổ đứt ruột".
Đến đây ta hiểu được, tại sao qua cách đặt vấn đề về chân
tính dựa vào kinh nghiệm "trong cõi người ta" chân tính thường được gọi
là "Vô" (theo nghĩa động từ, tức là sự phủ định). Vô là nền
của chân tính, không phải cái có - không của nhận thức thường nghiệm, nhưng
trong trực giác về khả năng nghe được lời phủ định phát ra từ
chân tính. Đây là sự trả lời "không phải" khi Augustinô chất vấn
Mặt trời, Mặt trăng và vũ trụ xem có phải là chân tính hay Thượng đế hay không.
Đây cũng là âm hưởng của những chữ Vô để nói đến căn nguyên bao trùm
những cái có trước mắt, trong tất cả các nền văn hoá: Vô cùng,
Infini... Chữ Vô (động từ ) nầy đẩy lui tất cả Tài hay nỗ lực thần
tượng hoá (idolâtrie) phát xuất từ bất cứ ý định nào của con người.
Và "sự phủ định" nầy không tương quan gì với lối nói xã hội về "hữu
thần" hay "vô thần", tiền kiến thần ở trong tầm tay con người hữu
hạn và có thể gọi tên được như hòn sỏi hay củ khoai trước mắt.
Và "lời phủ định" làm đau con người, vì xé con người
ra khỏi cái tôi đóng kín của thế giới nó có theo ý của riêng nó. Lời
phủ định cũng là lời của chân tính nguyên sơ (= như lối nói của Pascal là Lý của
con tim) mà con người đã tiếp nhận để làm người, nhưng đồng thời có thể lạm dụng
nó (= Tài).
Nhưng Tính nguyên sơ lại không xuất lộ như hòn sỏi
trước mắt, mà chỉ xuất lộ tiêu cực khi con người lạm dụng nó, qua âm
hưởng chối từ sự lạm dụng nầy. Kiếp con người tại thế không những là chiến
trường của hai cực đối kháng ấy, mà còn cảm thức chới với không tìm được lối
ra, vì cửa vào chân tính tích cực chưa mở. "Chưa" như một sự đợi chờ
một duyên bất ngờ đến từ chân tính để cứu độ; hoặc chưa và luôn mãi
chưa khi nhìn vào thực trạng của thân phận con người tại thế!
Trời xa
Xung đột giữa công lý ẩn
kín và các nỗ lực biện minh của con người
Socrate nói rằng "Điều mình biết chính là mình không biết
chi cả!" và đó là đầu mối tư tưởng; thì những người lên án tử hình ông lại
nói: "con người là thước đo vạn vật". Hai bên không ở trong một trật
tự để hiểu nhau; và đã có một mạng người phải chịu án tử hình.
Nhưng... Lịch sử của truyền thống tư tưởng Tây
phương lại lấy trật tự của "con người làm thước đo vạn vặt" để quay lại
tôn vinh Socrate làm bậc thầy của triết học; bậc thầy được hiểu như được khai
phá quyền năng hiểu biết vô tận trong tầm tay con người để định cho chính mình
con đường hoàn thành nhân tính!
Đoạn-Trường Tân-thanh, mở đầu câu chuyện lưu lạc của Kiềunơi
đất khách quê người, bằng cuộc chiến bất tương dung giữa thước đo do con người
và chân tính hay công lý, mẫu mực của mọi thước đo; cuộc chiến xảy
ra ngay tại "nhà Kiều đang cư ngụ". Từ câu 569-776, tác giả Đoạn-trường
Tân-thanh mô tả cảnh gia thế Kiều bị tai vạ, đầu mối đẩy Kiều vào
con đường hoạn nạn.
Nỗi "khổ" hay "tính thảm kịch" của sự kiện
là kẻ vô tội phải gánh lấy "khổ", khi khổ được cảm nhận được là
hậu quả đương nhiên của tội. Trước công lý tiếng Kiều kêu oan, trời xanh
thinh lặng:
Oan nầy còn một kêu Trời, nhưng xa! (câu 569).
Hầu như tất cả các thảm kịch làm nên những tác phẩm chi phối
văn hoá nhân loại đều diễn tả nỗi oan nầy: Oedipe vô tội, không nhận ra cha tưởng
là kẻ thù và đã giết: oan!
Prométhée vì lòng thành muốn cứu giúp con người, mà phải bị
trời xanh (Zeus) phạt để kên kên moi gan: oan!
Job kẻ đạo hạnh, gặp phải cảnh nhà tan cửa nát, vợ bỏ và bị bệnh
phong cùi: oan!
Và con người trong Thánh vịnh Thánh kinh Cựu ước kêu lên
Thiên Chúa của mình, Thiên Chúa vốn được mặc khải là luôn gần và nâng đỡ họ,
nhưng mọi sự đều thinh lặng: oan! ("Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi,
tại sao Ngài đã bỏ tôi") [3].
Những người trẻ sơ sinh vô tội đã bị giết, như là vì có Tin mừng
Đấng Cứu độ giáng trần tại Bê-lem: Oan! [4]
Định luật nhân quả, được con người hiểu và lấy làm tiêu chuẩn
cho kiến thức sự vật, tưởng có thể đo được Công lý, nhưng trước sự kiện nầy,
lai bể bung. Thực tế con ngư
Quyển 2
Chương I
Chương I
Vấn đề quốc học và tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh
Học giả Dương Quảng Hàm, trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu [1], ở phần tổng kết
về lịch sử văn học đã đưa ra nhận định tiêu cực về một nền quốc học độc đáo của
dân tộc Việt Nam như sau:
"Những tác phẩm về triết học đã hiếm phần nhiều lại là
những sách chú giải, phu diễn (như Tứ thư thuyết ước của Chu An, Dịch kinh
phu thuyết và Thư kinh diễn nghĩa của Lê Quý Đôn, Hy kinh trắc lãi của Phạm
Đình Hổ), chứ không có sách nào là cái kết quả của tư tưởng độc lập, của công
sáng tạo đặc sắc cả.
Bởi thế, nếu xét về mặt triết học, thì ta phải nhận rằng nước
ta không có quốc học, nghĩa là cái học đặc biệt, bản ngã của dân tộc ta".
Và khi dành một chương riêng để khảo sát về truyện Kim Vân Kiều
của Nguyễn Du [2], tác giả
họ Dương đã đánh giá tư tưởng của truyện ấy qua câu mở đề rất ngắn ở mục
Triết lý truyện Kiều như sau:
Tiếp theo mục nầy, là mục nói đến Luân lý truyện Kiều, một
đề tài thường được nêu lên nhiều hơn cả trong các công trình nghiên cứu về giá
trị của tác phẩm nầy.
Các nhận định trên đây của học giả Dương Quảng Hàm có
thể xem là tiêu biểu cho hướng nghiên cứu của phần lớn các công trình khảo sát
tư tưởng Truyện Kiều thường được nhắc đến, dù mỗi tác giả nêu lên những
lập luận khác nhau để xét xem triết lý trong truyện là mượn từ Phật giáo hay
Nho giáo, đôi lúc còn đối chiếu với cả quan điểm đấu tranh giai cấp theo biện
chứng duy vật về lịch sử.
Sự kiện trong kho tàng văn học Việt Nam không có những tác phẩm
với lối trình bày có hệ thống mạch lạc và với lối văn đặc loại để diễn đạt tư
tưởng như ở trong truyền thống văn hoá Trung hoa, Ấn độ, Hy lạp...là một sự kiện
khách quan [4]. Nhưng qui chiếu
vào phương cách diễn tả đặc loại nầy, để đi đến kết luận "rằng nước ta
không có quốc học", nghĩa là không có một lối tư tưởng điều hành cuộc sống
con người, phải chăng học giả họ Dương đã lẫn lộn giữa nội dung và hình thức?
hoặc nói cách khác giữa tư tưởng và một phương cách để diễn đạt tư tưởng?
Thứ đến, việc đối chiếu văn học nước ta vào các truyền thống
văn hoá phải chăng đòi hỏi trước tiên có một sự phân tích chính các bản
văn để khai phá nét tinh túy của chúng trước khi đi tìm những ảnh hưởng, có thể
rất đa biệt, chi phối một tác phẩm. Trong trường hợp truyện Kiều của
Nguyễn Du, vấn đề khảo sát về văn hoá, tư tưởng Việt Nam xuyên qua tác phẩm nầy
lại khó khăn hơn nữa. Đây là một tác phẩm chuyển dịch từ một áng văn của Văn học
Trung hoa, mà nội dung câu truyện hầu như sao y lại bản gốc [5], như thế đào
sâu tư tưởng nơi truyện Kiều của Nguyễn Du phải chăng cũng chỉ là làm công việc
khảo sát tư tưởng của văn hoá Trung hoa xuyên qua bản chuyển dịch nầy? Nếu có
chăng một vài nét đặc biệt, thì dường như được xem là chỉ nằm trong khuôn khổ
tài năng và kỹ thuật văn chương, như nhận xét sau đây của Dương Quảng Hàm:
"Tác phẩm của ông thật có phần sáng tạo đặc sắc: ông sắp
xếp nhiều việc một cách khác để cho hợp lý hơn hoặc để tránh sự trùng điệp; ông
thay đổi nhiều điều tiểu tiết để tả cảnh ngộ hoặc tình hình các vai trong truyện
một cách rõ rệt hơn; ông lại bỏ đi nhiều chỗ thô tục (như đoạn kể rõ "vành
ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề") và nhiều đoạn rườm, thừa, không bổ
ích cho sự kết cấu câu chuyện" [6].
Gần đây, học giả Hán Chương Vũ Đình Trác, trong luận án Triết
học "Triết lý nhân bản Nguyễn Du" đã nêu lên "những dị biệt gốc
rễ" giữa hai tác phẩm Việt Hoa để cho thấy nét cá biệt về mặt tư tưởng của
nhà văn hoá Việt Nam; và tác giả luận án nầy đã đưa ra mười bảy (17) điểm quan
trọng [7]. Và ở một nơi
khác trong luận văn, học giả họ Vũ đã dựa vào những nét đặc sắc riêng của tư tưởng
Nguyễn Du trong truyện kiều để nhận xét rằng:
"Nguyễn Du đã chắt lọc hết tâm can với những tinh tuý của
tâm hồn Việt Nam, để xây dựng tác phẩm nầy" [8].
Với chủ để "Triết lý nhân bản" và với công trình đối
chiếu hai bản văn, học giả họ Vũ đã minh chứng có một lối tư tưởng riêng kết tụ những
nét tinh túy của tâm hồn Việt Nam qua nổ lực sáng tác độc đáo khi chuyển dịch
bản văn Trung hoa qua các vần thơ nôm. Ít nhất, với công trình nghiên cứu nầy
và một số các tác phẩm tương tự, ta thấy câu nói quá dứt khoát và tiêu cực của
học giả họ Dương cho rằng: "nước ta không có quốc học" cần phải xét lại.
Học giả Dương Quảng Hàm đã nhận xét là nước ta không có quốc học. Và nhận xét
đó hàm ngụ tiên kiến về một sự am tường về nội dung chữ học và phương
thức sinh hoạt của nó. Ở đây chúng ta đóng ngoặc những tiêu chuẩn do các truyền
thống, thường được xem như đã là đương nhiên, để dặt vấn đề lại từ căn cơ nội
dung chữ "học".
Chữ "quốc học" được học giả họ Dương nói đến đây nằm
trong khung của một loại tư duy đặc biệt gọi là triết học:
Khi đưa quốc học vào mấu móc triết học để định giá, thì hẳn
chữ triết học đó phải mặc nhiên được xem là thiết yếu cho văn hóa. Và chữ học đi
kèm chữ quốc học và triết học phải được hiểu là sinh lực của nền văn hóa đó.
Triết học, từ ngữ đó được dùng xuyên qua lối chuyển dịch của
người Trung hoa khi cập nhật truyền thống tư tưởng Tây phương. Từ nguyên tự tiếng
Tây phương, đến cách hiểu của các nhà dịch thuật Trung hoa, và việc lấy lại từ
ngữ hán-việt nầy của người Việt chúng ta, mọi người đều chân nhận tầm quan trọng
thiết yếu của nội dung hàm ngụ trong từ ngữ ấy; nó đã được xem là một qui ước
phổ quát để gợi lên ý thức về phần cốt lõi của một nền văn hoá, mặc dù xuyên
qua lịch sử của mỗi vùng, mỗi dân tộc, mỗi tác giả, mỗi thời đại...nó được gọi
bằng những từ ngữ khác nhau với những cách đặt vấn đề và lối diễn tả khác nhau.
Trong cuộc sống thường ngày của người Việt chúng ta, thay vì
chữ học chúng ta thường dùng chữ đạo để nêu lên những tiêu
chuẩn nền tảng giải thích giá trị, phê phán hành vi của mỗi người trong mỗi
hoàn cảnh riêng: đạo làm con, đạo vợ chồng, đạo làm dân, đạo trời đất, đạo
Tâm... và âm hưởng nầy cũng hiện diện trong các phương thức biểu lộ có tính
cách văn chương, bình dân hay bác học qua các thế kỷ.
Nhưng chữ triết học, lại đòi hỏi một tiến trình hình thành
phát triển có tính cách đặc biệt. Ta thường gọi là "học", hàm ngụ những
nổ lực suy tư sâu hơn, rộng hơn để tìm ra một nhất quán, nối kết những yếu tố rời
rạc vào một nền tảng chung. Phương thức diễn đạt, liên hệ đến tầm vóc của lối
suy tư nầy, đòi hỏi một nhất thống, nối kết từng sự kiện vào một nền tảng duy
nhất.
Một cách hậu thiên, qua nếp sống của dân tộc, chúng ta đã chứng
nghiệm được rằng có một sự nhất quán như thế trong nội dung, và một hiện tượng
quy chiếu từng hoàn cảnh riêng lẽ của sinh hoạt con người vào một số trực giác
nền tảng. Và lối "triết học" bất thành văn nầy rất độc đáo khi đưa nếp
sống của người Việt chúng ta đối chiếu với cách suy tư và sinh hoạt của các dân
tộc khác.
Nhưng về mặt văn học, nghĩa là toàn bộ những sáng tác văn
chương, thành văn cũng như văn chương truyền khẩu, phải nhận một cách khách
quan, phương thức diễn đạt có tầm vóc sâu rộng đó rất hiếm hoi.
Chúng tôi đã khám phá được công trình đầu tiên về lối suy tư
như thế, được viết thành văn, qua tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái, được Vũ Quỳnh
hiệu chính lại một cách quy mô trong quyển I của sách nầy [10].
Ở đây chúng ta đặt vấn đề xem tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh có phải là một tác phẩm văn học, phản ảnh những yêu sách về suy tư
triết học (theo nghĩa chung của nó) hay không?
- Trước hết về mặt nội dung, chúng ta đã thấy phương thức
cập nhật vấn đề tư tưởng một cách rốt ráo, qua việc nêu lên chủ đề của tác phẩm
đến ngọn nguồn là thân phận con người nói chung.
Đến đây nhiều người sẽ nêu lên vấn đề:
Căn cơ của truyền thống triết học Tây phương (mà chúng ta
gián tiếp vay mượn ngôn ngữ đó) đòi hỏi phải đi đến một vấn đề rốt ráo hơn nữa,
đó là vấn đề hữu thể tổng quát, nghĩa là đào sâu nền tảng chung không
những để đặt nền tảng cho cuộc sống con người, mà còn truy nguyên về bản tính
vũ trụ và thần thánh (Thượng-đế). Hệ luận, là truyền thống đó đã thiết định được
các bộ môn học về vũ trụ (khoa học thiên nhiên), con người (khoa học nhân văn)
và Thượng-đế (thần học) [11]
Phải chăng quan niệm nầy có lẽ ảnh hưởng nhiều đến đường hướng
nghiên cứu của Dương Quảng Hàm, khi tác giả nhận định rằng "dân tộc
ta không có quốc học"!
Thực ra phải chân nhận rằng nhận thức đó là quan điểm phổ
thông nhất trong quần chúng Tây phương cũng như trong giới nghiên cứu văn học
nước ta. Tuy nhiên quan điểm nầy chỉ là một phương thức đặt vấn đề tư
tưởng của một vùng văn hoá nhất định, dù nó có nhiều ảnh hưởng nhất, đặc biệt
đã đi vào truyền thống giáo dục của Tây phương. Hơn nữa, về nội dung, sự kiện lấy
thân phận con người "cõi người ta" làm khung trời thiết yếu và duy nhất
cho tư duy văn hoá đã là nét độc đáo của nền văn hoá Việt Nam; nét độc đáo đó
là một yếu tố tạo nên phần cốt lõi của "quốc học", điều mà Dương Quảng
Hàm chưa truy cứu.
- Về phương diện diễn tả, tuy dùng lối văn thơ và
dùng câu truyện Kiều để gián tiếp trình bày các nội dung tư tưởng qua
hình ảnh một câu truyện tiểu thuyết tượng trưng, tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh đã có kết cấu mạch lạc trong bố cục:
phần mở đầu nêu lên chủ đề;
thân bài dùng câu truyện để khai triển các nội dung liên hệ;
và kết luận đưa ra một hệ thống tư tưởng, giải đáp những vấn
đề nêu lên ở phần dẫn nhập.
Chú thích:
[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, xb lần thứ 1, tại Hà Nội,
1941, in lần thứ 10, Sài gòn, 1968, tr. 458 do Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu
xb.
[4] Chúng tôi đã có dịp nêu lên nhận định nầy trong cuốn "Văn Hiến,
nền tảng của minh triết", Định Hướng Tùng thư xb, Reichstett, Pháp, 1996,
tr. 32.
[5] Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, tr. 378:
"Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện nầy (do tác giả hiệu
là Thanh tâm tài nhân) với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng
đại cương tình tiết hai quyển giống nhau: các việc chính, các vai nói đến trong
truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu thuyết Tàu".
[7] Xem Hán Chương Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
Hội hữu xb, California 1993, các trang từ 269-279.
[10] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn hiến nền tảng của Minh triết,
Định Hướng Tùng thư xb, Reichstett, 1996.
[11] Xem A.G Baumgarten, Metaphysica, IIe éd (17430) ớ 2 "Ad
metaphysicam referentur ontologia, cosmologia, psychologia et theologia
naturalis".
Chương II
Hệ thống tư tưởng trong Đoạn Trường Tân Thanh
II.1- Từ nhan đề của truyện
Việc chọn nhan đề cho một tác phẩm của mình là điều rất quan
trọng cho bất cứ một tác giả văn học nào bất kỳ. Nó cô đọng toàn bộ nội dung của
tác phẩm. Và vì thế, khi nghiên cứu sự thay đổi nhan đề một tác phẩm qua thời
gian, ta cũng thấy được phương cách hiểu và đánh giá tầm quan trọng của một nội
dung nào đó được đề cao. Khởi thủy Nguyễn Du đã lấy tựa đề cho tác phẩm của
mình là Đoạn Trường Tân Thanh. Nhưng theo Trần Trọng Kim, dư luận cho rằng
Phạm Quí Thích đổi lại là "Kim, Vân, Kiều tân truyện" và rồi dần dà
được gọi "theo thói thường mà nhận là Truyện Thuý Kiều" [1].
Truy cứu về nguồn gốc truyện Kiều, các nhà nghiên cứu văn học
thường nêu lên hai bản tiểu thuyết Trung hoa, và cả hai bản đều mượn tên các
nhân vật trong câu truyện để đặt tên cho tác phẩm của mình, hoặc Vương
Thúy Kiều truyện, hoặc Kim Vân Kiều truyện.[2] Với việc chọn nhan đề mới là "Đoạn Trường Tân Thanh",
và đặc biệt là nội dung độc đáo của phần mở đề và phần kết luận nơi bản văn chữ
nôm, ta thấy mục đích của Nguyễn Du khi viết lại truyện nầy chủ yếu không phải
là chuyển dịch một câu chuyện, nhưng là mượn lấy một mẫu chuyện mà ông thấy có
những chất liệu thích hợp có thể dùng để chuyển đạt tư tưởng của mình.
Tầm quan trọng của phần dẫn nhập và kết luận
* Sau câu mở đề gói ghém tất cả luận đề của tác
phẩm, đến câu thứ bảy và tám
Kiểu thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh,
rõ ràng tác giả dùng một câu truyện giả tưởng, nhưng điển
hình để minh chứng.
* Và phần kết uận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" để
nêu lên quan điểm của tác giả, trả lời cho những chủ đề đặt ra lúc ban đầu.
Ngẫm hay muôn sự tại trời (câu 3241).
Ở đây chúng ta chưa đi vào việc phân tích phương cách đặt vấn
đề, chủ đề nào được nêu ra và luận thuyết như thế nào trong phần kết luận,
nhưng hình thức bố cục của bản văn đi đôi với việc chọn lựa một nhan đề mới cho
tác phẩm của mình là một chỉ dẫn giúp chúng ta lưu ý đến tầm quan trọng của nội
dung nhan đề mới nầy.
Tựa đề Đoạn Trường Tân thanh
"Đoạn Trường" nghĩa là đứt ruột, diễn tả nỗi đớn
đau cùng cực.
"Tân Thanh" nghĩa đen là "tiếng mới", lời
mới.
Các nhà nghiên cứu văn học giải thích rằng "Tân Thanh"
cũng như sau nầy Phạm Quý Thích còn đổi là "Tân Truyện", hàm ngụ công
việc viết lại câu truyện bằng chữ nôm. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, khi đọc
toàn bản văn, thì "Tân Thanh" còn cảm nhận như là một lời gợi ý của
tác giả về một âm hưởng mới trong nổi đau hàm ngụ trong tác phẩm.
"Nỗi đau" của ai? Cái gì tạo nên đau đớn?
Thông thường thì nỗi đau đớn nầy thường được đồng hoá với
nhân vật Kiều, được hiểu như một phụ nữ nào đó gặp phải hoàn cảnh oan nghiệt
trong cuộc đời.
Trong lịch sử văn học Việt Nam vào thế kỷ 19, cận kề với thời
điểm sáng tác truyện Kiều của Nguyễn Du, hai tác phẩm quan trọng khác đó
là Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúccũng diễn đạt nỗi đau của
những người phụ nữ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Hẳn nhiên đằng sau những phụ
nữ nầy còn là âm vọng của một khối đa số dân chúng và cũng là nỗi thao thức
riêng của các tác giả. Nhưng đặc biệt tựa đề Đọan Trường Tân Thanh nêu
lên một nỗi đau của không riêng gì ai, nghĩa là của tất cả. Cái gì tạo đau khổ
đến đứt ruột, tác giả sẽ diễn tả trong phần dẫn nhập. Nhưng ở đây, khi nổi đau
của tất cả được lồng vào nhân vật duy nhất là Kiều, thì cô Kiều đó được ngầm
hiểu là tượng trưng cho thân phận kiếp làm người.
Nếu Aristote đã nêu lên rằng sự hiểu biết cao độ, nghĩa là
triết học, đòi hỏi phải đi đến mức độ phổ quát, thì tác phẩm "Đọan Trường
Tân Thanh" không phải là bản văn truy tìm cái chung nơi hòn sỏi, cũng như
nơi con người, nhưng là cơn đau chung của kiếp làm người.
Và chúng ta sẽ thấy "Cõi người ta" là cái khung duy
nhất của điều gọi là suy tư hay tư tưởng của tác phẩm "Đọan Trường Tân
Thanh" cũng như của truyền thống văn hoá tạo cảm hứng cho thiên tài Nguyễn
Du, và của những người Việt tiếp nhận âm hưởng của tập thơ nầy.
II.2- Từ bố cục tổng quát tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh
Dựa vào bản văn hiệu chính của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim [3], toàn bộ tác phẩm Đoạn-trường Tân-thanh gồm có 3254
câu.
Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt:
Mở đề: Sáu câu (1-6)
Hai câu chuyển (7-8)
Câu truyện nàng Kiều (8-3240)
Phần tổng luận (3241-3252) với hai câu kết (3253-3254)
Về lối bố cục tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, vấn đề được
nêu lên là sự hiện diện của hai câu kết:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Sau 12 câu thơ tổng luận với nội dung tư tưởng cô động, giọng
văn trang trọng, hai câu kết tưởng chừng như bông đùa đã làm cho nhiều nhà phê
bình văn chương xem đấy là một âm thanh lạc điệu trong một bản trường ca tuyệt
vời. Có người vội đánh giá rằng đây là hai câu thơ tệ nhất đã gượng ghép vào nhằm
đánh lạc hướng những phê phán hay phản ứng bất chừng của triều đình nhà Nguyễn.
Và người ta tự hỏi phải chăng việc sử dụng lối kết luận như thế là một qui ước
của những tác giả đương thời, vừa muốn diễn tả những bực nhọc của mình cũng như
phản ảnh những nỗi khổ đau của xã hội, vừa muốn tránh việc có thể làm phật ý giới
đương quyền [4].
Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, lối diễn tả kỳ lạ nầy của
Nguyễn Du có thể phản ảnh thái độ rất đặc biệt của kẻ sĩ Việt Nam.
Khi đã từng viết
Bất tri tam bất dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như [5]
hẳn tác giả đã mặc nhiên biết về tài năng văn chương đặc biệt
của mình. Nhưng đồng thời với nhận thức nầy, kẻ sĩ hẵn không mang tâm tình của
một Từ Hải
Chọc trời, khuấy nước, mặc dù,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (ĐTTT, câu 3247);
nhưng ý thức sâu xa rằng
Có tài, mà cậy chi tài! (ĐTTT, câu 3247).
Thái độ khiêm tốn đó, dù nó là một qui ước văn chương đi nữa,
thì cũng gợi lên một yêu sách về đạo đức của một kẻ sĩ.
Về sự liên tục tư tưởng liên quan đến mạch văn của phần Tổng
luận, hai câu văn lạc điệu nầy có sức gợi lên những nội dung ẩn kín buộc đọc giả
phải suy tư. Hai câu nầy đi liền với một luận văn, đặc biệt là đi liền với câu
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ĐTTT, câu 3252).
không phải làm giảm niềm thâm tín của tác giả về nội dung phần
Tổng luận, nhưng muốn nói lên giới hạn tài sức của tác giả trước một nội dung
quan trọng nhưng còn nhiều gai góc.
Câu truyện Kiều nêu lên là một tượng trưng còn bất cập; phần
Tổng luận lại nói đến chữ Tâm, nhưng chữ Tâm ấy gợi lên như một âm vọng của một
trực giác, một lời mời đọc giả bước qua câu truyện để chứng thực trong cuộc sống
của mình. Phải chăng với nội dung sinh động của chữ Tâm so với những gì đã diễn
tả được trong tác phẩm, thì tài của Nguyễn Du đi nữa cũng chỉ là những
"lời quê, chắp nhặt, dông dài"; và trước chữ Tâm ấy, tác giả cũng tự
thú rằng những gì đã được viết ra cũng chỉ "mua vui... được một vài trống
canh"?
Qua nhận xét riêng của chúng tôi về hai câu thơ kết luận nầy,
chúng tôi thấy Nguyễn Du đã cống hiến một mặt tính cách siêu vượt của Đạo Tâm,
đồng thời thái độ khiêm tốn cần thiết của con người trước chân lý.
Chúng ta trở lại phần bố cục của tác phẩm Đoạn Trường
Tân Thanh. Ngoài vấn đề hai câu kết luận, thì sáu câu thơ mở đề, hai câu chuyển
(7 và 8), cũng như phần tổng luận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" đến
buộc ta phải xét đến mục đích hình thành tác phẩm nầy.
Khi so sánh với nguyên tác bản văn, học giả Vũ Đình Trác đã
nêu lên mười bảy điểm khác biệt quan trọng và đi đến kết luận:
Có rất nhiều những điểm dị biệt khác, nhất là về phương diện
văn chương - theo ý kiến phần (đông) các học giả - bởi thế tác phẩm của
Nguyễn Du có giá trị của một sáng tác phẩm, chứ không phải một dịch phẩm [6].
Và đặc biệt học giả họ Vũ đã nêu lên hai điểm khác biệt làm
ta lưu ý. Đó là phần mở đầu (điểm khác biệt thứ nhất) và phần kết thúc (điểm
sai biệt thứ mười bốn). Hai phần nầy là sáng tác độc đáo của Nguyễn Du.
"Truyện Kiều kết thúc bằng sự thăng quan tiến chức đầy
danh vọng lợi lộc của Kim Trọng và Vương Quan - Đọan Trường Tân Thanh lại kết
thúc bằng quan niệm Tâm đạo" [7].
Nếu đọc kỹ câu chuyện [8], ta thấy ngay toàn bộ câu truyện của Kiều chẳng qua được dùng
làm thí dụ hay chất liệu để diễn tả luận đề được nêu lên trong phần mở đầu, và
biện minh cho Tổng luận, đặc biệt được khởi đầu bằng chữ "ngẫm".
Như thế, về mặt tư tưởng, chính phần đầu và phần kết là
chủ yếu. Vậy có gì quan hệ khi nêu lên nhận xét nầy?
- Trước hết, để có thể đi vào tư tưởng Nguyễn Du một cách
nghiêm túc, ta cần ưu tiên đi sát với lối đặt vấn đề của chính tác giả. Nghĩa
là những dữ kiện trong truyện Kiều phải được đưa vào cái khung sẵn có trong phần
mở đầu.
- Thứ đến, những chi tiết trong truyện Kiều, dù đã được Nguyễn
Du sửa đổi cho ăn khớp với luận đề, và có thể có những âm hưởng của các truyền
thống văn hoá Nho, Phật, Lão... thì cũng không thể tránh được những hạn chế hay
những ràng buộc với nguyên bản. Hẳn nhiên đại thể của câu truyện đã cống hiến
những chất liệu cần thiết đánh động tâm tư của tác giả; và tác giả đã chọn lấy
câu truyện đó để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng, nếu chỉ phân tích câu truyện,
với những chi tiết lắm lúc gượng ép, và xa lạ với tập tục của cuộc sống dân
gian Việt Nam, mà không lưu ý đến chủ ý riêng của tác giả Nguyễn Du (rõ rệt được
nêu lên trong phần dẫn nhập và phần kết) thì chúng ta dễ đánh mất phần thiết yếu
của tư tưởng Nguyễn Du.
Một nhận xét quan trọng nữa liên quan đến bố cục của tác phẩm,
đó là nỗ lực hệ thống hoá tư tưởng. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp đào sâu điểm nầy
khi phân tích và lý giải phần dẫn nhập và phần tổng luận. Nhưng ở đây, khi đối
chiếu với những tác phẩm như Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc chẳng
hạn, thì rõ rệt bản văn Đoạn Trường Tân Thanh, không còn là một tác phẩm
văn chương tiểu thuyết nhằm kể một câu truyện. Nguyễn Du đã đưa ra những thắc mắc,
trực giác được để nêu lên toàn bộ ở phần dẫn nhập. Tiếp đó, thay vì dùng ngôn
ngữ trừu tượng lập luận từng điểm như lối văn triết học trong các kinh sách
Trung hoa hay Tây phương, tác giả dùng một câu truyện để chứng minh. Và trong
phần tổng luận, Nguyễn Du nêu lên những nhận định riêng của mình ăn khớp với
kinh nghiệm rút ra từ câu truyện để giải đáp những vấn đề nêu lên trong phần dẫn
nhập. Về mặt hệ thống hoá tư tưởng, sau tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái (ở
quyển I) do Vũ Quỳnh hiệu chính, hẳn tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nổi
bật ở điểm nầy.
Chú thích:
[1] Xem Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, hiệu chính và chú giải truyện
Thúy Kiều, Nguyễn Du, Tân Việt, Sài gòn xb in làn thứ 8, tựa, trang VI.
[2] Dư Hoài: Vương Thuý Kiều truyện; Thanh Tam tài
nhân: Kim Vân Kiều truyện.
[3] Bản văn dùng làm tài liệu nghiên cứu dựa vào bản
1995, do nhà xb Văn hoá Thông tin, đã in lại theo bản in lần thứ 8 của nhà xb
Tân Việt, Sài Gòn
[4] Xem hai câu thơ cuối cùng của Chinh Phụ Ngâm và Cung
Oán Ngâm Khúc:
- Tương hội, tương kỳ, tương ký
ngôn
Ta hồ trượng phu đương như thị (của Đặng Trần Côn)
- Ngâm nga mong gửi chữ tình
Đường nầy âu hẳn tài lành trượng phu (của Đoàn Thị Điểm
diễn nôm)
- Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa (Ôn Như Hầu)
[5] Ba trăm năm nữa, ôi không biết
Thiên hạ còn ai khóc Tố Như? Thanh Hiên thi
tập, bài 78, "Độc Tiểu Thanh Ký".
[6] Hán Chương Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
Hội Hữu, xb, California, 1993, tr. 278.
[7] Sđd, tr. 155.
[8] Xem "Kiểu thơm lần giờ trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh" (câu 7-8)
Chương III
Phân tích bản văn Đoạn Trường Tân Thanh
III.1- Phần dẫn nhập: Xây dựng nền tảng của tư tưởng
a. Chủ đề của tác phẩm
Phần dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm tám câu thơ,
nhưng hai câu 7 và 8 là lời chuyển vào câu truyện Kiều, nên có thể nói rằng phần
nầy thực sự chỉ có sáu câu chia làm 2 phần:
Nêu lên chủ đề của tác phẩm: Tác giả chỉ dùng hai câu thơ đầu
để cô đọng hết chủ đề toàn bộ tác phẩm:
Trăm năm, trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh, khéo là ghét nhau
Câu 3 và 4 diễn rộng nội dung câu 1
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Câu 5 và 6 là một cách nói khác câu thứ 2
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Học giả Vũ Đình Trác, khi đối chiếu phần nầy với nguyên tác
Hán văn còn đi đến một nhận xét mạnh dạn hơn:
Nguyên văn mở đầu bằng một bài từ nói về thuyết "hồng
nhan bạc mệnh", rồi kể lại những mẫu chuyện giai nhân bạc mệnh đời xưa, để
phụ họa cho thuyết ấy. Nhưng Nguyễn Du chỉ nói vắn tắt bằng một câu thơ
tám chữ:"Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" để nêu lên cuộc va chạm
giữa Trời và Người [1].
Theo thiển ý của chúng tôi, câu thơ thứ nhất rất quan hệ vì
hai lý do:
Toàn bộ câu truyện Kiều, đặc biệt nhân vật Kiều (và ở câu sáu
là má hồng) được dùng để diễn tả "cõi người ta" ở câu 1.
Về mặt tư tưởng, chúng ta thấy tác giả xác định lãnh vực của
suy tư, đó là hiện sinh con người, tức là tra vấn về cõi người ta nầy.
Vì thế, chúng tôi cho rằng Nguyễn Du dẫn nhập toàn bộ tác phẩm
vào chủ đề được cô đọng trong hai câu đầu.
b- Những điểm nổi bật trong sáu câu thơ mở đầu
Đối chiếu với hai tác phẩm bằng văn nôm đi trước và rất gần với
Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta thấy Chinh Phụ Ngâm(bản dịch của Đoàn Thị
Điểm) và Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu có nhiều chỗ tương hợp
về cả ý lẫn lời văn, đặc biệt trong phần dẫn nhập.
"Thuở trời đất nỗi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy" (CPN, câu
1-4).
"Trải vách quế, gió vàng hiu hắt,
Mãnh vũ-y lạnh ngắt như đồng;
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào! (CONK, câu
1-4)
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu? (CONK, câu 57-58)
Sáu câu thơ đầu của Đoạn Trường Tân Thanh rõ rệt nằm
trong ngôn ngữ và ý tưởng chung của hai tác phẩm Chinh Phụ Ngâmvà Cung
Oán Ngâm Khúc. Sự kiện đó, một mặt phản ảnh một tâm tư rất cá biệt của con người
Việt Nam nói chung, và rõ rệt hơn là của các nhà văn hào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ
19. Như thế, điểm nào là điểm độc đáo của Đoạn Trường Tân Thanh và của
Nguyễn Du?
- Điểm độc đáo quan trọng nhất, không phải chỉ đối với
hai tác phẩm Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc, mà còn đối với
hầu hết tác phẩm văn học Việt Nam khác trước đó, là việc đưa ra một chủ đề
phổ quát cho thân phận con người. Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán
Ngâm Khúc nêu lên một hoàn cảnh đặc biệt, hoặc của một người cô phụ, hoặc
của một cung phi về tuổi xế chiều, và gợi lên một nội dung tư tưởng đặc loại: sự
xa cách hoặc sự dòn mỏng của kiếp người trong thời gian qua đi. Nhưng ở Đoạn-Trường
Tân-Thanh, chủ đề được nâng lên ở cấp độ phổ quát của toàn bộ ý nghĩa cuộc sống,
qua câu "Trăm năm, trong cõi người ta" (ĐTTT, câu 1).
Hệ quả chúng ta thấy là chữ Tài không chỉ hạn chế
trong số ý nghĩa thông thường là sắc đẹp, tài năng thi phú, đàn..., và chữ Mệnh
cũng không gò bó trong một số hoàn cảnh bên ngoài, thường còn gọi là số rủi
may. Các hình ảnh văn chương chỉ là những tượng trưng gợi lên những diễn tiến
trong cuộc vật lộn, hay nói theo Hán Chương Vũ Đình Trác là cuộc va chạm giữa
Trời và Người, kết dệt nên cõi người ta.
Điểm độc đáo thứ hai là các từ ngữ được nhân cách
hoá: ghét, quen thói... đánh ghen. Đoàn Thị Điểm và Ôn Như Hầu cũng có
dùng thuật ngữ nầy khi nêu lên chữ "ai", kéo Trời Xanh xuống cõi người
để đối chất, nhưng trong phần dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, thuật
ngữ nhân cách hóa hiện diện trong mỗi câu thơ tạo nên một khung sinh hoạt đặc
loại, mà Nguyễn Du gọi là "cõi người ta" hàm ngụ một lời chất vấn về
chân tính con người.
c- Trăm năm, trong cõi người ta
Cảm thức về hữu hạn tính
Trong đoạn trình bày về bố cục của tác phẩm Đoạn Trường
Tân Thanh, chúng ta xác định được rằng chủ đề chính nằm trong hai câu đầu:
"Trăm năm, trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh, khéo là ghét nhau".
Nội dung thiết yếu nằm trong câu thứ hai. Tuy nhiên nội dung
đó cũng chỉ thiết định được trong cái khung khai mở ra suy tư văn hoá, tức
là cảnh vực con người nằm trong câu đầu.
Điều đáng lưu ý là ở câu thứ hai, chủ tâm của tác giả không
nhằm trình bày ý nghĩa hay bản chất của chữ Tài hay chữ Mệnhlà
gì hay thế nào, nhưng nhấn mạnh đến sự xung đột giữa Tài và Mệnh. Như thế chủ đề
chính là một thảm kịch, một cuộc chiến [2]. Và muốn rõ hơn về hai đối thủ tranh chiến nhau, thì phải tìm
vết tích của chúng, một phần ở ngay từ ngữ "ghét" được nhân cách hoá
và mặt khác ở trong cái khung của câu một.
Câu một có hai phần: phần đầu gồm hai chữ trăm năm,
một con số chẵn tượng trưng cho mức tối đa của thời gian cuộc sống con người tại
thế; phần thứ hai gồm bốn chữ trong cõi người ta.
Cõi người ta. Chữ cõi gợi lên một không gian, hoặc
tách rời khung cảnh sống chung như cõi biên cương, cõi xa xôi, hoặc giới hạn
vào một thế giới đặc loại như cõi trần, cõi tiên...; người ta, theo nghĩa
thông thường được hiểu là chung chung cho mọi người hàm ngụ một cách biệt nào
đó với tôi.
Chẳng hạn:
"Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề".
Hoặc: Người ta nghĩ vậy, còn tôi nghĩ khác.
Tính cách chung chung nầy, khi đưa vào lãnh vực tư tưởng, thường
được gọi là dư luận (theo lối nói của Platon), hoặc ngay cả dùng lại chữ nầy
(tiếng Pháp gọi là "le on dit") để nói đến một lối suy tư
thiếu phản tỉnh (xem cách trình bày của Heidegger).
Nhưng ở đây người ta, cũng không phải là dư luận cũng
không phải kết hợp giữa hai chữ người và ta, mà nối kết trong
toàn bộ bốn chữ trong cõi người ta; và tiếp sau hai chữ trăm năm, nó
chỉ có nghĩa là con người.
Hai phần nầy của câu thơ đầu làm nên thời gian - không gian hạn
định thế giới của tư tưởng.
Quan niệm về thời gian - không gian để nói lên một toàn khối
cống hiến sự nhất thống cho nhận thức không phải là một sáng kiến mới mẻ. Tiếng
Trung Hoa dùng lối nói vũ trụ (Vũ biểu thị không gian, trụ biểu
thị thời gian) để chỉ toàn khối nầy; còn Kant thì gọi thời gian - không gian là
là những hình thái tiên thiên của trực giác tạo điều kiện cho việc nhận thức
các đối tượng của tri thức sự vật.
Nếu không gian - thời gian là một trực giác phổ biến làm nên
khung của nhận thức, thì sự giới hạn một loại không gian, một loại thời gian đặc
loại, cũng như việc nêu cảnh vực nầy ở đầu tác phẩm, là những yếu tố có tầm vóc
quan trọng buộc ta phải đào sâu ý nghĩa.
Qua công việc phân tích của các bản văn trong cuốn I của tác
phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, chúng tôi cũng đã
khám phá được rằng ưu tư văn hoá trong các bản văn ấy không phải là truy tìm bản
chất hay nguồn gốc của mọi vật theo nhận thức dựa vào nguyên tắc nhân quả;
nhưng ưu tư văn hoá được gói gọn trong việc mô tả các trực giác về các mối tương
quan của hữu thể con người.Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du lại nói
rõ hơn nữa về mối ưu tư đặc loại nầy của tư tưởng: Cảnh vực thiết yếu
trong đó tư tưởng đến với con người là chính cuộc đời con người chứ không ở nơi
nào khác.
Nhưng nếu hai tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái và Đoạn
Trường Tân Thanh nêu lên cảnh vực hiện sinh con người, thì không có nghĩa
là hai tác phẩm nầy chỉ biết đến một lãnh vực trong ba lãnh vực của bộ môn siêu
hình học Tây phương (vũ trụ, con người và Thượng đế).
Để có thể am tường sự khác biệt tinh tế nầy, chúng ta thấy
trong tiến trình lịch sử triết học Tây phương, Kant đã dày công kiểm thảo nền tảng
của truyền thống tư tưởng ấy và đi đến kết luận:
Khung của triết học, theo ý nghĩa toàn bích nầy của nó, qui về
bốn câu hỏi sau đây:
1- Tôi có thể biết gì?
2- Tôi phải làm gì?
3- Tôi hy vọng được điều gì?
4- Con người là gì? [3]
Qua câu hỏi cuối cùng của Kant, chúng ta thấy truyền thống
triết học Tây phương đã quay lại khởi nguyên câu hỏi của Socrate, đã lấy con
người làm ưu tư tối hậu cho tư tưởng; nhưng trong sự quay lại đó, Kant vẫn bị
ràng buộc với đường mòn siêu hình học cũ khi nêu lên "con người là gì?".
Chữ là gì (=quid) trong câu nầy phản ảnh tiền kiến về một sự am
tường về thế giới chung của hữu thể (= cái gì) mà con người được nêu lên để
đối chiếu.
Tiếp sau thời phục hưng Tây phương, trào lưu nhân bản dần dà
được triển khai về mọi mặt trong lịch sử văn hoá nhân loại. Nhưng xuyên qua các
câu hỏi rốt ráo cuối cùng Kant nêu lên để thiết định lại nền tảng siêu hình học
truyền thống Tây phương, ta thấy mặc dù lấy "Con người" làm "bản",
nghĩa là con người trở thành ưu tư tối thượng và nền tảng của tư tưởng, thì con
người đó cũng không vượt qua khỏi tiền kiến của một câu hỏi tiên thiên -
nó là gì?-, nói một cách khác cái gì (quid) đã được mặc nhiên
nhìn nhận như một nền tảng đã có sẵn trong tầm tay con người để "con người"
có thể qui chiếu.
Câu chuyện Bánh chưng trong quyển I Lĩnh Nam
Chích Quái cống hiến một lối giải thích chu đáo về sự khác biệt giữa trực
giác về nhân tính trong văn hoá Việt Nam và những quan điểm về con người trong
các nền nhân bản đang thịnh hành.
Vua Hùng Vương thứ ba muốn truyền ngôi báu (tượng trưng
cho Vương đạo, tức là nhân tính con người) cho 22 người con. Ngài ra lệnh
cho các con đi tìm lễ vật nào ngài vừa ý nhất để truyền ngôi báu. Hai
mươi mốt (21) vị đã dựa vào tài sức của mình đi tìm được nhiều loại lễ vật vàng
bạc, châu báu...chỉ có Lang Liệu lắng nghe lời thần dạy làm bánh dày - bánh
chưng, tượng trưng cho Đất - Trời - Người kết hợp, nên được vua cha truyền ngôi
Vua.
Các nền nhân bản đang phổ biến đã tiền kiến ngôi vua (tức
là tượng trưng của nhân tính) có thể ví như một cái gì quí giá nhất
mà tài sức mình đánh giá được để có thể sang đổi. Họ đã dựa vào sự giúp đỡ của
các quan lại thân thiết, cũng như nỗ lực tìm tòi của mình, và cũng dựa vào giá
trị của các phẩm vật quí giá bên ngoài. Nhưng với Lang Liệu, chàng thấy hụt
chân vì không thấy được có cái gì theo sự hiểu biết của chàng trong
vũ trụ nầy có thể đẹp được lòng vua cha. Chàng theo lời thần nhân, khởi đầu với nhân
tính qua mối tương giao trời Đất - Trời - Người mà tượng trưng là hai chiếc Bánh
dày - Bánh chưng và hoàn thành các mối tương giao đó, nên đạt được Vương Đạo.
Với câu truyện tượng trưng nầy, chúng ta thấy ưu tư của văn
hoá, của tư tưởng nơi Vũ Quỳnh, nơi Nguyễn Du không phải xây dựng một nền nhân
bản nào đó, một loại nhân bản trong muôn ngàn nền nhân bản ngày nay, tiền
kiến rằng con người là một cái gì, dù cao quí hơn những cái gì chung
quanh nó, nhưng vẫn đặt nền tảng trên "cái gì" nói chung.
"Trăm năm trong cõi người ta" là thế giới của những
con người, những ai, như có một sự xa cách hữu thể học đối với những
gì trước mắt, làm ta suy tư. Trong kỹ thuật văn chương, Nguyễn Du dùng thuật ngữ
nhân cách hoá ở phần dẫn nhập để đưa đọc giả vào cảnh vực đặc loại nầy. Một lời
nói làm ta vui, ta hy vọng, ta ghét, ta giận...chỉ có thể cảm nghiệm được trong
"cõi người ta"; nó không có một cứ điểm nào trong thế giới những cái
gì nào đó để thiết định cả. Và chính cái lạ kỳ của sự kiện nhỏ nhoi đó cũng cho
thấy nét "linh ư vạn vật" của nhân tính, và cảnh vực riêng của sinh
hoạt gọi là văn hóa và tư tưởng.
"Trăm năm trong cõi người ta", cảnh vực giới hạn đó
có gì khác với "hai chục năm, vài trăm năm tuổi thọ tối đa của một sinh vật
nào đó trong thiên nhiên, cây cỏ, thú rừng..., với những sinh hoạt riêng thuộc
giống loại của chúng"?
Trên bình diện gọi là khoa học khách quan, hay nhận thức đặt
nền tảng trên câu hỏi căn nguyên là "cái gì", hai đối tượng truy cứu
nầy không có gì khác nhau.
Thời hạn của một sinh vật sống chỉ được 5, 10 phút hay vài
trăm năm đến với con người như một nhận thức của một sự hiểu biết gọi là vô tư.
Nếu thi ca có đặt thành vấn đề phù du của tạo vật, thì không phải vấn đề phát
xuất từ sự kiện bên ngoài để đối chiếu với thân phận hữu hạn của cuộc
đời con người. Cảm thức về hữu hạn tính thực sự chỉ xuất hiện ra trong "cõi
người ta", hàm ngụ một tâm tình bất an: nhận thức hữu hạn đó bị chính chủ
thể từ khước, không thể nào chấp nhận được. Sự chối từ căn nguyên nầy biểu lộ
qua chữ "không" căn nguyên tạo nên một tranh chấp, va chạm với nhận
thức của chính mình.
Và kinh nghiệm nầy được diễn tả rất linh hoạt trong tư tưởng
của Lão tử về cái "Vô" căn nguyên, cũng như trong từ ngữ Polemos (cuộc
chiến) của Héraclite.
Cũng như lối nói truyền thống Hy lạp về Nỗi nhớ căn
nguyên hay Đại ký ức, tác giả chuyện Họ Hồng Bàng đã từng dùng lối
văn tượng trưng để diễn tả cảm thức về hữu hạn tính và những con đường khác
nhau của tư tưởng.
Hai nhân vật tượng trưng cho ý thức hữu hạn tính là Đế Lai và
Âu Cơ.
Đế Lai tuy đang trị vì phương Bắc, nhưng "sực nhớ đến
chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ".
Phương Bắc là tượng trưng cho giới hạn tự nhiên cho cảnh vực
con người, nhưng tự trong giới hạn nầy, nỗi nhớ phương Nam dấy lên
trong người mình buộc Đế lai phải ra đi.
Nhưng nổi nhớ có sức đưa Đế Lai về phương Nam cũng
đồng thời xuất hiện với chủ tâm riêng của Đế Lai:
Vất bỏ Âu Cơ một mình
Phương Nam của cảnh vực siêu việt con người nay bị chuyển
thành phương Nam của toàn thể các sự vật mà mình ham muốn.
ở đây một lần nữa cho thấy có sự tương hợp giữa cách đặt vấn
đề của Đế Lai và nền nhân bản phát xuất từ Kant. Thế giới vô tận làm khung cho
nhận thức siêu nghiệm của Kant là không gian vô tận, thời gian vô tận nhằm giúp
con người thu thái càng ngày càng nhiều kiến thức về sự vật. Trong Kant
chúng ta cũng thấy nhận thức siêu nghiệm được khám phá đồng thời với ý thức về
hữu hạn tính của con người. Nhưng ngay cả ở trong đặc tính hữu hạn nầy, tư tưởng
Việt Nam có những điểm khác biệt với tư tưởng Kant:
Nhận thức hữu hạn của Âu Cơ là nỗi cô đơn, không những bị nhốt
một mình trong trại của Đế Lai, mà cảm thức thiếu vắng mối tương giao với một
ai khác. Nàng chung mang nổi khổ của nhân dân nước Nam và đêm ngày mong đợi
Long Quân. Từ thân phận hữu hạn nầy, nàng được Lạc Long Quân đột nhiên đến,
nâng nàng lên thân phận đồng sàng với Thần thánh, thể hiện trọn vẹn nhân tính.
ở vào đoạn khác, cũng nhân vật Âu Cơ và cũng ở trong một hoàn
cảnh diễn tả hữu hạn tính của thân phận nàng; nhưng ở đây Âu Cơ nằm trong một
cuộc tương tranh khi thì vừa muốn mặc lấy tâm tình của Đế Lai, khi thì vừa giữ
lấy tâm tình Âu Cơ ở đoạn đầu. Lúc ở một mình, vì vắng mặt Long Quân đang ở Thủy
phủ, nàng lại đem con trở về Bắc Quốc của Đế Lai, nhưng vì con đường đó bít lối,
nàng lại quay đầu về phương Nam kêu cứu Long Quân.
Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái chọn hai phản ứng tiêu biểu đối
nghịch nhau trước cảm thức về nhân tính dấy lên từ kinh nghiệm hữu hạn của thân
phận con người, sau đó mới đưa vào cõi thực của nhân sinh như một cuộc chiến giữa
hai đối lực. Nhưng trong mỗi một lối trình bày, ta luôn thấy tư tưởng phát xuất
từ hai yếu tố bất khả phân ly: siêu việt và hữu hạn, nỗi nhớ Một phương Nam ẩn
dấu, hay sự hé lộ của siêu việt tính, xuất hiện khi con người chạm trán với
thân phận hữu hạn của mình.[4]
Nơi Đoạn Trường Tân Thanh ta không thấy tác giả
minh nhiên nêu lên trực giác về nỗi nhớ hay siêu việt tính đi trước theo lối
văn chương diễn dịch cổ điển của Trung hoa, Hy lạp hay cả trong Lĩnh Nam Chích
Quái; trái lại tác giả dùng lối diễn tả hiện thực, khởi đầu từ việc chứng kiến
cuộc chiến đang xảy ra trong cuộc đời, cảm nhận nỗi đau, và từ đó đưa ra một nhận
định theo khả năng hạn chế của thân phận hữu hạn của mình. Có thể nói đây là bước
đi của Âu Cơ đi về phía Bắc của Đế Lai và đang gặp bế tắc, nhưng chưa từng ngộ
được Long Quân trong Đại-ký-ức. Siêu việt tính vẫn ở cận kề, nhưng tương
quan với hiện sinh như một sự vắng mặt, một sự làm thinh phi lý xét về phía con
người. Sự bất tương hợp Tài - Mệnh, nỗi đau về tình trạng phi lý và
không có cách gì cứu gỡ được nầy, dấy lên nỗi phẫn uất hoặc than oán qua những
chữ dùng rất mạnh được nhân cách hoá, ở phần dẫn nhập nầy: ghét, ghen.
Trong truyền thống văn hoá nhân loại, ta chứng kiến lối nói nầy của Job (sách
Job trong Thánh kinh Do-thái) Prométhée (trong kịch bản Prométhée bị trói của
Eschyle) hoặc trong các tác phẩm của Nietzsche. Trong phần truyện Kiều, cũng
như các tác phẩm đương thời của văn học Việt Nam như Chinh Phu Ngâm, Cung
Oán Ngâm Khúc, trong mỗi hoàn cảnh hữu hạn phi lý, các tác giả không ngại diễn
tả phản ứng bực dọc:
- Phũ phàng chi mấy Hoá công!
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha (ĐTTT, 85-86).
- Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay? (ĐTTT, 411-412)
- Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan nầy còn một kêu Trời, nhưng xa! (ĐTT, 595-596)
- Trăng già độc địa làm sao?
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên! (ĐTTT, 687-688)
Làm chi dày tía, vò hồng lắm nao! (ĐTT, 1129-1130)
- Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy (CPN, 3-4)
- Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi (CONK, 73-74)
Tóm lại cảm thức hữu hạn tính là một trực giác căn nguyên gắn
liền với "cõi người ta", dấy lên một cuộc chiến nội tâm, khai lộ nhận
thức về lời tra vấn liên quan đến chân tính con người. Và sáu chữ đầu của Đoạn-trường
Tân thanh đã cô động toàn bộ chủ đề nền tảng đó của tư tưởng.
d- Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Đây là câu tra vấn nền tảng về chân tính con người tại thế.
Câu thứ hai là chủ đề, nêu lên sự kiện thiết yếu buộc con người
phải suy tư. Riêng vị trí ở câu hai gắn liền với câu đầu định vị "cõi người
ta", ta thấy sự kiện đó không phải là một kinh nghiệm hậu thiên, của một sự
việc đã xảy ra rồi, nhưng xuất hiện như một trực giác căn nguyên, một khả năng
tiềm ẩn nơi tâm con người trong thân phận tại thế của nó. Nếu đối chiếu với bố
cục của truyện Kiều ở phần thứ hai, ta càng thấy rõ hơn. Trước khi chứng kiến Tài và Mệnh xung
khắc qua những giai đoạn khổ đau sau nầy của mình, Kiều đã tiền cảm "một
thiên bạc mệnh":
"Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân" (ĐTTT, 34).
Ta cũng gặp lại cảm thức nền tảng và căn cơ đó trong một câu
thơ hầu như đương thời nơi Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu:
"Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra" (CONK 55-56).
Hơn thế nữa, trực giác nầy không hướng đến một hoàn cảnh
riêng biệt để dừng lại trong một sự kiện cá biệt; nhưng trước một kinh nghiệm
nhất định, nó tiếp nhận ngay yếu tính toàn bích của "cõi người ta".
Trong câu truyện Tất Đạt Đa gặp một số cảnh tang thương của những kẻ ngoài phố
cho ta một thí dụ điển hình. Từ những kinh nghiệm nhất định nầy, Ngài đã chứng
ngộ được yếu tính căn cơ về cuộc đời là hữu hạn, bất tất và khổ. Kiều cũng có một
kinh nghiệm tương tự, khi đứng trước một ngôi mộ vô chủ:
"Đau đớn thay, phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh của là lời chung (ĐTTT, 83-84).
Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu" (ĐTTT, 107-108)
Đáng lưu ý nữa là trong câu "Chữ tài chữ mệnh khéo là
ghét nhau", điểm nhấn mạnh cũng còn là lời tra vấn buộc mọi người phải giải
đáp ở đây không phải là câu hỏi nhằm tìm hiểu bản chất của chữ tài hay chữ
mệnh, nhưng là thắc mắc về tương quan xung khắc của hai đối lực trong nội
tâm con người tại thế.
Nếu Hécraclite dùng chữ cuộc chiến (Polemos) thì
thánh Augustinô lại dùng chữ bất an (Cor inquietum), Kierkegaard đã
dùng chữ khắc khoải và từ ngữ nầy được dùng lại trong lối diễn tả của M.
Heidegger.
Trong truyện Họ Hồng Bàng, có hai chi tiết trùng hợp với câu
thơ nầy về ý tưởng. Trước hết là ý nghĩa tên gọi Âu Cơ, tượng trưng của hiện
sinh bất an của con người, và chi tiết thứ hai là sự mâu thuẫn dồn dập nơi thái
độ Âu Cơ khi Long Quân vừa vắng mặt: Tuy nhớ Long Quân, nhưng Âu Cơ lại quay về
phương Bắc của Đế Lai và bị Hoàng Đế ra lệnh chận lại nên bí lối.
Cuộc chiến "nội tâm" dấy lên nhằm tra vấn về một nội
dung duy nhất: đâu là chân tính của con người để vượt thắng nỗi bất
an nầy?
Câu trả lời phát xuất từ tài sức và trí tưởng tượng của con
người: là hẳn phải do một đối lực đầy quyền uy nhưng xa cách và ghen ghét, thù
oán, thân phận con người tại thế:
"Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (ĐTTT, câu
6)
Nếu đối chiếu với truyện Họ Hồng Bàng, ta thấy rõ rệt có một
sự khác biệt về phẩm tính gán cho siêu việt tính hay Trời xanh, hoặc Lạc
Long Quân, trong hai tác phẩm. Lạc Long Quân ở truyện Họ Hồng Bàng là người đến
trước nâng con người lên địa vị thần thánh, luôn gia ơn và gần với con người mặc
dù ẩn kín. Trong Đoạn Trường Tân Thanh, ở phân dẫn nhập, (cũng như
trong Chinh-Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc) Trời xanh, tuy vẫn ẩn
dấu, nhưng luôn xa cách và xuất hiện gián tiếp qua Mệnh (thường hiểu là bạc mệnh)
như một đối thủ oan nghiệt với con người. Tuy kết luận hai bên sẽ đồng quy
(chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy khi phân tích phần tổng kết) nhưng vì hai tác
phẩm mỗi bên nhấn mạnh đến một lãnh vực sinh hoạt khác nhau của nhân tính, nên
có hai lối diễn tả:
Ở truyện Họ Hồng Bàng, tác giả đi từ nguyên thủy nhân tính
ghi ở Đại-ký-ức con người; chân tính ẩn dấu mặc dù thực tại của lịch sử lãng
quên nhưng được nêu lên trước để làm nền. Và, lối văn được diễn tả là lối văn
huyền thoại. Nó đi từ khung cảnh tích cực từ phía siêu việt tính, để khai mở
cho thấy điểm tiêu cực của lịch sử qua cuộc phiêu lưu về phương Bắc của Âu Cơ.
Ở phần dẫn nhập Đoạn-Trường Tân-Thanh là lối văn tả
thực, bám sát vào hiện sinh tại thế đang gặp phải cảnh bí lối, bất an, hàm ngụ
trước hết siêu việt tính đang vắng mặt một cách phi lý đi từ nhận thức lầm lạc
cố hữu của con người. Nhưng chính từ cảm thức bất an, bí lối đó, toàn bộ nhận
thức, cảm xúc và ngay cả phán đoán nhất thời của con người, được đặt thành câu
hỏi trường kỳ về nhân tính. Nếu ở truyện Họ Hồng Bàng, con người đã được diễn tả
đến mức độ thần hoá (không ăn, không bú mà tự nhiên trường đại), thì ở phần dẫn
nhập của Đoạn Trường Tân Thanh ta thấy hiện tượng siêu việt tính là Trời xanh lại
mang thân phận hữu hạn của chính con người (= quen thói mà hồng đánh ghen).
Trong cuộc sống của con người, và đặc biệt của người Việt
Nam, chúng ta thường xuyên gặp lại hai phương cách diễn tả nầy về mối tương
giao với siêu việt.
Khi đã lưu ý đến điểm chủ yếu của toàn câu thơ nằm ở phần
"khéo là ghét nhau", thì chữ Tài chữ Mệnh sẽ được
hiểu trong khuôn khổ của toàn bộ nhân sinh; nghĩa là một khung trời hay con đường
đi của con người (tài) và một câu trả lời của một đối lực ẩn dấu cũng ở trong
mình, phủ định con đường mình đang đi (đó là mệnh).
Với cách đặt vấn đề bi tráng và rốt ráo về thân phận con người
tại thế đối chất với trực giác về sự vắng mặt hay ẩn dấu của chân tính, Nguyễn
Du, qua phần dẫn nhập Đọan Trường Tân Thanh đã đưa nền văn học Việt
Nam vào mức cao điểm của những ưu tư nền tảng về tư tưởng hướng dẫn cuộc sống
nhân loại.
Nó phản ảnh hai chân trời tương phản của ngài Tất Đạt Đa, con
người trong hoàng cung và con người khắc kỷ tìm Đạo để chứng nghiệm bế tắc trước
khi gặp chân trời giải thoát mới.
Nó diễn đạt hùng hồn những câu văn nghịch lý của Đạo-đức-kinh
về cõi "thiên hạ", để làm nổi bật "Đạo thường ẩn dấu" khác
với "Đạo khả đạo" của nhân vi.
Nó phác họa những lý chứng được xem là tự nhiên của "tâm
duy nguy" trong thế giới hữu hạn của "bá đạo" để tra vấn về siêu
việt tính "duy vi" của Tâm đạo.
- Nó cô
động lối nói về cuộc chiến nguyên sơ của Héraclite, để gợi lên sự giả tạo, thiếu
nền tảng của niềm vui hài hoà dựa vào nỗ lực của tài trí con người, để hướng tư
duy về một Logos ẩn kín, siêu việt, mà tiếc thay truyền thống triết học
Tây phương đã đồng hoá với khả năng luận lý trong tầm tay của lý trí con người:
"Chữ Logos mà người ta hiểu, không bao giờ biết được, trước khi nghe nói đến
cũng như sau khi đã được nghe" [5]; "Sự hài hoà ẩn kín có giá trị hơn nhiều so với sự
hài hòa trước mắt" [6]; "Về chữ Logos mà người ta biết được, và Logos bao trùm tất
cả, hai bên xung khắc nhau, và điều mà người ta đều phải hiểu thì lại còn
xa lạ với họ" [7]; "Sự sắp xếp có đầu đuôi (theo khả năng con người) dù
đạt đến mức hoàn hảo tốt đẹp nhất cũng chỉ là một đống phân được tổng hợp lại
do may rủi" [8].
Nó là nội dung thiết yếu của tư tưởng Sophocle trong đại tác
phẩm "Oedipe vua", diễn tả sự xung khắc rõ rệt giữa Tài và Mệnh và
nổi đau thống thiết của kiếp làm người trước sự phi lý của hiện sinh mà không
có cách gì giải nổi.
Nó cũng là cảm thức phẫn nộ của Promethée trong tác
phẩm "Prométhée bị trói" của văn hào Eschyle, một nhân vật tượng
trưng đã tận lực phục vụ cho hạnh phúc và tiến bộ của nhân loại, nhưng bị đọa
đày bởi Trời xanh Zeus.
Nó thể hiện linh động tình trạng mâu thuẫn của tư tưởng
Socrate, vừa cổ súy con người "hãy tự biết mình" vừa tự thú là điều
thực sự mình biết là mình không hề biết gì cả!
Nó là nỗi khắc khoải của nhà tư tưởng thánh Augustinô, khi tự
thú: "Tâm hồn chúng con khắc khoải, bất an".
Nó gần gũi với thái độ được xem là khôn ngoan của
con người đau khổ Job, khi bất chấp mọi lý chứng truyền thống, đã kêu lên
với Trời xanh để tra vấn về sự phi lý của thân phận con người vô tội đang bị định
mệnh oan nghiệt đổ trên mình.
Nó đi vào thân phận tự do kinh hoàng của con người theo lối
nhìn của Dostoievski, qua một lăng kính tinh thần xa lạ với cái nhìn về con người
"nhân bản" phát xuất từ thời Phục hưng Tây phương. Thân phận con người
tinh thần, tự do bi thương đó được triết gia Nicolas Berdiaeff diễn tả như sau:
"Shakespeare, nhà tâm lý tuyệt vời, vẫn là nhà tâm lý của
nghệ thuật nhân bản.
Còn Dostoievski lại xuất hiện vào một thời đại khác của thế
giới, ở một giai đoạn khác của nhân loại. Nơi ông con người cũng đã chấm dứt
tình cảm thuộc về vũ trụ khách quan mà Dante đã từng dừng lại.
Tiếp diễn qua Thời Tân Kỳ, con người đã tự định vị mình trên
mặt đất, tự nhốt mình trong một vũ trụ thuần con người - Thiên Chúa, quỷ, trời
xanh và địa ngục đã bị đẩy lui vào cõi bất tri, không còn liên hệ đến cõi trần
nữa, đến độ tất cả những thực thể đó mất hết dấu tích. Con người bây giờ trở
thành một tạo vật trơ trẽn với hai chiều kích, con người đã mất đi chiều kích của
siêu việt tính thâm sâu. Chỉ còn sinh hồn (là đối tượng tâm lý), còn thần trí
(linh hồn) của nó như đã biến đi đâu rồi. Nhưng, một ngày nào đó, các sinh lực
sáng tạo, niềm vui đã khởi phát và tô điểm cho thời đại Phục hưng, cạn đi. Con
người cảm thấy nền đất dưới chân mình không còn vững chãi và kiên cố như mình
tưởng. Từ chiều sâu ẩn kín nầy, những tiếng vọng bỗng nhiên bật vang lên, sự hiện
hữu của miền nằm sâu dưới từng đất nầy và bản chất núi lửa phun trào của nó bắt
đầu xuất lộ. Một hố thẳm mở ra từ đáy vực của lòng con người, và bây giờ Thiên
Chúa và quỷ thần, Trời xanh và địa ngục sẽ tái xuất hiện. Trước hết, trong cõi
thâm sâu nầy người ta sẽ chập chững di động: ánh sáng ban ngày dành riêng chiếu
dọi thế giới của sinh hồn và thế giới vật chất bắt đầu tàn lụi, nhưng ánh sáng
mới vẫn chưa sáng rực lên" [9].
Câu "chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" đánh dấu
trực giác của ngày mà ánh sáng ban ngày của tài sức con người đang tàn lụi và
cũng là ngày mà tự đáy vực của siêu việt tính thâm sâu dấy lên tiếng vọng chất
vấn con người phải suy tư về chân tính trọn vẹn của mình. Ánh sáng của chân
tính chưa rực lên, nhưng âm vọng của nó đã đến trong sự chối từ trật tự hoan lạc,
hữu lý của ánh sáng ban ngày của con người (= tài). Cảm thức về sự phi lý
của cuộc đời và nỗi đau nguyên sơ nầy là ngưỡng cửa đi vào "Nhà chân tính
siêu việt", tức là ngưỡng cửa Tiền Đường.
Lối dẫn nhập đó của Đoạn Trường Tân Thanh làm ta
liên tưởng đến lời than oán của tác giả Thánh vịnh trong bản văn Cựu ước [10] mà Con Người Giêsu đã dùng để kêu lớn tiếng trước khi chết
trên thập giá: "Êli, Êli lema sabakthani": lạy Thiên Chúa tôi, lạy
Thiên Chúa tôi! nhân sao Ngài lại bỏ tôi? (Mt. 27, 46).
Chú thích:
[1] Hán Chương VŨ ĐÌNH TRÁC, Triết lý nhân bản Nguyễn Du,
tr. 270.
[2] Theo lối nói của Héraclite là Polemos.
[3] Kant, Oeuvres, (Cass.) VIII, p. 343.
[4] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Tiếp cận Tư tưởng Việt Nam
, quyển I, Phần 2.
[5] Héraclite, Fg. 1.
[6] Sđd,
Fg. 54
[7] Sđd,
Fg. 72.
[8] Sđd,
Fg. 124.
[9] Nicolas Berdiaeff, L'esprit de Dostoievski, bản dịch
của Alexis Nerville, ed. Stock, Paris, 1974, tr. 54-55.
[10] Tv. 22, 2.
III.2- Câu truyện Kiều
Những chỉ dẫn thiết yếu để đi vào phân tích tư tưởng truyện Kiều
Việc phân tích Phần dẫn nhập, dựa vào chính bản văn
của Đoạn Trường Tân Thanh, giúp chúng ta đi vào chính chủ đề mà Nguyễn Du muốn
khai triển, đó là "tra vấn về chân tính của con người từ thực trạng của
con người tại thế".
Câu truyện Kiều ở phần thân bài là một tượng trưng điển hình,
nó chỉ có giá trị tư tưởng khi lồng vào khung của chủ đề nầy. Hệ luận của hướng
nghiên cứu về truyện Kiều trước hết là tìm sự nhất quán của bản văn nối kết
liên tục giữa chủ đề và chất liệu dùng làm điển hình để chứng minh. Cần lưu ý sự
nhất quán nầy để hiểu những điểm độc đáo của chính tác giả:
Cũng như bao nhiêu nhà văn hào khác, luôn luôn có sẵn những
truyền thống tư tưởng ảnh hưởng trên tâm tư của mình. Nhưng, một mặt tư tưởng
xuất hiện trong mỗi tác giả có thể trùng hợp, ngay cả trong từ ngữ được dùng,
mà không nhất thiết đã có những ảnh hưởng trên nhau; mặt khác sự thâu hoá các
kiến thức do các truyền thống văn hoá khác nhau đem lại cũng không loại trừ
thiên tư độc đáo của một nền văn hoá đặc loại hay một tác giả trong nỗ lực, tiếp
thu, thanh lọc, tổng hợp dựa vào trực giác sẵn có nơi mình.
Thứ đến, khi dựa vào sự vay mượn một mẫu truyện Trung hoa đã
có sẵn để làm chất liệu khai triển tư tưởng của mình, Nguyễn Du chân nhận nơi
nguyên bản có những dữ kiện chung chung, hoặc hướng tư tưởng trùng hợp với chủ
đề của mình, nhưng dù sao việc vay mượn đó có những giới hạn:
- Dù đã loại trừ hay sửa đổi nhiều chi tiết như học giả Hán
Chương Vũ Đình Trác đã dày công truy cứu trong luận án Triết lý nhân bản của
Nguyễn Du, nhưng không thể loại bỏ hay sửa đổi hết những nếp suy tư, thủ thuật
văn chương gắn liền với tài năng sáng tác của tác giả nguyên bản.
- Một bản văn rút ra từ một cuốn tiểu thuyết cống hiến cho ta
nhiều mảnh tâm tư khác nhau, được diễn tả ngôn ngữ riêng của từng nhân vật. Sự
kiện đó tạo nên một kho tàng phong phú về mặt nghiên cứu tâm lý xã hội, biến
chuyển về nội dung của một từ ngữ theo tâm thức của mỗi khung văn hoá, hay nhân
vật khác nhau. Nhưng tính cách phong phú của lối văn nầy, nếu đối chiếu với lối
văn qui ước để diễn tả tư tưởng thành hệ thống, trong đó mỗi từ ngữ được xác định
trong một nội dung nhất định, thì dễ tạo nên một cảm tưởng rằng Đoạn Trường
Tân Thanh có quá nhiều mâu thuẫn xét về mặt tư tưởng nhất quán của nó.
Trong nỗ lực tìm cốt lõi tư tưởng của Nguyễn Du qua Đoạn
Trường Tân Thanh, được nêu rõ trong phần dẫn nhập cũng là chủ đề của tác phẩm,
chúng ta sẽ đặc biệt theo sát sự nhất quán của chủ đề và tạm đóng ngoặc lại những
vấn đề liên quan đến luân lý tâm lý xã hội của câu truyện.
Nội dung của tượng trưng nhân vật Kiều
Kiều là hiện thân cuộc chiến giữa Tài và Mệnh. Trong
phần giới thiệu Kiều Nguyễn Du đã đưa nàng lên mức độ cao nhất mà con người
đánh giá được để diễn tả mức rốt ráo của chữ Tài:
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai (ĐTTT, 28).
Và qua lời phát biểu của một tiểu Kiều trong giấc mộng (Đạm
Tiên), nàng cũng là người đứng giải nhất trong sổ đoạn trường, nghĩa là hiện
thân của nỗi đau làm người hay bạc mệnh. Nên tác phẩm Đoạn Trường Tân
Thanh được dân gian gọi tắt là truyện Kiều lại đi đúng với chủ đề
hơn những lối gọi tên khác như Thúy Kiều hoặc Kim Văn Kiều Tân
Truyện. Các cách gọi tên thứ hai nhấn mạnh đến câu truyện hơn là chủ đề được
Nguyễn Du nêu lên.
Nhân vật Kiều được mặc nhiên dùng để chỉ về "cõi người
ta" hay thân phận con người tại thế. Nhiều câu thơ trong Đoạn Trường
Tân Thanh gợi lên tính phổ quát mà nhân vật nầy tượng trưng:
Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (ĐTTT, 107-108)
hoặc
Trời kia đã bắt làm người có thân...
Có đâu thiên vị người nào,
Nhưng trong lối áp dụng tượng trưng có tính cách phổ quát nầy,
tác giả cũng đã đùng một số qui ước văn chương đặc biệt để nhấn mạnh đến hoàn cảnh
tại thế của con người, qua Kiều.
Trước hết, là hình ảnh người phụ nữ. Người phụ nữ
tượng trưng cho thân phận hữu hạn tại thế của con người cũng rất quen thuộc
trong các lối nói văn chương của các nền văn hoá nhân loại. Huyền thoại Trung
hoa đã nói đến Nữ Oa; Thánh kinh Do thái, Kitô giáo đã luôn dùng thành ngữ con
gái Sion, người nữ được Thiên Chúa sủng ái; và đặc biệt trong câu truyện lập quốc
Họ Hồng Bàng, Âu Cơ là người Mẹ nhân loại, biểu thị cho thân phận con người
trong thời gian. Trong Đoạn Trường Tân Thanh Kiều mặc lấy thân phận người
đàn bà nói chung nầy, nghĩa là nhân loại trong "cõi người ta".
Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (ĐTTT, 83-84)
Quy ước văn chương thứ hai cũng rất thường được dùng là sắc đẹp
trên mặt = má hồng, hồng nhan.
Trong truyện Họ Hồng Bàng, nàng Âu Cơ được tác giả truyện ấy
mô tả là "dung mạo đẹp lạ lùng". Ôn Như Hầu trong truyện Cung Oán
ngâm khúc dùng chữ má đào:
Mà xui phận bạc nằm trong má đào! (CONK, câu 4).
Chữ Tài trước hết được cô động trong sắc đẹp, mà màu sắc tượng
trưng là màu đỏ, màu hồng gợi lên sự sống (màu máu huyết) của thân xác bên
ngoài nơi sinh vật. Màu đỏ trên khuôn mặt, trên đôi má diễn tả cảm năng tự
nhiên của con người bị thu hút bởi hình ảnh trước mắt. Trong ngôn ngữ Việt Nam,
để nói đến nội dung khác so với cái đẹp hồng nhan nầy, người ta
dùng chữ duyên. Duyên hàm ngụ một sắc đẹp không thấy bằng mắt, mà sau nầy
Kiều nhờ đấy mà biết đến (Giác Duyên) một chân trời khác sau khi kết
liễu đời mình trên sông Tiền Đường nhờ Giác Duyên cứu vớt.
Dostoievski trong truyện anh em nhà Karamazov có lần đã thấy sự xung đột giữa
hai thế giới qua hai sắc đẹp má hồng và Duyên như sau:
"Sắc đẹp không phải chỉ là một cái gì đáng kinh hoàng,
mà còn là một điều kỳ bí. Nơi ấy, quỷ chiến đấu với Thiên Chúa, và bãi chiến
trường là tâm con người" [1].
"Má hồng" tóm lại là tượng trưng của năng lực lôi
kéo Đế Lai đi tìm các của lạ ở phương Nam, là bước đi tự do của Âu Cơ quay lại
phương Bắc của Đế Lai, hàm ngụ việc quên lãng Lạc Long Quân. Má hồng
trong Đoạn Trường Tân Thanh là khả năng phán đoán, đánh giá của con
người trong thân phận tại thế, quên lãng siêu việt tính
trong Tâm mình.
Quy ước văn chương thứ ba là thành ngữ bạc mệnh. Ở trong
phần dẫn nhập chỉ nói đến chữ Mệnh mà thôi. Chính vì chữ Mệnh nằm một
mình không kèm theo chữ bạc đi trước, mà nhiều cuộc tranh cãi về ý
nghĩa chữ nầy khi đề cập đến tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh. Ôn Như Hầu
không dùng chữ Mệnh mà dùng chữ phận bạc, và đặc biệt nói rõ hơn nữa
khi ghép phận bạc nầy như một thành tố của má đào:
Các nhà nghiên cứu về đề tài nầy thường đồng hoá Mệnh trong
câu hai với nội dung chữ định mệnh thường được hiểu chung chung là định
luật tất yếu, máy móc, theo nguyên tắc nhân quả áp dụng cho kiến thức của ta về
sự vật. Thực ra, quan niệm chung chung đó mâu thuẫn với chính cách đặt vấn đề của
Nguyễn Du. Nếu định mệnh tất yếu được nêu lên như một định luật mà con người am
tường được, khi A là Tài và B sẽ gặp tai họa (bạc mệnh), thì đâu là tấn
bi kịch làm con người khổ đau đến đứt ruột!
Khi nghiên cứu về nội dung chữ khổ theo quan niệm của các nền
văn minh cổ xưa, nhà tư tưởng Mircea Eliade đã cho thấy rằng "khổ
đau" có giá trị bi kịch và làm con người suy tư khi con người chới với
không biết căn nguyên từ đâu:
"Phút giây gây cấn của "khổ đau" được kết tạo
ngay khi nó xuất lộ; khổ đau chỉ dấy lên nỗi bất an khi căn do của nó còn chưa
thấu rõ" [3].
Mà nếu truy xa hơn nữa về sự tương quan tài - mệnh có
nguồn gốc là kiếp trước, được hiểu là một cuộc đời nào đó của chính nhân vật nầy
trong một vòng quay đi trước của vũ trụ, thì về phương diện hữu thể học, lối
quan niệm nhân quả mà con người vốn đã am tường lại đi trước cả sự kiện nầy. Hẳn
nhiên trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nhiều lần nói đến nợ kiếp
trước nầy, nhưng nợ nầy có được hiểu trong khuôn khổ nhận thức sự vật hay
không? Hay đây chỉ là một lối nói tượng trưng đưa ngôn ngữ diễn tả sự
vật vào ngôn ngữ diễn đạt nhân tính (Tây phương gọi là ý nghĩa hữu thể học). Chữ
"kiếp trước" theo nghĩa hữu thể học nầy trùng hợp với chữ thiên
mệnh, ở chương đầu sách Trung Dung, theo nghĩa Mệnh con người
làm người một cách tiên thiên bất chấp ý muốn và suy nghĩ của con người. Trong
phần Tổng luận, Nguyễn Du dùng lối văn hoàn toàn độc đáo, khi phát biểu:
"Trời kia đã bắt làm người có thân....
Đã mang lấy nghiệp vào thân" (ĐTTT, 3242-3249).
Như thế Mệnh không phải là kết quả của một diễn tiến
máy móc theo quan niệm nhân quả, hàm ngụ rằng toàn bộ vận hành nầy nằm trong một
định luật tất yếu của vũ trụ mà con người có thể tự sức mình am tường được.
Quan niệm chung chung về tất định thuyết nói trên khi đề cập
đến chữ mệnh dù có những tình tiết dị biệt, nhưng về mặt hữu thể học
lại tương ứng với quan niệm về định mệnh thuyết của Phái Khắc Kỷ
trong truyền thống Tây phương.
Theo trường phái nầy, con người nằm trong một vận hành của thế
giới được điều hành bởi Lý trí phổ quát, mà trí năng suy tư của triết nhân có
thể am tường được. Mọi sự xảy ra đều được điều hành hợp lý, khi vui cũng như
lúc khổ đau, nên con người khôn ngoan là đón nhân một cách bình thản, không ngạc
nhiên về bất cứ những gì xảy đến cho mình, vì mọi cái xảy ra đều là định mệnh.
Không thắc mắc, ngạc nhiên, nhưng vô cảm là thái độ tuyệt vời của con người am
tường định mệnh thuyết.
Nhưng, đối chiếu lại nỗi đau và những phản kháng nơi những
câu dẫn nhập tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, ta không hề thấy dấu tích về
tâm tình nầy.
Người ta cũng nêu lên quan điểm nhân quả của nhà Phật.
Một điều chắc chắn là Đoạn-Trường Tân Thanh đã sử dụng
rất nhiều ngôn ngữ của truyền thống tư tưởng nầy; nhưng cách hiểu của Nguyễn Du
có những điều phải truy cứu thêm mới thấu đáo được vấn đề.
Nhân quả được nhà Phật nói đến nằm trong khuôn khổ của nhận
thức dấy lên từ Karma, tức là hành tạo nghiệp. Con đường nầy Tất Đạt
Đa đã chứng nghiệm ở giai đoạn đầu đi tìm đạo và ngài đã tìm cách diệt căn của qủa
khổ khi áp dụng phương thức khắc kỷ hàm ngụ rằng nhân là dục nơi
thân xác. Nhưng con đường suy luận nhân quả đó đưa đến bế tắc. Ngài đã ngộ tức
là gặp được ánh sáng của chân tính đến với ngài bằng một hướng khác. ở
giai đoạn giác ngộ nầy, vận hành nhân quả của Karma được ánh sáng làm
cho ngài ngộ mặc khải rằng tất cả vũ trụ quan nằm trong vòng vi của giả ảo đều
phát xuất từ dục; và dục tức là ước vọng con người tự làm nên mình với tài sức
của mình. Chấm dứt nhận thức về thực tại nhân sinh dựa vào nhân quả để đưa con
người vào chân trời tự do của chân tính siêu việt nơi đáy lòng con người đó là
cốt lõi của tư tưởng nhà Phật. ít nhất đó là tư tưỏng của Nguyễn Du khi kết luận
toàn bộ tác phẩm bằng cách nêu lên "Thiện căn ở tại lòng ta" (ĐTTT,
3251).
Như thế Kiều gắn liền với Mệnh, và cũng là bạc mệnh phải
được hiểu thế nào?
Nếu chữ Tài được hiểu như Đế Lai hiểu lầm phương Nam, để tìm
của cải vật chất nơi ấy theo ước mơ của riêng mình, hoặc như Âu Cơ vì quên Lạc
Long Quân mà quay tìm về phương Bắc của Đế Lai, nghĩa là nghiệp sai lầm căn
nguyên của con người tại thế, thì chữ Mệnh hay Mệnh bạc, phải được hiểu là
tự con đường đi đó đã hàm ngụ một sự chối từ phát xuất từ chân tí
nh con người (đối chiếu lời thơ trong Cung Oán ngâm khúc).
nh con người (đối chiếu lời thơ trong Cung Oán ngâm khúc).
Trước hết chữ bạc hàm ngụ một sự đối xử tàn tệ, làm
mất đi niềm vui đang có. Nếu chữ Mệnh được hiểu như là chữ phận,
thì âm hưởng gợi lên là thân phận được xếp đặt sẵn rồi, như phận làm tôi, làm
con. Và chữ nầy ăn khớp với câu thơ ở phần Tổng luận "Trời kia đã bắt làm
người có thân" (ĐTTT, 3242).
Nói cách khác thân phận làm người tiên thiên hàm ngụ cuộc chiến
nầy và chính cuộc chiến ấy được Nguyễn Du gọi là nghiệp.
Đã mang lấy nghiệp vào thân (ĐTTT, 3249).
Nghiệp là lối nói của chữ "có thân" hay nhân tính
nhập thế. M. Heidegger dùng chữ thời tính để diễn tả nghiệp hay
chân tính của con người tại thế không chỉ được hiểu theo nhận định khách quan của
nhận thức thường nghiệm là bị giới hạn trong một thời gian và không gian nhất định.
Ý thức về giới hạn trong khuôn khổ của vũ trụ bên ngoài nhằm phân biệt vật nầy
với vật khác, tự nó không dấy lên một câu tra vấn nào về chân tính con người tại
thế. Hữu hạn tính chỉ đến với tư tưởng khi hàm ngụ (cảm nghiệm trước) siêu
việt tính của nhân tính con người. Nói cách khác, chỉ con người mang lấy
nghiệp mới cảm nghiệm được hữu hạn tính của mình, đồng thời với nỗi khổ đau
phát xuất từ hữu hạn tính đó.
Và đây là ngưỡng cửa để hiểu được chữ "khổ" trong
ngôn ngữ nhà Phật, cũng như khổ đau trong Kitô giáo. Nếu dùng ngôn ngữ Việt Nam
chúng ta, chúng ta có thể nói rằng các sinh vật có thể có cảm
giác đau nhưng chỉ có con người mới biết được khổ.
Tài và mệnh bạc trong một giới hạn văn chương
tượng trưng có thể chia ra hai cảnh vực một bên là hoàn cảnh vui tươi, tài sắc,
và hoàn cảnh thứ hai đi tiếp theo là hoàn cảnh bi thương, ngang trái. Nhưng văn
chương tượng trưng luôn sử dụng hình ảnh thế giới vật thể để gợi lên một cảnh vực
con người siêu việt, nên ta phải hiểu hai hoàn cảnh, hai thời gian trước
sau đó chỉ là hai đối lực tương tranh (Coincidentia oppositorum) trong nghiệp. Xem
ra như là nhân quả xét theo nhận thức về thế giới vật thể, nhưng kỳ thực nói
như Ôn Như Hầu "Phận bạc nằm trong má đào" rồi, Nguyễn Du cũng đã
minh nhiên nhận thức như thế:
Rằng: hay thì thiệt là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (ĐTTT, 489-490).
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai? (ĐTTT, 1247-1248)
Và trong Tài của Kiều đã hàm ngụ "Thiên bạc mệnh"
ở trong:
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân (ĐTTT, 34)
Tính đa sầu, đa cảm của Kiều, không dừng lại ở mức tâm lý của
một phụ nữ mới lớn lên, nhưng là cảm năng nhạy bén về nghiệp làm người bi
thảm, nghĩa là phải lao vào cuộc chiến mà tự sức mình không hiểu nguyên do:
Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoát nghe Kiều đã đầm đầm châu sa (ĐTTT, 81-82).
Thúy Vân dừng lại ở nhận thức thường nghiệm khách quan, nên
trước cảm năng nhạy bén của Kiều về thân phận con người, thì không hiểu gì hết,
và phát biểu:
Vân rằng: chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa! (ĐTTT, 106-107).
Cũng một lối cười nầy, Lão Tử đã viết trong Đạo Đức kinh:
Kẻ sĩ thật sự nghe Đạo,
Cố gắng thực hành;
Kẻ sĩ trung bình nghe Đạo,
Thoạt nhớ, thoạt quên;
Kẻ thấp nghe Đạo,
Vào thời hiện đại, M. Heidegger lại nói một cách khác, nhưng
cũng rất chõi tai:
Mệnh, như thế, không thể hiểu được trong khung của thuyết định
mệnh, được hiểu là một lý thuyết dựa vào nguyên tắc nhân quả ứng dụng cho nhận
thức các sự vật hiện hữu trong vũ trụ tự nhiên. Dù trí tưởng tượng của con người
có thể vẽ ra một kiếp trước hay kiếp sau, thì các dữ kiện đó của trí tưởng tượng
cũng đặt nền trên nhận thức về sự vật trong không gian - và thời gian bên ngoài
gắn liền với bản chất của nhận thức nầy. Hình ảnh tưởng tượng nói về thời gian
kiếp trước chỉ là một lối nói nhằm gợi lên chân trời ẩn dấu của một thực tại là
chính thân phận con người, thân phận của gánh nặng tự do: có thể nhớ nhưng có
thể quên. Nói đến kiếp trước cũng như lối nói về Đại-ký-ức, tức là một thực tại
ẩn dấu cũng còn gọi là "Tâm duy vi" xuất lộ cho cảm thức con người
như một tiếng vọng của một quá khứ thật xa vượt lên quá khứ của thời gian ta
nơi nhận thức thường nghiệm. Vì thế các nhà tư tưởng lớn của nhân loại thường
dùng lối nói thi ca để chỉ về nhận thức chân tính nơi thân phận con người là sự
quay trở lại (Phản phục trong lối nói của Lão, hồi đầu kiến ngạn: quay đầu thì
thấy bến, của nhà Phật...)
Tài là thân phận con người có thân bước ra với vũ trụ, đồng
thời khi mở ra thì lãng quên chính chân tính của mình. Nhưng tình trạng lãng
quên đó chưa phải là cảm thức về chữ mệnh. Mệnh hàm ngụ có lối cảnh tỉnh
dấy lên từ chân tính ẩn dấu, để con người ngộ được cái khổ khi
ý thức về sự bế tắc hay lạc lầm của Tài. Nên Mệnh bạc là lối
phát biểu về sự thất bại của lối mở ra, hàm ngụ sự quên lãng chân tính của con
người. Nhưng tự căn con người thấy đã mang thân làm người tại thế thì tất yếu
phải mở ra, không phải do tự ý mình nhưng do tự phận làm người có
thân mà thôi. Đó là cảm thức về sự phi lý, con người không biết còn dựa
vào đâu để trụ được, như chơi vơi giữa hố thẳm. Và mặc khải một số
tôn giáo cho rằng đấy là tội căn nguyên, hay nghiệp làm người.
Nhưng trong nỗi chới với, nỗi khổ nầy, siêu việt tính hé lộ
như một sự chối từ chữ Tài trong thân phận con người: tất cả thế giới tài kia
không phải là chân tính, tất cả không trừ một cái gì. Vì không một cái gì
dù được tôn vinh đến đâu có thể kết dệt nên chân tính con người cả. Chân tính
đó thuộc chân trời của ai và những ai, siêu việt lên tất cả những cái gì cộng lại.
Lý do đó cho ta thấy Kiều phải chết đi nghiệp cũ của Tài ở trước cửa nhà chân
tính (sông Tiền Đường), nhờ Duyên cứu vớt để mặc lại thân phận mới của Thiện
căn từ Đạo Tâm.
Mệnh bạc, nhưng trong cuộc chiến với cái vui của Tài, nó
là âm vọng khai mở tư tưởng hướng về một cõi chân thật của phận làm người. Một
loại khổ đau mang lại phúc lớn, như lời phát biểu của Nguyễn Du trong phần Tổng
luận của Đoạn Trường Tân Thanh:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa,
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" (ĐTTT,
3249-3252)
III.3- Cõi người ta là cuộc chiến Tài-Mệnh
Bố cục truyện kiều
Dựa vào nội dung của chủ đề tác phẩm là "Chữ tài và chữ
mệnh khéo là ghét nhau", hoặc là tra vấn về chân tính con người, ta có thể
chia truyện Kiều làm ba phần.
Phần đầu: Kiều trước khi gặp nạn (từ câu 9-568): Phần mở đầu
phô diễn khung cảnh xuất lộ của Tài và âm hưởng của Mệnh dấy
lên từ Tâm của Kiều, tiên đoán một cuộc chiến cam go.
Phần hai: Kiều gặp nạn và cuộc sống lưu lạc xa quê của nàng
(từ câu 569-2602): Phần hai là cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, những phản ứng
của Kiều để tìm con đường giải thoát.
Phần ba: Kiều tự vẫn ở sông Tiền Đường và được Giác Duyên cứu
(từ câu 2603-3240): Phần ba gợi lên vấn đề cứu độ và cảnh giới của hy vọng.
Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị
em (ĐTTT, 128-129)
Hữu tình
Có thể tóm lược nội dung phần đầu của truyện Kiều trong
hai câu thơ trên.
Chúng ta sẽ thấy toàn bộ truyện Kiều có sự nhất quán về tư tưởng
khi xoay quanh vấn đề xung đột Tài - Mệnh tượng trưng cho tra vấn về
chân tính con người; nhưng so với những tác phẩm có tầm vóc ảnh hưởng trên văn
hoá nhân loại, đặc biệt là Trung hoa và Hy lạp (Chu Dịch, Kinh Thư, Đạo Đức
kinh, Tây Du ký, Oedipe làm vua, Prométhée bị trói...), truyện Kiều cũng như hầu
hết các tác phẩm văn học Việt Nam, kể cả bản văn lập quốc (câu truyện Họ Hồng
Bàng) có nét đặc thù là lấy Tình làm vùng đất nguyên sơ để truy cứu về
chân tính: tình trai gái vợ chồng, tình bè bạn, tình huynh đệ, tình con cái với
cha mẹ, tình con dân đối với quốc gia dân tộc, tình con người đối với trời
cao...Hy lạp và Trung hoa và ngay cả Ấn độ thường dùng vùng đất của nhận thức
lý trí để khai mở chân tính qua cảm thức cách biệt giữa trí năng hữu hạn và
chân tính vô hạn. Do đó qui kết của vấn đề thường cô đọng trong hai nội
dung Hữu và Vô, được nêu lên như nền tảng rốt ráo nhất của tư tưởng.
Tư tưởng Việt Nam, trong vùng đất được cống hiến để suy tư là tình, vấn đề
rốt ráo là gặp gỡ, hoà hay cô độc - lưu lạc - phân ly. Những
phương cách để chỉ về các mối tương giao cũng vì thế khác nhau: phẩm chất của
nhận thức được nêu lên là chủ quan hay khách quan, sai hay đúng, rõ ràng hay mù
mờ; phẩm chất của mối tương giao dựa vào Tình là vui hay buồn, hiền
hoà hay hung ác, buông xuôi thất vọng hay hy vọng, tin hay ngờ, đại độ hay vị kỷ
kiêu căng...
Vì thế, nếu chỉ lấy vùng đất cá biệt, lý hay tình,
gắn liền với những phương cách diễn tả khác nhau mà không lưu ý đến cốt lõi của
nội dung duy nhất của tư tưởng là tra vấn về chân tính thì dễ đi đến tình trạng
tranh cãi giữa hai người điếc, hoặc đưa lại những tổng hợp "đầu cua - tai ếch" (Synchrétisme
primaire), hoặc dấy lên những mặc cảm tự ti hoặc tự tôn thiếu căn cứ [6]. Về điểm nầy
M. Heidegger đã nhận định rất sâu sắc:
"Người tư tưởng không lệ thuộc một nhà tư tưởng nào,
nhưng nếu thực sự người đó tư tưởng, thì lại phải bám sát điều làm cho mình tư
tưởng, nghĩa là bám sát vào chân tính [7].
Vùng đất rối rắm của cõi người ta theo Nguyễn Du là chữ
Tình; trong phần đầu truyện Kiều cảm năng nầy được trình bày tuần tự theo cấp
năng động của nó gắn liền với nỗ lực đi tới của chữ Tài.
Bố cục phần đầu dựa vào tiến trình nầy có thể chia làm ba cảnh
vực:
Giai đoạn được xem là thụ động, hoàn cảnh bên ngoài được cống
hiến cho con người như một sự kiện khách quan của cảm thức thường nghiệm (từ
câu 9-38).
Giai đọan thứ hai mô tả cuộc du xuân đồng thời với sự hé lộ mệnh
bạc qua cuộc "gặp gỡ giữa đường" (câu 93) với vong linh của Đạm
Tiên (từ câu 39-132). ở đây Tài được tượng trưng qua việc mở ra tìm vui trong
ngày hội; trước cái động đó của Tài có sự đáp trả cái động từ cảm thức nỗi buồn
ẩn kín.
- Giai
đoạn ba chữ Tình được minh nhiên nhắc đến trong thể động thật sự. Toàn bộ truyện
Kiều lấy tương quan với Kim Trọng là khuôn vàng thước ngọc (qua từ ngữ tượng trưng
rất gợi ý là Kim Trọng) để lồng chữ Tài vào vùng đất của Tình. [8]
Khi chữ Tình được minh nhiên thể hiện, thì cũng lúc
đó Đạm Tiên mạc khải:
Ví đem vào tập đoạn trường,
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai!
(ĐTTT câu 209-210).
Và bản đàn bạc mệnh được gảy lên diễn tả cô đọng tất cả toàn
bộ sinh hoạt của cuộc sống, như cuộc vật lộn giữa Tài và Mệnh, dấy lên một mâu
thuẫn nơi cảm xúc:
Rằng: hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế
nào" (các câu 389-340)
Cảnh giới êm đềm mặc ai
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai (các câu 37-38)
Trong phần Tổng luận Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du
không dùng chữ tất cả mọi vật thể trong vũ trụ, nhưng dùng chữ
"muôn sự" hàm ngụ "trong cõi người ta". Có gì khác biệt
trong hai lối nói nầy?
Ưu tư của tư tưởng truyền thống Tây phương đang ảnh hưởng
trên cuộc sống nhân loại hiện nay, là truy cứu nền tảng sự hiện hữu của mọi vật
trên trời dưới đất, để từ đó dẫn lối cho bước đường đi của nhân loại. Đó là câu
tra vấn căn đế môn học tối thượng của tư tưởng triết học gọi là hữu thể học.
Con người được gọi là linh ư vạn vật, vì nó có khả năng không những cảm nhận được
vấn đề hữu thể, mà còn giải quyết được vấn đề do hữu thể đặt ra.
Con người được định vị trong khung tư tưởng ưu tư hướng đến
việc lãnh hội nền tảng của sự vật có thể là con người hiểu biết bằng nhận thức
của lý trí (homo sapiens), con người chơi hay sở đắc tài vật, hưởng
thụ (homo ludens)hay con người lao tác, thể hiện nhân tính qua nỗ lực sản
xuất tài vật (homo faber). Và đó cũng chỉ là nhưng mẫu người
tiêu biểu được tôn vinh qua lịch sử văn hoá nhân loại. Tùy tiền kiến về bản chất
nền tảng căn nguyên của tất cả các sự vật, mà các mẫu người hay mẫu văn hoá nêu
trên áp dụng những phương thức thực hiện con đường đi của mình; nhưng điểm
chung của cách đặt vấn đề nền tảng nầy là xem nền tảng ấy như một cái gì nằm
bên ngoài, một hiện hữu kiên cố mà người ta thấy được một cách đơn giản tự
nhiên. Mô tả buổi bình minh của nền tư tưởng nầy Gérard Granel nói ví von rằng:
"Buổi sáng (buổi đầu) của tư tưởng là tư tưởng
của một buổi sáng khởi đầu, nghĩa là của buổi xuất hiện của một thế giới đang
tràn ngập ánh sáng, nhưng cũng là buổi mà (thật sự) chưa có mặt trời" [9].
Ngay từ buổi sáng khởi đầu của truyền thống hữu thể học Tây
phương, người ta, đặc biệt là Parménide, đã nói đến Hữu và Vô căn
nguyên một cách hoan hỉ tự nhiên như một vật gì đã ở trong bàn tay của mình. Và
từ cái tự nhiên di nhiên đó, mỗi vật nương tựa vào để vững chải đứng trong bản
tính cố định, một chỗ dành riêng cho mình. Tư tưởng là nhận ra bản tính của mỗi
vật "tự tại" nầy và phát biểu cho tương hợp với đối vật của nhận thức.
Và có được sự tương hợp toàn vẹn thì gọi mà một nhận thức khách quan. Nhận thức
nầy như thế hàm ngụ rằng Chân tính là cái gì đã xuất lộ toàn vẹn như ánh mặt trời
đã mọc vào buổi trưa bung ra toàn lực ánh sáng của mình, không có gì còn che dấu;
và mặt khác khả năng tiếp nhận và phát biểu của con người cũng vô tận, thu thái
và truyền đạt được hết bản tính của tất cả mọi sự vật trước mắt. Nên tiêu chuẩn
nhận ra chân tính của sự vật kỳ cùng được xem là sự hiện hữu trong mỗi dự tính
không những bằng nhận thức mà bằng việc cải biến sự vật theo ước muốn và sự hiểu
biết của mình. Đến mức độ nầy, tư tưởng được đồng hoá với kiến thức khoa học mà
ta thường hiểu ngày nay.
Tóm lại, khung cảnh của truyền thống tư tưởng nầy là toàn thể
những cái gì khách quan bên ngoài bức tường của thân phận con người, vô tâm, vô
cảm: mặc ai.
Triết lý, tư tưởng bấy giờ được hiểu là một lý thuyết, có giá
trị nhiều hay ít khi có thể đem ra áp dụng để thực hiện một cái gì, từ
việc xếp đặt trật tự xã hội, bảo vệ sức khoẻ đến nghiên cứu thiên văn, vật lý,
biến chế thực phẩm...Nhưng khi quay lại về buổi sáng của lối tư tưởng nầy,
buổi sáng khởi đầu và xây nền cho tiến trình diễn tiến lịch sử nhân loại đến hôm
nay, thời huy hoàng của tư tưởng khoa học được đồng hoá với nhận thức khách
quan ấy, M. Heidegger đã nhận định:
Điều đáng làm ta suy nghĩ hơn cả trong thời đại chúng ta, thời
đại cống hiến cho chúng ta để suy tư là chúng ta chưa từng tư tưởng [10].
Chúng ta hôm nay, con người chịu ảnh hưởng của lối truyền thống
tư tưởng siêu hình học Tây phương, chưa từng tư tưởng, không phải vì vùng đất
ta chọn để khởi phát suy tư là lý hay tình, nhưng chính chúng ta chưa từng tra
vấn về chân tính gắn liền với thân phận tại thế của chúng ta. Nếu phải dùng lại
lối nói của M. Heidegger chúng ta phải nói:
Vì mặt trời chưa lộ, mà thân phận tại thế lại khát khao ánh
sáng, nên cái chưa đó (le pas encore) gắn liền với thời tính hay kiếp
làm người của mọi thời đại thực sự mới là điều đáng làm ta suy tư.
Không phải thời đại chúng ta, thời đại minh nhiên tiếp theo
Nietzsche, bạo gan dám tôn vinh chủ nghĩa hư vô, hay xua đuổi thần thánh, là
nguy cơ cực điểm làm ta suy tư; nhưng điều đáng suy tư hơn nữa là từ thời vàng
son gọi là đạo nghĩa truyền thống, đã dựa trên nền tảng hữu thể học nầy để tư
duy về con người, vũ trụ và thần thánh, liệu vùng trời của những cái gì
đó đã có con người và thần thánh cư ngụ chưa! Hữu Thể Tối Thượng trong
siêu hình học của các triết gia cô đơn và bất động, có gì gần gũi với mặc khải
Kitô giáo về Thiên Chúa là tình yêu, Đấng đã ban chính con một mình làm người,
để cứu con người vì yêu thương hay không? Cũng trong thắc mắc có tính cách lịch
sử nầy, thử hỏi: liệu có thể đồng hoá nhà hữu thể học với một thánh nhân, hoặc
truyền thống siêu hình học Tây phương với truyền thống tư tưởng Kitô giáo hay
không?
Thánh Augustinô đã từng dùng hai thành ngữ để nói đến hai đối
lực tương tranh trong cõi người ta: một bên là"concupiscentia
oculorum" và bên kia là "Cor nostrum
inquietum". Dục của con mắt gợi lên con mắt mở rộng ra ham muốn
thấy cho hết mọi vật xuất lộ ra trước mắt, và đối lực kia là Tâm ẩn
kín bất an đang khát khao một nơi cư ngụ thật cho con người. Nơi cư ngụ
đó chưa phải bây giờ và ở đây.
Bây giờ và ở đây là thực tại ập đến với con người. Nhưng
do đâu thực tại bây đây đi vào tương quan với chân tính con người?
Ngay từ bước khởi đầu, để diễn tả thực trạng bên ngoài, Nguyễn
Du cũng không nói đến vũ trụ của thiên nhiên sỏi đá, cỏ cây...nhưng tác giả đi
ngay vào cõi người ta. Mới đọc qua mấy vần thơ dẫn nhập của thân bài là truyện
Kiều:
Rằng: Năm gia tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững
vàng (câu 9-10).
ta tưởng như đọc những trang sách mô tả cảnh hòa bình, hồn
nhiên vô tội của thời ấu thơ nơi J. J. Rousseau, từng gây ảnh hưởng trên tư tưởng
nhân bản triết học ngày nay.
Xã hội an bình, gia đình trai gái đầy đủ, có tài có sắc...hình
ảnh tượng trưng của một thiên đàng trần thế theo tâm thức của người trong truyện.
Ở đây Nguyễn Du không dùng lối diễn tả trực tiếp để minh định ngay từ đầu cốt
lõi nội dung của chủ đề như Ôn Như Hầu:
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra (CONK, 55-56)
nhưng tuần tự mô tả diễn tiến của tư tưởng. Hình ảnh an bình
bên ngoài nầy khác với thuở vàng son của J. J. Rousseau. J. J. Rousseau mô tả sự
kiện thủa ấu thơ như mẫu mực khách quan của xã hội con người. Theo Rousseau, bước
đi xã hội tương lai sẽ phải lấy mẫu mực khách quan thời thơ ấu nầy để đối chiếu
và điều chỉnh.
Đạo Đức kinh và ngay trong Tân ước cũng nói đến việc
"hoàn đồng", trở thành như bé thơ; nhưng trong cả hai tác phẩm sau nầy, hoàn
đồng chỉ là lối nói tượng trưng về tâm tình vô chấp và tin tưởng, phó
thác vào chân tính.
Nơi Nguyễn Du, tình trạng an bình nầy lại mang một đặc điểm
khác nữa. Nó nằm trong tiến trình của tư tưởng hướng về chân tính. Thực tại bên
ngoài, ở đây được gợi lên như một cảnh "thanh bình" dựa trên một hình
ảnh xã hội tối ưu; nhưng trong sự thật gọi là khách quan, dù có chiến tranh,
tai ương hay gì đi nữa, thì tự nó cũng "thanh bình" theo nghĩa
là chưa đi vào cái khổ thật của nhân tính. Trong câu truyện về
cuộc đời của Tất Đạt Đa, giai đoạn đầu lúc Ngài còn là hoàng tử trong cung ăn
khớp với hoàn cảnh thực tại bên ngoài của Kiều. Và trong câu truyện của Thánh
kinh Cựu ước, khi Abram lắng nghe được lời trên cao để lìa quê và sống cuộc đời
xa xứ, ta biết rằng trước đó ông ta đang "an bình" trong quê cũ của
mình; sau nầy ông sẽ chấp nhận thân phận bất an của kẻ xa quê hương (xem Sáng
thế 12,1). Nhưng "an bình" theo nghĩa nầy không có nghĩa là một cảnh
thiên đàng trần thế theo nghĩa khách quan.
Khác biệt thứ hai khi đối chiếu với cảnh "an bình"
khách quan của J. J. Rousseau, là trong hoàn cảnh bên ngoài được xem là tốt đẹp
đó, từ bên trong đã (một âm vang của "Mệnh"), âm vang làm rối loạn
trật tự "an bình" cũ, Nguyễn Du gọi là:
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân (câu 34).
Tư tưởng khác với nhận thức khách quan ở điểm chính yếu nầy.
"Cái vui hiểu biết" khách quan (tựa đề một tác phẩm của Nietzsche) tự
nó không phải là tư tưởng, nó là sự mở ra với sự vật và dừng lại ở thế giới sự
vật. Tư tưởng thật sự gắn liền với tra vấn về chân tính con người phát xuất từ
giây phút lắng nghe được một âm vang "não nhân" nằm trong thế giới
bên ngoài đến với con người, hoặc đúng hơn là xuyên qua thế giới bên ngoài nầy.
Chính "âm vang" nầy một mặt là sức mạnh đưa con người ra khỏi
"hoàng cung an bình cũ", mặt khác lại mở ra nhận thức về "cõi
người ta", tách rời hay siêu việt lên thế giới "cái gì". Nhưng
chữ Tài và chữ Mệnh ở đọan văn nầy được nêu lên ở thế thụ động như một tiềm
năng mà thôi. Danh từ chuyên môn triết học gọi là khả tính của phận
làm người tại thế.
Nên, thế giới của "muôn sự" trong cõi người ta luôn
gợi lên ưu tư về nơi cư ngụ của nhân tính; ưu tư đó khác với thái độ dửng dưng,
khách quan trong trật tự của nhận thức các đối vật, thế giới của những cái gì.
Chú thích:
[1] Rút từ câu trích của N. Berdiaeff, trong L'esprit de
Dostoievski, tr. 67.
Thưng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn
đạo nhược tồn nhược vong; hạ sĩ van Đạo, đại tiếu chi,
[5] M. Heidegger, Qu'appelle-t-on penser? bản dịch của A. Becker
và G. Granel, PUF, Paris 4 e éd., 1983, tr. 72.
[6] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn Hiến nền tảng của minh triết, Định
Hướng Tùng thư xb, Reichstett, 1996, chương VIII Tinh thần kiểm thảo cô chấp
và tinh thần khai phóng của minh triết, tr. 199-209.
[8] Lối nói tượng trưng về tương quan giữa con người tại thế và chân
tính siêu việt của mình như thế (ĐTTT từ câu 133-568) cũng được dùng trong truyện
Hồng Bàng Thị (mối tình Âu Cơ - Lạc Long Quân hay mối tình oan nghiệt giữa nàng
và Đế Lai) hay trong bản văn Thánh kinh Cựu ước mang tên Diễm tình ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét