Lời kinh xưa, buổi sáng này 1
I. Đóa Tường Vi Vẫn Nở
Không biết trời núi Kim Sơn bên ấy dạo này ra sao? Buổi sáng
mây trời chắc cũng vẫn còn về che phủ rừng thông cao. Tôi về bên này được
mấy hôm lại cứ nhớ về bên ấy. Mà cuộc đời bao giờ cũng vậy, hết nghĩ bên
này thì rồi lại nhớ bên kia.
Trời bên này đã thật sự vào thu rồi đó! Buổi chiều,
con đường về nhà hai bên rừng có ngàn lá đổi sang màu trái cây
chín, đẹp kỳ diệu. Vào ngày mưa có những chiếc lá ướt vàng, tím, đỏ,
phủ ngập lối đi. Trời bên này vào thu lạnh lắm, nhưng không biết có đã lạnh
bằng bên ấy chưa!
Rừng thông Kim Sơn cao quá, cao hơn mây. Mà thật ra tôi thấy
mình cũng cao hơn mây nữa. Tôi nhớ những buổi sáng tinh mơ, ra đứng ngoài
hiên thiền đường nhìn mây ngàn từ ngoài vịnh kéo vào. Mây bềnh bồng phủ
kín cả núi rừng, che khuất thành phố nhỏ dưới kia. Mây trắng và nhẹ như mơ, như
một giấc mộng trong chuyện cổ tích xưa. Tôi đứng yên thật lâu, không làm
gì cũng thấy hạnh phúc.
Kéo rụng bao nhiêu sao?
Những ngày ở bên ấy tôi quên hỏi các sư cô, sư chú những gì
làm cho họ hạnh phúc. Mà tôi nghĩ, nếu hỏi có lẽ cũng không ai trả lời. Vì làm
sao ta có thể bắt giữ được ánh trăng trong lòng bàn tay mình được phải
không bạn? Tôi thì nghĩ hạnh phúc là được làm những gì mình
thích. Đơn sơ và giản dị thế thôi.
Tôi thích được đứng thật yên ngoài hiên thiền đường
để nhìn mây trắng phủ kín núi rừng. Tôi thích được nghe tiếng chuông báo
chúng của chú Quảng Tiến mỗi sáng, mỗi chiều thong thả vọng xa trong không
gian. Tôi thích được nhìn một cánh chim nhỏ lơ lững đứng yên giữa trời chiều
mênh mông. Tôi thích được nhìn bầu trời đêm của rừng núi lấp lánh
ngàn vạn vì tinh tú. Tôi thích được ngồi dưới cội cây già nhìn xuống phố
thị xa xôi có trăm ngọn đèn vàng lấp lóa như những châu báu ngọc ngà trong chuyện
thần thoại. Tôi thích những bài viết rất thật lòng mình như tâm hồn của cô
Thanh Hiền. Tôi thích những buổi sáng đi thiền hành giữa rừng đan mộc,
có hàng cây cao trăm tuổi ngước mặt nhìn không thấy ngọn. Tôi thích được
lang thang trong những khu rừng già tối âm u thỉnh thoảng có vài vệt nắng như từ
thiên đường rọi xuống. Tôi thích được ngồi trong cốc cô Quảng Tâm nghe kể
chuyện ngày xưa rồi một lần rời xa phố thị. Tôi thích những con đường thiền
hành nhỏ quanh co có chênh vênh ghềnh đá. Tôi thích được nằm xuống ngủ thật
yên dưới bầu trời khuya có hàng thông đứng im in bóng trên nền trời đầy
sao vang tiếng rừng đêm. Tôi thích được bước qua Tổ đường và ý thức rằng
ngàn đời sau người xưa vẫn có mặt trong mỗi bước chân ta đi. Tôi thích được
thấy dáng đi hiền lành, giọng nói quen thương của cô Thanh Chơn như một người
chị rất thân. Tôi thích được mơ làm chú tiểu của Huyền Không, đêm không ngủ
vác sào trèo lên mái chùa rêu phong kéo rụng mấy vì sao. Tôi thích được ngắm
những buổi chiều hoàng hôn nắng nhuộm vàng rừng núi. Tôi thích được nhìn
ra vịnh biển xa xôi có bọt sóng viền trắng bờ. Tôi thích những bước chân vững
chãi và nhẹ như cỏ lá của cô Thanh Ý, bước tới thảnh thơi. Tôi thích được
trèo lên những tảng đá nằm thật yên ngủ quên rồi thấy mình là mây trôi vào
Phương Vân Am. Tôi thích con đường thiền hành sáng nay có mây kéo vào che
kín lối đi. Tôi thích cõi tịnh độ của tôi, của chú Quảng Đạt, nào có
khác gì hơn là bây giờ và ở đây đâu. Tôi thích những ngày có mây mưa trôi
ngang qua tàng lá của rừng già, chợt chuyển hóa thân biến thành ngàn giọt nước
mát rơi rụng xuống ướt vai. Tôi thích ngồi yên trên vách đá buổi trưa nghe
tiếng của thinh lặng rơi trong không trung. Tôi thích đặt chân trên con đường
thiền hành thật êm lót bằng lá đan mộc nhỏ như lá me. Tôi thích những đóa
hoa rừng màu vàng, tím mọc hai bên đường giữa mùa đông. Tôi thích hóa
thành mây bay ra biển rồi trở về làm tươi mát núi rừng. Tôi thích được ngồi
uống trà với chú Quảng Trí, cuộc đời cũng có lúc ấm như những ngày mưa
mùa đông qua núi vậy. Tôi thích nhìn những bước chân của Sư Ông thật yên
trên con đường nhỏ về Phương Vân Am. Tôi thích được nghe những câu chuyện
về tấm lòng của Sư Phụ, bao dung và độ lượng, sẵn sàng nhận lãnh hết mọi
khổ đau của kẻ khác. Tôi thích nét uy nghi của những vị xuất gia, làm bóng
mát hạnh phúc cho cuộc đời. Tôi thích được ngắm một con chim xanh thật lạ
về đậu trên tảng đá dưới một cội cây già. Tôi thích những hôm có vài áng
mây trắng về ngủ yên trên mặt biển. Tôi thích được thấy lại mình ngày xưa
trong bé Nhật Siêu ngồi im lặng ngước lên nhìn Phật trong thiền đường. Tôi
thích được nhìn bình minh mọc trên biển, hoàng hôn về trên núi.
Đồi núi Tu Viện chập chùng rừng thông xanh ngàn năm không thay
màu lá.
Đó bạn thấy không, cũng chỉ là đơn sơ thế thôi. Hạnh
phúc lớn làm bằng những hạnh phúc nhỏ. Chúng tuy mỏng manh và vô thường đấy,
nhưng chúng có thật và có mặt khắp nơi chung quanh ta. Tôi nhớ Ramakrisna có
nói, "Ta không thấy những vì sao trên trời vào ban ngày, nhưng điều ấy
đâu có nghĩa là bầu trời không có sao!" Tôi biết, hạnh phúc không phải là
giấc mơ và giấc mơ chưa phải là hạnh phúc, phải không bạn?
Sáng nay thức dậy, tôi đi nấu một ấm trà nóng. Không
gian lạnh của trời thu làm tôi thấy nhớ về bên ấy. Nơi đây là giữa phố thị nên
chuyện muộn phiền cũng là thường thôi. Mà cũng nhờ những muộn phiền tôi lại thấy
quý những hạnh phúc nhỏ và đơn sơ bên ấy. Đôi khi chúng ta không tìm
thấy hạnh phúc vì ta thu thập nhiều quá, bận rộn quá, mà không nhìn được
cái đẹp của rừng thu, của buổi sáng sương mù...
Những hôm sống bên ấy tôi có thực tập hơi thở và bước chân.
Có những ngày tôi thấy hơi thở mình nhẹ như mây, bạn đừng cười nhé, bên ấy
tôi thấy gì cũng là mây, và bước chân tôi cũng được vững như con đường thiền
hành sáng nay. Có một buổi sáng tôi ngồi yên thật lâu ngoài hiên nhìn xuống mây
dưới núi. Các sư chú bảo tôi những hôm trời lạnh, mây từ biển kéo vào phủ kín rừng
núi. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy mây hiện hình. Mây không từ đâu
kéo đến hết, mây chỉ hiển lộ ra giữa lưng chừng trời che kín không gian.
Tôi nhớ có ai đó nói hạnh phúc không phải là một tiến
trình đi thu thập thêm mà là để xả bỏ bớt đi. Bỏ bớt đi những gì
không là cần thiết trong cuộc đời ta. Nhưng những gì mới thật sự không là
cần thiết? Mấy hôm trên tu viện tôi ý thức được rằng hạnh phúc và an lạc của
ta không đòi hỏi cần phải có gì nhiều lắm đâu! Và nhiều khi vì bỏ bớt đi
mà ta lại có được nhiều hơn. Tôi nhớ có lần đức Đại La Lạt Ma nói, nếu ta
biết lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình, thì cơ hội có hạnh
phúc của ta sẽ tăng lên vô số kể. Mà thật vậy, nếu tôi có thể
làm được việc ấy thì sống trong gia đình hạnh phúc của tôi sẽ được
tăng lên những sáu lần, sống giữa bạn bè cơ hội có hạnh phúc của tôi sẽ tăng
lên vài chục lần, và sống giữa cuộc đời thì hạnh phúc của tôi phải là vô số
kể. Nhưng tôi vừa mới nói nếu...
Hạnh phúc là ngồi cho thật yên, tôi nghĩ vậy. Là đi cho
yên, đứng cho yên, thở cho yên... Mà trong giây phút hiện tại này tất cả đều
đang thật yên, phải không bạn? Dầu vẫn biết rằng con đường tu tập của mình
vẫn có lúc cũng bềnh bồng như mây cỏ ngoài kia...
Ở bên này tôi không có may mắn có tiếng chuông chánh niệm thường
xuyên và lối sống thảnh thơi như bên ấy. Tôi phải "tự lực" nhiều lắm.
Có những ngày, mỗi giờ dừng lại cho thật trọn vẹn chừng nửa phút để thở
cũng là một công phu lớn! Vì vậy mỗi khi mình tìm được một tăng thân để
nương tựa, để tu tập là một hạnh phúc to tát lắm!
Tôi thấy dừng lại là một hành động rất mãnh liệt, đó
cũng là một thứ im lặng sấm sét mà Sư Ông hay nhắc đến. Khi xưa
học kinh tôi thích câu chuyện của Angulimala. Angulimala là một tên sát nhân,
có lần anh đuổi theo định giết đức Phật. Đức Phật tuy bước rất chậm nhưng
anh vẫn không tài nào bắt kịp. Cuối cùng Angulimala phải hét lên, "Dừng lại!" Đức
Phật nhìn anh đáp, "Tôi đã dừng lại từ lâu rồi. Chỉ có anh mới là người
chưa dừng lại đó thôi!" Như vậy sự tu tập của ta là để được dừng
lại, thật sự dừng lại, phải vậy không bạn!
Về thắp hương thư phòng
Hôm vào cốc Thầy thấy có một bài thơ thầy treo trên vách
không biết là của ai:
Việc chùa cũng vừa xong
Về thắp hương thư phòng
Ngồi bên làn khói tỏa
Con thỉnh Phật uống trà.
Về thắp hương thư phòng
Ngồi bên làn khói tỏa
Con thỉnh Phật uống trà.
Ừ, bên này việc đời tôi cũng vừa xong. Sắp xếp lại mấy
quyển sách đang đọc dở dang trên bàn. Lát nữa, tôi sẽ đi dạo ngoài sân tìm
nhặt một chiếc lá chín đẹp màu nhất để gửi qua bên ấy tặng cho các sư
cô, sư chú. Núi rừng Kim Sơn mênh mông nhưng làm gì tìm có một chiếc lá đẹp
như vầy! Đùa chút thôi, chứ xin cô chú hãy giữ dùm tôi những hạnh phúc bên ấy,
lỡ mất đi thì uổng biết mấy. Tôi vẫn nhớ hai đóa hoa Quỳnh nở ngoài
hiên thiền đường. Những chiếc lá hoa Quỳnh trắng như sữa, nhỏ và dài như
những ngón tay thon, ở giữa là chiếc nhụy hoa màu thật đỏ.
Bên này có những ngày trời thu gió mưa về làm rơi rụng lả tả
ngàn chiếc lá đủ màu, cam vàng đỏ tím... bay mù không gian ướt. Mùa
thu về rồi, ngàn màu sắc trên vũ trụ đang hội tụ về đây chuyển hóa rừng
lá. Cây phong bên ngoài cửa sổ giờ đã rụng gần hết lá, màu đỏ ối một
gốc cây. Con đường nhỏ tôi đi sáng nay được lót bằng một thảm lá nhiều màu sắc.
Tôi sẽ về thắp hương thư phòng, ngồi bên làn khói tỏa, uống trà để ngắm trời
thu. Nếu có một lần ghé qua thăm bên ấy, xin bạn nhớ ra trước hiên ngắm mây trời
dùm tôi, và vớt một áng mây gửi về bên này cho tôi bạn nhé. Tôi nghĩ những gì
tôi viết về trời mây bên ấy có lẽ cũng chưa thật đúng với việc như-là,
nhưng chắc bạn cũng hiểu, vì chữ nghĩa văn tự thì bao giờ cũng quẩn
quanh đến vậy... Nhớ gởi lời thăm hết tất cả dùm tôi bạn nhé.
Một Nửa Cho Mây, Một Nửa Ta
Đêm tuyết lạnh, tiếng máy sưởi chạy đều. Tôi đi sang
phòng đọc sách. Ngoài trời tuyết phủ không gian sáng một màu trắng xanh.
Nén hương trên bàn đã tắt từ lâu, nhưng mùi trầm vẫn còn phảng phất thơm
trong căn phòng nhỏ. Tối nay trời rét buốt, những bông tuyết bám ngoài cửa sổ đông
thành băng màu trắng đục. Không gian bên ngoài rét mướt nửa đêm lặng
ngắt như tờ. Tôi tưởng chừng như nghe được cả tiếng ánh trăng rơi trên mặt
tuyết.
Nơi tôi ở không xa thành phố, cạnh một ngôi rừng nhỏ. Giữa đêm
im vắng, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một rừng cây khô trụi lá dưới ánh trăng,
đứng lạnh cóng trong nền trời tối xám. Tuyết đã ngừng rơi tự bao giờ. Đang
ở giữa thành phố mà tôi cứ cảm tưởng như mình đang sống ở một nơi nào quạnh
quẽ lắm.
Ông Henry David Thoreau là một nhà thiên nhiên học và cũng là
một nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 19. Có lần ông đã bỏ ra hơn hai năm trời để sống
một mình trong một khu rừng vắng tại hồ Walden. Bạn có biết để làm gì
không? Để tìm lại mình. Ông chọn một lối sống thanh vắng tĩnh mịch trong
suốt hai năm trời ấy để tập sống với những gì đang thật sự có mặt chung
quanh ông, những gì đang xảy ra trong bây giờ và ở đây. Ông có viết hồi
ký để chia xẻ lại kinh nghiệm ấy. Ông kể, có những ngày mà ông không làm gì hết,
chỉ ngồi trước hiên nhà hằng giờ để quan sát và lắng nghe. Khi mặt trời đi
ngang qua không trung, ánh nắng làm thay đổi những bóng dáng của vạn vật,
cây cỏ chung quanh ông. Đối với ông những giây phút "không làm gì hết"
ấy lại là những giờ phút nhiệm mầu, quý giá nhất trong đời ông. Ông viết:
"Có những lúc mà tôi không thể nào đi hy sinh giờ
phút hiện tại nhiệm mầu này cho bất cứ một việc làm nào khác. Dầu cho đó
là việc làm của chân tay hay của tâm trí gì cũng vậy. Tôi thấy yêu quý cái khoảng
không gian thênh thang của cuộc sống mình. Có những buổi sáng mùa hạ, sau khi tắm
rửa xong xuôi, tôi ra ngồi ngoài hiên nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài
vui sống giữa thiên nhiên, với những cây thông, cây bồ-đào, cây thù-du, trong một
không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có những con chim ca hát líu lo thỉnh thoảng
lại bay lượn vào nhà trong, cho đến khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi
vào cửa sổ phía Tây, hay âm thanh của những chiếc xe ngựa của vài người lữ hành
từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật mình sực nhớ đến thời gian trôi
qua. Tôi lớn lên theo những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên
trong đêm, công trình ấy có giá trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực
hiện được bằng tay chân. Thời gian qua không phải là những giây phút mất đi
trong đời tôi, mà ngược lại nó còn quý giá hơn những giờ phút bình thường khác.
Bây giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Đông khi họ nói về
sự lặng yên chú ý và sự buông bỏ. Cuộc sống ở đây phần nhiều tôi không hề
chú ý đến thời gian trôi qua bằng cách nào. Một ngày đến dường như chỉ để
giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã
chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết. Nhưng
thay vì ca hát như những con chim, tôi im lặng mỉm cười với sự may mắn vô tận của
mình. Cũng như con chim sẻ đang đứng trên một nhánh cây bồ-đào ngoài cửa
hát líu lo, tôi cũng có những tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén lại trong cái tổ ấm
của mình, mà không chừng con chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi."
Chỉ có vậy thôi
Lối sống giản dị mà ông Thoreau chọn không phải là dễ,
nó đòi hỏi nhiều nghị lực. Đa số chúng ta quen với cuộc sống bận rộn,
đầy trách nhiệm, đâu dễ gì mà có thể như ông Thoreau bỏ đi đến một nơi
nào đó để sống riêng một mình được. Mà dầu có thể làm được chuyện
ấy, liệu ta có thể nào thực sự sống trong mỗi giây mỗi phút như ông không! Tôi
nghĩ, sống đơn giản là một nghệ thuật mà ta cần phải có một trình độ
tỉnh thức mới có thể thực hiện được. Còn nếu không thì dầu thân ta có đang
ở giữa rừng đi chăng nữa, tâm ta vẫn cứ xôn xao tìm về nơi phố chợ xô bồ. Tôi
nhớ nhiều năm về trước, có lần lên tu tập ở một thiền viện trên núi cao. Lúc ấy
vào giữa mùa thu, cây lá đổi màu. Những buổi sáng, sương mù quyện phủ trùm
rừng núi, ôm ấp con suối nhỏ chảy róc rách. Mùa thu, không gian chứa đựng
thời gian, đẹp. Nhưng sau vài ngày, tôi không còn nhận thấy những vẻ đẹp ấy
nữa, có lẽ vì chúng đã trở thành quen thuộc. Tôi thấy mình không
còn để ý đến những chiếc lá vàng đỏ trên con đường thiền hành, lại
hay tìm đến đứng trên một dốc cao, nhìn xuống thành phố xa xôi bụi bậm dưới
kia. Có lẽ vì tôi quen tìm kiếm hạnh phúc trong sự thực hiện, sáng tạo. Trên
thiền viện này mọi việc tĩnh lặng quá, ý muốn phải thực hiện "một cái
gì" ấy kéo tâm tôi về phố chợ xưa.
Có lần, tạp chí New Yorker đăng một tranh vui, vẽ hai vị
sư, một già một trẻ, ngồi xếp bằng cạnh nhau trong tư thế thiền định. Vị
sư già ngồi yên nhắm mắt, vẻ mặt tĩnh lặng, còn vị sư trẻ thì lộ vẻ bất an, bồn
chồn, không yên. Thấy thế, vị sư già quay sang nói nhỏ: "Chẳng có gì xảy
ra nữa đâu. Chỉ có vậy thôi!" (Nothing happens next. This is it!)
Muốn sống tỉnh thức, ta phải biết sống trong giờ phút hiện tại
này. Mà sống trong hiện tại đôi khi có nghĩa là ta không cần làm gì hết,
không có gì để cho ta thực hiện hay sáng tạo. Những giây phút tĩnh lặng ấy
có khi lại là một món quà quý giá nhất mà ta có thể tự ban cho mình.
Một nếp sống giản dị
Sống tỉnh thức tuy rất đơn giản nhưng không có nghĩa là
dễ làm. Chúng ta thường có một tập quán nặng nề là lúc nào cũng phải làm một việc
gì đó, bất cứ là việc gì. Có lẽ vì sự bận rộn đem lại cho ta một cảm
giác thành đạt, thấy mình là quan trọng. Trong giờ phút hiện tại này, vì vậy
mà có khi ta lại ôm đồm quá nhiều việc: muốn gọi thêm một cú điện thoại,
cố làm cho chóng xong việc này để còn tiếp sang việc khác, rồi việc khác nữa...
Muốn sống tỉnh thức chúng ta cần phải biết nhận diện những thói quen ấy để
có thể buông bỏ chúng. Việc ấy tuy giản dị, nhưng muốn thực hiện cũng đòi hỏi
nhiều công phu. Chúng ta hãy cố gắng tập cho mình một thói quen là khi làm việc
gì ta chỉ làm một việc thôi. Trong những buổi ăn, ví dụ như buổi ăn sáng,
có người có thói quen phải tìm đọc hoặc xem một cái gì: báo chí, ti vi,
tin tức, như là họ sợ mình đang phí thì giờ vậy. Cũng có thể họ đọc để
giữ cho đầu óc mình bận rộn vì không chịu được sự vắng lặng bên trong.
Nhưng vô tình vì vậy mà ta không tiếp xúc được với buổi ăn của mình, ta
không nhìn thấy được ánh nắng vàng lung linh đổ dài trên chiếc bàn gỗ,
mùi bánh mì nướng tỏa thơm trong gian phòng nhỏ, không gian tươi mới của một buổi
sáng sớm chung quanh ta.
Sống tỉnh thức cũng có nghĩa là sống giản dị. Việc ấy đòi
hỏi một sự cố gắng và chuyên tâm thường xuyên. Nó bắt ta trong giờ phút hiện tại
này chỉ làm một việc mà thôi và phải thật sự có mặt với công việc ấy. Ta có thể đi
dạo một mình trong rừng hay đi với một người thân xuống phố, điều quan trọng
là ta phải thật sự có mặt ở đó. Lối sống tỉnh thức này sẽ đưa ta đến
một sự chọn lựa, đôi khi vì muốn được nhiều hơn mà ta lại tự chọn có ít lại.
Chúng ta chọn bớt nhìn ngắm lại để cái nhìn của mình được thẳm thấu
hơn, chọn bớt làm việc lại để sự thành tựu được tốt đẹp hơn, và chọn
bớt thâu thập để mình được giàu có thêm hơn...
Sự chọn lựa của ta
Đêm nay không gian bên ngoài có tuyết trắng và trăng sáng.
Cơn bão mùa đông kéo dài mấy hôm nay giờ chắc đã đi qua. Buổi
chiều này thời tiết báo sẽ có một cơn bão tuyết khác đang sắp sửa kéo qua
đây. Tôi nhìn lên cao, bầu trời lấp lánh tinh tú pha lê, không một dấu hiệu của
bão tố. Mùa đông năm nay có vẻ lạnh và rét mướt hơn mọi năm. Con đường dẫn
vào nhà đóng băng loáng thoáng ánh trăng xanh.
Đa số bạn và tôi là những người có gia đình. Chúng ta có
một số bổn phận và trách nhiệm đối với những người chung quanh. Chuyện từ
bỏ cuộc đời như ông Thoreau để đi đến hồ Walden hoặc một nơi vắng vẻ
nào đó, ngồi dưới một gốc cây vài năm, nghe tiếng cỏ cây chuyển hóa, nhìn
bốn mùa xoay vần, việc ấy có vẻ không được thực tế lắm. Mà tôi nghĩ cũng
chưa chắc là đúng! Nhưng tôi nghĩ, giữa những bận rộn và phức tạp của đời
sống gia đình, của bổn phận và trách nhiệm, ta vẫn có thể sống tỉnh thức được.
Lẽ dĩ nhiên việc ấy đòi hỏi một sự thực tập thường xuyên, một công phu tu
tập.
Giữa cuộc đời bận rộn, muốn chọn một lối sống tỉnh thức,
điều đầu tiên ta cần phải thực hiện là biết sống chậm lại. Chúng ta hãy tập cho
mình không phải đứng dậy trả lời lập tức mỗi khi nghe chuông điện thoại
reng. Trong giờ phút này không có nơi nào cần để cho ta đến, không có ai để
cho ta gặp, không có một tin tức, một chương trình nào trên ti vi cần phải
xem... Vì những gì là quan trọng nhất trong đời ta bao giờ cũng đang xảy
ra ngay bây giờ và ở đây.
Thói quen đó sẽ giúp cho cuộc sống ta được đơn giản hơn,
và lẽ dĩ nhiên việc ấy không phải là dễ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta
thường gặp những hoàn cảnh, trường hợp cần sự phản ứng lập tức của mình. Nhưng
cũng vì thế mà nó bắt ta phải biết tỉnh thức và chú ý đến những gì thật sự đang
xảy ra. Nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy mọi vật, mọi sự sống chung quanh ta đều có
liên quan, dính dáng với nhau. Bạn hãy cẩn trọng, vì mỗi sự lựa chọn của bạn,
dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng sẽ có một ảnh hưởng rộng lớn và sâu xa hơn là bạn
tưởng. Mà cuộc sống bao giờ cũng bắt buộc ta phải chọn lựa. Ta sẽ không bao giờ
có thể nào có hết được những gì mình muốn. Nhưng nếu được, bạn hãy chọn
cho mình một lối sống đơn giản, vì nó rất cần thiết cho sự tự do của chính
mình.
Hồ Walden và hơi thở của ta
Ông Henry Thoreau đã bỏ ra hơn hai năm trời về sống ẩn dật
nơi hồ Walden, vì ông muốn được trực tiếp kinh nghiệm sự sống. Ông viết:
"Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống một cách tự chủ, để tôi có thể
đối diện với những gì là thật thiết yếu của cuộc đời, để xem nếu tôi có thể
học được những gì sự sống này dạy cho tôi. Nếu không, mai này khi chết đi,
tôi sẽ hối hận rằng mình đã chưa từng bao giờ thực sự sống." Nhưng
bạn và tôi muốn thực tập lối sống tỉnh thức ấy, tôi nghĩ chúng ta không cần phải
tìm đến hồ Walden hay một nơi nào quạnh quẽ xa xôi đâu hết. Trong cuộc
sống hằng ngày, hãy tự tạo cho mình một chút thời gian và không gian tĩnh lặng.
Khoảng không gian của hồ Walden ấy, đang hiện hữu trong
hơi thở của ta. Sự nhiệm mầu biến hóa của bốn mùa cũng nằm trong hơi thở của
ta. Và sự sống của ta, của ông cha ta, của con cháu ta, cũng đang có mặt
trong hơi thở ấy. Hơi thở của ta là một dòng suối mát nối liền thân với tâm, nối
liền ta với ngàn thế hệ đi trước và những thế hệ tương lai, nối liền sự sống
này với những sự sống khác chung quanh ta. Tất cả đều có mặt đầy đủ hết,
bây giờ và ở đây, trong hơi thở tỉnh thức ấy.
Tiếng máy sưởi chạy đều tỏa ấm căn phòng. Bên ngoài vườn,
những cành cây khô cóng, bạc xám, đóng băng nghiêng ngã vào nhau. Đêm
nay trời thật lạnh. Có tiếng cành khô nào rơi gãy ngoài sân. Cái nghe của tôi
chợt trở nên bén nhạy lạ thường, tưởng chừng như nghe được cả tiếng ánh
trăng xanh rơi trên sân tuyết ngoài kia. Căn phòng nhỏ phảng phất thơm mùi trầm.
Ánh trăng mênh mông rọi vào khung cửa sổ trải sáng mặt bàn viết. Trang
sách đọc dở dang ban chiều vẫn nằm đó, có một bài thơ nào còn vướng trên
trang giấy cũ:
Thiên phong đỉnh thượng nhất gian ốc
Lão tăng bán gian vân bán gian
Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ
Đáo đầu bất tợ lão tăng nhân
Trên nghìn đỉnh núi một gian nhà
Một nửa cho mây một nửa ta
Đêm qua gió thổi mây đi mất
Tính lại ai nhàn bằng lão gia.
Lão tăng bán gian vân bán gian
Tạc dạ vân tùng phong vũ khứ
Đáo đầu bất tợ lão tăng nhân
Trên nghìn đỉnh núi một gian nhà
Một nửa cho mây một nửa ta
Đêm qua gió thổi mây đi mất
Tính lại ai nhàn bằng lão gia.
Trong phòng sách cạnh bàn viết tôi có trồng một chậu cúc. Cả
tuần nay tôi quên mở tấm màn che cửa sổ. Những chiếc lá thon dài có lẽ vì thiếu
ánh sáng nên như nhạt đi màu xanh. Chậu cúc trong phòng sách tôi đã
có hơn bốn, năm năm nay. Mặc dù ít chăm sóc nhưng nó vẫn lớn, vẫn mọc cao, những
thân nhỏ đứng không vững phải tựa vào tường. Mấy tuần nữa trời ấm, tôi sẽ mở
tung cửa sổ ra. Những hôm gió lộng lùa vào, ngồi đọc sách và nghe tiếng lá
reo, cứ tưởng như mình đang ngồi ngoài vườn vậy.
Cơn bão tuyết cuối cùng của mùa đông cũng vừa qua. Sáng
nay nhìn ra ngoài cửa sổ tôi thấy nắng trong và trời thật xanh. Ngoài sân, tuyết
phủ vạn vật trắng tinh, ngập con đường nhỏ dẫn vào nhà. Vậy mà chỉ còn có
vài ba ngày nữa là đầu mùa xuân rồi còn gì! Mấy sáng nay thức dậy, tôi
nghe tiếng chim hót ríu rít ngoài sân.
Mùa xuân ở nơi này trời đất sẽ đẹp lắm. Cây nào cũng có
hoa nở rộ đủ màu, chen lẫn với màu xanh của lá non. Những ngày có gió, phấn
hoa bay đầy trời. Có hôm đi làm ra tôi thấy phấn hoa phủ trên xe một lớp mỏng
như bụi. Mùa xuân nơi đây đẹp, nhưng không thích hợp với nhiều người vì bụi
phấn hoa có thể làm cho họ bị hắt hơi, chảy mũi, ngứa mắt. Có một thời gian tôi
cũng bị như vậy, nhưng sau mấy năm tự nhiên hết đi. Ở quanh đây đa số nhà
nào cũng có trồng những bụi cây đỗ quyên phía trước. Chừng vài tuần nữa trời
ấm, chúng sẽ trổ bông vàng, đỏ, trắng phủ trùm cả toàn cây. Những ngày ấm
nắng trong, nếu không bị dị ứng vì phấn hoa, bạn có thể ra ngoài đi dạo
xem hoa và lá xanh, đẹp lắm!.
Con người và thiên nhiên
Hồi còn nhỏ ở quê nhà, có lần tôi theo ba má leo lên một ngọn
núi cao, thăm một ngôi chùa cổ xây tận trên đỉnh. Chiều về, tôi chạy chơi với
anh em vòng theo một con đường nhỏ ôm quanh núi. Qua một khúc quẹo, chúng
tôi bắt gặp một tảng đá núi thật to, chừng hai ba người lớn ôm, chắn ngang ngay
lối đi. Tảng đá trông thật hùng vĩ nằm chơ vơ bên triền núi, nhìn xuống phía dưới
kia xa xa là những cánh đồng ruộng lúa ướp vàng nắng chiều. Hình ảnh uy
nghiêm, cổ kính ấy in sâu vào tâm hồn tôi.
Thiên nhiên có khả năng ảnh hưởng đến tâm hồn của con người rất
sâu đậm bạn hở! Một ngày trời trong, nắng ấm, nghe tiếng chim hót, ta thấy cuộc
sống đẹp. Đi dạo trên bãi biển vào một sáng sớm, nhìn mây trắng bay, nghe
tiếng sóng vỗ, đi chân không trên bọt trắng xóa, tôi thấy cuộc đời thong
thả. Mà tôi nghĩ, con người cũng là một phần của thiên nhiên. Như tảng đá
núi, như ánh nắng, áng mây, bầu trời, biển cả... sự an lạc và vững vàng của ta
cũng có thể là một nơi cho người khác nương tựa, là nguồn hạnh phúc cho những
người thân chung quanh ta.
Bạn có nghĩ vậy không? Chúng ta cũng là một phần của thiên
nhiên, và là một phần rất quan trọng. Hạnh phúc, khổ đau của ta chắc chắn
có thể làm trong sạch hay ô nhiễm đến thế giới chung quanh ta. Bạn biết
không, từ lúc có lịch sử đến nay, tổng số những sự tàn phá thiên nhiên do
thiên tai gây nên, không thấm vào đâu so với sự phá hoại của con người! Con người
là một yếu tố rất quan trọng cho sự sinh tồn của trái đất này. Hạnh phúc của
bạn có thể làm một dòng suối trong hơn, một chiếc lá xanh hơn, cho một người
nào đó bớt khổ đau hơn.
Có lần tôi được nghe kể về một thiền sư tiếp một người bạn
đến thăm. Cả hai cùng với nhau ngồi thinh lặng uống trà. Đến giờ, người
khách đứng dậy cáo từ ra về. Ông nói cuộc gặp gỡ rất là hạnh phúc, mặc dù không
ai nói một lời nào. Mà thật vậy, đứng trên một ngọn đồi gió mát, bạn
đâu cần phải nói gì mà vẫn thấy thư thái. Ngồi yên cạnh một con suối trong,
nghe tiếng suối chảy róc rách cũng có thể làm tâm hồn bạn được tĩnh lặng.
Và tôi biết chắc rằng, nếu được ngồi gần một người có an lạc, chắc rằng ta
cũng sẽ được tươi mát lây.
Cánh bướm và một cơn bão
Thế cho nên, hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào cách sống,
cách đi, đứng, nằm, ngồi của bạn. Và ngược lại cũng thế! Mấy năm trước tôi
có đi dự một khoá tu học với Sư Ông. Ngày đầu thầy bắt mỗi người chúng tôi
phải dán một tờ giấy nhỏ lên giầy, dép của mình, trên ấy có viết
"tôi đi cho bạn," I walk for you. Mỗi lần đặt chân vào
dép, nó nhắc nhở chúng tôi phải đi đứng cho có chánh niệm, vì những người
có mặt chung quanh đang nương tựa vào sự vững vàng của mình.
Cuộc đời chung quanh ta có nhiều khổ đau, nên hạnh phúc
của một người, dầu nhỏ nhoi đến đâu, cũng rất là cần thiết. Những bồ
tát đi cứu độ người khác thì chắc chắn bản thân các ngài phải có nhiều an
lạc. Tôi nghĩ sự an lạc ấy là kết quả của một sự tu tập chánh niệm, thiền quán
lâu dài. Các thiền sư thường nhắc nhở rằng, tự tính chúng ta là tĩnh lặng, là
an vui. Nhưng dường như sau một thời gian trôi lăn trong khổ đau, hạnh phúc ấy
không còn là một quyền bẩm sinh của chúng ta nữa. Và vì vậy mà an lạc cần phải được
tu tập. Hằng năm, chúng tôi thường bỏ ra một thời gian để đi dự những khóa tu học
vì muốn được thực tập vững chãi và thảnh thơi. Chúng tôi dậy sớm, ngồi yên
tập giữ gìn hơi thở có ý thức. Chúng tôi tập đặt những bước chân thiền
hành vững vàng và yên ổn. Tôi ngồi mình tôi, đi mình tôi, nhưng tôi nghĩ
những việc mình làm đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của những người
thân yêu dầu đang vắng mặt. Tôi có nghe kể về một giả thuyết khoa học chứng
minh rằng, một trận bão xảy ra ở Boston là do ảnh hưởng bởi một con bướm vỗ
cánh ở Trung Hoa. Nếu đó là sự thật thì mỗi bước chân vững vàng, mỗi hơi
thở có ý thức của tôi sẽ còn có năng lực đến biết chừng nào nữa!
Mùa đông năm nay hình như lạnh và dài hơn mọi năm. Tôi
nhìn tấm lịch trên bàn, còn vài ngày nữa là bắt đầu mùa xuân mà ngoài kia
tuyết trắng xóa. Tuyết cao lắm, chắc cũng phải mất mấy tuần mới bắt đầu
tan hết.
Các thiền sư có dạy cho chúng ta một phương pháp để có
được an lạc, đó là thực tập chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là ý thức được
sự sống của mình trong giây phút này và ngay ở đây. Khổ đau hay an lạc
không xảy ra trong quá khứ, chúng cũng không thể nào xảy ra trong tương lai. Bạn
có hạnh phúc không? Câu hỏi đó phải được trả lời trong giây phút
này đây. Và nếu tôi đang có một khổ đau, khổ đau ấy chỉ có thể được
chuyển hóa trong bây giờ và ở đây, vì chúng ta đâu còn có một thời
gian nào khác nữa! Chánh niệm sẽ đem lại cho ta lối sống tỉnh thức và an lạc
ấy. Thiền sư Lâm Tế viết, "Chúng ta không thể nào giải quyết được những
vấn đề của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Khi
nào đến lúc cần thay đồ thì ta cứ mặc áo vào. Đến lúc cần phải
lên đường thì ta hãy bước chân đi. Có vậy thôi. Chứ còn mải
mê đi loanh quanh tìm một Phật tánh xa xôi nào chi nữa!" Thiếu sự tu
tập chánh niệm, chúng ta chưa mặc áo vào, chưa bước chân đi mà tâm
ý đã phiêu du đến tận một phương trời nào trước rồi!.
Hơi thở và thiền quán
Trong thiền, nhất là Zen và Vipassana, hơi thở được xem
như là một đối tượng thiền quán rất quan trọng. Có những khóa thiền kéo
dài ba mươi ngày, chín mươi ngày mà hành giả chỉ ngồi để theo dõi hơi thở
của mình. Phương pháp ấy không phải chỉ dành riêng cho những người mới tu, mà
những bậc thiền sư lâu năm cũng chỉ thực hành có bấy nhiêu thôi.
Nhưng hơi thở không phải chỉ được sử dụng trong những
khoá tu học mà thôi. Trong cuộc sống hằng ngày, hơi thở là một phương tiện thiện
xảo giúp ta giữ gìn chánh niệm. Trong giờ phút hiện tại ta đang thở. Ý thức
được hơi thở ấy có nghĩa là ta đang có mặt trong hiện tại. Tư tưởng ta nếu
không có hơi thở giữ gìn, nó sẽ trôi bay đi bốn phương, tám hướng. Tôi có
một người bạn. Anh ta có một đời sống rất bận rộn. Anh nói tôi, mỗi ngày anh vặn đồng
hồ đeo tay của mình để mỗi nửa tiếng nó báo hiệu một lần. Mỗi khi nghe tiếng
báo hiệu ấy, anh trở về chú ý đến hơi thở của mình. Đôi khi nó xảy ra
trong khi anh đang ngồi trong phòng họp, đang giữa một cuộc tranh luận,
trong lúc nói chuyện điện thoại... Trong thời gian đầu, tiếng báo hiệu ấy đối với
anh là một trở ngại. Nó bắt anh phải bỏ dỡ dang công việc "quan trọng"
mà anh đang làm, để chú ý đến một việc hết sức tầm thường là hơi thở.
Lúc đầu nó làm anh hơi bực mình. Nhưng sau một thời gian, sự thực tập ấy
trở thành một công phu. Nó nhắc nhở anh ít nhất là mỗi nửa tiếng phải trở về sống
với hiện tại và nghỉ ngơi. Nó giúp anh ý thức được rằng không có công việc
nào là thật sự quan trọng đến như anh tưởng! Và nếu ta không có khả năng sống
trong hiện tại, an lạc ngay trong lúc này, thì bao giờ?
Lưới trời Đế Thích
Trong kinh có nói về cõi trời Đế Thích. Trên cung trời Đế
Thích có một tấm màn giăng trùng trùng điệp điệp, làm bằng những hạt châu.
Và trong mỗi hạt châu đều phản chiếu được hết tất cả những hạt châu khác
trong tấm màn. Nếu bất cứ một hạt châu nào thay đổi màu sắc thì tất cả những
hạt châu khác sẽ phản ảnh được việc ấy. Sự sống của bạn, của tôi được tượng
trưng bằng những hạt châu trong màn lưới trùng điệp ấy. Mỗi hạnh phúc, khổ
đau của bạn sẽ được phản ảnh qua những người thân yêu, qua bạn bè, qua thế giới
chung quanh bạn. Và ngược lại cũng thế! Chúng ta là một phần của nhau.
Có một lần tại San Francisco, Gary Snyder, một nhà thơ Hoa Kỳ,
lên diễn đàn đọc một bài thơ do ông sáng tác. Ông mở đầu bằng
cách yêu cầu thính giả hãy thưởng thức hơi thở của mình, (please enjoy your
breathing), ông nói tiếp, "thầy Nhất Hạnh dạy tôi điều ấy." Kế
tiếp chương trình là đến phiên thầy Nhất Hạnh. Trước khi đọc một bài
thơ của thầy, thầy nói với thính giả, "Xin quý vị hãy nhớ thưởng thức hơi
thở của mình," rồi thầy tiếp thêm, "Gary Snyder dạy tôi điều ấy."
Cả hội trường cười thật tươi.
Lát nữa tôi sẽ đi bón thêm phân và tưới nước cho chậu
trúc trong phòng. Chờ khi trời ấm tôi sẽ đem hết những chậu cây trong nhà
ra ngoài hiên để chúng hứng nắng và gió. Sáng nay trời nắng thật trong. Ngồi
trong đây tôi chợt nghe có vài con chim nào đó từ xa trở về, chúng đuổi
bắt, đùa giỡn với nhau, hót líu lo ngoài sân. Sau một mùa đông dài, mùa
xuân năm nay cũng vừa mới đến. Tôi biết vậy.
Ngàn Năm, Giọt Nước Có Buồn Không?
Căn phòng lạnh. Tôi bước xuống nhà mở thêm chút sưởi và pha một
tách trà cho ấm. Trăng sáng ngoài cửa sổ. Đêm nay lạnh nên bầu trời thật
trong, không một chút mây. Những vì tinh tú của dãy thiên hà trên cao trông thật
tỏ, tôi cảm tưởng như mình có thể với tay lên chạm được. Trời cũng đã
khuya, tôi đi thu dọn lại mấy quyển sách còn đọc dở dang, đặt lại
trên kệ cho yên một ngày, sắp xếp lại những cây viết trên bàn cho gọn.
Tôi thích viết mực nên cứ hay mua. Những dòng chữ viết bằng mực
trên trang giấy trắng là những ý nghĩ trở về nằm yên trong giờ phút hiện tại.
Như mây hóa thành mưa về đọng lại trên núi cao làm hồ nước trong phản chiếu
ánh trăng xanh. Mây làm sao có thể làm sáng được bóng trăng phải không bạn,
nó phải chuyển hoá thành hồ nước lặng yên mới được.
Ánh trăng dường như sáng hơn vào những đêm
mùa đông. Ánh trăng màu trắng xanh. Có những đêm sau giờ ngồi thiền,
bước đến cửa sổ nhìn xuống vườn, thấy những bóng cây đổ dài trên sân
tôi cứ ngỡ là mình quên tắt đèn ngoài hiên.
Bạn có bao giờ đi dạo trên một con đường làng vào
những đêm trăng sáng chưa? Những giây phút ấy, ta cảm thấy được sự sống
mãnh liệt của thiên nhiên. Có lần tôi đi dạo với người thân trên một
con đường quê. Không gian ở vùng xa thành phố thật yên tĩnh, và trăng thật
sáng. Đi giữa thiên nhiên trong đêm, dường như thính giác của ta trở nên
bén nhạy hơn. Tôi có thể nghe được âm thanh của lá, của mây, của gió, của
sự sống trong cây cỏ. Quen sống giữa phố thị, bị giới hạn trong bốn bức tường,
bạn biết không, chúng ta vô tình cô lập sự sống của mình lại mà không hay.
Trong cuộc vô thường của đời sống, có bốn mùa thay đổi, có chuyện tử
sinh, có những ngày mưa và tháng nắng, được nắm tay đi với người thân
thương trong những bước chân thảnh thơi, là một hạnh phúc lớn. Và trên đầu
chúng tôi còn có ánh trăng xưa.
Hạnh phúc bao giờ cũng có mặt, nhưng chừng như khi lớn lên rồi
thì khả năng tiếp xúc với hạnh phúc của ta cũng bị giới hạn đi. Có lẽ vì ta có
nhiều nỗi sợ hơn khi phải đối diện trước một cuộc sống quá nhiều thay đổi.
Mà thay đổi thường có khuynh hướng đem đến những mất mát và khổ đau.
Đức Phật dạy, cuộc đời là khổ đau. Nhưng ngài cũng nói rằng ta vẫn có thể
sống hạnh phúc và an lạc, dẫu ở giữa một cuộc đời khổ đau ấy, vì những gì
ta nhìn chưa chắc là những gì ta thấy.
Chiếc lá thu xanh
Mấy tháng trước đây trời còn là mùa thu. Khu rừng nhỏ cạnh
nhà và con đường đi đến sở là một thế giới của màu sắc tuyệt đẹp. Tôi
nghĩ mỗi chiếc lá đều có một màu sắc cá biệt mà không thể có một chiếc lá thứ
hai giống như vậy, trong số vạn ngàn chiếc lá. Mấy hôm nay trên con đường
thiền hành mỗi trưa, tôi vẫn thỉnh thoảng tìm thấy một vài chiếc lá thu, vẫn
còn mới, chưa phai, nằm yên trên tuyết, dưới những cội cây lớn.
Bạn biết không, người ta nói vào mùa thu những chiếc lá mới bắt đầu
hiện rõ màu sắc thật sự của chúng. Những màu sắc rực rỡ cam, vàng, đỏ,
tím... mới chính là màu thật của lá. Màu xanh mà ta thấy vào mùa xuân, mùa hè,
là do chất diệp lục tố (chlorophyll) tạo nên nhờ sự quang hợp (photosynthesis)
của ánh sáng mặt trời. Vì cường độ của màu xanh ấy quá mạnh nên nó che lấp đi
màu thật của lá. Vào mùa thu, khi ánh sáng mặt trời yếu đi, khi cây không
còn đủ sức sản xuất chất diệp lục tố nữa, màu xanh của nó sẽ bị phai mờ và
màu sắc thật của những chiếc lá bắt đầu hiển lộ. Trời thu đẹp là nhờ có
trăm ngàn chiếc lá biết phơi bày màu sắc chân thật của chúng. Bạn biết không,
những màu sắc rực rỡ ấy lúc nào cũng có mặt, chứ không phải chỉ chờ đến
mùa thu, nhưng chỉ vì chúng bị che khuất bởi màu xanh của mùa hè mà thôi.
Mấy tháng trước trời vẫn còn thu, tôi đi dạo trong thiên
nhiên giữa một thế giới của ngàn màu sắc. Màu sắc bay trong không trung, màu sắc
trải đường đi, màu sắc phủ mặt hồ, màu sắc trôi trong đáy tách trà
thơm.
Tôi nhớ mở đầu tác phẩm Ana Karenin, văn hào Leo Tolstoy
viết, "Những gia đình hạnh phúc thì đều giống như nhau, nhưng
trong mỗi gia đình khổ đau thì không có khổ đau nào giống với khổ đau
nào hết." Tolstoy là một đại văn hào, ông có một cái nhìn rất sâu sắc
về cuộc đời. Có lẽ trong cuộc đời, ông đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh
khổ đau mà hạnh phúc thì chừng như quá giới hạn. Nhưng bạn biết không, tôi
không nghĩ như vậy. Tôi muốn viết là, "Trong cuộc đời này những khổ đau
có thể giống như nhau, nhưng mỗi hạnh phúc đều rất đặc biệt và kỳ diệu theo một
lối riêng của nó."
Bạn hãy bước ra ngoài một sáng mùa thu, sau một cơn mưa sớm,
nắng lên tan sương mù, có tiếng lá rơi trên lá, màu sắc trên màu sắc, mỗi tờ lá
là một vẻ đẹp thiên nhiên rất công phu và nhiệm mầu, không thể so
sánh được. Nhưng cuộc đời, nhiều khi ta cứ ngỡ chúng chỉ có mỗi một màu
xanh tầm thường mà thôi!
Sự sống rộng lớn
Chắc bạn cũng còn nhớ câu chuyện về cô Kisagotami. Kisagotami
là một thiếu phụ còn trẻ, vừa mất một đứa con chưa đầy một tuổi. Trong cơn
đau khổ cùng cực, cô cứ ôm chặt xác đứa con trong lòng và đi khắp
nơi, tin rằng sẽ có một phương thuốc làm con mình sống lại. Dân làng cho rằng
có lẽ cô vì quá buồn khổ nên đã hóa điên, họ trốn tránh cô. Có một
người thấy vậy thương hại, đến khuyên cô hãy tìm gặp đức Phật, ngài sẽ
giúp cho. Khi gặp đức Phật, Kisagotami kể lại tình cảnh của mình và cầu
xin đức Phật làm cho đứa con yêu dấu được sống lại. Đức Phật từ
bi nhìn cô bảo, "Ta biết có một phương cách, nhưng cô phải xin được
cho ta một hạt cải từ một căn nhà nào mà trong gia đình chưa từng có người
chết. Cô xin được rồi mang về đây, ta sẽ làm cho con của cô sống lại."
Cô nghe lời đức Phật, đi vào làng tìm đến mỗi nhà. Nhưng nhà nào cô
gõ cửa hỏi cũng đều có người đã qua đời. Rồi một buổi sáng cô chợt hiểu!
Căn nhà mà cô muốn tìm, nó không có thật trên cuộc đời này. Cô đi vào
rừng chôn xác đứa con mình và trở lại gặp đức Phật. Đức Phật nói,
"Cô đừng bao giờ nghĩ là chỉ có riêng mình mới phải đối diện với những
khổ đau, cho dù nó có to tát đến đâu. Vô thường là luật tự nhiên của cuộc
sống, không một ai có thể tránh được." Và Kisagotami đã trở
thành một nữ đệ tử lớn của Phật.
Khổ đau là một sự thật. Ta không nên và không thể nào chối
bỏ sự thật. Nhưng ta cũng đừng bao giờ tự cô lập và cá nhân hóa khổ đau
của ta, và giữ nó cho riêng mình. Kisagotami nhờ thôi nắm giữ khổ đau của
mình, cho nó là duy nhất, là cá biệt, mà cô đã được giải thoát. Có những
khổ đau rất to tát, nó có thể đè nát ta, nhưng bạn biết không, cuộc đời
này rộng lớn hơn thế. Sự sống này có thể dung chứa hết tất cả mọi khổ đau, nếu
ta có khả năng nhìn sâu sắc và mở rộng được con tim của mình.
Tối nay tôi có đi nghe một người quen nói chuyện về vấn
đề sống hạnh phúc. Chị chia xẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm sao ta có thể sống
hạnh phúc giữa một cuộc đời bận rộn và khó khăn. Có nhiều cách để ta chuyển
hóa khổ đau. Ta có thể đối diện thẳng với chúng, hoặc ta có thể cứ tiếp tục vun
trồng hạnh phúc của mình. Mà tôi hiểu chị, tại sao ta lại phải nói đến khổ
đau trong khi ta có thể nói đến hạnh phúc, phải không bạn! Cuộc sống này to lớn
hơn những khổ đau có mặt. Mặc dầu nhiều lúc ta vẫn chưa có khả năng ý thức
được sự thật ấy.
Ngoài trời đã khuya. Trăng lên cao qua những nhánh cây
mùa đông khô nhỏ. Tôi thắp một ngọn nến. Một ngọn lửa nhỏ vàng yên lặng.
Trên đầu tôi có vạn ngàn vì tinh tú hiện hữu. Bạn biết không, người ta nói
cơ thể của ta cũng được làm bằng cùng như những nguyên tố cấu tạo nên dãy
thiên hà kia! Sự sống này đâu có giới hạn.
Giọt nước có buồn không?
Có lần tôi được nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn với
những ý lạ, "Biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu?
Biển sóng đừng xô ta, ta xô biển lại sóng nằm đau!" Ông kể, ông viết
bài đó do cảm hứng khi nghe tụng câu kinh Bát Nhã "Gate, Gate,
Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha." Ông giải thích ý mình, "Tuy
là do cảm hứng bắt nguồn từ câu kinh, nhưng nó không nương tựa gì câu kinh cả.
Tôi muốn nói, sống trong cuộc đời, ta đừng nuôi thù hận, đừng có ác ý
trong cuộc tình. Đừng để trong tình thương có bóng dáng thù địch, của
lòng sân hận. Sóng xô ta, ta xô lại sóng. Biết bao giờ mới đến được bờ bên
kia của tịch lặng, của bình an!" Ông nói về những cuộc tình, mà cuộc đời
cũng thế, bạn có nghĩ vậy không? Vì cuộc đời cũng được làm bằng những mối
liên hệ giữa ta với người chung quanh. Mà nếu mỗi lần "sóng xô ta" rồi
"ta xô lại sóng", thì biết bao giờ biển khổ này mới được yên,
tâm hồn này mới được tĩnh lặng phải không bạn!
Tôi nghĩ sự tu tập trước hết là để đem lại cho ta một tấm
lòng. Một tấm lòng, một con tim rộng lớn, không nhỏ nhen, không nghi kỵ, không
xô đẩy nhau. Một tấm lòng không cô lập, không cố chấp. Một tấm lòng vững
chãi và thảnh thơi có khả năng che chở và soi sáng ta giữa cuộc đời. Với tấm
lòng rộng mở ấy, mọi khổ đau sẽ được chuyển hóa.
Tôi có thể nói cho bạn nghe về sự cần thiết của sự đổi
thay và vô thường trong cuộc sống. Tôi có thể nói về một thực tại nhiệm mầu.
Tôi có thể kể cho bạn nghe làm sao ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc,
trong khi hiện tại là khổ đau.... Nhưng tôi nghĩ chữ nghĩa thì bao giờ
cũng quá dễ dàng, và nhiều khi còn là thừa thãi! Tôi vẫn còn đang thực tập
những gì mình đã được dạy. Có những ngày thân tôi đau, tâm tôi bất
an, hạnh phúc dường như là chuyện của hôm qua. Những ngày ấy, tôi bước ra
ngoài, tập đi thiền hành trên con đường nhỏ, nhìn trời xanh mây trắng,
có những đàn ngỗng trời bay ngang qua kêu vang không trung. Tôi tập nương
tựa vào sự vững vàng của con đường mình đi, vào trời xanh mây trắng,
vào hạnh phúc của những người chung quanh. Hạnh phúc đâu phải chỉ có mặt
trong một không gian hoặc thời gian nào giới hạn của riêng tôi! Nó rộng lớn hơn
thế. Sự sống của tôi và bạn không có một đoạn cuối, dầu khổ đau hay hạnh
phúc. Nó là một tiến trình tiếp tục mà ta có thể bắt đầu lại bất cứ một
lúc nào!
Đêm nay trăng sáng yên ngoài cửa sổ. Trong căn phòng viết nhỏ
của tôi có một vùng ánh sáng nhỏ tĩnh lặng. Cho rằng cuộc đời này là khổ đau,
hoặc hạnh phúc, cũng còn là vội vàng và giới hạn quá. Trên bàn viết, tôi có
chép lại một bài thơ của bác Ngọc Quế in trong tập sách bác gởi tặng nhà hôm
nào,
Ngàn năm,
Giọt nước có buồn không
Sao vẫn long lanh
Dưới ánh hồng
Trên cánh sen vàng
Ai biết được
Ngàn năm
Giọt nước có buồn không.
Giọt nước có buồn không
Sao vẫn long lanh
Dưới ánh hồng
Trên cánh sen vàng
Ai biết được
Ngàn năm
Giọt nước có buồn không.
Đêm đã khuya. Tôi thổi tắt ngọn nến trên bàn. Một làn
khói tỏa nhẹ dưới ánh trăng xanh.
Tôi nghĩ trời bắt đầu vào thu vào khoảng tháng mười. Buổi
chiều mặt trời hồng tô đỏ vàng chân mây bên ngôi rừng nhỏ cạnh nhà. Những
chiếc lá cũng đã đổi màu vàng, đỏ, tím len lẫn trong tàng lá. Trời
bắt đầu trở lạnh, mỗi khi ra ngoài tôi phải khoác thêm một lớp áo ấm. Trên
bàn viết của tôi có một chiếc lá phong màu đỏ, nhỏ xinh xắn. Tôi lượm được
nó hôm qua khi đi dạo quanh bờ hồ. Lá đã bắt đầu rụng nhiều. Đầy sân cỏ.
Trên đường đi, tôi thấy những hàng cây cao bên kia bờ hồ, mỗi khi có gió
lên, rụng lá đủ màu bay lả tả trong không trung. Thật đẹp. Con đường
thiền hành buổi chiều mùa thu về tĩnh lặng. Trong mỗi bước chân tôi có cảm tưởng
mình nghe rõ tiếng lá thu ru trong gió. Không gian lạnh nhẹ và yên.
Chiều nay ngồi xuống bàn viết, tôi bắt gặp lại chiếc lá phong
màu đỏ của ngày hôm qua. Nó nhỏ, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay
tôi. Đặt chiếc lá phong lên kệ sách, tôi muốn mang mùa thu ngoài kia
vào đây trong căn phòng nhỏ. Một chiếc lá bình thường nhưng biểu hiện một
tiến trình của sự sống, của một mùa thu đang về tràn ngập màu sắc.
Hình như với mùa thu con người muốn trở về gần thiên nhiên
hơn. Chừng vài tuần nữa, nơi tôi ở người ta sẽ rủ nhau lên núi xem lá đổi
màu. Nếu bạn ở đây, tôi cũng sẽ mời bạn đến xem rừng thu đổi lá một lần
cho biết. Có một lần, chúng tôi lên đỉnh núi cao nhìn mặt trời mọc. Buổi
sáng mùa thu lạnh căm, khói sương mù quyện trên đồi núi đủ màu lá chín,
chúng tôi leo lên đứng trên một tảng đá xám to, nhìn mặt trời mọc từ
mây ở phía chân trời.
Trên kệ sách gần bàn viết của tôi, có một ngăn trên cao tôi
dùng để chưng những món đồ quan trọng. Bây giờ có chiếc lá phong mùa thu nằm
trên đó. Mấy tháng trước tôi có để ở đó những vỏ ốc đủ màu mà tôi và bé
Duy rủ nhau đi nhặt trên bãi biển. Trẻ thơ vẫn còn giữ được một sơ
tâm, nó chạy lại mừng rỡ tíu tít khoe tôi những vỏ xò nó vừa nhặt được, mà
tôi mới quẳng đi vì cho rằng quá tầm thường. Nó thấy viên sỏi nào, chiếc vỏ
nào cũng rất lạ và đẹp. Nếu được, chắc có lẽ nó đã bắt tôi đem hết biển
về đây rồi. Trẻ thơ có thể yêu quý và tán thưởng sự sống hơn là người lớn chúng
ta.
Thế giới chung quanh ta chứa đựng nhiều cái hay lạ
và đẹp hơn là ta nghĩ. Có lẽ vì chúng đơn giản quá nên nhiều khi
ta đã bỏ mất cơ hội để nhận thấy. Đôi khi ta cần tập nhìn bằng ánh mắt
của một đứa bé thơ. Giáo lý của đức Phật, tôi nghĩ cũng như vậy. Con đường
dẫn đến tuệ giác và hạnh phúc mà ngài đưa ra, hấp dẫn được nhiều người vì
nó rất là đơn sơ. Ngày xưa, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, khi đức
Phật trình bày tư tưởng của ngài, rất nhiều người khi vừa nghe xong họ hiểu tức
thì và được sống hạnh phúc. Còn những người chưa hiểu được ngay lời
Phật dạy, họ thực tập thiền quán và rồi họ biết.
Đời sống có khổ đau. Đó là một sự thật. Nhưng đức Phật
cũng dạy thêm rằng, mặc dù không tránh được những đau đớn trên cuộc đời
này, nhưng ta không nhất thiết cần phải khổ đau. Thật ra đức Phật không
nói những lời ấy, nhưng sự sống của ngài, những bước chân an lạc của ngài, tôi
nghĩ, nói lên sự thực đó.
Sự sống và khổ đau
Mùa thu về, thành phố thấy như tĩnh lặng hơn. Khi thiên nhiên
chuyển hóa muôn màu trong những rừng cây nhỏ bên đường, buổi chiều trong
công viên gió thổi lá bay đầy trời. Những vội vã, ồn ào của không gian mùa
hè đã lắng yên xuống. Tôi thấy những buổi giao mùa thường biểu lộ cho ta
thấy được một cái đẹp huyền diệu của sự sống. Khổ đau là một hiện thực. Ta
không bao giờ có thể nhắm mắt làm ngơ như là chúng không thật được. Nhưng
các thiền sư dạy rằng, chúng ta sở dĩ khổ đau là vì ta không biết chấp nhận những
gì xảy ra cho mình trong chánh niệm, bằng một sự cởi mở trong tình thương và sự
hiểu biết. Hiểu được như vậy thì đau không nhất thiết là khổ, phải
không bạn. Là một con người sống trong một cuộc đời, thì ai mà lại có thể
tránh khỏi được những đau đớn của thân và tâm. Nhưng nếu bạn nhìn cho sâu
thì sẽ thấy được rằng, mặc dù vậy, khổ lại là một sự kiện dư thừa, không cần
thiết. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và phản ứng của ta mà thôi. Ta
không bao giờ có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra, nhưng sự an lạc là
tùy ở nơi mình. Lẽ dĩ nhiên nó đòi hỏi một sự tu tập, nhưng điều quan
trọng là ta có thật sự muốn hay không!
Nhưng ý niệm về khổ đau và an lạc thật ra cũng còn là
tương đối quá. Vì sự sống này, chân như, nó tự nhiên là vậy. Muốn ý thức được,
ta phải biết tiếp xúc với thực tại trong ngay giờ phút này. Tôi thường hay bị kẹt
trong thói quen cứ lo chuẩn bị, sắp xếp trong giây phút hiện tại, để
mong rằng rồi mình sẽ có được hạnh phúc trong một tương lai nào đó.
Nhưng nếu không là bây giờ thì là bao giờ bạn nhỉ? Chiếc lá thu tôi
nhặt hôm qua chỉ có thể đẹp trong giây phút này thôi, nếu tôi không biết
thưởng thức thì còn biết chờ đến một mùa thu nào nữa!
Chánh niệm và từ bi
Trên kệ sách cạnh bàn viết của tôi bây giờ có một chiếc lá
phong của mùa thu, mai mốt đây nó sẽ nhường chỗ cho một vật khác. Những vật
tầm thường ấy có thể nhắc nhở ta rất nhiều về việc thực tập sống trong hiện tại,
nó có thể là một viên sỏi, một chiếc lá, một mái ngói, một cốc nước
mưa... Đôi khi dừng lại và quán sát những vật tầm thường ấy sẽ đem lại
cho ta một cái nhìn mới về sự sống. Chúng là những cánh cửa sổ nhỏ bé mà nếu biết
nhìn với con mắt chánh niệm, nó sẽ mở ra cho ta thấy cả một thế giới nhiệm mầu
của Hoa Nghiêm.
Sống trong đời chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều lúc rất bận
rộn, nhưng mình không cần phải vội vã. Tôi biết có những thiền sư công việc rất
nhiêu khê, nhưng các ngài không có một chút gì là vội vàng hết. Có một lần được
ngồi với một thiền sư, tôi có cảm tưởng rằng tôi là một người quan trọng nhất đối
với ngài trong lúc đó. Ngài không có một chuyện gì khác quan trọng hơn là
tiếp xúc với tôi. Tôi nghĩ công phu ấy không phải chỉ do chánh niệm mà
còn được phát xuất từ một tâm từ nữa. Tôi nhớ trong pháp Quán Tâm Từ (metta),
thiền sinh được hướng dẫn đem tình thương mình ban rải đến khắp mọi
người không phân biệt thân, sơ, bạn hay thù. Sau một thời gian thực tập, vị thiền
sư sẽ hỏi học trò mình, giả sử như nếu người ấy đang đi trong rừng với một
số người, trong đó có bạn mình, kẻ thù mình, cha mình, vợ con mình, và có cả những
người mình không hề quen biết. Nếu như có một toán cướp nào đó chận đường,
bắt người đó phải nộp cho chúng một người để chúng giết, thì họ sẽ chọn ai trong
nhóm người của họ? Nếu như bạn chọn kẻ thù của mình, vị thiền sư sẽ khuyên bạn
nên trở về thực tập ban rải tình thương đến kẻ thù của mình hơn. Nếu như bạn
chọn đem chính mình ra để nhận lãnh cái chết, bạn sẽ phải trở về tập
biết thương yêu mình hơn. Nếu bạn có thể chọn bất cứ một người nào hơn một người
nào thì sự tu tập của bạn vẫn chưa được thành công. Lẽ dĩ nhiên, trong thực
tế mỗi hoàn cảnh đòi hỏi một đường lối xử sự khác nhau. Vấn đề không
phải là bạn sẽ chọn ai, nhưng điều quan trọng là tình thương xuất phát từ
chánh niệm không có một sự phân biệt. Ngồi trước mặt một vị thiền sư tôi không
bao giờ cảm thấy mình là tầm thường hoặc nhỏ bé.
Ở Tây phương tôi thấy ngày tháng qua thật mau, có lẽ vì lối sống
nơi đây vội vã quá. Người ta vội vã để có thể có thêm thời giờ. Nhưng
không biết họ sẽ làm gì với số thời giờ có dư được ấy, sẽ đem đầu tư vào sự
an lạc hay là khổ đau của họ! Tôi để ý có một sự liên hệ giữa việc sống chậm
lại và một đời sống giản dị hơn. Một đời sống giản dị sẽ giúp ta ít bị lệ
thuộc hơn, tự do hơn và có thể tiếp xúc với cái hay, cái đẹp của sự sống
hơn. Thế giới văn minh này đem lại cho ta thật nhiều phương tiện có thể
giúp ta sống thoải mái, nhưng không chắc chúng sẽ mang lại được hạnh phúc cho
ta không!
Có một thiền sinh sống ở Hoa kỳ lâu năm, một lần ông ta quyết
định sang Thái lan để tham dự một khóa thiền Vipassana kéo dài một tháng. Những
ngày đầu, tâm ông rất là bất an và khó chịu. Thức ăn, chỗ ngủ, thời
tiết, mưa nắng, tiếng động... bất cứ việc gì cũng có thể làm ông bực
mình được hết. Sau cùng chịu không nổi, ông xin vào gặp vị thiền sư chịu
trách nhiệm để xin giãi bày. Ông kể lể hết những sự khó khăn, bực dọc của
mình, và xin phép được ra khỏi khóa tu. Vị thiền sư lắng nghe hồi lâu, rồi
chỉ nhìn ông nói, "Hãy chậm rãi lại." Câu ấy đã chuyển
hóa được ông. Ông quyết định ở lại và sau cùng hoàn tất khoá tu. Ông kể lại
trong suốt khóa tu, mỗi khi gặp khó khăn, nhớ lại lời dặn dò của vị thiền
sư đã giúp ông rất nhiều.
Biết tiếp xúc với hạnh phúc
Khổ đau là một hiện thực, cũng như hạnh phúc là một hiện
thực. Chúng ta đừng bao giờ vì sợ hãi khổ đau mà không dám sờ chạm
vào hạnh phúc đang có mặt. Tôi nghĩ, ta cần phải biết tập nuôi dưỡng mình
bằng cách tiếp xúc với những hạnh phúc đang có mặt chung quanh ta trong giờ
phút này, chứ không phải chỉ những nạn tai, chết chóc và đói khổ được truyền
đạt qua tin tức. Ngồi đây nhìn ra ngoài kia cửa sổ, tôi thấy ánh nắng buổi chiều
nhuộm đỏ hồng những khối mây cuối chân trời, nắng mùa thu ủ chín những chiếc
lá đủ màu trái cây. Nếu đó không phải là điều để cho ta cảm thấy
hạnh phúc thì bạn đừng đi tìm kiếm xa xôi nữa làm gì, tôi không tin bạn sẽ
bao giờ tìm thấy đâu. Đức Phật dạy rằng chúng ta có khả năng giải thoát
hoàn toàn ra khỏi mọi khổ đau. Sống giữa cuộc đời, va chạm với những khốn
khó, có lẽ đa số chúng ta chưa thể tin vào sự thực ấy, nhưng tôi tin rằng khổ đau
có thể chuyển hóa được. Khi ta biết tiếp xúc với hạnh phúc trong chánh niệm, nó
có một năng lực chuyển hóa rất lớn.
Đời sống chung quanh ta có những khổ đau, ai cũng thấy được
việc đó. Đối với tôi, bệnh hoạn của một người thân yêu là một khổ đau lớn.
Tôi vẫn không bao giờ có thể nào cảm thấy bình an mỗi khi đứa con tôi bị
đau. Nhưng không phải vì vậy mà cuộc sống thiếu thốn những cái đẹp và hạnh
phúc. Ta hãy nhìn chung quanh mình bằng một ánh mắt có ý thức hơn. Hãy chậm rãi
lại mà sống. Mấy ngàn năm trước trên con đường xưa, bóng mát của đức Phật đã làm
tươi mát không gian chung quanh ngài và làm vơi bớt khổ đau của kẻ khác.
Ngày hôm nay, bóng mát ấy chính là sự tu tập chánh niệm của chúng ta. Ta không
bao giờ có thể làm chấm dứt được mọi đau đớn trong cuộc sống này, nhưng ta
có thể làm cho đời bớt khổ hơn. Bạn nhớ không, hạnh phúc cũng là một hiện
thực kia mà!
Trên bàn viết tôi có một quyển sách khổ nhỏ, khá dầy, 612
trang, tựa là 14,000 việc để ta hạnh phúc. Trong đó tác giả ghi
lại những vật, việc đã đem lại cho mình một niềm vui, như là: tờ giấy, hộp
viết chì, cắm trại bên bờ hồ, cuốn tự điển, đi xe đạp ngắm hoa rừng, mây
qua núi, mùi biển mặn, màu nho khô... Tôi nghĩ nếu bạn thử hỏi một đứa bé,
có lẽ chúng sẽ kể cho ta nghe còn nhiều hơn con số đó. Còn bạn và tôi thì
sao?
Mùa thu trời trở lạnh theo những chiếc lá. Tôi thấy những con
chim thong thả bay thành đàn. Chiều nay hoàng hôn thật đẹp. Ánh nắng
vàng tô những vầng mây cuối chân trời một màu hồng đỏ thật hùng vĩ. Tôi biết
rằng, những gì chúng ta đang tìm kiếm chỉ có thể hiện hữu trong giây phút
này mà thôi.
Đóa Tường Vi Vẫn Nở
Trời năm nay mùa lạ. Có những ngày mưa nhiều hơn những ngày nắng.
Trọn tuần rồi, ngày nào chiều cũng mưa. Sáng hôm nay trời đẹp, tôi pha một
ấm trà thơm, ra sau nhà ngồi dưới nắng và lá. Bạn biết không, cây Quỳnh Hoa sau
nhà cũng vừa mới nở mấy đóa, nụ vẫn còn nhiều. Trà ở đây là của Thầy
cho, của người ta mang sang từ quê nhà. Tôi chưa uống nhưng thấy hương vị có vẻ
cũng thơm và ngon lắm.
Buổi sáng nay trời thật mát, có nắng và gió. Trên cao ngàn
chiếc nắng lẩn nấp, nhảy múa với những tờ lá xanh.
Nơi tôi đến có một bờ hồ rộng, có những loài chim lạ thỉnh
thoảng bay ngang qua đây, duỗi cánh ghé lại nghỉ bên những bờ lau sậy. Những
giờ rảnh tôi thường ra đây ngồi. Mặt hồ rộng mở lớn thêm không gian và bầu
trời. Những ngày im gió, mặt hồ yên như một tấm gương lớn, phản chiếu mây trên
cao, rừng xanh bên bờ. Một buổi chiều ngồi yên bên hồ, cuộc đời chợt thấy
lớn.
Hạnh phúc là đi tìm?
Trước một không gian đẹp, một hạnh phúc, chúng ta ngồi
yên được bao lâu bạn nhỉ? Tôi đã thường có một thói quen đi tìm hạnh
phúc. Hạnh phúc mình tưởng lúc nào cũng phải có mặt ở một nơi khác.
Nơi đây có thể là hạnh phúc, là an ổn đó, nhưng chưa phải là cái mà
mình muốn.
Những ngày xưa tôi vẫn mơ mình được làm mây thong dong
trên núi, bay ngang qua những đại dương lớn Tôi mơ được làm những dòng nước
trong mát, chảy róc rách êm trên một lòng suối có những viên sỏi nhỏ, tôi mơ
làm những tảng đá cổ ngủ yên trên đỉnh núi cao khuất trong mây... Hạnh
phúc tôi nằm xa xôi trong những giấc mơ ấy. Nhưng có một lần ngồi thật yên, tôi
chợt hiểu rằng, có bao giờ mình lại không là mây đâu, có ai bảo ta không thể là
những dòng suối trong, là những tảng đá xưa trên núi vắng? Vì cuộc đời
là thay đổi, là sinh diệt, chúng ta bao giờ mà lại không là mây, là mưa,
là nắng, là lá, là của nhau đâu, phải không bạn!
Mấy tuần trước tôi có đi tham dự một khóa tu. Trời tháng
Sáu của Vermont lạnh như mùa thu. Mỗi khi đi ra ngoài tôi phải khoác thêm
một chiếc áo ấm. Nơi đây những ngày mưa nắng bất thường như những áng mây
kéo vào từ biển hồ. Những hạt mưa cuối tháng năm làm ấm những giọt nắng đầu
tháng sáu. Khuôn viên trường đại học St. Micheal yên lành và thẳng tắp. Những
giờ không làm gì tôi thường tìm vào thư viện, nơi đây sách vở im lặng với bàn ghế.
Tôi ngồi yên nhìn những hạt mưa nhỏ bên ngoài khung cửa sổ lớn, bay trong nắng
sớm. Ở đây, tôi cảm thấy mỗi người như một trang kinh, phơi rộng trên bàn
viết.
Buổi sáng nay trời St. Micheal đẹp, tôi muốn được đi
cùng bạn trên con đường nhỏ dẫn đến giáo đường. Thử một lần thôi, ta chỉ
đi mà không cần phải tìm kiếm một cái gì hết, cho dù đó có là một hạnh
phúc. Những bước chân của ta đi trên những trang kinh, giữa những dòng kệ, đi
trong hơi thở của sự sống... Thử một lần thôi, ta hãy bước đi cho
yên, để cho hạnh phúc về đây đi tìm ta, cho đủ vừa bạn nhé! Tôi nghe
tiếng chuông giáo đường thánh thót đổ trên những nóc nhà cao, trên con đường
nhỏ tôi đi.
An trú trong hiện tại
Trong những khóa tu ta thường nghe nói nhiều về việc an trú
trong giờ phút hiện tại. Nhưng bạn nghĩ sao? Đó có thể là một hiện thực
không? Ta có thể nào thật sự có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại này không?
Hay đó chỉ là một việc không tưởng và không thật. Tôi có thể ngồi yên
nơi đây, hoặc đặt những bước chân thảnh thơi trên một con đường đất đẹp
bên hồ nước trong, có hoa vàng và nắng ấm. Nhưng liệu tôi có thể ngồi yên trong
một phòng cấp cứu chờ nghe tin một người thân không? Tôi có thể mỉm cười an lạc
khi nghe tiếng chuông điện thoại reo giữa đêm khuya không? Cuộc sống có những
bất an không ngờ, không ai biết, thế thì hiện tại này ta có thể nào thật sự là
an ổn không?
Nhưng thôi, chúng ta cũng không vội đi tìm câu trả lời
làm gì. Vì ta đã nói là mình sẽ thôi đi tìm kiếm rồi mà! Ta hãy ngồi
xuống đây uống tách trà thơm buổi sáng nay. Trà thơm này là của Thầy gởi tặng đó.
Tách trà sáng nay có ánh nắng ban mai, nó chứa cả trời mây. Uống trà là một nghệ
thuật đó bạn. Cũng như hái trà và pha trà, đây là một nghệ thuật đòi
hỏi nhiều công phu. Uống trà là một lễ nghi cần sự có mặt hoàn toàn của ta. Ta
ngồi cho thật yên, cho thật vững chãi, với chén trà nâng trong hai tay, cho thật
tròn đầy. Nếu ta có thể thật sự tiếp xúc được với tách trà trước mặt, thì
ta cũng sẽ có khả năng sống trọn vẹn trong giờ phút này. Vì sự sống trăm năm của
ta nào có nằm bên ngoài những việc làm hằng ngày của mình đâu! Ta có thể tập
sống với hiện tại khi ngồi trên xe điện ngầm, khi xuống xe đi vào sở, khi
quét lá ngoài sân, khi bửa củi, gánh nước...
Có người nói rằng, đôi khi hiện tại đầy những khổ đau,
làm sao ta có thể an trú trong hiện tại được! Mà có thật vậy không bạn? Nhưng
nếu ta không an trú trong bây giờ và ở đây thì ta sẽ an trú trong bao giờ
và ở đâu? Nếu ta không có hạnh phúc được trong giờ phút này thì ta sẽ có hạnh
phúc trong giờ phút nào? Và giả sử như giờ phút này không có gì là đau khổ
cả, chỉ là một thực tại bình thường thôi, liệu ta có khả năng trở về an trú
trong hiện tại không? Hay ta lại cũng chỉ sống theo thói quen của mình, chạy quẩn
quanh theo những tập khí, và rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh chung quanh? Vấn đề
đâu phải là hiện tại này có khổ đau hay không, phải không bạn? Vấn đề là
ta có thật sự muốn được an lạc hay không.
Muốn an lạc, được an lạc
Thầy Nhất Hạnh kể rằng, ngày xưa thầy có viết bốn chữ
nho dục an tắc an trên một cái chụp đèn đặt trên bàn viết của
thầy. Dục an tắc an có nghĩa là: nếu anh thực sự muốn được an lạc
thì tự khắc anh được an lạc, ngay trong giờ phút này. Bốn chữ ấy
tuy đơn sơ, nhưng tôi thấy nó có một sức mạnh có thể phá tung được màn lưới
khổ đau, sinh tử của ta.
Muốn an lạc thì ta phải tự khắc được an lạc, thật ra việc
ấy đối với tôi bây giờ còn xa vời lắm. Nhưng tôi vẫn xem câu châm ngôn ấy như
là một vì sao bắc đẩu trong sự tu tập của mình. Tôi đâu cần phải đi đến
ngôi sao bắc đẩu, nhưng chắc chắn là tôi muốn đi về phương hướng ấy. Tôi
muốn được an lạc.
Và dầu trong giờ phút hiện tại này cuộc đời có một biến
cố gì đi chăng nữa, tôi nghĩ việc tốt nhất mà ta có thể làm là thật sự có
mặt với tình trạng ấy để đối phó với nó. Thật sự có mặt để tiếp xúc với
hoàn cảnh ấy thôi cũng là đầy đủ lắm rồi, bạn biết không!
Mấy năm trước tôi có dịch quyển Wherever you go, there
you are ra tiếng Việt với tựa là Nơi Ấy Cũng là Bây Giờ và Ở Đây.
Tôi thích cái tựa ấy lắm. Nơi đâu ta đến mà chẳng phải là ở đây.
Lúc nào ta đang sống mà không phải là bây giờ ? Nếu ta không sống
trong giờ phút hiện tại này thì ta sẽ sống trong giờ phút nào đây hở bạn?
Đó không phải là một câu hỏi mà là một lời xác định. Tương lai của ta thật
ra chính là bây giờ và ở đây. Nếu ta không ngồi yên được trong giờ
phút này thì giờ phút kia cũng sẽ vậy mà thôi! Có lẽ thực tại ta bi đát là
vì đi đâu ta cũng vác theo những muộn phiền, lo lắng và sợ hãi của chính
mình.
Trong khóa tu vừa qua, có hai người bạn hát tặng cho chúng
tôi nghe một khúc nhạc của Trịnh Công Sơn:
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim...
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim...
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Trịnh Công Sơn - YouTube
Câu hát nhẹ nhàng như một lời tâm sự, thấm thía như một buổi
chiều vàng đầy nắng ngoài sân nhà. Đất nước ấy, quê hương ấy cũng là
cuộc sống này, cuộc đời mà ta đang mang. Và trái tim ấy cũng là sự an
lạc, vững vàng của mình trong giờ phút hiện tại. Cuộc đời này còn cần gì
hơn nữa là hạnh phúc trong tim của bạn, trong tim của tôi. Cái mà ta thật sự có
thể chia xẻ cho người chung quanh là niềm hạnh phúc và sự an lạc của mình. Còn
món quà nào là quý giá hơn!
Khóm tường vi vẫn nở
Có lẽ tôi sẽ không nhận thấy được cái đẹp của khu rừng
nhỏ cạnh nhà nếu trời đất không có bốn mùa. Có lẽ tôi sẽ không ý thức được
rằng mình sống, nếu cuộc đời không vô thường, không thay đổi. Vì có mất
mát nên sự sống mới có thể tồn tại. Như vậy khổ đau cũng là chất liệu của
hạnh phúc, phải không bạn! Nhưng việc ấy không có nghĩa là muốn được hạnh
phúc ta phải đi tìm kiếm khổ đau. Vấn đề là ta không nên cần phải sợ hãi
khổ đau.
Ngày tháng ở đây tôi chỉ biết tập ngồi cho yên, đi
đứng cho vững vàng, thế thôi. Tôi tập uống chén trà trong hai tay của mình cho
thật trọn vẹn. Chuyện hạnh phúc, khổ đau chắc chắn sẽ có mặt trong cuộc đời
của tôi. Tôi sẽ đem ra hong dưới nắng, chúng sẽ hóa thành mây đi thong
dong vào giữa trời.
Cuộc đời nhiệm mầu, có những ngày nắng và dăm ba ngày
mưa. Tôi không muốn đóng khung, giam giữ sự sống lại bằng cái biết nhỏ
nhoi của mình. Một cái biết khô cứng và tương đối về vấn đề hạnh phúc và
khổ đau.
Có lần chị Chân Ý đọc cho nghe một bài thơ của thầy Nhất
Hạnh:
Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin em gục ngã,
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...
Nghe tin em gục ngã,
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...
Tôi chợt hiểu. Giữa những hoàn cảnh khổ đau, bi đát nhất,
cuộc đời này vẫn đang có những hạnh phúc hiện hữu. Một đóa hoa tường vi vẫn
nở bên tường, dưới hàng dậu xanh tươi. Bạn đừng hỏi tôi về cái đẹp của một
đóa tường vi vừa nở. Tôi không trả lời được đâu. Nhưng cần gì bạn nhỉ... cuộc đời
có biết bao là những đóa tường vi.
Mấy năm xa trở lại, rừng núi Kim Sơn vẫn thế. Vẫn một nhịp điệu
của trời mây. Căn lều của tôi nằm bên dưới một rặng thông già có cành lá phủ thấp,
che mây, chở nắng. Hôm mới đến, tôi với thầy Quảng Đạo loay quay dựng lên,
chiếc lều nhỏ nhưng vững vàng. Nơi này thuận tiện, buổi tối ấm, buổi trưa mát.
Ngoài cửa lều là một khoảng không gian rộng, nhìn xuống bên dưới một triền đồi
cao. Phía bên kia là không gian của trời biển mênh mông, rộng mở, ôm mấy từng
mây cũng đủ vừa.
Sáng nay, tôi đi xuống lều Trăng Lên uống trà và thăm thầy
Quảng Tiến. Đêm qua trời có trăng phải không? Khuya ra về tôi thấy rừng núi Kim
Sơn thức dậy, hùng tráng, huyền bí trong đêm trăng sáng. Tu viện đã ngủ
yên sau thời công phu tối. Tiếng chuông mõ lặng im. Tôi nghe tiếng chân
mình đi trên cát bụi. Tôi ngước nhìn lên cao, khung trời lóng lánh ngàn
sao như thấp xuống thật gần. Dãy ngân hà nằm vắt ngang bầu trời khuya như một vạt
mây xám. Tách trà sáng nay thầy pha thật ngon, thầy bảo trà này được ướp bằng
ánh trăng!
Những ngày đầu ở tu viện tôi vẫn còn mang theo
mình đời sống của phố thị, có những tập quán khó quên và thói quen chưa kịp
buông bỏ. Nhưng ở đây, thức dậy, mỗi ngày là một ngày mới. Tôi có hết
không gian và thời gian cho riêng tôi. Ta sẽ làm gì cho hạnh phúc của mình
trong ngày hôm nay!
Từng Bước Chân Đi
Nơi đây mỗi ngày tôi tập đi thiền hành. Tôi tập đi
thật chậm rãi. Tôi tập để lại những dấu chân an lạc trên con đường
mình đi qua. Những ngày ở đây tôi đi nhiều lắm. Tôi đi nhiều hơn là
tôi đứng, tôi ngồi và tôi nằm. Tôi đi lên thiền đường, tôi đi
vào phòng ăn, tôi đi xuống lều Trăng Lên, tôi đi lên thất Tĩnh Tâm,
tôi qua tu viện Madona, tôi về cốc Sư Phụ, tôi đi dưới nắng, tôi bước
trong mây, tôi ra hiên chánh điện nhìn mây, tôi xuống động Quan Âm
thăm những ông tiên đánh cờ bên thác... Tôi tập đi thiền hành vì tôi
muốn làm gì cho hạnh phúc của mình!
Con đường tu viện đất cát. Tôi để ý thấy rõ những dấu
chân của mình để lại mỗi ngày trên con đường đi, giữa trăm ngàn dấu
chân khác. Có những dấu chân in sâu, có những dấu chân nhẹ nhõm, có những dấu
tích của hạnh phúc, có những dấu tích của sự âu lo. Mà trong cuộc sống cũng vậy,
bao giờ ta cũng để lại dấu vết của mình, hạnh phúc hoặc muộn phiền, cho dù
ta có ý thức được việc ấy hay không. Và những ngày ở nơi này, tôi muốn để
lại một chút gì của sự thực tập thảnh thơi trên những con đường của tu viện.
Mấy hôm ở đây, ngày nào cũng nắng đẹp. Những khi ra
đứng dưới tàng cây đan mộc cao như núi, khuất ánh nắng mặt trời, tôi thấy
mát lạnh. Có lần đang đi dạo ven triền núi, mây từ ngoài biển đột nhiên
kéo vào như sương mù, bay ngang qua rừng đan mộc, thấm vào áo, vào tóc,
vào mặt tôi, lạnh buốt. Lúc ấy, tôi đứng lại thật yên không dám bước đi,
sợ những bước chân của mình sẽ làm mây tan mất.
Trong đạo Bụt có nói về lý Vô Tác (apranahita), tức là
ta không đặt một đối tượng nào trước mặt mình. Vô tác còn có nghĩa là
không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện nữa,
kể cả sự giác ngộ hay đạt đạo. Tôi nghĩ, phải có thái độ ấy ta mới có thể sống
được trong giờ phút hiện tại. Nhờ vô tác mà nơi nào, chốn nào cũng là bây giờ
và ở đây. Ta không bị tương lai níu kéo, vì mỗi bước chân đều đưa ta
về đến ngay nơi mình đang muốn đến. Tôi nhớ có lần đọc một bài thơ của một
vị thiền sư, thỉnh thoảng ông lại hỏi chiếc bóng của mình "Đi đâu bây giờ
đây?" Thì chỉ là một bước chân này thôi. Cuộc sống này đâu thể có gì
là quan trọng hơn bước chân kế tiếp của mình, phải không bạn? Vì bước chân ấy sẽ đưa
ta trở về trong giờ phút hiện tại này! Nếu ta ý thức rằng mỗi bước chân cũng
quan trọng như con đường mình đi, thì làm sao ta có thể lạc lối được?
Nơi nào bạn đến mà lại không phải là bây giờ và ở đây! Bạn biết
không, tôi nghĩ nhờ có thái độ vô cầu mà ta không đánh mất đi giờ phút hiện
tại nhiệm mầu này. Đi về một tương lai nào đó đều là chuyện sai lầm.
Trên hành trình của sự sống mỗi bước chân đều có thể hạnh phúc và
tròn đầy như nhau.
Những ngày tu học ở đây, tôi tập đi thiền hành cho thật
vững chãi. Tôi nghĩ là những bước chân của mình nơi đây cũng đã là chững
chạc và thảnh thơi lắm rồi. Tôi tập bước những bước từ tốn, không để một
việc gì thúc hối. Mà cuộc sống của tôi ở đây có gì để phải thúc hối!
Có một lần nằm trong lều, trời tờ mờ sáng, nhìn ra ngoài màn cửa tôi chợt thấy
Sư Ông đang đi dạo với chú thị giả. Sư Ông có những bước chân thật chậm
rãi, đều đặn như nhịp của thời gian. Bóng hai người đi chậm và nhẹ như mây
ngoài biển trôi vào trong hôm nào vũ trụ chợt đứng yên. Tôi chợt ý thức rằng
những bước chân của mình vẫn còn nhiều vội vã quá! Cuộc sống nơi đây không
có gì để thúc hối, nhưng biển sóng trong tôi vẫn cứ còn xô đẩy mãi
nhau.
Sự Sống Có Mặt
Tôi nghĩ, sự sống này chỉ có thể có mặt khi chúng ta dám bước
chậm lại. Những bước chân hấp tấp và lo âu của ta nhiều khi vô tình làm
kinh động đến tính chất nhiệm mầu của sự sống. Làm sao ta có thể thấy được
mây vướng trong khe núi, một đóa hoa tím vàng nở trên vách đá, tiếng hót của
loài chim lạ, những khoảng rừng âm u không ánh sáng, tiếng suối thủy tinh róc
rách... khi bước chân ta đi quá vội vàng! Nhưng tôi nghĩ nhiều khi chúng
ta vội vã không phải vì vô tình mà là vì cố ý. Ta không muốn tiếp xúc với những
gì thật sự xảy ra trong giờ phút này. Ta sợ không dám mở lòng ra trước những hạnh
phúc và khổ đau trước mặt. Và hình ảnh ta tạo dựng lên trong một tương lai
xa xôi nào đó, bao giờ cũng đem lại an ổn cho ta hơn!
Những ngày sống nơi đây, tôi tập thắp sáng hiện hữu bằng
những bước chân thiền hành. Có hôm bệnh nằm trong lều, thức dậy nhìn ra thấy Sư
Ông đang hướng dẫn đại chúng đi thiền hành. Nhìn một đoàn trăm người
đi trong yên lặng, tôi cũng phải cố gắng bước ra. Hạnh phúc sao khi cõi ta bà
này đột nhiên biến thành tịnh độ! Đi với một tăng thân nhiều chánh niệm,
con đường tôi đã bước qua biết bao nhiêu lần giờ phút này chợt nhiên bừng sáng
dậy. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm hơn, trời cao hơn, mây trắng hơn, hạnh
phúc chừng như gần gũi hơn, và cát bụi nơi này cũng trở thành thanh tịnh hơn.
Ngồi thiền là đem lại sự an ổn cho thân tâm, ta đem thân
và tâm trở lại thành một mối trong một vị thế và không gian cố định. Thiền
hành là thực tập đem sự an ổn ấy ra tiếp xúc với sự sống, cởi mở ra với những
gì đang có mặt chung quanh ta. Ta bước đi mà thân với tâm vẫn là một, vẫn
có mặt trong trời đất. Ta mở mắt nhìn mà vẫn thấy được chân tâm.
Ánh Trăng Đầu Núi
Tôi phải bước xuống một con dốc nhỏ mới vào tới lều Trăng Lên
của thầy Quảng Tiến. Lều thầy nằm trên một triền đồi cao, trên đầu một
rừng thông xanh cao vút. Phía dưới sâu là con đường thiền hành của tu viện.
Buổi sáng thầy đưa tôi ra ngoài hành lang nhìn biển và mây. Buổi tối trên đầu
chúng tôi có một dãy ngân hà như khói mây và trăm vạn ngàn vì tinh tú lấp lánh
không gian. Căn lều thầy đẹp. Không gian nơi đây cứ như trong truyện xưa tích
cũ, thời những vị thiền sư chỉ thích đi mây về gió, "Thu ăn măng
trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao," các ngài không cần gì hết,
rũ bỏ chuyện đời bên ngoài tách trà thơm.
Có một đêm chúng tôi ngồi nói chuyện cho đến khuya.
Trăng sao lên cao, sương xuống lạnh hồi nào không hay. Thầy kể cho tôi nghe
chuyện ngày xưa, chuyện những ngày túi đời còn vác trên vai lang thang tầm đạo,
chuyện Krishnamurti, chuyện con thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng nước
Hudson, chuyện những ngày nắng, những ngày mưa... À, vì đêm đã hơi
khuya nên tôi chưa kịp hỏi thầy về hạnh phúc của một người tu sĩ, về chuyện của
bây giờ và ở đây. Trà thầy pha ngon. Tôi không biết pha trà, tôi cũng
không biết thưởng thức trà, nhưng tôi thích uống trà. Tôi nghĩ trà ngon là nhờ được
ướp bởi sự có mặt chân thành của người đối ẩm.
Tôi về lại bên này thì trời cũng chớm vào thu. Tôi thấy có những
nhóm lá đỏ bắt đầu ẩn hiện trong khu rừng ven bờ hồ, mai mốt này rồi cũng
sẽ bắt đầu trút lá. Những ngày gió lớn lá sẽ bay đầy không trung như
những loài chim lạ. Lá thả xuống nằm yên trên mặt nước hồ thu. Tôi sẽ
ra đây ngồi nhìn màu sắc về hội tụ trong một thời gian đứng yên. Trời
thu đẹp. Bao giờ cũng đẹp. Trăm năm trước sau gì cũng vẫn đẹp. Hôm gặp
cô Thanh Hiền, cô có nhắc về chuyện những chiếc lá thu bên này. Tôi quên nói với
cô rằng mùa thu trên tu viện có cái đẹp của trăng, của sao, của một biển
trời tinh tú. Mùa thu lạnh nên trời bên ấy trong lắm, vũ trụ sẽ thấp xuống thật
gần. Hôm nào lỡ thời công phu khuya, cô nhớ ra trước hiên vớt dùm tôi vài chùm
tinh tú nhé. Tôi sẽ đem về thả vào văn thơ tôi mà mang ra khoe với những
người yêu thơ bên này. Chắc là họ sẽ phục lắm!
Mấy hôm tu học trên tu viện, tôi chợt ý thức rằng hạnh phúc
là chuyện cá nhân. Có thể hạnh phúc của tôi còn là hạnh phúc của người khác, và
cũng có thể hạnh phúc của tôi còn tùy thuộc vào sự an lạc của những người chung
quanh tôi. Nhưng tôi nghĩ, hạnh phúc của tôi là chuyện của riêng tôi. Sáng
nay đi thiền hành, tôi tìm lại được những dấu chân xưa của ngày mới đến,
trên con đường đi xuống ngôi lều nhỏ nằm gần thất của Sư Ông. Chiếc lều mỏng
manh phủ đầy cát bụi. Giá có một cơn mưa núi rừng là ướt át cả đến tận bên
trong. Tôi đứng yên nhìn mà tội nghiệp. Những bước chân an lạc của tôi trong
ngày hôm nay nhẹ in dấu lên trên con đường mòn xưa cũ. Khổ đau nào rồi cũng
sẽ phải chuyển hóa thành hiện hữu nhiệm mầu. Phải không bạn, hạnh phúc là chuyện
riêng tư? Tôi đến đây tu học, tôi tập đi những bước chân thiền hành vững
chãi thảnh thơi, tôi nhìn mây trôi trên rừng đan mộc, tôi giữ yên một
trang kinh, tôi ôm chén trà ấm trong lòng hai bàn tay, vì tôi biết rằng hạnh
phúc là chuyện của riêng tôi.
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Trời vào thu nên bên này mưa nhiều lắm, chắc trời bên ấy cũng
thế. Tôi ngồi yên nơi bàn viết cạnh cửa sổ. Ngoài trời chuyển mưa nên trong
phòng đã thấy tối lù mù. Sắp đặt lại chồng sách vở, tôi tìm thấy một
bài thơ tôi làm khi còn ở bên ấy. Chị Quảng Tâm có nhờ tôi viết mấy hàng cho
quyển sách mới của chị, tôi viết rồi mà quên đưa. Thôi thì chịu trễ vậy,
mai mốt gặp chị rồi sẽ trao sau.
Sáng nay trời kéo nhiều mây đen và có gió lớn, nhưng tôi
nghĩ chắc sẽ không mưa. Tôi ra ngoài sân pha một chút trà thơm, uống hương của
mây và ngồi nghe tiếng lá. Buổi sáng nay trời chuyển nhiều dông gió nhưng tôi lại
cảm thấy yên. Tôi cũng vậy, muộn phiền nào rồi mai cũng sẽ trôi xa.
Hôm qua tôi về nhận được thư của Sư Phụ viết từ am Ngọc
Sáng. Đọc thư thầy mà tôi lại cứ thấy mênh mông nhớ về bên ấy. Tôi cảm
xúc được tấm lòng của thầy đối với đệ tử, bên này cũng như bên ấy.
Lòng từ của thầy vẫn rộng lớn như trời biển Kim Sơn. Tôi thích bốn câu trong
bài thơ Xóm Cũ
Bước vào đời ngang qua trái đắng
Khổ đau nào đọng lại ăn năn
Hạnh phúc chân như đâu chỗ tới
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Khổ đau nào đọng lại ăn năn
Hạnh phúc chân như đâu chỗ tới
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Trên đường về xóm cũ, bước chân thầy để lại những dấu
tích của từ nhẫn và khiêm hạ, cho tôi học, cho tôi nương nhờ. Trời mùa Thu bên ấy
chắc lạnh nhiều. Nhớ nhắc Sư Phụ giữ gìn sức khỏe dùm tôi, thầy cô nhé...
Một Chỗ Ngồi Trên Góc Chiếu
Đầu mùa đông năm nay có một trận bão tuyết lớn đi
ngang qua nơi này. Tuyết đổ xuống mù trời trong mấy ngày qua. Lâu lắm rồi,
tôi mới lại có dịp được nhìn thấy tuyết rơi nhiều đến thế. Tuyết đổ
khắp nơi, ngập kín thành phố. Tuyết trắng xóa phủ mênh mông như một cảnh đồng
quê ở Nga, lần nào xem trong phim Doctor Zhivago.
Mấy hôm tuyết còn rơi, tôi và đứa con mặc đồ ấm, rủ nhau
ra sân chơi. Không gian trong khi tuyết đang rơi im lặng kỳ lạ, chung quanh
không một tiếng động. Trời và đất tuyền một màu trắng xám. Chúng tôi dẫn
nhau leo lên một con đồi nhỏ. Đứng đây có thể thấy được những nóc nhà xa
xa tuyết phủ, có những làn khói xám bốc lên từ các lò sưởi. Tôi ngửi được
mùi củi cháy ngây ngây trong không khí.
Sáng nay pha một tách trà ấm, ngồi nơi bàn viết cạnh cửa sổ,
bên ngoài tuyết phủ cao ngập bậc thềm trước hiên và che kín con đường dẫn
vào nhà. Hôm qua tôi có đọc một bài thơ của thầy Nhất Hạnh, viết về một
ông thầy tu và góc chiếu của ông:
Mỗi ông thầy tu có một chỗ nơi góc chiếu để ngồi thiền
hãy ngồi yên trên chỗ đó
trái đất mang tất cả chúng ta đi
và chỗ ngồi cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
và chỗ ngồi đó sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi
mỗi ông thầy tu ngồi trên chỗ nơi góc chiếc chiếu của mình được bao lâu?
tuy thế hãy ngồi yên trên đó
như sẽ không bao giờ phải nhường chỗ cho ai khác
như sẽ không bao giờ có ga để xuống
chiếc xe lửa
chiếc xe đầy lửa trong lòng nó
sẽ đưa ông thầy tu về đâu?
mỗi ông thầy tu ngồi kiết già trên chỗ nơi góc chiếu của mình
bắt chước trái núi hùng vĩ
trái núi sừng sững đứng đó
nhưng trái núi cũng xoay tròn theo ông thầy tu
chiếc xe lửa của chúng ta đang đi
hãy ngồi yên trên chỗ đó
trái đất mang tất cả chúng ta đi
và chỗ ngồi cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
và chỗ ngồi đó sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi
mỗi ông thầy tu ngồi trên chỗ nơi góc chiếc chiếu của mình được bao lâu?
tuy thế hãy ngồi yên trên đó
như sẽ không bao giờ phải nhường chỗ cho ai khác
như sẽ không bao giờ có ga để xuống
chiếc xe lửa
chiếc xe đầy lửa trong lòng nó
sẽ đưa ông thầy tu về đâu?
mỗi ông thầy tu ngồi kiết già trên chỗ nơi góc chiếu của mình
bắt chước trái núi hùng vĩ
trái núi sừng sững đứng đó
nhưng trái núi cũng xoay tròn theo ông thầy tu
chiếc xe lửa của chúng ta đang đi
Bài thơ ấy có tựa là Nhập Lưu, nghĩa là vào dòng giác ngộ.
Tôi không hiểu hết thâm ý của thầy, nhưng tôi thích bài thơ vì nó có một hình ảnh đẹp,
một ông thầy tu và một góc chiếu của ông. Ông thầy tu ngồi yên đó, hùng
tráng như một ngọn núi, đẹp như một cảnh thiên nhiên, như hoàng hôn mặt trời đỏ,
như một đóa hoa giữa rừng cỏ, như một ánh trăng trong rừng vắng...
Tôi hiểu rằng, chúng ta ai cũng cần phải có một góc chiếu cho
riêng mình. Một chỗ để ta ngồi xuống trong yên lặng. Trong cuộc sống này,
tìm được cho mình một không gian và thời gian để ngồi yên là một điều
rất quý. Tôi nghĩ, chúng ta cần rất nhiều những thời gian để ngồi xuống, để dừng
lại như thế. Đời vô thường. Đôi khi chúng ta cần ngồi xuống để thấy được cái đẹp
của bốn mùa, của một đóa hoa, một hạt mưa, một chiếc lá, một bông tuyết,
gương mặt của người thương. Như người bạn đời của tôi, mới hôm nào đây
mà đã bên nhau từ thuở nào rồi. Không khéo lại tiếc rằng, mình đã
chưa từng bao giờ thật sự nhìn rõ mặt nhau!
Dừng lại
Nhưng sự dừng lại ấy không có nghĩa là ta phải ngồi thật yên
một chỗ, mặc dù đó cũng có thể là một phương cách hữu hiệu để dừng lại.
Dừng lại là một trạng thái của tâm hơn là của thân. Ta có thể ngồi thật yên
nhưng tâm ý trôi dạt về muôn ngàn nẻo, thì đó vẫn không phải là dừng lại.
Các thiền sư vẫn có thể dừng thật yên trong khi các ngài bước những bước chân
bình an trên con đường thiền hành, hay thưởng thức trên tay một tách trà
thơm... Có những buổi lễ tụng giới mà tôi có dịp tham dự, tôi có cảm tưởng rằng
mọi người trong tăng thân đều đã dừng lại thật yên. Biết ý thức được việc
mình đang làm trong giờ phút hiện tại, đạo Phật gọi đó là chánh niệm.
Nếu ta thật sự biết được những gì đang xảy ra trong giây phút này,
thì làm gì cũng vậy thôi, mình có bao giờ xa rời giờ phút hiện tại
này đâu! Ta đã dừng lại rồi phải không bạn!
Sự dừng lại ấy đòi hỏi một sự thực hành, một công phu tu
tập. Tôi nghĩ chánh niệm không phải chỉ là những hành động, việc làm có ý
thức của ta, mà chánh niệm còn là một lối sống nữa. Bạn biết không, chúng ta rất
có thể đang bước đi và hít thở trên mặt đất này, nhưng chưa từng bao
giờ thật sự sống, vì ta chỉ có ý niệm về nó mà thôi! Vào một buổi sáng sớm, bước
chân ra vườn khi trời vẫn còn tối, bạn ngước lên nhìn bầu trời lấp lánh ngàn
sao như những mảnh vụn pha lê. Bạn có biết rằng, những tinh cầu mà ta thấy trên
bầu trời ấy, chỉ là bóng dáng của chúng thuộc về mấy ngàn năm trước không? Chung
quanh ta những gì là thật sự hiện hữu!
Thẩm quyền và chánh niệm
Trong cuộc đời, mà trong đạo cũng thế, đa số chúng
ta ai cũng cần có một nơi nương tựa, một cái gì vững vàng, một thẩm quyền
nào đó, mà ta có thể quay trở về tìm sự giúp đỡ những khi khốn khó.
Bạn biết không, nơi mà ta có thể nương tựa trước hết là ở
chính ta. Mà nhiều khi đây lại có thể là một nơi an trú vững vàng nhất. Đức
Phật trước khi nhập diệt đã khuyên ta hãy tự coi mình là một hải đảo, là
chỗ nương tựa của chính mình, và phải biết tự thắp đuốc lên mà đi. Vì
trong cuộc đời này, ai hiểu được hạnh phúc khổ đau của ta bằng ta bạn
hở! Làm sao có một thẩm quyền nào có quyền năng hơn chính kinh nghiệm sống của
ta và sự tu tập của ta!
Nhưng bạn đừng hiểu lầm việc ấy có nghĩa là ta không cần
nương tựa vào một thẩm quyền nào khác. Cần lắm chứ! Ta cần những người có kinh
nghiệm đi trước, chỉ dẫn ta, giúp đỡ ta trong sự tu tập, trong một lối sống
sao cho hợp với đạo.
Trong đạo Phật, chúng ta có tăng thân, hay những người
cùng tu tập chung với ta, là một nơi để ta nương tựa rất tốt. Một tăng
thân tốt có thể che chở và giúp cho ta được an ổn nhiều lắm. Vì sự hiểu biết
và kinh nghiệm của nhiều người bao giờ cũng phong phú và giàu có hơn là của một
mình ta. Bạn nên giữ gìn và chăm sóc cho tăng thân của bạn. Nếu bạn lại có được
một vị thầy hướng dẫn, chỉ đường thì bạn là một người may mắn lắm rồi. Chúng
ta, ai mà lại không mong ước có một vị thầy, một thẩm quyền để nương tựa,
để chỉ dạy ta những gì cần phải làm, nhất là khi đời mình gặp sóng gió, khổ đau.
Nhưng vị thầy thật sự của ta vẫn chính là sự sống này. Và nó
có mặt ở khắp mọi nơi. Ta không cần phải đi tìm kiếm một nơi chốn tĩnh lặng,
lý tưởng nào khác. Gia đình của bạn, sở làm bạn, con đường thiền
hành, phố chợ đông người, dạy dỗ con cái... Ở những hoàn cảnh đó đều
có kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập của ta, và cũng chính nơi đó ta
có thể tìm thấy được một thẩm quyền thật sự. Nếu ta biết dừng lại để tiếp
nhận. Trong giây phút này bao giờ cũng có chỗ cho ta nương tựa, vì sự sống lúc
nào cũng có mặt.
Nhưng cuộc đời này đôi lúc cũng có những bất an, sợ
hãi, khổ đau... đôi khi ta cảm thấy khó mà có thể dừng lại để tiếp nhận
nó được! Các thiền sư dạy rằng, nếu ta thật sự kinh nghiệm được chúng, một cách
trọn vẹn và thành thật, thì chính chánh niệm và kinh nghiệm khổ đau ấy sẽ
là chỗ cho ta nương tựa. Vì khi có chánh niệm về thực tại của mình, cho
dù đó là khổ đau, ta sẽ biết được những gì mình cần phải làm và có thể
làm trong giờ phút ấy.
Tâm bình thường là đạo
Chánh niệm của ta được phát huy qua những hành động
nhỏ nhặt trong ngày. Niềm an lạc lớn được nuôi dưỡng bằng những
hành động hết sức bình thường của ta. Chúng ta biết rằng sự an lạc phải được
thực tập trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân hằng ngày, trong những giây phút bình
thường nhất, chứ không phải chờ đến lúc ta lao đao bị xô đẩy trên ngọn
sóng của khổ đau. Tôi có nghe một thiền sinh viết về kinh nghiệm tu tập của
cô vào mấy năm trước đây. Lúc ấy cô đang tham dự một khóa tu kéo dài một
tháng, để thực tập từ bi quán. Đề mục thiền quán của cô là ban rải
tình thương của mình đến cho chính mình, và tiếp đó ban phát cho những
người thân yêu khác. Cô kể lại trong suốt một tháng trời thực tập, cô không thấy
có một thay đổi, một tâm từ nào phát sinh trong cô hết. Suốt ngày cô thực
tập quán niệm, "Tôi đầy đủ an vui hạnh phúc. Tôi không đau khổ, không
bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận." Cô thú thật, thời
gian tu tập đó là một thời gian buồn chán nhất. Khi khóa tu chấm dứt, cô cảm
thấy thất vọng vì không thấy mình đạt được một kết quả nào rõ rệt. Cô
không cảm thấy rằng mình thương mình hơn xưa chút nào hết. Trong khi trở về
phòng thu dọn đồ đạc ra về, cô vô ý đánh rơi một bình trà mà cô yêu quý nhất.
Cô kể lại, nhìn những mảnh vỡ trên sàn nhà, ý nghĩ đầu tiên thoáng qua
trong đầu là "Ối, mình hư quá! Nhưng không sao đâu, không có
gì để lo âu hay tức giận, mình vẫn thương mình như trước." Lúc ấy cô
mới giật mình nghĩ lại, sự thực tập từ bi quán có kết quả đấy chứ, tại cô
chưa biết đó thôi!
Tôi nghĩ, nếu ta biết thực tập chánh niệm đều đặn, biết
dừng lại trong cuộc sống bình thường hằng ngày, kết quả của chúng cũng sẽ vậy,
từ tốn nhưng thật chắc chắn.
Chúng ta đừng chờ đến lúc có một biến cố lớn trong đời mới
biết dừng lại. Và cũng không nên đợi cho đến khi nào cuộc đời
mình được an ổn, công việc được hoàn tất, con cái lớn khôn, tài chánh vững
vàng rồi mới thực tập. Tôi kinh nghiệm rằng, ngày mai cũng sẽ không khác gì với
bây giờ và ở đây đâu! Nếu lối sống của ta vẫn cứ y như thế.
Trong cuộc sống, tôi cũng tự sắp cho mình có những góc chiếu, để
ngồi xuống, để dừng lại. Bạn nên nhớ rằng, dừng lại không có nghĩa là bất động.
Các thiền sư dạy, mỗi khi ta ngồi xuống, ta phải ngồi với một uy nghi, nó phải
biểu lộ được nhân phẩm của mình. Bạn đừng bao giờ chờ đến khi nào cuộc đời
bắt buộc, ta mới chịu dừng lại. Bạn hãy dừng lại, thật bình thường, để
nhìn một mặt trời hoàng hôn, để lắng nghe tiếng sóng vỗ đêm khuya, để
nhìn ánh trăng trên tuyết... Có những tối, sau giờ thiền, mở mắt ra tôi thấy
ánh trăng mười sáu lùa qua khung cửa sổ trống chiếu sáng căn phòng nhỏ. Một màu
sáng xanh thật huyền diệu. Tôi nhớ đến hai câu thơ của thầy Huyền
Không, "Đêm rằm ta hỏi ánh trăng, ngàn năm về trước đã tặng chiếu
ai?" Phải rồi, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, trong
một khu rừng nhỏ nào đó, có một người ngồi thật yên dưới gốc cây pippala,
cũng cùng một ánh trăng này thôi! Cuộc đời này có những điều thật mầu
nhiệm phải không bạn?
Sáng nay ông thầy tu ngồi vào chỗ ngồi
của mình trên góc chiếu, và mỉm cười.
tôi không có ngồi hoài đâu ông
chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi.
của mình trên góc chiếu, và mỉm cười.
tôi không có ngồi hoài đâu ông
chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi.
Bạn hãy nhớ tập ngồi xuống trên góc chiếu của mình cho thật vững
vàng, cho thật yên, và thật bình thường. Biết đâu rằng lại chỉ là một
lần này nữa thôi!
Con Đường Nhỏ Trưa Này
Lâu lắm rồi tôi mới lại ngồi xuống chiếc bàn viết nhỏ của
mình. Tôi nhớ chiếc khung cửa sổ chứa bầu trời xanh ngoài kia. Tôi nhớ cái
không gian bốn mùa chuyển biến theo năm tháng. Nhớ những ngày mát trời tôi thường
mở tung cửa sổ cho nắng và gió vào đây, nằm im thành những vệt sáng trên
bàn hoặc thỉnh thoảng lật vội vã vài trang kinh cũ. Bạn biết không, gió của mỗi
mùa đều có một mùi hương riêng. Vào mùa Hạ gió có mang một mùi nồng ngây
ngây của lá cỏ ong nắng. Tôi nhớ mùi lá chín mục ẩm ướt ướp trong gió lành lạnh
vào mỗi cuối Thu. Mùa xuân, gió chở đầy hương bụi phấn hoa. Thời gian trôi
ra vào căn phòng viết nhỏ của tôi mang theo cả một không gian mênh mông ngoài
kia.
Hạnh phúc và đổi thay
Chiều hôm qua, tôi và đứa con gái năm tuổi ngồi chơi sau
sân nhà. Nó chạy lăng quăng dẫn đứa em trai hai tuổi của nó đi hái những chiếc
bông vàng bỏ vào giỏ. Chơi một hồi bỗng nó chạy lại hỏi tôi, "Ba, sau khi
ba chết rồi ba với má sẽ đi đâu?" Và nó muốn biết là nó sẽ còn gặp lại
tôi không. Tôi mỉm cười nhìn nó trả lời. Nó có vẻ hài lòng lắm, cười toe toét
và rồi lại rủ đứa em nó chạy đi nơi khác. Chiều có nắng nhuộm đỏ cam hàng
cây cao đứng sau nhà và vàng cả sân tôi. Có những lúc tôi cảm thấy mình
không phải làm gì hết, chỉ muốn ngồi cho thật yên.
Đời sống chung quanh ta đôi khi có những mất mát lớn và có những đổi
thay nho nhỏ. Trong đó có hạnh phúc và khổ đau. Dầu ta có cố gắng làm
gì đi chăng nữa đời sống vẫn phải đổi thay vì nó là vậy. Tôi ít còn cảm thấy
xúc động nhiều khi nhìn một hạnh phúc đi qua, vì tôi ý thức rằng qua
không có nghĩa là mất. Nhìn cho kỹ thì cuộc đời được làm bằng những hạnh
phúc nhỏ, nếu ta cứ khư khư ôm giữ lấy một hạnh phúc thôi thì có lẽ thiệt thòi
cho ta nhiều lắm.
Mấy đứa con của tôi giờ cũng đã chóng lớn. Nhớ mới ngày
nào đây tôi vẫn còn bồng ẵm đặt chúng vào nôi. Có nhiều lần tôi ngồi
yên nhìn chúng chơi với nhau, ánh mắt ngây thơ của chúng tô đẹp cuộc sống.
Chúng nó giờ mỗi đứa cũng đã bắt đầu có một tâm tánh riêng, như ta thuở
nào. Tôi hiểu bạn muốn nói gì, nhưng đôi khi tôi thấy những gì tôi muốn
nói với chúng nhiều khi thật sự không cần thiết. Chúng rồi sẽ lớn và trưởng
thành như tôi, như bạn, như những cây Tùng, cây Anh Đào ngoài sân nhà.
Chúng ta có làm gì khác hơn đâu. Tôi nghĩ làm cha mẹ là sự tu học của một đời.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại con đường
nhỏ quanh bờ hồ nơi tôi làm. Con đường thiền hành xưa lâu ngày bước lại thấy
mới tinh. Bầu trời có hàng cây cao đổ bóng mát, có nắng ấm, gió khởi lên
theo mỗi bước chân tôi làm gợn sóng mắt hồ. Tôi đi ngang qua một bụi cây
nhỏ ríu rít tiếng chim hót, ngồi lại trên một chiếc ghế gỗ nhìn mây và nước lặng
yên.
Mấy tuần bị ốm, tôi được dịp tiếp xúc lại với hạnh phúc
của mình. Tôi nói hạnh phúc vì nó có bao giờ nằm ngoài khổ đau đâu bạn. Những
hạnh phúc thật sự của ta, nó tầm thường và bình dị hơn ta nghĩ nhiều lắm. Hạnh
phúc là những gì bạn đang có trong giờ phút này. Bạn chắc cũng có những hạnh
phúc nho nhỏ, đừng xem thường chúng bạn nhé, chúng bao giờ cũng sâu sắc
hơn ta tưởng. Sau những ngày bệnh, nếm lại được một tách trà thơm, được
đứng thẳng người dậy, được bước chân ra ngoài, được nhìn cây lá... tôi cảm
thấy hạnh phúc lắm.
Tôi nhớ câu chuyện về thiền sư Đạo Nguyên. Một hôm vị thầy
của ngài Đạo Nguyên thấy ông đang ngồi học kinh, vị thầy hỏi ông học
kinh để làm gì. Đạo Nguyên đáp, "Dạ, con học vì muốn biết các vị
tổ ngày xưa đã làm gì." Vị thầy hỏi, "Chi vậy?" Đạo
Nguyên đáp, "Vì con muốn được thoát khỏi khổ đau của kiếp người."
Vị thầy lại hỏi, "Chi vậy?" "Vì con muốn cứu giúp mọi loài trong
cuộc đời này, chúng sinh có nhiều khổ đau quá!" "Chi vậy?"
vị thầy hỏi tiếp, "Rồi một ngày nào đó con sẽ trở lại quê hương con,
con muốn giúp dân làng của con." Vị thầy lại hỏi, "Chi vậy?" Sau
cùng, Đạo Nguyên câm lặng, ngài không còn gì để nói nữa hết. Bạn nghĩ
sự thinh lặng của ngài Đạo Nguyên ấy là gì! Tôi nghĩ vị thầy đã giúp
ngài trở về tiếp xúc lại với cái nguyên nhân sâu xa nhất của ông. Cái nguyên
nhân ấy thật ra không có một lý do nào để diễn đạt hết, vì chúng đều
sai sự thật. Ta chỉ có thể ngồi thật yên để thấy thôi phải không bạn! Sự
tu tập của ta chỉ có thể có nghĩa là ta phải thật sự có mặt trong giây phút hiện
tại này. Nếu bạn thật sự muốn mình được là những gì mình muốn, bạn hãy có
mặt trong bây giờ và ở đây. Chỉ cần đứng thẳng lên vững vàng trong giây
phút hiện tại, thái độ ấy sẽ mở ra cho bạn thấy những gì mình cần phải
làm. Và sự tu tập của ta bắt đầu từ hành động đó.
Tôi không nghĩ ta có thể sống trong cuộc đời này mà hoàn
toàn giải thoát được những khó khăn hoặc khổ đau. Chúng ta có thể tin và
quan niệm đó là mục tiêu của sự tu tập. Nhưng đôi khi chính quan niệm
ấy lại mang đến cho chúng ta những khổ đau không cần thiết. Chúng có thể dẫn đến
một sự trốn tránh khổ đau hơn là đối diện và chuyển hóa nó.
Và cũng vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi tu tập là vì tôi
muốn được hạnh phúc, được khoẻ mạnh. Vì tôi biết mình sẽ không thể nào khoẻ
mạnh và hạnh phúc mãi. Khổ đau là khi ta tự đặt cho sự tu tập của
mình một mục đích. An lạc là vấn đề tiếp nhận chứ không phải kết quả
của một sự tìm kiếm. Bạn hãy nhìn lại cuộc sống của bạn đi. Chúng ta đã có
biết bao nhiêu những nỗi vui, buồn, thuận, nghịch, thành công và thất bại.
Nhưng ta vẫn sống và thở. Vì bản chất của ta là an lạc. Nhưng đôi khi
chúng ta cũng cần phải biết mở rộng ra để tiếp nhận những hạnh phúc chung quanh
mình. Chúng có thể nuôi dưỡng và nhắc nhở ta nhiều lắm.
Tôi muốn rũ bạn đi chung với tôi trên con đường nhỏ
buổi trưa này. Dấu tích của mùa Đông mấy tháng trước đã hoàn toàn nhạt
phai. Cây cầu gỗ bắt ngang một con rạch nước nhỏ dẫn ra hồ, hai bên bờ cây lá
um tùm. Có những ngày im gió, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương. Tôi thấy mây
trắng thong dong trôi trong lòng nước. Chúng ta sẽ tập đi những bước chân
cho thật yên. Những lúc ấy, hạnh phúc là vậy và chỉ có thể là vậy thôi bạn nhỉ.
Tôi thấy được đời sống của mây, nước, của những viên sỏi nhỏ dưới chân, của
những chiếc lá vàng khô của mùa thu trước, bên bờ hồ sóng vỗ nhẹ.
Có những lần sau một buổi đi dạo, trở về tôi thấy đời sống
thật an ổn. Bạn hãy thử tập đặt những bước chân thật yên trong hiện tại đi.
Chắc nơi bạn ở cũng phải có một con đường thiền hành thật đẹp nào đó,
có mây trắng, gió mát, nắng ấm và lá xanh. Hạnh phúc và khổ đau chỉ là những
ý niệm. Và khi ta tiếp xúc với thực tại thì ý niệm hoàn toàn không cần thiết. Một
người bạn kể cho tôi nghe, có một lần chị lên núi cao vào buổi sáng sớm, chị bất
ngờ được nhìn một mặt trời bình minh đỏ thật huy hoàng. Không gian
thênh thang trong giây phút ấy chỉ có một mình chị, trời và núi. Trở về với đời
sống hằng ngày chị vẫn nhớ mãi hình ảnh ấy. Cuộc đời có những cái hay, cái
đẹp chân thật cho dầu ta có mặt để chứng kiến hay không. Dầu bạn có đang mang một
khổ đau nào đó, cuộc đời này vẫn có một thực chất an ổn và hạnh phúc. Bạn
chỉ cần mở lòng ra để tiếp nhận mà thôi. Tôi nghĩ, nếu những hạnh phúc mà
ta đang có trong tay vẫn là chưa đủ, thì có tìm kiếm thêm bao nhiêu nữa
cũng sẽ không bao giờ là đủ đâu bạn nhỉ!
Bước đi bằng một sơ tâm
Tôi nghĩ mỗi người chúng ta cần có một ngày cho riêng mình. Một
ngày mà ta sẽ không cần nghĩ gì đến ngày mai hoặc quá khứ. Gia đình,
bạn bè, công việc... chắc chắn sẽ vẫn còn đó, đứng vững, tồn tại mà không
cần ta. Một ngày mà ta không cần phải lo giải quyết hoặc tìm kiếm một giải pháp
cho một vấn đề nào hết. Chúng ta sẽ đi trong thiên nhiên, đến ngồi
bên những chiếc ghế đá công viên, xem lá đổi màu, nhìn hoa nở, mây
bay hoặc ánh mắt thơ ngây của những em bé, trong một thời gian không bao giờ hết,
tiếp xúc với sự sống đang có mặt chung quanh ta. Một ngày như vậy chắc chắn
sẽ làm tươi mới lại con người của mình.
Tôi nghĩ các khóa tu học là một dịp rất tốt để ta có được
những ngày vô sự như thế. Những ngày ta có thể nhìn lại hiện hữu chung quanh
mình bằng một con mắt mới. Thiền sư Shunryu Suzuki có nói đến Sơ Tâm,
tức bản tâm của một người mới bắt đầu, nó giúp ta kinh nghiệm được mỗi
giây phút như là mới tinh. Bạn biết không, cái thấy của ta bắt đầu trở nên
giới hạn khi ta không còn thấy cuộc sống này, những gì đang xảy ra chung
quanh mình, là nhiệm mầu nữa. Chính cái thấy giới hạn ấy đã che dấu, không
cho ta tiếp xúc được với thực tại. Có những người nói rằng, sau một thời
gian đi các khóa tu, họ không còn cảm thấy hạnh phúc và an lạc như buổi
ban đầu nữa! Tôi nghĩ có lẽ đâu đó trong sự tu tập, cái Sơ Tâm ngày nào của
họ đã bị phai mờ. Trên hành trình tu tập của ta, mỗi bước chân đều phải
là bước đầu tiên bạn nhỉ.
Trong những khóa tu, nếu có dịp, bạn nên ra ngoài thiền đường,
tìm một con đường nhỏ để đi thiền hành, để những bước chân của bạn dậy
những làn gió mát. Những bước chân an tĩnh sẽ làm tĩnh lặng không gian và tâm
thức. Vạn vật sẽ trở thành mới tinh.
Câu chuyện của ngài A Nan
Một hôm đức Phật bảo ngài A Nan, "Sắp đến giờ
ăn rồi, thầy hãy cầm bình bát vào thành khất thực đi." A Nan thưa,
"Dạ." Phật nói, "Thầy cầm bình bát đi khất thực, phải nhớ
theo đúng nghi thức của chư Phật bảy đời trong quá khứ." A Nan hỏi,
"Thưa thế nào là nghi thức của bảy đời chư Phật?" Phật gọi,
"A Nan!" "Dạ." Phật bảo, "Thầy hãy cầm bình
bát đi đi!" Tôi nghĩ những bước chân của ngài A Nan chắc phải là vững
chãi và thảnh thơi lắm. Hãy cứ cầm bình bát mà đi! Chúng không thể còn là
ý niệm nữa mà phải là một thực tại sáng tỏ.
Sau mấy ngày bệnh, bước ra ngoài tôi thấy những cụm mây trắng
trong hơn, những chiếc lá xanh hơn, những viền nét rõ ràng hơn. Đứa con
gái tôi chạy chơi trên sân, hái những bông cỏ vàng đem chia cho em nó đang
đủng đỉnh theo sau. Đối với chúng hoa nào cũng đẹp, chiếc lá khô nào cũng
hấp dẫn. Có lần nhặt được đâu đó được một cành cây khô nhỏ rất tầm thường,
nhưng nó quý lắm, bắt tôi phải cất giữ cho nó. Tôi về để trên đầu tủ sách của
mình. Lâu rồi chắc nó cũng đã quên. Nhưng tôi vẫn còn cất giữ cho nó. Có lẽ
một ngày nào đó lớn khôn rồi, đứa con gái tôi sẽ hết còn mê chơi với những
chiếc hoa vàng cỏ dại, ngày ấy tôi sẽ mang cành cây khô ngày xưa trả lại cho
nó. Biết đâu rồi nó sẽ tìm lại được một hạnh phúc của ngày xưa. Còn bạn
và tôi, chúng ta có còn nhớ được hạnh phúc ngày nào của mình không hở bạn?
Chiếc Lá Phong Mùa Thu
Tôi nghĩ trời bắt đầu vào thu vào khoảng tháng mười. Buổi
chiều mặt trời hồng tô đỏ vàng chân mây bên ngôi rừng nhỏ cạnh nhà. Những
chiếc lá cũng đã đổi màu vàng, đỏ, tím len lẫn trong tàng lá. Trời
bắt đầu trở lạnh, mỗi khi ra ngoài tôi phải khoác thêm một lớp áo ấm. Trên
bàn viết của tôi có một chiếc lá phong màu đỏ, nhỏ xinh xắn. Tôi lượm được
nó hôm qua khi đi dạo quanh bờ hồ. Lá đã bắt đầu rụng nhiều. Đầy sân cỏ.
Trên đường đi, tôi thấy những hàng cây cao bên kia bờ hồ, mỗi khi có gió
lên, rụng lá đủ màu bay lả tả trong không trung. Thật đẹp. Con đường
thiền hành buổi chiều mùa thu về tĩnh lặng. Trong mỗi bước chân tôi có cảm tưởng
mình nghe rõ tiếng lá thu ru trong gió. Không gian lạnh nhẹ và yên.
Chiều nay ngồi xuống bàn viết, tôi bắt gặp lại chiếc lá phong
màu đỏ của ngày hôm qua. Nó nhỏ, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay
tôi. Đặt chiếc lá phong lên kệ sách, tôi muốn mang mùa thu ngoài kia
vào đây trong căn phòng nhỏ. Một chiếc lá bình thường nhưng biểu hiện một
tiến trình của sự sống, của một mùa thu đang về tràn ngập màu sắc.
Hình như với mùa thu con người muốn trở về gần thiên nhiên
hơn. Chừng vài tuần nữa, nơi tôi ở người ta sẽ rủ nhau lên núi xem lá đổi
màu. Nếu bạn ở đây, tôi cũng sẽ mời bạn đến xem rừng thu đổi lá một lần cho
biết. Có một lần, chúng tôi lên đỉnh núi cao nhìn mặt trời mọc. Buổi sáng
mùa thu lạnh căm, khói sương mù quyện trên đồi núi đủ màu lá chín, chúng
tôi leo lên đứng trên một tảng đá xám to, nhìn mặt trời mọc từ mây ở
phía chân trời.
Trên kệ sách gần bàn viết của tôi, có một ngăn trên cao tôi
dùng để chưng những món đồ quan trọng. Bây giờ có chiếc lá phong mùa thu nằm
trên đó. Mấy tháng trước tôi có để ở đó những vỏ ốc đủ màu mà tôi và bé
Duy rủ nhau đi nhặt trên bãi biển. Trẻ thơ vẫn còn giữ được một sơ tâm,
nó chạy lại mừng rỡ tíu tít khoe tôi những vỏ xò nó vừa nhặt được, mà tôi
mới quẳng đi vì cho rằng quá tầm thường. Nó thấy viên sỏi nào, chiếc vỏ
nào cũng rất lạ và đẹp. Nếu được, chắc có lẽ nó đã bắt tôi đem hết biển
về đây rồi. Trẻ thơ có thể yêu quý và tán thưởng sự sống hơn là người lớn chúng
ta.
Thế giới chung quanh ta chứa đựng nhiều cái hay lạ
và đẹp hơn là ta nghĩ. Có lẽ vì chúng đơn giản quá nên nhiều khi
ta đã bỏ mất cơ hội để nhận thấy. Đôi khi ta cần tập nhìn bằng ánh mắt
của một đứa bé thơ. Giáo lý của đức Phật, tôi nghĩ cũng như vậy. Con đường
dẫn đến tuệ giác và hạnh phúc mà ngài đưa ra, hấp dẫn được nhiều người vì
nó rất là đơn sơ. Ngày xưa, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, khi đức
Phật trình bày tư tưởng của ngài, rất nhiều người khi vừa nghe xong họ hiểu tức
thì và được sống hạnh phúc. Còn những người chưa hiểu được ngay lời
Phật dạy, họ thực tập thiền quán và rồi họ biết.
Đời sống có khổ đau. Đó là một sự thật. Nhưng đức Phật
cũng dạy thêm rằng, mặc dù không tránh được những đau đớn trên cuộc đời
này, nhưng ta không nhất thiết cần phải khổ đau. Thật ra đức Phật không
nói những lời ấy, nhưng sự sống của ngài, những bước chân an lạc của ngài, tôi
nghĩ, nói lên sự thực đó.
Sự sống và khổ đau
Mùa thu về, thành phố thấy như tĩnh lặng hơn. Khi thiên nhiên
chuyển hóa muôn màu trong những rừng cây nhỏ bên đường, buổi chiều trong
công viên gió thổi lá bay đầy trời. Những vội vã, ồn ào của không gian mùa
hè đã lắng yên xuống. Tôi thấy những buổi giao mùa thường biểu lộ cho ta
thấy được một cái đẹp huyền diệu của sự sống. Khổ đau là một hiện thực. Ta
không bao giờ có thể nhắm mắt làm ngơ như là chúng không thật được. Nhưng
các thiền sư dạy rằng, chúng ta sở dĩ khổ đau là vì ta không biết chấp nhận những
gì xảy ra cho mình trong chánh niệm, bằng một sự cởi mở trong tình thương và sự
hiểu biết. Hiểu được như vậy thì đau không nhất thiết là khổ, phải
không bạn. Là một con người sống trong một cuộc đời, thì ai mà lại có thể
tránh khỏi được những đau đớn của thân và tâm. Nhưng nếu bạn nhìn cho sâu
thì sẽ thấy được rằng, mặc dù vậy, khổ lại là một sự kiện dư thừa, không cần
thiết. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và phản ứng của ta mà thôi. Ta
không bao giờ có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra, nhưng sự an lạc là
tùy ở nơi mình. Lẽ dĩ nhiên nó đòi hỏi một sự tu tập, nhưng điều quan
trọng là ta có thật sự muốn hay không!
Nhưng ý niệm về khổ đau và an lạc thật ra cũng còn là
tương đối quá. Vì sự sống này, chân như, nó tự nhiên là vậy. Muốn ý thức được,
ta phải biết tiếp xúc với thực tại trong ngay giờ phút này. Tôi thường hay bị kẹt
trong thói quen cứ lo chuẩn bị, sắp xếp trong giây phút hiện tại, để
mong rằng rồi mình sẽ có được hạnh phúc trong một tương lai nào đó.
Nhưng nếu không là bây giờ thì là bao giờ bạn nhỉ? Chiếc lá thu tôi
nhặt hôm qua chỉ có thể đẹp trong giây phút này thôi, nếu tôi không biết
thưởng thức thì còn biết chờ đến một mùa thu nào nữa!
Chánh niệm và từ bi
Trên kệ sách cạnh bàn viết của tôi bây giờ có một chiếc lá
phong của mùa thu, mai mốt đây nó sẽ nhường chỗ cho một vật khác. Những vật
tầm thường ấy có thể nhắc nhở ta rất nhiều về việc thực tập sống trong hiện tại,
nó có thể là một viên sỏi, một chiếc lá, một mái ngói, một cốc nước
mưa... Đôi khi dừng lại và quán sát những vật tầm thường ấy sẽ đem lại
cho ta một cái nhìn mới về sự sống. Chúng là những cánh cửa sổ nhỏ bé mà nếu biết
nhìn với con mắt chánh niệm, nó sẽ mở ra cho ta thấy cả một thế giới nhiệm mầu
của Hoa Nghiêm.
Sống trong đời chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều lúc rất bận
rộn, nhưng mình không cần phải vội vã. Tôi biết có những thiền sư công việc rất
nhiêu khê, nhưng các ngài không có một chút gì là vội vàng hết. Có một lần được
ngồi với một thiền sư, tôi có cảm tưởng rằng tôi là một người quan trọng nhất đối
với ngài trong lúc đó. Ngài không có một chuyện gì khác quan trọng hơn là
tiếp xúc với tôi. Tôi nghĩ công phu ấy không phải chỉ do chánh niệm mà
còn được phát xuất từ một tâm từ nữa. Tôi nhớ trong pháp Quán Tâm Từ (metta),
thiền sinh được hướng dẫn đem tình thương mình ban rải đến khắp mọi
người không phân biệt thân, sơ, bạn hay thù. Sau một thời gian thực tập, vị thiền
sư sẽ hỏi học trò mình, giả sử như nếu người ấy đang đi trong rừng với một
số người, trong đó có bạn mình, kẻ thù mình, cha mình, vợ con mình, và có cả những
người mình không hề quen biết. Nếu như có một toán cướp nào đó chận đường,
bắt người đó phải nộp cho chúng một người để chúng giết, thì họ sẽ chọn ai
trong nhóm người của họ? Nếu như bạn chọn kẻ thù của mình, vị thiền sư sẽ
khuyên bạn nên trở về thực tập ban rải tình thương đến kẻ thù của mình
hơn. Nếu như bạn chọn đem chính mình ra để nhận lãnh cái chết, bạn sẽ
phải trở về tập biết thương yêu mình hơn. Nếu bạn có thể chọn bất cứ một người
nào hơn một người nào thì sự tu tập của bạn vẫn chưa được thành công. Lẽ
dĩ nhiên, trong thực tế mỗi hoàn cảnh đòi hỏi một đường lối xử sự
khác nhau. Vấn đề không phải là bạn sẽ chọn ai, nhưng điều quan trọng là
tình thương xuất phát từ chánh niệm không có một sự phân biệt. Ngồi trước mặt một
vị thiền sư tôi không bao giờ cảm thấy mình là tầm thường hoặc nhỏ bé.
Ở Tây phương tôi thấy ngày tháng qua thật mau, có lẽ vì lối sống
nơi đây vội vã quá. Người ta vội vã để có thể có thêm thời giờ. Nhưng
không biết họ sẽ làm gì với số thời giờ có dư được ấy, sẽ đem đầu tư vào sự
an lạc hay là khổ đau của họ! Tôi để ý có một sự liên hệ giữa việc sống chậm
lại và một đời sống giản dị hơn. Một đời sống giản dị sẽ giúp ta ít bị lệ
thuộc hơn, tự do hơn và có thể tiếp xúc với cái hay, cái đẹp của sự sống
hơn. Thế giới văn minh này đem lại cho ta thật nhiều phương tiện có thể
giúp ta sống thoải mái, nhưng không chắc chúng sẽ mang lại được hạnh phúc cho
ta không!
Có một thiền sinh sống ở Hoa kỳ lâu năm, một lần ông ta quyết
định sang Thái lan để tham dự một khóa thiền Vipassana kéo dài một tháng. Những
ngày đầu, tâm ông rất là bất an và khó chịu. Thức ăn, chỗ ngủ, thời
tiết, mưa nắng, tiếng động... bất cứ việc gì cũng có thể làm ông bực
mình được hết. Sau cùng chịu không nổi, ông xin vào gặp vị thiền sư chịu
trách nhiệm để xin giãi bày. Ông kể lể hết những sự khó khăn, bực dọc của
mình, và xin phép được ra khỏi khóa tu. Vị thiền sư lắng nghe hồi lâu, rồi
chỉ nhìn ông nói, "Hãy chậm rãi lại." Câu ấy đã chuyển
hóa được ông. Ông quyết định ở lại và sau cùng hoàn tất khóa tu. Ông kể lại
trong suốt khóa tu, mỗi khi gặp khó khăn, nhớ lại lời dặn dò của vị thiền
sư đã giúp ông rất nhiều.
Biết tiếp xúc với hạnh phúc
Khổ đau là một hiện thực, cũng như hạnh phúc là một hiện
thực. Chúng ta đừng bao giờ vì sợ hãi khổ đau mà không dám sờ chạm
vào hạnh phúc đang có mặt. Tôi nghĩ, ta cần phải biết tập nuôi dưỡng mình
bằng cách tiếp xúc với những hạnh phúc đang có mặt chung quanh ta trong giờ
phút này, chứ không phải chỉ những nạn tai, chết chóc và đói khổ được truyền
đạt qua tin tức. Ngồi đây nhìn ra ngoài kia cửa sổ, tôi thấy ánh nắng buổi chiều
nhuộm đỏ hồng những khối mây cuối chân trời, nắng mùa thu ủ chín những chiếc
lá đủ màu trái cây. Nếu đó không phải là điều để cho ta cảm thấy
hạnh phúc thì bạn đừng đi tìm kiếm xa xôi nữa làm gì, tôi không tin bạn sẽ
bao giờ tìm thấy đâu. Đức Phật dạy rằng chúng ta có khả năng giải thoát
hoàn toàn ra khỏi mọi khổ đau. Sống giữa cuộc đời, va chạm với những khốn
khó, có lẽ đa số chúng ta chưa thể tin vào sự thực ấy, nhưng tôi tin rằng khổ đau
có thể chuyển hóa được. Khi ta biết tiếp xúc với hạnh phúc trong chánh niệm, nó
có một năng lực chuyển hóa rất lớn.
Đời sống chung quanh ta có những khổ đau, ai cũng thấy được
việc đó. Đối với tôi, bệnh hoạn của một người thân yêu là một khổ đau lớn.
Tôi vẫn không bao giờ có thể nào cảm thấy bình an mỗi khi đứa con tôi bị
đau. Nhưng không phải vì vậy mà cuộc sống thiếu thốn những cái đẹp và hạnh
phúc. Ta hãy nhìn chung quanh mình bằng một ánh mắt có ý thức hơn. Hãy chậm rãi
lại mà sống. Mấy ngàn năm trước trên con đường xưa, bóng mát của đức Phật đã làm
tươi mát không gian chung quanh ngài và làm vơi bớt khổ đau của kẻ khác.
Ngày hôm nay, bóng mát ấy chính là sự tu tập chánh niệm của chúng ta. Ta không
bao giờ có thể làm chấm dứt được mọi đau đớn trong cuộc sống này, nhưng ta
có thể làm cho đời bớt khổ hơn. Bạn nhớ không, hạnh phúc cũng là một hiện
thực kia mà!
Trên bàn viết tôi có một quyển sách khổ nhỏ, khá dầy, 612
trang, tựa là 14,000 việc để ta hạnh phúc. Trong đó tác giả ghi
lại những vật, việc đã đem lại cho mình một niềm vui, như là: tờ giấy, hộp
viết chì, cắm trại bên bờ hồ, cuốn tự điển, đi xe đạp ngắm hoa rừng, mây
qua núi, mùi biển mặn, màu nho khô... Tôi nghĩ nếu bạn thử hỏi một đứa bé,
có lẽ chúng sẽ kể cho ta nghe còn nhiều hơn con số đó. Còn bạn và tôi thì
sao?
Mùa thu trời trở lạnh theo những chiếc lá. Tôi thấy những con
chim thong thả bay thành đàn. Chiều nay hoàng hôn thật đẹp. Ánh nắng
vàng tô những vầng mây cuối chân trời một màu hồng đỏ thật hùng vĩ. Tôi biết
rằng, những gì chúng ta đang tìm kiếm chỉ có thể hiện hữu trong giây phút
này mà thôi.
Đóa Tường Vi Vẫn Nở
Trời năm nay mùa lạ. Có những ngày mưa nhiều hơn những ngày nắng.
Trọn tuần rồi, ngày nào chiều cũng mưa. Sáng hôm nay trời đẹp, tôi pha một
ấm trà thơm, ra sau nhà ngồi dưới nắng và lá. Bạn biết không, cây Quỳnh Hoa sau
nhà cũng vừa mới nở mấy đóa, nụ vẫn còn nhiều. Trà ở đây là của Thầy
cho, của người ta mang sang từ quê nhà. Tôi chưa uống nhưng thấy hương vị có vẻ
cũng thơm và ngon lắm.
Buổi sáng nay trời thật mát, có nắng và gió. Trên cao ngàn
chiếc nắng lẩn nấp, nhảy múa với những tờ lá xanh.
Nơi tôi đến có một bờ hồ rộng, có những loài chim lạ thỉnh
thoảng bay ngang qua đây, duỗi cánh ghé lại nghỉ bên những bờ lau sậy. Những
giờ rảnh tôi thường ra đây ngồi. Mặt hồ rộng mở lớn thêm không gian và bầu
trời. Những ngày im gió, mặt hồ yên như một tấm gương lớn, phản chiếu mây trên
cao, rừng xanh bên bờ. Một buổi chiều ngồi yên bên hồ, cuộc đời chợt thấy
lớn.
Hạnh phúc là đi tìm?
Trước một không gian đẹp, một hạnh phúc, chúng ta ngồi
yên được bao lâu bạn nhỉ? Tôi đã thường có một thói quen đi tìm hạnh
phúc. Hạnh phúc mình tưởng lúc nào cũng phải có mặt ở một nơi khác.
Nơi đây có thể là hạnh phúc, là an ổn đó, nhưng chưa phải là cái mà
mình muốn.
Những ngày xưa tôi vẫn mơ mình được làm mây thong dong
trên núi, bay ngang qua những đại dương lớn Tôi mơ được làm những dòng nước
trong mát, chảy róc rách êm trên một lòng suối có những viên sỏi nhỏ, tôi mơ
làm những tảng đá cổ ngủ yên trên đỉnh núi cao khuất trong mây... Hạnh
phúc tôi nằm xa xôi trong những giấc mơ ấy. Nhưng có một lần ngồi thật yên, tôi
chợt hiểu rằng, có bao giờ mình lại không là mâyđâu, có ai bảo ta không thể là
những dòng suối trong, là những tảng đá xưa trên núi vắng? Vì cuộc đời
là thay đổi, là sinh diệt, chúng ta bao giờ mà lại không là mây, là mưa,
là nắng, là lá, là của nhau đâu, phải không bạn!
Mấy tuần trước tôi có đi tham dự một khóa tu. Trời tháng
Sáu của Vermont lạnh như mùa thu. Mỗi khi đi ra ngoài tôi phải khoác thêm
một chiếc áo ấm. Nơi đây những ngày mưa nắng bất thường như những áng mây
kéo vào từ biển hồ. Những hạt mưa cuối tháng năm làm ấm những giọt nắng đầu
tháng sáu. Khuôn viên trường đại học St. Micheal yên lành và thẳng tắp. Những
giờ không làm gì tôi thường tìm vào thư viện, nơiđây sách vở im lặng với bàn ghế.
Tôi ngồi yên nhìn những hạt mưa nhỏ bên ngoài khung cửa sổ lớn, bay trong nắng
sớm. Ở đây, tôi cảm thấy mỗi người như một trang kinh, phơi rộng trên bàn
viết.
Buổi sáng nay trời St. Micheal đẹp, tôi muốn được đi
cùng bạn trên con đường nhỏ dẫn đến giáo đường. Thử một lần thôi, ta chỉ
đi mà không cần phải tìm kiếm một cái gì hết, cho dù đó có là một hạnh
phúc. Những bước chân của ta đi trên những trang kinh, giữa những dòng kệ, đi
trong hơi thở của sự sống... Thử một lần thôi, ta hãy bước đi cho
yên, để cho hạnh phúc về đây đi tìm ta, cho đủ vừa bạn nhé! Tôi nghe
tiếng chuông giáo đường thánh thót đổ trên những nóc nhà cao, trên con đường
nhỏ tôi đi.
An trú trong hiện tại
Trong những khóa tu ta thường nghe nói nhiều về việc an trú
trong giờ phút hiện tại. Nhưng bạn nghĩ sao? Đó có thể là một hiện thực
không? Ta có thể nào thật sự có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại này không?
Hay đó chỉ là một việc không tưởng và không thật. Tôi có thể ngồi yên
nơi đây, hoặc đặt những bước chân thảnh thơi trên một con đường đất đẹp
bên hồ nước trong, có hoa vàng và nắng ấm. Nhưng liệu tôi có thể ngồi yên trong
một phòng cấp cứu chờ nghe tin một người thân không? Tôi có thể mỉm cười an lạc
khi nghe tiếng chuông điện thoại reo giữa đêm khuya không? Cuộc sống có những
bất an không ngờ, không ai biết, thế thì hiện tại này ta có thể nào thật sự là
an ổn không?
Nhưng thôi, chúng ta cũng không vội đi tìm câu trả lời
làm gì. Vì ta đã nói là mình sẽ thôi đi tìm kiếm rồi mà! Ta hãy ngồi xuống đây
uống tách trà thơm buổi sáng nay. Trà thơm này là của Thầy gởi tặng đó.
Tách trà sáng nay có ánh nắng ban mai, nó chứa cả trời mây. Uống trà là một nghệ
thuật đó bạn. Cũng như hái trà và pha trà, đây là một nghệ thuật đòi
hỏi nhiều công phu. Uống trà là một lễ nghi cần sự có mặt hoàn toàn của ta. Ta
ngồi cho thật yên, cho thật vững chãi, với chén trà nâng trong hai tay, cho thật
tròn đầy. Nếu ta có thể thật sự tiếp xúc được với tách trà trước mặt, thì
ta cũng sẽ có khả năng sống trọn vẹn trong giờ phút này. Vì sự sống trăm năm của
ta nào có nằm bên ngoài những việc làm hằng ngày của mình đâu! Ta có thể tập
sống với hiện tại khi ngồi trên xe điện ngầm, khi xuống xe đi vào sở, khi
quét lá ngoài sân, khi bửa củi, gánh nước...
Có người nói rằng, đôi khi hiện tại đầy những khổ đau,
làm sao ta có thể an trú trong hiện tại được! Mà có thật vậy không bạn?
Nhưng nếu ta không an trú trong bây giờ và ở đây thì ta sẽ an trú trong
bao giờ và ở đâu? Nếu ta không có hạnh phúc được trong giờ phút này thì ta
sẽ có hạnh phúc trong giờ phút nào? Và giả sử như giờ phút này không có gì
là đau khổ cả, chỉ là một thực tại bình thường thôi, liệu ta có khả năng
trở về an trú trong hiện tại không? Hay ta lại cũng chỉ sống theo thói quen của
mình, chạy quẩn quanh theo những tập khí, và rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh
chung quanh? Vấn đề đâu phải là hiện tại này có khổ đau hay không, phải
không bạn? Vấn đề là ta có thật sự muốn được an lạc hay không.
Muốn an lạc, được an lạc
Thầy Nhất Hạnh kể rằng, ngày xưa thầy có viết bốn chữ
nho dục an tắc an trên một cái chụp đèn đặt trên bàn viết của
thầy. Dục an tắc an có nghĩa là: nếu anh thực sự muốn được an lạc
thì tự khắc anh được an lạc, ngay trong giờ phút này. Bốn chữ ấy
tuy đơn sơ, nhưng tôi thấy nó có một sức mạnh có thể phá tung được màn lưới
khổ đau, sinh tử của ta.
Muốn an lạc thì ta phải tự khắc được an lạc, thật ra việc
ấy đối với tôi bây giờ còn xa vời lắm. Nhưng tôi vẫn xem câu châm ngôn ấy như
là một vì sao bắc đẩu trong sự tu tập của mình. Tôi đâu cần phải đi đến
ngôi sao bắc đẩu, nhưng chắc chắn là tôi muốn đi về phương hướng ấy. Tôi
muốn được an lạc.
Và dầu trong giờ phút hiện tại này cuộc đời có một biến
cố gì đi chăng nữa, tôi nghĩ việc tốt nhất mà ta có thể làm là thật sự có
mặt với tình trạng ấy để đối phó với nó. Thật sự có mặt để tiếp xúc với
hoàn cảnh ấy thôi cũng là đầy đủ lắm rồi, bạn biết không!
Mấy năm trước tôi có dịch quyển Wherever you go, there
you are ra tiếng Việt với tựa là Nơi Ấy Cũng là Bây Giờ và Ở Đây.
Tôi thích cái tựa ấy lắm. Nơi đâu ta đến mà chẳng phải là ở đây.
Lúc nào ta đang sống mà không phải là bây giờ ? Nếu ta không sống
trong giờ phút hiện tại này thì ta sẽ sống trong giờ phút nào đây hở bạn?
Đó không phải là một câu hỏi mà là một lời xác định. Tương lai của ta thật
ra chính là bây giờ và ở đây. Nếu ta không ngồi yên được trong giờ
phút này thì giờ phút kia cũng sẽ vậy mà thôi! Có lẽ thực tại ta bi đát là
vì đi đâu ta cũng vác theo những muộn phiền, lo lắng và sợ hãi của chính
mình.
Trong khóa tu vừa qua, có hai người bạn hát tặng cho chúng
tôi nghe một khúc nhạc của Trịnh Công Sơn
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim...
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim...
Câu hát nhẹ nhàng như một lời tâm sự, thấm thía như một buổi
chiều vàng đầy nắng ngoài sân nhà. Đất nước ấy, quê hương ấy cũng là
cuộc sống này, cuộc đời mà ta đang mang. Và trái tim ấy cũng là sự an
lạc, vững vàng của mình trong giờ phút hiện tại. Cuộc đời này còn cần gì
hơn nữa là hạnh phúc trong tim của bạn, trong tim của tôi. Cái mà ta thật sự có
thể chia xẻ cho người chung quanh là niềm hạnh phúc và sự an lạc của mình. Còn
món quà nào là quý giá hơn!
Khóm tường vi vẫn nở
Có lẽ tôi sẽ không nhận thấy được cái đẹp của khu rừng
nhỏ cạnh nhà nếu trời đất không có bốn mùa. Có lẽ tôi sẽ không ý thức được
rằng mình sống, nếu cuộc đời không vô thường, không thay đổi. Vì có mất
mát nên sự sống mới có thể tồn tại. Như vậy khổ đau cũng là chất liệu của
hạnh phúc, phải không bạn! Nhưng việc ấy không có nghĩa là muốn được hạnh
phúc ta phải đi tìm kiếm khổ đau. Vấn đề là ta không nên cần phải sợ hãi
khổ đau.
Ngày tháng ở đây tôi chỉ biết tập ngồi cho yên, đi
đứng cho vững vàng, thế thôi. Tôi tập uống chén trà trong hai tay của mình cho
thật trọn vẹn. Chuyện hạnh phúc, khổ đau chắc chắn sẽ có mặt trong cuộc đời
của tôi. Tôi sẽ đem ra hong dưới nắng, chúng sẽ hóa thành mây đi thong
dong vào giữa trời.
Cuộc đời nhiệm mầu, có những ngày nắng và dăm ba ngày
mưa. Tôi không muốn đóng khung, giam giữ sự sống lại bằng cái biết nhỏ
nhoi của mình. Một cái biết khô cứng và tương đối về vấn đề hạnh phúc và
khổ đau.
Có lần chị Chân Ý đọc cho nghe một bài thơ của thầy Nhất
Hạnh:
Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin em gục ngã,
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...
Nghe tin em gục ngã,
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...
Tôi chợt hiểu. Giữa những hoàn cảnh khổ đau, bi đát nhất,
cuộc đời này vẫn đang có những hạnh phúc hiện hữu. Một đóa hoa tường vi vẫn
nở bên tường, dưới hàng dậu xanh tươi. Bạn đừng hỏi tôi về cái đẹp của một
đóa tường vi vừa nở. Tôi không trả lời được đâu. Nhưng cần gì bạn nhỉ... cuộc đời
có biết bao là những đóa tường vi.
Mấy năm xa trở lại, rừng núi Kim Sơn vẫn thế. Vẫn một nhịp điệu
của trời mây. Căn lều của tôi nằm bên dưới một rặng thông già có cành lá phủ thấp,
che mây, chở nắng. Hôm mới đến, tôi với thầy Quảng Đạo loay quay dựng lên,
chiếc lều nhỏ nhưng vững vàng. Nơi này thuận tiện, buổi tối ấm, buổi trưa mát.
Ngoài cửa lều là một khoảng không gian rộng, nhìn xuống bên dưới một triền đồi
cao. Phía bên kia là không gian của trời biển mênh mông, rộng mở, ôm mấy từng
mây cũng đủ vừa.
Sáng nay, tôi đi xuống lều Trăng Lên uống trà và thăm thầy
Quảng Tiến. Đêm qua trời có trăng phải không? Khuya ra về tôi thấy rừng núi Kim
Sơn thức dậy, hùng tráng, huyền bí trong đêm trăng sáng. Tu viện đã ngủ
yên sau thời công phu tối. Tiếng chuông mõ lặng im. Tôi nghe tiếng chân
mình đi trên cát bụi. Tôi ngước nhìn lên cao, khung trời lóng lánh ngàn
sao như thấp xuống thật gần. Dãy ngân hà nằm vắt ngang bầu trời khuya như một vạt
mây xám. Tách trà sáng nay thầy pha thật ngon, thầy bảo trà này được ướp bằng
ánh trăng!
Những ngày đầu ở tu viện tôi vẫn còn mang theo
mình đời sống của phố thị, có những tập quán khó quên và thói quen chưa kịp
buông bỏ. Nhưng ở đây, thức dậy, mỗi ngày là một ngày mới. Tôi có hết
không gian và thời gian cho riêng tôi. Ta sẽ làm gì cho hạnh phúc của mình
trong ngày hôm nay!
Từng Bước Chân Đi
Nơi đây mỗi ngày tôi tập đi thiền hành. Tôi tập đi
thật chậm rãi. Tôi tập để lại những dấu chân an lạc trên con đường
mình đi qua. Những ngày ở đây tôi đi nhiều lắm. Tôi đi nhiều hơn là
tôi đứng, tôi ngồi và tôi nằm. Tôi đi lên thiền đường, tôi đi
vào phòng ăn, tôi đi xuống lều Trăng Lên, tôi đi lên thất Tĩnh Tâm,
tôi qua tu viện Madona, tôi về cốc Sư Phụ, tôi đi dưới nắng, tôi bước
trong mây, tôi ra hiên chánh điện nhìn mây, tôi xuống động Quan Âm
thăm những ông tiên đánh cờ bên thác... Tôi tập đi thiền hành vì tôi
muốn làm gì cho hạnh phúc của mình!
Con đường tu viện đất cát. Tôi để ý thấy rõ những dấu
chân của mình để lại mỗi ngày trên con đường đi, giữa trăm ngàn dấu
chân khác. Có những dấu chân in sâu, có những dấu chân nhẹ nhõm, có những dấu
tích của hạnh phúc, có những dấu tích của sự âu lo. Mà trong cuộc sống cũng vậy,
bao giờ ta cũng để lại dấu vết của mình, hạnh phúc hoặc muộn phiền, cho dù
ta có ý thức được việc ấy hay không. Và những ngày ở nơi này, tôi muốn để
lại một chút gì của sự thực tập thảnh thơi trên những con đường của tu viện.
Mấy hôm ở đây, ngày nào cũng nắng đẹp. Những khi ra
đứng dưới tàng cây đan mộc cao như núi, khuất ánh nắng mặt trời, tôi thấy
mát lạnh. Có lần đang đi dạo ven triền núi, mây từ ngoài biển đột nhiên
kéo vào như sương mù, bay ngang qua rừng đan mộc, thấm vào áo, vào tóc,
vào mặt tôi, lạnh buốt. Lúc ấy, tôi đứng lại thật yên không dám bước đi,
sợ những bước chân của mình sẽ làm mây tan mất.
Trong đạo Bụt có nói về lý Vô Tác (apranahita), tức là
ta không đặt một đối tượng nào trước mặt mình. Vô tác còn có nghĩa là
không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện nữa,
kể cả sự giác ngộ hay đạt đạo. Tôi nghĩ, phải có thái độ ấy ta mới có thể sống
được trong giờ phút hiện tại. Nhờ vô tác mà nơi nào, chốn nào cũng là bây giờ
và ở đây. Ta không bị tương lai níu kéo, vì mỗi bước chân đều đưa ta
về đến ngay nơi mình đang muốn đến. Tôi nhớ có lần đọc một bài thơ của một
vị thiền sư, thỉnh thoảng ông lại hỏi chiếc bóng của mình "Đi đâu bây giờ
đây?" Thì chỉ là một bước chân này thôi. Cuộc sống này đâu thể có gì
là quan trọng hơn bước chân kế tiếp của mình, phải không bạn? Vì bước chân ấy sẽ đưa
ta trở về trong giờ phút hiện tại này! Nếu ta ý thức rằng mỗi bước chân cũng
quan trọng như con đường mình đi, thì làm sao ta có thể lạc lối được?
Nơi nào bạn đến mà lại không phải là bây giờ và ở đây! Bạn biết
không, tôi nghĩ nhờ có thái độ vô cầu mà ta không đánh mất đi giờ phút hiện
tại nhiệm mầu này. Đi về một tương lai nào đó đều là chuyện sai lầm.
Trên hành trình của sự sống mỗi bước chân đều có thể hạnh phúc và
tròn đầy như nhau.
Những ngày tu học ở đây, tôi tập đi thiền hành cho thật
vững chãi. Tôi nghĩ là những bước chân của mình nơi đây cũng đã là chững
chạc và thảnh thơi lắm rồi. Tôi tập bước những bước từ tốn, không để một
việc gì thúc hối. Mà cuộc sống của tôi ở đây có gì để phải thúc hối!
Có một lần nằm trong lều, trời tờ mờ sáng, nhìn ra ngoài màn cửa tôi chợt thấy
Sư Ông đang đi dạo với chú thị giả. Sư Ông có những bước chân thật chẫm
rãi, đều đặn như nhịp của thời gian. Bóng hai người đi chậm và nhẹ như mây
ngoài biển trôi vào trong hôm nào vũ trụ chợt đứng yên. Tôi chợt ý thức rằng
những bước chân của mình vẫn còn nhiều vội vã quá! Cuộc sống nơi đây không
có gì để thúc hối, nhưng biển sóng trong tôi vẫn cứ còn xô đẩy mãi
nhau.
Tôi nghĩ, sự sống này chỉ có thể có mặt khi chúng ta dám bước
chậm lại. Những bước chân hấp tấp và lo âu của ta nhiều khi vô tình làm
kinh động đến tính chất nhiệm mầu của sự sống. Làm sao ta có thể thấy được
mây vướng trong khe núi, một đóa hoa tím vàng nở trên vách đá, tiếng hót của
loài chim lạ, những khoảng rừng âm u không ánh sáng, tiếng suối thủy tinh róc
rách... khi bước chân ta đi quá vội vàng! Nhưng tôi nghĩ nhiều khi chúng
ta vội vã không phải vì vô tình mà là vì cố ý. Ta không muốn tiếp xúc với những
gì thật sự xảy ra trong giờ phút này. Ta sợ không dám mở lòng ra trước những hạnh
phúc và khổ đau trước mặt. Và hình ảnh ta tạo dựng lên trong một tương lai
xa xôi nào đó, bao giờ cũng đem lại an ổn cho ta hơn!
Những ngày sống nơi đây, tôi tập thắp sáng hiện hữu bằng
những bước chân thiền hành. Có hôm bệnh nằm trong lều, thức dậy nhìn ra thấy Sư
Ông đang hướng dẫn đại chúng đi thiền hành. Nhìn một đoàn trăm người
đi trong yên lặng, tôi cũng phải cố gắng bước ra. Hạnh phúc sao khi cõi ta bà
này đột nhiên biến thành tịnh độ! Đi với một tăng thân nhiều chánh niệm,
con đường tôi đã bước qua biết bao nhiêu lần giờ phút này chợt nhiên bừng sáng
dậy. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm hơn, trời cao hơn, mây trắng hơn, hạnh
phúc chừng như gần gũi hơn, và cát bụi nơi này cũng trở thành thanh tịnh hơn.
Ngồi thiền là đem lại sự an ổn cho thân tâm, ta đem thân
và tâm trở lại thành một mối trong một vị thế và không gian cố định. Thiền
hành là thực tập đem sự an ổn ấy ra tiếp xúc với sự sống, cởi mở ra với những
gì đang có mặt chung quanh ta. Ta bước đi mà thân với tâm vẫn là một, vẫn
có mặt trong trời đất. Ta mở mắt nhìn mà vẫn thấy được chân tâm.
Ánh Trăng Đầu Núi
Tôi phải bước xuống một con dốc nhỏ mới vào tới lều Trăng Lên
của thầy Quảng Tiến. Lều thầy nằm trên một triền đồi cao, trên đầu một
rừng thông xanh cao vút. Phía dưới sâu là con đường thiền hành của tu viện.
Buổi sáng thầy đưa tôi ra ngoài hành lang nhìn biển và mây. Buổi tối
trên đầu chúng tôi có một dãy ngân hà như khói mây và trăm vạn ngàn vì
tinh tú lấp lánh không gian. Căn lều thầy đẹp. Không gian nơi đây cứ như trong
truyện xưa tích cũ, thời những vị thiền sư chỉ thích đi mây về gió, "Thu ăn
măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao," các ngài không cần gì
hết, rũ bỏ chuyện đời bên ngoài tách trà thơm.
Có một đêm chúng tôi ngồi nói chuyện cho đến khuya.
Trăng sao lên cao, sương xuống lạnh hồi nào không hay. Thầy kể cho tôi nghe
chuyện ngày xưa, chuyện những ngày túi đời còn vác trên vai lang thang tầm đạo,
chuyện Krishnamurti, chuyện con thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng nước
Hudson, chuyện những ngày nắng, những ngày mưa... À, vì đêm đã hơi
khuya nên tôi chưa kịp hỏi thầy về hạnh phúc của một người tu sĩ, về chuyện của
bây giờ và ở đây. Trà thầy pha ngon. Tôi không biết pha trà, tôi cũng
không biết thưởng thức trà, nhưng tôi thích uống trà. Tôi nghĩ trà ngon là nhờ được
ướp bởi sự có mặt chân thành của người đối ẩm.
Tôi về lại bên này thì trời cũng chớm vào thu. Tôi thấy có những
nhóm lá đỏ bắt đầu ẩn hiện trong khu rừng ven bờ hồ, mai mốt này rồi cũng
sẽ bắt đầu trút lá. Những ngày gió lớn lá sẽ bay đầy không trung như
những loài chim lạ. Lá thả xuống nằm yên trên mặt nước hồ thu. Tôi sẽ
ra đây ngồi nhìn màu sắc về hội tụ trong một thời gian đứng yên. Trời
thu đẹp. Bao giờ cũng đẹp. Trăm năm trước sau gì cũng vẫn đẹp. Hôm gặp
cô Thanh Hiền, cô có nhắc về chuyện những chiếc lá thu bên này. Tôi quên nói với
cô rằng mùa thu trên tu viện có cái đẹp của trăng, của sao, của một biển
trời tinh tú. Mùa thu lạnh nên trời bên ấy trong lắm, vũ trụ sẽ thấp xuống thật
gần. Hôm nào lỡ thời công phu khuya, cô nhớ ra trước hiên vớt dùm tôi vài chùm
tinh tú nhé. Tôi sẽ đem về thả vào văn thơ tôi mà mang ra khoe với những
người yêu thơ bên này. Chắc là họ sẽ phục lắm!
Mấy hôm tu học trên tu viện, tôi chợt ý thức rằng hạnh phúc
là chuyện cá nhân. Có thể hạnh phúc của tôi còn là hạnh phúc của người khác, và
cũng có thể hạnh phúc của tôi còn tùy thuộc vào sự an lạc của những người chung
quanh tôi. Nhưng tôi nghĩ, hạnh phúc của tôi là chuyện của riêng tôi. Sáng
nay đi thiền hành, tôi tìm lại được những dấu chân xưa của ngày mới đến,
trên con đường đi xuống ngôi lều nhỏ nằm gần thất của Sư Ông. Chiếc lều mỏng
manh phủ đầy cát bụi. Giá có một cơn mưa núi rừng là ướt át cả đến tận bên
trong. Tôi đứng yên nhìn mà tội nghiệp. Những bước chân an lạc của tôi trong
ngày hôm nay nhẹ in dấu lên trên con đường mòn xưa cũ. Khổ đau nào rồi cũng
sẽ phải chuyển hóa thành hiện hữu nhiệm mầu. Phải không bạn, hạnh phúc là chuyện
riêng tư? Tôi đến đây tu học, tôi tập đi những bước chân thiền hành vững
chãi thảnh thơi, tôi nhìn mây trôi trên rừng đan mộc, tôi giữ yên một
trang kinh, tôi ôm chén trà ấm trong lòng hai bàn tay, vì tôi biết rằng hạnh
phúc là chuyện của riêng tôi.
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Trời vào thu nên bên này mưa nhiều lắm, chắc trời bên ấy cũng
thế. Tôi ngồi yên nơi bàn viết cạnh cửa sổ. Ngoài trời chuyển mưa nên trong
phòng đã thấy tối lù mù. Sắp đặt lại chồng sách vở, tôi tìm thấy một
bài thơ tôi làm khi còn ở bên ấy. Chị Quảng Tâm có nhờ tôi viết mấy hàng cho
quyển sách mới của chị, tôi viết rồi mà quên đưa. Thôi thì chịu trễ vậy,
mai mốt gặp chị rồi sẽ trao sau.
Sáng nay trời kéo nhiều mây đen và có gió lớn, nhưng tôi
nghĩ chắc sẽ không mưa. Tôi ra ngoài sân pha một chút trà thơm, uống hương của
mây và ngồi nghe tiếng lá. Buổi sáng nay trời chuyển nhiều dông gió nhưng tôi lại
cảm thấy yên. Tôi cũng vậy, muộn phiền nào rồi mai cũng sẽ trôi xa.
Hôm qua tôi về nhận được thư của Sư Phụ viết từ am Ngọc
Sáng. Đọc thư thầy mà tôi lại cứ thấy mênh mông nhớ về bên ấy. Tôi cảm
xúc được tấm lòng của thầy đối với đệ tử, bên này cũng như bên ấy.
Lòng từ của thầy vẫn rộng lớn như trời biển Kim Sơn. Tôi thích bốn câu trong
bài thơ Xóm Cũ
Bước vào đời ngang qua trái đắng
Khổ đau nào đọng lại ăn năn
Hạnh phúc chân như đâu chỗ tới
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Khổ đau nào đọng lại ăn năn
Hạnh phúc chân như đâu chỗ tới
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?
Trên đường về xóm cũ, bước chân thầy để lại những dấu
tích của từ nhẫn và khiêm hạ, cho tôi học, cho tôi nương nhờ. Trời mùa Thu bên ấy
chắc lạnh nhiều. Nhớ nhắc Sư Phụ giữ gìn sức khỏe dùm tôi, thầy cô nhé...
Một Chỗ Ngồi Trên Góc Chiếu
Đầu mùa đông năm nay có một trận bão tuyết lớn đi
ngang qua nơi này. Tuyết đổ xuống mù trời trong mấy ngày qua. Lâu lắm rồi,
tôi mới lại có dịp được nhìn thấy tuyết rơi nhiều đến thế. Tuyết đổ
khắp nơi, ngập kín thành phố. Tuyết trắng xóa phủ mênh mông như một cảnh đồng
quê ở Nga, lần nào xem trong phim Doctor Zhivago.
Mấy hôm tuyết còn rơi, tôi và đứa con mặc đồ ấm, rủ nhau
ra sân chơi. Không gian trong khi tuyết đang rơi im lặng kỳ lạ, chung quanh không
một tiếng động. Trời và đất tuyền một màu trắng xám. Chúng tôi dẫn nhau
leo lên một con đồi nhỏ. Đứng đây có thể thấy được những nóc nhà xa xa tuyết
phủ, có những làn khói xám bốc lên từ các lò sưởi. Tôi ngửi được mùi củi
cháy ngây ngây trong không khí.
Sáng nay pha một tách trà ấm, ngồi nơi bàn viết cạnh cửa sổ,
bên ngoài tuyết phủ cao ngập bậc thềm trước hiên và che kín con đường dẫn
vào nhà. Hôm qua tôi có đọc một bài thơ của thầy Nhất Hạnh, viết về một
ông thầy tu và góc chiếu của ông:
Mỗi ông thầy tu có một chỗ nơi góc chiếu để ngồi thiền
hãy ngồi yên trên chỗ đó
trái đất mang tất cả chúng ta đi
và chỗ ngồi cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
và chỗ ngồi đó sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi
mỗi ông thầy tu ngồi trên chỗ nơi góc chiếc chiếu của mình được bao lâu?
tuy thế hãy ngồi yên trên đó
như sẽ không bao giờ phải nhường chỗ cho ai khác
như sẽ không bao giờ có ga để xuống
chiếc xe lửa
chiếc xe đầy lửa trong lòng nó
sẽ đưa ông thầy tu về đâu?
mỗi ông thầy tu ngồi kiết già trên chỗ nơi góc chiếu của mình
bắt chước trái núi hùng vĩ
trái núi sừng sững đứng đó
nhưng trái núi cũng xoay tròn theo ông thầy tu
chiếc xe lửa của chúng ta đang đi
hãy ngồi yên trên chỗ đó
trái đất mang tất cả chúng ta đi
và chỗ ngồi cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
và chỗ ngồi đó sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi
mỗi ông thầy tu ngồi trên chỗ nơi góc chiếc chiếu của mình được bao lâu?
tuy thế hãy ngồi yên trên đó
như sẽ không bao giờ phải nhường chỗ cho ai khác
như sẽ không bao giờ có ga để xuống
chiếc xe lửa
chiếc xe đầy lửa trong lòng nó
sẽ đưa ông thầy tu về đâu?
mỗi ông thầy tu ngồi kiết già trên chỗ nơi góc chiếu của mình
bắt chước trái núi hùng vĩ
trái núi sừng sững đứng đó
nhưng trái núi cũng xoay tròn theo ông thầy tu
chiếc xe lửa của chúng ta đang đi
Bài thơ ấy có tựa là Nhập Lưu, nghĩa là vào dòng giác ngộ.
Tôi không hiểu hết thâm ý của thầy, nhưng tôi thích bài thơ vì nó có một hình ảnh đẹp,
một ông thầy tu và một góc chiếu của ông. Ông thầy tu ngồi yên đó, hùng
tráng như một ngọn núi, đẹp như một cảnh thiên nhiên, như hoàng hôn mặt trời đỏ,
như một đóa hoa giữa rừng cỏ, như một ánh trăng trong rừng vắng...
Tôi hiểu rằng, chúng ta ai cũng cần phải có một góc chiếu cho
riêng mình. Một chỗ để ta ngồi xuống trong yên lặng. Trong cuộc sống này,
tìm được cho mình một không gian và thời gian để ngồi yên là một điều
rất quý. Tôi nghĩ, chúng ta cần rất nhiều những thời gian để ngồi xuống, để dừng
lại như thế. Đời vô thường. Đôi khi chúng ta cần ngồi xuống để thấy được cái đẹp
của bốn mùa, của một đóa hoa, một hạt mưa, một chiếc lá, một bông tuyết,
gương mặt của người thương. Như người bạn đời của tôi, mới hôm nào đây
mà đã bên nhau từ thuở nào rồi. Không khéo lại tiếc rằng, mình đã
chưa từng bao giờ thật sự nhìn rõ mặt nhau!
Dừng lại
Nhưng sự dừng lại ấy không có nghĩa là ta phải ngồi thật yên
một chỗ, mặc dù đó cũng có thể là một phương cách hữu hiệu để dừng lại.
Dừng lại là một trạng thái của tâm hơn là của thân. Ta có thể ngồi thật yên
nhưng tâm ý trôi dạt về muôn ngàn nẻo, thì đó vẫn không phải là dừng lại.
Các thiền sư vẫn có thể dừng thật yên trong khi các ngài bước những bước chân
bình an trên con đường thiền hành, hay thưởng thức trên tay một tách trà
thơm... Có những buổi lễ tụng giới mà tôi có dịp tham dự, tôi có cảm tưởng rằng
mọi người trong tăng thân đều đã dừng lại thật yên. Biết ý thức được việc
mình đang làm trong giờ phút hiện tại, đạo Phật gọi đó là chánh niệm.
Nếu ta thật sự biết được những gì đang xảy ra trong giây phút này,
thì làm gì cũng vậy thôi, mình có bao giờ xa rời giờ phút hiện tại
này đâu! Ta đã dừng lại rồi phải không bạn!
Sự dừng lại ấy đòi hỏi một sự thực hành, một công phu tu
tập. Tôi nghĩ chánh niệm không phải chỉ là những hành động, việc làm có ý
thức của ta, mà chánh niệm còn là một lối sống nữa. Bạn biết không, chúng ta rất
có thể đang bước đi và hít thở trên mặt đất này, nhưng chưa từng bao
giờ thật sự sống, vì ta chỉ có ý niệm về nó mà thôi! Vào một buổi sáng sớm, bước
chân ra vườn khi trời vẫn còn tối, bạn ngước lên nhìn bầu trời lấp lánh ngàn
sao như những mảnh vụn pha lê. Bạn có biết rằng, những tinh cầu mà ta thấy trên
bầu trời ấy, chỉ là bóng dáng của chúng thuộc về mấy ngàn năm trước không?
Chung quanh ta những gì là thật sự hiện hữu!
Trong cuộc đời, mà trong đạo cũng thế, đa số chúng
ta ai cũng cần có một nơi nương tựa, một cái gì vững vàng, một thẩm quyền
nào đó, mà ta có thể quay trở về tìm sự giúp đỡ những khi khốn khó.
Bạn biết không, nơi mà ta có thể nương tựa trước hết là ở
chính ta. Mà nhiều khi đây lại có thể là một nơi an trú vững vàng nhất. Đức
Phật trước khi nhập diệt đã khuyên ta hãy tự coi mình là một hải đảo, là
chỗ nương tựa của chính mình, và phải biết tự thắp đuốc lên mà đi. Vì
trong cuộc đời này, ai hiểu được hạnh phúc khổ đau của ta bằng ta bạn
hở! Làm sao có một thẩm quyền nào có quyền năng hơn chính kinh nghiệm sống của
ta và sự tu tập của ta!
Nhưng bạn đừng hiểu lầm việc ấy có nghĩa là ta không cần
nương tựa vào một thẩm quyền nào khác. Cần lắm chứ! Ta cần những người có kinh
nghiệm đi trước, chỉ dẫn ta, giúp đỡ ta trong sự tu tập, trong một lối sống
sao cho hợp với đạo.
Trong đạo Phật, chúng ta có tăng thân, hay những người
cùng tu tập chung với ta, là một nơi để ta nương tựa rất tốt. Một tăng
thân tốt có thể che chở và giúp cho ta được an ổn nhiều lắm. Vì sự hiểu biết
và kinh nghiệm của nhiều người bao giờ cũng phong phú và giàu có hơn là của một
mình ta. Bạn nên giữ gìn và chăm sóc cho tăng thân của bạn. Nếu bạn lại có được
một vị thầy hướng dẫn, chỉ đường thì bạn là một người may mắn lắm rồi. Chúng
ta, ai mà lại không mong ước có một vị thầy, một thẩm quyền để nương tựa,
để chỉ dạy ta những gì cần phải làm, nhất là khi đời mình gặp sóng gió, khổ đau.
Nhưng vị thầy thật sự của ta vẫn chính là sự sống này. Và nó
có mặt ở khắp mọi nơi. Ta không cần phải đi tìm kiếm một nơi chốn tĩnh lặng,
lý tưởng nào khác. Gia đình của bạn, sở làm bạn, con đường thiền
hành, phố chợ đông người, dạy dỗ con cái... Ở những hoàn cảnh đó đều
có kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập của ta, và cũng chính nơi đó ta
có thể tìm thấy được một thẩm quyền thật sự. Nếu ta biết dừng lại để tiếp
nhận. Trong giây phút này bao giờ cũng có chỗ cho ta nương tựa, vì sự sống lúc
nào cũng có mặt.
Nhưng cuộc đời này đôi lúc cũng có những bất an, sợ
hãi, khổ đau... đôi khi ta cảm thấy khó mà có thể dừng lại để tiếp nhận
nó được! Các thiền sư dạy rằng, nếu ta thật sự kinh nghiệm được chúng, một cách
trọn vẹn và thành thật, thì chính chánh niệm và kinh nghiệm khổ đau ấy sẽ
là chỗ cho ta nương tựa. Vì khi có chánh niệm về thực tại của mình, cho
dù đó là khổ đau, ta sẽ biết được những gì mình cần phải làm và có thể
làm trong giờ phút ấy.
Tâm bình thường là đạo
Chánh niệm của ta được phát huy qua những hành động
nhỏ nhặt trong ngày. Niềm an lạc lớn được nuôi dưỡng bằng những
hành động hết sức bình thường của ta. Chúng ta biết rằng sự an lạc phải được
thực tập trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân hằng ngày, trong những giây phút bình
thường nhất, chứ không phải chờ đến lúc ta lao đao bị xô đẩy trên ngọn
sóng của khổ đau. Tôi có nghe một thiền sinh viết về kinh nghiệm tu tập của
cô vào mấy năm trước đây. Lúc ấy cô đang tham dự một khóa tu kéo dài một
tháng, để thực tập từ bi quán. Đề mục thiền quán của cô là ban rải
tình thương của mình đến cho chính mình, và tiếp đó ban phát cho những
người thân yêu khác. Cô kể lại trong suốt một tháng trời thực tập, cô không thấy
có một thay đổi, một tâm từ nào phát sinh trong cô hết. Suốt ngày cô thực
tập quán niệm, "Tôi đầy đủ an vui hạnh phúc. Tôi không đau khổ, không
bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận." Cô thú thật, thời
gian tu tập đó là một thời gian buồn chán nhất. Khi khóa tu chấm dứt, cô cảm
thấy thất vọng vì không thấy mình đạt được một kết quả nào rõ rệt. Cô
không cảm thấy rằng mình thương mình hơn xưa chút nào hết. Trong khi trở về
phòng thu dọn đồ đạc ra về, cô vô ý đánh rơi một bình trà mà cô yêu quý nhất.
Cô kể lại, nhìn những mảnh vỡ trên sàn nhà, ý nghĩ đầu tiên thoáng qua
trong đầu là "Ối, mình hư quá! Nhưng không sao đâu, không có
gì để lo âu hay tức giận, mình vẫn thương mình như trước." Lúc ấy cô
mới giật mình nghĩ lại, sự thực tập từ bi quán có kết quả đấy chứ, tại cô
chưa biết đó thôi!
Tôi nghĩ, nếu ta biết thực tập chánh niệm đều đặn, biết
dừng lại trong cuộc sống bình thường hằng ngày, kết quả của chúng cũng sẽ vậy,
từ tốn nhưng thật chắc chắn.
Chúng ta đừng chờ đến lúc có một biến cố lớn trong đời mới
biết dừng lại. Và cũng không nên đợi cho đến khi nào cuộc đời
mình được an ổn, công việc được hoàn tất, con cái lớn khôn, tài chánh vững
vàng rồi mới thực tập. Tôi kinh nghiệm rằng, ngày mai cũng sẽ không khác gì với
bây giờ và ở đây đâu! Nếu lối sống của ta vẫn cứ y như thế.
Một lần này nữa thôi
Trong cuộc sống, tôi cũng tự sắp cho mình có những góc chiếu, để
ngồi xuống, để dừng lại. Bạn nên nhớ rằng, dừng lại không có nghĩa là bất động.
Các thiền sư dạy, mỗi khi ta ngồi xuống, ta phải ngồi với một uy nghi, nó phải
biểu lộ được nhân phẩm của mình. Bạn đừng bao giờ chờ đến khi nào cuộc đời
bắt buộc, ta mới chịu dừng lại. Bạn hãy dừng lại, thật bình thường, để
nhìn một mặt trời hoàng hôn, để lắng nghe tiếng sóng vỗ đêm khuya, để
nhìn ánh trăng trên tuyết... Có những tối, sau giờ thiền, mở mắt ra tôi thấy
ánh trăng mười sáu lùa qua khung cửa sổ trống chiếu sáng căn phòng nhỏ. Một màu
sáng xanh thật huyền diệu. Tôi nhớ đến hai câu thơ của thầy Huyền
Không, "Đêm rằm ta hỏi ánh trăng, ngàn năm về trước đã tặng chiếu
ai?" Phải rồi, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm về trước,
trong một khu rừng nhỏ nào đó, có một người ngồi thật yên dưới gốc
cây pippala, cũng cùng một ánh trăng này thôi! Cuộc đời này có những điều
thật mầu nhiệm phải không bạn?
Sáng nay ông thầy tu ngồi vào chỗ ngồi
của mình trên góc chiếu, và mỉm cười.
tôi không có ngồi hoài đâu ông
chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi.
của mình trên góc chiếu, và mỉm cười.
tôi không có ngồi hoài đâu ông
chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi.
Bạn hãy nhớ tập ngồi xuống trên góc chiếu của mình cho thật vững
vàng, cho thật yên, và thật bình thường. Biết đâu rằng lại chỉ là một
lần này nữa thôi!
Con Đường Nhỏ Trưa Này
Lâu lắm rồi tôi mới lại ngồi xuống chiếc bàn viết nhỏ của
mình. Tôi nhớ chiếc khung cửa sổ chứa bầu trời xanh ngoài kia. Tôi nhớ cái
không gian bốn mùa chuyển biến theo năm tháng. Nhớ những ngày mát trời tôi thường
mở tung cửa sổ cho nắng và gió vào đây, nằm im thành những vệt sáng trên
bàn hoặc thỉnh thoảng lật vội vã vài trang kinh cũ. Bạn biết không, gió của mỗi
mùa đều có một mùi hương riêng. Vào mùa Hạ gió có mang một mùi nồng ngây
ngây của lá cỏ ong nắng. Tôi nhớ mùi lá chín mục ẩm ướt ướp trong gió lành lạnh
vào mỗi cuối Thu. Mùa xuân, gió chở đầy hương bụi phấn hoa. Thời gian trôi
ra vào căn phòng viết nhỏ của tôi mang theo cả một không gian mênh mông ngoài
kia.
Chiều hôm qua, tôi và đứa con gái năm tuổi ngồi chơi sau
sân nhà. Nó chạy lăng quăng dẫn đứa em trai hai tuổi của nó đi hái những chiếc
bông vàng bỏ vào giỏ. Chơi một hồi bỗng nó chạy lại hỏi tôi, "Ba, sau khi
ba chết rồi ba với má sẽ đi đâu?" Và nó muốn biết là nó sẽ còn gặp lại
tôi không. Tôi mỉm cười nhìn nó trả lời. Nó có vẻ hài lòng lắm, cười toe toét
và rồi lại rủ đứa em nó chạy đi nơi khác. Chiều có nắng nhuộm đỏ cam hàng
cây cao đứng sau nhà và vàng cả sân tôi. Có những lúc tôi cảm thấy mình
không phải làm gì hết, chỉ muốn ngồi cho thật yên.
Đời sống chung quanh ta đôi khi có những mất mát lớn và có những đổi
thay nho nhỏ. Trong đó có hạnh phúc và khổ đau. Dầu ta có cố gắng làm
gì đi chăng nữa đời sống vẫn phải đổi thay vì nó là vậy. Tôi ít còn cảm thấy
xúc động nhiều khi nhìn một hạnh phúc đi qua, vì tôi ý thức rằng qua
không có nghĩa là mất. Nhìn cho kỹ thì cuộc đời được làm bằng những hạnh
phúc nhỏ, nếu ta cứ khư khư ôm giữ lấy một hạnh phúc thôi thì có lẽ thiệt thòi
cho ta nhiều lắm.
Mấy đứa con của tôi giờ cũng đã chóng lớn. Nhớ mới ngày
nào đây tôi vẫn còn bồng ẵm đặt chúng vào nôi. Có nhiều lần tôi ngồi
yên nhìn chúng chơi với nhau, ánh mắt ngây thơ của chúng tô đẹp cuộc sống.
Chúng nó giờ mỗi đứa cũng đã bắt đầu có một tâm tánh riêng, như ta thuở
nào. Tôi hiểu bạn muốn nói gì, nhưng đôi khi tôi thấy những gì tôi muốn nói
với chúng nhiều khi thật sự không cần thiết. Chúng rồi sẽ lớn và trưởng thành
như tôi, như bạn, như những cây Tùng, cây Anh Đào ngoài sân nhà. Chúng ta
có làm gì khác hơn đâu. Tôi nghĩ làm cha mẹ là sự tu học của một đời.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại con đường
nhỏ quanh bờ hồ nơi tôi làm. Con đường thiền hành xưa lâu ngày bước lại thấy
mới tinh. Bầu trời có hàng cây cao đổ bóng mát, có nắng ấm, gió khởi lên
theo mỗi bước chân tôi làm gợn sóng mắt hồ. Tôi đi ngang qua một bụi cây
nhỏ ríu rít tiếng chim hót, ngồi lại trên một chiếc ghế gỗ nhìn mây và nước lặng
yên.
Mấy tuần bị ốm, tôi được dịp tiếp xúc lại với hạnh phúc
của mình. Tôi nói hạnh phúc vì nó có bao giờ nằm ngoài khổ đau đâu bạn. Những
hạnh phúc thật sự của ta, nó tầm thường và bình dị hơn ta nghĩ nhiều lắm. Hạnh
phúc là những gì bạn đang có trong giờ phút này. Bạn chắc cũng có những hạnh
phúc nho nhỏ, đừng xem thường chúng bạn nhé, chúng bao giờ cũng sâu sắc
hơn ta tưởng. Sau những ngày bệnh, nếm lại được một tách trà thơm, được
đứng thẳng người dậy, được bước chân ra ngoài, được nhìn cây lá... tôi cảm
thấy hạnh phúc lắm.
Con đường nhỏ trưa này
Tôi nhớ câu chuyện về thiền sư Đạo Nguyên. Một hôm vị thầy
của ngài Đạo Nguyên thấy ông đang ngồi học kinh, vị thầy hỏi ông học
kinh để làm gì. Đạo Nguyên đáp, "Dạ, con học vì muốn biết các vị
tổ ngày xưa đã làm gì." Vị thầy hỏi, "Chi vậy?" Đạo
Nguyên đáp, "Vì con muốn được thoát khỏi khổ đau của kiếp người."
Vị thầy lại hỏi, "Chi vậy?" "Vì con muốn cứu giúp mọi loài trong
cuộc đời này, chúng sinh có nhiều khổ đau quá!" "Chi vậy?"
vị thầy hỏi tiếp, "Rồi một ngày nào đó con sẽ trở lại quê hương con,
con muốn giúp dân làng của con." Vị thầy lại hỏi, "Chi vậy?" Sau
cùng, Đạo Nguyên câm lặng, ngài không còn gì để nói nữa hết. Bạn nghĩ
sự thinh lặng của ngài Đạo Nguyên ấy là gì! Tôi nghĩ vị thầy đã giúp
ngài trở về tiếp xúc lại với cái nguyên nhân sâu xa nhất của ông. Cái nguyên
nhân ấy thật ra không có một lý do nào để diễn đạt hết, vì chúng đều
sai sự thật. Ta chỉ có thể ngồi thật yên để thấy thôi phải không bạn! Sự
tu tập của ta chỉ có thể có nghĩa là ta phải thật sự có mặt trong giây phút hiện
tại này. Nếu bạn thật sự muốn mình được là những gì mình muốn, bạn hãy có
mặt trong bây giờ và ở đây. Chỉ cần đứng thẳng lên vững vàng trong giây
phút hiện tại, thái độ ấy sẽ mở ra cho bạn thấy những gì mình cần phải
làm. Và sự tu tập của ta bắt đầu từ hành động đó.
Tôi không nghĩ ta có thể sống trong cuộc đời này mà hoàn
toàn giải thoát được những khó khăn hoặc khổ đau. Chúng ta có thể tin và
quan niệm đó là mục tiêu của sự tu tập. Nhưng đôi khi chính quan niệm
ấy lại mang đến cho chúng ta những khổ đau không cần thiết. Chúng có thể dẫn đến
một sự trốn tránh khổ đau hơn là đối diện và chuyển hóa nó.
Và cũng vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi tu tập là vì tôi muốn được
hạnh phúc, được khoẻ mạnh. Vì tôi biết mình sẽ không thể nào khoẻ mạnh và hạnh
phúc mãi. Khổ đau là khi ta tự đặt cho sự tu tập của mình một mục đích.
An lạc là vấn đề tiếp nhận chứ không phải kết quả của một sự tìm kiếm. Bạn
hãy nhìn lại cuộc sống của bạn đi. Chúng ta đã có biết bao nhiêu những nỗi
vui, buồn, thuận, nghịch, thành công và thất bại. Nhưng ta vẫn sống và thở. Vì
bản chất của ta là an lạc. Nhưng đôi khi chúng ta cũng cần phải biết mở rộng
ra để tiếp nhận những hạnh phúc chung quanh mình. Chúng có thể nuôi dưỡng và nhắc
nhở ta nhiều lắm.
Tôi muốn rủ bạn đi chung với tôi trên con đường nhỏ
buổi trưa này. Dấu tích của mùa Đông mấy tháng trước đã hoàn toàn nhạt
phai. Cây cầu gỗ bắt ngang một con rạch nước nhỏ dẫn ra hồ, hai bên bờ cây lá um
tùm. Có những ngày im gió, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương. Tôi thấy mây trắng
thong dong trôi trong lòng nước. Chúng ta sẽ tập đi những bước chân cho thật
yên. Những lúc ấy, hạnh phúc là vậy và chỉ có thể là vậy thôi bạn nhỉ. Tôi thấy được
đời sống của mây, nước, của những viên sỏi nhỏ dưới chân, của những chiếc lá
vàng khô của mùa thu trước, bên bờ hồ sóng vỗ nhẹ.
Có những lần sau một buổi đi dạo, trở về tôi thấy đời sống
thật an ổn. Bạn hãy thử tập đặt những bước chân thật yên trong hiện tại đi.
Chắc nơi bạn ở cũng phải có một con đường thiền hành thật đẹp nào đó,
có mây trắng, gió mát, nắng ấm và lá xanh. Hạnh phúc và khổ đau chỉ là những
ý niệm. Và khi ta tiếp xúc với thực tại thì ý niệm hoàn toàn không cần thiết. Một
người bạn kể cho tôi nghe, có một lần chị lên núi cao vào buổi sáng sớm, chị bất
ngờ được nhìn một mặt trời bình minh đỏ thật huy hoàng. Không gian
thênh thang trong giây phút ấy chỉ có một mình chị, trời và núi. Trở về với đời
sống hằng ngày chị vẫn nhớ mãi hình ảnh ấy. Cuộc đời có những cái hay, cái
đẹp chân thật cho dầu ta có mặt để chứng kiến hay không. Dầu bạn có đang mang một
khổ đau nào đó, cuộc đời này vẫn có một thực chất an ổn và hạnh phúc. Bạn
chỉ cần mở lòng ra để tiếp nhận mà thôi. Tôi nghĩ, nếu những hạnh phúc mà
ta đang có trong tay vẫn là chưa đủ, thì có tìm kiếm thêm bao nhiêu nữa
cũng sẽ không bao giờ là đủ đâu bạn nhỉ!.
Bước đi bằng một sơ tâm
Tôi nghĩ mỗi người chúng ta cần có một ngày cho riêng mình. Một
ngày mà ta sẽ không cần nghĩ gì đến ngày mai hoặc quá khứ. Gia đình,
bạn bè, công việc... chắc chắn sẽ vẫn còn đó, đứng vững, tồn tại mà không
cần ta. Một ngày mà ta không cần phải lo giải quyết hoặc tìm kiếm một giải pháp
cho một vấn đề nào hết. Chúng ta sẽ đi trong thiên nhiên, đến ngồi
bên những chiếc ghế đá công viên, xem lá đổi màu, nhìn hoa nở, mây
bay hoặc ánh mắt thơ ngây của những em bé, trong một thời gian không bao giờ hết,
tiếp xúc với sự sống đang có mặt chung quanh ta. Một ngày như vậy chắc chắn
sẽ làm tươi mới lại con người của mình.
Tôi nghĩ các khóa tu học là một dịp rất tốt để ta có được
những ngày vô sự như thế. Những ngày ta có thể nhìn lại hiện hữu chung quanh
mình bằng một con mắt mới. Thiền sư Shunryu Suzuki có nói đến Sơ Tâm,
tức bản tâm của một người mới bắt đầu, nó giúp ta kinh nghiệm được mỗi giây
phút như là mới tinh. Bạn biết không, cái thấy của ta bắt đầu trở nên giới
hạn khi ta không còn thấy cuộc sống này, những gì đang xảy ra chung quanh
mình, là nhiệm mầu nữa. Chính cái thấy giới hạn ấy đã che dấu, không cho
ta tiếp xúc được với thực tại. Có những người nói rằng, sau một thời gian
đi các khóa tu, họ không còn cảm thấy hạnh phúc và an lạc như buổi ban đầu
nữa! Tôi nghĩ có lẽ đâu đó trong sự tu tập, cái Sơ Tâm ngày nào của họ đã
bị phai mờ. Trên hành trình tu tập của ta, mỗi bước chân đều phải là bước đầu
tiên bạn nhỉ.
Trong những khóa tu, nếu có dịp, bạn nên ra ngoài thiền đường,
tìm một con đường nhỏ để đi thiền hành, để những bước chân của bạn dậy
những làn gió mát. Những bước chân an tĩnh sẽ làm tĩnh lặng không gian và tâm
thức. Vạn vật sẽ trở thành mới tinh.
Câu chuyện của ngài A Nan
Một hôm đức Phật bảo ngài A Nan, "Sắp đến giờ
ăn rồi, thầy hãy cầm bình bát vào thành khất thực đi." A Nan thưa,
"Dạ." Phật nói, "Thầy cầm bình bát đi khất thực, phải nhớ
theo đúng nghi thức của chư Phật bảy đời trong quá khứ." A Nan hỏi,
"Thưa thế nào là nghi thức của bảy đời chư Phật?" Phật gọi,
"A Nan!" "Dạ." Phật bảo, "Thầy hãy cầm bình
bát đi đi!" Tôi nghĩ những bước chân của ngài A Nan chắc phải là vững
chãi và thảnh thơi lắm. Hãy cứ cầm bình bát mà đi! Chúng không thể còn là
ý niệm nữa mà phải là một thực tại sáng tỏ.
Sau mấy ngày bệnh, bước ra ngoài tôi thấy những cụm mây trắng
trong hơn, những chiếc lá xanh hơn, những viền nét rõ ràng hơn. Đứa con
gái tôi chạy chơi trên sân, hái những bông cỏ vàng đem chia cho em nó đang
đủng đỉnh theo sau. Đối với chúng hoa nào cũng đẹp, chiếc lá khô nào cũng
hấp dẫn. Có lần nhặt được đâu đó được một cành cây khô nhỏ rất tầm thường,
nhưng nó quý lắm, bắt tôi phải cất giữ cho nó. Tôi về để trên đầu tủ sách của
mình. Lâu rồi chắc nó cũng đã quên. Nhưng tôi vẫn còn cất giữ cho nó. Có lẽ
một ngày nào đó lớn khôn rồi, đứa con gái tôi sẽ hết còn mê chơi với những
chiếc hoa vàng cỏ dại, ngày ấy tôi sẽ mang cành cây khô ngày xưa trả lại cho
nó. Biết đâu rồi nó sẽ tìm lại được một hạnh phúc của ngày xưa. Còn bạn
và tôi, chúng ta có còn nhớ được hạnh phúc ngày nào của mình không hở bạn?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét