Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Mây trên đỉnh núi 2


Mây trên đỉnh núi 2
Chương 8

Mưa rơi đìu hiu trên những hàng thông xám. Gió rít lạnh lùng, gió thốc từng cơn thổi những hạt mưa khua vào cửa kính âm thanh vang ròn. Em ngồi đây tâm hồn héo hắt, em ngồi đây tư tưởng thả lang thang. Em ngả lưng vào ghế đệm, cuốn Vạn Vật để hờ trên gối, suốt một giờ em chưa thuộc 3 giòng. Em nhớ chị Vân quá, em nhớ chị Vân ray rứt như cả 2-3 tháng trời không gặp mặt, em không còn tha thiết gì đến những lần đi chơi với ba mẹ. Hồi sáng em từ chối đi ciné với ba mẹ, em viện cớ nhức đầu dù em không hề có ý định sáng nay em sẽ trốn ba me để đến nhà chị Vân. Em tới bên lò sưởi, ánh lửa bập bùng soi bóng em trên tường lug linh nhảy múa, hơi ấm tỏa khắp gian phòng nhưng hình như nỗi băng giá vẫn còn vương vấn trong hồn em. Em nghe mệt mõi rả rời, sức chịu đựng đang oằn oại trên đôi vai nhỏ bé của em, em không làm sao cưỡng lại được. Sự ngăn cấm của ba me, lời dèm pha của dì Nghĩa cùng những cử chị giận hờn của Nguyệt Hồng là muôn ngàn mũi kim nhọn châm chích tim em. Em cúi đầu tủi thân, em chống cằm suy nghĩ, không ai hiểu được em, không ai cảm thông được em ngoài chị Vân. Chị Vân, chị Vân ơi. Em gọi thầm tên chị Vân, em nhìn lên bức tranh “Mây Trên Đỉnh Núi”, màu trắng của mây, màu xanh của núi, như muôn đời quấn quít bên nhau. Chị Vân ơi, bây giờ em mới hiểu, có đỉnh núi nào giữ được một đám mây đâu. Rồi gió lộng thoáng qua, rồi bóng chiều nhòa nhạt và... đám mây đó sẽ bay đi. Em mất chị thật sao chị Vân? Chị hiền lành, chị thùy mị, chị dịu dàng như một nàng tiên nhỏ. Chiếc đũa thần trên tay chị sao không níu được những ngày vui của chúng mình hở chị Vân? Chị Vân ơi, em còn nhớ mãi, buổi sáng chủ nhật hôm nào, trời thật trong, em đã bảo với chị, chị là mây, em là núi và em sẽ ôm chặt chị không cho chị bay đi đâu. Ô hay, vậy mà em không giữ lời hứa, em đã buông chị trước khi chị bay đi, em đã bỏ chị trước khi chị rời xa em, mà có bao giờ chị muốn rời xa em đâu, phải không chị Vân? Chị vẫn thương em, chị vẫn xem em như một đứa em gái dễ thương nhất. Nhưng, em chỉ là một đứa con gái bạc bẽo, em không xứng đáng là em của chị đâu, chị Vân ơi. Em không tin dư luận nhưng em vẫn ngả theo dư luận như chiếc lá vàng nước cuốn ra khơi. Em muốn dừng lại bên bến bờ an vui đó có nụ cười ngọt ngào của chị, có vòng tay nồng nàn của chị … Nhưng nước chảy xiết quá như giòng dư luận ồ ạt cuồng lưu, như trận bão tố phủ lấp vòm trời êm đềm mật ngọt. Ba me đã ngăn cấm không cho em lại gần chị. Thú thật với chị, em là một đứa con gái bướng bỉnh, em có thể chống lại tất cả mọi người để đạt đến ý muốn trừ ba me em ra; em thương ba me, em yêu kính ba me, em đàng phải nghẹn ngào xa chị để ba me khỏi buồn lòng.

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, em giật mình nhìn ra cánh cửa đóng im ỉm. Em đoán, chắc Nguyệt Hồng nghe lời chị Nhật Hương đến làm hòa với em vì cô bé có tính hay hờn nhưng dễ tha thứ, hơn nữa, chị Nhật Hương đã có hứa với em là sáng nay sẽ bảo Nguyệt Hồng sang em xin phép ba me cho em đến nhà chị chơi kia mà.

Em đến sát bên cửa hỏi nhỏ:

- Ai đó?

Không một tiếng đáp, em lại hỏi:

- Ai đó?

Một lời nhẹ như hơi thở:

- Chi.

Tim em đập rộn ràng:

- Chị? Chị Nhật Hương?

- Không phải

- A, Chị Vân – Em reo lên.

- Mau mở cửa cho chị vào, trời lạnh quá

Đôi chân em luýnh quýnh:

- Chị chờ em một xí nghe, để em đi lấy chìa khóa

Em lục tung hộc bàn. Mọi lần, chìa khóa của em để ngay phía ngoài nhưng sao bây giờ em tìm không thấy. Em muốn điên đầu lên khi nghĩ đến chị Vân đang đứng trước hiên nhà mưa gió lạnh lùng, em muốn hét lên thật lớn như mỗi lần em tức giận lên. 10 phút trôi qua lâu như một ngày, em tìm thấy chìa khóa cửa nằm im lìm như trêu ngươi dưới nền nhà, ngay cạnh chân bàn học. Thì ra hồi nãy vì vội vàng quá, em đã mở hộc bàn mạnh quá khiến chiếc chìa khóa văng ra ngoài mà em không hay.

Chị Vân bước vào nhà, để chiếc làn mây lên bàn:

- Sao lấy chìa khóa lâu vậy Sơn? Làm chị suýt chết cóng.

Em đến khép cửa lại:

- Thấy chị em mừng quá, đến nỗi cái chìa khóa trước mắt mà em cũng không thấy nữa đó

Chị Vân cười:

- Sơn của chị thật trẻ con, làm gì mà quýnh lên vậy?

Em cầm tay chị Vân:

- Chị cởi áo mưa ra đi, chị em mình đến bên lò sưởi hàn huyên

Chị Vân đưa tay tháo chiếc mũ:

- Đợi mãi không thấy Sơn qua, chị đoán là tại trời mưa nên con mèo của chị làm biếng.

Em giúp chị Vân cởi những hạt nút màu vàng của chiếc áo mưa nâu:

- Trời mưa gió như ri mà chị đi làm chi không biết, lạnh buốt sương.

Chị Vân ngồi xuống ghế salon, nhìn em thương mến:

- Ừ, lạnh thì có lạnh thật, nhưng khi thấy em tự nhiên chị quên hết gió mưa

Em ghé ngồi bên chị, sung sướng ửng hồng đôi má:

- Chị thương em rứa

Chị Vân tát nhẹ vào má em:

- Ăn với nói, lẩn thẩn chưa. Chị không thương em thì còn thương ai nữa. À mà quên nữa, có mục này hấp dẫn lắm.

Em tròn mắt:

- Chi rứa chị?

Chị Vân đi lấy chiếc làn mây đến bên em:

- Bánh nậm má chị mới làm xong, có cả chả tôm nữa

Em reo:

- Ồ, má chị biết làm cả món ăn Huế nữa à, lại trúng ý em nữa. Em khoái bánh nậm chả tôm lắm.

Rồi em liếng thoắng kể:

- Dạo trước, vú Thoan ở nhà em làm bánh nậm ngon lắm. Nhưng kể từ ngày anh Lập, con của vú chết, không khi mô em thấy vú làm bánh nậm nữa, vú sợ nhớ đến con, vì anh Lập ngày còn sống cũng thích ăn bánh nì lắm.

Chị Vân giở chiếc làn mây:

- Tội nghiệp vú. Như vậy thì đừng cho vú thấy, không thôi vú buồn bây giờ

- Chị đừng lo, vú Thoan đi chợ rồi

Em nhảy chân sáo xuống bếp:

- Để em lấy chén dĩa lên nghe

Chị Vân mở bao nylon cho nước mắm vào chén, màu nước mắm nấu với đường cùng với nước sôi hồng lên gợi thèm. Những khoanh ớt đỏ tươi nổi bật giữa lòng men trắng như ngàn cánh hoa. Em khen:

- Chị pha nước mắm thật khéo

- Không đâu, má chị đó

- Má chị làm món ăn Huế không thua chi người Huế

- Nghe nói ngày xưa má chị có ở Huế một thời gian.

Em dọn tất cả lên bàn ăn. Chị Vân cắt phần chả tôm ra thành những miếng vuông vắn:

- Ăn đi Sơn, kẻo nguội đi mất ngon.

- Chị ăn với em đi

- Ừ

Chị Vân kéo ghế ngồi xuống cạnh em:

- Má chị làm bánh cho Sơn ăn đó, vậy mà chờ mãi không thấy em sang

Em nói dối:

- Tại trời mưa lạnh quá chị Ơi. Hơn nữa, cả nhà đi vắng rồi, em phải ở nhà coi nhà

Chị Vân lột mảnh lá bao ngoài cho bánh vào dĩa em:

- Đưa chị lấy cho

Em lại bảo:

- Chị ăn với em đi

- Dĩ nhiên.

Chị Vân lấy muỗng chan nước mắm vào chén em:

- Em ăn thử coi có vừa không? Má chị cứ sợ mặn vì bữa trước bà thấy em ăn lạt lắm cơ

Em cảm động:

- Bác thương em quá, chị thương em quá, em biết lấy gì để đền đáp …

Chị Vân nhíu mày:

- Chị cấm Sơn khách sáo như vậy nghe, em chả cần lấy gì để đền đáp cả, em chỉ thương chị là đu?

Em gục đầu vào vai chị Vân:

- Chị Vân ơi, em thương chị dễ sơ.

Chị Vân luồn tay vào tóc em, bàn tay búp măng mềm mại chải những sợi tóc rối bời biếng gỡ. Em nghe không gian nồng nàn hơi thở chị Vân:

- Sơn ơi, chị cũng thương em vô cùng.

Chợt cánh cửa lớn mở rộng, gió mạnh bên ngoài thốc vào làm tung bay mấy cánh hoa em ép trong cuốn Vạn Vật còn để trên bàn salon. Em chưa định thần nhìn kỹ thì tiếng dì Nghĩa đã vang lên ong óng:

- Trong nhà đi mô hết mà vắng tanh rứa Sơn?

Em không đáp, em đến đóng cửa lại, cằn nhằn:

- Dì không thấy gió hay răng mà mở to cửa rứa, bay mấy cánh hoa của cháu hết

Dì Nghĩa cởi áo mưa dũ nước xuống nền nhà:

- Ôi mưa với gió, lạnh chi mà lạnh dữ rứa không biết

Em nhăn mặt:

- Dì đem áo mưa ra phía sau đi, ướt nhà hết

Dì Nghĩa hất hàm:

- Mi khinh người rứa Sơn, mi coi trọng cái sàn nhà hơn tao hả Sơn?

Em cúi xuống nhặt mấy cánh hoa ép lại vào trong cuốn Vạn Vật:

- Khinh chi mà khinh, dì nói thêm mang tội, cháu sợ ướt nhà về ba me cháu la

Dì Nghĩa mang chiếc áo mưa xuống bếp:

- Thôi xin thua bà chúa non

Em nhìn theo dì Nghĩa chán nản. Không biết dì còn trở lại đây làm chi nữa, cả nhà này có ai thích dì đâu. Dì Nghĩa đi lên như để trả lời em, dì hỏi:

- Mi thấy cái quần sa tanh của tao mô không Sơn?

- Quần chi?

- Quần … quần sa tanh tao mới may đó. Tao bỏ quên chừ trở lại tìm không có nữa

- Chắc dì để lộn mô đó

- Lộn răng được, tao nhớ rõ ràng mà. Hay là mụ vú Thoan ăn cắp.

Em bất bình:

- Dì đừng nghi oan như rứa mà tội cho vú, vú Thoan là người hiền lành thiệt thà

Dì Nghĩa bĩu môi:

- Thiệt thà, thiệt thà bắt con gà đổi con vịt, tao nghi vú Thoan đó

Em cãi:

- Không phải vú Thoan

- Răng mi biết được?

- Vú Thoan không biết ăn cắp. Cháu rin như vậy, dì đừng đổ hô mà mang tội

Dì Nghĩa sừng sộ:

- Mi trù tao hả, tội chi? Tội lội xuống sông, mi đừng có dọa tao

Em chán ngấy:

- Thôi, dì nghi ai thì cứ nghi đi, chờ vú Thoan về mà hỏi, cháu không nói chuyện với dì nữa

Em đến bên bàn ăn, chị Vân vẫn ngồi im lặng ở đấy, đôi mắt nhìn em như dò hỏi; em nói nhỏ:

- Bà nớ là em họ xa của mẹ em, bả đanh đá lắm, chị đừng để ý

Chị Vân đề nghị:

- Em mời bà ấy đến ăn bánh luôn đi

Em ngần ngừ, nhưng không mời dì Nghĩa cũng đến, dì kéo ghế ngồi xuống bàn ăn:

- Chà, bánh nậm chả tôm ai làm mà khéo rứa

Chị Vân lễ phép:

- Dạ, mời bà

Em thấy ghét dì Nghĩa, em cúi mặt lầm lì. Dì Nghĩa nhìn em:

- Con Sơn hư ăn chưa? Bộ mi sợ tao ăn hết hả?

Em lặng lẽ ăn, không đáp. Sự mắc cỡ đã làm dì Nghĩa bực mình tức:

- Mi làm chi mà khó chịu rứa Sơn? Coi chừng tao mét ba me mi cho mà biết mặt

Em mím môi:

- Dì đừng nhiều chuyện, dì có mét ba me tôi cũng bênh vú Thoan thôi. Ai gian xảo, ai thật thà tôi biết hết.

Dì Nghĩa đỏ mặt:

- Nì, mi đừng có chửi xiên chửi xéo tao, tao không mét chuyện vú Thoan, mà tao mét chuyện mi, mi nghe rõ chưa?

Em hơi chột dạ:

- Chuyện chi?

- Thì mi biết lấy

Em bướng:

- Tôi không có tội, tôi không sơ.

Dì Nghĩa gật gù như kẻ đắc thắng:

- Rứa là tao bắt được tay day được cánh 2 lần, một lần mi sang nhà nó và một lần mi dám rủ nó sang nhà mi

Em chợt hiểu, em hoảng hồn:

- Dì Nghĩa …

Dì Nghĩa ré lên cười như mụ chằn tinh:

- Không có dì cháu chi hết. Me đã tỏ ra khinh ghét tao như rứa thì tao phải mét mi cho bằng được. Mi đã cãi lời ba me mi, mi vẫn còn tiếp tục liên lạc với con gái mụ Yvonne Ngọc

Em sững sờ nhìn 2 tay chị Vân run lẩy bẩy, đôi môi chị mấp máy như không nói được lời nào, em ôm lấy chị:

- Chị Vân, chị đừng tin

Chị Vân khẽ đẩy em ra, lời nghẹn ngào:

- Chị đã hiểu rồi Sơn, chị đã hiểu tại sao 2 tuần nay em không đến nhà chi.

Em không dám nhìn vào mặt chị, em mân mê tà áo:

- Tuần trước em bận, và tuần ni trời mưa lạnh quá, chị Vân, lúc mô em cũng nhớ tới chị mà

Chị Vân rưng rưng nước mắt:

- Chị tin là em thương chị, em nhớ chị.. nhưng hình như em đang cố dấu chị một điều gì

Dì Nghĩa te te cướp lời:

- Cô nói đúng đó. Để tôi nói cho cô nghe, anh chị tôi không cho nó giao thiệp với cô và má cô, sợ mang tiếng. Anh chị tôi là người quý phái …

Chị Vân xua tay:

- Thôi bà đừng nói nữa, tôi hiểu rồi

Chị Vân với tay lấy chiếc làn mây, em òa lên khóc:

- Chị Vân ơi, ở lại với em. Chị đừng tin lời dì Nghĩa, dì ghét em, dì trả thù em đó, ba me em mô có cấm em chơi với chi.

Dì Nghĩa lên giọng:

- Thôi, mi để cho cô ta về không thôi gặp ba me mi thêm phiền phức, mà không chừng mi lại bị ăn đòn nữa đó

Em la lên:

- Dì câm miệng lại đi. Dì vô duyên lắm, dì hay thọc gậy bánh xe lắm.

Dì Nghĩa đập bàn rầm rầm:

- Mi hỗn quá Sơn ơi, để ba me mi về đây, tao không thèm nói chuyện với mi mô

Chị Vân đứng dậy, em chạy theo:

- Chị Vân ơi, ở lại với em

Chị Vân gỡ tay em, lạnh lùng:

- Để chị về

Em níu lấy vạt áo dài của chị Vân:

- Chị đừng bỏ em

Chị Vân dịu dàng:

- Để chị về kẻo gặp ba me em

Em sướt mướt:

- Chị Ơi, chị Ở lại đây chờ ba me em về, em sẽ xin ba me em, em sẽ lạy ba me em, cho em được làm em của chi.

Giọng dì Nghĩa the thé:

- Làm em của chị, chà, danh giá quá

Chị Vân nhìn em, đôi mắt buồn vời vợi:

- Sơn, em thấy người ta miệt thị chị chưa? Để chị về

- Không, không

Em chạy đến ôm chiếc áo mưa của chị Vân trong tay:

- Em giữ áo chị lại, em không cho chị về

Bé Tuấn xô cửa bước vào nhà, ba me theo sau ngỡ ngàng nhìn chị Vân rồi quay sang em:

- Sơn, ai vậy con?

Dì Nghĩa xô ghế chạy ra:

- Anh chị về thật đúng lúc. Về mà coi con Sơn, nó dám dẫn con của mụ Yvonne Ngọc về nhà rồi hỗn với tôi nữa

Ba nhìn em nghiêm nghị:

- Sơn, răng con hư quá rứa?

Rồi ba nhìn sang chị Vân:

- Còn đây là cô Vân …

Chị Vân cúi đầu, em cầm tay ba:

- Ba ơi, ba đừng cấm con chơi với chị Vân nghe ba, chị Vân thương con và con cũng thương chị Vân nữa

Ba vỗ đầu em:

- Ba thì không có ý kiến trong vấn đề này. Con là con gái, lớn rồi, sự giao thiệp của con phải được me kiểm soát. Con nên thưa lại với me.

Em quay sang nhìn me van lơn:

- Me, me thương con nghe me

Dì Nghĩa lại chen vô:

- Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Anh chị phải cấm nó thẳng tay, chớ con Sơn, tôi thấy nó cứng đầu lắm.

Em chờ đợi, em thấy me ngập ngừng, hình như me muốn nói với em nhiều lắm nhưng ngại sự có mặt của chị Vân. một lúc thật lâu, me mới nói được:

- Me thương con lắm Sơn, chính vì vậy mà me mới ngăn cản con giao thiệp với cô Vân đây, con lớn rồi đừng để mang tiếng mà ba me phải khổ theo

Em yếu ớt:

- Nhưng tất cả chỉ là chuyện dĩ vãng, hiện chừ, chị Vân rất tốt và bà Yvonne rất tốt.

Chị Vân tiến ra cửa, giọng rắn rỏi:

- Thôi Sơn, em đừng nói nữa, như vậy đủ lắm rồi

Rồi chị bật chốt cửa, băng mình ra hiên mưa, gió tạt vào bay tung mái tóc em. Chiếc áo mưa của chị Vân em vẫn còn giữ trong tay, em hoảng hốt gọi theo:

- Chị Vân ơi, chị Vân ơi, áo mưa của chị đây nì

Em ôm chiếc áo mưa chạy theo chị, có tiếng ba me gọi:

- Sơn, Sơn ….

Em chạy theo chị Vân giữa vùng núi đồi mờ mịt hơi sương. Mưa đập vào má em những mũi kim lạnh buốt, gió thốc vào hồn em nỗi tuyệt vọng mông mênh. Đôi chân trần của em dẫm lên cỏ lạnh không cảm giác. Chị Vân ơi, chị Vân ơi, bóng dáng nhỏ bé của chị Vân đã nhạt nhòa bên kia thung lũng, em nhất quyết đuổi theo. Nhưng em bỗng nghe lạnh ở ngực, em bỗng nghe nhức ở đầu, em vấp vào phiến đá và ngã sóng soài bên giòng suối, em nấc lên. Có tiếng chân người chạy đến bên em, gương mặt ba hiền lành cúi xuống bế em vào đôi tay rắn chắc, em thấy đôi mắt ba lung linh.. Lung linh … Rồi biến mất sau tấm màn đen chụp xuống, văng vẳng đâu đây tiếng thông reo dạt dào ….


Chương 9

Em đau suốt một tuần lễ, Nguyệt Hồng đã tìm đến thăm em:

- Xuân Sơn, mi đừng giận tao nữa nghe

Em cười mệt mỏi:

- Tao chỉ sợ mi giậnt thôi, bữa nớ vì tức giận, tao đã nói hơi quá lời. Bỏ lỗi cho tao nghe Nguyệt Hồng.

Nguyệt Hồng để tay lên trán em:

- Đầu mi còn ấm. Ráng tịnh dưỡng cho khỏe để đi học lại nghe Sơn, mi mất nhiều bài vở lắm rồi

Em cầm lấy tay bạn:

- Mi nhớ cho tao mượn vở chép lại nghe

- Ừ, tao sẽ chép dùm mi nữa

- Mi tốt quá

Nguyệt Hồng khơi chuyện:

- Nghe 2 bác nói, mi đau là vì chị Bạch Vân con ba Yvonne ở bên kia thung lũng phải không?

Em nhắm nghiền đôi mắt để mường tượng đến buổi sáng gió mưa hôm đó, em cầm chiếc áo mưa chạy theo chị Vân nhưng chị chạy nhanh quá, em đuổi không kịp, rồi em bị lạnh, bị gió và em ngất đi.

- Phải không Sơn?

- Không, không vì ai cả, tao đau là tại tao, tao chạy ra gió mà không mặc áo ấm, không mang giày

- Nhưng vì chị Vân mi mới chạy

- Chị bỏ quên áo mưa tại nhà nên tao chạy theo để trả mà

- 2 bác đã kể lại cho tao nghe hết trơn

Em buồn buồn:

- Nguyệt Hồng, chắc mi cũng khinh chị Vân của tao lắm phải không?

Nguyệt Hồng vén nhẹ mái tóc buông rũ trước mặt:

- Có lẽ tao thua mi ở điểm đó. Tao sống nương vào dư luận, nên tao không dám giao thiệp với chị Vân.

Em cắn chặt môi một lúc lâu, rồi hỏi nó:

- Nhưng mi phải công nhận là chính bản thân chị Vân không bao giờ bị tai tiếng?

Nguyệt Hồng gật gù:

- Ừ, chẳng qua là tại vì người mẹ, quít làm cam chịu là rứa

Em lắc đầu quả quyết:

- Theo nhận xét của tao, bà Yvonne Ngọc hiện nay đã tu tỉnh lắm rồi. một người đã thoát ra vùng bóng tối dĩ vãng thì mình đừng nên tàn nhẫn xua đuổi họ. Cuộc đời chỉ là hiện tại và tương lai là đáng kể, còn dĩ vãng là tất cả những cái gì đã qua.

Nguyệt Hồng cười:

- Bữa ni mi lý luận còn hơn triết gia nữa

- Tao muốn chứng tỏ cho mi biết, là tao thương chị Vân ghê lắm, không một mãnh lực mô có thể chia lìa được chị em tao

Nguyệt Hồng vuốt má em:

- Tao thông cảm mị Nghe mi nói, tao thấy hết xem thường má con chị Vân rồi

Em nhìn chiếc áo mưa chị Vân còn máng trên tường, chợt có một ý định:

- Nì Nguyệt Hồng

- Chi rứa mi?

- Mi nói bữa ni mi hết ghét chị Vân rồi phải không?

- Ừ, tao còn thấy hơi thương chị Vân nữa đó

- Vậy thì tao nhờ mi một việc nghe

- Sẵn sàng

- Mi đem dùm tao chiếc áo mưa trả lại cho chị Vân, mấy hôm nay mưa nhiều quá, không biết chị Vân có áo mặc không

Nguyệt Hồng ngần ngừ:

- Nhưng tao chưa biết rõ nhà chị Vân, chỉ nghe thiên hạ nói là ở phía bên kia thung lũng mà thôi

Em ngồi dậy, Nguyệt Hồng lót chiếc gối sau lưng em:

- Tao nói thật đó, không phải tao có ý từ chối giúp mi mô

Em vỗ vào cánh tay nó:

- Mi khỏi lo, chị Vân làm việc ở bưu điện, nơi quầy điện tín ạ Mi cứ đem áo tới đó là được. Mà mi biết mặt chị Vân chứ?

Nguyệt Hồng liếng thoắng:

- Qúa biết, chị Bạch Vân một thời nổi tiếng là Hoa Khôi trường mình đó. Ngày xưa chị ấy học một lớp với chị Nhật Hương mà

Em nghe lòng rộn ràng như chính Nguyệt Hồng khen em đẹp. Nguyệt Hồng đứng dậy với tay lấy chiếc áo mưa chị Vân xếp gọn lại cẩn thận:

- Để tao đi chừ nghe

- Mi đi bằng chi?

- Bữa ni tao lấy xe chị Nhật Hương đến thăm mi mà

- Le quá tạ Cám ơn mi trước nghe

- Ơn với nghĩa, con ni bày đặt.

- Rồi mi có trở lại không?

- Nếu còn sớm

Nguyệt Hồng đi rồi. Em lại nằm thừ người nghĩ ngợi. Me bưng chén cháo để lên bàn:

- Dậy ăn cháo đi con, Sơn

Em rơm rớm nước mắt:

- Me ơi, con buồn quá

Me ngồi xuống bên em:

- Me biết nỗi buồn của con rồi

Em vịn tay vào đùi me:

- Me biết hả me? Me biết thiệt hả me?

Me vỗ nhè nhẹ lên vai em:

- Ừ, me biết. Con đang nhớ đến cô Vân phải không?

Em không đáp, em khóc tấm tức. Me lấy khăn lau nước mắt cho em:

- Nín đi con, khóc hoài rồi lại nhức đầu

Em vẫn khóc:

- Me ơi, me cho con chơi với chị Vân nghe me

Me nói lảng:

- Con còn mệt lắm, đừng nghĩ ngợi viễn vông nữa. Dậy ăn cháo đi con

Em xót xa nhận thấy lời van xin của mình vẫn không lay chuyển được lòng me, me vẫn nghe lời dì Nghĩa cùng những dư luận bàn tán xôn xao, me đã nhất định ngăn cấm em giao thiệp với chị Vân. Em tuyệt vọng lắm rồi, em úp mặt vào chăn. Có tiếng guốc me xa dần và cánh cửa khép lại em vẫn nằm im lìm trên giường cho đến khi bàn tay Nguyệt Hồng vỗ nhẹ vào lưng:

- Xuân Sơn, mi ngủ hả?

Em ngẩng mặt lên, em ngồi bật dậy, em nhìn chiếc áo mưa chị Vân vần còn xếp trên tay Nguyệt Hồng mà tròn mắt:

- Ủa, mi chưa trả áo mưa cho chị Vân à?

Nguyệt Hồng ngồi xuống ghế cạnh giường:

- Tao có đến bưu điện nhưng không gặp chị Vân

- Mi có hỏi ai không?

- Có chớ. Người bạn của chị Vân nói chị nghỉ việc rồi, đã 3-4 ngày ni

Em hỏi lại:

- Mi nói nghỉ việc hay nghỉ phép?

Nguyệt Hồng quả quyết:

- Nghỉ việc, tao nghe rõ ràng mà

Em sững sờ:

- Răng lại nghỉ việc, rứa thì chị Vân đi mô?

- Tao có hỏi nhưng người ta không biết

Em lại khóc. Nguyệt Hồng bối rối, nó an ủi em:

- Thôi, mi hay khóc rứa. Để tao tính coi

Em giật lấy chiếc áo chị Vân trên tay Nguyệt Hồng ôm vào lòng:

- Chị Vân ơi! Chị bỏ em thật rồi

Nguyệt Hồng như nghĩ ra một điều hay, nó cầm tay em bóp mạnh:

- Hay là … hay la … để tao đến nhà chị Vân hỏi thử nghe. Mi chỉ nhà cho tao đi

Em mừng rỡ, đôi mắt sáng lên:

- Ừ, đúng đó. Để tao chỉ nhà cho mi nghe

Em lấy tay chùi nước mắt trên má:

- Bên kia thung lũng, chỗ chị Vân ở, mi biết rồi phải không? Suốt một dãy nhà đó, mi tìm đến căn nhà mô mà treo màn màu hồng, hàng rào gỗ bao quanh cũng màu hồng, bên cạnh đó có khóm hoa Cosmos và giàn Tigon trắng, thì đúng là nhà của chị Vân.

Nguyệt Hồng xoa 2 tay vào nhau:

- Nghe mi tả nhà chị VâN, làm tao chưa thấy mà cũng đủ mê

- Mi gắng giúp tao

Nguyệt Hồng cười:

- Mà mi phải nín đi đó, lớn rồi mà còn mu khóc. Thôi trưa rồi, tao về đã, chiều đi học tao sẽ ghế nhà chị Vân.

- Nhớ tới cho tao biết tin hí

- Ừ, mà mi đừng khóc nữa đó

- Ừ

Em uể oải ngồi dậy ăn cháo cho me vui lòng. Đầu lưỡi em còn đắng nên nuốt miếng thịt bò em chẳng thấy ngon, em khẽ nhăn mặt, me đi vào trông thấy:

- Răng con, cháo thịt bò mẹ nấu ngon không?

Em đặt muỗng xuống:

- Con thấy đăng đắng

Me dịu dàng vuốt tóc em:

- Không ngon cũng ráng mà ăn cho bổ con, cả tuần ni con gầy sút hẳn đi

Em thấy thương me quá. Me đã cảm thông nỗi bơ vơ của em, me không còn bỏ em mà đi nữa mặc dù công việc đấu thầu đang bề bộn, nhưng me giao hết cho ba:

- Thôi mình về Saigon một mình đi, Xuân Sơn nó đau, em phải ở nhà săn sóc cho con.

Ba hôn lên trán em và dặn em trước khi đi:

- Con gắng tịnh dưỡng cho mau mạnh để đi học lại nghe con.

Ba về Saigon đã 3 ngày nay rồi, mà bệnh tình em vẫn chưa thuyên giảm. Me mời bác sĩ lại nhà cho em uống thuốc thật nhiều thứ, phần lớn là thuốc bổ để em lấy lại sức. Nhưng em biết, chỉ có một thứ thuốc làm em chóng lành hơn cả, đó là chị Vân, đó là lời tha thứ của chị khi chị trót hiểu lầm là em đã khinh miệt chị như tất cả mọi người trong thành phố này. Em đâu có khinh chị, chị Vân, em vẫn thương chị như ngàn đời em thương mến, người chị dịu dàng, tóc dài lộng gió từng buổi sáng say sưa vẽ bên giòng suối trong đã khắc đậm vào hồn em hình bóng khó mờ phai. Em thiếp dần trong cơn ngủ trưa đầy mộng mị, em thấy em cùng chị Vân nắm tay nhau tung tăng nô đùa trên đồi thông, mưa phùn đã tạnh ráo, em nhìn ra xa, đám mây bông gòn bao quanh đỉnh núi đẹp tuyệt vời. Em reo lên:

- Đó, chị Vân ơi, chị thấy chưa, chị em mình không bao giờ xa nhau mà

Em bị đánh thức dậy bằng bàn tay của Nguyệt Hồng:

- Sơn, Sơn, mi nói mớ chi rứa?

Em choàng tỉnh:

- Tao mơ thấy chị Vân, 2 chị em tao làm hòa rồi

Nguyệt Hồng cười hiền lành:

- Mi chỉ giỏi tưởng tượng

Em nhìn đăm đăm Nguyệt Hồng, chợt như nhớ ra chuyện em nhờ nó ban sáng, em hỏi dồn dập:

- Mi ghé nhà chị Vân chưa? Mi trả áo cho chị chưa? Mi có gặp chị chưa?

Nguyệt Hồng ngần ngừ một lúc lâu rồi nó gật đầu với em:

- Rồi

- Mi gặp chị Vân rồi hả?

- Ừ

- Chị có nói chi không?

- Chị hỏi thăm mi

Em như thấy khỏe hẳn lên:

- Thiệt hả mị Mi có hỏi chị Vân tại răng chị lại nghỉ làm ở bưu điện không hả Nguyệt Hồng?

Nguyệt Hồng cài lại cúc áo len:

- Tao có hỏi … và chị nói là không có nghỉ, chắc tai tao nghe lầm, chị nghỉ phép thường niên đó mi

Em nhìn lên trần nhà lẩm bẩm:

- Phép thường niên, nì, Nguyệt Hồng mi có biết phép thường niên là nghỉ bao lâu không?

Nguyệt Hồng tỏ vẻ nhanh nhẩu:

- Biết chứ, nhiều nhất là một tuần đó mi

- Tao sẽ đến bưu điện tìm chị Vân

Nguyệt Hồng hơi giật mình:

- Mi còn đau mà

Em ngồi dậy:

- Tao thấy khỏe rồi. Hôm nay là thứ 7, mai chủ nhật, chắc có lẽ mốt tao sẽ đi học và ghé thăm chị Vân.

Nguyệt Hồng hé môi định nói với em một lời gì nhưng lại thôi, nó bóp tay em:

- Thôi tao về

Em tựa người vào gối, sung sướng tràn đầy. Theo như lời Nguyệt Hồng nói, chị Vân đã hỏi thăm em, như vậy có nghĩa là chị không giận em. Em biết mà, chị Vân, lòng chị thật bao la quảng đại, tâm hồn chị thuần hậu như bà tiên hiền lành thì đời nào chị lại giận em, chị Vân nhỉ. Sơn của chị lúc nào cũng một lòng thương mến chị mà.

Có tiếng chân ren rén đến bên giường, em nhìn lên, vú Thoan với vầng trán nhăn nheo phiền muộn và nụ cười héo hắt đang bưng một tô lớn bốc khói đến bên em.

- Chi nữa đó vú?

Vú lại cười:

- Xúp bột báng đó con, dậy húp một chút cho khỏe

Em nhìn vú thấy thương thương:

- Tội nghiệp vú ghê, vì con đau mà vú phải mệt rứa

Vú đặt tô xúp lên bàn rồi sờ trán em:

- Con hơi bớt rồi đó Sơn

Em cũng cảm thấy, từ hôm dì Nghĩa lại ở đây, vú đã bớt tính khật khùng rất nhiều. Có lẽ lòng gian xấu của dì Nghĩa đã làm vú Thoan tỉnh người trở lại, tình thương con trẻ đã trở lại với vú khi vú thấy dì Nghĩa thường lợi dụng chức vị mình trong nhà để la mắng em và bé Tuấn. Hôm xảy ra vụ chị Vân lại nhà và em ốm, vú luôn mồm nguyền rủa dì Nghĩa, vú cứ nói “Cây độc không trái, gái độc không con”, hèn chi dì Nghĩa hay ghét con nít, ác quá, ác quá.

Em cầm bàn tay nhăn nheo của vú:

- Vú có mệt không vú, vú nấu cho Sơn ăn hoài ri vú có mệt không vú?

Vú trỏ ngón tay vào trán em:

- Con chó con ni, hỏi chi lạ rứa. Vú không nấu cho Sơn ăn thì vú nấu cho ai, thằng con của vú đã chết rồi

Em bịt miệng vú:

- Vú đừng nhắc đến anh Lập nữa

Vú lắc đầu nhè nhẹ:

- Con đừng sợ, vú tỉnh rồi. Vú nhắc để mà nhớ vậy chớ vú không điên dại như trước nữa mô

Em mừng rỡ:

- Thiệt hả vú? Vú lành bệnh hồi mô hả vú?

Đôi mắt vú mơ màng:

- Khi ba bồng con về nhà, áo quần con đẫm ướt và gương mặt tái xanh như xác chết, vú rú lên, vú khóc nức nở, vú cứ ngỡ con đã chết ngoài thung lũng mưa gió đó. Và rồi … vú lành bệnh, vú có cảm tưởng như mình vừa thoát khỏi một cơn mê dài.. tất cả mọi người, rồi ai cũng phải chết. Thương nhớ cũng rứa thôi.

Em lập lại:

- Đúng đó vú, tất cả mọi người rồi ai cũng phải chết, như cô giáo của con nói đó, cuộc đời chỉ là phù du

Vú Thoan nhíu mày:

- Phù du là chi?

Chắc bây giờ cắt nghĩa vú cũng không hiểu, em nói lảng sang chuyện khác:

- Me con mô rồi vú?

- Bà xuống phố có việc chi đó

- Thôi vú xuống bếp làm công việc đi nghe, để tô xúp đó, con ăn cho

- Gắng ăn cho hết nghe Sơn

- Dạ.

Chương 10

Em đứng ngẩn ngơ trước mặt cô bạn đồng nghiệp của chị Vân. Cô gái có gương mặt tròn trĩnh và chiếc miệng thật tươi, không biết cô ấy đã nhắc đi nhắc lại với em biết bao nhiêu lần:

- Bạch Vân nghỉ việc hẳn rồi em a.

- Thiệt hả chị?

- Thiệt mà, ai nói dối em làm chi

Em gieo người xuống ghế như kẻ mất hồn, mặc cho hàng chục đôi mắt dòm ngó, em úp mặt vào tay khóc nức nở. Cô bạn chị Vân bước ra khỏi quầy làm việc đến bên em:

- Em lại nhà Bạch Vân thử xem

Em ngước lên:

- Da.

- Em biết nhà Bạch Vân chứ

- Dạ biết

Cô bạn chị Vân lại hỏi:

- Em đến đây bằng gì?

Em nhìn ra cửa:

- Dạ em có xe

- Tưởng em đi bộ thì hãy đợi chị một lát, chị sẽ chở em đến nhà Bạch Vân

- Dạ cám ơn chị, em đi một mình cũng được

Em cuộn tròn chiếc áo mưa trong tay, đứng dậy:

- Thôi, thưa chị em về

- Bây giờ em đến nhà Bạch Vân đấy ư?

- Da.

- Em đi vui vẻ nhé

- Da.

Em dắt xe ra đường không muốn nổi, miệng lâm râm khấn nguyện lạy trời cho con gặp được chị Vân.

Giàn tigon đầu ngõ nhà chị Vân vẫn xanh tươi với những chùm hoa trắng ngả nghiêng trước gió nhẹ. Em nhón gót rút chiếc then màu hồng mở cổng bước vào sân, khóm hoa cosmos chào đón em bằng những nụ hồng xinh, nhưng cửa nhà chị Vân vẫn đóng chặt như tâm hồn chị Vân khép kín, em gõ nhẹ vào cánh cửa:

- Chị Vân ơi, chị Vân ơi

Có tiếng người trở mình trên giường:

- Ai vậy?

Em nhận ra tiếng bà Yvonne Ngọc:

- Thưa bác, cháu đây, cháu là Xuân Sơn đây

Có tiếng dép kéo lê một lúc một gần:

- Đợi bác một tí

Cánh cửa hé mở, em nhận thấy nét hốc hác trên gương mặt bà Yvonne Ngọc:

- Thưa bác a.

Giọng bà Yvonne buồn buồn:

- Cháu vào nhà chơi

Vừa ngồi xuống ghế em đã hỏi ngay:

- Thưa bác, chị Vân cháu mô rồi bác?

Bà Yvonne kéo ghế ngồi đối diện với em:

- Cháu còn hỏi Vân để làm gì nữa, hãy để cho Vân nó yên.

Nước mắt em ràn rụa:

- Bác ơi, chị Vân hiểu lầm cháu, khi mô cháu cũng quý mến chị Vân hết a

Bà Yvonne lấy bình thủy châm nước trà:

- Nhưng còn dư luận chung quanh, còn ba me cháu, bác khuyên cháu đừng nên đến căn nhà này nữa, kẻo người ta là xầm xì soi mói, hãy để cho má con của bác yên thân.

Em biết bây giờ dù có van nài cũng vô ích thôi, bà Yvonne đang trong cơn buồn giận, có nói nhiều cũng chỉ khơi niềm tủi hổ của bà, đó là điều em chả muốn tí nào cả. Em nhìn bà:

- Nếu bác không muốn cháu tới đây nữa, cháu xin nghe lời bác, nhưng thưa bác, trước khi từ giã ngôi nhà thân yêu ni, bác cho cháu gặp mặt chị Vân cháu một lần cuối.

Bà Yvonne chế nước ra tách:

- Bạch Vân đi Saigon rồi cháu

Em tê tái cả người:

- Chị Vân … Chị Vân.. có trở về không bác?

Bà Yvonne cúi mặt:

- Hình như nó đang xin việc làm ở dưới đó. Thật khổ, chỉ vì bác mà con Vân phải chịu thiệt thòi, tội nghiệp nó

Em ôm lấy cánh tay bà Yvonne:

- Bác ơi, chị Vân cháu đi lâu chưa bác?

Bà Yvonne vuốt tóc em, lời vỗ về:

- Gần 2 tuần rồi cháu, sau ngày chủ nhật đầy mưa gió đó. Thôi cháu đừng buồn nữa.

Em lặng người một hồi lâu. Như vậy là Nguyệt Hồng đã dối em, em nhớ đến giọng nói ấp úng của nó khi nó bảo là có gặp chị Vân ở nhà. Chắc có lẽ Nguyệt Hồng thấy em buồn quá, em tuyệt vọng quá nên nó mới bịa chuyện ra để em khỏi phải đau nặng thêm nữa. Em nghe thương Nguyệt Hồng và không cảm thấy giận nó chút nào. Em cố gắng mới khỏi bật ra tiếng khóc:

- Bác ơi, rứa bữa trước, con bạn cháu có đem đến trả chị Vân cái áo mưa …

Bà Yvonne ngắt lời:

- Có, cô ấy đã gặp bác. Bác có cho cô ấy biết là Bạch Vân đã đi Saigon. Bộ cháu chưa gặp lại cô ấy sao?

Em ngả người dựa vào nệm ghế, mặc cho 2 hàng nước mắt tuôn tràn:

- Rứa là chị Vân giận cháu rồi, rứa là chị Vân không hiểu cháu

Bà Yvonne đẩy tách nước trà đến trước mặt em:

- Uống một chút nước trà cho ấm cháu

Em nhìn bà Yvonne sững sờ, em nhìn những tấm màn màu hồng lay động … rồi em không thấy gì nữa ngoài gương mặt chị Vân hững hờ giận lẫy, chị quay lưng bỏ em mà đi, rồi giữa thành phố Saigon xa xôi dịu vợi đó không biết chị Vân còn nhớ đến em không? Em đứng lên, đôi chân em run run như sắp ngã:

- Cháu xin phép bác, cháu về

Bà Yvonne cũng đứng dậy tiễn em:

- Ừ, cháu về

Em buồn tủi cúi đầu đi nhanh. Chị Vân đã xa em rồi mà má của chị cũng không muốn em ở lại lâu trong gian nhà này nữa. Thường thường, mỗi lần em đến chơi và từ giã ra về, bà Yvonne hay giữ em ở lại, cứ dùng dình mãi, bà mới chịu để cho em về với sự luyến tiếc in rõ trong đôi mắt sáng ngời của bà và lời dặn dò tuần sau đến bác nữa Sơn nhé. Nhưng giờ đây thôi hết rồi, đám mây hồng đã bay xa đỉnh núi và nỗi muộn phiền đang vây bủa quanh em. Em bước xuống bậc thềm nhà chị Vân mà nghe hồn mình đang lăn dần vào bóng tối, tiếng thông reo vi vu xua niềm băng lạnh len vào lòng em.

Chương 11

Em đi thơ thẩn trên đồi trong ánh nắng đầu Xuân. Mùa Xuân về trên chồi thông non vừa nhú ra khỏi cành nhìn đời bằng hy vọng xanh lơ, trên ngàn cánh hoa đào phớt hồng như má nàng trinh nữ đêm xuân trẩy hội lễ chùa. Em vẫn buồn mênh mông từ ngày chị Vân xa lìa Đà Lạt, hơn tháng trời không tin tức không một cánh thự Em có đến bưu điện tìm cô bạn chị Vân để hỏi thăm tin tức, thì nghe cô ấy bảo chị Vân hiện giờ đang làm việc ở Nam Hải Ngân Hàng. Em có viết 4-5 lá thư về địa chỉ đó, nhưng thư hồi âm vẫn không thấy tăm hơi. Em chán nản quá, không ngờ chị Vân lại cố chấp như vậy, đôi lúc em nghĩ mà giận chị Vân kinh khủng, như vậy là chị đâu có thương em, đâu có quý em như em tưởng, thôi không thèm thương chị Vân nữa, quên chị Vân đi, quên chị Vân đi … Em cố quên chị Vân đi cho lòng bớt buồn, nhưng mỗi lần nhìn lên bức tranh chị Vân tặng em hôm nào sinh nhật, em lại cảm thấy nhớ chị dạt dào, hình ảnh đám mây bông gòn giăng ngang đỉnh núi gợi lại biết bao kỷ niệm giữa chị Vân và em. Thì làm sao em quên chị được đây? Chị Vân ơi!

Em nhặt những trái thông khô quăng xuống đồi, những khối tròn bầu dục màu nâu đen lăn dần xuống thung lũng xa và dừng bên giòng suối. Giòng suối trong veo soi sáng ánh mặt trời lóng lánh là ranh giới thiên nhiên giữa nhà em và nhà chị Vân, từ đây em không còn cơ hội xắn quần lội qua giòng suối mát đó nữa. Em nhớ đến chị Vân rồi em nhớ luôn đến tất cả những cái gì liên lạc với chị, căn nhà màu hồng, khóm hoa cosmos và người mẹ nuôi thân yêu của chị. Đôi lúc em muốn sang thăm bà Yvonne để hỏi thăm chị Vân nhưng em sợ bà buồn lòng, ý bà không muốn gặp em nữa.

Em thả bộ ra bờ hồ nhìn thiên hạ dập dìu du Xuân. Ánh nắng vàng tươi trải xuống mặt hồ làm gợn sóng lăn tăn ấm hẳn vùng cao nguyên băng giá. Em nghe tiếng chim hót trên cành, em nghe tiếng khua đều của những chiếc xe đạp nước, và em mơ một tiếng hát, tiếng hát dịu dàng của chị Vân như ngày nào chị đã hát cho em nghe trên đồi thông: “Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối, rước em lên đồi hẹn với bình minh …”

Em ngồi trên ghế đá mơ màng, bà hàng rong gánh 2 rổ bánh đến cạnh em:

- Cô mua bánh cô, bánh ít nóng hổi vừa thổi vừa ăn, ngon lắm cô ơi

Em bật cười trước câu quảng cáo của bà hàng:

- Cháu không mua đâu bà

Bà hàng năn nỉ:

- Cô mua mở hàng dùm tôi đi cô, từ sáng đến giờ chưa bán được cái nào ca?

Em xua tay:

- Bà đi chỗ khác bán đi, cháu không mua mà

Bà hàng cứ nài:

- Mua dùm tôi vài cái đi cô

Em lắc đầu:

- Không mà

Bà hàng đưa chiếc bánh trước mắt em:

- Cô ăn thử một cái xem

Em bực mình quay đi chỗ khác:

- Bà ni chi lạ ghê, tôi không ăn mà, bà cứ …

Lời nói em bỗng ngưng bặt trên đầu môi, em đứng bật dậy và nhìn sững sang phía khách sạn La Palacẹ Em không thể nào lầm được, chị Vân đấy, chị Vân với dáng dấp mềm mại như thân liễu, chị Vân với chiếc áo dài tím và tấm khăn choàng cổ buông hờ trên vai. Chị đang đi xuống đường từ những bực thang cấp rộng của khách sạn La Palace, những khóm hoa hồng trước khách sạn như tươi hẳn lên và đồi thông cạnh đó xanh ngời như hồn em vừa mọc cánh. Em gọi lớn:

- Chị Vân, chị Vân

Chị Vân không nghe, chị Vân bước đi từ từ, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước. Em lại gọi:

- Chị Vân, chị Vân.

Hình như chị Vân thoáng nghe, em thấy chị dừng lại, ngơ ngác nhìn chung quanh. Nhưng rồi chị lại tiếp tục bước. Chị đã xuống đến đường và sắp đưa tay gọi xe.

Em hoảng lên sợ chị đi mất, em la lớn:

- Chị Vân, chị Vân.

Chị Vân đã thấy em, em vẫy tay:

- Chị Vân ơi, Sơn đây nì

Chị Vân nhìn chầm chập vào em, em cười với chị thật tươi:

- Chị Vân, sang đây với em

Chị Vân không cười, gương mặt chị lạnh lùng khó hiểu, chị lắc đầu và chị đi men theo lề đường về phía chợ, chị không sang với em thật sao? Chị Vân, chị Vân, em réo gọi đến đứt cả hơi, khan cổ họng nhưng màu áo tím của chị Vân cứ mỗi lúc một xạ Em băng mình qua đường chạy theo chị Vân, chị Vân, chị Vân ơi. Em hoa cả mắt khi chợt nhìn thấy chiếc xe đang đổ dốc, màu xe xám ngắt như màu da mặt không sinh khí của thần chết lao nhanh vào em, em rú lên, mọi người chung quanh em la rú lên. Em nghe tiếng rít của chiếc thắng và tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường. Nhưng em vẫn cảm thấy đau ở đùi, muôn vạn tia sao lóe sáng trong đầu em rồi em không biết gì nữa.

Em tỉnh dậy giữa 4 bức tường bệnh viện xanh lơ, cô y tá đang mỉm cười với em:

- Cô bé đã tỉnh rồi ư?

Em kêu nho nhỏ:

- Ba ơi, me ơi

Cô y tá đắp lại tấm chăn cho em:

- Ông bà vừa xuống phố mua cam cho em, một tí nữa sẽ trở lại. Em nằm ngoan nhé

Có tiếng cửa hé mở, vị bác sĩ đeo cặp kiếng cận thị bước vào, em nhận ra bác Phú, bạn của bạ Em chào bác:

- Dạ, thưa bác a.

Bác Phú kéo chiếc ghế đến cạnh giường em ngồi xuống:

- Cháu thấy trong người thế nào? Có khỏe không?

Em nhăn mặt:

- Cháu thấy đau ở chân lắm

Bác Phúc gật gù:

- Cháu bị thương ở chân, may mà không gãy xương, nhưng mất máu khá nhiều

Em nhìn bác Phú:

- Bác ơi, rứa thì cháu có cần phải tiếp mái không?

- Có chứ, cháu đã được tiếp máu ngay khi đó, may nhờ có cô Bạch Vân, không thì cháu cũng nguy đến tánh mạng đấy, chứ không phải đùa đâu

Nghe nhắc đến chị Vân, em cảm thấy như khỏe hẳn lên:

- Chị Vân, răng lại nhờ đến chị Vân hở bác?

Bác Phú giải thích:

- Máu của cháu thuộc loại máu hiếm, không thể nhận được nhóm máu nào ngoài máu cùng loại với mình. Khi người ta chở cháu vào đây, bác cũng hoảng lên vì trong bệnh viện cũng vừa mới hết loại máu đó, may nhờ có cô Bạch Vân đi theo…

Em chợt hiểu ra, em run cả người vì xúc động:

- Bác ơi, chị Vân tiếp máu cho cháu hở bác?

Bác Phú gật đầu:

- Thật là một sự ngẫu nhiên may mắn, cô Bạch Vân có cùng một loại máu với cháu. Khi biết cháu thuộc nhóm máu o, cô ấy đã reo lên mừng rỡ và khẩn thiết yêu cầu bác hãy lấy máu của cô ấy tiếp cho cháu, thật không có cô gái nào tốt như cô Bạch Vân.

Em chớp mắt cho giòng lệ xúc cảm ứa ra vành mi:

- Thưa bác, ba me cháu đã biết chuyện ni chưa?

- Rồi, bác đã trình bày hết cho ba me cháu nghe. Ba me cháu hết sức cảm động, nhất là me cháu. Bà nói bà sẽ lại nhà để tạ Ơn cô Bạch Vân.

Em chắp tay lên ngực, thầm cảm ơn trời phật đã đưa đẩy em đến tai nạn trên, tuy có đau về thể xác nhưng từ đây em và chị Bạch Vân sẽ được mãi mãi gần nhau, đó là một phần thưởng tinh thần quý giá mà cái chân đang bị thương của em chả còn nghĩa lý gì.

Cánh cửa phòng mở rộng, me ôm một gói lớn bước vào, ba vào theo tay cầm chiếc khóa xe quay quay:

- Xuân Sơn đã tỉnh rồi hả con?

Em nhìn me rồi nhìn bạ Những trái cam no tròn mọng nước đang được me bổ bằng con dao cán ngà phơi bày những tép vàng tươi, làm em thấy hạnh phúc ngập đầy. Hạnh phúc tràn lan trong gian phòng nhỏ, hạnh phúc đang nhảy múa trên chòm mimosa ngoài cửa sổ bệnh viện treo màu hồng, và em có cảm tưởng mình đang nằm trong gian phòng của chị Vân, cũng màu hồng đó, màu hồng phơn phớt như cành hoa mimosa, loài hoa mà em yêu say mê từ khi bước chân lên Đà Lạt.

Em hỏi ba:

- Ba ơi, chị Vân của con mô rồi?

Em hỏi me:

- Me ơi, chị Vân của con mô rồi?

Ba me trả lời em bằng lời dịu dàng, bằng ánh mắt đầy thiện cảm khi nhắc đến chị Vân:

- Con yên tâm, Sơn. Chị Vân về nhà một lát, rồi sẽ đến thăm con.

Me vuốt má em, giọng bùi ngùi:

- Con đã biết chi chưa Sơn, chính cô Vân đã cứu con gái thân yêu của me thoát khỏi tay tử thần.

Em nhìn sang bác Phú:

- Me ơi, bác Phú đã nói cho con biết rồi

Me mân mê tấm drap:

- Thật me có lỗi với cô Vân quá, một cô gái có tâm hồn đẹp như rứa mà me cấm con giao thiệp, me tầm thường quá đi

Em an ủi me:

- Me đừng thắc mắc chi hết ạ Chi Vân không phiền me mộ Chị Vân thương con lắm mà me

Ba góp chuyện:

- Thôi, từ đây con hết buồn hết lo rồi đó. Ba me sẽ cho con chơi với cô Vân và sẽ đón tiếp cô ấy tại nhà mình như một khách quý.

Em mừng rỡ:

- Thiệt nghe ba, khi mô ba mới mời chị Vân tới nhà rứa ba?

Ba nghiêng nghiêng đầu nhìn em:

- Khi nào con xuất viện, ba sẽ mở tiệc ăn mừng con gái ba thoát nạn, và khi đó, cô Bạch Vân sẽ là khách danh dự.

Nước mắt em ứa ra, ba ngạc nhiên:

- Ủa, răng con lại khóc?

Em nghẹn ngào:

- Ba me ơi, con mừng quá, con sung sướng quá

Me lại nói:

- Khi nào con lành chân hẳn, nhớ dẫn mẹ sang nhà cô Vân nghe

- Da.

Em nhấp những múi cam ngọt lịm do chính tay me đút

- Cam ngon ghê me hí

- Ừ, con gắng ăn nhiều nhiều cho khỏe

Ba đứng lên rủ bác Phú:

- Mình ra ngoài này một chút đi anh.

Một lát sau, ba trở vào không phải cùng bác Phú mà là với chị Vân. Em cuống lên:

- Me ơi, chị Vân tề.

Chị Vân gật đầu chào me, me đứng dậy, nhường chỗ cho chị Vân ngồi xuống cạnh em:

- Mời cô Vân ngồi đây nói chuyện với em Sơn.

Em cầm lấy bàn tay chị Vân:

- Chị Vân ơi, chị đừng giận em nghe chị Vân.

Chị Vân cúi sát xuống bên em:

- Không bao giờ chị giận em đâu Sơn, chị thương em lắm.

Em nhắm mắt tủi hờn:

- Chị thương em mà chị bỏ Đà Lạt, bỏ em, chị ra đi không nói một lời. Em viết biết bao nhiêu là thư mà chẳng thấy hồi âm.

Chị Vân nhíu mày:

- Sơn có viết thư cho chị à, sao chị chả nhận được cái nào cả.

Em quả quyết:

- Thiệt mà, tuần mô em cũng viết cho chị 2-3 cái lận mà

- Em viết về địa chỉ nào?

- Chị bạn của chị Ở Bưu điện nói chị chừ làm ở Nam Hải ngân hàng nên em viết

thư về đó

Chị Vân cười nhìn em đăm đăm:

- Sai mất rồi cô bé ơi, hèn gì thư bị lạc. Chị làm ở Tín Nghĩa ngân hàng cơ, nhưng bây giờ chị cũng nghỉ rồi.

Em hỏi chị:

- Rứa chừ chị làm việc ở mô?

Chị Vân vuốt nhẹ những sợi tóc xỏa xuống trán em:

- Chị nhớ Đà Lạt, chị nhớ Xuân Sơn, nên chị trở lại xứ hoa Anh đào này

Em khẽ reo:

- Trời ơi, em mừng quá. Mà nì chị Vân, chị nói chị nhớ em, răng hồi nãy em kêu mà chị không sang, em gọi mà chị không tới?

Chị Vân mím môi, rồi nói:

- Chị nhớ Sơn thật, nhưng chị không có ý định tìm gặp Sơn, không ngờ vì chút tự ái, mà Sơn của chị lại gặp tai nạn như vậy, thật chị hối hận không cùng.

Me đến cạnh chị Vân:

- Xin cô Vân bỏ lỗi cho chúng tôi, buổi sáng chủ nhật hôm đó …

Chị Vân nhìn lên me, mỉm cười hiền hậu:

- Thưa bác, cháu đâu dám giận bác. Chuyện đã qua thì nên cho nó qua đi, em Sơn thoát khỏi hiểm nguy là một điều đáng mừng rồi.

Ba lên tiếng:

- Cô là vị cứu tinh của con gái chúng tôi …

Chị Vân khiêm tốn:

- Xin 2 bác đừng cho đó là ơn nghĩa, cháu chỉ làm đúng với lương tâm của một con người.

Chị Vân ngồi chơi với em một lát rồi chị đứng dậy kiếu từ. Me giữ lại:

- Cô Vân ở lại chơi, về làm chi sớm.

- Dạ, cháu có chút việc phải đi

Em nắm tà áo chị Vân:

- Mai chị nhớ đến em nghe

Chị Vân khoác chiếc áo manteau vào người:

- Rảnh giờ nào là chị đến với em giờ đó, em hãy yên tâm.

Me tiễn chị Vân ra cửa. Em nhìn theo mái tóc đen tuyền xõa trên vai chị Vân mà nghe thoáng đâu đây tiếng róc rách của giòng suối êm đềm dưới thung lũng mù sương. Rồi đây, em sẽ lành chân, em sẽ chạy nhảy tung tăng trên đồi như con chim sẻ nhỏ, và chị Vân sẽ có mặt bên em cùng giá vẽ, hộp màu. Cây cọ trên tay chị sẽ là chiếc đũa thần huyền diệu phác họa nên những bức tranh tuyệt vời, em thấy hồn mình lâng lâng và vết thương ở chân như dịu hẳn đi.
Chương 12

Một tuần lễ sau, em được bác Phúc cho về nhà. Tuy vết thương chưa lành hẳn, nhưng em đã có thể đứng dậy và bước những bước chậm được. Khi em vịn vào vài Nguyệt Hồng để bước, cô bé cười phô 2 chiếc răng khểnh dễ thương:

- Sơn ơi, rứa là mi sắp đi học được rồi, tao mừng quá.

Chị Vân đang gọt “Bôm” cho em ăn, nói với Nguyệt Hồng:

- Trông như vậy chứ Xuân Sơn cần phải tĩnh dưỡng một thời gian nữa mới đến trường lại được

Nguyệt Hồng xịu mặt xuống:

- Rứa hả chị? Trời ơi, con Xuân Sơn mà cứ nghỉ học hoài, em buồn bắt chết.

Em sung sướng lặng ngắm 2 người. Nguyệt Hồng bây giờ có vẻ mến chị Vân lắm chứ không có thái độ khinh rẻ như trước nữa. Những ngày em nằm ở bệnh viện, Nguyệt Hồng có đến thăm em mấy lần và gặp chị Vân ở đó, chính giọng nói hiền lành, cử chị dịu dàng của chị Vân đã xóa tan cái ác cảm trong long Nguyệt Hồng, cô bé bảo em:

- Chị Vân của mi dễ thương ghê hí

Em nguýt nó:

- Rứa mà bữa trước, mi xúi tao đừng giao thiệp với chị Vân, xấu chưa?

Nguyệt Hồng hơi mắc cỡ:

- Ai mà biết, tao chưa hề tiếp xúc với chị Vân, lại nghe lời đồn đại xấu xa

Em dí tay vào trán nó:

- Từ nay, cấm mi nói xấu chị Vân của tao nữa đó

- Ừ, dĩ nhiên, tao còn mê chị Vân của mi là đằng khác

Bây giờ chị Vân và Nguyệt Hồng đã hoàn toàn thông cảm nhau, còn chị Nhật Hương nữa, thế nào rồi em cũng sẽ đóng vai “sứ giả hòa bình” để nối lại tình bạn giữa 2 chị, lan man suy nghĩ đến ngày vui đó em có cảm tưởng như mình đang mọc cánh bay giữa trời ngàn hoa.

Và ngày vui đó đã đến trong một buổi sang chủ nhật đẹp trời. Để mừng ngày em thoát qua tai nạn, ba me tổ chức một buổi tiệc đãi em cùng những người thân thiết do em chọn và tự tay viết thiệp mời. Em bảo me:

- Con chỉ mời 4 người thôi me

Me âu yếm:

- Ít rứa, me cho phép con mời cả lớp của con đó

- Thôi me, ồn ào lắm, con chỉ muốn mời những người con thương thôi

Me mỉm cười hỏi:

- Ai? Ai con thương mô? Nói me nghe coi

Em với tay lên bàn lấy cây viết và xấp giấy mời:

- Con sẽ mời 4 người thôi: Bà Yvonne Ngọc, chị Vân, Nguyệt Hồng và chị Nhật Hương.

Bé Tuấn đang xếp chiếc thuyền bằng giấy, nheo mắt nhìn em:

- Bộ chị không mời em hả?

Em chu môi:

- Dẹp mi qua một bên.

Me trổ tài biễu diễn món ăn Huế. Vú Thoan đi chợ từ ngày hôm trước và thức ăn tươi chất đầy tủ lạnh. Me làm giấm nuốt và đổ bánh khoái, mùi xào nấu từ bếp bay ra thơm phức.

Ba bước vào nhà tay ôm bó hoa hồng thật lớn:

- Tuấn ơi, tới giúp ba cắm hoa vào bình

Em đang ngồi trên ghế fauteuit, nhỏm dậy:

- Ba để con cắm cho

Ba khoát tay:

- Chân con còn yếu, để bé Tuấn nó làm cũng được

Trông thằng bé lăng xăng, em chọc:

- Thằng Tuấn chỉ biết ăn thôi ba, ba để nó làm coi chừng bể dĩa, à quên, bể bình hoa

Bé Tuấn đỏ mặt:

- Chị Sơn khinh em ghê, để rồi chị coi, em cắm hoa ác lắm

Ba cười:

- Ai biểu con cắm hoa mô, ba chỉ nhờ con đem bình hoa thay nước và vứt hoa cũ đi thôi

Em chỉ tay vào má kêu lên:

- Dị chưa, rứa mà tưởng bở, mi mà cắm hoa thì chỉ có… ai ngắm? Đố mi đó

- Ai?

- Mọi cà răng căng tai

Bé Tuấn dậm chân xuống đất:

- Ba tề, ngó chị Sơn chọc con tề

Ba cười theo em:

- Chị Sơn chọc con nhiều chừng mô là chị Sơn thương con chừng đó

Bé Tuấn ngúng nguẩy:

- Thôi thương cái kiểu đó con không ham

Rồi bé nhìn qua cửa sổ:

- A, chị Vân qua

Em rộn rã giục ba ra mở cửa. Chị Vân theo mẹ bước vào nhà, trên tay ôm một gói lớn bao giấy hoa. Ba gật đầu chào bà Yvonne Ngọc:

- Hân hạnh được biết bà

- Chào ông, cháu Sơn cũng thường nhắc đến ông bà luôn.

Chị Vân đến bên em:

- Sao? Em thấy trong người thế nào? Có khỏe không?

- Dạ, em bớt nhiều rồi. Chân em không còn thấy đau nữa

- Em đi đã thường chưa?

- Dạ, em đi được rồi nhưng còn run run

Chị Vân bẹo má em:

- Chắc tại chân còn yếu, em đừng nên đi nhiều nghe

- Da.

Ba chế nước mời bà Yvonne:

- Bà ngồi chơi, để tôi gọi nhà tôi ra

- Dạ được, ông cho tự nhiên

Ba đi ra nhà sau, bà Yvonne lại gần em:

- Nghe Bạch Vân nói cháu bị tai nạn, bác cũng muốn qua thăm cháu lắm, nhưng bác ngại một điều … Cháu đừng buồn bác nghe

Em đỡ lời:

- Dạ cháu mô dám, cháu hiểu bác lắm, cháu yêu kính bác cũng như chị Vân yêu kính bác vậy, cháu không buồn bác mô

Bà Yvonne siết vai em:

- Cháu là một cô bé rất ngoan.

Nguyệt Hồng xô cửa bước vào như một cánh én:

- Sơn ơi, Sơn ơi

Em vẫn ngồi yên trên ghế:

- Tao đây nì. Chị Nhật Hương mô?

- Chị đang khóa xe

Nguyệt Hồng để cái hộp lớn lên bàn:

- Tuấn, ra sau nhà lấy cho chị cái dĩa đi em.

Em hỏi:

- Chi rứa mi?

- Tao với chị Nhật Hương làm bánh mừng mi đó

Em cảm động nhìn bạn:

- Thiệt, chị Hương và mi thương tao ghê

Mọi người đã tụ tập đầy đủ xung quanh bàn tiệc, em xếp chị Vân ngồi cạnh chị Nhật Hương và em sung sướng khi thấy 2 chị nói chuyện với nhau thật tâm đầu ý hợp. Để mở đầu buổi tiệc, ba bảo em nên ngỏ một vài lời chào mừng bà Yvonne và các bạn đã đến chung vui. Em đứng dậy, em ấp a ấp úng, em nói câu này vấp sang câu kia, nhưng rồi cũng xong, Nguyệt Hồng vỗ tay thật lớn:

- Xuân Sơn chì quá ta

Ba mở chai Champaque mừng em, tiếng nổ dòn tan và nút đậy tung mạnh lên trần nhà. Bọt rượu tràn trắng xóa

- Hên lắm đó mình - Mẹ bảo ba

Chị Vân đề nghị:

- Xuân Sơn hát một bài đi

Em nép đầu vào vai chị:

- Với một điều kiện kia

Chị Vân ngạc nhiên:

- Điều kiện? Mà điều kiện gì Sơn?

- Chị hứa là chị phải chiều em, em mới nói

Ba cười:

- Con ni khôn thiệt, con chưa nói thì chị Vân làm sao mà hứa được

Chị Vân âu yếm nhìn em:

- Ừ, thì chị hứa, nếu điều kiện đó không vượt ngoài khả năng của chi.

- Dễ lắm mà

- Sơn nói đi

Em nói ngập ngừng:

- Chị Vân, chị đã nhận Sơn làm em của chị, thì chị cho phép em được xem ba me

của chị như ba me em vậy, chị nghe

Chị Vân nhíu mày:

- Sơn, chuyện đó dĩ nhiên rồi, đâu cần em phải nhắc …

Em ngắt lời:

- Không, em nói chưa hết. Em muốn đeo quả tim kỷ vật của chị để thương nhớ đến ba me chị, như chị hằng thương nhớ suốt 20 năm qua, chị nghe, chị chiều em nghe, em chỉ đeo trong khi em hát thôi, hát xong em sẽ trả lại chi.

Chị Vân rưng rưng nước mắt, ôm em vào long:

- Sơn ơi, chị sẽ chiều em

Khi trái tim bằng vàng tây lấp lánh trên sợi dây chuyền mong manh từ tay chị Vân được quàng sang cổ em, thì ba đưa tay ngăn lại:

- Khoan, cô Vân!

Em nhìn ba, em thấy bàn tay ba run run:

- Ba để chị Vân đeo cho con mà

Giọng của ba cũng run run:

- Cô Vân cho tôi hỏi, quả tim này có thể tách ra làm đôi được, và bên trong mang chữ T không?

Em reo:

- Ủa, răng ba biết, ba tài ghê a

Chị Vân gật đầu:

- Thưa bác đúng

Ba nhìn me:

- Đúng rồi mình ơi, sợi dây chuyền của anh Vạn.

Chị Vân đứng dậy, nhìn sát vào mặt ba:

- Bác, bác biết …ba cháu ư?

Ba ôm lấy đầu:

- Vô lý quá, chị Vạn không phải là bà…

Bà Yvonne Ngọc nãy giờ im lặng, bỗng lên tiếng:

- Không vô lý đâu ông, vâng, chị Vạn không phải là tôi, chị Vạn là bà Thái thị Bạch Nga, mẹ ruột của cháu Bạch Vân… Còn tôi, tôi chỉ là mẹ nuôi của cháu.

Ba hỏi bà Yvonne dồn dập:

- Vậy chị Vạn hiện giờ ở đâu? Chị đang làm chi mà phải gửi con cho bà nuôi?

Đôi mắt bà Yvonne nhìn đăm đăm vào khoảng không phía trước mặt, có lẽ bà đang thả hồn về quá khứ mờ xa:

- Bạch Nga chết rồi, trong trận bão miền Trung năm đó. Ngôi nhà gỗ bị nước cuốn trôi và một tấm ván nặng đã rơi trúng đầu. Tôi là bạn của Bạch Nga, cùng trọ chung một nhà, đã thề trước giây phút lâm chung của người bạn thân, là sẽ nuôi Bạch Vân và yêu thương nó như con mình vậy, khi ấy, Bạch Vân mới lên bạ Chín tay tôi đã cởi sợi dây chuyền mang quả tim kỷ vật này từ cổ Bạch Nga đeo sang cho Bạch Vân …

Chị Vân gục đầu vào bàn tiệc, khóc nghẹn ngào. Ba xô ghế đứng dậy bar a dấu cho em nhường chỗ và ba ngồi xuống bên cạnh chị Bạch Vân:

- Vân, chú đây, chú là chú ruột của cháu đây

Chị Vân ngẩng lên, đôi mắt nhòa lệ:

- Chú.. chú..?

Ba ôm lấy vai chị:

- Chú Thọ, Trịnh Ngọc Thọ, em ruột của Trịnh Ngọc Vạn, ba của cháu

Chị Vân khóc lớn:

- Chú Thọ Ơi, ba cháu đâu rồi? ba cháu phiêu bạt nơi nào mà không tìm cháu?

- Vân ơi, ba cháu đã mất rồi

Bà Yvonne Ngọc nói như người mất hồn:

- Thật vậy sao ông, anh Vạn ba của Bạch Vân mất thật rồi sao ông?

Không khí trong gian phòng chùng hẳn lại, em ngẩn ngơ nhìn ba, nhìn bà Yvonne rồi quay sang chị Vân. Em bang hoàng như sống trong mơ, chị Vân là con bác Vạn, chị Vân là chị họ của em đích thực rồi, thảo nào em thấy thương mến chị Vân ngay từ giây phút ban đầu gặp mặt, tình huyết mạch thiêng liêng như sợi giây vô hình rang buộc tâm hồn hai chị em, nên không lúc nào chị Vân và em có thể quên được nhau.

Em nhìn Nguyệt Hồng, cô bé cũng đang nắm tay chị Nhật Hương, tròn mắt theo dõi câu chuyện của ba, ba đang trả lời bà Yvonne:

- Anh Vạn mất lâu lắm rồi chị. Chị cho phép tôi được xem chị như chị Vạn, mẹ của cháu Vân và được gọi chị bằng chị với tất cả long kính mến. Chị cho phép chứ? …

Bà Yvonne Ngọc chớp mắt cảm động:

- Vâng xin ông cứ tự nhiên.

Ba gật đầu, rồi tiếp tục kể:

- Ngày xưa, anh Vạn tôi yêu chị Bạch Nga nhưng thầy mẹ tôi không bằng long, vì chị Nga dạo đó là một ca sĩ trong các hộp đêm, mà các ông bà ngày xưa thì lại hay có thành kiến xướng ca vô loại. Dù không có sự đồng ý của 2 cụ, anh Vạn tôi vẫn cưới chị Nga và 2 người dẫn nhau vào sinh sống ở Hội An, thầy mẹ tôi giận quá định đăng báo từ con, nhưng tôi ngăn lại, tôi khuyên lơn đủ điều 2 cụ mới thôi nhưng vẫn không chịu nhận chị Nga là dâu. Tôi thì không ghét gì chị Nga, trái lại tôi còn mến chị là khác. Đó là một người con gái đáng thương, mồ côi cha mẹ, sống với người cô khắc nghiệt, khổ sở quá, chị mới thoát ly gia đình, đi làm ca sĩ nuôi thân. Chị Nga hiền lành, thuần hậu và có thể nói cháu Vân bây giờ là hiện thân của chị Nga ngày đó …

Chị Vân cầm lấy tay ba:

- Thiệt hả chú, cháu giống mẹ cháu lắm hả?

Ba vuốt tóc chị:

- Đúng rồi cháu, nhất là đôi mắt, giống hệt mẹ cháu ngày xưa

- Chú kể tiếp cho cháu nghe đi chú

Ba tằng hắng giọng:

- Bây giờ để chú nói về quả tim gia bảo của giòng họ Trịnh.

Mọi người nhìn ba nín thở chờ đợi. Ba nhấp một chút rượu:

- Quả tim có khắc tên đó là vật gia bảo của giòng họ Trịnh, chỉ truyền cho người con trai trưởng của giòng họ và chính người này sẽ đeo vào cổ người vợ chính thức trong ngày cưới. Quả tim đó đã truyền qua không biết bao nhiêu đời, ba tôi cũng là con trưởng nên quả tim đó đã về tay mẹ tôi, và ngày anh Vạn tôi thi đậu ra trường, mẹ tôi đã trao lại cho anh. Anh cất giữ, nâng niu quả tim nhỏ xíu đó như một báu vật cho đến ngày anh gặp chị Bạch Ngạ Tôi đã lén thầy mẹ tôi đi dự đám cưới của 2 người và tôi vô cùng cảm động khi thấy anh tôi run run đeo sợi giây chuyền quả tim gia bảo vào cổ chị Bạch Ngạ Từ đó vợ chồng anh tôi rời Huế vào Hội An sinh sống, tôi không còn gặp lại chị Bạch Nga nữa. Nhưng anh Vạn thì cứ ra Huế thăm gia đình luôn dù thầy mẹ tôi còn giận lẫy. Khoảng 3-4 năm gì đó, sau ngày anh tôi lập gia đình, anh được học bổng của chính phú đi tu nghiệp ở Pháp 6 tháng …

Ba im lặng, ba rút khăn mù xoa ra lau trán dù trời đang lạnh buốt dạ Chị Vân nhìn ba lo lắng:

- Chú, chú làm sao thế?

Ba trầm ngâm:

- Chú sắp nói đến cái chết của ba cháu

Chị Vân lấy tay lau nước mắt:

- Chú kể đi

- Nhưng 3 tháng sau đó, tôi nhận được lá thư của anh tôi viết trước giờ lâm chung. Anh tôi bị thương nặng trong một tai nạn xe cộ và biết mình không thể sống được, anh đã viết một lá thư nhờ người bạn gửi về cho tôi. Trong thư, anh ấy nhờ tôi vào Hội An tìm chị Bạch Nga và cháu Vân đem ra Huế, rồi van lạy dùm thầy mẹ tôi tha thứ tội bất hiếu của anh mà rat ay đùm bọc đứa cháu nội bơ vợ Nhưng khi tôi vào tới Hội An thì đất bằng nổi song, trận bão khủng khiếp đã cuốn đi tất cả, tôi hỏi thăm những người còn lại, thì họ chỉ cái nền đất hoang tàn mà bảo tôi:

- Căn nhà đúng theo địa chỉ ông hỏi nước đã cuốn mất rồi. Những người ở đó không biết còn hay mất nữa

Tôi như điên dại, tôi đi khắp thành phố, tìm trong các hang cùng ngõ hẽm, nhưng vô ích thôi. Bóng dáng chị Bạch Nga và cháu Vân vẫn mịt mù. Tôi viết thư cho các bạn tôi khắp nơi tìm dùm, rồi đăng báo nhắn tin chị Nga suốt một tháng trời nhưng vẫn bật vô âm tín. Sau cái chết của anh tôi, thầy mẹ tôi hối hận quá, cứ thúc giục tôi mau mau tìm cho ra mẹ con cháu Vân, nhưng tôi đành chịu. Thời gian qua, sự mong ngóng tin tức chị Nga và cháu Vân lắng xuống, nhưng thỉnh thoảng, lương tâm tôi vẫn thấy ray rứt vì đã không làm tròn sứ mạng do anh tôi giao phó. Bây giờ, gặp lại cháu Vân ở đây thật bất ngờ, tôi không biết là mình đang mê hay tỉnh.

Me nhìn em:

- Sơn, chị Vân của con đó, đến mừng chị Vân của con đi con. Tuấn tới mừng chị Vân đi con.

Em bật khóc trong vòng tay mở rộng của chị Vân, me ôm lấy vai chị Vân:

- Cháu bỏ lỗi cho thím

Chị Vân khóc theo em:

- Chú thím ơi, hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời cháu.

Ba đứng dậy bảo chị Vân:

- Để chú vào lấy cái thư của ba cháu cho cháu xem nghe

- Da.

Ba vào phòng một lát rồi đi ra với chiếc phong bì vàng trên taỵ Em đề nghị:

- Ba đọc lớn cho mọi người cùng nghe đi ba

Ba gật đầu.

Paris ngày 18 tháng 10 năm 1955

Chú Thọ,

Anh sắp chết rồi đây. Tai nạn xe hơi bất ngờ đã làm anh vĩnh viễn không về được xứ sở, anh đau đớn biết dường nào. Anh không đủ sức viết nhiều cho chú, anh chỉ khẩn thiết nhờ chú một điều, là ngay khi nhận được thư này, chú hãy vào Hội Anh, đến địa chỉ anh kèm theo đây, tìm cho ra chị Bạch Nga và cháu của chú, bé Trịnh Thái Bạch Vân năm nay vừa đúng ba tuổi. Chú hãy đem chị và cháu về Huế, rồi van lạy thầy mẹ tha tội bất hiếu cho anh mà mà nhận nuôi dùm vợ con anh, tội nghiệp cho Bạch Nga, tội nghiệp cho Bạch Vân đứa con gái đầu lòng của anh.

Anh mệt quá rồi, cho anh dừng ở đây. Vĩnh biệt chú.

Anh,

Trịnh Ngọc Vạn.

Chị Vân ôm em khóc ròng rã, bà Yvonne lên tiếng:

- Trịnh Thái Bạch Vân bây giờ trở thành Trần Thị Bạch Vân, cô bé mang họ tôi vì khai sanh cũ bị thất lạc.

Ba xếp lá thư cất vào túi:

- Dù sao đi nữa, Bạch Vân vẫn mang huyết thống của giòng họ Trịnh phải không cháu Bạch Vân thân yêu của chú?

Chị Bạch Vân nhìn ba:

- Chú, chú cho cháu xem nét chữ của ba cháu

Ba đưa lá thư cho chị Vân. Nhưng chị không đọc, em thấy chị gục mặt vào tấm giấy nhàu nát thật lâu.

Vú Thoan từ sau nhà đi lên:

- Trời ơi, đồ ăn nguội lạnh hết, răng không ai ăn hết rứa?

Em mách:

- Bữa ni nhà mình gặp chuyện vui lắm vú ơi

Vú Thoan đưa 2 tay lên trời, tỏ vẻ không hiểu:

- Vui cũng ăn uống chớ. Bánh khoái mà để lâu rứa thì làm răng mà dòn được.

Em bảo ba:

- Ba ơi, bánh khoái của vú Thoan ế, vú kiện đó

Ba như chợt nhớ ra điều gì:

- À, mời tất cả ăn đi chứ. Nãy giờ thật chẳng biết đói là chi, chừ kiếm bò bụng rồi

Me so đũa cho bà Yvonne:

- Mời chi.

- Dạ được

Ba đỡ lời:

- Chị đừng khách sáo quá, cứ xem chúng tôi như em vì chúng tôi đã xem chị như chị Vạn mà

Em góp ý:

- Thôi bác gọi ba má cháu là chú thím em đi, như bác Vạn của cháu thường gọi vậy

Nguyệt Hồng xen vào:

- Cháu cũng đồng ý với Xuân Sơn nữa. Chị Vân, chị nói giúp bác cho Xuân Sơn đi

Chị Vân cầm tay bà Yvonne:

- Má, má chiều chú thím con nghe má, má chiều em Sơn con nghe má.

Em thấy hai giọt lệ cảm động long lanh trên khóe mắt bà Yvonne.

Chương kết

Bây giờ thì không còn ai ngăn cấm em và chị Vân gần nhau nữa. Chị Vân đã trở lại chỗ làm cũ để mỗi sang đi học, em ghé nhà chở chị đến Bưu Điện. Nguyệt Hồng và chị Nhật Hương cũng thường theo em đến nhà chị Vân chơi luôn. Ban đầu, ba me có ý muốn chị Vân về ở chung với em, nhưng chị không chịu, chị bảo còn má nuôi chị đó, chị phải ở cạnh bà để báo đền ơn nuôi dưỡng. Ba me không nài ép nữa mà còn khen chị là đứa con chí hiếu, ba me thường bảo em và bé Tuấn nên lấy đó làm gương. À quên, anh Hải em ở Tây Đức cũng biết chuyện này nữa, ba có viết thư kể và anh cũng đã viết thư thăm chị Vân nữa, làm chị cảm động ghê.

Sáng nay, chủ nhật đẹp trời, ba me lái xe đưa em và bá Tuấn đến đón chị Vân đi chụp hình màu. Chị Vân sang nay diện đẹp lạ, chiếc áo dài hồng đào điểm những cành hoa trắng làm em cứ luôn luôn miệng suýt soa:

- Ngó chị là em biết mùa Xuân đã về rồi

Chị Vân nhìn em:

- Sơn của chị cũng đẹp quá trời chứ bô.

Em véo chị:

- Sức mấy mà bằng chi.

Em nắm chặt tay chị chạy lên đồi, tà áo xanh của em cùng màu hồng tà áo chị Vân bay bay trong gió như 2 cánh bướm xuân. Bé Tuấn vỗ tay hát:

Ngoài trời bao la trong tươi bao cô gái đẹp cười trông xinh xinh như hoa, lập lòa tà áo xanh xanh chen bong tím vàng đẹp hơn tiên nga … Xuân đã về, xuân đã về……

Em kéo chị Vân ngồi xuống thảm cỏ; Ba đưa máy hình lên nhắm:

- Hai chị em cười tười lên nào

… Tích ….

Ba chỉ về phía trái:

- Hai chị em đứng phía bên ni, ba chụp một pô nữa. Ừ, đúng rồi, đứng đó nghe, để ba lấy dãy núi bên kia làm phông.

Bé Tuấn reo:

- Ồ, ba nhắm hay quá, dãy núi đằng kia thật đẹp, có cả đám mây nữa …

Ba cười ngó chị Vân âu yếm:

- Tuấn nói rứa đúng không hở Vân? Chú mà, thẩm mỹ phải biết, chú của họa sĩ mà …

Chị Vân thẹn thùng ửng hồng đôi má, rồi quay sang nhìn em bằng ánh mắt thương yêu. Cõi long em đang rộng mở, chị Vân ơi, đám mây trắng ngày nào biền biệt giờ đã trở về cùng đỉnh núi, núi sẽ giữ mây ngày đời ở lại, cũng như em sẽ giữ chị mãi bên cạnh em trong suốt cuộc đời.

Xa xa, nắng chập chùng buông từng sợi tơ vàng óng lên những hàng thông…
 7-6-1972

Thùy An
Theo https://vnthuquan.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...