Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương

Sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương
(Đọc Mộng đế vương, tiểu thuyết của 
Nguyễn Trường, Nxb Phụ nữ, 2019)
Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật. Thiết nghĩ, không có định nghĩa nào sát hợp hơn, chí lý hơn về tiểu thuyết như là một thể loại gạo cội, một dấu chỉ đo “sức khỏe” của một nền văn chương trưởng thành, thậm chí có người còn gọi tiểu thuyết là “máy cái” của văn chương.
1. Một cuốn tiểu thuyết luận đề, rõ ràng như thế ngay nhan đề tác phẩm Mộng đế vương. Luận đề nhưng dạt dào sự sống tươi nguyên như thể vừa mới xảy ra trước mắt chúng ta. Dòng/ hình thức tiểu thuyết luận đề có cơ trỗi dậy trên văn đàn Việt Nam sau 1975 như Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Đám cưới không có giá thú của Ma Văn Kháng, Miền hoang tưởng (Chuyện ngõ nghèo) của Nguyễn Xuân Khánh, Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê, Hỗn độn của Nguyễn Khắc Phục,Cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn,Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh,... Trong hai năm liền (2018-2019) Nguyễn Trường ra mắt độc giả hai tiểu thuyết hết sức “bắt mắt” xét trong cơ chế và thị hiếu đọc hiện nay khi chúng ngắn gọn, năng động, nhiều sức gợi và gây hấn cảm xúc - Hơn cả tình yêu và Mộng đế vương. Cũng trong năm 2017, anh đăng truyện ngắn Vương quốc mộng mơ (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của tuần báo Văn nghệ) và năm 2018, truyện ngắn Khai khẩu được chọn vào “top 10” truyện ngắn hay của năm trên báo Văn nghệ. Riêng tôi thấy, Nguyễn Trường càng viết càng chín, càng có thêm nhiều độc giả. Ngòi bút của anh điềm tĩnh nhưng không sút giảm tươi tắn, mực thước nhưng tung phá lúc cần, giọng trầm nhưng cao độ bất chợt. Tôi nghĩ đây là một cây bút văn xuôi biến ảo, sinh sắc không nhiều trên mặt bằng văn chương hiện nay.
2. Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật. Thiết nghĩ, không có định nghĩa nào sát hợp hơn, chí lý hơn về tiểu thuyết như là một thể loại gạo cội, một dấu chỉ đo “sức khỏe” của một nền văn chương trưởng thành, thậm chí có người còn gọi tiểu thuyết là “máy cái” của văn chương. Nguyễn Trường đã tạo nên hấp lực của Mộng đế vương bằng cách kể lại một câu chuyện “xưa nay chưa từng có” ở trên dải đất hình chữ S thời hiện đại. Nguyễn Thành Nam không phải là vĩ nhân, đã đành. Nếu ưu ái thì nên gọi ông ta là một “kỳ nhân” (chứ không phải “quái nhân” hay “tâm thần” như ai đó ác khẩu). Nếu rộng lượng hơn nữa thì gọi ông ta là một Đông Ky Sốt của Việt Nam. Một người ban đầu vô danh tiểu tốt, một ngày đẹp trời bỗng dưng nghĩ mình sẽ là người cứu nhân độ thế, có thể mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Muốn thế trước hết bản thân phải đắc đạo, đã đành, nhưng phải có thế và lực. Nhưng một người có chí lớn như thế không có cách nào hơn là phải có chủ thuyết, có chủ thuyết thì mới mê dụ, lôi kéo được nhiều người khác nghe và làm theo. Nhiều người cho rằng Nguyễn Thành Nam là một người có bệnh “vĩ cuồng”, một “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Nhưng xét cho cùng phải có một cái lý tối thiểu nào đó để không ít người nghe theo và tin ông ta. Đó là cái lý lẽ/ phương pháp vận động quần chúng “bất chiến tự nhiên thành”, (“bất bạo động”giải quyết mọi chuyện, mâu thuẫn, xung đột bằng con đường hòa bình, hòa giải và hòa hợp). Có lẽ, theo tôi, ông ta đúng (một nửa) nhưng không đủ cơ sở thực tiễn và thiếu thời cơ (vận hội). Thường thì lịch sử luôn chọn mặt gửi vàng. Vậy nên dân gian mới có câu “nhân tài như lá mùa thu”. Cũng phải thừa nhận rằng, chính vì cái thuyết này mà có cả đến triệu người tin theo, thành tín đồ của cái gọi là Đạo Dừa (Đạo Vừa Vừa). Nhưng cũng phải thể tất, tôi nghĩ, Nguyễn Thành Nam là người hành động, nói đi đôi với làm, không phải là người chỉ giỏi “chém gió” như bây giờ người ta hay nói về những kẻ chỉ giỏi buôn nước bọt, uốn ba tấc lưỡi, múa may quay cuồng những lời trống rỗng nhằm mỵ dân. Cái đạo ông ta tạo lập nên không phải không có sức mạnh tập hợp, lôi cuốn. Bằng chứng là có cả 1 triệu người tin nghe và đi theo, thành tín đồ. Ông ta là người không biết sợ. Dám tìm mọi cách diện kiến Lãnh tụ Hồ Chí Minh để đàm phán và vãn hồi hòa bình cho Việt Nam (vì thế mà bị bắt giam ở trên đất Camhuchia tròn 100 ngày và bị bắt giữ tại vùng kiểm soát của Quân Giải phóng trên đất Việt Nam 1 tháng).
Ông ta còn liều mình như chẳng có ra tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Cũng trong tâm thế lâng lâng này, ông bị khối kẻ bơm lên tận mây xanh để khi rơi phịch xuống đất đen mới bổ chửng, té ngửa, mới biết mình là ai, đang ở đâu, làm gì và kết cục ra sao. Nhưng có cái lạ là, dẫu nhân vật này luôn rơi vào bĩ cực nhưng chẳng hề  thấy thái lai, song độc giả không hề ghét bỏ, ruồng rẫy coi như một kẻ xấu, lạc loài. Suy cho cùng nhân vật này biểu trưng cho những khát vọng bất thành, cho những người bất phùng thời đầy rẫy trong lịch sử bất kỳ quốc gia nào. Nó biểu trưng cho những gì ta vẫn nói là mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực (rơi vào trạng huống lực bất tòng tâm), giữa ảo tưởng và đời sống với những quy luật nghiệt ngã của nó. Nếu có thể nói thì câu chuyện được kể lại về nhân vật Nguyễn Thành Nam mang hơi hướng của cái bi kịch (bi kịch của sự ngộ nhận), đến mức “Anh không thể quay lại làm người bình thường” (tr.75). Nhân vật này sống bùng nhùng, mắc cạn trong một mớ lý thuyết “lẩm cẩm và hoang đường”, bởi cái “lý tưởng” được coi là phiêu lưu: “Tìm kiếm hòa bình cho đất nước là sứ mệnh của ta” (tr. 118).
3. Tiểu thuyết sống bằng nhân vật. Hai nhân vật chính/trung tâm của tiểu thuyết Mộng Đế Vương là ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam và cô Diệu Ứng (cháu gái gọi Nguyễn Thành Nam bằng cậu ruột). Đây là một cặp “song kiếm hợp bích”, đúng là “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Trường lần này, tôi thấy anh đã vận dụng phương pháp “lập thể” (hội họa lập thể) để xây dựng nhân vật của mình từ cái nhìn đa chiều, đa diện, đa phương. Nói riêng về nhân vật Nguyễn Thành Nam, suốt trong 300 trang tiểu thuyết, ít nhất nó được “nhìn” từ bốn “mặt cắt”, “phương diện” sau: từ những tín đồ Đạo Dừa, từ phía những “kẻ xa lạ” (người nước ngoài, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại VNCH, Bân cơ) và từ người ruột thịt (sát sườn nhất là Diệu Ứng), và cuối cùng từ “cha đẻ tinh thần” (nhà văn). Nếu chọn một phương diện quan trọng, thì riêng tôi chọn cái nhìn/ cách nhìn/ góc nhìn của cô cháu gái Diệu Ứng, để hiểu cho tường tận, chân tơ kẽ tóc nhân vật Nguyễn Thành Nam. Nếu có thể nói thì, cô Diệu Ứng là “tay phanh” (hiểu như là văn hóa) còn Nguyễn Thành Nam là “tay ga” (hiểu như là những dục vọng vô bờ bến, những hoang tưởng vô tận của con người). Với nhân vật Nguyễn Thành Nam, tác giả dùng thuật “tung hứng”.
Lúc thì cho ông ta “đi tàu bay giấy”, một tấc lên trời tít tận mây xanh, lúc thì cho “đuối nước” (tất nhiên chỉ sặc nước thôi). Ông ta đã sống hơn một lần “nhất dạ đế vương” trong những siêu khách sạn với cách ném tiền qua cửa sổ. Ông ta muốn làm Vua trong thiên hạ. Ắt cũng là tâm lý có thực của không ít người trong cõi trần muốn đè đầu cưỡi cổ, ăn trốc ngồi trên bàn dân thiên hạ. Nguyễn Thành Nam, theo tôi, trở thành nhân vật có sức biểu trưng lớn cho một thứ chủ nghĩa không tưởng mà không ít người tin theo, làm theo để cuối cùng chuốc lấy thất bại ê chề, ảo mộng tan tành thành mây khói. Nhưng cái hay là ở chỗ, nhân vật có da có thịt, có hồn, có ấn tượng bởi hơi thở cuộc đời thực. Nó không trở thành công thức, không trở thành một cái  “thùng rác” để tác giả nhồi nhét, vứt bỏ vào đó đủ thứ tùy tiện và nhân cơ hội trưng lên một mớ “triết lý vặt”. Nếu có thể yêu được một nhân vật của Mộng đế vương, thì không chỉ với riêng tôi, là cô Diệu Ứng -bcon người tài sắc ngang trời (sắc đành đòi một tài đành họa hai). Tôi cứ nghĩ, Diệu Ứng đại diện cho Nhân Dân anh minh muôn đời, tỉnh táo, biết đường đi lối lại. Biết lý biết tình. Rộng lượng và hào hiệp. Lại còn tiết tháo (dám từ chối mối lợi nhỡn tiền nếu chịu làm thê làm thiếp một tỉnh trưởng dưới thể chế VNCH, lắm bạc nhiều tiền và  đầy quyền lực). Diệu Ứng, nếu có thể nói, là một Liệt Nữ. Nếu Nguyễn Thành Nam là nhân vật bi - hài kịch thì Diệu Ứng là nhân vật chính kịch. Trên cái sân khấu cuộc đời “ảo mộng tan tành”, vai diễn của Nguyễn Thành Nam và của Diệu Ứng có cái gì na ná cặp nhân vật Đông Ky Sốt và Sanso Panda của văn hào Tây Ban Nha Xecvantec. Cái chết của ông Đạo Dừa ở cuối tác phẩm cũng hợp tự nhiên theo quy luật “sinh lão bệnh tử”.
4. Thuật kể chuyện của tác giả trong Mộng đế vương, theo tôi, rất biến hóa. Anh kể chuyện có lúc theo phép “truyền kỳ” (cảnh Dương Văn Minh tiếp xúc với ông Đạo Dừa, nhìn thấy vầng hào quang quanh giáo chủ). Có lúc anh kể thật như thể ướm/nhập mình vào nhân vật mà kể, ví như tả cảnh Nguyễn Thành Nam tiếp xúc và chơi... đá gà với Nguyễn Cao Kỳ (trang 143 đến 166). Tôi nghĩ đây là một tình tiết (tiết đoạn/ trường đoạn) hay của tiểu thuyết. Lối kể từa tựa “truyền kỳ hiện đại”, kể chuyện trong cung vua phủ chúa, nhưng mỗi con người/ nhân vật đều bình đẳng. Dẫn dắt cuộc hội ngộ thú vị này không ai khác là cô cháu gái: “Diệu Ứng cho rằng cậu Hai nên đi Sài Gòn một chuyến nữa mới mong thắng lợi. Nghĩ vậy, cô bước về phía Thất Sơn động.
Sư tổ dạo này gầy quá, ăn ít, ngủ cũng rất ít. Cậu đã mất hết hy vọng ra tranh cử đại Tổng thống nên tinh thần suy sụp. Người ta sống được, làm việc được là nhờ niềm hy vọng. Niềm tin ấy không còn thì thật đáng sợ. Thôi thì được thua thế nào không biết, hãy lấy lại niềm tin cho cậu Hai, dù cái niềm tin ấy có viển vông” (tr.143). Câu chuyện giữa tướng Cao Kỳ và ông Đạo Dừa được kể lại rất hoạt, đọc lên nghe như chuyện của hai người đi guốc vào bụng nhau và rất bình đẳng. Khi Nguyễn Thành Nam phê Cao Kỳ thiếu “trí” nên bị Thiệu cho về vườn, chỉ còn mải vui thú với cô vợ trẻ chỉ bằng tuổi con và  tiêu sầu bằng trò đá gà thì: “Kỳ tái mặt, không ngờ ông Đạo Dừa lại ăn nói hiên ngang lý luận sắc bén đến như vậy” (tr.147). Cuộc “đấu khẩu” giữa Nguyễn Thành Nam và Cao Kỳ khá dài nhưng đọc không thấy mệt và chán. Tôi nghĩ, trước hết là do “thuật” kể chuyện có hấp lực của tác giả. Năm 2001, nhà văn Nguyễn Khải có viết Mấy lời giới thiệu cho Mộng đế vương của Nguyễn Trường. Vốn kiệm lời khen người khác, nhưng lần này ông hạ bút: “Ở cuốn sách này của Nguyễn Trường có nhiều đoạn viết hay”. Nhưng liền sau đó ông thẳng thắn: “Nhưng cũng có những đoạn thuật kể còn chưa tương xứng với tầm vóc cuốn sách” (ví như đoạn đối thoại của Diệu Ứng với hai nữ chiến sĩ Giải phóng trên đường đi tìm cậu Hai, tức Nguyễn Thành Nam, lạc vào vùng kiểm soát của Quân Giải phóng). Tôi nghĩ thế là đã quá hào phóng với Nguyễn Khải vì: “Cũng là lưu lại một chút tình với người bạn vong niên” (tr.9). Cuối cùng, tôi nghĩ, nếu như Nguyễn Trường trong Mộng đế vương khiến nhà văn Nguyễn Khải và tất cả độc giả (tinh hoa và bình dân) hoàn toàn hài lòng thì trở thành lý tưởng của sự viết. Người ta nói, vì hai chữ nếu như (giá như) đôi khi thậm chí lịch sử còn có thể thay đổi. Huống hồ văn chương! Đành lòng vậy cầm lòng vậy.
Hà Nội, tháng 3/2019
Bùi Việt Thắng
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/4/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thảo...