Tản văn của Phạm Phương Thảo
1/THƯƠNG NHỚ SÔNG HỒNG...
Rất nhiều người gắn bó và yêu quý con sông Hồng ngay từ khi
còn nhỏ. Tôi cũng vậy. Sông Hồng đẹp mềm mại như một dải lụa đào vắt ngang cầu
Cốc Lếu, nơi ấy lòng sông nhỏ bé giao hòa với dòng Nậm Thi chảy từ Trung Quốc
sang và chảy xiết lắm. Tuy thế ở nơi giao hòa biên giới hai nước, sông Hồng vẫn
cứ mãi chảy thành hai vệt nước có hai màu rõ ràng. Màu đỏ và màu xanh dù chung
một dòng, màu tạo hóa hình thành nhưng không hề pha trộn. Những ai từng sống ở
Lào Cai đều biết rõ điều đó như một vẻ đẹp kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng và coi
đó như một sự tất nhiên.
Sinh ra và lớn lên nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất
Việt tận biên ải Lào Cai từ những ngày gian khó, tôi và rất nhiều thế hệ các
bác, các anh chị em ở Lào Cai đã được lớn lên bên dòng sông này và có những ký ức
đẹp đẽ và đau buồn mà mãi mãi vẫn không thể quên. Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ,
nghệ sĩ tài năng đã trưởng thành từ dòng sông này và hầu hết họ từng là cựu các
thầy cô giáo đáng kính đã làm nên tên tuổi như Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Bùi
Nguyên Khiết, Pờ Sảo Mìn... và rất nhiều con người đáng kính nữa mà tôi không kể
hết được.
Sau này khi về Hà Nội lập nghiệp và trưởng thành, rat nhiều
năm tôi lại được sống ven con sông Hồng, dù chỉ là ngoài đê, gọi là bãi Phúc
Xá. Chứng kiến bao trận lụt lội của Hà Nội những năm 80, tôi lúc ấy đã từng bế
con lên thuyền chạy lụt khá nhiều lần, mà sao ngày ấy chúng tôi không hề có cảm
giác sợ hãi chút nào.
Mãi sau này, tuy không còn ở đó nữa, mỗi lần có dịp đi qua cầu
Long Biên, tôi đều muốn nấn ná dừng lại ngắm nhìn dòng sông và những cây cầu. Đặc
biệt khi tuổi càng cao, càng yêu sông Hồng hơn, càng thích đi trên con đê dài
bao quanh thành phố và ngắm nhìn bờ bãi và cây lá ven sông, thích ngắm bốn mùa
phản chiếu trên dòng sông Hồng, thích mùa hoa lau nở trắng, thích những vạt ngô
non và khoai lang, thích từng đám lau lách và những người nông dân làm lụng ở
đó. Thích nhất là được ngắm mùa hoa cải nở vàng bên sông... Tôi đã viết khá nhiều
bài thơ và những câu chuyện từ cảm hứng với sông Hồng.Thi thoảng sau này, mỗi
khi có dịp tôi lại rủ bạn bè đi ăn, đi chơi lang thang dọc theo ven sông Hồng để
hương phù sa ngấm vào hồn mình, để tha hồ ngắm nghía, để mơ mộng hay chí ít
cũng bồi đắp thêm cảm hứng thi ca cho mình.Khi bạn được ngồi bên dòng sông để
ngắm hoàng hôn và ráng chiều đỏ rực thì rất tuyệt. Tôi mông sao dự án cải tạo cầu
Long Biên thành con đường đi bộ mau thành hiện thực.
Có một điều bí mật nữa mà bây giờ mới kể. Ấy là nơi Bãi Giữa ở
sông Hồng, khi dừng xe giữa cầu Long Biên, rẽ xuống phía dưới ấy, có một con đường
nhỏ dẫn vào Bãi Tắm Tiên. Tôi đã tò mò về các câu chuyện bí ẩn ở đó từ lâu và
đã khám phá nó, đi xe máy ra đó vài lần nhưng không dám xuống, vì nơi ấy toàn
là các Tiên Ông, he he... Tuy nhiên, tôi vẫn khám phá những câu chuyện ấy bằng
cách khác, đã viết vài bài thơ về chủ đề này và đã đăng trên báo, tạp chí... Đó
là những bài thơ về “A Đam Sông Hồng” và sự đam mê, ước mơ vẫy vùng và khao
khát tự do của những người đàn ông yêu mến sông Hồng...
Khi sang Paris và có dịp đi vài nước châu Âu, chấu Á,
Úc... tôi càng thấy thương cho dòng sông Hồng lắm lắm. Sông Hồng và những cây cầu
cùng hai bờ của nó đáng ra có thể đẹp hơn, sạch sẽ và hoành tráng hơn, lãng mạn
hơn, thi vị hơn, làm cho khách du lịch mê đắm Thủ đô “ngàn năm Văn Hiến“ yêu dấu
của chúng ta từ lâu rồi. Thật đáng tiếc. Tôi đã viết nhiều thơ về quê hương Lào
Cai và dòng sông Hồng, nhiều bài ký kể nhiều câu chuyện từ nguồn cảm hứng với
dòng sông Hồng, đến những câu chuyện và cảm xúc từ Paris và dòng sông Seine, cả
những dòng sông đẹp đẽ khác nữa ở châu Âu mà tôi đã may mắn đi qua và trải nghiệm
trước đây.
Nói dông dài thế để muốn khoe rằng mình sẽ còn yêu mến, đắm
đuối và viết tiếp câu chuyện liên quan về những dòng sông và những dòng chảy vô
tận trong tâm hồn...
2/CÂY CẦU SẮT NHIỀU TUỔI NHẤT
Đó là cây cầu gắn liền với bao năm tháng lịch sử hào hùng của
dân tộc và người dân Hà Nội. Cây cầu ấy mang cái tên Long Biên còn vang dội
như một địa danh lịch sử mãi không quên. Cầu long Biên là cây cầu sắt đầu
tiên bắc qua con sông Hồng, từ bến Bồ Đề, Gia Lâm sang phía nội thành Hà
Nội. Cây cầu sắt ấy được thiết kế rất đặc biệt, vừa đẹp lại vừa nên thơ như một
dấu tích luôn gắn liền với Hà Nội cổ kính và thanh lịch của nghìn năm văn hiến.
Đó là cây cầu sắt nhiều tuổi nhất in đậm những dấu ấn lịch sử.
Đến bây giờ mỗi khi có dịp, tôi vẫn thích được tự mình
phóng xe máy đi qua để nhìn ngắm sông nước nơi Bãi Giữa. Thả tầm mắt nhìn xuống
bãi soi khi mùa về xanh mướt mải với đầy bóng lá của cỏ dại và ngô
khoai, bạn sẽ thấy những dải cát nằm thở sóng xoài bên dòng sông vẫn ngầu
đỏ phù sa. Ấy là những giây phút ta thấy thanh bình nhất. Nhưng cây cầu
và dòng sông ấy cũng đã từng ghi dấu bao khói lửa của trận mạc và binh
đao tự thuở xa xưa. Tôi chỉ biết cây cầu ấy từ những năm gần đây, khi nó
gắn liền với những kỷ niệm của những năm tháng đang còn tuổi thanh xuân của
mình. Bây giờ mỗi khi qua cầu, tôi lại bâng khuâng chút hoài
niệm và tiếc nuối về những ngày xa xưa.
Thành phố đã ngàn năm tuổi và cây cầu Long Biên luôn là
biểu tượng không thể tách rời.Cây cầu ấy đã được bắc qua ba thế kỷ của lịch sử
dân tộc và vẫn đang tiếp tục cùng dòng thời gian mãi trôi chảy không ngừng. Cầu
Long Biên được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong suốt những năm
1899-1902, được gọi tên là cầu Doumer, nhưng người dân Việt thường gọi một cách
dân giã là Cầu Sông Cái hoặc Cầu Bồ Đề. Cầu Long Biên là một địa danh lịch sử
mang đậm tính văn hóa của người dân Hà Nội. Người nước ngoài khi đến thăm Hà Nội
đều muốn tìm hiểu về cây cầu lịch sử này.Cây cầu còn là nhân chứng sống động nối
liền giữa giữa cuộc sống nơi đô thị hiện đại của Hà Nội với bờ bên
kia dòng sông Hồng. Đó là những khu dân cư đông đúc và cả ngôi chùa
Bồ Đề cổ kính với đời sống tâm linh của người dân Hà Nội.
Với thiết kế độc đáo của kiến trúc Pháp, dáng dấp cây cầu khá
thanh lịch, đẹp mắt và ấn tượng. Nghe đâu thời đó người Pháp họ phải tuyển
mộ hơn ba nghìn công nhân bản xứ và một đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và đốc công
người Pháp trực tiếp cai quản và điều hành việc xây dựng. Cầu Long Biên dài
1682m bắc qua sông và 896m cầu dẫn, bao gồm 19 nhịp dầm thép được đặt trên 20
chiếc trụ vững chãi có chiều cao trên 40m tính cả móng. Cầu được phân thành luồng
cho xe cơ giới và đường đi bộ ở hai bên, còn đường sắt đơn chạy ở giữa. Có
lẽ lối thiết kế ấy vẫn còn phù hợp đến bây giờ, mặc dù Hà Nội bây giờ đã có khá
nhiều cây cầu hiện đại khác và đẹp nổi tiếng như cầu Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy,
cầu Chương Dương được bắc qua sông Hồng nhưng tôi vẫn rất thích cây cầu Long
Biên cũ kỹ ấy.
Tôi nhớ lại những năm tháng khi còn là sinh viên, chúng tôi
đã từng ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng đi qua cầu Long Biên để lên trường
học nội trú ở Vĩnh Phúc. Thời ấy được đạp xe đã là hạnh phúc rồi và có đi hàng
chục cây số cũng là chuyện bình thường. Nhiều khi chúng tôi phải nhảy xuống tàu
ở cạnh Ga Yên Viên vì toàn sinh viên đi học xa nhà phải trốn vé. Mặc dù cả
lũ chúng tôi phải phải đi bộ qua Cầu Long sang nội thành
nhưng ai cũng rất hào hứng và thú vị. Vào thời điểm ấy, cầu Long Biên với chúng
tôi đã là biểu tượng thật hoành tráng của Hà Nội với một cây cầu dài nhất,
lớn nhất, đẹp nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng. Lúc ấy
chúng tôi cảm thấy chiếc cầu sắt ấy sao lại dài đến thế và con sông Hồng kia
sao cũng rộng lớn thế.
Cho đến bây giờ, cầu Long Biên không còn được như xưa nhưng bạn
vẫn có thể ngắm được hình dáng chiếc cầu với mỗi đoạn được uốn lượn nhấp nhô
theo từng nhịp và hắt bóng thơ mộng trên sông Hồng. Ngay cả luồng đường phân
cách đi trên cầu hồi ấy cũng thấy rất hợp lý thành từng đoạn rộng hẹp khác nhau
cho cả người đi bộ và các phương tiện xe cơ giới. Mặc dù luồng đường đi bộ ước
chừng khoảng 0,40m nhưng mọi người vẫn nhường nhịn nhau, không thấy sự
chen lấn ồn ào. Có lẽ lưu lượng xe cộ và mật độ giao thông hồi ấy cũng không khủng
khiếp như bây giờ và con người cũng hiền hòa hơn chăng?
Nhiều lần đi qua, tôi còn dừng lại đứng trên cầu và trầm ngâm
ngắm dòng sông Hồng đang uốn mình và cuộn chảy bên dưới những trụ cầu. Nhìn
dòng nước trôi khi lững lờ, lúc hối hả vẫn như mải miết dâng cho đời những mật
ngọt phù sa. Dòng chảy lịch sử vẫn cuộn trôi bên chứng nhân cũ kỹ tự xa xưa là
cây cầu Long Biên. Bao lớp người đã ra đi từ đây. Hà Nội ngàn năm còn mang đậm
dấu tích Thăng Long xưa và “trùng trùng quân đi như sóng” khi tiến quân vào giải phóng Thủ Đô với những bước chân thần tốc năm nào còn in dấu
trên dòng sông lịch sử. Cây cầu vẫn đứng hiên ngang như một chứng nhân hào hùng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai và nhắc nhở bao thế hệ không
được quên những trang sử ấy...
Cầu Long Biên với mười chín nhịp bắc qua sông Hồng không chỉ
nối liền giao thông giữa khu ngoại thành Thăng Long với nội thành mà còn là cây
cầu hoài niệm nối liền giữa hiện tại với quá khứ của Thủ Đô. Thật đau xót khi cầu
Long Biên ngày càng xuống cấp và đang dần bị quên lãng. Cây cầu đó đã đi qua
chiều dài lịch sử của dân tộc và đi qua cuộc đời của bao con người với những
thăng trầm buồn vui khác nhau. Không hiểu sao khi nhìn vẻ già nua cũ kỹ của
những nhịp cầu ấy, tôi cứ liên tưởng đến một ông già đang gù lưng khổ hạnh
trước năm tháng để chống chọi với cái chết đang đến gần kề.
Mặc dù thành phố đã có dự án và chủ trương khôi phục lại cầu
Long Biên cùng với các nhà kiến trúc người Pháp để tái tạo lại cây cầu như xưa
nhưng nghe ra không phải việc dễ dàng. Nếu được như vậy, cầu Long Biên hẳn sẽ
là một địa danh lịch sử và du lịch cho du khách và bạn bè quốc tế được
chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng khi đến với thủ đô Hà Nội. Cầu Long Biên bây
giờ vẫn đang cố gồng mình trước gió bão và có nguy cơ bị quên lãng nếu
không được chúng ta sửa sang và khôi phục. Hãy làm ngay hỡi các nhà chức trách,
đừng để cầu Long Biên hấp hối!
Mỗi khi có dịp qua cầu, tôi vẫn có cái thú hoài cổ là được ngắm
nghía cây cầu già nua mặc dầu đã rất cũ kỹ và bám đầy rỉ sắt cùng
năm tháng. Bây giờ cũng ít người còn thích đi qua chiếc cầu này bởi đã có nhiều
chiếc cầu khác thay thế đẹp hơn, lớn hơn và hiện đại hơn.Tôi nhìn sang phía
Chùa Bồ Đề bên kia sông Hồng mà nghe trong không gian như phảng phất tiếng
chuông chiều cùng những bảng lảng khói sương và lòng thầm mong ước
một cuộc sống thanh bình cho Hà Nội.
Ngàn năm Thăng Long đã qua với bao chứng nhân lịch sử.
Cây cầu Long Biên vẫn khắc khổ đứng đó, dường như ngạo nghễ thách thức với thời
gian mặc cho sông nước phù sa sông Hồng vẫn đỏ ngầu và trôi chảy bên đời với
bao bước chân qua.
3/HOA VÀ NGƯỜI HÀ NỘI
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An...
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An...
Ai mà chẳng biết câu ca xưa ca ngợi nét đẹp thanh lịch của
người Hà Nội và truyền thống văn hóa ngàn đời của người dân thủ đô. Lại có câu
“Người là hoa của đất...” để nói về hoa và con người Hà Nội.
Mong sao hoa cứ đẹp như người và con người sẽ mãi được tôn vinh cùng hoa.
Sau 10 năm sát nhập và mở rộng địa giới của Thủ đô Hà Nội,
nét đẹp thanh lịch của người Tràng An và Xứ Đoài có bị pha tạp? Chắc chắn sự lịch
lãm và tinh tế sẽ luôn gắn với vẻ đẹp văn hoá cổ xưa và nét đẹp hiện đại của Hà
Nội để nét đẹp truyền thống được kế thừa và nâng cao thêm. Vẻ đẹp ấy hội tụ cả
sự hào hoa, lãng mạn xưa và nay cùng những giá trị nhân văn ngàn đời của thủ
đô. Khi nói tới sự tinh tế, yêu đời và tính nhân văn của người Hà Nội, đặc biệt
là những giá trị tinh hoa, thơm tho, tinh túy và hồn cốt của con người Tràng An
và Xứ Đoài ta không thể không nhắc tới vẻ đẹp của hoa.
Nói đôi lời về hoa và người Hà Nội như vậy để ta hiểu thêm vẻ
đẹp và sự tinh tế của mỗi loài hoa. Bạn có bao giờ quan sát kỹ về nét đẹp của từng
loại hoa trên phố Hà Nội và hoa trong mỗi căn nhà khi mùa về? Bạn cảm nhận như
thế nào về mỗi loại hoa trên phố và nghĩ về thân phận mỗi con người đều gắn bó
với nhau và với hoa ra sao? Tôi muốn chia sẻ những suy ngẫm và chút cảm xúc trước
vẻ đẹp của hoa trong ngày xuân này.
Không chỉ khoe sắc thắm trong những khu vườn tít xa tận ngoại
ô, nơi Hà Tây, Xứ Đoài, hay tận Sóc Sơn... Mỗi loài hoa trên phố Hà Nội cũng
rất đẹp. Chúng mang theo hơi thở của mùa và lặng lẽ làm duyên làm dáng cho
thành phố trở nên bớt căng thẳng ngột ngạt và dường như bớt đi cả sự ồn ào và bụi
bậm. Hoa phượng vĩ đỏ rực, hoa sữa trắng xanh mơ màng, hoa bằng lăng tím mộng
mơ, hoa điệp vàng sang trọng, hoa ban đỏ nhớ xuân Tây Bắc, hoa sấu từng chùm nhỏ
nhớ tuổi thơ và mùa hè...Mỗi loài hoa gợi nhớ mot sắc màu của yêu thương và
hoài niệm.
Hoa trên những con phố Thủ đô luôn nở rộ trên những đại lộ,
bên khoảnh hiên của những ngôi nhà hay thấp thoáng trên từng ô cửa sổ, thậm chí
trên cả những vòm ban công chật chội nhất. Mỗi loài hoa đều thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn
con người Việt Nam chúng ta và mỗi người hãy nâng niu, chăm sóc và hãy biết thưởng
ngoạn những vẻ đẹp của chúng. Hoa trong mỗi căn nhà còn được chăm sóc và nâng
niu hơn. Đằng sau vẻ đẹp của mỗi loài hoa, ta thấy như thấp thoáng bóng
hình của những người phụ nữ. Người chơi hoa phải biết trân trọng và nâng niu
chúng như nâng niu người phụ nữ của mình. Chẳng thế mà nhiều nhà thơ đã dâng đầy
cảm hứng trước hoa. Nhà thơ Đàm Khánh Phương là một ví dụ, ông đã có những câu
thơ hay để “Tạ lỗi trước hoa”:
Không chỉ là hương thơm nồng nàn của “Hoa Sữa” dìu dặt trong
ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng, mỗi khi nhắc tới Hà Nội, còn có bao loài hoa
khác rất phong phú đủ các sắc màu đang hé nở và rộn ràng báo hiệu mùa đã về
trên phố. Đêm Hà Nội trở nên thi vị hơn với bao làn hương quyến rũ mà từng loài
hoa vẫn phảng phất tỏa hương trong đêm như hương ngan ngát của dạ lan hay thiết
mộc lan... Mùa hè dường như cũng đỡ oi bức hơn. Sau những ngày mưa kéo dài, mùa
hè lại về với cái nắng vàng đổ lửa chói chang. Từng chùm phượng vĩ đỏ rực cùng
tiếng ve ngân như báo hiệu mùa thi cùng những ngày nghỉ hè đang tới. Những hàng
Bằng Lăng mới trồng trong nhiều năm gần đây đang phô sắc tím tưng bừng trong
tán lá xanh mát. Còn những cây phượng vĩ thì dường như nhiều tuổi hơn và cũng
trầm tư hơn với thân hình xù xì mang đậm những dấu vết thời gian. Ấy thế, nhưng
khi sắc đỏ của chúng cháy rực trên nền trời cao xanh thì chẳng có loài hoa nào
sánh kịp. Có lẽ chúng có tính cách mạnh giống như những phụ nữ tuổi trung niên
bởi sự cháy hết mình cho tình yêu chăng? Sự mặn mà của loài hoa rực lửa ấy càng
đẹp hơn khi ta nhìn xuyên qua tán lá xanh mỏng manh của phượng vĩ để ngắm bầu
trời.
Mùa hoa Điệp nở vàng rực từng chùm cũng rất đẹp.Những cây Điệp
Vàng được trồng rất nhiều trên các con phố đang dịp được bùng nổ những chùm hoa
thật bắt mắt Loài hoa Điệp Vàng dưới nắng hè như đang nở bung lại được thiên
nhiên điểm xuyết thêm những dãy nụ xinh xinh màu nâu, hai gam màu tạo thành sự
đặc trưng rất đặc biệt. Chúng cứ khoe màu vàng rực và như khắc khỏa cháy hết
mình trong nắng. Kìa, bạn hãy nhìn bầu trời mùa hạ trên đầu, có vẻ như cao xanh
hơn và từng cụm mây trắng cũng trở nên bồng bềnh hơn.
Dạo quanh Hồ Gươm ta sẽ thấy những sắc hoa ven hồ với đủ các
gam màu bắt mắt như tím, đỏ, vàng, trắng… càng trở nên nổi bật giữa nền trời
xanh với bồng bềnh từng cụm mây trắng. Có một người trẻ tuổi đang ngồi thả hồn
bên giá vẽ, chắc là sinh viên trường Nghệ thuật hay hội họa nào đó. Thiên nhiên
và con người Hà Nội nơi đây chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho những bức tranh
của anh thêm sống động và thêm phong phú khi phác họa về vùng đất Thủ đô. Hoa
và người dường như đang rực rỡ trong nắng chiều.
Ngắm hoa để nghĩ về người. Hà Nội thiếu hoa dù chỉ một ngày
cũng là tẻ nhạt. Hoa cũng có số phận riêng và mang hồn của chúng đến với muôn
loài xung quanh. Nếu bạn lặng im ngắm nghía và trân trọng từng vẻ đẹp của
chúng, bạn sẽ thấy mỗi loại có hình dáng, màu sắc, hương vị và tính cách của
chúng rất khác nhau. Chúng đều có thân phận và sự hấp dẫn riêng trong vũ trụ
này sau những dâng hiến hết mình, thậm chí ngay cả từng bông hoa dại
mà bạn hờ hững bước qua. Thử nghĩ xem, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô cứng,
nhạt nhẽo, buồn tẻ nếu thiếu vắng các loài hoa hay thậm chí chỉ là vài bông hoa
cỏ. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng tôi nói quá lên chăng hay sẽ cười nhạo tôi vì sự
quá mơ mộng ở thời buổi kinh tế thị trường với nỗi lo cơm áo gạo tiền này.
Nhưng ngẫm kỹ lại mà xem, bạn sẽ thấy có lý vì chẳng có nhà ai trong thời buổi
này mà trong nhà lại không có ít nhất một cành hoa, chí ít cũng là một bông
hoa, như nụ cười thân thương nở trong mỗi nhà....
Tiếc thay những làng hoa Hà Nội có tự bao đời nay đã dần mai
một. Còn đâu một làng hoa Ngọc Hà với nghề truyền thống trồng hoa với rực rỡ sắc
màu của đào, quất, cúc, hồng mỗi độ xuân về? Ngay cả những làng hoa Nghi Tàm,
Nhật Tân cũng đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ trong nhịp sống đô thị
hóa và những công trình xây dựng cao ngất ngưởng. Còn đâu những gánh hàng hoa
trên vai những người đàn bà dịu dàng và tần tảo vẫn thong dong đi trên hè phố,
các chị đâu còn được chở hương sắc bốn mùa của thiên nhiên vào trong nỗi nhớ của
những người đi xa Hà Nội như một hình ảnh nên thơ? Nỗi nhớ da diết ấy không chỉ
xa xót với những người trồng hoa, mà như cồn lên trong lòng những người yêu hoa
và những người thích thưởng hoa như một thú tao nhã rất đặc trưng không thể thiếu
của Hà Nội - Tràng An và Xứ Đoài ngày nay.
Thiên nhiên và con người đã tạo ra bao loài hoa đẹp cho đời
nhưng tâm hồn người Việt còn đẹp hơn hoa. Chắc hẳn ai cũng biết câu: “Người
là hoa của đất” để nói về vẻ đẹp của con người Việt Nam gắn bó với thiên nhiên
và vũ trụ nói chung và gắn với vẻ đẹp của những người phụ nữ nói riêng. Mùa về
mang theo những loại hoa đặc trưng rất khác nhau được những người bán hoa chở
vào trong phố bằng những chiếc xe đạp. Bây giờ hầu như rất ít khi ta thấy lại
hình ảnh những chị thôn nữ gánh hàng hoa thong dong trên hè phố Thủ Đô như ngày
xa xưa. Nhịp sống đô thị hóa đã làm mất dần những hình ảnh dịu dàng và thơ mộng ấy.
Nhu cầu về hoa trong thành phố thì lại tăng lên và hàng loạt những cửa hàng bán
hoa tươi gói sẵn được dịp lên ngôi ở khắp nơi trong thành phố.
Có lẽ vì mỗi loại hoa đều mang một thông điệp riêng, một vẻ đẹp
riêng, một hương sắc riêng và mang cả sự hoài niệm, mong manh nhất cho dù có cả
một loài hoa mang tên là Bất Tử. Hoa đẹp đến mấy rồi cũng sẽ lụi tàn, điều đó
âu cũng là quy luật vốn có của tạo hóa và vạn vật trên đời. Mong sao người thưởng
hoa biết nâng niu và không vùi dập hoa...
Con người khi đứng trước một bông hoa đẹp đều ít nhiều
xao động và yêu thích. Ngay cả cái chết cũng đẹp hơn, trang trọng hơn vì có
hoa. Rồi thì se đến ngày mà bất cứ ai cũng được viếng thăm phút cuối bằng hoa để
giã từ thế gian. Có lẽ hoa cũng như con người, luôn mang vẻ đẹp của sự hiện hữu
mà vô thường. Thử hỏi cuộc đời nay nếu không có hoa thì cuộc sống sẽ trở nên nhạt
nhẽo và cô đơn đến đâu?
Mùa xuân đang về bên thềm nhà. Người bên hoa và hoa bên người. Yêu
lắm, tinh tế lắm, hoa và người Hà Nội. Ngoài kia, mỗi loài hoa xinh xinh đang
chở mùa về trên phố.
4/A ĐAM SÔNG HỒNG...
Sông Hồng và những câu chuyện thú vị về cuộc sống của những
người dân Hà Nội lưu vực sông Hồng và dân cư sống ven con sông này sẽ luôn là
những điều bí ẩn mà tôi và nhiều người nặng lòng với Hà Nội thích tìm hiểu và
khám phá. Một trong những cái thú của người dân ven sông Hồng là thú tắm sông.
Cái thú tắm sông này đã lan đến cả cư dân Hà Nội hay cả dân ngụ cư sống trong
thành phố, đặc biệt là những người đàn ông yêu sông nước.
“A Đam Sông Hồng“ là cách tôi gọi những người đàn ông yêu
thích tắm sông và mê đắm sông nước và thứ phù sa mát lịm của sông Hồng. Họ
yêu thiên nhiên và luôn muốn được thoải mái trần trụi giao hòa cùng thiên nhiên,
để được thả sức vẫy vùng và thỏa mãn khao khát tự do cùng bản ngã. Bởi vậy “A
Đam và cát mặn” cũng là cái tứ cho một bài thơ về chủ đề sông Hồng của tôi. Bởi
các A Đam thích được khoả trần trên cát trước khi xuống nước. Cát mặn là tất
nhiên. Cát còn mặn bởi cả máu, mồ hôi và nước mắt bao đời của con người.
Hình ảnh cát và phù sa sẽ đẹp hơn và ám ảnh hơn khi có thêm
các A Đam ở đó. Cát và phù sa nâu non của sông Hồng không chỉ mặn mà còn rất
mát, rất êm, rất mịn màng và óng ả nữa. Vẻ đẹp ấy lung linh hơn dưới con mắt
các thi sỹ khi liên tưởng đến sức sống giữa vũ trụ bao la và sự phồn sinh của
con người. Tất nhiên sự liên tưởng ấy sẽ không thể thiếu hình ảnh các thôn nữ mặn
mà với làn da nâu non và nụ cười lúng liếng dưới cái nắng nhiệt đới của miền
châu thổ sông Hồng. Các nàng có tắm sông thì cũng luôn phải che giấu dưới bóng
tối hay áo quần nên khó mà thành những E Va tự tin như các A Đam sông Hồng. Có
thể bạn sẽ cười mà bảo rằng: “Ôi giời, các nhà thơ chỉ hay vẽ chuyện, cát mặn
và phù sa thì dòng sông nào mà chẳng có...”. Đúng là cát và phù sa thì ở đâu
cũng có, nhưng cát mặn ở ngay dòng sông mang cái tên đặc trưng là sông Cái và
nơi ấy có cây cầu sắt mang tên Long Biên cổ xưa vắt ngang bờ bãi và dòng
chảy đỏ ngầu này thì chỉ có một và rất khác đấy, hơn nữa các A Đam sông Hồng ở
giữa Thủ Đô, tụ nhau về nơi Bãi Giữa này tắm sông thì vẫn là điều đặc biệt.
Họ là ai? Họ không phải là những đứa trẻ nhỏ cởi truồng tắm
sông, mà là những người đàn ông trưởng thành và cũng không còn trẻ, họ thường từ
trung niên trở lên nhưng không quá già. Họ yêu sông Hồng và gắn bó với
dòng sông từ nhỏ và đã tụ tập nhiều năm nay ở đó, thành lập Hội “Những người
yêu sông Hồng” đã tìm về nơi Bãi Giữa sông Hồng để vùng vẫy và sung sướng thả
mình trước thiên nhiên cùng cây lá trong sự tự do gần như tuyệt đối.
Các “A Đam sông Hồng” của Hà Nội, thường tụ nhau về nơi Bãi
Giữa sông Hồng để tắm sông, để hò hét hay thậm chí để tự do mơ màng hay trầm tư
suy ngẫm một mình trước thiên nhiên bờ bãi cùng nắng, gió, cát bụi và phù sa.
Những người đàn ông này thường là đang sống ở nội thành, có thể là một
bác xe ôm, hay xích lô phố cổ, một cán bộ hưu trí thích sông nước, cũng có thể
là một trí thức, doanh nhân nào đó đang bề bộn công việc ở văn phòng nên muốn
tìm về bãi sông này để xả tress, một chàng văn nghệ sĩ có chút tiếng tăm hay một
bậc trí giả nào đó, thậm chí là những giai phố cổ khá lạnh lùng và đôi chút có
máu tay chơi với lủng lẳng xích vàng trên cổ nữa... Họ giống nhau ở chỗ
luôn háo hức được ra sông như trẻ nhỏ, họ có khát vọng được trở lại thời trẻ
con như ngày xưa khi họ từng được tắm truồng cùng chúng bạn và chơi những trò
nghịch ngợm của trẻ con trước dòng sông tuổi thơ của mình. Bởi trong hầu
hết mỗi chúng ta, ai cũng mang trong tâm hồn mình một miền quê và dòng sông với
hương phù sa nồng nã và miền quê ấy sẽ còn sống mãi trong ký ức tuổi thơ của họ.
Tôi thích hình ảnh những người đàn ông mình trần hiên ngang,
trông rất manly khi họ đang đứng trước dòng sông với bờ vai rắn rỏi và
vòm ngực căng phồng hứng gió. Các chàng đứng đó, “hai dải phù sa nâu đổ bóng xuống
lưng chàng...”. (Tôi từng viết về họ như vậy trong những câu thơ mang chút ngưỡng
mộ và trìu mến của đàn bà). Họ trở nên gần gũi và hòa nhập cùng sông nước và đất
đai châu thổ phù sa hơn bao giờ hết. Mùa nước lũ tràn về, những người đàn ông
này tỏ ra bình tĩnh trước cơn lũ cuồn cuộn và sự giận dữ của dòng sông. Khi ấy
dòng nước lũ đục ngầu đang dâng lên, làm tràn đầy cả tâm hồn và thân xác họ.
Trên đầu là mưa bay và bầu trời bao la ướt đẫm, dưới chân là cát mặn và phù sa
sông Hồng. Tôi hay liên tưởng đến vẻ đẹp của những người hùng trong phim ảnh
xưa và những câu chuyện truyền thuyết. Chợt nghĩ, hình ảnh này thật thơ mộng và
không kém phần tráng lệ khi ta nghĩ tới hào khí Thăng Long xưa hay vẻ đẹp của
các chàng trai dũng mãnh như Đam San xưa kia... Tôi đã viết mấy bài thơ về những “A Đam sông Hồng” trong cảm xúc dạt dào ấy.
Nắng, gió, cát, bùn và phù sa... và sự tự do trở nên thi vị
hơn. Thứ “ đặc sản” này chỉ các A Đam sông Hồng mới cảm nhận đầy đủ và họ thưởng
thức nó trong niềm hân hoan riêng của mình. Tôi cũng may mắn quen biết vài
người bạn trong số đó, họ luôn yêu dòng sông này và luôn nói nhớ sông Hồng mỗi
khi đi xa và họ “nghiện “ thứ phù sa nâu mát lạnh ở đó. Có lẽ về bên dòng sông
Hồng mang tên con sông Cái này, chính ở nơi này, họ được trở về với mẹ
thiên nhiên trong sự gần gũi và thân thương nhất. Đó là sự vô tư mà trần trụi
và dời sống này có những người ta cần được như thế, không có cái gì phải giấu
giếm và che đậy, cũng chẳng có gì phải giả tạo và che giấu, sự thật là họ rất hạnh
phúc khi có được những giây phút tự do gần như tuyệt đối. Không nên ngăn cản niềm
sung sướng của họ. Tôi nghĩ thế bởi tự do là mục tiêu cao cả của con người.
Hà Nội nay không chỉ có duy nhất một bãi tắm tiên ở nơi đó.
Bây giờ các A Đam sông Hồng còn kéo nhau lên tận nơi bờ bãi vùng Phú Thượng, quận
Tây Hồ nữa. Nơi này gần kề với khu vực Bến Bạc, có phong cảnh sông nước hữu
tình và vườn rau non xanh mướt và những rặng táo mới trồng khá đẹp mắt và tươi
tốt. Điểm tắm sông này có biển cấm tắm, nhưng các A Đam vẫn lặng lẽ tụ nhau ở
đó để thoả mãn khát khao với dòng nước đỏ nặng phù sa của sông Hồng. Nơi này
còn thuận tiện cho việc ăn uống, chụp ảnh và gặp gỡ bạn bè vì không gian rộng
rãi và thảm cỏ xanh bắt mắt cùng bãi lau sậy nở hoa trắng xoá ở ven sông luôn gợi
nhớ ký ức tuổi thơ xa vắng và ngọt ngào.
Các “A Đam sông Hồng“ yêu và đắm mê dòng nước mát lạnh này với
thứ hương thơm nồng và vị ngai ngái của phù sa nâu non như một thứ bùa gây nghiện.
Họ - những A Đam sông Hồng chủ yếu coi trọng việc tắm sông và thư giãn hơn là
việc đến đó để ăn uống. Nơi này, có thể vì lý do ấy mà nhà hàng ẩm thực ở 144
An Dương Vương, Hà Nội là một địa chỉ rộng rãi, khá bắt mắt nằm liền kề ở đó
nhưng vẫn cứ vắng vẻ.
Câu chuyện tắm sông của những người đàn ông ở Bãi Giữa Sông Hồng
và bãi tắm sông nơi vùng quê Phú Thượng Hà Nội vẫn luôn là những bí ẩn. Nơi ấy,
với dòng chảy lúc lững lờ, khi cuộn xiết của sông Hồng, khi miệt mài bồi đắp
phù sa cho cả lưu vực châu thổ, đã làm nên những bờ bãi tốt tươi. Bãi sông trù
phú và những người đàn ông tắm sông mà tôi trìu mến gọi họ là các “A Đam Sông Hồng”
đã làm nên nét chấm phá khác lạ cho dòng sông. Bên cạnh những cây cầu vắt qua
sông Hồng ngày càng lớn hơn và đẹp hơn thì con người cũng khác xưa. Dù Hà Nội
có thêm bao nhiêu cây cầu mới thì cây cầu Long Biên cũ kỹ và cổ xưa cùng với
Bãi Giữa sông Hồng vẫn đẹp mãi trong ký ức của những người yêu Hà Nội.
Tôi yêu dòng chảy của những con sông, đặc biệt yêu thứ cát mặn
và phù sa nâu non của sông Hồng và vẫn muốn lưu giữ mãi hình ảnh các A Đam sông
Hồng như một vẻ đẹp riêng có của Hà Nội. Có thể tôi thuộc tuýp người lãng mạn
nhưng thử hỏi rằng tại sao bạn không tìm cho mình vài điều thú vị mang tính
“phát hiện“ khi những vẻ đẹp bình dị và mới lạ ở kề ngay cạnh chúng ta nhưng
ít người quan tâm hoặc nhìn nhận nó như một sự khác thường. Nếu bạn coi
đó là một sự điên rồ thì cũng không sao cả. Tôi nghĩ, trong cuộc sống bức bối
này, thật cần biết bao những con người yêu quê hương đất nước, yêu thiên
nhiên sông nước và châu thổ phù sa. Khát vọng tự do của con người là điều đáng
được tôn trọng. Họ thực sự là những người rất yêu Hà Nội, yêu sông Hồng và khao
khát tự do. Bởi tôi nghĩ rằng những cư dân Hà Nội, không chỉ mang cốt cách
thanh lịch, chút kiêu bạc của người Tràng An mà sẽ còn muốn được lưu dấu hình ảnh
gần gũi rất đời thường của họ - những người đàn ông nơi phố phường thủ đô về sự
yêu thương, gắn bó với dòng sông, với thiên nhiên và khát vọng tự do. Những người
đàn ông không còn trẻ nhưng không chịu già hơn và đam mê một dòng chảy trong
tâm hồn, tự do trước mênh mang châu thổ phù sa và dòng sông lịch sử luôn cuộn đỏ
phù sa của một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét