Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Blaise Pascal - "Cây sậy biết suy nghĩ"

Blaise Pascal - "Cây sậy biết suy  nghĩ"
Blaise Pascal là một "thần đồng khoa học". Năm 16 tuổi, ông đã đưa ra một định lý mới về hình chóp. Năm 19 tuổi, chế ra một máy cộng, tiền thân của chiếc máy tính sau này. Cùng với Pierre de Fermat, ông được coi là một trong những người sáng lập ra lý thuyết toán xác suất. Hiện có nhiều mệnh đề và biểu thức toán học mang tên Pascal... Tuy nhiên, ngoài các lĩnh vực trên, Pascal còn được ghi nhận như một nhà triết học lỗi lạc và một nhà văn kiệt xuất, là "ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh"...
Tác phẩm "Những bức thư của Louis de Montalte" ông viết trong hai năm 1656-1657 được xem là áng văn tuyệt tác của văn chương Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà Bergson, nhà triết học và nhà văn Pháp nổi tiếng, Giải thưởng Nobel văn học năm 1928 đã phải đưa ra một nhận xét: "Những máy đo lường của chúng ta quá ngắn để ước lượng được chiều sâu tư duy của Pascal".
Nhân dịp tổ chức UNESCO đang xúc tiến các hoạt động nhằm kỷ niệm 350 năm ngày mất của Blaise Pascal (1662- 2012), xin được cùng bạn đọc ôn lại một số mẩu chuyện thú vị liên quan đến cuộc đời của Pascal - tác giả câu nói trứ danh "Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ"...
1. Blaise Pascal sinh ngày 19 tháng 6 năm 1623 tại Clermont Ferrand, miền Auvergne nước Pháp. Khi Pascal chào đời, ông Etienne - cha của Pascal - đang giữ cương vị Chánh án tòa Hộ tại địa phương. Năm Pascal lên 3 tuổi, mẹ cậu từ trần, để lại 3 người con bấy giờ còn rất nhỏ. Tuy nhiên, ông Etienne vẫn quyết định ở vậy nuôi con và sự hy sinh của ông sau này đã được đền đáp xứng đáng.
Ngay từ nhỏ, Pascal đã thể hiện là một đứa trẻ có tư chất khác thường. Cậu hay hỏi người lớn những câu hỏi không dễ giải đáp. Bản thân ông Etienne, sau nhiều lần "bí mật" quan sát con trai cũng tin tưởng rằng con mình là một thiên tài. Ông quyết định dạy con theo cách thức riêng của mình.
Năm 1631, khi Pascal lên 8 tuổi, ông Etienne đã xin từ chức và đưa cả gia đình lên Paris để tiện cho việc nâng cao học vấn cho các con. Khởi đầu, ông Etienne buộc Pascal học tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp tới năm 12 tuổi. Vì đây là hai ngôn ngữ thuộc loại khó học nên để con trai có sự tập trung, ông Etienne đã cất giấu không cho con tiếp cận với các sách về khoa học nói chung và toán học nói riêng. Vậy mà một hôm, bước vào phòng con trai, ông bất ngờ trông thấy cậu con đang loay hoay dùng phấn chứng minh trên nền nhà một định luật của Euclide. Từ trước tới nay, nào ông Etienne có dạy cho con học toán bao giờ, huống hồ đây lại là một bài toán quá khó ngay cả với người lớn. Nghe con thuật lại cách chứng minh, người cha đã không kìm nén được sự vui sướng. Ở tuổi 12, Pascal đã chứng minh được rằng tổng số các góc trong một tam giác bằng hai góc vuông, đúng như Euclide đã từng phát biểu.
Từ đây, Pascal mới được cha cho phép đọc các cuốn khái luận của Euclide. Với trí thông minh trời phú, cậu bé đọc tới đâu hiểu tới đó. Chẳng bao lâu, với việc mầy mò tự học, Pascal đã trở thành một nhà toán học trẻ có hạng.
Năm 16 tuổi, Pascal công bố một công trình toán học: "Về thiết diện của đường coniques", trong đó cậu đã chứng minh một định lý nổi tiếng (sau này mang tên Pascal). Đó là định lý về lục giác thần kì. Pascal đã rút ra 400 hệ quả từ định lý này. Nhà toán học đồng thời là nhà triết học vĩ đại Descartes đã phải thốt lên: "Thật không thể tưởng tượng nổi một người ở tuổi thiếu niên lại có thể làm nên một công trình tầm cỡ như thế". Tác phẩm của Pascal đã khiến rất nhiều nhà toán học xuất sắc đương thời phải bái phục. Không ít người còn giục "tác giả nhí" cho in thành sách, song vì khiêm tốn, Pascal đã thoái thác. Chính vì lẽ đó mà tới nay, thiên hạ chỉ lưu giữ được hai cuốn sách đầu tay của bậc thiên tài này mà thôi. 
Trường học mang tên Blaise Pascal ở Đà Nẵng trước đây.
2. Như trên đã nói, mặc dù vợ mất sớm nhưng ông Etienne - cha của Pascal - vẫn quyết định ở vậy nuôi con. Sự hy sinh của ông đã được các con ghi nhận và được họ đền đáp bằng những tình cảm cụ thể.
Năm Pascal 17 tuổi, thấy cha - bấy giờ chuyển sang sống bằng nghề kế toán - quá vất vả với các phép tính, Pascal đã nảy ra ý định chế tạo một chiếc máy tính. Sau mấy năm lao động miệt mài, cậu đã chế tạo xong chiếc máy tính với đủ chức năng cộng, trừ, nhân, chia, tuy rằng chưa phải được nhanh cho lắm. Đây chính là tiền thân của chiếc máy tính hiện nay. Và để ghi dấu ấn của Pascal, hiện người ta đã lấy tên ông đặt cho một ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ Pascal.
Sinh thời, ông Etienne không phải là người mộ đạo. Tuy nhiên, khi ông qua đời vào năm 1651, cô em gái liền kề của Pascal là Jacqueline đã vào sống trong một tu viện tại Port Royal. Năm 1654, Pascal tới thăm em gái. Chuyến viếng thăm này đã khiến Pascal càng thêm "ghê tởm sự giả dối cực độ của người đời". Cũng năm đó, sau một lần thoát chết trong vụ tai nạn xe cộ, Pascal đã có nhiều chuyển hướng trong nhận thức. Ông bắt đầu quan tâm tới tôn giáo và thần học. Ông viết sách bình luận về tôn giáo, dùng trước tác của mình thuyết phục mọi người thấy cái cao cả của đạo Cơ Đốc. Các tác phẩm của ông trong thời kỳ này gồm "Những bức thư của Louis de Montalte" viết cho một người bạn ở tỉnh nhỏ (1656 - 1657) -  được coi là một áng văn kinh điển; tác phẩm "Suy nghĩ" (xuất bản năm 1669, sau khi tác giả qua đời) - được xem là một tác phẩm triết học và văn chương bậc thầy.
Những việc làm của Pascal ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi những vụ việc liên quan tới người thân. Những năm cuối đời, sau khi một người cháu của Pascal thoát chết nhờ một sự may mắn thần diệu, Pascal chuyên tâm đọc sách và tìm kiếm tư liệu viết nên cuốn "Biện hộ cho Thiên Chúa Giáo" (tức cuốn "Suy nghĩ" xuất bản sau này).
Về cuối đời, Pascal ngày càng sa vào lối sống khổ hạnh. Tháng 6 năm 1662, ông đem tặng căn hộ mình đang ở cho một gia đình nghèo mắc bệnh đậu mùa và dọn đến ở với người chị gái tên gọi Gilberte. Tại đây, Pascal đã bị bệnh tật hành hạ suốt hai tháng trời và ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 8 năm đó, hưởng thọ 39 tuổi.
3. Là một nhà triết học, Pascal rất nổi tiếng với định nghĩa "Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ". Tương truyền, định nghĩa này có xuất xứ như sau: Một lần, có người bạn đã khẩn khoản khuyên nhủ ông từ bỏ khoa học để đi vào tôn giáo, với lý do: "Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trước tạo hóa vô biên. Làm sao anh có thể đương đầu nổi với giông tố cuộc đời". Pascal đã tự tin trả lời: "Đúng, con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ. Vì thế, nó không bao giờ chịu cho giông tố dập vùi…".
Tuy rất nổi tiếng với các phát kiến trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, song Pascal cũng lại là người có những nhận xét, phân định rất được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội "tâm phục khẩu phục". Chẳng hạn như việc ông phân biệt ở con người "hai loại đầu óc khác nhau". Một loại "đầu óc hình học" - nặng về lý tính; và một loại "óc tế nhị" - nặng về trực giác, tình cảm. 
Ngay các sách khoa học của Pascal cũng thấm đẫm vẻ đẹp văn chương. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận - một nhà khoa học Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý thiên văn từng tâm sự rằng, hồi nhỏ, ông học trường Pháp ở Sài Gòn và rất thích đọc sách của các nhà triết học, nhà văn, nhà thơ Pháp như Pascal, Descartes. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho rằng: "Để cho người đọc thích đọc sách khoa học và khiến họ không thể rời bỏ nó như khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay thì khi viết, ngoài tính khoa học, tôi luôn để ý đến cách diễn đạt văn chương nữa".
Qua nhận xét ấy - nhận xét của một nhà khoa học có thể đọc thẳng tác phẩm từ nguyên bản tiếng Pháp - ta có thể thấy sức hấp dẫn của văn phong Pascal mạnh mẽ đến nhường nào. Nhân đây, cũng xin nhắc lại với bạn đọc rằng, trong các danh ngôn vẫn thường được nhắc đi nhắc lại, được in trong nhiều cuốn lịch, trong nhiều cuốn sổ tay, có không ít câu là của nhà toán học kiêm nhà triết học, nhà văn Pascal. Ví như câu danh ngôn này: "Con tim có những lý lẽ mà nhiều khi lý trí không thể hiểu nổi". Một câu danh ngôn rất nổi tiếng phải không các bạn? Không chỉ có vậy, Pascal chính là tác giả của lời bình luận trứ danh về cái mũi của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra: "Nếu cái mũi của Cleopatra dài thêm một chút thì cục diện thế giới sẽ thay đổi".
Đây không phải là cách nói của nhà toán học, mà là cách nói của một nhà văn.
 Uy Viễn
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...