CHƯƠNG 11
Ông Vua mà còn bị Tây bắt, Tây đày đi xa, huống hồ là Dân. Họ
sợ là sợ như thế đó. Đồng thời, như Lịch sử đã chép, các đảng viên trong phong
trào Duy Tân khởi nghĩa đều bị bắt, bị chém, bị đày đi Côn Lôn, bị tù ở các
khám đường Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi... Nhưng Lịch sử không
chép tên tuổi một số thanh niên, hầu hết là các công chức, tư chức, các Thầy
giáo các trường Pháp-Việt, bị liên can vào phong trào này. Một số đông bị tù,
trong đó có thầy thông Vinh làm ga xe lửa Huế, chủ nhà trọ của Trần anh Tuấn.
Hình như thầy có bí mật giao thiệp với một đảng viên quan trọng ở ngay Đế Đô.
Trần anh Tuấn về quê nghỉ hè, trong lòng không yên vì những
biến cố kinh khủng ấy. Tuấn đi xe lửa vào Tu-Ranh, thuê xe kéo vào Faifoo rồi
theo ghe bầu đi đường biển về tỉnh nhà. Tuấn lo ngại cho thân phận mình, không
dám ghé thăm ông chủ chiếc ghe bầu ở Thu Xà, quen với thân phụ Tuấn, và có con
gái muốn để dành gả cho Tuấn sau này. Xuống bến Thu Xà, công việc đầu tiên của
Tuấn là kiếm đi mua một chiếc đòn gánh, cột nơi hai đầu hai gói lớn đựng quần
áo và các sách vở học ở trường mà Tuấn đem hết về nhà để định học ôn lại trong
ba tháng nghỉ hè.
Ngủ tạm tại nhà người chủ ghe vừa đưa Tuấn từ Hội an về, sáng
hôm sau, trời vừa hừng đông. Tuấn đã thức dậy đặt đòn gánh lên vai, khởi hành
đi chưn không về tỉnh. Cậu học trò đệ nhất niên, 13 tuổi, học ở Huế về, gánh
hai gói hành lý nặng trĩu, đi đủng đỉnh trên con đường cái quan mới đắp, quanh
co, gồ ghề, xa mười mấy cây số dưới ánh nắng oi ả của mùa hè. Trên quan lộ từ
Thu Xà lên tỉnh, xe kéo bánh sắt cũng không có. Không có một loại xe nào cả. Tất
cả mọi người đều đi bộ, nhưng họ chỉ đi từng chặng, chỉ có một vài người
"các chú" đi lên tỉnh buôn hàng mà thôi.
Trời chạng vạng, Trần anh Tuấn mới về tới nhà. Chú Ba thợ mộc
đang ngồi ăn cơm với thiếm Ba, mẹ Tuấn và đứa em trai của Tuấn, 5 tuổi, ở trần
trùng trục, mũi dãi lòng thòng, bổng thấy Tuấn gánh hai gói hành lý trên vai đủng
đỉnh bước vào sân. Đứa em trai thấy trước reo to lên :
- Ồ anh Hai về kìa, mẹ!
Tức thì thím Ba, chú Ba, và cả đứa nhỏ đều quăng đũa bỏ cơm,
chạy lẹ ra sân đón Tuấn. Trong lúc chú Ba mừng rỡ đở gánh cho Tuấn, thì thím
nhào vô ôm lấy thằng con trai, khóc nức nở... Thím mừng quýnh lên, chỉ biết ôm
đầu Tuấn và khóc, không nói được một tiếng. Tuấn cảm động quá cũng rưng rưng nước
mắt. Đứa em trai 5 tuổi nắm vạt áo dài của Tuấn, âu yếm ngó Tuấn:
- Anh Hai ơi! Anh Hai... Mẹ có để dành trái mít chín để anh
về ăn.
Một vài người thân thuộc đã gặp Tuấn ban chiều gánh hành lý
trên vai, uể oải đi vào tỉnh, họ đều mừng rỡ, săn đón hỏi han. Rồi truyền miệng
từ người này qua người khác, chỉ trong buổi tối ấy cả hàng phố đều biết tin Trần
anh Tuấn đi học ở Huế đã về. Gặp nhau ngoài đường, người ta bảo nhau :"Thằng
hai Tuấn, con chú Ba, đã về nghỉ hè. Coi nó bây giờ trắng và mập quá chừng!" Mấy ông già bà cả bảo: "Thằng Chuột con chú Ba thợ mộc đã về, đem
về một mớ sách Tây". Bà con cô bác kéo nhau đến thăm Tuấn, vui mừng náo
nhiệt, chật ních căn nhà lá lụp xụp của chú Ba.
Vợ chồng chú Ba sung sướng quá, rối rít đi nấu nước, pha trà,
têm trầu, bổ cau, mời khách. Dưới ánh sáng vàng hoe của ngọn đèn dầu phọng,
chong trên chiếc bàn cũ kỹ kê giữa nhà, ai nấy đều chen chúc ngồi trên bộ ván
và chõng tre chung quanh trò Tuấn, đua nhau hỏi những chuyện ở "Đế
Đô". Họ tưởng tượng Huế như một cảnh ở Thiên Đình, rực rỡ oai nghiêm, xinh
đẹp như ở xứ thần tiên hoa lệ. Ngồi nghe Tuấn kể chuyện, say mê nhất là đám
thanh thiếu niên trong tỉnh. Vì Trần anh Tuấn là người học trò đầu tiên và duy
nhất ở tỉnh nhà được đi trường Quốc Học ở Huế. Đối với các thanh niên và dân
chúng ở tỉnh lúc bấy giờ, được đi học ở Huế là một vinh hạnh có lẽ còn hãnh diện
hơn là sinh viên ta ngày nay được đi du học bên Anh, bên Pháp.
Tuy nhiên, đại đa số thanh niên vẫn còn theo Nho học. Họ còn
do dự chưa dám hớt tóc, và chỉ một số ít mới "bắt chước" khởi sự học
chữ Quốc ngữ. Những người học chữ Tây dĩ nhiên là còn ít hơn nữa. Vã lại, họ
làm sao quên được phong trào lộn xộn vì vụ cắt tóc đã làm bao nhiêu người bị bắt,,
bị chém, bị tù, hồi năm Mậu Thân 1908 cách đó mới 8 năm ? Đó là một cuộc hoạt động
chính trị mà người Việt gọi là "Giặc Đồng Bào", tức là vụ "xin
xâu".
Đề xướng và hăng hái cổ-võ phong trào lịch sử này là một nhóm
thanh niên Nho học có tư tưởng trung quân ái quốc, trung thành với Hoàng Đế, và
chống lại nước Pháp bảo hộ. Hầu hết nhóm thanh niên cách mạng này đều là những
Nho sĩ đã thi đỗ Cử Nhân, Tú Tài. Người ta không được biết khẩu hiệu cách mạng
từ đâu đưa ra, nhưng người ta thấy người vị tân khoa, đầu tóc cắt ngắn, chia
hai nhóm đi rảo khắp cả làng. Một nhóm chuyên việc làm thơ và chép thơ trên những
tấm giấy nhỏ đễ đi dán các nơi đình chùa, am miếu, hoặc các cửa ngõ tư gia.
Toàn là những bài thơ cách mạng hô hào "đồng bào" rủ nhau, do đám
thanh niên khoa cử nho học chỉ huy, đi ra tỉnh biểu tình xin bỏ các thứ xâu thuế,
vì đồng bào nghèo khổ không có tiền nộp thuế.
Một nhóm khác cũng đi khắp cả làng, chuyên việc cầm kéo cắt
tóc những đồng bào tình nguyện theo phong trào. Cuộc vận động cắt tóc trong
toàn tỉnh này, đa số dân chúng không dám theo, nhưng vẫn có kết quả lớn lao và
kinh khủng. Một số "đồng bào" - cũng có nghĩa là "đồng
chí" - hầu hết là thanh niên Nho học, tụ họp tại tỉnh, có trên năm trăm
người, tóc cắt ngắn sát da đầu, ngồi chòm hỏm chật đường từ Cửa Tây tỉnh thành
đến trước cổng Toà Sứ. Lúc bấy giờ vào khoãng giờ Thìn (8 giờ sáng) một buổi
sáng đẹp trời, ánh nắng chiếu trên hai hàng cây sầu - đâu và cây dầu-lai-tây ngả
rợp bóng xuống đường. Hai vị quan An nam đầu tỉnh - Tuần vũ và Án sát - lật đật
sang hội thương với "Quan Công Sứ", để tìm cach đối phó. Một lát
sau, Quan Sứ, Quan Phó Sứ, Quan Giám Binh (chỉ huy đội lính khố xanh) và mười
người lính tập (lính khố xanh) cùng với hai vị quan An Nam ra trước cổng.
Viên Công Sứ truyền lịnh cho lính nạp đạn sẵn sàng và chĩa mũi súng ngay vào
đám dân biểu tình ngồi lặng lẽ. Viên Công Sứ bảo Quan Tuần hỏi:
- Các chú tụ hộp nơi đây để làm chi?
Mấy người người ngồi hàng đầu dõngđạc trả lời:
- Bẩm quan lớn, đồng bào nghèo đói không có tiền nộp thuế,
xin quan lớn bẩm lại với quan Pháp-lang-sa tha bớt thuế cho đồng bào.
Viên Tuần vũ dịch lại tiếng Tây cho công sứ Pháp nghe. Người
ta không biết quan An Nam dịch tiếng Tây có đúng hay không, nhung người thấy
viên Công Sứ truyền lịnh cho lính khố xanh bắn ào đám biểu tình.
Một loạt súng nổ. Một số người ngã lăn ra chết, máu chảy lai
láng. Tất cả những người còn sống đều hốt hoảng đứng dậy chạy tán loạn thoát ra
ngoài Cửa Tây, bỏ lại trên đường gần ba chục xác chết. Quan An Nam còn muốn bảo
lính đuổi theo bọn "đồng bào" và bắn nữa... bắn nữa... nhưng viên
Công Sứ Pháp khoát tay, không cho . Sau đó mấy hôm, các quan Huyện, quan Phủ,
được lính bắt đem nộp về tỉnh một số đông bào các ông Cử, ông Tú, và các đồng
bào có đầu tóc ngắn. Hầu hết đều bị ở tù tại nhà lao tỉnh. Một số bị đày đi Côn
Lôn. Một số đông khác nhờ vợ ở nhà bán ruộng đất đem tiền ra chuộc tội và lo
lót các quan được khỏi tù.
Sự thực, đây chỉ là một cuộc biểu tình "xin xâu" của
những "đồng bào" không có khí giới, không bạo động, nhưng quan An Nam
gọi là "giặc đồng bào" và trong sử do người Pháp viết cũng gọi là
"Giặc cắt tóc" (Guerre des Tondeux).
Biến cố xẩy ra từ năm Mậu Thân, 1908, cách đấy đã 8 năm rồi.
Nhưng đám thanh niên Nho học kế tiếp từ 1910 đến 1918 vẫn còn ghê sợ chuyện
"cắt tóc bị tù" đến nổi họ vẫn không dám bắt chước bọn "học trò
Nhà Nước" đã hớt tóc "carré" theo kiểu Tây.
Trần anh Tuấn, mới hồi nào là thằng Chuột để một chỏm tóc
trên đầu, ở truồng cả ngày đi chơi rong ngoài dường phố, và sợ Ông Tây bà Đầm
như sợ cọp, mà nay đi học ở Huế và nghỉ hè, đem về một cái đầu tóc "cúp rẽ
giữa", "văn minh" quá, mới lạ quá, được bà con trong tỉnh trầm
trồ ngắm nghía...
Đám học trò của thầy Tú Phong, luôn luôn giữ đúng theo nề nếp
nhà Nho, và trung thành với Khổng giáo. Nhưng ông Tú cũng đã bị bắt và bị tù,
nên họ phải đi học một ông thầy khác, ông này nhát gan, không dám theo phe
"đồng bào" mà cũng không muốn theo phe Tây. Học trò của ông, những
thanh niên từ 11,1 2, đến 24, 25 tuổi - thường đến chơi với Tuấn, và cứ chê
cái học của Tuấn không cao thâm như Khổng học. Nhưng, dù sao nghe Tuấn đọc bài
"récitation", thuộc lòng những bài thơ chữ Pháp và làm toán
Géométrie, toán Algèbre, học bài Physique, Chimie, chưng bày những bản đồ châu
Âu, châu Á, châu Mỹ vẽ đủ các màu, bà con cô bác và ngay trong đám học trò chữ
Nho, vẫn có nhiều người thèm thuồng, và phục trò Tuấn "sát đất ". Tuấn
hãnh diện một phần nào. Tuấn vui vẻ tự thấy mình tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã đóng
một vai trò khá đặc biệt trong đám thanh niên và được nhiều người trong tỉnh
khen ngợi.
Nhưng Tuấn vẫn áy náy trong lòng. Tuấn rất lo ngại vụ Ông Đốc
trường Quốc Học hăm viết thư mét với ông Sứ ở tỉnh nhà về chuyện Tuấn bị tình
nghi là theo đảng Vua Duy-Tân ở Huế. Tuấn thầm mong ông Sứ không biết gì về
chuyện ấy để Tuấn được tiếp tục học ở Huế. Tuấn mới có 13 "tuổi Tây",
14 "tuổi Ta", hãy còn bé quá, cho nên có lúc bồng bột hăng hái, nhưng
cũng có lúc lo sợ tù tội.
Theo lời nhiều người bà con khuyên bảo, Tuấn phải đến chào
ông Công Sứ. Tuấn mặc áo dài bằng vải trang đầm, mang guốc đội mũ, đến toà Sứ một
buổi sáng ngày thứ hai, sau khi về nhà được hơn nửa tháng. Tuấn nghỉ rằng đến
đây chắc sẽ gặp thầy Ký Thanh, và sẽ truyện trò thích thú lắm. Tuấn sực nhớ
chính mình đã dạy thầy Ký Thanh học ABC, hồi Thanh còn là Nho sĩ... chưa đọc được
bức thư chữ Quốc ngữ của cô Ba Hợi... Nhưng bây giờ Thanh đã làm thầy Ký Toà Sứ,
Tuấn còn là học trò, mặc dầu là học trò trường Quốc Học Huế. Vả lại, Thanh đã
23 tuổi, Tuấn mới có 14 tuổi, hãy còn con nít quá. Tuấn thấy mình hãy còn là thằng
Chuột... Tuấn thập thò ngoài cổng Toà Sứ một lúc rồi bạo dạn bước vô . Trông thấy
rõ thầy Ký Thanh đang ngồi bàn giấy làm việc. Tuấn cất mũ chào và tươi cười đến
gần. Nhưng Tuấn mắc cỡ và ngạc nhiên hết sức: - thầy Ký Thanh trừng mắt ngó Tuấn,
với nét mặt khinh khỉnh, không thèm chào lại, không hỏi một tiếng. Lạ hơn nữa
là Thanh nguýt Tuấn một cái rồi đứng dậy quay lưng đến gõ cửa văn phòng
"Quan Công Sứ " có vẻ bí mật... lạ lùng. Tuấn tần ngần đứng đấy một
lúc thì Thanh từ trong phòng Quan Sứ mở cửa bước ra, đi thẳng tới Tuấn, nghiêm
trang bảo:
- Trò Tuấn, trò về nghỉ hè mấy bửa rồi, sao bửa nay trò mới tới
chào cụ Sứ?
Tuấn hơi luýnh quýnh trả lời đại cho êm xuôi:
- Tôi mới về mấy bửa rày anh Thanh à.
Thanh trố mằt bảo:
- Kêu tôi bằng thầy Ký chứ không được kêu tôi bằng
"anh", nghe chưa? Cụ lớn truyền lịnh trò phải vô hầu cụ lớn để cụ lớn
hỏi, lần này trò đi ở tù!
Tuấn hồi hộp lo sợ, đi theo sau Tuấn, Tuấn tự hỏi thầm:
- Sao lại đi ở tù? Có điều gì nguy hiểm dữ vậy?
Đến cửa văn phòng trước khi đẩy cửa vào, Thanh đứng lại lấy
ngón tay chỉ đôi guốc Tuấn, và truyền lịnh:
- Bỏ guốc ra! Vô hầu cụ lớn Sứ mà trò dám mang guốc à?
Tuấn nghe lời, bỏ qguốc đi chân không. Thanh lại chỉ cái mũ:
- Bỏ mũ xuống đất không được cầm trong tay.
Tuấn cũng nghe lời, đặt mũ xuống một bên cánh cửa gần xó tường.
Thanh lại cho lịnh:
- Trò đứng đây, chừng nào cụ Lớn Sứ cho phép vô mới được vô.
Tuấn làm thinh đứng yên một chỗ.
Thanh khẽ gõ cửa, Tuấn nghe rõ tiếng ông Sứ nói trong văn
phòng:
- Fais-l entrer (cho nó vào)
Thanh khẽ mở cửa, và dặn Tuấn:
- Đi sau tôi, nghe không?
Thanh mang giầy Hạ, nhưng đi nhón gót, sợ sệt, từng bước một.
Tuấn đi theo sau, Thanh làm cho Tuấn hoảng sợ, làm Tuấn cứ tưởng ông Sứ sẽ ăn
thịt Tuấn, nếu không thì cũng sẽ đánh Tuấn mấy bạt tai nẩy lửa như ông Đốc học
Huế, rồi gọi lính còng tay Tuấn, bắt Tuấn đem đi bỏ tù.
Bàn giấy ông Sứ kê gần cửa sổ sơn xanh, có ánh sáng vàng và
các chậu hoa tươi nở rất đẹp. Ông Sứ đang soạn hồ sơ gì trên bàn, Tuấn mới đi
vào đến giữa phòng, cách bàn giấy năm sáu bước nữa thì Thanh bảo Tuấn đứng lại.
Tuấn hồi hộp quá đứng vòng tay trước ngực như sắp sửa chịu tội.
Nhưng ông Sứ ngước mặt ngó Tuấn và cười nói:
- Ah! Le voilà, mon mouton... de... Panurge. Approche-toi!
(A, nó kìa! con cừu của Panurge. Lại gần đây!)
Tuấn khúm núm bước đến gần. Nhưng Tuấn rất không ngờ ông Sứ
đưa tay ra:
- Bonjour, mon petit! (chào cậu bé của tôi)
Tuấn cúi đầu lễ phép đưa tay để bắt tay "ông Sứ" và
lẩm bẩm tiếng Pháp :
- Bonjour, Monsieur le Président,! (xin chào quan Sứ)
Thầy Ký Thanh thấy Tuấn được "cụ lớn" bắt tay chào,
thầy càng tỏ vẻ thù ghét Tuấn lắm. Thầy hầm hầm nét mặt nhưng chỉ đứng vòng tay
sau lưng "cụ lớn sứ", vì Tuấn có thể đối đáp bằng tiếng tây với ông Sứ,
không cần phải thầy ký Thanh thông ngôn, Tuấn nói tiếng Pháp còn trôi chảy hơn
Thanh nữa.
Với một giọng dịu dàng gần như thân thiết, ông Sứ hỏi Tuấn về
sự học hành ở trường Quốc Học và các giáo sư như thế nào. Tuấn bình tỉnh trả lời
từng câu, suông sẻ trong khi ông Sứ ngó hồ sơ trên bàn, và bảo Tuấn:
- Tao biết mầy học giỏi. Tao được ông Đốc học trường mầy gửi
về tao các bản báo cáo tam cá nguyệt về các môn học của mầy trong năm. Tao bằng
lòng lắm. Mầy xứng đáng với học bổng của tao cho . Nhưng có một điều tao rất
không bằng lòng, là cuối niên học, mầy đã bị Ông Đốc học cho "nốt" xấu
trong học ba... Theo công văn của ông Đốc vừa gởi cho tao thì mầy là một
"đầu óc xấu", mầy nghe lời người ta dụ dỗ theo đảng vua Duy-Tân...
phải không?
Nghe đến đây, Tuấn tái mặt, nhưng ông Sứ nhìn Tuấn với cặp mắt
khoan hồng :
- Mầy dự vào chuyện đó làm chi thế, hả Trần anh Tuấn? Mầy
còn bé quá... Mầy phải chăm học. Mầy không thể bắt chước vua Duy-Tân được. Ông
Đốc học cho tao biết về trường hợp của mầy, nên tiếp tục cho mầy học bổng, hay
bắt bỏ tù mầy? Nhưng tao thương mầy là con nít, vì mầy học giỏi. Và mầy là đứa
học trò đầu tiên của tỉnh nầy được học trường Quốc Học. Tao muốn giữ danh dự
cho tỉnh nhà. Vậy mầy phải hứa danh dự với tao rằng từ nay mầy đừng làm chuyện
bậy bạ nữa thì tao không bỏ tù mầy, và tao tiếp tục cho mầy học bổng để mầy học
cho đến thi đỗ bằng Thành Chung. Mầy có hứa với tao không?
- Dạ, thưa quan lớn, con xin hứa.
- Chắc không?
- Thưa chắc.
- Được rồi, nếu mầy không giữ lời hứa, thì không những mầy
không được học nữa mà mầy còn sẽ bị ... bỏ vào nhà pha!
Ông Sứ nói tiếp :
- Thôi bây giờ chúc mầy nghỉ hè vui vẻ, và nhất là không được
dự vào những việc quốc sự. Mầy nghe không?
- Dạ nghe.
Ông Sứ đưa tay bắt tay Tuấn. Tuấn cúi đầu lễ phép bắt tay từ
giã ông tỉnh trưởng Pháp.
Thanh đưa Tuấn ra cửa, rồi khép cửa trở vào bàn giấy, ông Sứ
bảo Thanh :
- Mầy thấy không! Thằng học trò trẻ tuổi ấy biết nghe những
lời khuyên bảo khôn ngoan của tao. Sao hôm nọ mầy lại xin tao bỏ tù một đứa con
nít ngây thơ hiền lành?
- Bẩm cụ Sứ, nó là một đầu óc xấu xa. Nó dám chống lại nước
Đại Pháp.
- Chưa chắc. Dù nó có đầu óc xấu xa như ông đốc trường Quốc Học
đã phê trong học bạ và viết trong công văn, nó cũng có thể hối cải được nếu người
ta biết khuyên răn nó. Như tao đã làm lúc nãy.
- Bẩm cụ Sứ, cha thằng Tuấn là chú thợ mộc dốt nát mà có con
học ở Huế... Nó không đáng được học bổng của cụ lớn...
- Mầy ganh ghét với nó hả? Thế sao mầy không đi Huế học như
nó? Cha mầy làm lý trưởng có nhiều tiền bạc cơ mà!
Ký Thanh ngậm câm. Ông Sứ cầm xấp hồ sơ của Trần anh Tuấn, bảo
chàng đem cất lại trong tủ.
Tuấn ngồi bàn, coi theo sách Địa Dư bằng chữ Pháp, vẽ một bản
đồ Ngũ đại châu, trên một tờ giấy tây lớn, rồi tô mầu. Một đám thanh niên Nho học
năm sáu anh đứng chung quanh coi. Dụng cụ học sinh chưa có đâu bán nhiều, nhất
là bút chì mầu mực mầu, chưa có. Tuấn mài củ nghệ làm màu vàng, hái một nắm lá ớt
xanh đâm thật nhuyễn trong chén rồi nhỏ vào vài ba giọt nước lạnh để làm mầu
xanh lục, lấy năm sáu bao nhang ngâm nước rồi vắt ra làm mầu đỏ. Tuấn đã biết
trông mầu xanh và mầu đỏ làm mầu tím và mài son làm mầu gạch. Tuấn lấy bút nho
tô lên bản đồ Thế giới có đủ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, thành
ngũ đại dương rực rỡ năm mầu.
Nhiều người trông thấy đẹp, tuy không hiểu gì cả, nhưng cũng
bảo Tuấn vẻ cho mổi người một bản, tô mầu, đề chữ Quốc ngữ, và họ ghi chữ Hán một
bên, đem về nhà dán trên vách tường để coi chơi. Như một thầy giáo, trò Tuấn giảng
cho mọi người nghe : trên hoàn cầu có năm châu, và nước "An Nam" ở về
châu Á... Ai nấy nghe mê.
Mực viết, mà mọi người gọi là "mực tây" cũng rất hiếm.
Chỉ có vài nhà hàng "các chú" bán nhưng giá rất mắc, và chỉ có mỗi một
thứ mực tím mà thôi. Không hiểu tại sao mực xanh và mực đỏ không có. Mực tím nước
mỗi ve (mỗi bình) vuông vức và nhỏ, một bề độ ba phân, giá bán 3 tiền một ve,
mực bột, (chưa có mực viên) thì 1 tiền một gói nhỏ đủ hoà ra được một bình.
Nhà Tuấn nghèo, không có tiền mua mực, Tuấn đi dạo khắp trong
tỉnh thành, xem những nhà nào có trồng bông bụt (tiếng Bắc gọi là hoa dâm-bụt), lén hái hoặc xin, đầy một thúng. Về nhà, Tuấn ngắt cuống, bỏ bông vào một nồi
nước đun trên bếp lửa.
Mẹ Tuấn hỏi:
- Nấu bông bụt làm chi vậy con?
- Dạ, thưa mẹ, con bắt chước học trò ở Huế nấu mực tím, khỏi
tốn tiền mua mực tây.
Tội nghiệp Tuấn. Mùa nắng nực, buổi trưa oi ả mà Tuấn cứ phải
ngồi chụm lửa, và cầm ống dang thổi mãi cho lửa cháy phừng phực để nước mau
sôi. Tuấn mình mẩy ướt đẫm mồ hôi như tắm mà cứ ngồi lì bên bếp lửa, tay cầm
đôi đũa xáo trộn không ngớt những cánh bông bụt cho chín đều, cho thật nhuyễn...
Nước sôi sùng-sục, khói toả nghi ngút làm cay mắt Tuấn, nước mắt nước mũi chảy
lòng thòng. Một lúc lâu, nước cạn còn độ một tô Tuấn mới bằt nồi xuống, đem ra
ngoài cửa có gió mát, ngồi chờ cho nước nguội. Tuấn lấy đũa vớt xác bông bụt bỏ
đi, rồi nghiêng nồi nước đổ ra tô . Tuấn vui mừng, reo lên :
- Mẹ ơi, mẹ. Ra coi con nấu được mực rồi đây nè!
Thím Ba ở nhà trên đang gọt khoai lang, liền bỏ dao trong
thúng chạy xuống cửa bếp để mà coi. Thím cũng vui sướng và ngạc nhiên thấy một
tô mực tím, mầu tím-rịm đẹp quá! Một hơi khói nhẹ còn bay lên từ tô mực phảng
phất một mùi thơm. Tuấn cười bảo:
- Mẹ Ơi, mầu tím này giống như màu áo của các cô gái Huế!
Thím Ba cười, nhổ một phẹt nước trầu ngoài sân rồi co ngón
tay chọi trên đầu thằng con trai một cú, nói đùa với nó:
- Mẹ... ... mầy! Coi chừng chớ làm như câu hát hò: "Học
trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế mà đi không đành", thì chết đó,
không nghe con!
Tuấn tủm tỉm cười, đưa bàn tay lên xoa trên đầu chỗ mẹ mới cú
chơi mà đau điếng. Rồi Tuấn bảo :
- Mẹ ơi, con gái Huế, họ mê con chớ con không mê họ đâu.
- Thiệt không!
- Dạ thiệt.
- Ừ, được đó. Con học sao cho đỗ Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, rồi
cưới con gái Vua . Chớ ở tỉnh mình đây, thằng Ký Thanh đỗ bằng ri-me lên làm được
chức thầy Ký ở Tòa Ông Sứ, rồi lấy cô Ba Hợi, con ông Bá Hộ, mà hai vợ chồng nó
làm phách quá, nội cả tỉnh với làng phố này ai cũng sợ, mà ai cũng ghét ! Mầy
cưới công chúa ở Huế về đây thì nó mới hết hồn.
Tuấn khẽ trút tô mực tím vào một chai không, độ một lít, còn dư
một chút đủ rót vào bình mực nhỏ. Tuấn vừa làm vừa nói với mẹ :
- Mẹ muốn con cưới công chúa, thì con sẽ cưới con gái vua
Duy-Tân.
Thím Ba hốt hoảng, liền bỏ nhỏ trong tai con:
- Con đừng nói tới vua Duy-Tân, bị bò tù chết cha!
Mẹ Tuấn trở lên nhà trên. Tuấn ngồi ngạch cửa bếp lặng lẽ
nhìn mây gió, và nghĩ đến vụ Hoàng Đế Duy Tân... Mặt Tuấn bổng xầm lại, Tuấn
hãy còn nhỏ tuổi, thế mà đa cảm, đa sầu. Nhớ vua Duy-Tân bị bắt đi đày. Tuấn
rưng rưng hai ngấn lệ...
CHƯƠNG 12
1916
- Người Pháp mộ lính sang Pháp đánh giặc Đức.
- Áp-phích Rồng Nam phun bạc của Phạm Quỳnh
- Một vụ ăn hối lộ đầu tiên của công chức làm việc cho Tây
- Có người ăn hối lộ và người bị hối lộ đều làm tiệc ăn mừng
- Ba chàng trai tráng tình nguyện đi lính qua Tây, kỳ Đệ Nhất
Thế Chiến 1914-1918
- Ông Ách đi Tây về
- Đồng tiền kẻm của Vua An Nam. Đồng xu và đồng bạc của Bảo Hộ
Pháp.
- Lính "Phú lít" An Nam. (Cảnh sát)
Tuấn đang học lại bài, nằm trên chiếc chiếu trải ngoài vườn,
bên gốc cây mít. Lá mít rụng đầy chung quanh, lá úa đỏ. Trời vừa chạng vạng. Một
con chim chìa vôi bay đậu trên sân, nhẩy hai ba bước, đuôi dựng lên, y như chiếc
chìa vôi cắm trong miệng bình vôi. Gió mát. Tuy là cảnh phố phường, ở ngay tỉnh
lỵ, mhưng yên lặng, vì không có tiếng xe, ít có tiếng người, không ồn ào náo
nhiệt. Bổng con chó Vện nằm cạnh chân Tuấn sủa lên mấy tiếng. Tuấn ngó ra cổng.
Chú Thập Điều từ ngoài bước vào, vừa đi vừa hỏi to:
Tuấn ngồi dậy lên tiếng:
- Gì đó chú Thập?
- Chú với dượng gì! Làng mời cậu ra đình, coi dùm tờ giấy của
cụ Lớn trên tỉnh gởi về, bằng chữ Quốc ngữ. Không ai đọc được hết trọi hết
trơn... Thầy Xã nói hoạ may có trò Chuột hiểu được cái thứ chữ đó, chớ ai mà hiểu.
Thầy Xã sai tui vô mời trò ra coi giùm, gấp gấp!
Thím Ba từ trong nhà, bước ra sân, hỏi:
- Gì đó chú Thập? Sao hổng vô nhà uống nước, ăn trầu đã?
- Dạ thôi, thím Ba... Có việc gấp, thầy Xã biểu mời cậu Chuột
ra đình coi giùm cái tờ giấy gì đó của tỉnh gởi về. Một tờ giấy in chữ Quốc ngữ
thiệt lớn, có vẽ con Rồng...
Thím Ba gọi Tuấn:
- Con vô mặc áo dài, đi con.
- Dạ.
Đến đình làng, Tuấn đước mấy ông Hương chức niềm nở mời ngồi
trên ghế tràng kỷ, và đưa "cậu Khoá" xem hai tờ giấy in to tướng. Một
tờ in chữ quốc ngữ dầy đặc, có một tựa thật lớn và một giòng chữ Hán bên cạnh,
nhan đề : "Trung Kỳ Bảo Hộ công báo" .
Một tờ in hình một con Rồng vàng phun những đồng bạc trắng,
trên đầu bức vẽ có in hai giòng chữ quốc ngữ nét đậm màu đỏ : "Rồng Nam
phun bạc, đánh đuổi Đức tặc".
(hai câu này của Phạm Quỳnh ở Hà Nội đặt ra).
Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ "Trung Kỳ Bảo Hộ
công báo " là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về
Huyện, Huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước bảo hộ Pháp-lang-sa đang
đánh giặc với Đức, tức là nước Phổ-lô-si
(phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch). Đức là một
nước "dã man, tàn bạo", bị Pháp-lang-sa đánh thua liểng-xiểng, binh
lính Đức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn, v.v... Nhưng trận giặc còn lâu
dài, cho nên "dân An Nam nhờ nước Pháp-lang-sa bảo hộ, phải quyên tiền và
đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ... v.v... Quyên tiền bạc bằng
cách mua "Phiếu Quốc Trái ", nghĩa là dân bỏ tiền ra mua Phiếu quốc
trái, cũng như cho Nhà Nước Bảo Hộ vay, mỗi năm tính lời, v...v... Bức vẽ
"Rồng Nam phun bạc" cổ động cho phiếu quốc trái, con Rồng "An
Nam" phun bạc ra như thế để "đánh đuổi giặc Đức. Lúc bấy giờ Đức chiếm
cứ cả miền Đông nước Pháp, gồm hai tỉnh Alsace - Lorraine, và hăm doạ tiến vào
kinh đô Paris.
Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu
Quốc Trái. Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để
"đánh đuổi giặc Đức ".
Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải
bắt ép hai cậu thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh. Một người tên là Năm
Xin, con Bà Trác goá chồng, nhà nghèo xác nghèo xơ, "không có miếng đất để
cắm dùi". Người nữa là chàng nho sĩ, học trò cũ của ông Tú Phong, bấy giờ
thôi học, lo làm ruộng.
Hầu hết lớp "lính tình nguyện" nầy ở khắp xứ Trung
Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.
Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang "Mẫu Quốc"
là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện, cho đến các ông
hương, ông xã trong làng, đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác, cứ
nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc
cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót Xã một phần,
lên lo lót Huyện một phần, rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Về thực tế, phải
nhìn nhận rằng các quan lại người Pháp không bao giờ ăn hối lộ trong vụ này, và
họ hoàn toàn không biết một tí gì về cái thói hối lộ của quan An Nam.
Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chổ này
chổ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng
trong gia đình, khỏi bị bắt "tình nguyện" đi lính sang Pháp.
Thầy Ký Thanh nhờ làm thư ký Toà Sứ, cũng biết chụp cơ hội để
làm giàu một vố lớn. Thầy biết trong xóm Cửa Bắc, có một ông nhà giàu, chủ một
chiếc ghe bầu thường đậu ở bến Tàm Thương, và tháng nào cũng đi buôn nước mắm
và muối ở miệt Phan Thiết. Ông này có ba con trai, mà người con trưởng đã có vợ,
lại đỡ đần hết mọi việc gia đình cho ông, vì ông đã già yếu. Ký Thanh cho người
mời ông đến nhà, để bảo với ông:
- Cụ Lớn Công Sứ biết ông có ba người con, nên cụ lớn biểu
tôi làm giấy bắt cậu Hai đi lính sang Mẫu Quốc đánh giặc.
Chỉ một câu thế thôi. Thế là ông chủ ghe bầu thì-thầm, thì-thụt,
khóc lóc năn nỉ thầy Ký, "tay chưn của cụ Sứ". Suốt nửa tháng trời,
hai cha con điều đình, vận động với thầy Ký. Rốt cuộc có kết quả mỹ-mãn: - sẽ
không có giấy của "cụ Sứ" bắt cậu Hai đi lính. Một buổi tối ông chủ
ghe bầu và con trai của ông, khăn đen áo dài, bưng đến nhà thầy con gà mái tơ,
một con gà chai rượu, một cặp trà, hai chục trứng vịt, một quả nếp, một trăm
quan tiền, và một nén vàng!
Ký Thanh khoe với vợ - Ba Hợi phu nhân, - vợ nhoẻn miệng cười
duyên:
- Đó là Thầy làm ơn làm phước cho người ta. Người ta đền ơn
Thầy như vầy là ít đó.
Hôm chủ nhật, hai vợ chồng làm tiệc mời các bạn đồng liêu
trong Toà Sứ đến ăn một bửa no say, nói là ngày giổ ông Nội.
Hai cha con ông chủ ghe bầu hú hồn hú vía! Cha khỏi bị lìa
con, con khỏi bị xa nhà, xa vợ, cũng lật đật làm bửa tiệc cúng Ông Bà và cúng
cô hồn. Làng xã được mời đến dự tiệc, được một bửa say tuý-luý. Rốt cuộc ai
cũng vui vẻ cả! Chỉ có ông Sứ - cụ Lớn Sứ - hoàn toàn không biết một tí gì về
vụ này, và không được ai mời uống rượu!
Trong làng sở tại của Trần anh Tuấn, lúc đầu tiên có hai người
thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh, bị bắt "tình nguyện" tùng
chinh sang Pháp. Sau, quan binh buộc làng phải bắt thêm một người nữa. Cả thảy
là 3 người:
- Năm Xin, con bà Trác.
- Hai Ngoạn, con chú Đẹp.
- Hai Tạ, con ông Bằng.
Cả ba đều là nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sát đất,
nghèo mạt tệ. Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị
hương chức, đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại
ba anh chàng này không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính "tình
nguyện" qua "mẫu quốc" đánh giặc "Phổ Lổ Sĩ ".
Nói là qua "mẫu quốc" đánh giặc, nhưng sự thật thì
qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là "đoàn quân thuộc địa" chỉ dùng
riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận,
nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm
trú ẩn. Chẳng có một người "lính thuộc địa" nào, nhất là lính
"Tirailleurs Annamites" được cầm súng đánh giặc cả.
Gia đình của ba chàng thanh niên trong làng sở tại của Tuấn bị
bắt đi tùng chinh bên Pháp đều có làm cơm cúng ông bà, và cúng ông Thần làng,
trước hôm họ từ giã ra đi. Tội nghiệp nhứt là bà Trác. Bà khóc nức nở vì bà đã
goá bụa, mà Năm Xin lại là con một của bà, "như hũ mắm treo giàn bí".
Mấy ông hương chức bắt cậu đi tùng chinh qua Tây kể cũng thật là ác! Họ chẳng
thương hại cho hoàn cảnh của bà Trác một chút nào! Nhưng Năm Xin nói với mẹ:
"Mẹ đừng có lo, Nhờ Trời che chở cho con được bình an vô sự, con đi lính sẽ
đóng lon Cai, lon Đội, con được hàm Bát Phẩm, Cửu Phẩm, rồi con về làng con được
ăn trên ngồi trước, con sẽ bỏ tù hết cả làng cho mẹ coi!"
Năm Xin không có học chữ Nho, dốt đặc như cán cuốc, cho nên
chàng nói nôm na mánh qué như thế, vậy mà mấy ông làng nghe cũng hơi ơn ớn.
Hôm bà Trác mua một con gà giò về làm thịt nấu cháo để cúng
ông bà, cậu Năm Xin có nằn -nì mẹ mua cho cậu một tiền rượu, trước là để cúng
sau là để cậu uống một bửa cho thoả thích. Uống rượu say, cậu la hét một mình,
cả làng xóm đều nghe: "Rồi coi chừng thằng Năm này, nghe không. Tao đi
đánh giặc cho Vua nước Đại Pháp, biết đâu chừng Vua Đại Pháp thăng cho tao chức
Lãnh binh, Thống chế, rồi tao sẽ cho bà con giòng họ tụi bay đi ở tù hết! Nghe
chưa tụi bay? Đó là tao nhơn đức đó, không thì tao giết hết không còn một mạng
à!"
Năm Xin mượn hơi rượu để hăm doạ các ông Hương Xã, trước hôm
y ra đi tùng chinh, thế mà đã có kết quả ngay ngày hôm sau. Lúc giờ Mẹo, chàng
xách gói ra đi, cả làng cả xóm đều đến vuốt ve, dua nịnh, sốt sắng chúc chàng:
"thượng lộ bình an". Ai nấy cũng nghĩ thầm: "biết đâu chừng
sau này hết giặc, nó sẽ trở về làm tới Lãnh binh, Thống chế !"
Hai vợ chồng ông Bằng, thì bà khóc nhưng ông không khóc. Vì
Hai Tạ tuy cũng là con một trong gia đình, nhưng cậu ngỗ nghịch quá xá, lại cờ
bạc rượu chè, bỏ nhà đi chơi luôn. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thằng con ông đi
lính qua Tây cho khuất mắt ông. Qua bên đó đánh giặc thế nào nó cũng chết, ông
nghĩ thế. Ông sẽ cưới bà vợ bé, sanh thằng con trai khác để nối giòng nối dõi.
Trong ba chàng thanh niên tùng chinh, chỉ có Hai Ngoạn là có
chút ít học thức. Chàng là học trò của ông Tú Phong, dồi mài kinh sử đã lâu, nhưng
số phận hẩm hiu, đi thi kỳ nào cũng hỏng, hoặc phạm trường quy bị đánh rớt. Sức
học của cậu có kém gì mấy ông Tú Tài, Cử Nhân, nhưng lều chõng mấy phen mà bạch
thủ vẫn hoàn bạch thủ, đành cu rú ở nhà, vô tích sự. Chàng có hơi thất chí,
nhưng vẫn kiêu căng tự đắc, lúc nào cũng cho mình là một sĩ phu chưa gặp thời
đó thôi. Bị làng bắt đi lính sang Pháp-lang-sa, Hai Ngoạn nghĩ rằng thời của
chàng đã đến. Đây là cơ hội đễ chàng tiến thân. Chàng xổ một mớ chữ Nho, nhớ
câu trong sách:
- "Đại trượng phu xử thế đương tảo trừ thiên hạ, an sự nhất
thất?" (Người trai ở đời phải quét sạch cả thiên hạ, há lẽ chỉ quét một
cái nhà thôi ư!)
Kể ra chàng cũng có cái khí khái của con nhà Nho dở mùa,
nhưng chàng rêu rao có hơi sớm.
Ba nhân vật trên đây có thể nói là điển hình. Họ tiêu biểu ba
hiện tượng tâm lý của lớp thanh niên An Nam tùng chinh sang Pháp trong trận Đệ
nhứt Thế chiến, 1914-1918.
Một hạng có mộng làm lớn để trở về hách dịch với đồng bào, và
một hạng ưa phiêu lưu, cả hai đều là những kẻ ít học. Hạng thứ ba nuôi đầy triết
lý Nho giáo nhưng áp dụng không đúng với tư tưởng, làm nô lệ cho người mà vẫn
hãnh diện tưởng đóng vai trò anh hùng của thời thế.
Tất cả thanh niên tùng chinh ở Trung Kỳ, 21 đến 24 tuổi, đều
được lịnh đến trình diện tại đồn lính Khố xanh ở các tỉnh, rồi từ tỉnh họ được
chở đi tập trung tại Huế, đợi tầu sang Pháp. Đã có một lớp lính mới được đưa ra
Huế đầu tiên, mấy tháng trước, và được huấn luyện rồi. Nhưng phần đông số lính
này lại được nhà cách mạng Trần cao Vân tuyên truyền bí mật theo phong trào khởi
nghĩa của Vua Duy Tân, và đã sẵn sàng làm nội ứng. Cuộc khởi nghĩa DuyTân thất
bại, các đoàn lính tình nguyện kế tiếp đều bị kiểm soát thật chặc chẽ, và bị đề
phòng gắt gao.
CHƯƠNG 13
Sau bốn năm liên tục học ở Huế, và thi đỗ bằng Thành Chung,
tháng 6 năm 1918, Trần anh Tuấn về tỉnh nhà được đặc biệt bổ làm thông ngôn ở
Tòa Sứ. Năm sau, 1919, ba chàng thanh niên đi tùng chinh kia cũng được từ Pháp
hồi hương, bình yên vô sự.
Cả ba đều vui mừng và hãnh diện. Tính tình cử chỉ ngôn ngữ của
họ đều có nhiều sự thay đổi. Nhưng ba giấc mộng tang bồng hồ thĩ đều không
thành đạt như sỡ nguyện.
Năm Xin không được làm quan Lãnh binh, quan Thống Chế, mà chỉ
là chú lính binh nhì. Đàn bà con nít trong xóm làng và trong thành phố nghe chú
nói tiếng Tây rằng chú là lính "đơ đèm cờ-lát" (2è classe ) họ cười rộ
lên, và gọi ngạo chú là đơ đèm cùi bắp". Bọn con nít gọi chú là "đơ
đèm cù-léc". Nhưng chú vẫn khoe khoang suốt ngày mang
"đôi giầy lính tây" đi vênh vang ngoài phố nện gót
giầy độp độp... Ba tháng sau, chú xin vô làm "bồi" cho ông Giám binh
và nói rặc "tiếng bồi". Bà đầm sai chú ra chợ mua đồ, chú cũng nói
" tiêng Tây " với mấy bà bán ngoài chợ :
- Bán cho tui "cách ớp- đờ-cà -na" ( 4 trứng vịt ).
Tiếng Pháp canard là con vịt đực, cane là con vịt cái, nhưng chú bồi Năm Xin chỉ
biết ca-na là con vịt, thành ra chú vẫn quen miệng nói :"ớp- đờ-cà-na",
4 cái trứng vịt.
Mấy ông làng sở tại thấy Năm Xin đi lính bên Tây chỉ là tên
lính "đơ đèm cùi-bắp" nên họ vững lòng khỏi sợ y thù oán. Nhưng Năm
Xin vẫn hách dịch như thường. Mỗi khi làng có cúng tế ở Đình, Năm Xin diện bộ đồ
"Sơn đá" cũ mèm, đến Đình ngồi ngang hàng với các vị hương chức. Họ vẫn
sợ chú, vì chú là "bồi" của quan Giám binh. Chú có thể dựa thế quan
Tây để bắt nạt làng xóm.
Hai Tạ, con ông Bằng, thì được đóng lon cai. Chàng đã 23 tuổi
và được ông Công Sứ cho làm cai "Phú-lít" (Police) lính cảnh sát. Cả
ngày chàng cầm cái roi mây đi các đường phố trong tỉnh, ghé vô chợ, vô các tiệm,
nạt nộ người nầy, hăm doạ người kia, và mua hàng hoá không trả tiền. Nhưng
không một chủ tiệm nào dám đòi, kể các tiệm "các chú" và tiệm An Nam. Thường dân trong thanh phố hay bị chàng đánh hoài, ít người dám kêu-rêu.
Chàng sả roi mây vào đầu người ta, quất vào vai, vào mông
đít, ít người dám kêu-rêu. Vì tội người ta không dở nón chào "thầy
Cai" hoặc lỡ miệng gọi chàng là "chú Cái" .
Hai Ngoạn, bậc "đại trương phu" môn đệ của Khổng
giáo, đi lính cho Tây được đóng lon Ông Ách (Adjudant ), tức là ông Quản. Nhưng
chàng ta bị điên, vì có lần chỉ huy một đoàn quân An-Nam-mít vận tải ra mặt trận
bị một trái phá đại bác của Đức rơi nổ bên cạnh, chàng xiêu hồn lạc phách rồi từ
đó trở thành điên luôn. Về tỉnh nhà, chàng vẫn còn loạn óc, tuy trai trẻ, mạnh
khỏe, và khá đẹp trai. Chàng mới có 24 tuổi. Người ta thường gặp ông Ách vác một
cây gậy trên vai, giả làm như cây súng, đi lang thang trong tỉnh, trong làng,vừa
đi vừa hô lên một mình: Ấc, đơ... Ấc, đơ!... Ấc, đơ!... (một, hai! một, hai!). Có khi chàng cột một tấm giẻ rách, màu xanh, hoặc màu đỏ trên đầu cây gậy,
làm như lá cờ. Tụi con nít sợ "ông Ách" lắm. Chàng đi tới đâu, tụi nó
trốn tới đó, không một đứa nào dám ló mặt ra. Ông Ách không hề sợ một ai hết thẩy.
Ông chỉ sợ mỗi một thứ mà thôi - ông sợ tiếng nổ. Mấy ngày Tết, nhiều nhà đốt
pháo, Ông Ách nghe tiếng pháo nổ, vội vàng chạy trốn, tìm chổ chui núp, bất cứ
đang ở đâu.
Ông Ách thường ưa gặp Trần anh Tuấn, bấy giờ đã thành ra thầy
Phán Tuấn. Hể gặp, là ông Ách xổ tiếng bồi:
- Me xừ Phán Tuấn ơi, nè lũy, tồm-bê côm xà: Bùm! Bùm!
Tuấn cười hỏi:
- Cái gì bùm, bùm?
- Cái ô-buýt đại cà-nông lũy kêu Bùm! Bùm! Chớ cái phuy đi
thì luỹ kêu: pầng! pầng!
Rồi ông Ách cười:
- Vậy mà moã ya-na-pa-pơ! (tui không sợ!)
Ông Ách lại cười ha hả, đưa tay lên chào Phán Tuấn theo kiểu
nhà binh, rồi đi. Chàng thanh niên loạn óc nầy cứ đi lang thang như thế suốt
ngày, ban đêm bạ đâu ngủ đó...
Ông Ách tuy vậy vẫn không làm hại ai. Chỉ có tụi trẻ nít là sợ
ông, sợ ông ghê lắm, nhưng sợ vì thấy ông điên điên khùng khùng chứ sự thật ông
đâu có doạ nạt con nít. Ông chỉ cầm gậy đuổi đánh đứa nào chọc ghẹo ông.
Chúng nó sợ Ông Ách đến nỗi mỗi một khi có đứa nhỏ nào khóc,
người lớn chỉ doạ nó một câu : "Nín đi, ông Ách đến kia-kìa !" là nó
nín ngay tức khắc, mắt ngơ ngác nhìn xem ông Ách ở đâu... Hoặc chúng nó đang
chơi ngoài đường, vui vẻ, bổng có đứa nào nói gạt: "Ông Ách kìa, tụi bay
ơi!" thế là cả bọn chạy biến đi mất tiêu, đứa vụt vào nhà đóng cửa lại,
đứa trốn ngoài bụi, đứa chui xuống gầm giường, đứa nấp sau gốc cây.
Người lớn thì trái lại, thích gặp ông Ách để gợi chuyện cho
ông nói nghe chơi. Ông nói cả chữ Tây lẩn chữ Nho . Vì ông xuất thân là con nhà
Nho, lại sang Pháp học lỏm được một mớ tiếng Tây ba-rọi đem về làm quà cho bà
con trong tỉnh. Điên thì điên, nhưng mỗi tháng đúng ngày, ông Ách vẫn nhớ lên
Toà Kho Bạc để lãnh tiền cấp dưỡng của Nhà nước, hình như được đâu một đồng bạc.
Thời bấy giờ, trong nước ta thông dụng hai thứ tiền tệ: của
"chính phủ bảo hộ", thì bạc đồng, bạc cắc, và xu (chưa có giấy bạc). Đồng bạc tròn, dầy độ 1 millimètre, đúc bằng bạc thật 9 phần 10, nặng trên
27 grammes, ở giữa có hình nổi một bà Đầm Marianne, tượng trưng cho nước Pháp,
trên đầu bà có một vòng tủa ra nhiều tia nhọn. Không hiểu sao dân chúng thường
gọi "Đồng Bạc Bà Đầm Xoè". Đồng xu thì bằng đồng, ở giữa có lổ nhỏ để
xâu, chung quanh cũng có in chữ nổi: "Indochine Francaise" (Đông
Dương của Pháp) như đồng bạc.
Vua ta thì có tiền. Tiền của Vua có hai loại: "Tiền ăn
sáu" và "Tiền ăn bá". Một đồng tiền ăn ba cũng được gọi là
"đồng điếu" là đơn vị tối thiểu của đơn vị tiền tệ thời bấy giờ. (Nghèo không có đồng điếu, nghĩa là nghèo xơ nghèo xác, nghèo mạt tệ). Mười đồng
tiền ăn sáu hay là 20 đồng tiền ăn ba, tức là một tiền. 10 tiền ăn sáu hay là
20 tiền ăn ba cột lại với một lật tre, thành một quan tiền. Hầu hết trong dân
chúng đều dùng: Loại Tiền ấy. Tiền đúc niên hiệu Gia Long thông bảo, Minh Mạng
thông bảo, Thiệu Trị thông bảo, Tự Đức thông bảo v.v...
Chỉ có một số ít nhà giàu, hoặc khá giả, mới có bạc đồng.
Buôn bán tại các chợ, hoặc trong các tiệm, hầu hết là bằng tiền.
Ông Ách lãnh lương của Nhà nước Bảo-hộ cấp dưỡng bằng bạc đồng.
Ông đem bạc ra tiệm "các chú" đổi thành tiền. Ông cất tiền trong một
cái gói vải nhuộm màu đỏ, mà ông thường đeo lủng lẳng trên vai. Không ai biết số
tiền ấy ông đem cho ai, hay ông làm gì, mà tháng nào cũng vậy, cứ vài ba ngày
sau hôm lãnh tiền là ông không còn một đồng điếu. Rồi ông cứ đi ăn xin của người
ta.
Thầy cai phú-lít Hai Tạ, con ông Bằng, ăn lương cũng một đồng,
nhưng chàng ta nhờ tiền hối lộ, và các của phi nghĩa giành giựt của thường dân,
nhất là của những người buôn bán nên chàng có rầt nhiều tiền.
Cả tỉnh chỉ có hai thầy cai phú-lít. Gọi là thầy cai cho oai,
chớ sự thực là lính, tức là lính cảnh sát. Chân đi đất, mặc áo cụt trắng hoặc
đen, quần vải ta, thắt dây lưng đỏ tòn-ten dưới bụng. Y-phục của người lính
phú-lít An Nam năm 1900-1924 cũng y như của thường dân. Chỉ khác hai món để
phân biệt: người lính có nón gù đội trên đầu và chiếc roi mây luôn luôn cầm
nơi tay. Không có súng lục. Cũng không có dùi-cui. Chỉ có cây roi bổn mạng,
dùng để đánh đập người ta. Chú nông dân nghèo và không có học, trước đó hai
năm chỉ đi vác cờ, đánh trống, chạy hiệu cho làng, bây giờ đi "tùng
chinh" bên nước Đại Pháp trở về được "quan thầy Đại Pháp" cho
làm lính "phú-lít", cả làng cả tỉnh đều sợ hắn như sợ cọp. Ông Làng,
ông Xã đều gọi hắn bằng "Thầy Đội", "Thầy Cai". Hắn vào nhà
ai, chủ nhân phải mời hắn ngồi trên ghế tràng kỷ, mời trầu, mời nước, dạ dạ,
thưa thưa. Hắn, cũng như chàng Năm Xin "đơ-đèm-cùi-bắp" đi lính bên
Tây về làm bồi cho ông Giám binh, đều hách dịch như nhau cả. Hai người đều nói
tiếng bồi để loè với dân chúng à các cô thôn nữ. Họ chưng "địa vị" bồi
Tây và lính Cò để hiếp đáp bà con hàng phố, nạt nộ dân làng dân tỉnh.
Ở trong đồn Lính Tập, bà Đầm và ông Giám binh sai Năm Xin giặt
quần, giặt váy; ở Sở Cò thì ông Cò Tây chửi Hai Tạ là cu-son, con heo, mẹc,
xà-lù, con bò... Thế mà về làng, hai chàng thanh niên này nịt bộ đồ lính Tây
rách vá, mang đôi giày lính Tây há mồm, ung dung đến Đình làng vẫn muốn ăn trên
ngồi trước, ngang hàng với các cụ bô lão, rồi uống rượu say sưa, xổ tiếng bồi
làm ngơ ngác cả làng...
Đấy là thành tích của số đông các chàng trai "An
Nam" đã tùng chinh bên Pháp được trở về quê nhà sau trận giặc Pháp - Đức,
1914-1918.
CHƯƠNG 14
1916-1920
- Học trò các trường Nhà Nước đã đông
- Chữ Quốc-ngữ đã thông dụng. Chữ Hán đã bắt đầu bị chữ Quốc-ngữ
và chữ Pháp thay thế .
- 1919, Sắc chỉ của Vua bãi bỏ các kỳ Thi Hương, Thi Hội
(Hán-học)
- "Đèn Huê-kỳ"
- Đèn đá ngoài đường.
- Xe kéo của Quan Tuần-Vũ
- Học trò đi dự lễ tế Đức Khổng Tử?
- Dân chúng rủ nhau đi xem chiếc máy bay đầu tiên của Pháp xuất
hiện trên vòm trời Việt-Nam .
Trần anh Tuấn đỗ bằng Thành Chung trường Quốc Học Huế tháng
sáu năm 1918. Chàng mới có 16 tuổi. Kể từ lúc 8 tuổi cặp sách đến trường tỉnh học
lớp Năm, cho đến bây giờ thi đỗ "diplôme", chàng đã học được chín
năm, và sức học Pháp ngữ của chàng cũng đã khá vững rồi. Tuấn chưa đến tuổi trưởng
thành, nhưng lúc bấy giờ Tuấn thuộc vào lớp "trí thức" do học trường
Pháp mới đào tạo để làm việc cho Nhà nước Bảo-hộ. Riêng ở tỉnh nhà, Tuấn là người
đầu tiên thi đỗ bằng "Diplôme" ở trường Quốc học Huế. Cho nên Tuấn được
tiếng tăm là một tay "học thức cừ khôi" nhất trong tỉnh, và được ông
Công Sứ Pháp, chủ tỉnh, rất thương mến.
Bạn học cũ của Tuấn ở trường tỉnh, thi đỗ bằng sơ học đều được
bổ dụng làm việc ngay tại các Sở: Lục lộ, Kiểm lâm, Giây thép, nhà thương, kho
bạc, v.v... Với sức học còn ít oi, tiếng Pháp viết chưa đúng mẹo, nói chưa đúng
câu, hiểu chưa hết lời, các bạn thiếu niên ấy vẫn được tạm bổ dụng tại các cơ sở
mới vừa thiết lập, và vẫn làm được những công việc thường, do các "quan
tây" chỉ bảo lần hồi. Riêng Trần anh Tuấn được ưu đãi, nhờ học lực của
chàng. Chàng được ông Sứ tin dùng, cho lên ngay địa vị "Thông Phán hạng nhứt",
còn Ký Thanh trước kia là người thân tín của "cụ Lớn Công Sứ", bây giờ
chỉ còn làm thơ ký thường thôi.
Tuấn và Thanh, tiêu biểu cho hai hạng thanh niên "trí thức"
Việt Nam thời bấy giờ, tuy cũng là những phần tử trước tiên do học đường Pháp
đào tạo,cũng bỏ Hán-học nhẩy qua Tây-học, cũng ra làm việc cho "nhà nước bảo
hộ", cũng dần dần theo nếp sống của "văn minh Pháp", nhưng
"đầu óc" của hai người vẫn khác nhau như mặt trời mặt trăng. Lê văn
Thanh, thì các bạn đã biết rồi. Từ tư cách, cử chỉ, hành vi,, ngôn ngữ, chàng
đã tỏ ra là một kẻ hoàn toàn xu phụ theo Tây, dựa vào thế lực của Tây để hiếp
đáp đồng bào, để ăn hối lộ và hách dịch với mọi người. Cả thành phố, và cả tỉnh,
ai cũng sợ, nhưng ai cũng ghét.
Trần anh Tuấn thì khác hẳn. Tuy là con nhà nghèo - cha làm
nghề thợ mộc - và tuy được "quan Sứ" tin cậy và thương mến vì học lực
của chàng tương đối khá hơn cả trong tỉnh, thông thạo tiếng Pháp hơn, và có nhiều
khả năng hơn, nhưng chàng không vì thế mà hãnh diện. Trái lại, Trần anh Tuấn luôn
luôn vui vẻ, nhã nhặn với mọi người, làm việc rất thanh liêm, hành vi và ngôn
ngữ lúc nào cũng trung thực và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, bao bọc cho dân chúng
mỗi khi họ có việc phải đến "hầu Tòa".
Về bề ngoài, ai cũng phải công nhận "thầy thông Phán Tuấn"
là một người rất hiền lành, tử tế. Từ "quan Công Sứ", quan Phó Sứ,
các quan An Nam cho đến cả ông Hương, ông Xã khắp các phủ huyện trong tỉnh, và
những anh "dân quê", tất cả đều có cảm tình với Trần anh Tuấn. Được
người trên thương, kẻ dưới trọng. Thấy Phán Tuấn vẫn không bao giờ lấy đó làm
hiêu-hiêu tự đắc đối với các bạn đồng nghiệp trong Toà, hay là bất cứ với ai.
Hơn nữa, trong đầu óc Trần anh Tuấn, có những ý nghĩ thầm kín
mà không mấy khi Tuấn muốn thố lộ ra ngoài. Nhờ có đi học ở Huế, và nghe biết
rõ nhiều chuyện về Vua Hàm-Nghi, và Vua Duy-Tân, cả hai bậc Minh quân còn trẻ
tuổi, hai đấng thanh niên anh dũng của nước nhà, Trần anh Tuấn được thấm nhuần
tư tưởng "ái quốc" của hai nhà Vua ấy. Có những đêm vắng vẻ, một mình
một bóng, dưới túp nhà tranh của chàng ở Cửa Bắc, Tuấn nhớ đến vụ Hoàng đế
Duy-Tân và nghe người ta kể lại vụ Hoàng đế Thành Thái, Hoàng đế Hàm Nghi, cả
ba đều chống lại Tây, rồi bị bắt, bị đày xa quê hương. Tuấn suy nghĩ, xúc cảm,
buồn rầu rồi tự nhiên nằm khóc âm thầm trong đêm tối...
Lúc bấy giờ không ai hiểu được Tuấn. Chung quanh toàn là thế
lực và uy quyền của người Pháp, nịnh Pháp sợ Pháp, đa số coi người Pháp như thần
thánh, Tuấn vẫn lặng yên, âm thầm nhẫn nại, ngày hai buổi đi làm việc của mình,
không tỏ ra một dấu hiệu gì bất mãn cả. Chàng được các quan tin cậy lắm, và các
quan "An Nam" kính nể, tuy chàng còn trẻ tuổi quá, mới 17 tuổi, một
thiếu niên vừa tốt nghiệp trường Quốc Học ở Kinh đô. Thời kỳ Trần anh Tuấn là
một "quan Phán đầu toà" ngoan ngoãn hiền lành, chính là thời kỳ chàng
im lặng, âm thầm, chưa tiết lộ tâm chí của chàng còn bao nhiêu bí ẩn...
Nói đúng ra, từ ngày Trần anh Tuấn vào làm việc trong toà Sứ,
hoàn cảnh của gia đình Tuấn đã thay đổi khá nhiều. Dĩ nhiên, hoàn cảnh mới cần
phải thích hợp với địa vị mới của chàng và chàng đã được công nhận là một thanh
niên trí thức Tây học, đứng đầu trong tòa Sứ, cũng như đứng đầu trong cả tỉnh,
chưa ai so sánh kịp. Chiều theo lời cầu khẩn của Tuấn, chú Ba thân sinh của
chàng, không làm nghề thợ mộc nữa.
Không phải Tuấn chê cái nghề ấy là hèn hạ. Tuấn không bao giờ
có ý nghĩ trưởng giả như thế. Trái lại, sinh trưởng trong gia đình bình dân. Tuấn
luôn luôn có tư tưởng bình dân, và thích thân cận với giới bình dân hơn là giới
thượng lưu phong kiến. Nhưng số lương bỗng mỗi tháng của Tuấn có thể cung cấp đầy
đủ cho gia đình mức sống hàng ngày có thể tăng lên phần nào, khỏi cần phải ra sức
làm việc lao động của người cha già như trước nữa. Tuy đã được thấm nhuần sớm
hơn và sâu đậm hơn cái phong trào văn minh tinh thần và vật chất của người Pháp
đang lan tràn các từng lớp xã hội Việt Nam, Tuấn vẫn giữ được căn bản tinh hoa
của giống nòi mà lúc bấy giờ người ta thường gọi là "Quốc Hồn Quốc
Túy" của dân tộc Việt Nam.
Tuấn thường nói với cha: "Thưa cha, hồi con còn nhỏ dại,
cha phải làm việc cực nhọc để nuôi sống gia đình, nay con đã đi làm có tiền,
con có thể phụng dưỡng Cha Mẹ và nuôi em con. Cha mẹ cứ nghỉ chơi cho khoẻ, để
dưỡng tuổi già".
Bà con hàng xóm và trong làng, trong tỉnh, đều khen Tuấn là
có hiếu. Họ rất tán thưởng ý nghĩ của Tuấn, và cũng khuyên chú Ba nên nghỉ nghề
thợ mộc. Chú Ba nể lời (anh Phán nó) - chú thường gọi Tuấn như thế - và cũng
nghe lời bà con lối xóm làng, không còn xách cái giõ đựng cưa, bào, chàng, đục,
ống mực, cây thước, đi làm thuê và cưa cây đóng bàn cho thiên hạ, để kiếm vài
trăm quan tiền như trước nữa.
Nhưng bây giờ, nhờ lương bổng của Tuấn, có dư dả ít nhiều, và
tiện tặn góp-nhóp được vài ba chục đồng bạc, chú Ba đem khả năng nghề nghiệp của
mình điều khiển một số thợ mộc em út để xây cất một căn nhà mới cho gia đình của
chú, và tự chú đóng thêm bàn, ghế, tủ, giường, toàn mới cả.
Nhà mới vẫn phải lợp tranh, vì giá gạch, ngói còn đắt, nhưng
gian nhà mới bằng gỗ đã được rộng lớn hơn túp nhà lụp-xụp thuở trước, sáng sủa
hơn, sang trọng hơn.
Và đôi liển thiên hạ đi mừng tân gia, mừng thầy Thông Phán đầu
toà, toàn bằng chữ Nho, treo la liệt kín hết các vách tường bằng ván.
CHƯƠNG 15
Chú Ba và thím Ba chỉ có hai con trai, Tuấn và đứa em của Tuấn.
Cậu bé này từ khi sinh ra vẫn chưa có tên.
Thời bấy giờ không có Hộ-tịch, lấy chồng lấy vợ khỏi cần làm
giấy hôn thú, miễn có mời làng xã đến ăn uống, chứng nhận cho thế là được rồi.
Sinh con cũng khỏi có giấy khai sinh. Chính tên "Trần anh Tuấn" cũng
do thầy giáo đặt cho thằng Chuột hồi nó bắt đầu bị nhà nước bắt phải đi học.
Vì chú Ba thím Ba hiếm con, sợ đặt tên tốt đẹp cho con sẽ bị
ma quỷ bắt mất, nên chú thím theo tục lệ thông thường lúc bấy giờ, tục lệ này
được áp dụng không phải riêng trong giới dân nghèo, mà cả trong gia đình quan lại,
quí phái nữa - cứ tìm những tên rất xấu-xí, để ma chê quỷ hờn, không thèm đụng
chạm tới đứa nhỏ.
Em của Tuấn, được đặt tên lúc ra đời là thằng Bọ Hung. Nhưng
bây giờ nó đã được 9 tuổi. Tuấn muốn cho nó đi học trường Nhà nước ở tỉnh, và
bàn với cha mẹ, đặt tên chữ cho nó. Chú Ba bảo Tuấn :"Hai anh em mầy mặt
mũi giống nhau như đúc. Vậy tên mầy là Tuấn, thì tao cũng đặt cho nó tên Tuấn."
Thím Ba cũng gật đầu. Thím vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa cười:
"Ừ, sao mà thằng Bọ Hung nó giống mày như hai cái bánh in chung một khuôn
vậy đó ! Nó giống từ cái mặt, cái tay, cái chưn, cho tới bộ đi, bộ đứng, giọng
nói, giọng cười, giống hệt vậy hè! Nhờ thầy giáo đã đặt tên cho mầy là Trần
anh Tuấn, mầy mới làm nên danh giá, vậy thì cũng đặt tên cho em mầy là Trần anh
Tuấn, để nó hưỡng cái lộc của mầy."
Tuấn cười bảo : "Thưa mẹ, như thế trùng tên sao được?"
Chú Ba bảo : "Sợ trùng tên, thì mầy là Trần anh Tuấn, nó
là Trần em Tuấn."
Thím Ba lại vồn vã tán thành ngay :
- Mầy là anh, thì tên mầy là Anh-Tuấn, nó là em thì tên nó là
Em-Tuấn, phải đó.
Bọ Hung ngồi ngạch cửa, ở truồng trùng trục, với chỏm tóc
trên đầu, cũng nhe răng cười:
- Con cũng muốn tên của con giống như tên anh Hai. Cái gì của
con cũng giống anh Hai con mới chịu.
Cả nhà cười rộ lên. Trần anh Tuấn thấy thế, đành chìu theo ý
muốn chung của cha mẹ và em.
Thế là thằng Bọ Hung từ đây được đặt tên chữ là Trần Tuấn.
Nhưng về thực tế, người ta gọi nó là Tuấn-em.
Sáng hôm sau là ngày nhập học khởi đầu niên khoá 1919-1920,
Phán Tuấn dắt Tuấn-em đến trường Pháp-Việt (Ecole de Plein Exercice) xin cho
Tuấn-em vào lớp Năm.
Cũng kỳ nhận học này thầy ký Lê văn Thanh xin cho đứa em út của
thầy vào học cùng lớp với Tuấn-em. Tên nó là Lê văn Lục, 7 tuổi, nhỏ hơn Tuấn
em hai tuổi.
Trường Nhà Nước bây giờ đã đông học trò hơn mấy năm trước nhiều.
Dân thành phố ở tỉnh, cũng như dân quê ở các phủ, huyện, các làng, đã lần lượt
cho con đi học chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Lý do thực tế là họ thấy uy quyền của
chính phủ Bảo-hộ đã vững, cho con đi học, thi đỗ, làm việc ở các Toà, các sở,
như Ký Thanh, Phán Tuấn,v.v... vừa được tiền lương nhiều, lại vừa được danh vọng.
Trái lại, họ cũng thấy rằng cựu-học đã tàn, chữ Hán đã bắt đầu bị chữ quốc ngữ
và chữ Pháp thay thế.
Các ông Tú, ông Cử, ông Nghè, không được trọng dụng nữa.
Cùng năm 1919, nhà Vua đã ban sắc-chỉ bãi bỏ các kỳ thi
Hương, thi Hội (Hán-học) trong toàn cõi Trung Bắc kỳ. Hán học đã chính thức bị
đào thải. Chính các quan Phủ, quan Huyện của cựu trào trước kia vẫn phản đối chữ
Quốc-ngữ, chê nó không phải là chữ của Thánh-hiền, bây giờ cũng phải kiếm mời
thầy giáo về nhà dạy cho các quan học A.B.C. Quan Huyện không những tự mình đi
tỉnh mua bút, mực, giấy tây, để về nhà học và tập viết chữ quốc ngữ, mà quan
còn bắt bà Huyện và các cậu con trai, các cô con gái của nhà Quan cũng phải học
vần xuôi, vần ngược. Buổi sáng và buổi chiều, các Quan làm việc ở công đường,
còn tiếp tục phê các đơn trương, giấy tờ bằng chữ Hán, nhưng buổi trưa, buổi tối,
trong tư thất các quan phủ, quan huyện, vang lên tiếng bập bẹ đồng thanh, ồn
ào, vui vẻ của các Quan và cả gia đình những chữ "dị kỳ" : Ba, bã,
bâ, be, bê... ác, át, an, ang, áp, am...
Quan ông, quan bà, các cô,các cậu, vừa tập đọc vừa cười rần-rộ.
Các chú lính lệ đứng quạt hầu cho Quan Lớn và Bà Lớn, hoặc vòng tay đứng chờ lịnh
Quan sai những công việc lặt-vặt, đều cười khúc-khích với nhau, ngơ ngơ ngác
ngác chẳng hiểu chi cả.
Trong thời gian ấy, học trò lớp Năm các trường nhà nước đã
thuộc vần chữ Quốc ngữ trong một tháng khai giảng đầu tiên, rồi tiếp đến học cửu
chương bằng chữ Hán, để làm toán cộng, toán trừ, và học...
"vocabulaire" tiếng Pháp!
Lên lớp Tư (lớp Dự Bị) đã học chữ Pháp nhiều hơn, ở lớp Ba
(Sơ Đẳng), học chữ Pháp nhiều hơn nữa, lên đến lớp Nhì và lớp Nhứt thì các môn
học hoàn toàn bằng Pháp ngữ.
Song-song với phong trào học chữ quốc ngữ và chữ tây được thịnh
hành và truyền bá rất nhanh chóng trong các từng lớp dân chúng, đời sống vật chất
của xã hội Việt Nam, từ năm 1919 cũng đã thay đổi rất nhiều và rất mau lẹ.
CHƯƠNG 16
Tuy ở các tỉnh đèn điện chưa có, nhưng dầu hoả đã được bán khắp
các phố, các chợ, trong những thùng thiết lớn từ Huê-Kỳ chở qua. "Đèn
Huê-Kỳ", một loại đèn bằng thuỷ tinh, để thắp với dầu hoả, cũng được bán
trong các tiệm buôn Tầu và An Nam từ tỉnh đến thôn quê. Chỉ nhà nghèo mới tiếp
tục thắp đèn dầu phọng, hoặc dầu dừa, mỡ heo.
Tại tỉnh, hai bên đường phố, ban đêm chưa có đèn. Nhưng ở các
ngã tư đã có những trụ đèn bằng sắt, đúc và chạm rất đẹp, ở bên Tây đem qua,
trên ngọn có một thứ đèn chung quanh lồng kiếng, và thắp bằng hơi acétylène.
Người ta thường gọi là đèn hơi đá, hay là đèn carbure. Cứ vào khoảng 7 giờ chiều,
có một người lính vác chiếc thang trên vai, tay xách một cái đèn carbure, đi đến
từng ngã tư thành phố, nơi có trụ đèn. Anh dựng thang vào trụ, rồi cầm một chiếc
đèn leo lên thang. Gần đến ngọn, anh đưa tay lên mở một cửa kiếng, đặt đèn vào
trong. Trong đèn đã có sẵn bốn năm cục đá carbure và nước. Anh đánh một que
diêm (loại diêm Hoa-Sen rất thông dụng, do một hãng Pháp sản xuất tại Hàm Rồng
- Thanh Hoá). Anh châm lửa kề miệng vòi của chiếc đèn, tự nhiên lửa phực cháy,
do hơi acetylène trong đèn phựt ra.
Đèn carbure chiếu một ánh sáng xanh dịu, mát mẻ và soi xa một
vùng chu-vi bốn năm thước. Xong rồi, anh lính trèo xuống, vác thang lên vai,
tay còn xách năm, sáu chiếc đèn nữa, đi lần lượt đến những trụ đèn khác. Cứ
cách bốn năm chục thước, nơi các con đường lớn, mới có một trụ đèn carbure.
Tất cả các đường khác đều tối om- om.
Thường thường một chiếc đèn carbure ngoài đường cho cháy lâu
được 4 tiếng đồng hồ thôi. Thành thử, chú lính coi về việc thắp đèn phải đi
thay carbure mỗi đêm 3 lần, bất kể mưa gió, vào khoảng 7 giờ tối, 11 giờ khuya
và 3 giờ sáng. Mỗi lần, anh phải vác cái thang đi và xách theo một thùng đá
carbure, và một thùng nước lã. Lương của anh mỗi tháng 2 đồng bạc.
Riêng trong vườn Toà Sứ và chung quanh dinh thự Ông Sứ, treo
các loại đèn bằng đồng, bóng đèn thắp gọi là đèn tempête giống như loại đèn của
thợ mỏ.
Các nhà giàu sang, đều thắp đèn dầu hoả. Nhưng thắp rất là hà
tiện, vì giá dầu đắt lắm - nó gần như là xa xí phẩm hồi 1910. Trong các gia
đình người Pháp cũng thắp đèn dầu hoả.
Xe máy (xe đạp) chưa có ở các tỉnh. Nhưng xe kéo đã có nhiều
hơn trước, hầu hết là xe bánh sắt. Đầu năm 1920, mới bắt đầu xuất hiện vài ba
chiếc xe kéo bánh cao su Người dùng xe này trước nhất là Quan Tuần-Vũ, rồi đến
các "Quan Tây". Chỉ có mỗi một mình quan Công Sứ là có chiếc xe hơi
(auto) mà thôi, xe kiểu Delahaye. Xe kéo của Quan Tuần-Vũ do một chú lính kéo,
chú mặc áo "kẹp nẹp", đội "nón gù", đi chưn không. Mỗi lần
ông Tuần đi đâu, chú lính kéo xe coi bộ cũng hãnh diện, không kém gì Quan, ra vẻ
"ta đây là người tay chưn của cụ Lớn".
Lê văn Thanh đã sắm được chiếc xe bánh sắt. Kể ra, thầy Ký có
dư tiền sắm được chiếc xe bánh cao su, nhưng lúc đầu chàng còn e dè vì ngồi xe
bánh cao su, giống như quan Tuần-Vũ, sợ vô lễ với quan Tuần chăng? Nhưng đi làm
việc ở Toà Sứ, ngồi trên xe kéo bánh sắt cũng đã được hãnh diện lắm rồi. Chàng
vẫn muốn làm cao hơn Trần anh Tuấn, thầy Phán đầu toà mà ngày hai buổi vẫn
lóc-cóc đi bộ, mang đôi giầy Hạ xập-xệ cũ mèm.
Ngoài xe kéo ra, không còn phương tiện lưu thông hoặc chuyên
chở nào khác. Thường dân đi xe kéo bánh sắt, các Quan Lớn đi xe kéo bánh cao
su. Tuy nói là thường dân, nhưng cũng chỉ có hạng thường dân khá giả, nhà giàu
hoặc các thầy Thông, thầy Ký, mới có tiền đi xe kéo bánh sắt. Còn hầu hết nhân
dân đại chúng đều đi bộ. Họ đi bộ từ làng này sang làng khác, từ huyện này sang
huyện kia, từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Họ leo đèo vượt núi, lội bến băng sông, đầu
đội nón lá, chưn đi không, dưới trời nắng chang-chang, hoặc trong đêm khuya mờ-mịt.
Mỗi kỳ nghỉ hè, người ta thấy những đám thanh thiếu niên học
sinh trọ học ở tỉnh trở về quê nhà cách xa hàng 40, 50 cây số.
Vài ba ngày sau buổi học cuối cùng, thường là những đêm rằm,
trăng sáng vằng-vặc, các em rủ nhau từng đám độ 5, 10 trò từ chín mười đến mười
hai, mười ba tuổi quê quán cùng một huyện hay một phủ. Chúng hẹn gặp nhau tại một
nhà trọ nào đó, sau khi cơm nước no-nê, và khởi hành lúc thành phố bắt đầu
"đỏ đèn". Mỗi trò xách một va ly áo quần sách vở. Muốn tiện lợi, đỡ mỏi
tay xách, vài ba trò rủ nhau mượn một đòn gánh khá dài, cột chung "va
ly" thành một chùm đeo lủng lẳng ở giữa, và vài trò thay phiên nhau khiêng
trên vai, đi từng chặng đường. Dưới ánh trăng xanh, trên đường cái quan dài
thăm thẳm, hai bên là đồng ruộng mênh-mông nhái kêu ột-ệch, các em thiếu niên vừa
đùa nghịch, chuyện trò cười rỡn để quên bớt nỗi đường xa vạn dặm.
Đường quan-lộ vắng tanh vắng teo, không một bóng người lai
vãng. Đêm đã gần khuya, các em đi hơn mười cây số, đã mệt mỏi, tiếng cười tiếng
nói thưa lần, và bắt đầu hoang mang sợ sệt... Tất cả đều lặng lẽ, âm thầm...
Một vài trò mang guốc, cũng sợ cả tiếng guốc, nên xách guốc
trên tay.
Theo lời các bậc cha mẹ đã từng căn dặn trước, mỗi trò đều có
đem theo trong mình một con dao bằng sắt, hoặc cầm một nhánh dâu (loại dâu cho
tằm ăn), để tự vệ trong lúc đi ngang qua nhiều nơi có "ma". Những khu
rừng rậm, những khóm cây, những gò hoang có nhiều mồ mả, những cầu cống... đã nổi
tiếng là có nhiều "ma quái", "yêu tinh". Cha mẹ thường dặn
các trò: "Hễ gặp ma hiện hình ra, thì con lấy "roi dâu" quất nó,
nó sẽ chạy mất! Không, thì con đái ra quần, lấy nước đái lau trên mặt, thì Ma,
Yêu, không dám hớp hồn con... Con có dao bằng sắt, Ma không dám tới gần con...
".
Đó là những phương pháp trừ ma rất thông dụng mà em bé học
trò nào cũng biết, và cũng phòng thủ sẵn sàng trong khi đi học xa, hoặc đi về
nghỉ hè, và toàn là đi bộ.
Thời kỳ ấy, "ma quỷ" nhiều lắm. Ở khắp các nẻo đường,
các gốc cây, các nghĩa địa, các bến sông, các am miếu, ở ngay trong tỉnh thành
đều có vô số những chổ có ma. Nhưng sự thực, nghe đồn đải về ma thì nhiều, mà
chưa ai gặp một con ma, hay trông thấy một con ma lần nào.
Các em học sinh đi bộ suốt đêm như thế, cho nên lúc "gà
gáy sáng", hoặc hừng đông thì vừa đến huyện, rồi chia tay ai về nhà nấy.
Có kẻ còn đi năm, bảy cây số nữa.
Học trò nhà nước từ khoảng 1910 đến 1920, là con cháu các ông
Hương, ông Xã, một số ít nhà giàu, và các quan ở Phủ Huyện và ở tỉnh. Thanh
niên nhà nghèo hầu hết đều lo làm ruộng, hoặc các nghề thợ thuyền, chài lưới.
Ngay ở trường làng, học hành không tốn kém chi cả, cũng thường
chỉ là con các nhà khá giả mới cập vở đến trường học ABC. Con nhà giàu và con
cháu các ông Tú, ông Cử, ông Nghè, còn trung thành với đạo lý Khổng-Mạnh, vẫn
chưa theo phong trào Tây-học. Phần đông ở nhà hưởng thú "điền viên":
đá gà, uống rượu, đi bẫy chim, câu cá, đánh cờ... Một số xoay sang học nghề thuốc
Bắc và xem số Tử Vi.
CHƯƠNG 17
Ban ngày đường quan lộ cũng rất vắng người. Vì xe cộ không có,
trừ thỉnh thoảng một vài chiếc xe kéo bánh sắt uể- oải, chậm chạp còn tệ hơn xe
ngựa ngày nay. Xe hơi thì mỗi ngày chỉ có một chiếc từ trong Nam chạy ra, một
chiếc từ "miệt ngoài" chạy vào: đó là hai chiếc "xe thơ" của
một hãng Pháp, tên là S.T.A.C.A, chở hành khách sang, và chở thư bưu điện. Chiếc
xe hơi chạy vùn vụt trên quan lộ, kêu như sấm dậy, mỗi ngày một lần, là cả một
biến cố quan trọng hàng ngày. Hai bên đường dân chúng sợ sệt, lật đật tránh xa,
hai bên đồng ruộng trâu bò hoảng kinh chạy tán loạn.
Ông Tuần Vũ (tỉnh nhỏ) hay là ông Thống Đốc (tỉnh lớn) là vị
"Quan Lớn An Nam" đầu tỉnh, mỗi lần ngồi trên chiếc xe kéo bánh cao
su, đi đâu xa ngoài tỉnh, cũng là cả một biến cố lớn lao vậy. Có lính lệ (lính
hầu trong dinh quan) đi trước dẹp đường. Tay luôn luôn cầm chiếc roi mây, và
thái độ hung hăng, hắn rất hách dịch, đối với hết thẩy mọi người hai bên hàng
phố.
Những người đi đường đều phải né tránh ra hai bên đường, để
trống cả một quãng đường dài trước mặt Quan Lớn, không được có một người qua lại.
Người lính kéo xe quan, bước chậm chậm; như chở Quan đi dạo mát. Một người lính
theo sau, giương cao một cái lọng che trên đầu Quan, mặc dầu trời đã gần tối.
Năm 1920, nhân dịp ngày giổ đức Khổng-tử, Quan Tuần có gửi giấy
mời Quan Đốc học trường tỉnh và lần đầu tiên Quan yêu cầu cho học trò trường
Nhà Nước đi dự lễ.
Tuấn-em về nhà thưa lại với anh Hai và cha mẹ, để được tụ họp
với học trò cùng lớp tại nhà thầy giáo lớp Năm, đúng 7 giờ tối, theo lịnh của
quan Đốc học. Học trò lớp nào phải tụ họp tại nhà thầy giáo lớp ấy. Tuấn-em ăn
cơm vội vàng, rồi được mẹ thay cho quần trắng mới, áo dài đen mới, để đi dự lễ
Đức Thánh Khổng.
Đến nhà thầy Trợ giáo, gặp đông đủ bạn bè, đợi thầy giáo ăn
cơm xong rồi thầy dẫn học trò đi bộ đến Văn Miếu (đền thờ đức Khổng Tử), cách tỉnh
lỵ 3 cây số. Phải đi đò qua con sông lớn. Sông thì rộng, nước chảy mạnh, trời
thì tối, con đò thì nhỏ, mà học trò thì đông, phải qua đò một lượt với thầy,
nên các em sợ té la khóc om sòm! Thầy giáo rầy la bằng tiếng Tây:
"Silence!" (im). Qua bên kia sông, còn phải đi bộ hơn hai cây số nữa
mới tới Đền thờ Đức Khổng Tử. Đến đây, toàn thể học trò Nhà nước tụ họp lại 200
cậu và năm thầy Trợ giáo... Không có chỗ ngủ, tất cả phải nằm hai bên lề đường,
và trong các đám mía kế cận, đợi đến 5 giờ sáng mới bắt đầu tế lễ.
Gà lối xóm mới gáy một hồi, trời còn tối mù tối mịt, nhưng
nghe chuông trống nổi lên, các thầy giáo vội vàng thức dậy gọi học trò tụ họp
trước cổng Đền. Lớp nào đứng sắp hàng riêng lớp ấy, dưới sự chỉ dẩn của giáo
viên. Hầu hết học sinh còn buồn ngủ, vì không có nước rửa mặt nên nhiều cậu
chưa tỉnh hẵn, vừa đứng vừa ngủ gật.
Riêng lớp của Tuấn em, thầy giáo cầm cây đèn bạch lạp nhìn
vào tờ giấy danh sách để gọi tên, thì thiếu mất bốn trò. Bốn em này còn ngủ
trong đám mía, thầy bảo Tuấn em và hai trò nữa kiếm nhưng trời tối quá, không
tìm thấy. Vừa có lịnh quan Đốc học truyền cho các thầy dẫn học trò sắp hàng hai
đi vào trước đền. Chiêng trống lại nổi dậy, đèn đuốc sáng trưng. Cuộc tế lễ bắt
đầu.
Các quan Tỉnh, quan Phủ, quan Huyện, các thầy Đề lại, tất cả
các công chức Nam triều mặc triều phục đứng cúng, kẻ hàng trước, người hàng
sau, tùy theo trật tự phẩm hàm của mỗi quan. Sau cùng đến các thầy giáo và học
trò. Theo lời thầy dặn, hễ nghe tiếng hô:"Cúc cung hưng... bái" và tiếng
chuông trống đệm theo, các quan đứng trước lạy, thì học trò cũng phải bắt chước
sụp xuống lạy. Nghe tiếng hô: "Hưng thì đứng dậy, "Bái" thì sụp
xuống lạy v.v... đến khi "Hưng bình thân", thì đứng thẳng người hết lạy.
Tuấn em còn đang giấc ngủ, chưa tỉnh hẳn, khi sụp xuống lạy lần
đầu, Tuấn ngủ luôn. Mãi đến khi tế xong, thầy giáo lấy chân đá mạnh vào mông
đít Tuấn, Tuấn mới giật mình, lóp ngóp bò dậy, theo đám đông ra về.
Thầy giáo và học trò lại kéo nhau đi bộ 3 cây số về tỉnh và
đi đò sang sông.
Đến ngã tư cửa Tây, mặt trời đã lên cao "nữa chặn đòn
gánh" (7 giờ sáng). Học trò nghe phía sau lưng có tiếng lính la hét dẹp đường
và tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn bát âm, liền đứng lại để coi "quan
Tuần-Vũ".
"Quan Lớn" chủ tế lễ Đức Khổng Tử, trở về tỉnh,
cũng đã gần đến ngã tư. Đường cái quan đã được hai chú "lính lệ" tiền
phong xua đuổi, dọn dẹp trống rỗng, không có một người dân qua lại. Vài ba chú
cu li xe kéo bánh sắt đã lật đật kéo xe chạy sang các ngả đường khác. Những người
đàn bà đi chợ, đàn ông làm thợ, đi buôn bán, đi "làm việc" các sở, đều
phải tránh sang một bên, để đường cho "Quan Lớn" đi.
Trước tiên là sáu người lính bận áo kẹp nẹp, cầm cờ đuôi nheo
đi hai bên, rồi đến lính khiêng chuông, lính khiêng trống lớn, lính cầm trống
nhỏ, tám người lính thổi nhạc bát âm... Quan lớn ngồi trên chiếc xe kéo bánh
cao su, có lính che lọng, lính che tàn, lính cầm cờ, lính bưng hộp trầu (vì
quan lớn nhuộm răng đen và ăn trầu), lính bưng điếu thuốc trà v.v... (thuốc
lào-tiếng Bắc, ở Huế và Trung gọi là thuốc trà).
Thỉnh thoảng quan lớn truyền lịnh đem hộp trầu cau đã tiêm sẳn,
hoặc đem bình điếu trà đến, để quan lớn ăn trầu hút thuốc, thì cả đoàn lính hầu
hạ tùy tùng đều phải đứng lại một lát. Quan lớn ăn hút xong truyền lịnh đi, mới
lại tiếp tục đi.
Xe kéo quan lớn đi qua các đường phố, hai dãy tiệm buôn
"các chú" ở hai bên đường đều thi nhau đốt pháo mừng quan, và mặc áo
rộng đứng trước cửa cúi đầu cung kính chào quan. Quan lớn ngồi trong xe kéo,
làm nghiêm không chào lại.
Lúc xe quan Tuần vũ đi ngang qua mặt Tuấn em và một lũ học
trò đứng xem trên lề đường. Tuấn chỉ vào mặt quan và nói to với mấy đứa bạn nó:
- Mặt ông lớn cũng có ghèn, tụi bây ơi!
Ông lớn quay lại trừng mắt ngó Tuấn, Tuấn và mấy đứa bạn sợ
ông Lớn sai lính bắt, lật đật chạy biến mất trong đám đông người đứng coi chật
ních trước các hè phố...
Chúng chạy về nhà lấy sách vở đến trường... Hôm ấy học trò đi
trể khỏi bị phạt.
CHƯƠNG 18
Một buổi sáng thứ ba, Tuấn - em đang ngồi chăm chỉ nghe thầy
giáo lớp Năm giảng bài Địa dư, bổng có tiếng giầy tây của quan Đốc học đi lộp độp
ngoài hiên rồi bước vội vàng vào lớp, học trò đứng dậy. Quan Đốc (người tỉnh
Nghệ-an) nói tiếng tây trọ-trẹ với thầy giáo vài ba câu gì đó, rồi quay lại nói
tiếng Việt với học trò :
- 5 giờ chiều nay có máy bay tới tỉnh, vậy chiều nay cho nghỉ
học để các trò đi coi máy bay. Tất cả học trò đều phải đến trường hồi 3 giờ để
thầy giáo dẫn đi. Nghe không?
Cả lớp đều đồng thanh dạ rân một tiếng. Quan Đốc lại nói tiếng
Tây với thầy giáo vài ba câu rồi ra đi. Thầy bảo học trò:
- Asseyez-vous! (các trò, hãy ngồi xuống)
Học trò ngồi xuống, rồi thầy tiếp tục giảng bài. Dạy xong, gần
mãn giờ, thầy mới bảo:
- Các trò nghe quan Đốc dặn lúc nãy, phải nhớ đấy! Chiều nay
nghỉ học nhưng 3 giờ các trò phải đến trường để thầy dẫn đi coi máy bay... Các
trò có biết máy bay là cái gì không?
Cả lớp đồng thanh trả lời:
- Thưa thầy, các con không biết.
Thầy giáo giảng:
- Máy bay là cái máy biết bay. Nó bay như con chim bay vậy,
nhưng nó là con chim thật to, trong ruột nó có cái máy, nó ở ngoài Tourane bay
vô, nó sẽ đậu gần chợ Ông Bố, cách xa tỉnh 4 cây số.
Tuấn-em ngồi bàn đầu, dơ ngón tay lên. Thầy hỏi:
- Trò Tuấn hỏi gì?
Tuấn đứng dậy, vòng tay lễ phép:
- Thưa thầy, máy bay nó đậu trên ngọn cây hay nó đậu trên nóc
chợ?
Thầy cười:
- Nó đậu trên đám đất trống phía sau chợ.
Một trò khác dơ ngón tay lên hỏi:
- Thưa thầy, máy bay nó đậu trên đám đất, nhưng chiều nay nó
thấy mình tới coi đông quá, nó sợ nó bay mất thì làm sao coi được?
Thầy trả lời:
- Máy bay có ông quan Ba Tây lái ổng cho nó đậu đấy để người
ta tới xem. Sáng mai nó mới bay vô Qui-nhơn.
Tuấn-em lại dơ tay lên hỏi:
- Thưa thầy, thầy đã thấy cái máy bay chưa? Mình đứng coi, nó
có hít mình vô trong bụng nó như xe điện không?
- Thầy thấy hình vẽ cái máy bay trong tự điển Larousse chớ
chưa thấy cái máy bay ở ngoài. Chiều nay thầy dắt các trò đi coi, thầy cũng
coi. Từ trước tới giờ, đâu có máy bay mà coi. Bây giờ nhà nước bảo hộ mới đem một
chiếc máy bay từ bên nước Pháp qua cho người An Nam xem. Quan Công Sứ tư giấy
cho quan Đốc học, để cho học trò đi coi. Vậy chiều nay tới chỗ nó đậu, các trò
phải đứng với tôi, tôi đi đâu các trò đi theo đấy, chớ đừng chạy bậy bạ, đừng
có lại gần nó mà chết đấy, nghe không ?
- Dạ (cả lớp đều dạ một cách hồi hộp lo sợ)
Tuấn em về nhà thưa lại với anh Hai nó và cha mẹ nó... Cứ mỗi
lần thằng con trai út sắp đi lễ hay đi đâu như thế, là thím Ba, mẹ Tuấn, lo cho
Tuấn rất tươm tất, không để thiếu sót một tý gì. Thím mặc áo quần sạch sẽ cho
nó (áo dài đen bằng vải trang đầm, quần vải quyến trắng), thím lấy chổi lông gà
quét bụi trên chiếc mũ trắng của nó, cho nó một tiền (60 đồng tiền ăn ba) để nó
đi xa có tiền ăn bánh uống nước. Luôn luôn thím căn dặn nó "Con nắm áo thầy
giáo đi theo sát bên cạnh thầy, chớ đừng nô dỡn với bạn bè chạy nhảy tung tăng,
cái máy bay nó hít chết nghe không con! ".
Tuấn-em ngoan ngoãn dạ.
4 giờ chiều, 5 ông thầy giáo dẩn 5 lớp học trò đến đám đất trống
sau chợ Ông Bố, thì thiên hạ đã tụ tập nơi đây như một buổi chợ. Nghe đồn có
máy bay đến, hầu hết người lớn trẻ nhỏ trong thành phố đều nao nức đến xem. Người
ta kéo nhau lũ la lũ lượt đi chật đường chật xá, dân chúng khắp nơi đổ dồn về
đông nghẹt. Tất cả sở nhà nước đều nghỉ việc, để cho các thầy Thông thầy Ký, dắt
vợ dắt con đi xem máy bay. Con đường hương lộ từ tỉnh lên chợ Ông Bố, ngày thường
chỉ lưa thưa vài ba bóng người, nông dân đi cày bừa, thôn nữ đi chợ, hôm nay có
hàng muôn nghìn người chen chúc nhau đi, như một ngày đại hội. Đường đấp đất ruộng,
bụi bay lên mù mịt... Trừ ra những người giàu sang có tiền đi xe kéo, còn toàn
thể đều đi bộ trên đường quanh co giữa thôn quê dài trên bốn cây số. Xe kéo có
đeo trái lạc, chiếc xe chở hai ba người, anh phu xe khom lưng kéo, tay rung chiếc
lạc kêu leng-keng... leng-keng... người bộ hành phải bước xuống ruộng để cho xe
đi vì con đường chật hẹp. Nhiều người bực mình, cứ đi giữa đường, không chịu né
một bên, anh phu xe phải năn nỉ: "Bà con làm phước tránh chổ cho xe đi chớ,
bà con!" Tránh chỗ thì tránh, nhưng không tránh khỏi cãi nhau vì tranh
giành nhau đi trước, vì ai cũng sợ tới trễ. Rốt cuộc, tất cả mọi người đều vui
vẻ, đến đám đất chợ Ông Bố chờ, mà máy bay chưa tới.
Nếu đếm số người đi đón xem máy bay hôm ấy có lẽ hơn vài ngàn
người. Đây là lần đầu tiên người ta nói đến máy bay.
4 giờ rưỡi, ai nấy xôn xao. Quan Sứ đi "xe điện" đến.
Lính tập đã sắp hàng đứng đón, thổi kèn lên và bồng súng chào. Dưới ánh nắng
chiều, hai dẫy lưởi lê cắm trên miệng súng, sáng quắt nom thật là oai hùng...
Các quan tây cũng lục tục kéo tới, người đi ngựa, kẻ đi xe
kéo bánh sắt, hay bánh cao su. Một lúc sau, quan Tuần phủ mới đến, có lính lệ cầm
trống tiêu-cổ đi trước báo hiệu, đánh trống tum! tum! Nhưng quan Tuần có vẻ sợ
sệt khi thấy Quan Sứ đã đến trước rồi, quan Tuần vội-vàng xuống xe kéo cao su,
đi thẳng đến Quan Sứ, cúi đầu vái... vái...
Người ta thấy Quan Sứ vui vẻ nhã nhặn bắt tay Quan Tuần. Quan
tây nói chuyện với quan ta, có thầy phán Tuấn đứng bên cạnh làm thông ngôn.
Quan Tây móc "đồng hồ trái quít" ở trong túi ra xem
"đã 5 giờ kém 15". Ông liền truyền lịnh đốt rơm và bã mía đã chất sẳn
thành một đống to tướng nơi góc ruộng kế đấy. Tuấn-em không hiểu đốt rơm làm
gì, hỏi thầy giáo, thầy giáo không hiểu chạy đi hỏi quan Đốc, quan Đốc cũng
không hiểu chạy đến hỏi Phán Tuấn. Tuấn bảo: "Dạ thưa quan lớn, đốt để
khói lên làm dấu hiệu cho máy bay thấy chỗ đáp xuống, vì máy bay sắp đến".
Tiềng xì xầm truyền từ miệng này sang miệng khác: "Máy
bay sắp đến! Máy bay sắp đến!".
Và không ai bảo ai, muôn nghìn cái đầu ngước lên vòm trời
xanh thẳm... Muôn nghìn cặp mắt lục lọi, nhìn đăm đăm tận các làn mây xa... xa
tít ngoài hướng Bắc... tìm kiếm bóng dáng chiếc máy bay mà chưa ai biết như thế
nào.
Làn khói trắng từ nơi đống rơm và bã mía ngùn-ngụt cháy, vươn
mình lên không trung như một nàng Tiên uốn lượn thân hình mảnh khảnh, như say
sưa một vũ điệu mê ly, đón chờ con Chim Thần của Khoa Học Tây Phương.
5 giờ... 5 giờ 15, 5 giờ 30... Nhiều người bắt đầu nói bông
lơn. Nói bông lơn, vẫn là đặc tính của người dân quê ta. Kẻ thì tủm tỉm cười, bảo:
"Chắc chim bay xa, gãy cánh rớt xuống biễn rồi!". Kẻ đáp lại với giọng
mỉa mai khác: "Chú mày nói bá láp nè! Chim Thần Điểu của nước Đại Pháp thì
có phép lớn, đâu như chim sẻ của An Nam!"
Các Quan Tây coi bộ sốt ruột lắm. Trời đã chạng vạng. Nắng
chiều đã tắt sau các luỹ tre xanh xào-xạc gió. Làn khói rơm duyên dáng cũng đã
mỏi mệt, chỉ còn như một hơi thở yếu dần... Một con quạ bay tít nơi xa... hàng
trăm ngón tay chỉ chỏ... và bao nhiêu người reo lên: "Máy bay tới
kìa". Các quan Tây, quan An Nam cũng tưởng thật, tất cả những con mắt đều
ngó theo con quạ đen... Rốt cuộc con quạ đáp xuống một cành tre. Có lẽ nó mắc cỡ,
không dám bay xuống phi trường. Thiên hạ chăm chú ngó con quạ, trong lúc một
người lính Tây và một ông tập phi ngựa từ dưới tỉnh lên, lính cỡi ngựa ô chạy
trước, ông Tây cỡi ngựa kim chạy theo sau, tức tốc đến "phi trường"
mà không ai trông thấy...
Ông Tây phi ngựa thẳng tới chổ quan Sứ rồi hai người bắt tay
nhau nói chuyện xí lô xí la, xem giấy tờ nhau, rồi cười ầm ầm.
Thiên hạ không ai chờ đón máy bay nữa, nhưng lại tò mò muốn
biết ông Tây nào lạ mới đến đây vội vã bất ngờ như thế, có chuyện chi? Người ta
xôn xao, hay có biến loạn ở đâu? Bổng từ chổ ông Sứ đứng, quan Đốc học đi nhanh
đến các thầy giáo, vừa nói vừa cười:
- Sáng nay Quan Sứ ở Tourane đánh giây thép vào cho Quan Sứ
ta, bảo là: "Commandant avion arrivera ce soir" (Quan Ba máy bay sẽ đến
chiều nay).
Ông Tây lạ mới đến kia chính là quan Ba phi công ở ngoài
Tourane vào để quan sát phi trường đã, xem diện tích có rộng lớn và bằng phẳng
cho máy bay đáp xuống được không, nếu được thì sáng mai ông trở ra Tourane rồi
ba hôm sau máy bay mới đến.
Nên kể thêm rằng, ba hôm sau, cũng khoảng 5 giờ chiều máy bay
có đến. Một chiếc máy bay lớn sơn màu trắng, bốn cánh hình chữ nhật cũng mầu trắng,
hai cánh trên, hai cánh dưới. Phi cơ bay lượn ba vòng trên đám đất trống khá rộng
và đã được dọn dẹp sạch sẽ không có một bụi cỏ. Nhưng nó bay tít vào hướng Nam,
một cái chấm đen rồi biến mất làm cho khán giả lại thất vọng, tưởng nó bay
luôn. Nhưng một lát sau, nghe tiếng ầm ầm trên trời, mà không thấy nó đâu... bổng
từ trong làn mây trên rặng tre xanh, nó xuất hiện ra đột ngột, to lớn như một
con chim kỳ quặc kinh khủng, bay lượn mấy vòng nữa, tiếng nó vang động cả vòm
trời. Rồi nó lù lù hạ thấp xuống tận nơi xa và chạy thẳng đến giữa phi trường,
ngừng lại. Một cái chong chóng còn quay tít, gây ra môt làn gió mạnh, làm bay
nón, bay khăn của đám khán giả ngơ ngác. Ai nấy hoảng sợ, cả đám học trò, chạy
lui xa năm, sáu bước. Người ta thấy rõ mặt ông Quan Ba hôm trước từ trong phi
cơ bước ra tươi cười bắt tay Quan Sứ...
Đó là năm 1920. Cũng như tất cả mọi người trong tỉnh, hai anh
em Tuấn được trông thấy chiếc máy bay lần đầu tiên.
1921
- Ông Tú nhà Nho bị tù đày ở Côn Lôn lúc được trả tự do về nhà
mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Tây và Toán.
- Sữa hộp con chim (Nestlé) là món xa xỉ phẩm chỉ để các
quan dùng.
- Học trò "đi Tết" Thầy, và đọc "đít cua"
(discours) mừng tuổi Thầy.
- Tình hình các trường Nhà Nước khắp ba kỳ Trung Nam Bắc.
- Một bộ đồ Tây gởi vô Saigòn may.
- Một ông Đốc học nịnh "Mẫu quốc".
- Một ngày lễ Quốc Khánh Pháp. Và những trò giải trí nhục nhả
cho người An-Nam.
Chiếc máy bay lần đầu tiên kiểu Farman 1915, đáp xuống một
khu đất hoang gần tỉnh lỵ, một buổi chiều thứ sáu năm 1920, trước một công
chúng vài ngàn người đã gây được một uy tín lớn lao cho người Pháp và thêm được
một yếu tố tâm lý vững chắc cho chính sách chinh phục mà họ gọi là "Bảo Hộ".
Thời kỳ này các nhà Văn Thân có đầu óc ái quốc đã hoạt động chống Pháp từ
1906-1908, theo phong trào Duy Tân, phong trào xin xâu "giặc đồng
bào", hầu hết đã bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo đều đã lần lượt trở về, và sống
yên thường thủ phận. Các ông không hoạt động chính trị nữa, chỉ mở trường tư tại
nhà dạy học trò. Ông Tú Phong thầy học cũ của Ký Thanh và của Phán Tuấn, sau
khi bị đi tù ở Côn Lôn về, liền mở trường dạy chữ quốc ngữ và bỏ hẳn chữ Nho .
Người ta ngạc nhiên thấy ông Tú sau chín năm đi tù về, đã cúp tóc carré và cách
thức ăn ở đã tiêm nhiễm văn minh Âu Tây". Ông viết chữ quốc ngữ rất thạo,
và có đem về một quyển tập dầy khoảng 200 trang chép bằng mực tím tất cả những
gì ông học được trong nhà lao Côn Lôn. Ông đem quyển tập ấy dạy lại cho đám học
trò của ông, độ vài ba chục thanh thiếu niên, con những nhà khá giả nhưng không
thích đi học "trường nhà nước". Nhiều cậu đã lớn tuổi sắp làm ông
Hương, ông Xã . Đại khái về Toán thì ông Tú dạy cách đo bóng cây để biết cây
cao mấy thước, đo ngọn núi cao, và diện tích hình vuông, hình chử nhật, hình
tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thoi, v.v...
Ông cho học trò làm những bài toán bằng thơ, thí dụ như sau :
Vừa gà vừa chó
Bó một bó cho tròn
36 con
100 cái cẳng
Hỏi mấy gà, mấy chó?
v.v..
Về địa dư, ông dạy vẽ địa đồ "ngũ đại châu" và bôi
đủ các thứ mầu, vẽ bậy bạ không trúng vào đâu cả, nhưng đại khái cũng phân biệt
châu Âu, châu Á, châu Mỹ, v.v... Về Lịch sử, ông viết ra một quyển sách quốc ngữ
nhan đề "Nam Quốc Sử diễn ca" bằng thơ lục bát. Ông cho học trò học
thuộc lòng quyển sử của ông, một bản duy nhất, chép bằng tay, thay vì học
"Tứ Thư Ngũ kinh" như ông đã dạy trước kia. Quyển "Nam Quốc Sử
diễn ca" của ông Tú mở đầu như sau đây:
Nước ta đã bốn ngàn niên
Hồng Bàng lập quốc con Tiên cháu Rồng
Âu Cơ kết với Lạc Long
Sanh ra trăm trứng, chuyện không hoang đường
Mới nghe thì khó tỏ tường
Nhưng dòng Lạc Việt hùng cường biết bao!
Đất nhiều, sông rộng, núi cao,
Dân hăm lăm triệu, dễ đâu thua người!
v.v...
Tuy thế, ông Tú cũng thích chữ Tây lắm. Thỉnh thoảng ông dạy
học trò của ông học chơi cho vui vài ba câu tiếng Pháp mà ông đã học lỏm được ở
Côn Lôn, thí dụ như "Bông-xua Bà Đầm, Bông-xua Mông xừ, v.v..."
Mồng một Tết, ông Tú đến nhà ông Cử Phạm, chúc mừng bằng một
câu tiếng Tây : "Bon-an-nê !" điểm theo một nụ cười bông đùa rất có
duyên. Đó là triệu chứng chữ Pháp đã bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1920
trong dân gian vậy.
Ông Tú cũng dạy học trò của ông học chữ số của Tây theo giọng
ta:
- "On. đơ, toa, cách, xanh, xít, nớp, đít, ông,
đui..." Hơn nữa, ông Tú đặt tên cho đứa cháu ngoại đầu lòng của ông là Lê
văn On (theo chữ Un của Pháp), và đứa cháu nội thứ ba là Trần văn Toa (theo
chữ Trois).
Ông Tú dạy cả khoa vệ sinh nữa, một môn học mà trước kia
chính ông cũng chưa biết. Thí dụ, ông dạy rằng sáng dậy phải lấy cục than đen
trong bếp, chà trên răng rồi súc miệng, cho sạch miệng và sạch răng. Tất cả học
trò ông đều làm đúng theo lời ông dạy.
Ký Thanh là học trò cũ của ông Tú, trước kia rất kính trọng
thầy, nhưng từ ngày ông bị bắt vì quốc sự và bị đày đi Côn Lôn, chàng không dám
nhắc đến tên thầy nữa. Hôm ông Tú ở tù về, bà con trông phố và trong tỉnh mừng
rỡ đến thăm tấp nập, chật nhà cửa, và tỏ lòng quyến luyến cảm phục ông Tú. Duy
có Ký Thanh là không dám bước chân đến hỏi thăm thầy một câu. Chàng sợ
"liên luỵ" đến bổn thân, tìm cách tránh thầy cũ như tránh người cùi.
Phán Tuấn, trái lại, thường đến thăm thầy luôn, tuy rằng hồi
nhỏ "thằng Chuột" mới được ông Tú dạy cho học bập bẽ vài chữ
"thiên trời, địa đất" mà thôi, vì nhà nghèo nó đâu có đi học được thường
xuyên. Nhớ tình thầy trò cũ, Trần anh Tuấn thường "đem kỉnh" ông Tú một
gói trà hoặc một cân đường, một chai rượu hổ cốt, một hộp sữa bò. Thời buổi ấy
chỉ có một thứ sữa hộp duy nhất là sữa con chim và là một món xa xỉ. Ai có tiền
mới mua được một hộp về nhà để dành pha uống cả nửa tháng mới hết. Trong tỉnh
chỉ có các nhà quan và các thầy làm việc Nhà-nước, có lương bổng nhiều mới dám
uống sữa bò. Cho nên lâu lâu Phán Tuấn đem biếu ông Tú một hộp sữa Nestlé, ông
quý lắm, vui mừng cám ơn "thầy Phán". Mỗi lần Tuấn đến thăm, chàng
thích hỏi ông Tú về đời sống của tù ở Côn Lôn. Chàng thích nghe ông Tú kể chuyện
các bạn đồng lao của ông như ông Nghè Huỳnh thúc Kháng, ông Nghè Ngô đức Kế,
ông Tây Hồ Phan châu Trinh, ông Tú Tân Hội, vv...
Tuấn nghe say mê . Có lần Tuấn khẽ hỏi:
- Thưa thầy, vua Duy-Tân có ở Côn Lôn không?
- Không. Nghe nói Tây đày Ngài qua đâu tận bên Phi châu lận.
- Thưa thầy còn vua Thành Thái?
- Ngài, thì hình như cũng bị lưu đồ qua bên đó.
- Vua Hàm Nghi?
- Vua Hàm Nghi cũng bị đày qua Phi châu.
Tuấn hỏi cho biết thôi, chứ Tuấn không dám thổ lộ tâm sự
riêng tư gì của chàng. Chàng biết chàng đang bị Ký Thanh "dòm ngó" và
tìm đủ các cách để làm hại chàng. Tuấn đến thăm ông Tú Phong, đã là một hành động
táo bạo và liều lĩnh lắm rồi.
CHƯƠNG 20
Gần Tết, Tuấn-em xin mẹ một đồng bạc, góp với học trò trong lớp
mua các món lễ vật để "Tết" thầy lớp Năm. Lớp nào và trường nào học
trò cũng tự động làm việc ấy, để tỏ lòng biết ơn thầy dạy dỗ. Chính cha mẹ học
trò cũng rất sốt sắng về việc ấy nữa. Thầy giáo lúc bấy giờ được học sinh kính
mến và trọng vọng lắm.
Vì học giỏi nhất lớp, lại hạnh kiểm tốt, nên Tuấn được bạn bè
trao tiền nhờ mẹ mua các đồ vật tết thầy : một quả nếp, hai chai rượu, một cân
đường bông, và một cân đường phèn. Mấy lớp lớn (lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất), học
trò còn đọc "đít cua" để "mừng tuổi" thầy giáo. Học trò lớp
Năm còn nhỏ tuổi quá, chưa làm đước "đít cua", nhưng cha mẹ cũng dạy
cho một vài câu lễ phép mà các em học thuộc lòng ở nhà rồi đến đọc cho thầy
nghe. Chiều 27 hay 28 tháng chạp, thầy giáo vừa ăn cơm xong, thấy cả lớp học
trò của mình toàn tụi con nít 9, 10 tuổi, mặc áo đen dài, quần trắng, đi chưn
không, rụt rè tiến vô nhà. Mấy em đi đầu bưng mấy quả "lễ vật" tức là
quà Tết, cung kính đặt giữa bàn nơi thầy ngồi uống nước trà. Tất cả đều khúm
núm, sợ sệt. Thầy giáo đang mặc áo cụt, cũng vội vàng vào buồng mặc áo xuyến
dài ra tiếp học trò.
Các em đứng vòng tay rất lễ phép, rồi một đứa được các em đề
cử trước - chính là Tuấn-em - cúi đầu xá thầy ba xá, bập bẹ nói một câu mà em
đã được cha mẹ ở nhà dạy học thuộc lòng :
- Dạ bẩm Thầy, năm hết Tết đến, chúng con xin kính lời mừng
tuổi Thầy Cô cùng quý quyến và chúng em kính chúc Thầy Cô sang Năm Mới được Phật
Trời phò hộ an khương.
Tuấn nói trôi chảy gọn gàng không vấp một chữ, xong cúi đầu
xá thầy ba xá. Toàn thể các em đều cung kính cúi đầu xá thầy ba xá.
Thầy giáo ngồi bàn, rưng rưng nước mắt. Thầy cảm động quá
không nói sao được, liền đưa tay kéo Tuấn vào lòng thầy và kéo hết cả ba chục
em vào đứng lại hết cạnh thầy. Thầy lấy tay âu yếm vuốt đầu tóc các em.
Thầy giáo hồi xưa nghèo lắm. Lương tháng chỉ được 5 đồng bạc
chứ đâu có nhiều. Thầy không có gì đãi các em, chỉ bưng trên bàn thờ xuống một
quả bánh in của cô giáo vừa làm để cúng. Thầy gọi cô lấy thêm ra ít bánh cúng
cho đủ 30 cái bánh để làm quà cho 30 em học trò.
Mỗi em đưa hai bàn tay non nớt ra lễ phép nhận lãnh quà của
thầy.
Nhưng tội nghiệp không em nào ăn cả, bỏ túi để đem về khoe với
cha mẹ. Các em học trò năm 1920 đã biết quí cái bánh của thầy giáo cho Tết,
không phải bởi nó là cái bánh, mà bởi nó là món quà Tết của thầy. Thầy nói mấy
lời cảm ơn các em, cảm ơn cha mẹ các em, và gởi lời về "mừng tuổi"
các bậc cha mẹ. Cô giáo cũng vui vẻ tươi cười, âu yêm hỏi chuyện từng em.
Cũng buổi tối ấy, học trò lớp nào cũng đi Tết thầy giáo của
mình.
Riêng ở lớp Nhất, trò Hường được toàn thể các bạn cùng lớp cử
ra đọc bài "đít cua" bằng chữ Pháp để chúc mừng thầy. Bài tự trò làm
lấy, vì trò giỏi chữ Pháp nhất lớp. Trò đã làm xong trước đó mười ngày, và chuyền
tay nhau cả lớp cùng xem. Xong, trò Liên, con thầy Thông Lễ làm y tá ở tỉnh, nhờ
cha đem vào nhà thương đánh máy giùm trên một tờ giấy thật trắng. Trò Quít, đứng
đầu về môn vẽ, được các bạn giao cho công việc vẽ một bó hoa thật đẹp, đủ màu,
trên đầu tờ "đít cua".
Tối hôm ấy, cơm nước xong, vào khoảng 7 giờ, 40 học trò lớp
Nhất quần áo tề chỉnh, tụ họp tại nhà cậu Hường. Nơi đây, với tiền đóng góp của
tất cả lớp, mẹ cậu Hường đã mua sẵn các món lễ vật đựng trong 5 quả lớn. Năm cậu
tình nguyện bưng 5 quả, rồi tất cả cùng đi đến nhà thầy ở một đường hẻm tối om
trong thành. Chó sủa vang dậy cả xóm. Thầy giáo lớp Nhất đang nằm võng ru con
ngủ, nghiêng mình ngó ra sân thấy lố nhố những bóng đen. Cô giáo cầm chiếc đèn
Huê-kỳ đứng cửa rọi ra, quay vào nói với chồng "Học Trò !". Cô ôm con
ra để cho Thầy được rảnh. Thầy vào nhà trong, mặc áo lương dài kết nút xương,
ra ngồi ghế tràng kỷ để tiếp học trò của thầy.
Sau khi 5 cậu đặt 5 quả lễ vật trên bàn, ai nấy đều im lặng
vòng tay đứng sau Hường. Cậu Hường cầm tờ giấy đánh máy có vẽ bó hoa vạn thọ,
xá thầy ba xá, rồi cung kính đọc. Giọng cậu run run như sợ sệt. Xin chép nguyên
văn một bài Pháp-ngữ của học trò lớp Nhất tự làm ra để chúc mừng năm mới thầy
giáo, ngày Tết năm 1921: (tài liệu của ông Trần văn Tính, thân phụ một học
sinh trường Pháp-Việt, năm 1921)
Monsieur et Cher Maître,
A l occasion du Nouvel An qui va venir, nous, vos petits
élèves respectueux et obéissants, avons l honneur de vous adresser, ainsi qu à
votre honorable famille, nos voeux les plus fervents de Bonheur, de Richesse et
de Longévité.
Monsieur et Cher Maître,
Vos bienfaits sont comparables à la montagne Thái Sơn, vos
Vertus sont immenses comme la Mer de l Est. Vous êtes au-dessous du Roi mais
au-dessus de nos parents que nous aimons et respectons également. C est
pourquoi nous ne pouvons pas vous exprimer toute l instruction que vous nous
donnez.
Nous vous prions de vouloir bien pardonner notre langage
maladroit. Mais notre respect est grand à votre égard, notre gratitude est
profonde. Dans notre vie nous ne pourrons jamais oublier notre Maître
bien-aimé.
Veuillez agréer, Monsieur et Cher Maître, l expression de
notre très humble reconnaissance.
Vos élèves très dévoués du Cours Supérieur.
Tết, 1921.
Lời văn quả thật còn ngây ngô, nhung cách đặt câu đã khá vững,
văn phạm đã đúng đắn, diễn tả không đến nổi vụng về lắm.
Xin dịch nguyên văn.
Thưa thầy kính yêu,
Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng con, bọn học trò của Thầy,
cung kính và biết nghe lời, hân hạnh dâng lên Thầy cùng tôn quyến, những lời nồng
nhiệt kính chúc Thầy: Phước, Lộc, Thọ.
Thưa thầy kính yêu,
Ơn của Thầy như núi Thái Sơn, đức của Thầy rộng mênh mông như
biển Đông. Thầy ở bậc dưới Vua, nhưng ở bậc trên cha mẹ chúng con, mà chúng con
cũng yêu kính vậy. Cho nên chúng con không thể nào diễn tả hết được tất cả những
sự biết ơn mà chúng con cảm từ trong đáy lòng vì nền giáo dục mà Thầy đã ban
cho chúng con. Chúng con xin thầy tha thứ cho lời vụng về. Nhưng sự kính trọng
của chúng con rất là sâu xa. Trong đời chúng con sẽ không thể nào quên được bậc
Hiền sư yêu dấu.
Kính xin Thầy nhận nơi đây lòng tri ân hèn mọn của chúng con.
Học trò rất tận tâm trung thành với Thầy ở lớp Nhất.
Tết 1921
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét