Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Điều chưa biết về hai bài hát nổi tiếng của Du Tử Lê

Điều chưa biết về 
hai bài hát nổi tiếng của Du Tử Lê
"Khúc Thụy Du", "Tan theo ngày nắng vội" là ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của thi sĩ Du Tử Lê.
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là nhà thơ có tiếng tại miền Nam từ trước 1975. Du Tử Lê tham gia giới viết văn làm báo, là chứng nhân của nhiều trào lưu văn nghệ tại miền Nam trước đây. 
Du Tử Lê là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là "Bảy vì sao Bắc Đẩu" của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam (sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên).
Thi sĩ Du Tử Lê
Trước sự ra đi của nhà thi sĩ tài hoa ngày 7/10 tại Mỹ, khán giả không khỏi xúc động khi nhìn lại quãng đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật của ông. Ông có đến gần 300 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có nhiều bài hát quen thuộc với khán giả Việt Nam như Khúc Thuỵ Du, Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời, Trên ngọn tình sầu...
Khúc Thụy Du - từ thơ Du Tử Lê đến bản nhạc vạn người mê
Bài hát Khúc Thụy Du của nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, dựa trên ý thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Bài hát viết về tình yêu, hiển nhiên thế, nếu nghe những ca từ sau: "Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau/ Vì sao môi anh nóng/ Vì sao tay anh lạnh/ Vì sao thân anh rung/ Vì sao chân không vững/ Vì sao, và vì sao…", hay "Hãy nói về cuộc đời/ Tình yêu như lưỡi dao/ Tình yêu như mũi nhọn/ Êm ái và ngọt ngào…".
Tuyển thơ Khúc Thụy Du
Tuy nhiên, bài thơ Khúc Thụy Du được viết vào tháng 3/1968 với lời thơ chính yếu là tiếng kinh cầu của con người trước chiến tranh, loạn lạc; trên mảnh đất mà từng ngày, từng phút trôi qua là muôn vàn đạn bom, hận thù và cái chết đổ xuống. Nơi đó, thần chết lúc nào cũng ung dung, lởn vởn nhắc nhở: Là con người hay con vật trong chiến tranh thì thân phận cũng đều rẻ rúng như nhau, đừng đỏi hỏi gì cả. Bài thơ khi được viết ra dài trên 100 câu, nhưng khi đăng tạp chí thì cắt bỏ đi gần 1/3 bài. Chiến tranh loạn lạc, ngay chính tác giả cũng không còn bản gốc mình viết tay khi đó. Sau này, bài thơ in trong các tập thơ đành phải lấy theo bản bị cắt bỏ in trên tạp chí.
Nhạc phẩm Khúc Thụy Du - Tuấn Ngọc
Theo những gì mà nhà thơ Du Tử lê kể lại thì vào năm 1985, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm gặp ông và giới thiệu mình là người đã phổ nhạc bài thơ của ông. Trước đó hai người chưa hề quen biết.
Khi nghe bài hát này, ông mới biết nhạc sĩ Anh Bằng chỉ chọn một khía cạnh nhỏ của bài  thơ là tình yêu đôi lứa làm chủ điểm để phổ nhạc. Với cách đặt vấn đề mang màu sắc triết luận và những câu hỏi đặt ra không nhằm hay không mong câu trả lời. "Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi"... nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo chuyển sang trạng thái tình yêu thay vì đi sâu vào thân phận chiến tranh như bài thơ gốc.
Tan theo ngày nắng vội
Được sáng tác vào năm 1984, tập truyện Tan theo ngày nắng vội được in tại hải ngoại. Thay vì phải viết tựa hay vài dòng mở đầu cho tập truyện, nhà thơ Du Tử Lê lại viết lên hai câu thơ nhớ được từ trong một bài thơ cũ: "Phải em rồi như sương/ Tan theo ngày nắng vội".
Sau khi mắt sách, một hôm nhạc sĩ Trần Duy Đức, một người em thân thiết với thi sĩ Du Tử Lê đến gặp ông và nói rằng, anh ấy "bắt" được một "melody" tuyệt vời cho hai câu thơ ấy. Tuy nhiên, chỉ với vỏn vẹn hai câu thơ tổng cộng 10 chữ, thì không thể đủ cho ca từ của một ca khúc. Lúc ấy, nhạc sĩ Trần Duy Đức yêu cầu Du Tử Lê cố gắng nhớ lại thêm ít câu nữa nhưng nhà thi sĩ không thể nhớ nổi bởi "Ký ức chỉ tối đa, chừng đó!". 
Một buổi sáng nơi phòng khách của căn nhà đầu tiên mà Tử Lê và Duy Đức ở, trong lúc nhà thi sĩ đang làm việc như thường lệ thì Trần Duy Đức nẩy ra ý kiến mới, Đức sẽ hát nhiều lần cho Du Tử Lê nhớ âm điệu của bản nhạc và nghĩ thêm một số lời cho ca khúc này. 
Nhà thơ từng chia sẻ: "Tôi nhớ, trong lúc làm những việc chẳng có một mảy may nào liên hệ tới văn chương, âm nhạc, mỗi khi tôi "i ỉ" được một vài ca từ… tôi lại chạy ra phòng khách, đọc cho Đức viết xuống. Vì chữ Việt có dấu và không dấu, nên chữ nào không thích hợp nốt nhạc của Đức, tôi lại phải vật lộn để tìm chữ khác, tương tự hay đồng nghĩa. Làm công việc này tôi cũng nhận được sự tiếp tay sôi nổi, ồn ào của Đức và Việt Dzũng. Cuối cùng, phần ca từ cũng xong. Bài hát kịp cho chúng tôi, Việt Dzũng, Trần Duy Đức, Du Tử Lê hợp ca, mở đầu một chương trình ra mắt sách ở San Jose".
Tan theo ngày nắng vội - Anh Ngọc
Nhiều năm sau này, khi bạn đọc cũng như một vài thân hữu, cho lại Du Tử Lê những cuốn sách mà họ có trong thời gian du học tại Mỹ, trước 1975, nhà thơ mới biết hai câu thơ làm thành ca khúc Tan theo ngày nắng vội của nhạc sĩ Trần Duy Đức nằm trong khổ thơ cuối cùng của bài Ngục đời, được viết năm 1971, in lại trong tập Thơ Du Tử 1967-1972, xuất bản năm 1972.
10/10/2019
Phạm Huy
Theo https://cungcau.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...