Từ đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại, thực hiện một bước ngoặt về tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật.
Văn minh tân học sách (1904), văn kiện đầu tiên của nhóm nhà nho tiến bộ, tiếp thu văn minh Tây học đã trình bày nền tảng tư tưởng và sự thiết kế chương trình mở mang dân trí, chấn hưng đất nước. Theo chương trình, mở đầu là thống nhất dùng chữ quốc ngữ với những ưu việt của nó về diễn đạt có thể “chuốt lời và đạt ý” trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động trước tác “ghi việc đời xưa, chép việc đời nay”, quảng bá tri thức cho dân chúng trên báo chí nhật dụng. Tiếp đó là các việc: chấn hưng công nghệ, “chính thuật”, tức phát triển kinh tế, khoa học sao cho ích nước lợi nhà; kịp thời sửa chữa phép thi, đưa nền giáo dục thoát khỏi “cái học vấn vô dụng” mà trọng dụng, cổ vũ nhân tài, hướng “văn chương của thời đại có quan hệ với thực tế”, từ bỏ thiên kiến “trọng quan khinh dân, không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn”. Vấn đề lấy dân làm gốc đã được văn kiện này đề cập và nhấn mạnh. (1)
Tiếp đó, những hoạt động của các chí sĩ trong Đông kinh nghĩa thục, trong phong trào Duy tân và phong trào Đông du những năm đầu thế kỷ XX, là những cố gắng rất đáng ghi nhận về việc thực thi những điều có tính chất cương lĩnh như trên để canh tân đất nước theo kịp với thời đại của văn minh thế giới mà Văn minh tân học sách đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh.
Dưới đây là phác họa việc tái hiện hình ảnh con người thời đại qua nhân vật của văn xuôi Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Nhân vật người nhà quê, người bình dân thành thị và người trí thức nghèo trong văn xuôi (công khai) nửa đầu thế kỷ XX
Khuynh hướng văn học hiện thực manh nha từ hai thập niên đầu thế kỷ với các đại biểu xuất sắc như Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Đặng Trần Phát… bằng bút pháp hiện thực và nghệ thuật tự sự tiếp thu từ văn học phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp thế kỷ XIX), trong các truyện ngắn và tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đã ghi lại một cách khá chân thực đời sống làng quê, thành thị Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, trong đó những người nông dân nghèo khổ, thất học phải vật lộn để mưu sinh, bị tầng lớp hữu sản thuộc giai cấp thống trị bóc lột nặng nề, luẩn quẩn trong đói nghèo truyền kiếp mà không ngóc đầu lên được. Tuy vậy, các nhà văn đã nhìn thấy ở những người nhà quê này những phẩm chất tốt đẹp của người lao động: thật thà, chân chỉ hạt bột, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, lương thiện.
Đọc các tác phẩm văn xuôi của các tác giả nói trên, người đọc có được nhận thức cụ thể, rõ nét về người dân quê khốn khó, đồng cảm chia sẻ với thảm cảnh mà họ rơi vào, quý mến nhân cách tốt đẹp thuộc truyền thống của người lao động Việt Nam từ bao đời mà họ vẫn giữ được. Mặc dù vậy, có thể nói tinh thần phản kháng của họ chống lại các thế hệ tàn bạo, đã gây bao nỗi oan khiên cho cuộc đời họ, vẫn còn yếu ớt và đơn độc.
Về những người dân thành thị - một đối tượng miêu tả mới của văn xuôi Việt Nam hiện đại - một số nhà văn hiện thực và nhà văn thuộc khuynh hướng lãng mạn (Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm, Nhất Linh với Nho Phong) đã bước đầu cho thấy những rạn nứt của đời sống cư dân đô thị khi chủ nghĩa tư bản chi phối đời sống kinh tế xã hội ở các thành phố, những trung tâm công nghiệp được hình thành. Con người thị dân, một mặt vẫn bảo lưu nếp sống cổ truyền từ bao đời đã thành khuôn thước trong ứng xử, nay phải đối mặt với thực tế của đời sống mà nền kinh tế thị trường tác động vào lối sống, cách nghĩ.
Bước sang thời kỳ 1930-1945, khuynh hướng hiện thực và khuynh hướng lãng mạn trong văn xuôi Việt Nam hiện đại phát triển mạnh mẽ thành 2 dòng chủ lưu là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán, đạt những thành tựu đỉnh cao trong tác phẩm.
Trong thời kỳ này cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật (do Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư và những người khác chủ trương) và Nghệ thuật vị nhân sinh (do Hải Triều cầm đầu) là cuộc giao tranh về tư tưởng lý luận văn nghệ của 2 quan điểm nghệ thuật đối lập về đối tượng con người được tái hiện vào tác phẩm, về chức năng của văn học.
Phái nghệ thuật vị nghệ thuật trên lập trường mỹ học của chủ nghĩa duy tâm đề cao cái tôi độc lập của chủ thể sáng tạo, cái đẹp duy mỹ của đối tượng văn học, tính nghệ thuật của hình thức tác phẩm.
Phái nghệ thuật vị nhân sinh đứng trên lập trường mỹ học của chủ nghĩa duy vật biện chứng mácxít, nhấn mạnh nhà văn cần gắn bó với đời sống xã hội đương thời, lấy người bình dân làm đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ của văn học, vừa chú trọng nội dung hiện thực mà quan tâm đến phương diện nghệ thuật của văn phẩm, không coi nhẹ mặt nào.
Trong quá trình tranh luận, quan điểm nghệ thuật của phái Nghệ thuật vị nhân sinh đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, có sức thuyết phục mạnh mẽ, gây ảnh hưởng sâu sắc đến các trào lưu văn học đương thời.
Chủ nghĩa lãng mạn Việt Nam 1930-1945, trong các tác phẩm văn xuôi của họ, nhân vật chính là các “chàng” và “nàng”, tức những công tử, tiểu thư con nhà quyền quý ở thành thị. Họ sống xa lạ với những ràng buộc của trật tự, lễ giáo phong kiến mà họ xem là cổ hủ, lỗi thời. Họ đấu tranh cho các quyền tự do cá nhân: yêu đương, hôn nhân, sinh hoạt. Thậm chí có loại nhân vật như Dũng, Thái (Đôi bạn - Nhất Linh) bế tắc trong đời sống gia đình tìm cách thoát ly, trở thành khách chinh phu, giang hồ trên dọc đường gió bụi đi tìm một thứ lý tưởng “cách mạng” mơ hồ, chỉ để đáp ứng khát vọng về sự đổi thay, khác người mà thôi. Chủ nghĩa lãng mạn không phải không có tác giả chú ý đến người bình dân, người lao động thành thị. Thạch Lam, tác giả thuộc nhóm Tự lực văn đoàn, song về quan điểm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác, ông có những tác phẩm được chú ý viết về những người dân nghèo thành thị (Gió đầu mùa, Sợi tóc). Cái nhìn thương cảm, sẻ chia với thân phận của những hạng người này, được nhà văn qua các nhân vật như mẹ Lê, cô hàng xóm… thấm đẫm tinh thần của chủ nghĩa nhân văn cao quý. Ông là một nhà văn bậc thầy về nghệ thuật truyện ngắn, một tác giả sáng giá của chủ nghĩa lãng mạn.
Tương tự như Thạch Lam, Trần Tiêu - tác giả của chủ nghĩa lãng mạn, thời kỳ này cũng đã thành công trong tiểu thuyết Con trâu viết về đời sống của người nông dân sau lũy tre xanh. Những tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 như Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Lầm than của Lan Khai được Hải Triều và phái Nghệ thuật vị nhân sinh làm dẫn chứng khi triển khai các luận điểm về văn học cần đi sát đời sống hiện thực, tái hiện những người lao động lương thiện đang đổ mồ hôi sôi nước mắt để mưu sinh, khơi gợi trong người đọc sự chia sẻ, đồng cảm với thân phận họ, niềm căm giận chế độ xã hội bất công và mong muốn sự đổi thay để có một đời sống tốt đẹp, xứng đáng hơn.
Mặt khác, những tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh cũng tác động vào sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu hiện thực phê phán. Sự ra đời của Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê (của Vũ Trọng Phụng), Chí Phèo(của Nam Cao) cùng các tác phẩm của Tô Hoài, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp ra đời trong giai đoạn này là thành tựu của tư duy văn học hiện thực, văn học vị nhân sinh. Những người nhà quê, người bình dân (công nhân, người lao động thành thị, những người cùng khổ ở dưới đáy xã hội) qua các tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán đã trở thành những hình tượng sinh động về những còn người của một thời, giúp vào việc nhận thức, lên án một chế độ xã hội tàn bạo, phi nhân tính, chà đạp quyền sống của con người, chế độ ấy cần phải tiêu diệt. Trên ý nghĩa ấy, văn học hiện thực phê phán 1930-1945 về khách quan đã trở thành trợ thủ đắc lực của cách mạng.
Năm 1943, khi Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới theo các nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng nêu ra trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng thời thành lập Hội văn hóa cứu quốc bí mật mà nòng cốt là Lê Quang Đạo, Học Phi, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao… thì văn xuôi hiện thực phê phán đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, gần gũi với văn học cách mạng. Những người bình dân (thợ thủ công, dân nghèo thành thị, nông dân) trong truyện của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao những năm 1941-1945 đã có ý thức về cuộc sống khổ cực của mình, tự giác đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình, cho tình đoàn kết của vô sản quốc tế.
Đặc biệt hình ảnh người trí thức văn nghệ sĩ được miêu tả thành công qua sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao và Nguyễn Tuân.
Nguyễn Huy Tưởng với kịch bản văn học Vũ Như Tô đã xây dựng hình tượng một kiến trúc sư, nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô với khát vọng xây dựng công trình kiến trúc Cửu Trùng Đài đẹp, tráng lệ, để đời cho dân tộc, cho thời đại. Song do cúc cung tận tụy phục vụ giai cấp thống trị để lợi dụng nó, nhưng đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã phải chịu một số phận bi kịch: Cửu Trùng Đài bị đốt ra tro và người nghệ sĩ đó cũng bị thiêu cháy theo công trình mà mình tâm huyết theo đuổi. Bài học đặt ra từ vở kịch này về mục đích của nghệ thuật chân chính phục vụ dân tộc và chỗ đứng của văn nghệ sĩ là thuộc về lợi ích sống còn của nhân dân, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Với tài năng viết kịch bản xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô trở thành tác phẩm kinh điển, kiệt tác của văn học kịch Việt Nam hiện đại, sau này ít có tác phẩm sánh kịp.
Nam Cao với Sống mòn đã làm nổi bật hình tượng Thứ - người trí thức là giáo viên quèn vùng ven đô Hà Nội, cùng với những đồng nghiệp của anh ta tại một trường tư thục.
Cuốn tiểu thuyết có nhiều yếu tố tự truyện này, với nghệ thuật miêu tả đời sống tâm lý bên trong của những con người trí thức nghèo, cho thấy sự bế tắc của cuộc sống họ, mòn mỏi trong mưu sinh cơm áo, có nguy cơ tha hóa về nhân cách, bao nhiêu mơ ước khát vọng tốt đẹp bị tàn lụi. Song kết thúc tiểu thuyết không hề bi quan, tác giả Nam Cao đã hé ra một viễn cảnh mà sau đó đã trở thành hiện thực: Thứ đang ở buổi giao thời, đang ở trong những ngày giông bão của vận động cách mạng; chỉ cần anh biết thoát ra không bị chìm trong khủng hoảng của đời sống xã hội, vươn về phía ánh sáng đã le lói, anh sẽ có mặt trong một cuộc đổi đời tất yếu đang tới gần.
Cách mạng tháng 8 nổ ra sau khi Nam Cao viết những dòng cuối của Sống mòn trước đó gần 1 năm tại làng Đại Hoàng quê ông, đã cho thấy dự cảm về cuộc đổi đời của Thứ mà Nam Cao miêu tả trong những trang cuối của Sống mòn đã trở thành hiện thực.
Nguyễn Tuân trong vòng 5 năm trước Cách mạng tháng 8, sau Vang bóng một thời (1939), những truyện và ký về đề tài trí thức của ông (Nguyễn, Ngọn đèn dầu lạc, Tao đàn dầu lạc…), cũng như Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao, đã bộc lộ sự trăn trở, day dứt của người trí thức văn nghệ sĩ khi một mặt phụng sự cái đẹp, vươn tới cái Chân Thiện Mỹ vốn là khát vọng không cùng của người nghệ sĩ dấn thân cho nghệ thuật, mặt khác anh ta không thể thoát ly đời sống hiện thực, những lực cản, những âm mưu thủ đoạn đê hèn, thói đố kỵ tiểu nhân… khiến cho trong quá trình sáng tạo không phải lúc nào nghệ sĩ cũng có thể hài lòng đạt tới cái đích mong muốn. Sự hi sinh cho nghệ thuật có khi là cần thiết, khi đó nghệ sĩ phải chấp nhận sự dang dở, sự thiếu hoàn thiện của nghệ thuật.
Nhìn lại, từ đầu thế kỷ XX đến 1945, văn xuôi Việt Nam hiện đại đã hướng về phản ánh và xây dựng các hình tượng nhân vật là con người thời đại thuộc những người lao động là số đông trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Họ là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế đất nước, cũng là đối tượng đông đảo mà văn học hướng tới, tác động.
Đó là những người nhà quê (người nông dân), người bình dân (người lao động ở thành thị và người công nhân làm việc trong các hầm mỏ, xí nghiệp) và người trí thức nghèo.
Các khuynh hướng, trào lưu văn học hiện thực, văn học lãng mạn đều có sự quan tâm đến việc tạo dựng hình ảnh các loại nhân vật này trong tác phẩm văn xuôi. Do ảnh hưởng của những quan điểm tư tưởng duy tân, tư duy nghệ thuật tiến bộ và duy vật mác-xít, khuynh hướng, trào lưu văn học hiện thực phê phán đã hiện diện thành dòng văn học chủ đạo trên văn đàn công khai thời kỳ này. Các điển hình văn học về người nông dân, người lao động thành thị, người công nhân và người trí thức đã trở thành những khuôn mặt ghi lại một cách chân thực đời sống hiện thực xã hội và cuộc đời tăm tối, bế tắc cần phải đổi thay bằng một cuộc cách mạng triệt để. Thành công của việc xây dựng các hình tượng văn học về người lao động của văn xuôi công khai có được trước hét là do sự chuyển biến về tư tưởng và tư duy nghệ thuật, do tâm huyết và tài năng của người viết, do sự gần gũi, am hiểu đời sống và tâm lý của các loại người là đối tượng thẩm mỹ của sự phản ánh và tái tạo nghệ thuật. Sức sống của những điển hình nhân vật bất hủ trong số đó không những được người đọc đương thời tiếp nhận, mà mãi cho đến ngày nay những nhân vật đó vẫn không thôi làm xúc động bao trái tim người đọc về một quá khứ đã lùi vào dĩ vãng, về thân phận đau xót, đáng thương cần thông cảm, chia sẻ và cần tôn trọng ở họ.
Theo thời gian và sự vận động của hiện thực đời sống, hình ảnh các loại người nói trên trong văn xuôi đã có sự vận động từ chỗ là nạn nhân của chế độ xã hội duy trì, áp bức, bóc lột, bất công đến chỗ từng bước nhận thức được thực trạng và nguyên nhân của sự mục nát xã hội, sự khổ cực điêu đứng của mình, ý thức về sự vượt thoát, bùng phá khỏi bóng đêm, vươn tới ánh sáng và sự đổi đời. Nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họ, theo logic của lịch sử, sẽ là những người “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Nhân vật công, nông, binh, trí thức mới trong văn xuôi thời kỳ 1945-1986
Cách mạng tháng 8 mở ra kỷ nguyên mới cho xã hội Việt Nam: kỷ nguyên của đất nước độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc.
Con người Việt Nam đã thoát khỏi bóng đêm của thân phận nô lệ, trở thành những chủ nhân mới của đất nước, lao động và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vun đắp tổ ấm gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển hài hòa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mácxít-lêninnít, được định hướng bởi đường lối văn nghệ quán triệt những nguyên lý của Mỹ học Mác - Lênin vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của đời sống văn nghệ Việt Nam, nền văn học dân tộc dân chủ nhân dân được ra đời (1945-1954), tiếp đó là xây dựng nền văn học xã hội chủ nghĩa (từ 1954 đến nay).
3 nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng nêu ra trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử tiếp sau vẫn được kế thừa và bổ sung phát triển trong các Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, 3, 4; trong thư và phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cao cấp của Đảng: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… về một số vấn đề văn hóa, văn nghệ; và từ 1975 đến nay là các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Ban Bí thư, của Bộ Chính trị qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng.
Được đường lối văn nghệ của Đảng gợi ý và chỉ dẫn, văn nghệ sĩ nước ta hào hứng đi vào đời sống lao động và chiến đấu trên khắp các miền vùng đất nước (miền xuôi, miền núi, miền Bắc, miền Nam) sống chan hòa cùng những người nông dân, người công nhân mới, người trí thức mới xã hội chủ nghĩa, người chiến sĩ quân đội và chiến sĩ công an.
Một nền văn học tập trung, thống nhất triển khai theo 2 chủ đề: xây dựng đất nước, chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập và thống nhất toàn vẹn.
Cuộc đấu tranh giai cấp trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm, không quản hi sinh tính mạng, cũng như lao động sáng tạo không ngừng, tất cả cho sự nghiệp cách mạng toàn thắng.
Giờ đây nhìn lại chúng ta thấy văn học, trong đó có văn xuôi, đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc đã giao phó.
Truyện ngắn, tiểu thuyết, ký đã cập nhật đời sống hiện thực, đi tới những điểm nóng trên các mặt trận xây dựng và chiến đấu để nhận thức, khám phá những vấn đề mà xã hội và con người đặt ra cần phải tìm hiểu, góp phần giải quyết.
Và các hình tượng điển hình về con người mới trong giai cấp nông dân theo con đường tập thể hóa nông nghiệp; trong giai cấp công nhân vì sự nghiệp công nghiệp hóa; trong tầng lớp trí thức mới (các nhà khoa học, nhà sáng chế phát minh, các văn nghệ sĩ); trong đội ngũ chiến sĩ lực lượng vũ trang (bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng), chiến sĩ công an nhân dân… đã thu hút sự phản ánh sáng tạo của các cây bút văn xuôi thuộc các thế hệ, các dân tộc. Đặc biệt nhân vật người trí thức mới xã hội chủ nghĩa, người chiến sĩ lực lượng vũ trang và công an nhân dân là những nhân vật mới, con đẻ của chế độ xã hội mới, trước cách mạng chưa thể xuất hiện trong văn xuôi.
Ở đây không thể nhắc hết và đủ tên các nhà văn cùng tác phẩm đã xây dựng thành công những hình tượng con người là nông dân, công nhân mới, trí thức xã hội chủ nghĩa, bộ đội và công an… đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực những mặt bản chất của đời sống cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên có thể thấy những tác giả và tác phẩm đó đều được vinh danh xứng đáng qua các giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và các giải thưởng văn học trong khu vực và quốc tế.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng biểu hiện trong lao động sáng tạo và chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc là những phẩm chất chói sáng của những nhân vật được văn học nói chung, văn xuôi nói riêng phản ánh. Điều đó làm nên phẩm chất sử thi có tính chất lịch sử của một nền văn học nghệ thuật Việt Nam “đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống chủ nghĩa đế quốc trong thời đại ngày nay”, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư đã khẳng định.
Cố nhiên, do tập trung vào các loại nhân vật chủ yếu của thời đại - những con người làm nên lịch sử của dân tộc - nói trên, đó là ưu điểm, mặt mạnh và thành tựu không thể phủ nhận của văn học chúng ta, song không vì thế chúng ta không nhận thấy những mặt còn để trống hoặc né tránh của văn học nghệ thuật, làm cho bức tranh của đời sống hiện lên chưa được toàn vẹn.
Đời sống dân sự và hình ảnh những con người bình thường, những số phận bị thiệt thòi và không may mắn, những tiêu cực trong đời sống xã hội và trong mọi lĩnh vực hoạt động; những thất bại dù ít xảy ra, những tổn thương, mất mát trong chiến tranh mà con người phải trân mình hứng chịu, đương đầu; sự thoái hóa biến chất trong đạo đức xã hội và trong nhân cách đã bước đầu xuất hiện; những thử thách cam go và xung đột quyết liệt v.v… quả thật đã không có đất cho sự thể hiện nghệ thuật.
Những thiếu hụt trong sự phản ánh hiện thực của văn xuôi giai đoạn này sẽ được khắc phục rốt ráo trong văn xuôi giai đoạn gần đây.
Nhân vật công, nông, binh, trí thức mới và doanh nhân trong văn xuôi thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay)
Từ sau chiến thắng 30.4.1975, Bắc Nam thống nhất, đất nước liền một giải. 10 năm hậu chiến, đời sống xã hội và kinh tế lâm vào khủng hoảng, Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đã định ra đường lối đổi mới toàn diện các mặt của đời sống đất nước, trước hết là đổi mới tư duy.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, chúng ta đã nỗ lực tìm tòi phương hướng, đường lối chiến lược cùng những giải pháp để đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Trước hết là “cởi trói”, xóa bỏ những rào cản không phù hợp với quy luật phát triển khách quan của nghệ thuật, những can thiệp mang tính chủ quan duy ý chí, thô bạo bất chấp những đặc thù của hoạt động văn nghệ trong sáng tạo và tiếp nhận, quảng bá.
Giờ đây biên độ của đời sống và hoạt động văn nghệ được mở rộng theo các chiều kích tới hạn của nó. Những gì pháp luật không cấm thì được phép. Pháp luật định rõ chỉ ngăn cấm các loại văn nghệ phản động, hiếu chiến và phi nhân tính, phản đạo đức.
Thời đổi mới, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò then chốt, chủ đạo) chi phối đời sống xã hội và hoạt động của con người. Cạnh tranh trên thương trường, mạnh được yếu thua, đồng tiền lên ngôi chúa tể, khách hàng là thượng đế, lợi nhuận tối đa là mục đích - bấy nhiêu mặt trái của kinh tế thị trường có dịp bộc lộ, tạo thành khuynh hướng “thương mại hóa” chi phối đời sống văn nghệ.
Thời đổi mới cũng đã mở ra một không gian rộng lớn cho hội nhập quốc tế, thực hiện Việt Nam là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt thể chế chính trị.
Trong điều kiện xã hội như vậy văn học và văn xuôi vẫn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của nó là tái hiện bức tranh phồn tạp của đời sống xã hội hôm nay với những con người trên các lĩnh vực, vị trí then chốt: người nông dân tự chủ trên mảnh đất và cơ nghiệp của mình dưới sự bảo trợ của nhà nước; người công nhân trong các nhà máy xí nghiệp quốc doanh hoặc tư nhân thậm chí của những ông chủ người nước ngoài; ngư dân đánh bắt cá trên biển, bám biển đánh bắt xa bờ tăng năng suất sản lượng hải sản cùng đồng thời để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc; người chiến sĩ quân đội nhân dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương, lãnh hải của Tổ quốc chống lại những âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước; người chiến sĩ công an ngày đêm bám dân bảo vệ sự bình yên của đời sống xã hội, chống lại tiêu cực và tệ nạn xã hội: tham nhũng, buôn lậu, lưu manh, trộm cắp, giết người, cướp của, làm suy đồi phong hóa, đạo đức; người trí thức - nhân vật chủ yếu kiên tạo nền văn hóa dân tộc, tiên tiến và nhân văn; nền giáo dục hiện đại vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ nhân loại, đào tạo thế hệ tương lai đưa Việt Nam không xa nữa sẽ sánh vai với những quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới; say mê hoạt động phát minh, sáng chế để tăng hiệu quả và chất lượng của nền sản xuất, kinh tế, tăng cường uy tín của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt người doanh nhân là những người hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, thương mại các sản phẩm vật chất. Họ với tài năng và khát vọng làm giàu cho bản thân cũng như cho đất nước, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước.
Tất cả những loại người nói trên đòi hỏi văn học nghệ thuật, văn xuôi tái hiện chân dung và đời sống tinh thần của họ vào tác phẩm.
Công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường gần 30 năm. Văn xuôi đã cố gắng bắt kịp để nhận diện những con người Việt Nam hôm nay ở những phương diện khả thủ cũng như còn bất cập của họ. Các chủ đề từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội và thân phận con người, đặc biệt về sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức xã hội được đặt ra trực diện, không né tránh. Bút pháp, kỹ thuật tự sự cũng đã được mở rộng, biến ảo theo tư duy và sở trường của mỗi người cầm bút. Bên cạnh lối viết vẫn theo truyền thống nhưng ít nhiều đã cách tân trong kể và tả, bố cục và giọng điệu kể, thì một số cây bút khác, trẻ đã cố gắng bứt phá, tìm tòi trong thi pháp tự sự: ở sự luân phiên điểm nhìn và ngôi kể chuyện, ở bố cục, ngôn ngữ và giọng điệu tác phẩm; ở sự phóng khoáng trong tưởng tượng, hư cấu; ở lối viết theo kiểu hậu hiện đại với cấu trúc phân mảnh, lắp ghép, phi trung tâm hóa v.v…
Rất nhiều tên tuổi các cây bút văn xuôi thuộc nhiều thế hệ đã nối tiếp nhau cho ra đời những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc trong người đọc, chẳng hạn như: Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Dạ Ngân, Lý Lan, Nguyễn Bắc Sơn và gần đây là Mạc Can, Nguyễn Trí, Nguyễn Bảo Châu, Thiên Sơn…
Những cây bút đàn anh ở tuổi ngoại bát tuần, thất tuần vẫn cho ra đời những tác phẩm khiến người đọc phải khâm phục bút lực điêu luyện và độ chín trong tư duy nghệ thuật của họ: Tô Hoài, Hồ Phương, Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng…
Thời đổi mới và bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông và hội nhập quốc tế rộng rãi cùng trình độ dân trí và thưởng thức của người đọc ngày một nâng cao, sau một thế kỷ phát triển của văn học, văn xuôi Việt Nam hiện đại, giờ đây một thức thách mới đặt ra đối với các cây bút văn xuôi ở ta. Viết cái gì? Viết như thế nào? Viết để làm gì? Viết cho ai xem… luôn luôn là những câu hỏi đặt ra cho nhà văn khi cầm bút, suy tư trên những trang giấy trắng, để mỗi tác phẩm là một niềm tâm huyết, lời ký thác nhà văn thiết tha gửi gắm cho người đời về khát vọng bồi đắp nhân cách, hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam để xã hội mãi trường tồn trong an lành với lòng nhân ái cao đẹp.
Chú thích:
(*) Tham luận “Phác họa con người thời đại và nhân vật trong văn xuôi Việt Nam hiện đại” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội thảo khoa học “Con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của văn học nghệ thuật”, do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 20.8.2014.
(1) Văn minh tân học sách, trong Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên). Tập I, Nxb. Văn học, H.1997, tr.46, 48, 52, 54, 55.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét