Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Từ ngọn lửa màu xanh ấy

Từ ngọn lửa màu xanh ấy
Cách đây năm trăm triệu năm, đất Lao Cai vốn là một cái vịnh nông của biển Đông bao la. Sóng biển dập dờn vỗ vào tận sườn đông dãy Hoàng Liên Sơn. Từng đàn bò sát khổng lồ đêm đêm ăn rong biển rồi trưa trưa lại bò lên sườn núi phơi mình dưới nắng lấp loáng. Nghêu, sò, ốc, hến... bám vào chân núi đá làm chỗ dựa để kiếm mồi. Mặt biển ngan ngát xanh một màu trời thu. Sóng khi lăn tăn, khi cuộn lên dữ dội, đập vào núi tạo thành những ngấn sóng còn để lại tới giờ. Không ở đâu nhiều cá và động vật như ở đây, ở cái vịnh biển này. Chiều chiều, bờ vịnh đen kịt động vật đi uống nước và tắm cát. Nào voi, cá sấu, thuồng luồng, ngư long, trăn, rắn... Dưới nước thì cá, chao ơi cá! Cá làm cho màu nước xanh đằm xanh đẵm lại. Cá về đây tụ hội để đón phù du sinh vật, đón những dòng thủy tra, bùn vôi từ dãy Hymalaya vùng cao nguyên Tây Tạng về, từ nam Trung Quốc sang, từ Ấn Độ đến và từ Inđônêxia do sóng khơi dồn vỗ vào. Đây cũng là nơi tụ hội những dòng thực vật Đông Nam á. Trên núi Hoàng Liên còn đó những cây chè cổ mấy người ôm không xuể; có cả những cây trước đây cha ông ta tưởng không có phải đi nhập nội. Chả thế mà các nhà thực vật học thế giới tha thiết được đến đây nghiên cứu.
Nước mưa từ các nơi chở các mảnh vụn của các nham thạch phong hóa cũng về đây lắng đọng. Thế kỷ này qua thế kỷ khác vịnh đã nông lại thêm nông. Thế rồi vào một buổi trời nắng chang chang như thiêu như đốt, cái nóng thuở hoang sơ khủng khiếp lắm, da trời cháy vàng như lửa, tất cả động vật kéo nhau đàn lũ ra biển đằm mình. Nhưng bỗng biển cồn sóng dữ dội, trời đất chao đảo, đá lở đất nhào, giữa biển - phía Hà Giang ngày nay - một dòng lửa phụt lên. Động đất có kèm theo núi lửa bắt đầu! Vùng vịnh biển này được nâng lên tới gần 600 mét. Nước biển bị núi lửa hút khô. Biển còn lại sợ hãi chạy mãi ra xa, ra xa gần như bây giờ đấy! Tất cả động vật và thực vật bị chôn vùi, bị thiêu đốt, bị chèn ép, bị nén sâu trong lòng đất đá. Và hàng triệu năm sau, vận động tạo sơn tiếp tục nâng đất lòng vịnh uốn nếp vồng lên thành núi non trùng trùng điệp điệp. Ở đây vẫn còn thấy bóng dáng những con sò, ngao hóa thạch gắn mình trên vách đá, há miệng hứng mưa như vẫn luyến tiếc những ngày sống thỏa thích giữa biển xanh mặn mà. Và còn đó, hình nhánh cây hóa thạch trên các vỉa quặng lưu lại một thời xanh vẫy vùng nắng gió thuở hoang sơ.
Mỏ Apatít Lao Cai được hình thành như vậy, từ bùn vôi, khoáng thạch và xác động vật hữu cơ trầm tích.
Năm 1924, cụ Trần Văn Nỏ, dân tộc Tày ở làng Hẻo xã Cam Đường khi đi rừng lấy đá xanh kê củ mài để nướng, lửa cháy, hòn đá cũng cháy theo và phát ra ngọn lửa xanh biêng biếc. Cụ gọi là “hòn đá ma”, đem về trình lý trưởng. Lý trưởng đem đi trình chánh sứ Pháp ở Lao Cai. Lúc này con bạch tuộc chủ nghĩa thực dân Pháp đang bủa các vòi đi tìm tài nguyên của Tổ quốc ta. Phô-ma, nhà địa chất Pháp lúc đó đang có mặt tại Lao Cai, vớ được “hòn đá ma” như vớ được vàng. Ông ta đem về phân tích tại sở khoáng chất Hà Nội, thấy có tới bốn mươi phần trăm ôxít phốt pho (P205). Mỏ Apatít Cam Đường được phát hiện từ đó. Nhưng mãi tới năm 1936 tên Đuy-boa, tư bản Pháp mới đứng ra bỏ vốn khai thác.
“ - Dưới chế độ cũ, phát hiện ra một mỏ mới tức là phát hiện cho bọn thực dân một kho của cải lớn, đồng thời cũng là đem lại cho người dân lam lũ một tai họa khôn lường”. Đó là lời của những bác công nhân già từng làm thuê cho Pháp ở đây nói với tôi vào một đêm cuối xuân 1964, khi tôi vừa cùng đoàn thám hiểm dược liệu và vật lý địa cầu trèo lên Hoàng Liên Sơn và cái đỉnh tót vời Phăng Xi Păng cao 3.142 mét trở về. Sơn hộ này vẫn tiếp tục được nâng lên và ngày càng trẻ lại. Cây thuốc mọc san sát bên nhau đủ loại, không biết có phải vì mọc trên đất có Apatít hay không mà cây ở đây xanh tốt lạ lùng. Có những cây thông tám, chín người ôm không xuể; cây pơ mu cao trên năm chục mét, gốc bạnh thành những chè vè thòng ra như những cái chân đế vững vàng cho cây, chiếm một khoảnh đất bằng bốn gian nhà quy vuông lại.
Tôi đã đứng ba ngày đêm bên bờ vịnh biển xưa ấy mà lòng rạo rực tự hào. Ba ngày đứng đó mà ngắm, mà trèo, mà men theo sườn núi tìm cây, tìm hoa, tìm lá... Chính vì thế tôi may mắn có được con sò hóa đá to tướng.
Đêm ấy, chúng tôi ngồi nghe các bác công nhân già kể chuyện đời làm thuê cho Pháp ở đây. Ngoài rừng xa, tiếng những con chồn bay ăn quả vội vàng và hú gọi con mãi không dứt, nghe vừa vui vui vừa thấy cái ấn tượng hoang dã như còn lẩn khuất đâu đây.
- Lớp công nhân cũ còn nhiều không, bác?
Tiếp sau câu hỏi của tôi, bác công nhân già tóc bạc phơ chỉ tay về phía vùng đồi thoai thoải:
- Hầu như họ nằm cả ngoài đó rồi, anh ạ! Nó đối xử tàn tệ lắm, anh bảo sống sao nổi!
Những người lên đây làm thuê là những nông dân bị bần cùng hóa. Sưu cao, thuế nặng, ruộng mất, họ bị tước đoạt công cụ sản xuất, phải đi lang thang tha phương cầu thực. Các nhà máy, hầm mỏ đã mai phục, đón lõng họ để thuê mướn nhân công một cách rẻ mạt. Chính Đờ-rút-xô, tên thực dân cáo già ở Việt Nam đã viết thư mật trình lên cấp trên của y: “Bọn nhà quê chỉ chịu xa rời làng mạc đi kiếm ăn ở nơi khác khi nào chúng đang chết đói. Cho
nên chúng ta muốn mộ phu thì phải làm cho nông thôn nghèo đi...”
“Ai đi mỏ Cóc Cam Đường
Tan nhà, nát cửa, nắm xương chẳng còn”.
“Trót đi mỏ Cóc Cam Đường
Cố sao giữ được nắm xương mà về”...
Tiếng kêu ai oán vọt ra từ máu và nước mắt còn vọng mãi tới giờ. Công nhân hồi đó lên đây gồm người các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Yên, Yên Bái... Bọn chủ thầu, cai, ký nắm lấy thẻ sưu của họ - cái thẻ khốn nạn cực kỳ vô nhân đạo, làm cho người sống khốn khổ, người chết nhục nhã. Cái thuế thân, đánh thuế vào đầu người, vì anh đã sống ở đời này, dù đời chẳng may mắn gì cũng thuế; Thẻ sưu bị giữ rồi, còn đi đâu được nữa, họ bị trói chặt vào mỏ và được bố thí đồng tiền công rẻ mạt: 35 xu một ngày với người khỏe, 32, 30 xu đối với người yếu. Cả tháng được khoảng tám, chín hào, nhưng lại bị cắt xén đến năm, bảy lần. Trong khi đó những tên chủ thầu cai, ký người Pháp như An-tô-ni, Ba-răng-đô, Ri-sa lương tháng từ 1.800 đến 2.000 đồng. Bọn cai, ký người Việt như cai Sâm, cai Đằng, cai Dưng thỉnh thoảng lại xách hàng va li tiền về quê tậu ruộng, xây nhà lầu và chạy chức chánh tổng, lý trưởng, riêng cai Bưng đã quỵt lương công nhân ba năm liền rồi ôm tiền trốn biệt tăm.
Hàng ngày công nhân làm việc mười tám giờ. Sáng dậy từ ba, bốn giờ. Trời còn tối, lò dò, mò mẫm dắt nhau lên tầng để kịp làm lúc năm giờ. Trưa, đúng mười một giờ mới nghỉ. Mười hai giờ ba mươi phút lại làm tới mười một giờ đêm. Công việc rất nặng nhọc. Cuốc đất, đục đá, gánh quặng đổ lên xe goòng đẩy ra sông Hồng, qua phà Làng Giàng để bốc lên tàu hỏa. Khí hậu ở đây mang tính chất lục địa rất rõ rệt. Mùa hè ôn độ tối đa là 40 độ; tháng giêng ôn độ tối thiểu là 20 độ C. Trời rét căm căm hay nóng bỏng thì đêm vẫn ngủ lán trại phong phanh phên nứa hoặc gầm các nhà sàn đồng bào nơi đó.
Tiền ít, gạo hiếm, có người đông con chỉ ăn cháo đi làm; biết cái chết đến rồi vẫn phải khoác bao tải chống lại những cơn sốt rét rừng mà đi. Có người phải đem con đi bán.
Bệnh chấy rận và sâu quảng ở đây rất ghê gớm. Cuộc đời và hạnh phúc thì Tây đã cướp mất. Máu xương thì rận chấy hút thỏa thuê. Đôi chân ống giang thì sâu quảng đục ruỗng. Những ống chân rình rình mủ xanh lè, thấm ra mấy lần giẻ quấn tanh nồng.
Người chết rất nhiều. Chết sốt rét, vì sâu quảng, vì chấy rận, vì đói, vì thổ tả, vì cai, ký đánh...
Nhờ xương máu đó mà thực dân Pháp đã lọc ra được 249.014 tấn quặng trong bảy năm khai thác (1936 - 1942) ở cả ba khu vực mỏ. Cụ thể là:
- Mỏ Cóc đã lấy 58.379 tấn,
- Mỏ Cam Đường lấy 118.000 tấn,
- Mỏ làng Bo lấy 72. 635 tấn.
Sau Pháp là đến Nhật nhảy vào vơ vét. Nhưng ngày 26 tháng 8 năm 1945 đã đảo lộn tất cả. Công nhân Cam Đường cùng nhân dân nơi đó đứng lên cướp chính quyền hưởng ứng Cách Mạng Tháng Tám và tiến hành võ trang tranh đấu khi thực dân Pháp trở lại xâm lược. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Lao Cai giải phóng, những trang sử mới cho khu mỏ đã mở ra.
Đọc đến dòng cuối cùng của tập “Lịch sử khu mỏ Apatít”, tôi ngẩng lên. Đêm đã hết và ngoài song cửa bầu trời xuân đang chuyển từ màu xanh sẫm sang màu men sứ. Trên cành cây và dây điện những hạt sương lung linh như những con mắt vui và chói ngời nắng sớm.
“Ai đưa tôi đến chốn này
Bên kia Cốc Lếu, bên này Lao Cai”...
Lời nức nở của người xưa, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm buồn thương của một thời tủi hờn, căm giận vì nước mất.
Bây giờ mời các bạn lên thăm Lao Cai, rồi bon xe khách mười hai ki-lô-mét vào thị xã Cam Đường thăm khu mỏ của đất nước ta rất giàu và đẹp, một trong bốn trung tâm lớn nhất của Apatít thế giới! (Xin báo để các bạn biết tin vui: Khu mỏ đã được thành lập thị xã rồi đó!)
Đồng chí chuyên gia Liên Xô Can-nhi-cốp năm 1956 sang giúp ta thăm dò, khai thác mỏ đã xuýt xoa nói rằng: “Đây là một cô gái đẹp, một hòn ngọc quý nhất, nhì thế giới”. Còn đồng chí Lu-ga-vôi, kỹ sư điện cũng xúc động tâm sự với anh em công nhân: “Bấy lâu thường nghe nói đất nước Việt Nam giàu đẹp, nhưng mới chỉ biết trên sách vở, báo chí. Nay đi bộ từ Yên Bái lên Lao Cai, nhất là có đến khu mỏ Apatít này mới thấy được hết vẻ đẹp và sự giàu có của nước Việt Nam...”
Hai kỹ sư Pháp là Mi-ta và Ka-văng ước tính toàn bộ khu mỏ có 200 triệu tấn quặng có hàm lượng từ ba mươi nhăm phần trăm trở lên. Ngày nay, ta đã thăm dò toàn bộ. Càng thăm dò, ta càng vui mừng thấy đất nước ta vô cùng giàu có!
Ngày 19 tháng 6 năm 1956 mỏ Apatít nổ phát mìn đầu tiên mở đầu giai đoạn khai thác của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếng mìn cứ thế tiếp nhau gọi thanh niên các dân tộc về đây khai mỏ xây dựng nước nhà. Mỏ của ta, ta khai thác cho ta đây! Mọi người náo nức ra đi và làm việc. Chỉ một năm sau, 1957, với số công nhân bằng một phần ba thời Pháp thuộc, ta đã sản xuất được một số quặng xấp xỉ năm cao nhất của Pháp. Sang năm 1958, cũng số công nhân ấy nhưng đã đạt được gấp rưỡi năm trước. Và năm 1959, mới có 6 tháng đầu năm đã đạt bằng cả năm 1958. Cho đến hôm nay đã khác xưa lắm rồi, không thể so sánh được, mặc dù tôi đã hiểu “mọi sự so sánh đều khấp khểnh” (ngạn ngữ phương Tây).
Tôi lại có dịp về thăm mỏ Apatít vào mùa xuân năm nay, Mùa Xuân đại thắng của dân tộc ta(*).
Đặt chân lên những con đường rải đá dài tít tắp và rộng thênh thang, đầu óc tôi thấy sáng sủa lạ và rào rào bao suy nghĩ. Bên đường, thẳng tắp những hàng xà cừ lá xanh mỡ màng và ở ngọn lóe lên cái màu vàng nhàn nhạt của lộc non.
Dương liễu thướt tha bên cái hồ đầy cá. Những chú trắm cỏ nặng hàng yến choi choi lên đớp cỏ mé bờ, lộ những cái đầu to, đen nhánh và tròn như gáo dừa. Rô phi nổi lên tớp tớp xanh cả một góc hồ. Cá quả nuôi con, dũng cảm nhảy lên bờ phơi mình cho kiến vàng bu kín thân rồi lại nhảy xuống cho con no mồi. Thật là thanh bình và trù phú.
Nắng xuân bốc lên mùi chè hương ngòn ngọt. Xung quanh thị xã mỏ là những rừng chè. Chè Cam Đường ngon có tiếng, lúc đầu uống vào thì chan chát, sau vị ngọt cứ lừ mãi ở nơi cổ. Một thứ chè “có hậu” rất lâu. Chủ nhân cũng như chè, đều mến khách và đậm đà thế cả!
Đêm xuân ở đây mịn màng, êm nhẹ như lời mẹ ru. Dưới ánh điện, mây mờ mờ giăng lên khu mỏ một lớp voan trang nhã làm cảnh vật như thực như hư.
Khu công nhân ở bên hồ - trung tâm thị xã - đã lên điện sáng trưng. Đáy hồ in dãy dãy nhà tầng như một thành phố ngầm bọc kính. Bên dãy ghế đá bên hồ, từng tốp nam nữ thanh niên công nhân ngồi kéo đàn và thổi cla-rê-nét. Cạnh đó là câu lạc bộ mỏ đang chiếu phim thời sự.
Trên ngọn đồi cao hơn khu ấy là hàng trăm nhà cao ba, bốn tầng, nhà ở của công nhân và các bộ phận sản xuất. Trong phòng hóa nghiệm, các cô kỹ sư và kỹ thuật viên đang ngồi phân tích quặng dưới mắt kính hiển vi hiện đại mir 8 của Liên Xô. Quặng hiện lên những hạt nhỏ màu xanh lục...
Một cô nói với tôi:
- Anh có biết tại sao người ta gọi quặng này là quặng Apatít không?
Tôi còn đang bối rối, cô đã giải thích:
- Gốc nó là Apapao, tiếng Hy Lạp nghĩa là “nhầm”, vì trước đây người ta dễ nhầm với các mẫu vật khác.
Cô lại hướng dẫn thêm cho tôi về quặng. Apatít phân ra làm hai loại: Flo Apatít và Clo Apatít. Mỏ ta chủ yếu là loại thứ hai.
Các nhà, các dãy phố đều chăng điện màu, rực rỡ như hội hoa đăng. Màu đèn trong đêm lóe thành những vòng tròn ngũ sắc giữa sương mờ. Điện chạy theo đường cái leo tít lên cao để lên tầng. Trên đó đang ầm ì tiếng máy, tiếng người và tiếng ô tô rậm rịch như trong một chiến dịch lớn của pháo binh hoặc công binh cơ giới. Thỉnh thoảng lại một đoàn tàu hỏa tu tu hét còi vào nhà sàng ăn quặng hoặc rộn lên tiếng còi ô tô đưa công nhân đi làm ca ba và trả ca hai về nghỉ.
Âm thanh của khu mỏ xã hội chủ nghĩa rộn ràng và linh hoạt. Tác phong làm việc công nghiệp ở đây đã đi vào nền nếp. Ai nghỉ cứ nghỉ, ai làm cứ làm, ai đi học bổ túc văn hóa cứ đi, rất đúng giờ và nhanh nhẹn. Tôi yêu khu mỏ một phần cũng vì lý do ấy nữa.
Anh bạn tôi kéo tôi sang xưởng cơ khí của mỏ xem một cuộc thi sát hạch chuyển bậc cho công nhân tiện từ bậc hai lên bậc ba. Giám khảo đã ngồi đông đủ cả. Các thí sinh là nam nữ công nhân các dân tộc lần lượt trả lời lý thuyết và thực hành. Một thanh niên Mèo gắp được câu thực hành hóc búa: Lấy một thỏi sắt bổ làm ba, sau chắp lại tiện thành một viên bi thật tròn nhưng có ba phần bằng nhau. Thế mà anh đã hoàn thành trước thời gian quy định bảy phút. Những người dự rất bồi hồi xúc động: Lớp công nhân ngày nay, lớp con cháu của công nhân xưa kia, bây giờ tiến nhanh quá! Họ thực sự là những người chủ của khu mỏ có văn hóa, có khoa học.
Sáng hôm sau, tôi được đánh thức dậy lúc trời còn rạng đông. Xe đưa tôi và công nhân ca một lên tầng là chiếc xe tải mười bánh, cao lênh khênh, tiếng máy nổ ồm ồm như trống cái đại ở đình làng trong những ngày lễ thượng điền.
Mặt trời đã hiện lên trong màn sương sớm, trắng bệch như trăng mọc ban ngày. Các cháu nhỏ ở nhà trẻ vẫy theo xe tiễn cha mẹ đi làm. Đội thiếu niên đã ra nương thu hoạch vội chỗ sắn còn lại để đem đến nhà máy làm miến. Bên đường, những bãi cỏ lau trương cờ lên vẫy mãi không thôi. Hương thơm hoa dẻ lùa vào xe mát rượi và sực nức.
Ngoặt qua một chỗ khuỷu của con đường, tôi giật mình thấy trước mặt, trong đám sa mù, hàng đàn hàng lũ những quả núi đang trượt vùn vụt trên một cái máng đỏ tươi, lao ùn ùn vào xe mình. Đó là những chiếc xe gấu, xe bò tót, loại xe vận tải hạng nặng trọng tải mười tấn đang cõng quặng đầy ăm ắp về nhà sàng. Tới gần chúng tôi, xe nào cũng cất lời chào bằng tiếng còi ngắn gọn nhưng rất vui... Anh lái xe nào mặt mũi cũng hồng hào tươi tỉnh, đồng hồ lấp lánh ở cổ tay, miệng vắt vẻo điếu thuốc lá thơm. Có anh mang cả đài bán dẫn theo vừa lái xe vừa nghe những bài nói về bốn ngàn năm lịch sử và ca nhạc mừng ngày hòa bình của dân tộc.
Trên tầng ít công nhân thôi! Một vài tổ đang khoan thăm dò, vài tổ khoan nổ mìn. Chỉ thấy nhiều máy xúc EKG khổng lồ, máy gạt và ô tô. Công việc ở đây đã được cơ giới hóa cao. Sức người chỉ dùng để điều khiển máy và sửa đường, hoặc bạt ta-luy. Ở đây, âm thanh duy nhất, rất rộn ràng, rất sôi nổi là tiếng máy. Tiếng máy đủ loại: Lanh lảnh như tiếng ve sầu; pằm pằm như tiếng trung liên; lại có cái phành phạch hoặc gầm rít, hoặc vút lên vi vu như sáo diều. Những cô gái Tày, gái Mèo, gái Dao bên cạnh anh thanh niên Kinh, Giáy... ngồi đĩnh đạc lái máy. Ở nơi máy xúc EKG làm việc, dây cáp cuốn cần gàu xúc ấy là bốn tấn quặng. “Bò tót” và “gấu” cũng không chịu nổi ba gàu. Một nhát xúc của nó cho ta không biết bao nhiêu là của. Tại cảng Hải Phòng, một cân Apatít trị giá hai cân gạo. Một ngày đây, mỗi máy xúc không biết cơ man nào là gàu, mà máy xúc ở đây không thể đếm trên đầu ngón tay.
Sau này nhà máy sàng lọc và chế biến quặng của ta lớn lên, ta lọc ra từng loại một. Loại phục vụ nông nghiệp, tức là phân phốt phát đấy! Loại phục vụ quốc phòng, phục vụ công nghiệp hóa chất, phục vụ y tế, mỹ nghệ đồ gốm... Lúc đó ta không bán xô như bây giờ nữa. Thu nhập của ta sẽ tăng lên không biết bao nhiêu lần.
Trên cánh đồng năm tấn, mười tấn, hoặc ba mươi, bốn mươi tấn trên một héc-ta sau này không thể không có sự góp mặt của Apatít. Vì thế các nhà bác học mệnh danh cho nó là “quặng nông nghiệp” (**).
Quặng ta đã vượt biển đi nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, góp phần thắt chặt quan hệ anh em và hợp tác kinh tế.
Với tốc độ khai thác hiện đại như hiện nay, cũng còn phải mấy trăm năm nữa mới hết. Quặng mỏ của ta đã giàu lại lớn. Đúng là một hòn ngọc vô giá!
Mùa xuân đứng trên tầng mỏ cảm thấy như mình lạc vào một thế giới mới. Đẹp như cảnh tiên mà lại không tĩnh lặng chút nào, khắp nơi rộn lên khí thế lao động mới.
Gió xuân từ Sa Pa rủ từng đám mây trắng về đây. Phút chốc tôi đứng trong mây và mây quyện lấy tôi. Xe phải bật đèn màu lên để phá mù mà chạy. Mây vèo qua rồi trời trở lại quang đãng, chan hòa nắng gió. Nhìn về thị xã Lao Cai, đã thấy hiện lên sừng sững ống khói nhà máy điện tám nghìn ki-lô-oát, nơi chi phối mọi hoạt động ở đây. Nhìn về phía nam, cầu sắt Làng Giàng đứng trang nghiêm, soi mình trên dòng sông đỏ thắm và chốc chốc lại đón một tàu quặng vụt qua về Hải Phòng. Có lần tôi thấy một đoàn tàu đi về phía mỏ, trên mình có mấy dòng chữ ghi vội bằng phấn trắng: “Công nhân cảng gửi lời chào công nhân mỏ Apatít!”
Thị xã mỏ nằm trong thung lũng phía tây nam của mỏ. Giữa màu xanh mênh mông của rừng hiện lên một vùng chói lòa ngói đỏ, trắng lóa tường vôi và chan hòa ánh điện. Suối làng Nhớn quanh co ôm lấy thị xã, tưởng như một dòng quặng theo máng tuôn về.
Những tháng năm trên mỏ Apatít này - xưa và nay - khác nhau nhiều quá, kể mãi có bao giờ hết được. Mộng tưởng đớp miếng mồi ngon của bọn thực dân Pháp đã tan vỡ vĩnh viễn. Trong cuộc đánh Mỹ vừa qua, quạ sắt Hoa Kỳ có dò đến vài lần, nhưng đã phải cút thẳng. Chúng không chịu nổi cái kiểu đánh vỗ mặt, gan góc, bình tĩnh và có tri thức của những cây súng thiện xạ ở đây, những cây súng do những lớp cháu con của lớp công nhân xưa cầm chắc.
Có lần tôi về xuôi công tác, một người quen bảo tôi:
- Anh gần mười lăm năm công tác ở Lao Cai rồi, còn tiếc gì nữa mà không xin chuyển?
Tôi biết nói thế nào với người đã đưa ra lời nói đó hiểu được lòng tôi. Trên các tỉnh ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa tôi đã qua, nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng quý, nhưng cái tỉnh Lao Cai, nơi địa đầu của Tổ quốc ta hấp dẫn tôi lạ thường, cho tôi bao suy nghĩ đa dạng, cho tôi sáng mắt sáng lòng và niềm biết ơn bao la rộng lớn. Hôm nay đứng trên tầng cao nhìn về thị xã mỏ điện sáng ngời ngời tôi lại hình dung ra ngọn lửa xanh leo lét trong tay cụ Trần Văn Nỏ, rồi ngọn lửa xanh ấy lọt vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp đã thiêu cháy biết bao nhiêu cuộc đời; đã đốt ra tro biết bao gia đình nông dân nghèo khó, lương thiện; đã nung biết bao kiếp người chảy thành nước mắt; đã hun cho mặt đất bằng phẳng kia nhô lên, cứng lại thành những nấm mồ!... Chỉ từ khi chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, vùng lên nắm lấy chính quyền, làm chủ cuộc đời mình, tống cổ bọn hùm sói ra biển thì ngọn lửa xanh ấy đã bùng lên, hòa mình thành ngàn ngàn bóng điện soi sáng cho cuộc đời, cho hạnh phúc của chúng ta.
Từ đó, chúng ta thực sự làm người tự do của một nước độc lập. Giữa những ngày xuân của hòa bình sau bao nhiêu năm đánh Mỹ thắng lợi, tôi đứng trên tầng cao lộng nắng gió và chan hòa điện sáng lại càng thấy mình phải làm gì nữa; làm gì thêm nữa như bóng điện kia, góp với dòng điện một ngọn điện, góp với tươi sáng hôm nay một sự tốt lành. Thế đấy! Tôi sẽ ở đâu ư? ở nơi tôi được đóng góp sức mình nhiều nhất để xây dựng nước nhà xã hội chủ nghĩa. Đêm đêm, ngọn lửa xanh kia, dòng điện ngời ngời tỏa sáng ấy cứ bám riết lấy tôi, thúc giục tôi làm việc không ngừng và lúc nào cũng cảm thấy thời gian, ôi chao, sao mà ngắn thế!
Lào Cai, mùa xuân 1973 (**)
Bùi Nguyên Khiết
Nguồn: Bùi Nguyên Khiết - Bóng dáng thân yêu.
NXB Hội Nhà văn, 2004
Theo https://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...