Ngẫu hứng đọc "Thơ tình viết
Ba buổi sáng ở Sài Gòn tôi được ngồi cà phê 64 Trần Quốc Thảo
với nhà thơ Trần Dzạ Lữ. Nom anh bảnh bao trang phục, trịnh trọng với chiếc cặp
da đựng đầy thơ. Anh khoe vui: Mình đang đi chào bán thơ: Tập THƠ TÌNH VIẾT
TRÊN BAO THUỐC LÁ, NXB Hội Nhà Văn ấn hành quý 2/2014. Tôi đáp lời anh sang thế
kỷ 21 rồi mà vẫn có người đi chào bán thơ, ấy cũng là một kỳ công! Khi nói điều
này với Trần Dzạ Lữ tôi hình dung về một thời làm thơ, làm báo học trò của thế
hệ chúng tôi ở miền Trung gian khổ. Ở Huế thơ mộng trữ tình Trần Dzạ cặm cụi
chăm chút nắn nót tờ báo viết tay Mây Ngàn. Tại Quảng Trị gió Lào quốc tế tôi
chí thú viết tay tập thơ văn Mắt Nai. Cách 60 cây số nhưng duyên văn nghệ đã đẩy
đưa, đưa đẩy chúng tôi gần nhau thân ái. Khi rời trường trung học Nguyễn Hoàng
Quảng Trị để vô Quốc Học, Huế chúng tôi càng thân thiết nhau hơn trên từng
trang giấy học trò.
Nay mừng nhà thơ Trần Dzạ Lữ vẫn dồi dào bút lực, vẫn lai láng tình thi, vẫn được
đông đảo “fan” nữ yêu thơ ái mộ. Thi phẩm thứ ba của Trần Dzạ Lữ THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ mong sẽ thỏa mãn tấm lòng người yêu thơ tứ xứ. Người yêu thơ
tứ xứ nay đã hiểu ANH rồi:
Kiều đã đi với giấc mộng lành
Kiều đã đi với giấc mộng lành
Anh nuốt vội miếng Thu nơi cố xứ
Thôi em nhỉ! Tình thơ này nghiêng ngửa
Thì sá gì cơm áo kiếp phù sinh...
(Thơ tình viết trên bao thuốc lá)
100 bài trong THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ không ghi
mốc thời gian sáng tác. Âu đó cũng có cái hay! Tình yêu là đề tài sáng tạo của
nhân loại muôn nơi, muôn thuở. Vượt lên không gian, băng qua thời gian những chữ,
những lời yêu cứ thế dạt dào thành âm điệu, cung bậc. Con người. Thiên nhiên.
Cuộc sống… tất cả được tái hiện sinh động theo độ rung tâm hồn của nhà
thơ.
Ngoài sáu mươi, mới làm thơ cho cha
Con không khóc nhưng tim mình lệ ứa
Tìm đâu được người kính yêu xưa nữa
Bóng núi tình, cha che chở đời con
(Cảm ân cha)
Là Mẹ:
Bao nhiêu năm vẫn thèm về với mẹ
Dẫu lượng đời hao hụt cõi phù hoa
Có nơi đâu bằng được chốn quê nhà
Phải không mẹ người con yêu quý nhất
(Mẹ ơi!)
Là Chị:
Từ em biệt chị bên sông
Lòng đan đát nhớ, bềnh bồng cơn say
(Lục bát cho chị)
Là Vợ:
Nhiều khi anh bay theo núi thẳm sông dài
Em ở lại, vẫn đợi chờ chung thủy
Ôi Bồ Tát của lòng anh đó hỉ?
Thêm xuân này đã rụng bớt tóc mai
(Đầu năm nói chuyện với vợ)
Đêm ngày chuốc cơn say
Để quên buồn, quên nhớ
Ôi chao người vợ khổ
Bay qua dương thế này
(Góa vợ)
Là Huế, Sông Lam, Khâu Vai, Hà Nội. Là Quy Nhơn, Đà lạt, Mũi Né, Sài Gòn, Củ
Chi, Cái Bè, Đất Mũi… Những cuộc lữ vô định mà hữu tình của người thơ đã lưu ảnh,
lưu dấu địa danh quê hương xứ sở bằng vần điệu sâu lắng, gợi hồn đồng cảm.
Là người tình dễ thương “Áo lụa vàng”, “Mắt nhớ”, “Giọng của em”, “Bàn tay người
yêu dấu”… luôn hiện rõ, lai láng trong THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ. Hồn
nhiên yêu, hồn nhiên không đắn đo “nạp mình” trước dung nhan người nữ dường như
là nội dung chủ đích của nhà thơ Trần Dzạ Lữ khi thực hiện THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ:
Dẫu xuân nay có hiện diện thi nhân
Cùng danh tướng cũng chết vì mắt biếc
Huống hồ anh! Có chi đâu nuối tiếc
Khi nạp mình vào hố-thẳm-giai-nhân?
(Nạp mình)
Có lẽ nhờ hút thuốc lá mà nhà thơ Trần Dzạ Lữ có tập THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ, ấy vậy mà khi mới đây lại có một Ji Yeon Kim - bạn facebook của nhà thơ lại
mạnh dạn đưa ý kiến “em xin góp ý nhà thơ nên bỏ thuộc lá”. Và nhà thơ đã trả lời:
“Đang bỏ dần dần đây em gái Dịu à”. Ji Yeon Kim: “Vậy cố gắng nhé!”. Nếu như bỏ
được thuốc lá mà nhà thơ Trần Dzạ Lữ vẫn tiếp tục viết THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ thì chắc chắn Ji Yeon Kim sẽ vui rồi, phải không Dịu?
Chiều Sài Sòn mưa to, tầm tả, ngẫu hứng đọc THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ với niềm thương bạn, với mối cảm hoài. Hai anh em mình đang có chung hoàn cảnh: hiền thê mỗi người đã không còn. Hiền thê anh, hiền thê tôi ra đi nhưng thơ còn ở lại. Chắc anh cũng như tôi: Hiền thê thường về trong dấu yêu thơ, mơ…
Chiều Sài Sòn mưa to, tầm tả, ngẫu hứng đọc THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ với niềm thương bạn, với mối cảm hoài. Hai anh em mình đang có chung hoàn cảnh: hiền thê mỗi người đã không còn. Hiền thê anh, hiền thê tôi ra đi nhưng thơ còn ở lại. Chắc anh cũng như tôi: Hiền thê thường về trong dấu yêu thơ, mơ…
Trân quý một đời thơ, một đời văn nghệ, ấy là niềm vui chung nhất của chúng ta.
Xin chúc mừng nhà thơ Trần Dzạ Lữ còn dan díu tình, còn vương víu thi ca để đến
thế kỷ hai mươi mốt rồi vẫn an nhiên, ung dung chào bán thơ, loại THƠ TÌNH VIẾT TRÊN BAO THUỐC LÁ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét