Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên từ tiếng ca giữ nước đến bước tiếp những mùa xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên từ tiếng ca
giữ nước đến bước tiếp những mùa xuân
Trong các năm từ 1970 đến năm 1972, cùng với cuộc đấu tranh chống Mỹ trên mặt trận đường phố của thanh niên sinh viên học sinh miền Nam, chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã dâng lên thành một cao trào lớn mạnh trên các thành phố Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt. Từ “Hát cho đồng bào tôi nghe“ đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ tên tuổi nòng cốt như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trương Thìn, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiết, Nguyễn Nam, Trần Xuân Tiến…và nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên của Huế được tuổi trẻ học đường miền Nam biết đến nhiều với ca khúc “Thuyền em đi trong đêm” với nội dung ngợi ca người con gái giao liên trong vùng giải phóng.
Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên sinh năm 1946 tại An Truyền (tức làng Chuồn), xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Lớn lên từ một miền quê vốn có nhiều lễ hội như hát bội, đám chay, thu tế với điệu thài mang âm hưởng lễ nhạc chốn cung đình, Nguyễn Phú Yên đã sớm tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương. Sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai trường Đại học Văn Khoa, Đại học Sư Phạm Huế  năm 1969, Nguyễn Phú Yên vào dạy học ở Phan Thiết. Tại đây ca khúc “Mười năm”, phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Như Mây đã trở thành một kỷ niệm đẹp của anh trong những ngày tháng gắn bó, buồn vui giữa miền gió cát cực nam trung bộ.
Khi trở lại Huế trong những năm 70, 71… Nguyễn Phú Yên đã hòa nhập vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của thanh niên, sinh viên, học sinh Huế. Thực tế sinh động từ những cuộc hội thảo, xuống đường, những đêm không ngủ, những lần theo Đoàn Công tác xã hội sinh viên học sinh Huế thâm nhập về những vùng quê bị bom đạn Mỹ tàn phá đã trở thành chất liệu sống giúp anh nguồn hứng khởi sáng tác.
Những ca khúc của Nguyễn Phú Yên như “Nhà em dưới mái trường sơn”, “Cô giáo trẻ trên bản làng xa”, “Thuyền em đi trong đêm”, “Công trường chiều nay”, “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa” (phổ thơ Võ Quê), “Sài Gòn ơi, vùng lên”,” Tiếng chim rừng hót mừng sông núi”…đã được ngân vang trong các chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” thời ấy và được in trong các tuyển tập “Tiếng ca giữ nước”, tập ca khúc in chung với Tôn Thất Lập (Hội Sinh Viên Sáng Tác, Tổng Hội Sinh Viên Huế,1970); “Hát cùng đồng bào ta”, nhiều tác giả (Hội Sinh Viên Sáng Tác, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, 1971); Tạp chí Đối Diện (1970-1971); “Thuyền em đi trong đêm”,đĩa hát ghi chung với Hoàng Vân, Tôn Thất Lập ( Nhóm Cửu Long, CHLB Đức, 1974). Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã rất tâm đắc viết về anh trong giai đoạn đó: “ Từ những năm đầu thập niên 70, một dòng nhạc dấn thân đậm đà bản sắc dân tộc được dàn trải trên những tiết tấu hiện đại đã lôi cuốn thanh niên, sinh viên, học sinh lao vào các cuộc đấu tranh cách mạng tại các đô thị miền Nam. Đó là những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Âm nhạc của anh tuy hòa chung vào dòng nhạc phong trào nhưng đã sớm bộc lộ một sắc thái riêng rất dễ nhận biết…”    
Sau 1975, tiếp nối quá trình sáng tác trong những năm trước đây, mặc dầu bề bộn với công tác ở báo Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên vẫn âm thầm miệt mài viết nên nhiều ca khúc mà theo nhạc sĩ Tôn Thất Lập thì “những ca khúc mới sau này của anh đã mở ra hướng tìm kiếm để hòa nhịp vào những hơi thở trẻ ngày nay”. Một trong những nét nổi bật của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên trong sáng tác là anh thường đồng cảm sâu sắc với nhiều nhà thơ để phổ thành công nhũng bài thơ về quê hương, về mẹ, về tình yêu mà tiêu biểu là các ca khúc “Gửi Huế thân yêu”, thơ Tạ Nghi Lễ; “Bóng mẹ quê nhà”, thơ Phạm Thanh Chương, “Chợt nhớ quê xưa”, tho Hồ Đắc Thiếu Anh; “Vẫn ngày xa xưa ấy”, thơ Nguyễn Thị Xuân Thủy; “Hỡi người tình nhỏ”, thơ Đỗ Trung Quân… Mối quan hệ mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc đã được Nguyễn Phú Yên tạo nên nhũng giai điệu đẹp, thuần khiết, trữ tình.
Vốn quen thuộc với các sinh hoạt cộng đồng, luôn gắn nghiệp vụ của mình trong đời sống xã hội, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên thường tích cực hưởng ứng tham gia vào các cuộc vận động sáng tác ca khúc của nhiều nơi tổ chức và anh đã gặt hái những thành quả đáng trân trọng qua các ca khúc: “Bước tiếp những mùa xuân” (giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác về đề tài Thống nhất Tổ quốc, Hội Văn Nghệ Giải phóng, 1976); Các ca khúc trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Thành viên của tập thể các nhạc sĩ sinh viên đoạt Giải thưởng Hoàng Mai Lưu. 1990); “Bài ca Thanh niên” (giải hưởng ứng cuộc vận động sáng tác đề tài Thanh niên, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, 1994); “Gửi Huế thân yêu” (giải A cuộc thi sáng tác về Huế, Thành phố Huế và Hội VHNT Thừa Thiên Huế, 1995).
Bây giờ, tuy nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đang công tác và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, nhưng anh cho biết nguồn cảm hứng sáng tác về Huế quê hương vẫn còn bền bỉ nung nấu trong tâm hồn anh từng giai điệu nhớ: “Mẹ đã sinh con trên một bến đò. Nên suốt đời con dạt dào sóng vỗ. Từ đất quê xưa mưa dầm nắng đổ. Con lại ra đi bao dặm đất trời. Con vẫn thầm mong nghe giọng à ơi… Lòng nhớ thương hoài làng quê ngày ấy… (Ca khúc “Ôi mẹ mến yêu”).
Võ Quê
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...