Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Một lần ghé quán bên đường

Một lần ghé quán bên đường
Tôi vốn không ưa thuốc lá, không ưa cả người hút thuốc lá. Cũng bởi mình là thầy thuốc, lại làm việc trong chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Nhưng lần này tôi bỗng thấy mê một người hút thuốc lá. Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, nghiện thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu  đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im, lặng ngắm, không dám hó hé. Tôi biết thứ thuốc lá ông hút chẳng phải nhẹ nhàng gì, nhưng người ta đặt tên dịu dàng với bao bì thanh mảnh dễ thương chẳng qua để người hút tưởng nó nhẹ, nó không nhiều chất độc vậy thôi. Người đàn ông đó, người đàn ông hút thuốc lá mê hoặc được tôi đó chính là nhà văn Trang Thế Hy, buổi trưa nắng gắt ngày 10-11-2009 tại nhà riêng của ông ở dưới chân cầu Rạch Miễu, Bến Tre mà tôi có dịp lần đầu đến thăm sau nhiều lần dự định mà không thành.
Bác sĩ Trần Đức Dũng người quen của gia đình ông đưa tôi đến, theo yêu cầu của tôi, không báo trước. Tôi vẫn nghe từ lâu ông là một nhà văn khó tánh. Nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 50 của thế kỷ trước, được nhiều người ngưỡng mộ, đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ từ biệt Sài Gòn phồn hoa đô hội, tự mình “đi chỗ khác chơi”. Nhà thơ Thanh Thảo thì dùng một câu ca dao Nam bộ để viết về ông: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”. Còn nhà văn Nguyên Ngọc thì đã gọi ông một cách trân trọng: “người hiền của văn học Nam bộ”. Còn ông tự coi mình chỉ là “người tình thoáng chốc của văn chương”. Rời bỏ cuộc chơi, lánh về ẩn cư chốn quê nhà, “rửa tay gác kiếm”. Thế nhưng hình như người tình của ông thì chẳng bao giờ chịu rời bỏ ông cứ y như người tình của Tchekov ngày nào…
Tôi muốn được đến thăm ông như một độc giả mê văn ông từ thời Mỹ Thơ - tên một truyện ngắn của ông - trên báo Nhân Loại hơn nửa thế kỷ trước. Dĩ nhiên sau này ông còn có nhiều truyện ngắn hay hơn, sâu sắc hơn,  nhưng với tôi,  Mỹ Thơ vẫn mãi đọng lại với tiếng còi xe lửa xình xịch Sài Gòn - Mỹ Tho thời đó. Tôi cũng mê thơ ông, đặc biệt bài thơ có tựa là Đắng và Ngọt, đã được đổi thành Cuộc đời khi đăng báo mà sau này trở thành Quán bên đường, do Phạm Duy phổ nhạc. Từ lâu, mỗi lần nghe Quán bên đường tôi lại thấy rưng rưng, như muốn khóc. Cái người có một bài thơ làm mình muốn khóc đó bây giờ ra sao thôi thúc tôi tìm đến thăm ông. Thơ kể chuyện thôi mà, có tân hình thức có hậu hiện đại gì đâu, cớ sao mình mới nghe đã thuộc, đã nhớ, đã thổn thức, đã rưng rưng?
Bác sĩ Dũng hỏi tôi cần mua gì làm quà cho bác Tư không? Tôi bảo thôi. Không cần đâu. Không sao. Tôi giục. Dũng mượn cái nón bảo hiểm, vèo chở tôi đi ngược về phía chân cầu Rạch Miễu, và dừng lại ở một con hẻm nhỏ, bên cạnh một con rạch. Phía bên kia đường là khu dưỡng lão với những ngôi nhà ngói đỏ au. Bác Tư Trang Thế Hy đang sống với vợ chồng cô con gái trong một căn nhà nhỏ bé, thấp lè tè, yên ả giữa mảnh vườn xanh um, dừa chuối bưởi bòng. Đã mấy lần tôi định tìm thăm ông, một người bạn văn của cậu tôi, ông Nguiễn Ngu Í, thời Bách Khoa, để được nhìn ngắm ông, hỏi han sức khỏe ông và… nhờ ông giải thích cho vài chỗ còn lờ mờ trong bài thơ. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học” thì tôi biết, nhưng “tóc bánh bèo” thì chịu. Trước kia tôi vẫn ngỡ bài thơ đó là của Bình Nguyên Lộc, có người còn nói của Khổng Nghi. Khi Phạm Duy phổ nhạc vẫn chỉ ghi tác giả là “khuyết danh” mà! Bây giờ biết tác giả là ông, tôi càng háo hức. Lạ, dù qua giọng ca Thái Thanh ngày xưa hay sau này Ý Lan, con gái Thái Thanh, cứ mỗi lần nghe hát, tôi lại thấy rưng rưng nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Câu chuyện kể trong bài thơ đó quá xúc động, không dừng ở câu chuyện riêng, mà ở một triết lý sống, một triết lý nghệ thuật với câu kết “Thì cứ hỏi cuộc đời” như mở toang một cánh cửa trống hoác…!
Dũng đưa tôi đến đúng lúc bữa cơm trưa của ông cùng với một người khách quen, Nguyên Tùng, Hội Nhà văn Bến Tre đến chơi. Dũng lí nhí giới thiệu bác sĩ Ngọc đến thăm bác Tư nè bác Tư. Ông kêu đem thêm chén đũa. Vẻ dè dặt. Tôi cười cười ngắm nghía ông. Thấy thương ghê. Ốm nhom ốm nhách trong bộ pijama lụa lùng nhùng đặc sệt Nam bộ. Tóc bạc lênh đênh chùi về phía sau, dồn cái trán rộng về phía trước, miệng móm mém, mũi cao, thẳng, mắt sâu và sắc như một thiền sư khổ hạnh. Tôi phân vân không biết nên gọi ông là chú hay là anh. Sau cùng tôi gọi ông bằng… anh vì nghĩ đã là một nhà văn như ông, hẳn nên được đối xử như một người không có tuổi, nhất là nhà văn này đối với tôi còn là một nhà thơ mà tôi hằng quý mến. Cho nên tôi gọi bằng anh. Gần gũi hơn, ấm áp hơn là chú, là bác, là ông, là cụ hay là… nhà văn! Tôi “thăm dò” bằng cách hỏi han ông: Anh có khỏe không? Hơi yếu hơn trước. Lúc này anh có bệnh gì không? Không. Chỉ bị phổi tắc nghẽn mãn tính thôi. Chắc tại anh hút thuốc lá hơi nhiều? Phải, nhưng nay đã bớt hút rồi. Bây giờ chỉ hút khi có khách. Tôi được biết năm ngoái ông đã từng phải vào cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) vì khó thở, rồi phải điều trị theo chương trình COPD mất tám tháng. Trong khi tim mạch vẫn rất tốt. Huyết áp ổn định. Ông lại với tay lấy gói thuốc, rút một điếu nữa, bật quẹt. Anh ốm quá, được bốn chục ký không? Bốn chục ký non. Hôm trước 40, nay còn 39 thôi. Vẫn lạnh nhạt, dè dặt.
Trên bàn là những món ăn tốt cho người già, tôi quan sát. Cơm trắng cá kho, canh rau, trái cây, rồi nào bưởi nào chuối luộc… Và một ly rượu nhỏ. Chắc có Nguyên Tùng đến nên Tùng một ly, ông một ly. Ông kêu Tùng rót thêm hai ly nhỏ nữa cho tôi và Dũng. Thấy Dũng hớp vội xong nhỏm dậy lo chạy việc riêng, tôi nhờ anh bấm cho vài tấm hình kỷ niệm. Ông để yên cho chụp không nói gì. Tôi bấm thêm mấy tấm cận ảnh lúc ông ngậm điếu thuốc, với cái dáng điệu nghệ mà tôi mê. Bỗng ông lên tiếng: Này, người ta nói “tốt khoe xấu che”, hiểu không? Tốt khoe xấu che. Chụp hình tôi thì chụp nhưng đừng có đăng báo đó nghe! Tôi cười cười trong bụng nghĩ đúng là ông già khó tánh. Tôi nói, già có cái đẹp của già chớ anh Tư! Mà quả thật, tôi thấy ông đẹp. Và khỏe nữa. Tai thính này. Mắt tinh này. Ông cho biết mới mổ cườm, vẫn đọc sách báo tốt. Và đặc biệt, trí nhớ tuyệt vời!
Rồi tôi lảng sang chuyện khác: Bài thơ được phổ nhạc với tên Quán bên Đường của anh sao mọi người vẫn tưởng là của Bình Nguyên Lộc? Bởi vì Bình Nguyên Lộc là người đăng bài đó lên báo mà! Báo Vui Sống, khoảng 1960 gì đó phải không? Không, 1959 chớ. Mỗi lần nghe hát bài này sao tôi đều thấy muốn khóc. Lạ thiệt. Tôi nói. “Khét nắng hôi trâu thèm đi học…”, rồi  “khoai sùng lượm mót…”. À, mà “tóc bánh bèo” là tóc làm sao anh Tư? Có phải ba vá không? Không, không phải ba vá. Tóc bánh bèo, này Tùng - ông bỗng gọi - Tùng biết tóc bánh bèo không? Tùng nói: Dạ có phải cạo trọc, để lại một chùm đằng sau ót, tròn tròn… Ông cầm cái chén lên, vo vo theo miệng chén bảo đúng rồi, cạo trọc, để lại một miếng tròn như vầy, nhưng ở giữa phải có một chùm tóc như cái nhưn bánh bèo vậy! Thì ra thế. Cả tôi cả Tùng đều không biết.
Nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ hẹn với Dũng, tôi bèn mở túi xách lấy mấy cuốn sách mang theo từ Sài Gòn xuống tặng ông. Đó là Già ơi… chào bạn!, Những người trẻ lạ lùng và Thư gởi người bận rộn. Xin gởi tặng anh Tư vài cuốn sách đọc cho vui, tôi nói. Ông nhìn tên tác giả trên bìa sách rồi ngạc nhiên: Ủa, Đỗ Hồng Ngọc hả? Tôi có đọc Đỗ Hồng Ngọc. Tôi thích cái style của Đỗ Hồng Ngọc đó! Ông lật lật, cười tươi, cởi mở, nồng nhiệt, thân thiện. Bỗng ông đứng lên, vui vẻ kêu: Ngọc ơi, đi qua đây, đi qua đây nghe bài hát Quán bên đường này. Tùng nữa. Qua đây. Một người bên Đức gởi tặng tôi đĩa này do Thái Thanh và Quỳnh Giao ca đó. Ông kéo tôi và Tùng qua phòng bên. Một phòng nhỏ, rất riêng, rất bề bộn của một nhà văn… Nào phin lọc cà-phê, tách trà, bình thủy… nào sách báo ngổn ngang các thứ. Rồi ghế xích đu, rồi võng… Ông chỉ chiếc ghế salon nhỏ cạnh bàn nước, kêu tôi ngồi, chỉ Tùng chiếc võng. Ông bật máy cassette rồi ngồi xuống chiếc ghế xích đu cạnh đó. Giọng Thái Thanh lảnh lót. Ngày xưa ngày xửa ngày xưa…  Rồi giọng Quỳnh Giao… Tôi lắng từng lời từng lời, lòng vẫn thấy rưng rưng… Thấy tôi gật gù, ông bỗng nở nụ cười: “Bẹo”, “chữ bẹo”… Ông nằm bật ngữa sảng khoái trên ghế xích đu, ngón chân nhịp nhịp theo bài hát, mắt lim dim. Nghe xong, tôi nói: Bài này còn có bản do Ý Lan ca rất hay nữa anh Tư à. Ý Lan là con gái Thái Thanh đó. Tôi chưa có bản đó, ông nói, hôm trước Phạm Duy xuống thăm cũng nói vậy. Ông lại hỏi: Quỳnh Giao con Dương Thiệu Tước phải không? Dạ phải. Thái Thanh hát technique nhiều, Quỳnh Giao hát có lòng hơn. Lúc phổ nhạc, người ta đã thêm bớt nhiều quá! Nhưng đành vậy thôi. Ông nói.
Rồi kéo tôi và Nguyên Tùng trở lại bàn ăn. Một Trang Thế Hy khác: Sôi nổi, hoạt bát, sắc sảo, dí dỏm… Chúng tôi nói về những người Việt trẻ tài năng. Ông nhắc Lê Bá Hùng, một thanh niên gốc Việt, hạm trưởng một tàu hải quân Mỹ USS Lassen vừa cặp cảng Đà Nẵng. Tôi nhắc một người gốc Việt khác, Philipp Roesler 36 tuổi là Bộ trưởng Y tế Đức. Tùng nhắc nhà văn Nam Lê ở Úc với The Boat. Chúng tôi lại nói đến giải Nobel, rồi đến Cao Hành Kiện. Có đọc bài diễn văn nhận giải Nobel của Cao Hành Kiện không? Ông hỏi rồi nhắc luôn những ý chính của bài diễn văn đó, đại khái nhà văn cần phải đứng cao hơn những ràng buộc và cám dỗ để đạt được tự do và độc lập trong tư tưởng… Im lặng một lúc, ông nói: Hôm trước có cô nhà văn gì đó hỏi tôi tại sao không ưa… mà thích Lỗ Tấn? Tôi không trả lời, nhưng hôm nay nói cho Đỗ Hồng Ngọc nghe nha: Tôi thích Lỗ Tấn vì… Ông đột ngột hỏi tôi: Có đọc Nhật ký người điên của Lỗ Tấn do Phan Khôi dịch rồi phải không? Tôi gật. Ông đọc thuộc lòng ngay một đoạn, đoạn kết của truyện ngắn Nhật ký người điên đó. Thấy chưa, Lỗ Tấn là như vậy đó… Ông đâu có quốc tịch. Ông là nhân loại. Là con người… “Hãy cứu lấy trẻ con vì nhiều em chưa kịp ăn thịt người!”.  Nhà văn trong bối cảnh nào cũng có cách riêng của nó. Nếu nó hòa hợp được thì nó đã hòa hợp, còn không, nó có cách riêng…
Khi biết tôi là cháu gọi Nguiễn Ngu Í bằng cậu, ông hỏi Ngu Í còn sống không? Đã mất từ 1979 sau những cơn điên nặng. Hồi trước Nguiễn Ngu Í có phỏng vấn anh mà, loạt bài trên báo Bách Khoa đó. Tôi nhắc. Đúng. Nguiễn Ngu Í phỏng vấn tôi lúc nào cũng viết Trang Thế Hi, với chữ I cụt! Lại móm mém cười. Rồi ông hỏi thăm tôi về bác sĩ Lương Phán, một người bạn thân của ông. Rồi cùng nhắc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Tôi nói anh Chín Nghiệp quê ở Mỹ Tho? Không, Ba Tri, Bến Tre chớ!  Rồi cùng nhắc đến Trần Hữu Dũng và nhiều nhân vật khác…
Thấy đã quá trưa, nên rút để ông nghỉ. Dũng vẫn chưa trở lại. Tùng tình nguyện đưa tôi về để kịp giờ hội thảo buổi chiều. Ông đặt bàn tay trên mấy cuốn sách tôi tặng xoa xoa và nói đến thăm nhà văn mà nhà văn không có gì để tặng lại… Tôi cười “Già ơi… chào bạn!” là … Bonjour vieillesse đó anh, cũng như… Bonjour tristesse vậy mà! Ừ, Sagan, một cô bé mới mười mấy tuổi đầu mà đã viết Bonjour Tristesse… Ngay trong câu mở đầu cô đã viết… Rồi ông đọc vanh vách nguyên một đoạn mở đầu đó của F. Sagan cho tôi nghe. Tùng đã nổ máy xe đợi ngoài cổng. Ông lững thững theo tôi ra. Tôi bỗng muốn ôm chặt lấy ông một cái nhưng không dám, chỉ nắm cánh tay ông siết nhẹ:
- Thưa Thầy, em về!
Ông cười mắt nheo lại thật tươi.
Đỗ Hồng Ngọc 
Nguồn: Văn nghệ số 43/2014
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...