CHƯƠNG 21
Lúc bấy giờ các trường nghỉ Tết được nửa tháng, từ 22 tháng chạp
ta đến mồng tám, hoặc mồng mười tháng Giêng. Trong mấy ngày nghỉ Tết, đa số học
trò bị nhiễm một tật thông thường của đa số các bậc phụ huynh, là cờ bạc. Ở tỉnh
nào và Phủ, Huyện nào cũng thế cả.
Có năm loại cờ bạc trong mấy ngày xuân:
1) giới quý phái, quan liêu, các quan lớn, quan nhỏ, thì đánh
tổ tôm, tài bàn (nhất văn, nhị văn, tam văn... chi chi, cửu vạn, bát sách)
v.v...
2) giới bình dân phong lưu thì đánh Kiệu (thất kiệu, tam kiệu).
3) giới bình dân đại chúng, nhất là phụ nữ, thì đánh Tứ sắc (tướng xanh, tướng đỏ, tướng vàng, tướng trắng, tốt xanh, tốt vàng v.v...) hoặc
bài Tam cúc (ông Ẩm, ba Tiền, tám Tiền, v.v...).
4) giới cờ bạc chuyên môn thì Hốt Me, Xóc đĩa, Bài cào, Xì
lác, các tê.
5) sau cùng là học trò và con nít thì đánh lú : Tam Túc Lượng
Yêu (tam là ba đồng tiền, túc bốn đồng, lượng hai đồng, yêu một đồng).
Trong mấy ngày Tết, hầu hết các gia đình đều tổ chức đánh bài
như thế, tuy là để " tiêu khiển" trong mấy ngày Xuân, nhưng cũng ăn
thua tiền bạc quá nhiều và rất ham mê.
Cờ bạc công cộng thì có bài chòi, do làng xóm tổ chức. Lối
chơi bài chòi công cộng này rất vui, rất dễ quyến rũ ngưởi ta. Thường thường một
nơi xa kéo đến, có khi từ Huyện nọ sang Huyện kia, đến vài chục cây số. Hội Bài
Chòi thường khai mạc sáng Mồng Một Tết và kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Lối chơi
này riêng biệt ở Trung Kỳ, rất thông dụng. Ở miền Bắc và miền Nam không có.
Đám thanh niên và học sinh vùi đầu vùi cổ trong các canh bài,
đêm nào cũng thức thật khuya, có đêm thức tới sáng. Vì học trò có ít tiền nên
mãn canh bạc, ăn thua chỉ trong vòng năm bảy tiền, hay một quan là nhiều.
Phải nhận xét vô tư và xác thực rằng tất cả những cuộc cờ bạc
trên kia chỉ thịnh hành trong mấy ngày xuân thôi. Trừ ra một vài gia đình tiếp
tục chơi đến hết tháng Giêng, còn hầu khắp các nơi hết Tết là hết cờ bạc. Các bộ
bài được gói cất kỹ lưỡng trong tủ, và ai nấy lo làm ăn.
Học trò cũng thế. Hết nghỉ Tết, bắt đầu học trở lại, phần nhiều
học sinh lo học, không đánh bài nữa. Dù có muốn chơi cũng không dám chơi, vì
bài học và bài làm rất nhiều, đâu có thì giờ rảnh rang nữa.
Trừ một thiểu số lười biếng, phần nhiều là con nhà giàu, được
cha mẹ cưng, còn hầu hết học sinh thời trước đều chăm chỉ học tập, sợ thầy phạt,
và lo tranh đua với chúng bạn. Học không thuộc bài, bị thầy cho zéro trong sổ
điểm, là một cái nhục lớn cho người học trò, đối với bạn bè trong lớp. Học trò
thuở trước biết tự trọng, do đó mà biết cố gắng.
Xã hội Việt Nam từ 1910 đến 1950 không có hạng thanh niên lêu
lỏng, truỵ lạc, quá nhiều như ngày nay. Chính ở hai đô thị xa hoa rộn rịp nhất
là Saigon, Hà Nội, số thanh niên trác táng cũng không có bao nhiêu. Hoạ chăng
chỉ là một thiểu số con nhà giàu, mà cha mẹ để cho ăn chơi tự do ; bọn công tử,
công tôn xài phí hoang đường, cậy quyền, ỷ thế, có những hành động ngang tàng mất
dạy. Còn hầu hết thanh niên đều cố gắng học hành thi cử, để kiếm công ăn việc
làm. Tùy theo khả năng của mình, tất cả đều được tiếp nhận trong các công sở,
tư sở, nhà buôn, nhà máy, và các ngành hoạt động khác trong xứ. Luân lý gia
đình chặt chẽ, kỷ luật học đường nghiêm khắc, chương trình học vấn điều hòa, có
căn bản, và phong độ chung của xã hội Việt Nam được lành mạnh, tốt đẹp, để bảo
đảm cho thanh thiếu niên Tiền-chiến một đời sống tinh thần và vật chất thăng bằng,
không bê bối, không hỗn loạn.
Thanh niên 1920-1940, có lễ độ, không hỗn láo, không xấc-xược.
Đối với thầy họ không lỗ mãng, đối với bạn không lơ là, với mọi người trong xã
hội họ giữ được tư cách đứng đắn, gương mẫu của người học trò. Tuy học chữ Tây,
nhiễm văn minh vật chất của Âu Tây nhưng họ vẫn điều hoà được cả hai tinh thần
đông phương và tây phương. Nhờ đó họ đã xây dựng một thế hệ trung bình, phấn chấn,
không rụt rè thoái bộ, mà cũng không hời-hợt, lăng nhăng.
Tuấn-em lớn lên giữa một xã hội mới đang phôi thai trong tiến
bộ, hấp thụ một dưỡng khí học đường lành mạnh, tinh khiết và mát dịu. Tinh thần
chủng tộc càng nẩy nở mạnh mẽ trong tâm khảm nó. Bao nhiêu những rực rỡ tân kỳ
của văn minh Pháp quốc, như tầu bay, xe hơi, giây điện, giây thép, đồng hồ và
trăm ngàn máy móc mới lạ, tuy khiến cho nó kính phục, nhưng không sao biến đổi
được tính chất thuần túy của giống nòi đã khắn khít như keo sơn, như cội rễ,
trong giòng máu Việt Nam của nó.
Những kẻ "phục Tây sát đất", và nịnh Tây theo Tây
- tôn người Pháp là "quan Thầy", tôn nước Pháp là "mẫu quốc".
Chỉ có một số rất ít thôi. Đó là những kẻ muốn tăng cường địa vị cá nhân, muốn
khuếch trương quyền lợi riêng, muốn dựa thế người Pháp để xây dựng danh vọng,
vinh hoa, phú quý cho họ và cho gia đình họ. Những kẻ ấy không ảnh hưởng chút
nào đối với đại đa số thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên học sinh ở các
trường Pháp-Việt.
Nhân vật điển hình của hạng nịnh Tây, năm 1920 ở tỉnh Q., thuộc
về giới "thượng lưu trí thức" lại chính là ông đốc học Phạm văn Mỗ. Tốt
nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội, ông là người Nghệ An được bổ
nhiệm vào tỉnh Q. thay thế cho ông đốc học Pháp đổi đi nơi khác. Ông là một
trong số người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm (trường
này mới được chính phủ thuộc địa thành lập tại Hà Nội, năm 1914), và cũng là
người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Đốc học tại trường Tiểu học Pháp Việt
ở tỉnh (Ecole de Plein Exercice). Ông độ 30 tuổi, người thấp và nhỏ, luôn luôn
nói tiếng Pháp, ít khi nói tiếng Việt.
Năm 1920, ở các tỉnh toàn xứ hãy còn ít người An-Nam mặc Âu
phục. Các thầy Thông, thầy Phán làm việc các Toà, các sở, các thầy giáo, đều mặc
áo dài đen dài, mang giầy Hạ, đội mũ, hoặc chít khăn đen. Ở tỉnh Q. Quan Đốc học
Phạm văn Mỗ là người đầu tiên mặc âu phục và "quan" chỉ mặc đồ tây,
không bao giờ mặc đồ An-nam cả.
Ấy thế mà một năm sau, một thầy giáo lớp Tư cũng bắt chước mặc
âu phục như quan Đốc thì quan Đốc không bằng lòng và thù ghét tìm cách đuổi thầy
đi khỏi trường. Nghe nói thầy đi vô Đồng Nai, Gia Định!
Chỉ tội nghiệp cho thầy giáo lớp Ba. Cũng như thầy lớp Tư, thầy
này cũng bắt chước may một bộ đồ tây, sắp sửa mặc đi dạy học. Học trò đến nhà
thầy, thầy lấy bộ áo tây mới may đem ra khoe, có vẻ hảnh diện và vui sướng lắm.
Học trò cũng thích thầy mặc đồ tây cho oai. Nhưng thấy cái gương thầy lớp Tư
như thế, thầy lớp Ba vội-vàng xếp bộ đồ tây cất vô tủ, không dám lấy ra mặc nữa.
Đến đổi chủ nhật thầy đi dạo chơi ngoài phố, hoặc đến chơi nhà các thầy khác,
thầy cũng không dám mặc đồ tây, sợ có ai mét lại với quan Đốc thì nguy!
Mỗi buổi chiều thứ Năm nghỉ học, Tuấn-em đến thăm thầy, thầy
than thở với Tuấn:
- Ở tỉnh mình không có thợ may đồ tây, và cũng không có tiệm
nào bán vải may đồ tây, sẵn có người bà con đi Đồng Nai buôn bán, thầy gởi tiền
nhờ họ vô Đồng Nai mua vải và mướn thợ may cho thầy một bộ. Không dè ông Đốc
không muốn cho thầy giáo mặc đồ tây, thành thử thầy phải bỏ. Thầy tiếc quá!
Tuấn hỏi:
- Thưa thầy, thầy thuê thợ Đồng Nai may hết bao nhiêu tiền?
- Thầy để dành nửa tháng tiền lương mới đủ mua hàng tissu và
may được bộ đồ complet đó.
Tuấn-em nghe thầy nói, thương thầy lắm. Học trò cả lớp đều
thương thầy không đứa nào dám chế nhạo về vụ đó. Đối với ông Đốc, các thầy giáo
và học trò cả trường đều sợ.
Buổi học cuối niên khoá, trước kỳ nghỉ hè 3 tháng, từ đầu
tháng 7 dương lịch, ông Đốc vào từng lớp căn dặn học trò. Dĩ nhiên ông nói tiếng
Pháp. Học trò lớp Năm và lớp Tư không hiểu nổi, các thầy giáo dịch lại tiếng
An-nam :
- Ngày mai 1 tháng 7, bắt đầu nghỉ Hè. Nhưng các trò ở xa
không được về quê vội. Vì ngày 14 tháng 7 là ngày lễ Quốc-khánh của nước Đại
Pháp, có quan Công Sứ chủ toạ, cuộc diễn binh long trọng. Tôi muốn toàn thể học
trò trường tỉnh phải đến đông đủ dự buổi lễ ấy. Vậy sáng ngày mai, và liên tiếp
trong 7 ngày, học trò lớp Nhất, lớp Nhì và lớp Ba, phải tới trường để tập hát
bài quốc ca Pháp, là bài La Marseillaise. Phải tới đông đủ, học trò nào vắng mặt
sẽ bị phạt consigne. Ngoài ra, tất cả học trò các lớp phải nói với cha mẹ mua vải
xanh vải đỏ may cho mỗi trò một lá cờ Tam Tài, xanh-trắng- đỏ, lá cờ của Mẫu quốc,
để ngày 14 Juillet cầm đi dự lễ. Sáng 14-7, đúng 6 giờ các trò và các thầy giáo
phải tề tựu đông đủ tại sân trường, mặc áo dài trắng sạch sẽ, và mỗi trò cầm một
cây cờ Tam Tài lớn bằng một tờ giấy tây, sắp hàng tề chỉnh, để các thầy giáo dẫn
đi dự lễ Quốc-khánh, và chào mừng quan Công Sứ. Trò nào khiếm diện hôm đó, sẽ bị
đuổi luôn.
Ông Đốc học Phạm văn Mỗ truyền huấn lệnh rõ ràng, và nghiêm
khắc như thế, rồi ra về.
Tuấn-em về nhà nói chuyện lại cho anh và cha mẹ nghe lời căn
dặn của ông Đốc. Thím Ba, mẹ Tuấn, nói :
- Không lẽ may một lá cờ tam sắc nhỏ bằng tờ giấy tây mà phải
đi mua ba thứ vải ba màu sao ! Mẹ cắt một tấm vải trắng ra thành ba, mẹ mua phẩm
xanh, phẩm đỏ về nhuộm hai miếng, rồi mẹ may lại, được không?
- Thưa mẹ, không được đâu. Ông Đốc bảo phải mua vải xanh, vải
đỏ.
Nhưng Phán Tuấn ngắt lời em:
- Ông Đốc bảo thế, kệ ổng. Mẹ cứ nhuộm vải trắng rồi may. Miễn
có cờ ba sắc là được... Nhưng Ông Đốc này làm lố quá. Nghỉ hè, không cho học
trò về quê thăm cha mẹ, bắt ở lại đến 14-7 để đi chào mừng ông Sứ là nghĩa lý
gì? Lễ Quốc-khánh của Tây, chớ của An-nam sao? Nếu muốn dẫn học trò đi chào
ông Sứ, thì học trò ở tỉnh được hơn trăm đứa cũng đủ rồi, cần gì phải bắt học
trò quê ở các Phủ huyện xa phải ở lại? Ông Sứ có bắt buộc như thế đâu?
Tuấn-em hỏi anh:
- Lễ 14-7 là lễ gì, anh Hai ?
Phán Tuấn lấy sách Sử Ký Pháp ra giảng cho em hiểu:
- Đấy là một ngày lễ kỹ niệm cuộc Cách mạng Pháp. Dân chúng
Pháp uất ức vì bị nhà Vua hà hiếp, thuế má nặng nề, nên họ nổi dậy phá tan ngục
Bastille, và đòi bắt chém vua...
Tuấn kể dài nữa, thật dài và thật rõ ràng đầu đủ về cuộc Cách
mạng nổi dậy ngày 14 tháng 7 năm 1789, ở Paris...
Tuấn-em nghe say mê lời anh thuật chuyện và sáng hôm sau cũng
phải đến trường tập hát bài quốc Pháp, La Marseillaise, theo lịnh của ông Đốc.
Sáng ngày 14-7, Tuấn-em phải cầm lá cờ Tam tài đến trường
đúng 6 giờ. Học trò và các thầy giáo đều đến đông đủ, đếm tất cả trường được
415 trò dưới sự chỉ dẫn của 10 thầy giáo. Học trò sắp hàng hai trước sân trường
đúng 7 giờ, ông Đốc Phạm văn Mỗ đến. Ông mặc bộ đồ tây mới, toàn màu trắng,
mang giày trắng, đội mũ trắng. Ông bảo học trò lớp Nhất, lớp Nhì, lớp Ba hát
bài quốc ca Pháp cho ông nghe. Trò nào hát sai giọng, hoặc sai một chữ, bị ông
đánh một tát tai nẩy lửa. Nét mặt giận dữ, ông la hét om sòm làm cho các thầy
và toàn thể học sinh hoảng sợ. Đúng 7 giờ 30 phút, ông ngồi trên chiếc xe kéo
nhà sơn đen, bánh cao su, do một người cu-li mặc quần áo mới kéo ra Sở Cò, trên
đường Cửa Tây, là nơi hành lễ. Các thầy dẫn học trò sắp ngay hàng thẳng lối, mỗi
trò cầm một cây cờ Tam tài, lặng lẽ đi sau xe ông Đốc. Học trò sắp hàng trên lề
đường phố, đối diện khán đài.
Linh khố xanh (lính Tập) độ trăm người, mặc lễ phục oai vệ,
cầm súng cắm lưỡi lê sáng quắc, đứng sắp hàng trên lề đường bên kia, hai bên
khán đài. Dân chúng đứng xem đông nghẹt, chung quanh khán đài và trên các đường
phố, chen lấn nhau chật ních, không còn một chỗ hở.
Sau khi ông Công Sứ và các quan khách đến đúng 8 giờ 30, và
lính thổi kèn, bồng súng chào, ông Đốc học Phạm văn Mỗ bước ra trước mặt ông Sứ,
đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp. Bài diễn văn rất dài, đại khái có một đoạn
hùng hồn như sau đây:
Oh France magnanime! Oh France Bienfaitrice de l Humanité!
Oh Mère Patrie! Combien, nous, les Annamites, vos fils adoptifs, vos fidèles
protégés, nous sommes fiers ce jour glorieux qui porte la marque sublime de la
grandeur francaise!...
Ông Đốc bảo một thầy giáo đọc bản dịch quốc ngữ cho mọi người
nghe :
Hỡi nước Đại Pháp khoan hồng đại lượng! Hỡi nước Đại Pháp ân
nhân của nhâ loại! Hỡi Mẫu quốc! Chúng tôi, người An-na-mít, là những đứa con
nuôi của nước Pháp, những con trung thành được nước Pháp bảo hộ, chúng tôi hãnh
diện xiết bao trong ngày hôm nay, ngày vinh quang của nước Pháp vĩ đại!...
Các quan Tây-Nam vỗ tay như sấm dậy. Theo huấn lịnh của ông Đốc
dặn trước, ông đọc xong bài diễn văn, lúc học trò phải phất cờ tam tài của Pháp
và hát lên bài quốc ca La Marseillaise...
Ông Công Sứ cảm động quá, đứng dậy gắn một chiếc mề đay trên
ngực ông Đốc học Phạm văn Mỗ, và ôm hôn ông...
Lễ Quốc-khánh của nước Pháp, ngày 14 tháng 7 dương lịch, được
gọi là "lễ Chánh-chung". Không biết ông quan nào của Nam-triều, hay
thầy Thông, thầy Phán nào của chính phủ Bảo hộ, đã đặt ra danh từ lạ lùng ấy mà
không ai hiểu ý nghĩa đích xác là gì cả. Có nhiều ông Tú, ông Cử nhà Nho nói rằng
đúng chữ là Chánh - Trung", nghĩa là ngày lễ đúng vào giữa năm. Ngoài ra,
còn có một danh từ khác thông dụng hơn, là lễ "cách -tót-duy-dê",
phiên âm theo tiếng Pháp.
Trừ ngày Tết Việt-Nam có tính cách nghi lễ gia đình nhiều
hơn, người ta có thể nói rằng lễ "cách -tót-duy-dê" là một ngày đại hội
toàn quốc tưng bừng náo nhiệt nhất trong năm, dưới thời đô hộ Pháp ở xứ ta.
Sáng sớm tinh sương Tuấn-em vừa thức dậy đã nghe tiếng kèn
lính tập thổi một bài quân nhạc đặc biệt vang lừng khắp tỉnh. Ngoài đường phố
đã thấy lính khố xanh rộn-rịp, mặc toàn quân phục trắng của những ngày đại lễ.
Sau nghi lễ chính thức có ông Đốc học Phạm văn Mỗ đọc diễn văn suy tôn ông Công
Sứ, và tâng bốc nước Đại Pháp, và sau một cuộc "diễn binh" có hai anh
lính khố xanh thổi kèn đi đầu, Tòa Sứ có tổ chức những cuộc vui công cộng mà
dân chúng nô nức từ các làng kéo vể tỉnh để xem.
Trước sân chợ, có một môn giải trí do Quan Tuần Phủ bày ra.
Trên khán đài đông đủ mặt các quan Tây, quan An-nam, và các bà Đầm ngồi hàng ghế
danh dự, một thiếu phụ Pháp cầm một cần câu treo một cái chảo dính đầy lọ nghẹ.
Dưới đít chảo có dán một đồng bạc trắng. Quan Tuần giảng nghĩa trò chơi cho
công chúng nghe": "Ai muốn lấy đồng bạc kia, thì phải lấy khăn cột
hai tay sau lưng, đứng dưới cần câu, ngước mặt lên đít chảo và đưa miệng lên cắn
lấy đồng bạc". Nếu cần câu để yên một chỗ thì trò chơi không khó khăn gì,
nhưng cô Đầm quái ác ngồi trên khán đài cố ý cầm cần câu nhử mồi như cầm cục
xương đưa cao lên để nhử con chó vậy. Cô hạ cần câu xuống gần miệng người ham đồng
bạc đang dùng mọi cử chỉ lanh lợi để đưa miệng lên táp vào đít chảo sắp sửa
thành công, thì cô Đầm lại dựt cần câu lên, cái chảo cũng lắc lư ra xa. Người
ham đồng bạc đã không cắn được đồng bạc mà mặt mủi lại bị dính đầy lọ nghẹ.
Các quan Tây, quan An-nam, và các bà Đầm, cô Đầm đều cười rũ
rượi, khoái chí lắm. Khán giả "An Nam" cũng cười rùm lên. Người ham đồng
bạc vẫn không thất vọng, cứ chườn cái mặt lọ lem kia ra, cố há miệng cho to táp
vào đít chảo, mong táp trúng đồng bạc...
Tuấn-em đứng xem cũng tức cười như mọi người. Nhưng anh nó,
thầy Phán Tuấn, sa sầm nét mặt, bảo nó:
- Em muốn xem nữa, cứ đứng đây xem, hay là xem các trò khác.
Anh đi về.
Tuấn-em còn con nít, ham vui, đi coi khắp các trò chơi công cộng,
như leo cột mỡ, bịt mắt bắt vịt, đua xe kéo, keó thùng nước đừng cho đổ ra
ngoài, v.v...
Phán Tuấn về nhà, nghĩ lại cuộc chơi của "người An-nam
liếm đít chảo" trong ngày lễ Quốc Khánh Pháp, cho rằng đây là một trò chơi
nhục nhã cho người Việt. Nhưng còn biết bao nhiêu cái nhục nhã nữa kể sao cho hết
? Kể cho ai nghe ? Mà ai dám nghe ? Tuấn làm thông phán đầu toà, hàng ngày gần
gũi với các ông Công Sứ Pháp và các quan Tây, các quan ta, các ông tổng, ông
xã, đã mắt thấy tai nghe biết bao nhiêu những chuyện nhục nhã, đê tiện, khốn nạn,
bỉ ổi, do chính hạng "An-nam nịnh Tây" nêu gương ra. Họ tưởng làm vui
ông Tây, nhưng chính ông Tây chê cười, khinh bỉ.
Gặp những viên quan cai trị Pháp biết tôn trọng dân tộc Việt
Nam, thì mình xấu hổ, vì họ vẫn theo thành kiến dân chủ và tinh thần bình đẳng.
Nhưng một số đông người Pháp đã có kỳ thị chủng tộc, nhiễm thói tự cao tự đại với
dân thuộc điạ, lại gặp những "người an nam mít" tâng bốc họ một cách
đê tiện, vô liêm sĩ thì họ càng lên mặt vênh-váo, khinh khi cả giống người Việt
và chà đạp lên dân ta như loài trùn dế vậy thôi.
Cuộc vui liếm đít chảo để lấy một đồng bạc, tự nó có thể được
coi như một trò chơi bình dân, thật ra không đến nỗi xúc phạm đến quốc thể của
một nước, nhưng chính vì do các "quan Đại Pháp - chủ trương, do các
"quan An nam" bày đặt, và cả một công chúng "An Nam" đông đảo
đứng xem và vỗ tay cười trước mặt Tây và Đầm, cho nên Tuấn thấy thương tổn đến
phẩm giá của người Việt, và chạm đến lòng tự ái dân tộc của chàng.
Mặc dầu Trần anh Tuấn đương là một kẻ giúp việc cho Tây, ăn
lương của "Nhà Nước Bảo Hộ" nhưng Tuấn đã được thấm nhuần tư tưởng ái
quốc của vua Duy-Tân, vua Thành-Thái, lúc Tuấn còn là học sinh trường Quốc Học
Huế. Cho nên một cuộc chơi liếm đít chảo bày ra mà đa số đồng bào chỉ biết hùa
nhau vỗ tay cười, Tuấn lại cho là nhục nhã. Tuấn bùi-ngùi đau xót, tức giận, mà
âm thầm không dám nói với ai.
Năm 1923, ở tỉnh có một đám rước "thầy Tú vinh qui"
thật là vui. Người ta nô nức đi xem đông vô số kể. Đối với đám rước của Lê văn
Thanh hồi chàng mới thi đỗ bằng tiểu học "ri-me" ở tỉnh thì đám rước
này còn linh đình hơn nhiều.
Thầy Tú tân khoa là con một ông bá hộ có theo đạo Thiên Chúa.
Cậu cũng học trường Quốc Học Huế, thi đậu bằng Thành Chung, lúc bấy giờ có một
số người gọi là "Tân khoa Tú Tài". Cũng như Trần anh Tuấn vậy. Kể ra
năm 1923, lớp học sinh thi đỗ bằng Thành Chung ở Huế, Vinh, cũng như ở Hà Nội,
Nam Định,Saigòn, Cần Thơ v.v... đã nhiều rồi, không phải hiếm hoi như ba, bốn
năm về trước, nhưng ở tỉnh Q., toàn tỉnh chỉ có chừng năm người. Hầu hết chỉ học
đến lớp đệ nhị niên, đệ tam niên., (2è Année,3è Année Primarie Supérieur) đã
thi ra làm thầy Thông ở các công sở như Thương chánh, Kho bạc, Bưu điện, Kiểm
lâm, hoặc làm trợ giáo.
Một số ít con nhà khá giả mới học thi bằng Thành Chung (cũng
gọi tắt là thi Diplôme).
Lúc mới mở các học đường thì chính người Pháp bày ra việc rước
các cậu tuyển sanh và tú tài tân khoa, sau đó vài ba năm họ bỏ lệ ấy. Nhưng ông
Bá hộ muốn khoe khoang, nên tự ý tổ chức riêng việc rước con trai của ông mới
thi đỗ ở Huế. Cậu Tú mặc áo gấm, mang giầy hạ, đội mũ trắng, ngồi trong chiếc
cáng. Có phường nhạc bát-âm và cờ xí loè-loẹt, chuông trống vang lừng. Đám rước
phải đi gần mười cây số và đi thật chậm, để cho dân chúng các làng, các tổng ở
khắp nơi kéo nhau đi coi mặt "thầy Tú vinh qui".
Về nhà, ông bá hộ tổ chức một buổi tạ ơn Chúa và tạ ơn Đức Mẹ
tại nhà thờ Đạo trong tổng. Các cha sở và gần trăm bà con họ Đạo tham gia. Xong
rồi ông giết ba con bò và năm con heo khao đãi dân làng và quan khách liên tiếp
ba ngày đêm.
Tiếng đồn gần đồn xa, đến đỗi bọn ăn mày ở khắp tỉnh có đến
năm, sáu chục người, già trẻ,lớn bé, đàn ông đàn bà xách bị, chống gậy, bưng nồi,
bưng thúng, tổ chức thành một đoàn kéo đến ngồi chật cả sân ông bá hộ để xin một
bửa ăn khao mừng thấy Tú tân khoa.
Còn những bà con của thầy Tú, họ nội, họ ngoại, xa lắc xa lơ
từ mấy đời cũng lần lượt về mừng "cậu Tú nó", "anh Tú
nó"... Kẻ vuốt ve, người ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi không hết lời. Thi
đỗ bằng Trung học về làng, chàng thanh niên 1923 vẫn còn được trọng vọng như một
vị anh hùng của xóm làng, huyện, tổng.
Quan Tuần, quan Phủ, có con gái lớn 15, 16 tuổi, cũng lăm le
muốn gã con cho thầy Tú tân khoa. Thôi thì mai mối tấp nập. Nhiều cô gái trong
tỉnh hồi hộp ước muốn làm cô Tú.
Tết năm ấy, làng sở tại có tổ chức một cuộc chơi Bài Chòi,
sáng Mồng Một thầy Tú đước mời đến ngồi ghế tràng kỷ với các vị bô lão.
Tuấn-em đi xem về, thèm thuồng, hỏi anh nó:
- Anh Hai, anh cũng đỗ thành chung trước người ta sao anh
không làm lễ rước tân khoa?
Phán Tuấn mỉm cười:
- Ở đời, có người thích thế này, có người thích thế khác. Chừng
nào em học giỏi, thi đỗ, em có muốn được đón rước như thế không?
- Không, em bắt chước anh Hai. Anh Hai làm sao, em làm theo vậy.
CHƯƠNG 22
1923
- Hội "Như Tây du học" của các quan
- Thanh niên Nam Trung Bắc du học ngoại quốc từ năm 1900 đến
1930
- Con gái Quan Thượng Thư đi du học ở Paris về, lấy tên Tây,
ghê tởm nước mắm, và không biết cầm đũa ăn cơm.
- Con vua bằng đồng, mừng lễ Tứ tuần Vua Khải Định "Đại
Nam Hoàng Đế"
- 20 thanh niên khiêng con voi ra Huế
- Cả tỉnh chỉ có 4 cô nữ sinh lớp Nhất, học chung với con
trai.
- Cô học trò 16 tuổi, xưng "con" với Thầy giáo 20 tuổi.
- Y phục phụ nữ Bắc - Trung - Nam.
Các quan Thượng Thư của triều đình Huế nhận thấy rằng các trường
Sơ học, Tiểu học và Cao đẳng tiểu học (#1) ở khắp ba kỳ, và ngay đến cả trường
Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội, chỉ đào tạo các thanh niên trí thức vừa đủ khả
năng làm việc cho nha hành chánh thuộc địa trong xứ, chứ không thể học lên cao
được nữa, bèn lập ra một hội tên là "Như Tây Du Học Hội" để tuyển lựa
một số thanh niên học sinh, cấp học bổng cho đi du học bên Tây. Cũng như ngày
nay chính phủ cấp học bổng cho một số học sinh du học hải ngoại vậy.
Dưới thời thực dân phong kiến, những thanh niên được may mắn
xuất ngoại đều là con cháu của các cụ Thượng Thư các Bộ, hoặc trong gia đình
bên nội hay bên ngoại. Hoặc là con của các Quan Tổng Đốc, Tuần Phủ, có thần thế
"có chưn trong chưn ngoài", nhờ các cụ Thượng-thơ và các quan Tây gửi
gấm, hoạ may mới được đi Tây học. Các "ông lớn" đã giàu có, phần nhiều
con cháu của các ông lại học kém thua con nhà bình dân, trung lưu, nhưng họ vẫn
được cấp học bổng đầy đủ, có khi dư dã, để sang Pháp học.
Họ học về văn minh tiến bộ thì ít mà học cách ăn chơi xa xí
thì nhiều. Ấy là nguyên nhân cho ta hiểu vì sao cùng một lúc thanh niên Nhật và
Ấn Độ du học bên Âu Tây mà khi thành tài sau mấy năm chuyên cần học hỏi, họ đem
về tất cả những khả năng kỹ thuật mới lạ, những bí quyết văn minh khoa học để mở
mang kinh tế, kỹ thuật của xứ sở họ, không kém thua các nước Tây phương bao
nhiêu. Còn du học sinh An-Nam đi Tây năm sáu năm trời, chỉ đem về một mớ kiến
thức đủ làm công cho người Pháp ở thuộc địa mà thôi.
Người ta có thể đếm trên đốt ngón tay số thanh niên An-Nam đi
du học bên Pháp "thành tài" trở về quê hương trong thời gian từ 1900
đến 1930, cả ba kỳ, Nam, Trung, Bắc. Vài ba ông kỷ sư Cầu Cống, kỹ sư Canh Nông,
theo dân Tây, lấy vợ Đầm, hoặc chủ trương một đường lối chính trị úp mở, vì quyền
lợi cá nhân hơn là quyền lợi Tổ Quốc, Dân Tộc. Một số Bác sĩ Y khoa, năm bảy
ông Tiến sĩ Luật khoa, vài ba ông Cử nhân, Tiến sĩ văn chương.
Người ta không thấy những ông ấy làm được một việc gì ích quốc
lợi dân cả. Họ không để lại được một thành tích gì vẻ vang cho xứ sở. Trừ ra một
nhóm vài ba sinh viên ở Nam kỳ đi Tây về hoạt động Cách Mạng, gây ra phong trào
sôi nổi, chứng tỏ tinh thần quật khởi của Dân Tộc, còn thì bao nhiêu sinh viên
khác chỉ lo Vinh Thân Phì Gia, chẳng góp được một phần xây dựng nào cho xã hội
đang vươn lên với văn minh thế giới. Hầu hết thế hệ thanh niên "Như Tây Du
Học" của thời Pháp thuộc, chẳng đem về cho Đất Nước một tiến bộ nào xứng
đáng.
Trái lại, người ta đã thấy biết bao nhiêu những điều lố lăng
nhục nhã cho đám thanh niên du học ở Pháp về nước, phần nhiều là VONG BỔN.
Một buổi sáng thứ Hai, niên khóa 1924-24, Tuấn-em ngồi học
trong lớp Nhất, giờ luận Pháp văn, do chính ông Đốc học Phạm văn Mỗ dạy. Bỗng
anh cai trường đứng ngoài cửa lớp, lễ phép nói với ông Đốc:
- Dạ bẩm quan, có cậu Ấm con trai cụ Tuần-vũ, đi Tây về, đến
thăm quan .
Ông Đốc học ỷ mình là cựu sinh viên trường Cao đẳng Đông Dương
Hà Nội, và hiện làm quan Đốc học tại tỉnh, một bậc thượng lưu trí thức nào có
kém ai, nên ông tỏ vẻ ganh ghét cậu Ấm, con quan Tuần-vũ, học bên Tây về đã chắc
gì hơn ông. Nhưng không lẽ không tiếp, ông bảo người cai trường:
- Cho người ta vào.
Trò Tuấn thấy một chàng thanh niên mặc đồ Tây, tóc chải láng
mướt, mang giầy tây đen bóng, không kém gì ông Đốc đeo nơ đen dính vào cổ áo sơ
mi dài kín cổ, còn cậu Ấm đi Tây về lại mặc áo sơ mi hở cổ và đeo chiếc cà-vạt
(cravate) nơi giữa ngực.
Ông Đốc chào bằng tiếng Tây:
- Bonjour!
Cậu Ấm mỉm cười vồn vã chào lại cũng bằng tiếng Tâ:
- Bonjour, Monsieur le Directeur... Je suis enchanté de faire
votre connaissance...
(Tôi hân hạnh được làm quen với ông)
Ông Đốc gật đầu vài cái:
- Moi aussi (tôi cũng thế). Qu est ce-que vous avez fait en
France? (anh đã làm gì ở bên Pháp?)
Hình như câu hỏi này làm chột dạ cậu Ấm con quan Tuần, nhưng
cậu cũng loè lại ông Đốc :
- J ai été dans une Ecole Supérieure à Paris.
(Tôi đã học trong một trường Cao đẳng ở Ba-Lê)
- Oui, mais... qu avez-vous comme diplôme?
(Ừ, nhưng mà... anh đã đỗ bằng cấp gì?)
- Je suis ingénieur de canne à sucre.
(Tôi là kỹ sư mía).
Ông Đốc cười ngạo nghễ. "Kỹ sư Mía" là kỹ sư quái
gì? Làm gì có trường Cao Đẳng Kỹ Sư Mía ở Paris?
Thế rồi ông Đốc cắt ngang câu chuyện:
- Bon, je vous remercie de votre visite. Je n ai pas le
temps de vous recevoir plus longuement, je regrette.
(Thôi, được rồi, tôi cám ơn cậu đến thăm tôi. Tôi không có
thì giờ tiếp chuyện lâu, tôi rất tiếc).
Hai người gật đầu chào nhau, rồi cậu Ấm Kỹ sư Mía cầm
ba-toong đi ra. Cậu vừa ra đến sân, thì ông Đốc nói với học trò :
- Cái thằng ấy đeo cravate theo kiểu lãng mạn Pháp hồi thế kỷ
mười chín. Nó nói nó đỗ kỹ sư Mía là nó nói láo. Tao nghe quan Công Sứ nói rằng
cha nó là quan Tuần-vũ đang xin xỏ với Triều đình An-nam cho nó làm Tri-huyện.
Tuấn về nhà học lại với anh nó câu chuyện cậu Ấm con quan Tuần
đến lớp học thăm quan Đốc. Phán Tuấn cười bảo:
- Anh chàng ấy có đến thăm ông Sứ, và nhờ ông Sứ tiến cử cho
một chổ làm. Ông Tuần cũng có "vận động" với ông Sứ và ông Phó Sứ
nhưng ông Sứ bảo anh rằng cậu ta không đỗ bằng cấp gì cả, chỉ biết nhảy đầm là
giỏi. Có lẽ ông Sứ sẽ viết thư ra toà Khâm, đề cử cậu Ấm làm sở Mật-thám ở Huế.
Cũng năm ấy, trò Tuấn nghe người ta đồn có cô con gái lớn của
một quan Thượng-thơ ở Huế, nhưng quê quán tỉnh nhà, đi du học bên Tây cũng vừa
về. Ở Pháp, cô đã nhập tịch dân Tây, 22 tuổi chưa có chồng, và lấy tên tây là
Anna.
Vì ở cùng làng, nên trò Tuấn tò mò muốn đến xem mặt. Trưa, tối,
hoặc chủ nhật và thứ năm, nghỉ học, Tuấn thường chạy tới dinh cụ Thượng-thư xen
lẫn với đám con nít kéo vào nhà bếp cụ Thượng để xem mặt cô Anna. Tuấn thấy
sao, về học lại hết cho cha mẹ và anh Hai của nó nghe.
Nó bảo :
- Cô Tỳ-Ty (tên hồi còn ở nhà) mới qua Tây có ba năm mà bây
giờ về nhà, cô ăn cơm không được. Mẹ ơi, bà cụ phải mua bánh tây cho cô ăn. Cô
cầm đũa theo kiểu An-nam mình cũng không được nữa, anh Hai à!
Thím Ba vừa nhai trầu, vừa cười, hỏi:
- Con thấy cổ ăn bằng gì?
- Cô cầm cái gì mà Tây gọi là cái fourchette đó, với con dao
tây. Cổ cắt bánh tây theo kiểu tây mẹ à!
- Bánh tây là bánh gì? Nó ra sao?
- Là bánh mì đó. Tây gọi là pain.
- À, "panh" là bánh đó hả? Cổ cắt bánh theo kiểu
tây là cắt cách sao?
- Cổ cầm con dao cắt ngược từ ngoài cắt vô, từ dưới cắt lên,
chứ không phải như An-nam mình từ trong cắt ra, từ trên cắt xuống dưới.
- Cổ ăn bánh tây với gì?
- Bà vú Hai dọn cơm có chén nước mắm, cổ la om sòm, cổ bịt mủi,
nói cái này thúi, cổ không chịu được, cổ hất chén nước mắm ra ngoài sân. Cổ ăn
toàn đồ tây, mua tận ngoài Huế, đem về mẹ ơi!
Ông Ba, (tức là chú Ba thợ mộc) hồi Phán Tuấn còn đi học, hỏi
Phán Tuấn:
- Cô Hai đi Tây học đỗ tiến sĩ chưa con?
- Con có xem hồ sơ của cổ ở toà Sứ, cổ thi đậu Brevet
Supérieur. Bằng cấp ấy ở bên ta không có. Đỗ bằng ầy sẽ được làm giáo sư dạy
trường Quốc Học Huế.
- Nếu con đi tây, thì con cũng đỗ bằng ấy chứ gì?
- Dạ, nhưng nhà mình nghèo, mình chịu thấp kém hơn họ. Nhờ cổ
là con quan thượng thơ, nên cổ là người con gái đầu tiên được nhà nước cho học
bổng du học bên Pháp, đỗ bằng Brevet Supérieur, và làm giáo sư dạy collège.
Nhưng bây giờ cổ là dân tây, chớ không phải An-nam nữa, cho nên cổ theo nếp sống
của người Tây...
Nghe người ta đồn cô Anna, con gái quan Thượng thư đi du học ở
bên Pháp có 3 năm mà về nước đã quên hết "tiếng An-nam", Phán Tuấn
không tin. Nhưng hàng ngày, Phán Tuấn được bà con trong tỉnh nói lại - những
người đã được nghe rõ ràng cô Hai "nói tiếng Tây như Đầm" và quên hết
"tiếng An-nam" - Tuấn định chờ một cơ hội gặp cô Anna để xem lời đồn
đãi của thiên hạ đúng thật hay không?
Một buổi sáng thứ hai, Tuấn đang ngồi làm việc nơi bàn giấy
toà Sứ, thì cô Anna bước vào. Tuấn lễ phép đứng dậy:
- Chào cô, cô đến có chuyện chi?
Cô Đầm An-nam trố mắt ngó Tuấn, hỏi lại bằng tiếng tây:
- Qu est ce-que vous dites?
(Anh nói cái gì?)
Tuấn điềm nhiên hỏi:
- Thưa cô, cô muốn gặp ai?
- Voulez-vous parler Francais? Je ne comprend pas l
Annamite.
(Anh hãy nói tiếng Tây cho tôi nghe. Tôi không hiểu tiếng An
Nam).
Tuấn cười:
- Ah! Pardon! Vous êtes Francaise?
(À!..xin lổi cô, cô là người Pháp?)
- Oui, je veux voir monsieur le Resident.
(Phải, và tôi muốn gặp Quan Sứ).
Một giờ sau, cô Anna ra về, ông Sứ gọi Phán Tuấn vào văn phòng
của ông, và khen cô Anna nói tiếng Pháp y như giọng một cô Đầm ở Paris ông thuật
lại cho Tuấn nghe lời cô Anna vừa mét với ông rằng lúc nãy cô mới đến nghe Tuấn
nói "tiếng An-nam", cô không hiểu gì cả... Rồi ông Sứ hỏi Tuấn :
- Quả thật cô Anna quên hết tiếng An Nam rồi sau?
- Dạ, chính cô ấy cũng vừa nói với tôi như thế.
Ông Sứ ngồi trầm ngâm một lát, rồi nhún vai, nhìn Tuấn:
- Tôi không hiểu cô gái Annam sinh trưởng ở đất Annam từ nhỏ
cho đến 19 tuổi, sang Pháp chỉ ở có ba năm, lúc trở về không nói được tiếng mẹ
đẻ của nó nữa, chuyện ấy làm cho tôi ngạc nhiên lắm. Anh có hiểu ra làm sao
không?
- Dạ không.
- Có hai lẽ, một là tiếng an-na-mít là một thứ tiếng rất tồi,
hai là cô Anna là một người An-na-mít rất tồi.
Để kết luận, ông Sứ cười hỏi Tuấn:
- Còn anh Tuấn, khi anh nói tiếng Pháp với tôi, anh có quên
tiếng an-na-mít không?
Năm 1923, các quan Annam ở tỉnh Q. điều khiển một con voi bằng
đồng, để gửi ra Huế dâng lên vua Khải Định trong dịp Tứ-tuần của ông vua này.
Nơi đúc là khu vườn hoang của Kho tỉnh, ngay trước trường học,
phía bên kia đường cái, sau một bức tường dài vuông vức bao bọc chung quanh
Kho.
Tuấn-em, cũng như số đông học trò, mê xem công việc này lắm.
Buổi sáng, buổi chiều, Tuấn-em thường đến thật sớm trước giờ học, và trong các
giờ chơi, Tuấn rủ một bọn học trò cùng lớp, chạy qua Kho để xem đúc tượng voi.
Không biết các đồ đồng lấy ở đâu mà nhiều thế! Nồi đồng, mâm
đồng, chảo đồng, lư đồng, bỏ vào bốn năm cái chảo lớn, nấu thường xuyên trên một
đống củi cháy hừng-hưc, suốt mười ngày đêm, cho đến khi đồng chảy ra để đỗ vào
khuôn. Khuôn voi bằng đất sét, do một ngươi thợ hồ Việt Nam xây lên, giống hình
con voi, nhưng không đẹp tí nào cả: chân cẳng, thân hình, đầu và đuôi, đều thẳng
cứng, cái vòi cũng chỉa ra ngay đơ, hai tai thì nhỏ, cái bụng thì bự. Tuấn-em
tò mò hỏi mấy người thợ đúc, mới biết rằng các đồ đồng dùng nấu để đúc tượng
voi là do các làng xã thâu nhặt của dân chúng, theo lịnh quan tỉnh và các quan
phủ, huyện. Sự thực thì các quan thâu góp của dân nhiều đồ đồng lắm, nhiều gấp
ba, gấp bốn số đồng để đúc tượng voi, nhưng các quan lớn lấy bớt một phần, các
quan nhỏ lấy một phần. Còn lại bao nhiêu đút trong kho để đúc tượng, có lính lệ
canh giữ. Một đêm tối trời, một chị đàn bà ăn ở gần đây lẻn lấy trộm được một
chiếc nồi đồng bị bắt quả tang. Lính dẩn chị qua dinh Quan Án, quan truyền lịnh
đánh chị mười roi, rồi đem giam bên nhà Lao.
Tượng voi đúc một tháng mới xong, và phải đúc đi đúc lại ba lần,
vì hai lần bị hỏng. Lần thứ nhất con voi không có vòi, vì đồng chảy không đều. Lần thứ hai có vòi, hai ngà, bốn chân, có cả đuôi lớn bằng chiếc đủa, nhưng
trên đầu con voi bị sứt một cái tai, nên quan Tuần truyền lịnh đúc lại. Lần thứ
ba này, các người thợ phải nấu một nồi xôi, mua một nãi chuối, một bình rượu và
đèn hương, cùng cái miểu thờ Thổ thần nơi góc vườn Kho.
Tuấn-em có tính tò mò, cái gì cũng muốn coi, chuyện gì cũng muốn
biết, cho nên nó chạy theo ông thợ Cả cúng thần. Nó lễ phép vòng tay đứng dựa
vào cột miếu, nghe ông thợ cả khấn vái như sau đây:
- Con được lệnh của quan Tuần-vũ khuya nay phải đúc cho xong
tượng voi đồng để kịp ngày đưa ra Huế dâng lên Đức Đại Nam Hoàng Đế, để mừng lễ
khánh thọ Tứ-tuần của Hoàng đế. Vậy con lại xin Thổ- địa linh thần gia hộ cho
con đúc tượng voi được hoàn thành, viên mãn, kẻo có tội với Đại Nam Hoàng đế.
Cúng lạy xong, ông thợ lấy hai đồng tiền kẽm, một mặt tiền
bôi vôi, một mặt không, khẻ thả rõi hai đồng tiền xuống mặt đia sành để gieo quẻ,
xem Thổ-thần có ưng thuận và chứng minh cho không? Nếu tiền rơi xuống đĩa một
đồng ngửa (có bôi vôi) và một đồng xấp (không có vôi) tức là Thần bằng lòng. Nếu trái lại cả hai đồng tiền đều ngửa hết hoặc sấp hết, tức là Thần nhất định
phá phách việc đúc tượng voi đồng dâng lên vua Khải định.
Chẳng may, khi ông thợ cả gieo quẻ thì cả hai đồng tiền đều nằm
sấp.
Gieo lại lần thứ hai, hai đồng tiền đều ngửa. Gieo lần thứ
ba, hai đồng tiền nhảy tung ra ngoài đĩa, rớt xuống đất.
Ông thợ cả rầu rĩ muốn khóc lên được. Theo lệ gieo quẻ, quá
lắm là ba lần, được hay không cũng thôi, chứ không ai gieo lần thứ tư. Ông thợ
Cả nhất định xin quẻ lần thứ tư và lạy lục Thổ thần thiếu điều gãy xương sống.
Lạy xong, ông cầm cây đèn nến, cúi xuống soi kiếm hai đồng tiền, nhưng chúng
văng vào khe tường nào, hay nấp trốn trong bụi cỏ, lùm cây nào, ông và bốn ngườì
thợ đúc lụi cụi tìm mãi không ra. Các ông thợ đành bưng xôi, chuối và cầm bình
rượu đi.
Ông thợ Cả lẩm bẩm nói với bốn anh thợ phụ của ông:
- Cái ông Thần Thổ địa này cứng đầu cứng cổ thật. Tượng voi
đúc để dâng lên vua, mà ổng cứ theo phá phách mãi, đó là phạm tội khi quân, chứ
không phải giởn à!
Rốt cuộc cái tượng voi cũng đúc xong nội trong đêm ấy. Con
voi không đẹp, nhưng cũng may không bị sứt vòi, sứt tai chi cả, xem cũng ra vẻ
con voi!
Rồi các bạn có biết, con voi đồng ấy phải chở đi bằng cách
nào không từ tỉnh ra Huế? Quan An-nam truyền lệnh thợ mộc đóng một cái củi to
tướng bằng gỗ, kín mít chung quanh, để đựng con voi. Rồi các làng sở tại phải
bắt 40 thanh niên, họp thành hai đoàn, mỗi đoàn 20 thanh niên thay phiên nhau
mà khiêng món quà kết -xù ấy đi bộ ra đến Huế!
Hôm lễ Tứ-tuần cuả Khải Định, ông vua chê cái tượng voi xấu-ỉnh. Xấu là tại nó bằng đồng. Giả sử nó bằng vàng thì dù cho nó sức đuôi mẻ vòi,
chắc "Đức Đại Nam Hoàng đế" cũng khoái chí tử!
Tuy vậy, các quan An-nam chủ tỉnh cũng được vua ban cho một số
tiền để thưởng cho mấy "thằng thợ đúc".
Nhưng mấy "thằng thợ đúc" có được hưởng đồng tiền của
vua hay không. Tuấn-em không biết. Còn 40 cậu thanh niên lực lưỡng khiêng con
voi đồng từ tỉnh ra đến kinh đô để mừng vua hưởng thọ 40 tuổi, thì phải đem tiền
nhà theo để xài. Hết tiền, bốn cậu ở lại đất thần kinh làm nghề cu-li xe kéo
cho các quan, còn 36 cậu đưọc đi xe lửa về đến Tou-Ranh (Đà Nẵng), rồi từ
Tou-ranh đi bộ về tỉnh, trên mấy trăm cây số.
Niên khóa 1923-1924, Tuấn -em đã học lớp Nhất. Trường nữ học
chỉ có đến lớp Nhì, và ở cách biệt trường Nam. Cả tỉnh, lần đầu tiên mới có 4
cô nữ sinh học lớp Nhất, cho nên phải học chung với tụi con trai ở trường Nam.
Bốn cô cùng dãy ghế đầu trong lớp, ngay nơi cửa vào: cô Dư, cô Ánh Tuyết, cô Yến Tuyết,
cô Tỷ. Tuấn-em ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng cô Nguyễn thị Dư. Cùng một dãy
ghế với Tuấn, có Hường, Ái, Tế. Tế là con một quan Phủ nên có vẻ làm nghiêm,
còn Hường, Aí, Tuấn, thì chính ba cậu không ngồi dẫy ghế này, vì họ thích ngồi ở
phía sau, ở cuối lớp, để thỉnh thoảng lén thầy, ăn kẹo hay lánh mặt trong những
hôm không thuộc bài. Nhưng tại vì hôm nhập học trong lớp Nhất có 40 trò con trai,
trò nào cung mắc cở không chịu ngồi gần các cô con gái, thành ra dãy sau lưng 4
cô gái bị bỏ trống.
Thấy thế, thầy giáo bèn lôi cổ ba thằng tinh-nghịch nhất chui
trốn ở cuối lớp, đem chúng nó lên ngồi dãy ghế thứ hai, sau lưng mấy cô. Tuấn-em,
Hường, Ai ngoan ngoãn tuân lịnh thầy, nhưng trò nào cũng mắc cỡ, đỏ mặt tía
tai.
Tuổi trung bình của học trò lớp Nhất năm ấy là 14 đến 15 tuổi
ta. Đấy là đứa học sinh lớn nhất trong tỉnh. Thế hệ mới, có nhiều triển vọng
nhất. Về việc học, có thể nói rằng tất cả đều chăm chỉ, và học trò cũng học
thuộc bài, và cố gắng làm bài để khỏi bị thầy cho zéro. Đối với toàn thể học
sinh, sự lười biếng, không thuộc bài bị thầy phạt là một cái nhục lớn. Nói
đúng ra, bạn bè không ai chê cười mình nếu thầy gọi lên bảng đen, mình trả bài
không xuôi, bị ăn trứng gà, nhưng mình tự xấu hổ với lương tâm của mình vì cả lớp
đều học thuộc bài.
Về hạnh kiểm, thí dụ có tiếng là tinh nghịch nhất như Tuấn-em,
Hường, Aí, cũng chỉ là tinh nghịch đùa dỡn với bạn bè mà thôi, chứ đối với thầy
giáo, cả với thầy giáo lớp khác, học trò không bao giờ dám vô lễ, hỗn láo, xấc
xược. Có thể nói rằng, học sinh của thế hệ 1920-1940 còn giữ được nề nếp nho
phong của học trò chữ Hán, theo đúng phương châm "Tiên Học Lễ nhi Hậu Học
Văn".
Có điểm đáng chú trọng, là học sinh lớp Nhất vẫn chưa biết gì
về chuyện "yêu đương" như một số thanh niên ngày nay. Trái lại, hầu
hết hình như là "sợ" con gái, và học trò trai ở lớp Nhất vẫn goị 4 cô
nữ sinh cùng lớp bằng "chị" mặc dầu cùng lứa tuổi.
Gần Tết bỗng dưng có một thầy giáo mới đổi tới dạy riêng về
Pháp-văn cho lớp Nhất. Thầy này người Huế, vừa mới đỗ "diplôme", còn
trẻ măng, tuổi chừng 18, 19. Thầy đẹp trai, thường mặc áo xuyến đen, quần thật
trắng, và ủi thật phẳng nếp, có vẻ bảnh bao lắm . Thầy hiền lành nhưng Tuấn-em
để ý thầy không bao giờ dám ngó bốn cô nữ sinh, và thầy không khi nào gọi bốn
cô nữ sinh lên bảng trả bài. Mỗi lần thầy vào lớp, mặt thầy tự nhiên đỏ bừng.
Thầy bẽn-lẽn ra chiều bối rối. Để giữ uy quyền của nhà mô phạm, thầy làm
nghiêm với học trò con trai, không bao giờ thầy cười hay nói đùa một câu với học
trò. Ấy thế mà 4 cô nữ sinh lại sợ thầy như sợ cọp! Một lần, trong kỳ thi lục
cá nguyệt, buộc lòng thầy gọi các cô lên bảng để thi bài khẩu vấn. Cô Dư bối rối
không trả lời được.
Thầy nghiêm trang hỏi:
- Cô không học bài?
Cô vừa run vừa đáp:
- Dạ thưa thầy, con có học, nhưng tự nhiên con quên.
Học trò trai bụm miệng, không dám cười to, học trò gái cúi đầu
lấy quyển vở che mặt. Thầy giáo không hề nhếch môi. Thầy nói tiếng Pháp đuổi
cô Dư về chổ vì cô không thuộc bài văn phạm:
- Allez-vous-en! Vous ne savez pas votre leçon de grammaire.
(Không thuộc bài. Về chỗ)
Rồi thầy tặng cô con zéro tròn vo trong sổ điểm.
Lúc ra về, Tuấn-em theo sau cô Dư, nghe cô thút-thít.
Mặc dầu có nghiêng chiếc nón bài thơ để che mặt. Tuấn cũng
thấy cô thỉnh thoảng lấy tà áo dài trắng đưa lên lau mấy giòng nước mắt lặng lẽ
tuôn trên đôi má hồng đào...
Các cô đều 16 tuổi, nhưng xác đã lớn, và vẫn xưng
"con" với thầy giáo 18,19 tuổi, vì kính trọng thầy . Nói cho công bằng,
không phải riêng thầy giáo trẻ này là làm nghiêm với các cô học trò lớp Nhất,
mà tất cả các thầy giáo đều nghiêm. Tất cả bốn cô sợ thầy, chính vì thầy là Thầy
Giáo.
Có điều nên nói để khen tặng các cô nữ sinh thuở ấy: "tuy
là sợ thầy nhưng các cô vẫn kính mến thầy, chớ không phải thù ghét." Trước
khi nghỉ hè, thầy giáo trai trẻ được lệnh đổi đi tỉnh khác, học trò lớp Nhất
kéo nhau đến nhà thăm thầy để chào tiễn biệt. Bốn cô cùng đến với đám học trò
trai. Thầy tiếp niềm nở, hôm ấy thầy rất dễ thương - và khi thầy nói mấy lời từ
giã, bốn cô đều cảm động, rưng rưng hai ngấn lệ. Chính cô Dư đại diện cho ba
cô bạn, thưa với thầy:
- Thưa thầy, chúng con xin kính chúc thầy lên đường bình an mạnh
giỏi...
Thầy khẽ cúi đầu đáp lễ. Hôm ấy, lần đầu tiên Tuấn-em cảm thấy
quý mến bốn cô bạn gái cùng lớp. Tuấn hối hận vì suốt cả năm Tuấn chuyên môn
phá phách các cô. Nào là trong giờ chơi, Tuấn ra sân trường tìm bắt những con
cóc, con nhái, con trùn, để lẻn vào lớp bỏ trong cạt-táp các cô. Nào là bỏ cục
phấn trong bình mực tím của cô Dư hay cô Ánh Tuyết.
Ba đứa học trò nghịch nhất trong lớp, lại là ba đứa vào hạng
học khá nhất, Hường vẫn đứng đầu, hoặc đứng thứ hai, thứ ba, trong bảng sắp hạng
hàng tháng. Ái và Tuấn cũng thế. Có lẽ nhờ học khá, nên mấy trò trai tinh nghịch
này vẫn được mấy cô bạn gái mến hơn cả. Tình bạn ngây thơ, vô tội, của đám học
sinh thời bấy giờ không có hậu ý gì vẩn vơ, bậy bạ.
Tôi đã nói tuổi 16, 17 của thế hệ 1920-1924, chưa biết tí gì
về "yêu đương", "mơ mộng". Tâm hồn thanh thiếu niên hãy
còn trong sạch, chưa bị tiêm nhiễm, chưa bị cám dỗ, chưa bệnh hoạn, suy đồi.
Chỉ có một lần, một câu chuyện "trai gái" của học
trò bị đổ bể, làm xôn xao cả trường. Thủ phạm chính là trò A. ở lớp Nhất. Nữ
đồng lõa là cô H. con một nhà buôn bán ở phố cửa Tây, mới 16 tuổi. Nhà hai cô
cậu này gần nhau. Không biết hai đứa làm quen với nhau hồi nào, mà một đêm, mẹ
cô H., vô tình bắt gặp con gái của mình trò chuyện nhỏ to với cậu học trò. Bà
lôi cổ con gái về nhà, đánh một trận nhừ tử. Bà lại sang mét với gia đình trò
A. Trò A cũng bị một trận đòn nên thân. Hôm sau cả trường đều biết vụ ấy.
Toàn thể học sinh đều coi A là một đứa "học trò xấu-xa" và chế nhạo
nó. A lại bị thầy giáo mắng, và bị Ông Đốc trừng phạt gắt gao.
Thế là câu chuyện "trai gái" của cặp thiếu niên
chưa đâu vào đâu đã bị chấm dứt ngay sau khi chàng bị phạt quỳ gối trong hai tiếng
đồng hồ trong cửa lớp học.
Thế hệ thanh niên 1920-1925 không chú trọng đến vấn đề tình
ái cá nhân và không dùng những danh từ "yêu đương", "ái
tình", "tình yêu". Ở miền Trung và miền Nam chỉ gọi là
"trai gái" với nhau, hay là "phải lòng nhau", thường bị coi
như làm một việc tội lỗi, không tốt đẹp, và bị chê cười.
Một thanh niên Việt Nam trong những năm 1920-1925 không bao
giờ viết thư cho con gái với những câu "anh yêu em". Họ chỉ viết
lén lút "tôi thương cô", đã là quá lắm rồi. Ba chữ rất tầm thường đó
đã đã chứa đựng bao nhiêu... mê ly!
Tìm trên các tờ báo văn nghệ cách đây 35 năm, chưa hề thấy
đăng những bài thơ loại "anh yêu em", "em yêu anh",
"nhớ nhung", "nhung nhớ" tràn ngập như ngày nay.
Nhưng nói rằng thời bấy giờ thanh niên không biết yêu, lại
cũng không đúng, thanh niên nào mà không biết yêu? Chỉ có khác là tình yêu kín
đáo, dè dặt, nghĩa là tế nhị hơn. Không bồng bột sôi nổi, không bộc lộ công
khai và không trơ trẻn.
Tình yêu trước đây 30 năm, cũng được gìn giữ kín nhẹm như y
phục của thiếu nữ không bộc lộ ranh mãnh, không nửa kín nửa hở, và cũng không
khiêu khích. Con gái ở các đô thị xa-hoa Saigon, Hà Nội, Huế... may mặc bằng
hàng lụa sang đẹp, nhưng vẫn kín đáo, e-ấp như các cô thôn nữ.
Cô Dư, cô Ánh Tuyết, cô Tạ thị Tỷ, đều là con nhà giàu hoặc
con nhà quan. Các cô thuộc giới "văn minh" nhất trong tỉnh và trong
xứ. Đến trường, các cô mặc y phục trắng, đen hoặc tím. Chỉ những ngày chủ nhật,
hoặc đi đâu, các cô mới mặc màu xanh, màu hồng. Tuấn không thấy bao giờ các cô
mặc áo đỏ chói, hay màu vàng. Ngày Tết hay các ngày lễ các cô mặc áo gấm, quần
sa-tanh mang giầy thêu cườm.
Ở Bắc Việt, phụ nữ mới bắt đầu mặc quần trắng vào khoảng năm
1930 trở về sau. Trước 1930, các bà, các cô đứng đắn mặc toàn quần đen.
Về nữ trang, các cô thường đeo kiềng vàng trơn (đi học cũng
đeo kiềng) và hoa tai vàng. Không bao giờ đeo nhẫn, trừ khi đã có chồng. Các
cô đã để răng trắng và tóc quấn trần theo kiểu Huế. Ở Bắc, vấn tóc trong khăn
nhung đen, Ở Nam, để búi tóc sau ót.
Cổ áo cao một phân, tà áo dài xuống vừa đến đầu gối (ở Trung); hoặc trên đầu gối 1 phân (ở Nam): hoặc dưới đầu gối 1 phân (ở Bắc),
các cô Hà nội mặc quần ống rộng, ở Huế và các tỉnh miền Trung ống vừa, ở Saigon
và Lục tỉnh ống chật hơn, độ hai phân tây . Giày cao gót xuất hiện tại Hà nội
và Saigon khoảng năm 1935, nhưng để riêng cho các thiếu nữ đã trưởng thành,
theo phép xã giao tân tiến của Âu Mỹ. Nữ sinh các trường và các thiếu nữ dướí
21 tuổi không bao giờ mang giày cao gót.
CHƯƠNG 23
1924
- Một ông Quan tỉnh tặng ông Sứ Tây sắp về nghỉ phép ở Pháp một
chiếc xe kéo và cả người cu-li để về Pháp ông xử dụng.
- Vua Khải Định có ý đem theo một chiếc xe kéo sơn son thếp
vàng qua Pháp để Vua ngự du trong kỳ Hội Chợ Thuộc địa ở Marseilles.
- Công chức dùng "đồng hồ trái quít" đeo trên túi
áo. Chưa có đồng hồ đeo tay.
- Phong trào đi xe máy bắt đầu thịnh hành. Lần đầu tiên thanh
niên tập đi xe máy
- Một bài "Dictée" (chánh tả) thi Tiểu-học Pháp-Việt.
- Một kỳ thi vấn đáp : 100 quan tiền 6 cô (San Francisco)
- Bức trướng tặng Thầy trước khi từ giã mái trường, và 10 năm
sau.
- Tình bạn giữa đôi nam nữ học sinh.
Năm 1924, ở các thủ đô các tỉnh An Nam đã bắt đầu xuất hiện
khá nhiều những món nhật dụng mà trước đây một vài năm còn rất hiếm hoi. Các thầy
Thông, thầy Ký đã sắm xe máy (ngoài Bắc: xe đạp), mà hầu hết là xe hiệu
Hirondelle (chim én) do hãng Manifactures d Armes et de Cycles de Saint
Etienne ở Pháp sản xuất.
Saint Etienne là tỉnh lỵ của tỉnh Loire, ở phía Nam thành phố
Lyon cách không xa, là nơi sản xuất nhiều nhất các dụng cụ máy móc về sắt và
thép, Tuấn-em để ý thấy hầu hết các đồ dùng văn minh mới lạ, đẹp và bền của người
An nam lúc bấy giờ đều có ghi sản xuất là Saint Etienne. Cho đến nổi dụng cụ học
sinh: bút chì, ngòi bút, quyển vở, tẩy, compas, équerre, double décimètre
v.v... Cũng đều gởi mua tận bên Pháp, ở Saint Etienne . Cách gởi duy nhất là bằng
tàu thủy, ba tháng hàng mới về. Lúc bấy giờ chưa có đường hàng không nào nối liền
các xứ Đông Dương và Pháp.
Xe đạp do Pháp quốc gởi qua đã nhiều, và luôn luôn là các thầy
Thông, thầy Ký có trước. Tuy nhiên, vì mới lạ nên nó vẫn được người chủ nó quý
chuộng, nâng niu săn sóc, lắm khi còn hơn đứa con cưng.
Thầy Thông Hồ ở cạnh nhà Tuấn, làm việc ở sở Kiểm Lâm, bắt
chước các thầy khác thuê thợ mộc đóng một cái kệ để gác chiếc xe đạp của thầy.
Đường đi từ nhà thầy đến sở, quanh co, gồ ghề (đường phố trong tỉnh chưa tráng
nhựa) thầy đạp đi rất chậm, sợ hư bánh xe. Đi làm về thầy xuống xe nhè-nhẹ, rồi
hai tay nâng chiếc xe lên kệ gỗ. Nghe thầy bấm chuông leng-keng, tức thì vợ thầy,
cô Thông Hồ, còn trẻ và đẹp, cầm một nùi giẻ ra lau chùi chiếc xe, từ cặp niềng
cho đến bàn đạp. Nhờ hai vợ chồng gìn giữ chiếc xe cẩn thận như thế, mà bốn năm
sau, Tuấn thấy chiếc xe của thầy vẫn láng mướt, còn mới tinh như lúc mới mu.
Thời bấy giờ không có nạn ăn cắp xe nên xe không khóa, và không cần khóa. Đa số
các thầy Ký đều có đóng kệ để gác xe như thầy Hồ, và gia đình nào sắm được chiếc
xe máy cũng hãnh diện đôi chút, như ngày nay những người làm việc ít tiền ráng
dành dụm sắm chiếc deux - chevaux...
Nhất là ở thôn quê, xe đạp được coi như là biểu hiện của văn
minh tiến bộ. Các nhà thi sĩ ở Trung và Nam kỳ đã đặt cho nó biệt hiệu vinh dự
là "con ngựa Sắt" cũng như bên Pháp lúc chiếc xe đạp mới ra đời được
công chúng suy tôn là "La petite Reine" (Tiểu Hoàng Hậu). Một người
đạp xe máy chạy trên đường làng, bóp chuông leng-keng... leng-keng, thế là con
nít từ dưới các mái nhà tranh chạy nhao nháo ra ngõ đứng xem.
Mấy cậu học trò đi coi mắt vợ ở làng xa, cứ đi xe đạp đến nhà
gái là được các cô thôn nữ ưng ý liền. Trai trong làng không biết đi xe máy, và
biết bao giờ họ mới sắm được chiếc xe máy? Các câụ học trò ở tỉnh, ở huyện, ngồi
trên yên xe còn oai hơn là ông Nghè ngồi trên yên ngựa vinh quy bái tổ hồi xưa,
nghĩa là cách đây chưa quá 30 năm.
Tuy nhiên, chỉ có thầy Thông, thầy Ký làm việc được ít lương,
các nhà buôn bán, tư chức, và học trò là thích đi xe đạp.
Hầu hết các thầy Phán làm được lương cao, và các thầy Trợ
giáo lại thích đi bộ. Vì theo quan niệm của các thầy lúc bấy giờ ngồi trên yên
xe máy và khom lưng đạp lia liạ cho xe chạy, là mất vẻ đạo mạo, đứng đắn. Cho
nên nếu dư tiền, thì các thầy sắm xe kéo nhà, ngồi bệ vệ trong xe để cho người
"cu-li" kéo. Nếu ít tiền (như đa số) thà đi bộ, với một lũ học trò
năm bảy đứa cung kính đi theo sau, còn oai hơn, và thanh nhã hơn.
Xe đạp, tuy là văn minh, là tiện lợi, nhưng ngay từ lúc mới
nhập cảng sang xứ ta, nó đã bị coi như là một loại xe bình dân, mà những người
trưởng giả không thích dùng. Vả lại mấy thầy mặc tòan là quốc phục, áo dài đen
quần vải quyến hoặc lụa trắng, chưn mang giầy Hạ, mà đi xe đạp thật là bất tiện.
Phải kẹp ống quần để nó khỏi vướng vào giây chaîne, phải kéo tà áo ra phía trước
và nhét nó vào lưng quần để nó khỏi thòng xuống garde-boue, phải kéo cả tà áo
trước lên cao quá đầu gối, để nó khỏi bị dính dầu mỡ nơi giây chaine, tất cả ngần
ấy chuyện đã là rắc rối, mà xem bộ tịch của thầy như thế kia lại không còn vẻ
gì oai vệ như nhà mô phạm nữa. Trông chẳng hơn nào chú lính lệ cho quan Tuần,
quan Án.
Chính vì những lý do danh dự ấy mà đa số các thầy Trợ giáo
cũng như các thầy Thông, thầy Phán làm việc ở các sở các tòa đều không ưa đi xe
đạp.
Riêng Phán Tuấn lại nghĩ khác. Tuấn là "quan Phán đầu
tòa", cao nhất trong các ngạch công-chức An-nam toàn tỉnh, và là quan Phán
được cụ Sứ tin cậy nhất, nên uy tín còn có khi hơn cả các quan An-nam, nhưng Tuấn
lại ghét những gì quan cách, những "trưởng giả học làm sang". Tuấn đã
nhất định không sắm xe kéo nhà. Có lần ông già của Tuấn hỏi tại sao, Tuấn bảo:
- Con là thanh niên, con ngồi trên xe để cho một người gìa cả
khom lưng kéo như trâu, như ngựa, con không đành lòng.
- Mấy thầy vẫn ngồi xe kéo đó thì sao?
- Tại mấy thầy không nghe ông Sứ nói...
- Ông Sứ nói sao?
- Một hôm con hỏi ổng bên Pháp có xe kéo không, ông Sứ trả lời
rằng: "Người Pháp đã văn minh lắm, ở Pháp một con người là một con người,
chứ không phải là một con ngựa". Nghe thế là con hiểu ý ổng chê người
"An-nam" mình còn dã man, con người mà đi kéo xe như con ngựa. Cho
nên con nhất định không đi xe kéo.
- Vậy sao ông Sứ vẫn thường ngồi xe kéo, do người lính An-nam
kéo!
- Ông Tây thấy người cu-li An-nam kéo xe như ngựa thì ổng ngại
gì mà không ngồi xe cho An-nam kéo, như mấy ông quan An-nam và những người
An-nam khác.
Một lần trước, ông Tuần-vũ nghe tin ông Sứ sắp về Pháp nghỉ 6
tháng, ông Tuần đến thăm, và nói muốn tặng quan lớn một chiếc xe kéo mới tinh,
và cho một người lính lệ theo hầu Quan Lớn để về Paris thằng lính nó kéo xe cho
quan lớn đi chơi, thì ông Sứ cười sặc sụa và cảm ơn ông Tuần: "Quan Lớn có
lòng tốt, tôi rất cảm động nhưng nếu dân chúng ở Paris thấy một người ngồi trên
xe do một người khác kéo, thì họ sẽ cho rằng cả hai người là hai thằng điên...
Vì thế nên khi Hoàng Đế Khải Định sắp sang Pháp dự cuộc đấu xảo ở Marseilles,
Ngài tỏ ý với quan Khâm Sứ rằng Ngài muốn đem theo một chiếc xe kéo của Ngài,
sơn son thếp vàng thật đẹp, để lúc sang bên Pháp, lính An-nam sẽ kéo Ngài đi
xem thành phố, thì quan Khâm Sứ liền kính cẩn khuyên Ngài đừng nên thực hiện ý
định ấy..."
Năm 1924, tại các tỉnh miền Trung, xe kéo bánh sắt vẫn còn.
Nhưng bánh cao su đã thay thế bánh sắt khá nhiều. Xe bánh sắt chỉ có hạng ít tiền
đi thôi. Ở các tỉnh thành lớn cứ độ 10 xe kéo bánh cao su cũng còn 2,3 xe bánh
sắt.
Đồng hồ, thì tất cả các thầy Thông, thầy Ký, thầy Giáo đều
có. Vì sự bắt buộc phải có đồng hồ để làm việc đúng giờ, nên mặc dầu đắt giá,
các thầy cũng ráng sắm mỗi người một chiếc. Nhưng năm 1924, đồng hồ đeo tay
chưa có nhiều. Chỉ được thông dụng loại đồng hồ bỏ túi, gọi là "đồng hồ
trái quít", tuy hình thức nó không phải tròn vo như trái quít, mà tròn dẹp,
có sợi giây và cái khoen để đeo vào khuy áo.
Tuấn-em, cũng như tất cả học trò lớn ở trường tỉnh, đều ao ước
được xe máy. Phán Tuấn có mua một chiếc, ngày hai buổi đạp đi đạp về, rất tiện
lợi. Buổi tối chàng tập cho Tuấn-em đi. Hai đêm đầu, Tuấn-em cứ ngã luôn, có lần
té vấp một bụi duối bị gai cào trầy cả mặt mũi. Nhưng đêm thứ ba, trò Tuấn đã
đi được một mình, khỏi phải nhờ anh đỡ cái yên chạy theo sau. Từ đấy, cứ buổi
trưa, mặc dầu nóng oi-ả, trò Tuấn cứ lấy xe máy của anh đạp chạy một vòng quanh
các phố. Buổi trưa, các thành phố đều im lặng, không náo nhiệt như ngày nay.
Trừ tiếng chuông xe máy và "lục lạc" xe kéo, không có tiếng ồn ào
khác. Xe hơi vẫn còn ít, ít lắm. Trừ đôi ba chiếc của quan Tây, còn thì quan
An-nam vẫn thích ngồi xe nhà, thường thường là xe sơn đen, bóng loáng, hoặc sơn
đỏ sẩm, màu rượu bordeaux. Cũng còn nhiều ông quan An-nam đi xe song mã.
Tư gia không ai dùng xe hơi. Nhà giàu không dám sắm, sợ các
quan ghen ghét. Nhất là Hoa-kiều, vì hầu hết các nhà buôn lớn nhất ở các tỉnh đều
là của "các chú", họ dư sức sắm xe hơi, nhưng họ sợ các "quan
An-nam" ghét nên họ cứ đi xe đạp, hay là xe kéo. Đi xa thì họ đi xe đò
STACA.
STACA là "Société des Transports Automobiles de Centre
Annam", một hãng chuyên chở bằng xe hơi của người Pháp, mà ta có thể nói
là hãng xe đò độc quyền lúc bấy giờ chạy từ Tourane (Đà Nẵng) vào Nha Trang
và ngược lại.
Mổi ngày chỉ có một chuyến duy nhất từ Tourane vào và một
chuyến từ Nha Trang ra, gặp nhau khoảng 12 giờ trưa trước cổng nhà giây thép Quảng
Ngãi.
Xe chở thư tín giao thông hàng ngày, một loại xe
"car" không quá 10 chổ ngồi. Nghĩa là mỗi ngày từ miền ngoài vào miền
trong, hay từ miệt trong ra ngoài không quá 10 hành khách, hầu hết là khách
sang, hoặc nhà buôn lớn.
Trò Tuấn cứ khoảng 12 giờ trưa là thích đến vườn hoa trước cổng
nhà giây thép để coi hai chiếc xe thơ staca gặp nhau tại đây. Ngừng độ một tiếng
đồng hồ, rồi bỗng nhiên một chiếc rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy. Nó chạy vùn
vụt ra miền Bắc. Chiếc thứ hai cũng rồ máy, xịt khói, bay hơi, chạy bon bon vào
hướng Nam, bụi và khói tỏa mịt mù hai bên hàng phố. Trò Tuấn xem mê và cứ nghĩ
thầm: "Biết bao giờ mình mới được đi trên chiếc xe điện này xem ra sao nhỉ? Ồ... biết bao giờ?".
Riêng gì trò Tuấn! Hầu hết người "Annam" ở các tỉnh
đã mấy ai được đi xe hơi. Mặc dầu là xe thơ (người ta vẫn bảo là xe chở thơ của
nhà nước), nó vẫn còn hiếm hoi, mỗi ngày chỉ một chuyến chạy ra, một chuyến chạy
vào, ngoài ra không còn xe hơi nào khác nữa.
Nhưng đến năm 1924, đã bắt đầu có vài ba chiếc xe khác, gọi
là xe "cam nhông"
(camions) của người An -nam làm chủ. Các loại xe đò này
không phải là xe Thơ, chỉ chuyên chở hành khách và hàng hóa tư nhân. Xe cam
nhông chạy không có giờ phút nhất định, muốn ngừng đâu thì ngừng, hành khách
đông nghẹt, ngồi ép với nhau chật ních, không có trật tự đàng hoàng như trong
xe thơ Staca.
Lần này, Tuấn-em được mãn nguyện. Cậu học trò tinh nghịch và
tò mò hạng nhất, đã biết đi xe máy, muốn trèo lên xe hơi, thì bây giờ đã có dịp
được lần đầu tiên ngồi trên xe hơi... Dịp ấy, là cuối tháng năm 1924, sắp sửa
nhập học niên khóa 1924-1925 tại Quy Nhơn. Trò Tuấn đã thi đỗ bằng
"Ri-me" cuối niên khóa 1923-1924 ở Quảng - Ngãi.
Hãy xin nói trước về kỳ thi Tiểu học của Tuấn, thiếu niên nước
Việt, năm 1924.
Tuấn thuộc hạng học giỏi nhất lớp. Kỳ thi cuối niên khóa
trong lớp Tuấn đứng hạng thứ 2, và được phần thưởng danh dự, thế mà thi bằng
"Ri-me" cậu lại đỗ hạng bét. Và đỗ được là nhờ thầy trợ-giáo đứng
ngoài " thổi " dùm cho.
Bài Dictée (chánh tả), Tuấn còn nhớ vài đoạn đầu như sau
đây:
Les Norias de Quảng-Ngãi,
Aucun spectacle de la province ne renseigne mieux sur l
esprit ingénieux du paysan d Annam, et ne cause pareille surprise aux yeux
curieux du voyageur,
Accouplées par demi douzaines, elles atteignent parfaites,
ces norias géantes, une hauteur de dix mètres v.v...
Bài dài hơn nửa trang giấy thi, đầy những mẹo văn phạm lắt-léo
khó khăn đại khái như đoạn trên, nhưng Tuấn chỉ bị 2 lỗi.
Hết giờ ra về, Tuấn đọc lại nguyên vẹn bài dictée cho thầy giáo
nghe, thầy mừng rỡ khen Tuấn rối-rít, nhưng thầy căn dặn Tuấn về môn thi Toán,
Thầy chỉ sợ Tuấn hỏng Toán, vì Tuấn dở Toán nhất lớp. Quả nhiên, hôm thi Toán,
chép xong hai đề toán trên giấy thi, Tuấn ngồi rưng rưng nước mắt, sắp khóc to
lên. Toán thế này thì có nước trừ chữ "T" ra, còn lại chữ
"oán", cộng với chữ "ai" ở trước là tìm ra lời giải?!
Mà ai- oán thật! Hai đề thi toán "Problèmes d
Arithmétique", đọc đi đọc lại ba bốn lượt, Tuấn vẫn thấy bí kinh khủng!
Liếc mắt nhìn qua những dãy bàn kế cận, Tuấn thấy hầu hết các trò khác đều đã bắt
đầu làm bài ngay trong giấy thi, không cần làm nháp ở ngoài. Sao tụi nó làm dễ
dàng, mau lẹ thế nhỉ? Sao tụi nó giỏi toán thế nhỉ? Trò Tuấn tệ quá, chỉ một
mình trò là cùi, cùi thật là cùi, ngồi ngó hai đề toán mà mồ hôi chảy toát ra cả
người, mặt mày choáng váng. Tuấn muốn té xỉu xuống, chết giấc luôn.
Nhưng ông Trời thương hại mấy học trò dốt toán, nên bổng dưng
lúc bấy giờ có một người chết ở nhà thương gần trường học, và đám ma từ trong bệnh
viện đi ra, tiến thẳng Cửa Đông, theo con đường dài ngay sau sân trường... Tiếng
ai kêu khóc thật là ai oán thê lương!... Ông giám khảo đủng đỉnh bước ra đứng
nơi cửa sổ, nhìn xem đám ma, quay lưng vào lớp thí sinh. Thừa dịp tốt hiếm có,
trò Tuấn lẹ làng nghiêng đầu... thằng bạn giỏi toán ngồi nơi mút bàn (mỗi bàn
chỉ có 3 thí sinh, Tuấn ngồi ngay giữa). Tuấn nói thầm với bạn: "tao
không làm được một bài nào cả, mầy ơi!". Thằng bạn thật quả có lòng tốt.
Lạy trời, ban phước đức cho nó. Nó nháp lia lịa bài toán thứ nhất và lời giải
đáp trên một mảnh giấy, rồi lén lút đút ngay dưới bàn cho Tuấn. Trò Tuấn mừng
như thể chết đi sống lại, vồ lấy miếng giấy nhanh như chớp, và chỉ có việc chép
lại sạch sẽ vào trang giấy thi bài nháp làm phước của thằng bạn giàu lòng bác
ái.
Tuấn chép xong, vò viên mảnh giấy bỏ vào miệng nhai rồi nuốt
cái "ực" vào trong bao tử. Đám ma phía sau trường cũng vừa qua khỏi.
Tuấn vái thầm: "Xin cầu chúc cho hương hồn ông bà nào chết đó được tiêu
diêu miền Cực Lạc!". Nhưng ông giám khảo cũng vừa quay mặt vào và đi thẳng
đến bàn Tuấn. Ông đứng ngay đối diện Tuấn, nghiêm khắc chỉ vào mặt trò:
"Mầy vừa bỏ cái gì vào mồm?"
- Dạ thưa thầy, con không có gì bỏ vào mồm cả.
- Tao đứng nơi cửa sổ, tuy tao quay lưng vô lớp nhưng tao
nhìn trong cửa kiếng, thấy rõ ràng hết, mầy đừng chối.
Tuấn gần luýnh huýnh, nhưng cố cứu vãn tình hình:
- Thưa thầy... con xin... há miệng cho thầy coi.
Nói xong nó làm liền. Tuấn há miệng ra, cái miệng còn hôi sặc
mùi cháo lòng mà nó đã ăn vội vàng hồi sáng sớm trước khi đến trường, chưa kịp
uống nước.
Ông giám khảo phì cười, nhưng xách tai nó đau điếng:
- Attention à toi, hein! (mày liệu hồn nhé!)
Từ phút đó, ông giám khảo cứ liếc mắt rình mò trò Tuấn, Tuấn
cắm đầu xuống bàn, giả vờ chăm chỉ làm bài Toán thứ hai. Nhưng chốc chốc trò lại
gãi đầu (sao hôm nay cái đầu nó hay ngứa thế?) Rồi rốt cuộc trống trường
đánh ba tiếng, hết giờ thi Toán.
Tuấn nhanh nhẩu nộp bài trước hết thảy mọi người, nhưng trò
chỉ "làm" được một bài thứ nhất thôi. Bài thứ hai, Tuấn chịu
"forfait", bỏ giấy trắng. Nhờ đám ma đi qua, Tuấn làm trúng một bài,
nhưng không biết trong lúc vội vàng Tuấn chép sai lời giải thế nào mà chỉ được
1/2 điểm. Tuy thế, nhờ các môn Việt văn và Pháp văn cứu vớt, Tuấn vẫn đậu
"écrit " (thi viết), được vào "oral" (thi vấn đáp).
Trước giờ thi vấn đáp, thầy trợ giáo gặp Tuấn trên sân trường,
hỏi Tuấn:
- Con đã thuộc hết các bài Sử Ký, Địa Dư chưa?
Tuấn trả lời ấp úng:
- Dạ, thưa thầy, con thuộc hết... Nhưng lỡ họ hỏi con câu nào
con "bí" thì con phải làm sao?
- Thì ăn trứng vịt, chớ sao!
- Thầy làm cách nào "thổi" cho con...?
Thầy trợ giáo cười:
- Tuấn muốn thầy ở tù hả?
Thầy trợ giáo hồi hộp lo ngại, khi Tuấn vào lớp thi vấn đáp.
Ông giám khảo là người Tây, tên là Paul Rivière. Ông này dữ lắm, hay bắt bí học
trò, hỏi những câu trẹo họng.
Nhờ ông có giọng nói ồ ồ, vang cả lớp, nên thầy trợ giáo đứng
ngoài sân trường nghe rõ các câu hỏi. Ông hỏi trò Tuấn hai câu rồi, Tuấn trả lời
trôi chảy, đến câu thứ ba về Địa Dư:
- Trò hãy kể tên 5 thành phố lớn nhất của nước Huê-Kỳ?
Ở nhà Tuấn đã học thuộc lòng 5 tên thành phố ấy rồi, nhưng
vào đây Tuấn chỉ kể được 4:
- Washington, New York, Chicago, Philadelphia...
Còn một thành phố nữa, Tuấn quên mất. Bổng Tuấn nghe ngoài
sân tiếng một đứa học trò la lớn :
- "Một trăm quan tiền, sáu cô", mầy ơi!
Tuấn sực nhớ ngay vừa lúc ông giám khảo lặp lại câu hỏi:
- Còn một thành phố nữa tên gì?
- San Francisco. (San Francisco có thể phiên âm ra tiếng
Pháp là cent franc six...)
- Giỏi!
Ông Tây cho Tuấn 10 điểm.
Ra sân trường, thầy Trợ giáo cười, cho Tuấn biết là thầy phải
bảo một đứa học trò lớp Ba reo lên câu nói mánh lới trên kia để giúp trí nhớ của
Tuấn.
Thế là Tuấn đậu bằng "Ri-me" năm ấy, nhờ tiếng kèn
ai oán thê lương đưa một vong linh về thế giới của Phật A-di- đà... và nhờ một
trăm quan tiền sáu cô của thầy Trợ giáo đứng mặc cả ngoài sân trường.
Phải nói rằng câu "học tài thi phận" họa chăng có
áp dụng được hồi thi chữ Nho, chứ trong thời kỳ thi chữ Tây chỉ có thể là một lời
an uỉ tạm bợ mà thôi.
Vì theo thời ấy, hể học giỏi, thông suốt hết chương trình thì
tất nhiên đi thi phải đậu. Thi hỏng, là tại học không thuộc bài. Học trò dở, nếu
không có môn nào trội hơn để cứu vớt các môn kém, thì nhất định là "trợt vỏ
chuối".
Đấy là không kể một vài trường hợp hy hữu mà học trò thừa lúc
giám khảo vô ý, lén lút "gà" cho nhau, như trường hợp trò Tuấn. Ngoại
giả, việc thi cử thời Tây rất nghiêm ngặt. Không bao giờ các đề thi bị tiết lộ
ra ngoài dù là thi Tiểu học, Trung học hay Tú tài. Chưa bao giờ xảy ra một vụ
bán đề thi, từ 30, 40 nghìn đồng đến 100,200 nghìn đồng.
Không có sự gian lận của các thí sinh thi mướn với sự đồng
lõa im lặng của giám khảo. Không có những vụ con em của một số hiệu trưởng,
giám khảo, giáo học, học dốt mà thi đậu - nhiều khi đậu cao - còn học trò ngoài
học giỏi hơn, trội hẵn mà lại thi rớt.
Trong các kỳ thi thời trước, bất cứ là thi gì, sự may rủi đã
là ít có rồi, sự gian lận lại còn khó khăn hơn. Nói chi đến chuyện ăn tiền,
“đút lót, “nhờ cậy“,”gởi gấm“, thật hoàn toàn không có, và không thể có.
Dù là con em ông giám khảo, ông Đốc học hay là con cháu ông Tổng
Đốc, ông Thượng Thư, ông Sứ, ông Khâm, hễ học giỏi là nhất định đỗ, học kém là
phải rớt, không có đút lót được ai cả, không gởi gấm cách nào được cả.
Bạn của Tuấn-em, sau này cùng Tuấn đi thi Tú-tài ở Hà Nội, có
một số đông là con cháu của các vị quan to lớn có uy quyền, và thế lực biết
bao. Họ quen thân với các ông giám sư, ăn uống tiệc tùng với các vị giám khảo,
thế mà con cháu của họ thi hai ba lần đều hỏng cả, chỉ vì quanh năm chúng ăn
chơi phè phởn, nhẩy đầm, nghiện rượu, say mê tình ái, không lo học hành.
Tuấn thi Tú-tài cũng hỏng hai khóa, vì một lần làm sai bài
toán Hình-học, một lần không thuộc bài Vật-lý học, chứ không phải vì “học tài
thi phận“. Những bạn của Tuấn đỗ trước Tuấn một hai năm, đều là học giỏi hơn
Tuấn về các môn đó, chứ không phải nhờ đút lót tiền cho các ông giám khảo, hoặc
nhờ gởi gấm cho ai.
CHƯƠNG 24
Năm 1924, cả tỉnh chỉ có một trường Tiểu học duy nhất của Nhà
Nước, không có một tư thục nào. Cả trường Tiểu học, chỉ có một lớp Nhất.
Trong lớp chỉ có 40 học trò, thi đậu được 21, rớt 19. Riêng trong số 4 chị ngồi
bàn đầu, có hai chị thi trợt vỏ dưa . Kết qủa ấy chứng tỏ rằng thi cử đã bắt đầu
gắt gao, và thí sinh cần phải có một căn bản vững chắc mới hy vọng có tên trên
"bảng vàng".
Đậu hay rớt, thi xong rồi toàn thể học sinh đều phải đi học một
tuần lễ nữa, vì còn một tuần lễ nữa mới thật là mãn niên khóa. Phát phần thưởng
cuối năm học, xong rồi mới chính thức bắt đầu nghỉ Hè.
Những học trò thi "Primaires" rớt, dù có hơi mắc cỡ
với bạn bè, cũng ráng tiếp tục đi học cho hết mấy ngày cuối niên khóa, vì còn
hy vọng được ông Đốc cho học lại một năm nữa. Trừ vài ba trò, vì lý do gia
đình, hoặc vì lớn tuổi phải thôi học, buồn rầu từ giã mái học đường để về quê
làm ruộng, hoặc đi buôn bán. Mấy trò thi đậu đáng lẽ được nghỉ chơi thỏa
thích, nhưng ông Đốc vẫn bắt buộc phải cắp vở đến trường như thường lệ, tuy chỉ
còn 7 ngày nữa là nghỉ hè. Tất cả đều phải tuân lệnh, vì tụi thi đỗ sợ rằng nếu
khiếm diện mấy ngày ấy sẽ bị Ông Đốc cho chứng chỉ xấu rồi không được thi vào
trường “Collège Quốc Học“ ở Huế hoặc "Collège Complémentaire" ở
Quy Nhơn.
Nói đúng ra, mấy ngày cuối năm, có học hành gì nữa đâu! Các
học trò thi rớt thì vô lớp ngồi rầu rĩ tỉ tê, chán cho đến nỗi một con ruồi bay
đậu trên chóp mũi các trò cũng không buồn lấy tay xua đuổi. Ngày trước thi rớt
không có nạn tự tử . Chỉ có sự cố gắng thêm để thi đậu khóa sau. Nhưng trông thấymột chị thi rớt ngồi trong lớp khóc sướt mướt vì bị bài Dictée 7 lỗi. Tuấn
trong lòng nao nao, thấy lòng rung cảm, thương xót người bạn gái đau khổ. Buổi
trưa Tuấn đến nhà bạn an uỉ “Đừng khóc nữa chị Tuyết. Chị giỏi Toán, sang năm
chị ráng học thêm các môn thế nào chị cũng đậu". Tuyết đã 17 tuổi, sợ
cha mẹ không cho đi học nữa. Nhưng năm sau Tuyết thi đỗ hạng ba, và được học
trường Nữ Trung Học Đồng Khánh - Huế.
Các trò thi đậu thì dĩ nhiên sung sướng, vui vẻ, bàn tán
không ngớt chuyện đi Quy Nhơn hay đi Huế. Trò nào trò nấy mặt tươi rói, miệng
cười không ngớt. Phần thì được các Thầy khen ngợi, các bạn thèm thuồng, trìu mến,
phần thì được cha mẹ cưng, muốn ăn gì cha mẹ cũng mua cho ăn, muốn mặc áo quần
đẹp cha mẹ cũng sắm cho, lại được họ hàng, làng xóm o bế, nâng niu…
Câu chuyện thằng Tuấn-em đã thi đỗ "Ri-me" chỉ
trong một buổi sớm cả tỉnh cả làng đều biết.
Mấy ngày cuối niên học, thầy giáo dạy ít mà nói chuyện nhiều. Lớp học tạm vui không đến nổi buồn tẻ lắm.
Nhưng khổ nhất là giờ tập thể thao (gymnastique).
Huấn luyện viên là một ông đội và ba người lính Khố xanh do
bên đồn Lính Tập đưa sang. Họ tập thể thao cho học trò mà gắt gao không khác
nào tập lính. Họ lại hô toàn những tiếng "bồi" khiến học trò không
thể nào nín cười được.
Họ hét thật to, bảo:
- Đứng ngay thẳng: Ga-ra-vu!
Bảo:
- Bước đi, một hai… một hai… một hai…
-An-na-văng mạc!… Ấc đơ… ấc đơ… ấc đơ…
- Xoay bên phải: a oách… oách…
Trò Bông nghe "a oách… oách …" liền cười to lên, bị
thầy đội đến đánh một bạt tay nẩy lửa . Các trò khác liền chạy lại níu thầy đội
và sừng sộ hỏi: "Sao thầy đánh nó" .
Một trò lớn nhất toan đánh lại thầy đội để trả thù cho bạn,
nhưng cả lớp cùng bảo nhau: "Đừng đánh ổng, mà cũng đừng thèm tập nữa . Tụi
mình vào thưa với Quan Đốc. Mấy lớp dưới, từ lớp Nhì A, Nhì B đến lớp Năm, đều
một loạt bắt chước lớp Nhất, tức giận không tập thể thao nữa mặc dầu không có
ai xúi giục cả. Ông Đốc đã về nhà, chỉ còn lại một thầy trợ và anh tùy phái.
Thầy trợ vội vàng chạy đến nhà quan Đốc học để tường trình mọi
việc. Một lát sau, quan Đốc đi xe kéo nhà đến, nét mặt hầm hầm, gọi trò B, người
gây chuyện, đến trước mặt ông. Ông đã không bênh vực danh dự học đường lại còn
đánh B một bạt tay nữa. Toàn thể học sinh đều uất ức, nhưng không dám nói gì,
oai danh hung hăng của quan Đốc học đã từng làm đám học trò và cả thầy giáo khiếp
đởm nhiều phen.
Nhưng đây là buổi tập thể thao cuối cùng trong niên khóa.
Năm sau môn thể dục do chính các thầy phụ trách huấn luyện học trò.
21 trò đậu “Ri-me" tự ý rủ nhau hùn tiền thuê thợ thuê
một bức trướng tặng thầy làm kỷ niệm trước khi vĩnh biệt nhà trường.
Bức trướng thuê bằng kim tuyến bốn chữ Nho "Ngưởng Chi
Như Sơn" (ngước lên nhìn Thầy ơn cao như núi). Bốn chữ này do ông Tú
Phong đặt giùm cho và chính tay ông Tú viết, nét chữ tuyệt đẹp. Tại tỉnh không
có thợ thuê, nên học trò phải xuống tận Thu-xà, nơi đây có mấy tiệm thuê của
người Bắc Kỳ. Bên trái 4 chữ lớn, có giòng chữ nhỏ: "Quảng Ngãi tỉnh,
Pháp Việt học đường, sĩ tử Nguyễn…Lê … Trần… (v.v… tên họ của 21 học trò thi đậu) đồng bái tặng"
Thầy cảm động nhận bức trướng long lanh các mặt kiếng nhỏ, rực
rỡ các sắc màu, và thầy treo ngay tại phòng khách của thầy.
Nhưng cảm động hơn nữa là 10 năm sau, Tuấn-em trở lại thăm thầy,
vẫn còn thấy nơi phòng khách gió phất phơ trìu mến bức trướng xưa, tuy hàng vãi
đã nhạt màu, các viền trướng đã rách xác xơ, màu kim tuyến đã đen, mấy mặt kiếng
đã vỡ nát hoặc đã rơi mất cả.
Toàn thể học trò lớp Nhất cũng chung tiền nhau lại mỗi trò
góp 5 xu, để thuê thợ ảnh đến chụp với Thầy một bức ảnh lớn, ngoài sân trường để
làm kỷ niệm. Thầy ngồi ghế giữa, hàng đầu, mặc áo xuyến đen, đầu chít khăn
đen, chân mang giầy bốt tin, trông thầy thật đạo mạo. Trò Tuấn cặp vào nách một
chiếc mũ trắng, tay cầm mấy quyển sách, mặc áo dài đen, mang guốc, đứng tít
ngoài bìa, vì tuy nghịch ngợm nhất lớp, nhưng lại phải cái tính nhút nhát, vào
chỗ đông người thì ưa đứng ngoài xa.
Cuộc chụp hình này đánh dấu buổi học cuối cùng niên khóa, thầy
trò đều vui vẻ.
Sáng hôm sau, bắt đầu nghỉ Hè, Tuấn được cha mẹ cho phép tắm
sông với một lũ bạn gần mười đứa đến nhà Tuấn rủ đi. Đứa nào cũng ôm theo một
gói quần áo bẩn để ra song giặt, và một cục xà bông Marseilles là loại xà bông
duy nhất được thông dụng lúc bấy giờ khắp từ tỉnh đến quê.
Mẹ Tuấn căn dặn:
- Con tắm trong cạn, đừng ra ngoài chỗ sông sâu, nghe con?
Con coi chừng kẻo ma-da níu cẳng chết đấy!
Cũng như hầu hết con nít lúc bấy giờ - cả người lớn nữa - nghe nói đến ”ma-da“ là Tuấn sợ hết hồn. Lúc tắm sông, Tuấn vẫn nhớ lời mẹ dặn,
chỉ lội quanh quẩn trong cạn, chổ nước trong, nhìn thấy rõ lớp cát và sỏi dưới
đáy sông. Tuấn theo bắt một bầy cá lia thia con, đưa hai tai hứng bầy cá đang
bơi tung tăng trong nước, nhưng hễ sắp bắt được cá thì cá lại thoát ra ngoài, rất
nhanh. Tuấn đuổi theo ra xa xa một chút. Cứ như thế, Tuấn vô ý đi từ trong cạn
ra đến chổ sông sâu, mực nước lên đến gần cổ. Bổng Tuấn dẫm dưới chân một vật
gì nhơn nhớt, hoảng hốt la lên:
- Ma da níu tao! Ma da níu tao! Cứu tao với, tụi bây ơi!
Tuấn sụp xuống chỗ nước hơi sâu, bị giòng nước cuốn mạnh, Tuấn
la khóc ần ỉ: ”Ma da bắt tao!“. Trò Diển, lớn tuổi và biết bơi, vội vàng
bơi ra kịp, nắm tay Tuấn ì-ạch lôi vào. Diển kéo Tuấn chạy lẽ lên bờ, cùng lúc
tất cả mấy đứa học trò đang tắm đều hoảng hốt chạy toán loạn. Tuấn nín khóc,
lượm ba bốn cục đá quăng mạng xuống sông, và la lên với vẻ mặt giận dữ: ”Mẹ
cha con ma da, tao ném cho mầy bể đầu. Mầy giỏi lên đây bắt tao? "Con
ma-da biến đâu mất, không thấy nó thó đầu lên. Nhưng tụi học trò vẫn còn hơi sợ
sợ, ôm áo quần còn ướt kéo nhau đi về hết.
Tuấn-em bị mẹ rầy một mẻ nên thân. Buổi trưa, đi làm ở Tòa Sứ
về, Phán Tuấn nghe Tuấn-em mét: ”Anh Hai ơi, sáng nay em đi tắm sông, suýt bị
con ma-da bắt. Nó níu chân em rồi, nhưng có trò Diễn bơi ra kéo em thoát chết.
Phán Tuấn cười bảo: ”Không có ma-da đâu em". Phán Tuấn
giảng cho em nghe. Dù sao, mẹ Tuấn cũng vội vàng đi thắp hương đèn trên bàn thờ
ông bà và cúng vái tạ ơn ông bà đã cưú cho thằng Tuấn vừa thi đỗ “Ri-me“, khỏi
bị chết đuối.
Chiều tối, Tuấn đến nhà Tuyết, thấy Tuyết nằm võng, mặc áo cụt,
gác tay trên mặt, khóc thút-thít. Tuấn đến gần võng. Tuyết nghe tiếng guốc bước
nhè nhẹ, lấy tay ra, trông thấy Tuấn. Tuấn bảo:
- Sao chị khóc hoài vậy, chị Tuyết? Sang năm chắc chắn chị đậu
mà . Chị cứ vui đi!
Tuyết lau nước mắt, ngồi dậy, đứng dựa vào cột nhà:
- Anh thi đỗ, sung sướng, tôi đâu có đỗ mà tôi vui?
- Tôi thấy chị rớt, tôi cũng buồn chứ tôi vui gì? Tôi đến để
chào chị, sáng mai tôi về thăm bà ngoại tôi và ở nghỉ Hè trong làng bà ngoại.
Tuyết không nói gì, nhưng òa ra khóc. Nghĩ cũng kỳ! Tuấn-em
16 tuổi và Tuyết 17 tuổi chỉ là đôi bạn cùng lớp. Trong lớp, Tuấn ngồi bàn thứ
nhì, ngay sau lưng Tuyết, và thỉnh thoảng Tuyết xoay lại mượn Tuấn một cục tẩy,
hoặc cây bút chì màu, hoặc hỏi bài toán, hay một vài chữ Tây khó hiểu. Thế
thôi.
Có lần trong giờ chơi, Tuấn lại ra sân bắt một con cóc, rồi
thừa lúc bốn chị đi uống nước, Tuấn lẻn vào lớp bỏ con cóc trong cạc-táp của
Tuyết, làm trò tinh nghịch để cười chơi. Ấy thế mà không hiểu sao từ hôm Tuyết
thi hỏng, ngồi khóc trong lớp, Tuấn tự nhiên thương xót, cứ theo an ủi Tuyết
mãi. Còn Tuyết có mến Tuấn hay không, Tuấn đâu có biết? Nhưng thấy Tuấn đến
thăm và từ giã Tuyết để hôm sau đi về quê ngoại. Tuyết lại tỉ tê, nỉ non, buồn
rười rượi. Tình bạn giữa đôi trai gái học sinh cũng có khi thật cảm động! Tuyết
nhìn Tuấn với đôi mắt hiền lành:
- Mẹ tôi bảo về nghỉ hè ở nhà bà ngoại cho khỏe-khoắn, để rồi
tháng 8 về đây sửa soạn đi Qui-nhơn thi vô Collège.
- Anh ở tỉnh, mỗi buổi sáng anh tới đọc dictée cho tôi viết…
- Mẹ tôi không cho… Hay là để tôi xin anh Hai tôi… Tôi cũng
muốn ở tỉnh chứ không muốn về bà ngoại tôi. Tôi nghe mẹ tôi nói ở gần nhà bà
ngoại tôi, có nhà ông Hương Cảnh có con gái học lớp Ba trường Huyện, ông Hương
muốn gả cô đó cho tôi, nhưng tôi mắc cỡ, tôi đâu có chịu.
Tuyết cúi mặt xuống, hỏi khẽ:
- Sao anh không chịu?
- Tôi muốn ở tỉnh, mỗi buổi sáng đến đọc dictée cho chị viết.
Tuyết bổng dưng vui cười, chạy vào nhà lấy một trái mãng cầu
chín đem ra cho Tuấn. Vừa lúc mẹ Tuyết trong nhà đi ra. Tuyết giới thiệu:
- Thưa mẹ, anh Tuấn, học trò lớp con, ảnh mới thi đỗ Primaire
đấy.
Mẹ Tuyết cười:
- Mầy học giỏi quá vậy? Con Tuyết, nó thi rớt mấy bữa rày,
nó khóc hoài, nó không ăn uống gì hết trọi.
Tuyết khẽ đánh yêu cánh tay mẹ:
- Mẹ cứ nói!
Bà hỏi Tuấn:
- Mầy năm nay mấy tuổi?
- Dạ thưa bác, con 14 tuổi.
- Chu-cha giỏi qúa, 14 tuổi mà đỗ “ri-me” rồi hả!
- Dạ thưa bác, con nhớ lộn, chớ tuổi thiệt của con là 15.
Mẹ Tuyết và Tuyết cười rùm lên. Mẹ Tuyết hỏi:
- Chớ tuổi thiệt của mầy là bao nhiêu mà mầy nhớ lộn?
- Dạ tuổi con 16, mà hồi xin vô học, anh Hai con biểu làm giấy
khai sinh rút xuống hai tuôi?, thành ra trong giấy khai sinh con mới 14.
- Mầy con ai ?
- Dạ… bẩm bác, cha con làm thợ mộc. Anh Hai của con đi làm
việc nhà nước.
- Anh mầy làm gì?
- Dạ, bẩm bác, anh Hai con là thầy Phán Tuấn làm trong Tòa Sứ.
- Ủa, vậy he? Mầy là em thầy Phán Tuấn he?
- Dạ.
- Hèn chi mầy học giỏi. Ở nhà có thầy Phán dạy thêm cho mầy. Chớ con Tuyết, ổng làm quan Kinh lịch không biết chữ Tây, tao cũng không biết
chữ, có ai dạy thêm cho con Tuyết đâu, hèn chi nó thi rớt.
Tuyết quay sang thưa mẹ:
- Con nhờ anh Tuấn mấy tháng nghỉ hè, mỗi buổi đến đọc dictée
cho con viết để con tập cho quen, sang năm con thi chắc đỗ.
Mẹ của Tuyết gật đầu, bảo Tuấn:
- Ừ… Mầy tới đọc đít-tê cho nó viết rồi tao may cho mày cái
áo cụt để thưởng công cho mầy. Mầy chịu không?
Tuyết vội ngắt lời:
- Ảnh tới đọc dictée dùm cho con, chớ đâu phải ảnh đi làm
thuê mà mẹ may áo để trả công cho ảnh?
Nhưng Tuấn cũng vui vẻ đáp:
- Dạ, thưa bác, để con về xin phép cha mẹ của con và anh Hai
con…
Kỳ nghỉ hè ấy, Tuấn được gia đình cho ở lại tỉnh, và mỗi
sáng, đến giờ ông Kinh-lịch đi làm việc trong dinh cụ Tuần, bà Kinh-lịch đi chợ,
hoặc đi đánh bài tứ-sắc, thì Tuấn đội mũ trắng, mang đôi guốc cùn, đến nhà cô
Ánh-Tuyết đọc dictée…
Đôi bạn trẻ học chung với nhau, viết dictée, làm toán, vẽ bản
đồ Địa dư v.v… và trao đổi cùng nhau những chuyện ngây thơ êm đẹp . Mãi đến 11
giờ Tuấn mới về nhà.
2 tháng rưỡi sau, trước hôm Tuấn lên xe đi Quy Nhơn thi vào
Trung học, Tuyết trao tặng Tuấn 10 chiếc khăn “mu-soa” do tự tay Tuyết thêu mỗi
góc một chữ T và Tuyết khóc sướt mướt tiễn Tuấn lên đường...
CHƯƠNG 25
1920 - 1924
- Tình hình chính trị tổng quát ở toàn xứ, sau những vụ
Phan-xích-Long ở Saigon (1916), vụ Duy Tân ở Huế (1916), vụ Đội Cấn ở Thái
Nguyên (1917) và Phạm Hồng Thái ở Sa Điện (1923)
- Những ngày tàn của Nho học.
- Một lớp học chữ Hán sáng thứ Năm.
- Các cụ nhà Nho còn tôn kính "Hoàng - Thượng".
- Một lễ "Bái mạng" trước Hành Cung, có sự chứng kiến
của các ông Tây bà Đầm.
- "Văn minh khắp cả hoàn cầu, ông sư cũng cúp cái đầu 3
xu".
- Sinh viên Cao Đẳng Hà Nội đã bắt đầu mặc đồ Tây trước tiên.
- Đá kiện, trò chơi phổ thông nhứt của học sinh
Từ 1920 đến 1924, tình hình chính trị tổng quát ở toàn cõi
An-nam có thể gọi là yên ổn. Từ thành thị đến thôn quê, uy quyền của nước Pháp
đã được triệt để tôn trọng, địa vị của chính phủ thuộc địa đã vững chắc, không
có gì làm lay chuyển được.
Tất cả các cuộc vận động cách mạng trong nước hoặc âm mưu khởi
nghĩa, đều đã bị thất bại. Ở Saigon, vụ Phan xích Long đánh phá Khám lớn năm
1916, ở Bắc Kỳ, vụ Đội Cấn và đảng Việt Nam Quang Phục đánh chiếm tỉnh Thái
Nguyên năm 1917, cho đến cả ở Quảng Châu, bên Tàu, vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở
tô giới Sa Điện toan giết viên Toàn quyền Merlin năm 1923 - không một cuộc hoạt
động nào trên kia thành công, và tất cả những nhà ái quốc khởi xướng đều bị đàn
áp, bị bắt, bị giết, hoặc bị đày đi xa. Trong toàn xứ An-nam, hình như không
còn ai dám rục rịch nổi dậy đánh Tây, hoặc hô hào cách mạng nữa.
Nước Pháp lại vừa thắng nước Đức trong cuộc Thế giới Đại chiến
1914-1918, và cứ hàng năm, đến ngày 11 tháng 11 dương lịch là chính phủ thuộc địa
ở Đông Dương tổ chức ngày lễ Chiến Thắng (họ gọi là “Fête de la
Victorie") rất long trọng, uy nghi, hùng hổ, vừa để mừng một ngày kỷ niêm
vẻ vang nhất của họ, vừa để nhắc nhở cho dân An-nam rằng nước Pháp rất hùng cường,
vĩ đại, "văn minh bậc nhất trên tòan cầu". Người dân An-nam lúc bấy
giờ cũng nhìn nhận rằng nước Pháp thật là văn minh, hùng cường hơn nước ta trên
rất nhiều phương diện.
Phái nhà Nho "từ Tú-tài lên đến Tiến sĩ, Phó Bảng"
mà có tinh thần chống Pháp, đã tham gia trực tiếp các phong trào cách mạng từ
1916, thì đã bị giết chết hoặc đi Hải ngoại, phần đông sang Nhật, sang Tàu. Một
số bị đày ra Côn Lôn, nhưng lúc mãn hạn tù trở về làng xã, hầu hết là trước
1924, đều lo an thường thủ phận, không hoạt động gì nữa cả. Một số đông các cụ
mở trường tư ngay tại nhà dạy chữ Nho và chữ Quốc-ngữ cho một ít học trò nhỏ để
vui qua ngày tháng, hoặc làm nghề Đông-Y, xem mạch, bốc thuốc, hoặc chuyên về
khoa bói, quẻ Dịch, quẻ Lục nhâm, tử vi, tướng số, v.v…theo các sách Tàu.
Còn phái nhà Nho thụ động, không có tham gia một cuộc hoạt động
chính trị nào cả, thì hoàn toàn ngưỡng mộ người Pháp và triệt để ủng hộ chính
sách thuộc địa, triệt để trung thành với Hoàng Đế An-nam. Những ông Tú tài có
đôi chút thế lực, đem tiền lo lót - không có tiền thì bán đất bán ruộng - để
được làm một chức quan nho nhỏ như Đề-lại, Thư-lại. Mấy ông Cử nhân thì được bổ
đi Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu. Một số Tú tài, Cử Nhân khác ở nhà làm ruộng,
tham gia vào việc làng xã, hoặc sống một cuộc đời nhàn hạ, uống rượu, ngâm thơ,
làm đối, làm liễn dùm cho các người ít học, và được dân làng trọng vọng như một
bậc danh nhân ở địa phương.
Tuy từ năm 1919 không còn Thi Hương, Thi Hội nữa, và Nho học
đã chính thức bãi bỏ ở toàn xứ An Nam, bị chữ Pháp và chữ Quốc ngữ hoàn toàn
thay thế, nhưng chính phủ Nam triều vẫn còn dùng chữ Hán một cách mặc nhiên,
người Pháp không ngăn cản. Chữ Nho bị bỏ, chứ không bị cấm. Cho nên, bên Hành
Chính Thuộc Địa, các quan Tây thì dùng chữ Pháp; còn bên Hành Chính Nam Triều
các quan An-nam vẫn dung toàn chữ Nho. Các giấy tờ, công văn, từ Bộ về Tỉnh, từ
Tỉnh về Phủ, Huyện, từ Phủ, Huyện về làng, đến năm 1924 vẫn còn áp dụng chữ Nho. Ngay ở các trường Tiểu học Pháp Việt, mỗi tuần vẫn còn 2 giờ học chữ Nho buổi
sáng thứ Năm.
Theo chương trình tiểu học, lớp Nhất cũng như lớp Nhì A, Nhì
B, và lớp Ba, đều phải học hai giờ chữ Hán sáng thứ Năm. Thầy dạy chữ Hán cho
lớp Nhất của Tuấn học là một ông Tú-Tài, tên là ông Tú Cẩn. Một hôm đang học,
bỗng có thanh tra người Pháp, tên là Délétie, ở Huế đi thanh tra các trường đột
ngột bước vào lớp học, không báo tin trước cho thầy giáo và học trò biết trước. Ông Tú, khăn đen áo dài đen như thường lệ, đang đứng nơi bảng đen giảng nghĩa
bài học về con Hoàng-ngưu (con bò). Ông dạy theo nghĩa từng tiếng một theo lối
nhà Nho:
- "Kỳ nhục sở thực, Kỳ nhũ sử ẩm", nghĩa là "Sửa
thịt khá ăn, sửa sữa khá uống".
Ông Délétie mà ai cũng biết là giỏi chữ Nho, trố mắt hỏi học
trò:
- Các anh có hiểu lời giảng của ông Thầy không?
Dĩ nhiên, học trò chẳng ai hiểu cả . Ông Tây hỏi ông Tú:
- “Sửa thịt khá ăn, sửa sữa khá uống “ là nghĩa làm sao?
- Dạ bẩm quan lớn, kỳ là sửa, nhục là thịt, khả là khá, thực
là ăn…kỳ là sửa, nhũ là sữa… ông Tây cười xòa, rồi bỏ lớp đi ra.
Tuy nhiên, các ông Tú, ông Cử cuối cùng của mùa Hán-học đã suy
tàn, còn có thể hãnh diện là đã có lần được lĩnh áo mão của Vua ban hồi các ông
mới thi đậu, mặc dầu những ngày vinh quang ấy đã khá xa rồi.
Họ còn tôn kính Vua, thờ Vua, và luôn luôn, dù ở trong hương
thôn, mỗi khi có dịp gì nói đến Vua, họ đều cung kính suy tôn Hoàng Thượng, hay
là “Đức Hoàng Thượng".
Năm 1924, những ngày mừng vua Khải Định được 40 tuổi (lễ Tứ tuần). Tuấn-em có chứng kiến một buổi lễ phi thường, tại "Hành Cung" ở tỉnh. Lễ này được tổ chức khắp tất cả các tỉnh Trung-kỳ và Bắc-kỳ, trừ ra Nam-kỳ là
"nhượng địa" của Pháp, không có. Tỉnh nào cũng có một Hành-Cung, là
một gian nhà kiến trúc như một Cung điện nhà Vua, phía trước có sân Rồng lát gạch,
và một cổng lớn có chạm rồng gọi là "Ngọ Môn".
Theo nguyên tắc, Hành Cung là tượng trưng Cung Điện của Hoàng
Đế, khi nào vua đi kinh lý đến tỉnh, sẽ "ngự" nơi đây. Nhưng ít khi
Vua đến. Vua ngự trị ở Huế, không bao giờ "Ngự du" đi đâu xa.
Cho nên Hành cung vẫn bỏ trống luôn luôn giữa ba bức thành
bao bọc, cỏ mọc đầy sân, không có ai gìn giữ quét dọn, tuy là ở đối diện ngay
trước dinh quan Tuần-vũ, hay quan Tổng Đốc, hai bên con đường chính nối dài từ
Cửa Đông đến Cửa Tây. Chủ nhật, thứ Năm, bọn học trò tinh nghịch như Tuấn-em,
thường rủ nhau đến đây chơi. Bởi không có lính canh gác, nên tui. con nít này
tha hồ "ngự trị" trong Hành cung đào lỗ đánh bi, đánh đáo, và lấy gạch,
lấy phấn viết, vẽ bậy bạ khắp các vách tường.
Thỉnh thoảng có trò đau bụng, ngồi làm bậy ngay một nơi góc
tường của Hành cung, mấy trò khác bịt mũi cười la rất là náo động. Các chú
lính lệ bên dinh quan Tuần bận uống rượu và đánh bài tứ sắc, và quan Tuần chễm
chệ hút thuốc lào trong văn phòng có một chú lính đứng quạt hầu, không một ai
hay biết lũ ôn con làm gì bên Hành cung.
Thế rồi, một buổi sáng Chủ nhật, Tuấn với mấy đứa bạn rủ nhau
đến Hành cung để đánh bi, bổng thấy cờ xí treo chung quanh, và lính Khố Vàng (của quan An nam), lính Khố Xanh (của quan Tây) mặc lễ phục toàn màu trắng sắp
hang đứng chật ních hai bên sân rồng. Chiếu hoa trải kín hết sân, và Cung điện
quét dọn sạch sẽ, kết hoa lá, treo cờ Pháp, cờ An-Nam, giữa cung có đặt một
"ngai vàng". Đó là một cái ghế fauteuil bằng mây, sơn màu vàng - kê
trên một bục gỗ sơn màu đỏ.
Dân chúng không được vào trong, đứng đông nghẹt phía ngoài
thành (thành chỉ cao độ 1 thước) chen lấn nhau để xem chốc nữa các quan lạy
Hành cung, mừng lễ Tứ-tuần của Hoàng đế Khải- Định. Người ta đã cấm con nít
không được vào trong, nhưng Tuấn cũng len lỏi thế nào để vào cho được, nhờ nó
bé nhỏ và nó đứng nấp sau lưng một người lính khố xanh, cậu của nó.
Các quan An Nam đã lần lượt kéo đến rất đông và đã sắp hạng
trên sân, tùy theo phẩm trật. Các quan nhỏ từ Thất phẩm, Lục phẩm, các thầy đề
lại, các ông tú-tài, cử nhân đều mặc áo rộng xanh, đứng phía sau cùng, gần cửa
Ngọ môn. Các quan Huyện, quan Phủ, đứng mấy hàng trước. Phía trước hết, các
quan Án sát, Lãnh binh, cả các quan đã về hưu râu tóc bạc phơ, và riêng hang đầu
là quan Tuần-vũ hay quan Tổng đốc. Mấy ông quan từ Ngũ phẩm trở lên đều mặc
triều phục, mang hia, đội mũ cánh chuồn.
Đúng 9 giờ, các "quan Bảo Hộ" từ bên tòa Sứ đi xe
hơi đến trước cổng Ngọ môn, được quan Tuần vũ đón chào và mời vào Hành cung.
Tuấn nhận thấy có ông Sứ, ông Phó Sứ, ông Tây Kho bạc (ông này bị một chân thọt,
thay bằng chân gỗ, học trò đặt cho ông biệt hiệu là “ông Tây Point-et-Virgule”,
vì mỗi khi ông đi, chân thật bước một bước thì chân gỗ hất tới, y như thể một dấu
chấm và một dấu phết). Ngoài ra, còn có ông Giám binh đồn lính Khố xanh, ông
Tây Lục-lộ, ông Tây GIây thép, ông Tây Thương chánh, ông Kiểm lâm, ông Đốc-tờ,
ông Cò, với mấy bà Đầm. Tất cả đều được quan Tuần vũ, chủ tỉnh An Nam, mời vào
Hành cung. Họ đứng một dãy cách "ngai vàng" độ ba, bốn bước.
Chuông trống nổi lên, có một ông quan làm xướng ngôn viên, hô
lên từng tiếng, nhịp với tiếng kèn tiếng trống theo trong nghi lễ. Các quan
An-nam sụp xuống lạy. Nói là lạy Vua để mừng "Thánh Thọ" 40 tuổi,
nhưng kỳ thực là lạy mấy ông Tây bà Đầm đứng trong Hành cung nhìn ra, chứ cái
ngai vàng để trống có Hoàng Thượng nào “Ngự Tọa" đấy đâu. Các quan An Nam
cúi lạy liên tục bốn lạy, đồng một loạt với nhau, trong lúc lính Khố xanh, Khố
vàng bồng sung chào. Các “Quan Bảo hộ " và các bà Đầm đứng gần bên chiếc
ngai vàng nhìn ra với cặp mắt tò mò, ngạc nhiên. Tuy họ vẫn giữ lễ độ đứng đắn
nhưng không phải là họ không lộ ra đôi chút kiêu hãnh, khinh khi.
Tuấn-em nhìn thấy trong đám các ông Cử, ông Tú sụp lạy ở đằng
sau cùng, có cả ông Tú Cẩn, là thầy dạy chữ Nho của Tuấn mỗi buổi sáng thứ Năm. Ông mặc chiếc quần trắng dơ bẩn và chít áo rộng xanh bạc màu, rách một miếng
to tướng nơi cùi chỏ.
Trước khi đi Quy Nhơn để thi lên các lớp Trung-học Pháp-Việt
(Collège Complémentaire francaise-indigène). Tuấn-em muốn hưởng cho hết thời
niên thiếu trong ba tháng nghỉ Hè trong năm 1924. Vì bằng Tiểu học “Primaire”
có thể được coi như gần dứt thời kỳ niên thiếu của chàng trai đất Việt, thời kỳ
mà Tuấn-em đã sống đầy đủ, hăng hái, đôi mắt mở to, hai tai vểnh rộng, để nhìn
thấy và nghe ngóng bao nhiêu những mới lạ, trong lúc giao thời của Đất Nước
đang nô nức ùa theo phong trào mới của “Văn minh tiến bộ".
Như các bạn đã biết, phong trào ấy đã bồng bột từ 1910, thế hệ
của Trần anh Tuấn - bây giờ là Phán Tuấn - cho đến 1924. Một thời đại mà ngày
nay chúng ta có thể gọi là thời kỳ thiếu niên của một nước An Nam mới, đang dần
dần cởi bỏ những lốt cũ kỹ nghìn xưa.
Tuấn-em sung sướng và có thể có đôi chút hãnh diện là đã được
may mắn sinh nhằm thế hệ này. Chàng khôn lớn cùng một lượt với xứ sở đang vươn
lên song song với những tiến triển nhanh chóng của dân tộc mà nếp sống vật chất
và tinh thần đã khác nhiều so với thời kỳ trước Thế giới Đại chiến thứ Nhất, mở
đầu Thế kỷ.
Nhận xét thật đứng đắn, ta thấy rằng tất cả mọi biến đổi
trong thời kỳ ấy đều xảy ra một cách tuần tự lặng lẽ, gần như tự nhiên, không
có một áp lực nào thúc đẩy, và cũng không có một trở ngại nào. Không phải một
cuộc cách mạng xã hội, mà chỉ là một định mệnh, một sự kiện dĩ nhiên của Lịch sử
mà chính những nhân vật đương thời, dù muốn dù không, cũng mặc nhiên công nhận,
sẵn sàng để bị lôi cuốn theo.
Có điều nên lưu ý, là nếu “Đông và Tây không gặp nhau được"
như lời của nhà văn Anh-quốc, Rudyard Kipling - và điều đó cũng đúng một phần
nào, - thì ta ngạc nhiên thấy rằng sự tiếp xúc đột ngột giữa hai văn hóa Pháp
và Việt. Hai văn hóa cổ truyền của Tây phương và Đông phương cách biệt hẳn
nhau, và trái ngược hẳn nhau, vẫn không gây ra một cuộc chống chọi nào cả. Xin
nhắc rằng đây tôi không nói về phương diện chính trị và tôn giáo, mà nói tổng
quát về văn hóa mà thôi. Trái lại, đã có nhiều cuộc phối hợp ngẫu nhiên và thuận
lơi., nếu không thì cũng có sự dung túng và thông cảm với tinh thần hiểu biết rộng
rãi, không nề hà câu chấp.
Nhiều biến đổi trái hẳn với nguyên tắc Khổng - giáo, như dân
chúng xem thường ông Vua, trai gái học chung một trường, đàn ông đàn bà giao
thiệp thân mật, đàn ông hớt tóc v.v… đã được mặc nhiên công nhận, không bị phản ứng
nào mãnh liệt.
Hơn nữa, chính các ông Tú, ông Cử Nho học, cũng đã bắt chước
cắt bỏ búi tóc tượng trưng cho lòng Hiếu đến với Cha Mẹ, và đã đua nhau “cúp đầu
carré", phong trào đang lan tràn mau chóng nhất lúc bấy giờ.
Dân chúng ở hương thôn, thường là thủ cựu 100 phần 100, cũng
đã rủ nhau ra huyện, ra tỉnh, để hớt tóc. Nghề hớt tóc đã thịnh hành, thợ hớt
tóc đã mở tiệm khắp cả từ thành thị đến thôn quê.
Một câu ca dao xuất hiện thời bấy giờ, diễn tả rất vui vẻ và
hóm hỉnh sự kiện thực tế ấy:
"Văn minh khắp cả hoàn cầu,
Ông Sư cũng cúp cái đầu 3 xu!"
Năm 1924, cúp cái đầu đã được coi là "bắt chước theo văn
minh". Sự phối hợp giữa “mới" và "cũ" được biểu hiện rõ rệt ngay
trên tấm quảng cáo bằng ba thứ chữ treo trước các tiệm hớt tóc An nam từ năm
1924 như sau đây:
(COIFFEUR - HỚT TÓC - TIỂN PHÁT)
Tuy nhiên, đến năm 1921, đại đa số thanh niên An nam vẫn chưa
mặc âu phục, và chưa chào nhau bằng cách bắt tay. Ngay ở Hà Nội và Huế (Saigon có khác hơn vì gần gụi với Tây lâu hơn), chỉ có một thiểu số công chức,
tư chức, làm việc trực tiếp với người Pháp - nhưng cũng chỉ mới có một thiểu số
thôi - là mặc âu phục gặp nhau bắt tay bonjour" và dở mũ. Sinh viên trường
Cao đẳng Đông Dương ở Hà nội cũng đã bắt đầu “mặc đồ Tây" theo các giáo sư
Pháp.
Phụ nữ, dĩ nhiên chưa có một người nào uốn tóc, độn ngực, đeo
xu-chiêng (Soutien-gorge), - kể cả các Bà, các Cô “tân thời" nhất. Hầu
hết nữ sinh đều đi chưn không, các cô Trợ giáo mang guốc, đội nón.
Ở Nam Kỳ, đàn bà thành thị phần đông che dù, ngoài Bắc Kỳ che
ô, ở Trung Kỳ đội nón gò găng, hoặc nón lá, thứ đẹp cho các bà các cô nhà giàu,
thứ xấu cho phụ nữ bình dân.
Năm 1924, thiếu nữ miền Trung không ăn trầu nữa, nhưng một số
đông còn nhuộm răng đen, và chưa dám mặc quần trắng (thời bấy giờ chỉ có con
gái “nhà thổ, gái điếm, mới mặc quần trắng) . Ở Nam Kỳ thì đã để răng trắng từ
lâu, và mặc áo quần “bà ba" bằng hàng lụa ngoại quốc.
Về Thể thao, học trò lớn đã chơi ballon (Foot-ball, đá bóng). Tennis là môn chơi dành riêng cho hạng trí thức sang trọng và quý phái, phần
nhiều chỉ chơi với Tây Đầm. Bóng rỗ và bóng bàn chưa được thông dụng trong đám
thanh niên và học sinh.
Bọn học trò nhỏ, 15, 16 tuổi như Tuấn-em, chưa ham chuộng các
môn Thể thao và cũng rất ít khi đi chơi lang thang ngoài phố. Môn chơi thịnh
hành nhất trong đám học trò Tiểu học là “Đá Kiện". Có nhiều trò đá giỏi,
đến 200 cái một lượt. Có khi bốn trò đứng bốn góc sân đá chuyền cho nhau một
trái “kiện", hàng nửa tiếng đồng hồ mà trái "kiện" vẫn chưa rơi
xuống đất. Tuấn-em môn nào cũng khoái chơi, đá kiện, đánh bi, đánh đáo, xích
đu, bắt cóc, bắt thằn lằn, bắt dế.
Mấy thầy Trợ giáo và thầy Thông làm việc các sở, ngoài những
buổi sáng xách ô đi tối xách về, thường tiêu khiển bằng âm nhạc An Nam (các
cây đờn cổ điển) hoặc trồng bông, đánh cờ tướng, đi bẩy chim. Ít có ai đi câu
cá hoặc đánh Tennis.
Có những thầy dùng cả những sáng Chủ nhật để lau chùi chiếc
xe máy, là món đồ được đa số công chức tâng tiu nhất.
Trừ Hà Nội, Huế, Saigon, còn toàn xứ An nam chưa có tỉnh nào
có rạp chiếu bóng. Mỗi tỉnh chỉ có một rạp: ở Nam Kỳ là hát cải lương (còn
sơ khai), ở Trung Kỳ hát bội, ở Bắc hát chèo. Tất cả những tuồng hát đều có
tính chất Khổng giáo, Phật giáo, nêu gương đạo đức, luân lý, và luôn luôn đến
đoạn kết là kẻ hiền tài được thành đạt vẻ vang, được khán giả khâm phục, còn kẻ
dữ, kẻ bất lương thì không tránh khỏi bị Trời phạt đích đáng và khán giả phê
bình, nguyền rủa.
Nếu thỉnh thoảng một vài cô thiếu nữ đa cảm và nhẹ dạ mê kép
hát đến nỗi trốn nhà đi theo chàng, thì toàn là những anh kép đóng vai oai
hùng, hiệp sĩ. Những vai độc ác, bất nhân, bọn nịnh thần, quân phản chúa, dù
cho hát hay thế mấy, cũng không bao giờ được ai khen ngợi, không đời nào được
các cô gái say mê.
Đấy, tình hình tổng quát về tinh thần và vật chất của xã hội
An Nam từ năm 1910 đến năm 1924, dưới cặp mắt quan sát tò mò của Tuấn-em, một
thiếu niên nước Việt.
CHƯƠNG 26
1924
- Một cuộc viễn hành xe đò từ sáng sớm đến khuya trên đường
cái quan dài 150 cây số.
- Ông Tú-tài nhà nho, đầu “cúp carré“ đội mũ trắng làm thơ
ca-ngợi chiếc xe hơi.
- Cuộc chiến tranh cân-não giữa chiếc xe đò và con cọp ngồi giữa
đèo.
- Cách biệt giữa Tây và Ta trong xã hội.
- Giáo sư Pháp với học trò Việt.
- Hai tờ báo “Việt Nam Hồn“ và “Le Paria“ lén lút đầu tiên
đến tay học sinh 14 tuổi.
- Một bài thơ trong “Việt Nam Hồn“.
- Ảnh hưởng của tờ báo “Việt Nam Hồn“ trong đầu óc học sinh.
- Lưu cầu Huyết Lệ Thơ, Việt Nam Vong Quốc Sử, Hải Ngoại Huyết Thư
(từ Nhật Bổn đưa về, tới tay học sinh).
Giấy xe “cam nhông“ ghi bảy giờ sáng khởi hành đi Quy nhơn. Thím Ba, mẹ của Tuấn, đã lo dậy từ hồi gà gáy đầu, để làm thịt hai con gà nấu
cháo. Tuấn-em cũng giật mình tỉnh dậy, coi lại mấy bộ quần áo, toàn là mới may,
và các dụng cụ học sinh, sắp xếp thứ tự trong chiếc “va-li “ mây. Lần lượt
Phán Tuấn và chú Ba cũng thức dậy, thắp đèn trong nhà sáng trưng, và dặn dò Tuấn-em
cặn kẽ từng mỗi chi tiết về mọi sự. Tuấn-em chăm chỉ ngồi nghe, ghi nhớ những
lời chỉ bảo và hồi hộp lo sợ, vì là lấn đầu tiên Tuấn sẽ lìa cha mẹ, lìa anh, từ
biệt quê nhà, để một mình đi học tỉnh xa, bơ vơ còn nhỏ dại.
Thím Ba dọn mâm cháo gà lên cúng Ông Bà. Phán Tuấn thắp đèn,
đốt nhang trên bàn thờ. Chú Ba, khăn đen áo dài, khấn vái cho Tuấn-em đi đường
bình an vô sự, và được thi đậu vào lớp Ðệ Nhất niên trường Quy Nhơn. Chú cúng
xong, Tuấn-em cũng mặc áo dài, cúng kính lạy bốn lạy để xin Ông Bà chứng giám,
phù hộ cho đứa cháu út trong gia đình được mạnh khỏe và đi học được đỗ đạt
thành tài. Trước khi dọn cháo xuống, chú Ba còn lấy giò gà xem quẻ có tốt
không. Chú ngồi ghế tràng kỷ, long trọng đưa hai gìo gà dưới ánh sáng đèn dầu
hỏa, xem xét tỷ mỉ mỗi mống chân đã luộc chín quặp lại như thế nào, lớp da teo
lại như thế nào, và những đường gân nhỏ trên cẳng, móng cẳng, được sắp xếp như
thế nào. Chú Ba trở qua trở lại xem xét hai giò gà, và mỉm cười bảo:
- Quẻ tốt quá! ông bà phù hộ cho con ra đi được gặp toàn điều
đại cát (rất tốt, rất hay). Con thi vào trường thế nào cũng đậu.
Xong ông trao cho Tuấn-em cả hai giò gà để ăn lấy hên. Tuấn-em
cười chỉ lấy một cái. Nhưng thím Ba rầy con:
- Con phải ăn hết một cặp giò. Ăn một cái không nên.
- Sao thế, mẹ?
Chú Ba bảo:
- Ăn một cái, sẽ bị “quáng gà“ con à.
- Quáng gà là sao, cha?
Chú Ba tủm tỉm cười, bảo:
- Theo tục lệ của ông bà truyền lại từ xưa, hễ ăn giò gà phải
ăn hết đủ cặp, ăn một cái thì buổi chiều tối, sẽ bị lòa mắt, không thấy rõ đường
đi, cũng như gà vâỵ.
Tuấn-em sợ hãi, liền gặp hết hai cái giò gà.
Xong bửa cháo tiễn biệt, xem đồng hồ đã 6 giờ hơn, Phán Tuấn
giục em ra đi. Nhưng Tuấn-em còn bịn-rịn đứng khóc thút-thít một lúc lâu, tay
nắm chặt lấy tà áo của mẹ.
Thím Ba cũng khóc. Thím vừa khóc vừa nói, tiếng nói ấm ức lẫn
với tiếng khóc:
- Thôi… con đi mạnh giỏi… Nhờ trời phù hộ cho con… Vô tới trong
ấy, con viết thư về, kẻo mẹ trông mong… nghe con?
Phán Tuấn giục mãi, Tuấn-em mơí chịu đi. Nó chấp hai tay trước
ngực, cúi đầu chào mẹ chào cha:
- Thưa cha con đi…, thưa mẹ con đi …, thưa anh Hai em đi…
Nó vẫn còn khóc thút thít, Phán Tuấn bảo:
- Anh Hai đi với em… Thôi nín đi. Ra đường khóc, người ta cười
đấy.
Phán Tuấn xách va li cho em, tiễn em ra đến bến xe.
Chiếc xe “cam nhông“ đi Quy Nhơn lớn bằng chiếc xe thơ “Staca“ nhưng hành khách đã ngồi chật ních cả. Muốn cho em có chổ ngồi được
thong thả một chút, Phán Tuấn đã mua vé hạng nhất là được chỗ ngồi ưu tiên trên
ghế trước, cạnh “chauffeur“ (lúc bấy giờ chưa có danh từ “tài xế“, chỉ có
tiếng “sốp phơ“ là thông dụng khắp nơi). Không dè trên ghế trước trừ anh “sốp
phơ“ đã có hai ngươì khhách ngồi đấy rồi, nhét Tuấn-em ngồi kẹt ở giữa. Phán
Tuấn than phiền:
- Chà! Chật qúa, em tôi ngồi ép thế này, làm sao quẩy cựa được?
Sốp phơ cười đáp:
- Hễ xe chạy, lắc qua lắc lại một lát là rộng chỗ liền, thầy
Phán đừng lo.
Trên cửa xe, có ghi mấy giòng chữ trắng 21 places (21 chỗ ngồi), nhưng Phán Tuấn đếm trong xe đã 27 người, dồn ép vào nhau như trong hộp cá
mòi. Trên mui xe cột đồ hành lý cao chất ngất, lại còn có ba ngươì ngồi ngất
nghểu, kẻ đội nón, người che dù. 8 giờ rồi, trời đã nắng, mà xe vẫn chưa chạy. Phán Tuấn hỏi:
- Sao trong giấy ghi 7 giờ khởi hành?
Sốp phơ bảo:
- Thưa thầy, còn chờ hai người khách nữa, rồi chạy liền.
Mãi đến 8 giờ 30, mới thấy hai người “các chú“ (Hoa-kiều,
cũng gọi là “khách trú“) đi xe kéo tới, chở hai chiếc va li to tướng và hai
giõ hàng hóa. 3 người ngồi trên mui phải leo xuống đất để ngươì ta chất thêm bốn
món hành ký kia rồi mới leo trở lên. Nhưng cả ba người đều nói cười vui vẻ.
Coi bộ họ thích được ngồi trên mui hơn là ngồi trong xe. Một ông, có lẽ là ông
Tú hay ông Cử gì đấy, đầu cúp “carré“, đội mũ trắng, tay cầm dù, miệng nhai
trầu, đứng trên bàn đạp phía sau, ngâm bốn câu thơ mà ông vừa cao hứng đặt ra,
cho tất cả bà con cô bác nghe chơi. Tuấn-em còn nhớ rõ bài thơ như sau đây:
Gặp hội long vân chuyến viễn hành
Ngồi cao ngất ngưởng tận trời xanh
Văn minh rầm rộ thu đường đất
Tiến bộ còi vang khắp thị thành.
Ông cười ha hả, phẹt một bãi nước trầu đỏ ngòm xuống đất, rồi
còn giảng cho người ta nghe, sợ người ta không hiểu hết ý nghĩa hay ho của bài
thơ tứ-tuyệt mà ông vừa “xuất khẩu” đã thành:
- Gặp hội Long vân, vì chiếc xe cam nhông này tên là “Long
Vân“ là Rồng Mây, xe hơi của nhà nước Ðại Pháp sáng chế ra có khác nào rồng
bay trong mây, cho nên tôi muốn ngồi trên mui xe, cao ngất ngưỏng như ngồi
trong mây xanh vậy đó! Ha!. Ha!… Câu thứ ba Văn minh rầm rộ là chiếc xe văn
minh kêu rầm rầm rộ rộ, thu đường đất xa hóa gần. Tiến bộ còi vang, là xe hơi
tiến bộ bóp còi kêu vang khắp cả thành thị thôn quê. Có phải bài thơ này tuyệt
không bà con? Ha! Ha!
Có mấy người thành thật khen hay, rồi ông Tú mới víu hai tay
vào thành xe leo lên mui. Miệng ông vẫn cười đắc chí. Ông nghiêng mình xuống
đất nhổ một phẹt nước trầu rồi giương cây dù lên che nắng, cười với tất cả những
người đứng dưới ngước lên ngó ông.
9 giờ hơn 10 phút, chiếc “xe văn minh“ nổ rầm rầm, xịt khói
ra đen nghịt phía sau. Giờ phút long trọng. “Tiếng còi tiến bộ“ reo vang
lên “ oa… oa… oa…” như gào thét cho những kẻ tò mò đứng chật bên đường phải vội
vàng chạy tránh ra hai bên lề. Xe chuyển bánh rồi vụt chạy ầm ầm.
Ông Tú “gặp hội Long vân“ ngồi trên mui cao, bị lắc qua lắc
lại, vẫn còn nghiêng mình xuống đường cái, cười nói thật to để từ giã đám đông:
- Bà con ở lại mạnh giỏi nghe!
Xe đã vụt chạy xa, người ta còn trông thấy tay ông ngoắc ngoắc…
Xe đã biến trong một vùng khói bụi mù cuộn lên như một trận
cuồng phong.
Vào gần đến Bồng Sơn thì xe hỏng máy. Phải ngưng để xốp phơ
sửa chữa ba tiếng đồng hồ mới chạy được. Sông Bồng Sơn rộng lớn, chưa có cầu,
phải qua “phà“. Tất cả hành khách đều xuống, đi một chuyến phà sang trước chờ
đơị bên kia song. Chiếc xe cam nhông được chở trong một chiếc phà riêng, đi
sau. Nhưng qua bên kia, xe bò chậm chậm lên bờ, chạy được gần 100 thước rồi lại
chết máy.
Sốp phơ chui xuống dưới gầm xe, nằm ngửa mặt lên tay cầm các
thứ dụng cụ để sửa máy, trong lúc trên 30 hành khách nhẫn nại ngồi chờ hai bên
đường, ÔNG Tú (hay ông Cử gì đấy) vừa học lỏm được của sốp phơ vài ba danh từ
và vài tiếng Pháp mới lạ, liền cao hứng làm một bài thơ nữa để ngâm lên cho bà
con nghe chơi. Tuấn em nhớ hết bài thơ như sau đây:
Máy móc văn minh thật khó bì
Hư đâu sửa đó chẳng hề chi
Tắt bình chứa điện, xe ngưng chạy
Nghẹt ống bơm xăng khói hết xì
Kỹ nghệ khéo bày môn tuyệt xảo
Ô tô nào phải vật vô tri
Ni-hoen( manivelle) quay tính kêu như sấm,
Bốn bánh bon bon vụt tốc kỳ.
Ông Tú nhà nho hãnh diện vuốt râu, nhai trầu, đội mũ trắng ngồi
trên lề đường, ngâm nga và giảng 8 câu thơ tuyệt bút của ông. Hành khách và
thiên hạ chung quanh xúm lại nghe, đều gật đầu, tấm tắc khen ngợi… Tuấn-em
nghe cũng mê…
Lúc bấy giờ, không biết là mấy giờ, nhưng đã khuya lắm, chiếc
xe ì ạch, nặng nề, leo lên một cái đèo cao, quanhco trên một sườn núi . Hai ngọn
đèn pha chiếu hai vệt ánh sáng vàng khè trên mặt đường . Bỗng mấy người ngồi
băng ghế đầu, trông thấy hai con mắt sáng ngời đăm đăm nhìn chiếc xe. Người sốp
phơ run cầm cập, quay laị nói với hành khách:
- Có “ông“ ngồi ở đàng trước kia kìa! Bà con cô bác coi chừng. Ðừng thò đầu, thò tay, ra ngoài nghe!
Ðồng thời mấy người ngồi trên mui cũng la lên thật to:
- Cọp! Cọp! Ê bà con coi chừng! Có con cọp to lắm đang ngồi
nhóc mỏ bên lề đường kìa.
Tất cả đều nhôn nhao, sợ hãi. Tuấn-em nghĩ thầm: ”Mình ngồi
kẹt ở giữa, không sợ. Nếu cọp có chụp thì chụp cái ông Ba Tàu ngồi ngoài, sát
cửa xe.
Chỉ có một con cọp ngồi ngoài đường mà 30 người ngồi trong xe
đều hết hồn hết vía.
Tuấn-em tuy ngồi kẹt trong một vị trí tương đối yên ổn hơn,
nhưng vẫn hồi hộp run sợ, vì biết đâu! … Lần này là lần đi xe hơi đầu tiên, lại
đi xa, và ban đêm gặp cọp trên đèo, thì làm sao biết trước được sẽ xẩy ra chuyện
gì?
Anh sốp phơ chắc đã chạy quen trên đường quan lộ, sao anh
cũng sợ quýnh lên thế! Xem chừng ảnh mất cả bình tỉnh rồi và hai tay anh run
run nắm cái tay lái coi bộ không vững. Anh lâm râm khấn vái: ”Lạy ông, ông đi
chỗ khác để cho xe tôi chạy, ông ơi“.
Con cọp cứ ngồi miết một chỗ. Hai con mắt sáng quắc và đỏ
lòm, cứ nhìn chòng chọc lên chiếc xe đang rồ máy ầm ầm. Mấy ông ngồi phía sau
thúc dục anh sốp phơ:
- Cứ chạy chứ sợ gì, chú? Bóp kèn cho vang lên, rồi “phóng
nước đại“, ổng không dám làm gì đâu.
Anh sốp phơ nói:
- Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng
rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng “ét” ngôì phía sau.
Mấy ngươì ngồi sau, nghe nói hoảng hốt, ngồi ép dồn vào trong
hết. Moị người la lên:
- Sao xe không có cửa sau đóng lại vậy nè?
- Có cửa, mà bị cọp vồ chuyến trước, thành nó sút ra đành phải
bỏ laị Quy Nhơn để sửa, chuyến này vô mới lắp lại được.
Trong xe bàn tán xôn xao, nhưng không ai dám lớn tiếng, vì ai
nấy đều lo sợ cọp nhảy tới. Chiếc xe vẫn cứ rồ máy và rung động, hình như chính
nó cũng sợ run lên. Có người bảo sốp phơ:
- Chú cứ đạp mạnh ga cho xe vọt mau lên, không được sao?
- Ðược làm sao được? Ðèo thì cao, xe vừa sửa máy phải chạy
chậm, chứ chạy mau lở hư máy nữa thì chết. Nếu xuống dốc thì còn nói gì.
- Thế thì làm thế nào? Không lẽ đứng mãi đây à?
- Tôi cho xe chạy nghe! Bà con la hét rùm lên thật to nghe!
Lạy trời, ổng sợ không dám rượt theo thì mình thoát nạn.
- Ừ, cứ chạy đi. Tuị tui la làng xóm lên, không sao đâu.
Anh sốp phơ sang số xe, cho xe từ từ tiến tơí, rối cố vọt lên
đèo. Toàn thể hành khách la hét um sùm, lẫn lộn đủ các tiếng: ”Ối làng xóm ơi! Hù, hù, hù, hù, hù. Cọp, cọp, cọp. Ối làng xóm ơi, Cọp! Cọp!“
Xe gần đến cọp, cọp cứ ngồi yên không nhúc nhích, nhưng cặp mắt
cọp sáng ngời cứ đăm đăm nhìn theo xe… Xe càng đến gần cọp, tiếng kêu la hò hét
càng to lên, càng ồn ào náo nhiệt. Bổng cọp “gầm“ lên một tiếng vang dậy cả
núi rừng khiến cho tất cả mọi người đều khiếp đảm, im lặng hết. Chỉ còn tiếng
xe kêu rầm rầm, khói xịt ra mù mịt đen ngòm và tiếng còi xe kêu điếc óc điếc
tai.
Xe chạy ngay đến chỗ cọp, cọp nhổm dậy toan vồ xe, bổng từ
trên mui xe hai cái thùng rớt mạnh xuống kêu “Phèng! phèng! choảng choảng“
ngay trước mũi cọp rồi lăn ra đường cái. Cọp hiảng hốt chạy vọt vào rừng, hành
khách chưa kịp hiểu tiếng gì cũng hoảng hốt ôm chầm lấy nhau, dồn ép nhau thành
một đống. Xe cứ bò từ từ lên đèo, rầm rầm rộ rộ, còi xe cứ bóp oa, oa, oa!
Vài ba bà hành khách chưa hoàn hồn còn há to mồm la hét:
- Ối làng xóm ơi. Ối làng xóm ơi!
- Cọp, Cọp, cọp!
Lên đèo khoảng 100 thước, xe bắt đầu xuống dốc, chạy êm ru
không còn tiếng ồn ào xáo động nữa.
Chạy một khoảng xa, đến đồng bằng, vừa thấy vài chục nóc nhà
và các lều tranh ở hai bên lề đường, đèn đuốc, sáng trưng, người ta đông đúc,
vui vẻ. Một trại của “cu-li lục-lộ“ ở chung vơí xóm làng dân địa phương. Xe
ngừng lại, để nghỉ. Ðến đây, toàn thể hành khách xuống xe, mơí bu lại ba ông
trên mui cũng vừa leo xuống, kể lại câu chuyện thùng thiết. Ðấy là hai thùng
thiết đựng đường cát của ông Tú đem vào Quy Nhơn để bán. Trong lúc xe ngừng
trên đèo và hành khách bàn tán những biện pháp lo đối phó với cọp, ộng Tú lặng
lẽ cùng hai bạn đồng hành đổ hết đường ra một tấm vải bố lớn của chủ xe ddùng để
che đậy hang hóa. Ông nhất định hy sinh hai thùng htiếc ấy để đánh một đòn “chiến tranh cân não“ lên đầu cổ “ông cọp“ và ông tin chắc chắn sẽ thắng lợi.
Ông Tú nghĩ đúng. Cọp sợ hoảng vụt chạy vào rừng, chính vì bị
cái vố hai thùng thiếc bất ngờ ấy rơi ngay trước mũi ông với một tiếng phèng la
kinh khủng, chứ đâu phải vì những tiếng kêu: ”ối làng xóm ơi! Hù. Hù!“ “Cọp! Cọp“, và tiếng còi oa, oa… của chiếc xe ho lao không đủ sức bò lênm đèo!
Câu chuyện gặp cọp trên đèo thành ra một đề tài vô cùng hào hứng
cho các anh “cu li lục lộ“ và đàn ông đàn bà trong xóm hai bên đường cùng xúm
lại bàn tán, vui cười rất là náo nhiêt.
Tuấn chen vào các đám đông góp câu chuyện bi hài kích thích
thú vị ấy.
Nhưng một lúc, Tuấn không thấy ông Tú đâu. Ði ngang qua các
căn nhà mở cửa, Tuấn muốn tìm ông Tú. Ông đang ngồi trong một căn nhà chong
đèn dầu hỏa. Chung quanh ông có sáu, bẩy người, nét mặt vui cười nghe ông ngâm
thơ. Tuấn bước vào. Ông Tú vẫn đội mãi chiếc mũ trắng trên đầu (tóc cúp
carré), tay vẫn cầm cây dù đen, miệng vẫn nhai trầu mỏm mẻm, nói rất có duyên. Ông đang ngâm và giảng bài thơ ông vừa làm ra như sau đây, cho bà con cô bác
nghe chơi:
ÐI XE GẶP CỌP
Một chiếc xe xanh, một cọp vàng
Nhìn nhau bốn mắt sáng choang choang
Cọp gầm vang động, ôi hồn vía!
Xe hoảng kêu lên, ối xóm làng!
Máy bết, người run, vô diệu kế
Ðèo cao, đêm vắng, thậm nguy nan!
Kìa đôi thùng thiếc ai quăng đấy!
Cọp nhảy co giò, tưởng sét vang.
Tuấn ngồi nghe, và thuộc lòng mấy bài thơ của ông Tú làm dọc
đường, để kỷ niệm cuộc viễn hành đầu tiên của Tuấn giữa buổi giao thơì của Lịch
sử, nửa tân nửa cựu.
Ðường cái quan người Pháp goị là “đường thuộc địa số một“ (Route Coloniale N. 1) qua các vùng hiểm trở của miền Trung, nhất là từ Bình Ðịnh
vào Bình Thuận, đã có tiếng rất là nhiều cọp. Xe hơi đi ban đêm thường gặp cọp
luôn, và bởi cọp thời bấy giờ chưa từng thấy xe hơi nên ưa ra ngồi bên lề đường
để rình chụp, và hăm he khiêu khích. Cọp ngày nay đã văn minh rồi, nên trông
thấy xe hơi thì mau mau lẫn tránh vô rừng.
Dọc đường, thỉnh thoảng có một vài cái “Miểu cô hồn“ hoặc “Am bà Thánh Mẫu - không ai biết bà Thánh Mẫu nào? - Ở các khúc đường quẹo
nguy hiểm.
Nhiều khi ở dưới chân đèo, giữa rừng núi âm u. Ðến gần đấy,
xe hơi nào cũng đậu lại. Sốp phơ đốt giấy vàng bạc và đèn hương cúng lại vị Thần
linh. Các anh sốp phơ đã truyền miệng cho nhau rằng phai cúng lạy nơi các am ấy
để các “ngài“ phù hộ cho xe tránh khỏi tai nạn dọc đường, như xe rớt xuống hố,
xe hư giữa đèo, hành khách bị cọp chụp v.v…
Hình như (theo lời họ nói) đã có những chiếc xe hơi qua đấy
không chịu cúng kiến à dâng hoa quả, lên đèo bị tai nạn luôn.
Văn minh khoa học và mê tín dị đoan vẫn dung hòa với nhau
trong các chuyến xe vận tải và xe đò dọc theo quan lộ…
Trước cặp mắt tò mò và ngơ ngác của Tuấn, thiếu niên 14 tuổi
của nước Việt năm 1924, thành phố mà cậu đến lần đầu tiên để tiếp tục việc học,
cách xa tỉnh nhà trên 150 cây số, thật là hoàn toàn mới lạ.
Mới lạ, vì đây là một thành phố rộng lớn, ở ngay trên bãi biển. Mới lạ, vì ở đây nhà cửa cao đẹp, đường phố rộng rãi, người qua lại đông đúc,
xe hơi chạy rần rần “văn minh tiến bộ“ hơn ở tỉnh cũa cậu nhiều. Mới lạ, vì ở
đây cậu thấy đủ các hạng Tây Ðầm: Tây quan, Tây nhà buôn, Tây “cò“, Tây “cố
đạo“, Tây “giáo sư“, có đến ba bốn chục ông, chớ không như ở tỉnh nhỏ của cậu
chỉ có bốn năm ông quan Tây và vài ba bà Ðầm mà thôi.
Dĩ nhiên, Tuấn còn là cậu học trò con nít, vẫn còn “sợ“ các
ông Tây, cũng như hầu hết học trò lúc bấy giờ. Cho đến đỗi, trong năm đầu, học
Ðệ Nhất niên, thường gặp các ông Tây ”cố đạo“ (danh từ thông dụng thời bấy giờ,
để gọi các vị linh mục Gia Tô Giáo), Tuấn cũng không dám đến gần.
Có thể nói rằng hầu hết thiếu niên Việt-Nam thế hệ 1924-25,
cùng lứa với Tuấn đều có mặc cảm rằng người “Tây“ khác hẳn người “Ta“ về mọi
phương diện. Tuy đang học chữ Tây, nói tiếng tây đã khá thạo, viết chữ tây đã
hơi thông, các cậu học trò thời buổi ấy vẫn coi Tây là một giống người xa lạ,
mà các cậu còn e ngại, ngờ vực, chưa khứng làm quen.
Tuấn lại nhận thấy rằng người Tây ở một khu riêng biệt, nhà cửa
cao ráo, sang trọng, có vườn hoa đẹp, có xe hơi, có xẩm giữ con, có bồi, có bếp,
có chó “ berger”. Ði ngoài đường ngó vào thấy có vẻ oai nghiêm lạ. Cả thành
phố lớn như thế, Tuấn không thấy được một nhà An-nam nào sang trọng như nhà Tây.
Kể ra người Pháp sang xâm chiếm và cai trị xứ ta đã gần 40
năm rồi mà sự cách biệt giữa Tây và Ta vẫn còn xa lắc xa lơ: cách biệt trong
đơì sống hang ngày, cách biệt trong các công cuộc hoạt động hành chánh, xã hội,
kinh tế, thương mãi. Cách biệt cả trong phạm vi giáo dục nữa.
Tuấn để ý thấy rằng trường Tây để cho con Tây học riêng, và
xây cất đẹp hơn, một tòa nhà đồ sộ, kiến trúc nguy nga, giữa một khu vườn rộng,
có bồn cỏ, khóm hoa, ngay trên bãi biển. Trường An-Nam thì sơ sài, thấp lè tè,
xây trên một động cát khô khan gần chưn núi. Không những thế, ở trường An-nam - một truờng duy nhất học đến cấp bậc Cao Ðẳng Tiểu Học (Enseignement
Primaire Supérieur) - có 5 giáo sư An-nam tốt nghiệp trường Cao đẳng Hà Nội và
5 giáo sư Pháp tốt nghiệp tương đương, bằng Brevet Supérieur ở Pháp, mà sự giao
thiệp Pháp Việt hang ngày vẫn lơ là gượng gạo. Giáo sư Pháp ít nói chuyện và
ít giao du thân mật với giáo sư Nam, trừ một đôi trường hợp hiếm hoi. Quen
tính tò mò, Tuấn hay để ý thấy trong các giờ chơi, thỉnh thoảng hai ba giáo sư
Pháp đứng nói chuyện vơí một vài giáo sư Nam độ 5, 10 phút, rồi Pháp lại cặp kè
với Pháp, An-nam bị bỏ rơi đi thơ thẩn trên hành lang, mỗi người một ngã không
ai để ý đến.
Tuy nhiên, nói như thế không phải là qủa quyết rằng giáo sư
Pháp kiêu căng, phách lối. Trái lại hầu hết giáo sư Pháp đều rất thương mến học
trò, và rất vui vẻ với học trò hơn các giáo sư An-nam nữa!
Trừ một giáo sư Toán đáng ghét, còn bốn ông khác đều gây được
lòng cảm mến của toàn thể học sinh, Nhất là giáo sư Sử Ký, mỗi khi ông giảng sử
Pháp là học trò nghe mê. Ông là người có chân trong hội Nhân quyền và Dân quyền
ở Paris, cho nên trong lúc giảng bài ông luôn luôn công kích kịch liệt chế độ
quân chủ thời Louis XVI và không ngần ngại tuyên truyền cho đám thiếu niên học
sinh An Nam những tư tưởng của Cách mạng Pháp 1789 Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái.
Ông đả kích bọn cầm quyền độc tài, áp chế, ông hô hào tự do,
dân chủ, đề cao các nhà Cách mạng Pháp như Jean Jaurès, ông đề cao cả cụ Phan
Chu Trinh, mà học trò ngơ ngác chưa biết là ai. Cứ đến giờ Sử ký Pháp, ông
giáo Mariani vào lớp là y như thể sắm có cuộc diễn thuyết cổ động chống “chính
sách thuộc địa“. Ông lật sách ra, giảng sơ sơ năm mười giòng rồi bỏ sách xuống,
nói huyên thuyên, la ầm ĩ, hét thật to, đập bàn, đập ghế, đứng dậy, xăn tay áo,
phùng mang, trợn mắt, mặt đỏ như quả gấc, ông nói, ông nói…” Dân là Vua! Dân
là Chúa Trời! Vâng, đúng thế! Dân là tất cả! Dân là Chúa Tể trong nước! Kẻ
nào đè nén Dân, bóc lột Dân, hãy coi chừng!…v.v…
Tuấn ngồi há miệng nghe,như uống ngon lành, say sưa những lời
nói ào ạt, ngào ngạt, của vị giáo sư Sử ký Pháp. Ðến khi hết giờ giáo sư còn
nói… nói “cách mạng là cuộc vùng dậy, cuộc quật khởi của những kẻ yếu, chống lại
kẻ bạo tàn. Và luôn luôn kẻ yếu sẽ thắng! Công lý sẽ thắng! Tự Do sẽ thắng!
Cường quyền và áp chế sẽ sụp đổ như những tượng ác thần luôn luôn bị ngã gục, đổ
nát tan tành dưới lưỡi búa tầm sét của Liịch sử! …” Xong ông đứng dậy ôm cặp
đi ra… Tuấn muốn chạy theo ôm lấy chân ông, muốn hôn bàn tay ông, muốn níu ông
trở lại, thì vừa ông Gabriel giáo sư Toán bước vào.
Ông này có nụ cười láu cá, đôi mắt ranh mãnh, nét mặt độc ác,
trái hẳn với ông Mariani. Ông giảng toán một lúc rồi gọi Tuấn lên bảng:
- Mầy hãy vẽ một hình tam giác hai cạnh đều nhau.
Tuấn cầm phấn vẽ hình tam giác hai cạnh đều nhau.
Ông Gabriel mặt đỏ bừng hỏi Tuấn:
- Xong chưa?
- Thưa ông, xong rồi.
Ông cho Tuấn trong sổ điểm một con số không tròn vo thật đậm. Tuấn không hiểu sao cả. Ông goị người học trò khác lên bảng. Anh này giỏi
toán nhất lớp, và được ông Gabriel cưng nhất. Ông hỏi:
- Thằng Tuấn nó vẻ hình tam giác đấy có đúng không?
- Dạ, thưa không.
- Thiếu cái gì?
Trò kia cầm phấn đề 3 chữ A, B, C nơi ba góc. Ông Gabriel gật
đầu:
- Giỏi! Ði xuống.
Ông cho trò ấy 19 điểm. Tuấn ngồi làm thinh. Ông Gabriel
nhìn nó và mắng nó:
- Mầy là thằng ngốc! Thằng ngu! Crétin, va!
Tuấn đứng dậy:
- Thưa ông gíáo sư…
- Im cái mồm và ngồi xuống! Ðồ mọi rợ! Cả giòng giống
An-nam của mầy là đồ mọi rợ. Giòng giống An-nam bẩn thỉu (sale race annamite).
Cả lớp ngồi gục đầu, cắn răng, làm thinh, Tuấn cũng làm thinh
. Bốn chục chàng thiếu niên âm thầm nuốt hận.
Lớp học lại tiếp tục trong bầu không khí nặng nề. Có lần
cũng trong lớp học, ông Gabriel chửi Ðề Thám là ”tướng cướp“, chửi vua Duy Tân
là “thằng nhải con“ và có lần ông lấy một bài của Phạm Quỳnh đăng trong baó
France Indochine ở Hà nội, đọc cho học trò nghe, và khen tặng Phạm Quỳnh một
câu: ”Ðấy là một người An nam thông minh“ (voilà un Annamite intelligent).
Các ông giáo sư “An Nam“ có lẽ không thông minh chăng, vì học
trò mét lại cho các ông nghe những lời của giáo sư Pháp kia chửi rủa giòng giống
An Nam như thế, mà các ông Giáo Sư An Nam vẫn điềm nhiên. Có ông lại còn cười,
cho là những lời nói đùa. Một ông giáo sư Luân Lý lại còn điểm một câu phê
bình: ”Người mạnh bạo bao giờ cũng có lý. Các cậu không nên phàn nàn“.
Tuấn chia giáo sư Pháp ra làm ba hạng:
giáo sư Toán Gabriel, đáng ghét,
giáo sư Sử Ký Pháp: Mariani, đáng kính phục.
Hai giáo sư Pháp văn và giáo sư Ðịa dư: đáng mến.
Tuấn cũng chia giáo sư An nam làm 4 hạng:
Ông Tr. Giáo sư Lý Hóa: đáng sợ (ông này nghiêm quá)
Ông Th. Giáo sư Luân Lý: đáng ghét (vừa làm phách, vừa dạy
dở, lại hay gắt gỏng và ưa nịnh Tây)
Ông V. Giáo sư Quốc Văn: đáng ghét (vừa làm tàng, vừa kém
Việt văn, cũng nịnh Tây đôi chút)
Ông B. Giáo sư Sử Ký An-nam: đáng mến, dạy giỏi.
Ông D. giáo sư vẽ và viết tập: đáng mến và hiền lành.
Dần dần, quen với giáo sư Pháp, Tuấn thích lân la nói chuyện
với họ và bắt đầu có những ngạc nhiên mới lạ. Như thấy có 3 ông trong số 5
ông, sáng chủ nhật không đi nhà thờ, đêm Noel không đi lễ, Tuấn đánh bạo hỏi.
Ông Mariani cũng như hai ông giáo sư Pháp văn bảo: ”Tôi không tin có Chúa“.
Trái lại ông Gabriel là một tín đồ nồng nhiệt, ông giáo sư địa dư cũng là một
con chiên trung thành, sáng chủ nhật nào cũng gặo ông đi nhà thờ rất sớm, Tuấn
liền có ý nghĩ:
“À, thế ra không phải tất cả người Pháp đều theo đạo Gia-tô".
Sau này có ông Martin và cô vợ trẻ đẹp của ông là con gái ông
Ðốc học, cả hai đều là giáo sư Pháp văn và Văn phạm, cũng không khi nào đi nhà
thờ. Hơn nữa, ông M. thường công kích đạo Gia-tô kịch liệt, Ông công kích cả đạo
Phật cho là tất cả các tôn giáo đều là mê tín . Còn giáo sư An Nam thì không ai
theo đạo Gia-tô cũng không ai theo đạo Phật: các ông theo đạo… cờ bạc. Ðêm
nào các ông cũng đánh tứ sắc, hoặc xổ tam hường. Tuấn biết hết các nơi hội họp
đổ bác của các ông, chỉ trừ ông giáo sư Sử ký An nam, người Bắc, góa vợ, ông
này có một đời sống thanh bần giản dị, có hơi “phi-lô-dốp“ một chút.
Tuấn ở trọ một thầy Thông Kho Bạc, người Hoàng phái, họ Bửu.
Một đêm thứ bảy, có bốn thầy tụ họp trên gác nhà thầy Bửu Vinh để đánh tổ tôm.
Tuấn ngồi ngoài hè, chăm chú ngó con thằn-lằn bò trên mặt kiến đèn “carbure” dựng
bên lề đường. Bóng nó nằm dài thườn thượt xuốnf đường cái như bóng ma, lúc biến
lúc hiện, lẫn với bóng lá bóng cây run run trong gío lạnh.
Bổng có một thầy cùng sở với thầy Bửu Vinh tên là H. đi xe
máy đến. Thầy xuống xe, móc trong túi lấy ra một tờ giấy in gấp lại dầy mo,
nhét vào tay Tuấn và khẻ bảo:
- Ði vào nhà, đọc đi, đừng cho ai thấy. Ðọc lẹ, rồi 10 giờ
tôi lấy lại.
Nói xong, thầy dắt xe máy vào nhà thầy Bửu Vinh, đóng cửa lại,
rồi trèo thang lên gác, nhập vào sòng bài tổ tôm. Còn một mình Tuấn ở nhà dưới. Tuấn hết sức ngạc nhiên, mở xấp giấy in ra thấy ba chữ to tướng in màu đỏ: “Việt Nam Hồn“.
Lần đầu tiên, cậu thiếu niên Trần Tuấn, cầm trong tay một tờ
báo. Cậu ngó kỹ thấy trên đầu trang dưới giòng chữ: ”Việt Nam Hồn“, một câu
cũng in màu đỏ đại khái như sau đây: ”Cơ quan tranh đấu cho nền Ðộc Lập của nước
Việt Nam“, dưới có giòng in đen: ”Trụ sở Trung Ương ở Marseille, Pháp quốc“.
Tuấn vừa sợ vừa mừng run lên, Cậu lên giường nằm trùm chiếc
chiếu, để ló đầu ra và đặt cái đèn dầu lửa gần đầu giường. Cậu xem tờ báo, say
mê, như muốn nuốt vào bụng những cột báo đầy rẫy những chữ hô hào Ái quốc, cổ động
cách mạng chống Pháp, tranh đấu giành Ðộc Lập, Tự Do.
Những bài thơ in trong báo ”Việt Nam Hồn“ mà Tuấn còn nhớ sau
đây:
Hăm lăm triệu đồng bào nổi dậy
Ðuổi quân thù ra khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho Hồn Việt Nam
Bẻ xiềng xích, phá vòng nô lệ
Ðem máu đào rửa hận Non Sông
Hỡi đàn con cháu Lạc Hồng
Chớ mê giấc ngủ còn hòng việc chi!
Bài thơ còn dài lắm… Tuấn nhắm mắt đọc ôn lại hai ba lần cho
nhớ từng chữ, từng câu, chớ không dám chép ra giấy, để còn những bài khác, những
trang khác, tất cả bốn trang giấy lớn in đầy những lời xúi dục khởi nghĩa, thức
tỉnh đồng bào.
“Việt Nam Hồn“ là tờ báo bí mật đầu tiên lọt vào tay chàng
thiếu niên nước An Nam năm 1924, tuy lúc bấy giờ Tuấn mới 14 tuổi. Tuấn hết sức
ngạc nhiên, sau khi đọc hết tờ báo, coi lại thật kỷ nơi trang đầu, thấy có chua
một giòng chữ đen mà Tuấn không hiểu: ”Chủ nhiệm: Nguyễn thế Truyền“.
Tuấn cứ thắc mắc: ”Chủ nhiệm là gì? Một danh từ mơí lạ mà
Tuấn không biết rõ nghĩa, và sau đó hỏi một ông giáo sư Quốc văn, ông giảng giải: ”Chủ nhiệm là một ông chịu trách nhiệm“ Còn Nguyễn thế Truyền là ai? Cậu học
sinh 14 tuổi tưởng tượng ông là nhân vật ghê gớm lắm. 10 giờ 30, thầy H., từ
trên lầu xuống, đến gầnm Tuấn. Tuấn để ý thấy thái độ thầy H. cũng bí mật lạ
lùng. Thầy hỏi rất khẽ: ”cậu đọc rồi chưa? “Tuấn cũng trả lời rất khẽ:
- Dạ rồi… Thầy ơi, tờ báo này ở đâu vậy, thầy?
- Có ngươì ở bên Tây đem về. Bí mật đấy nhé. Tôi thấy cậu Tuấn
có “đầu óc“, tôi mới cho mượn xem. Xem xong, đừng nói cho ai biết. Nói tùm
lum sẽ bị bắt bỏ tù, hay là bị chết chém đấy.
- Dạ, tôi không nói gì đâu.
- Giữ bí mật, rồi tôi sẽ cho mượn tờ khác để coi.
- Dạ… nhưng thầy à, ai gởi Báo cho thầy vậy? Sao họ đem lén
đem về được, thầy?
- Có anh bồi tầu, cứ mỗi chuyến tàu ở bên Tây về thì ảnh đem
báo này về cho tụi mình. Cậu Tuấn nhớ là đừng để lộ bí mật, nghe? Người nào
đáng tin cậy, cậu hãy nói chuyện và đọc vài câu thơ trong này cho họ nghe. Cậu
chỉ nói là cậu nghe lỏm đâu đó, chứ đừng nói là câụ có thấy tờ báo: "Việt
Nam Hồn“. Nghe không?
- Dạ .
- Cậu có thích đọc tờ này không?
- Dạ, thích lắm. Tôi đọc say mê, thầy ơi! Hay quá thầy ơi!
Ồ, nếu Tây họ biết được, chắc họ bỏ tù tuị mình.
- Ừ, vì thế nên tôi dặn cậu là phải kín mồm kín miệng.
- Thầy có đưa cho thầy Vinh đọc không?
- Có, thầy Vinh cũng thích lắm. Chính thầy hiểu cậu, biết cậu
là học trò có “đầu óc“, nên thầy dặn tôi đưa cho cậu xem.
- Cảm ơn thầy lắm. Hễ chừng nào có “Việt Nam Hồn“ thì thầy
nhớ cho tôi mượn coi với nhé. Chu cha! coi sướng quá thầy ơi! Thơ hay qúa thầy
ơi! Họ chửi Tây, mình đọc thấy lạnh xương sống. Sướng mê!
Thầy Hồ tủm tỉm cười, gấp tờ báo “Việt Nam Hồn“ làm bốn,
rôì đút trong lưng quần, giấu kín sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo đen. Thầy
ra về.
Tuấn tắt đèn, nằm đọc thầm lại bài thơ lúc nãy:
Hăm lăm triệu đồng bào! Nổi dậy!
Ðuổi quân thù ra khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho hồn Việt Nam?
Ðây là đêm thứ Bảy. Cả ngày Chủ nhật Tuấn cứ đọc thầm bài
thơ trên 70 câu. Tội nghiệp Tuấn-em ! Mới 14 tuổi, chưa hiểu quốc sự là gì cả,
lần đầu tiên được xem lén một tờ báo “ghê gớm“ in từ bên Tây, gởi lén về An
Nam, làm xáo trộn cả tâm hồn còn ngây thơ của cậu. Cậu bổng nhớ lại nét mặt
nhăn nhó và những lời quyền rủa của ông giáo sư Toán, Gabriel, mà Tuấn thường gọi
với các bạn là “Người Mặt Khỉ“
Tại sao ổng dám chửi mình là “nòi giống dã man“ “Sale race
Annmite“?
Trong đêm tối, nằm đắp chiếc chiếu (vì không có tiền mua
mùng và mền), Tuấn âm thầm tức giận ông Tây Gabriel, rồi cảm xúc vì bài thơ
trong “Việt Nam Hồn“, bổng dưng Tuấn khóc… Nhưng Tuấn khóc thút thít, không
dám khóc to…
Cô Vinh, vợ thầy Bửu Vinh, từ nhà trên cầm cây đèn đi ra sau
bếp, chợt đi ngang qua chỗ Tuấn nằm, nghe Tuấn khóc. Cô cười, hỏi với giọng Huế
:
- Cậu Tuấn dợ dà hỉ (nhớ nhà, nói theo giọng Huế)?
Tuấn nằm im thin thít giả vờ ngủ, không dám lên tiếng.
Sáng thứ Hai, Tuấn đi học, tìm ngay một ngươì bạn cùng tỉnh mà
cậu thân nhất, kéo ra phía sau trường nói thầm:
-Quỳnh ơi, mầy có thấy tờ báo “Việt Nam Hồn“ không?
-Tờ gì?
- Việt Nam Hồn.
- Ở đâu?
- Tao có đọc lén được một tờ, mầy ơi. Có bài thơ hay lắm,
tao đọc cho nghe…
Thế là Tuấn đọc hết cả bài thơ “Hăm lăm triệu đồng bào, nổi
dậy“…
Trò Quỳnh kéo trò Tuấn ngôì xuống cát, dựa lưng vào vách tường,
bảo Tuấn đọc lại một lần nữa. Rồi Quỳnh căn dặn Tuấn làm sao hỏi mượn tờ “Việt
Nam Hồn “ cho Quỳnh xem.
Từ hôm ấy, trong trưòng Cao đẳng Tiểu Học Qui-nhơn lớp Ðệ Nhất
Niên (1ère Année) tương đương với lớp Ðệ Thất bây giờ, có một nhóm học sinh
năm đứa, cứ trao lén cho nhau xem tờ Việt Nam Hồn đã rách nhèo nát hết và dán lại
từng mảnh.
Mỗi khi cho mượn, hoặc trao trả lại, các trò gấp làm tư, dúi
trong lưng quần, giấu sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo dài đen. Lúc bấy giờ
học trò chưa dám mặc “đồ Tây“, tất cả đều mặc aó dài ta, đội mũ, mang quốc.
Phải nói rõ rằng, nhóm học sinh âý chưa bao giờ dám nghĩ đến
chuyện “cách mạng“ hay là “làm hội kín đánh Tây“. Nhưng cái mầm ái quốc đã
bắt đầu nẩy nở dụt dè và kín đáo trong tâm hồn ngây thơ của tuổi trẻ. Và không
riên gì ở trường Quy Nhơn, mà khắp các trường Cao đẳng Tiểu học trong nước như
trường Quốc học và Ðồng Khánh ở Huế, trường Trung học Bưỏi, và Cao đẳng Ðại học
ở Hà Nội, các trường “college“ khác ở Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Saigon, Mỹ
Tho, CầnThơ, v.v… Ấy là do ảnh hưởng đầu tiên của những tờ báo bí mật từ bên Tây
gởi lén về do đường tàu thủy trong đó có hai tờ được phổ biến lén lút sâu rộng
hơn cả là Việt Nam Hồn bằng Việt ngữ xuất bản ở Marseille, và tờ Le Paria bằng
Pháp ngữ xuất bản ở Paris.
(Le Paria, tiếng Pháp gốc tiếng Ấn Ðộ, là kẻ thuộc về giai cấp
bần cùng, không có quyền gì cả, bị coi như là lớp người ti tiện, và bị kẻ giàu
mạnh chà đạp, khinh khi, hất hủi)
Ðó là tờ báo cách mạng đầu tiên mà Tuấn và nhiều thiếu niên
khác cùng thế hệ đã được đọc lén lút từ năm 1924.
Cùng một lúc, một số sách báo, cũng bí mật từ bên Tây và bên
Nhật được gởi lén về Việt Nam, do tầu thủy, nhất là do chiếc tàu S/S Canton, chạy
đường Saigon - Tourane (Ðà Nẵng) - Hải Phòng - Hồng Kông . Trong số các sách
báo ấy rất tiếc là chỉ một số rất ít viết bằng Việt ngữ, còn đa số là bằng chữ
Nho. Tuấn được thất bổn “Việt Nam vong quốc sử, Lưu cầu huyết lệ thư, Hải ngoại
huyết thư“. Nhưng lúc bấy giờ Tuấn chỉ được đọc các bản chép lại bằng tay,
không có tên tác giả. Mãi bốn năm năm sau, Tuấn đã ra Hà Nội tìm tòi học hỏi,
mơí biết là những sách ấy của cụ Phan Bội Châu . Tuấn trao các sách1 “cấm“ ấy
cho Quỳnh và các trò khác cùng một chí hướng, nhưng ai cũng phải tự tay mình
chép lại, để xem lén, rồi giấu kín dưới va li quần áo.
Một hôm, lần đầu tiên Tuấn đưa một bài thơ chép trong “Viêt
Nam Hồn“ trên một mảnh giấy, trao cho H.X.T., con một quan Tri phủ đang nhậm
chức ở Bình Ðịnh, học cùng lớp vơí Tuấn. Trò T., ngươì Huế, xem xong hoảng hốt
xé phăng ngay mảnh giấy. Hắn hỏi Tuấn:
- Mi lấy cái đồ bậy bạ ni ở mô rứa?
Tuấn cười đáp:
- Tối hôm qua, tao đi bắt còng (con còng giống như con cua,
nhưng nhỏ hơn và chạy rất nhanh, có trên nhiều trên bờ biển, trốn giỏi lắm, nhất
là ban đêm) ngoài bờ biển, lượm được bài thơ đó trong môt cái hang còng, mầy
ơi!
T. làm thầy khôn, dặn Tuấn:
- Sau, mầy đừng có lượm những cái giấy như ri, lỡ mà ông
Directeur thấy được thì ông đánh mi chết.
- Tao đưa cho mầy coi chơi, chớ tao đâu dám coi.
Trò T. sợ quá, còn lấy tay moi một lỗ khá sâu trên bãi cát
sau sân trường, để chon dấu bài thơ ghê gớm mà hắn đã xé vụn ra từng mảnh nhỏ.
Tuấn cười bảo:
- Mi dấu bài thơ nớ còn hơn con còng dấu trứng nó trong hang
! Mi coi chừng chớ tao sợ bài thơ nó sẽ nở ra thành một bầy còng chạy lung tung
trong trường mình, thời mặc sức ông Ðìa-réc-tưa chạy theo bắt. Ha ! Ha!
Trò T. con trai cưng của quan Phủ Bồng Sơn không hiểu ý Tuấn,
nhưng cũng cười hì hì.
Tưởng cần nhắc lại rằng, trong lúc nhiều phần tử trí thức Nho
học, lẫn Tây học, ở Bắc, Trung, Nam vẫn tiếp tục hoạt đông bí mật, hô hào Nhân
quyền, Dân quyền, cổ xuý Tự Do, Ðộc Lập, thì trái lại, một số thanh niên hầu
như hoàn toàn lãnh đạm, chỉ ham mê học hành tranh đua trên con đường công danh
sự nghiệp mà thôi. Tâm trạng ấy không phải là không có nguyên nhân. Một là vì
chưa có điều kiện tổng quát để kích thích sự phát huy tư tưởng ái quốc, hai là
chưa có một mãnh lực đủ uy tín để giác ngộ tinh thần quốc gia chủng tộc của lớp
trẻ ấy. Vả lại phải nhìn nhận rằng thời bấy giờ người ta chưa chú trọng đến
thanh thiếu niên cho lắm.
Các sách báo cách mạng từ Hải ngoại gởi về lén lút do các đường
tầu thủy, chỉ được lưu hành trong các tầng lớp trung lưu trí thức, nhất là
trong giáo giới và một số ít công tư chức có tư tưởng độc lập.
Một vài tờ báo lọt đến tay các bạn thanh niên, là một việc hi
hữu và trong những trường hợp vô cùng dè dặt và thận trọng. Chưa có một phong
trào chính trị, hoặc xã hội để kích động tuổi trẻ, tuổi trẻ bồng bột hăng hái,
mà một việc tức giận nho nhỏ cũng có thể bung lên thành một việc to lớn.
Một vụ “xung đột“ sôi nổi như sau đây, giữa học trò và một
bọn “các chú“ trong thành phố, có thể biểu hiệu tinh thần chủng tộc đang tiềm
tang trong đám thiếu niên thời bấy giờ.
Sau một kỳ nghỉ Hè, học sinh tấp nập đến các tiệm “các chú“
mua giấy bút, mực v.v… Hầu hết các tiệm buôn lớn có đủ dụng cụ học sinh, cũng
như các tạp hóa khác, đều là của “khách trú“. Người An Nam ít vốn chỉ buôn
bán nhỏ thôi. Vì thế, có vài tiệm “các chú“ thường hách dịch với khách hang,
và hay ăn hiếp học sinh. Một em bé lớp tiểu học, độ 10 tuổi, đến tiệm Diêu Ký
mua hai cuốn vở 100 trang. Người các chú có lẽ đông khách nên vội vàng lấy
trao cho em hai quyển vở 50 trang. Em khờ khạo không xem kỹ, nhưng về nhà cha
mẹ thấy sự lầm lẫn liền bảo con đến tiệm đổi lại. Người “các chú“ không đổi,
lại còn la mắng cậu học trò. Ðứa con nít sợ về nhà sẽ bị cha mẹ đánh, nên nhất
định đòi cho được vở 100 trang, vì quả thật nó đã trả tiền theo giá vở 100
trang. Người “các chú“ mắng nó là “ăn gian“ và đánh nó một bạt tai. Nó
khóc thét lên. Vài cậu học trò lớn đứng chứng kiến sự cộc cằn hỗn láo của người
Hoa kiều, và lên tiếng bênh vực đứa nhỏ, liền bị tuị “các chú“ chửi: ”Người
An lam ăn cắp à!“ Chỉ một câu nói vô ý thức kia đã gây lên sự công phẫn của mấy
cậu học trò và được truyền miệng đi khắp hết các đám học sinh trong thành phố.
Thế rôì, do một nhóm bốn người học trò lớn xúi dục 7 giờ tối đêm hôm ấy trên
500 học trò cầm đá và củi, kéo đến ném tung các món ấy vào trong tiệm Diêu Ký,
làm bể hết các tủ hang và gây thương tích cho tất cả trên 10 người các chú và á
xẩm trong tiệm. Tuấn-em cũng có dự vào cuộc “khích động“ này. Năm giờ chiêù
nó đang chơi bắt còng ngoài bãi biển, bổng có một đứa bạn đi xe đạp ngang qua,
bảo nó: ”Mấy thằng các chú ở tiệm Diêu Ký chửi An nam là dân ăn cắp, tối nay tụi
mình cầm củi và đá đi đánh cho chết cha tụi nó, mầy đi không?“
Tuấn đang chơi, tức giận chạy ngay về nhà trọ. Dọc đường, nó
hốt hai ba chục hòn đá xám của sở Lục-lộ dùng để lót đường, bỏ đầy nhóc hai tuí
áo cụt. Nó ra sau nhà bếp lấy ba thanh củi thật to, đem để sẵn dưới bàn học với
đống đá của nó. Bà chủ nhà trọ thấy thái độ khả nghi của Tuấn, hỏi: ”Trò Tuấn
làm chi mà lấy củi và đá bỏ một đống rứa?“ Tuấn nói rõ cho cô chủ nghe, và tỏ
vẻ tức giận mấy người khách trú lắm. Cô chủ la rầy Tuấn, nhưng chồng cô, thầy
Thông Vinh Kho bạc, bảo: ”Học trò, họ muốn đánh lộn với các chú thì mặc họ.
Can cớ chi đến mình mà mình ngăn cản, hỉ?“. Trong thâm tâm, thầy Vinh cũng
tán thành cuộc đả kích kẻ ngoại kiều dám xấc xược với người An Nam, tuy thầy
không phải học trò nên không tham gia.
Còn bọn học trò, thì chỉ truyền miệng với nhau, chứ sự thật
không có trò nào dám ra mặt chỉ huy trận “chiến tranh đá“ này và không ai
nghĩ đến hậu quả. Chỉ lo trả thù câu chửi rũa hỗn láo của mấy người khách trú ở
tiệm Diêu Ký thế thôi. Chỉ nghĩ đến việc ném đá và quăng củi vào tiệm, cho “chết cha tụi nó“, để hả cơn tức vì câu nói “người An lam ăn cắp“. Có thể gọi
là sự bộc lộ “tinh thần dân tộc“, nhưng thật ra chỉ là sự bộc lộ cá tính bồng
bột tự nhiên của tuổi trẻ, chứ chưa phải là một cuộc “biểu tình“ có tổ chức,
có kẻ chỉ huy, vì không có ai chỉ huy cả. Trò Tuấn, cũng như mấy trò khác, chạy
đi đến các nhà trọ có bạn bè trú ngụ, kể chuyện mấy người khách trú đánh đứa học
trò nhỏ lúc 12 giờ trưa, rồi rủ 7 giờ tối đi ném đá. Trong số 6oo học trò của
nhà trường, có độ 100 trò không dám làm việc ấy, còn thì trò nào cũng tức tốc
chạy đi kiếm đá, củi để đến 7 giờ tối đem quăng vào tiệm Diêu Ký cho hả cơn giận.
Chưa đến 7 giờ, Tuấn đã cầm ba thanh củi, và bỏ đầy đá xám
trong hai túi áo cụt, đi tới tiệm Diêu Ký, ngay trước cổng chùa Quảng Ðông, và
đã thấy có sáu bảy chục học trò tụ họp ngay đấy rồi. Một trò tự động đầu tiên
ném vào tiệm hai, ba cục đá to bằng trái cà và hai thanh củi. Mấy trò khác bắt
chước ném theo, đá và củi tới tấp bay vào tiệm Diêu Ký như mưa, rôì tất cả bỏ
chạy. Tuấn ném sau cùng trong lúc trong tiệm tụi “khách trú“ chạy ùa ra rất
đông, cầm củi và dao, quyết trả thù lại. Tuấn bỏ chạy trong lúc một bọn học
trò trên vài chục đứa khác từ ngoài bờ song kéo vào tiếp tục xung kích vào mục
phiêu “địch“. Bọn học trò càng đông, tụi đã chạy rồi còn quay trở lại nữa với
các cục đá và các cây củi xin ở các nhà An nam kế cận. Cuộc loạn đã kéo dài
cho đến 10 giờ. Ðến 11,12 giờ, tiệm đã đóng cửa mà thỉnh thoảng cũng còn những
cục đá to tướng ném chan chát vào hai cánh cửa, và trên mái ngói.
Cảnh sát ở đâu? Cả thành phố to lớn như thế chỉ có 6 người “lính phú lít“, toàn là người An nam. Họ thay phiên nhau ba người ở sở để hầu
hạ ông “Cò“ Pháp, và túc trực ở văn phòng. Còn 3 ngươì được nghỉ ở nhà đi uống
rượu đánh bạc. Thành phố rất yên ổn, không cần có “phú lít“. Bị học trò
đánh và đánh nhau với học trò, mấy người “khách trú“ không dám đi thưa “bót
phú lít“ vì ban đêm họ không dám đến phá rầy quan Tây. Mãi 8 giờ sáng hôm
sau, chủ tiệm Diêu Ký cùng cả gia đình khách trú trên 10 người bịu đầu, lỗ
trán, chảy máu mắt, sưng mặt, sưng mũi, gãy răng, rách áo, rách quần, kéo đến sở
Cò. Họ còn khệ nệ bưng theo bốn chai rượu chat đỏ, một bịch thuốc Méllia và 20
hộp sữa Nestlé để “kỉnh quan lớn“ nhờ quan lớn xử giùm, mong “đèn trời soi
sáng“ cho họ được nhờ vì họ bị bọn “học trò nhà nước đánh phá tan hoang hết cửa
tiệm".
Ông Cò nhận các đồ lễ, rồi điềm nhiên bảo họ cứ đi về buôn
bán, ông sẽ xử cho. Tất cả đều cúi khòm lưng vái chào cảm ơn quan lớn. Ông Cò
làm bản tường trình đem lên ông Sứ (chính thức là quan Công Sứ) ông Sứ chuyển
giấy sang ông Ðốc học, cũng người Pháp.
Ông Ðốc cho gọi vài cậu học trò lớn lên phòng giấy, để hỏi về
cụ đánh các chú đêm vừa qua. Các trò đồng thanh trả lời:
- Monsieur le Directeur, ces Chinois sont des voleurs. (Thưa
ông Ðốc, mấy người Hoa kiều ấy là bọn ăn cắp). Ils volent les élèves (chúng
nó cướp tiền của học trò).
Ông Ðốc cũng tường trình lên ông Sứ:
- Monsieur le Résident, les Chinois sont des voleurs, Ils
volent mes élèves. (Thưa Quan Công Sứ, Hoa kiều là tụi ăn cắp. Chúng nó cướp
tiền học trò tôi).
Bảy hôm sau, ông Cò gửi trát đòi chủ tiệm Diêu Ký lên hầu.
Ông thân ái khuyên bảo người Hoa kiều:
- Từ nay không nên ăn cướp tiền của học trò . Chúng nó sẽ
không phá phách cửa tiệm của mầy nữa đâu (người Pháp thời bấy giờ vẫn khinh
khi người Hoa kiều, và gọi họ bằng “mầy“, ít khi họ gọi “anh“ hay “ông“.
Qủa thật, vụ “chiến tranh đá và củi“ năm 1924 không tái diễn
nữa.
Sau vụ này, Tuấn –em sung sướng khoe với các bạn là nó đã ném
một cục đá trúng kêu cái “đóp“ vào đầu một chị xẩm, tại chị này đứng trước cửa
xăn quần lên đến đầu gối, chửi lũ học trò: ”Mẹ tổ cha mấy đứa học trò A lam à!“.
Ngoài vụ đánh phá tiệm Diêu Ký, bình nhật “học trò An-nam“ vẫn hiền lành như đất cục, ngày tháng chăm lo học hành.
Thiểu số dăm bảy cậu thỉnh thoảng được đọc thường xuyên và
không dám nói lại cho nhiều người nghe những bài văn thơ “kinh thiên động địa“ mà các cậu đã được đọc, từ nghìn xa lén lút trao về.
Nhưng đó là những món ăn tinh thần nghiền ngẫm mãi trong tiềm
thức, thấm nhuần trong đầu óc, bổ dưỡng cho suy tư, để rồi có cơ hội thuận tiện
là bộc phát lên như dậy men, như bùng lửa, như sôi máu, sôi gan…
CHƯƠNG 27
1920 - 1924
- Trước 1925 danh từ “Việt Nam“ chưa được thông dụng trong
dân chúng.
- Nước gọi là An Nam, Dân gọi là người An Nam, hoặc là
Annamite (theo tiếng Pháp).
- Ða số "Thượng lưu trí thức Nam kỳ“ nhập tịch dân
Pháp, theo đạo Thiên Chúa, và sống theo Tây.
- Hoàng thân Lào, Sinh Viên Cao Ðẳng Công chính Hà Nội, tên
là Souphanouvong, lấy vợ An Nam ở Nha Trang (Nay là lãnh tụ Pathet Lào).
- Nhiều tỉnh Bắc, Trung Kỳ chưa có đèn điện.
- Dư luận xôn xao về vụ một ông Quan Ba tàu thủy Pháp cho học
trò nhiều tiền để đánh ông trên đường đèo, đêm vắng.
- Một ông Giám-binh Tây, đi kinh lý, ở ngủ lại ban đêm trong
làng.
Trước 1925, hay nói cho đúng là trước tháng 7-1925, hồi cụ
Phan bội Châu chưa bị Tây bắt tại Thượng Hải đưa về Hà Nội, danh từ "Việt
Nam" chưa được phổ thông trong dân chúng, và chưa được chính thức áp dụng ở
xứ ta. Trên các công văn, báo chí, sách vở bằng chữ Pháp cũng như chữ Quốc ngữ
không mấy khi dùng đến hai tiếng "Việt Nam".
Bên Nam triều, theo quốc hiệu đã được sửa đổi từ thời vua
Minh-Mạng, các giới quan trường và trên các giấy tờ chính thức, đều dùng hai chữ
“Ðại Nam“. Vua An Nam được xưng hô là Ðại Nam Hoàng Ðế.
Các nhà trí thức, khiêm nhường hơn, thường viết là “Nước Nam“, hoặc “Nam Quố “, còn dân chúng, từ Nam chí Bắc, lại quen dùng danh từ đã
có sẵn từ nghìn xưa, do chính người Tàu ban bố cho, là “nước An-Nam“. Người
Tàu gọi người Việt là Ố-nàm-dàn (An nam nhân). Ở Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu,
chủ trương một tờ báo văn nghệ, lấy tên là An Nam Tạp Chí. Ở Saigon, ký giả
tài ba xuất chúng là Nguyễn Phan Long điều khiển một tờ báo viết bằng Pháp-ngữ,
lấy tên là Echo Annamite.
Riêng ở Nam kỳ, phần đông các giới “thượng lưu trí thức“,
và các nhà kỹ nghệ, thương mại, đại điền chủ ở Saigon và Lục tỉnh, lại không
thích người ta gọi mình là "Annamites”. Ða số đã xin vô "dân Tây“,
sống theo lối Tây, và hãnh diện được gọi là "Citoyens Français“ (ông
dân Pháp). Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, trái lại, hạng “An Nam dân Tây “ rất hiếm.
Ngay những người thân Pháp nhất, triệt để trung thành với Pháp, nhà văn như Phạm
Quỳnh, quan lại cao cấp như Hoàng Trọng Phu, Vi Văn Ðịnh, Tôn Thất Hân, Thái văn
Toản, v.v… đều giữ nguyên quốc tịch An Nam.
Về tiếng xưng hô địa danh của ba miền, tuy người Pháp đã đặt
riêng ra ba tên khác nhau: le Tonkin (Bắc Kỳ) - người là les Tonkinois;
L’Annam (Trung Kỳ), người là les Annamites du Centre; la Cochinchine (Nam Kỳ), người là les Cochinchinois, nhưng tiếng An - nam và Annamites vẫn thông dụng
hơn, từ Nam chí Bắc. Ở Hà nội, Hải phòng, cũng như ở Huế, Qui nhơn, Saigon, Cần
thơ, Châu đốc dân chúng vẫn quen gọi với nhau là “người An nam“ và nói: hàng
hóa An nam, ngày An nam, các quan An nam, tiệm buôn An nam, ngày Tết An nam,
v.v…
Chính những người có học thức cũng quen nói như thế trừ những
nhà làm cách mạng mà thôi. Những người bình dân ở Saigon và Lục tỉnh, không học
Ðịa dư, thường gọi từ Nha Trang trở ra là “xứ Bắc“, hoặc là “xứ Huế“, ”xứ
Nghệ“. Ít khi họ phân biệt là miền Bắc, miền Trung. Thỉnh thoảng họ gọi bằng
một danh từ châm biếm và khôi hài là “dân trọ trẹ“. Tại vì tiếng nói từ Nha
Trang trở vào Phan Thiết, cũng na ná như tiếng miền Nam, còn từ Quy Nhơn trở ra
Nghệ An, Hà Nội, giọng nói hơi nặng, người miền Nam nghe khó hiểu.
Người miền Trung lại gọi Nam Kỳ là đất "Ðồng Nai Gia Ðịnh“. Người bình dân miền Bắc thỉnh thoảng lại gọi Nam Kỳ là “xứ ở gần mặt trời".
Cho đến năm 1932, đường hỏa xa từ Hà nội vào Trung Kỳ chỉ mới
tới Tourane, mà người Việt gọi là Cửa Hàn (nay là Ðà Nẵng). Ðường xe lửa từ
Saigon ra, cũng chỉ đến Nha Trang, nơi đây là ga cuối.
Tại Nha Trang năm 1924, có một khách sạn khá lớn ở ngay trước
ga xe lửa, mà chủ nhân người An-nam, đặt tên là Hotel Terminus (Khách sạn Cuối). Ông chủ Hotel, có một cô con gái khá đẹp và rất lãng mạn, tên là Kỳ Nam.
Vào khoảng 1937, có một cậu sinh viên trường Cao Đẳng Công
Chính Hà nội là một Hoàng tử Lào, nhân dịp nghỉ hè, đi nghỉ mát ở Nha Trang. Cậu
sinh viên Hoàng tử đến trọ tại "Khách sạn Cuối“ và được dịp làm quen với
cô Kỳ Nam, con gái ông chủ. Ðối với cậu Hoàng tử Lào lúc bấy giờ, lấy được một
“tiểu thư Annam“ làm vợ là cả một vinh dự lớn lao.
Ðối với cô thiếu nữ lãng mạn ở Nha Trang, lấy một người chồng
là Hoàng tử, mặc dầu là Hoàng tử Lào, và không đẹp trai, cũng là một hạnh phúc
thần tiên. Thế là cuộc tình duyên thơ mộng đã kết cuộc bằng một đám cưới vô
cùng long trọng. Ðôi vợ chồng Việt - Lào đó hiện nay vẫn còn sống và cậu sinh
viên Hoàng Tử Lào lúc bấy giờ chính là Souvanna Souphanouvong, lãnh tụ Pathet
Lào hiện nay.
1924, nhiều tỉnh chưa có đèn điện, tuy là những thành phố lớn
vào hạng ba, hạng tư, ở toàn xứ An nam. Ðường phố vẫn còn thắp đèn acétylène
cháy nhờ hơi đá carbure, đựng trong một bình bằng đồng, lồng trong bốn mặt kiếng,
trên cột sắt sơn đen và chạm trổ rất đẹp . Thường có những con thằn lằn to lớn
không biết từ đâu bò lên trên mặt kiếng để đớp những con thiêu thân. Hình bóng
những con thằn lằn ấy ngã xiêng xuống mặt đường, lúc hiện ra nằm dài trên đường
lộ, lúc rút lại trong bóng tối, như những bóng ma. Nhất là trong những đêm mưa
gió và ở các ngã tư vắng vẻ những “bóng ma" ấy thường làm cho những học
trò nhút nhát ghê rợn không dám đi qua.
Trừ ba thủ đô Saigon, Huế, Hà Nội, và các thị trấn quan trọng
như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Vinh, Tourane, Cần Thơ, v.v…, còn hầu hết ở các thành
thị khác, đường phố không có tên, và không có số nhà . Dân chúng thường gọi
theo những tên địa phương mà không ai đặt ra nhưng moị người đều biết, như: đường
Lò Heo, đường Lò Vôi, đường Bờ Sông, đường Cống Kiều, đường Nhà Thờ, đường Miễu
Cô hồn v.v…
Tuy thế, trong mỗi tỉnh, đường nào ở đâu, nhà nào ở đâu, nhà
ai, ở xóm nào, mấy anh cu li xe kéo đều biết hết. Vì đường phố hãy còn ít, nhà
cửa chưa đông đúc, đất trống còn nhiều, kỹ nghệ chưa thành hình, thương mãi của
người An nam gần như không đáng kể.
Hầu hết các hiệu buôn bán lớn là của "các chú“, của “
Chà và“ của “Ma la bà“ (Chà và là Java - Nam Dương; Malabar: gốc Ấn Ðộ). Các hãng xuất nhập cảng là của người Tàu, hoặc Pháp, An nam chỉ đành phận bé
nhỏ, nghèo hèn, với những tiệm cúp tóc đơn sơ, tiệm thợ may (hai ngành này
phát triển nhất) thuốc Nam, thuốc Bắc, hoặc tạp hóa nho nhỏ. Thỉnh thoảng xen
vào một vài tiệm người Bắc, chuyên môn bán đồ đồng (mâm, lư, đèn) và một ít lụa
Hà Ðông.
Trừ một vài đại lộ đã trải nhựa goudron để cho xe hơi chạy,
nhất là xe các quan, còn thì hầu hết các đường phố đều lồi lõm, chổ u, chổ đột,
sạn đá gồ ghề, mỗi lần mưa to là nước chảy như đường mương, khe suối.
Cứ chiều chiều, tan giờ học, Tuấn thường ưa đi dạo xem các
dãy phố, các tiệm buôn, các nhà cửa vườn tược, chùa miếu ở khắp hang cùng ngỏ hẻm. Tính tò mò, chỗ nào cũng muốn đến, việc gì cũng muốn thấy, chuyện gì cũng muốn
nghe, cậu học trò 15 tuổi mặc áo dài đen vá nơi cùi chỏ, mang đôi guốc cùn ba
xu, đi lang thang khắp phố, khắp phường.
Gặp các ông giáo, nhất là ông giáo sư Vật Lý học và Hóa Học,
cậu vội vàng chạy trốn. Ông này người Huế, mặt nhiều mụn, cái miệng hay dô ra,
cặp mắt sáng quắc, thường đi xe máy. Tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Hà nội, ông rất
giỏi về Lý Hóa, nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò. Ðã ba lần rồi, buổi
chiều gặp Tuấn đi chơi ngoài phố, là sáng hôm sau giờ Vật lý hay Hóa, ông gọi
Tuấn lên trả bài. Luôn luôn ông cho Tuấn ăn hột vịt. Một buổi chiều chủ nhất,
ông trông thấy Tuấn nằm chơi một mình trên bãi biển Gành Ráng, sáng thứ hai ông
kêu Tuấn lên trả bài. Trò Tuấn ở nhà học thuộc bài vanh vách, nhưng không biết
tại sao khi vào lớp, đứng trước mặt giáo sư trò quên tất cả. Ông giáo thưởng
cho trò một con zéro bự rồi trừng mắt nói với cả lớp:
- Ce cancre ne sait jamais ses leçons, parce qu’il s’ amuse
tout le temps avec les cancres (Thằng học trò lười biếng ấy không bao giờ thuộc
bài bởi vì nó chơi cả ngày với mấy con cua biển).
Do lối “chơi chữ“ của ông Giáo sư, vì chữ cancre có hai
nghĩa, mà bạn bè trong lớp gọi đùa Tuấn là “con cua biển“ (hay là thằng lười
biếng, theo nghĩa thứ hai).
Một buổi tối, Tuấn nằm trên bãi cát, nghe tiếng sóng hòa nhịp
với tiếng reo vi vu của rặng cây phi lao trên Cầu Tàu. Ngoài khơi, có chiếc
tàu Orénoque của Tây đậu cạnh hải đăng. Ông quan ba với mấy người thủy thủ
chèo chiếc tam bản (tây gọi là sampan) vào cặp bến. Mấy người thủy thủ lên bờ,
đi bách bộ vào thành phố, vừa đi vừa hát om sòm. Bãi bể tối om, xa xa có một
ánh đèn đá lắt leo trong gío lộng. Tuấn ngạc nhiên thấy ông quan Ba đến gần cậu
.Tuấn không lo sợ gì, vì cậu đã biết nói tiếng Tây, sẵn sàng đối đáp. Ông quan
Ba vuốt tóc cậu. Và khẽ nói với giọng rất hiền hòa:
- Bonsoir, mon enfant
Tuấn bạo dạn đáp lại, với giọng con nít:
- Bonsoir, monsieur…
Ông quan Ba lấy trong túi ra một gói sô-cô-la cho Tuấn, và bảo
Tuấn đưa ông đi dạo phố . Lần đầu tiên Tuấn được đi chơi với ông Tây, - lại là
ông quan Ba tàu thủy, - nói chuyện với ông thân ái và tin cậy như một người bạn
lớn tuổi. Dọc đường, ông bảo Tuấn rủ thêm bốn đứa bạn nữa cùng đi cho vui.
Ông nói :"Tôi rất yêu thanh niên An nam“. Tất cả có bốn đứa bu theo bên
ông đều là bạn học của Tuấn, được ông cho kẹo, cho thuốc hút, cho nhiều tấm
hình cartes postales in các thắng cảnh bên Tây rất đẹp. Rồi ông đề nghị: ”các
em đưa tôi đến một nơi nào thật hoang vắng, ngoài châu thành, nơi không có người
qua lại. Ngồi chỗ vắng như thế, chúng ta sẽ xem trăng, xem sao, và nói chuyện
thú hơn“. Tuấn và bốn đứa bạn hăng hái đưa ông lên chân núi Xuân Quang, nơi đây
không một bóng người, không một túp nhà, cách xa thành phố 2 kí lô mét.
Sau khi tất cả đều ngồi xung quanh ông, trên một bãi cỏ, nghe
ông kể chuyện bên Tây, một lúc thật vui, ông quan Ba cười bảo: ”Bây giờ các em
sẽ xem tôi bày ra một trò chơi rất lý thú nhé“. Cả bọn nôn nao vui mừng. Ông
lấy một đồng bạc đưa Tuấn, bảo: "Em xuống phố mua chừng 5 thước dây dừa thứ
lớn và thật chắc, 9 hoặc 10 cây roi mây, hoặc roi tre, hay là những khúc củi
dài cũng được, và 100grammes ớt thứ thật cay, với 100 grammes muối“. Tuấn hơi
lo ngại hỏi: ”Trò chơi gì mà phải dùng các món đó? “Ông quan Ba cười, nụ cười
hiền lành đáng tin cậy:
- Em cứ đi tìm các món đó về đây, rồi các em xem tôi làm trò
chơi này hấp dẫn lắm.
Tuấn và một đứa bạn theo lệnh ông vội vàng chạy về phố tìm
mua một bọc ớt, mốt gói muối, và năm cuộn dây dừa. Còn roi thì các trò không
biết mua ở đâu, bèn bảo nhau nhổ đại mấy cây tre cắm hang rào của một căn nhà
trống ngoại ô.
Khi Tuấn trở lại núi Xuân Quang với đủ các đồ "chơi"
kia, ông quan Ba vui vẻ bảo: ”Các em lột hết quần áo của tôi ra, lấy dây dừa cột
hai tay hai chân của tôi lại,và trói chặt nhé, và đè tôi nằm xuống đất, đừng
cho tôi quẫy cựa. Rồi các em thay phiên nhau mỗi người cầm một cây roi tre
đánh vào mông đít tôi. Phải đánh thật dữ tợn. Các em đánh tôi như đánh một kẻ
thù, vừa đánh vừa chửi, và đánh thật mạnh, đừng sợ tôi đau. Ðánh mãi chừng nào
gãy nát hết mấy cây roi, và đánh sao cho nổi lằn trên đít tôi, cho rơm rớm máu… Nhưng các em nhớ rằng chỉ đánh trên mông đít, đừng đánh trên lưng hay trên đầu,
hay các chỗ khác trên thân thể tôi. Ðánh trên mông cho chảy máu rồi gĩa muối ớt
cho thật nhỏ, chà xát trên những chỗ lằn roi rớm máu ấy. Xong rồi tôi sẽ thưởng
cho mấy em mỗi đứa 2 đồng bạc.
Hai đồng bạc thời bấy giờ giá trị hơn 200 đồng ngày nay. Tuấn
và bốn đứa bạn do dự, không đứa nào dám làm công việc lạ lùng ấy mà các trò
không hiểu tại sao. Nhưng ông Tây quan Ba cứ năn nỉ, van lơn, và đưa trước cho
mỗi trò hai đồng bạc. Sau cùng, Tuấn bảo các bạn: ”Tuị mình cứ làm như lời ổng
dặn, nếu có xẩy ra việc gì thì chạy trốn. Trời tối, đêm vắng, núi hoang, sợ
cóc gì, hè!“
Nhưng Tuấn hỏi ông quan Ba:
- Chơi trò chơi chi mà kỳ cục thế hả ông?
Ông Quan Ba mỉm cười đáp:
- Các em làm cái việc ấy xong, rôì tôi kể chuyện cho nghe.
Chuyện hay lắm.
- Tụi tôi đánh ông, rôì ông có đánh lại tụi tui không?
Ông quan Ba cười:
- Không, tôi là Quan Ba Tàu Thủy, tôi không phỉnh gạt các em
đâu.
- Lỡ đánh ông rôì tụi tui bị lính bắt bỏ tù thì sao?
- Nơi đây vắng vẻ, có ai biết đâu? Chính tôi đề nghị cái trò
chơi ấy cơ mà! Nào! Bây giờ các em xúm lại lột quần áo của tôi ra đi. Chúng
ta bắt đầu cuộc chơi rất hấp dẫn say mê này. Nào! Các em ra tay đi!
Tuấn cưòi bảo mấy đứa bạn cùng xáp vào thi hành “trò chơi“
ly kỳ, bí mật, mặc dầu chưa biết kết cuộc sẽ như thế nào.
Ðể kích thích sự can đảm của năm thiếu niên Annam, ông Quan
Ba tự cởi hết áo quần ra.
Tuấn lấy sợi giây dừa, cùng bốn đứa bạn bắt đầu trói tay trói
chưn ông Tây… Nói đúng ra năm cậu con nít này đều có cảm tưởng đang làm một việc
động trời, cho nên trò nào cùng còn sợ sệt ngại ngùng. Ai mà khi không dám cầm
roi quất vào mông đít một ông Tây? Lại là ông Tây quan Ba? Nhưng ngẫu nhiên
được cơ hội đánh Tây, Tuấn tỏ ra hăng hái nhất. Tuy rằng cậu không có thù oán
gì ông Tây quan Ba này, trái lại, từ lúc mới gặo cho đến bây giờ, cậu và bốn đứa
bạn đều kính mến ông và được hân hạnh chơi thân với ông, nhưng sẳn “trò chơi“
kỳ quái và nguy hiểm này chính ông Tây bày đặt ra, và chính ông van lơn, năn nỉ
các trò đánh đập ông. Tuấn bổng nhiên cảm thấy từ trong thâm tâm nổi dậy sự vui
thích dã man được đánh một ông Tây cho thỏa lòng “ái quốc hận thù“. Ðó là ảnh
hưởng đột ngột và đầu tiên của những bài thơ ái quôc mà cậu đã đọc lén trong
hai tờ báo bí mật “Việt Nam Hồn“ và “Le Paria“.
Sự “căm thù“ hoàn toàn vô ý thức, vì không lý do gì cả đối
với cá nhân ông Tây Quan Ba rất hiền lành tử tế kia nhưng Tuấn sung sướng được
dịp cầm roi quất trót, trót!… thật mạnh, thật đau, trên hai mông đít trần truồng
của ông Tây, vừa chửi đã đời, vừa đánh đã đời: ”Tổ cha thằng Tây! Tao oánh
cho chết mày! Sao mầy qua lấy nước tao?... Sao mầy bắt bỏ tù vua Duy Tân của
nước An Nam?... Mẹ cha mầy!..."
Thật là một cơ hội hy hữu, vừa là một dịp đầu tiên trong đời
trẻ con của các cậu học trò trường Tây được đánh một ông Tây! Tuấn đánh nhiều
hơn cả, liên tiếp ba cây roi tre đều dập nát hết. Rôì đến phiên ba trò kia
cũng thi nhau mà đánh, mà chửi, một trò không dám đánh mạnh, một trò vừa đánh vừa
cười. Ông Tây vẫn nằm yên, sắp mặt xuống đất, tay chân bị trói chặt bằng mấy
vòng dây dừa to bằng ngón chân cái. Theo đúng lời căn dặn của “khổ chủ“ năm
trò đánh nát cả chục cây roi tre, để trên hai mông của ông chằng chịt những lằn
roi rướm máu, rồi gĩa muối thật cay để xát vào những lằn máu kia. Quái lạ làm
sao! Ông Tây vẫn nằm yên, không hề tỏ vẻ gì đau đớn cả, và không kêu la một tiếng. Nhưng khi năm bàn tay học trò xát mạnh muối ớt lên những lằn roi ứa máu, thì
tụi này nghe ông bắt đầu rên rĩ… Ông rên rĩ một giọng khoái trá, một giọng đê
mê… như tiếng mèo đực ôm ghì lấy mèo cái trong đêm khuya trên mái nhà.
Năm đứa học trò An nam không hiểu cái lối “chơi“ gì lạ lùng
quái gở của ông Tây.
Nửa giờ sau, “cuộc chơi“ chấm dứt. Mười cây roi tre đã dập
gãy xác xơ, nắm muối ớt chà xát trên mông ông Tây cũng đã hết rồi. Ông nằm rên
một lúc khá lâu, mắt nhắm riết gần mười phút đồng hồ, không quẫy cựa. Năm cậu học
trò ngồi xuống đất, hồi hộp đợi xem.
Tuấn khẽ bảo mấy đứa bạn:
- Nè, nếu ổng ngồi dậy la làng xóm, thì tụi mình chạy trốn hết
nhé. Ðứa nào đứa nấy lẻn về nhà nằm. Sáng mai đừng đi ra phố mà cũng đừng nói
gì cho ai biết chuyện nầy, tụi bay nghe?
Tất cả đều băn khoăn lo sợ. Trò Tuấn sợ nhất, vì chính trò cầm
đầu vụ này và trò đánh ông Tây hăng hái nhất.
Ông Tây mở mắt mỉm cười, tuy nụ cười hơi mệt nhọc. Ông nói
chậm rãi, uể oải, nhưng giọng nói thoải mái:
- Ah, mes enfants! C’est bien! C’est très bien! Merci!
Merci! (À, các con ơi, Giỏi lắm! Giỏi tuyệt! Cảm ơn …cảm ơn…)
Ông bảo tiếp:
- Maintenant, délivrez-moi de cette corde de coco. (Nào, bây
giờ các con hãy cởi hộ cái dây dừa ra cho ta).
Năm đứa học trò xúm lại mở dây trói ra cho ông rôì ông lấy áo
quần mặc vào . Ông móc túi áo lấy cho thêm mỗi đứa 2 đồng bạc, vừa nói lâm râm
trong miệng:
- Merci! Merci! (Cảm ơn! Cảm ơn!)
Ông và lũ học trò kéo nhau xuống thành phố. Dọc đường, Tuấn
hỏi cuộc “chơi“ lạ ấy có ý nghĩa gì, và ở bên nước Tây người ta thích chơi kiểu
đó làm sao?
Ông Tây mỉm cười đáp:
- Ðó là một lối chơi riêng của người Âu châu, nhưng chỉ có số
ít người thôi, nhất là những người ở Hải quân, vì họ đi ngoài biển tháng này
qua tháng nọ ít được tiếp xúc với đàn bà… nhưng các con đừng nói lại chuyện này
cho ai biết nhé!
Mấy cậu học trò vẫn chưa hiểu gì cả, và ông Quan Ba thuyền trưởng
chiếc tàu Orénoque, cũng không nói thêm câu nào nữa. Hình như ông mắc cỡ, cho
nên gặp chiếc xe kéo bánh cao su đáng đi lang thang kiếm khách, rung lạc leng
keng… leng keng, ông Quan Ba vội vàng nhẩy lên xe bảo chạy ra bãi biển.
Mấy hôm sau, chiếc Orénoque đã rời bến đi mất rồi. Tuấn mới
dám đem chuyện đánh ông Tây Quan Ba ra thuật lại cho một vài vị giáo sư nghe và
nhờ quý vị giải thích dùm cho… Nhưng tất cả các giáo sư Tây và Nam và mấy thầy
làm việc gần Tây đều không ai tin câu chuyện của Tuấn. Họ còn cho rằng Tuấn đặt
chuyện nói láo.
Câu chuyện thắc mắc “đánh ông Tây“ vẫn còn in đậm trong đầu
óc Tuấn mười mấy năm sau. Một hôm, ngẫu nhiên ở thư viện Hà Nội Tuấn đọc một
quyển sách Pháp nói đến các chứng bịnh về tình dục (maladies sexuelles), có tả
một câu chuyện giống hệt chuyện Tuấn đánh ông Quan Ba. Trong sách bảo lối “chơi“ bệnh hoạn ấy gọi là Flagellation (đánh roi). Nhưng vị bác sĩ, tác giả
quyển sách cũng không giảng giải rõ ràng, chỉ phân tích một vài triệu chứng đau
thần kinh mà thôi.
Vụ quan Ba tầu Orénoque do Tuấn và bốn đứa bạn nói cho nhiều
người nghe, vài hôm sau cả thành phố đều biết. Và sau đó tám tháng, chiếc
Orénoque trở lại cập bến, nhưng viên Công Sứ Pháp cai trị thành phố ra lệnh cấm
ông Quan Ba lên bờ.
Có lẽ để giữ thể diện và uy tín chung cho người Pháp ở An nam
chăng?
Tuấn và bốn đứa bạn vẫn khoe với mọi người rằng chúng đánh
Tây mà được Tây thưởng tiền! Lời khoe khoang của con nít còn khờ khạo, nhưng sự
ngẩu nhiên được đánh Tây tuy là một hành động máy móc do chính ông Tây kia xúi
dục để thỏa mãn một chứng bịnh tình dục của ông, nhưng không dè cũng chính là
khởi điểm một thỏa mãn thầm lén được “đánh Tây“ và “chửi Tây“ của mấy học
trò An nam 14, 15 tuổi đã đọc “Việt Nam Hồn“.
Tôi muốn đề nghị với bạn đọc, ta nán lại hơi lâu một tí trong
năm 1924 nầy. Tôi muốn phác họa bức tranh sinh hoạt của xã hội Việt Nam, và
riêng của thanh niên trong năm này đối với nhiều chi tiết nữa, về các phương diện
tinh thần và vật chất, để rồi sang năm 1925 chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc
thay đổi toàn diện, do một vài yếu tố chính trị gây ra một cách bất ngờ. Các bạn
sẽ thấy năm 1924 chấm dứt một giai đoạn của Lịch sử Việt Nam và đồng thời cũng
chấm dứt một thời niên thiếu của chàng trai đất Việt mà sau này người ta sẽ gọi
là Thế hệ thanh niên 1925.
Thế hệ này sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng trong Lịch
sử Dân Tộc cho đến năm 1945…
1924, sự tiếp xúc với người Pháp ở toàn cõi Việt Nam, trên
phương diện chính trị cũng như xã hội, đã được bình thường, sau tám năm thái
bình an lạc, kể từ cuộc thất bại gần như âm thầm của phong trào Duy Tân tháng 5
năm 1916.
Thời kỳ 1918-1924 là thời kỳ an ninh nhất trong Lịch sử đô hộ
của Pháp ở khắp ba cõi Nam Trung Bắc kỳ, và ngưòi Pháp thường hãnh diện cho là
thời kỳ “Thái bình của Pháp“, nhờ nước Pháp tạo nên, họ gọi là "La Paix
Francaise“.
Năm xứ Ðông Dương do họ cai trị, gồm có Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam
kỳ, Ai Lao, Cao Miên, họ gọi là Indochine Francaise và được dịch ra danh từ
chính thức là Ðông Pháp. Uy tín của người Pháp ở đây lúc bấy giờ thật là lớn
lao, địa vị của họ thật là bền vững, xét bề ngoài hình như không có sức mạnh
nào làm lung lay nổi uy quyền của họ.
Lá cờ Pháp với ba màu nổi bật, bay rực rỡ một mình trên ngôi
bá chủ, ngự trị khắp cõi bờ thuộc địa, uy nghi trên các thành quách lâu đài, phất
phới trên mái nhà tranh nhà ngói…
Việt Nam không có cờ, bởi lẽ rất giản dị là không có nước Việt
Nam! Chỉ riêng xứ Trung kỳ có lá cờ của Nam triều, nền vàng với một miếng cờ
Pháp chiếm một góc trên bên trái, nhưng cờ này chỉ treo nơi cửa Ngọ Môn ở Huế
và tại các tỉnh đường mà thôi. Dân chúng không ai treo cờ Nam triều (cũng có
chỗ gọi là cờ An Nam, có nơi gọi là cờ Khải Ðịnh. Từ 1932, cờ này đổi lại cờ mới,
kiểu khác, dân chúng gọi là cờ Bảo Ðại). Vả lại không ai bắt buộc phải treo “cờ An Nam“ cho nên không ai may cờ ấy làm chi cho tốn vải, vô ích!
Ở Nam Kỳ chỉ treo cờ Pháp, mà dân chúng gọi là “cờ Tam Sắc“. Ở Trung Kỳ và Bắc kỳ gọi là “cờ Tam Tài". Trò Tuấn có hỏi vài ông Tú
nhà Nho taị sao cờ Pháp (xanh trắng đỏ) lại goị là cờ tam tài, các cụ giảng
nghĩa: ”cờ Ðại Pháp gồm có Thiên Taì, Ðịa Tài, Nhân Tài, nên gọi là cờ Tam Tài“, Tuấn lại hỏi ai đặt ra danh từ ấy? thì các cụ chịu thua. Một cụ Cử trả lời
bông lông: ”Chắc là có một ông Quan An Nam nào đặt ra như thế, để quan Tây vui
lòng“. Một vài ông giáo sư Tây học trả lời cho Tuấn như sau đây: ”Mầu xanh là
tượng trưng nền da trời, cao siêu tột bực. Màu trắng là trong sạch tinh khiết,
quảng đại vô biên. Mầu đỏ là rực rỡ như vầng thái dương rọi khắp hoàn cầu.”
Nhưng Tuấn tò mò, ham học hỏi, muốn biết đến nơi đến chốn, bèn hởi thẳng một
người Pháp, ông Charol, giáo sư Sử ký. Ông này giảng rõ ràng cho Tuấn nghe:
"Lá cờ ba sắc của Pháp hồi khởi cuộc cách mạng 1789. Lúc bấy giờ nước Pháp
còn là một nưóc quân chủ chuyên chế, lá cờ của nhà vua là màu trắng, dân chúng
Paris nổi dậy đòi nhà vua phải chia sẻ quyền hành cho dân, và sau khi phá ngục
Bastille, đòi vua phải triệu tập một hội nghị nhân dân. Chính trong hội nghị ấy,
nhà lãnh tụ La Fayette đề nghị bỏ lá cờ trắng có hoa huệ (drapeau blanc fleur
de lys) của vua, mà thay vào cờ của dân chúng thủ đô Paris, kèm hai bên màu trắng
của vua. Lá cờ tam sắc được dân chúng hoan hô nhiệt liệt và từ đấy được coi là
cờ cách mạng. Ðến khi tòa án nhân dân diệt Vua Louis XVI và Hoàng Hậu Marie
Antoinette để thành lập chính phủ Cộng Hòa, lá cờ tam sắc vẫn được chính thức
nhìn nhận là lá cờ của Cộng Hòa Pháp quốc, lá cờ của nhân dân Pháp.
Tuấn nghe ông Giáo sư Pháp giảng rõ lịch sử lá cờ tam sắc, liền
nhớ lại những lời giảng qua văn chương triết lý của mấy cụ nhà Nho và mấy vị
giáo sư “An nam“. Tuấn nghĩ rằng các ông ấy chỉ muốn đề cao nước Pháp, và những
kẻ nào đã đặt ra danh từ “cờ Tam Tài“ cũng chỉ có mục đích nịnh bợ người Pháp,
không cần căn cứ đúng trên ý nghĩa lịch sử chân chính của nó.
Trừ các nhà Cách mạng An nam đã đi ở tù, hoặc bị đầy nơi xa (như đã nói ở một chương trên) còn hết thảy những người trí thức Nho học và Tây
học mà trò Tuấn được dịp tiếp xúc, đều khen Tây và phục Tây sát đất.
Như thế, xét về tình hình toàn diện đến cuối năm 1924, thì
quyền bá chủ của người Pháp ở Ðông dương đã được mặc nhiên công nhận. Không ai
chối cãi rằng nước Pháp quả thật văn minh tiến bộ về khoa học hơn nước ta nhiều.
Một số trí thức Tây học đã không ngần ngại, trong sách báo
cũng như trong các bài diễn thuyết trước công chúng, tán dương vai trò lãnh đạo
của nước Pháp, mà họ hãnh diện suy tôn là bậc nhất hoàn cầu.
Nhiều nhà báo kỳ cưụ ở Nam kỳ thuộc vào hạng thượng lưu và
trung lưu vẫn thường nói: ”Thầy Ðại Pháp của chúng ta“. Các nhà Nho-học và
Tây học ở “Trung, Bắc lưỡng kỳ“ lại ưa dùng những danh từ mới, mới đặt ra
trong thời kỳ ấy, - những danh từ rất thịnh hành mà người ta thường gặp luôn
trong các sách, báo do các nhà “Trí Thức An nam viết, và các bài diễn văn, như: Khai hóa, đuốc văn minh, mẫu quốc, nhà nước bảo hộ, quan thầy Ðaị Pháp v.v…
và những câu đại khái như: ” Nhà nước Ðại Pháp đến khai hóa cho dân An Nam ta“, “dân An Nam ngày nay đã văn minh tiến bộ, ta phải nhớ đến công ơn Quan Thầy
Ðại Pháp“ v.v… và v.v…
Nhiều người ưa lý sự nhất trong tỉnh, những tay ăn nói cừ nhất,
thuộc về hạng trung lưu, nếu không dua nịnh người Pháp, thì cũng cho rằng người
Pháp cai trị xứ An Nam là một việc dĩ nhiên, không đem ra làm một đề tài mổ xẻ
chỉ trích phê bình gì nữa cả.
Duy có tụi thiếu niên học sinh là ngây thơ chưa biết gì.
Chính là học trò trường Nhà Nước, học chữ Tây đã khá, nói tiếng Tây đã trôi chảy,
viết chữ Tây đã thông thạo văn phạm, đã biết diễn tả những câu văn bóng bẩy,
chính bọn trai trẻ An Nam ấy đang được thấm nhuần văn học và khoa học tiến bộ của
Pháp lại có những nhận xét hơn người lớn. Một vài việc mà Tuấn cũng như các bạn
cùng thế hệ thanh niên, được mắt thấy tai nghe rõ ràng, đã gieo trong đầu óc của
các trò một ý nghĩ không tốt đẹp gì cho người Pháp cả. Như việc ông Gabriel,
giáo sư Toán, đã chửi người An Nam là “giống dân bẩn thỉu “ - Sale race - là “bọn dã man“, - sauvages, - đã gây trong tâm trí các trò một mối căm hờn ngấm
ngầm không dám thố lộ. Hoặc giả như vụ ông Quan Ba tàu Orénoque đã bày ra trước
mắt Tuấn và mấy đứa bạn, một “trò chơi“ kỳ quái, ngoài sự tưởng tượng của tụi
thiếu niên học sinh.
Một buổi chiều ngồi hóng gió trên bải biển Quy Nhơn. Tuấn nhắc
lại vụ kia với mấy đứa bạn, rồi phê bình: ”Thế thì người Pháp rất văn minh cũng
có những cái rất dã man đấy! Những kẻ nịnh Tây bợ Tây, có lẽ chỉ thấy bề mặt của
Tây mà không thấy bề trái của Tây…”
Ðó là một vài ý nghĩ rất giản dị của các cậu học trò đã được
tiếp xúc gần gủi với Tây.
Biết bao nhiêu người Pháp đã làm cho Tuấn thán phục văn
chương, tư tưởng, triết lý, khoa học của Pháp. Tuấn đã nghiền ngẫm say mê những
tiểu thuyết hấp dẫn của Bernardin de Saint Pierre, của Lamartine,
Chateaubriand, Alphonse Daudet, những bài thơ bất hủ của Victor Hugo, Théophile
Gauthier, André Chénier, Alfred de Mausset, những bản kịch thâm thúy, cao siêu,
xúc động của Corneille, Racine, những thuyết minh khoa học, y học của
Lavoisier, Pasteur…, những cử chỉ anh hùng, những danh ngôn thâm thúy của
Danton, Mirabeau, La Fayette, Napoléon…
Còn biết bao nhiêu những danh nhân khác nữa, mà Tuấn đã học hỏi
say mê trong các sách giáo khoa Pháp của lớp Ðệ Nhất niên!
Ấy thế mà chỉ có vài người Pháp, một giáo sư Toán chửi Tuấn
là “giống An Nam bẩn thỉu“, ”người An Nam mọi rợ“, và một viên Quan Ba tàu
thủy cởi trần truồng bảo mấy đứa học trò cầm roi đánh vào mông đít và xoa muối ớt
lên những lằn roi rướm máu, hai người Tây điển hình ấy đã làm cho Tuấn tự nhiên
mất hết nhiều lòng yêu chuộng say mê của Tuấn đối với cả một nước Pháp đầy rẫy
những danh nhân vĩ đại!!.
Tuấn, thiếu niên nước Việt, tâm hồn còn ngây thơ, trong trắng,
đã bắt đầu nhìn thấy một vài khía cạnh thực tế khả ố, khả bỉ của nước “Ðại Pháp
“văn minh oai vệ kia.
Tuy thế, tụi “lắc-léo-me-dòng-lô”, vẫn lo học hành yên ổn,
tính nết vẫn ngoan ngoãn giữa một xã hội đầy ngập ảnh hưởng Pháp, mà từ quan đến
dân đều một loạt cúi đầu tuân theo Nhà Nước Bảo Hộ. Từ Bắc chí Nam, tuy ba miền
sống trong ba chế độ và hoàn cảnh chính trị khác nhau, nhưng trên bình diện tâm
lý xã hội, đại để vẫn là một xã hội trưởng giã, nửa tân nửa cựu, nửa An Nam, nửa
Tây, riêng biệt hẳn, dưới một tầng thấp kém đối với các lớp “trưởng giã thuộc địa“ của người Tây.
Mọi người dân đầu an tường thủ phận, hầu như thỏa mãn trong cảnh
sống thái bình, mà các cụ nhà Nho gọi là “quốc thái dân an“ dưới quyền đô hộ của
“Quan Thầy Ðại Pháp“.
Kỳ nghỉ hè năm 1925, trò Tuấn về ở chơi nhà bà ngoại trong một
làng ở gần giãy Trường Sơn. Một buổi chiều, mặt trời gần lặn, bổng có một ông
Tây đóng lon Quan Một cỡi con ngưạ ô, với bốn người “Lính Tập“ đi bộ, từ ở đồn
Huyện cách đó 10 cây số, đi thanh tra các làng gần núi. Quan Một ghé ở đêm tại
nhà ông Xã. Nửa giờ sau cả làng đều biết tin.
Trẻ con hàng xóm chạy trốn hết. Vài ba đứa ẵm em, thân thể
trần truồng, bẩn thỉu, mũi dãi lòng thòng, còn chơi ngoài đường, cha mẹ chúng
nó liền gọi chúng vào nhà và rầy la, không cho chúng bước ra khỏi ngõ. Họ sợ
ông Quan Tây. Trò Tuấn quen tánh tò mò, mặc áo cụt, mang guốc, đến nhà ông Xã
để xem ông Tây làm gì. Các ông Hương chức đều đến đông đủ để chào Quan Một.
Ông Quan ăn bánh mì và cá mòi hộp của ông đem trong môt cái "sac", rồi
uống một tô nước trà tươi do dân làng nấu. Bà Xã và cô con gái nhỏ của bà thì
vội vã làm thịt ba con gà mái và dọn một bữa cơm như mâm giổ có hai dĩa cá, ba
dĩa thịt, một bánh tráng, với hai chai rượu, đãi bốn “bác lính“. Họ ăn uống
say sưa, ở nhà giữa, đòi hỏi đủ thứ, trong lúc ông xã khăn đen áo dài, trải chiếc
chiếu hoa trên tấm ván gỗ trước bàn thờ ông bà, để mời Quan Lớn nằm nghỉ. Ðêm ấy,
ông Xã và cả gia đình nằm ngủ trên đất nhà bếp, nhường mấy tấm phản và chiếc
giường tre kê ngoài hè cho bốn bác lính Tập nằm.
Vào khoảng 9 giờ đêm, có lẽ tại trời nóng nực qúa ông Tây ngủ
không được, ông cưỡi ngựa ô đi lang thang trên các đường làng. Ông đi một
mình, không có lính nào đi theo hộ vệ cả. Trời sáng trăng, ông đi quanh khắp
các xóm, dưới bóng các bụi tre. Ông đi tới đâu, chó sủa tới đó, rồi dần dần tiếng
chó sủa vang dậy khắp cả xóm trên, xóm dưới. Chó An nam cũng biết đánh hơi người
ngoại quốc hay sau mà Tuấn ngồi ngoài ngõ hóng gió, nghe tiếng chó sủa náo động
nhất ở xóm nào thì biết ông Tây cởi ngựa đi qua xóm ấy. Khi ông cởi ngựa ngang
qua ngõ nhà bà ngoại của Tuấn, con chó Vện trong sân nhảy vồ ra sủa, bị ông Tây
cầm roi cá đuối quất một cú thật mạnh trúng ngay lưng nó. Con Vện kêu ẳng ẳng
mấy tiếng, vừa chạy vô bụi sủa ra càng giận dữ hơn. Tuấn cũng phẩn uất đứng dậy
nói một câu tiếng Pháp:
- Vous avez fait du mal à mon chien, monsieur. (ông đánh con
chó của tôi đau điếng đấy, thưa ông).
Viên quan Một quay lại ngó Tuấn, rồi gò cương ngựa hỏi cậu bé:
- Tiens! Tu parles francais? (À, mày nói tiếng Pháp?)
Tuấn đáp:
- J ’ en sais à peine quelques mots. (Tôi chỉ biết qua loa
đôi ba tiếng)
Ông Tây xuống ngựa, cột ngựa vào một gốc cây rồi đến gần Tuấn. Tuấn nhìn kỹ thấy khuôn mặt của ông Tây còn trẻ và na ná giống An nam. Tuy
nước da trắng, tóc quăn, nhưng đặc biệt cái mũi không cao, tròng con mắt đen và
tóc cũng hơi đen. Tuấn ngạc nhiên, vì tất cả những người Pháp mà Tuấn biết được
chục người, kể cả các giáo sư đều mũi cao tóc hoe, mắt thau, hoặc xanh, hoặc đục
ngầu. Vả lại giọng nói của ông Tây Quan Một cũng không thật là Tây lắm.
Ông hỏi, Tuấn trả lơì bằng tiếng Pháp. Một lúc sau, có lẽ
ông thích nói chuyện với một thằng học trò ở nhà quê nói được tiếng Tây chút
ít, ông cao hứng bảo nó (dĩ nhiên là ông nói tiếng Pháp), nhưng đây xin chép
lại bằng tiếng Việt:
- Mẹ tao cũng là người An na mít, nhưng bà không phải là một
nhaque. Tuấn không hiểu hai chữ "nhaque“, và hơi thắc mắc sao tiếng Pháp
lại có một chữ lạ lùng như thế. Thấy Tuấn trố mắt ngó, ông cười hỏi:
- Mày hiểu một “nhaque“ là gì không?
- Thưa không, tôi chưa thấy chữ ấy bao giờ cả.
- Mày có một quyển tự điển Larousse?
- Thưa có.
- Thế thì mày thử tra trong đó xem. Mày có tìm hết cả quyển
Larousse cũng sẽ không thấy chữ ấy đâu? Nhaque là nhà quê.
Ông Quan Một nói tiếp:
- Tao, tao cũng nói tiếng an-na-mít giỏi lắm, nhưng tao không
nói, bởi vì đó là tiếng nói của những người nhaque. (Ông đọc theo giọng Tây là
gnak!)
Trong lúc ông nnói chuyện với Tuấn, con chó Vện cứ chạy ra chạy
vào sủa mãi. Nó sủa oang oang lên, hình như muốn đuổi ông Tây đi phứt cho rảnh. Ông Quan Một cười, chỉ nó:
- Ngay như con chó của mày, nó cũng là một con chó nhaque.
Chó Tây đẹp hơn, và… lễ phép hơn (les chiens Francais sont plus jolis et
plus… polis).
Tuấn mắc cỡ, hết muốn nói chuyện với ông Quan Một. Bây giờ
Tuấn đã biết rõ ông là Tây lai, cha Pháp mẹ An nam, nhưng ông lại khinh miệt
người An nam quá. Ông cho tất cả người An nam đều là “gnak” chỉ trừ ra mẹ ông.
Tuấn hỏi lại, cũng bằng tiếng Pháp:
- Thưa ông, mẹ ông là người An-na-mít, mà bà có ghét người “nha que không"?
- Mẹ tao không phải là nhaque. Bà là con gái một vị đại thần ở
triều đình An nam. Nếu tao muốn, tao có thể làm một ông Quan Lớn An-na-mít,
nhưng tao thích làm ông Quan Tây hơn. Mầy cũng vậy, mầy đi học, sau này mày
thi đỗ, mày cũng sẽ là một ông quan nho nhỏ của nhà nước Ðại Pháp Bảo Hộ.
Tuấn cười bảo:
- Nếu tôi thi đỗ sau này, tôi sẽ không làm quan.
- Vậy thì mầy sẽ làm gì?
- Tôi sẽ làm thằng nhà quê.
Ông Quan Một nghiêm nét mặt, tỏ vẻ giận, và mắng Tuấn:
- Imbécile! (Mầy ngốc!).
Tuấn trả lời:
- Que voulez-vous? Mon père est nhaque, ma mère est nhaque,
j aimerais rester nhaque même quand je serais un licencié ou un
docteur-ès-Lettres… (Ông nghĩ coi, cha tôi là nhà quê, mẹ tôi là nhà quê thì
tôi cũng sẽ thích là nhà quê, mặc dầu chừng đó tôi sẽ là Cử nhân hay Tiến sĩ
Văn chương Pháp…)
- Mầy còn nhỏ quá, mầy chưa biết gì hết. Nhưng mầy nên biết
rằng ở Nam kỳ tất cả những người An-na-mites học ở Paris về, đỗ các bằng cấp Ðại
học Pháp vô dân Tây hết.
- Mỗi người có một ý thích riêng. Tôi còn nhỏ tuổi, tôi
thích học chữ Pháp, tôi rất yêu các Thi sĩ, Văn sĩ Pháp, các nhà Bác học Pháp,
các bậc anh hùng Pháp, nhưng tôi vẫn yêu nước An-nam hơn, tôi thích người
An-na-mít hơn, mặc dầu họ là nhà quê .
Tuấn bực mình vì con Vện nó cứ sủa hoài . Bây giờ nó lại đến
đứng dựa vào chân Tuấn và nhìn ông Tây Quan Một mà sủa mãi, sủa mãi . Tuấn cười
nói với ông Tây Quan Một:
- Thưa Quan Một, xin ông cho phép tôi đem con chó vào nhà cho
nó ngủ, kẻo nó cứ sủa hoài. Kính chào ông.
Khi ông Quan Một lên ngựa đi và trò Tuấn cũng quay trở vô
nhà, đã 11 giờ khuya, thì Tuấn thấy bà ngoại ngồi nấp sau hàng rào nghe lỏm
chuyện của cháu mình đối đáp với Quan Một. Nhưng không phải một mình bà ngoại
Tuấn, còn lù lù sau các bụi rậm đứng lên chín mười người đàn ông đàn bà lối xóm
đi ngả sau đến đấy rình nghe tự hôì nào.
Tất cả đều trầm trồ khen Tuấn:
- Chà! Thằng Tuấn nói tiếng Tây với ông Quan Một nghe hay
quá, hỉ!
Rồi họ xúm lại hỏi:
- Ông Tây nói chuyện gì vậy, Tuấn?
Tuấn cười đáp:
- Ổng nói chuyện ba-lăng-nhăng chơi cho vui, chớ có gì đâu.
Ba tháng sau, đúng một tháng sau ngày nhập trường, một buổi
sáng thứ Hai, hôì 10 giờ, anh cai trường vào lớp đưa một tờ giấy cho ông giáo
sư, ông giáo xem xong bảo Tuấn lên văn phòng quan Ðốc.
Ông Ðốc trừng mắt ngó Tuấn:
- Mầy là một thằng có đầu óc xấu (un mauvais esprit).
Tuấn ngơ ngác chưa hiểu gì, thì ông “Ðìa-réch-tơ“, một nhà
mô phạm Pháp rất nghiêm khắc, nói tiếp:
- Trong kỳ nghỉ hè, mầy nói chuyện gì với ông F. trong khi ông
đi kinh lý trong làng mầy?
Tuấn sợ hãi, ấp úng không trả lời được. Vì Tuấn không ngờ
câu chuyện phiếm đối đáp với ông Tây-lai Quan Một trong đêm hè trước cổng nhà
bà ngoại, đã lọt đến tai ông “Ðìa-réch-tơ“. Chắc là ông Quan Một không bằng
lòng một vài lời nói của Tuấn, và viết thư mét ông Ðốc chăng?
Ông Xã trong làng đã cho Tuấn biết trước rằng, sáng hôm sau
ông Quan Một có hỏi ông Xã về “đứa học trò nói được tiếng Tây đó là ai?“. Ông
Xã có nói rõ cả tên họ, học trường nào, và ông Quan Một có ghi trong một quyển
sổ mà ông đem theo để biên chép những điều ông nghe thấy trong các hương thôn.
Tuấn bị ông “Ðìa" mắng cho một trận nên thân.
CHƯƠNG 28
1920 - 1024
- Thầy giáo "trai gái với học trò" là một việc
"động trời"! Bị hội đồng Kỷ luật nhà trường khiển trách và đổi đi
nơi khác.
- Thanh niên và học sinh nam-nữ không bao giờ biết dùng câu
"anh yêu em", "em yêu anh" và ít dám chơi thân vơí nhau.
- Một thầy giáo "Cộng sản" bị các đồng chí bóc lột
lấy luôn cả vợ thầy làm "của chung".
1924, thầy giáo mà yêu học trò là một điều hy hữu, một việc
“động trời“ không những gây ra dư luận xôn xao ở trong học đường mà “tai tiếng“ còn tràn lan cả thành phố. Không riêng gì ở Quy Nhơn nơi Tuấn đang trọ học,
mà ở khắp các trường học trong nước, ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ, Nam kỳ, mặc
dù Nam kỳ là thuộc địa của Tây, sống dưới một luật pháp tự do rộng rãi hơn. Tiếng
thông thường chưa gọi là "yêu". Người ta bảo:
* Thầy giáo “trai gái“ với học trò - tiếng miền Trung
* Thầy giáo "phải lòng" cô học trò - tiếng miền
Bắc.
* Thầy giáo "mèo" với học trò - tiếng miền Nam.
Mối tình ấy bị coi là “vô luân thường“, “vô đạo đức“, bị
dư luận của các gia đình phụ huynh học sinh, dư luận của toàn thể xã hội, phê
bình nghiêm khắc. Không một ai bênh vực che chở cho cuộc "tình duyên tội
lỗi“ ấy.
Tuấn còn nhớ hồi học lớp Nhất ở tỉnh nhà, một thầy trợ giáo độ
20 tuổi ở Huế mới đổi tới, dạy học suốt một niên khóa mà không bao giờ dám nói
một câu bông đùa với bốn cô học trò, 16, 17 tuổi trong lớp. Nữ sinh và thầy
giáo không hề trao đổi một nụ cười, một tia mắt, hoặc hỏi han một câu gì ngoài
những bài học trong chương trình. Các cô đề xưng với thầy một tiếng “con“ rất
cung kính.
Ấy thế, mà khi Tuấn vào học trường Trung học Quy Nhơn lúc gần
mãn niên khóa, bỗng dưng nghe xẩy ra một chuyện thầy giáo “trai gái“ với học
trò. Không phải ở lớp Tuấn, vì từ lớp Ðệ nhất niên (1ère Année) trở lên,
không có nữ sinh. Những cô thi đỗ bằng "Primaire“ ở các tỉnh đều ra Huế
học trường Ðồng Khánh, trường Nữ Trung học duy nhất, lừng lẫy tiếng tăm ở Trung
kỳ.
Lớp Nhất trường Quy Nhơn có 6 cô nữ sinh: Yến, Nhạn, Lài, Thục,
Trâm, Anh. Trò Tuấn nhớ tên sáu cô là nhờ một đêm trời mưa, trò có đến chơi
nhà trọ của bốn cô sau, và làm một bài thơ đùa nghịch tặng các cô:
Yến, Nhạn đa tình,
Trâm, Anh: duyên trinh
Thục: lưng quần đỏ,
Lài, nhỏ xinh xinh.
Yến và Nhạn là hai chị em ruột, con gái một bà Quan Lớn, góa
chồng mà học trò đồn là tình nhân của ông “Ðià-réc-tơ“ và cả của ông Gabriel,
giáo sư Toán. Bà rất đẹp, và hai cô cũng rất đẹp, có vẻ quí phái, trông đa
tình ghê. Trâm và Anh độ 15, 16 tuổi, duyên dáng mặn mà, lại hay bẽn-lẽn, đi học
cứ che nghiêng cái nón gò-găng, sợ học trò con trai nhìn mặt. Thục, nước da
ngâm ngâm đen, đi rất chững chạc, và chuyên môn mặc quần trăng đầm đen mà lưng
quần thì may bằng vải cầu kiều đỏ lóe. Trò Tuấn cứ chế nhạo cái mầu đỏ ấy hoài,
nhưng Thục không bao giờ thay lưng quần màu khác. Cô Lài, con gái bà chủ trọ của
các cô, người nhỏ bé xinh xắn, và rất vui tính, cứ theo chọc trò Tuấn hoài.
Nói đúng ra, thì cô nào cũng ưa “phá rầy“ trò Tuấn, và những đêm trời mưa. Chủ
Nhật, thứ Năm, Tuấn thường đến nhà trò chuyện với bốn cô. Tuấn nói chuyện đời
xửa đời xưa, chuyện tam hoàng ngũ đế, chuyện rồi ngâm thơ đánh đàn, hoặc chỉ
dùm các cô về Pháp văn, vì cô nào cũng ngán văn phạm. Bốn cô cứ ra phố mua kẹo
thèo lèo, một xu được một gói, về lo lót cho Tuấn, để nhờ Tuấn “gà“ cho bài Luận
Pháp văn.
Lần nào thầy giáo chấm bài luận của bốn cô cũng cho nhiều điểm. Tụi học trò con trai lớp Nhất cứ thua điểm bốn cô con gái, và bị thầy la rầy,
tức mình đi rình các cô, nhưng không bao giờ bắt gặp các cô mua kẹo thèo lèo để
hối lộ cho Tuấn . Mãi sau này, ba bốn chục tuổi, Tuấn vẫn ghiền kẹo thèo lèo,
nguyên do cũng tại các cô ấy. Tuấn đánh đàn không hay, chỉ từng tứng tưng một
đôi bản hành vân, lưu thủy, thơ thì tập tểnh năm ba vần cóc nhái, nói chuyện
thì lung tung thiên địa, nhưng bốn cô học trò lớp Nhất lại thích chơi với Tuấn. Có lẽ vì Tuấn học lớp trên, và chỉ có Tuấn là thường đến nói chuyện vui với
các cô trong những đêm mưa buồn, ơn-ớn lạnh…
Các trò khác mắc cở, đâu dám bước chân đến căn nhà trọ mỹ miều
nghiêm trang ấy. Nhiều đêm trời mưa tầm tã, các cô muốn Tuấn ở lại, Tuấn kể những
chuyện tình Tây phương rất cảm động, mà Tuấn đã đọc trong các bộ tiểu thuyết
Pháp, Graziella chẳng hạn, hoặc Andromaque, Télémaque, La Dame aux Camélias, bốn
cô hồi hộp ngồi nghe, bốn cặp mắt huyền mơ cùng uống trên môi Tuấn những lời
ngây ngô thơ mộng. Cho đến hai ba giờ khuya, nghe dứt chuyện, bốn cô say sưa
lăn ra ngủ trên giường, trong chiếc mùng trắng xóa. Trò Tuấn cũng buồn ngủ quá
rồi, nằm chèo queo trên chiếc ghế dài, lạnh ngắt. mưa dầm dề, gió rít hiu hiu. Trò thiu thiu ngủ, nhưng vẫn cảm thấy như có mấy bàn tay dịu dàng khẽ đắp lên
cho trò hai chiếc chiếu hoa. Lúc bấy giờ chưa có mền. Ngọn đèn Huê-kỳ hết dầu
đã tắt ngấm từ bao giờ.
Một số đông học tr lớp Nhất và lớp Ðệ Nhất niên đồn đãi rằng
trò Tuấn “trai gái“ với bốn cô học lớp Nhất, ở trọ nhà bà Mười. Nhưng đấy chỉ
là lời đồn xuyên tạc, hoàn toàn “vô căn cứ“. Chứ “trai gái“ làm sao được với
bốn cô một lúc, và trò Tuấn mới có 16 tuổi, các cô học lớp Nhất cũng mới có 14,
15 tuổi thì biết gì mà trai gái?
Nói có Trời làm chứng, trò Tuấn với bốn cô bạn gái có giao du
thân mật với nhau thật sự, nhưng chỉ thân mật trong cái vòng lẩn quẩn loanh
quanh của tình học trò, chứ chưa bao giờ họ trao đổi với nhau một lời hứa hẹn “tơ lơ-mơ“, hoặc một câu tâm tình say mê rạo rực.
Năm 1924, trong đám học sinh “An nam“, chưa ai được nghe
văng vẵng câu: ”anh yêu em“ hay “em yêu anh“. Mặc dầu là những học trò đã
to đầu, lớn xác, học ở các lớp Ðệ Nhị, Ðệ Tam niên, cũng chưa ai biết hôn môi,
hôn má là gì. Không bao giờ người ta thấy bóng một cặp thanh niên, thiếu niên
nam nữ, đi chung với nhau ngoài phố, hay bất cứ ở đâu. Con gái riêng phần con
gái, con trai riêng phía con trai, gặp nhau trước cổng trường, cũng đi né sang
bên, trông thấy nhau ngoài đường phố cũng không đứng lại ngó nhau cười, hay nói
vài ba câu chuyện.
Chuyện “trai gái“ không phải là không có. Ở thời nào, nơi
nào mà không có “trai gái“. Nhưng “trai gái“ chỉ viết một vài lá thư kín đáo
gởi lén cho nhau, thêu cho một vài chiếc khăn, gởi cho một vài chiếc bánh… Thế
thôi.
Dù có thề non hẹn bể cũng chỉ trên giấy mực, tuyệt nhiên
không có cô cậu nào dám cắp tay nhau đi nhởn nhơ ngoài phố, hay đem nhau ra ngồi
ngoài bãi biển, hay trên động cát mênh mông.
Ấy thế mà bổng nhiên xảy ra vụ thầy giáo lớp Nhì “trai gái“
với cô học trò trong lớp, làm câu chuyện đầu môi cho toàn thể mấy trăm học trò
cả trường.
Thầy còn trẻ, người Huế, vào khoảng 20,21 tuổi, chưa có vợ.
Cô học trò cũng người Huế, độ 14, 15 tuổi. Một buổi tối, khoảng 8 giờ, trò Tuấn
đi lang thang hóng gió trên con đường vắng vẻ trước trường. Tình cờ trò thấy
hai bóng trắng trong một xó tối gần một ngôi mộ vôi. Ðường này xưa có tiếng là
có nhiều ma, vì trước kia là một nghĩa địa, mồ mả ngổn ngang trên một động cát
hoang vắng.
Tưởng hai bóng trắng là hai con ma, Tuấn vụt chạy. Một lúc
sau, một cậu học trò khác đi xe đạp ngang qua đấy, trông thấy hai bóng trắng
cũng tưởng là ma, cũng cấm đầu khom lưng đạp xe thật nhanh. Hai trò gặp nhau ở
trước cửa nhà Lao, cậu nào cũng hớt hơ hớt hãi nói chuyện với một người lính tập: ”có hai con ma mặc toàn đồ trắng hiện lên ở chỗ Mả Vôi ngoài gốc sân trường". Người lính tập bảo: ”Ma đâu nào? Các cậu chỉ tôi xem, tôi oánh nó chết ngay
bây giờ“. Người lính mang súng đi với hai cậu học trò trở lại chỗ Mả Vôi Hai bóng trắng đứng sát gần nhau, và yên lặng, không nhúc nhích. Người lính nạp
đạn vào súng rôì hô lớn: ”Có phải ma không? Tôi bắn chết chịu đấy nhé“. Bổng
“ma“ cất giọng run run: ”Không phải ma. Ðừng bắn tụi tui“. Ma nói giọng
Huế. Người lính lại bảo:
- Không phải ma, thì ai? Xưng tên lên, không thì tôi bắn.
Ma tự giới thiệu:
- Tôi là thầy giáo.
Ma đủng đỉnh đi ra…
Tuấn vẫn còn lạnh xương sống, vì trò nghe người ta nói rằng
ma thường giả dạng làm người. Bóng ma mỗi lúc mỗi hiện ra rõ rệt với chiếc áo
dài trắng, quần trắng, tà áo phất phơ trong gió. Tuấn chăm chú nhìn dưới chân
ma, nếu phải là ma thì chân đi lơ lửng trên không khí, còn trái lại nếu chân đạp
trên đất thì đúng là người . Tuấn vô cùng ngạc nhiên thấy bóng trắng bước đến gần
trò chính là thầy giáo lớp Nhì, thầy L.
Lễ phép, Tuấn và người học trò kia đều khẽ cúi đầu: ”Thưa
chào thầy“.
Câu chuyện tò mò của bác lính tập và hai cậu học trò đáng lẽ
đến đây có thể chấm dứt được rồi. Không dè bác lính tập quái ác, lấy tay chỉ một
bóng trắng còn đứng yên bên Mả Vôi trong bóng tối lờ mờ ghê rợn, vì đường phố
không có đèn. Y hỏi:
- Còn con ma nào kia nữa?
Thầy giáo lớp Nhì lính… quýnh, bập bẹ trả lời:
- Cô em… em của tôi đấy.
- Kêu em thầy ra đây. Sao lại đứng đó?
Bóng trắng cứ đứng yên một chỗ. Người lính hăm dọa:
- Không ra đây, tui bắn chết chịu à!
Bây giờ trò Tuấn mới nhận thấy là người lính tập hơi say rượu,
giọng nói của y hơi lè nhè. Thầy giáo L. lên tiếng gọi:
- Ði ra, em!
Bóng trắng đủng đỉnh bước ra. Trời tối, Tuấn chưa trông rõ mặt,
chỉ thấy thoáng qua hình dáng thiếu nữ, Người lính say rượu hỏi:
- Cô làm gì chỗ cái Mả Vôi đó?
Giọng cô thiếu nữ Huế trả lời rất nhỏ:
- Dạ… có làm chi mô…
Tuấn bước kề lại xem, bổng reo to lên:
- Tưởng ai, cô Hoa học trò lớp Nhì đây mà!
Người lính tập say, tay cầm súng lại ngó thầy giáo và tiếp tục
hỏi:
- Thầy làm chi trong nớ với cô học trò nhỏ ni?
- Nó là… em… của tôi… Nó đi tiêu… nó sợ ma... tôi phải đi với
nó…
Người lính phá lên một trận cười làm tan vỡ cả bầu trời vắng
lặng. Anh ta quay lại ngó thầy giáo:
- Thôi, xin chào thầy, hỉ!
Giọng nói khôi hài, mỉa mai, cay đắng, điểm theo một tràng cười
kế tiếp, sặc sụa, vang cả động cát và khu Học đường. Người lính đi xa xa… biến
hẳn nơi mút đường tối om, nhưng tiếng cười của anh cứ còn văng vẵng… Hả! … hả!… hả!… hả!…
Hai cậu học trò cũng vụt chạy mất, để lại cho hai bóng trắng
còn tần ngần giữa đường, một chuổi cười hăng hắc…
Sáng hôm sau hai cậu phao ra cái tin “động trời“ cho cả trường
và cả thành phố Qui-nhơn hay: thầy giáo với cô học trò.
Mấy hôm sau, cô Hoa, học trò lớp Nhì không đi học nữa, và anh
“planton“ (tùy phái), nhà trường có thóc mách cho học trò biết rằng thầy Trợ
giáo lớp Nhì bị Conseil de Discipline (Hội đồng kỷ luật) của các giáo sư và
ông Ðốc khiển trách nặng nề. Ít lâu sau thầy bị đổi đi tỉnh khác. Theo mấy cậu
học trò ở Huế cho biết thì thầy giáo và cô học trò cả hai đều quê quán ở Ðế Ðô,
đã về làm đám cưới tại Huế trong kỳ nghỉ hè năm ấy.
Thà như thế còn hơn! Vì giá như trò Tuấn không trông thấy
hai bóng ma ở Mã vôi trong một đêm tối trời, thì biết đâu cuộc tình duyên vụng
trộm của thầy giáo và cô học trò lớp Nhì sẽ có thể đổ bể tùm lum ra nữa mà hậu
quả sẽ tai hại biết bao nhiêu.
Vụ Thầy giáo trai gái với học trò làm xôn xao dư luận ở học
đường và cả thành phố suốt một tháng trời. Thỉnh thoảng về sau, người ta vẫn
còn ưa nhắc lại. Nhưng riêng trong đám nữ sinh, không hề có một lời bình phẩm. Các cô mắc cỡ. Không ai bảo ai, tất cả các cô đều giữ thái độ hoàn toàn im lặng
trước tai tiếng ấy. Có lần Tuấn dựa hơi quen thân với bốn cô lớp Nhất, Trâm,
Anh, Lài, Thục, đánh bạo hỏi các cô:
- Sao, các cô có bênh vực con nhỏ học trò lớp Nhì với thầy trợ
giáo Liên không?
Tức thì cô Anh đánh vào cánh tay Tuấn một cái đau điếng:
- Anh Tuấn kỳ quá! Hỏi chi chuyện nớ?
- Hỏi cho biết chơi!
Nhưng không một cô nào muốn trả lờì, Tuấn mới kể lại câu chuyện
gặp ma (kể lần thứ ba, thứ tư…) và cười giỡn, cố ý tạo ra không khí thân mật
hơn để các cô thổ lộ vài câu tâm sự. Mãi khuya gần đi ngủ, cô Trâm mới vừa
ngáp vừa nói:
- Có con Hoa nó thành yêu, thành tinh như vậy, chớ con gái gì
mà lăng nhăng thế bao giờ.
Cô Lài cắt ngang:
- Ối! Nói làm chi chuyện xấu xa nớ mà nói hoài!
Tuấn lại hỏi cô Thục, cô lưng quần đỏ và giây lưng đỏ. Cô
này theo đạo Thiên Chúa.
- Còn cô Thục, cô nghĩ sao?
Thục đỏ mặt tía tia, hai mí mắt cứ chớp lia lịa. Cô mắc cỡ
không nói, hỏi mãi cô mới trả lời:
- Chúa không tha cho những tội lỗi như vậy đâu.
Tóm lại, thân lắm mơí được nghe các cô nữ sinh tỏ bày “quan
điểm“ và tất cả đều cương quyết kết tội thầy trợ Liên và cô học trò lớp Nhì.
Cả thành phố không có được một người đàn ông nào lên tiếng
bào chữa cho thầy trợ giáo, hoặc một người đàn bà, một cô gái, bênh vực cho cô
học trò lớp Nhì.
Trong hoàn cảnh “thuần phong mỹ tục“ của xã hôị An nam 1924
như vừa phác họa, thật không có chỗ nào cho một tình duyên tự do lãng mạn. Tôi
đã nói thế hệ ấy chưa dám dùng chữ “yêu“ và chưa có ai dám thực hiện “tình
yêu“ sỗ sàng công khai.
Ðôi “trai gái“ chỉ nói “thương“ nhau. Chữ “thương“ ấy
có thể chứa đựng một cảm tình rất thiết tha, nhưng vẫn lén lút, gìn giữ, sợ sệt. Cho nên có câu thông dụng “thương vụng nhớ thầm“ và truyền thống tình cảm vẫn
chặt chẽ ở Trung kỳ cũng như ở Bắc kỳ và Nam kỳ, ở thành thị trong đám trí thức
và thanh niên Tây học cũng như ở hương thôn.
Bây giờ tôi xin kể chuyện một thầy Trợ giáo lớp Năm, thật là
buồn cười. Không phải là một vụ trai gái, mà là một vụ “cộng sản“. Năm 1924,
Cộng sản đã bắt đầu tuyên truyền bí mật trong các giới gọi là “trí thức“ nhất
là giáo giới. Dĩ nhiên là “Quan Tây“ và “Quan An nam“ không hề biết một tí
gì về các sự kiện ấy, cũng như họ chẳng biết gì về hai tờ báo Le Paria và Việt
Nam Hồn (của Ðảng Ðộc Lập Việt Nam ở Pháp hoàn toàn không có dính líu gì với cộng
sản cả).
Trong toàn thể đám Ðốc học (Giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng đại
học Hà nội) và Trợ giáo ở Quy Nhơn, chỉ có mỗi một thầy trợ giáo lớp Năm là
theo lý thuyết Cộng sản, và thầy hiểu Cộng sản với ý nghĩa tuyệt đối giản dị là
tất cả của cải đều là của chung. Chính trò Tuấn cũng được thầy Trợ giáo lớp
Năm rủ đến nhà thầy chơi, và tuyên truyền. Hình như không những riêng ở nhà
trường, mà kể cả thành phố Quy Nhơn, chỉ có mỗi một thầy Trợ giáo lớp Năm là
theo Cộng sản, nghĩa là theo chủ trương như thầy thường tuyên bố: ”ở đời muôn sự
của chung. Không có vật gì là riêng của ai cả“.
Thế rồi một hôm có một anh thợ chụp hình (tuy là người thợ
chụp hình duy nhất trong thành phố, nhưng tiệm anh vẫn nghèo nàn) đến xin vô đảng,
và nói: "Tôi cũng xin theo làm cộng sản đệ tử của thầy“
Thầy mừng quá, và khi anh thợ chụp hình đã biết trước rằng thầy
có một cái máy chụp hình mới mua, anh hỏi:
- Thưa thầy Trợ, thầy đưa cho em cái máy đó để em dùng được
hông?
Trung thành theo thuyết cộng sản của thầy, thầy Trợ vui vẻ
đưa máy cho anh thợ chụp hình. Hai hôm sau, một thầy Thông làm việc ở sở Thương
chánh đến nói với thầy Trợ:
- Tôi đến đây xin làm đệ tử Cộng sản của thầy đây.
Thầy Trợ vui mừng nhận người đệ tử mới. Nhưng thầy Thông
Thương chánh biết nhà thầy Trợ có một máy hát và 20 đĩa cải lương, liền bảo: ”Thầy cho tôi cái phonographe và 20 cái Disques đó về vặn nghe hỉ?“
Thầy trợ rất sốt sắng trao máy hát và 20 đĩa hát cho người đệ
tử Cộng sản mới của thầy, cũng như thầy đã trao máy chụp hình cho anh “đồng chí“ thứ nhất.
Dần dần, trong 3 tháng, số người xin “làm cộng sản“ với thầy
Trợ rất đông. Mỗi người đệ tử mới đến đều xin của thầy một món đồ: từ cái đồng
hồ trái quít treo tòn ten trên vách tường, đến cái đồng hồ báo thức đặt trên
bàn thờ Ông Bà. Các đảng viên cộng sản của thầy lấy mà không đem trả lại, và họ
cũng không đưa cho các đồng chí khác để thay phiên nhau dùng theo thầy trợ căn
dặn.
Thầy trợ Tố (tên thầy) rất hãnh diện đã kết nạp được một số
“đồng chí cộng sản“ khá đông. Thầy rất vui vẻ, sốt sắng, thực hành đúng theo
đường lối chủ trương cộng sản của thầy, là trao hết các đồ dùng trong nhà cho
các đồng chí xử dụng. Thầy thường ưa thuyết cho Tuấn và các trò khác nghe rằng: Cộng sản là như vậy đó, nếu trên đời này ai cũng chia của đồng đều cho nhau,
đừng ai tham lam dành giữ làm của riêng mình thì sẽ có “thế giới đại đồng“.
Một hôm, cô Trợ than phiền rằng tất cả quần áo, chén dĩa, nồi
đồng, mâm thau, thầy đã chia hết cho hang xóm mỗi người một mớ, để họ đem về
nhà làm “của chung“, đến nỗi bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi một nồi đất mà thôi.
- Cộng là chung, sản là của. Cộng sản là của chung. Của
mình tức là của chung hết thiên hạ. Vợ của tôi, ai xin tôi cũng cho.
Cô Trợ tức mình và xấu hổ, ôm mặt khóc hu hu cả một buổi chiều. Thế rồi có một anh chàng đẹp trai, con thứ bảy của một ông thầy thuốc Nam,
anh ta đang soạn tuồng cải lương và định lập một gánh hát Bình Ðịnh - buổi chiều
đó lò dò đến nhà thầy Trợ, xin vào đảng Cộng sản. Thầy mừng rỡ đón tiếp và nhận
anh làm đồng chí, bảo cô Trợ pha trà đãi người đảng viên mới. Uống xong một
tách trà nóng, đồng chí cải lương tủm tỉm cười bảo:
- Thưa thầy, thầy cho em mượn cô Trợ về ở chung với em có được
không ?
Thầy Trợ cười hãnh diện:
- Ðược chớ. Của đời muôn sự của chung. Của tôi, tôi phải
chia cho người khác dùng. Của anh cũng vậy. Mình là cộng sản, phải thực hành
lý thuyết đó chứ… Nhưng anh mượn vợ tôi rồi phải trả lại cho tôi nghe không?
Ðồng chí cải lương cứ tủm tỉm cười:
- Dạ
- Chừng nào trả?
- Dạ, chỉ vài ba tháng, cô Trợ giúp tôi lập gánh cải lương
xong rồi tôi trả lại thầy, vì nghe nói cô Trợ có giọng ca tứ-đại-oán nghe mê.
- Ừ phải, vợ tôi ca tứ đại oán thì hay kinh hồn. Anh muốn mượn
vợ tôi thì tôi sẵn sàng cho mượn, nhưng ba tháng anh phải trả lại tôi nghe
không?
- Dạ, Thầy Trợ nói đúng quá. Vậy mới là Cộng sản chứ hỉ!
Cô Trợ nằm trong buồng nghe rõ câu chuyện, khóc thút thít,
nhưng không biết nghĩ sao, cô vùng đứng dậy, xách nón ra bảo chồng:
- Cơm chưa nấu, nghe! Cái nồi đất bể rồi. Thầy chịu khó đi
ra chợ mua cái nồi khác về nấu cơm. Tôi đi với anh này.
Nói xong, người đồng chí mới của thầy Tố chào thầy rồi cùng với
vợ thầy ra đi.
Nhưng câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Vì sáng hôm sau thầy
Trợ Tố đến nhà người đệ tử để bắt vợ về. Thế là có cuộc cải lộn rồi đánh lộn.
Vợ thầy trợ Tố lại xách nón ra đi, và lần này cô đi mất biệt, không ở với anh bầu
cải lương, mà cũng kgông trở về nhà ông chồng “Cộng sản“.
Kế đó, phong trào cộng sản của thầy Trợ Tố tự nhiên giải tán. Thầy Tố cũng bị đổi đi tỉnh khác.
CHƯƠNG 29
- Thuốc hút “Mélia“, sản xuất tại Saigon, được thông dụng nhất
trong nước, có hình Tây Ðầm hun nhau.
- Phong trào ca cải lương bắt đầu thịnh hành
- Một bài ca Hành vân bằng tiếng Pháp, được học sinh hoan
nghênh nhất.
- Chưa có “Báo Xuân“, Báo Saigon, Hà Nội, không có báo ở miền
Trung và các tỉnh xa.
- Một ông Chủ bút ở Saigon đến tỉnh, là cả một thần tượng đối
với thanh niên, học sinh
- Một nhóm “học trò lớn“ dự định hùn tiền vô Saigon lập một
tòa báo
- Lần đầu tiên một cậu học trò "tập tểnh“ viết báo.
Cuối năm 1924 cũng là gần hết năm Giáp Tý. Ðâu đấy đều bắt đầu
sửa soạn “ăn Tết“. Học trò các trường đều được nghỉ trước ngày 23 tháng Chạp
năm ấy là ngày 17 tháng giêng 1925, và nghỉ Tết được một tháng. Nửa tháng trước,
hầu hết học sinh quê quán ở tỉnh xa đều nhận được “mandat“ của cha mẹ gửi vào
cho để mua vé xe hơi về “ăn Tết“ ở tỉnh nhà. Trước khi tạm biệt thành phố, học
trò mỗi lớp tự động rũ nhau đi chúc Tết các vị giáo sư. Tuấn bây giờ thuộc về
lớp lớn, không như hồi năm trước còn đem quà bánh đến Tết thầy, và đọc diễn văn
mừng tuổi thầy . Chỉ học trò các lớp Tiểu học, từ lớp Nhất xuống lớp Ba, vẫn
còn giữ tục lệ tốt đẹp ấy. Học trò lớp lớn từ Ðệ Nhất niên Trung học trở lên,
không đọc chúc từ và cũng không dâng Thầy các lễ vật nữa. Không phải vì không
có lòng kính Thầy như xưa, nhưng vì một lý do rất dễ hiểu là hồi ở lớp Nhất chỉ
có một hai giáo sư, mà bây giờ mỗi lớp có đến 4, 5 vị Giáo sư. Học trò làm gì
có nhiều tiền mua sắm lễ vật đầy đủ để đi Tết tất cả ngần ấy ông giáo. Sau khi
bàn tính kỹ lưỡng, trò nào cũng muốn để dành tiền mua qùa và chơi Xuân, toàn thể
đều đồng ý đi tay không đến mừng tuổi suông 5 vị Ðốc học (giáo sư) An nam. Ðối
với ông Hiệu Trưởng và các giáo sư Pháp thì đã có một số đại diện đi chúc Tết
hôm đầu năm Tây rôì (Tết Tây).
Riêng trò Tuấn được bốn cô lớp Nhất để dành cho một món qùa
không ngờ. Trước hôm xách va li lên xe hơi về quê nhà ăn Tết, Tuấn đến thăm một
buổi tất niên tại nhà trọ các cô. Ngồi uống trà và nói chuyện vui đùa với nhau
một lúc, cô Anh mở rương lấy ra một gói thuốc hút Mélia. Lúc bấy giờ ở Trung kỳ
chỉ có mỗi một thứ thuốc gói Mélia đó mà thôi (Bastos cũng chưa có). Trong mỗi
gói thuốc Mélia đều có một tấm hình chụp một cặp Tây Ðầm hôn nhau rất tình tứ - và nhiểu kiểu Tây Ðầm khác nhau, tất cả đều say mê âu yếm, chụp ở Paris và
in mầu tuyệt đẹp. Học trò thích gói Mélia lắm nhưng không có tiền mua vì bán đắt
đến năm cắc bạc một gói, chỉ có các ông Giáo sư và các thầy Thông, thầy Phán có
tiền xài bảnh mới hút được thứ thuốc đó. Thỉnh thoảng trò nào xin được của ai
một tấm hình Mélia đem khoe, cả lớp xúm kại coi coi vẻ thèm thuồng lắm. Thuốc
Mélia lúc bấy giờ hút đắng nghét, còn tệ hơn các loại thuốc bình dân hiện nay,
nhưng nó quí là vì có tấm hình in Tây Ðầm hôn nhau, kèm trong bao thuốc bọc giấy
bóng, và nó lại là loại thuốc gói đầu tiên quấn bằng máy từ Saigon gởi ra bán mắc
tiền, chỉ những người giàu sang mới mua nổi. Kể ra, nó còn quý hơn thuốc thơm
Craven A hay 555 hiện nay.
Hôm Tuấn đến nhà trọ bốn cô Anh, Trâm, Thục, Lài để thăm tất
niên trước hôm về quê ăn Tết, cô Anh đưa cho Tuấn gói thuốc Mélia, và cười bảo: ”Tụi em biếu anh gói thuốc để Tết anh hút chơi“. Tuấn ngạc nhiên và cảm động
ngôì làm thinh một lúc Tuấn ngắm nghía tấm hình đôi trai gái Tây Ðầm hôn nhau
say mê, với một câu thơ Pháp in dưới bức hình:
Bonne année, parfait amour,
A Toi seul, à Toi pour toujours.
Loại thơ rẻ tiền, nhưng đối với tuổi trẻ thời bấy giờ thật là
đầy ý nghĩa thơ mộng:
Chúc mừng năm mớí, tình yêu diễm tuyệt,
Chỉ tặng Anh thôi, của Anh mãi mãi.
Tuấn nghẹn ngào nói không ra lời, nhưng cố nghĩ ra được vài
câu thơ, rồi mượn bút viết trên một mảnh giấy:
Một món qùa Xuân, cảm xiết bao!
Lấy chi đền đáp nghĩa thanh cao!
Vái trời phù hộ cùng thi đậu
Lài, Thục, Trâm, Anh, thỏa ước ao!
Thơ học trò chỉ làm được thế thôi, và không biết nói gì hơn nữa. Bốn cô Lài, Thục, Trâm, Anh, cũng sung sướng ngâm thơ, reo cười rộn rã. Tuấn
để dành gói thuốc Mélia để Tết hút lén, vì học trò thời bấy giờ không dám hút
thuốc. Nhất là để khoe với bạn bè tấm hình Mélia hiếm có.
1924, phong trào hát cải lương ở Nam kỳ mời tràn lan ra các tỉnh
miền Trung, được dân chúng hoan hô niềm nỡ. Tất cả học trò Trung học, Tiểu học,
và nhiều vị Giáo sư đều thuộc lòng một bài "Hành Vân“ bằng tiếng Pháp,
trích trong một tuồng Cải lương của một đoàn hát Cải lương Saigon đem ra diễn tại
rạp Quy Nhơn trước hôm Tết, như sau đây:
Tiếng Pháp:
Chers enfants…
Vous êtes de jeunes gens
Travaillez
Et rappelez-vous
Que le temps qui passe
Marche vite..
Et ne se retrouve jamais
Quand on veut qu il se rattrape.
Arbres qui poussent,
Sources qui coulent,
Pierres qui roulent
Marquent le temps qui s’ écoule,
S’ écoule
Un jour fuit,
Une bourse pleine d’ or
De notre trésor
Finira alors, alors,
Tout autre bien ira encore
Nous ne devons pas
Perdre ce riche trésor.
Phiên âm ra tiếng An nam thành điệu “Hành Vân“ trong tuồng
cải lương như sau đây:
Là sẹ cái dâng phần
Vu-dét đờ jơ-nơ-jâng,
trờ ra… mà ra vây đế
Ê-ráp-cái-pờ-lê-vu
Cờ lơ tân ki pạt
Mạc-sờ sờ vít .
Ê nơ xơ rờ-tờ-ru-vờ jă-me
Cân tong vờ kin sơ rất tờ ráp,
Ác-bờ-rờ-ki-pút
Xuộc-sờ ki cun
Pi-ẹ cái ki-ràn
Mạc-cờ lơ tang ki sệ cun, sệ cun,
Ùn jua fúy
Uyn-buộc-sơ-plen-dò
đờ-nốt-tờ-rê-dò
phi-ni-ra ạ-lo ạ-lo,
tú tốt tờ rờ-biển la-ra ân co
nú nơ… mà đờ-vông-pá
pec đờ-rờ xơ-rít trề-do.
Lấy đờn nguyệt đánh bài Hành Vân chữ Tây này nhịp với lời ca
nghe vui tai lắm.
Mấy cô học trò con gái cũng đều thuộc lòng, và một buổi trưa
thanh vắng Tuấn đã được nghe cô Lài ở lớp Nhất nằm võng ru em bài Hành vân “là
sẹ cái dâng phần“…
Tết về tỉnh nhà, Tuấn lại được nghe một bạn đồng hương học ở
Quốc học Huế về hát bài “Hò Sông Huơng“ như sau đây:
"Tiếng Pháp bồi":
Depuis que je te connais,
Jusqu ici six sept années
ở chàng, chàng ơi! ớ chàng! chàng ơi!
v.v…
Phiên âm ra tiếng Huế:
Ðờ-puy-cờ-jơ-tơ-cò nét
ớ chàng! chàng ơi!… ớ chàng, chàng ơi…
v.v…
Thế là mấy ngày Tết, Tuấn và mấy bạn học ở Huế về, cùng nhau
đánh đờn và hát toàn những bài hò và bản cải lương trên kia, coi bộ khoái lắm.
Bà con cô bác trong tỉnh, trong làng, cũng nghe say mê.
CHƯƠNG 30
1925
- Cụ Phan Bội Châu bị bắt giam ở ngục Hỏa Lò, Hà Nội, và bài
thơ của cụ Phan Chu Trinh làm xáo động tinh thần Nam Nữ học sinh toàn quốc.
- Đổng-sĩ-Bình, một ông Phán Tòa, làm cách mạng.
- Thư cách mạng trao đổi giữa học sinh các trường
- Điện tín của học sinh các trường gửi Toàn Quyền Varenne xin
ân xá cụ Phan.
- "Hiệp định 1925" giữa Pháp và Triều Đình Huế
- Quyển "Đông Dương Hôm Qua và Hôm Nay" phát không
cho học sinh Trung Nam Bắc.
Toàn thể thanh niên trong nước, đến năm 1924, đang sống cuộc
đời học sinh yên tỉnh, vô tư, chỉ lo ăn học, và vui chơi trong ngày Chủ nhật với
những cuộc giải trí thông thường. Kẻ rủ nhau đi dạo về quê bằng xe đạp, người ở
lại thành phố thì đá banh, tụ họp bạn bè trò chuyện, đi tắm sông, giặt áo quần,
đi xem các thắng cảnh, viết thư về xin tiền cha mẹ v.v…
Hâù hết tất cả học trò sau ba tháng nghỉ hè, đều được lên lớp
. Năm này Tuấn lên Ðệ Nhị Niên và đã thấy mình thành một học trò lớn, đã học được
nhiều môn Giáo Khoa mới, hấp thụ được khá nhiều những tinh hoa văn học Âu tây.
Học sinh đa số đều quen nói tiếng Pháp, vì bắt buộc phải nói tiếng Pháp với
giáo sư Pháp, cả với giáo sư An nam, vì tất cả các môn học đều bằng tiếng Pháp
chỉ trừ mỗi tuần 2 giờ Việt văn, môn này được coi chính thức trong chương trình
là “Quốc văn“.
Ngoài học đường, tình trạng chung của xã hội An nam ở Bắc kỳ
cũng như ở Trung kỳ và đời sống hàng ngày dưới chế độ của người Pháp, đã thành
ra một sự kiện hiển nhiên, đã được chịu đựng một cách thụ động êm thắm. Không
có sự chống đối Nhà nước Bảo Hộ. Ở Nam kỳ, giai cấp gọi là thượng lưu trí thức
và tư bản ở Saigon và Lục tỉnh, hầu hết đều nhập tịch dân Pháp, sống theo phong
tục của Pháp, tiếp xúc thường xuyên với các Quan Cai trị Pháp và các nhà tư bản
Pháp.
Quảng đại quần chúng ở thành thị và thôn quê, thì vẫn có thái
độ thụ động, lo an cư lạc nghiệp, cũng như ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Không ai thù
ghét Tây, nhưng cũng không sợ Tây như hôì vài mươi năm về trước.
Nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng người Pháp đã gây được một
uy tín lớn lao vô cùng và thật sâu rộng, là nhờ họ có một văn minh khoa học tân
tiến và cao kỳ mà không một người “An nam“ nào chối cãi được.
Sở dĩ họ nắm vững được guồng máy cai trị 25 triệu dân An nam
và thao túng được Triều Ðình Vua An nam ở Huế là nhờ uy tín một cường quốc văn
minh đứng vào bực nhất nhì trên thế giới.
Bổng dưng tháng Bảy dương lịch năm 1925, gần nghỉ Hè, giữa
tình thế đang yên tỉnh và bình thường ấy, một cái tin rất mới lạ, kinh dị, như
một tiếng sấm sét giữa vòm trời quang đãng, nổ bùng và không biết từ đâu, và
loan truyền khắp nước An nam: "Cụ Phan Bội Châu, bị Tây bắt ở Thượng Hải
đem về giam tại nhà Lao Hỏa Lò, Hà Nội."
Cụ Phan Bội Châu là ai?
Lúc bấy giờ chẳng ai biết cả. Cái tên nghe thật kêu nhưng là
một cái tên rất mới, lạ, từ trước đến nay chưa hề nghe nói đến bao giờ.
Một buổi chiều thứ bảy, trò Tuấn đi học về, thấy không khí của
thành phố hơi khác hơn mọi hôm. Có nhiều nơi tụ hợp năm ba người nói chuyện xầm
xì với nhau, trong các tiệm người An nam.
Trò Tuấn cắp sách về đế nhà trọ - nhà thầy Bửu Vinh Thông
Phán sở Kho Bạc - thầy cũng vừa ở sở đạp xe máy về.
Thầy gác xe máy lên cái kệ gỗ sơn xanh xong rồi đi vô buồng
thay áo. Nét mặt của thầy xem khác hơn mọi hôm. Lần nào ở sở về, trông thấy
Tuấn, thầy cũng mỉm cười thay thế cho tiếng chào. Nhưng lần này, thầy Bửu Vinh
không cười.
Tuấn nghĩ thầm thầy giận mình vì một chuyện chi đó chăng, hay
thầy bị một chuyện gì không vui ở sở? Thầy đi tắm, vào sửa soạn ăn cơm. Tuyệt
nhiên thầy không nói một câu, nét mặt thiểu não khác thường.
Cơm xong, 7 giờ tối, một bạn đồng nghiệp của thầy đi xe máy đến,
coi bộ vội vàng, băn khoăn. Thầy ngoắc nhỏ thầy Bửu Vinh ra nhà sau, chỗ bàn học
của Tuấn, gần bếp, và thầy đưa tay ngoắc trò Tuấn, Tuấn chạy theo.
Ra nhà sau, thầy kia rút trong lưng quần ra một tờ nhật báo
tên là “Thực Nghiệp Dân Báo“ ở Hà Nội. Giữa trang báo có in hình một ông già
râu xồm xoàm, mặc áo xuyến đen, đội khăn đen, đeo kính trắng. Gương mặt của
ông thật là oai nghiêm. Ngay trên hàng đầu, in hai hàng chữ thật đậm, chiếm 6
cột, hết cả bề ngang của tờ báo. Tuấn trố mắt đọc:
"Hội đồng đề hình sắp đem vụ án cụ Phan Bội Châu ra xử.
Hai vị trạng sư Bona và Larre sẽ bào chữa cho Cụ".
Thoạt tiên, trò Tuấn không hiểu gì cả. Cụ Phan Bội Châu là
ai? Tại sao ông già này lại bị Tây bắt và đem ra xử tội? Taị sao có hai vị trạng
sư Tây ra bào chữa cho cụ? Trạng sư là gì?
Thầy Bửu Vinh giảng giải cho Tuấn hiểu. Chính thầy và bạn đồng
liêu của thầy cũng nhờ coi được tờ Thực Nghiệp Dân Báo ở nhà một người nào đó mới
hiểu rõ vụ Phan Bội Châu, và nói cho Tuấn nghe. Tờ Thưc Nghiệp Dân Báo ở Hà nội,
không biết ai đem vào tỉnh này? và đem vào hồi nào? Ai mua? Khắp cả thành phố
không đâu thấy bán, thế mà một tuần lễ sau, Tuấn trông thấy nhiều nhà có tờ Thực
Nghiệp Dân Báo và hãnh diện cho bà con chuyền nhau mượn coi. Coi xong phải trả
lại liền cho đến khi tờ báo rách nát vẫn còn người mượn. Sau cùng, ngươì có
báo phải đem giấu tờ báo trong rương, trong tủ, như một vật quý giá vô ngần, sợ
ai lấy mất.
Cả thành phố xôn xao, nhưng vẫn lo sợ, chỉ xầm xì trong nhà,
không dám nói lớn, không bàn tán công khai. Nhất là bức ảnh của cụ Phan Bội
Châu, không dám đễ cho người lạ trông thấy.
Từ đêm đầu tiên - đêm thứ Bảy gần ngày nghĩ Hè - thấy ảnh cụ
Phan Bội Châu trên tờ Thực Nghiệp Dân Báo và nghe rõ chuyện Cụ Phan Bội Châu,
do hai thầy thông phán sở kho bạc kểl lại, trò Tuấn như bị một sức mạnh gì huyền
bí, làm xáo trộn tinh thần. Suốt đêm, Tuấn cũng không ngủ được. "Chân
dung Sào Nam Phan Bội Châu tiên sinh“, theo đúng dòng chữ in của tờ báo dưới ảnh
cụ Phan, cứ ám ảnh tâm hồn còn ngây thơ non nớt của cậu học trò 16 tuổi.
Sáng chủ nhật dậy thật sớm, Tuấn ăn vội vàng tô cháo gà, rồi
chạy đến các nhà bạn bè, nói chuyện cụ Phan Bội Châu. Có vài trò sợ sệt bảo Tuấn: ”Mày đừng nói chuyện đó, bị ở tù chết cha!” Nhưng phần đông đều bàn tán say
sưa về chuyện cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hùng ái quốc bị Tây bắt bên Tàu sắp
đem ra xử tử. Vì moị người đều nghĩ rằng thế nào cụ Phan Bội Châu cũng sẽ bị
Tây xử “chết chém“.
Kỳ nghỉ Hè ấy, Tuấn không về quê, viết thư xin phép cha mẹ ở
lại học tư lớp Hè.
Sự thực, Tuấn muốn ở lại để được coi tờ Thực Nghiệp Dân Báo
Hà nội cho biết chuyện cụ Phan Bội Châu. Về tỉnh nhà làm gì có báo mà coi.
Mấy người đi buôn ở Ðồng Nai, cũng có đem về mấy tờ Sài Thành Nhật Báo ở
Saigon, nói chuyện một bậc chí sĩ khác tên là Phan Chu Trinh, ở bên Tây mới về. Người ta đồn rằng ông này giỏi lắm, người Tây ở Saigon cũng phải sợ ông. Ông
đi đâu cũng có hàng ngàn người An nam bu theo ông để nghe ông diễn thuyết chửi
Tây, chửi vua An nam, mà Tây không dám bắt bỏ tù ông.
Tuấn đã viết thư về nói dối với cha mẹ là ở lại Qui-nhơn để học
tư, nhưng sự thực là suốt ba tháng nghĩ Hè, Tuấn ưa lai vãng đến nhà mấy đứa bạn
để đọc lén tờ Thực Nghiệp Dân Báo. Sau có thêm tờ Khai Hóa Nhật Báo, tờ Trung
Bắc Tân Văn cả ba từ Hà Nội gởi vào. Từ Saigon gửi ra có tờ Sài Thành Nhật
Báo, Ðông Pháp Thời Báo, một tờ Báo Tây Echo Annamite của một người An nam làm
chủ bút, tên là Nguyễn Phan Long, và tờ La Cloche Félée cũng của một người An
nam tên là Nguyễn An Ninh.
Tuấn không biết những tờ baó này do ai ở Saigon gởi ra, và ai
ở Qui-nhơn gởi mua? Chỉ biết rằng cả Qui-nhơn chỉ vài ba người có mà thôi và
được chuyền nhau mượn coi lén lút trong một nhóm học trò Ðệ Nhị và Ðệ Tam Niên.
Giáo sư An nam không dám coi báo, trừ một ông giáo người Bắc
dạy Quốc văn mà học trò thường gọi là ông Ðốc Bình và thầy trợ Tố dạy lớp Năm
mà trong thành phố người ta gọi là “thầy Cộng sản“ để ngạo cái chủ trương của
thầy là "của đời muôn sự của chung“. Nhưng ông Ðốc Bính thường dặn dò Tuấn
đừng chơi thân với thầy Tố vì thầy này là một con "mouton“ (con cừu) tiếng
Pháp có nghĩa là kẻ làm do thám.
Do đó, học trò bảo nhau là thầy Tố làm mật thám cho Tây. Ở
các sở Nhà Nước, hầu hết các thầy Thông, thầy Phán đều không dám coi báo công
khai, trừ hai thầy Kho bạc, và một thầy ở Toà Sứ. Thầy này hăng hái nhất và
còn trẻ, lối 23, 24 tuôỉ, quê quán ở Huế, và chưa có vợ, tên là Ðồng Sĩ Bình.
Mặt thầy nhiều mụn, và lúc nào thầy cũng nói tiếng Tây để chửi Tây. Tuấn mê
nghe thầy giảng hay, và lạ nhất là Tuấn ít khi nghe thầy nói tiếng An nam. Có
lẽ tiếng An nam dùng để chửi Tây không hay bằng tiếng Tây? Tuấn nghĩ thế nhưng
không dám hỏi. Cũng có lẽ nói tiếng Tây đã thành ra thói quen của những người
học tiếng Tây đã giỏi . Có lần Tuấn được dự một cuộc hội hợp bí mật tại nhà ông
Ðốc Bính. Suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Toàn và thầy Ðổng sĩ Bình đều nói toàn
tiếng Tây để chửi Tây kịch liệt, và hô hào học trò nên có tinh thần ái quốc và
đừng làm nô lệ cho Tây.
Lúc bấy giờ những danh từ “đả đảo“, “thực dân“ “đế quốc“
v.v…chưa thông dụng. Người ta chỉ dùng một chữ thông thường nhất là “cách mạng“.
Ðêm nhóm họp đầu tiên do thầy Thông phán Ðổng sĩ Bình tổ chức,
thầy bảo Tuấn chạy đi rủ thêm trò Quỳnh, trò Tố và trò Thu đến nhà ông Ðốc Bính. Lần đầu tiên Tuấn được nghe hai chữ “cách mạng“ do thầy Bình lập đi lập lại
không biết bao nhiêu lần. Nhóm hợp, để thầy và ông Ðốc Bính giảng báo cách mạng
cho tụi này nghe.
Ba tờ báo Hà nội thuât chuyện cụ Phan Bội Châu. Báo Quốc ngữ
Saigon thuật chuyện cụ Phan Chu Trinh. Tờ báo Pháp ngữ La Cloche Félée của
Nguyễn An Ninh thì chưỉ Tây và hô hào “cách mạng“ hăng hái nhất. Mỗi lần thầy
Bính trao cho Tuấn một tờ báo mới thầy đều căn dặn xem xong phải chuyền cho mấy
trò khác xem. Nhưng Tuấn không bao giờ dám đem báo vào lớp học. Mỗi lần xem
xong, trò đút nó dưới lớp áo dài đen, à chạy đến nhà trò Quýnh đưa lén cho trò
này xem.
Một buổi tối, Tuấn đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, thầy ở một mình
một căn nhà mướn trong một ngõ hẻm gần bờ song. Thầy chỉ cho Tuấn một bài thơ
bằng chữ Nho ký tên Phan Chu Trinh, do tự tay thầy chép ra bằng nét chữ đậm và
thật đẹp, lồng khung kiến treo trên tường. Tuấn không biết bài thơ này do thầy
chép ở đâu ra, nhưng Tuấn học thuộc lòng ngay:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang san hòa lụy khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Trường thử bách niênm cam thóa mạ,
Bất trí hà nhựt xuất lao lung
Chư quân vị tất vô tâm huyết
Thích bả tư văn khán nhất thông.
Tuấn đã được học chút ít chữ Hán, nhưng lần đầu tiên nghe nhiều
tiếng mới lạ: anh hùng, nô lệ, cường quyền, lao lung, tâm huyết. Tuấn chưa hiểu
rõ nghĩa cho lắm. Thầy Bình ngâm từng câu, giảng từng ý, rồi thầy ngâm đi ngâm
lại nhiều lần. Thầy giảng rộng ra nữa, và nói:
“ Nước An nam đã mất,
nhà An nam đã tan,
dân An nam bị làm nô lệ .
Ðồng bào như người mê ngủ
chưa tỉnh ngộ để cho Tây nó đè đầu, đè cổ, nó áp chế…
Một trăm năm nữa cũng đành chịu hay sao? “
Thầy nói bằng tiếng Tây, rất hăng hái, rất say mê. Thầy đập
tay xuống bàn, thầy dậm chân xuống đất, thầy hét lên: ”Trời ơi! Trời ơi!
Nưóc An nam là con Rồng cháu Tiên, mà dân An nam ngày nay là tôi, là tớ, là mọi,
là rợ, bị xiềng xích, gông cùm, áp chế! Thế có tủi nhục cho Hồn Thiêng của Ðất
Nước hay không?”
Bổng thầy oà ra khóc, thầy gục đầu xuống bàn khóc nức nở… Tuấn
bị qúa cảm xúc, cũng rưng rưng nước mắt ngồi khóc ngây ngô. Tuấn nhìn lên bài
thơ đóng khung treo trên tường, càng nhìn càng khóc.
Mỗi câu thơ như:
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương tuý mộng trung
Mà thầy Bình đọc đi đọc lại, kêu gào lên, rồi khóc, làm trò
Tuấn có cảm tưởng như đây chính là tiếng nói đau khổ, tiếng rên xiết bi thương
của một Hồn thiêng hiện về kêu gọi con cháu bằng giọng ai oán lâm ly.
Không khí bi thảm ấykéo dài một lúc lâu. Rồi thầy Ðổng sĩ
Bình ngước đầu dậy, mắt còn dẩm lệ, bảo trò Tuấn:
-Tuấn ơi! Chúng ta là con cháu của Hùng Vương, của Lạc Long
Quân, ta phải làm thế nào chứ! Làm thế nào để phá tan cái xiềng xích nô lệ, để
đòi lấy Ðộc Lập Tự Do, để…
Tuấn chỉ biết ngồi cúi đầu, nghe và khóc.
Thầy Ðổng sĩ Bình đứng dậy, đôi mắt thầy đỏ ngầu, tay thầy
run lên, thầy chỉ ngón tay lên bài thơ chữ Nho của cụ Phan Chu Trinh, và nói bằng
tiếng Pháp có vẻ căm hận, oán than, nhấn mạnh từng câu :
- Notre grand Patriote Phan chu Trinh a dit: "nous
sommes des esclaves!... Nous sommes des esclaves!"
(Nhà đại ái quốc của chúng ta là cụ Phan chu Trinh đã nói đấy: chúng ta là những kẻ nô lệ)
Rồi thầy nói liên tiếp bằng tiếng Pháp,thầy nói thao thao bất
tuyệt, thầy nói đến trào nước miếng hai bên mép, đổ mồ hôi trên trán, trên má,
thầy hô hào: Cách mạng! Phải làm Cách mạng! Il faut faire la Révolution! Il
faut faire la Révolution! Pour que les Annamites ne soient plus des esclaves,
pour que les Francais ne soient plus des oppresseurs,… des tyrans…, il faut
faire la Révolution!
Tuấn đã hoàn toàn bị thôi miên bởi giọng diễn thuyết hùng hồn
ai oán của thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán đầu tòa của quan Công Sứ Pháp, chủ tỉnh
Quy Nhơn…
Ðêm hôm đó, Tuấn đến nhà trọ của mấy cô học trò lớp Nhất .
Năm nay, cô Thục lưng quần đỏ đã thi đổ primaire về nhà lấy chồng làm Chánh tổng,
cô Lài cũng đã thi đổ được mẹ cho ra Huế học trường Ðồng Khánh. Chỉ còn cô
Trâm, cô Anh thi rớt phải học lớp Nhất trở lại một năm nữa. Tuấn đem bài thơ
đã học thuộc lòng ở nhà thầy Bình đọc cho Trâm và Anh nghe. Tuấn lập lại những
lời hô hào cách mạng của thầy Ðổng sĩ Bình, và Tuấn cũng đã được tiêm nhiễm những
giọng say mê ai óan của thầy, nói hùng hồn như thầy, đến nỗi một lúc sau Tuấn
cũng bị xúc động gục xuống bàn khóc… Trâm và Anh cũng rưng rưng khóc theo.
Ðêm ấy, Tuấn nói hết những gì Tuấn biết về hai cụ Phan bội
Châu và Phan chu Trinh, cho Trâm và Anh nghe say sưa, mãi đến gà gáy sáng.
Sau kỳ nghĩ Hè năm ấy, một số đông học trò ở toàn xứ An nam
khắp ba Kỳ, đều thuộc lòng bài thơ của cụ Phan Chu Trinh, bài thơ cách mạng đầu
tiên đã vang dội trong đầu óc thanh niên thế hệ 1925.
Trong nhiều trường hợp, đại khái như trường hợp của Tuấn, việc
cụ Phan Bội Châu bị bắt giam ở nhà lao Hà Nội, việc cụ Phan Chu Trinh về Saigon
diễn thuyết cách mạng, và bài thơ của cụ “Thế sự hồi đầu dĩ nhất không…” được
truyền khẩu bí mật đi khắp nước, từ Bắc chí Nam.
Học trò con gái phần đông là nghe theo học trò con trai, cũng
được tiêm nhiễm tinh thần cách mạng, và sau này cũng hăng hái, cùng với bạn
trai tham gia tất cả các cuộc hoạt động bí mật và công khai làm "phá rối
cuộc trị an của Nhà Nuớc Bảo Hộ" .
Tuấn viết bức thư đầu tiên cho Lài ở Huế, như sau đây (Lài ở
“Internat“ (ký túc xá), trường Ðồng Khánh). Thư phải để gửi cho một cô bạn
cùng lớp Ðệ Nhất Niên với Lài, nhưng ở trọ nhà bà cô trong Thành Nội, nhờ cô bạn
trao lại cho Lài).
Le 6 Octorbre 1925
Cô Lài ơi,
Cô ở Huế, mà việc cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hùng ái quốc
bị Tây bắt ở bên Thương Hải giải về giam trong nhà tù Hà Nội ngoài Bắc kỳ, cô
có nghe tin không? Việc cụ Phan Chu Trinh, bậc anh hùng chí sĩ ở Tây về Nam kỳ,
cô có biết không?
Bài thơ của cụ Phan Chu Trinh:
"Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
giang san hòa lụy khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
bất tri hà nhựt xuất lao lung.
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
thỉnh bá tư văn khan nhất thông"
Cô có thuộc không?
Cô trả lời cho tôi mừng kẽo tôi nóng lòng lắm. Còn cô Thục
thi đỗ rồi mà không ra Ðồng Khánh tiếp tục học như cô, lại ở nhà lấy chồng, lão
Chánh tổng nhà giàu, góa vợ. Tụi tui tức giận lắm đó. Tết này cô có về
Quy Nhơn ăn Tết không? Nếu cô về thì tui ở lại chơi trong mấy ngày Tết. Tụi
mình đến nghe thầy Bình giảng Les Droits de l Homme et du Citoyen (Nhân quyền
và Dân quyền). Tôi có cái hình cụ Phan Bội Châu đẹp lắm, nếu cô không có thì
tôi gửi ra cho cô.
Tôi với Anh và Trâm nhắc đến cô hoài. Cô đau mắt hột, đã bớt
chưa? Tôi chúc cô học tiến bộ nhiều.
Thơ bất tận ngôn.
Au revoir, mademoiselle.
Votre ami dévoué:
Tuấn.
Hơn mười ngày sau, Tuấn được thư Lài trả lời như sau:
Huế le 18 Octobre 1925
Anh Tuấn ơi,
Em bắt được thư anh sáng thứ tư, chị Tuyền đưa vô cho em mà
Tuyền đã xé coi trước. Em giận lắm. Ở Huế, mấy cô trợ giáo và học trò Ðồng
Khánh cũng bàn tán lao xao việc cụ Phan Bội Châu bị bắt bỏ tù ở Hà Nội. Mấy bữa
ni đang làm đơn gởi Quan Toàn Quyền để xin tha cho cụ. Tuị em theo mấy anh học
trò trường Quốc Học và cũng hăng hái vận động đánh giây thép ra Bắc kỳ để xin
ân xá cụ Phan Bội Châu. Còn trường Qui-nhơn của mình? Không lẽ mấy anh làm
thinh để cụ Phan bội Châu bị tù sao? Anh nghĩ sao, cho em biết, em mong tin
anh lắm. Cụ Phan chu Trinh diễn thuyết ở Nam kỳ, hô hào lập “dân chủ“ đánh đổ
“quân chủ“. Em có một cuốn sách in bài diễn thuyết đó. Anh có không? Nếu
không, thì em gửi vô cho anh... Hay hạng nhứt. Anh Tuấn ơi em đọc say mê. Làm
sao em gửi lén vô cho anh? Nhưng có một trò trai bị lính của Vua bắt, vì đang
ngôì dưới cầu Trường Tiền đọc bài đó. Bài thơ anh chép cho em, em cũng có rồi.
Ở Huế, ai cũng thuộc lòng.
Tết, em phải về Quy Nhơn thăm mẹ em. Anh Tuấn ở lại ăn Tết với
em hỉ? Em không có ảnh của cụ Phan Bội Châu nhưng em thấy trong báo “Khai Hóa“
ở Hà nội gởi vô cho cô giáo, cô giáo có đưa cho tụi em coi. Cụ đẹp qúa, oai
quá, anh hỉ. Anh ơi, dân nước An nam mình bị làm nô lệ cho cường quyền, anh có
buồn không? Nghe tin cụ Phan bội Châu bị tù, tụi em khóc hết.
Tuị em nhứt định xin tha cho cụ . Em đã thuộc lòng bài thơ
anh làm tiễn em đi Huế, và thuộc lòng cả bài thơ của cụ Phan chu Trinh, vơí bài
“Huyết lệ thơ“ của cụ Phan bôị Châu nữa. Tết em về, em đưa cho anh coi bài “Huyết lệ thơ“ em không dám viết vô đây, bài đó ghê lắm, anh à.
Em nhớ mẹ em, em khóc hoài.
Em cũng nhớ anh, em gửi lời thăm chị Trâm, chị Anh và chúc
hai chị sang năm thi đỗ để ra Huế học với em.
Tết anh ở lại đừng về Quảng Ngãi, anh hỉ. Ông docteur chữa bệnh
trachoma cho em đã gần bớt.
Votre affectueuse amie qui pense à vous.
Lài
Tái bút - Nếu chưa lo việc làm đơn xin tha cụ Phan bội Châu
thì anh làm thiệt gấp. Ngoài Huế này, mấy chị lớp trên nói: nếu nhà nước kết
tội chém cụ Phan bội Châu thì cả trường Ðồng Khánh sẽ làm lễ để tang cho cụ.
Em viết tới đây em khóc vì em sợ họ không tha cho cụ đâu. Anh Tuấn ơi nếu cụ
Phan bị chết chém thì anh cũng để tang nghe không anh? Anh cổ động mấy anh học
trò trường mình cho đông thì sợ gì. Anh làm đơn gởi đi thật gấp. Nghe nói
quan Toàn Quyền mới tên là Alexandre Varenne, gần sang An nam rôì, để xử cụ
Phan Bội Châu. Chúng ta làm đơn xin ân xá cho kịp ngày, nếu để trể thì nguy
tính mạng bậc chí sĩ anh hùng của nước ta. Tuị em ngoài này mấy tuần chỉ lo có
một việc đó thôi. Em chờ thư anh. Au revoir anh...
Votre amie fidèle: Lài
Ðọc thư cô nữ sinh Ðồng Khánh bị xúc động về cụ Phan Bội Châu
có thể bị chết chém, Tuấn vụt chạy ra sau nhà bếp ngồi khóc một mình. Cũng như
những đám học trò con trai con gái khác đã bị ảnh hưởng về vụ Phan Bội Châu, ảnh
hưởng tự nhiên, ngấm ngầm nhưng vô cùng mãnh liệt, Tuấn sùng bái cụ Phan bội
Châu không xiết kể và cứ hồi hộp lo sợ cụ bị chết chém.
Tuấn chạy đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, và rưng rưng nước mắt
nói thầm với thầy:
”Thầy ơi, tôi nói dại dột nếu lỡ mà cụ Phan bội Châu bị chết
chém thì làm sao?“.
Thầy Bình đang ngồi ăn cơm tối, vụt ném chén cơm và đôi đũa
xuống đất, tiếng kêu choảng choảng… Thầy đập bàn tay thật mạnh trên bàn và la
lên giận dữ, bằng tiếng Tây: “Jamais! Jamais! Jamais les Annamites
laisseront mourir ainsi le Grand Patriote Phan Sao Nam!“ (Không đời nào!
Không đời nào người An nam để cho nhà đại chí sĩ Phan Sào Nam chết như thế!)
Nhưng rồi như điên như cuồng, thầy gục đầu xuống bàn khóc, vừa
lẩm bẩm như cầu nguyện: "cụ Phan không chết! cụ Phan không chết!..."
Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông Phán tòa sứ Quy nhơn, cùng một lý tưởng
và một chí hướng với Bửu Ðình ở Huế, Nguyễn An Ninh ở Saigon, Nguyễn Thái Học ở
Hà nội, là những nhân vật điển hình của thế hệ thanh niên trí thức cách mạng
năm 1925. Một số rất đông học trò các trường Trung học Pháp Việt, Nam và Nữ, ở
ba Kỳ, và sinh viên Cao đẳng ở Hà nội đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của mấy bực
đàn anh kia. Chính họ đã truyền cảm cho lớp thiếu niên 1925, tinh thần ái quốc, tư
tưởng cách mạng, mà hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ở hải ngoại mới về,
là hai thần tượng tuyệt đối để họ sung bái, tôn thờ, tha thiết thương yêu.
Tôi nói “thương yêu“, vâng! Vì lớp trai trẻ có gái lẫn
trai của thế hệ 1925, đã để trái tim của họ rung cảm mãnh liệt lần đầu tiên bởi
tình yêu Nước mà cả hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai hình ảnh
thiêng liêng rực rỡ. Những mối tình khác chỉ đều phụ thuộc mà thôi. Lòng ái
quốc bộc phát sôi nổi, đột ngột và hăng hái cho đến nỗi họ đã tự động để tang
cho cụ Phan Chu Trinh khi cụ chết ở Saigon năm 1926, họ lập bàn thờ ở khắp nơi
để tế vong linh của cụ, và họ có thể tình nguyện chết theo nếu cụ Phan Bội Châu
bị án tử hình năm 1925.
Chính trong làn gió cách mạng nồng nhiệt lôi cuốn ấy, trong
tình yêu nước thiết tha đầm ấm ấy, đã nẩy nở ra tinh thần hy sinh dũng cảm của
cô Nguyễn thị Giang, Nguyễn thị Bắc, và trăm nghìn cô Bắc, cô Giang khác, và
trăm nghìn Nguyễn Thái Học khác, trong đám thanh thiếu niên nam nữ học sinh.
Không phải riêng một thầy Ðổng Sĩ Bình điên cuồng, kêu thét
vì quốc hận, không phải riêng một cậu học trò 16 tuổi như Tuấn cũng đau đớn
khóc than cho “Vong Hồn Tổ Quốc“, mà hầu hết thanh thiêú niên nam nữ toàn nước
“An Nam” đều bồng bột sôi nổi với tinh thần cách mạng tuy hãy còn ngấm ngầm e
dè, chưa bùng ra quyết liệt.
Có điều làm vinh dự nhất cho các cô giáo và nữ sinh trường Ðồng
Khánh Huế, là trường Nữ Trung Học độc nhất của xứ Trung kỳ, đã hăng hái hơn tất
cả các trường khác ở toàn xứ An nam trong việc ân xá cho cụ Phan bội Châu.
Một buổi sáng thứ hai, trong giờ chơi, Tuấn được anh cai trường
kêu xuống văn phòng nhận một thư bảo đảm. Tuấn mừng quýnh tưởng là thư nhà gửi
măng-đa vô cho. Ra khỏi văn phòng, Tuấn xem nét chữ trên phong bì và dấu bưu
điện đóng trên con tem, biết ngay là thư của cô Nguyễn thị Lài, học sinh trường
Ðồng Khánh Huế, bạn thân của Tuấn. Tuấn chạy ra phía sau trường, ngôì một mình
trên bãi cát, mở thư ra xem. Nét chữ của cô Lài đều đặn, tế nhị, rất dễ thương. Lài viết:
Huế ngày 14-12-1925 tức là ngày 29 tháng 10 năm Ất Sửu,
Mon cher ami Tuấn!
Em muốn viết thư này thiệt gấp gửi vô cho anh, để anh biết rằng
ngày 9 tháng 12 vừa qua, các cô trợ giáo trường Ðồng Khánh và học trò tụi em,
có đồng ký một giấy phép như sau đây gởi ra Quan Toàn Quyền Alexandre Varenne ở
Hà Nội Bắc kỳ: Gougal Hanoi - Nous institutrices et élèves collège Ðồng Khánh,
avons honneur demander à votre bienveillance grace pour patriot Phan Bội Châu.
Nhưng giấy thép đó không gởi đi được, anh biết taị sao không? Taị ông Chánh sở Giây thép không dám gởi đi và đưa trình lên ông Khâm Sứ
Pierre Pasquier.
Ông Khâm sứ liền sai một ông thanh tra mật thám tới trường Ðồng
Khánh ở Huế, kêu hết tất cả các cô trợ giáo và học trò tựu lại trước mặt bà Ðốc
(bà Ðầm) và hỏi: "Ai viết cái giây thép này?" Tức thì có cô trợ
giáo Mân bước ra đọc cho ông thanh tra mật thám nghe bản chữ Tây như sau:
Je déclare être de celles qui ont decidé l envoi du
télégramme à M. le gouverneur général Varenne, et je vous présente mon amie,
Mlle… qui est décidée à supporter avec moi les conséquences de notre acte
collectif. Nous n’avons pas à consulter notre Directrice pour une faveur que
nous demandions au Chef de la Colonie en debors du domicile administrative.
Nous protestons contre le fonctionnaire de Postes qui s’est permis, après avoir
recu notre argent, de détourner le télégramme remis à son guichet. Et ceci est
d’ autant plus grave que ce télégramme était adressé à Monsieur le Gouverneur
Général. Nous n’ avons pas à rougir de notre acte et n’avons que suivi
l’exemple de nos soeurs de Hanoi qui ont arrêté la voiture du gouverneur
général pour lui remettre une supplique en faveur de notre héros national et n’
avons recu aucune suggestion du dehors. Nous avons agi en femmes annamites et
non comme institutrices et élèves du collège.
(Tôi xin nhận là có cùng với các bạn gái quyết định gởi giây
thép ra quan Toàn Quyền Varenne, và tôi xin giới thiệu ông đây là cô X. bạn
tôi, đã cùng nhau quyết định chịu hết cả những hâụ quả của hành động tập thể
này. Chúng tôi vì một ân huệ mà chúng tôi gởi xin quan Toàn Quyền ở ngoài phạm
vi nhà trường. Chúng tôi phản đối ông chánh sở Bưu điện đã nhận tiền của chúng
tôi để đánh diện tín, mà lại không gởi điện tín ấy đi. Càng trầm trọng hơn nữa,
là chính điện tín ấy chúng tôi gởi ra quan Toàn quyền. Chúng tôi không hối hận
tí gì về hành động của chúng tôi, chúng tôi chỉ theo gương của các bà chị của
chúng tôi ở Hà nội đã chận xe hơi của quan Toàn quyền để đưa lên ngài một bản
thỉnh nguyện ân xá cho vị anh hùng dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi không bị
ai xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách là phụ nữ An nam chớ không phải
với tư cách là các cô trợ giáo và các học trò trường Ðồng Khánh).
Anh à, tuị em đều lo sợ cho hai cô trợ sẽ bị bắt bỏ tù nhưng
may quá, ông thanh tra đứng im lặng nghe, nghe rôì xin cái tờ khai kia để đem về
trình với quan Khâm sứ. Sáng ngày hôm qua, là ngày 13.12.1925, bà Ðốc kêu cô
trợ Mân bảo rằng ông chánh sở Giây thép mời cô trợ ra tòa giây thép để lấy lại
số tiền gởi điện tín, mà điện tín bị giữ lại, không gởi.
Anh Tuấn à, mấy bữa rày ở Huế xôn xao lắm. Ngày vua Khải Ðịnh
chết ( ác quan nói là vua băng hà) là ngày 6.11.1925, dân đế đô Huế chỉ nô nức
chờ coi đám tang mà thôi. Ðám tang của nhà vua thì lớn lắm nhưng học trò và
các cô trợ giaó không có chút gì cảm động, vậy mà việc cụ Phan bội Châu thì lại
làm cho cả trường mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo sợ, buồn rầu lạy Trời làm sao cứu
cho nhà chí sĩ An nam khỏi chết.
Còn học trò trường Quy Nhơn mình có làm gì không anh Tuấn? Bửa
trước anh có được thư của em chứ? Rôì anh có nói chuyện với mấy ảnh, có rục rịch
gì không? Em chờ thư anh qúa chừng mà không thấy anh trả lời. Sao vậy? Chúc
anh bình yên mạnh giỏi.
Votre amie qui pense toujours à vous
Nguyễn thị Lài
Tuấn đọc đi đọc lại thư của Lài hai ba, bốn lần. Rồì Tuấn mắc
cỡ cầm thư chạy đến nhà mấy đứa bạn Quỳnh, Thu, Tố. Tuấn hỏi:
- Học trò Quy Nhơn mình dở quá! Thua xa học trò con gái trường
Ðồng Khánh. Tao xấu hổ lắm, tao không dám viết thư trả lời cho Lài.
Quỳnh bảo:
-Tụi Ðồng Khánh nhờ có mấy cô trợ giáo có đầu óc. Còn mấy
ông thầy giáo của trường mình ông nào ông nấy sợ Tây như sợ cọp, tối chỉ lo xổ
tam hường và đánh tứ sắc, còn làm khỉ gì được.
Tố nói thêm:
-Phải có mấy ông cầm đầu thì tụi học trò mới dám làm chớ! Mầy
coi, ông T., thì lo xổ tam hường, ông Thy thì ở nhà ôm vợ, ông V. thì đánh tứ sắc,
chỉ còn ông đốc Bình thì không nghe ổng nói gì hết.
-Tụi mình chạy lại thầy Ðổng sĩ Bình, hỏi ý thầy xem. Học
trò Huế cũng có làm đơn xin ân xá cho cụ Phan. Quy Nhơn mình ngủ gục hết trơn,
hết trọi, thế này sao?
Ðêm ấy, bốn trò liền kéo nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình. Thầy
Bình nói:
- Tôi đã gửi bài đăng trong báo Saigon để kêu ân xá cho cụ
Phan Sào Nam. Còn về phần các học trò, phải tự làm lấy chứ! Cũng như ở Huế,
trường nào làm riêng trường đó mới được.
9 giờ khuya, về nhà Quỳnh, trò Tuấn hăng hái lấy bút viết
nháp giây thép để gửi ra Quan Toàn Quyền. Tố, Quỳnh, Thu, chuyền nhau xem . Ðiện
tín viết bằng Pháp văn như sau đây:
Gougal Hanoi - Nous, élèves collège Quy Nhon, vous serions
reconnaissants accorder grâce à notre Grand Patriote Phan Bội Châu.
Quỳnh bỏ chữ collège, Tố thêm mấy chữ “vouloir bien“ Thu
thêm "très" trong câu "notre Grand Patriote". Nhưng rôì
không lẽ chỉ bốn đứa ký tên? Phải có cả trường ký chớ? Làm sao lấy chữ ký cả
trường? Lỡ ông Ðốc biết thì sao?
Bốn đứa bàn đi bàn lại suốt đêm. Ðến gà gáy sáng Tuấn đề nghị
đừng ký tên gì cả, cứ đánh đại giây thép mệnh danh là toàn thể học trò trường
Quy Nhơn, rồi lỡ xẩy ra chuyện gì thì bốn đứa mình cùng chịu tội. Nhưng giấu
kín đừng cho học trò trong trường biết. Vì đa số học trò trường Quy Nhơn hồi đó
còn sợ. Chính bốn đứa này tuy hăng hái làm nhưng vẫn còn ngại… vì không có người
lớn đỡ đầu. Dù sao cũng nhất định gởi cái giây thép nhưng lại không có tiền.
Bốn đứa đều không có một xu, chưa nào được măng đa ở nhà. Sáng tinh sương,
thành phố còn ngủ, Quỳnh và Tuấn chạy đến ngõ cửa thầy Ðổng sĩ Bình, đưa thầy
xem cái giây thép. Thầy gật đầu khen:
- C est très bien! C est très bien! (Giỏi lắm! giỏi lắm!)
Xong thầy móc túi áo ra cho 1 đồng bạc mới tinh. Ðồng bạc
tròn chung quanh có răng cưa, trong có khắc hình “bà Ðầm xòe“ và có vòng chữ
République Française (cộng hòa Pháp). Ðể đồng bạc trên đầu ngón tay, cầm cán
bút bằng sắt gõ vào, nó kêu “keng!“ rất thanh.
Hai đứa học trò mừng quýnh, cầm đồng bạc chạy về đưa cho hai
đứa bạn nằm nhà chờ kết qủa, 8 giờ sáng Quỳnh và Tuấn làm đơn khai dối là “malade“ xin phép Giáo sư cho nghỉ một buổi.
Hai đứa rủ nhau đi ra nhà Giây Thép. Tòa bưu điện đông người
ra vào. Tuấn gấp tờ giấy điện tín bỏ trong túi áo, không dám lấy ra vội. Ðợi
lúc vắng người, hai trò đến đưa cho thâỳ Thông giây thép coi, và trao luôn đồng
bạc mới tinh. Nhưng thầy thông giây thép xem xong, trợn mắt lấy tay làm dấu
cho hai trò đi vòng sau tòa bưu điện. Hai đứa ra đến đây thì thầy thông đã đứng
đấy rồi, tay còn cầm tờ giấy của Tuấn. Thầy trợn mắt ngó Quỳnh và Tuấn và nói
khẽ:
Tuấn nhe răng cười (Tuấn có tật nhe răng cười mỗi khi lính
quýnh khó trả lời).
Quỳnh bảo:
- Hết thảy học trò trường Quy Nhơn
Thầy thông bảo:
- Các trò đừng có làm bậy! Ðã có lịnh của quan Sứ dặn quan Rờ-xơ-vơ
hễ có ai đánh giây thép xin ân xá cụ Phan Bội Châu thì đừng gửi, và đưa giây
thép lên cho Quan Sứ coi.
Hai trò nhìn nhau, Quỳnh hỏi Tuấn:
- Sao mầy?
Tuấn nhe răng cười:
- Sao là sao ?
Thầy thông bảo tiếp:
- Tôi thương hai cậu. Con tôi cũng có học trong trường, nếu
có chuyện gì nó cũng bị đuổi như các cậu vậy. Thôi tôi can hai cậu, xé bỏ cái
giấy này đi. Nguy hiểm lắm. Nên kín mồm, kín miệng, tôi không có trình lên
ông Rơ-xơ-vơ đâu.
Quỳnh lại hỏi Tuấn:
-Sao mầy?
Tuấn chỉ biết nhe răng cười:
- Sao thì sao, chớ sao! Thầy thông không cho gửi thì đành vậy.
Thầy thông trao tờ giấy “nguy hiểm“ lại cho Tuấn. Hai trò ra
bờ biển ngồi, xé vụn từng mảnh giấy nhỏ, và vò cục lại quăng ra đợt sóng. Hai đứa
vội vàng về nhà Quỳnh. Tuấn và Quỳnh đều mắc cỡ và buồn, làm thinh không nói
gì với nhau. Một lúc sau, Tuấn nằm sấp xuống chiếu, khóc thút thít một mình…
Vụ án Phan Bội Châu đang sôi nổi, thì một buổi sáng sau khi
vua Khải Ðịnh chết được chừng sáu bảy hôm, ông Daydier, đốc học trường
Quy Nhơn, cầm một tờ giấy in, vào các lớp đọc cho học trò nghe. Lớp Tuấn đang
học giờ Sử Ký Pháp. Giáo sư Mariani giảng về cuộc Cách mạng năm 1848. Với giọng
hùng hồn như diễn thuyết, ông đang kể lại những sự kiện xẩy ra ở Paris, lúc thi
sĩ Lamartine cầm cây cờ Tam tài đứng trước tòa Ðô Chánh hô hào dân chúng, thì
ông Ðốc học Daydier đi giầy cộp cộp… từ ngoài mở cửa bước vào. Ông giáo sư ngừng
nói. Ông Ðốc đứng ngay giữ lớp, với vẻ mặt trịnh trọng khác hơn mọi ngày, nhìn
chăm chăm vào mặt học trò, nói chậm rãi nhấn mạnh từng câu, từng chữ để cho học
trò chú ý:
- J ai une nouvelle importante à vous annonncer... (tôi có một
tin quan trọng báo cho các trò biết…)
Ông ngưng một phút, rút trong túi áo ra một cặp kiếng lấy gắn
vào sống mũi (ông đeo một loại kiếng trắng gắn vào sống mũi chứ không có gọng )
rôì nói tiếp, đại khái, ý nghĩa như sau đây:
- Trước hết tôi báo tin cho các trò biết rằng Hoàng Ðế Khải Ðịnh
mới chết, cách đây một tuần lễ… Cái chết ấy thật là một việc đau buồn cho nước
An nam và nước Pháp, bởi vì hoàng đế Khải Ðịnh là một người bạn lớn của nước
Pháp (un grand ami de la France) Con trai của Ngài là hoàng tử Vĩnh Thụy,
du học ở Paris, hãy còn nhỏ tuổi qúa không thể nào thay thế Vua Cha để cai trị
dân. Tuy vậy nước Pháp có bổn phận bảo vệ nước An nam không thể để trống cái
ngai vàng ở Huế, vậy nên nước Pháp đã mời hoàng tử Vĩnh Thụy về để kế vị Vua
cha. Ngài sẽ nối ngôi nhà Nguyễn với niên hiệu là Hoàng đế Bảo Ðại. Nhưng vì
Hoàng đế còn nhỏ tuổi muốn tiếp tục việc học ở Pháp, ngài là cậu học trò rất
thông minh…
Ông Daydier tủm tỉm cười với ông giáo sư Mariani, rồi quay lại
nói tiếp với học trò:
-… và rất chăm chỉ, đáng làm gương cho học trò… ngài về nước
để tang cho Phụ Hoàng của Ngài, rồi sẽ trở qua Pháp để tiếp tục việc học. Vì
thế, Hội Ðồng Cơ Mật ở Huế mới thỏa thuận ký với nước Pháp một bản thỏa ước, gọi
là “bản thỏa ước năm 1925“ (La Convention de 1925) để cải tổ việc cai trị
nước An nam cho mỗi ngày mỗi mở mang tiến bộ. Ðây để tôi đọc xho các trò nghe
nguyên văn bản “hỏa ước“ đã ký kết giữa viện Cơ Mật Huế, đại diện cho Hoàng Ðế
Bảo Ðại, và quan Khâm Sứ Trung kỳ đại diện Quan Toàn Quyền Ðông dương.
Dĩ nhiên bản Thỏa ước 1925 làm bằng tiếng Pháp và có những điều
khoản rõ ràng. Ông Daydier đọc hết từ đầu đến cuối trên tờ giấy in dài độ 1
trang rưỡi. Ðây là vài chi tiết quan trọng nhất mà trò Tuấn nhớ rõ:
1. Trong thời gian vắng mặt Hoàng đế Bảo Ðại du học ở Pháp,
triều đình Huế sẽ do một hội đồng Nhiếp chính (Conseil de Régence) điều khiển.
2. Hội đồng Nhiếp chính gồm các quan Cơ Mật Ðại thần, đại diện
Triều đình, vị Chủ tịch Tôn nhơn Phủ đại diện Hoàng Phái, và quan Khâm Sứ Trung
Kỳ, đại diện Nhà Nước Bảo Hộ.
3. Hội đồng Nhiếp chính do quan Khâm sứ Trung kỳ chủ tọa
4. Các việc hành chính quan trọng đều do tòa Khâm sứ trực tiếp
điều khiển vơí sự thỏa thuận của Hội đồng Nhiếp chính.
5. Hội đồng Nhiếp chính đảm nhiệm về việc cúng tế, việc quản
trị các cung điện Hoàng gia, việc cấp phát các sắc Thần v.v…
Và các chi tiết khác không quan trọng.
Ðọc hết bản Thỏa ước, ông Ðốc học bảo:
- Các trò về nhà nói laị cho cha mẹ của các trò rõ về sự nước
Pháp lúc nào cũng chăm lo mở mang và dìu dắt nước An nam trên con đường văm
minh tiến bộ. Chỉ những kẻ ngu xuẩn và những kẻ bạc nghĩa vong ơn mới không biết
những ân huệ của nước Pháp. Các trò về hỏi lại cha mẹ của các trò về tình hình
của nước An nam trước khi nước Pháp đem văn minh qua đây, trước đây chừng mười
năm thôi, rôì các trò so sánh với nước An nam ngày nay thì các trò sẽ biết người
An nam mang ơn nước Pháp những gì.
Ông Daydier nói đến đây thì vừa trống đánh ra chơi, ông chào
ông giáo. Học trò đều đứng dậy, đợi ông đi ra rồi mới ùa ra sân chơi . Chỉ tội
cho lớp Ðệ Tam Niên, cạnh lớp của Tuấn, đến phiên phải ở lại để nghe ông Ðốc.
Học trò ra chơi, không còn nhớ ông Ðốc đã nói những gì. Bản
“Convention de 1925“ bằng tiếng Pháp, họ hiểu hết nhưng rốt cuộc không hiểu
gì cả. Hiểu nghĩa những câu những chữ, nhưng nào có hiểu được tại sao có cái “Convention“ ấy, và tại sao ông Ðốc đem nó đến từng lớp đọc cho học trò nghe?
Chuyện đâu đâu ở Huế, chuyện Vua với Tây, có ăn thua gì đến học trò?
Ngay như vua Khải Ðịnh chết, trước đó 6,7 hôm mà hầu hết học
trò cũng không hay biết gì cả, mấy anh lớn ở lớp Ðệ Tam Niên cũng vậy. Họ còn
vui cười hỏi nhau:
- Ủa vua Khải Ðịnh chết hồi nào mà không nghe ai nói he? Ông
Daydier không xuống lớp nói thì tụi mình cũng tưởng ổng còn sống chớ.
Rồi tất cả đều cười, như là câu chuyện diễu. Toàn thể học
sinh rất là thờ ơ, không có một xôn xao nho nhỏ, cũng không có lời bàn tán về
cái “Convention 1925“ - một danh từ thật mới lạ mà không ai tìm hiểu cho rõ
ý nghĩa và công dụng như thế nào. Không có ai nhắc lại những lời của ông Ðốc học
Daydier. Nhiều trò chỉ thích thú được ngồi chơi trong lớp hơn nửa tiếng đồng hồ,
khỏi học bài Sử ký. Các trò khác bu lại từng nhóm như thường lệ, để hỏi nhau về
bài toán Géométrie hay Physique mà chốc nữa vào lớp phải nộp lên cho giáo sư
Gabriel.
Mấy ông giáo sư An nam đi qua đi lại ngoài hành lang với các
giáo sư Pháp, nói chuyện với nhau với vẻ mặt vui thích lắm. Cái tin Vua Khải Ðịnh
chết do ông Ðốc Daydier long trọng tuyên bố thành ra gần như một tin mừng, hay
là một biến cố vui vẻ cho cả nhà trường. Còn bản “Convention“ thì tuyệt nhiên
không ai nhắc đến.
Kế đến vài tháng sau, cũng trong một buổi học, tự nhiên ông Tổng
giám thị An nam
(Surveillant général) đến từng lớp, theo sau là anh cai trường
ôm một gói sách. Ông nói với giáo sư vài lơì rồi quay lại bảo với học trò một
quyển sách mới tinh.
- Quan Ðốc vừa nhận được của quan Khâm sứ ở Huế gởi vô cho mỗi
trò một quyển sách này. Quan Ðốc khuyên các trò không những là nên đọc hết quyển
sách, rất bổ ích, mà về nhà còn phải đọc lại cho cha mẹ nghe nữa.
Nói xong, ông Tổng giám thị đi ra, anh cai trường theo sau
còn mang mấy gói sách nặng chĩu để phát cho các lớp khác. Cửa khép lại, ông
giáo Gabriel tiếp tục giảng bài Géométrie plane. Học trò không kịp xem quyển
sách nói những gì, Ông giáo sư cũng không để ý đến.
Về nhà, trò Tuấn rút sách trong cặp ra xem. Tên sách là L’
Indochine d’hier et d’aujourd’hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay). Tác giả
là Cucherousset, chủ báo Eveil Économique ở Hải Phòng, Bắc kỳ. Sách dày, in thật
đẹp, chữ in màu sepia, mỗi trang bên trái bằng Pháp ngữ đối chiếu với trang Quốc
ngữ bên phải. Người dịch Pháp ngữ ra Quốc ngữ là một nhà Nho An nam, ở Hà nội
tên là Vũ Công Nghi .
Ngay nơi trang đầu quyển sách có hình ông Toàn quyền
Alexandre Veranne ở giữa, phía bên tay trái là ông phó Toàn quyền Pierre
Pasquier, tay mặt là “vua Bảo Ðại“, Hoàng đế Annam “phía dưới tay trái là
Vua Sisowath-Monivong, Quốc vương Cao Miên, tay mặt là Vua Sisavangvong, Quốc
trưởng Ai Lao. Trang trong có hình vợ góa của của Khải Ðịnh, dưới đề Pháp ngữ
là “S.M La Reine Douairière“ (Bà Hoàng Thái Hậu) một thiếu phụ Huế, trạc 24
tuổi, nét mặt ngây ngô,tóc quấn, đeo kiềng vàng, mặc áo gấm thêu hoa.
Trong sách còn in nhiều thắng cảnh Ðông dương như Angkor
Watt, Angkor Thom ở Cao Miên, Tháp Chàm ở Qui nhơn, cửa Ngọ Môn Huế, Hồ Hoàn Kiếm
Hànội, nhà Hộ sinh Quảng Ngãi v.v…
Có điều lạ, là tuyệt nhiên không có một phong cảnh nào của
Nam Kỳ và không có hình của một nhân vật nào của Nam kỳ.
Trò Tuấn đọc hết cả quyển sách. Sách chia ra nhiều chưong,
tóm tắt lại là nói về Ðông dưong trước hồi Tây qua, so sánh với xứ Ðông dương
năm 1925, với tất cả những cái mà tác giả cho là “văn minh tiến bộ” về các
phương diện học đường, y tế, canh nông. hỏa xa, công chánh, kỹ nghệ, thương
mãi v.v… Và chương cuôí, kể công ơn của nước Pháp với các xứ Ðông dương là vô lượng
vô biên như trời như bể.
Mãi 10 năm sau, Tuấn ở Hà Nội, được giao thiệp nhiều với các
giới trí thức và được dịp điều tra, mới biết rằng quyển L’Indochine d’hier et
d’aujourd’hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay) của Cucherousset và Vũ Công
Nghi xuất bản năm 1925 do Phủ Toàn Quyền đặt mua trên 200.000 quyển để phát
không cho tất cả các trường Trung học Ðông dương, trường Cao đẳng Hà nội và các
trại lính khố xanh, các Thầy Thông, Thầy Phán các sở Nhà nước. Ðó là phương
pháp tuyên truyền của Nhà Nước Bảo Hộ để chống lại phong trào Ái quốc và Cách mạng
do hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ở Hải ngoại về đã gây ra trong toàn
thể quốc dân. Quyển sách kia có mục đích gián tiếp nhắc nhở cho dân An nam những
“công ơn của nước Ðại Pháp“ đã gây dựng xứ Ðông dương và nhất là xứ Trung kỳ
rong thời gian nước Pháp cai trị. Ảnh hưởng của quyển sách L Indochine d’hier
et d’ aujourd’hui đối vơí học trò hình như cũng có hiệu nghiệm một phần nào, vì
có một số ca tụng nước Pháp ghê lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét