Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Triệu Xuân sống và viết

Triệu Xuân sống và viết
Đầu xuân Canh Tý (2020) tôi được nhà văn Triệu Xuân, tên khai sinh là Triệu Xuân Điến, bạn đồng môn khóa 14 (1969-1973) khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, gửi tặng cuốn sách “Triệu Xuân Sống và Viết”, NXB Hội Nhà văn, 1-2020. Cầm trên tay cuốn sách khổ 14,5 x 20,5cm, dày hơn 600 trang, thấy cảm phục sức làm việc của bạn mình.
Nhiều chuyện của thời xa xưa ùa về…
Tôi với Triệu Xuân cùng được gọi vào học ở khoa Ngữ Văn tháng 8/1969. Khóa tôi vẫn tự hào rằng là khóa đầu tiên phải chịu kỳ thi sát hạch của trường, sau mấy năm trường tuyển thẳng. Lao động xây dựng trường lớp 3 tháng sinh hoạt chung, rồi chúng tôi chia làm hai lớp Văn và Ngữ. Tôi học Ngôn ngữ, Triệu Xuân học lớp Văn. Tuy chia làm hai lớp nhưng Văn và Ngữ có nhiều chuyên đề học chung, nhiều sinh hoạt chung cho đến khi ra trường nên biết về nhau khá rõ. Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã có ước mơ viết văn như nhiều sinh viên khoa Ngữ Văn thời ấy. Nhưng ước mơ là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là chuyện khác. Tuỳ thuộc vào năng khiếu, nghị lực… ở mỗi người.
Cho nên, sau khi tốt nghiệp tháng 12-1973, đầu năm 1974 Triệu Xuân là một trong số ít Cử nhân trường Đại học Tổng hợp vào chiến trường Khu 5, làm phóng viên chiến trường. Tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải. Đài phát thanh Giải phóng tiếp quản một cơ sở phát thanh bí mật của CIA ở nhà số 7 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) quận I thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và Triệu Xuân cùng làm việc tại đấy.
Công bằng mà nói, lúc này bạn tôi có một sự lựa chọn. Thay vì làm phóng viên Thời sự suốt ngày lăn lộn với tin tức bài vở nhanh nhạy, chính xác, bạn tôi chọn làm phóng viên Chuyên đề công nghiệp và đô thị, có nhiều thời gian tự do, đi và Viết…
Đến hôm nay, đọc “Triệu Xuân Sống và Viết”, gồm nhiều bài phê bình, tiểu luận, chân dung văn học… phải công nhận rằng Triệu Xuân sớm lăn lộn với cuộc sống của xã hội miền Nam mới giải phóng hơn nhiều bạn bè cùng lứa. Anh đã sớm xóa bỏ thói quen “sống bao cấp” mà làm thêm nhiều nghề để kiếm sống (để nuôi nhiều con và viết văn) trong đó có nghề “chụp ảnh dạo”. Như anh tâm sự: lăn lộn kiếm sống giúp thu nhận được nhiều chất liệu tươi rói của cuộc sống hơn, làm “lưng vốn” cho nghề làm báo lúc đó, và viết văn sau này.
Hai cuốn tiểu thuyết “Những người mở đất” và “Giấy trắng” với bút danh Triệu Xuân, anh viết trong thời gian 1979-1983, khi đang làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chứng tỏ vốn sống và bút lực, tài năng của tác giả rất đáng nể!
Có ước mơ và phấn đấu để thực hiện ước mơ, là bài học đầu tiên trong cuộc đời của nhà báo Triệu Xuân.
Bẵng đi một thời gian, tôi (đang làm phóng viên phòng Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam) gặp Triệu Xuân tại Hà Nội trong Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 những người viết văn trẻ. Anh tâm sự rất hình tượng: “Mấy năm qua theo nghiệp Văn, như tay cầm một con dao, vừa phát cây dọn cỏ, vừa đào từng bậc để leo từ vực sâu lên đỉnh núi vậy...”.
Năm 1991, Triệu Xuân viết tiểu thuyết “Sóng lừng”. Trước đấy, sau “Giấy trắng” (1985) anh đã có mấy tiểu thuyết được in: Nổi chìm trong dòng xoáy (1987); Đâu là lời phán xét cuối cùng (1987); Trả giá (1988): Bụi đời (1990).
Tiểu thuyết “Sóng lừng” còn có một tên phụ (V.N.Mafia) in xong, anh có gửi tặng tôi một cuốn. Đọc xong, thấy bạn mình dũng cảm quá. Cũng không ai nghĩ  rằng cuốn sách bị đề nghị thu hồi và đến nay, vẫn chưa được tái bản. Từ Hà Nội, tôi gọi điện thoại cho anh, động viên bạn mình ráng giữ vững tinh thần. Nhờ sự sáng suốt của công luận, và sự bênh vực của người thày của chúng tôi: Giáo sư Hà Minh Đức -  cùng cả Hội đồng Giám định Văn học Nghệ thuật Trung ương năm 1991 - Triệu Xuân “tai qua nạn khỏi”.
Thế mới biết, viết ra được đã khó. Giữ được ngòi bút “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu - còn khó hơn nhiều!
Từ tháng 12/2000, nhà văn Triệu Xuân về làm Trưởng chi nhánh nhà xuất bản Văn Học tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ một nhà báo, là một nhà văn, Triệu Xuân chuyển sang cương vị “bà đỡ” cho các bản thảo, trở thành người bạn đi trước ân cần giúp đỡ các cây bút trẻ. Hệt như năm xưa anh được các nhà văn đàn anh chăm chút, hướng đạo cho.
Đọc “Triệu Xuân Sống và Viết” thấy anh quay lại với nghề làm báo, viết rất nhiều bài báo cổ vũ cho một cây bút mới, một tác phẩm mới. Theo tôi, đấy là một đóng góp không nhỏ cho sinh hoạt văn học nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh những năm qua. Và riêng anh, cũng phải cảm ơn thành phố mang tên Bác đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho anh phát huy tài năng và sở trường của mình.
“Quỹ phát triển tài năng Văn học Việt Nam”, Nhóm văn chương Hồn Việt”, Website chuyên nghiêp: www.trieuxuan.info về Văn chương Nghê thuật do anh sáng lập hoạt động rất tích cực, góp phần làm sôi động không khí học thuật về văn hóa - văn nghệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Là một bạn đọc tích cực cổ vũ cho “văn hóa đọc”, tôi cảm ơn nhà văn Triệu Xuân đã cùng bạn bè, đồng nghiệp “sưu tầm, biên soạn, giới thiệu để xuất bản hàng chục tuyển tập, toàn tập của một số nhà văn lớn đã “bị bụi thời gian và lịch sử khuất lấp” như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, và các nhà văn đương đại như Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Phạm Tường Hạnh… các hợp tuyển Văn Thơ chọn lọc… Tôi nghĩ, trong lĩnh vực xuất bản, Triệu Xuân cũng có những đóng góp đáng kể.
Thấm thoắt, chúng tôi xa mái trường Đại học Tổng hợp đã nửa thế kỷ. Khóa 14 khoa Ngữ Văn chúng tôi học hệ 4 năm rưỡi, thời gian thực học không nhiều vì chiến tranh, vì thiên tai… Nhưng có lẽ thời ấy chúng tôi “học thật” nên những gì chúng tôi được truyền giảng, được thực tập… đã là hành trang tốt cho chúng tôi bước vào làm việc. Người trở thành giáo sư, chuyên viên nghiên cứu cao cấp trong các Viện khoa học, người trở thành các ông tướng - tá trong lực lượng vũ trang, người trở thành nhà báo và một số ít trở thành “nhà văn” - một nghề “đặc biệt”.
Triệu Xuân, cử nhân Văn khoa sinh năm Nhâm Thìn (1952) quê ở Hải Dương là một trong số ít người đi vào cái nghề đặc biệt này nhờ vào tài năng lòng kiên trì cực lớn. Năm 2019, khi làm tập kỷ yếu về khóa 14, chúng tôi tìm được bức ảnh của anh, người cao lòng khòng, mặc quân phục “Quân giải phóng” chụp ảnh cùng bạn đồng môn Lê Ngọc Văn trên đường vào chiến trường Khu 5 năm 1974.  Thầm nghĩ thật là may mắn cho hai người bạn của chúng tôi.
Đất nước cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường. Thời ấy là vậy. Bây giờ vẫn vậy. Trong cái chung, có cái riêng. Hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nhưng để làm nên sự nghiệp cho đời mình, cần phải có quyết tâm và lòng dũng cảm.
Những ngày tháng Ba này là kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đọc “Triệu Xuân Sống và Viết” cứ ngỡ như bạn mình  đang tuổi thanh niên!
Đọc tác phẩm Sống và Viết, người đọc cảm nhận được một con người suốt đời đam mê lao động, sáng tạo, quảng giao, lịch lãm, sống hết lòng với bạn bè… Chắc chắn có rất nhiều người mỗi khi nhắc đến Triệu Xuân, lòng thấy thương mến, tự hào!
* Bài in trong tác phẩm: Triệu Xuân - Nghĩa tình bạn hữu. NXB Hội Nhà văn, tháng 5-2020.
Hà Nội, 3/2020
Trương Cộng Hòa
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...