“... Ông có thể sáng tác bất cứ thể loại nào! Dù là những
bài hát theo cảm hứng nghệ thuật như Người em sầu mộng (phổ thơ Lưu
Trọng Lư), Những bước chân âm thầm (phổ thơ Kim Tuấn), Hoàng hôn
trên bãi biển, Đừng lừa dối nhau… nhất là bản Ảo ảnh (thăng hoa qua
tiếng hát Lệ Thu; các bài theo điệu twist sôi động, vui tươi như Sáu mươi
năm cuộc đời và Sài Gòn; hay các bản nhạc thời trang theo yêu cầu quần
chúng đương thời như Anh đâu em đó, Chiều mưa trên công viên, Tình chàng ý
thiếp,… Và nhất là Xa vắng (qua tiếng hát của Thanh Thúy) - thì ông vẫn
giữ được chất “Y Vân” - luôn luôn chuyên nghiệp và chu đáo trong ca từ và giai
điệu...”
Y Vân: Xa vắng
Xa vắng - Sáng tác: Y Vân
Trình bày: Thanh Tuyền (Pre 75)
Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được
người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ
năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn
như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn
sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần
thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may
mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ
in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng
chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.
Chuyên mục “Dòng nhạc kỷ niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ
giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang
ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc
được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ
miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó,
với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai
sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng nhạc kỷ niệm”, nghe một bản
nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời
cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc
cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu
hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc
hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v...
Nghe thêm:
Đọc thêm:
Cố nhạc sĩ Y Vân: Yêu, cho biết sao đêm dài…
Vươn đến thành công trong sáng tác ở các thể loại, cố nhạc sĩ
Y Vân là một trong những tài năng hiếm hoi khi hội đủ tất cả những điểm mạnh.
Ông có thể thành công với điệu boléro, rumba nhưng cũng có thể
thành công với cả điệu twist, rock. Phải chăng, chính tài năng ấy mà cuộc đời Y
Vân ít nhiều bị - được thêu dệt?
Những bài ca để đời
Hầu hết ai trong chúng ta cũng đều biết bài hát Lòng mẹ -
bản “quốc ca của tình mẫu tử” (cách gọi của nhà thơ Du Tử Lê) của nhạc sĩ Y
Vân. Theo lời kể của nhạc sĩ Y Vũ - em ruột nhạc sĩ Y Vân - bài hát
này được Y Vân viết vào năm 1959, tại Sài Gòn trong một hoàn cảnh hết sức đặc
biệt. Vì gia cảnh túng thiếu nên hằng đêm, mẹ ông phải đến máy nước công cộng để
giặt quần áo. Có lần giặt đến 2h sáng thì bà bị cảnh sát chế độ cũ bắt vì dám
phá lệnh giới nghiêm. Trở về nhà sau một đêm mưu sinh ở câu lạc bộ nhạc, nghe
tin, Y Vân đã khóc và sáng tác bài Lòng mẹ. Với giai điệu không cầu kỳ, lời ca
bình dị nhưng da diết, Lòng mẹ trở thành một trong những bài hát ca
ngợi tình mẫu tử hay nhất, thiêng liêng nhất và xúc động nhất cho đến nay. Lúc
viết xong, nhạc sĩ Y Vân hát cho mẹ ông nghe và bà đã bật khóc.
Y Vân có một tình yêu thương rất đặc biệt với mẹ, bởi ông
sinh ra trong một gia đình nghèo và mồ côi cha từ sớm. Tên thật là Trần Tấn Hậu,
cố nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Tuy khó khăn
nhưng từ nhỏ, ông đã được gia đình cho đi học nhạc với nhạc sĩ Tạ Phước và tập
tễnh sáng tác từ rất sớm. Khi cha ông mất, cả gia đình phải dắt díu nhau nương
náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên - Hà Nội. Nhờ ngón đàn đã học,
ông bươn chải đi dạy giúp đỡ gia đình.
Thương hoàn cảnh Y Vân khó khăn, một người bạn giới
thiệu ông đến dạy đàn cho tiểu thư khuê các tên Tường Vân. Tôi không biết có
bao nhiêu người trên thế giới này đến với nhau qua con đường âm nhạc và thi ca.
Nhưng, tôi tin, không có sự giao duyên nào đẹp và bén ngọt như cái cách mà âm
nhạc và thơ ca gắn kết con người với nhau. Thời gian trôi, mối tình giữa chàng
nhạc công nghèo và nàng tiểu thư giàu sang, quyền quý càng thêm mặn nồng. Tuy
nhiên, mối tình đầu đẹp ấy cũng tan vỡ… Âu có lẽ cũng là do duyên phận! Tình đầu
không thành, nhưng dư âm còn vương vấn, bút hiệu Y Vân ra đời. “Y” là viết tắt
của chữ “yêu”, “Y Vân” có nghĩa là “yêu Vân”.
Năm 1952, cả gia đình nhạc sĩ Y Vân vào Sài Gòn. Tại đây, ông
tiếp tục sáng tác, chơi nhạc và dạy nhạc, viết cả sách dạy nhạc và đàn guitar.
Sau Lòng mẹ, Y Vân trở thành nhạc sĩ có tiếng ở Sài Gòn. Tuy nhiên, thành công
của Lòng mẹ lớn tới mức, một số sáng tác sau đó của ông gần như bị lu mờ, từ những
bài ca cho tuổi học trò: Con ve và con kiến, Từ biệt mái trường xưa, cho đến
những bài hát đậm chất tự tình dân gian như Tát nước đầu đình, Đôi mái
chèo trăng,… Mãi cho đến khi nhạc sĩ Y Vân viết các bản tình ca buồn như Đò
nghèo, Nhạt nắng, Ảo ảnh, Ngăn cách, Yêu, Thôi, Buồn,… người ta mới nhớ tới một
Y Vân khác - một Y Vân viết nhạc tình thiết tha và chất chứa nhiều tâm trạng.
So với các nhạc sĩ cùng thời, phạm vi sáng tác của nhạc sĩ Y
Vân bao quát hơn, đi sát với quần chúng. Ông có thể sáng tác bất cứ thể loại
nào! Dù là những bài hát theo cảm hứng nghệ thuật như Người em sầu mộng (phổ
thơ Lưu Trọng Lư), Những bước chân âm thầm (phổ thơ Kim Tuấn), Hoàng
hôn trên bãi biển, Đừng lừa dối nhau… nhất là bản Ảo ảnh (thăng hoa
qua tiếng hát Lệ Thu; các bài theo điệu twist sôi động, vui tươi như Sáu
mươi năm cuộc đời và Sài Gòn; hay các bản nhạc thời trang theo yêu cầu
quần chúng đương thời như Anh đâu em đó, Chiều mưa trên công viên, Tình
chàng ý thiếp,… Và nhất là Xa vắng (qua tiếng hát của Thanh Thúy) -
thì ông vẫn giữ được chất “Y Vân” - luôn luôn chuyên nghiệp và chu đáo trong ca
từ và giai điệu.
Theo hoài niệm của Nguyễn Đình Toàn trong cuốn Bông hồng
tạ ơn và ca sĩ Lệ Thu - người từng thể hiện rất thành công các ca khúc của
nhạc sĩ Y Vân thì ông là người rất vui tính và đa tình. Chẳng biết cái sự đa
tình của nhạc sĩ Y Vân tới đâu nhưng có rất nhiều giai thoại quanh cuộc đời ông
mà đến người trong cuộc khi nghe cũng phải té ngửa. Ví dụ như hoàn cảnh ra đời
ca khúc Ảo ảnh đã được thêu dệt bởi tình yêu trong tâm tưởng của một
cô gái tên Huyền. Khi biết nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, cô Huyền đeo một mảnh
tang đen trên bâu áo nhằm tiếc thương cho mối tình vô vọng của mình!
Hẳn nhiên, đã là giai thoại thì không thể kiểm chứng, chỉ nên
xem nó như thứ gia vị được nêm nếm thêm cho cuộc đời đa dạng và phong phú. Phàm
là người, nhất là những người có tâm hồn nhạy cảm, dù đã có gia đình đi chăng nữa
thì đôi lần liêu xiêu trước một bóng hồng nào đó. Có lẽ, nhạc sĩ Y Vân cũng
không ngoại lệ. Khi thì “Thúy đã đi rồi”, khi thì “cớ sao buồn này Kim, cớ sao
sầu này Kim?…”, nhưng điều đáng quý nhất là những cảm xúc ấy chỉ góp phần làm
thăng hoa các sáng tác của ông, còn ngoài đời thực, ông là một người chồng, người
cha mẫu mực. Bà Trần Thị Minh Lâm - người gắn bó với nhạc sĩ cho đến giây phút
cuối đời - hơn một lần tâm sự: “Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con
người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất
hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ.
Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con.”
Tuy vậy, vẫn có mối tình rất đẹp giữa ông và hai người phụ nữ
- sau này đều là vợ ông!
Năm 1959, nhạc sĩ Y Vân kết hôn lần thứ nhất với bà Như Hường.
Họ có với nhau 4 người con. Những ca khúc nổi tiếng như Ảo ảnh, Ngăn cách…
được nhạc sĩ sáng tác trong thời gian này, trong đó có Biển sầu và Người
vợ hiền là hai ca khúc ông viết tặng bà Như Hường, như một tỏ bày cụ thể
tình yêu, lòng trân trọng của ông dành cho bà.
Hơn mười năm sau, tức năm 1970, với sự hy sinh hiếm có, bà
Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân. Người vợ thứ hai của ông, không ai
khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường - bà Trần Thị Minh Lâm. (Cha
của bà Minh Lâm là em trai của mẹ bà Như Hường). Do cảm thông trước mối tình
mãnh liệt của cô em gái nên bà Hường có quyết định trên, mặc cho gia đình khi ấy
phản đối dữ dội. Điều đáng nói là hai chị em rất hòa thuận và yêu thương nhau,
gia đình trong ấm, ngoài êm. Có lẽ, họ xác định rất rõ, họ đứng sau một người
đàn ông tài hoa, lận đận nên không có điều gì quý giá hơn bằng sự cảm thông sâu
sắc từ trái tim của những người vợ.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền
Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc
phim, nhạc nền cho sân khấu… Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Bà Lâm hoài
niệm: “Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập,
thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập,
có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình xây lại được căn nhà tạm gọi
là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, một năm sau thì anh mất…”.
Ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân giã từ cõi người khi vừa bước
vào tuổi 60, đúng như ca khúc Sáu mươi năm cuộc đời ông tiên liệu.
Ngày ấy có bao nhiêu giọt nước mắt tiễn đưa ông, nhưng có lẽ, đớn đau và xót xa
nhất là giọt nước mắt của mẹ ông. Bà Lâm kể: “Dạo ấy, đứng trước quan tài
của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc thành phố, mẹ chồng tôi không hề khóc một
tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược
vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói: “Người đời thường bảo: Con ‘đi’ trước mẹ
là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ
lúc viết xong Lòng mẹ… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm
nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm…”. 10 tháng sau, mẹ của nhạc sĩ Y Vân qua đời.
TV và BH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét