Nhìn đời bằng con mắt thứ ba
Phải nói ngay rằng Hình nhân thụ huyết của Đỗ Doãn Quát là một cuốn tiểu thuyết đọc hấp dẫn vì cái chất “Liêu trai” của nó, còn nói theo cách khác, đây là một cuốn tiểu thuyết kinh dị, nhuốm đầy những mộng mị, kỳ ảo. Một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện ly kỳ, ma mị nên có khả năng dẫn dụ người đọc vốn đang có xu hướng được sống trong thế giới ảo (như trẻ em thích chơi game chẳng hạn). Ngay nhan đề tác phẩm đã gợi trí tò mò và hiếu kỳ của độc giả. Chưa đọc nhưng rất bắt mắt với bốn chữ “hình nhân thụ huyết”. Phải chăng có một thế giới “ảo” đang xâm nhập và ngự trị trong cái thế giới “thực” của chúng ta? Phải chăng thế giới “âm” và “dương” đang được khai thông bằng năng lực “thông linh” của con người thời đại? Với ý nghĩa đó tiểu thuyết Hình nhân thụ huyết của Đỗ Doãn Quát như là những giả định có tính chất gợi mở trong quá trình chiêm nghiệm đời sống vốn luôn luôn là một bí ẩn không có đáp số cuối cùng.
Chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, nhân vật Tự xưng “Tôi” dẫn dắt câu chuyện. Tôi từ nhỏ ốm đau quặt quẹo vì bệnh động kinh. Lớn lên trong mặc cảm về thân phận yếu hèn nhưng được cô gái tên Hậu - một người có họ hàng xa - đem lòng yêu mến. Cả hai đã vượt qua biết bao nhiêu những định kiến, rào ngăn của phong tục, lề thói quê kiểng để có nhau. Nhưng họ đã không thành lứa đôi vì “Lỡ tàu! Hai đứa tôi đã lỡ chuyến tàu cuộc đời - Chuyến tàu định mệnh. Và thế là đành vĩnh viễn xa nhau”. Sau khi lỡ làng với Hậu, Tôi gặp Bến và nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Cuộc sống thoạt trông bề ngoài thật hạnh phúc. Nhưng sự đời không đơn giản như 1+1=2. Dường như từ nhỏ bị bệnh tật - chứng động kinh - lớn lên lại bị “chứng hoang vắng” nên nhân vật Tôi có một năng lượng khác người. Nhân vật này tự biết rằng “Tôi cười mủm mỉm nhìn đời vì con mắt thứ ba của tôi đã nhìn thấy bao điều khuất khoáy, nhìn tỏ mặt trái cái mề đay”. Nhờ “con mắt thứ ba” này mà nhân vật Tôi đã biết “Té ra vợ tôi tuy là hình nhân hàng mã thật, song nó cũng hiền, còn hiền hơn người thường nữa ấy chứ, mà còn hiểu biết hơn, lễ nghĩa hơn…Nghĩ thật lẩn thẩn, tôi có phước mới lấy được được con vợ hình nhân”.
Không chỉ có Tôi (tức Tự), mà cả bố anh ta cũng lấy phải cô vợ hai Lý Thị Thương, là một hình nhân nốt “Tôi cảm thấy tai ương treo lơ lửng trên nóc cái nhà này, một nhà mà có đến hai con hình nhân nó lặn vào nó ám, ám cả đời bố lẫn đời con”. Sau này khi công việc làm ăn của ông bố bị lụn bại thì Tôi biết “Oan hồn con mã vợ bé của bố tôi bị mẹ tôi giết chết một cách thảm khốc quyết báo thù”. Như vậy nhân vật Tôi (Tự) là “người trần” nhưng không “mắt thịt”. Anh ta có khả năng “thông linh” cõi “âm” và cõi “dương”. Âm - dương với người khác thì cách trở, nhưng với Tôi thì như trong lòng bàn tay. Tôi có cái khả năng thâm nhập vào những vùng kì bí của đời sống. Ngay tình tiết Tôi muốn chết cùng với Hậu cũng nhuốm một màu sắc ma mị, kỳ quái. Nhân vật Tôi có cái “thèm khát trút bỏ những chuyện kỳ bí chứa đựng trong bụng suốt mấy năm ròng”. Thật là may mắn khi nhân vật này đã gặp gỡ những độc giả ngày đang càng gia tăng say mê những chuyện “Liêu trai”, “kỳ bí”, nói cách khác là mê say cái “kinh dị”.
Yêu cầu của Mẹ khiến Tự càng nung nấu phơi bày tâm can của mình về một thế giới khác qua cách nhìn của “con mắt thứ ba”: “Con viết lấy một bản tường trình kể rành rọt đầu đuôi câu chuyện thụ huyết cho hai con hình nhân yêu nữ, cố nhớ thật chính xác ngày giờ cũng như nơi xảy ra sự cố…”. Nhưng cũng chính bà mẹ lại ý thức được “Khoan, kể ngọn ngành xong con nhớ ghi một lời cam kết - Tôi xin cam đoan những sự việc trên là hoàn toàn có thật, nếu có một chi tiết nào bịa đặt, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Đọc đến đây tôi bỗng nhớ một bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo “ Tin thì tin không tin thì thôi”. Phải chăng trong thế giới này đang xảy ra những chuyện ngoài sức hiểu biết và tưởng tượng của con người?
Hình nhân thụ huyết là một tiểu thuyết kỳ ảo, kinh dị. Những “Bến Lú”, “hình nhân”, “hồn ma”, “Sông Vong”, “hàng mã”, “lũ Quỷ”, “oan hồn”, “gọi hồn”,… giăng mắc trong tác phẩm khiến cho độc giả có cái cảm giác đang đứng trước một điện thờ nghi ngút hương khói, ánh nến mờ ảo, âm thanh kỳ lạ, và những bóng người đang nhảy múa mê man bất tận. Ngay từ đầu tác giả đã dẫn dụ người đọc vào một không gian đặc biệt khi “Chợt một tiểu a hoàn chả biết từ đâu bỗng đột nhiên xuất hiện phăm phăm chạy tới, có lẽ cô ta đang trên đường đi quẩy nước. Đặt gánh xuống, đòn gánh lăm lăm trong tay cô phang bạt mạng vào hai tên hình nhân những đòn chí tử. Rồi sẵn hai thùng nước, cô hắt tới tấp vào mặt mũi mình mẩy chúng. Có lẽ hai tên hình nhân sợ bị đòn gánh đập gẫy mất bộ cốt tre, lại sợ bị nước té mủn nát lớp da giấy bản… nên chúng hoảng hồn ù té quyền luôn, biến vội thành hai vệt khói đen tan lẫn vào trong thinh không”. Những không gian “ảo” như thế choán chỗ trong tác phẩm, tạo nên sự bảng lảng của câu chuyện. Quan hệ giữa nhân vật Tôi và Hậu là dựa trên những “thần giao cách cảm” - người này có thể nhận biết người kia ở đâu, làm gì, vui buồn ra sao bằng linh cảm càng làm cho câu chuyện được kể thêm “mùi mẫn”.
Nhân vật của Hình nhân thụ huyết đều mờ mờ nhân ảnh, như lão lái đò xuất hiện cuối tác phẩm “Này, tớ chính là Hình đây. Tớ làm hợp đồng cho lũ Quỷ Bến Lú này, mấy năm nay rồi. Cũng chỉ là làm thêm thôi! Thời buổi kinh tế khó khăn cũng đành phải liều, chứ còn biết làm thế nào? Này, chở đò qua con sông Vong này nguy hiểm lắm! Sóng to gió lớn, chết như bỡn! mà sểnh cái tụi linh hồn nhảy ùm xuống sông trốn mất là công toi. Trên cứ nhè lái đò mà phạt tiền! Song khổ cái công việc này được lũ Quỷ nó trả thù lao rất cao, bỏ thì tiếc!”.
Đoạn kết tác phẩm nhân vật Tôi gặp hai cô gái, theo họ thì “Chúng em là hai con hình nhân được anh thụ huyết cho đây mà!”. Và quả thực “Hai cô gái chìa má, vén gáy cho tôi nhìn…dấu vết của ngón cái và ngón trỏ đẫm máu của tôi điểm vào cơ thể họ ngày ấy nay là những cái bớt son tươi roi rói. Đúng là hai con hình nhân ấy rồi”. Và nhân vật Tôi suy tư “Sao lũ Hình nhân cứ ngày một nhiều, ai thụ huyết cho chúng? Ngẫm kỹ chúng sống có tình hơn lũ người thật chúng ta”. Đọc đến đây, riêng tôi, lại nhớ đến tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường xuất hiện cách đây những hơn hai chục năm. Phải chăng “ma” và “người” là hai thực thể cùng tồn tại trong cõi chúng sinh?
Người ta nói thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của tâm linh. Chuyện hình nhân thế mạng, hay hình nhân thụ huyết chắc chắn là không có thực nếu đứng trên quan điểm khoa học thực chứng. Nhưng đời sống tâm linh của con người thì ngày càng mở ra vô cùng vô tận. Và quan trọng hơn là tâm linh đang được thức tỉnh bởi rất nhiều lý do. Đỗ Doãn Quát viết Hình nhân thụ huyết, tôi cứ hình dung, ông như một diễn viên xiếc trên dây. Mạo hiểm nhưng kỳ thú và hấp dẫn. Nhưng rốt cục thì thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới độc giả lại là vấn đề nhân tâm thời đại: Sao lại để cho những hình nhân “sống có tình” hơn “lũ người thật”, như nhân vật Tôi đã nghiệm suy ở đoạn kết tiểu thuyết.
Tôi muốn nói đến văn của Đỗ Doãn Quát trong Hình nhân thụ huyết. Một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn độc giả cần có “chuyện” hay. Tất nhiên! Nhưng không thể không quan tâm đến chất “văn” của nó. Dấu vết nghề nghiệp in khá rõ trong văn Đỗ Doãn Quát. Tôi biết ngoài đam mê văn chương, ông còn hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người. Ngoài đời ông “chẩn bệnh” cho người thế nào thì trong văn ông “chẩn bệnh” cho nhân vật thế ấy: “Tôi là con út, đứa con mẹ đẻ mót. Khi có mang tôi mẹ đã ngoại tứ tuần, tôi sinh ra èo uột, xấu xí. Người tôi mềm oặt như một cái dải khoai héo, còm rúm còm rít, hèn kém nhất nhà. Tôi lại còn có máu động kinh, mỗi lần lên cơn kinh giật là hai mắt trợn ngược trắng dã, hai quai hàm nghiến chặt cứng, bọt mép phun phè phè, chân tay co quắp, người giật đùng đùng rồi ngã lăn kềnh ra bất tỉnh nhân sự”. Đích thị là văn của một “thầy lang”.
Nhưng có một lối văn khác rất “phiêu” kiểu cách Đỗ Doãn Quát: “Rượu đang ngấm, tiệc đang nồng. Tiệc càng về tàn, càng la đà tay đũa tay chén, mải vui mãi tận sẩm chiều. Chợt mất điện, phải thắp nến. Ánh nến ảo mờ, tiệc càng lãng tử: Dẵm lên bóng nhau mà cạch chén”. Văn này cho ta biết tác giả là người rất bặt thiệp, phóng khoáng.
Lúc khác ông viết như “lên đồng”, văn bay lên: “Năm ấy ngày 21 tháng 3, tiết Cốc Vũ - mưa rào. Trong mưa tuôn xối xả, sấm chớp nhoáng nhoàng…một con cá chép cực lớn lướt sóng táp vào doi đất thó làng Lò Nồi. Nó nhả vào đấy một viên ngọc sáng lòa. Mưa gió, sấm chớp bỗng chợt ngừng. Trời đất rộn ràng, trăng sáng lồng lộng soi tỏ dòng sông, bến nước. Nhả bỏ viên ngọc, chép bỗng lâng lâng… từ doi đất thó làng Lò Nồi nó đã hóa rồng, bay vút vào bao la, trước sự ngạc nhiên hâm mộ của cả bầy thủy tộc”. Văn này hợp với không khí “Liêu trai” của câu chuyện.
Nếu nói “văn là người” thì tôi quả quyết hình dung Đỗ Doãn Quát là một người đa nhân cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét