Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Tuấn, chàng trai nước Việt 1

Tuấn, chàng trai nước Việt 1
LỜI TỰA
BẠN ĐỌC THÂN MẾN!
Bộ sách này không phải một tiểu thuyết.
Cũng không phải là một ký ức cá nhân.
TUẤN là một nhân vật điển hình, tiêu biểu những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên Đất Nước từ đầu thế kỷ. Chàng lớn lên giữa một bối cảnh lịch sử và xã hội cổ kính đang bắt đầu biến chuyển dần dần theo định mệnh do sự xâm nhập của người Pháp hoàn toàn xa lạ từ Tây phương đến đô hộ xứ ta. Họ đã đương nhiên để lại những dấu tích sâu đậm của một Văn minh mới, và tạo ra một vận mệnh mới cho Dân Tộc Việt Nam.
Với tư cách một nhân chứng vô tư của Thời Đại, TUẤN thuật lại rất khách quan và chân thật, không màu mè chải-chuốt, tất cả những biển đổi phi thường ấy, về lịch sử, xã hội, phong hóa, tập tục, kinh tế, trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân Việt Nam từ 1900 đến nay. Một đời sống dồi dào sinh lực, đầy thử thách và kinh nghiệm.
Những người Việt sinh trưởng vào đầu Thế kỷ có thể chứng nhận rằng những sự kiện, thấy, nghe, sống, những phong trào, nhân vật, biến cố lớn hay nhỏ, ghi lại trong tác phẩm này đều hoàn toàn xác thực. Ở đây, không có chỗ cho tưởng tượng, cũng như cho chủ quan, thành kiến.
Những thế hệ hôm nay và hậu lai sẽ tìm nơi đây những yếu tố để suy nghiệm về Lịch Sử Dân ta.
Saigòn,11-12-1969
Nguyễn Vỹ
CHƯƠNG 1
1900 - 1910
- Chữ Hán Nôm còn rất thịnh hành, và được gọi là "chữ ta" .
- Chữ quốc ngữ được rất ít người học.
- Vì sợ Tây bỏ tù, thằng Chuột phải đi học.
- Cậu nho sĩ 19 tuổi mới bắt đầu xin vào lớp Năm, học ABC, và 24 tuổi mới đậu bằng Tiểu Học.
- Lần đầu tiên một người Việt Nam bỏ búi tóc cổ truyền, để cúp tóc theo như Tây. Làm lễ tạ tội với Ông Bà trước khi hớt tóc.
- Một đám rước học sinh đậu bằng Tiểu Học Vinh Quy Bái Tổ.
- Một đám cưới Việt Nam.
Anh Bốn nhát quá!
Ảnh lớn rồi mà thấy mấy ông Tây bà Đầm là chạy trốn vô nhà làm tụi mình cũng sợ chạy ba chân bốn cẳng trốn không kịp!
Thằng Chuột và thằng Đít, hai đứa trẻ nít 9 và 10 tuổi xúm nhau ngạo cậu Bốn, 18 tuổi, chàng thanh niên đẹp trai nhất ở phố Cửa Bắc.
Sự thật thì hai đứa nó còn sợ hơn cậu Bốn nữa, cũng như hầu hết các thanh niên và thiếu niên Việt Nam thời bây giờ, hễ trông thấy Ông Tây Bà Đầm là thất kinh hồn vía. Hai đứa núp sau Miếu Cây Da, đợi ông Tây bà Đầm đi qua khỏi rồi mới thò đầu ra. Còn cậu Bốn thì ở luôn trong nhà. Thằng Chuột cười, nói với bạn nó:
- Ảnh sợ Tây vậy, chớ hôm trước gặp cô Ba Hợi con gái ông Bá Hộ đi chợ về, ảnh cứ đeo theo chọc hoài, không sợ đâu mầy ơi! Cô Ba không thèm nói gì hết, để cho ảnh cứ đi theo cho tới gần ngõ cổ mới quay lại bảo ảnh: Nhà tôi có con chó dữ lắm, cậu đừng xớ rớ đây, tôi xịt nó ra cắn thì chịu đấý. Vậy mà anh Bốn cũng không sợ con chó Vện của cô Ba Hợi, mầy ơi!
- Ảnh cứ đứng ngoài ngõ hả?
- Ừ, mầy biết ảnh mê cô Ba Hợi lắm. Mẹ tao nói thế đó. Tại cô Ba Hợi có nhan sắc hơn hết thẩy ở đây.
- Cô Ba Hợi có xịt chó ra cắn ảnh không?
- Không. Nhưng không biết cổ có méc với ông Bá Hộ làm sao mà ông cầm cây roi mây chạy ra ngõ... Anh Bốn thấy cái roi của ổng, sợ quýnh cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch về nhà, mầy ơi.
Thằng Đít cười như nắc nẻ.
Lúc bấy giờ là năm 1910. Cậu Bốn, tên thật là Lê văn Thanh, là con ông Xã Quý, ở làng Chánh Lộ, ngay tỉnh lỵ. Ông Xã có ngôi nhà tranh ở Cửa Bắc, không giàu cũng không nghèo. Cậu là học trò của ông Tú Phong, một nhà nho học có tiếng tăm ở tỉnh. Tuy là sinh trưởng ở thành thị và đã 18 tuổi đầu, mà chàng thanh niên Lê Văn Thanh như hầu hết các bạn trai trẻ khác đều rủ nhau đi học chữ Hán ở nhà ông Tú, chứ ít có cậu nào chịu đi học Trường Nhà Nước Bảo Hộ
Ở xóm Cửa Bắc, chỉ có thằng Chuột là đi học trường Nhà Nước. Vì thầy giáo cứ đến nhà năn nỉ mãi với cha mẹ nó cố xin cho nó đi học. Mỗi lần thầy có đem cho nó một xấp giấy tây thật trắng, một quyển vở ngoài bìa có in bà Đầm xoè thật đẹp, một cây bút, một ngòi bút, một bình mực, một cây thước, một cây bút chì, một cục gôm.
Tuy vậy thầy giáo Năng đã dụ dỗ nó ba lần bảy lượt, mà thằng Chuột nhất định không đi học Trường Nhà Nước, nó muốn học chữ ta, tức là chữ Hán Nôm - như cậu Bốn con trai ông Xã Quý.
Sau cùng, một hôm thầy giáo đến hăm doa cha mẹ nó: Chú thím không cho thằng Chuột đi học thì Quan Tây bỏ tù, đừng có trách tôi, nghe không?. Vì sợ Quan Tây bỏ tù, mà rồi cha mẹ thằng Chuột phải đành lòng cho Thằng Chuột đi học Trường Nhà Nước vậy. Thầy giáo cũng nói thật rằng thầy được lịnh Quan Đốc và Quan Sứ bảo phải đi kiếm con nít tới học cho đông, vì Trường Nhà Nước chưa có học trò. Thầy giáo bảo thằng Chuột đổi tên khác. Cha mẹ nó không biết đặt tên gì, nên nhờ thầy giáo. Thầy đặt tên nó là TRẦN ANH TUẤN. Nhưng mấy ngày đầu Trần Anh Tuấn chỉ muốn trốn học, vì thầy giáo bắt học chữ Quốc Ngữ A.B.C. Nó thấy kỳ cục quá không giống những chữ Thiên trời, Địa đất, Thất mất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba... như thằng Đít học ở nhà ông Tú nghe dễ hơn, và hay hơn. Thầy giáo bắt nó học BA, BĂ, BÂ, BI, nó vừa học vừa tức cười. Nó mắc cỡ, nhưng vì nó sợ ba mẹ nó bị bắt bỏ tù nên nó phải đi học Ba, Bă, Bâ, Bi... đó thôi. Vả lại, trường tỉnh mà vẫn ít học trò quá. Lớp Năm mà chỉ có 7 đứa, lớp Tư cũng 7 đứa, lớp Ba 6 đứa. Lớp Nhì, lớp Nhất chưa có trò nào. Thầy giáo bảo thằng Chuột về nhà dụ dỗ những đứa trẻ khác đi học, Nhà Nước phát cho giấy bút, mực, khỏi phải mua, lại còn phát cho nó một cái mũ trắng nữa. Nó rủ thằng Đít, con chú thợ mộc. Nhưng thằng Đít không chịu đi. Thằng Đít nhất định ở nhà học chữ Thánh Hiền. Cha nó, chú thợ mộc, muốn thế.
Trong tháng đầu, mỗi lần thằng Chuột đi học là nó cứ khóc thút-tha thút-thít, tuy nó đã 9 tuổi rồi, cái chởm tóc trên đỉnh đầu đã dài xuống đến ót.
Nhưng học được một năm, nó biết chút ít tiếng Tây . Nó lại hãnh diện, làm phách quá xá. Nó khoe với cậu bốn Thanh, với thằng Đít, với tất cả bà con cô bác, rằng nó là "Lắc-léo-mê-dòng-lô". Cậu Bốn hỏi nó:
- Lắc léo mê dòng lô là cái gì, mầy?
- Là chữ Tây: "L élève maison l eau".
- Là cái gì chớ?
- Là "Học Trò Nhà Nước" chớ cái gì!
Nó cười xoà, có vẻ chê mấy người không biết chữ Tây.
Từ hôm nó nói được câu tiếng Tây đầu tiên ấy, ở Cửa Bắc ai cũng phục nó sát đất. Họ đồn rùm lên là thằng Chuột giỏi tiếng Tây lắm, mới học một năm mà đã nói được chữ Tây "Lắc léo mê dòng lô". Nó vô tình quảng cáo chữ Tây và Trường Nhà Nước cho cả dãy phố Cửa Bắc. Nhờ nó, mà tháng 9 năm 1910, sau kỳ nghỉ hè trường Nhà Nước có thêm học trò khá đông.
Nhưng mà cậu Bốn nhất định chê chữ Tây không có nghĩa lý cao thâm bằng chữ ta, tức là chữ Hán Nôm. Vả lại, cậu đã 18 tuổi rồi, chữ Hán Nôm cậu đã giỏi, cậu đã thuộc hết Tứ Thư Ngũ Kinh, còn học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây làm chi nữa?
Không dè rốt cuộc cậu cũng phải học chữ Quốc Ngữ. Nguyên do là tại cô Ba Hợi, con gái ông Bá Hộ. Ở bến Tam Thương, không biết ai bày vẽ cho cổ từ hồi nào, mà cô ở nhà đã học chữ Quốc Ngữ, thuộc vần xuôi, vần ngược, bắt đầu đánh vần và viết được rồi. Cô đi chợ, mua một đồng tiền bột phẩm tím về nhà bỏ trong một cái ve, đổ nước sôi vào, hoà thành ra mực. Cô đến một tiệm lớn của khách trú mua một manh giấy Tây giá là một tiền, cô bọc lá chuối thật kỹ, cho khỏi nhớp. Cô cũng mua một cán bút, một ngòi bút. Những lúc rảnh, cô tập viết chữ Quốc Ngữ một mình. Kể ra ở tỉnh cô Ba Hợi là một cô gái tân tiến nhất lúc bấy giờ trong giới phụ nữ, nghĩa là chỉ có mình cô là con gái học chữ Quốc Ngữ mà thôi. Cô học lén ở nhà, sợ chúng bạn ngạo. Cái bí mật là ai dạy cô Ba Hợi học chữ Quốc Ngữ, và học hồi nào? Mãi về sau trong xóm người ta biết được, mới xầm xì là cô học thầy giáo Năng. Ông Bá Hộ chỉ có 2 người con, mà cô Ba Hợi là con gái độc nhất, và cô đã lớn, nên ông chìu cô lắm. Theo ý cô muốn, ông có mời thầy giáo Năng đến nhà dạy lén cho cô học chữ Quốc Ngữ đã ba tháng từ sau ngày hạ cây nêu Tết.
Một hôm, cô Ba đi chợ tình cờ gặp lại cậu Bốn Thanh, khăn đeo, áo dài (cậu còn giữ nguyên cái búi tóc trên đầu, cũng như hầu hết các thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ và đi chưn không). Đến chỗ vắng, chàng thanh niên chận cô Ba Hợi giữa đường, để tán tỉnh. Đây là cách tán gái của chàng thanh niên Nho học:
- Cô Ba ơi! cô nỡ lòng nào chê bai kẻ tiện sĩ này sao? Tôi không thấy mặt cô một ngày thì nhớ cô lòng thắt ruột đau. Sách có chữ "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề", mà cô không thương xót tôi sao đành! Cô ơi, sách lại có chữ "Xuân bất tái lai, thì giờ chạy mau như bạch câu quá khích", hay là cô còn chọn đá thử vàng mới kết duyên Tần Tấn?
Cô Ba đội nón, còn cúi mặt xụp xuống nữa, không dám ngó cậu Bốn, nhưng cô la lớn:
- Cậu không để tui đi, tui la làng la xóm bây giờ đây.
Cậu Bốn sợ cô Ba la làng, nên phải đứng né qua một bên để cô Ba đi, nhưng cậu cứ lẽo- đẽo theo sau nói lải-nhải hoài. Cô Ba làm thinh không trả lời một tiếng. Tối hôm ấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết, cổ vừa đánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ:
CẬU BỐN
Chừng nào cậu đọc được bức thư này,thì tôi mới nói chuyện với cậu. Còn cậu không đọc được thư này, thì cậu đừng có nói chuyện với tui mất công. Thư bất tận ngôn.
Nguyễn Thị Hợi
Hôm sau, cô Ba đi chợ dắt thằng em trai 6 tuổi đi theo. Đi khỏi nhà được một quãng, gần chỗ ngã tư rẽ ra Cửa Bắc, cô gặp cậu Bốn Thanh đứng câu cá nơi mương. Cậu giả vờ câu cá mà thực ra là mong được gặp cô Ba đi chợ như mọi ngày. Chàng thanh niên chấp tay chào cô Ba, theo lễ phép hồi bấy giờ:
- Thưa cô Ba đi chợ.
Cô cũng lễ phép trả lời rất khẽ:
- Dạ.
Chàng cầm cần câu lẽo- đẽo theo sau:
- Cô Ba ơi. Thầy Mạnh Tử nói: "Sĩ vi khả di ngôn nhi ngôn... " tôi biết là tôi...
Nhưng cô Ba không muốn nghe. Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. Cô đút thư trong bàn tay bé xíu của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em bé đứng lại sau, đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng:
- Chị tui đưa cho chú cái này nè.
Chàng trai vui mừng và ngạc nhiên cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó gần đến Cửa Bắc.
Chàng mở thư ra coi, đứng tần ngần một lát, mắc cở đỏ mặt tía tai. Vì chàng không biết chữ Quốc Ngữ. Chàng không đọc được bức thư của cô Ba Hợi, tức quá, không biết là cổ viết gì?
Chàng thanh niên về nhà xấu hổ, cuộn tờ thư đút trong một ống tre, dấu kín trên mái tranh. Rồi chàng nhất định phải tìm người dạy chữ Quốc Ngữ.
Thầy giáo chỉ cho chàng học A,B,C, Ba, Bă, Bâ... không ai xa lạ: chính là thằng Chuột "lắc léo mê dòng lô".
Thằng Chuột thật là quái ác. Thanh đã dặn nó đừng tiết lộ cho ai biết câu chuyện bức thư quốc ngữ của cô Ba Hợi gửi cho chàng, thế mà thằng nhỏ "lắc léo mê dòng lô" cứ quen tính bép-xép, đi mách lẻo cùng cả dãy phố, làm cho ai nấy ôm bụng cười.
Bỗng dưng cô Ba Hợi nổi danh khắp Cửa Bắc, rồi dần dần khắp tỉnh lỵ, vì mấy dòng thơ bất tận ngôn của cô viết bằng chữ Quốc Ngữ để thách đố cậu Bốn Thanh. Chàng thanh niên Nho sĩ đã nổi tiếng thuộc làu kinh sử của Khổng Mạnh không dè lại bị con gái của ông Bá Hộ chế nhạo là không được vần A.B.C.
Từ hôm đó, cả ngày Thanh không dám bước chân ra phố. Chàng lén đưa tiền bảo thằng Chuột mua dùm cho chàng một "manh giấy Tây, một cán bút sắt", một viên phẩm tím để hoà thành mực, và nhờ thằng Chuột cứ tối tối đến dạy cho chàng học "chữ Quốc Ngữ". Thằng Chuột đâu phải giáo sư. Nhưng năm 1910, tìm đâu cho ra cả xóm Cửa Bắc một ông thầy giáo dạy chữ Quốc Ngữ! Hầu hết thanh niên trong vùng cũng như khắp nơi còn trung thành với Khổng Học, và không dám từ bỏ nề nếp Nho Phong. Chỉ có mỗi một mình thằng Chuột, con chú thợ nề là "lắc léo mê dòng lô" mà thôi. Cả xóm đều biết rằng vì vợ chồng chú nghe thầy giáo hăm doạ . Nếu không cho thằng Chuột đi học Trường Nhà Nước thì sẽ bị Quan Sứ bỏ tù nên cực chẳng đã chú thím phải cho thằng con trai đi học "chữ Quốc Ngữ" và "chữ Tây" đó thôi.
Thằng Chuột học hết vần xuôi vần ngược, và đã tập viết, tập đọc, ba tháng sau khi đến trường. Bây giờ nó dạy lại cậu Bốn Thanh ABC.
Nhưng thân sinh của chàng là ông Xã không bằng lòng. Một hôm ông rầy với giọng bực tức:
- Mầy đã 18 tuổi, thằng Chuột 9 tuổi mà nó làm Thầy mầy, thiệt ốt nhột quá.
Chàng trả lời:
- Thưa cha, ở xóm mình không ai biết chữ Quốc Ngữ, con phải học nó.
Ông Xã ngồi trong nhà nhai trầu, đôi mắt rầu-rĩ ngó ra ngoài trời, ông than thở:
- Sách Thánh Hiền có dạy: Quân, Sư, Phụ. Trên hết là Vua, rồi đến Thầy, dưới hết mới đến Cha . Mầy để cho thằng Chuột làm Thầy, chẳng khác nào mầy để nó ngồi trên đầu tao.
Chàng thanh niên Nho học nghe cha nói có lý, không dám cãi. Chàng rưng-rưng nước mắt:
- Thưa cha, hôm nay con đã thuộc hết vần xuôi, vần ngược. Con đánh vần được rồi. Vậy con vâng lời cha, từ nay con không học thằng Chuột nữa.
- Ừ, thôi con à. Người "An Nam" học chữ "An Nam", chứ học chữ Tây làm gì.
- Thưa cha, chữ Quốc Ngữ không phải là chữ Tây.
- Tao nghe mày học A.B.C., đó là "chữ Tây" chứ đâu phải "chữ Ta".
- Thưa cha, chữ Tây nhưng đánh vần thành ra chữ Ta. Thí dụ như con muốn viết chữ "cha", thì con đánh vần ch.a. cha. Chữ "mẹ" thì đánh vần M-e-me-nặng-mẹ.
Ông Xã lại hỏi:
- Còn "lắc léo mê dòng lô" là gì?
- Thưa cha, đó mới là chữ Tây, như thằng Chuột học trong trường tỉnh.
Tối hôm ấy, thằng Chuột đến như mấy đêm trước. Nhưng lần này cậu Bốn Thanh bảo nó:
- Tao đánh vần chữ Quốc Ngữ được rồi. Vậy từ nay mầy đừng đến nữa.
Thằng Chuột cười hóm-hỉnh:
- Anh đánh vần chữ... Chuột cho tôi nghe có trúng không đã nào?
- Chuột, thì: ch.u.chu.uộ.t. uốt là chuốt nặng chuột.
- Chữ Mèo?
- Mèo thì M.e.meo.meo, huyền mèo.
- Bây giờ tôi đố anh ba chữ, anh đánh vần được hết ba chữ, thì anh giỏi.
- Ba chữ gì, đố đi.
- Ba chữ: cô Ba Hợi.
Thanh cười ha hả, đỏ cả mặt, tía cả tai:
- Ba chữ đó dễ ợt: C.ô . cô, B.a.ba, H.o,hơ,ợi.ơi., là hơi nặng Hợi.
Thằng Chuột khoái chí, cười sặc-sụa:
- Tui cho anh đỗ Cử nhân đó.
Thanh vào nhà giữa xin cha một quan tiền, để trả ơn cho thằng Chuột. Ông Xã bảo:
- Tiền, cha cất ở dưới rương, con vô lấy.
Thanh cầm một quan tiền ra để trên bàn trước mặt thằng Chuột:
- Tao trả ơn mày dậy chữ Quốc Ngữ cho tao đó.
- Thôi, tui không lấy tiền đâu.
- Sao vậy?
- Tui dạy chơi cho vui mà anh Bốn.
- Tao đọc, tao viết được chữ Quốc Ngữ, cũng nhờ ơn mày. Tao đền ơn mày.
- Ơn với nghĩa gì, anh Bốn nói kỳ quá.
- Bậy nà! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, dù sao mày cũng là thầy tao.
- Nhất tự vi sư bán tự vi sư là gì, anh Bốn?
- Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, huống chi mầy dạy tao hết vần xuôi, vần ngược, rồi đánh vần, tập viết, tập đọc. Tao phải biết ơn mầy chứ.
- Thôi anh Bốn, tui không lấy tiền đâu. Tui mà lấy tiền, về cha tui ổng đánh chết.
Thằng Chuột nói xong, bỏ chạy một mạch ra về.
Thanh ăn cơm tối xong, pha trà cho cha, rồi lấy sách Mạnh Tử ra đọc chương Lương Huệ Vương. Hết canh một, ông Xã ngủ, chàng mới xếp sách Mạnh Tử để trên đầu giường, và len lén lấy tờ giấy tây, cán bút sắt và bình mực tím ra ngồi bàn. Dưới ngọn đèn dầu phọng, chàng vừa đánh vần vừa viết như sau đây:
CÔ BA HỢI
Sách Thánh hiền có dạy: Quân tử chi học dã, dĩ vi kỳ thân, tiểu nhân chi học dã, dĩ vi cầm độc (#1). Tôi phải học chữ Quốc Ngữ cũng vì cô, nói thật ra cũng nhờ cô khích lệ mà nay tôi mới khỏi thua sút một người yểu điệu thục nữ, tôi mới được dĩ vi kỳ thân, chứ không đến nổi dĩ vi cầm độc. Thật là muốn tạ ơn cô,vạn bội, vạn bội.
Ba tháng trước đây, khi cô trao cho tôi lá thư đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ, nếu là người con trai nào khác thì chắc có lẽ họ giận cô lắm. Nhưng kẻ tiện sĩ này thật không dám giận cô, vì tôi trộm nghĩ : huyết khí chi nộ bất năng hữu, nghĩa lý chi nộ bất năng vô(#2) nhưng tôi không có cái huyết khí chi nộ mà cũng không có cái nghĩa lý chi nộ. Tôi cho rằng lá thư khinh thị của cô chính là một lời khích lệ, cô đã khuyến khích tôi học chữ Quốc Ngữ đó chăng!
Cho nên tôi đã không giận cô, mà còn tuân theo tôn ý của cô nữa. Phù chí, khí chí súy giã, khí thể chi sung giã (#3).Thưa cô Ba, có phải vậy không? Chính nhờ cô, mà tôi rèn luyện được chí khí vậy.
Nay tôi tự viết thư Quốc Ngữ này, trước là để xin đền đáp ơn cô, sau là để xin hồi âm những lời vàng ngọc của cô đã dạy cho ba tháng trước đây.
Lê Văn Thanh
Chàng thanh niên viết bức thư dài hai trang giấy tây, chữ thật to (vì mới tập viết) từ đầu canh hai cho đến đầu canh ba mới rồi (tức khoảng 9 giờ đến 12 giờ khuya).
Suốt ba tháng trời cậu Lê văn Thanh không dám gặp mặt cô Nguyễn thị Hợi. Chàng xấu hổ vì một thanh niên Nho học thuộc lòng chữ nghĩa của Thánh Hiền, đầu óc đầy những câu sách của Khổng Tử, Mạnh Tử, mà phải chịu thua một cô gái học A.B.C. Chàng lại tức giận vì cô Ba mới viết được chữ Quốc Ngữ mà đã làm phách khoe chữ Quốc Ngữ với chàng, và còn thách đố chàng nữa.
Nhưng bây giờ chàng sắp trả được mối hận, quyết cưới cho được cô Ba Hợi. Nếu không lấy được cô, thì chàng sẽ "ở vậy" suốt đời. Chàng thanh niên Nho sĩ thật không dè chữ Quốc Ngữ học dễ quá, chỉ ba tháng là đọc được, viết được, trả lời được bức thư của cô con gái đẹp "chim sa cá lặn" kia.
Nhưng bức thư viết rồi mà chàng không biết làm sao gửi đến tận tay người phụ nữ.
Mãi nữa tháng sau, nhằm có lễ tế Thần hôm Rằm tháng Bảy rất long trọng ở Đình làng, và ban đêm có đốt pháo bông, chàng mới có cơ hội gặp cô Nguyễn Thị Hợi.
Trước sân đình đông nghẹt những thanh niên thiếu nữ kéo đến coi Múa Đèn tưng bừng rộn-rịp. Tất cả thanh niên ở hàng phố ngay tại tỉnh lỵ, cũng như ở các xóm thôn quê lân cận, đều mặc áo dài đen, đầu để búi tóc và chít khăn đen, trông chàng nào cũng đạo mạo, nho nhã. Ai nấy đều lễ phép, dạ dạ, thưa thưa. Có nghịch ngợm chăng nữa thì cũng chỉ lén lút nô đùa với nhau, dỡn cợt kín đáo, không dám cười to nói lớn.
Lê Văn Thanh được cử vào đoàn Lễ Sanh, là đoàn thanh niên được chọn lựa độ 12 người, mặc áo rộng xanh, đầu đội mão, chân mang hia, được hân hạnh tham gia nghi lễ tế Thần. Cô Nguyễn thị Hợi đứng chen trong đám các cô gái chưa chồng hoặc có chồng, và các bà già, trẻ con, say mê coi múa đèn, 12 chàng Lễ Sanh tay cầm đèn bánh ú và đèn hoa sen phất bằng giấy mỏng đủ màu, vừa múa vừa bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng, theo nhịp kèn nhịp trống, với những bộ điệu ly kỳ, huyền bí, học tập từ lâu, trông rất đẹp mắt.
Hết canh một (vào khoảng 8 giờ) thì xong lễ Múa Đèn, đến lượt đốt pháo bông. Lê văn Thanh đã cởi lễ phực trao trả lại làng, và được thảnh thơi ra ngoài đường, trước cổng đình, coi đốt pháo bông. Chàng len lỏi trong các đám phụ nữ đứng hoặc ngồi từng nhóm, tụm năm tụm ba chung quanh đám đất trống. Chàng cố tìm cho được cô Ba Hợi. Cô đứng một mình bên gốc cây sầu đâu trên lề đường, tay dắt đứa em trai của cô, 6 tuổi. Lê văn Thanh nhận được bóng dáng của cô, chàng mừng quá đỗi, nhưng chưa dám đến gần. Cô Hợi vừa liếc thấy chàng, liền ngoảnh mặt ngó chỗ khác, vờ như không đễ ý đến "Cậu Bốn Thanh".
Nhờ có bóng tối,và cô Hợi đứng tựa vào gốc cây sầu đâu, xa chỗ không người, nên không ai trông thấy rõ. Lê văn Thanh bạo dạn, nhưng vẫn rụt rè, bước... bước... bước nhè nhẹ... còn xa cách cô Hợi độ một khoảng dài, chàng không dám tiến tới nữa. Chàng chỉ sợ cô Ba Hợi la làng hoặc cất tiếng chửi "ông bà ông vải" thì mắc cỡ cho chàng biết bao nhiêu.
Thiếu nữ thời bấy giờ, đối với bọn con trai lân la chọc ghẹo, nhất là các cậu lì lợm, nếu được nàng ưa, thì nàng lặng lẽ nghe lời ong bướm, hoặc đối đáp dịu dàng, tình tứ. Còn nếu cô gái không ưa mà chàng cứ đeo theo gạ gẩm thì thế nào chàng cũng bị cô ấy chửi ngay cho một trận, hoặc la làng la xóm rùm lên. Chàng trai xấu hổ, chỉ có nước cút đi một mạch.
Lê văn Thanh do dự, biết cô Hợi chưa bao giờ tỏ vẻ thương yêu chàng. Nhưng chàng lấy cớ là trả lời bức thư Quốc ngữ của nàng gửi ba tháng trước, nên chàng tiến đến bóng cây sầu đâu.
Chàng lễ phép chấp hai tay, khẽ cúi đầu chào theo tục lệ xưa:
- Thưa cô Ba đứng chơi.
Nàng quay lại cũng chấp hai tay, cúi đầu đáp lễ:
- Dạ thưa cậu Bốn.
Chàng liền moi trong túi áo cụt mặc dưới chiếc áo dài đen, bức thư mà chàng định trao nàng. Đó là một tờ giấy tây gấp lại làm tám, không có phong bì, chỉ được cột lại bằng một rẻo lá chuối xanh. Chàng cầm thư trong tay nói:
- Thưa cô Ba hồi tháng tư cô Ba có gởi tôi một lá thư bằng chữ Quốc ngữ. Ngày tháng như thoi đưa, tính đi tính lại thế mà nay đã bốn tháng rồi, sẵn hôm nay tôi gặp cô đây, đó cũng là cái duyên tao ngộ, xin gửi lại cô lá thư hồi âm, dám mong được cô để cặp mắt xanh đến, thì thật là vạn hạnh.
Cô Nguyễn Thị Hợi mỉm cười, làm thinh. Cô mắc cở, cúi đầu, không dám ngó chàng trai. Lê văn Thanh chìa thư ra:
- Xin quý nương nhận cho, tôi rất lấy làm thâm-cảm.
Cô Ba Hợi vẫn cúi mặt, bảo:
- Cậu muốn đưa cái gì thì đưa cho em tui.
Lê văn Thanh nhét gói thư vào bàn tay cậu em, tên là Tý, nhưng Tý ngó chị:
- Cái bánh hay cái gì đây, chị Ba!
Cô Hợi cười không đáp. Lê văn Thanh nói tiếp:
- Thưa cô Ba, thầy Tử Tư có nói rằng "Tự thành minh vị chí tình, tự minh thành vị chi giáo, thành tắc minh hỷ, minh tắc thành hỷ" là nhờ thành thực mà sáng tỏ, ấy là tính, nhờ sáng tỏ mà thành thực, ấy là học. Hễ thành thực là sáng tỏ, hễ sáng tỏ là thành thực. Thưa cô, tôi xin thề với thần thánh, ma quỷ, là tôi giữ một tấm lòng thành thật, tôi cũng mong cô được một niềm sáng tỏ.
Cô Nguyễn Thị Hợi chưa muốn trả lời vội, và cũng chưa muốn nói chuyện gì với cậu Bốn Thanh. Vì trước hết cô muốn xem chàng nói gì trong bức thư của chàng. Cô bảo:
- Cậu Bốn để tui về nhà coi thư thì tui trả lời cậu Bốn.
-Chừng nào cô Ba trả lời?
- Hổng biết. Tui rảnh thì tui trả lời.
- Vậy thì mỗi ngày đi chợ buổi sớm mai, có tôi chờ cô ở bụi tre thổi kèn.
Cô Hợi làm thinh. Cậu Thanh cũng không dám đứng đó lâu.
Cây pháo bông "Bát Tiên" vừa nở sáng rực nửa lưng trời, giữa tiếng reo mừng của trẻ con. Công chúng đàn ông cũng như đàn bà, đều trầm trồ khen ngợi, nhưng không vỗ tay ầm ỹ, không hoan hô náo nhiệt như công chúng ngày nay.
Chú thích:
(1-) Người quân tử học là để làm cho thân mình. Kẻ tiểu nhân học là để làm trâu ngựa.
(2-) Cái giận vì nóng nảy không nên có, cái giận vì nghĩa lý không nên không.
(3-) Mình phải có chí, cái chí khí là đưa đường cho mình đi, có chí khí thì thể phách của mình mới nẩy nở đầy đủ vậy.
CHƯƠNG 2
Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi: tại sao? Thì cậu trả lời: Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, không đi học thì bị tù.
Nhưng không đúng thế đâu. Trước đây, trong tỉnh ai cũng biết rằng cậu học chữ Quốc Ngữ (học lén) là tại cô Ba Hợi. Nhưng bây giờ không ai biết rằng cậu đi học chữ Tây - học công khai, làm "lắc léo mê dòng lô" cũng là tại cô Ba Hợi.
Cho cuộc tình duyên âm thầm lén lút của nàng và chàng đã khắn khít bởi một lời thề. "Thệ Hải Minh Sơn" ở bụi tre "thổi kèn", cách Cửa Bắc ba trăm thước, không biết từ hồi nào. Nhưng có điều chắc chắn, là cô Ba Hợi, 16 tuổi, con gái ông Bá Hộ, một nhà giàu nhất ở Phố Cửa Bắc, không muốn cậu Bốn học chữ Nho nữa. Cô thấy thời thế đã đổi thay, có mấy người trong tỉnh đã bỏ bút lông, cầm bút sắt, mới học trường Nhà Nước không bao lâu, nay đã làm thầy giáo, làm thông ngôn, thầy Ký lục, được ăn lương Nhà Nước, được địa vị sang trọng, được chức Bát phẩm, Thất phẩm của vua ban. Cô yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện nhất định, là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký. Đôi trai gái thề thốt với nhau trong lúc trường Nhà Nước - gọi là trường Sơ Học Pháp Việt - đang lúc nghỉ hè niên khoá 1911-1912.
Thằng Chuột, từ nay tên chánh thức là Trần Anh Tuấn, hết kỳ nghỉ hè, đã được lên lớp Ba . Nó đi khoe với mọi người là nó học "cua ê lê măng te" (cours élémentaire) và cuối niên khoá nó sẽ đi thi bằng cấp tuyển sanh . Nó đã 11 tuổi, nói tiếng Tây "bông bốc".
Ngày nhập học, chàng thanh niên Lê văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là một mái trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc, người Việt Nam, đã già, nói tiếng Hà Tĩnh bảo cậu:
- Trưa nay về nhà, cậu phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn... Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội.
Chàng khúm núm, chắp hai tay cúi đầu:
- Dạ, bẩm Quan lớn, con xin tuân lệnh Quan lớn.
Quan Đốc dắt cậu xuống Lớp Năm, giao cậu cho thầy giáo. Quan Đốc và các thầy giáo đều mặc áo dài Việt Nam nhưng đầu cúp rê, chân mang giầy Hạ.
Tất cả các thầy công chức làm việc cho Nhà Nước ở trong tỉnh đều mặc áo quần Việt Nam, đầu cúp ca-rê, hoặc rẽ một bên. Không có ai mặc áo Tây cả.
Trưa hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh về nhà thưa với cha, là ông xã Quý, về việc cúp tóc. Ông Xã không chịu. Ông đập bàn, đập ghế, la hét om sòm:
- Con có cha, như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An-Nam, con phải để tóc, ấy là để thờ Cha Mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mẹ. Tao theo sách Thánh Hiền dạy lễ giáo từ xưa đến nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, ông Nội bà Nội mầy đã quá vãn rồi, mà tao còn búi tóc, để giữ đạo làm con cho trọn chữ Hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Chiều nay vô trường thưa với Quan đốc như thế.
Nói xong, ông Xã ngồi khóc ròng rã. Chàng con trai Lê văn Thanh, cũng khóc nức nở. Bà Xã, ở dưới bếp chạy lên nghe câu chuyện của chồng vừa nói, cũng ngồi xuống ngạch cửa khóc hu hu . Ông Xã nói tiếp, với giọng tức tối:
- Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!... Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!
Ông lại khóc to lên, hu! hu! hu!
Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc rồi cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải "cúp ca-rê" (coupe carré), và Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế. Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ mà ta nói đây - cũng như các tỉnh khác ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc mà thôi. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm. (Lúc bấy giờ, cho đến khoảng 1920, ở các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Saigon là Đồng Nai. Danh từ Saigon chưa được thông dụng). Chú mua kéo, toon- đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ. Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt một cái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường, thế là đủ cho chú hành nghề. Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây COIFFEUR, và ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây, mặc dầu chữ Tây cũng chưa mấy người học đến. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú nói với vài bác lính tập: "Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ".
Vì vậy mà trong tỉnh, người ta gọi chú là "chú Bẩy cốp phơ ".
Chiều hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh đến tiệm hớt tóc, nét mặt rầu rĩ, nói với chú Bẩy cốp phơ:
- Chú Bẩy đem đồ qua nhà tôi, cúp tóc cho tôi được không chú? Vì ông già tôi còn phải cúng Ông Bà để cho tôi cắt tóc.
Chú Bẩy cốp phơ gật đầu lia lịa:
- Thầy Xã nói phải. Cái búi tóc trên đầu mình là của Ông Bà cha mẹ. Cắt nó đi là có tội, cho nên phải cúng Ông Bà. Cúng một lần rồi sau khỏi cúng chớ sao.
- Quan Đốc học bắt học trò phải hớt tóc, tôi tuân lệnh Quan, chớ nói thiệt với chú, người An Nam mình có cái búi tóc để thờ Ông Bà Cha Mẹ, cắt đi phạm tội bất hiếu.
- Phải, cậu Bốn có học sách Thánh Hiền cậu nói tôi nghe được.
Chú Bẩy cốp phơ gói dao, toon đơ, gương, lược vào trong một gói vải đỏ rồi xách tòn-ten đi theo cậu Bốn Thanh đến nhà ông Xã. Trên bàn thờ Ông Bà, có bầy một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Ông khấn như sau đây:
"Bữa nay, thằng con bất hiếu Lê văn Thanh, tuân lệnh Quan, phải cắt tóc để đi học trường Nhà Nước, nên có lễ vật để cáo với liệt vị tiền nhân, các bậc Cao Tằng Tổ khảo với Tổ phụ, Tổ mẫu, chứng giám. Xin vong linh liệt vị phù hộ cho con cháu, để nó học hành, công danh hiển đạt."
Khấn xong, ông lạy ba lạy. Đến lượt Lê văn Thanh áo dài, khăn đen với cái búi tóc trên đầu, cũng lạy ba lạy. Xong nghi lễ cáo với ông bà, ông Xã đưa tay vẫy gọi chú Bẩy cốp phơ đứng khúm núm ngoài hè. Chú vào kéo một chiếc ghế để ngay trước bàn thờ, bảo Lê văn Thanh ngồi. Thanh gỡ cái khăn đen trên đầu ra, cung kính đặt nó trên chiếc khay bên cạnh mâm cháo gà, vái thêm ba vái nữa rồi mới ngồi ghế. Chú Bẩy bảo chàng xổ búi tóc ra. Một lọn tóc đen mượt chảy lòng thòng xuống đến nửa lưng. Chú Bẩy cốp phơ tự thấy mình đang đóng một vai trò trọng đại, nên chú làm ra vẻ oai vệ, lấy vạt áo lau lại hai lưỡi kéo trước khi lùa lọn tóc nắm vừa vặn trong bàn tay, rồi tay kia cầm kéo cắt sát trên đỉnh đầu. Tóc dài quá, kéo thì lụt, chú Bẩy phải xáp đến bốn năm lượt búi tóc mới rơi hết xuống đất thành một đống đen ngòm.
Bà Xã đứng gần đấy, oà lên khóc, thê thảm, quay lưng đủng đỉnh vào nhà trong. Ông Xã rưng rưng hai ngấn lệ. Trên bàn thờ, ba que nhang cùng toả ra một làn khói thơm nồng, cuồn cuộn lên cao. Ngọn đèn dầu phọng cháy tỏ như thể có vong hồn các đấng tiền nhân đang chứng minh nghi lễ "thế phát" của đứa con trưởng nam trong gia đình.
Chú Bẩy cầm toon- đơ ủi một đường từ ót lên tới đỉnh đầu. Một luống tóc theo lưỡi toon- đơ bị hất ra hai bên, rụng tơi bời xuống ghế. Nhiều mớ tóc còn muốn bám chặt vào cổ áo của Lê văn Thanh, chưa chịu rời xa.
Thanh cúi đầu ngồi yên lặng, không quảy cựa. Chàng có cảm tưởng đang cam chịu một thay đổi lớn lao trong đời chàng, và mỗi mớ tóc xác xơ rơi xuống đất là một chút dĩ vãng đang rơi khỏi đầu óc của chàng trai nước Việt đương buổi giao thời.
Nén nhang trên bàn thờ vừa tắt, thì tóc của Lê văn Thanh cũng vừa hớt xong, theo kiểu ca-rê (vuông). Chú Bẩy lấy dao, cạo tém xung quanh gọn gàng, sạch sẽ, xong đưa tấm kiếng cho Thanh coi, và cười đắc chí, bảo:
- Cậu Bốn thấy không, cái đầu của cậu cúp ca-rê như vậy có khác gì cái đầu của thầy Thông, thầy Ký đâu nè.
Lê văn Thanh soi gương, tủm tỉm cười. Nghe chú Bẩy cốp phơ khen cái đầu giống thầy Thông, thầy Ký, chàng khoái lắm, nhưng không dám nói ra. Chàng chỉ nghĩ rằng, mai hay mốt cô Ba Hợi trông thấy đầu chàng chắc sẽ mê chàng ngay.
CHƯƠNG 3
Lê văn Thanh đã cúp tóc, nhưng vẫn còn bịt khăn đen, cắp sách đi học. Đến trường, quan Đốc bảo chàng bỏ khăn ra, và quăng cho chàng chiếc mũ trắng, để đội lúc đi ngoài đường. Quan Đốc còn căn dặn cẩn thận:
- Ngồi trong lớp học hay trong nhà, không được đội mũ. Đi ngoài đường, khi gặp Quan Đốc hay thầy giáo phải dở mũ ra để chào.
Chàng đã 18 tuổi, mới vào học lớp Năm. Nhưng chàng không ngượng, vì thời bấy giờ theo học chữ Hán học trò toàn là 17, 18 sắp lên. Cho đến 40, 50 tuổi vẫn còn có thể là học trò. Tụi con nít như thằng Chuột chưa phải là học trò chánh hiệu. Vả lại, trường Nhà Nước mới mở, học trò còn hiếm lắm. Ngay ở trong tỉnh nầy, trong niên khoá 1911-1912, lớp Năm được mười trò, trong số có 4 trò từ 8 đến 10 tuổi, còn 6 trò trai tráng từ 18 đến 20.
Bỏ chữ Hán qua học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây. Lê văn Thanh vẫn tỏ ra một thanh niên cần mẩn, rất thông minh và chăm học, 20 tuổi học hết lớp Ba, có một kỳ thi gọi là "Thi Tuyển Sanh". Các môn thi gồm có một bài "ám tả" Pháp ngữ, mấy bài luận Pháp văn và một bài luận Quốc Ngữ. Vào "khẩu vấn" chỉ hỏi về cửu chương. Riêng về cửu chương, thầy giáo lại cho học chữ Hán để cho dễ nhớ. Mấy ngày trước hôm thi, đêm nào Lê văn Thanh cũng đọc to bản cửu chương đại khái như sau đây:
Cửu cửu bát nhất (9,9,81)
Bát cửu thất nhị (8,9,72)
Thất cửu lục tam (7,9,63)
Lục cửu ngũ tứ (6,9,54)
Ngũ cửu tứ ngũ
Tứ cửu tam lục
Tam cửu nhị thất
Nhị cửu nhất bát
Nhất cửu như cửu...
Cho đến khi nào chàng nhắm mắt đọc trôi chảy, thật nhanh và không vấp một chữ, từ số 9 đến số 1 chàng mới đi ngủ. Kỳ thi Tuyển Sanh, Lê văn Thanh đậu thứ nhì. Về nhà, ông Xã bà Xã vui mừng giết một con gà nấu cháo, cúng tạ Ông Bà.
Mỗi năm mỗi lên lớp, đến năm 22 tuổi Lê văn Thanh học hết lớp Nhất, được đi thi "Khoá Sanh", nói theo tiếng Pháp là thi "Ri me" (#1). Thi "Ri me" rất khó khăn, vì có ông Tây chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ Tây. Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò "Trường Pháp Việt", học chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đứng đắn, nhưng cũng cứ nói được, hiểu được khá nhiều, và có thể bập bẹ đối đáp với: "Ông Tây bà Đầm" được lắm.
Thí sinh vỏn vẹn có 10 người, cả 10 đều thi đậu. Thí sinh trúng tuyển bằng cấp "Ri me" được gọi là "Cậu Khoá".
Để khuyến khích học trò các khoá sau đi học cho đông, "Nhà Nước Bảo Hộ" truyền lịnh các làng sở tại phải rước các "Cậu Khoá" về làng một cách long trọng, như rước các ông Nghè, ông Cống của Nho học vậy.
Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi "Ri me" năm 1915 là ngày cậu Khoá Lê văn Thanh được rước về làng, 8 giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng "vải trăng đầm" mang đôi guốc cùn, đội mũ trắng, được quan Đốc học dẫn đến chào "Quan Công Sứ Pháp và Quan Tuần Vũ". Trước cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại, quê quán của cậu Khoá đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niền sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có bánh cao su.
Từ trong dinh Quan Tuần Vũ, cậu Khoá Lê văn Thanh được ông Hương Cả trong làng mời lên ngồi trong xe. Trống và chiêng đánh ba hồi, thêm ba tiếng. Đám rước bắt đầu đi. Trống và chiêng đi trước, vừa đi vừa đánh ba tiếng đều đều, kế đến một người dân cầm một bức trướng thêu bốn chữ Hán "Tân Học Khoá Sanh", rồi hai dẫy cờ đuôi phụng, đủ các màu rực rỡ xanh đỏ tím vàng, phất phơ trong gió. Chiếc xe "cậu Khoá" đi giữa, do một người phu kéo bước thong thả, theo một nhịp với mấy người dân cầm cờ. Niền sắt của bánh xe lăn chầm chậm từng vòng kêu kẽo cà kẽo kẹt trên con đường tỉnh mới nện đá còn gồ ghề, chưa tráng nhựa.
Dân thành phố đứng hai bên để coi đám rước cậu Khoá nhất là đàn bà, con gái và trẻ con, đông nghẹt. Lê văn Thanh đội mũ trắng trên đầu, chân vẫn mang đôi guốc cũ đã mòn, bộ mặt hơi mắc cỡ hơn là hãnh diện. Đám rước đưa thẳng về đình làng để cậu Khoá vào tế Thần, cũng như làm lễ trình diện với vị Thành Hoàng sở tại.
Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân và từ đây, chàng thanh niên Lê văn Thanh được lên địa vị "khoá sanh" khỏi xâu, khỏi thuế, lại được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.
Sáng hôm sau, Lê văn Thanh dậy thật sớm ra chỗ bụi tre Thổi Kèn(#2), đón cô Ba Hợi.
Từ ngày chàng nghe lời cô Ba, bỏ học chữ Hán, học chữ Tây, hy vọng sẽ làm thầy Thông, thầy Ký để được cưới cô về làm vợ, chàng vẫn ít gặp mặt cô . Con gái ông Bá Hộ, ỷ mình có nhan sắc "chim sa cá lặn", lại con nhà giàu, cô tính làm cao, nhất định đóng cửa kén chồng. Đã bao chàng trai rấp ranh bắn sẻ, nào ai đã được lọt vào cặp mắt xanh của cô đâu. Lê văn Thanh đã nhẫn nại may mắn trao đổi cùng cô mấy bức thư tâm tình, nhưng cô đã nói trước:" Khi nào chàng làm thầy Thông thầy Ký, thiếp sẽ xin gá nghĩa cùng chàng."
Gặp nơi hẹn hò cũ, chàng nhắc lại lời hẹn hò cũ năm xưa. Cô Ba Hợi rất duyên dáng nhưng vẫn bẽn-lẽn như ngày nào. Khẽ hỏi :
- Anh thi đỗ Ri me, chừng nào mới làm thầy Thông thầy Ký ?
- Quan Sứ có lòng thương tôi, nói với tôi rằng nếu tôi không muốn đi Huế học Collège de Koccoc thì Quan Sứ cho tôi làm xê-cờ-rê-te (secrétaire) ở Toà, khỏi đi đâu xa.
Cô Ba Hợi cười ngặt ngoẹo, hỏi:
- Cô le Cồn cốc là cái gì! Sao nghe tức cười quá vậy!
Lê văn Thanh hãnh diện muốn khoe một mớ chữ Tây với cô Ba :
- Collège de Quốc Học, Tây đọc là Collège de Koccoc, học thi đít lom (diplôme).
- Thi gì mà lại đít lom!
- Là đặng Diplôme, ta làm thầy Trợ Giáo, hay là thầy Thông thầy Ký, được ăn lương nhiều.
- Còn bằng Ri me!
- Bằng Ri me cũng được làm trợ giáo, hay là làm chức xê-cờ-rê-te (secrétaire), nhưng ăn lương ít hơn.
- Xê rê te là gì!
- Là thầy Thông thầy Ký.
Cô Ba Hợi suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Làm "xê rê te" ở tỉnh mình cũng sang trọng rồi, chớ đi Huế chi nữa!
- Tôi đi học trường Nhà Nước, cũng là chìu theo ý cô Ba, nay cô Ba muốn sao, tôi cũng chìu theo, miễn là cô ưng làm "ma phăm" (ma femme) thì cô biểu gì tôi cũng nghe hết.
Cô Ba lại cười, giọng cười của cô lần này đã có vẻ lả lơi:
- Ma phăm là ma gì ? Tui sợ ma lắm, làm ma tui không chịu đâu.
- "Ma femme" là... nội trợ của tôi.
Cô Ba ửng đôi má, nhoẻn một nụ cười tình tứ, liếc chàng thanh niên. Nhưng hai người vẫn đứng cách xa hai ba thước, không dám lại gần. Lê văn Thanh nói :
- Sách Tây có nói "vouloir, c est pouvoir... "
Cô Ba làm bộ ngạo chàng :
- Hồi học chữ Nho anh ưa nói chữ Nho, bây giờ anh lại ưa xổ chữ Tây không nghe anh nhắc tới chữ Thánh Hiền nữa.
- Chữ Nho nghe quê mùa lắm.
- Anh mới nói câu chữ tây gì loa loa gì đó!
- "Vouloir, c est pouvoir", nghĩa là muốn thì được.
- Muốn gì?
Thanh yên lặng nhìn say mê khuôn mặt kiều diễm của con gái ông Bá Hộ ... Nhưng tình yêu bồng bột ngây ngất của chàng thanh niên thời bấy giờ chỉ đến thế thôi, không dám táo bạo hơn nữa.
Cô Nguyễn Thị Hợi cũng đã hiểu Thanh muốn gì. Cô hiểu từ lâu rồi. Cô hỏi chơi thế thôi, vì lần này cô đã tỏ ý ưng thuận. Vâng, muốn thì được. Cô muốn làm cô Thông cô Ký, thì rồi đây cô sẽ làm cô Thông cô Ký...
Hai hôm sau, vào buổi chiều chủ nhật, ông Xã đi với Lê văn Thanh, và một người dân làng gánh theo một quả nếp thật trắng và đầy vun, một thúng đựng 20 trứng gà tươi, một quả đường phèn, một thúng đường bông, hai chai mật ong, bốn chai rượu Mai-quế-lộ và hai lọ lộc bình xưa, đến dinh thự riêng của Quan Công Sứ.
Chàng thanh niên kia đi với cha đến đằng "quan sứ" mấy món lễ vật kia là để xin Quan một chức thông ngôn ở Toà.
Quan Sứ xuýt xoa, vui vẻ cảm động:
- Oh! C est trop cà! Vous êtes beaucoup gentil! Tốt! Tốt! Thanh! Viens demain à mon bureau! Tu seras secrétaire à la Résidence! Dis à ton père, Monsieur le Résidence merci! Si ton père veut du "cuu-pham". il l aura...
Ông Xã quay lại hỏi Thanh:
- Cụ lớn nói sao con?
- Cụ lớn nói cho nhiều quá. Cụ lớn khen tốt lắm. Cụ biểu con sớm mai tới Toà, cụ sẽ cho con làm thầy thông ngôn. Cụ lớn cảm ơn đồ lễ vật. Nếu cha muốn được chức Cửu-phẩm, thì sẽ có.
Ông Xã cụp xương sống cúi đầu vái ông Quan Tây ba bốn vái:
- Dạ, con xin tạ ơn cụ Lớn.
Ông Sứ bắt tay:
- Tốt! Tốt! Beaucoup tôtt!.
Chú thích:
(1-) Certificat Primaires France-Indigènes (Bằng Sơ Học Pháp Việt).
(2-) Nơi bụi tre mát mẻ, lính Khố Xanh thường ra đây tập thổi kèn cho nên dân chúng gọi là bụi tre thổi kèn.
CHƯƠNG 4
Thì giờ thoáng qua rất nhanh chóng. Nhất là trong giai đoạn giao thời, bao nhiêu cái văn minh do "Nhà Nước Đại Pháp" mang sang truyền bá trong xã hội Việt Nam đang dần dần thay đổi mới, mọi sự biến chuyển xẩy ra rất mau lẹ, và đa số dân chúng mặc nhiên "công nhận" và hùa theo tán thưởng. Trừ ra một số Nhân sĩ Cựu học, có đầu óc ái quốc nồng nhiệt, gọi là Văn Thân, ngấm ngầm phản đối, và tuyên truyền chống Pháp về phương diện chính trị, còn thì đa số dân chúng gần như thụ động "sợ Tây" và dần dần làm quen với tình trạng mới, ưa chuộng những thay đổi mới của "ông Tây".
Nhất là giới thanh niên. Một lẽ dễ hiểu, là lớp người trai trẻ vừa mới lớn lên chưa kịp thâm nhiễm cựu học đã tiếp xúc ngay với hoàn cảnh mới và sự hiện diện chính thức của người Pháp, đại diện "Nhà Nước Bảo Hộ".
Cho nên các lớp thanh niên Việt Nam từ 1910 đến 1925 đều hùa theo phong trào "bỏ chữ Hán, học chữ Tây" để theo đòi nếp sống "văn minh tiến bộ" do người Pháp tạo ra.
Cho đến một số các ông Tú, ông Cử nhà Nho "cựu học" cũng bắt đầu nhảy qua "tân học", và "Nhà Nước Bảo Hộ" mở rộng cửa trường Quốc học Huế, trường Hậu Bổ (Collège des Interprètes) Saigon, Hà Nội, để tiếp đón niềm nở các nhà Nho học trẻ tuổi ấy, cùng với các thanh niên Tây học, khởi điểm của giới "trí thức thượng lưu" sau này.
Ở các tỉnh, trừ một số rất ít thanh niên được ưu đãi, con các quan, thi đỗ bằng "ri me" rồi được ra Huế học trường Quốc Học, còn hầu hết được bổ dụng ra làm việc ngay ở các sở, làm "thầy Thông, thầy Ký".
Lê văn Thanh, chàng thanh niên của chúng ta, con nhà bình dân, ở vào lớp này. Sau khi thi đỗ bằng "Sơ Học Pháp Việt", bằng "Ri me", và được quan Công Sứ cho vào làm Thầy Ký ở Toà Sứ, lương tháng 10 đồng, chàng đã nghiễm nhiên được một địa vị sang trọng ở tỉnh nhà. Thân sinh của chàng là ông Xã Quý, bây giờ được lên chức "Hương Cả" liền giết hai con bò và năm con heo để làm tiệc ăn mừng.
Tiệc khao này kéo dài suốt ba ngày đêm, toàn thể dân phố ở Cửa Bắc và Cửa Tây, tức là dân làng sở tại ở tỉnh lỵ đều nô nức vui mừng, và khen ngợi nhà "ông Hương cả có phước". Bây giờ không ai dám gọi cậu Bốn Thanh nữa, mà cung kính cúi đầu, xá: "Thầy Ký Thanh".
Hôm đầu cuộc lễ ăn mừng, ông Hương Cả làm lễ "Tế Thần", có các hương chức trong làng tham dự, tức là lễ tạ Ơn vị Thành Hoàng ở đình làng. Trong đình, có trống lớn, trống nhỏ, chiêng, phèn la, có nhạc bát âm, ngoài sân có cờ, có lọng, có dân chúng, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, bà già, con nít, tụ hợp đông đủ để coi.
Thầy Ký Thanh bây giờ không còn mang đôi guốc cùn như hồi đi học nữa. Thầy được mang đôi "giầy Hạ", thứ giầy bằng da đen bóng, chỉ có các quan và các thầy Thông thầy Ký, thầy giáo, mới được mang mà thôi. Giầy này do người Bắc làm ở Bắc, đem vào bán tại các tỉnh. Lúc bấy giờ, giầy tây chưa có ai mang.
Tính ra, từ hồi cậu Bốn Thanh còn để cái búi tóc trên đầu, trông thấy ông Tây bà Đầm đã vội chạy trốn, hoặc giả vờ đứng câu cá ở đường mương, ngoài Cửa Bắc để đợi cô Ba Hợi đi chợ mà lẽo- đẽo theo sau tán tỉnh bằng một câu chữ Nho "nhất nhựt bất kiến như tam thu hề... " cho đến bây giờ là thầy Ký Thanh chân mang giầy Hạ, đầu đội mũ trắng, đi làm việc trên "Toà Sứ" với chức "Thông ngôn Ký lục" cả sự biến đổi lớn lao hay mới mẻ ấy chỉ xẩy ra trong khoảng 5 năm, từ 1910 đến 1915. Thực ra, sức hiểu biết chữ Pháp trong 5 năm sơ học ấy có là bao, nhưng thầy Ký Thanh bây giờ hãnh diện được "nói tiếng Tấy" với tất cả mọi người. Thầy không còn xổ những câu trong sách "Thánh Hiền" của Đức Khổng, Đức Mạnh nữa. Ở nhà thầy khoe tiếng Tây với bà con hàng xóm, thiên hạ lại ùa nghe đông nghẹt. Ai cũng tò mò muốn hỏi thầy cái nầy cái nọ gọi bằng tiếng tây như thế nào. Nhiều chữ dễ, thầy trả lời thông suốt cả. Gặp những chữ khó, thầy chưa học tới, thì thầy nói bậy bạ, thì họ cũng nghe mê.
- Cái chén, chữ tây gọi là gì thầy Ký?
- La tách-xờ (la tasse)
- Cái bình điếu?
- La píp-pờ. (la pipe)
- Cái áo?
- La rốp-bờ. (la robe)
- Cái quần?
- Lơ Pang ta lông. (le pantalon)
Đó là những cái dễ. Đến lượt bà Xã hỏi:
- Cái yếm, tây nói sao?
Thầy Ký chưa học chữ cái yếm liền trả lời:
- Ông Tây bà Đầm có đeo yếm đâu mà thím Xã hỏi kỳ vậy?
Cả đám thính giả cười rộ lên. Thầy Ký được thể, phê bình:
- Thím Xã hỏi nhà quê quá!
Cô Hai Nghĩa, con bà Hương Kiểm em họ của thầy Ký Thanh hỏi:
- Anh Ký ơi, tây họ gọi cơm là gì?
- Lơ ri. (le riz)
- Rau muống?
Chữ này thầy Ký chưa học tới, nhưng không lẽ thầy chịu dốt nên thầy bịa đặt, nói bố láo:
- Rau muống, tây gọi là "légume ramper dans l eau".
- Chữ rau muống sao mà dài thượt vậy?
- Tại rau muống nó dài, nó bò tràn lan, cho nên Tây đặt cho nó cái tên vậy chớ sao!
- Con... con bò?
- Bớp. (boeuf)
- Con heo?
- Cô son. (cochon)
- Con heo sao gọi bằng "cô" ?
- Cô son là con heo cái.
- Con heo đực?
- Heo đực là... cu son.
Cô Hai Nghĩa và mấy người đàn bà mắc cở, đỏ mặt.
Bọn đàn ông con trai thì cười ầm ỉ cả lên. Ông Hương Bổn nói:
- Tiếng Tây cũng có chữ "cu" he . Giống tiếng ta quá há!
Thằng Đít, con chú thợ mộc hỏi:
- Con heo kêu ụt ịt, tây nó nói sao thầy Ký!
- Lơ cu son út xờ, ít xờ.
Thầy Ký Thanh sợ người ta hỏi nhiều chữ khó quá, trả lời không được, thầy đứng dậy bảo:
- Thôi, đừng hỏi nữa. Muốn biết chữ Tây thì đi học trường nhà nước, đừng học sách Khổng Tử, Mạnh Tử nữa.
Ông Hương Cả quý cưng cậu con trai "Ký Lục", cũng bảo bà con hàng xóm:
- Để anh Ký nó đi nghỉ cho khoẻ, sáng mai còn đi làm việc trên Toà.
Thầy Ký Thanh vào nhà, đi ngủ. Ông Hương Cả còn nói với bà con:
- Nó giỏi chữ Tây, cho nên quan Sứ ngài thương nó lắm...
Sự thật, thì cái tiếng Tây của thầy Ký Thanh là loại "tiếng bồi", nhưng trong buổi sơ giao, người Pháp cần gấp một số thông ngôn tạm hiểu chút ít tiếng của họ, một cậu "lắc léo mê dòng lô" nói tiếng Tây "ba xí ba tú" như thầy Ký Thanh vẫn được nhà nước Bảo Hộ trọng dụng.
Nhưng Ký Thanh vào sở, chạm trán phải một "quan Phán đầu Toà" rất khó chịu. Ông này, cũng là thanh niên, chỉ lớn hơn Thanh độ 6, 7 tuổi, nhưng nguyên là con một Quan Án Sát ở Hà Tĩnh, và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, học giỏi hơn và được bổ làm "Thông Phán", chức vị cao nhất ở Toà Sứ.
"Quan Phán Đầu Toà" biết thầy Ký Thanh mới có bằng sơ học, tiếng Tây còn kém, nên thường tỏ vẻ khinh khi thầy. Chỉ tại thầy Ký được "cụ Sứ" thương vì thầy giỏi khoa nịnh bợ - nên Quan Phán phải nể đôi chút đó thôi. Có điều phân biệt hẳn, là Quan Phán đến sở thì đi bằng xe kéo, loại xe kéo bánh sắt do Quan Phán mua riêng một chiếc làm "xe nhà", và do một người "cu li" kéo ngày hai buổi đưa quan đi đến Toà và rước quan về. Còn thầy Ký Thanh vẫn phải đi bộ. Xe máy (xe đạp) lúc bấy giờ cũng chưa có. Bắt đầu từ 1919, mới có lưa thưa vài chiếc xe máy bánh sắt, những nhà giàu mới mua nổi. Sự thù ghét và ganh tỵ nhỏ nhen giữa hai chàng thanh niên công chức địa vị khác nhau. Quan Phán Đầu Toà và thầy Ký Thanh, chỉ ngấm ngầm mà thôi. Nhưng luôn luôn, Ký Thanh vẫn hãnh diện được "Cụ Sứ" tin cậy hơn. Quan Phán ỷ mình là con Quan Án và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, và chút lòng tự ái không thể bắt chước nịnh nọt như thầy Ký Thanh, con nhà bình dân, mới đỗ bằng "bờ ri me".
Vì thế mà "cụ Sứ" đi đâu cũng bảo Thanh đi theo để làm thông ngôn.
Biết bao nhiêu lần Thanh thông ngôn sai lạc hẳn những lời nói của viên Công Sứ Pháp, và dịch ra tiếng Pháp sai lầm những lời của đồng bào Việt.
Có lần, vào khoảng giữa mùa hè, trời nắng bức oi ả, ông sợ có hoả hoạn vì hầu hết các nhà quanh tỉnh đều lợp tranh, nên ông cho gọi hương chức làng sở tại đến, căn dặn phải coi chừng củi lửa để phòng nạn cháy nhà. Ông còn bảo 8 giờ sáng mai ông sẽ thân hành đi thăm các xóm để xem xét về vấn đề thiếu vệ sinh. Nhưng không rõ thầy Ký Lê văn Thanh hiểu tiếng Pháp như thế nào, mà thầy thông ngôn lại cho các vị hương chức như thế này:
- Cụ lớn bảo trời nóng nực mà các nhà An Nam không có vệ sinh nên 8 giờ sáng mai cụ Sứ sẽ thân hành đến đốt các nhà tranh trong làng cho cháy hết.
Các vị hương chức sợ hoảng, run cầm cập. Ông Xã khúm núm thưa:
- Dạ thưa thầy Ký, nhờ thầy bẩm lại với cụ Lớn, cụ Lớn dạy vệ sinh như thế nào thì dân làng xin tuân lệnh làm theo, chứ cụ Lớn đốt nhà chúng tôi thì tội nghiệp quá.
Lê văn Thanh thông ngôn lại cho viên Công Sứ Pháp bằng tiếng tây đại khái ý nghĩa như thế này:
- Thưa cụ Sứ, dân làng xin tuân lệnh cụ Sứ nếu cụ Sứ biểu họ đốt nhà cho có vệ sinh họ cũng chịu.
Ông Sứ cười ha hả, rồi bảo:
- Tôi không biểu họ đốt nhà. Tôi chỉ biểu họ đề phòng mùa nắng, kẻo cháy nhà. Tôi sẽ thân hành đến thăm từng xóm, và sẽ tự tôi bày cho cách thức vệ sinh.
Lê văn Thanh thông ngôn lại cho các vị hương chức như sau đây:
- Cụ Sứ nói cụ Sứ sẽ thân hành đến tận tay cụ châm lửa đốt từng xóm rồi cụ bày cho cách thức làm nhà có vệ sinh.
Sợ nói nhiều, khó thông ngôn, Lê văn Thanh liền đuổi các công làng:
- Thôi, các ông đi về, đừng xin xỏ gì nữa, cụ Lớn bỏ tù đấy.
Các ông Hương chức về làng, lập tức nổi mõ nổi trống lên vang động cả xóm, gọi dân làng đến báo tin cho biết rằng 8 giờ sáng mai, cụ Sứ về đốt hết nhà cửa cho có vệ sinh. Dân lành không hiểu rõ lý do, nhưng ai nấy đều hoảng hốt, chạy về dọn hết đồ đạc trong nhà ra ngoài vườn, ngoài sân, ngoài đường cái. Suốt buổi chiều và đêm hôm ấy, cả làng đều rối loạn, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nít đều lo sợ, kêu khóc ầm ĩ cả lên, bên cạnh những đống giường, phản, nồi niêu, bàn ghế, chum, vại chất đống lổn ngổn ngoài các đồng ruộng mía, chung quanh tỉnh thành... Suốt đêm đều có tiếng kêu la thảm thiết. Nhiều người bàn rằng: "Có lẽ quan Sứ đốt nhà tranh, rồi cho tiền cất nhà ngói cho có vệ sinh."
Nhưng một số khác lại quá sợ sệt nghĩ rằng: "Nhà Nước đốt nhà dân, chắc là phạt dân chuyện gì đấy". Và họ với nhau sáng ngày mai cụ Sứ đến thì họ sẽ sụp xuống lạy cụ Sứ và kêu khóc xin cụ tha tội...
8 giờ sáng mai, Quan Sứ và Quan Tuần Vũ đi bộ đến làng có thầy Ký Lê văn Thanh và Quan Phán Đầu Toà đi theo. Viên Công Sứ Pháp và cả Quan Tuần Vũ đều hết sức ngạc nhiên thấy một đám đông dân làng, cả đàn bà con nít sụp xuống lạy và kêu khóc rất thê thảm, bên cạnh những đồ đạc trong nhà dọn ra ngổn ngang ngoài đường. Nhờ Quan Phán Đầu Tỉnh hỏi kỹ mới biết có sự hiểu lầm. Ông Sứ phì cười rồi ông lắc đầu tỏ vẻ thất vọng, truyền lệnh cho mọi người dọn đồ đạc vào nhà, rồi ông buồn bực trở về toà Sứ.
Ông gọi Lê văn Thanh vào văn phòng của ông, đập bàn đập ghế, mắng một trận nên thân.
Hai hôm sau, dân làng hùn tiền mua một con bò và một con heo, cúng tạ Thành Hoàng để ăn mừng vụ "khỏi bị cụ Sứ đốt nhà" .
Thầy Ký Lê văn Thanh lại nói với làng rằng:
- Cụ Sứ có lòng nhơn đức, thấy làng khóc xin, nên cụ tha cho không đốt nhà của dân.
Dân làng biết ơn thầy Ký Lê văn Thanh nhiều lắm.
Một tháng sau. Lê văn Thanh cưới cô Nguyễn thị Hợi, con gái ông Bá Hộ.
CHƯƠNG 5
Lê văn Thanh muốn đám cưới của chàng với cô Ba Hợi phải được long trọng vì ba lý do: thứ nhất, vì cô Nguyễn thị Hợi là cô gái đẹp nhất trong tỉnh - ai ai cũng công nhận như thế - và chàng hãnh diện được cưới cô làm vợ. Cô Ba vừa đẹp, lại vừa là con một ông Bá Hộ, nhà giàu. Chàng được cả tình lẫn tiền. Thứ hai, chàng không quên rằng chính cô Ba đã xúi chàng bỏ chữ Nho, học chữ Tây, và bắt buộc chàng phải thi đỗ làm chức thầy Ký, cô mới chịu làm vợ chàng, cho nên bây giờ chàng mới thành đạt được "công danh" chàng làm một thầy Ký "văn minh", chứ không còn là anh Nho sĩ "quê mùa" nữa. Lý do thứ ba - là từ hôm làm thông ngôn dịch sai lầm cái lịnh của cụ Sứ truyền cho làng xã về việc đề phòng hoả hoạn, chàng bị cụ Sứ tức giận la mắng, không tin cậy chàng nữa, và lại bị Ông Phán đầu Toà càng chê cười, khinh bỉ, chàng muốn thừa dịp chàng cưới vợ, mời cụ Sứ dự tiệc lấy lại chút cảm tình của Quan Thầy "Đại Pháp", để làm oai với làng xã, và để rửa cái nhục với bạn đồng nghiệp "Quan Phán đầu toà".
Đám cưới đã sắp đặt từ lâu. Việc chọn "ngày lành tháng tốt" và mọi thủ tục về hôn lễ, đã có ông Hương Cả lo . Lê văn Thanh nghĩ đến việc mời các quan khách. Lúc bấy giờ, trừ ở Hà Nội và Saigon mới có 3, 4 cái nhà in - và giá in rất đắt - còn ở Huế và các tỉnh khác của Việt Nam chưa đâu có một "ấn quán".
Những đồ in, không nhiều, hầu hết là của Nhà Nước - tư nhân chưa biết sử dụng các tiện nghi của ấn loát. Như in thiệp mời, hoá đơn, danh thiếp, v.v... Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy sau đây:
- Quan Công Sứ và bà Đầm.
- Quan Phó Sứ và bà Đầm.
- Quan Thầy Thuốc (Bác sĩ Pháp giám đốc nhà thương tỉnh).
- Quan Tuần Vũ (Tỉnh trưởng Việt Nam).
- Quan Án Sát (Chánh Án Việt Nam).
- Quan Đốc Học.
- Bốn thầy Trợ giáo (thầy học cũ của chàng).
- Phán Bích, đầu toà.
Những thầy Thông thầy Ký làm việc tại các sở khác, tất cả chỉ độ 5 thầy. Lê văn Thanh chưa quen biết, nhưng cũng cứ mời.
Vì không có lệ gửi thiệp mời, Lê văn Thanh phải thân hành đến mời miệng từng vị quan khách một. Riêng đến "Quan Sứ" và "Quan Phó Sứ", hai vị chủ tỉnh Pháp Lang Sa thì một buổi sáng chủ nhật, được nghỉ, Lê văn Thanh đi với ông Hương Cả. Hai cha con đem theo hai chai rượu tây và hai gói trà tàu, đặt trong chiếc khay nạm xà cừ. Viên đại diện "nhà nước bảo hộ" rất đỗi ngạc nhiên, hỏi Lê văn Thanh bằng tiếng Pháp, ý nghĩa như sau đây:
- À, mày hả Thanh! Mầy đến có việc gì!
Thanh cũng trả lời bập bẹ bằng tiếng tây, thứ tiếng tây trật mẹo luật và người Pháp thường ngạo là "tiếng tây của thằng mọi da đen con".
Dịch ra như sau:
- Bẩm Quan Sứ, thân phụ của con đến trình quan lớn hay rằng con sắp cưới vợ.
Ông Sứ cười đưa tay bắt tay ông Hương Cả:
- Tôi mừng cho anh và cho con trai anh. Nhưng tại sao có rượu và trà như thế này?
Ông Hương Cả khúm núm:
- Bẩm quan lớn, ngày 14 tháng chín An Nam, tôi định cưới vợ cho thằng Ký, nên xin có cặp rượu và cặp trà tới để trình cho quan lớn biết, và cúi xin quan lớn và bà lớn bữa đó dời gót ngọc tới tệ xá uống rượu lạt mừng cho hai cha con chúng tôi.
Nói xong ông Hương Cả xá ba xá. Ông Công Sứ gật đầu hỏi Thanh:
- Cha mày nói gì?
Lê văn Thanh thông ngôn lại, bằng mấy "câu tiếng tây ba rọi" :
- Mon père, il dit que le 14 ème jour du 9 ème mois annamite, il marie une femme pour moi. Il vous offer en cadeaux deux bouteilles d alcool et deux... thé pour vous faire connaitre respectueusement. Il vous prie de venir assister le festin, avec Madame la Résidence ce jour là pour féliciter pour nous.
Ông Sứ vẫn hiểu được và niềm nở, nói bập bẹ vài tiếng Việt mới học, chêm với tiếng Pháp:
- Tốt lam! Tốt lam! Je viendrai. Dis à ton père, quan su cam on (tốt lắm! tốt lắm! Ta sẽ đến, nói với cha mầy rằng quan Sứ cám ơn).
Đến Viên Phó Sứ Pháp, hai cha con Lê văn Thanh cũng đóng trò lố lăng ấy...
Ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày Thanh cưới vợ, trúng chủ nhật. Lúc bấy giờ đồng hồ chưa được thông dụng, chính Thanh đi làm việc nhà nước mà cũng không có đồng hồ. Người Việt Nam hãy còn theo giờ "Ta - Tý, Sửu, Dần, Mẹo..." Giờ lành đã được ông Hương Cả chọn để xuất hành rước dâu là giờ Thìn "mặt trời đã lên cao một chân đòn gánh", nghĩa là vào khoảng 9 giờ sáng.
Từ sớm, Lê văn Thanh đã thuê hết tất cả các xe kéo ở tỉnh, toàn xe bánh sắt, chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc. Thành thử, hôm ấy tại tỉnh lỵ không còn một chiếc xe nào nữa cả. 5 chiếc xe kéo đã chờ trước cổng nhà ông Hương Cả. Ông Hương, bà Hương ngồi chung một chiếc đi đầu tiên. Anh phu mặc áo cụt vá vai, quần rách ống, đầu đội chiếc nón cời (nón rách), khom lưng kéo ì à ì ạch, vì ông Hương quá mập lại đèo thêm bà Hương ngồi trên một bắp vế của ông. Chiếc xe thứ hai chở ông mai dong, chiếc thứ ba chở ông chú và bà thím. Chiếc thứ tư, thứ năm chở hai ông cậu và hai bà mợ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, dù là anh em chị em ruột cũng không được đi trong đám rước dâu. Không có tục lệ phù dâu, phù rể. Lê văn Thanh thì cưỡi ngựa đi sau cùng, con ngựa hoe, mượn của ông Chánh tổng sở tại, cậu ruột của chàng. Chàng mặc quần lụa trắng, áo gấm xanh, ở trong còn mặc lót một áo dài trắng nữa, và mang giầy Hạ. Đáng lẽ chàng phải bịt khăn đen - khăn đóng - nhưng chàng muốn làm oai, nên đội mũ trắng, vì lúc bấy giờ chỉ có mấy thầy làm việc nhà nước mới đội mũ trắng mà thôi - trừ ra học trò - toàn thể dân chúng hãy còn đội nón lá hoặc che dù đen.
Từ nhà Lê văn Thanh ở xóm Cửa Bắc đến nhà cô Ba Hợi, chỉ xa chừng một cây số. Nhờ mùa thu mát trời, năm anh "cu li kéo xe" cũng không mệt lắm, nhưng vì xe nào cũng chở hai người nên mấy anh kéo đi chậm rì chậm rịt. Phần thì đường cái gồ ghề, đấp đất chỗ trồi chỗ lũng, bánh xe niền sắt dổng lên thụt xuống, nghiêng qua ngã lại, thật hết sức nhọc nhằn. Một lần xe qua là một làn bụi bay tung mù mịt, mấy người ngồi trong xe phải đưa vạt áo lên che mặt. Gặp chỗ có đá sỏi hoặc đất cục còn cứng, hai bánh xe sắt đè nghiến xuống, kêu kẽo cà kẽo kẹt. Dân chúng ở các nhà hai bên đường kéo nhau ra đầy sân chật ngõ để xem. Vì các đám cưới thường dân thường đi bộ, đây là lần đầu tiên có đám cưới sang, nhà trai đi rước dâu toàn là ngồi xe kéo. Chú rể cưỡi ngựa, đội mũ, mang giầy Hạ, mặc áo gấm sang trọng là thầy Ký làm việc trên toà Sứ. Từ trước đến giờ họ chưa thấy đám cưới nào sang trọng như thế. Họ trầm trồ khen ngợi và chờ chốc nữa rước cô dâu về xem cô dâu đi bằng gì. Ai cũng biết cô dâu là cô Ba Hợi có nhan sắc nhất ở tỉnh là con gái trưởng của ông Bá Hộ Thành, giàu nhất ở đây. Người ta đồn rằng cô có học chữ Quốc Ngữ thật là một chuyện hiếm hoi, mới lạ.
Một lũ trẻ con đông chừng vài ba chục đứa, quần áo bẩn thỉu, nhiều đứa đã 7, 8 tuổi mà chưa mặc quần, rủ nhau đi coi đám cưới. Cha mẹ các em cũng cho chúng đi, chứ không rầy la ngăn cản. Sẵn dịp, mấy anh "cu li xe kéo" nhờ các em giúp sức đẩy xe dùm. Các em nô nức, cười đùa, chia ra từng đoàn theo sau hăng hái đẩy 5 chiếc xe.
Cha mẹ các em và bà con cô bác đứng đông nghẹt ngoài đường, nhìn theo cũng vui cười hoan hỉ. Duy có thầy Ký ngồi yên trên ngựa, làm nghiêm không cười. Lê văn Thanh, chàng thanh niên 22 tuổi, đã làm bậc thầy, làm thông ngôn Ký lục cho "Quan Công Sứ" trong tỉnh, tuy lúc làm việc ở toà bị Quan Sứ gọi luôn luôn bằng "mầy", và bị quan la mắng hoài, nhưng chàng vẫn được dân chúng sợ hãi, kính trọng, cho nên trước mặt đồng bào Việt Nam mà chàng cho là "quê mùa", chàng rất tự cao tự đại.
Hôm nay đi cưới vợ, được sánh duyên với cô Ba Hợi, chàng thanh niên Lê văn Thanh lại càng kiêu hãnh hơn.
Họ nhà trai đã đến trước ngõ nhà gái. Năm chiếc xe ba gọng, để khách bước xuống. Lê văn Thanh cũng xuống ngựa. Trong sân ông Bá Hộ nổ liền ba tiếng pháo tre kêu chát chúa "Ầm!..Ầm!.." y như ba tiếng súng đại bác. Thời bấy giờ các phong pháo bọc bằng giấy chưa được lưu hành và thông dụng như ngày nay . Ba tiếng pháo tre chào mừng vừa dứt thì họ nhà trai bước vào ngõ. Đàn ông đi trước, đàn bà đi sau, hàng một, theo thứ tự như đây: trước hết là ba người dân làng gánh đôi xiểng đựng các lễ vật, gọi là sính lễ, rồi đến ông mai dong, ông Hương Cả, thân sinh thầy Ký, ông chú, hai ông cậu, bà Hương Cả, bà thím, hai bà mợ. Sau cùng là Lê văn Thanh.
Họ nhà gái ra sân đến mừng và mời vô nhà. Sính lễ được bầy ra trên phản chiếu lác, trước bàn thờ ông bà, một cái đầu heo luộc (ngoài Bắc nhiều nơi để nguyên một con heo quay), trên hai tai heo có dán hai miếng giấy hồng đơn, đỏ tươi và vuông vức, một quả đựng gạo nếp trắng tinh, một quả đựng 200 trứng vịt, 4 chai rượu tây (rượu chát đỏ), 4 chai rượu "an nam", một chục gói trà tàu, một quả đựng đậu xanh, một quả đựng 4 cục đường bông trắng mịn, một quả đựng 200 lá trầu tươi, một buồng cau tươi độ 60 trái, bốn quả bánh gồm đủ các thứ bánh in, bánh dẻo, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh hột sen, bánh thuẩn, bánh da lợn, bánh bò, bánh ít.
Đồ nữ trang thì đã trao trước, theo sự đòi hỏi của nhà gái, một chiếc kiềng, một đôi hoa tai, một đôi xuyến, tất cả đều bằng vàng y, một chuỗi ngọc và một chiếc trâm bằng bạc nạm vàng. Lúc bấy giờ phụ nữ Việt Nam chưa đeo nhẫn. Mốt đeo "cà rá" và nhẫn bắt chước theo Tây, mới thịnh hành từ khoảng năm 1920 - 22, trong giới trưởng giả, từ 1930 - 31, trong các giới bình dân. Từ 1935 - 1936 nhiều người bắt đầu đeo plaque (chiếc lắc) vàng hay bạc.
Một người trong họ nhà gái đã thắp đèn, hương, trên bàn thờ ông bà. Xong, ông Bá Hộ Nguyễn Văn Thành mặc áo rộng xanh, trịnh trọng ra trước bàn thờ khấn vái. Ông khấn lẩm nhẩm trong miệng như sau đây:
- "Bữa nay là ngày lành tháng tốt, con là Nguyễn văn Thành, xin dâng lễ mọn, cáo với vong linh Ông Bà cha mẹ, cho tiện nữ là Nguyễn thị Hợi, gá nghĩa trăm năm với Lê văn Thanh, thông ngôn ở toà Quan Công Sứ, xin lạy Ông Bà cho hai đứa nó tác thành gia thất. Xin vong linh hiền thê cũng chứng giám cho và phù hộ cho vợ chồng nó được thuận thảo, vui vầy duyên cầm sắt".
Ông bá hộ lạy bốn lạy. Xong, ông gọi con gái ở trong buồng nhà giữa:
- Con Ba đâu, ra đây con.
Trong buồng the có tiếng đáp run run, và nhỏ nhẹ:
- Dạ.
Tất cả những cặp mắt đều đổ dồn ra cửa giữa ngó cô dâu. Cô từ trong buồng bước ra, chậm rãi và "e lệ". Cô đẹp lộng lẫy, tuy đẹp rất tự nhiên, không má phấn môi son, không kẻ lông mày, vì phụ nữ 1910 - 1920 chưa dùng son phấn và bút chì than. Cô mặc ba lớp áo lụa, dài không quá đầu gối, ngoài là hàng áo xanh lục, trong là áo màu hồng, trong hết là áo hàng màu xanh da trời. Toàn là hàng trơn, không có dệt hoa như ngày nay . Mầu vàng của Vua, ở thời đại Quân Chủ, bị cấm hẳn quan cũng như dân, đàn ông như đàn bà, không ai được dùng trong y phục. Cô mặc quần hàng vải "trăng đầm". Quần trắng lúc bấy giờ đàn bà con gái đứng đắn không được mặc. Trên búi tóc xức dầu dừa, láng mướt và thoảng một mùi thơm mát dịu, cô Ba cài chiếc trâm bạc nạm vàng. Cô đeo chiếc kiềng vàng (các cô nhà nghèo đeo kiềng đồng hoặc bằng bạc) quanh cổ, chuỗi ngọc thòng xuống đến ngực, hai cổ tay đeo hai chiếc xuyến vàng. Ngực của cô vì mang chiếc yếm bó chặt vào mình nên không phồng lên như ngực các cô thời nay . Cô nhuộm hàm răng đen nhánh như những hột mãng cầu. Cô đi chân không. Thời bấy giờ, phụ nữ ít mang giầy. Năm 1924 - 1925, đa số nữ sinh đã lớn tuổi, học lớp nhất, đến trường vẫn còn đi chân không.
Nhưng cô Ba Nguyễn thị Hợi "đẹp chim sa cá lặn", "đẹp đổ nước nghiêng thành" theo lời khen ngợi của mọi người trong tỉnh. Cô thẹn thùng e lệ thong thả bước gót sen vào. Lê văn Thanh đứng vòng tay cạnh hương án, cúi đầu, không dám ngước đầu lên nhìn vợ. Ông bá hộ bảo cô chào ông cha chồng, bà mẹ chồng và hết thảy mọi người bên họ nhà chồng hiện diện. Cô cúi gục đầu xuống, chấp hai tay trước ngực, nói rất nhỏ:
- Thưa Cha... thưa Me... thưa Chú...
Xong, ông bảo:
- Bây giờ con với chồng con lạy Ông Bà.
Lê văn Thanh và Nguyễn thị Hợi, cả hai đều cúi đầu, không ai dám ngó ai, cùng bẽn-lẽn, bước đến trước hương án, và cùng lạy. Trong lúc chàng phủ phục, bình thân, bốn lần như vậy, thì nàng ngồi xuống chiếu, hai chân co lại để một bên, cúi mình xuống lạy bốn lạy, đứng dậy vái bốn vái.
Rồi lễ Ông Bà, hai vợ chồng mới còn phải lạy cha mẹ vợ và cha mẹ chồng. Ông Bá Hộ, ông Hương Cả, và bà Hương Cả, ngồi trên ba chiếc ghế kê hai bên hương án. Cô dâu và chú rể cùng lạy mỗi vị phụ mẫu ba lạy.
Lễ rước đã xong, họ nhà trai chỉ ăn bánh uống nước rồi xin rước dâu đúng giờ Mùi, lúc mặt trời vừa xế bóng.
Trong buồng, cô Ba thút thít khóc trên chiếc phản gỗ của cô nằm từ nhỏ đến giờ, cô khóc vì cô sắp từ giã nhà cô . Thằng em trai độc nhất của cô, cũng ôm chân cô khóc nức nở. Nó còn bé lắm, chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy chị của nó khóc, nó cũng mủi lòng khóc theo thế thôi. Cô Ba Hợi lấy cho nó một nắm xôi vò cho nó ăn, và vuốt ve đầu nó. Nó ăn xôi ngon quá, hết khóc nhưng mũi dãi còn chảy lòng thòng...
Ngoài sân có tiếng ông Bá Hộ gọi to:
- Con Ba đâu, ra đi con.
Một bà thím chạy vào buồng, thúc giục cô:
- Ra đi con, người ta chờ ngoài ấy.
Bà dìu dắt cô đi giữa đám đông, đàn bà con gái đứng chật ních trong nhà, ngoài cửa, nói cười vui vẻ trầm trồ khen cô đẹp.
Cô vẫn mặc ba lớp hàng dài, quần "trăng đầm" đen, đi chân không, ngập ngừng mỗi bước... Ra sân,cô tiến đến trước mặt ông bá hộ. Cô vòng tay cúi đầu, nói lẩm nhẩm:
- Thưa cha... con đi...
Bỗng cô oà ra khóc. Tất cả mọi người, nhà trai lẫn nhà gái đứng xúm xít chung quanh, đều cười rồ lên. Cô bẽn-lẽn nâng vạt áo dài lên chùi nước mắt. Đôi ngấn lệ vui buồn lẫn lộn càng tô điểm thêm gương mặt kiều diễm mỹ lệ của giai nhân.
Thành thật mà nói, cô Nguyễn thị Hợi hôm nay có duyên làm sao! Mỹ miều làm sao! Cô Bốn Hiếu, con bà Hương Bộ Mẫn, nói với mấy bạn gái đứng gần:
- Cha, cô Ba xinh đẹp như vậy, lấy chồng làm thầy Ký mới xứng.
Bà Hương Chánh Bốn nối lời:
- Chớ sao! "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen".Tụi bay làm sao cũng lấy chồng được như nó, thì có phước.
Chị Hai Lợi, vợ anh Lợi thợ rèn, xen vô:
- Thầy Ký Thanh nhờ đi học trường Nhà Nước từ năm kia năm kìa rồi thi đỗ ri me làm được thầy Ký. Chớ bốn năm về trước, hồi còn học "chữ ta", còn để búi tóc, thầy đeo đuổi cô Ba hoài, cô có thèm đâu.
Cô Bốn Hiếu nói rất khẽ:
- Ông bá hộ còn xịt chó ra cắn thầy nữa đó.
Cả đám phụ nữ cười rồ lên, nhưng cô Ba đã ra đến cổng, không nghe câu chuyện bông đùa lén lút sau lưng cô.
CHƯƠNG 6
Đám rước dâu đi về nhà trai lẽ phải đi theo thứ tự họ hàng, và cô dâu phải đi bộ cùng với những người khác, vì phải nhường 5 chiếc xe kéo cho các bậc lớn tuổi của hai họ. Nhưng nhà trai đã có lời xin bên nhà gái cho phép để cô dâu đi một chiếc xe kéo.
Toàn thể họ nhà gái cũng đã bằng lòng. Vì vậy, cả hai họ đều thoả thuận sắp đặt trong số 5 chiếc xe kéo, hai chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà trai, 2 chiếc chở hai ông kỳ-lão họ nhà gái, 1 chiếc chở cô dâu.
Còn hết thảy đều đi bộ. Chàng rể một mình một ngựa, thong dong đi sau cùng. Về nhà chồng, cô dâu và chú rể cũng phải lạy trước bàn thờ Ông Bà, xong rồi lạy các ông bác bà bác, ông chú bà thím, và vái chào tất cả những người khác trong họ nhà chồng. Có một lễ riêng biệt để trình diện với làng. Trên một chiếc bàn, họ nhà trai đã đặt một mâm trầu độ 200 lá trầu tươi, sắp từng xấp để quay tròn một mâm, và giữa mâm để một buồng cau. Bên cạnh là một bình vôi, một khay đựng 4 chai rượu, một khay đựng 4 gói trà. Toàn thể hương chức kỳ cựu trong làng đều có mặt. Ông Hương Cả đứng trước, sau lưng là cô dâu chú rể. Ông Hương thưa cho làng biết, chính thức là ngày hôm nay ông cưới vợ cho con trai. Ông nói dứt lời, ông Xã đứng dậy đáp : - Anh em hương chức xin chúc cho hai họ, và lại chúc thầy Ký, cô Ký được bách niên giai lão. Ông Hương Cả đứng né ra một bên để thầy Ký và cô Ký vòng tay cúi đầu vái ba vái tạ ơn làng. Lễ hôn thú như thế là xong xuôi mỹ mãn. Bây giờ hương chức trong làng và hai cha con thầy Ký Thanh vội vàng sửa soạn đón tiếp "cụ Sứ ". Tại vì Lê văn Thanh đã mời "Quan Công Sứ " đến dụ tiệc, và "quan lớn" cùng với "bà lớn" đã nhận lời, cho nên không những gia đình Lê văn Thanh hãnh diện được đón tiếp vị thượng khách chủ tỉnh, mà cả làng xã cũng phải có bổn phận tiếp rước trọng thể "Quan Cai Trị Đại Pháp" dời gót ngọc đến làng. Nào ai dám phàn nàn việc ấy? Trái lại, các ông hương chức trên dưới đều lo lắng tổ chức cuộc tiếp rước thế nào cho khỏi bị "Quan Lớn" khiển trách. Nếu lỡ sơ sót điều gì, sợ "Quan Lớn Đại Pháp" la mắng, hoặc bỏ tù thì chết cha. Lại nghe thầy Ký cho biết rằng tối nay "Quan Lớn Công Sứ" sẽ đến với "Bà Lớn Sứ" và "Quan Lớn Phó Sứ, Bà Lớn Phó Sứ, Quan Tuần Vũ và Bà Lớn Tuần Vũ". Quả là một biến cố thật to lớn trong làng, từ xưa đến nay chưa từng có, và cũng chưa làng nào có được "hân hạnh " to lớn ấy ! Ôi thôi, làng xã ai nấy đều lăng-xăng, lít-xít, trên từ ông Hương, ông Xã, qua chú Trùm, chú Thập, dưới đến mấy "thằng dân ngu khu đen" ( danh từ thông dụng trong giới Quan lại Việt Nam chỉ người dân dưới thờ Quân chủ ) rộn rịp lo xanh mặt xanh mày. Riêng Lê văn Thanh rất là hãnh diện. Mảnh bằng "bờ ri me" và chức vị "thông ngôn, ký lục" của chàng kể đã vinh quang lắm rồi, còn oai hơn cả các ông Đồ Nho thi đỗ Cử nhân, Tiến Sĩ lúc bấy giờ đã không còn được trọng dụng nữa. Nhưng đối với Thanh, sự chàng mời được "Quan Công Sứ Đại Pháp" mà chàng gọi bằng tiếng Tây là "Mơ-sừ Lơ Rề-si- đăng đờ Phờ răng xờ" đến dự tiệc của chàng đó mới là một vinh dự quý báu tuyệt trần. Ai mà dám mời quan Công Sứ ? ông Tiến sĩ, ông Phó bảng, dù có được ăn yến tiệc của nhà Vua chăng nữa, cũng đâu có dám mời "Quan Công Sứ " ở tỉnh. Chỉ có chàng. Phải, cả tỉnh này chỉ có chàng, là Lê văn Thanh thông ngôn của "cụ Sứ ", là dám mời cụ sứ đến tận nhà chàng để ăn tiệc cưới của chàng mà thôi ! "Mơ-sừ-Lơ-rê-si- đăng" đã hoan hỉ nhận lời. Cả Bà Đầm nữa ! Cả Quan Phó Sứ và bà Đầm Phó Sứ nữa! Hãnh diện xiết bao! Vẻ vang xiết bao! Cho nên chàng thông ngôn trẻ tuổi Lê văn Thanh đã gọi dân làng từ năm hôm trước, dựng lên một nhà khách, ngay trước mái hiên nhà chàng, để làm nơi tiếp đón "Quan Công Sứ Đại Pháp", và "Quan Phó Sứ, Quan Tuần, với quý bà Đầm, quý phu nhân, quý cụ, quý quan, quý thầy..." Chàng mua chiếu hoa trải kín mặt đất nhà khách, và mua vải xanh, vải trắng, vải đỏ về mượn người may hai chục lá cờ tam tài của nước "Đại Pháp", để cắm từ ngoài cổng vào đến khắp nhà. Vì lúc bấy giờ không có máy may (cả tỉnh không có một bàn máy may nào ) cho nên chàng phải mượn năm người đàn bà trong xóm may bằng tay trong ba ngày mới xong. Làng, thì sai dân đào lổ đóng cờ đuôi phượng loè loẹt đủ mầu, hai bên lề đường từ ngoài phố vào đến cổng nhà thầy Ký Thanh.Theo lời thầy Ký Thanh cho biết thì "Quan sứ " có nói với thầy là "Quan"sẽ đến hồi 20 giờ. Các ông làng hỏi thầy để cho rõ : - 20 giờ là mấy giờ, thầy ký ? Chính Lê Văn Thanh cũng không biết 20 giờ là mấy giờ. Từ lúc đi học đến khi đi làm việc ở toà sứ, chàng chỉ biết theo kiến thức thông thường là mặt trời mọc vào khoảng 6 giờ sáng, đúng ngọ là 12 giờ trưa, mặt trời lặn khoảng 6 giờ chiều. Lần đầu tiên chàng nghe quan công sứ bảo quan sẽ đến dự tiệc lúc 20 giờ, chàng cũng "uỷ, uỷ, mơ-xừ " mà chàng mù tịt, chẳng hiểu : 20 giờ là mấy giờ. Nhưng không lẽ chàng tỏ cho các ông làng thấy rằng chàng không hiểu "giờ tây", nên chàng cứ trả lời ẩu, ra vẻ thông thạo : - 20 giờ là vanh-tờ-rờ. - Vanh-tờ-rờ là mấy giờ an nam? Giờ Dậu, giờ Tuất hay giờ Hợi? thầy làm ơn cho làng chúng tôi biết để đón rước "Quan Công Sứ ". Lê văn Thanh nổi quạu: - Vanh-tờ-rờ là giờ Dậu.
Khổ nổi không ai có đồng hồ để coi giờ tây.
Thầy Ký Thanh làm việc nhà Nước mà còn không có đồng hồ nữa là. Đồng hồ là một vật quý chỉ các quan Tây có mà thôi. Mấy phố lớn của khách trú ở tỉnh cũng không có bán. Thầy Ký Thanh nói ẩu 20 giờ là giờ Dậu, rồi ông Tú Phong, nhà Nho thông thái nhất trong làng, chỉ tính ra giờ Dậu, là lúc mặt trời vừa lặn. Cho nên từ giờ Thân, vào khoảng 4 giờ chiều, toàn thể các ông hương chức trong làng đã lo khăn đen áo dài (riêng ông xã mặc áo rộng xanh) đã đứng chực từ ngoài đường phố. Dân đinh thì kẻ khuâng trống, khiêng chuông, người cầm hèo, cầm lọng. Có hai cây hèo và sáu cây lọng hết thẩy.
Nhưng mặt trời lặn đã từ lâu, trời đã tối, mà các Quan chưa đến. Ông Xã hết sức lo lắng, lật đật sai dân phải đi kiếm xác mía, hoặc rơm, bó làm hai chục cây đuốc, để thắp lên cho sáng. Hôm ấy là ngày 18 âm lịch. Các ông hương chức tính theo phong dao Việt Nam, để biết chừng nào có trăng:
17, nẩy lửa
18, nám đống trấu
19, nín một canh
20, tuất rốt
21, nửa đêm
(đêm 17,vừa nẩy lửa, nghĩa là vừa đốt đèn thì có trăng.
đêm 18, đốt đống trấu vừa nám thì có trăng.
đêm 19, nín một canh qua canh hai có trăng,
đêm 20, thì cuối giờ Tuất có trăng,
đêm 21, đến nửa đếm có trăng).
Đêm nay 18 ư, "nám đống trấu". Mấy ông làng căn cứ theo câu phong dao rất thông dụng ấy mà đoán chừng rằng vừa đốt đống trấu vừa cháy nám thì sẽ có trăng. Có lẽ quan Công Sứ đợi có trăng lên thì quan sẽ tới chăng? Nhưng quan Công Sứ bảo với thầy Ký rằng quan sẽ đến lúc 20 giờ. Thầy Ký Thanh nói lại với làng rằng 20 giờ là giờ Dậu, ông Tú Phong cho biết giờ Dậu là lúc mặt trời lặn. Thế mà bây giờ trời đã tối đen, tối thui, ông Xã lật đật chạy đi hỏi ông Tú Phong, ông bảo giờ này là giờ Tuất.
Hay là quan Công Sứ không đến? Lê văn Thanh cũng bồn chồn lo ngại. Chàng cứ sợ rằng "Mơ-sừ-lơ-Rê-di- đăng" không đến thì... chàng mắc cỡ với làng xóm biết bao.
Nhưng sự thật 20 giờ là mấy giờ? Chàng băn khoăn suy nghĩ mãi. Trong nhà khách, đèn bánh ú phất bằng giấy ngũ sắc và các ngọn đèn "toạ đăng", đèn "huyền đăng", cái thì thắp bằng dầu phọng, cái thì thắp bằng dầu dừa, có đến hai chục ngọn, tỏa ra ánh sáng vàng hoe, lúc tỏ lúc mờ. Người ta kẻ ra người vào đông nghẹt, ai nấy đều nóng ruột đợi chờ, bàn tán thì thầm - không ai dám cười to nói lớn. Bỗng từ ngoài ngõ, có tiếng xôn xao:
- Cụ lớn tới! Cụ lớn tới!
Rồi tiếng trống, tiếng chiêng nổi dậy: "Thùng!..thùng!... thùng!.. Boong..boong... boong". Trên hai chục bó đuốc thắp lên sáng rực cả một góc trời.
Những đám người đông nghẹt ngoài hè, ngoài sân, ngoài hàng rào, đều thấy hai ông Tây, hai bà Đầm và một ông quan An Nam đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực. Ông Xã và các hương chức đều sụp xuống đất lạy "Qúy Quan". Chàng thanh niên Lê văn Thanh với ông Hương Cả đã chạy ra đến nơi, cúi đầu cung kính vái chào. Ông Sứ gật gật đầu... bà Đầm cũng gật đầu... Lê văn Thanh mời quí vị quan khách vào nhà. Tuy trời tối và gió mát, nhưng dân làng cũng phải theo nghi lễ, cầm sáu cây lọng che sáu vị thượng quan : "Quan Sứ và bà đầm " đi trước, kế đến là "Quan Phó Sứ và bà đầm phó sứ ", rồi mới đến "Quan Tuần và bà lớn". Tất cả các quan khách khác đi theo sau không có lọng. Tiếng trống tiếng chiêng - Thùng ! Thùng ! Thùng ! Boong ! Boong ! Boong ! còn vang rền, cho đến khi "Quý Quan" đã an toạ trong nhà khách.
CHƯƠNG 7
Phía sau nhà, mặt trăng sáng rực từ từ trồi trên mấy ngọn tre xao xác gió, dội ánh sáng mát dịu tràn ngập trên vườn cau. Mọi người đều nô nức hân hoan, nhưng vì sợ "Quý Quan" nên ai nấy đều im lặng... đi nhón gót, và nói thì thầm. Chỉ nghe tiếng nói tiếng cười xí lô xí la của "quý Quan Tây" và "quý bà đầm"...
Lê văn Thanh đứng hầu, thỉnh thoảng trả lời câu tiếng Tây "Uỷ, Mơ sừ lơ rê si đăng".
Quan Công Sứ vui cười bảo Lê văn Thanh:
- Vợ mày đâu? Mầy không giới thiệu với chúng tao à!
Bà đầm cũng hỏi Thanh:
- Chắc vợ mầy đẹp lắm hả?
Thanh không biết khiêm tốn, thật thà khoe với bà đầm bằng thứ tiếng "bồi ba rọi":
- Oui, madame, ma femme est plus jolie, elle est la première plus jolie que dans cette province.
(Dạ, thưa bà, vợ tôi là đẹp hơn, đẹp thứ nhất trong tỉnh nầy).
Các ông tây bà đầm đều cười rộ lên. Họ cười vì chàng nói chữ tây trật bậy, trật bạ, vì câu trả lời khoe khoang ngớ ngẩn. Nhưng Lê văn Thanh tưởng là họ khen, nên chàng tỏ vẻ hãnh diện. Chàng quay ra đám bà con, họ hàng, làng xã, dân chúng, đứng xúm xít chung quanh, đông nghẹt cả sân, cả hè, để coi ông tây bà đầm.
Chàng nói lớn với họ :
- Vô biểu vợ tôi ra đây để ra mắt cụ Sứ, các quan lớn bà lớn.
Tức thì có hai ba người chạy vào trong nhà, nói to :
- Cô Ký đâu? Cụ Sứ và cụ lớn, bà lớn kêu cô ra để chào các quan ! Ra mau! ra mau!
Tò mò nhất là bà đầm vợ viên công sứ, một thiếu phụ Pháp, trẻ đẹp, trạc 30 tuổi, bà muốn thấy lần đầu tiên một cô thiếu nữ Việt Nam con gái một nhà giàu nhất tỉnh mà bà nghe nói có học chữ Quốc Ngữ, lại là vợ một viên thư ký, nghĩa là vào hạng "văn minh" nhất thời bấy giờ, xem nhan sắc, lối ăn mặc, điểm trang, cử chỉ, ngôn ngữ của cô như thế nào.
Cô Ba Hợi từ trong nhà bước ra, cô vòng tay trước ngực, có vẻ thẹn thùng và rất sợ sệt. Cô ăn mặc ba lớp áo mầu dài đến đầu gối, quần đen, đi chân không, đầu búi tóc sức dầu dừa mặt đẹp tự nhiên không son phấn.
Trình diện với các quan khách, cô vòng tay trước ngực, luôn luôn cúi mặt xuống và không cử động nảo. Cô đứng yên như pho tượng. Viên Công Sứ cười bảo Thanh :
- Mầy bảo nó ngước mặt lên xem nào. Nó có vẻ đẹp lắm.
Thanh quen mồm đáp cụ Sứ :
- Uỷ mơ-sừ Lơ-rê si- đăng
Rồi chàng khẽ bảo vợ :
- Cụ Sứ bảo ngước mặt lên.
(Thời bấy giờ thanh niên nói với vợ mới cưới hay là nói với người yêu chưa biết gọi bằng "em" thường gọi trống không)
Cô Nguyễn thị Hợi ngượng nghịu, bẽn lẽn, khẽ ngước mặt lên một tí thôi. Bà đầm gật đầu, nói nhỏ với chồng:
- Nó đẹp đấy nhi?
Ông Tây cũng gật đầu:
- Không xấu.
Viên Công Sứ theo lễ độ của người Pháp, đứng dậy, nghiêm nghị nói với vợ chồng Lê văn Thanh :
- Chúng tôi thành thật cảm ơn cha mẹ anh và anh đã có lòng tốt mời chúng tôi đến dự buổi tiệc rất đẹp hôm nay, để mừng đám cưới của anh, và nhân dịp vui nầy chúng tôi có lời chúc anh và vợ anh một hạnh phúc lâu dài một trăm năm.
Lê văn Thanh tại vì không thông thạo chữ tây lắm, nên chỉ biêt đáp lại một câu cám ơn cụt ngủn :
- Mẹc xì, Mơ-sừ Lơ-rê-si- đăng.
Xong, chàng bảo vợ vái chào "cụ Sứ" và các quan. Nàng làm theo lời của thầy Ký Thanh.
Khi cô Nguyễn thị Hợi đi rồi, bà đầm hỏi Lê văn Thanh:
- Sao coi bộ nó buồn thế? Không có một tí nụ cười nào cả.
- Dạ thưa bà nó sợ lắm.
Bà đầm hỏi “tại sao?”, Thanh không biết trả lời.
Các quan đều phì cười, nhưng cũng khen Thanh cưới được vợ đẹp lắm và có vẻ hiền lành.
Buổi tiệc vui vẻ, kéo dài đến lúc trăng lên trên nóc nhà, vào buổi giờ Hợi (11 giờ khuya). Lê văn Thanh không ngồi bàn, luôn luôn vòng tay đứng bên cạnh “ông Sứ” để “hầu hạ” và đối đáp những lúc các ông tây bà đầm hỏi chuyện về phong tục Việt Nam.
Làng xã và dân đều chầu chực ngoài sân, ngoài vườn, ngoài ngõ, đông như buổi chợ. Họ phải đợi khi quan Sứ về, họ lại đánh trống, đánh chuông, và đốt ba chục bó đuốc, tiển các quan ra đến ngoài đường. Quan Sứ, quan phó Sứ, và hai bà đầm, lên ngồi xe hơi, chiếc xe hơi độc nhất hiệu Delahaye, cao ngồng, và kêu rầm rầm, mà dân chúng không dám đến gần, sợ nó “hút chết”. Quan Tuần vũ lên xe song mã, bánh sắt, hai con ngựa kéo. Các quan tây khác đều cưỡi ngựa, mỗi con ngựa đều có đeo lục lạc quanh cổ, kêu leng keng... leng keng khi ngựa chạy. Quan Phán Bích đầu Tòa ngồi trên chiếc xe kéo nhà của ông, do một người “cu-li” kéo, và một người dân làng đẩy phía sau, cho xe chạy êm. Còn các quan khác đều đi bộ về tỉnh, nhưng có dân làng cầm đuốc hộ tống về đến Cửa Bắc.
Tính ra tiệc cưới của Lê văn Thanh tốn hơn 300 quan tiền kẽm. Đám cưới, và nhất là bữa tiệc, vì bữa tiệc này quan trọng hơn đám cưới, được dân làng, dân tỉnh, và bà con cô bác xa gần, bình phẫm cả tháng chưa hết chuyện. Đại khái họ nói về cô Nguyễn thị Hợi và Lê văn Thanh:
- Cô Ký được bà Sứ khen là xinh.
Cô Hai Nghĩa, em họ của Thanh:
- Chị Ký mặc áo đẹp quá, răng đen bóng cũng đẹp quá.
Chú Trùm Trương tắc lưỡi:
- Thầy Ký nói tiếng tây hay ghê! Mình biết vậy, hồi đó mình học tiếng tây chơi, bây giờ cũng làm thầy Ký rồi.
- Thầy xổ tiếng tây đóp- đóp, quan Sứ, bà Sứ hỏi gì thầy cũng trả lời trôi chảy hết. Thiệt là giỏi!
Mấy bà già và mấy cô gái ưa phê bình bà Sứ không ngớt:
- Nè bà đầm có hai cái vú to bằng trái bưỡi lận, bà con ơi.
Cả đám đông phụ nử cười sặc sụa. Bà Hương Bộ nói chêm vào:
- To hơn trái bưỡi đó! To hơn cái đầu thằng Tý đây nè.
Bà chỉ cái đầu thằng Tý bà ẵm trong tay, con bà vừa mới thôi nôi. Mấy bà mấy cô cười nghiêng ngả.
Cô Bốn Định, con gái bà xã Bảy, hỏi:
- Sao đầm họ để vú tròn vo vậy mà họ không mắc cỡ thím Hương he!
- Ờ sao họ không mắc cỡ! Người An Nam mình thì lo ép cái vú cho nhỏ bớt, đầm họ cứ để vậy, vậy mà văn minh gì đâu?
- Họ để răng trắng nhờn, không nhuộm, coi cái miệng trơ quá há?
Bà Xã Bảy khám phá một điều ghê gớm hơn nữa, nhưng bà nói nho nhỏ, sợ đàn ông nghe :
- Nè, đầm họ không mặc quần !
Cả đám phụ nữ cười lăn lộn, cô Hai Bình té ho sù sụ và cười sặc sụa. Thím Hương Kiểm vừa nhai trầu vừa hỏi:
- Sao chị biết họ không mặc quần?
Câu hỏi không có câu trả lời, chỉ toàn là tiếng cười ồn ào, ầm ỹ cả nhà. Thím Hương Kiểm nhổ một bãi nước trầu đỏ ngòm trên hè, lấy tay chùi miệng rồi nói tiếp :
- Tui, thì tui thấy họ không biết ăn trầu. Hồi anh Ký nó bưng khay trầu ra mời, bà đầm hỏi gì đó rồi bả lắc đầu. Chỉ có Quan Tuần Vũ và các quuan khách An Nam ăn thôi. Tây với Đầm không ai ăn cả.
Cô Bốn Định hỏi:
- Thím xã có thấy đôi giày của bà Đầm không? Giầy gì mà cái gót cao nghệu, vậy mà họ đi không té, tài thật!
Bà Xã làm ra vẻ thông thạo:
- Tại đầm họ bước đi thì hai cái mông đít lắc qua lắc lại, họ không té chớ sao!
Trong lúc phụ nữ phê bình bông lơn về y phục của bà đầm, thì đàn ông cũng phê bình ông tây. Hầu hết dư luận dân chúng, từ lão thành đến thanh thiếu niên đều có tính cách vừa sợ sệt, vừa khôi hài. Họ sợ sệt vì ông tây to lớn, lưc lưỡng "oằm xừ" và "Nhà Nước Đại Pháp văn minh". Nhưng họ vẫn khôi hài, chế nhạo vì những cử chỉ phong tục của người tây phương không giống với người mình. Họ vẫn mỉa mai, đặt lên những câu ca dao và những bài vè trào phúng để ngạo ông tây. Nhưng đó là lén lút. Chứ giữa đời sống mới của nước nhà công khai đặt dưới quyền ông tây, thì Lê văn Thanh được dịp "oai" với làng xã, và bà con cô bác. Bây giờ ai cũng sợ chàng. Cô Ba Hợi cũng được dân làng kính nể. Cô đi ra phố, ai gặp mặt cũng cúi đầu, chấp tay chào "thưa cô Ký"... "thưa chị Ký" ... "thưa dì Ký". Cho đến ông Tú Phong, nhà Nho học lão thành, và được dân chúng kính phục, thầy học cũ của Lê văn Thanh, gặp hai vợ chồng Ký Thanh cũng chào hỏi niềm nở : "Thầy Ký ở tên toà về đấy à ? "... " thầy Ký lên toà đấy hả? "... "cô Ký đi chợ hay đi đâu đó ? ".
Nhất là từ năm 1915, thì tất cả kỳ thi Hương, thi Hội và Nho học ở Trung Kỳ đều bị bãi bỏ hẳn, do sắc lệnh của "Hoàng Đế An Nam" tuân theo chính sách của Nhà Nước Bảo Hộ, ông Tú Phong coi bộ buồn bã, tức giận, nhưng không thốt ra một lời.
Từ khi có sắc lệnh mới của Vua năm 1915, bãi bỏ khoa cử theo lối xưa, học trò ít đi học ông Tú Phong nữa. Một số đông thanh thiếu niên trong tỉnh bắt đầu nộp đơn xin học trường "Nhà Nước", gọi theo danh từ là "Trường Pháp Việt" - "Ecole Franco - Annamite, hay là Ecole Franco Indigène".
Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại những sự kiện lịch sử này, trong một chương sau tôi sẽ nói tiếp. Bây giờ chúng ta trở lại đêm tân hôn của Lê văn Thanh, chàng thanh niên mới cưới vợ, năm 1915.
Sau khi các quan khách ra về rồi. Ông Hương Cả, thân sinh của chàng, gọi chàng vào nhà trong để nói nhỏ với chàng một giọng rất nghiêm nghị:
- Cha đã chọn giờ tốt cho con "động phòng" trong đêm tân hôn của con. Con phải đợi đúng giờ Tý, ước chừng mặt trăng lên đến giữa sân, con mới được vô buồng làm lễ "hoa chúc" với vợ con.
Lê văn Thanh hí hởn sung sướng lắm. Chàng chạy ra sân ngó lên trời, thấy trăng lơ lửng trên nóc nhà còn một xí nữa mới lên đến giữa sân. Chàng vào nhà khách chờ đợi rất ngoan ngoãn.
Một lát sau trăng lên gần giữa sân. Thanh không kịp hỏi cha, mừng quýnh, len lén chạy trước cửa buồng của chàng và đẩy cửa bước vào. Chàng cài then lại. Cô Nguyễn thị Hợi bẽn-lẽn, đang ngồi trên một góc giường. Cô vẫn mặc y nguyên cả ba chiếc áo lụa dài, không cởi ra. Thanh thấy một chiếc bàn mà ai đã kê sẵn nơi đầu giường lúc nào chàng không được biết. Trên bàn đã để một dĩa trầu cau têm rồi, một bình rượu với hai cái chén nhỏ. Hai cây đèn bạch lạp cháy hiu hiu... Thanh đến trước mặt cô Hợi, nhưng không đứng gần. Với một giọng run run, gần như không ra tiếng, chàng nói ấp úng, nàng ngồi cúi mặt xuống nghe :
-... Ơ... Ơ... làm lễ động phòng... hoa chúc...
Nói mấy lời đó, chàng cũng rụt rè e lệ. Nàng khẽ đáp :
- Thầy (#1)... Ông lạy trước Nguyệt... hai... đứa... mình phải lạy một lượt chớ.
Nàng đứng dậy. Chàng bước đến bàn thờ Nguyệt lão (#2), lấy bình rượu rót ra hai chén, rồi thắp hai que nhang, đưa cô Hợi một que, chàng cầm một, Hai người đồng lạy. Xong chàng lấy một chén rượu đưa cô Hợi :
-... Ơ... Ơ... uống rượu...
Nàng đưa hai tay lễ phép nhận chén rượu, và nâng lên uống cạn một lượt với chàng. Chén rượu nhỏ thôi, chắc là uống không say lắm.
Chàng lại lấy một miếng trầu cau, trao nàng :
- Ơ... Ơ... ăn trầu...
Nàng cũng đưa hai tay lễ phép nhận miếng trầu tươi cau tươi và đưa vô miệng nhai. Nàng nhai nhỏ nhẹ chầm rãi, rất có duyên. Chàng vừa ăn trầu, vừa cởi chiếc áo gấm và áo dài trắng treo trên tường, chỉ còn mặc chiếc áo cụt. Chàng lên giường nằm, miệng còn nhai trầu mỏm mẻm. Cô Nguyễn thị Hợi vẫn cứ mặc nguyên ba áo hàng mầu, ngồi ghé một bên mép giường, cúi mặt xuống ra chiều bối rối, hai tay mân mê tà áo.
Tuy đã lên giường, nhưng Lê văn Thanh còn mắc cỡ nằm quay mặt vào vách đất, làm thinh, miệng cứ nhai trầu không ngớt. Một lát khá lâu, chàng cất tiếng nói, nhưng không dám ngoảnh mặt ra ngó cô vợ mới cưới :
- Cô Ba không cởi áo đi nằm, kẻo mệt! Khuya rồi... bây giờ là giờ... Tý...
Nàng khẽ đáp : "dạ" nhưng không dám cởi áo, cứ để nguyên ba lớp áo hàng mầu, nằm ghé xuống bên lề giường.
Rồi mạnh ai nấy ngủ.
Gà gáy hết canh năm (vào khoảng 5 giờ sáng), chàng chợt tỉnh dậy, thấy vợ nằm sát cạnh giường sắp té xuống đất, mới nằm lại gần nàng, nắm tay lung lay:
- Cô Ba... cô Ba... nằm xít vô, kẻo té... nằm xít vô...
Nàng vẫn nhắm mắt như ngủ mê, nhưng cũng nghe lời chàng, nằm xít vào một tí, một tí thôi. Chàng hồi hộp sung sướng, khẽ đặt bàn tay lên cánh tay cô vợ trẻ mà chàng nhìn thấy xinh đẹp như nàng Tiên giáng thế...
Lê văn Thanh hồi hộp khẽ đặt bàn tay lên cánh tay áo hàng mầu lục của cô vợ trẻ... cô Ba để yên, không nói gì nhưng khi chàng bạo tay hơn một tí, khẽ đưa bàn tay dần dần lên ngực cô, thì cô Ba hất tay ra, rồi co cánh tay của cô lên để che ngực, mặc dầu cô đã mặc ba lớp áo hàng mầu, chưa kể áo cụt trắng ở trong cùng chiếc yếm đen của cô cột chặt vào cổ và lưng.
Thấy cô vợ mới cưới còn giữ gìn e lệ, Lê văn Thanh không dám làm ẩu, vội vàng rút bàn tay, nằm im phăng phắc.
Gà gáy lần thứ hai... rồi lần thứ ba, vào khoảng 6 giờ sáng. Trong cảnh vật còn mơ màng lặng lẽ, mọi vật như còn ngái ngủ, tuy trời đã hừng sáng, tiếng kèn rạng đông ở trại lính khố xanh bổng vang lên thánh thót, cả tỉnh thành đều nghe :
tò te tí tò tí te
tí tò tí te, tí tò te tí
te tò te tí, tò tí te
tí tò tí te, tí tò tò te...
Cô Nguyễn thị Hợi vội vàng ngồi dậy, không nói năng một lời, ra mờ cửa buồng, đi thẳng xuống bếp. Cô đến chum nước lạnh, lấy gáo dừa múc một gáo nước, trút nước ra bàn tay đưa lên rửa mặt. Rửa xong, cô đưa vạt áo dài lên lau. Cô hớp một hớp nước để súc miệng. Lúc bấy giờ không có thuốc đánh răng. Vả lại, răng các bà, các cô đã nhuộm đen (cả một số đàn ông theo Nho giáo cũng nhuộm răng đen) thì làm sao đánh răng được?
Trái lại, lâu lâu cách năm bảy tháng, cô Nguyễn thị Hợi còn phải nhuộm lại hàm răng cho đen thêm, đen ánh như hột mãng cầu (tiếng bắc: hạt na). Trong mấy ngày nhuộm răng, để cho thuốc nhuộm thật khô, cô Ba Hợi phải nhịn ăn các đồ nóng và các đồ cứng rắn, chỉ ăn cơm nguội hoặc cháo nguội, và các món ăn mềm.
Cô Ba Hợi - từ nay người ta gọi là cô Ký Thanh - vào nhúm bếp nấu nước sôi để pha trà. Thầy Ký đã thức dậy, ngồi ghế tràng kỷ ở nhà trên, uống trà với ông Hương Cả, thân phụ của chàng.
Tội nghiệp cho chàng thanh niên mới cưới vợ ! Đêm tân hôn đáng lẽ là đêm thơ mộng xiết bao, là đêm tràn trề hạnh phúc của tình yêu son trẻ, mà sau khi làm lễ hợp cẩn với vợ, chàng vẫn chưa được gần vợ, bởi cô còn quá thẹn thuồng chua dám gần chàng! Cho đến đêm thứ hai, nàng vẫn còn xa cách... chàng phải rủ rĩ bên tai nàng vài câu chuyện bâng quơ,gợi nói chuyện sao cho nàng mỉm cười, nàng vui vẻ, bạo dạn, hết còn bẽn-lẽn, sợ sệt như đêm đầu. Ký Thanh không quên xử dụng vài câu chữ Nho trong các sách Khổng giáo để quyến dụ người đẹp đêm tân hôn. Chống tay trên chiếc gối gỗ, nửa nằm nửa ngồi khép nép bên lề giường, chàng run đùi khẻ nói, cố gắng giọng hùng hồ như Thầy Đồ dạy học :
- Đức Thánh, Ngài nói rằng :"Thiên hạ chi đạt đạo ngũ viết quân thần giã, phụ tử giã, phu phụ giã, môn đệ giã, bằng hữu chi giao giã, ngũ giã, thiên hạ chi đạt đạo gĩa... " (ở đời có 5 đạo: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè giao hảo : ấy là 5 đạo thiên hạ phải thực hành). Tôi tự xét tôi đi làm việc Nhà Nước, ấy là tôi đạt được quân thần chi đạo. Tôi ăn ở có hiếu với cha, ấy là tôi đạt được phụ tử chi đạo... Nay tôi đã gá nghiã cùng cô Ba, thì tôi trộm xét cái thân bảy thước này không đến nổi vô ích với đời, tôi đã thành đạt cái nam nhi chi khí. Tôi thương cô Ba bao nhiêu, tôi lại nhớ câu trong Kinh Thi bấy nhiêu: "thê tử hảo hợp, như cổ sắt sắc cầm, nghi nhĩ thất gia lạc nhĩ thê noa... Phụ mẫu kỷ thuận hỹ hồ" (vợ con hoà hợp như tiếng đàn sắt đàn cầm, nhà cửa đoàn tụ vợ con vui vẻ... cha mẹ được hoan hỷ lắm thay...)
Ký Thanh ngâm mấy câu sách Nho, khoái chí gật đầu, rồi cao hứng xổ một mớ tiếng tây ba rọi :
- Tục ngữ An Nam mình nói : "Thuận vợ thuân chồng, tát biển đông cũng cạn". Tây thì nói "Unis la femme et le mari, puisser de l eau... dans le mer de l Est... est vidé aussi... ".
Thanh vừa nói vừa nhai trầu mỏm mẻm, vừa cười tủm tỉm. Chàng nuốt nước trầu một cách ngon lành, trong lúc cô Ba ngồi nghe như vịt nghe sấm, thầm phục ông chồng tài hoa cùa cô . Chàng khẻ bảo :
- Cô Ba nằm xuống nghỉ, kẻo khuya rồi, cô Ba . Đã quá giờ Tý rồi đó.
- Dạ thầy ngủ trước đi.
Lê văn Thanh nằm xuống giả vờ ngủ và ngáy khò khò... Chàng chỉ giả vờ thôi, sự thực thì chàng vẫn thức, để rình lúc cô Ba ngủ.
Một lúc sau, cô Ba đứng dậy nhẹ nhàng, cởi áo dài ra, chỉ còn mặc áo cụt trắng. Cô nằm xuống, nhưng vẫn nằm riêng bên lề giường. Cô không dám đụng chạm vào da thịt người đàn ông, chồng của cô . Một lúc khá lâu, cô nghe ở nhà trên, nhà cầu, nhà bếp, ngoài hè toàn những tiếng ngáy của những người đã ngủ say, mệt mỏi. Trên đất, tiếng thằn lằn chặc lưởi. Tiếng ếch nhái kêu ột... uệch... ngoài sân..Cô nằm lim dim một lúc, không cựa quậy. Thanh tưởng cô đã ngủ rồi, mới len lén nằm kề bên cô.
Chàng khẻ đặt mũi lên đôi má âm ấm của nàng mịn và thơm như hai cánh hoa đào, chàng say sưa hít liên tiếp hai ba hơi. Đó là những nụ hôn đầu tiên của cặp thanh niên âu yếm hồi đầu thế kỷ này. Nàng làm bộ ngủ mê để chàng muốn làm gì thì làm. Đêm nay, nàng không chống cự, từ chối một tí gì cả.
Một buổi sáng, trong lúc Ký Thanh ngồi uống nước trà trên tràng kỷ với ông Hương Cả, ông bảo chàng:
- Tiệc cưới của con, tất cả bà con cô bác trong tỉnh ai cũng có tới dự vui vẻ. Nhưng cha không thấy mặt chú thợ Ba, cha thằng Chuột. Tại sao vậy kìa?
- Chú thợ mộc ấy không ưa nhà mình.
- Cha nghĩ chắc rằng có lẽ thằng Chuột được Nhà Nước cho học bổng đi học trường Quốc Học ở Huế, nên chi chú thợ Ba làm phách, không thèm tới dự tiệc cưới của con đó.
Ký Thanh nổi giận:
- Tiệc cưới của con, trên có cụ Sứ, cụ Phó Sứ, cụ Tuần, dưới có làng xã đông đủ hết, như vậy đã danh giá biết bao. Chú thợ Ba làm phách với ai, chớ làm phách với nhà mình sao được?
- Chắc có lẽ chú ỷ thằng Chuột học giỏi hơn con?
Ký Thanh làm thinh, ganh ghét thằng Chuột nhưng không làm sao được.
Ông Hương Cả đoán như có phần đúng hẳn. Thằng Chuột - từ nay chúng ta gọi tên chính thức của chính nó là Trần Anh Tuấn - đã cắp vỡ đi học trường Nhà Nước sớm hơn Lê văn Thanh hai năm. Các bạn còn nhớ hồi đó nó mới 8 tuổi chưa biết mặc áo quần, vì thầy giáo quen với cha nó, doạ nạt nếu nó không đi học trường Nhà Nước thì cha mẹ nó sẽ bị quan tây bỏ tù, cho nên nó phải cắp vở đi học A, B,C...
Hai năm sau, Lê văn Thanh nhờ thằng Chuột dạy lại A, B, C... cho chàng, rồi chàng xin vào học lớp Năm "Trường Nhà Nước", thì giờ bà con trong tỉnh và ở cửa Bắc, không gọi nó là thằng Chuột nữa, mà gọi nó đỗ bằng "ri-me", vì Trần Anh Tuấn là người học trò đầu tiên ở cửa Bắc học chữ tây đã thi đổ cấp bằng ấy. Đáng lý ra, Tuấn được danh vị mới là "Tân Học Khoá Sanh ". Nhưng theo lệ làng đã có từ thời Nho học, người nào thi đỗ một cấp bằng mới, được chức mới, phải giết bò giết heo "khao làng" ( đãi làng ) thì dân chúng trong làng cũng như trong tỉnh, mới chính thức gọi kẻ tân khoa bằng chức vị mới. Không phải thi đỗ Tú Tài, Cử Nhân là được người ta gọi "ông Tú ", "ông Cử" đâu. Phải làm tiệc khao làng, đãi toàn thể dân làng ăn uống rồi mới được dân làng gọi "ông Tú ", "ông Cử". Tục lệ "xôi thịt" ấy có từ thời khoa cử cựu học, thời đại phong kiến của chế độ quân chủ, vẫn cứ duy trì với trào lưu tân học.
Vì Tuấn con nhà nghèo, gia đình chú thợ mộc không có tiền để khao làng xã, cho nên Trần Anh Tuấn thi đỗ "ri-me", vẫn bị dân làng gọi là "trò Chuột", chớ không ai gọi là "cậu Khoá". Vả lại, Tuấn, mới 12 tuổi, nên bị coi như là con nít, không được người ta trọng vọng.
Trái lại, hai năm sau Tuấn, Lê văn Thanh thi đỗ bằng "ri-me", nhờ nhà nước hạ lệnh "đón rước tân khoa" và nhờ ông Xã Quý giết bò, giết heo, để đãi làng ăn uống phủ phê suốt hai ba ngày, cho nên Thanh được dân làng tâng bốc. Kế đó, Thanh được bổ làm thông ngôn ký lục ở toà Sứ, lại khao lần nữa, mới được làng gọi là thầy "Ký".
Trần anh Tuấn, con chú thợ mộc, nghèo, không có ruộng đất, tuy học giỏi hơn Thanh, thi đỗ sớm hơn Thanh hai năm, và được nhà nước bảo hộ cấp học bổng cho đi học trường Quốc Học ở Huế, vẫn cứ bị làng xã gọi là "trò Chuột", cái tên ấy không vinh dự tí nào.
Chính ông Hương Cả cũng khinh miệt thằng Chuột là con nít và coi rẻ chú thợ mộc là dân nghèo. Tức giận vì sự cách biệt khinh khi ấy, nhưng hãnh diện vì con mình được đi học ở Huế, sẽ đỗ đạt cao hơn và sẽ làm chức tước lớn hơn, nên cha "trò Chuột" không thèm đến dự tiệc cưới, nhưng chú thợ mộc Ba cũng đến mừng xã giao ông Hương Cả và "thầy Ký". Chú mặc bộ quần áo vải ta, thứ vải thô sơ rẽ tiền nhất do người trong xóm dệt bán, mà chú thường mặc thường ngày, một chiếc khăn vắt vai, chú đi lửng thửng đến nhà ông Hương Cả. Trong câu chuyện bãi buôi, ông Hương Cả mời chú Ba thợ mộc ăn trầu, rồi hỏi:
- Thằng Chuột bây giờ học lên lớp mấy, chú Ba?
- Dạ, thưa ông Cả, nó mới học lớp đệ nhị niên.
- Mấy năm nữa mới thi lận?
- Dạ thưa, nó nói còn hai năm, đệ tam niên, đệ tứ niên, rồi thi đít-lôm.
- Tôi cũng muốn cho thằng Ký ra Huế học đít-lôm, nhưng cụ Sứ thương nó, biểu nó đi làm việc ở toà, nên nó vâng lệnh cụ Sứ... Thiệt cụ Sứ thương thằng Ký lắm... Cụ khen nó giỏi chữ Tây.
- Dạ, thưa ông Hương Cả, bửa trước tôi cũng tính đến mừng thầy Ký, nhưng tôi nghe nói cụ Sứ tới, tôi sợ cụ Sứ, nên tôi không dám đến.
- Cụ Sứ thương thằng Ký, cụ mới tới dự tiệc cưới của nó, chớ đời nào cụ tới nhà An Nam. Có bà lớn Sứ nữa. Cụ lớn ông và cụ lớn bà đều có bắt tay "bỏ sua" (bonjour) tôi.
- Dạ, tôi có nghe nói.
-Sao chú không cho thằng Chuột đi làm việc như thằng Ký của tôi, có phải danh giá không! Nhà chú nghèo mà cho nó đi học Quốc Học ở Huế làm chi vậy? Chữ tây khó lắm, thằng Chuột nó còn nhỏ nó học sao nổi?
- Dạ thưa ông Cả, cũng vì con tôi còn nhỏ tuổi, nên ra làm việc sao được. Với lại, nó có học bổng của Nhà Nước, chớ tôi làm gì có tiền cho nó đi Huế... Ôi, thưa ông, tôi để thây kệ nó, nó muốn học gì thì nó học. Phận tôi nghèo hèn dốt nát, tôi đâu dám nghĩ chuyện cao xa...
- Ừ, chú nói phải, châu chấu đá voi sao nổi.
Chú thợ mộc nói qua loa vài câu chuyện nữa, rồi đứng dậy lễ phép xin cáo từ. Bề ngoài, cha "trò Chuột" làm ra vẻ khiêm nhường, ti tiện trước mặt ông Hương Cả, nhưng trong thâm tâm chú cười thầm, tự bảo: "Hai năm nữa, thằng Chuột thi đậu bằng đít lôm, rồi hai cha con ông sẽ biết hai cha con tôi."
CHƯƠNG 8
1910-1916
- Những kẻ nịnh Tây, tâng bốc "Quan Lớn Đại Pháp" .
- Trường Quốc Học Huế đến năm 1907 mới có kỳ thi Tiểu-học đầu tiên.
- Trường Nữ-học Đồng Khánh Huế mở năm 1917.
- Năm 1910, toàn xứ Trung-kỳ tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.
- Chiếc xe hơi đầu tiên. Dân chúng hoảng sợ.
- Saigòn năm 1910 tổng cộng dân số : 70.000 người, trong đó chỉ có 40.000 người Việt.
- Có chiếc "xe máy" (xe đạp ) là "văn minh" nhất.
- Saigòn năm 1910, chỉ có tất cả là 5 chiếc ôtô của Pháp.
- Thanh niên Saigòn mang giầy "ma mị"
- Vụ Vua Duy-tân, tháng 5 năm 1916, Huế.
- Ảnh hưởng của Vua Duy-tân ( 16 tuổi ) đối với thanh niên Việt Nam hồi đó.
- Vụ giặc Đồng Bào năm 1908.
Thanh niên Việt Nam theo tân trào tây học,vào khoảng 1910-1916, không phải tất cả đều như Lê văn Thanh. Nhưng Thanh là một nhân vật điển hình của một lớp trẻ mới tiếp xúc lần đầu tiên với uy quyền của nước Pháp bảo hộ, khiếp sợ trước binh lực hùng cường của người Pháp, và khâm phục văn minh cơ khí của Pháp, cho nên họ hùa theo đám quan lại nịnh tây mà tôn kẻ chiến thắng bằng những danh từ tâng bốc thông dụng từ Bắc đến Nam :"Quan Thầy Đại Pháp", "Nhà Nước Đại Pháp"... - "Mẫu Quốc Bảo Hộ" v.v...
Mà chính người Pháp cũng không ngờ. Những khẩu hiệu chính thức ấy không phải do người Pháp đặt ra. Phải nhìn nhận một sự thật rõ ràng là ngay từ lúc Pháp mới sang đô hộ xứ ta, họ chỉ tuyên truyền và đề cao văn minh của họ mà thôi, chớ không khi nào họ bắt buộc người Việt Nam phải suy tôn họ bằng những câu nịnh bợ như trên kia. Họ chỉ gọi xứ họ là "nước Pháp" - La France, chớ không bao giờ tự đề cao là "Đại Pháp", là "quan thầy Đại Pháp " v.v... cũng như họ gọi Viên Toàn Quyền hoặc viên Khâm Sứ của họ là "Ông Toàn Quyền", "Ông Khâm Sứ " v.v... như người Việt Nam suy tôn họ. Cái lối tâng bốc phong kiến tạo nên là do các quan lại "An Nam " xướng ra đầu tiên, rồi các quan Pháp, các thầy Thông, thầy Ký hùa theo xưng hô thành ra thông lệ. Hạng thanh niên "An Nam" làm việc cho Nhà Nước Bảo Hộ thời bấy giờ, hầu hết là hãnh diện được làm tôi tớ cho "Quan Thầy Đại Pháp" và tranh đua nhau nịnh bợ "quan thầy" để được ban bố ân huệ, tước vị, phẩm hàm, "thăng quan tiến chức".
Đa số lớp thanh niên tây học thời bấy giờ chỉ có một mục đích duy nhất là thi đậu dể làm việc cho Nhà Nước tức là "làm Quan" :bên Nam-triều từ Quan Huyện, quan Phủ, đến quan Tuần Vũ, quan Tổng Đốc, quan Thương Thư, bên chính phủ Bảo Hộ thì quan Tham, quan Phán, quan "còm mi", quan Đốc. Dưới một bực là thầy Trợ giáo, thầy Thông, thầy Ký cũng ao ước được làm ông quan nho nhỏ. Cho nên lúc bấy giờ người Pháp nhận xét mỉa mai rằng: "TRONG ĐẦU ÓC MỖI NGƯỜI VIỆT NAM ĐỀU CÓ MỘT ÔNG QUAN", nghĩa là người An Nam nào cũng có tham vọng "làm Quan" cả. Sự nhận xét tổng quát ấy kể ra cũng đúng một phần nào. Vả lại lúc ban sơ người Pháp cần đào tạo cấp tốc một số công chức để giúp việc cho họ trong các cơ sở mới thiết lập : Tòa Sứ, Kho Bạc, nhà Giây Thép, sở Lục Lộ, nhà Thương, nha Thương Chánh,v.v... Mà số thanh niên theo học "chữ Tây" tại các trường Pháp - Việt mới mở còn rất ít oi, cho nên sự học rất được khuyến khích, thi cử rất dễ dàng và học sinh đỗ bằng "tiểu học" đã được bổ dụng ngay trong các công sở, làm "thông ngôn ký lục".
Riêng ở Trung Việt chẳng hạn, (từ 1900 đến 1945, gọi là Trung Kỳ, trường Quốc Học, ở Kinh thành Huế, được mở từ năm 1896, nhưng mãi đến năm 1909 mới bắt đầu mở kỳ thi "Certificat d Etudes Primaires Franco-Indigenes ". Lúc bấy giờ bằng cấp này còn gọi là bằng Sơ Học, trong dân chúng gọi là bằng "ri-me". Trong làng dạy hai lớp Đồng Ấu và Dự Bị (lớp Năm, lớp Tư), trường Huyện, Phủ có lớp Sơ Đẳng (lớp Ba), trường Tỉnh có thêm lớp Nhì, lớp Nhất. Sau, từ 1917, các trường tỉnh đều đặt thêm lớp Nhì đệ nhị niên, và đổi là Tiểu Học Pháp Việt (École de Plein Exercise ), trường Quốc Học đổi thảnh trường Cao Đẳng Tiểu Học (Primaires Supérieures) Cũng năm 1917 mở thêm trường Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh, riêng cho con gái. Năm 1920, trường Cao Đẳng Tiểu Học Vinh, năm 1921, trường Cao Đẳng Tiểu Học Qui Nhơn.
Năm 1910, các "Trường Nhà Nước" cả Trung Kỳ, tổng cộng chỉ có 1595 học sinh.
1915 có 2.442 học sinh.
1920 có 30.349 học sinh.
1925 có 41.062 học sinh.
1930 có 62.558 học sinh.
Năm 1930, sự học đã phát triển mạnh mẽ khắp xứ, mà số nữ sinh toàn xứ Trung-kỳ cũng mới chỉ có 1986 người, trong số đó có 47 cô ở các lớp Sư phạm và 494 cô ở các lờp Cao đẳng tiểu học ( thi bằng diplôme), tức là bằng Thành Chung., gần như Trung Học Đệ Nhất Cấp ngày nay.
CHƯƠNG 9
Lê Văn Thanh bắt đầu học ABC hồi 19 tuổi. Năm 1911, 20 tuổi cậu xin vào trường Nhà Nước, học lớp Năm, 24 tuổi chàng thi đỗ bằng "ri-me", hai tháng sau được vào làm "thầy Ký" ngay trong tòa Sứ và làm thông ngôn cho ông Công Sứ, tuy sự hiểu biết vể tiếng Tây trong bốn năm sơ học chưa bao nhiêu.
Trong lúc đó, Trần anh Tuấn, thằng Chuột nhỏ hơn Thanh 10 tuổi, lại học trước hơn Thanh 2 năm. Năm 12 tuổi nó đã đỗ bằng "ri-me" và được Ông Công Sứ ở tỉnh cho học bổng đi Huế học trường Quốc Học.
Trần anh Tuấn đi Huế bằng cách nào?
"Đường Cái Quan" đã có rồi, mới đổ đá, nền đất bằng phẳng. Hai bên đường đã bắt đầu dựng cột giây thép. Tuy đến mùa mưa, nhiều đoạn đường bị nước mưa làm trôi cả đất lẫn đá, và cầu cống chỉ được bắt qua các con sông nhỏ, các con sông lớn còn phải dùng đò, nhưng "đường cái quan" mà người Pháp gọi là "đường thuộc địa số 1" để nối liền các tỉnh, từ Saigòn ra Huế, ra đến Hà Nội. Riêng ở các tỉnh Trung Việt, đường sá đã có nhưng xe cộ chưa có. Xe ô tô (ở Nam kỳ gọi là xe hơi, ở Trung kỳ gọi là xe điện),ở ngay tại tỉnh lỵ chỉ có ông Công Sứ Pháp có một chiếc mà thôi, xe hiệu Delahaye, cao ngồng, máy nổ kêu rầm rầm, xịt khói phía sau, dân chúng sợ hãi không dám lại gần.
Người ta đồn rằng đứng gần "xe điện" sẽ bị nó hít vào trong bụng máy, chết liền không kịp thở. Chính thầy ký Thanh cũng chưa dám đến gần xe "cụ Sứ ". Các ông tây khác, hoặc đi ngựa, hoặc ngồi trên xe kéo bánh sắt, do một người "cu li an nam" kéo . Xe kéo chạy xa nhất chỉ trong khoảng 30 hoặc 40 cây số (kí-lô-mét) một ngày, và chỉ chạy trong giới hạn một tỉnh. Các "quan An Nam" và các bà vợ quan, đi đâu đều đi cáng và đi từng trạm, lính thay phiên nhau mỗi trạm là hai người khiêng chiếc cáng. Ông quan hay bà quan (bà lớn ) nằm trong cáng như nằm trong võng có màn thêu che phủ hai bên.
Dân chúng, đi buôn bán, từ tỉnh này qua tỉnh nọ, dĩ nhiên là phải đi bộ rồi. Phần nhiều, họ rũ nhau 5, 10 người đi cho có bạn, hàng mấy trăm cây số, mất nửa tháng hoặc 20 ngày, có khi hàng tháng. Họ đi bộ như thế từ Quảng Ngãi ra "Tou-Ranh" (Tourane, Đà Nẵng ) hoặc từ Hội An vô Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai, (Gia Định - Saigòn).
Vì đường sá xa xôi, xe cộ rất hiếm hoi, lại thiếu thốn tất cả những tiện nghi trong cuộc viễn hành, vượt núi băng sông dầm mưa, dãi nắng, cho nên một số người đi buôn bị đau chết dọc đường, một số khác vào đến Đồng Nai rồi ở luôn đấy sinh cơ lập nghiệp, không muốn trở về. Thỉnh thoảng đôi người đi Đồng Nai về, khoe rùm lên rằng ở Saigòn nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy "boong boong", dưới nước tàu thủy chạy "vù vù", tối đến đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà Đầm ôm nhau "đăng xê" coi vui mắt quá chừng!.
Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của người An Nam ta!
Vì thế ở các tỉnh miền Trung, dân chúng thường ao ước được đi Đồng Nai một chuyến."Đi Đồng Nai", đó là cả một giấc mộng phiêu lưu, như thể đến một thiên đường xa lạ ...
Một số đông phụ nữ trẻ đẹp, nhưng buồn duyên tủi phận, giận mẹ chồng hiếp đáp, hoặc bị chồng hất hủi, thường "cuốn gói đi Đồng Nai - Gia Định ", mặc dầu phải đi bộ. Rồi năm bảy năm sau trở về thăm bà con cô bác, họ đeo đầy vòng vàng, hột, xuyến, chói lọi trên tay trên ngực, má phấn môi son, đầu tóc thơm ngát mùi nước hoa. Thường thường cô Hai hay cô Ba thích dắt theo về một người chồng Đồng Nai, bận quần áo bằng lãnh đen, chân đi giày Tây, đầu đội mũ Tây, miệng bịt răng vàng, và hút thuốc lá Tây...
Đàn ông đàn bà ở đất "Hòn Ngọc Viễn Đông" đi về đây trông oai như ông Hoàng bà Chúa.
Cho nên hầu hết những thanh niên buôn bán ở các tỉnh miền Trung đều đi bộ theo đường cái quan, hoặc đi ghe bầu theo đường biển, kéo nhau vào Đồng Nai Lục Tỉnh. Nhưng còn đám thanh niên học sinh, sau khi đỗ bằng Tiểu học ở tỉnh nhà, thì lại rủ nhau đi Huế, tiếp tục học trường Quốc Học ở Kinh Đô. Số học sinh đi học trong Saigòn rất ít.
Trần anh Tuấn được học bổng mỗi tháng 2 đồng bạc (cũng gần 2.000 đồng bây giờ). Tuấn có đến chào quan Công Sứ ở tỉnh. Ông cho Tuấn đi làm tiền lộ phí. Đổi ra tiền An Nam được 6 quan tiền kẽm. Tuấn xuống bến Thu Xà, chờ ba ngày có "ghe bầu" chở nước mắm và đường bông Quảng Ngãi đi Fai-Foo (Hội An). Cha của Tuấn, chú thợ Ba, có quen với ông chủ ghe, gởi Tuấn đi nhờ ghe ông.
Trước ngày Tuấn ra đi, cha mẹ Tuấn có nhờ thầy phù thủy trong tỉnh chọn được ngày lành tháng tốt, là ngày 2 tháng 8 ta, xuất hành vào giờ Mẹo. Chú thợ Ba cũng có làm thịt môt con gà nấu cháo cúng Ông Bà, xin phù hộ cho thằng con trai thượng lộ bình yên. Cúng xong chú Ba chặt hai cái giò gà đưa thầy phù thủy xem.
Thầy sáu Chánh lật qua lật lại cặp giò, xem xét kỷ lưỡng rồi gật đầu hai ba cái :
- Tốt lắm đây, chú Ba à. Trò Chuột đi Huế học chắc chắn sẽ đỗ đạt thành tài.
Chú Ba vui mừng rót rượu mời thầy sáu Chánh phù thủy. Bà con cô bác trong thân quyến chú thợ mộc, nghe tin "thằng Chuột" đi học tận ngoài Huế, đều có đến chúc mừng. Kẻ cho nó một quan tiền, người cho vài thước vải quyến trắng để may quần, vài thước vải trăng đầm để may áo đen. Có người cho cả một cân đường bông, hoặc một xấp giấy tây, một vài gói bánh ít, bánh thuẩn, bánh bò. Tuấn cảm động nhận lãnh tất cả, nhét tất cả trong một khăn gói nặng trìu trỉu (lúc bấy giờ ở tỉnh chưa có tiệm nào bán va-li).
Sáng sớm hôm sau, mặt trời rạng đông, hai cha con chú Ba cột khăn gói vào một đòn gánh, rồi cha một đầu, con một đầu, lặng lẽ khiêng gói ra đi. Họ đi chưn không và đi bộ xuống tận Thu Xà để Tuấn lên "ghe bầu" theo đường biển ra Fai-Foo (Hội An). Từ Fai-Foo, Tuấn sẽ đi xe kéo ra Tu Ranh (Đà Nẵng), rồi lên xe lửa đi Huế.
Còn hai tháng nữa mới tựu trường, niên khóa 1915-16, Tuấn mới 12 tuổi.
Trong lúc Tuấn đi ghe bầu ra Huế tiếp tục học tại trường "Quốc Học", thì các lớp thanh niên các tỉnh ở "Bắc Kỳ" và "Nam Kỳ", cùng lứa với Tuấn, cũng lục tục lên Hà Nội và Saigòn, học để thi bằng "đít-lôm" . Song song với trường Quốc Học Huế, ở Hà Nội có trường Trung Học Bảo Hộ (collège du Protectorat) ở làng Bưởi nên thường gọi là trường Bưởi. Ở Saigòn có trường trung học Chasseloup-Laubat.
Chế độ cai trị của người Pháp ở Bắc Kỳ không khác ở Trung Kỳ. Bắc kỳ vẫn là đất của "Đại Nam Hoàng Đế" (Empereur d Annam) mà kinh đô chính thức là Huế, lại vừa là xứ Bảo Hộ (Protectorat du Tonkin) thuộc địa của Pháp mà thủ đô là Hà Nội. Còn Nam Kỳ thì bị tách hẳn ra làm nhượng địa của Pháp, không còn dính líu gì với ông Vua An Nam nữa, từ thời Tự Đức năm thứ 20 (1867). Tuy nhiên, về chính trị và hành chính, có sự chia xẻ ba kỳ riêng biệt như thế, nhưng đời sống xã hội, gia đình và luân lý của toàn thể nhân dân Việt Nam, từ Bắc đến Nam, xét về tổng quát vẫn không khác nhau bao nhiêu.
Riêng thành phố Saigòn tiếp nhận văn minh của Pháp trước tiên. Người Pháp chiếm đóng, xây dựng thành phố, và củng cố vị trí nơi đây đã trên 40 năm về trước,và ảnh hưởng trực tiếp của họ đến các từng lớp dân chúng được sậu rộng hơn, và đã tràn lan khắp "Đồng Nai Lục Tỉnh".
Thanh niên Việt Nam ở "Nam Kỳ" đã quen nếp sống mới của văn minh Pháp cũng sớm hơn và bồng bột hơn, kể cả hai phương diện vật chất và tinh thần.
Tuy thế, trong giai đoạn thiết lập cơ sở Đông Dương, từ đầu thế kỷ đến Đệ nhất thế chiến 1914-18, trạng thái "văn minh tiến bộ" của Pháp ở ngay Saigòn cũng chưa có gì đặc sắc lắm, hãy còn sơ sài, tạm bợ, không hơn bao nhiêu đối với Bắc kỳ và Trung kỳ.
Mặc dầu người Pháp hết sức khoe khoang và quảng cáo cho Saigon "Hòn Ngọc Viễn Đông" của họ "Perle d Extreme-Orient ", nhưng xét kỷ lại thì Saigon cũng chỉ có đôi phần hào nhoáng lộng lẫy ngoài mặt mà thôi, với một dân số không quá 70.000 người
(43.000 Việt Nam, 20.000 ngoại kiều: Hoa, Ấn, Xiêm và 10.000 Pháp) trong năm 1910.
Thanh niên Việt Nam ở Saigon hầu hết còn mặc đồ bà ba đen và đi chưn không, xe máy chưa có nhiều. Gọi là xe máy, vì lần đầu tiên vào khoảng 1908-1909 dân chúng Saigon ngạc nhiên trông thấy một chiếc xe mảnh khảnh, không có ngựa kéo, không có người đẩy, chỉ có hai bánh bánh bằng cao su đặc mà người ngồi trên xe đạp chạy vo vo. Các nhà thi sĩ thời bấy giờ thấy vậy liền đặt tên cho nó là "con ngựa sắt", danh từ mà ngày nay thỉnh thoảng còn nhiều người dùng khôi hài.
Xe máy năm 1910 là loại xe sang trọng đắt tiền, của các hạng thanh niên giầu có, phong lưu. Một cậu công tử đạp chiếc xe máy đi ngang qua chợ Bến Thành, bao nhiêu người đứng ngó, thèm thuồng, ngơ ngác. Cậu ngừng xe nơi "bồn binh" (cũng gọi là bồn kèn), người ta xúm lại coi với cặp mắt tò mò, trầm trồ khen ngợi. Xe hơi (ô tô) thì là một sản phẩm bí mật của máy móc tân kỳ, tuyệt xảo. Năm 1910 cả thành phố Saigon mới có 5 chiếc xe hơi của các "quan Tây". Năm 1920, được 100 chiếc. "Quan Thống Soái Nam Kỳ" từ trong dinh bước ra sân, lên ngồi chiếc xe hiệu Peugeot, một người lính An Nam lật đật cầm "ma-ni-ven" đút vô đầu máy, khom lưng quây ba bốn vòng liên tiếp. Máy nổ ầm ầm xịt khói ra sau đít. Bác lính sốp phơ bóp cái kèn đồng kêu "toe! toe! " rồi chiếc xe có cặp mắt kiếng tròn vo phía trước, lù lù chạy tới. Người đi đường lo tránh ra hai bên nhưng bao nhiêu chó, heo, gà, vịt, đi lang thang trên đường Saigon, bị xe hơi cán chết! Hôm sau, vài tờ báo tây ở Saigon đăng tai nạn ấy trên trang nhất, hai cột.
Xe kéo bánh sắt và bánh cao su đặc mới bắt đầu xuất hiện trong lúc này, do một hãng doanh nghiệp của nước Pháp chế tạo ra.
Đại đa số dân chúng đi xe ngựa, cũng gọi là "xe thổ mộ" bánh sắt, người Pháp gọi là xe hộp quẹt (boite d allumettes) hoặc là tac-à-tac. Các hạng thượng lưu và trung lưu đi xe song mã hoặc xe kiếng, sang hơn xe thổ mộ.
Đồng hồ chưa được thông dụng, nhất là đồng hồ đeo tay. Mới có một số ít các ông, các thầy, và các người giàu sang có đồng hồ trái quít (montre) bỏ vào túi áo. Thanh niên chưa được hân hạnh dùng các món quý giá ấy.
Khoảng năm 1920-25, trong số 100 thanh niên, An-nam chỉ có độ một vài người có đồng hồ mà thôi. Nhưng thanh niên Saigon, và nói chung cả Nam kỳ đã cúp tóc sớm hơn thanh niên Trung, Bắc. Khoảng năm 1920, có thể nói rằng hầu hết thanh niên Nam kỳ đã cúp tóc rồi. Trong lúc ấy ở Trung kỳ còn đang lưu hành một câu ca dao bẩn thỉu chế nhạo và "chửi" những chàng trai trẻ bắt đầu hớt tóc:
Cái đầu trọc lóc bình vôi
Tao ngồi tao ỉa, mày ngồi mày ăn.
Cái "đầu trọc lóc bình vôi". vì lúc bấy giờ các học sinh trường Nhà Nước thường hớt tóc theo kiểu "carré", trọc hết hai phần ba cái đầu, chỉ còn để một mái tóc ngắn vuông vức, ở phía trước.
Cùng lứa và "cùng làm việc nhà nước" như chàng Ký Thanh ở Trung Kỳ, các thầy thanh niên làm việc ở các sở tại Saigòn, Lục tỉnh, thường mặc áo xuyến đen dài không quá đầu gối, quần lụa bông, mang giầy "ma mị" (loại giầy của khách trú Chợ Lớn, cũng như giầy Hạ Ở Trung - Bắc, nhưng đế lót lông đuôi ngựa), quấn khăn nhiễu đen, tay cầm dù đen.
Một số khá đông các công chức lương tháng 6 đồng hoặc 4 đồng, đã đua nhau diện âu phục: "áo bành tô" (Paletot - theo kiểu áo thuộc địa tây, bằng vải bố trắng, cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng, mang dép da . Các bậc "ông" như "commis", thì mang giầy tây, do từ bên Tây gởi sang với giá đắt, thường thường là loại giầy "bottine" da đen, cao cổ.
Hầu hết thanh niên học sinh đều mặc áo quần bà ba, đi chưn không, hoặc đi dép da.
Học sinh các trường lớn của nhà nước, Chasseloup Laubat, hoặc trường công giáo, như Adran, mặc âu phục do nhà trường sắm cho, mỗi cậu ba bộ.
Phụ nữ bình dân và trung lưu, các lớp nữ sinh, cũng mặc quen đồ bà ba. Chỉ có các bà nhà giàu sang mới mặc áo hàng dài, và đeo vòng xuyến, chuỗi vàng, đầy tay đầy cổ. Mãi đến khoảng 1930-35, đa số nữ sinh 19-20 tuổi ở Saigon và Lục tỉnh đi học, hoặc đi dạo chơi ngoài phố, đi xem hát, vẫn còn mặc áo bà ba che dù, mang guốc rất tự nhiên.
Sự giao thiệp của phụ nữ Nam kỳ với người Pháp được tự do hơn phụ nữ Trung kỳ và Bắc kỳ. Các gia đình gọi là thượng lưu ở Saigon và Lục tỉnh tự cho là hân hạnh được gả con gái cho tây, và đồng thời cũng có rất nhiều gia đình trong giới "thượng lưu trí thức" An Nam nhập tịch vào dân Pháp.
Trái lại, ở Trung và Bắc, con gái Việt Nam lấy chồng Tây bị coi như là một cái nhục, dù là ở các giới quan lại triệt để thân Pháp. Danh từ "me Tây" ở Bắc và Trung có ý nghĩa xấu xa, khinh bỉ, không thể áp dụng cho các bà vợ tây ở Saigon vì không đúng với hoàn cảnh thực tế, trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ.
Hơi khác với thanh niên nam nữ ở Nam Kỳ, thanh niên ở Bắc và Trung còn chịu rất nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo. Học sinh thiếu niên từ lớp Đồng Ấu, đã mặc áo dài đi học, con trai cũng như con gái, bất luận giàu hay nghèo. Đối với các thầy giáo, các cô giáo, học trò rất lễ phép, sợ thầy nếu thầy nghiêm khắc, quý mến và quyến luyến thầy nếu thầy hiền lành. Tại các làng, các phủ, huyện, các tỉnh, gặp những ngày kỵ, giỗ, thường thường cha mẹ học trò hay mời thầy giáo "ăn giỗ" để tỏ tình kính mến.
Đến ngày Tết, học trò các lớp lớn, mỗi lớp vui vẻ tự động hùn tiền với nhau mua các món lễ vật, trà, rượu, đường, đậu xanh, hột gà, nếp, bưng đến nhà riêng của thầy để "Tết" thầy và đọc chúc, từ tạ ơn thầy đã hết lòng dạy dỗ quanh năm. Thầy giáo cũng cảm ơn học trò, và tặng quà bánh, với sự ân cần niềm nở. Tình quyến luyến chân thật giữa thầy trò vô cùng cảm động.
Cho đến đỗi học trò ở các lớp Cao đẳng tiểu học (trung học) đến ngày tết Tây, cũng vui vẻ kéo đến từng đoàn đông đảo tại nhà riêng các giáo sư Pháp mà họ quý mến, để chúc mừng năm mới. Dĩ nhiên, đối với các giáo sư hung dữ, kiêu căng, và các giáo sư Pháp hay "chửi người An Nam", nói xấu nước Việt Nam, thì học trò tức giận và oán ghét, không bao giờ bước chân tới nhà. Hoặc đau nằm nhà thương họ cũng không bao giờ đi thăm.
Thanh niên Hà Nội, từ 1900 đến 1925, còn chịu ảnh hưởng Khổng giáo rất nhiều.
Trừ ra học sinh phải cắt tóc theo sự bắt buộc của nhà trường, còn số đông các giới khác, nông nghiệp, thủ công, thương mãi v.v... Vẫn chưa muốn cắt tóc, vì để tóc là tượng trưng cho lòng hiếu thảo với Cha Mẹ. Ngay trong đám trí thức thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Tố, phó giám đốc viện bác cổ Viễn Đông, một nhà Nho, học giả uyên thâm cả Hán học lẫn Tây học, vẫn giữ cái búi tóc, mãi cho đến năm 1939, bị các báo chế nhạo quá ông mới đành lòng cắt bỏ. Cắt bỏ, nhưng ông vẫn không hết thương tiếc nó.
Nhiều nhà trí thức tây học tuy đã cắt bỏ cái búi tóc, và sống theo nếp sống mới, nhưng vẫn nhất định không chịu mặc "đồ Tấy" và giữ mãi quốc phục suốt đời họ, như các ông Nguyễn văn Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn đổ Mục, Nguyễn triệu Luật, Nguyễn văn Ngọc, Nguyễn khắc Hiếu, v.v... Và một số đông các thầy giáo ở Trung và Bắc việt mãi cho đến năm 1945.
Trong các lớp thanh niên học sinh ở Trung kỳ và Bắc kỳ, đại đa số còn mặc áo dài, quần vải quyến, đội mũ, mang guốc cho đến năm 1925, sau khi cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh ở Hải ngoại về nước. Nhất là sau các phong trào bãi khóa rầm rộ khắp các trường trung học trong khoảng 1925-1927 do trào lưu cách mạng bồng bột nổi dậy trong các lớp thanh niên học sinh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,Vinh, Quy Nhơn, Huế.
CHƯƠNG 10
Huế, nơi đế đô phong kiến nhất và thủ cựu nhất Việt Nam, lại chính là trung tâm điểm của các phong trào cách mạng sôi nổi nhất của thanh niên.
Trần anh Tuấn, cậu học trò con nít từ tỉnh ra học trường Quốc Học Huế, niên khóa
1915-1916, mấy tháng đầu còn ngơ ngác giữa cảnh hoa lệ hùng vĩ của đế đô, không dè rơi nhằm vào một địa điểm bí mật nhất của lịch sử. Vị chúa thượng, ngự trị trên đất này, chính là một chàng thanh niên mảnh khảnh chỉ hơn Tuấn 4 tuổi, là DUY TÂN hoàng đế.
Ông chủ chiếc ghe bầu đưa Tuấn từ Thu Xà ra Hội An, có lòng thương mến Tuấn và viết thư gửi gấm Tuấn cho thầy thông Vinh, một người cháu gọi ông bằng cậu, làm việc ở ga xe lửa Huế.
Sự thực, với ông chủ ghe có đứa con gái 10 tuổi, vẫn đi theo ghe với. Trông thấy Tuấn là cậu học trò tuy con nhà nghèo mặt mũi khôi ngô, tính nết hiền lành, mới 12 tuổi mà học giỏi, chỉ học mấy năm nữa là đỗ đạt thành tài. Ông mong sẽ gã con gái ông cho Tuấn sau này. Ông cho Tuấn tiền và quần áo và viết một bức thư bằng chữ Nho dặn Tuấn ra đến ga xe lửa thì tìm thầy thông Vinh ở tại ga trao thư cho thầy.
Vì lời giới thiệu ấy mà thầy Thông Vinh ân cần đón tiếp Tuấn và đưa Tuấn về ở trọ nhà thầy, tại Bến Ngự, gần Ga. Tuấn có học bổng của ông Công Sứ tỉnh nhà đáng lẽ được ở nội trú, nhưng thầy Thông Vinh xin với ông Đốc học cho Tuấn ở nhà thầy để được gần gũi săn sóc cậu học trò còn niên thiếu, lại xa nhà, xa cha mẹ.
Tuấn ở nhà thầy Vinh ngày hai buổi đi bộ đến trường Quốc học, cách đấy không xa. Những ngày chủ nhật, nghỉ học, Tuấn được thầy Vinh cho nghe nhiều chuyện rất hay ở Huế, nhất là những chuyện thông minh phi thường của Vua Duy Tân 16 tuổi. Thầy Vinh, cũng như hầu hết những người ở Huế, đều kính phục Vua Duy Tân như một bậc thần đồng, lại đăng ngôi Thiên tử. Mỗi lần nói chuyện là thầy thích nói chuyện vua Duy Tân, những mẩu chuyện lặt vặt trong thâm cung của Hoàng Đế, không biết do ai lén lút truyền khẩu ra ngoài, àm hầu hết người ngoài đều biết rõ, nhất là trong đám học sinh. Tất cả thanh niên ở Huế, hồi đó, đều khâm phục vị Hoàng đế trẻ tuổi, vị Hoàng đế của thanh niên.
Nghe riết chuyện vua Duy Tân, rồi cậu học sinh Trần anh Tuấn đâm ra mê vua Duy Tân, ngày đêm cứ ao ước làm sao trông thấy long nhan của Ngài...
Một đêm vào khoảng 7 giờ, cung điện vua Duy Tân và tất cả Thành Nội Huế đang thắp đèn điện sáng choang, bổng nhiên bị chìm trong bóng tối đen mò. Các ông Hoàng bà Chúa trong Cung, Thượng thơ các Bộ, binh lính khố vàng, khố xanh đều hoảng hốt, lật đật thi hành những biện pháp đề phòng chuyện bất trắc. Ngoài thành phố dân chúng xôn xao lo ngại, nhưng chỉ một lúc thôi, rồi khoảng 8 giờ, đèn điện trong Nội lại bật lên sáng trưng như mọi đêm. Ai nấy đều vui mừng, yên ổn. Hai hôm sau, dư luận trong thành phố đồn đải về vụ đèn điện tắt như sau đây.
Trong Thành Nội có một nhà máy điện nhỏ và riêng biệt để lấy điện thắp riêng trong cung cấm và hoàng thành. Nhà máy điện do kỹ sư Pháp trông nom, tên là Paul Eberhart, ông này cũng là thầy dạy Pháp văn và cách trí cho Vua Duy Tân. Vua Duy Tân lúc bấy giờ chỉ có 16 tuổi, mà tỏ ra một chàng thanh niên rất ham học, và một trí óc thông minh phi thường, lại ưa chơi nghịch.
7 Giờ tối hôm ấy, ông Eberhart đã về nhà. Vua Duy Tân ngự xuống nhà máy đèn xem chơi, rồi thừa lúc không ai để ý, Ngài lén lấy kềm tháo một chiếc bù-lon nho nhỏ trong guồng máy, và bỏ nó vào một thùng nước kê gần đấy. Ngài làm công việc "phá hoại" ấy rất nhẹ nhàng và mau lẹ, vài ba người lính gác và thợ thuyền không ai trông thấy. Bỗng dưng máy điện ngưng chạy và đèn điện tắt hết. Vua Duy Tân cười tủm tỉm thong thả trở về Cung. Ngài truyền gọi ông Eberhart đến gấp, để thử tài ông này một phen. Viên kỹ sư Pháp, cử nhân khoa học, vừa là thẩy học của Ngài, cuống quít, lo sợ, không hiều vì sao máy điện trong hoàng thành đang chạy ngon trớn bỗng dưng lại hư.
Vua Duy Tân bảo: "ông phải sửa máy gấp rút lên nhé! Đừng để cung điện của Trẩm không có ánh sáng như thế này!" Ông Eberhart chạy xuống nhà máy điện, cầm đèn bạch lạp đi rọi xem hết các máy móc. Ông rất thắc mắc không hiểu nguyên do vì sao máy không chạy. Ông lui cui gần một tiếng đồng hồ, xem xét từng bộ phận không tìm ra máy hư chỗ nào. Bổng nghe tiếng Vua Duy Tân đến. Bốn tên lính cận vệ cầm bốn đèn lồng theo hầu Ngài. Vị Hoàng đế thiếu niên hỏi : "Ông Eberhart, ông không làm sao cho máy chạy được ư?... " Giáo sư lính quýnh đáp: "Tâu Bệ Ha... tôi chưa tìm ra... chỗ máy hỏng." Vua Duy Tân mỉm cười: "Ông cho phép Trẩm tìm giúp với ông nhé?" Giáo sư Eberhart kính cẩn kêu lên: "Ơ, tâu bệ hạ, ngài sẽ bị dầu mỡ dính nhớp tay Ngài..." "Không hề chi", vua Duy Tân đáp. Thế rồi, trước cặp mắt kinh ngạc của ông giáo sư cử nhân khoa học, cậu học trò hoàng đế 16 tuổi thò tay vào thùng nước, lấy ra một cái bù-lon, đem gắn vào buồng máy, lấy kềm vặn chặt lại. Ngài tủm tỉm cười: "Trẩm tưởng bây giờ máy có thể chạy được rồi". Quả nhiên máy chạy... Và đèn điện sáng rực trở lại.
Giai thoại trên kia, có chổ đáng ngờ, thực hư thế nào chúng ta không thể nào minh xác được.Nhưng chắc chắn là đúng một phần nào, vì hai hôm, sau đêm đèn điện vụt tắt trong dân chúng, khắp kinh đô Huế ai mà không biết, và không ai là không tin.
Trần anh Tuấn ở trường Quốc học đã được các bạn cùng lớp kể chuyện ấy trong giờ chơi ngoài sân trường, về nhà lại được thầy thông Vinh cũng thuật lại đầu đuôi đúng y như thế, và còn... hay hơn thế nữa. Thầy kết luận: Vua Duy-Tân thông minh lạ thường. Vua Duy-Tân học một biết mười, Ngài thông hiểu cả máy điện, Ngài hiểu còn hơn Tây nữa! Vua Duy Tân có kém gì Tây đâu!
Trần anh Tuấn lại lấy ra một quyển vở đưa thầy thông Vinh xem. Lần này, chính Tuấn hãnh diện, là đã chép được một bài thơ bằng chữ Pháp, mà một thầy trợ giáo ở lớp Nhất có cho học trò học, bảo tác giả chính là Vua Duy Tân.
Bài thơ nhan đề:
"Nocturne, sur la Rivière des Parfums". Có thể dịch là "Hương Giang dạ khúc".
Bài thơ có 20 câu, chép vừa một trang vở, tuyệt hay, tuyệt đẹp, đọc lên nghe rất du dương, rất buồn, thích hợp với tâm hồn một thanh niên mơ mộng ở xứ Huế.
Thầy Vinh và cậu Trần anh Tuấn cùng nhau ngâm nga nhịp nhàng say sưa:
La barque obéit, endormie
Aux coups réguliers du rameur,
Mon âme tressaille, meurtrie
Au coup de la vie dans mon coeur,
Et mon âme vogue, alanguie
Au rythme alenti de mon coeur,
Et la barque vogue, alentie
Au rythme alangui du rameur
(Etc...)
Dịch:
Thuyền to thiu thiu ngủ, lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái
Tâm hồn ta rên rỉ, buồn tênh,
Theo cơn sóng trần duyên tê tái
Hồn ta bơi lướt qua, buồn tênh
Trên lớp sóng trần, duyên tê tái
Thuyền ta bơi lướt qua, lênh đênh
Theo nhịp mái chèo bơi êm ái.
... v.v...
Bài thơ diễm tuyệt đó, có phải thật của vua Duy Tân làm ra không? 16 tuổi, tâm hồn của nhà vua đã tế nhị đến thế ư? 16 tuổi nhà vua đã giỏi Pháp văn đến thế ư?
Tác giả bài thơ chỉ ký có ba mẫu tự F.G.H. Nhưng hầu hết các thầy trợ giáo ở trường Quốc Học Huế, và các thầy làm việc các sở nhà nước đều đồng thanh nói F.G.H chính là vua Duy Tân. Ai nghi ngờ là không phải của vua Duy Tân thì các thầy tức lắm, nhất định cãi lại cho kỳ được. Bởi vì vua Duy Tân không phải là một thanh niên tầm thường như các thanh niên khác. Ngài là một vì Thiên Tử, Ngài là một vị Thần Thánh. Ngài là khí thiêng nung đúc cả giòng dõi Tiên Rồng.
Trần anh Tuấn, cậu thiếu niên 12 tuổi, năm 1915, được may mắn học tiếng Pháp từ thuở bé, đã bắt đầu ưa chuộng văn chương Pháp, thích lịch sử Pháp, phục khoa học Pháp nhưng sống giữa cố đô Huế trong không khí sùng bái vua Duy Tân, một vị Hoàng Đế thanh niên chỉ lớn hơn cậu 4 tuổi, làm cậu nhiệt liệt hoan hô vua Duy Tân, mê vua Duy Tân, chỉ thích nghe chuyện và nói chuyện về vua Duy Tân... cũng như hầu hết thanh niên lúc bấy giờ, nhất là ở Trung Kỳ... Cho đến tháng năm 1916, sắp sửa được nghỉ hè thì ngay kinh đô Huế xẩy ra vụ vua Duy Tân bỏ cung điện một đêm tối trời, thoát ly ra ngoại thành để chỉ huy cuộc khởi nghĩa đánh Tây. Trần anh Tuấn, cũng như toàn thể thanh niên học sinh trường Quốc học nghe tin ấy như một tiếng sét đánh bên tai.
Mấy ngày đầu, người Pháp ở tại Huế muốn dấu kín vụ này không cho dân chúng trong thành phố và học sinh biết. Tuy số lính khố xanh và lính sơn đá (lính sơn đá là soldat, lính Tây, phân biệt với lính Tập khố xanh - của An Nam) được tăng cường canh gác nhiều nơi, nhưng cuộc sống hàng ngày của đế đô Huế vẫn không thay đổi, như không có gì xảy ra. Học trò vẫn đi học, và đến trường các vị giáo sư Pháp cũng như các thầy trợ giáo An Nam, vẫn dạy học như thường lệ, không ai nói gì chạm tới "quốc sự".
Nhưng ngoài các giờ học, sau khi mãn lớp học, học trò về nhà lại được người nhà hoặc bà con hàng xóm, thầm thì về việc vua Duy Tân khởi nghĩa đã bị tây bắt, giam ở đồn Mang Cá.
Thầy thông Vinh, trong lúc ngồi ăn cơm với Trần anh Tuấn trên bộ ván ngựa tong nhà, lặng lẽ trở đầu đũa viết trên chiếu "Cậu có nghe gì lạ không?" Tuấn cũng trở đầu đũa viết đáp: "Dạ có". Chỉ có thế thôi, rồi cả hai người ngó ra ngoài đường im lặng. Tự hôm đó, không những trong nhà thầy Vinh mà cả thành phố Huế không còn ai dám nói đến những giai thoại về vua Duy Tân nữa. Cho đến bài thơ chữ Pháp Nocturne (Hương Giang Dạ Khúc) mà ai cũng nói là của vua Duy Tân, bài thơ hoàn toàn mơ mộng, cũng không còn ai dám ngâm nga nữa.
Một hôm, gần ngày bãi trường nghỉ hè, chương trình niên khoá đã dạy hết rồi, một giáo sư Pháp lớp đệ Nhất niên của Tuấn lần đầu tiên đem vụ vua Duy Tân ra nói cho học trò nghe. Ông mạt sát vị hoàng đế cách mạng, và chửi rủa Ngài: "Thằng con nít ấy nó tự cho mình là một Đại Hoàng Đế! Nó dám chống lại nước Pháp, thì đấy, bây giờ nó đi ở tù!" Trần anh Tuấn hầm hầm nét mặt, ngồi nghe, tức giận lắm. Đến giờ ra chơi, giáo sư và học sinh ra sân. Tuấn lén ở lại trong lớp, lấy phấn viết trên bảng đen hai câu thơ của Corneille trong kịch La Cid mà cả lớp đã học:
Je suis jeune, il est vrai, mais aux âmes bien nées,
La valeur n attend pas le nombre des années.
Dịch:
Tuổi ta trẻ nhưng hồn ta khảng khái
Giá trị người không đợi phải nhiều năm!
Ở dưới ký: Empereur Duy Tân (Hoàng Đế Duy Tân)
Hết giờ ra chơi, học trò vào lớp đông đủ. Viên giáo sư ban nãy cũng trở vào bàn của ông. Nhưng ông đỏ mặt, giận dữ, đọc hai câu thơ trên bảng đen, rồi hỏi:
- Ai viết đây?
Trần anh Tuấn ngồi bàn dưới, can đảm giơ ngón tay lên. Giáo sư hằn học nhìn Tuấn:
- Mầy ngu như con lừa, mầy học trong sách nào đó rằng hai câu thơ kia của vua Duy Tân?
Tuấn làm thinh. Viên giáo sư mắng tiếp:
- Tu es un mauvais esprit... Tu es partisan de Duy Tân? Attention à toi!
(Mầy là một đầu óc xấu xa... Mầy theo phe đảng của Duy Tân hả? Mầy liệu hồn nhé!)
Cả lớp im lặng. Giáo sư Dubois đút tay trong túi quần đi qua đi lại trên kệ gỗ trước bảng đen. Ông đứng lại đột ngột, trừng mắt ngó Tuấn :
- Tao đi "xi-nha-lê" với ông Đốc học.
Ông chạy vụt ra cửa.
Trong giờ Sử ký Pháp, và là giờ chót của niên khoá 1915-16, chương trình học đã hết rồi, còn hai hôm nữa là nghỉ hè, học trò lớp đệ Nhất niên đang ngồi nghe một giáo sư Pháp kể chuyện Pháp- Đức chiến tranh... Ông công kích nước Đức thậm tệ, chửi nước Đức là một nước thù địch của cả Âu châu và thế giới, dân Đức là một giống người dã man, tàn bạo, cho nên các nước văn minh không gọi là Allemands, mà gọi là Boches, một danh từ khinh miệt, nguyền rủa... Rồi ông chê quân lính Boches đánh giặc thua Pháp, bị quân đội Pháp giết chết vô số. Ông khoe dân tộc Pháp anh hùng, ái quốc, nhưng vẫn bác ái, nhân đạo v.v...
Bổng có tiếng giày tây đi đọp đọp gần đến lớp Đệ Nhất niên... Giáo sư và cả học trò đã quen tiếng giầy của ông Đốc học Pháp. Đúng là của ông. Nét mặt hầm hầm, ông bước vào lớp. Giáo sư và toàn thể học trò đều đứng dậy. Ông bảo ngồi xuống. Bổng ông lớn tiếng hỏi :
- Đứa nào là Tra-an-Tu-an?
Trần anh Tuấn tái mặt, đứng dậy. Ông đưa một ngón tay ngoắc Tuấn lên:
- Viens! (lên đây)
Cả lớp im phăng phắc, ai nấy đều sợ run, cúi mặt xuống bàn, không dám ngó nét mặt sắc đá của ông Directeur (Đốc học). Tuấn rụt rè dưới bàn bước lên đứng trước mặt ông. Ông trợn trắng đôi mắt dữ tợn nhìn Tuấn:
- Mày là phe đảng của Duy Tân phải không? Hả?
Tuấn bối rối không kịp trả lời thì bị Ông đưa bàn tay đầy lông đen xì đánh vào má Tuấn một cái tát nẩy lửa. Tuấn xiểng liểng muốn ngã.
Ông directeur chỉ vào mặt Tuấn:
- Mầy coi chừng! Nếu mầy nghe lời dụ dỗ của tụi côn đồ, tao sẽ cho mầy đi ở nhà pha
(ở tù), mầy nghe không? Tao sẽ viết thư cho ông Công Sứ tỉnh mầy để báo cho ông ấy biết rằng mầy là một cái đầu óc xấu xa (un mauvais esprit - có tư tưởng chống Pháp).
Ông đuổi Trần anh Tuấn xuống chỗ ngồi. Xong ông diễn thuyết một hồi cho cả lớp nghe:
- Tụi mầy biết Duy Tân là ai không? Nó là một thằng con nít ranh, một nhãi con kém giáo dục. Nó nhờ nước Pháp đặt nó lên chiếc ngai vàng của ông bà nó, thế mà nó không biết ơn nước Pháp, nó toan làm giặc đánh lại nước Pháp...
Ông nói nhiều lắm, nhiều lắm. Ông chửi hoàng đế Duy-Tân rồi kể công ơn nước Pháp, ông khoe nước Pháp là nhân đạo, là bác ái, là bình đẵng là một trong những nước văn minh bậc nhất trên hoàn cầu v.v...
Học trò ngồi im lặng, cúi đầu nghe. Vừa có trống trường đánh một hồi "Thùng thùng thùng thùng...", mãn buổi học sáng,11 giờ. Ông còn dừng lại, nói ráng thêm mấy câu hùng hổ, rồi bước ra đi. Cả lớp đứng dậy chào ông.
Ông giáo sư chỉ mặt Trần anh Tuấn:
- Mầy đã hiểu bài học ấy chưa?
Tuấn làm thinh. Ra về, có năm bảy trò cùng lớp đi theo bên cạnh Tuấn, nói nhỏ bên tai như an ủi Tuấn một phần nào:
- Mầy đừng sợ. Ông directeur dọa mày đó, chứ ông không gửi thư cho ông Công sứ tỉnh mày đâu. Ông không bỏ tù mày đâu.
Nhưng đa số học sinh khác trong lớp Đệ Nhất Niên, bạn thân hay không thân của Tuấn, đều lánh xa, sợ đến nỗi không dám đi gần Tuấn, sợ ông directeur để ý, sợ nói chuyện với Tuấn sẽ bị liên can, sợ sẽ đi ở tù, sợ, sợ ... không biết sợ cái gì nữa.
Xét ra tinh thần thanh niên Việt Nam - lấy thanh niên học sinh và trí thức làm điển hình, vì thời bấy giờ, chỉ có lớp thanh niên học sinh và trí thức là đáng chú ý hơn cả, - thì có thể chia làm ba hạng, ở Trung Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Một hạng, thiểu số như Trần anh Tuấn, cũng học chữ Pháp, hấp thụ say mê văn hoá Pháp, khâm phục văn minh khoa học rất kỳ tài của Pháp, nhưng lòng ham mến và kính phục ấy không bao giờ đè át được tinh thần bất khuất truyền thống của giống nòi. Tuấn, con trai một anh dân nghèo, làm thợ mộc, được theo đòi văn hoá Pháp, nói tiếng Tây đã thông thạo, viết chữ Tây đã trôi chảy, đọc sách Tây đã nghiền ngấm say sưa, thế mà chỉ một hình ảnh của vua Duy Tân đã in sâu vào đầu óc, chí khí quật cường của vị hoàng đế còn nhỏ tuổi, đủ gợi dậy truyền thống Dân Tộc trong dòng máu, trong tư tưởng, thế cũng đủ thấy rằng tinh thần dân tộc là yếu tố bất diệt của Lịch sử, bất cứ ở thời đại nào.
Nhưng trong thời kỳ người Pháp mới đô hộ xứ ta, nói rõ hơn là từ năm 1900 đến 1924-1925, hạng thanh niên ái quốc có tinh thần dân tộc, học sinh như Trần anh Tuấn, công chức như thầy thông Vinh ở sở Hoả Xa, hãy còn ít lắm, ít lắm...
Trái lại, đông nhất là hạng thanh niên ham danh vọng, ham chức tước, thích phẫm hàm, theo Tây, lạy Tây, bợ đỡ Tây, "liếm gót giầy cho Tây", suy tôn Tây là bậc "thầy Đại Pháp", là bậc "Quý Quan", "Quý Mẫu Quốc" - Nước Mẹ - Hoặc là hạng thanh niên nhút nhát, sợ chuyện "Quốc Sự", sợ bỏ tù, chỉ lo sống yên thân, ngày hai buổi đi học hay "làm việc nhà nước", sáng xách ô đi, tối xách về. Hai hạng thanh niên trên chiếm đại đa số trong nhân dân.
Cho nên, vụ vua Duy Tân hồi tháng 5 năm 1916, ngay thời bấy giờ không có một tiếng vang sâu rộng. Cũng như các vụ Phan đình Phùng, Hàm Nghi v.v... ngay sau thời gian đã trôi qua. Lịch sử đã lắng xuống, các nhà viết sử mới bắt đầu tham khảo biên chép, chúng ta mới đọc lại được những đoạn sử oanh liệt trước đây năm sáu chục năm. Chớ ngay hồi đó, lúc xảy ra các vụ quan trọng của Lịch Sử nào ai dám viết công khai? Dám in thành sách? Dám nói? Dám bàn tán, phê bình? Tất cả đều ngậm câm, kín mồm kín miệng, nào ai dám hở môi? Từ trên xuống dưới, từ Triều Đình đến Hương Thôn, đều im lặng. Không khác gì dưới thời Neron của La Mã, một nhà thơ chỉ thở ra ba tiếng: "Roma Vasta Silentio!" (La Mã mênh mông im lặng). Họ sợ gì dữ vậy?. Thì đây, vua Duy Tân bị tây bắt, bị giam trong đồn Mang Cá, rồi bị đưa xuống tàu thủy của Pháp đi Ô Cấp (Vũng Tàu) để gặp vua Thành Thái đang bị giam lỏng tạm tại đây, rồi vua Duy Tân bị đảy ra đảo La Réunion, thuộc địa Pháp ở gần Madagascar, Phi Châu.
Nguyễn Vỹ 
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...