Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Cách làm chữ của nhà thơ Lê Đạt

Cách làm chữ của nhà thơ Lê Đạt
Lê Đạt thuộc khuynh hướng cách tân hình thức ngôn ngữ thơ, còn gọi là thơ dòng chữ, trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đạ. Với gã “phu chữ”, ngôn ngữ/ chữ là hiện thực trực tiếp và thứ nhất của tư duy thơ. Chữ vừa là phương tiện vừa là mục đích của hoạt động sáng tạo. “Kỳ trận chữ” của Lê Đạt khơi gợi tư duy và mỹ cảm, làm hiện hình thế giới tinh thần sâu thẳm, phong phú của thi nhân và cõi sống.
Lê Đạt cùng với Trần Dần, Dương Tường, Hoàng Hưng… tuyên bố làm thơ là làm chữ, đồng nhất thơ vào chữ (Trần Dần), tự nhận mình là “phu chữ” (Lê Đạt). Với quan niệm này các thi sĩ đã đi đến tận cùng chiều năng nghĩa của chữ hay như Dương Tường nói là phát huy tối đa cái “năng biểu” của chữ. Âm, hình, tự dạng, màu sắc, cách thức bày bố, thể hiện chữ được triệt để khai thác, vượt qua những lớp nghĩa tự vị, nghĩa tiêu dùng để phát sinh năng lượng thi tính mới. Các nhà thơ dòng chữ đã rút bỏ khả năng biểu vật, biểu thái, biểu niệm của thực từ, hư hóa thực từ bằng cách đẩy chúng vào các cấu trúc mới, phát sinh nghĩa trong cú pháp hơn là nghĩa từ vựng, buộc chúng phải sống đời sống của hư từ. Cùng với đó, việc phá bỏ cấu trúc của từ ghép, từ láy, đảo trật tự, nhể bỏ hình vị ra khỏi từ hoặc sử dụng hình vị gốc sau khi đã cắt đuôi từ tố ăn theo, tách và ghép các âm tố, làm sai (theo cấu trúc ngữ pháp thông thường), nhịu, vấp trong ngữ âm tiếng Việt… tạo cơ hội vẫy gọi liên tưởng hay giải phóng các năng biểu về âm, nghĩa, hình của từ, hình vị, âm vị… Thậm chí, một số thực hành của Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Dương Tường, ngôn ngữ thơ lại chính là sự ký âm, ký họ [1] các phương diện của chữ. Cấu trúc của thơ dòng chữ là cấu trúc của những tiền giả định (Lê Đạt gọi là vân chữ, bóng chữ), xuất hiện do chính khả năng vẫy gọi, tụ nghĩa, liên tưởng của từ, chữ, âm, hình... trong quá trình vỡ ra và tái thiết một trật tự, một khả năng biểu nghĩa mới: Nắng tạnh heo mày hoa lạnh/ Mimôza chiều khép cánh mi môi xa (Mimôza).
Người đọc Việt Nam vẫn nhắc đến tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt như một thực hành “chống sáng lòe” [2] trong thi ca đương đại. Với tập thơ này, gã “phu chữ” lần tìm ra “vân chữ”, “bóng chữ”, đẩy chữ vượt qua những giới hạn có tính quy thức của ngữ pháp, ngữ nghĩa thông thường (vốn đã mòn sáo), tạo sinh những nét nghĩa mới. Điểm ưu trội trong tư duy chữ của Lê Đạt chính là ông phát huy tối đa tương giao của chữ, xem chữ như là hiện thực thứ nhất để từ đó khơi dẫn những khả năng kiến tạo thế giới nghệ thuật. Những tương giao trong thi giới Lê Đạt khởi sinh từ những tương giao của chữ. Chủ thể nắm bắt lấy cái phần vang lên của chữ/ âm, dò thông tin từ những tín hiệu đó. Đúng hơn, Lê Đạt thể nghiệm âm của chữ, những tương giao ở bề sau của nghĩa tự vị, nghĩa tự điển, chộp bắt lấy “bóng chữ”, tổ hợp các tín hiệu đó lại bên nhau gây “chập nổ” (Mai Văn Phấn) đồng thời làm phát sáng những kết hợp con âm, con chữ. Đây có thể là cách làm xuôi, cách làm ngược cũng được hình dung từ những mô tả của Đỗ Lai Thúy khi ông cho rằng Lê Đạt đã nhể bỏ các từ hoặc cấy, ghép, cắt dán, nhằm tạo nên những cấu trúc ngôn ngữ mới, thoáng đọc có thể gây cảm giác nhịu, sai... [3]. Đặc sản của tư duy thơ Lê Đạt [4] theo chúng tôi chính là sự tương giao của chữ. Chữ/ âm trở thành đối tượng, phương tiện, mục đích của quá trình tượng trưng hóa. Mục đích đó giống như là một gợi dẫn, một hướng đạo hơn là một trình hiện, giúp người đọc tự truy tìm thế giới được quan niệm của mình trong tín hiệu của thi sĩ. Sự tương giao đó có nguồn gốc từ những tri thức ngôn ngữ học tri nhận, từ phân tâm học văn bản, những trước hết, đó là sự đào sâu vào bản thể của chữ, đập chữ ra để tìm thấy những lớp vân vi, soi chiếu chữ ở những góc độ, chiều kích khác nhau để nhận ra “bóng chữ”. Tương giao như một phương thức tượng trưng đã hình thành chính trong quá trình phá vỡ cấu trúc chữ, tổ hợp, tái cấu trúc ngôn từ thành các văn bản, các tồn tại cảm quan có hiệu năng mới trong việc vẫy gọi và khơi dẫn:
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
(Thu nhà em).
Lê Đạt sở đắc nhiều kinh nghiệm ngôn ngữ do quá trình khổ công luyện chữ, tìm chữ một cách có ý thức. Điều đó đem đến cho ông sự chủ động trong việc huy động các phương diện biểu đạt của chữ. Nói như thế là chưa đi hết ý thức về ngôn ngữ thi ca của tác giả Bóng chữ. Phải hiểu rằng, với gã “phu chữ” này, chữ cũng là thơ, thơ chính là chữ, và chức năng thi ca nằm ở chính cái tồn tại cảm quan là chữ. Sự tương giao gợi lên trong chữ là sự tương giao của một thế giới được tìm thấy sau quá trình đào kiếm một cách cực nhọc trên cánh đồng chữ. Chữ sinh ra thế giới, sinh ra thi sĩ, hay như Joseph Brodsky đã nói: “Nhà thơ là phương tiện để ngôn ngữ kéo dài sự tồn tại của mình” [5]. Một khi, ngôn ngữ đã bị sờn mòn, chai bạc, nó còn rất ít khả năng để tác động đến tư duy và mỹ cảm của con người nếu không muốn nói đó chỉ còn là xác chữ. Lê Đạt, tựa như một nông phu, cần mẫn lật lên các sá cày, đập chữ tìm vân (Vân chữ), bẻ chữ tìm ngó (Ngó lời), rời bỏ cái xác để tìm đến Bóng chữ. Ở những chiều kích ấy, chữ sống lại như một bản phối khí mới, đánh thức linh thị con người từ lâu đã ngủ quên trong các thói quen: Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngõ mộng/ Bước thị thơm chân chữ động em về (Tấm chữ). Không chỉ nhể bỏ chữ trong cấu trúc quen thuộc, Lê Đạt còn đẩy tiền giả định lên bề mặt cảm quan, hiện hình thành lời như một mách bảo về cái ẩn sâu phía sau mà con người hờ hững đôi khi không để ý tới. Như ví dụ trên, mỗi chữ của Lê Đạt đều có khả năng vẫy gọi những tiền giả định trong ký ức con người. Hiệu quả của nó chính là việc sự đọc bị chặn lại khi đang trơn tru theo thói quen, buộc phải dừng để suy ngẫm, để liên hội các ý niệm gợi lên từ chữ, xác lập lại những tri thức, cảm xúc, nhịp điệu có liên quan. Phép tương giao ở đây diễn ra trong ý niệm, trong tâm tưởng, bởi vậy rất kín đáo, không phô phang như những miêu tả thông thường. Cái sâu xa, bí mật của tâm thức, mỹ cảm qua lao động nhà thơ đã được vực dậy, vươn lên trên những sáo mòn, tự mãn của thi ca đương đại.
Với việc phát huy trí tưởng cũng như cảm giác, linh giác về các phương diện âm, nghĩa, tiền giả định của chữ, thơ Lê Đạt góp phần mang đến cảm thức mới về ngôn ngữ, tạo sinh chất thơ. Tuy nhiên, “phu chữ” đồng nghĩa với việc kiểm soát chặt chẽ các hình thái hiện diện của cấu trúc, văn bản, cài ghép một cách có ý đồ các mã, phương diện của ý tình trong việc làm chữ khiến cho việc đọc thơ như là quá trình giải đố, tái tạo các cấu trúc của kinh nghiệm ngôn ngữ, thẩm mỹ.
Chú thích:
[1] Chúng tôi muốn nói đến tập Đàn (Thơ ngoài lời) của Dương Tường, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2003.
[2] Lê Đạt, Đối thoại với thơ & đời, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr. 188. “Sáng lòe” (sáng lòe bịp - NTT chú)
[3] Đỗ Lai Thúy, Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.
[4] Xem thêm: Trần Thiện Khanh, Lê Đạt tư duy về thơ.
[5] Joseph Brodsky, Thơ là một lực thúc đẩy phi thường với nhận thức, tư duy, cảm nhận thế giới, Đoàn Tử Huyến dịch, Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 1, 2008, tr. 95.
NGUYỄN THANH TÂM
Nguồn: nhavantphcm
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...