Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Phú Yên ngày trở lại

Phú Yên ngày trở lại
Nằm cách Hà Nội 1.160 km về phía Nam, Phú Yên là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ có thiên nhiên đa dạng và xinh đẹp với núi, sông, cao nguyên, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... với những địa linh như: Thạch Bi Sơn, ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, tháp Nhạn, núi Chóp Chài…
Phú Yên còn là tỉnh kết nghĩa với Hải Dương từ những năm chống Mỹ.
Trong đợt đi thực tế vùng Tây Nam Bộ cuối tháng 11 năm 2017, đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương chúng tôi có dịp trở lại Phú Yên và đã có những xúc cảm, trải nghiệm khó quên.
1. Cứ ngỡ rằng sẽ khó có dịp trở lại, thế mà giờ đây chúng tôi đã đứng trên mảnh đất Phú Yên. Còn nhớ, cách đây đúng ba năm, khi chiếc xe của đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương chớm lăn bánh vào đường quốc lộ 1A, nhiều người trong chúng tôi đã ngoái nhìn mảnh đất Phú Yên như cái nhìn giã biệt, cách nhau hơn 1200 km có dễ gì trở lại?
Rong ruổi qua 15 tỉnh Nam và Nam Trung Bộ với chiều dài ngót 2000km, đến đâu cũng được các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương đón tiếp thịnh tình nhưng về Phú Yên chúng tôi mới thực sự là “về nhà”
Khi xe đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, tôi cứ thỉnh thoảng lại hỏi chú lái xe: “Sắp đến Đèo Cả chưa?”. Bởi vì đến Đèo Cả là sang địa phận Phú Yên. Đèo Cả trong bài thơ cùng tên của Hữu Loan viết năm 1946 thật bi tráng:
“Núi cao ngất
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về hun hút
Đá Bia mù sương”
“Giặc từ Vũng Rô
bắn tới
giặc từ trong
tràn ra
Nhưng Đèo Cả
vẫn đứng vững”
Đèo Cả đã chiếm một vị trí lớn trong trái tim người Phú Yên. Mỗi lần đi xa, người Phú Yên (và cả người Hải Dương chúng tôi nữa) về đến Đèo Cả là đã “về đến nhà rồi”
Trở lại Phú Yên lần này như gặp lại người cũ, tôi không khỏi bâng khuâng. Phú Yên vẫn đẹp, vắng vẻ, êm đềm, thanh bình như thế. Nơi đây đất rộng, người thưa. Vẫn những con phố rộng thênh thang vắng người qua lại. Vẫn những cơn gió lồng lộng thổi từ biển vào. Dạo bước trên hè phố, lại tự hỏi: “Phú Yên còn nhớ tôi chăng?” và trong lòng cứ ngân nga câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương.
“Mặt đường đầy gió thổi
Hạt bụi nào quen tôi?”
Chỉ có 48 tiếng đồng hồ ngắn ngủi trên đất Phú Yên, chúng tôi đã cố: “Đi, nhìn, nghe, hỏi” (và cả ghi chép, chụp ảnh). Bởi chúng tôi hiểu: khó có dịp trở lại mảnh đất này nữa.
2. Yêu lắm Phú Yên từ cảnh đến người.
2.1. Đất nước Việt Nam ta thật tươi đẹp và Phú Yên là một trong những vùng đất tươi đẹp nhất trên dải đất hình chữ S mà chúng tôi biết và đặt chân đến.
Là một tỉnh cách xa hai đầu đất nước, nằm giữa dãy Đèo Cù Mông ở phía Bắc, dãy Đèo Cả ở phía Nam, trên bản đồ Việt Nam, Phú Yên là mảnh đất đặc biệt có phần đất liền nhô ra biển nhiều nhất. Hình dáng Phú Yên như một cánh cung hướng về biển Đông.
Lịch sử Phú Yên trên 400 năm. Từ năm 1611 cái tên “Phú Yên” bắt đầu có do chính Nguyễn Hoàng đặt, khi ấy ông tấn công Chămpa thất bại, vùng đất này được sát nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Tên đất Phú Yên (“Phú” nghĩa là trù phú, giàu có, “Yên” là yên bình) đủ thấy ước mong mãnh liệt của vị chúa Tiên này với mảnh đất mà ông đã dày công mở cõi.
Qua 400 năm, mảnh đất Phú Yên thật giàu kí ức trong dòng chảy của thời gian. Nơi đây lắng đọng hồn thiêng sông núi; nơi có mạch ngầm văn hóa chảy mãi. Người Phú Yên tự hào về lịch sử 400 năm của Phú Yên gắn với lịch sử Nam tiến của dân tộc.
Phú Yên là mảnh đất đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người. Ba mặt giáp núi, phía Đông là biển Đông, Phú Yên được ban tặng một hệ thống cảnh quan khá đa dạng, đầy đủ với: núi, cao nguyên, đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo…. Đó là một xứ sở sơn thủy hữu tình vừa hùng vĩ, tráng lệ, nên thơ vừa mộc mạc, thuần khiết và còn nhiều chốn hoang sơ.
Này đây, một đầm Ô Loan trên bản đồ giống như một con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời xanh thẳm với vẻ đẹp đắm say mà nhà thơ Nguyễn Mỹ gọi là “giấc mơ xanh”
Này đây một ghềnh Đá Đĩa độc đáo kỳ vì, kiệt tác thiên nhiên độc nhất vô nhị Việt Nam, một Sông Cầu duyên dáng trong bài thơ “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, một Sông Cầu “xanh thẳm”, “bắt lòng ta nhớ mãi” trong bài thơ “Sông Cầu” của Chế Lan Viên
Này đây, một núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) trầm mặc “lồng lộng giữa trời uy nghi hùng vĩ”, một Đèo Cả cao ngun ngút có địa hình hiểm trở bậc nhất miền Trung với vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ vĩ.
Ở đây, chúng tôi đã đến thăm một núi Nhạn với Tháp Nhạn uy nghi, cổ kính, huyền ảo trong những đêm trăng, soi bóng xuống dòng Đà Giang hùng vĩ; một nhà thờ Mằng Lăng với kiến trúc Gothic, một trong những nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam, nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên, một Vũng Rô hữu tình được bao bọc bởi Đèo Cả, núi Đá Bia và Hòn Bà, là bến cảng quan trọng của con đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi có đoàn tàu không số đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc
Đến Phú Yên, bạn có thể đến ngắm nhìn núi Chóp Chài đội mũ, “nhạt nhòa sương phủ những chiều giông”, một biểu tượng khác của Phú Yên. Leo lên đỉnh núi, bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa từ trên cao. Nếu muốn đón bình minh đầu tiên trên đất Việt Nam bạn hãy đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) nơi có ngọn hải đăng Đại Lãnh. Điểm cực Đông của Tổ Quốc có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, với vẻ đẹp thanh bình, tự nhiên nguyên thủy.
Vài năm trở lại đây, Phú Yên còn được coi là xứ sở của “hoa vàng trên cỏ xanh”. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được trao giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế HANIFF 2016 tại Hà Nội với những cảnh quay ngây ngất khán giả, tạo nên một hiện tượng điện ảnh độc đáo. Bối cảnh phim từ đất, người, dòng sông, cánh buồm, ngọn gió đều lấy hình ảnh từ Phú Yên. Đó là đầm Ô Loan, ghềnh Đá Đĩa, bãi Xép ở Tuy An, Vũng Lắm ở thị xã Sông Cầu, cánh đồng lúa ở Tuy Hòa, nương lúa, bãi bắp ở dọc sông Ba (Đà Rằng) và cả “gió Tuy Hòa”. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là sự kết tinh của đất và người Phú Yên hòa quyện với thiên nhiên nơi đây. Trong những ngày ở thành phố Tuy Hòa, chúng tôi đã cố tranh thủ thời gian đi thăm thú những địa điểm mà đoàn làm phim đã bấm máy để thêm một lần nữa yêu cảnh Phú Yên.
Sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên đẹp hơn và được khách du lịch biết đến nhiều hơn. Cái tỉnh nhỏ xíu nằm giữa hai con đèo ấy, từ lâu như bị lãng quên, thì nay như Hằng Nga ngủ trong rừng được đánh thức dậy. Du khách đổ về xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Trong tương lai gần, Phú Yên sẽ là điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn. Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Phú Yên sẽ được đánh dấu là một điểm sáng và tiềm năng du lịch của Phú Yên là rất lớn.
Nhớ đến Phú Yên là nhớ đến cái “gió Tuy Hòa” - cái ngọn gió đã được Trần Mai Ninh “tạc” vĩnh viễn vào bài thơ “Nhớ máu”: “Ơ cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng”. Trần Mai Ninh là một tượng đài thi ca, nhờ ông mà ngọn gió Tuy Hòa có hồn và trở nên bất tử, khiến bao người ngưỡng mộ, yêu mến mảnh đất Phú Yên.
Bạn bảo: gió Tuy Hòa là ngọn gió Nam - người dân gọi là “ngoi Nam” thổi suốt hai tháng Hè (khoảng tháng Sáu, tháng Bảy, có khi chuyển sang tháng Tám). Cái ngọn gió “thổi hun hút suốt mùa Hè khô khát” ấy cứ như con ngựa hoang, lang thang trên thảo nguyên mênh mông không có gì ngăn cản nổi, lồng lộn gầm rú thổi suốt ngày đêm không quên ngày nào. Bây giờ đã là tháng Mười Một, chúng tôi đến đây, không còn ngọn “gió Tuy Hòa” nữa nhưng gió biển cứ phả vào mặt, luồn vào tóc, lật tà áo bay. Ở nơi đây, muốn chụp một tấm hình “tóc gió thôi bay” thì thật là khó.
Đẹp là thế nên Phú Yên còn là xứ sở của thi ca. Người Phú Yên có lẽ là người “yêu thơ nhất Việt Nam”. Đã 37 năm rồi (từ 1980) Phú Yên đã tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu (và từ đây bắt nguồn cho sự ra đời của Ngày thơ Việt Nam) và cũng là một lễ hội văn hóa mang tính khu vực. Đến đêm Nguyên Tiêu, dòng người yêu thơ Phú Yên từ già trẻ, trai gái, cả đến người tàn tật cùng nối đuôi nhau về Tháp cổ trên núi Nhạn trong rời rợi ánh trăng với âm hưởng huyền ảo để “nghe thơ”, “xem thơ”. Lịch sử văn học Phú Yên 400 năm còn ghi lại những áng thơ hay của các nhà thơ ca ngợi mảnh đất đẹp này: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Lê Thành Phương, Nguyễn Thế Tử (Toàn Nhật), Võ Trứ, Lê Quang Định, Trần Cao Vân, Tản Đà, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Trần Vũ Mai, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Gia Nùng, Việt Phương, Bế Kiến Quốc, Trần Chấn Uy…
2.2. Nhưng Phú Yên không chỉ duyên dáng với những danh lam thắng cảnh, Phú Yên còn tinh tế trong những món ăn ngon đầy hoang sơ và quyến rũ. Phú Yên là một “thiên đường” món ăn ngon cho tín đồ ẩm thực, cho những du khách có “tâm hồn ăn uống”. Hiếm có mảnh đất nào mà khắp mọi nơi, từ khách sạn 4- 5 sao đến các nhà hàng, quán ăn, các chợ lớn nhỏ lại có nhiều đồ ngon như đất Phú Yên. Những món ăn ngon không thể bỏ qua khi đến Phú Yên đã gây ấn tượng với nhiều du khách như: món trứng cá và mắt cá ngừ đại dương, cá ngừ sống chấm mù tạt cùng các loại rau sống, sò huyết đầm Ô Loan, ghẹ sông Cầu, cua Huỳnh Đế, ốc bươu sào, cháo vịt, cháo hàu, cháo lòng bánh hỏi, bánh xèo, bánh ướt, bò một nắng, chả dông…
2.3. Cảnh vật và ẩm thực là thế nhưng đáng nhớ nhất là người Phú Yên.
Phú Yên là tỉnh nghèo nhất trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nằm giữa hai con đèo, Phú Yên như chiếc đòn gánh mà hai con đèo chính là hai đầu mấu của chiếc đòn gánh ấy. Chiếc đòn gánh, gánh những vất vả lam lũ, những chắt chiu chịu thương chịu khó và cả những ngọt bùi ân nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử.
Người Phú Yên bao đời nay cần cù siêng năng trồng lúa, nuôi thủy sản và ra khơi đánh cá nhưng sao vẫn nghèo. Vì thế Phú Yên có một câu ca dao thật buồn:
“Phú Yên nằm giữa hai đèo
Ai thương thì đến, ai chê nghèo thì đi”
Nghèo về vật chất nhưng Phú Yên lại giàu về tình cảm. Nhà thơ Tản Đà những năm đầu thế kỷ trước, trong chuyến viễn du qua ba miền Bắc, Trung, Nam, dọc hành trình thưởng thức non nước và sản vật đặc trưng của mỗi vùng miền trong bài thơ “Thú ăn chơi” ông đã nhận định về Phú Yên bằng câu thơ: “Đa tình con mắt Phú Yên”. Phải chăng, với Tản Đà Phú Yên là vùng đất hữu tình, người Phú Yên giàu tình cảm, tình người Phú Yên thật đậm đà?
Đến đây, chúng tôi cùng chung cảm nhận: Người Phú Yên cũng như những người đất Phương Nam đều có cái “chất”: mộc mạc, giản dị, chân thành, nghĩa tình, thủy chung. Họ bộc trực, thẳng thắn, phóng khoáng. Họ quý trọng tha nhân hơn bản thân. Họ quý mến khách đến mức làm ta ngạc nhiên, cảm động. Ở đây chúng tôi dễ gặp những nụ những nụ cười đáng mến, những ánh mắt thân thiện.
Thật kỳ lạ, mảnh đất đầy nắng và gió với những con người bền bỉ, kiên trung, anh dũng, bất khuất; một thời ngang dọc một cõi biên thùy, một thời kiên cường đánh thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, giờ đây lại ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bất chấp “tàu lạ”, lại trọng tình, trọng nghĩa, mềm mại, dịu dàng đến thế.
Trong bài thơ “Về Tuy Hòa thăm bạn” nhà thơ Văn Công Hùng đã viết về người bạn Phú Yên của mình: “Bạn mạnh mẽ ầm ào như chớp bể”. Ở đây, chúng tôi đã gặp một người Phú Yên như thế. Anh là một nhạc sĩ của Đoàn nghệ thuật Sao Biển. Người đàn ông ấy vóc hình cao lớn, nói năng hồn nhiên, ứng xử phóng khoáng. Anh bảo: mỗi lần gặp đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương thật “vui quá trời”. Khi tiễn chúng tôi lên xe ra sân bay anh chào từ biệt: “yêu thương tất cả mọi người nhé!” (Có lời từ biệt nào mến thân hơn thế?). Rồi cảm thấy hình như chưa đủ, anh còn bước lên xe, xin phép được ôm từ biệt một người trong đoàn để thể hiện tình cảm lưu luyến của mình.
Giàu tình cảm là vậy, người Phú Yên còn trọng tình, trọng nghĩa. Quý Hải Dương kết nghĩa, bạn đưa chúng tôi đi thăm thú những danh lam thắng cảnh của quê bạn. Bạn tiếp đón chúng tôi thật thịnh tình như khách quý (đúng hơn là như người thân ở xa về). Đi đến đâu bạn cũng “khoe”: “Đoàn Hải Dương đấy”. Niềm yêu mến, trân trọng, tự hào về người anh em kết nghĩa bạn không giấu diếm.
Hai tỉnh Hải Dương, Phú Yên kết nghĩa với nhau từ 9/1/1960. Hơn nửa thế kỷ qua, tình nghĩa anh em giữa hai tỉnh ngày càng gắn bó sâu đậm. Những năm chiến tranh, cùng với hậu phương miền Bắc, Hải Dương đã chi viện cho Phú Yên bao nhân tài, vật lực. Biết bao người con Hải Dương đã từ biệt quê hương, gia đình vào Nam chiến đấu và hàng trăm người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Phú Yên. Bạn đã dẫn chúng tôi lên núi Nhạn, nơi có Đài kỷ niệm và những tấm bia đá khắc tên những người lính Hải Dương đã hy sinh ở đây. Bạn còn dẫn chúng tôi đến thăm “Đài tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, ở phường 8, thành phố Tuy Hòa. Bạn bảo: nhiều bộ đội Hải Dương đã hy sinh ở đây. Mảnh đất này lưu giữ quá nhiều ký ức về người Hải Dương và chúng tôi hiểu: trong tình cảm với người Hải Dương kết nghĩa, còn có cả tình cảm tri ân của người Phú Yên giàu tình cảm, sống có thủy có chung.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc “sum họp một nhà” hai tỉnh có điều kiện đi lại thăm hỏi, giao lưu, tặng quà… nhất là những ngày lễ lớn. Các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể đến với nhau, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Giờ đây hai tỉnh lại càng gần gũi nhau hơn bao giờ hết.
3. Những đổi thay ở "xứ Nẫu"
Trở lại Phú Yên lần này như gặp lại cố nhân, vừa bồi hồi xao xuyến trước một Phú Yên quen thuộc với nét đẹp hoang sơ mộc mạc dân dã, vừa ngỡ ngàng trước một Phú Yên đổi thay. Cái thị xã nhỏ bé "nép một bên đuờng" trong thơ Thanh Quế đã dần nhường bước cho một thành phố trẻ, năng động đang trên đà phát triển với một diện mạo mới mẻ.
Xe chúng tôi đi qua những cửa hàng cửa hiệu, những dãy nhà tầng khang trang, những cao ốc hiện đại như Cendeluxe, Kayza, Sài Gòn - Phú Yên hotel, những con đường mới được tu tạo... Tất cả đã làm cho Phú Yên "hiện đại" hơn.
Đặc biệt, cũng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng Cảng hàng không Tuy Hòa đã được đưa vào khai thác sử dụng. Giờ đây, ít nhất đã có ba hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air mở đường bay đến Tuy Hòa, kết nối với các thành phố lớn của đất nước. Điều này thật sự góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của một tỉnh duyên hải miền Trung, "đánh thức tiềm lực" của một vùng đất trù phú, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng du lịch, phát triển ngành "công nghiệp không khói" này cùng với các thế mạnh về nông sản, hải sản. Từ chỗ chưa có tên trên bản đồ du lịch, Phú Yên đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đứng trước Cảng hàng không Tuy Hòa với kiến trúc vừa độc đáo, vừa hiện đại với mái vòm mang dáng vẻ hình tượng vỏ sò hình nón của biển Đông, được xây dựng nằm sát biển, tạo cho hành khách cảm giác trải nghiệm một không gian nghỉ dưỡng vùng nhiệt đới... tôi không khỏi bất ngờ, thú vị xen lẫn niềm vui, niềm tự hào về người anh em kết nghĩa của Hải Dương.
4. Đêm chia tay, văn nghệ sĩ hai tỉnh cùng hát bài "Gửi Phú Yên" do nhạc sĩ Trần Minh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương sáng tác. Bài hát với giai điệu và ca từ ngọt ngào da diết lắng sâu, từ lâu đã được nhiều người Hải Dương Phú Yên yêu mến, như ”thay lời muốn nói” của chúng tôi trước khi từ biệt. Chưa xa Phú Yên mà đã thấy nhớ.
Hai ngày hai đêm trên mảnh đất Phú Yên, tôi đã được nhìn thấy, nghe thấy bao chuyện cảm động, có cái gì cứ dâng trào làm “nặng” trái tim tôi. Đã bao lần tôi muốn thốt lên lời yêu thương như anh nhạc sĩ Phú Yên kia.
Trưa nay, tại “Cảng hàng không Tuy Hòa” đầy nắng và gió, chúng tôi ngắm nhìn lại Phú Yên một lần nữa. Biết bao giờ trở lại? Có thể là một ngày không xa, có thể sẽ chẳng bao giờ nữa. Nhưng có một điều chắc chắn, nơi "đất Phú trời Yên" này sẽ sống mãi trong ký ức đẹp đẽ của những người Hải Dương chúng tôi.
Giã biệt nhé, Phú Yên ơi!.
21/5/2020
Nguyễn Lan
Nguồn: Diễn đàn Văn Nghệ, 4/2020
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...