Niềm khao khát của dòng sông
Những ngày mới đi công tác, dạy bổ túc văn hóa cho các đơn vị quân đội trên Việt Bắc từ năm 1963 đến năm 1965, những ngày 20 tuổi, tôi thường có thói quen là cắt từ báo những bức ảnh các nhà văn mà mình yêu mến, dán vào sổ tay. Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nam Cao... Trong cuốn album tự tạo ấy có một bức ảnh, phải nói là tuyệt đẹp của Nguyễn Đình Thi, mũ lưới cài lá ngụy trang, áo trấn thủ, với một nụ cười rạng rỡ. Việt Bắc 1948, cũng trong thời gian ấy, Nguyễn Đình Thi sao mà giống quá những anh Vệ quốc đoàn về đóng ở làng tôi, dạy cho lứa nhi đồng tháng tám chúng tôi lúc ấy hát. Những câu thơ thắm thiết của Nguyễn Đình Thi đã đi cùng tuổi trẻ của tôi: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây...”. “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”...
Còn có thể nào viết hay hơn được cái đẹp của những người ra đi vì nghĩa lớn; cái khí vị hào hoa của một kinh kỳ đang dần khuất sau lưng?...
Vậy mà cho đến gần mười năm sau tôi mới được gặp ông lần đầu tiên.
Ấy là một ngày cuối tháng 8-1970, tôi được báo Văn nghệ mời về lĩnh giải thưởng truyện ngắn. Cuộc thi văn song song với cuộc thi thơ “Nhà nước 5 năm mở một khoa”, cho nên có mặt hầu hết các nhà văn tên tuổi ở Hội Nhà văn đến dự lễ trao giải.
Là một người cởi mở, mộc mạc đến hồn nhiên, nhà văn Ngô Ngọc Bội thuộc Ban Văn, báo Văn nghệ tất bật kéo hết “vị tân khoa” này đến “vị” khác giới thiệu với Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Khải... Tôi sững người khi được anh Ngô Ngọc Bội kéo đến giữa hai người, một bên là Hoài Thanh - nhà phê bình văn học lừng danh, Tổng Biên tập, Chánh chủ khảo, và một bên là Nguyễn Đình Thi.
Hoài Thanh: “Chào cậu. Cậu tên là... Ờ, thế ra cậu là... bảng nhỡn kia đấy!” - Ông cười hồn hậu nói.
Nguyễn Đình Thi cầm tay tôi hơi lâu một chút rồi ông nói rất khẽ: “Bảng nhỡn, trạng nguyên... cũng chỉ là trong một cuộc thi ngắn... Trẻ quá, trẻ quá, còn khó khăn nhiều lắm. Viết văn ấy mà!”.
“Viết văn ấy mà!” Sau ít phút cảm động do cuộc gặp gỡ hai ông lớn văn chương, trấn tĩnh lại, tôi thấy điều ông muốn nói sau cái câu bỏ lửng kia là vô cùng cần thiết với những người mới bước vào nghiệp văn. Nhưng còn “trẻ quá, trẻ quá” thì lại khiến tôi khó chịu. 27 tuổi rồi tôi mới đoạt cái giải thưởng văn học con con. Ở tuổi ấy Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Hầu, Đặng Thế Phong, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử... đã ra đi với những kiệt tác. Rồi lại cả ông nữa - Nguyễn Đình Thi - 21 tuổi viết nhạc “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”, 22 tuổi - Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam; tham gia Thường vụ Quốc hội; viết sách triết học, sách lý luận văn chương về “hiện thực phê bình và hiện thực xây dựng”...
- Bây giờ ấy à - giọng nhà thơ Xuân Quỳnh lảnh lót khi nghe tôi thuật lại điều này với cả Bằng Việt, Ngọc Tú, Vũ Quần Phương - gần ba mươi như bọn mình, với các vị ấy, vẫn cứ là trẻ đấy!... Rồi thì ông Ninh Hồ cũng sẽ về Hội, tớ dặn trước: Thấy các vị ấy ở đâu là ta cứ nên tránh cho xa! Các “cậu ấy” (Xuân Quỳnh rất hay gọi các vị ấy một cách nghịch ngợm là “cậu” khi nói với bạn bè cùng lứa), “cậu Thanh” (Hoài Thanh), “cậu Thi” còn là lành, chứ “cậu Chế” (Chế Lan Viên), “cậu Diệu” (Xuân Diệu) thì cứ quàu quạu suốt, kinh bỏ bố! Khen đấy mà cũng chê ngay đấy. Mà văn chương thì có ai lại cứ hay mãi được!
Hồi ấy về làm việc ở Hội Nhà văn đến hơn năm năm, ngày nào cũng gặp ông mà tôi vẫn thường nghĩ có lẽ chẳng bao giờ Nguyễn Đình Thi đọc thơ, đọc văn của mình cho ai nghe như bọn trẻ chúng tôi thường làm; mà nếu có đọc thì chắc là phải với cỡ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên. Nhưng không phải thế. Có rất nhiều lần, đột nhiên ông gọi tôi và nhà viết kịch, nhà văn Hồng Phi cùng một số tác giả trẻ nữa đến nhà nghe ông đọc từng vở kịch dài đến một hai tiếng đồng hồ. Ông đọc một cách nồng nhiệt đến xõa cả tóc, vã mồ hôi, cứ như là đang diễn trên sàn vậy!
Sau này khi về làm trang văn, rồi thì trang thơ cho Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn, tôi cố tránh các vị ấy như Xuân Quỳnh dặn mà không được. Ông Chế Lan Viên đã vào ở tận Sài Gòn rồi mà còn “phôn” ra khen chê từng số báo. Nhất là Nguyễn Đình Thi, cứ cách vài tuần, ông lại đạp xe qua bên báo. Ngoài việc trao đổi với Tổng Biên tập báo, ông còn gặp từng nhà văn phụ trách trang để góp ý về cái chất văn chương, đặc biệt là cốt cách văn hóa, phải được chú ý hàng đầu. “Ở một tờ báo văn chương lớn nhất nước này không được phép tùy tiện, cẩu thả. Sai sót về văn hóa thì xấu hổ lắm!”.
Có lần tình cờ gặp ông trên đường, tôi đã vô tình áp dụng lời dặn của Xuân Quỳnh là cứ lơ lơ đi như không nhìn thấy, vậy mà vẫn không thoát. Ông vẫy tôi dừng lại chỉ để ghé tai chê một trang thơ cách đó hai tuần của báo Văn nghệ do tôi phụ trách là “tầm thường quá Hồ ạ. Hay thì bao giờ cũng khó, nhưng mà cố sao đừng để tầm thường?”.
Mà cũng lạ, Nguyễn Đình Thi hồi ấy (1977 đến 1985) là thủ trưởng của cả hai cơ quan lớn (Hội Nhà văn; Hội Liên hiệp VHTT Việt Nam), nơi nào cũng có vài cái ô tô nhưng tôi thường xuyên chỉ gặp ông đi xe đạp hoặc xe máy ga với cái túi vải to bằng nửa cái bao tải đeo ở ghi đông.
Ông viết đến hàng chục vở kịch dài, hàng ngàn trang tiểu thuyết, nhiều trăm bài thơ, nhưng có lẽ điều ông say sưa nhất vẫn là viết kịch sân khấu. Và với thể loại văn học này, ông nói được thật nhiều điều sâu xa về thời vận và số phận con người. Vào những năm 60 thế kỷ trước, chiến tranh lạnh giữa hai phe của thế giới tưởng chừng sắp sửa bùng cháy lên, ông viết kịch “Con nai đen” quả là một khuyến cáo cần thiết, một khát khao đến thắt lòng về một nền hòa bình. Đến thời kỳ chuẩn bị đổi mới trong thập kỷ 80, ông viết “Rừng trúc” tìm cho được nguồn sức mạnh nào đã tạo nên một nhà nước trẻ trung, hùng mạnh vào bậc nhất của châu Á thời ấy là vương triều Trần, sẽ là việc phải lật lên tìm hiểu lại công sức lớn lao của một người vốn mang nhiều điều tiếng như Thái sư Trần Thủ Độ.
Thế rồi đến vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” - khắc họa rất sâu sắc vẻ đẹp “ưu thời mẫn thế” nền tảng tồn tại muôn đời của kẻ sĩ trong thiên hạ... Tiếc thay hồi đó ở những tác phẩm ấy đã xảy ra một vài sự hiểu lầm đến mức thành một thành ngữ trong giới sân khấu: “Kịch bản Nguyễn Đình Thi - Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - Hậu quả Nguyễn Đình... Chỉ!”, dẫu sau này đã được đánh giá cao. Vậy mà lúc đó ông vẫn không hề nản. Ông vẫn tiếp tục viết đến dăm bảy vở kịch nữa, mà lạ lùng thay, những bài thơ chất chứa những cảm nghĩ không dễ dàng chút nào về đất nước, dân tình, cách mạng, cũng đồng thời được ông viết lên để in báo, và sau này xếp thành hai tập “Dòng sông trong xanh” và “Sóng reo”...
Bằng nhiệt tâm và một cốt cách bền bỉ vô chừng ấy, tất nhiên là bằng cả thiên tài nữa, tuy thật không nhiều, nhưng ở lĩnh vực nào, từ âm nhạc, đến thơ, đến kịch, ông đều có những tác phẩm đạt đến giá trị cổ điển.
Với rất nhiều sự yêu mến, kính trọng ông, trong một tập thơ nhỏ xuất bản 1996 của tôi, tập “Thấp thoáng trăm năm”, trong khi cố gắng chiu chắt với ước vọng dùng thơ phác thảo một số gương mặt lớn của văn học nước nhà thế kỷ XX, tôi đã viết bốn câu về ông:
“Ôm tráng ca đi suốt cuộc gieo neo
Ai biết lẫn trong mưa là nước mắt
Rưng rưng khóc. Rưng rưng cười. Lặng lẽ.
Sông khát khao gạn lọc sắc xanh trời”
Bài thơ với đầu đề Khao khát của dòng sông, với dòng ghi chú nhỏ: “Đọc Nguyễn Đình Thi”. Khi sách tôi ra, đọc thấy bài thơ xếp cạnh những bài viết về Tản Đà, Ngô Tất Tố..., Nguyễn Đình Thi không nói gì, nhưng ông có vẻ băn khoăn lắm...
Vâng, thưa Anh, em biết Anh băn khoăn lắm, nhất là câu “Sông khao khát gạn lọc sắc xanh trời”. Nhưng biết làm sao, bởi khi đọc văn Anh, em cảm thấy điều đó. Bây giờ khi phải vĩnh biệt Anh, em lại càng cảm thấy đã cầm bút thì làm sao khác được.
Trần Ninh Hồ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét