Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỷ 20 mà bạn nên biết

Những họa sĩ Nhật Bản 
của thế kỷ 20 mà bạn nên biết

1. Với chuyên mục nghệ sĩ Nhật này, iDesign sẽ đem đến cho bạn những họa sĩ tài năng của xứ mặt trời mọc trải dài suốt thế kỷ 20 đến ngày nay. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thế giới Nhật Bản của thế kỷ 20 ra sao nhé!.
Những cái tên tiêu biểu dưới đây đã được iDesign lựa chọn kỹ lưỡng. Trong quá trình chọn lọc, chúng tôi quyết định lược bỏ một số họa sĩ Nhật đã được nhiều người ở Việt Nam biết đến và tập trung vào những tên tuổi ít được biết đến hơn.
Uemura Shoen (1875-1949)
Bà được mẹ mình khuyến khích đi học vẽ từ năm 12 tuổi 
và nghệ danh của bà ghép từ tên của thầy Suzuki Shoen.
Uemura Shoen (tên thật Uemura Tsune) là một trong những họa sĩ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong giới hội họa vào thời Minh Trị. Phong cách vẽ của bà mang nét truyền thống cũng như lịch sử Nhật Bản (Nihonga) và các tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của những người phụ nữ (bijin-ga).
Tác phẩm “Tuyết lớn” năm 1944. 

Tác phẩm “Flower Basket” năm 1915 dựa trên một vở kịch Noh. Đây là dạng kịch thường được diễn bởi đàn ông, Shoen vẽ lại các nhân vật do nữ thay thế.
Bà còn được coi là một nhà cách tân lớn trong thể loại bijin-ga mặc dù thực tế bà vẫn thường khắc họa các tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Nhật. Nhìn theo khía cạnh lịch sử, bijin-ga từng bị chỉ trích ở thời đại Taisho trong khi các tác phẩm của bà thể hiện thực trạng để phản ánh địa vị lớn hơn của phụ nữ vào thời bấy giờ. Trong quan niệm ở thời Tokugawa, hay Edo, phụ nữ được coi là tầng lớp thấp và thể loại này thường phản ánh hàm ý đó.
Tác phẩm “Tsuzumi” năm 1940.
Tác phẩm “Chiều Thu” năm 1943 thể hiện hình ảnh người phụ nữ chờ chồng trở về trong chiến tranh. Những người phụ nữ vẫn bình thản thực hiện những công việc thường ngày.
Ngay từ năm 15 tuổi, tác phẩm đầu tay Vẻ đẹp bốn mùa đã được hoàng tử Arthur, con trai của nữ hoàng Victoria mua lại. Điều này đã khiến cho tên tuổi của bà nổi lên nhanh chóng trong giới hội họa. Nhiều tác phẩm của bà được chính phủ lựa chọn để đem triển lãm chung ở Chicago năm 1893, bà trở thành họa sĩ trẻ nhất trong cuộc triển lãm.
Tác phẩm “Chờ trăng lên” năm 1944.
Bức tranh vẽ Dương Quý Phi năm 1922.
Shoen đã nhận được nhiều giải thưởng và công nhận trong suốt cuộc đời của mình, đặc biệt là phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Văn hóa. Bà cũng trở thành họa sĩ thứ 2 phục vụ chính thức cho Hoàng gia, người đầu tiên là Shohin Noguchi năm 1904. Năm 1949, bà qua đời vì bệnh ung thư, con trai Uemura Shoko cũng là một họa sĩ.
Ichijo Narumi (1877-1911)
Tác phẩm “Người phụ nữ khỏa thân trên mặt hồ” 
(1906) là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Narumi Ichijo là một họa sĩ vào thời Minh Trị, phong cách của ông cũng chuyên về nét truyền thống Nihonga. Ban đầu, ông tự học vẽ theo phong cách của Kikuchi Yosai, và lúc sau đến Tokyo để theo học Watanabe Shotei. Các tác phẩm vẽ phụ nữ khỏa thân của ông từng bị cấm xuất bản, nên ông chuyển hướng sang vẽ minh họa.
Picture 628

Một số tác phẩm minh họa không tựa khác.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của ông là khi vẽ minh họa cho bìa sách và tạp chí, sự thành công của một số tác phẩm đã giúp ông được cộng tác với nhiều nhà xuất bản lớn. Không dừng lại ở sách, ông cũng được mời vẽ bìa phim ảnh. Ông mất khá sớm vào năm 34 tuổi, nguyên nhân được cho là do nghiện rượu. Vì sự nghiệp vẽ minh họa cho các bìa sách và tạp chí, ông chưa bao giờ ra mắt một bộ sưu tập nào.
Kumagai Morikazu (1880-1977)
Vị họa sĩ nổi tiếng sống chung với nhiều con mèo.
Kumagai Morikazu được biết đến rộng rãi với những bức tranh tươi sáng và đầy màu sắc về động vật, thực vật và cuộc sống thường ngày. Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, ông đã thử nghiệm với nhiều trường phái từ những ngày đầu với Dã Thú cho đến nét vẽ hoạt hình thương hiệu vào cuối sự nghiệp. Với hai trăm bức tranh, bản phác thảo, nhật ký và tài liệu được lưu giữ đã tiết lộ sự tận tâm của vị họa sĩ trong hành trình lưu giữ vẻ đẹp cuộc sống.
“Chân dung thiếu nữ” năm 1918 
là một trong những tác phẩm thời đầu.
Trước khi tìm thấy phong cách riêng của mình, những năm giữa sự nghiệp, ông tập trung vào vẽ phong cảnh và tranh khỏa thân. Những thử nghiệm của ông trong giai đoạn là bàn đạp để ông phát triển phong cách riêng của mình sau đó. Các tác phẩm bắt đầu có nhiều màu sắc rực rỡ hơn và những bức chân dung dần ít chân thực hơn.
Tác phẩm “Mèo tam thể” năm 1963 là một trong 
những tác phẩm tiêu biểu thể hiện lối vẽ của ông.
Tác phẩm “Hạt mưa”.
Một tác phẩm tranh khỏa thân.
Năm 1950, Kumagai bắt đầu tìm ra được phong cách riêng và thực hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng cuối đời. Các tác phẩm dần có nét đặc trưng bằng đường viền đỏ, màu sắc bão hòa, phong cảnh hàng ngày và các sinh vật sống tạo cảm giác bằng phẳng khiến người ta nghĩ đến nét hoạt hình. Là một đại diện của hội họa Nhật Bản hiện đại, ông hầu như không được biết đến ở quốc tế. Ngay cả ở trong nước, ông cũng chỉ được biết đến gần như nhờ các tác phẩm vào những năm cuối đời.
Kojima Torajiro (1881-1929)
Một bức chân dung tự họa.
Nhắc đến trường phái Ấn Tượng, Torajiro Kojima là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản. Khi 20 tuổi vào năm 1901, ông quyết định đến Tokyo để bắt đầu học tại trường nghệ thuật, nơi hiện nay là Đại học Mỹ thuật Quốc gia Tokyo. Vào thời điểm đó, hội họa Nhật Bản được chia thành hai nhánh “phương Tây” và “truyền thống”, và Kojima đã chọn truyền thống. Ông là một sinh viên rất tài năng và tốt nghiệp năm 1904, sau đó ông bắt đầu khám phá nghệ thuật tại nước nhà.
Tác phẩm “Cối xay nước ở trong làng” (1906) là một trong những tác phẩm đầu tiên. Bức vẽ thể hiện khung cảnh vùng quê mà ông được sinh ra.
Tác phẩm “Trang điểm” (1908) là một sự thay đổi lớn về màu sắc sau khi ông được tiếp xúc với hội họa phương Tây.
Phong cách vẽ ban đầu của ông không phải là Ấn Tượng, ông chỉ thực sự thay đổi sau khi du học tại Paris năm 1908. Bên cạnh việc học, ông cũng thường xuyên đi phương Tây để mua tranh của các danh họa nổi tiếng bấy giờ, toàn bộ các bức tranh này hiện được treo cùng với tranh của ông trong bảo tàng Ohara. Ông và người bảo trợ của mình là Ohara Magosaburo đều là bạn thân, sau khi Kojima mất sớm, Ohara mở bảo tàng để lưu trữ toàn bộ tác phẩm của bạn mình.
Chân dung của Ohara Magosaburo năm 1915, ông cũng là người đầu tư cho bạn mình đi du học bên Châu Âu năm 1908.
Bức tranh “Mùa hè ở Asahikawa” (1913) được xem là một trong những siêu phẩm sau khi ông về nước và hoạt động nghệ thuật.
Tác phẩm “Người mẫu nhí ngủ quên” (1912) được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông tại phương Tây.
Nhờ việc đi nhiều nơi, Kojima đã học được nhiều phong cách vẽ ở khắp các nước Châu Âu cũng như thực hiện nhiều tác phẩm mang màu sắc phương Tây trong đó. Năm 1929, Kojima được Thiên hoàng mời vẽ cho một bức tranh tường và dự kiến đây sẽ là tác phẩm để đời của ông. Tuy nhiên, ông đổ bệnh và không kịp hoàn thành tác phẩm đó.
Yumeji Takehisa (1884-1934)
Yumeji Takehisa là một họa sĩ và nhà thơ, các tác phẩm hội họa của ông cũng thiên về nét truyền thống Nihonga và bijin-ga. Bên cạnh đó, ông cũng thực hiện các tác phẩm minh họa cho tạp chí, thiệp và các cuộc băng Washi ngày nay. Ông từng qua lại với nhiều phụ nữ và cũng là chủ đề chính trong các bức vẽ, tuy nhiên chỉ có 3 người được ghi nhận.
Bức vẽ minh họa “Hoa anh thảo” cho bài thơ nổi tiếng cùng tên năm 1918. Người mẫu trong hình là người vợ đầu tiên của ông, Tamaki.
Tác phẩm “Mai” dùng cho tạp chí phụ nữ năm 1926.
Ông không được đào tạo chính quy về nghệ thuật. Khi vẫn còn là một thiếu niên, ông đã học vẽ đường nét (line art) khi làm việc với một người thợ làm bút lông. Đến khi trở thành sinh viên, Yumeji bắt đầu gửi tranh minh họa cho các tạp chí và nhận thấy rằng mình có thể kiếm sống bằng việc bán tác phẩm nghệ thuật của mình. Năm 1905, ông được chọn làm họa sĩ minh họa cho một tạp chí sau khi thắng một cuộc thi họ tổ chức.
“Kurofune-ya” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông và được cho là vẽ người vợ thứ 2, Hikono và cũng là người phụ nữ ông yêu nhất. Tuy nhiên, Hikono bất hạnh qua đời ở tuổi 25.
“Suichikukyo” là bức vẽ về người phụ nữ thứ 3 trong cuộc đời ông, Oyo. Tuy nhiên, ông chỉ xem bà là nàng thơ trong tác phẩm của mình.
Quan điểm vẽ tranh thời đó của ông là ủng hộ chủ nghĩa xã hội và thực hiện một số tác phẩm phản chiến. Tuy nhiên, ông đã sớm rời bỏ hoạt động chính trị sau khi một số thành viên thuộc một tạp chí ông đã vẽ minh họa bị chính phủ xử tử. Kể từ đó, ông chủ yếu thể hiện hoạt động chính trị của mình qua thơ ca.
Một mẫu thiệp mừng do ông thiết kế.
Sự nghiệp vẽ tranh minh họa và ra mắt các tập thơ của ông vô cùng thành công. Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng đó, Yumeji bị phớt lờ bởi các triển lãm nghệ thuật bảo thủ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi ông là một nghệ sĩ ngoại đạo và xa lánh các hiệp hội nghệ sĩ. Không những hội họa, cộng đồng văn học đương thời cũng xa lánh ông. Ông mất năm 50 tuổi và phải đến những năm 1970, các tác phẩm của ông mới được người đời đề cao và tri ân.
2. Tiếp nối với 5 họa sĩ của phần trước, phần 2 này thì iDesign sẽ tiếp tục giới thiệu cho bạn các họa sĩ Nhật Bản của thế kỷ 20. Hãy cùng theo dõi xem họ đã thay đổi phong cách thế nào trong những năm tiếp theo.
Vào đầu thế kỷ 20, các họa sĩ Nhật Bản được tiếp cận gần hơn với hội họa phương Tây, họ bắt đầu tạo ra những phong cách mới thông qua việc tiếp nhận phong cách vẽ từ nước ngoài. Đây là giai đoạn mà nhiều họa sĩ Nhật khẳng định được tên tuổi ở giới hội họa quốc tế.
Ryuzaburo Umehara (1888-1986)
Ryuzaburo Umehara là một họa sĩ theo phong cách Yoga, có nghĩa là ông thường vẽ những nét truyền thống của Nhật Bản (Nihonga) nhưng bằng nguyên liệu vẽ của phương Tây. Lối vẽ Ấn Tượng của ông bị ảnh hưởng bởi Pierre-Auguste Renoir, nhưng về sau thì mang nét Dã Thú và Biểu Hiện của Georges Rouault.
Tác phẩm “Tử Cấm thành” năm 1940.
Tác phẩm “Cô gái Trung Hoa cầm hoa Tulip” năm 1942
Ông là một trong những họa sĩ hiếm hoi của Nhật Bản tìm được lối vẽ riêng ngay từ khi mới bắt đầu và hoàn thiện nó trong nhiều năm. Bên cạnh đó, ông cũng là họa sĩ đầu tiên không áp đặt những quy tắc vẽ truyền thống lên các tác phẩm theo phong cách phương Tây. Ông ưa chuộng và khai thác các loại sơn dầu để thể hiện tính cá nhân, sử dụng những texture và độ đậm của các chất màu bằng một sự táo bạo bộc trực mà không một ai cùng thời với ông có không thể sánh được.
Tác phẩm “Mùa thu ở Bắc Kinh” năm 1942
Một bức vẽ thành phố Cannes.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông từng làm giáo sư tại Học viện Mỹ thuật Tokyo và làm giám khảo quốc tế cho Venice Biennale. Tuy nhiên, ông từ chức các vị trí cũng khá nhanh vì muốn du lịch vòng quanh Châu Âu để học hỏi. Ông từng nhận được hai danh hiệu cao quý là Huân chương Văn hóa năm 1952 và Bắc Đẩu Bội tinh do Pháp trao tặng.
Yasui Sotaro (1888-1955)
Tiếp tục với thể loại Yoga thì chúng ta sẽ có Yasui Sotaro, ông đã góp phần phát triển cho nghệ thuật vẽ chân dung. Một điều thú vị là ông đã từ bỏ việc học thương mại để đi học vẽ tranh sơn dầu và trờ thành đồng môn với Ryuzaburo Umehara.
Một trong những tác phẩm khỏa thân đời đầu.
Tác phẩm “Người phụ nữ với mái tóc đen” 
(1924) là một trong những tác phẩm đầu 
ông thực hiện sau khi về Nhật.
Năm 1907, ở tuổi 19, ông chuyển đến Paris để theo học tại Académie Julian dưới sự dạy bảo của họa sĩ Jean-Paul Laurens. Sau 7 năm học tập, ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách hiện thực của Jean-François Millet, Pierre-Auguste Renoir và đặc biệt, Paul Cézanne. Ông đã cố gắng hoàn thiện phong cách của mình, kết hợp các đường nét rõ ràng và màu sắc rực rỡ trong các bức chân dung và phong cảnh, chủ nghĩa hiện thực phương Tây với những nét mềm mại của kỹ thuật Nihonga truyền thống.
Tác phẩm “Chân dung người phụ nữ” (1930) đã nhận được nhiều đánh giá tích cực khi kết hợp hoàn hảo giữa Nhật và phương Tây.
Chân dung Chin-Jung (1934)
Trong thời kỳ hậu chiến, nhiều tác phẩm của ông được chọn làm ảnh bìa cho tạp chí văn học. Từ năm 1944, ông là giáo sư tại Đại học Nghệ thuật Tokyo. Năm 1952, ông nhận Huân chương Văn hóa từ chính phủ Nhật Bản. Ông mất năm 1955 vì bệnh viêm phổi cấp tính.
Kiyoshi Hasegawa (1891-1980)
Sinh ra ở Yokohama và đến Pháp làm nghệ thuật, Kiyoshi Hasegawa lớn lên trong một gia đình giàu có, và được tiếp xúc với hội họa ngay từ nhỏ. Trong thời gian đi học, ông bắt đầu học về kỹ thuật sơn dầu và tranh khắc gỗ truyền thống (Ukiyo-e). Cho đến năm 1918, ông sang Pháp để học kỹ thuật in và dành toàn bộ cuộc đời mình ở phương Tây.
Tác phẩm “Miền Nam nước Pháp” 
năm 1925 theo phương pháp khắc Mezzotint
Tác phẩm “Cây cầu Alexandre III 
và khinh khí cầu Pháp” năm 1930.
Ông đã nghiên cứu kỹ thuật in ấn và trưng bày các tác phẩm của mình tại các salon và triển lãm. Năm 1925, ông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên về tranh in và nhận được nhiều lời khen ngợi. Năm sau, ông trở thành thành viên của phòng in Salon d’Automne và tạo dựng được vị trí vững chắc trong giới nghệ thuật Paris.
Tuy nhiên, khi Thế chiến thứ hai nổ ra vào năm 1939, cuộc đời của Hasegawa đã thay đổi hoàn toàn, toàn bộ người Nhật yêu cầu rời khỏi Paris. Ông đã phải lưu lạc ở nhiều nơi khắp phương Tây để tránh chiến tranh. Sau chiến tranh, ông bắt đầu đắm mình trong các bản in bằng đồng và nâng cao các kỹ thuật khác nhau lên mức cao nhất.
Tác phẩm “Thời gian là tĩnh vật” (1969) 
được xem là một trong những kiệt tác của ông.
Tác phẩm “Cáo và chùm nho” (1963) được dựa 
trên một tác phẩm cùng tên của La Fontaine.
Ông đã làm sống lại kỹ thuật khắc Mezzotint (phương pháp khắc bằng mực khô đầu tiên) và tìm thấy sự mê hoặc và chiều sâu của màu đen mà việc khắc gỗ đem lại. Khi nói về màu đen trong khắc tranh, ông nói rằng có đến 7 màu đen khác nhau.
Kishida Ryusei (1891-1929)
Kishida Ryusei chụp ảnh cùng vợ và con gái Reiko.
Ba bức tranh chân dung gia đình do ông thực hiện. Bức “Reiko đang cười” (1921) hiện đang là một báu vật quốc gia.
Trước khi là một họa sĩ, Kishida Ryusei từng là một nhà báo và giúp James Curtis Hepburn thực hiện từ điển Anh-Nhật. Ông từng hoạt động trong sự nghiệp văn học thời gian ngắn trước khi chuyển sang làm họa sĩ. Nhưng cũng nhờ giao du với văn họa, ông được giới thiệu đến hai trường phái Dã Thú và Lập Thể.
Tác phẩm “Reiko lên năm” (1918) 
được công nhận là báu vật quốc gia.
Năm 1912, ông lập ra một hội họa sĩ riêng có tên Fyūzankai (Hội vẽ bằng than) nhằm tập trung vào chủ nghĩa Nhân Văn và Hậu Ấn Tượng. Một trong số những tác phẩm để đời của ông là loạt tranh chân dung vẽ con gái Kishida Reiko, mỗi bức tranh đều thể hiện từng trường phái riêng biệt và kĩ thuật vẽ mà ông nâng cao qua từng năm. Trong đó 2 bức “Reiko lên 5” (1918) và “Reiko đang cười” (1921) được công nhận là báu vật quốc gia.
Tác phẩm “Reiko choàng khăn trên vai” năm 1920.
Tác phẩm “Reiko năm 16” (1929) 
là bức vẽ cuối cùng trước khi ông mất.
Năm 2000, bức “Reiko choàng khăn trên vai” được đem bán đấu giá và đạt mức 360 triệu yên, một kỷ lục trong các cuộc đấu giá nghệ thuật tại Nhật Bản. Các tác phẩm thuộc loạt tranh liên quan đến Reiko đều có giá cao ngất ngưởng, đến mức các nhà tố chức phương Tây không tìm được cách để mở một buổi triển lãm quốc tế.
Kazumasa Nakagawa (183-1991) 
Khi còn trẻ, Kazumasa Nakagawa được đăng các tác phẩm thơ và văn xuôi trên các tạp chí văn học. Tuy nhiên, ông bị cuốn hút bởi những bức tranh của Vincent van Gogh và Paul Cezanne trong một lần đọc báo và bắt đầu vẽ tranh. Tác phẩm đầu tiên của ông, Sakagura (Kho chứa rượu gạo) năm 1914 đã được chấp nhận tham gia triển lãm và mở ra cánh cổng dẫn đến thành công cho vị họa sĩ trẻ. Một năm sau, tác phẩm thứ hai của Shimonotokerumichi (Băng tan trên đường) giành giải nhì tại Triển lãm và điều này đã khuyến khích ông theo nghiệp họa sĩ.
Tác phẩm đầu tay “Kho chứa rượu gạo” năm 1914
Nakagawa sau đó đã xây dựng một xưởng vẽ ở Manazuru, Kanagawa vào năm 1949, nơi ông đã dành 20 năm để vẽ phong cảnh của làng chài Fukuura thuộc bán đảo Manazuru. Trong khoảng thời gian này, ông cũng vẽ phong cảnh biển nội địa, cũng như phong cảnh ở Nagasaki, Pháp và Tây Ban Nha. Năm 1975, ông nhận giải thưởng Văn hóa vì đã đóng góp cho giới nghệ thuật Nhật Bản với tư cách là họa sĩ hàng đầu trong suốt sự nghiệp của mình.
Tác phẩm “Núi Komagatake” (1983) là một trong những tác phẩm nổi tiếng được ông thực hiện lúc gần bước sang 90.
Tác phẩm “Ngọn hải đăng 
ở đảo Manazuru” năm 1968.
Trong cuộc đời của mình, Nakagawa đã thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau và không giới hạn bản thân chỉ với tranh sơn dầu. Chẳng hạn như tác phẩm vẽ bằng cọ đầy táo bạo với độ tương phản màu sắc và cấu trúc bức tranh tuyệt vời. Những cá tính này trong tác phẩm của ông được hình thành bằng cách áp dụng tinh thần của nghệ thuật phương Đông và sự tin tưởng vào góc nhìn chủ quan của chính ông.
“Hoa hồng” là một trong những tác phẩm 
tĩnh vật nổi tiếng của ông.
Tác phẩm “Sakana kogiidete” (1983) 
đi kèm một bài thơ ông viết bằng mực Tàu.
Ông đã dành hầu hết những năm cuối đời trong xưởng vẽ để tạo ra những bức tranh tĩnh vật, bao gồm một số bông hoa hồng và hoa hướng dương. Những bức tranh tĩnh vật này cùng với những tác phẩm khác của ông đã tiếp tục thu hút những người yêu hội họa trong nhiều thập kỷ.
Seiji Togo (1897-1978)
Seiji Togo nổi tiếng trong giới hội họa Nhật Bản với những bức tranh miêu tả dáng người phụ nữ. Trong thời gian du học tại Pháp, ông tham gia vào Chủ nghĩa Vị Lai. Các tác phẩm của ông vô cùng bắt mắt và được dùng trong nhiều sách và tạp chí. Ông nhanh được xem là họa sĩ được yêu thích nhất sau Thế Chiến thứ hai.
Tác phẩm đầu tay “Người phụ nữ che ô” 
(1916) được ông thực hiện khi mới 19 tuổi.
Tác phẩm “Bước đi siêu thực” (1929) đã tạo ra 
một làn sóng mới cho giới hội họa bấy giờ.
Ông nổi tiếng với những hình tượng phụ nữ dị dạng và độc đáo được vẽ bằng những đường cong mềm mại nhiều màu sắc. Trong nửa sau của sự nghiệp, ông làm việc với các bản in và tác phẩm điêu khắc. Phong cách hội họa của ông được kế thừa bởi người học trò Kazuo Yasushi.
Tác phẩm “Lần đầu ra mắt” (1959) là một 
trong những tác phẩm nổi tiếng nhất.
Con gái ông là Tamami Togo về sau trở thành một ca sĩ jazz và diễn viên. Tuy nhiên, đến thập niên 70 thì cô cũng bỏ nghiệp diễn để đi theo hội họa như bố mình.
3. Tiếp tục hành trình tìm hiểu về lịch sử của hội họa Nhật Bản, cùng tìm hiểu xem phần ba này sẽ giới thiệu cho bạn những họa sĩ nào!.
Các họa sĩ Nhật trong giai đoạn này tiếp tục học hỏi từ phương Tây và kết hợp với những kỹ thuật vẽ truyền thống để tạo ra một sự giao thoa hoàn hảo. Bên cạnh đó, một số cá nhân cũng bắt kịp những sự kiện xã hội đương thời và thể hiện chúng qua các tác phẩm của mình.
Chikatoshi Enomoto (1898-1973)
Tác phẩm ”Một góc phố ngày xuân ở Ginza” (1933)
Chikatoshi Enomoto bắt đầu theo học hội họa dưới sự dẫn dắt của Kaburaki Kiyokata và tốt nghiệp khoa Hội họa truyền thống (Nihonga) tại Trường Mỹ thuật Tokyo năm 1921. Năm 1922, ông lần đầu tiên có tác phẩm được chấp nhận tại một cuộc triển lãm do chính phủ tài trợ.
Tác phẩm “Ruy băng” năm 1940.
Ông thường vẽ các tác phẩm khổ lớn tương đương hai tấm lụa và gấp lại được, còn được gọi là Byobu. Bên cạnh đó, ông cũng được xếp vào nhóm bijin-ga dành cho các họa sĩ miêu tả nét đẹp của người phụ nữ.
Tác phẩm “Yogai” (1933) mô tả hai người phụ nữ đang chơi yoyo bên cạnh cây thông Noel, đây là thời gian mà món đồ chơi này nhập khẩu vào Nhật.
Một tác phẩm nằm trong chuỗi các 
bức tranh vẽ các vận động viên trượt tuyết nữ.
Trong sự nghiệp họa sĩ của mình, Chikatoshi đã nổi tiếng với những bức tranh thể hiện nét hiện đại về những người phụ nữ xinh đẹp với gu thời trang tân thời. Ông có một sự hứng thú lớn với những vận động viên nữ trượt tuyết và thường xuyên đưa họ vào các tác phẩm. Năm 1932, các tác phẩm vẽ vận động viên của ông được đem đi thi tại Olympic mùa hè 1932 ở Los Angeles.
Shoko Uemura (1902-2001)
Shoko Uemura đang ngồi cạnh xem mẹ mình vẽ.
Nếu như Shoen Uemura (từng giới thiệu ở phần 1) thành công với trong việc mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ, thì người con trai Shoko lại có hứng thú với vẻ đẹp thiên nhiên và động vật. Khi còn nhỏ, ông là một đứa trẻ thích côn trùng, hoa và chim rồi sử dụng son môi của mẹ mình để vẽ những chiếc mào chim. Ông có một sự hứng thú lớn đến các loài chim thuộc vùng Đông Á và thường xuyên vẽ chúng.
Tác phẩm “Con công” (1983) là một 
trong những tác phẩm nổi tiếng.
Tác phẩm “Nước ấm” năm 1988.
Năm 1948, ông đã mạo hiểm khi bí mật thành lập một nhóm nghệ sĩ tên Nitten Sozo Bijutsu (Nghệ thuật sáng tạo) với mong muốn cải cách hội họa truyền thống (Nihonga) và các phong trào hội họa quốc tế. Trong cuốn nhật kí của mình, ông có ghi chép lại những cảm xúc của mình khi hòa vào thiên nhiên với cây cỏ và động vật.
Tác phẩm “Tuyết rơi mùa xuân” (1982).
Một trong nhiều tác phẩm vẽ 
“Vịt Bắc Kinh”, bức tranh này thực hiện năm 1965.
Mặc dù có tư tưởng và phong cách vẽ trái ngược với mẹ, ông từng cho ra mắt một tác phẩm duy nhất gắn liền với một nhân vật lịch sử năm 1970. Đây là tác phẩm duy nhất của ông học hỏi theo nét vẽ của mẹ mình. Năm 1984, ông đã nhận được Huân chương Văn hóa mà mẹ ông từng nhận được năm xưa.
Ryuhei Koiso (1903-1988)
Ryuhei Koiso cũng từng theo học tại Đại học Mỹ thuật Tokyo nhưng theo ngành Mỹ thuật phương Tây. Ông nổi tiếng với những bức tranh chân dung của một người hoặc theo nhóm. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, ông du học tại Pháp năm 1928. Bị sốc bởi tác phẩm “The Wedding at Cana” của Paolo Veronese tại Bảo tàng Louvre, điều này đã trở thành cảm hứng để ông theo đuổi vẽ tranh về một nhóm người.
Tác phẩm “Dáng người cô T” (1926) là một trong những tác phẩm nổi tiếng mà Koiso vẽ một người phụ nữ tên Toshiko mà ông mô tả là “có gương mặt phúc hậu”. Lúc vẽ, Toshiko đang nhìn lũ ong ngoài cửa sổ.
Tác phẩm “Giờ nghỉ của anh ấy” (1927)
Năm 1938, ông đến Trung Quốc với tư cách là một họa sĩ phục vụ quân sự cùng với Tsuguharu Fujita và những người khác, đã thực hiện các tác phẩm chiến tranh sau khi trở về Nhật Bản. Bản thân ông đã hăng hái thực hiện những tác phẩm chiến tranh nhưng không tổng hợp thành một cuốn sách. Vào những năm cuối đời, ông cho biết rằng mình không hề cảm thấy hài lòng vì các tác phẩm đó chỉ được thực hiện để nâng cao tinh thần chiến đấu riêng bản thân ông.
Tác phẩm “Mái tóc người con gái Nhật Bản” (1935) là một tác phẩm nổi tiếng bị thất lạc của ông và gần như không ai biết đến cho đến khi được bảo tàng hoàng gia Lee bên Hàn Quốc tiết lộ vào năm 2009. Được biết thì tác phẩm này từng được thái tử King Yi Un thời Joseon mua lại.
Tác phẩm “Tập hợp” năm 1977.
Sau chiến tranh, ông được mời làm giáo sư tại Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Quốc gia Tokyo. Năm 1992, giải thưởng nghệ thuật Ryuhei Koiso được thành lập để tri ân đến ông, đây cũng là giải thưởng nghệ thuật lớn nhất tại Nhật Bản.
Munakata Shiko (1903-1975)
Munakata Shiko là một họa sĩ tranh khắc gỗ theo xu hướng Sasaku-hanga, khuyến khích nghệ sĩ tự sáng tạo thay vì chép lại và làm mới các tác phẩm in cũ theo phong cách riêng. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã bộc lộ niềm đam mê với nghệ thuật. Sự nghiệp hội họa của ông bắt đầu bằng việc vẽ trang trí con diều cho các bạn cùng lớp.
Một trang minh họa cho bộ lịch vào năm 1958,
các tác phẩm vẽ cho bộ lịch của ông vô cùng 
nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Tác phẩm “Oshira - Vị thần của tơ tằm” (1968)
Họa sĩ truyền cảm hứng đầu tiên cho ông chính là Vincent van Gogh, sau khi xem các tác phẩm tĩnh vật của danh họa người Hà Lan, ông đặt mục tiêu trở thành một Van Gogh của nước nhà. Tuy nhiên, sự nghiệp vẽ tranh sơn dầu của ông đã gặp không ít trở ngại, thành công chỉ đến với ông khi chuyển sang vẽ tranh khắc gỗ.
Bộ tranh gỗ “Ranh giới nhân gian - Từ con người đến thần thánh” nằm trong số một chuỗi tác phẩm tôn giáo được ra mắt năm 1940. Đây cũng là bức tranh khắc gỗ lớn nhất hiện nay.
Một tác phẩm khổng lồ khác của ông là “Công chúa vùng Ontakaage” (1964) với hình ảnh bốn người phụ nữ tượng trưng cho bốn mùa trong năm.
Một phiên bản nhỏ hơn của bức tranh, 
từ trái qua là đông, thu, hạ và xuân.
Sự nghiệp vẽ tranh khắc gỗ của ông đã đem lại tiếng vang lớn trong cộng đồng nghệ thuật nước nhà, rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Kết hợp với những hiểu biết của mình về Phật giáo, Munakata đã cho ra mắt nhiều tác phẩm mang tính chất tín ngưỡng cao. Ông từng đi du lịch đến phương Tây để học tập và giảng dạy tại một số trường nước ngoài, tên tuổi của ông cũng được giới hội họa phương Tây biết đến.
Saburo Miyamoto (1905-1974)
Saburo Miyamoto là một họa sĩ sơn dầu theo phong cách hiện thực của phương Tây hiện đại. Những ca sĩ, nữ diễn viên và vũ công ballet là những người mẫu thường xuất hiện trong tranh của ông. Bên cạnh đó, ông cũng nắm bắt được văn hóa đô thị tràn đầy năng lượng của thời đại mình trong việc mô tả những người phụ nữ sống ở những vị trí khác nhau trong xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc vẽ, ông còn thể hiện được vai trò và góc nhìn sâu rộng trong công việc họ đang theo đuổi.
Tác phẩm “Màn chống muỗi” (1939)
Tác phẩm “Nữ diễn viên” (1961)
Từ năm 1940 đến 1945, ông cùng Ryohei Koiso trở thành những họa sĩ phục vụ cho chiến tranh tại Trung Quốc. Cũng ở giai đoạn này, ông đã cho ra mắt một loạt những tác phẩm phản ánh chiến tranh và được đánh giá cao. Các tác phẩm của ông trong giai đoạn này đã đem lại cho người xem những cái nhìn sâu sắc mà chiến tranh để lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, Miyamoto được bổ nhiệm làm giáo sư tại một số trường cao đẳng và đại học nghệ thuật.
Tác phẩm “Cuộc gặp giữa Tướng Yamashita và Tướng Percival” (1942) mô tả hội nghị giữa các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản và Anh dẫn đến sự đầu hàng của Singapore và hơn 100.000 quân Anh.
Tác phẩm “Ngôi nhà chết chóc” (1945-1946) được xem là một kiệt tác chiến tranh khi ông vẽ lại cảnh một gia đình đang hoảng loạn bên cạnh một người đàn ông khỏa thân đã chết.
Một trong những tác phẩm tĩnh vật nổi tiếng của ông.
Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều tác phẩm vẽ tĩnh vật bằng sơn dầu, cũng như phát triển tranh khắc gỗ vào nửa sau của sự nghiệp. Nhiều tác phẩm của ông từng được dùng làm bìa tạp chí và tem bưu điện.
4. Tiếp tục đến với phần bốn của series các họa sĩ Nhật, hãy cùng tìm hiểu xem chúng ta sẽ có những ai trong bài viết này!.
Đến với giai đoạn này thì chúng ta sẽ chào đón các danh họa của đầu thế kỷ 20, kết thúc phần của những người vào cuối thế kỷ 19 trước đó. Bước sang một thập kỷ mới, các thế hệ hội họa tiếp theo của Nhật Bản lại tiếp tục phá bỏ những quan niệm hội họa truyền thống để hòa nhập với hội họa thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn khéo léo giữ gìn lại được nét Nhật Bản trong tác phẩm của mình.
Migishi Kotaro (1903-1934)
Vào thời còn là học sinh trung học, Migishi Kotaro bắt đầu quan tâm đến tranh sơn dầu và học vẽ từ một thầy giáo địa phương. Khi hoàn thành chương trình học sơ cấp vào năm 1920, ông đến Tokyo và được xem các bức tranh của Paul Cézanne và Van Gogh tại một cuộc triển lãm. Phong cách mà ông quyết định theo đuổi là Yoga.
Bướm bay trên tầng mây, 1934
Vỏ ốc tự do, 1934. Ông từng cho ra mắt một bộ thơ 
tên “Bướm và vỏ ốc” với tranh minh họa đi kèm.
Năm 1921, một tác phẩm của ông lần đầu được triển lãm và tạo được tên tuổi nhất định. Cũng trong cùng năm, ông kết hôn nữ họa sĩ Yoshida Setsuko (sau đổi tên thành Migishi Setsuko), lúc này bà mới ra trường. Năm 1928, ông, vợ và một người bạn, họa sĩ Chokai Seiji tổ chức cuộc triển lãm của riêng ba người.
Chân dung cô gái choàng khăn đỏ, 1924
Dàn hợp xướng, 1933
Sau năm 1932, ông ngày càng bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật hiện đại của Pháp; và trưng bày một số tác phẩm của mình tại một cuộc triển lãm tiên phong ở Paris, cũng như tại Hiệp hội Nghệ thuật Tiến bộ ở Tokyo. Ông kết hợp các ý tưởng từ trường phái Biểu hiện Trừu tượng với Dã thú, sau đó chuyển sang trường phái Siêu thực. Đáng tiếc là ông qua đời đột ngột trong một chuyến du lịch vào năm 1934.
Migishi Setsuko (1905-1999)
Migishi Setsuko từng theo học Okada Saburosuke khi còn theo học tại Học viện Mỹ thuật Hongo vào 1921. Năm 1924, sau khi tốt nghiệp đại học, cô kết hôn với họa sĩ Migishi Kotaro và cũng theo đuổi phong cách Yoga giống chồng của mình. Tuy nhiên, phong cách vẽ phương Tây của hai vợ chồng không hợp thị hiếu nhiều người nên họ từng gặp khó khăn vì không bán được tranh.
Bông hoa, 1985

Bông hoa số 6
Năm 1946, bà thành lập Hiệp hội Nữ nghệ sĩ và được biết đến là người đã góp phần nâng tầm vị thế của các nữ nghệ sĩ vào thời điểm đó. Hai mươi năm sau khi chồng mất, bà đến Pháp lần đầu tiên và định cư ở Burgundy. Đến năm 1968, cùng với con trai của mình tạo ra những kiệt tác tranh phong cảnh ở các vùng châu Âu. Bà vẽ tranh để chiến đấu chống lại sự cô đơn ở một đất nước xa lạ và sự suy giảm của cơ thể do lão hóa.
Thị trấn nhỏ, 1987
Căn nhà của Guadis, 1988
Nổi tiếng với việc sử dụng màu sắc đẹp và các tác phẩm hoa, phong cách vẽ tranh của bà đã thay đổi qua nhiều năm, đặc biệt là sau khi sang Pháp. Bà trở lại Nhật Bản vào năm 1989, ở tuổi 84, tiếp tục công việc của mình tại nhà và xưởng may của gia đình. Năm 1994, bà được nhận Bằng khen Văn hóa, danh hiệu cao quý nhất mà chính phủ trao tặng cho những người có đóng góp lớn. Bà không ngừng vẽ tranh cho đến khi qua đời vào năm 1999 ở tuổi 94.
Tamako Kataoka (1905-2008)
Tamako Kataoka từng theo học phong cách hội họa truyền thống Nihonga tại Trường Nghệ thuật Đặc biệt dành cho phụ nữ ở Tokyo. Bà đã quyết định học tiếp lên cao học để có thể trở thành giảng viên Mỹ thuật trong nhiều năm liền. Tuy nhiên chuyến du lịch 40 ngày đến phương Tây năm 1962 mới thực sự ảnh hưởng và bắt nguồn sự nghiệp hội họa của bà. Bộ tranh vẽ núi Phú Sĩ và một số ngọn núi khác tại Nhật Bản đã trở thành một biểu tượng.

Nhà phê bình nghệ thuật Sarah Custen đã bình luận về xúc tác độc đáo của Kataoka đối với sự ảnh hưởng của các họa sĩ nổi tiếng của Mỹ như sau: “Phong cảnh của Kataoka gợi nhớ đến Georgia O’Keeffe, và loạt tranh ‘Countenance’ (Biểu cảm) của cô khiến người ta không thể nghĩ đến ai khác ngoài Pop art của Andy Warhol, nhưng các tác phẩm của cô lại không thể bắt chước được. Trong khi phần lớn nghệ thuật Nhật Bản thiên về sự khuôn phép và truyền thống, các bức tranh của Kataoka lại thể hiện sự chân thực và cảm xúc cá nhân. Ví dụ, bà thường sử dụng lá vàng và bạc để làm nổi bật các bản in, một kỹ thuật được bà sử dụng trong nhiều tác phẩm Nihonga trước đó. Bằng cách vẽ một bức tranh về khung cảnh truyền thống… một người có thể tham gia vào quá trình xác định truyền thống là gì”.
Núi Phú Sĩ ngày đẹp trời, 1991
Đến giữa những năm 1960, bà trở thành trưởng khoa của Đại học Nghệ thuật tỉnh Aichi. Chính tại đây, bà đã dạy những sinh viên có mong muốn hiện đại hóa phong cách nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Sau khi nhìn thấy tác phẩm của cô giáo mình, một học viên đã nhận ra sự đẹp đẽ của chúng và khuyến khích cô giáo mình nên tiếp tục làm nghệ thuật.
Chân dung Katsushika Hokusai, 1971.
Tác phẩm nằm trong loạt tranh vẽ các nhân vật 
lịch sử của bà vào thập niên 70.
“Nhót tây” là một trong những tác phẩm đời đầu của bà khi chưa bị ảnh hưởng bởi phương Tây. Đây cũng là bức tranh đầu tiên được chọn để triển lãm vào năm 1930.
Phong cách vẽ của bà về sau được gọi là “Getemono” để mô tả những mảng màu đậm và chói kết hợp thêm những đường nét nghiệp dư. Năm 1989, bà nhận Huân chương Văn hóa và được xếp vào bộ 3 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong hội họa bên cạnh Yuki Ogura và Shoen Uemura. Bà sống độc thân cả đời để dạy học và vẽ tranh cho đến năm 103 tuổi.
Iwasaki Chihiro (1918-1974)


Nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm 
của Chihiro chính là con trai Takeshi của bà.
Nếu ai đã từng đọc tác phẩm Toto-chan bên cửa sổ sẽ nhận ra nét vẽ của Iwasaki Chihiro. Ở Nhật Bản, bà nổi tiếng với mệnh danh là họa sĩ vẽ về hạnh phúc và hòa bình của trẻ em, các tác phẩm của bà đều vẽ bằng màu nước. Ngay từ nhỏ, bà đã được truyền cảm hứng bởi các họa sĩ nổi tiếng từng vẽ minh họa sách thiếu nhi như Kiichi Okamoto, Takeo Takei và Shigeru Hatsuyama. Nhờ vậy mà ngay từ lúc có thể cầm bút, bà đã bắt đầu thể hiện năng khiếu hội họa của mình.
Cô bé và những bông hoa hồng, 1966
Những đứa trẻ và chú cún con, 1967
Bà từng theo học viết thư pháp cùng Yang Zhou và vẽ tranh sơn dầu của Tai Nakatani vào năm 18 tuổi, nhưng bị bố mẹ cấm cản theo đuổi đam mê của mình. Sau cuộc hôn nhân sắp đặt vào năm 20 tuổi và di tản do chiến tranh, bà mới thực sự bắt tay vào sáng tác hội họa từ những hiện thực mà bản thân phải chứng kiến. Có thể thấy tác động của chiến tranh đã ảnh hưởng nhiều đến góc nhìn nghệ thuật của bà về sau.
Trăng tròn, 1965
“Người mẹ và đứa con trong ngọn lửa chiến tranh” là cuốn sách tranh cuối cùng của bà khi đang trên giường bệnh chống trọi với bệnh tật.
Kể cả khi đến cuối đời, bà vẫn nghĩ về những đứa trẻ mồ côi là nạn nhân do chiến tranh ở Việt Nam, bà đã luôn mong mỏi hòa bình sẽ đến với những đứa trẻ đó.
Sau chiến tranh, Chihiro bắt đầu làm việc với các nhà xuất bản tạp chí, áp phích, sách giáo khoa. Năm 1949, một biên tập viên đặt vẽ một tác phẩm kamishibai có tên “Câu chuyện của một người mẹ” để phục vụ cho việc dạy học, sự thành công của tác phẩm này đã thúc đẩy bà trở thành một họa sĩ minh họa chuyên nghiệp. Bà dành cả đời mình để vẽ các câu chuyện về thiếu nhi cũng như bìa sách cho các tác phẩm có nội dung tương tự.
Hodaka Yoshida (1926-1995)
Hodaka Yoshida là một trong những họa sĩ theo trường phái hiện đại với chất liệu sơn dầu, từ năm 1950 trở đi, ông đã tạo những kiệt tác bằng tranh in khắc gỗ. Cũng phải nói thêm rằng ông xuất thân trong một gia đình mà bố mẹ là Hiroshi Yoshida và Fujio Yoshida, đều là những họa sĩ sơn dầu và tranh in khắc gỗ có tiếng. Tuy nhiên, Hokada đã quyết định chọn phong cách trừu tượng, một phong cách mà cả bố mẹ đều không theo đuổi cũng như bị bố mình xem thường.
Công việc, 1963
Thiên đường, không rõ
Một sự khác biệt trong phong cách hội họa của Hokada đó là thay vì mọi người sẽ cải thiện theo đường thẳng, ông cải thiện phong cách theo một hướng rất đột ngột. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời ông lại ảnh hưởng đến phong cách, ví dụ như năm 1955, ông đã đến Mexico và tiếp xúc với các tạo tác và kiến ​​trúc sơ khai của thời Tiền Columbian đã góp phần định hướng lại hoàn toàn góc nhìn nghệ thuật. Trong suốt sự nghiệp của mình, người ta có thể thấy ông vay mượn nhiều trường phái nhưng vẫn tạo ra một phong cách riêng cho bản thân.
Căn nhà xập xệ, 1984
Công việc, không rõ
Công nghệ in mà Hodaka sử dụng không chỉ giới hạn ở bản khắc gỗ, mà bao gồm in đơn bản, khắc gỗ, khắc đồng, lụa, in thạch bản, và thường sử dụng các kỹ thuật chuyển ảnh. Về mặt này, ông là người tiên phong tại Nhật Bản trong những năm 1960 và 70. Nhờ di sản mình để lại, Hokada đã giúp cho dòng họ Yoshida trở thành một dòng họ nổi tiếng trong giới hội họa. Vợ ông là Chizuko Yoshida và con gái Ayomi Yoshida đều là họa sĩ nổi tiếng, riêng đứa con trai Takasuke Yoshida trở thành nhà thiết kế trang sức.
Matazo Kayama (1927-2004)
Xuất thân trong một gia đình có bố là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, Matazo Kayama là một họa sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật hỗn hợp. Các tác phẩm của ông tạo ấn tượng về sự giao thoa giữa tranh và ảnh. Năm 1950, ông bắt đầu kết hợp các yếu tố rời rạc của chủ nghĩa lập thể, cũng như các yếu tố của chủ nghĩa vị lai Ý trong loạt tranh của mình về các loài chim và động vật. Ông cũng được xếp vào nhóm các họa sĩ nổi bật sau chiến tranh.
Mặt trăng và ngựa vằn, 1954
“Rồng thần Sumiryu” (1997) được xem là kiệt tác để đời của ông. Tuy nhiên tác phẩm gốc năm 1984 hiện đang nằm ở trần đền chính Kuonji ở Minobu với kích thước là 11 mét vuông được thực hiện bằng 23.500 miếng vàng lá.
Vào khoảng năm 1960, ông đã đi du lịch, triển lãm và tổ chức hội nghị ở nước ngoài. Cũng trong thời gian này, ông từng thực hiện nhiều tác phẩm tranh tường bằng gốm tại các nhà thờ, bao gồm cả Đại sứ quán Nhật Bản tại Hoa Kỳ. Năm 1973, ông được nhận giải thưởng về Nghệ thuật Nhật Bản và nhận Giải thưởng của Bộ Văn hóa vào năm 1980. Ông trở thành giáo sư tại Đại học Nghệ thuật Tokyo vào năm 1988.
Tác phẩm “Đàn chim hạc” từng được in 
lên đuôi hãng hàng không Anh quốc.
Tác phẩm “Cơn sóng vào mùa xuân và thu” 
được trưng bày tại suối nước nóng Owani thuộc tỉnh Aomori.
Nằm trong bộ sưu tập của hãng BMW, đây là 
chiếc BMW 535I được ông trang trí vào năm 1990.
Mặc dù để lại nhiều công trình thủ công nổi tiếng, sự sáng tạo và ham học hỏi của ông vẫn không bị suy giảm kể cả vào những năm cuối đời, ông đã thử thách bản thân ở thế kỷ 21 với thiết kế đồ họa bằng máy tính bảng.
5. Tiếp tục tìm hiểu về lịch sử của hội họa Nhật Bản của thế kỷ 20, cùng xem lần này sẽ có ai xuất hiện nhé!.
Thế chiến thứ 2 đã góp phần thúc đẩy và ảnh hưởng cho nhiều họa sĩ thực hiện một số tác phẩm có tiếng vang lớn. Rất nhiều người nổi lên sau chiến tranh vào giai đoạn này và tiếp tục tạo ảnh hưởng cho đến hôm nay. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, các họa sĩ minh họa thế hệ mới cũng ra đời và đem lại sự mới mẻ.
Ikeda Masuo (1934-1997) 
Masuo Ikeda được biết đến là một nghệ sĩ đa tài vì không chỉ hội họa nói chung mà ông còn là nhà điêu khắc, nhà viết kịch bản, tiểu thuyết gia và đạo diễn phim. Ông gần như có hết giải thưởng lớn trong nhiều hạng mục mà mình theo đuổi từ trong nước đến nước ngoài, chính vì sự đa dạng nghệ thuật này nên ông không được đánh giá đúng mức. Năm 1965, Ikeda trở thành người Nhật Bản đầu tiên có một buổi triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Kể từ đó, ông luôn di chuyển hai bên và dành hai năm ở New York, và định cư một năm ở Berlin. Ông đã sản xuất các bản in trong studio của mình ở New York từ năm 1969.
Lớp mây trời (1968) nằm trong bộ sưu tập “Những bầu trời của Magitte và một số bầu trời khác.” Đây là bộ môn nghệ thuật đầu tiên ông thực hiện và từng dùng làm bìa cho một số tạp chí, về sau ảnh hưởng đến nét vẽ của ông.
Quần áo (1971) là khoảng thời gian ổng thực hiện 
in thạch bản (lithograph) và tạo ra một số tác phẩm nồi tiếng
Năm 1977, ông đã giành được Giải thưởng Akutagawa lần thứ 77 (giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật Bản) cho cuốn tiểu thuyết của mình, Giving in the Aegean, và đạo diễn bộ phim chuyển thể cùng tên vào năm 1979. Sau đó, ông thậm chí còn mở rộng sang sản xuất gốm từ khoảng năm 1983 trở đi.
Sphinx đang ngồi, 1970
Phần bờ biển, 1970
Vào khoảng thời gian cuối đời, ông dành toàn bộ cho công việc làm gốm. Kể từ chuyến thăm đầu tiên đến Hoa Kỳ năm 1965, ông đã tiếp xúc với Peter Voulkos, một nhân vật hàng đầu trong thế giới nghệ thuật gốm sứ tại Mỹ. Đặc điểm của các tác phẩm gốm của Ikeda là chúng được tạo ra một cách cố ý để để dễ vỡ, chính bản thân ông cũng mô tả đó là “tính thẩm mỹ của sự phá hủy.” Đúc kết về mảng hội họa thì ông thực hiện 4 chất liệu chính là acrylics, màu nước, collage và in ấn.
Aquirax Uno (1934)
Aquirax Uno (tên thật là Akira Uno) là một họa sĩ minh họa nổi tiếng tại Nhật vẫn còn hoạt động hiện nay ở tuổi 86. Cha của ông điều hành một doanh nghiệp trang trí nội thất, và dưới ảnh hưởng đó, ông bắt đầu vẽ tranh từ khi còn nhỏ và theo học họa sĩ Haru Miyawaki vẽ tranh sơn dầu.

Vào giai đoạn 1960-1970, ông rất có tiếng trong cộng đồng tiểu văn hóa, đặc biệt là sự hợp tác của ông với đạo diễn phim huyền thoại Shuji Terayama. Cũng trong giai đoạn này, ông cùng một số họa sĩ khác lập thành các nhóm họa sĩ với nhau, nhưng không trụ được lâu. Một số người này về sau đều trở thành các họa sĩ có tiếng như Makoto Wada và Tadanori Yoko. Vào những năm 1970, phong cách vẽ cạo hết lông mày của ông được gọi là “phong cách Aquirax Uno” và đã trở nên phổ biến.
Poster bộ phim “Hatsukoi Jigoku Hen” 
(1968) của Shuji Terayama do ông thực hiện.
Các tác phẩm của ông được đặc trưng bởi những chân dung mang nét huyền huyễn, gợi cảm, và đôi khi khiêu gợi một cách kỳ cục, cũng như thường xuyên đưa thêm collage và màu sắc tươi sáng. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã giành được nhiều giải thưởng với các tác phẩm nổi tiếng.
Tadanori Yokoo (1936)
Được mệnh danh là “Andy Warhol của Nhật Bản,” sự nghiệp của Tadanori Yokoo trải dài từ thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa, in tranh. Với phong cách vui tươi và rực rỡ màu sắc đặc trưng, Yokoo thể hiện sự giao thao giữa các yếu tố hình ảnh và văn hóa từ cả trong nước và ngoài nước thông qua các tác phẩm. Ở thời điểm hiện tại, công việc của ông chủ yếu tập trung vào mảng thiết kế đồ họa.
Sinh ra ở Nhật/ Tôi đã chết khi đến tuổi 29 (1965) là tác phẩm gây chú của ông thời hậu chiến. Đây là tác phẩm kết hợp từ góc nhìn của ông và văn hóa cũng như chính trị Nhật Bản sau hậu chiến, sự ảnh hướng của phương Tây lên nước Nhật.
Koshimaki-osen, 1966.
Các tác phẩm thời đầu của ông cho thấy sự ảnh hưởng của nhà thiết kế người Mỹ là Milton Glaser và Seymour Chwast, nhưng ông lại bất ngờ khi đính chính rằng nhà làm phim Akira Kurosawa và nhà văn Yukio Mishima là hai trong số những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ông. Năm 1965, ông là nhà thiết kế trẻ nổi lên nhanh chóng với những tác phẩm thể hiện góc nhìn văn hóa Nhật Bản thời hậu chiến. Bằng cách kết hợp cả “hoài cổ và châm biếm”, ông đã đưa ra những tuyên bố của riêng mình về quá trình phương Tây hóa Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Hậu chiến, 1986
Bắt đầu từ 2020, ông đang thực hiện 
một chuỗi tác phẩm có tên “With Corona” 
nhằm khuyến khích mọi người đeo khẩu trang.
Trong suốt những năm 60 và 70, Yokoo cũng hợp tác với các nhạc sĩ và thiết kế album, bìa đĩa và áp phích buổi hòa nhạc cho các nghệ sĩ trong nước cũng nhu quốc tế. Năm 1968, nhà văn Yukio Mishima tuyên bố:
“Các tác phẩm của Tadanori Yokoo tiết lộ tất cả những điều không thể chịu đựng mà người Nhật chúng ta đang giữ trong lòng, chúng khiến mọi người phẫn nộ và sợ hãi. Anh ta tạo ra những một chuỗi những nỗi sợ lặp đi lặp lại giữa sự tầm thường của các bảng quảng cáo các chương trình tạp kỹ trong các lễ hội tại ngôi đền dành cho những người hi sinh trong chiến tranh, và những thùng Coca Cola màu đỏ trong Pop Art của Mỹ, những thứ mà chúng ta ai cũng có nhưng không phải ai cũng muốn thấy”.
Seizo Watase (1945)
Seizo Watase là một họa sĩ minh họa và nhà làm phim hoạt hình. Vào thời sinh viên mới ra trường, Seizo đã đi vẽ bìa tạp chí cho các công ty xuất bản. Vì luôn bị cấp trên của mình đe dọa rằng nếu ông làm giảm doanh thu bán hàng, ông sẽ bị buộc thôi vẽ. Chính vì lời đe dọa đó mà ông đã trở thành người vẽ minh họa có các tạp chí bán chạy nhất tại các phòng kinh doanh trên khắp Nhật Bản.
Bộ anime chuyển thể từ “Heart Cocktail” cũng đã giúp cho nghệ sĩ jazz Naoya Matsuoka nổi tiếng theo sau khi thực hiện nhạc phim.
Ông cũng thực hiện vẽ minh họa cho bìa album nhạc phim anime cũng như nhiều bìa album khác của Naoya Matsuoka.
Ông cũng thực hiện truyện tranh riêng như kiệt tác “Heart Cocktail” được đăng nhiều kỳ trên tạp chí vào năm 1983. Tác phẩm sau đó còn được dựng thành anime và phim truyền hình vào năm 1986. Tác phẩm “Thám tử Phillip” vào năm 1987 của ông cũng dành được nhiều giải thưởng danh giá.
Tác phẩm “Con tim xa cách”
Tác phẩm gần đây là “Cơn gió mùa hè 
tại bến cảng Yokohama.”
Nét vẽ đặc trưng của Watase là bố cục của phong cách thiết kế đồ họa và bảng màu được sử dụng đem lại cảm giác màu sắc trong suốt, cũng như tươi mới và có chút tân thời. Vào thời của ông, chưa từng có một họa sĩ minh họa nào có cách dùng màu đặc biệt đến như vậy.
Toshio Arimoto (1946-1985)
Với niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ, Toshio Arimoto đã quyết định theo đuổi con đường hội họa khi đang học trung học. Ông ngưỡng mộ các họa sĩ như Giotto, Piero della Francesca, và vị Phật cổ của Nhật Bản tên Heike Nokyo, họ vừa thu hút và ảnh hưởng ông bởi sức mạnh của những nét cổ điển đó.
Ngày hoa nở (1977) là một 
trong những kiệt tác của ông.
Căn phòng âm nhạc (1980) từng giúp ông 
giành được giải họa sĩ trẻ năm 1981.
Tất cả các tác phẩm đều được vẽ trên canvas, ông sử dụng bột màu khoáng và bột màu làm vật liệu tạo màu, và sử dụng các chất trung gian như acrylic và keo, rất ít trường hợp ngoại lệ. Hầu hết các tác phẩm đều có họa tiết liên tưởng đến các nữ thần, và ông thêm những đám mây, cánh hoa, ván bài, rèm cửa,… làm chất liệu để tạo cảnh cho họa tiết.
Phong cách vẽ của ông không thay đổi gì nhiều trong suốt sự nghiệp. Ngoài tranh, ông còn thực hiên thêm tranh khắc gỗ đơn giản, nặn tượng và một số tác phẩm tranh màu nước.
6. Vậy là chương cuối cùng trong loạt bài về các họa sĩ Nhật Bản của thế kỷ 20 cũng đã đến. Cùng tìm hiểu xem những họa sĩ cuối của loạt bài viết này là ai nhé!.
Trong bài viết cuối này thì chúng tôi sẽ tập trung vào các họa sĩ sinh ra ở tầm giữa và cuối thế kỷ 20. Phần lớn những người này có ảnh hưởng vào giai đoạn cuối của thập kỷ và đang là những tiền bối có vị trí cao và ảnh hưởng tại mỹ thuật Nhật Bản hiện nay. Thế nên ở bài viết này, chúng tôi sẽ thêm vào tài khoản xã hội của mỗi người để các bạn tiện theo dõi nhé!.
Hajime Sorayama (1947)
Hajime Sorayama là một họa sĩ minh họa nổi tiếng với những bức vẽ chính xác đến từng chi tiết, cũng như mang nét gợi cảm của những người máy nữ. Ông mô tả phong cách của mình là “chủ nghĩa cực thực”, khi ông muốn đem lại những tác phẩm càng chi tiết về một đối tượng càng tốt. Cảm hứng của ông phần lớn đến từ những tạp chí người lớn Playboy mà ông từng đọc thời còn đi học.
Hai chú robot của Star War được 
vẽ lại dưới bàn tay của ông.
Năm 1978, ông vẽ con robot đầu tiên của mình. Về câu chuyện này, ông từng chia sẻ: “Một người bạn của tôi, nhà thiết kế Hara Koichi, muốn sử dụng mẫu robot C-3PO từ Star Wars cho buổi giới thiệu áp phích của Suntory. Nhưng deadline quá ngắn và dính vấn đề về phí bản quyền, vì vậy tôi đã được yêu cầu đưa ra một cái gì đó”.

Bức tượng được ông thực hiện cho thương hiệu thời trang Dior

Bức tượng được ông thực hiện cho thương hiệu 
thời trang Dior Sex Matter (2020) là một 
trong tác phẩm điêu khắc gần đây.
Cuốn sách tranh Sexy Robot được xuất bản năm 1983 đã giúp cho các mẫu robot nữ của ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã sử dụng những ý tưởng từ những bức tranh người mẫu (pin-up model), rồi vẽ lại cơ thể họ trong hình dáng mạ crom bạc với những tư thế gợi cảm. Về sau, các tác phẩm của ông lại được dùng làm bìa cho chính những cuốn tạp chí người lớn là Playboy và Penthouse.
Eijin Suzuki (1948)
Eijin Suzuki làm việc trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo và giám đốc nghệ thuật từ khoảng năm 1971. Sau đó, ông lấn sân sang họa sĩ minh họa vào năm 1980, cùng với Hiroshi Nagai, cả hai đều là những nghệ sĩ tiêu biểu trong thời kỳ City Pop. Ông từng vẽ nhiều tranh minh họa như bìa album “For You”, “Loveland, Island” và “Come Along” của Tatsuro Yamashita và minh họa bìa tạp chí FM Station nhiều năm liền.
Bìa album “For You” của Tatsuro Yamashita.
Kể từ thập niên 80, ông đã xây dựng một vị thế vững mạnh trong giới hội họa đương đại. Ông đã hăng hái sản xuất và công bố các tác phẩm in ấn bằng thạch bản, và hiện tại số lượng tác phẩm đã vượt hơn con số 300. Các tác phẩm in của ông luôn được đấu giá hàng năm và bức Small hill in Cote d’Azur đạt kỷ lục khi bán được giá 3,683 USD năm 2013. Ngoài vai trò là người vẽ tranh minh họa và in ấn, ông còn thực hiện nhiều dự án bất động sản khác cũng như thực hiện các phòng tranh tại Nhật.

Khác với Hiroshi Nagai, người bị ám ảnh bởi biển và resort, Suzuki bị ám ảnh bởi xe hơi, mặc dù cả hai đều có ảnh hưởng từ Pop Art phương Tây. Và nếu Hiroshi chọn Hawaii làm cảm hứng cho bức vẽ thì Suzuki chọn những vùng miền Tây của nước Mỹ để vẽ. Một trong số những mẫu xe ông thích là 356 Speed Star, một chiếc xe điển hình thường xuất hiện ở vùng Tây nước Mỹ.
Nara Yoshitomo (1959)
Nara Yoshitomo nổi tiếng với loạt tác phẩm về một cô gái nhỏ với cái nhìn như xuyên thấu mọi người. Mặc dù ông tuyên bố chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi nét vẽ manga, nhưng hình ảnh manga và anime về thời thơ ấu những năm 1960 mà ông từng xem thường được trích dẫn khi thảo luận về các nhân vật cách điệu và có đôi mắt to như những đứa trẻ của Margaret Keane. Thoạt nhìn thì vô hại, nhưng Nara đã phá hủy những hình ảnh này bằng cách truyền vào các tác phẩm của mình những hình ảnh kinh dị. Sự xếp chồng giữa cái xấu của con người với đứa trẻ vô tội có thể là một phản ứng đối với các quy ước xã hội cứng nhắc của Nhật Bản.
Chúng ta có thể cảm nhận được một sự tương đồng giữa tranh của ông và Margaret Keane, nữ họa sĩ cũng nổi tiếng với những bức tranh về trẻ em có đôi mắt to.
Cô gái vũ trụ: Mắt nhắm, mắt mở
Sự giáo dục mà ông có được sau Thế chiến thứ hai đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của và tác phẩm nghệ thuật của ông. Ông lớn lên trong thời kỳ Nhật Bản đang trải qua một sự tràn ngập của văn hóa đại chúng phương Tây; truyện tranh, phim hoạt hình của Warner Bros và Walt Disney, và nhạc rock phương Tây… Ngoài ra, ông còn lớn lên ở vùng nông thôn biệt lập và là một đứa trẻ bế tắc khi có bậc cha mẹ thuộc tầng lớp lao động, vì vậy ông thường chỉ có một mình để khám phá trí tưởng tượng non nớt của mình.
Thắp lửa cho tôi, 2001
Năm 2005, ông vẽ bìa album “Suspended Animation” cho nhóm nhạc Fantômas. Ông cũng tham gia thiết kế toàn bộ các vật phẩm được bán để quảng bá cho album này.
Mặc dù sở hữu nhiều chiến tích vào thập niên 90, ông lần đầu tiên đến với thế giới nghệ thuật trong phong trào Pop art của Nhật Bản vào những năm 1990. Chủ đề trong các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ rất đơn giản: hầu hết các tác phẩm mô tả một chủ đề có vẻ vô hại (thường là trẻ em và động vật thể hiện một sự tự tin, đi kèm lời thoại biếm họa). Những đứa trẻ này, thoạt nhìn có vẻ dễ thương và thậm chí dễ bị tổn thương, nhưng trong tay chúng lại là vũ khí như dao và cưa. Đôi mắt mở to của chúng toát ra vẻ buộc tội hoặc đó có thể là những biểu hiện của sự căm ghét. Được các nhà phê bình nghệ thuật ca ngợi, các tác phẩm hấp dẫn kỳ lạ của Nara đã đạt được thành công trên khắp thế giới. Những bức tranh gốc lớn thường xuyên được bán với giá hàng triệu đô la.
Yamamoto Takato (1960)
Yamamoto Takato là một họa sĩ và họa sĩ truyện tranh Nhật Bản. Vào đầu những năm 90, ông bắt đầu nghiên cứu về tranh in khắc gỗ Ukiyo-e. Đến năm 1994, ông được biết đến nhiều nhất với việc phát triển một phong cách độc đáo mà ông gọi là “Chủ nghĩa thẩm mỹ Heisei”, pha trộn những ảnh hưởng từ hội họa ukiyo-e của Nhật Bản với nghệ thuật gothic phương Tây để tạo ra những hình ảnh đen tối nhưng xinh đẹp. Các tác phẩm mang tính siêu thực và có nhiều chi tiết mà ông thường đưa vào như chủ đề bạo lực, chết chóc và tình dục để tạo ra hình ảnh đáng suy ngẫm và mang tính biểu tượng cao.

Ông từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng mình bắt đầu vẽ quảng cáo thương mại chủ yếu vào những năm 1980. Ông chỉ bắt đầu thực hiện các tác phẩm cá nhân của mình sau năm 2000. Chất liệu mà ông thường sử dụng là màu acrylic trên vải hoặc giấy, thường mất khoảng một tuần cho một tác phẩm nhỏ và khoảng một tháng cho một tác phẩm lớn hơn, hiếm khi ông mất vài tháng để hoàn thành một thứ gì đó.

Nghệ thuật của Yamamoto thường đề cập đến các chủ đề cấm kỵ, nhưng khám phá chúng theo một cách tinh tế đáng ngạc nhiên. Chính sự tinh tế này đã lôi kéo người xem đánh giá cao những tác phẩm thường mang nét kinh hoàng theo một góc nhìn khác. Bên cạnh đó, các cuốn artbook của ông cũng được nhiều người đón đọc khi mỗi cuốn lại được ông khám phá về một chủ đề khác nhau của con người.
Makoto Aida (1965)

Độ chi tiết trong các tác phẩm của ông 
luôn khiến người xem kinh ngạc.
Makoto Aida là một nghệ sĩ đương được biết đến với những tác phẩm manga, minh họa, video, nhiếp ảnh, điêu khắc và sắp đặt mang đầy tính khiêu khích. Mặc dù độ nổi tiếng không thể sánh ngang Takashi Murakami hay Nara Yoshitomo, nhưng tại quê nhà, ông được công nhận là một trong những nhân vật ưu tú của nghệ thuật đương đại Nhật Bản.
Uguisudani-zu (1990) là một tác phẩm vẽ 
cây anh đào với phần bông hoa được dán 
bằng những tấm quảng cáo gái gọi.
Độ chi tiết trong tác phẩm “Blender”.
Phong cách của ông thay đổi liên tục một phần đến từ chứng bệnh tâm lý ADHD, “Về cơ bản, tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải vẽ lặp đi lặp lại cùng một bức tranh,” ông nói. Bên cạnh đó, sự khiêu khích trong tác phẩm của ông cũng từng khiến vị họa sĩ gặp không ít rắc rối, tiêu biểu là triển lãm năm 2012 bị chỉ trích nặng nề vì dính vào nhiều vấn đề quấy rối tình dục. Cũng chính vì tính tranh cãi trong các tác phẩm nên Makoto Aida không sử dụng mạng xã hội.
Hisashi Tenmyouya (1966)
Một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật hiện nay, Hisashi Tenmyouya đã làm sống lại phong cách vẽ truyền thống của Nhật bằng cách cải tiến thành “Neo-Nihonga”. Và vào năm 2000, ông cũng tạo ra phong cách mới “Butouha” thể hiện thái độ phản kháng đối với hệ thống nghệ thuật độc quyền thông qua các bức tranh của mình.

“Cách tân tranh truyền thống Nhật Bản” là một khái niệm nghệ thuật do ông sáng lập vào năm 2001. Đây là một cách để phản đề đối hội họa Nhật Bản hiện đại. Mặt khác, phong cách Neo-Nihonga là một loại tranh mới, sử dụng chất liệu mới như sơn acrylic, v.v... Ngoài ra, phong cách còn đề cập đến một số nét đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản như đường nét truyền thống, cũng như những nét trang trí và biểu tượng. Nói tóm lại, Neo-Nihonga tiếp nhận tinh thần của Ukiyo-e thời Minh Trị và các bức tranh cổ điển khác của Nhật Bản để phát triển chúng.

Được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ tiên phong Taro Okamoto, ông cũng tìm hiểu sâu về lịch sử Nhật Bản và áp dụng chúng vào phong cách và khái niệm hội họa của mình.
Akira Yamaguchi (1969)
Nghệ sĩ đương đại cuối cùng trong loạt bài này sẽ là Akira Yamaguchi, cũng lấy cảm hứng từ Ukiyo-e, ông sử dụng lối vẽ của nhánh Yamato-e cho phong cách của mình. Đây là phong cách vẽ đặc trưng gồm nhiều hình vẽ nhỏ và mô tả cẩn thận các chi tiết của các tòa nhà và các đối tượng khác bên trong, thường được vẽ ở góc bao quát để người xem thấy nội thất bên trong và mô tả phong cảnh rất cách điệu.
Cửa hàng tiện lợi: Nihonbashi Mitsukoshi (2004)
Tokyo nhìn từ trên cao, 2012
Nhiều tác phẩm được vẽ với những ý tưởng tự do và hài hước, chẳng hạn như một samurai cưỡi trên một chiếc mô tô hình con ngựa hoặc đặt một mái ngói trên một tòa nhà chọc trời hiện đại. Ông cũng thực hiện nhiều bản vẽ gốc cho bìa sách và áp phích quảng cáo, trong đó có bìa album của nhóm nu-jazz United Future Organization.
Tokei: Đồi Roppongi (2012)
Mặc dù được đánh giá là đậm chất truyền thống Nhật Bản, Akira từng chia sẻ rằng ông ảnh hưởng từ lối vẽ và cách dùng màu của phương Tây nhiều hơn.
Cám ơn các bạn đã đồng hành cùng với chuyên mục này!.
Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp
Theo https://idesign.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, như...