Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Nguyễn Trung Hiếu: Bài thơ là những câu chuyện kể về chiến tranh

Nguyễn Trung Hiếu: Bài thơ
là những câu chuyện kể về chiến tranh

Nguyễn Trung Hiếu là nhà thơ quen thuộc đối với nhiều người yêu thơ Quảng Ngãi. Ông làm thơ rất sớm chỉ 5 năm sau khi tập kết ra Bắc ông đã dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn miền Bắc lần thứ nhất do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhà thơ Thanh Quế kể lại: "Thơ anh mang nặng nỗi niềm thương nhớ quê hương còn chìm trong bóng giặc. Cũng chính vì lẽ đó năm 1966 anh xung phong trở về quê hương chiến đấu:
"Từ giã quê nhà đi chiến đấu
Mười hai năm nay lại quay về"
Thơ Nguyễn Trung Hiếu trong giai đoạn này phần lớn là những câu chuyện kể về những vùng đất những con người đau thương và anh dũng của quê hương núi Ấn sông Trà. "Tiếng gà xóm Bãi" trong thơ ông là cảm nhận về một vùng quê bị bom cày đạn xới trong chiến tranh nhưng người dân nơi đây vẫn kiên cường bám trụ đánh giặc giữ làng và xây dựng quê hương. Một vùng quê mà "Năm nào qua đây/ Không đèn không lửa/ Vài túp lều lụp xụp/ Chìm sâu trong đêm". Khi có dịp trở lại thì xóm Bãi đã đổi thay kỳ diệu bằng mồ hôi và máu của trăm người "Nhà dựng buổi mai/ Chiều giặc đốt/ Lại dựng lên dựng lên".
Ông cảm thấy ấm lòng khi nghe tiếng gà gáy vang trên vùng đất trắng năm xưa:
"Tiếng gà như những tiếng gà
Rất bình thường nhưng sao mà ấm vậy"
Vượt lên trên những đau thương mất mát trường mới lại được dựng lên tiếng trẻ đọc bài râm ran trên miền quê giải phóng như niềm tin yêu hy vọng về một tương lai rực sáng:
"Tiếng đọc bài thánh thót dưới vòm tre
Như tiếng chim gọi bầy ríu rít
Những nét phấn trắng tinh dưới bàn tay cô giáo viết
Nói về tương lai".
(Em lại đến trường)
Thơ ông ca ngợi cuộc chiến đấu của đồng bào đồng chí trong những năm tháng ác liệt nhất. Những câu chuyện kể về những con người rất đỗi bình thường không tuổi không tên nhưng tấm lòng kiên trung bất khuất thì không gì sánh được. Người mẹ già tuổi gần 80 đêm đêm vẫn chong ngọn đèn làm ám hiệu liên lạc. Những người mẹ những đứa em dưới tầm lửa đạn pháo vẫn chèo thuyền tiếp tế cho du kích làng Yên đánh giặc:
"Thuyền con vượt dưới mưa dầm
Luồn qua đồn bốt lạch đầm giữa đêm
Những bà mẹ những đứa em
Những người từng đã bám trên đất này
Đưa thuyền về lại đêm nay
Thuyền vui quẫy sóng như bay cùng người"
Vẫn nhà thơ Thanh Quế - một người bạn thân của Nguyễn Trung Hiếu viết về ông: "Thơ anh viết về một tiếng gà ở xóm bãi về những túp lều trụ bám về một ngôi trường vừa được dựng lên trên mảnh đất giặc cày ủi... Và này đây là niềm vui trào nước mắt trước cảnh bà con đứng lên giải phóng từng xóm làng rồi cả miền Nam". Thơ Nguyễn Trung Hiếu cũng tố cáo tội ác man rợ của giặc:
"Miếng cơm còn giữa cổ
Em bé đứt làm ba
Trong tiếng gầm dậy đất
Nghe tiếng em kêu cha"
(Một tiếng kêu)
Tiếng kêu uất nghẹn của một em bé trước lúc lìa đời khiến chúng ta trào nước mắt và nung nấu chí căm thù trong tim mỗi người.
Biến đau thương và căm thù thành sức mạnh anh Đinh Cây và đồng đội đã chiến đấu anh dũng bắt giặc Mỹ phải đền tội. Câu chuyện về cuộc chiến đấu không cân sức giữa tổ ba người thuộc đội du kích B14 dân tộc H Re Đà Sơn là khúc tráng ca về sức mạnh ngoan cường tinh thần dân tộc diệt giặc ngoại xâm.
Viết về bà mẹ Gò Tranh một người mẹ rất đỗi bình thường nhưng vô cùng kiên trung. Khi đất nước đã sạch bóng thù tấm lòng mẹ vẫn bao la rộng mở:
"Lặng hồi mẹ nói: ời thôi
Chỉ e giờ sướng quên nơi nghèo này
Tao già có nhớ về đây
Thăm tao rau mắm lũ mày đừng quên"
Có thể nói thơ Nguyễn Trung Hiếu trong giai đoạn 1966 đến 1975 là những câu chuyện kể về chiến tranh. Ông với tư cách người lính- nhà thơ đã ghi lại rất chân thực cuộc chiến đấu của quân và dân ta bằng những câu thơ giản dị chân chất làm rung động lòng người. Đã bước qua ngưỡng "xưa nay hiếm" Nguyễn Trung Hiếu vẫn khao khát sống và viết về miền đất và con người trên quê hương Quảng Ngãi thân yêu.
9/7/2005
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ số 17
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...