Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 5a

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 5a

NGUYỄN THỊ MINH ÁNH
Vũ khúc thiên đường
Tập truyện ngắn đoạt Giải Khuyến khích,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ IV (2011 - 2015)
CHUYỆN CỦA LIỄU 
Chẳng còn mấy tiếng đồng hồ nữa là hai người sẽ chia tay nhau. Bảy giờ tối mai máy bay sẽ cất cánh. Tính ra còn hai mươi tư giờ nữa. Bính bần thần đi ra lại đi vào. Từ chập tối nhà Bính đã đông chật người. Bà con, họ hàng, làng xóm đến chơi nói chuyện rôm rả mà Bính không nghe họ nói gì hết. Vợ Bính đang tươi cười ngồi tiếp chuyện họ, còn Bính chỉ ngồi một lúc rồi đứng dậy đi ra ngoài, vì càng ngồi ở đấy mà nghĩ đến ngày mai, mà nghe họ nói nọ nói kia, Bính càng chỉ rối ruột lên. Bính lẻn ra sau vườn chuối, men theo bờ cúc tần ra cầu ao. Bính đứng ở đó nhìn ra cánh đồng đằng trước. Trời đầy sao, mênh mông, mênh mang, xa vời vợi. Một chiếc máy bay ầm ì ngay trên đầu Bính, lầm lũi tiến về phía chân trời xa lắc. Ngày mai vợ Bính cũng sẽ ngồi trên một chiếc máy bay như thế để rời xa Bính. Theo dự tính thì thị sẽ đi khoảng ba năm. Tận những ba năm. Ba năm dài đằng đẵng. Tất cả mọi người đều cho rằng chuyến đi của vợ Bính là chuyện vui, là chuyến đi đổi đời. Bính cũng đã có lúc nghĩ thế. Nhưng bây giờ thí Bính vừa lo, vừa sợ. Gần chục năm qua Bính chưa từng xa vợ một ngày. Bính làm gì cũng có vợ làm cùng. Bính đi cày thì vợ Bính phát bờ, cuốc góc ở bên cạnh. Bính đi bừa thì vợ Bính gánh phân đổ vào ruộng. Vợ Bính đi cấy thì Bính bứng mạ và cấy luôn cùng vợ. Đến vụ đông, cả hai vợ chồng Bính cùng làm đất, trồng màu. Còn khi nhà nông rỗi việc, vợ chồng Bính cùng đi làm thuê, Bính làm thợ xây, vợ Bính phụ hồ.
Bao nhiêu năm qua như thế rồi. Bính thấy cuộc sống thật yên ổn, vui vẻ, cũng chẳng có gì là vất vả nặng nhọc. Mọi chuyện ngày lại ngày đang diễn ra thật êm đềm. Vậy mà bỗng chốc vợ Bính nghe ai cứ nằng nặc đòi đi xuất khẩu lao động. Bính không thể hiểu được sao vợ lại thay đổi nhanh như chong chóng thế. Vợ chồng trước đã nói với nhau rõ ràng, từ hồi đầu năm, từ khi mấy gia đình trẻ trong xóm thầm thì bàn tán về chuyện nhà Hoa đi xuất khẩu lao động sang bên Đài Loan. Tưởng chuyện giả hóa thật. Dạo ấy cả làng cả xóm dèm pha, đay nghiến dè bỉu nhà Hoa tham tiền bỏ ngãi, nỡ dứt hai đứa con nhỏ ở nhà để đi. Lại còn liều vay cả tiền chục triệu đồng để chạy chọt làm thủ tục. Người ta còn cười anh cu Hoàng chồng nhà Hoa là thộn, để vợ đi như thế khác nào đưa mỡ vào miệng mèo, còn đâu là vợ mình. Chuyện râm ran đến cả vài tháng trời. Nhưng sau đó có nửa năm, lời đàm tiếu còn chưa hết thì nhà Hoa gửi tiền về. Cứ đều đặn vài ba tháng anh cu Hoàng lại nhận được giấy lĩnh tiền. Chẳng mấy chốc anh cu Hoàng trả hết nợ, sắm xe máy, ti vi mới, lại mua đầu video, loa nghe nhạc, lại còn đang chuẩn bị làm nhà tầng. Xóm Canh lại được dịp nhoáng nhoàng lên. Vừa mới hôm trước, chính những người dè bỉu nhà Hoa, anh cu Hoàng ác liệt nhất thì hôm nay đã xuýt xoa thèm muốn, hết lời khen ngợi nhà Hoa thức thời. Một số người bắt đầu rậm rịch tìm mối theo chân nhà Hoa. Hai người, bốn người, sáu người… Xóm Canh xôn xao ồn ã. Ngồi đâu, đi đâu, gặp ai dường như cũng chỉ có mỗi đề tài xuất khẩu lao động. Có lẽ chỉ riêng vợ chồng Bính là không tham gia ý kiến gì, chỉ lẳng lặng nghe, nhưng tối về hai vợ chồng đã bàn với nhau. Chính là vợ Bính nói trước:
- Ối dào, tôi chẳng thấy đâu hơn quê hương đất nước mình. Chứ sang đó chẳng biết mô tê gì hết. Mình đâu có biết tiếng nói của họ, có quen biết ai. Mình nói họ không hiểu, họ nói mình không hiểu, thế thì còn ra cái gì, nhỡ có sao thì biết kêu ai.
Bính lẳng lặng nghe, vẫn là vợ Bính nói:
- Ở nhà cơm cà cơm muối gì cũng có vợ có chồng, rồi còn con cái. Mà bây giờ so với ngày xưa còn sướng chán, có ruộng đất trâu bò, được tự do làm ăn, cứ chăm chỉ căn cơ thì làm gì chẳng đủ ăn mà phải đi đâu.
Bính không nói được gì, vì thấy vợ nói câu nào cũng đúng. Vả lại Bính rất sợ vợ vắng nhà. Bính không thể hình dung vợ vắng nhà thì Bính sẽ xoay xở thế nào bởi từ trước đến nay vợ Bính vẫn quán xuyến mọi việc trong ngoài. Bính chỉ việc thực hiện theo sự phân công của vợ, chả phải lo nghĩ tính toán gì. Bính cũng chẳng cần màng đến nhà cao cửa rộng bởi Bính thấy cuộc sống hiện tại đã tốt chán. Vì thế nghe vợ nói, Bính rất yên tâm, đinh ninh rằng cái việc đi xuất khẩu lao động sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến gia đình nhà Bính, rằng vợ Bính sẽ không bao giờ vắng nhà. 
Vậy mà đùng một cái, cách đây hai tháng, vợ Bính bỗng nhiên thay đổi, nằng nặc đòi đi xuất khẩu lao động. Nói là nằng nặc, chứ thật ra vợ Bính cũng như bao bận khác, chỉ thủ thỉ với Bính trong bữa cơm tối:
- Tôi nghĩ kỹ rồi, bố cu Bin ạ - Vợ Bính tay đánh tơi nồi cơm mà không nhìn vào mặt Bính. - Có khi đợt này tôi cũng đi xuất khẩu.
Bính ngơ ngác:
 - Mẹ cu Bin bảo gì á?
Vợ Bính vẫn vừa xới cơm vừa nói mà không nhìn vào mặt Bính:
- Tôi bảo sẽ đi xuất khẩu.
 Bính ngạc nhiên như không tin vào tai mình, một lúc sau mới ấp úng:
- Mẹ nó bảo đi xuất khẩu lao động á?
Vợ Bính không trả lời thẳng vào câu hỏi của Bính:
- Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi phải đi một chuyến. Chỉ một vài năm thôi.
Bính không nói được gì. Bởi vì từ trước đến nay Bính đã quen rằng vợ nói cái gì cũng đúng. Lần này cũng vậy. Bất kể là trước kia vợ Bính đã nói thế nào nhưng bây giờ nghe vợ nói, dù là khác trước hoàn toàn, Bính vẫn thấy có lý. Cho nên Bính im. Mà Bính biết nói cái gì. Vả lại kể từ hôm đó, đêm nào vợ Bính cũng thủ thỉ với Bính về gia đình nhà nọ nhà kia, trước kia thì rách nát còn chẳng bằng nhà Bính, thế mà vợ đi xuất khẩu mới có một năm đã thay đổi hẳn; về viễn cảnh ba năm sau, khi vợ Bính hết hạn hợp đồng lao động trở về, Bính lại được đoàn tụ với vợ và còn với cả một cuộc sống sung sướng đầy đủ tiện nghi hiện đại. Nếu không thế thì tụt hậu mất. Vợ Bính bảo. Trước kia tất cả làng, cả xóm cùng nghèo thì đã đành. Nhưng bây giờ họ giàu cả mà mình nghèo thì không được, sẽ bị khinh ngay. Bính thấy vợ phân tích như thế là đúng. Điều đó làm cho Bính thấy quyết định của vợ càng là đúng. Bính cũng đã khấp khởi nghĩ đến ba năm sau… Nhưng dù thế nào, mấy hôm nay, nhất là lúc này đây, khi chỉ còn vài chục giờ đồng hồ nữa là vợ Bính sẽ đi, sẽ chỉ còn lại một mình Bính ở nhà, Bính cứ có cảm giác lo lắng làm sao. 
Thực ra thì ở xóm này, vợ Bính là người cuối cùng đi xuất khẩu lao động. Cho đến giữa năm nay thì hầu như đàn bà cả xóm đã lên đường, chỉ còn mình vợ Bính. Bính thấy những người đàn ông ở nhà một mình cũng không xảy ra chuyện gì. Họ vẫn đi làm, nuôi con, làng xóm không vì thế mà thay đổi. Tự nhiên Bính thấy ngượng vì sự yếu đuối của mình. Tất cả những người khác làm được cớ gì mình làm không được. Bính quả quyết nghĩ, và chợt lo sợ nếu có ai ra bắt gặp Bính thẫn thờ ở đây, người ta lại chẳng cười cái bản lĩnh đàn ông của Bính. Không thể thế được. Dù gì Bính cũng phải thể hiện mình cũng cứng cỏi bằng anh bằng em để vợ yên tâm mà ra đi. Nghĩ thế, Bính quày quả đi vào. Vừa khéo có người nhắc đến tên Bính. Bính cố nở một nụ cười thật tươi bước qua cánh cửa trong tiếng trêu đùa của mọi người. Một người đàn ông ở ngay cạnh nhà Bính oang oang:
- Thôi, các ông các bà liệu mà về sớm cho cô chú ấy chia tay. Cố mà tranh thủ cho đỡ nhớ. Những ba năm nữa cơ đấy.
Căn nhà lập tức như vỡ ra, ầm ĩ:
- Làm đến cho chán đi. Rồi ở nhà cấm có tòm tem.
Tưởng là đùa, ai dè mọi người lục tục đứng dậy kéo nhau về hết cả. Bính có cảm giác nóng lên hai bên cổ. Vợ Bính cười tươi như hoa tiễn chân khách. Phút chốc nhà vắng tanh, chỉ còn lại hai vợ chồng đứng ở giữa sân. Bính ngượng ngập:
- Thằng bé ngủ rồi hả?
- Ừ, ngủ rồi. Vợ Bính khẽ khàng ngước lên nhìn Bính.
- Mình cũng vào nghỉ sớm đi, để tối mai tôi còn lấy sức.
Nghe lời vợ, Bính lúi húi đi vào nhà. Căn nhà nhỏ vừa chật ních người giờ Bính thấy rộng hoác. Bính ngồi ở bàn uống nước, vợ Bính vào buồng buông màn và sửa soạn lại tư thế ngủ cho cu Bin. Xong xuôi mà vẫn chưa thấy Bính đi vào, thị gọi với ra:
- Tắt điện để đi ngủ thôi, bố nó.
Bính đứng dậy như cái máy ra tắt điện. Vợ Bính đã nằm ngay ngắn ở trên giường. Đến bây giờ, Bính mới nhận ra rằng hôm nay trông thị tươm tất lạ, khác hẳn những ngày trước. Tóc thị đã cắt ngắn ngang lưng, chải mượt và cặp gọn gàng bằng một cái cặp hoa chứ không để dài đuôi bò và cuộn thành một búi sau gáy. Thị mặc bộ quần áo mới may, lại đi dép cả ngày. Ngay cả bộ quần áo thị đang mặc để đi ngủ cũng được may mới trông sáng sủa, sạch sẽ, thơm tho. Thị đang nằm trên giường kia, cái dáng nghiêng nghiêng cong cong mới e thẹn quyến rũ lạ lùng làm Bính thấy cồn lên. Bính vén màn đi vào, với tay tắt điện và đổ ập xuống cái cơ thể thơm tho vừa quen vừa lạ của vợ.
Bính “làm một bữa” no nê. Xong, Bính buông vợ, nằm duỗi hai chân ra. Rã rời, sung sướng. Trong một phút, Bính quên tất cả, quên hiện tại, quên ngày mai. Mắt Bính nhíp lại. Bính định làm một giấc đã đời như mọi bận nhưng vợ Bính đã xoay người, tay ôm ngang người Bính kéo sát Bính vào người thị. Vòng tay thị càng lúc càng thít chặt lấy cơ thể Bính, vuốt ve, mơn man tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi của Bính, rồi cứ mơn man mơn man mãi đến thắt lưng, đến bẹn, quờ quạng cả vào “cái của nợ” của Bính. Cái cằm thị đẩy qua đẩy lại, dũi dũi vào mớ tóc bờm xơm khét lẹt của Bính. Mới đầu Bính thấy lạ, dù hơi ngượng ngượng nhưng lại thinh thích, nhưng rồi Bính chợt hiểu ra. Bính tỉnh ngủ hẳn, hiện thực lại trở về rõ mồn một. Chỉ còn vài tiếng nữa. Bính hiểu rằng đêm nay Bính không nên ngủ. Vì chỉ sau đêm nay thì Bính có ngủ liền ba năm cũng chẳng sao. Vả lại nỗi buồn, nỗi lo hồi tối trở lại làm Bính không ngủ được nữa. Bính đáp trả lại sự mơn trớn của vợ. Bính cũng ôm riết lấy thị, bàn tay của vợ hắn càng lúc càng xoắn xuýt làm hắn rạo rực, nóng ran lên. Bính nhấc bổng thị đặt lên bụng mình, ghì riết thị trong cái hôn tham lam chưa từng có, rồi Bính đè nghiến thị xuống, vục đầu vào giữa đường rãnh sâu hút trên ngực thị…
Yên lặng. Ánh trăng chiếu qua cửa sổ đằng trước hắt vào căn buồng của vợ chồng Bính. Nhìn ánh trăng thì biết thời tiết đêm nay rất đẹp. Vợ Bính lồm cồm nhổm dậy, ngó về phía cu Bin, chỉnh lại dáng nằm cho nó, vén những sợi tóc lòa xòa trên trán nó gọn lên. Thị nhìn nó trìu mến, dịu dàng sờ nắn chân tay, vỗ vỗ vào người nó như ru ngủ. Bính nhìn cảnh ấy, nhìn cái cơ thể trắng nhễ nhại của thị, tự nhiên hắn thấy nước mắt chực trào ra. Hắn quờ tay kéo vợ ngã xuống giường, sát vào lòng hắn. Vợ hắn ngoan ngoãn nằm im, hắn nghe rõ cả tiếng thở đều đều, tiếng tim đập như đồng hồ tích tắc và bộ ngực vợ hắn phập phồng, phập phồng, thấy cảm động và thích thú vì sự ngọt ngào của vợ hắn trong đêm hôm nay, khác hẳn với những lần trước kia. Và hắn ao ước giá như đêm nào cũng được như thế này.
- Tôi đi rồi, ở nhà bố nó nhớ chăm sóc cu Bin. Vợ hắn cựa quậy, thủ thỉ trong bộ ngực vạm vỡ của hắn.
- Biết rồi. Khó nhọc lắm ngôn ngữ mới thoát ra khỏi cuống họng Bính.
- Không cần đi xây nữa, nhưng phải cố mà chăm sóc mấy sào ruộng để còn thêm thắt vào.
- Biết rồi.
- Tôi sang đấy chưa biết tình hình thế nào. Nếu mà thuận lợi như nhà Hoa, thì cũng phải ngót năm mới giả hết nợ. Đấy là nếu thuận lợi, chứ cũng chưa biết thế nào. Cho nên bố nó vẫn phải chủ động chăm chỉ ruộng vườn.
- Khổ lắm, đã nói là biết rồi. Bính gắt, và ngay lập tức Bính thấy ngạc nhiên vì Bính cũng biết gắt vợ. Giọng gắt lại còn oai ra phết. Như là thật. Thế mà vợ Bính chẳng phản ứng gì, hình như thị còn cảm thấy hài lòng.
- Thì tôi cũng tin tưởng bố nó biết sẽ phải làm như thế nào, nhưng tôi cứ dặn cũng chẳng thừa.
- Thằng cu Bin ấy, bao giờ vào vụ gặt thì bảo nó đỡ đần những việc vặt, như trông thóc chẳng hạn.
- Ừ, Bính lí nhí, hai mắt díu cả lại
- Rồi thỉnh thoảng bố nó cũng phải đưa cu Bin sang nhà bà ngoại chơi.
Không có tiếng trả lời, vợ Bính ngước lên thấy chồng đã há miệng ra phì phò. Thị thở dài, gỡ tay hắn ra, quờ quạng tìm quần áo mặc vào người rồi quay sang ôm đứa con nhỏ.
Thấm thoát đã gần một tháng trôi qua, Bính đã dần quen với cảnh ở nhà một mình không có vợ. Ban ngày, hắn đi làm cỏ lúa, làm đồng, tát nước. Trưa về lục cục nấu cơm cho hai bố con ăn. Chợ ở ngay đầu làng, chỉ việc chạy ù ra mua mớ rau bìa đậu là xong. Buổi chiều lặp lại thời gian biểu ấy. Cũng có khi trong lúc đi thăm đồng hắn tranh thủ tát vét cũng được bữa cá rô ron về rán hoặc kho sung muối. Được cái cả xóm đều có hoàn cảnh giống như nhà Bính nên dù có thấy trống trải và hẫng hụt nhưng hắn cũng sớm thích nghi. Ngay cả thằng con của Bính, nó suốt ngày chơi với đám trẻ con trong xóm cũng đều có chung cảnh mẹ vắng nhà nên nó sớm hiểu, không quấy khóc đòi mẹ.
Buổi tối, loanh qua loanh quanh không có việc gì làm, không biết nói chuyện với ai, Bính thơ thẩn hết ra bờ ao lại vào trong nhà ngồi, hút thuốc lào đến khô họng. Chán, hắn dắt con sang nhà hàng xóm chơi.  
Không biết từ bao giờ, đàn ông cả xóm cứ tối đến lại thường tập trung nhau ở nhà Chiến. Bọn trẻ con cũng theo bố đến đó tụ tập rồi kéo nhau ra ngõ chơi. Ban đầu, những người đàn ông xa vợ chỉ uống nước chè, hút thuốc lào bàn chuyện đi xuất khẩu lao động thế nào, đoán già đoán non xem cuộc sống ở trời Tây ra sao, Nhưng ngày này qua ngày khác, nói mãi chỉ những đề tài ấy thì cũng đến lúc hết chuyện. Chán. Nếu có vợ của ai đó ở bên kia gửi được ít tiền về thì thêm được một nội dung hấp dẫn làm cho câu chuyện thêm sôi nổi, giúp cho những người đàn ông ở nhà thêm sức sống và niềm tin để vượt qua những đêm dài quạnh quẽ.
Một vài người có sáng kiến đánh tú lơ khơ để giết thời gian. Mỗi ván vài nghìn. Thế mà hiệu quả. Có hôm gần sáng vẫn thấy nhà Chiến sáng đèn. Từ có một cỗ bài lúc ban đầu giờ đã đẻ ra ba cỗ, mỗi cỗ một góc chúm chụm vào nhau. Còn thừa một vài người thì ngồi xem, hoặc thay lân nhau chơi. Chính vì lẽ ấy mà Bính không muốn đến nhà Chiến. Vì Bính mù tịt mấy cái thứ đó. Bảo Bính chơi gì thì được, như đánh khăng, đánh đáo thì Bính vẫn còn thạo, vì hồi nhỏ Bính là một tay cừ khôi, nhưng còn cái món bài bạc thì Bính chịu. Chẳng nhẽ đến nhà Chiến thấy đám đàn ông chơi bài thì Bính lại ngồi xem ti vi. Bọn nó lại chẳng cười cho. Nhưng mà không đến đó thì biết đi đâu. Bính đành liều một phen. Cu Bin tung ta tung tăng hòa vào ngay đám trẻ con ở đầu ngõ làm Bính phát thèm. Ngại ngần giây lát, Bính quả quyết bước qua cánh cửa sắt Chiến vừa tậu tháng trước bằng tiền của vợ gửi về. Cuối cùng hóa ra Bính lo thừa, không có ai cười Bính mà cũng chẳng ai hỏi Bính có biết chơi bài không bởi họ còn bận chúi mũi vào những quân bài, mắt ai cũng chăm chú, căng thẳng tính tính toán như thể đang đứng trước một chuyện hệ trọng. Bính ngồi ghé mông xuống chiếu, nhòm vào bài nhà Lai.
- Ù - một tiếng kêu to phấn khởi bật lên. Nhà Tiến xỉa từng ba quân bài một đập ten tét xuống chiếu, mặt rạng rỡ, hớn hở. Những người khác chưng hửng chẳng nói chẳng rằng đếm đếm đống tiền lẻ đưa cả sang chỗ Tiến ngồi. Mỗi người năm nghìn đồng. Vẫn với bộ mặt hớn hở, Tiến nhanh nhẹn vơ tiền nhét vào lòng. Một mớ hỗn độn đủ loại: Năm trăm đồng, một nghìn đồng, năm nghìn đồng, năm mươi nghìn đồng…
Lai chửi bậy: - Đ. mẹ! Sao thằng Tiến hôm nay đỏ thế.
Hai bàn bên cạnh nghe thấy ngẩng cả lên, một người cười to:
- Đỏ bạc đen tình. Khéo mà giờ này vợ thằng Tiến lại đang ngủ với trai bên trời Tây. Cả đám cười rộ lên:
- Biết đâu được đấy, ở nhà ai biết ma ăn cỗ.
- Mà toàn là đàn bà hết rồi, đánh dấu thế nào được.
Tạm nghỉ. Tất cả quay ra rít thuốc lào. Một vài người bây giờ mới để ý đến sự có mặt của Bính.
- A, anh cu Bính. Hôm nay mới thấy sang đây chơi. Chắc là trước khi đi vợ dặn không được la cà đàn đúm với mấy thằng này phải không. Thế mà hôm nay gan to bằng cậu ông trời, dám trái lời vợ cơ đấy.
- Vợ là vợ của ta. Ta sợ vợ ta chứ có sợ ai đâu mà thiệt.
Mỗi người một câu, kẻ đấm người xoa giễu cợt Bính làm mặt hắn đỏ lên. Thì ra hắn cứ lo sai hết. Chẳng ai cười hắn vì hắn không biết chơi bài mà bọn họ lại cười hắn vì hắn đã không đến nhập hội sớm.
Tháng Tám. Nắng rải vàng như mật ong. Cánh đồng lúa đã xuôi hạt đang ngả màu vàng ruộm. Bính đi thăm đồng về, ước chừng chỉ một tuần nữa là gặt rộ, Bính lo lo. Bình thường có vợ ở nhà, hai vợ chồng chỉ mất một tuần là gặt xong tất. Bính còn thừa sức để làm mấy sào rau và ngô vụ đông ngon ơ. Nhưng bây giờ còn có một mình, Bính lo không biết phải xoay xở ra sao. Chẳng lẽ lại đi thuê. Những nhà khác cũng thuê cả. Sáng nào cũng có mấy tốp đàn bà con gái ngồi chực ở ngã tư đường tàu từ sớm. Nhà Chiến sáng nay cũng thuê hai người. Lúc đi về đến cổng đình, Bính gặp Chiến hăm hở phóng xe máy đèo một ả chừng ba mươi tuổi ôm một quả dưa hấu, một bình nước phóng vụt qua. Cái xe máy ấy Chiến mới mua bằng tiền của vợ gửi về. Trước kia Chiến đâu có biết đi xe máy. Thế mà chỉ trong vòng có gần tháng từ ngày tậu xe, hắn đã chạy ầm ầm khắp làng trên xóm dưới. Bây giờ còn dùng cả xe máy đưa người làm thuê ra ruộng, chở lúa từ ruộng về.
Thật đúng là đổi đời.
Bính nghĩ vẩn vơ. Cả xóm đàn ông (bây giờ người làng toàn gọi xóm của Bính bằng cái tên ấy) chỉ còn nhà Bính là chưa có xe máy. Cũng bởi vợ Bính là người đi cuối cùng, nếu không có gì trục trặc thì theo như lời nhắn của vợ cuối tháng này thị sẽ gửi tiền đợt đầu tiên về nhà. Nhưng tiền ấy Bính phải trả nợ. Tổng số là ba mươi triệu đồng. Số tiền ấy ngoài của ngân hàng thì vợ Bính phải chạy vạy khắp làng trên xóm dưới, có chỗ nói gãy lưỡi họ mới cho vay. Cũng bởi họ biết vợ Bính vay tiền để đi xuất khâu lao động, và họ thấy những người đi xuất khâu lao động đều sớm có tiền gửi về thì mới dám cho nhà Bính vay, chứ nếu không thì cũng còn lâu. Chả biết đợt này vợ Bính gửi về được bao nhiêu, nhưng cứ phải ưu tiên trả nợ hàng đầu, không thì người ta lại chẳng đến tận nhà  mà gọi cửa.
- Đi thăm đồng à Bính? - Có tiếng chào mà như quát vào mang tai. Bính giật mình quay lại. Thì ra là Chiến đang rè rè xe máy đằng sau.
- Lên đây tôi chở.
Bính hơi bối rối vì lời đề nghị đột ngột. Quả thực Bính vẫn thấy cái sự ngồi xe máy nó xa lạ làm sao ấy. Nhưng Bính cứ liều trèo lên.
- Bao giờ bên ấy gặt? - Chiến nói oang oang như quát.
- Chắc là sang tuần.
- Có thuê người không? Tôi bảo luôn mấy em đang làm hộ tôi đây. Một mình thì làm thế nào được. Cứ bỏ ra vài trăm ngàn cho nó nhàn. Tội gì phải vất vả.
- Mấy trăm ngàn cơ à? - Bính buột miệng - Đắt thế. Bằng những mấy tạ thóc.
- Ối giời. Mấy trăm có đáng gì - Chiến bĩu môi. Không có tiền hả? Sang tôi cho vay, bao giờ cô ấy gửi tiền về thì trả cũng được, không đi đâu mà vội.
Bính như không tin vào tai mình. Sao Chiến rộng rãi thế không biết. Khác hẳn với Chiến trước kia. Chả phải là nói xấu, nhưng Bính lớn lên cùng lứa với Chiến, ở cùng một xóm, chơi với nhau từ hồi còn cởi truồng, Bính còn lạ gì Chiến. Hồi nhỏ, Chiến bé loắt choắt, đen như củ súng, mũi dãi thò lò xanh lét, quệt ngang quệt dọc ngoang nguếch. Chiến lấy vợ sau hồi đi làm thợ xây. Vợ Chiến táo tợn, ăn nói bạo dạn, bao nhiêu tiền công thợ xây Chiến bị vợ quản hết, quanh năm suốt tháng Chiến làm gì có đồng xu nào trong túi, đến muốn hút điếu thuốc lào, uống chén trà còn phải xin vợ tiền. Thế mà bây giờ…
Xe đi vào đoạn ổ gà nên nhảy chồm chồm như làm xiếc. Bính bám chặt cứng vào Chiến, người căng ra.
- Sao hả, có thuê không? - Chiến vẫn oang oang. Chiếc xe nhảy chồm qua cái ổ gà làm Bính nảy người lên.
- Ừ… nhưng… để tôi xem đã - Bính lúng túng như gà mắc tóc.
- Thế nhé, nếu mà thuê thì sang bảo tôi một câu. Thôi, ông xuống đây, tôi phải đi đằng này. Bái bai.
Chiến đỗ xịch xe trước ngã ba đường rẽ về nhà Bính. Bính lóp ngóp trèo xuống, chưa kịp định thần thì chiếc xe đã rồ ga phóng vút đi. Bính đứng ngẩn ra, nhìn theo ống khói từ đít xe của Chiến kéo một vệt dài trên con đường làng nhỏ hẹp.
Dạo này, thằng cu con đang ở chơi nhà ngoại mấy hôm, Bính chẳng vội gì chuyện cơm nước. Loanh qua loanh quanh ở nhà một mình cũng chán. Bính quyết định sang bên nhà Chiến chơi, cũng để hỏi cho kĩ cái chuyện thuê mướn. Nhà Chiến vắng lặng. Bính nhìn quanh chợt thấy một người con gái trông còn trẻ đang giặt giũ ở ngoài giếng. Chắc là người gặt mướn mà Chiến nói ban nãy. Bính bước vào sân, theo thói quen ngó vào gian bếp và… Bính trố mắt ra ngỡ ngàng: Chiến ngồi xổm, đang ôm nghiến lấy một ả đàn bà lạ hoắc ngồi trên chiếc ghế con trước bếp lửa mà hôn hít, sờ soạng ngấu nghiến. Lạ là ả đàn bà không hề chống cự, ngược lại thị còn rên lên, mười ngón tay dùi đục cáu bẩn bám chặt vào lưng Chiến. Họ mải mê quá, không cả nhận ra sự có mặt của Bính. Cũng thật may, Bính vội vã bước thụt lùi  rồi đi như chạy ra khỏi cổng nhà Chiến. Về đến nhà mà tim Bính vẫn đập thình thịch, mặt tái mét.
Bính vào giường ngồi ngẩn ra. Cứ như đó chỉ là một giấc mơ. Bính cấu vào tay mình. Rõ ràng không phải giấc mơ. Tối hôm ấy Bính không ra khỏi nhà. Bính lên giường từ sớm. Trong đầu lúc nào cũng lẩn quất hình ảnh ban chiều. Lúc ấy Bình còn nhìn rõ cả bàn tay của thằng Chiến ngọ nguậy trong áo của mụ đàn bà. Chắc hẳn nó phải bóp mạnh lắm làm cho ả phải nghiến răng rên lên. Bính nhắm mắt lại, thấy ả đàn bà ngã ra sàn bếp và… không còn thấy Chiến mà chính là Bính đang quằn quại trên bụng mụ. Cái của nợ của Bính cứng lên. Bính lăn lộn…
Bính bật dậy, toát mồ hôi đầm đìa. Thật là đốn mạt. Nhưng ở đây làm gì có ai mà sợ. Bính thấy tiếc rẻ, lại nằm xuống. Cái cơ thể trần trụi trắng nhễ nhại thơm tho của vợ Bính trước hôm “đi tây” hiện về. Bính nhắm mắt, hồi tưởng, và lại lăn lộn.  
Bính đã bình tĩnh trở lại. Nhưng vẫn không thể nào ngủ được. Bính chợt nhớ lại những câu chuyện tục tĩu mà cánh đàn ông ở xóm hay nói mỗi khi có dịp tụ tập nhau. Đó là những hôm mà buổi tối điểm mặt thấy thiếu một ai đó, hoặc là đến mà Chiến không có nhà, y như rằng họ lại nói bóng gió Chiến hoặc cái người vắng mặt đi tìm “cái chuyện ấy”. Dạo này càng ngày Chiến càng vắng nhà nhiều hơn, đám đàn ông cũng ít khi tụ tập đông đủ như trước, nhưng mỗi lần gặp nhau là lại lôi cái “chuyện ấy” ra mà cười cợt. Họ kể chuyện bắt gặp người này người nọ ở quán bia ôm, karaoke, đồng thời cũng là cái cách khoe khéo ta đây cũng đã chẳng lạ gì những chốn ấy.
Bây giờ thì Bính mới hiểu.
Hóa ra ở cái xóm đàn ông này, Bính luôn là kẻ đi sau thời đại.
Hôm mười bốn tháng mười, vợ Bính gửi tiền về lần đầu tiên. Tính ra là vừa tròn ba tháng kể từ khi thị đi. Số tiền là mười triệu đồng. Khỏi phải nói lần ấy nhà Bính đông vui thế nào. Như có phép lạ, thông tin lan truyền rất nhanh, cả xóm đàn ông kéo đến, người xóm trên xóm dưới cũng đến hỏi thăm vô cùng rộn rịp. Nhưng lần ấy chẳng dư được đồng nào. Vợ Bính viết thư về dặn dò kĩ lưỡng phải trả nợ những ai, bao nhiêu tiền, thứ tự trước sau như thế nào. Bính cứ việc theo thế mà làm. Mà chẳng làm thì chủ nợ - như là được báo trước đã đến chực sẵn ngay sau hôm Bính nhận tiền về. Nhưng Bính cũng chả vội gì, vợ Bính đã nói rõ là sau khi trả hết nợ, bao nhiêu tiền vợ Bính gửi về là của vợ chồng hắn tất, Bính tha hồ mà tiêu tùy thích.
Nhìn kỹ, quán karaoke Thanh Thảo chỉ là một căn phòng cấp bốn lợp blôximăng. Nhưng buổi tối, dưới ánh đèn điện nêông mờ tỏ, tấm cửa kính màu đen dán chi chít những hình trái tim và nốt nhạc đủ màu sắc làm cho quán Thanh Thảo có vẻ huyền bí, sang trọng khác hẳn với những ngôi nhà nhỏ nghèo nàn xung quanh. Chủ quán là một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi, góa chồng, trước mở quán nước chè chén cũng ở tại nền nhà ấy. Nhưng mới đây thấy cánh đàn ông ở “xóm đàn ông” rủng rỉnh tiền bạc lượn lờ xe cộ qua nhà thị lên tỉnh, thị nhanh nhẹn thuê ngay thợ về lắp cửa kính màu đen, lát lại cái nền nhà, treo rèm hồng diêm dúa trong căn phòng đằng sau vốn là buồng ngủ của thị. Thị lại đặt mua hẳn bộ xa lông đệm mút, mua dàn máy hát. Thế là thành quán Karaoke. Dạo này, thị còn thuê ở đâu được hai cô gái làm nhân viên cho quán. Các cô gái nửa quê nửa tỉnh, móng tay dùi đục còn vương mùi bùn đất nhưng được sơn quết đỏ choét. Cặp môi dày cũng đỏ choét. Mặt trắng nhễ nhại phấn. Các cô ăn mặc kiểu phố xá, áo ba lỗ cổ trễ, quần lửng đến bọng chân, tất cả đều xanh đỏ vàng tím trông đến vui mắt. Và không biết có phải vì thế hay không mà từ ngày khai trương, quán karaoke Thanh Thảo hầu như hôm nào cũng có khách cả ngày. Từ sáng đến đêm khuya. 
Dạo này nông nhàn nhưng đám đàn ông ở xóm đàn ông không ai còn đi phụ hồ như trước kia nữa. Dặt dẹo ở nhà nhau mãi cũng chán, họ rủ nhau đi chơi cho khuây khỏa và cũng là để cho “biết mùi đời”. Chiến đã từng lớn tiếng cảnh báo: - Anh em mình mà không “học hành” cho biết, cho theo kịp với thời đại thì vài năm nữa các mụ về, mình thành ra lạc hậu, bị coi khinh cho.
- Chứ chả không à. Một vài gã lên tiếng đồng tình. Cả đám lại ồn lên đủ thứ chuyện về cuộc sống bên “trời tây”- những chuyện họ được nghe kể hoặc là họ tưởng tượng ra từ những bộ phim trên truyền hình. Nói về nơi xa xôi chán, họ nói ngay về những thú ăn chơi đang thịnh hành trên tỉnh. Những anh nào nhạy bén và dạn dĩ đã từng trải qua các món ăn chơi tha hồ được dịp phô bày hiểu biết để tỏ vẻ thời thượng. Những kẻ khác ngồi nghe, mắt trố ra, có kẻ nuốt nước bọt một cách vô thức.
Bính là một trong những kẻ ngồi nghe như thế.
Nhưng đấy là chuyện xưa rồi. Bây giờ thì không còn có thằng đàn ông nào trong xóm đàn ông đã không có vài chục lần kinh nghiệm về những chốn ăn chơi thời thượng. Xoàng xĩnh và bét-den nhất là ở quán Thanh Thảo, còn thì phần đông đã biết hết các ngõ ngách trên thị trấn. Trường hợp của Bính là tại Chiến cứ lôi kéo. Chiến đi xe máy đến tận nhà, gần như là ép buộc bắt Bính phải ngồi lên xe của Chiến rồi cứ thế đưa Bính đến quán Thanh Thảo. Bính thấy nể quá nên đành theo, tự nhủ chỉ có lần ấy thôi. Nhưng chẳng hiểu vì sao từ sau cái lần đầu tiên ấy, không phải là Chiến đến nài nỉ mà là tự đôi chân Bính dẫn xác Bính đi. Có lẽ vì Bính hiền, thật thà, chất phác nên được chủ quán Thanh Thảo đặc biệt có thiện cảm. Đám con gái tiếp viên giời đánh, trong lúc rỗi việc vì bà chủ đang bận tiếp Bính ở trong, chúng bắc ghế ngồi chỏm chọc ở trước cửa quán, rúc rích với nhau rằng bà chủ thích nhất Bính là vì Bính có tấm lưng to như tấm phản, có bộ ngực bóng nhẫy nở múi như trái núi và vì… chúng phá ra cười sằng sặc… Một ả giơ nắm đấm ra dứ dứ rồi ôm bụng lăn lộn.
Rõ là đĩ thõa. Tiếng cười của mấy ả “cave” (bây giờ chả cần lịch sự gọi bọn họ là nhân viên nữa, vì cả xóm, cả làng đã biết đấy là cave) vang vào cả căn phòng rèm hồng diêm dúa. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì với những người ở trong đó vì có thể họ còn không cả nghe thấy. Lúc này…  
Bính đã đang no nê, nằm duỗi chân thẳng cẳng, thở phì phò. Mụ chủ quán cũng dạng háng, ngửa cái bụng chềnh ềnh lên trần nhà, hai mắt lim dim mà mặt còn đỏ ửng. Mụ mơ màng. Đã bao nhiêu chục thằng đàn ông từng nằm trên cái bụng của mụ nhưng chưa thằng nào làm mụ “phê” như “anh ấy”. Đúng là của trời cho. Có lẽ là trời thương mụ, chẳng cho mụ hưởng cái tình ái ân chồng vợ được. Suốt bấy nhiêu năm chịu thân gái góa mụ phải đi mót tình của bất kỳ thằng đàn ông lang chạ nào, phần lớn lấm la lấm lét, vội vội vàng vàng như chuột nhắt ăn vụng làm cho mụ chỉ thấy ngứa thêm. Nhiều đêm nằm mụ trằn trọc nghĩ uổng phí cho cái số hồng nhan của mình, nào ngờ đến gần chót đời còn gặp được tri kỷ.
Mụ chủ quán lồm cồm bò dậy, chui đầu vào cái váy màu tím Huế. Mụ lê đôi dép gỗ lạch cạch ra nhà ngoài, pha một cốc sữa nóng mang vào, bưng bằng cả hai tay đưa cho Bính kèm cái nhìn lúng liếng. Bính trườn người ngồi dậy dựa lưng vào thành giường bình thản đỡ lấy cốc sữa như một ông chủ thực thụ. Vì Bính đã quen với cảnh  này lắm. Lần đầu tiên, Bính cứ thấy ngượng ngùng, tay bưng sữa còn run run như đứa trẻ, nhưng bây giờ thì Bính đã thạo lắm. Mụ chủ sà xuống bên cạnh Bính, mắt lúng liếng liếc Bính tình tứ, bàn tay gân guốc với bộ móng dài loằng ngoằng đỏ choét rờ rờ ngực Bính. Bính vẫn bình thản, mặt chẳng hề đổi sắc như thể đó là điều tự nhiên vô cùng.
Đồng hồ điểm lanh canh. Bính lơ đãng nhìn lên. Thôi chết, đã sáu giờ tối. Bính nhớ tới thằng con trai ở nhà. Dù gì cũng phải về  ăn cơm với nó, đợi cho nó ngủ rồi thì Bính mới lại lên đây được. Cách có vài cây số chứ nhiều nhặn gì. Bình thường Bính đi bộ cũng chỉ mất khoảng nửa tiếng. Bây giờ lại có xe máy thì càng tiện. Bính rẽ qua chợ mua nửa cân giò về rim mặn cho thằng Bin ăn dần.
Thằng con không có nhà. Cửa cổng, cửa nhà vẫn đóng im ỉm như chưa bao giờ được mở. Bính tức điên lên. Hóa ra Bính lo thừa, Bính cứ tưởng nó phải đang ở nhà bồn chồn mong ngóng đợi bố về, hóa ra Bính còn về trước nó. Chỉ có con chó vàng gầy còm nhom  thấy có tiếng động, ngửi biết hơi của chủ nên lọ dọ đi từ trong bếp ra. Nhưng nó cũng chẳng còn đủ sức quấn lấy chân Bính đòi ăn mà chỉ đứng ở cửa bếp, ngước đôi mắt đã mờ đi vì đói nhìn Bính tha thiết. Bính bắt gặp ánh mắt của nó, chợt nhớ ra rằng đã lâu lắm Bính không đổ cơm cho nó ăn, không biết thằng Bin có nhớ cho không mà để nó đến mức thế kia. Đúng là con cái ăn hại, có mỗi cái việc ấy. Mà cả cái con chó nhà Bính cũng ngu ngốc nốt. Bính nhớ dạo trước kia, nhà Bính ngày nào cũng có mấy con chó quẩn quanh chầu chực tranh cơm của con Ních, là đám chó của mấy nhà bên cạnh, vì những ông chủ mải chơi quên cho ăn, chúng đói, thế mà chúng không chịu đói, biết tìm sang nhà Bính. Dạo ấy Bính nhìn chúng thấy thương, hôm nào còn cơm nguội là Bính vét hết đổ cho chúng thỏa sức tranh giành nhau, có con còn cắn nhau chí chết. Đằng này, chó nhà mình, đói mà không biết đi mà kiếm ăn. Rõ là đụt.
Thực ra Bính không biết rằng, trong vòng bán kính cái xóm này, đã từ lâu chẳng nhà nào còn cho chó ăn đúng bữa. Đã có vài con chó mất tích, không biết chúng chết đói ở xó xỉnh nào, hay là chúng bỏ xứ đi kiếm ăn ở nơi khác.
Bính định cọ nồi nấu cơm. Thì đã về đến nhà rỗi thì đành đợi thằng con về vậy. Cũng nên nấu cho nó bữa cơm. Nhưng khi mở vung nồi ra, mùi cơm thiu xộc lên mũi làm Bính tởm lợm. Trong nồi không phải là cơm mà là một thảm rêu đủ màu xanh đỏ tím vàng bẩn thỉu. Bính chun mũi, lấy chân đẩy cái nồi cơm điện vào góc nhà, lại tức điên lên. Thằng con trời đánh. Lần này nó về Bính phải dần cho nó một trận. Nhưng nó vẫn chưa về. Đã sáu giờ ba mươi. Bính loanh quanh, hậm hực, tí nữa thì giẫm bẹp con chó vẫn đang nằm một đống ở cửa bếp. Ngẫm nghĩ thế nào, chắc chẳng đành lòng nhìn nó như thế, Bính vác cái lõi nồi cơm điện mang ra sân, đổ tất cả cơm thiu thành một đống trước mõm con chó đang thiêm thiếp rồi tiện tay quẳng luôn cái lõi nồi vào góc bếp. Con Ních mở mắt, lờ đờ nhìn đống cơm, cái thân nó nhúc nhích lê sát lên một chút cho đủ gần để không cần đứng dậy cái lưỡi nó cũng quờ quạng được cơm. Nhưng mà nó không nuốt nổi. Dù là chó, dù đang đói gần chết nó cũng không thể nuốt vào bụng cái đống trước mặt. Nó vẫn nằm nguyên một chỗ, quay mặt đi để khỏi chạm vào cái đống cơm trước mặt. Bính nhìn mà ngứa cả mắt, không lẽ lại đá cho nó một cái để nó biến đi cho khuất mắt. Đồ chó má. 
Cuối cùng thì thằng con Bính cũng về. Trời đã tối hẳn. Nó vội vã lếch thếch, quần áo xộc xệch, cái cặp sách to tướng trễ sau lưng xuống gần cạp quần. Đến cổng, thấy điện trong nhà sáng, nó đứng khựng lại, định thần rồi rón rén đi vào. Nhìn thấy Bính đang nằm ườn ra xem tivi, nó ngập ngừng, nhưng dù thế nào thì nó vẫn phải bước chân qua cửa và lí nhí chào Bính:
- Bố ạ.
Bính nhỏm ngay dậy, máu nóng dồn hết lên mặt:
- Mày đi đâu đến bây giờ mới về, hả?
Thằng Bin co ro, hai ngón chân cái di di vào nhau.
- Mày đi đâu bây giờ mới về, hả?
Thằng Bin co ro, hai ngón chân cái di di vào nhau.
- Mày đi đâu bây giờ mới về?. Bính gầm lên.
- Con… Thằng bé sợ hãi, run lập cập.
- Bốp. - Bính chồm tới, thẳng tay cho nó một cái tát trời giáng vào má làm nó quay lơ từ đằng trước ra đằng sau, ngã ngồi xuống. Nhưng nó không khóc. Có lẽ nó không dám khóc, hoặc là nó còn choáng váng nên chưa khóc được. Nó lấy hai tay ôm mặt, ngồi chết dí như đống rạ nát.
- Mày còn ngồi chết dí ở đấy hả? Có lẽ nỗi hậm hực được trút cả vào cái tát đã vơi đi, lương tâm người bố thoi thóp thở trong Bính, hắn thấy hơi ân hận, giọng chùng xuống: - Đi pha mì tôm mà ăn. Lần sau mày cứ thế…
Bính gầm gừ dọa nạt, mắt gườm gườm nhìn thằng con rồi quay về giường, nằm lăn ra xem tivi. 
Thằng Bin lún cún gượng gậy, đưa tay quệt má lau những giọt nước mắt vừa rơi ra. Nó cũng chẳng thiết ăn, vào buồng nằm ngủ luôn. Nhưng nó không ngủ ngay được. Nước mắt bây giờ mới trào ra nhòe nhoẹt. Nó trở mình nằm sấp, vùi mặt vào dưới gối tránh những tiếng nức nở. Nhưng càng cố kìm nén thì nước mắt càng tuôn ra như suối. Người nó rung lên bần bật trong sự nghẹn ngào, tức tưởi. Nó muốn gào to lên. Nó nhớ mẹ. Nó thấy cô đơn quá thể. Đã từ mấy tuần nay nó vất va vất vưởng. Bố nó vắng nhà suốt, có khi đến bữa cũng chẳng về ăn cơm. Nó đã đủ lớn để biết cắm nồi cơm điện, nhưng chưa biết đi chợ. Bố nó thường mua cả cân thịt về, xắt khúc ra cho vào nồi kho để ăn dần, để có hôm nào bố nó về muộn thì cũng không phải lo cho nó. Nhưng có hôm hết thịt, nó cắm cơm để đấy, đợi bố mua thức ăn về. Đợi đến lúc nó ngủ quên mất, khi bừng tỉnh dậy đã muộn giờ học, nó cuống cuồng chạy mà chẳng kịp ăn. Ngồi trong lớp học, bụng nó sôi ùng ục, đến cuối giờ thì nó như người sắp đói lả, lê lết thất thểu mãi mới về đến nhà, thấy cửa vẫn đóng im ỉm… Nó lủi thà lủi thủi, loanh quanh nằm hết góc nọ đến góc kia đợi cho đến sáu, bảy giờ tối mới nghe thấy tiếng xe máy phành phạch của bố nó. Nhiều hôm như thế, nó không còn muốn về nhà nữa. Hết giờ học, nó theo bọn thằng Vui đi chơi điện tử. Mới đầu, nó không biết chơi, cũng chẳng có tiền, chỉ ngồi xem. Nhưng được thằng Vui nhiệt tình chỉ bảo, nó thạo, đâm ra mê. Thằng Vui là bạn tốt, nó trả tiền cho Bin chơi. Nó thương Bin vì Bin cũng giống nó. Mẹ Vui đi từ trước khi mẹ Bin đi 6 tháng. Bố nó ở nhà bán bò, bán ruộng rồi cũng bỏ bê tất, đến mùa thì thuê người cày, bừa, cấy, xong cứ để đấy cho lúa tự lớn, sống chết không cần biết. Vui không còn phải đi chăn bò nữa, em gái nó còn nhỏ đã được ông bà nội đón về nuôi. Suốt ngày nó lang thang cùng bọn trẻ trong xóm, phần đông giống như nó và Bin. Nó thương Bin vì thấy Bin nhút nhát, cứ củ lần củ lần trong khi phần lớn những đứa khác đều ngỗ nghịch, còn thường xuyên bắt nạt Bin. Tự nó cảm thấy có trách nhiệm phải bảo vệ Bin, bao bọc Bin. Những lúc biết Bin đói, nó còn mua bánh mì hay bim bim cho Bin ăn. Nó chẳng bao giờ so đo gì khi trả tiền chơi điện tử hay mua đồ cho Bin ăn như thế.
Bin nghĩ về Vui, thấy lòng ấm lại. Nước mắt nó cạn khô từ lúc nào. Hôm nay Vui cũng hết tiền. Lớp học lại được nghỉ sớm vì cô giáo bận. Ra khỏi cổng trường, hai thằng buồn thiu không biết đi đâu. Bin lấm lét nhìn vẻ mặt của Vui, thấy thương bạn. Nó biết trong túi nó đang có năm mươi ngàn đồng tiền đóng học, vừa hôm qua nó xin bố nhưng hôm nay cô giáo vội chưa kịp thu. Nó muốn trả ơn bạn vì những ngày qua Vui đã cho nó ăn, cho chơi, còn dang tay che chở nó khỏi bị bọn xóm Ga bắt nạt. Hôm ấy Vui làm cho bọn xóm Ga phải kiềng, nhưng chính Vui cũng bị trúng một hòn đá vào trán chảy máu, mấy hôm sau còn sưng vù húp cả một bên mắt phải. Đắn đo mãi, đi đến đoạn gần quán điện tử, Bin ấp úng quay sang Vui: Anh Vui, em có tiền.
Vui không nghe thấy, nó kéo lê đôi dép, tay vung vẩy bước từng bước chán chường. Bin mạnh dạn hơn, nó cố gắng nói to hơn.
- Anh Vui, em có tiền.
- Cái gì á? Mày có tiền à? Vui dừng lại, mắt sáng lên nhìn Bin.
- Vâng, em có năm mươi nghìn.
- Ôi dào, Vui nhăn mặt. Tiền đóng học chứ gì.
- Không, tiền của em. - Tự nhiên Bin biết nói dối. -  Bố em cho em ăn quà.
- Thật không? Mày đừng có nói điêu. - Vui trợn mắt nhìn Bin dọa nạt.
- Thật. Anh không tin em à? - Bin càng lúc càng cứng cỏi. Nó vội vã mở cặp sách moi ra những đồng mười nghìn nhàu nhĩ đưa cho Vui.
- Đây, anh xem.
- Thế còn tiền đóng học đâu? - Vui ngờ vực.
- À… - Bin ấp úng. - Bố em đã đóng trực tiếp cho cô giáo từ hôm đi họp phụ huynh rồi.
Bin nói xong, ngạc nhiên với chính mình vì không ngờ lại nhanh trí đến thế. Cũng bởi từ đầu năm lớp nó có chuyện một số đứa tiêu hết cả tiền học phí không có tiền đóng cho cô giáo, đến khi nhà trường thông báo về nhà, nhiều ông bố bà mẹ không còn tin tưởng con cái, không đưa tiền cho chúng mà trực tiếp đem nộp cho cô giáo. Thật may điều đó đã giúp cho Bin một bàn thua. Vui vẫn nửa tin nửa ngờ:
- Sao tự nhiên bố mày lại cho mày tiền?
- Vì mẹ em vừa gửi tiền về. Lần nào mẹ em gửi tiền về bố em cũng cho em năm mươi nghìn.
Bin càng nói dối càng dẻo. Lần gần đây nhất mẹ Bin gửi tiền về cách đây một tháng nhưng bố có cho Bin đồng nào. Bin nhớ mãi lần đầu tiên, là vì mẹ đã ghi dặn bố trong thư nên bố biếu ông bà nội, bác bên ngoại mỗi người năm trăm ngàn đồng, cho Bin năm mươi nghìn đồng. Chỉ có duy nhất một lần ấy. Bin đã cất kỹ số tiền, nhưng thỉnh thoảng thèm kẹo cao su, thèm bim bim, không kìm lòng được đành phá ra mua kẹo, dần dần hết lúc nào không biết. Hôm cầm đồng một nghìn cuối cùng, Bin tiếc ngẩn ngơ, cảm giác như vừa bị mất cắp một tài sản to lớn, nhưng Bin hy vọng những lần sau mẹ gửi tiền về bố sẽ lại cho Bin, nhưng cuối cùng Bin đã thất vọng, bố không bao giờ cho Bin thêm đồng nào nữa.  
Nghe Bin nói quả quyết, tin Bin là đứa thật thà không biết nói dối, Vui cầm tiền Bin đưa cho, lật qua lật lại xem, cũng chẳng biết là xem cái gì. Ngẫm nghĩ một lúc, Vui đưa trả tiền cho Bin:
- Này, mày cầm lấy. Vào chơi điện tử đi. Lúc nào về thì mày trả tiền.
Bin đã có một buổi chơi vô cùng say mê. Có lẽ cái cảm giác chơi bằng tiền của mình làm cho Bin thấy phấn khởi và tự tin. Bin quên cả thời gian, cho đến khi Vui phải nhắc về thì trời đã tối mịt.
Lúc bước ra khỏi quán Bin rất đói. Đến bây giờ vẫn đói. Thỉnh thoảng bụng lại sôi lên ùng ục. Lúc trưa đi học Bin ăn một gói mì tôm. Từ lâu rồi Bin ăn mì tôm thường xuyên, ăn nhiều thành chán, đến mức sợ. Trước kia Bin không thể tưởng tượng đến một ngày lại có thể chán mì tôm, vì lần đầu tiên ăn nó, Bin thấy đó là món ăn ngon nhất trên đời và Bin đã nghĩ có cho Bin ăn mì tôm cả đời cũng được. Vậy mà bây giờ, có hôm nhắm mắt cho đũa mì vào miệng, Bin tí nữa nôn. Ngồi trong lớp học vẫn còn thấy mùi mì nóng ợ lên tận cổ. Bây giờ, lúc này, Bin ước gì được ăn bữa cơm với canh cua mẹ vẫn nấu, hoặc là cơm canh rau muống với cà pháo. Nghĩ đến đó nước dãi Bin tứa ra, bụng lại réo sôi ùng ục. Bin trở mình nằm sấp, nhắm mắt, mặc kệ cho nước mắt trào ra ràn rụa. Cứ thế, Bin chìm vào giấc ngủ.  

Trong vòng bốn ngày đã có hai sự kiện xảy ra ở xóm đàn ông. Sự kiện thứ nhất, xảy ra hôm đầu tuần, đó là công an xã bắt quả tang vụ đánh bạc ở nhà Thêm. Từ lâu, chiếu bạc ở nhà Chiến đã tự tan rã. Vì lí do “tế nhị”. Chiến cứ vắng nhà suốt hoặc là đóng cổng từ sớm. Mà chả cần đóng cổng, anh nào đi vào thoáng thấy có bóng đàn bà ở trong nhà Chiến cũng biết thân tự mà đi về. Từ đó đám đàn ông vắng vợ chuyển sang tụ tập ở nhà Thêm - Tuy không được đông như trước nữa nhưng hôm nào cũng đủ ít nhất một chiếu. Hôm ấy may thế nào chỉ có sáu người, số tiền lại chẳng đáng là bao nên tất cả chỉ bị gọi lên trụ sở công an xã viết bản kiểm điểm, nộp phạt hành chính. Nhưng mà công an đe: nếu lần sau còn tái phạm và số tiền nhiều hơn thì sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Chỉ thế thôi nhưng cũng là chuyện được bàn tán xôn xao mấy ngày sau đó.
Sự kiện thứ hai, người nhà của vợ Tứ từ bên kia sông kéo sang khủng bố tinh thần Tứ, cảnh cáo anh ta liệu mà còn bén mảng đến những “động quỷ” trên thị trấn thì sẽ xử lý.. Ngay từ sáng sớm, cả xóm đã bị đánh thức bởi tiếng động cơ xe gầm gào đầy phẫn nộ chạy vào xóm. Nhiều người còn chưa muốn trèo ra khỏi giường thì đã nghe những tiếng xoe xóe, choe chóe ồn lên. Tất cả chạy đổ dồn ra đường về phía có tiếng la hét. Trong nhà Tứ, gần chục người cả đàn ông, đàn bà, trẻ con đang vây lấy Tứ mà xỉa xói, nhiếc móc, đe dọa. Đứa con gái của Tứ xộc xệch trong chiếc áo hoa nhem nhuốc ngồi xổm ở bậc cửa, mặt lem nhem nước mắt lẫn nước mũi. Chỉ qua lời đay nghiến ngoa ngoắt của bà chị vợ Tứ, ai cũng hiểu ngay ra đầu đuôi câu chuyện. Là người nhà vợ Tứ nghe biết chuyện đàn ông ở xóm đàn ông đổ đốn đã bí mật cho người theo dõi Tứ, thấy Tứ vài lần đi vào một quán karaoke trên thị trấn nên đã nổi tam bành lên.
- Cái loại người như mày, không báu bở gì mà chúng tao phải giữ, nhưng chúng tao không thể nhắm mắt làm ngơ để cho mày mang tiền mà em gái tao phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được cho mấy con đĩ.
Chị gái vợ của Tứ nhảy lên, xỉa tay vào mặt Tứ căm hờn.
- Ngày mai tao sẽ gửi thư cho con Lan, kể hết mọi chuyện để nó không gửi tiền về nữa xem mày có còn đến đó được không. Xem mày cứ thử vác cái… không đến thì nó có đon đả với mày không.
Tứ ngồi ở ghế, im thin thít, mặt ngẩn ra. Không ai biết được lúc ấy anh ta đang nghĩ gì.
Đám người kia, sau một hồi chừng đã trút hết được cơn căm hờn và tự yên trí rằng Tứ đã “vãi linh hồn”, “có thách kẹo cũng chẳng dám nữa” thì lục tục trèo lên xe kéo nhau đi.
Đàn ông, trẻ con trong xóm cũng lục tục ai về nhà nấy. Xóm đàn ông trở về với vẻ yên tĩnh thường ngày.
Buổi tối hôm đó, cả xóm đàn ông nhà ai cũng sáng đèn. Nếu ai tọc mạch đi một vòng sẽ thấy nhà nào cũng đầm ấm quanh mâm cơm. Dù mâm cơm chỉ có hai người, hoặc là ba nhưng cũng có mâm có bát, được bày ra bàn hoặc trải chiếu đàng hoàng. Một ông bố với những đứa con, thỉnh thoảng mới nói với nhau một vài câu, còn thì cứ cắm cúi ăn. Cái cảnh hạnh phúc giản dị ấy, có đứa bé đã từ lâu lắm mới lại được hưởng.  
Cu Bin ngồi và cơm ngon lành. Bữa cơm có đậu rán, thịt luộc, dưa chua. Nó nhai phồng mang, thấy miếng dưa quện với thịt vừa mát, vừa ngọt vào tận trong dạ dày. Nhưng nó nuốt cơm mà vẫn lo canh cánh. Nó tiêu hết tiền đóng học rồi, cô giáo đã nhắc tên trước lớp, hạn cuối tuần này phải nộp không thì cô sẽ viết giấy về cho gia đình. Lúc nghe thế mặt Bin tái mét, cúi gằm xuống không dám liếc về phía Vui, lòng dạ hoang mang không biết sẽ xoay xở ra sao.
- Sao mày nói dối tao, hở?
Lúc về, Vui chạy đuổi kịp Bin, huých cặp sách vào người nó.
- Em… Bin ấp úng, mặt vẫn cúi gằm.
Vui độ lượng như người lớn:
- Bây giờ đã vậy rồi, mày định làm thế nào?
- …
Im lặng. Hai thằng bé đi bên nhau, bước chân vô định, lòng nặng trĩu.
- Bố… Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, Bin cả gan lên tiếng.
- Cái gì, Bính cắm cúi và cơm, không để ý đến vẻ mặt rúm ró tội nghiệp của con.
- Con… con…
- Cái gì thì nói luôn ra xem nào, ấp a ấp úng như ngậm hạt thị. Bính cáu.
- Con… con đánh mất tiền học rồi ạ. Bin nín thở, người run lên.
- Hả? Bính ngừng nhai, trợn mắt nhìn con.
- Con để trong cặp mà không biết đâu mất. Bin run run. Hôm con mang tiền đi nộp thì cô giáo bận, đến hôm sau mới thu, nhưng mà hôm sau con giở sách ra thì không thấy tiền đâu nữa.
- Con với cái, đồ ngu. Bính gầm lên. Nhưng vì đầu óc Bính đang lan man tận đâu đâu nên Bính không biết tiếp theo sẽ mắng con như thế nào nữa. Thế hóa ra lại may cho cu Bin. 
Đêm hôm ấy Bính trằn trọc suốt. Không phải vì chuyện thằng Bin đánh mất tiền mà là câu chuyện ban sáng ở nhà Tứ làm Bính nghĩ ngợi. Cái chuyện Bính là khách quen của quán Thanh Thảo không hiểu bằng cách nào đã bị bố mẹ Bính biết. Hôm kia, ông bà đã gọi Bính đến mắng cho một trận. Mọi người không đe sẽ mách với vợ Bính, nhưng báo trước, chuyện tai vách mạch rừng, vợ Bính nó mà biết thì cứ liệu thần hồn.
Lâu lắm Bính mới lại nhớ đến vợ, người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó. Khi Bính làm đám cưới với thị, đám thanh niên làng mắt tròn mắt dẹt, phục Bính giỏi. Thị Liễu người làng bên, nhà nghèo, cha mẹ già đã đi hết cả, có một ông anh trai đã lấy vợ sinh con nhưng lại đổ đốn, rượu chè cờ bạc làm tan cửa nát nhà. Ngày mùa, thị thường đến làng Bính gặt thuê, rồi mon men thế nào xin được ông cai xây dựng cho đi phụ hồ. Vậy nên thị như người làng Chiêm một nửa, thanh niên làng Chiêm ai cũng biết thị và cũng đã có kẻ định lăm le tán tỉnh vì thấy thị có vẻ ngoan ngoãn, trông lại sạch sẽ, khỏe mạnh. Nhưng Thị Liễu biết thân biết phận, cứ cúi đầu đi. Rồi đùng một cái có đám cưới của thị với Bính. Cả làng ngớ ra, đám thanh niên ngớ ra, ngoài miệng đùa cợt dè bỉu nhưng trong lòng không còn coi thường Bính như trước nữa. “Cái thằng, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi”. Cũng không ít người thương cho thị, người như hoa thế mà vớ phải cái thằng củ lẩn cù lần, cục mà cục mịch, cả tuần cả tháng chẳng nói được một câu. Nhưng không ai biết cũng chính nhìn vào cái vẻ cục mịch hiền lành của Bính nên Liễu mới quyết định “chọn mặt gửi vàng”, bởi Liễu tin rằng, người như Bính sẽ không bao giờ biết cờ bạc, trai gái, rượu chè, không bao giờ phải làm cho Liễu khổ như chị dâu của Liễu.
Cuộc sống của vợ chồng Bính đã trôi qua êm đềm như mặt nước sông Cà Lồ mùa thu. Bính không phải nghĩ ngợi gì, hài lòng vô cùng với cảnh chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, với những bữa cơm đạm bạc có khi chỉ có rau muống với cà pháo. Bính ngỡ cuộc sống sẽ cứ như thế êm đềm trôi đi mãi. Nào ngờ lại có ngày hôm nay…
Cả ngày hôm sau Bính ở nhà nằm ôm lấy cái tivi. Bính muốn sửa đổi. Ngẫm cho kỹ, mụ chủ quán Thanh Thảo làm sao so được với vợ Bính. Mụ già hơn Bính cả chục tuổi, và cái mặt của mụ, nhìn thoang thoáng thì còn đỡ, chứ nhìn gần Bính muốn nôn vì cặp môi dày như con đỉa no, đỏ choen choét như máu, da mặt mụ bì bì như da lợn sề, lại lỗ chỗ lam nham mấy tầng phấn. Nhưng mà còn cái khoản ấy… mặt Bính đỏ lên, người rạo rực. Cái bàn tay ma quái của mụ… nó lại đang rờ rẫm làm Bính cong người lên, thở hổn hển. Bính vội vã nằm sấp, ép chặt người xuống cố nén cơn dục tình đang hừng hực.
Đã được đến ngày thứ ba, Bính quyết tâm không bước chân về phía đằng đầu làng. Ban ngày, hắn ra đồng xem nước nôi ở mấy ruộng lúa đã bị hắn bỏ bẵng từ ngày cấy. Nhìn mà xót xa. Những ruộng lúa không được bỏ phân nên còi cọc, vàng vọt, bông lúa ngắn ngủn loe hoe phất phơ trước gió. Thế này mà vợ Bính ở nhà thì… Trước kia dù cả làng có mất mùa thì ruộng nhà Bính vẫn cứ xanh tốt vì có bàn tay tảo tần của Liễu. Bính thấy ân hận, hùng hục tát nước như để chuộc lỗi. Vũng nước chẳng mấy chốc đã cạn khô, một vài con cá nhảy cuống cuồng. Như trước kia, thể nào Bính cũng phải bắt được bữa đẫy về kho với khế chua. Nhưng mà bây giờ, Bính chẳng còn hứng.
Buổi tối hôm thứ tư, bố con Bính đang ăn cơm thì có khách. Bính ngạc nhiên khi nhìn thấy một ả con gái mắt xanh môi đỏ đỗ xịch xe máy trước sân, õng ẹo bước xuống tự nhiên như không. Cô ả cười tươi quá cỡ khoe hàm răng bàn cuốc:
- Chào anh Hai, dạo này anh Hai bận gì mà chẳng thấy mặt mũi đâu làm bà chủ cứ nhắc suốt.
Bính lúng túng như gà mắc tóc:
- Bà chủ sai em đến xem anh thế nào, hay là bệnh tật gì để chị còn thuốc thang. Vừa nói ả vừa đặt một túi nilông to tướng lên bàn, lôi ra trong đó nào cam, nào lê, táo, sữa…
- Gớm, từ đây ra đấy đáng bao xa, có gì ông anh cũng phải nhắn cho bà chị em một câu chứ. Bả đang ốm tương tư vì ông anh đấy.
Ả nhìn thẳng vào mắt Bính, cặp mắt lúng liếng đĩ thõa làm Bính sởn cả da gà.
- Thôi, thấy ông anh khỏe thế này là em mừng. Em về báo cáo để chị yên tâm. Nhưng anh phải qua sớm không bà chị mong. Em về đây.
Ả bước ra đến cửa còn dừng lại, đưa hai ngón tay về phía Bính vẫy vẫy tình tứ rồi mới ngúng nguẩy ra xe. Cả Bính, cả thằng Bin từ bấy đến giờ cứ trợn tròn mắt mà nhìn màn kịch lạ lùng vừa diễn ra, không hiểu đầu cua tai nheo thế nào.
Bính đứng dậy không ăn cơm nữa. Mụ chủ quán lại làm Bính phải nghĩ ngợi. Bính thấy áy náy khi nhìn đống hoa quả bừa bộn trên bàn. Bính nhớ những cốc sữa nóng ngọt ngào lần đầu tiên Bính được uống từ tay mụ, những món ăn đặc sản mụ chiêu đãi Bính mà nước miếng tự nhiên ứa ra. Bính vẫn nghe bọn đàn ông trong xóm úp úp mở mở đã phải tiêu tốn bao nhiêu tiền cho mỗi lần đến những chỗ mát mẻ ấy, không biết thực hư thế nào, nhưng còn Bính thì chẳng mất gì, còn được thêm. Bính thấy gợn gạo như thể đang mắc nợ mụ chủ quán. Nhưng mà Bính không muốn như thế mãi. Bính sợ. Nhỡ đâu chuyện đến tai vợ Bính. Tốt nhất là nên đến nói với mụ chủ quán một lần cho rõ ràng. Dù sao cũng phải cảm ơn mụ một câu cho phải phép. Bính nghĩ thế.
Bính mặc quần áo lầm lũi đi ra khỏi nhà. Thằng Bin đã đi chơi với bọn trẻ trong xóm. Chắc là nó chỉ loanh quanh đâu đây. Vả lại Bính chỉ đi một lúc là về. Nghĩ thế, Bính không đi gọi thằng Bin, cũng không khóa cửa, chỉ cài then để đấy.
Mụ chủ quán Thanh Thảo nhìn thấy Bính, miệng há ra bối rối, mừng rỡ như bắt được vàng. Chẳng ý tứ ngượng ngập gì, mụ kéo tay lôi xềnh xệch Bính vào nhà trong mặc cho hai ả nhân viên bấm nhau cười rúc rích. Mụ đóng sầm cửa buồng, đẩy Bính ngã ngồi xuống giường rồi sà xuống bên cạnh, tay mơn trớn, mắt lúng liếng:
- Sao lâu thế mới đến. Quên rồi hả. Làm người ta nhớ phát điên.
Bính chẳng biết phản ứng thế nào, chân tay rủn ra vì bàn tay của mụ chủ quán đã kéo tụt quần dài của Bính, bấu vào hai bẹn Bính mà chà xát. Con thú bản năng trong Bính bị đánh thức, Bính quên tất cả.
Không biết là bao nhiêu lâu. Mụ chủ quán dữ dội như một con thú cái làm Bính bải hoải. Còn mụ được thỏa mãn, hớn hở nằm dạng tênh hênh. Nhưng chưa hết, mụ tự cho mình cái quyền được cai quản, sở hữu Bính nên mụ quay sang chất vấn Bính bằng cái giọng mơn trớn, õng ẹo:
- Sao mấy ngày vừa rồi biệt tăm biệt tích thế, hả?
Dù đang mệt bã bượi, câu hỏi của thị cũng lọt vào tai Bính và làm hắn nhớ lại mục đích hôm nay hắn đến đây để làm gì. Hắn định nhân lúc này thì nói luôn với mụ cho xong, nhưng cái cảm giác đê mê vừa rồi làm Bính tiêng tiếc.
- Sao thế hả, trả lời em đi chứ. Hay là định bỏ em hả?
Những tiếng xưng em ngọt xớt của mụ chủ quán dù Bính đã nghe mãi nhưng lần nào cũng vẫn làm Bính ngượng, miệng Bính câm như hến, không thể mở mồm ra cho được.
- Cái con bé nhà quê vợ anh, còn lâu nó mới về, anh sợ gì chứ. Mụ ghé sát vào miệng Bính thủ thỉ. - Hay là anh định bỏ em để lên thị trấn, thế thì anh cứ liệu. Mụ nghiến răng lại, cấu Bính một cái đau điếng.
Bin nằm thao thức đợi bố về. Nó cố chống đỡ với cơn buồn ngủ nhưng hai mắt phản bội lại. Nó ngủ quên, đèn điện để sáng trưng, tivi vẫn nói ra rả.
Mãi trưa hôm sau bố nó vẫn chưa về. Nó chạy sang nhà nội nhưng cả nhà đi vắng hết cả. Nó buồn tiu nghỉu, hơi lo lắng nữa nhưng không biết làm sao. Mãi đến quá trưa nó đành ăn vội bát cơm với thức ăn thừa từ tối hôm trước rồi đi học.
Hôm nay thằng Vui cũng có chuyện gì buồn. Mặt nó lầm lì, đuôi mắt sưng húp. Chắc là nó bị bố đánh. Bin lấm lét nhìn nó, không dám hỏi. Nó cũng chẳng thèm nói với Bin một câu, mãi đến lúc đi học về mới chặn Bin ở cửa lớp bảo:
- Đi chơi với tao đi.
Bin sợ sợ, nó rất muốn nghe lời Vui nhưng lại nhớ đến bố:
- Nhưng mà em phải về qua nhà xem bố em về chưa đã. Bố em đi đâu từ tối hôm qua.
- Làm gì phải xem. Vui khinh khỉnh. Mày không biết ông ấy đi đâu à? Sao mà “ếch” thế. Ông ấy đi với mấy con “cave” chứ còn đi đâu.
- Cái gì cave hả anh? Bin ngơ ngác.
- Ôi dào, nói với mày thì được cái gì. Thôi, mày không theo tao thì về nhà đi cũng được.  Vui tỏ vẻ mệt mỏi, bước đi không thèm nhìn Bin.
Đã lâu, xóm đàn ông không còn ồn ã chuyện nhà nọ nhà kia nhận được tiền từ những bà vợ gửi về. Có lẽ chuyện ấy đã trở thành bình thường. Một số gia đình, sau khi số nợ được trả hết, số lần gửi tiền của các bà vợ cũng thưa dần. Có vài người, vì lâu vợ không gửi tiền về, bí bách quá phải viết thư sang giục, đến khi nhận được tiền rồi lại hớn hở lê la quán phở, quán bia, cờ bạc, lòng yên tâm vô cùng về cái máy in tiền bên đất khách xứ người mà chẳng mảy may nghĩ đến điều gì khác. Còn nhà Bính thì từ ba tháng nay không thấy động tĩnh gì, cả thư từ, tin tức cũng không có. Nhưng Bính không lấy thế làm sốt ruột vì Bính đã trả nợ xong. Còn Bính thì chẳng phải chi tiêu gì. Từ ngày nối lại quan hệ với chủ quán Thanh Thảo, Bính còn được thêm. Được ăn, được mặc, được mụ chủ quán đưa đi đổi gió ở các nơi ăn chơi trên tỉnh. Đặc biệt từ khi Bính biết đi xe máy, biết mặc quần bò, áo phông nửa đen nửa trắng in hình ngôi sao ca nhạc ngoại quốc có hàm răng trắng nhởn, Bính đã trở thành tài xế trung thành của mụ chủ quán. Bính cũng chẳng ngại ngần hoặc phải trốn chui nhủi giấu giếm thiên hạ như trước kia. Bính bạo dạn đến mức có lúc nghĩ lại chính bản thân Bính cũng phải ngạc nhiên. Vì Bính đã thông suốt là chẳng có gì phải lo. Ông anh vợ ở xa, lại rách nát, nghèo khó chẳng bao giờ bước chân đi đâu ra khỏi làng mà biết chuyện, còn bố mẹ đẻ thì Bính cứ cho nói chán khắc phải thôi. Còn vợ của Bính, mụ chủ quán đã hứa khi nào Liễu về sẽ trả lại Bính nguyên vẹn cho thị, trả ngay chẳng khó dễ gì. Mụ phân tích rành mạch cho Bính: Nếu có thằng nào con nào tọc mạch ăn không ngồi rồi rỗi hơi viết thư kể cho vợ anh thì liệu nó có bỏ việc mà bay ngay được từ bên ấy về bên này mà xem thực hư ra sao không? Còn lúc nó về nước à, mọi chuyện đã xong rồi. Thế nên anh làm gì phải lo.
Bính nghe xuôi tai. Lời của mụ chủ quán đã khai thông tư tưởng cho hắn, để hắn thấy thực ra hắn không có lỗi với vợ lớn lắm. Dù gì như hắn là còn ngoan. Vì hắn chẳng vì thế mà tiêu tốn đồng xu nào của thị.
Dạo trước Bính còn thỉnh thoảng đảo qua nhà. Nhưng hầu như lần nào cũng không gặp được thằng con trời đánh. Bính đoán chắc là nó ở nhà một mình buồn nên đi chơi đâu đó với lũ trẻ con hàng xóm. Việc ấy chẳng có gì phải lo. Trẻ con ở nông thôn, phần nhiều cứ tự lớn như đám cỏ hoang dại, cứ vứt lăn vứt lóc mà lại khỏe. Gạo nhà có sẵn, Bính sát một nồi thì mình nó ăn cả vài tháng. Bính chỉ việc mang về cho nó ít thức ăn sẵn, có thể để lâu như giò, chả rồi để đấy. Nó về thấy khắc biết là Bính đã về nhà. Con Ních thì chết rồi. Hôm Bính về buổi nhập nhoạng, mở cửa bếp đi vào cất thức ăn đá ngay phải nó nằm còng queo từ bao giờ, bên cạnh nó là một đống nôn mửa đã se mặt, nhìn kỹ thì toàn cỏ dại lẫn với dớt dãi.   
Bính không hề biết rằng những lúc Bính nghĩ Bin đang chơi với bọn trẻ con hàng xóm thì thực ra là Bin đang ngồi chúi mũi vào màn hình trò chơi điện tử. Bin chơi mải mê không biết chán, vì bây giờ với Bin đó là tất cả cuộc sống. Nếu không ngồi ở quán điện tử, Bin không biết làm gì, đi đâu. Bọn trẻ trong xóm giờ Bin chỉ chơi thân với Vui, nhưng Vui đã bỏ nhà đi từ cả tuần nay không thấy về. Vui bỏ đi sau hôm bị một trận đòn thừa sống thiếu chết vì ăn trộm tiền của bố nó trả nợ tiền chơi điện tử. Nó đi mà không nói với Bin câu nào làm Bin thấy chơ vơ, lạc lõng, hụt hẫng. Không có Vui ở nhà nữa, nhưng Bin theo thói quen vẫn bước chân đến quán điện tử sau khi tan học. Tiền để chơi thì nó nhặt nhạnh ở nhà những gì bán được nó bán. Cái chậu bằng đồng nặng dễ đến chục cân là đồ từ ngày xửa ngày xưa ông bà nội cho mẹ nó, hồi nhà nó ra ở riêng, nó bán từ ngày Vui còn ở nhà, được ba mươi nghìn đồng đã tiêu hết, nó bán đến cái nồi nhỡ nấu cám lợn và cái chậu giặt to, vì những thứ ấy từ lâu chẳng còn được dùng đến đã mốc xanh đỏ bị vứt chỏng chơ trong góc buồng và xó bếp. Nếu bố nó có chợt nhớ ra mà hỏi thì nó cứ việc nói bị mất trộm. Ở làng nó chuyện mất trộm những đồ vật lặt vặt như thế cũng đã không còn là lạ. Nhưng mà nó đã lo thừa, bố nó cứ như chẳng biết rằng nhà nó đã từng có những thứ đó. Nhưng cũng có hôm nó chán chơi, hoặc là nó chơi đến gần kiệt sức, nó lê lết đi về, bước vào căn nhà hoang lạnh, nằm vật ra giường. Bụng nó sôi réo thèm thuồng trong nỗi nhớ mẹ và những bữa cơm rau muống luộc với cà pháo.
Trong lúc Bin đang thất thểu ở đâu đó hoặc nằm ngủ còng queo trên chiếc giường mà bốn góc chiếu đã mốc thếch thì Liễu đang trần lưng ra lau nhà cho chủ. Trước khi đến đây, thị Liễu chưa bao giờ tưởng tượng được rằng lại cần phải nhiều thời gian đến thế để dọn dẹp nhà cửa. Nhà của thị, sáng sớm ra chỉ cần quơ vài nhát chổi là sạch ra đến tận cổng. Có lẽ chả cần đến năm phút. Đến trưa từ đồng về, thị cũng chỉ nhoáng nhoàng vo gạo, rửa rau, bắc cả nồi cơm nồi canh lên bếp, tống rơm rạ vào cháy nỏ đùng đùng, ba mươi phút sau thì xong tất tần tật. Còn chồng thị thì băm bèo, chăn lợn. Đơn giản nhẹ nhàng vô cùng. Vậy mà ở đây, người ta thuê một mình thị chỉ để làm mỗi việc dọn dẹp nhà cửa.
Mất cả tuần đầu tiên thị Liễu mất ngủ. Lạ nước lạ cái, lạ giường chiếu, thêm với nỗi nhớ con và lo lắng việc ở nhà làm thị dù mệt mỏi nhưng cứ thấp thỏm, chập chờn. Những nỗi lo lắng cứ miên man, lộn xộn, từ việc phải bắt đầu công việc ra sao với những đồ vật hiện đại đắt tiền, phải nấu những món ăn như thế nào cho hợp khẩu vị nhà chủ. Cho dù trước khi sang đây thị đã được học qua, nhưng thị vẫn không thể không hồi hộp. Thị đã được nghe nhiều câu chuyện người giúp việc làm hỏng, làm cháy đồ dùng gia đình bị trừ lương, thậm chí còn bị đuổi việc, hoặc là không biết nấu ăn bị nhà chủ phàn nàn với trung tâm yêu cầu thay người khác.
Loanh quanh thế nào, thị lo về thằng Bin, không biết ở nhà bố con xoay xở thế nào, có biết đi chợ mua thức ăn không, rồi mấy sào lúa đang thì con gái, nếu để cạn nước thì cỏ mọc thành rừng, khan quá không đẻ được, coi như hỏng… Hàng trăm mối tơ vò làm thị Liễu có lúc chỉ muốn tìm đường chạy ngay về nhà, nhưng mà làm sao thế được - thị tỉnh ra ngay, đành chỉ tự nhủ cố mà làm lụng một vài năm, tích cóp ít tiền để mang về nhà cho bằng chị bằng em.
Nỗi lo lắng cho bố con cu Bin cũng dần nguôi đi theo năm tháng. Thị may mắn được làm việc cho một nhà chủ tử tế. Cặp vợ chồng trẻ làm ở hai công ty trong cùng thành phố nhưng cứ sáng đi tối về. Ở nhà còn một ông già ốm yếu, bệnh tật hầu như suốt ngày không đi ra khỏi phòng. Nhiệm vụ của Liễu là dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc ông già, nấu bữa ăn tối. Chỉ có ngần ấy. Hôm nhận nhiệm vụ Liễu thầm nghĩ nhàn quá, đâm ra cứ có cảm giác ngượng ngập với số tiền lương hàng tháng, tính ra nhiều gấp mấy lần giá trị số thóc cả hai vụ mùa vợ chồng quần quật làm.
Thị hăm hở thực hiện bổn phận. Và ngay lập tức thị được mở mắt ra. Buổi sáng thị phải dậy sớm, chuẩn bị bữa ăn sáng cho cặp vợ chồng trẻ. Việc đó đơn giản, thị chỉ phải lúng túng vài ngày đầu là có thể làm tốt, kể cả việc pha cà phê mà thị tưởng là rất khó làm thị đã thấy rất run. Nhưng từ khi cặp vợ chồng trẻ ra khỏi nhà là thị bắt đầu xoay như chong chóng. Trước hết là thấp thỏm xem ông già đã dậy chưa, mang nước vào giường rửa mặt mũi mồm miệng cho ông cụ. Ông cụ không đánh răng được nữa, thị phải dùng khăn mặt đưa vào miệng mà lau răng, lau lợi cho ông. Rồi dìu ông cụ đi vệ sinh, rửa ráy sạch sẽ. Sau đó bón cháo cho ông. Chỉ có miệng bằng bát cháo con nhưng có hôm ông ta con cón ăn hết gọn ghẽ, có hôm ông ta lại lầy nhầy mãi cả tiếng. Làm xong phần việc quan trọng ấy, thị đi lau nhà. Ba tầng lầu. Tầng một phòng khách phòng bếp và phòng ở của thị, tầng hai phòng ngủ của vợ chồng chủ và phòng ông cụ, tầng ba một phòng đọc sách và sân thượng. Tất cả đều phải sạch như li như lau mỗi ngày. Việc ấy chiếm của thị nhiều thời gian nhất. Những hôm đầu tiên, khi lau dọn được từ tầng ba xuống đến tầng một, người thị bã ra, thở hổn hển còn hơn vừa gánh một gánh lúa nặng từ cách đồng Mèn về nhà. Lau dọn xong thì giặt quần áo, rồi chuẩn bị bữa trưa cho ông cụ, lại bón cho ông ăn. Rồi thị cũng tranh thủ ăn, tranh thủ chợp mắt một chút để buổi chiều đi chợ, tắm rửa thay quần áo cho ông cụ, thu dọn quần áo giặt ban sáng, là ủi, gấp gọn gàng, xong rồi chuẩn bị bữa tối, bón cho ông cụ ăn trước…
Ngần ấy việc, thị luôn tay luôn chân. Mất một tuần thị lúng túng với những vật dụng hiện đại làm cho thị cuống lên, may mà không bị hỏng hóc cái gì. Sau rồi thị cũng quen dần, và thị tính toán để giảm bớt việc nhà, ví dụ như khi lau nhà thì bỏ qua căn phòng của thị để đỡ được một ít thời gian và công sức, cả căn phòng của ông cụ cũng chỉ thỉnh thoảng tuần một hai lần. Thời gian rảnh ra, thị học hỏi cách chế biến các món ăn Đài Loan phức tạp để làm vừa lòng ông bà chủ trẻ.
Nỗi lo lắng cho bố con cu Bin cũng dần nguôi đi theo năm tháng. Nhưng khi đã quen việc, không còn phải cuống cuồng lên hoặc thấp tha thấp thỏm chạy đua với thời gian cho tươm tất bổn phận, khi đã có một chút thời gian rỗi, thị đâm ra thỉnh thoảng hay buồn. Thị bất chợt thấy cô đơn. Thị nhớ nhà, nhớ cái xóm làng vất vả lam lũ nhưng đầm ấm thân thiết của thị. Thị thèm được nói chuyện với một ai đó. Xung quanh nhà thị, có mỗi thị là người Việt, thị có muốn nói chuyện cũng không biết nói với ai, cả ngày chỉ bập bẹ một vài câu tiếng Đài Loan ngọng nghịu.
- Xin chào. Đó là câu đầu tiên thị nói trong ngày khi gặp ông bà chủ từ trong phòng ngủ đi xuống phòng ăn chuẩn bị điểm tâm.
- Chào. Ông bà chủ của thị cười mỉm đáp lại, vội vàng sà vào bàn ăn. Xong, họ vừa uống cà phê, vừa líu lo chỉ cho thị yêu cầu về bữa ăn tối gồm có những món gì, nấu như thế nào. Họ vừa nói vừa ra hiệu bằng tay, bằng những hình ảnh cụ thể trong một cuốn sách nấu ăn cũng bằng tiếng Đài. Thị căng tai, căng mắt, căng hết các giác quan ra chăm chú nghe, nhìn, đoán, hiểu. Buổi chiều họ về, thị lại được nói một câu chào, sử dụng vốn tiếng Đài ít ỏi để trả lời họ về tình hình sức khỏe của ông cụ, mỉm cười sung sướng nhận ở họ một lời khen ngợi… Thỉnh thoảng đi chợ, thị cũng gặp một vài người Việt - là thị đoán vậy qua vóc dáng, cách ăn mặc - nhưng vì không quen nên thị cũng không dám hỏi han gì. Mãi đến hôm đầu tháng vừa rồi, thị Liễu mới gặp một người cùng học với thị ở lớp bồi dưỡng kiến thức nội trợ trước khi sang Đài. Người này ở cùng tỉnh nhưng là huyện bên cạnh, khi đi học cũng chỉ biết  mặt nhau chứ ít khi nói chuyện, nhưng sang đến đây, vừa nhìn thấy nhau họ đã mừng rỡ, sung sướng:
- Chào chị! - Liễu vồn vã.
- Chào chị. Chị làm ở gần đây à? Chị ta cũng đon đả không kém.
- Vâng, nhà em ở trong khu chung cư trên đại lộ.
- Ô, nhà tôi cũng ở đấy. Thế mà hôm nay mới gặp.
- Vâng, chắc là tại không để ý.
- Nhưng mà tôi toàn đi chợ buổi sáng thôi. Hôm nay có việc đột xuất mới phải đi chợ chiều.
- Thế thì đúng rồi. Chị em mình chả gặp nhau là phải. Em thì toàn đi chợ vào buổi chiều. Ông bà chủ của em chỉ buổi tối mới ăn ở nhà nên đi chợ buổi chiều mua thức ăn cho tươi sống. Bữa sáng có mỗi mình em với ông cụ thì ăn thế nào cũng được.
- Nhà chủ cô chắc cũng dễ chịu? - Người phụ nữ đến lúc này mới nhìn Liễu chăm chú vẻ soi mói. Có lẽ cái vẻ tươi tắn của Liễu làm cô ta ghen tị.
- Vâng, được cái ông bà chủ trẻ, đi làm suốt ngày, tư tưởng lại thoáng nên em cũng thoải mái. Chỉ phải cái chăm ông cụ ốm hơi vất vả. Nhưng mãi cũng quen, chả đáng gì so với phải quần quật nắng mưa ngoài đồng như ở nhà. Mỗi tội nhiều lúc nhớ nhà vì chẳng biết nói chuyện với ai. Những lúc ấy lại thèm được về nhà, thèm được ra đồng. Nhưng mà nhớ thì cứ nhớ thế thôi, chứ về thế nào được.
Liễu nói một thôi một hồi cứ như thể gặp lại bạn cũ lâu ngày, không để ý những người xung quanh nhìn cô tò mò, lạ lẫm. Người phụ nữ kia nhanh ý nhận ra những điều đó, vội vã kéo Liễu ra chỗ vắng:
- Thôi, tôi có việc phải về bây giờ. Biết nhau làm ở gần đây rồi, thỉnh thoảng liên lạc cho có chị có em. À, số điện thoại nhà cô là bao nhiêu để lúc nào rỗi gọi điện nói chuyện cho vui.
Liễu ớ ra. Quả thực đã gần nửa năm nay nhưng cô không biết số điện thoại nhà chủ là như thế nào.
- Rõ thật là… Người phụ nữ có ý mai mỉa Liễu. Rồi cô ta nhanh nhẹn bước tới một quầy bán tạp hóa ở gần đó mượn bút và xin một mẩu giấy ghi số điện thoại đưa cho Liễu:
- Đây là số điện thoại nhà tôi. Cô cầm lấy. Về đến nhà gọi cho tôi rồi đọc số điện thoại của nhà cô cho tôi để có gì còn tiện liên lạc. À, nhưng mà nhớ sáng hoặc chiều mai hãy gọi nhé. Bây giờ họ đang ở nhà. Gọi vào tầm 10 giờ sáng hoặc 3 giờ chiều ấy. Cô ta dúi mảnh giấy vào tay Liễu rồi tất tả:
- Thôi, tôi phải về đây. Nhớ điện thoại nhé.
Liễu về, Lòng vui mãi vì cuộc gặp bất ngờ với người đồng hương. Thị thấp tha thấp thỏm đợi cho đến ngày hôm sau để gọi điện thoại.
- Alô. Đầu dây bên kia đúng là tiếng một phụ nữ Việt. Liễu hồi hộp:
- Có phải chị Dung không?
- Cô Liễu à, đúng rồi - Người phụ nữ vui vẻ - Đúng hẹn gớm nhỉ. Không có ai ở nhà à?
- Không ạ, Lúc nào giờ này cũng chỉ có em ở nhà. Ông cụ thì ở tận trên gác hai.
- Này, hôm qua tôi định kể với cô nhưng mà đang vội quá. Cô biết chuyện gì chưa? Người phụ nữ đổi giọng quan trọng. Liễu thật thà:
- Chuyện gì hả chị?
- Cả đất Đài đang ầm lên mà cô không biết gì à? Rõ thật là. Thế cô không xem tivi à?
- Không, có lúc nào mà xem. Mà xem thì cũng có hiểu gì.
- Rõ thật là. Người phụ nữ cáu kỉnh như thể đó là lỗi của Liễu. Có mấy đứa ôsin người Việt mình bị một lão chủ môi giới hiếp dâm, hành hạ. Chuyện đang ầm ĩ lên, ai chả biết.
- Thế là thế nào hả chị? Liễu ngơ ngác.
- Nghe nói đám ấy sang bên Đài gặp phải lão chủ môi giới dâm đãng, lão bắt tất cả cởi trần truồng cho lão khám sức khỏe, lão không chỉ nhìn, còn sờ soạng ấy chứ. Lão bảo là để kiểm tra xem có bị bệnh ghẻ lở gì không. Rồi mỗi đêm lão bắt một đứa vào ngủ với lão, có đêm còn tận hai, ba đứa nữa chứ. Đúng là đồ dê cụ. Đứa nào không nghe chống lại thì lão đánh đập, dọa nạt. Có một vài người sợ quá bỏ trốn nên mới đến tai chính quyền Đài, chuyện mới vỡ ra.
- Có như thế thật sao? Liễu bàng hoàng.
- Chứ lại không à? Nghe nói đang kiện tụng ghê lắm. Người mình cũng đã sang tận nơi xem thực hư thế nào. Hôm nọ tôi đi chợ còn gặp một cô nhà báo Việt Nam mình hỏi xem tôi làm việc ở bên Đài như thế nào, có gì uất ức không?
- Thế thì làm sao được hả chị. Những người mà bỏ trốn ấy.
- Họ được đại sứ quán mình cho ở nhờ. Ai muốn về nước thì cho về nước, ai ở lại thì sẽ được tìm việc làm cho.
- Về thế nào được. Liễu buột miệng. Về thì lấy đâu tiền mà trả nợ.
- Thì thế. Nhưng mà cô cứ thử nghĩ xem. Về nhà thì biết làm gì để trả số nợ chồng chất, mà chồng nó biết chuyện, nó lại còn chả đánh cho thêm chứ vợ chồng gì nữa. Chẳng thà cứ ở lại đây, có xấu cũng chả ai biết mình là ai… Này, cô có nghe tôi nói không đấy.
- Có - Liễu hấp tấp - Em vẫn đang nghe...
Kết quả là hôm ấy, tí nữa Liễu làm cháy nồi cháo của ông cụ. Những thông tin mà người phụ nữ tên Dung kể cho làm thị bàng hoàng, cứ ngẫm ngợi mãi. Và thị thấy mình thực may mắn. Thị tự nhủ càng cần phải cố gắng để đền đáp sự may mắn mà mình đã có được.
Ở Việt Nam, thằng Bin không có được cái may mắn như mẹ nó. Hình như nó cũng đã quên mẹ. Quên cả bố. Bố nó từ lâu ở riết đằng nhà mụ chủ quán Thanh Thảo. Thỉnh thoảng bố nó về, nó nằm trong nhà nhưng không dậy, vờ như đang ngủ. Bố nó cũng chẳng gọi, để phịch túi thức ăn lên mặt bàn rồi lại nổ xe máy phành phạch đi. Bin chẳng cần nhỏm dậy cũng biết đó là một túi giò, hoặc chả, hoặc thịt quay, cũng có khi là ít thịt bê luộc. Những thức ăn ấy, Bin biết thừa có khi đó là thức ăn thừa của nhà mụ chủ quán. Cũng có khi đói quá hoặc thèm quá thì Bin ăn, nhưng cũng có khi Bin tủi thân, kiên quyết không thèm động đến, để túi thức ăn bốc mùi, mốc xanh đỏ.
Bin vẫn ngày một buổi đến lớp học, một buổi gắn bó với quán trò chơi điện tử. Dạo này bố nó thoáng, thỉnh thoảng về gặp lại cho nó vài chục. Số tiền ấy, Bin không biết là tiền của mẹ gửi về hay của mụ chủ quán Thanh Thảo cho bố Bin. Nhưng điều đó không quan trọng với Bin. Bây giờ không có gì quan trọng với Bin cả.
- Bin. Có tiếng ai đó gọi giật. Một chiếc xe máy vừa phóng vụt qua lượn vòng lại một cách điệu nghệ ngay đằng trước Bin:
- Đi đâu đấy, hả? Người ngồi đằng sau ló hẳn ra. Bin ngỡ ngàng:
- Anh Vui.
Chiếc xe dừng hẳn lại. Vui nhảy xuống, hất hàm:
- Tao đang định đi tìm mày. Thôi, lên luôn đây đi chơi cùng với tao.
Chẳng đợi Bin phản ứng, Vui lại trèo lên xe máy, ngồi xích xích lên phía trên để dành chỗ cho Bin. Bin vẫn chưa hết ngạc nhiên nhưng nó chẳng nghĩ ngợi gì, trèo lên phía sau Vui như cái máy.
Chiếc xe phóng vút đi.
Bin không biết Vui định đi đâu, cũng không cần hỏi, vì Bin tin Vui.
- Tao vừa ở trên Lạng về. Vui ngoái lại đằng sau nói với Bin.
- Anh nói cái gì á? Bin không hiểu.
- Tao vừa ở trên Lạng Sơn về.
- Anh làm gì ở trên đấy? Bin hỏi.
- Đủ thứ. Đây là thằng bạn làm cùng với tao. Hôm nay tao đưa nó đi Đại Lải chơi.
- Vào tận Đại Lải hả anh?
- Ừ, mày sợ à?
- Không.
Với tốc độ chóng mặt, chẳng mấy chốc chiếc xe Dream Trung Quốc đã đưa cả bọn tới đầu dốc Thằn Lằn. Khi đi qua một đôi thanh niên đang dạo bước dưới hàng bạch đàn mát dượi, bất chợt chiếc xe giảm tốc độ một cách đột ngột, tên thanh niên ngồi cầm lái quay lại bảo Vui:
- Quay lại xin ít tiền mua xăng.
Ngó đằng trước đằng sau không thấy bóng người, anh ta vòng tay lái quay trở lại. Cách đôi thanh niên chừng một đoạn ngắn, anh ta dựng xe, bảo Bin đứng đấy rồi cùng Vui tiến về phía đôi thanh niên:
- Cho xin ít tiền mua xăng. Anh ta nói trống không một cách xấc xược. Người thanh niên định phản ứng thì nhìn thấy lưỡi dao nhọn sáng loáng chĩa ra đe dọa. Cô gái run rẩy, vội vã lục tung trong túi xách được khoảng bảy chục ngàn đưa vội cho tên thanh niên cầm dao.
- Tên kia. Tên thanh niên hất mũi dao về phía người con trai. Không đợi cho anh ta kịp phản ứng, ngay lập tức hắn sấn lại, thọc tay vào túi quần người thanh niên rút ra một chiếc ví. Mở ra thấy có tiền, anh ta ra hiệu cho Vui bỏ đi. Cả ba leo lên xe nhưng thay vì chạy vào khu du lịch, chiếc xe quay ngược trở ra. Vui ghé vào tai thanh niên cầm lái hét to: - Lên Tam Đảo chơi.
Tên thanh niên cầm lái gật đầu.
Bin chứng kiến những cảnh ấy. Tất cả diễn ra nhanh như một vở kịch. Bin vừa ngạc nhiên quá đỗi, vừa cảm thấy hơi lo sợ, nhưng thấy vẻ bình thản của Vui và người kia, Bin lại vững dạ.
- Mày sợ không?- Vui ngoái lại hỏi Bin.
- Không. Bin đáp như một cái máy.
Mãi tối hôm đó bọn Bin mới leo lên được đỉnh núi. Đây là lần đầu tiên Bin được lên Tam Đảo. Tất cả với Bin đều lạ lẫm, trong khi Vui và người bạn tỏ ra rất dạn dĩ. Tên người bạn của Vui là Hùng. Bin thấy Vui gọi anh ta là Hùng “bướu”. Họ dẫn Bin vào quán ăn cơm, hát karaôkê, uống cà phê, nước ngọt, mãi đến nửa đêm tất cả lại leo lên xe máy trở về nhà.
Bin ngủ một giấc mê mệt. Khi tỉnh dậy mặt trời đã đứng ở đỉnh đầu. Bin vẫn nằm trong giường, nhìn qua cửa sổ trông bóng nắng mà đoán thì lúc ấy khoảng 9 giờ sáng. Bin nhớ lại mọi chuyện ngày hôm qua, không hiểu tại sao Vui lại liều thế. Có tiếng xe máy đi vào sân, Bin tưởng bố nó về, vội nhắm mắt lại giả như đang ngủ.
- Cộc, cộc, cộc - Những tiếng gõ cửa cho biết đó không phải là bố, Bin mở mắt nhỏm dậy, và ngay lập tức mặt nó tái mét khi nhìn thấy những người khách trong trang phục công an. Cùng đi với họ có chú Bình công an xã và ông trưởng thôn.
- Bố cháu có nhà không?- Ông trưởng thôn hỏi Bin.
- Dạ, không ạ - Bin run run.
Chú Bình công an xã nhanh nhảu:
- Chắc là anh chàng lại ở chỗ Thanh Thảo, để tôi đi gọi.
Bin vẫn ngồi như đóng đinh ở giường, lòng hoang mang. Chỉ chưa đầy mười lăm phút bố Bin đã về. Ông ta cũng ngơ ngác, mặt tái đi khi nhìn thấy những người công an ngồi trong nhà.
- Chúng tôi là công an thị trấn Xuân Hòa, hồi mười bốn giờ hôm qua ở khu du lịch Đại Lải xảy ra một vụ cướp. Chúng tôi có bằng chứng nghi ngờ cháu Bin có liên quan nên đến yêu cầu cháu Bin về trụ sở CA để làm rõ. Vì Bin là trẻ vị thành niên nên yêu cầu ông là bố cháu cùng đi với chúng tôi.
Cả Bin và bố nó đều choáng váng.
Bin không bị tạm giam vì chưa đủ tuổi thành niên, nhưng ngay trong buổi tối đó nó phải “ăn” một trận đòn thừa sống thiếu chết của bố nó. Từ trụ sở công an về nhà đã chập choạng tối, bố nó dựng xe, mặt hầm hầm. Bin còn chưa kịp đứng vững xuống đất đã ngã quay đơ vì một cái tát như trời giáng.
- Ai bảo mày đi ăn cướp. Đồ mất dạy.
Bin lồm ngồm bò dậy, sợ hãi lùi vào trong tường. Bố nó lừ lừ tiến đến, đôi mắt vằn đỏ. Bất thình lình ông ta giơ chân đá Bin bay ra giữa cổng.
- Mày chết đi. Bính rít lên, tiếp tục lừ lừ tiến đến. Thật may cho Bin là những người hàng xóm kịp thời chạy đến. Những người đàn ông xô vào can Bính, ôm ngang người anh ta mà đẩy vào trong nhà. Một vài người khác đến đỡ Bin dậy, dìu nó đi về nhà họ. Bính vùng vẫy, đôi mắt vằn đỏ chỉ tay về phía Bin hậm hực:
- Để tôi cho nó chết. Ở đâu ra cái giống ăn cướp.
Đoán chừng Bính đã nguôi ngoai, những người hàng xóm đưa Bin về nhà nó. Bin lủi ngay vào trong buồng nằm. Những người hàng xóm ở nhà ngoài, ồn ào khuyên giải bố Bin, bàn luận về chuyện của Bin. Người ta nói thật là không ngờ. Bin vốn là đứa hiền lành thế. Người ta chẹp miệng xét cho cùng chuyện đó chẳng có gì lạ, vì Bin suốt ngày cặp kè với thằng Vui thì trước sau gì cũng hỏng. Bin nằm nghe, nước mắt chảy ra ướt đầm cả một bên gối.
Một lúc thì họ về hết. Có người vào buồng ngó vào mặt Bin. Bin giả vờ ngủ. Bố Bin đợi cho người khách cuối cùng ra khỏi thì tắt tivi, khép cửa. Bin nghe thấy tiếng xe máy chạy xa dần rồi mất hút.
Cảm giác đau đớn đã dịu đi, Bin thấy đói. Thỉnh thoảng bụng lại sôi lên. Tính ra từ sáng Bin vẫn chưa ăn gì. Bin biết trong nhà lúc này chắc chẳng có gì ăn được, vả lại Bin cũng không muốn nhấc mình dậy khỏi giường. Bin trở mình hết bên phải lại bên trái, nghĩ lại mọi chuyện vừa xảy ra. Người bạn của Vui hiện đã bị giam ở đồn công an. Còn Vui cũng giống Bin, vì chưa đủ tuổi thành niên nên được cho về nhà. Chắc tình hình của Vui cũng chẳng khá hơn Bin được. Bin không giận Vui vì những chuyện đã xảy ra. Dù sao bây giờ cũng chỉ có Vui là tốt với Bin nhất. Bin sợ rằng sau việc này, Vui lại bỏ đi đâu đó, lại chỉ còn mình Bin ở nhà thì đáng sợ biết bao. Bin không muốn đi học thêm nữa. Từ lâu lớp học đã trở thành nỗi ám ảnh đối với Bin vì Bin thường xuyên không thuộc bài, thường xuyên bị điểm kém. Hay là Bin bỏ luôn học đi theo Vui. Vui bảo Bin làm gì cũng được. Những gì Vui làm được thì chắc Bin cũng làm được, chỉ cần đi khỏi nơi đây, chỉ cần được ở cùng với Vui.
Bin thiếp đi trong cơn đói và những toan tính lộn xộn.
Thời gian thắm thoắt trôi. Đã một năm. Thị Liễu ngóng chờ ngày hết hạn hợp đồng đến đỏ con mắt. Cho dù là may mắn gặp được ông bà chủ tốt, cho dù thị có phải luôn chân luôn tay suốt ngày thì vẫn chả đáng gì so với những ngày quần quật mưa nắng như ở nhà. Nhưng đã hàng tháng nay, lòng thị lúc nào cũng như có lửa đốt. Từ cái ngày biết tin ở nhà. Tin Bính bỏ bê ruộng đồng, con cái để theo gái, tin Bin giờ lang thang vật vờ như đứa trẻ không nhà, lại còn chơi với đám bạn bè xấu. Thị đã choáng váng, đã ốm mất mấy ngày vì những tin ấy. Trời đất như đổ sụp dưới chân thị. Thị không tin. Thị không muốn tin. Bính của thị không thể như vậy. Còn ai hiểu chồng thị hơn thị chứ. Vì hiểu Bính mà thị đã lấy Bính, đã tin để có thể yên tâm để Bin ở nhà với Bính mà ra đi. Vậy mà mới có ngần ấy thời gian. Không thể như vậy được. Nhưng không có lửa thì làm sao lại có khói. Thị phải về thôi. Ông bà chủ nằn nì sẽ tăng lương cho thị để ký tiếp hợp đồng thêm một năm nữa; sẽ cho thị tiền vé máy bay khứ hồi để thị về thăm nhà nửa tháng rồi lại sang. Thị Liễu ngồi lặng trên ghế, cúi mặt, mắt rơm rớm nước. Thị muốn nói rằng thị cũng muốn làm thêm một, hai năm nữa để có thêm chút vốn làm ăn sau này. Nhưng một năm nữa, thị sợ rằng có đem cả núi tiền về thì cũng không có ý nghĩa gì nữa.
Ông bà chủ đích thân đánh xe tiễn thị Liễu ra tận sân bay.
- Chúng tôi vẫn sẽ chờ chị.
Họ nuối tiếc, lưu luyến nhìn theo cái dáng nhỏ bé của thị đang dần lẫn vào dòng người nhộn nhạo. Dù đã xa lắm, họ còn thấy thị đưa tay quệt ngang mặt. Thị khóc. 
Vĩnh Yên, 2/2010
ÁM ẢNH CỦA CƠN GHEN
Tôi không thể nói rõ cảm xúc của mình khi biết câu chuyện này. Giận, thương, xót xa, cay đắng vì sự nông nổi của những người con gái cạn nghĩ?… Có lẽ là tất cả, hoặc có thể cũng không là gì… Nhưng cứ day dứt, và buồn, buồn đến tê tái, đến phải viết ra cho lòng nhẹ nhàng…
Khu nhà tạm giam nằm khuất ở một góc phía sau trụ sở Công an huyện. Nó gồm năm gian nhà cấp bốn, kiểu nhà kho với những cái cửa sắt sơn màu xanh. Qua thời gian, lớp sơn đã bị ôxi hóa nom nham nhở, cũ kỹ, rất tương xứng với mảng tường vàng vọt mốc thếch. Có lẽ âm thanh duy nhất ở nơi này là tiếng mấy con ễnh ương hiếm hoi còn sót của thời đại công nghiệp trú ngụ ở cái đầm cạn phía sau. Anh công an trực gác cầm tờ giấy ghi chỉ thị của Trưởng Công an huyện, lạnh lùng đưa mắt nhìn từng người trong đoàn nhà báo chúng tôi rồi lẳng lặng cầm chìa khóa đến mở cổng nơi giam giữ. Cái vẻ lạnh lẽo đến khắc khổ của anh ta cùng với khung cảnh nơi đây khiến cho không khí  làm việc trở nên rất nghiêm túc. Anh chàng quay phim tên Quyền ngày thường thích tếu táo nhưng hôm nay cũng không nói không rằng, kiên nhẫn chờ đợi người công an mở cửa từng buồng giam đưa đối tượng ra ngoài. Khi người công an mở cửa một buồng giam, tôi tò mò lại gần và nhìn thấy những khuôn mặt dán vào sau chấn song sắt, những đôi mắt mở to chờ đợi... Những đôi mắt không độc ác, không gian giảo, không điêu ngoa, mà đăm đăm qua cái ô cửa nhỏ, buồn bã, vô hồn. Khi nghe thấy những tiếng lao xao ở bên ngoài, lập tức những đôi mắt nhướng lên, nhìn nhau dò hỏi rồi lại dán vào ô cửa. Có tiếng thì thầm rất nhỏ: “Cái gì ấy nhỉ, ở ngoài ấy có chuyện gì ấy nhỉ?”... Không có tiếng trả lời. Chỉ có những đôi mắt mở to chờ đợi. Thật khó để diễn tả cho chính xác, hoặc nói rõ ràng được cảm xúc khi nhìn thấy cảnh ấy. Tôi cố tự nhắc đó là những kẻ phạm tội để khỏi xúc động song vẫn không ngăn nổi một nỗi xa xót dâng lên nghèn nghẹn khi liên tưởng bầu trời khoáng đạt rộng lớn ngoài này với cái nhìn khát thèm của những phạm nhân. Và cứ tự hỏi, lẽ nào những con người đó đã từng phạm tội, thậm chí những tội ác, những tội ghê tởm và đê hèn.
Bốn đứa trẻ lần lượt bị gọi ra đứng sắp thành hàng ngang để cho chúng tôi chụp ảnh và quay hình làm phóng sự cảnh báo về tội phạm lứa tuổi vị thành niên. Đứa nhỏ nhất mười bốn tuổi, đứa lớn mới mười sáu. Chúng đều đang còn là học sinh. Nhưng vì chúng phạm vào tội “ Phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia” nên sẽ buộc phải khởi tố. Cái tội ấy nghe thì to thế, nhưng đầu đuôi của nó chỉ là những đứa trẻ đi chăn trâu trên đường sắt, rủ nhau tháo các phụ kiện đường sắt để đổi kem, mua bánh mì ăn. Việc tháo những phụ kiện này thật chẳng khó khăn gì, chỉ tay không hoặc một cái cờ lê là một đứa trẻ con có thể tháo được hàng chục bộ đinh nối đường ray hoặc những thiết bị tương tự. Thế là chúng cứ tháo mà không biết rằng hành vi của mình có thể gây những hậu quả khôn lường, có thể làm chết rất nhiều người, chúng cũng càng không ngờ những gì mà chúng tưởng là một trò chơi ấy lại bị pháp luật xếp vào tội đặc biệt nghiêm trọng. Cái tội ấy, theo Bộ luật hình sự hiện hành sẽ phải chịu hình phạt là án tù mười năm, hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình!
Chao ôi! Bất giác tôi thở dài, thấy thương nhiều hơn là giận khi nhìn vào đôi mắt buồn ngơ ngác trên khuôn mặt rất đỗi ngây thơ con trẻ của chúng.
Chỉ chưa đầy mười phút, tất cả việc quay hình và chụp ảnh đối tượng đã xong. Hầu như không ai nói gì nhiều. Quyền nói một vài câu trách móc bọn trẻ như kiểu người cha trách con hư. Một ai đó nhắc chúng phải thành khẩn để được giảm nhẹ tội. Rồi chúng tôi lục tục rút lui. Tôi đi sau cùng, cố nấn ná đứng lại nhìn theo bước chân của chúng đi vào buồng giam bé xíu. Bất chợt tôi nhìn thấy một đôi mắt. Vâng, đôi mắt đờ dại vô hồn của một người con gái. Đôi mắt mở to nhìn chăm chăm về phía trước nhưng dường như nó không cảm nhận được điều gì. Cô ta còn rất trẻ. Tôi vội đi lại nhìn cho rõ khuôn mặt cô. Đúng là rất trẻ, và có thể nói là xinh đẹp. Dù trong ánh sáng mờ mờ, tôi vẫn nhận thấy những đường nét rất đỗi thanh tú của cái mũi, cái trán, đôi môi… Có lẽ nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, người công an trực gác đã làm xong nhiệm vụ khóa các cửa buồng giam đi đến nói bằng giọng bình thản:
- Cô chưa biết vụ đó à. Tội giết người đấy. Mới hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học.
- Giết người?- Tôi không tin vào tai mình: - Anh nói gì cơ? giết ai?
- Tình địch. Về cơ bản là như vậy.
Người công an vẫn hết sức dửng dưng, trong một lúc nào đó tôi cảm giác nghe thấy anh ta thở dài song lại nghĩ rằng mình nghe nhầm vì cái vẻ mặt kín bưng của anh ta. Nhưng điều đó không quan trọng. Những gì tôi vừa nghe thật hết sức rùng rợn làm tôi bấu lấy anh hỏi xối xả: “- Anh nói kỹ hơn đi. Cô ta giết ai, tại sao lại như vậy? Mà anh nói cô ta tốt nghiệp đại học à?”.
Người công an lùi lại, nhìn tôi chăm chăm rất khó hiểu. Bất chợt mặt tôi nóng ran ngượng ngập. Có lẽ người công an cho rằng tôi đang nghĩ đến một câu chuyện báo chí béo bở. Chả trách được anh ta. Dạo này nhiều phóng viên  xuống cơ sở chỉ rặt hỏi về chuyện vụ án và thường cứ cuống lên mừng rỡ mỗi khi gặp được vụ “hay”, nghĩa là càng nghiêm trọng càng tốt. Chả nghĩ thì thôi, nghĩ ngợi một chút lại thấy cứ làm sao ấy, và tự hỏi thực ra mục đích mỗi lần cầm bút là vì cái gì, có thật là chỉ vì sứ mạng của báo chí hay đơn giản chỉ là vì miếng cơm, hay là danh vọng... Lại lẩn thẩn rồi. Người công an sau một hồi nghĩ ngợi, vẫn nhìn tôi chăm chắm nhưng giọng nói không một chút biểu cảm:
- Tôi không rõ lắm. Cô hỏi đội điều tra thì tốt hơn.
Câu chuyện này có ba nhân vật. Nhưng tôi sẽ bắt đầu từ cô gái ở trong nhà giam. Cô tên Thu, Kiều Thu. Một cái tên rất hay gợi cho người ta liên tưởng đến vẻ quyến rũ bí ẩn của những buổi sáng mùa thu trong lành. Trong bức ảnh cô chụp hồi phổ thông, đôi mắt của cô trong veo, sáng long lanh như mặt hồ nước. Soi vào đôi mắt  ấy, người ta chỉ nhìn thấy một niềm vui trẻ thơ mà chẳng thể nghĩ rằng cuộc đời còn có những lắt léo buồn vui đến phũ phàng.
Năm ngoái, cô tốt nghiệp trường đại học Thủy lợi. Nhưng mãi mà không xin được việc làm. Nhà cô nghèo. Cả bố và mẹ đều là công nhân viên về hưu, dưới cô còn hai em đang là học sinh. Việc cô đi học đại học là một cố gắng rất lớn của gia đình với hy vọng sau này cô có công ăn việc làm sẽ dìu dắt hai đứa em nhỏ. Nhưng rồi những cơ hội việc làm trong thực tế thật xa vời vợi với cô, một người không có tiền bạc, không có các mối quan hệ, cũng không đủ giỏi để tự bươn chải. Đúng lúc buồn chán và thất vọng, cô gặp Quang.
Đó là nhân vật thứ hai của câu chuyện này, nhân vật trung tâm.   
Nếu cùng đi trên đường, bạn sẽ không bao giờ để ý đến Quang. Nói về hình thức, anh ta không có gì nổi bật, không đẹp, cũng không đến nỗi xấu quá. Khuôn mặt bé choắt, cằm nhọn, da tái xám và má đầy tàn nhang. Đôi mắt của anh ta màu xám đục, cái nhìn thường xeo xéo và rất vội. Cách ăn mặc của Quang cũng không chải chuốt. Cách nói năng càng tẻ nhạt. Tóm lại, đó là một người con trai mà sẽ không ai có thể tin rằng vì anh ta mà hai cô gái đã có thể giết nhau.
Thế mà chuyện ấy đã xảy ra.
Của đáng tội, còn một chi tiết nữa về giá trị của Quang mà tôi quên chưa nói, đó là gia đình Quang rất giàu. Bố cậu ta là giám đốc một công ty lớn. Người ta đồn nhà Quang to nhất thị xã. Lời đồn  ấy có lẽ không xa sự thật là mấy. Vâng, nhưng người làm nên ngôi nhà là bố Quang chứ không phải Quang. Chính vì thế mà tôi băn khoăn có nên kể chi tiết ấy ra đây để nói về giá trị của Quang không!? Nhưng dù sao thì tôi vẫn nên nói, để bạn có thể hình dung tương đối đầy đủ về một nhân vật là nguyên nhân làm tan nát cuộc đời của hai người con gái, ít nhất là hai người.
Kiều Thu quen Quang trong buổi sinh nhật Kim Ngân.
Đó là nhân vật thứ ba của câu chuyện.
Ngân đẹp như mộng, như diễn viên điện ảnh. Mắt của cô sắc như dao cau, hàng mi dài cong vút làm cho đôi mắt vừa quyến rũ song vẫn gợi cho người đối diện một cảm giác rợn rợn không dám sỗ sàng. Tuy nhiên, cặp má của cô lại phinh phính như má con trẻ, lúc nào cũng đỏ hồng. Và cái miệng thì tươi roi rói, đôi môi mọng ươn ướt. Cô là người con gái mà bất kỳ người con trai nào đã thân thì khó mà dứt ra được, nhưng phụ huynh của các chàng thường không tin cô sẽ đem lại hạnh phúc cho con trai của họ.
Quang yêu Ngân đã một năm. Nhưng tình yêu ấy không được sự đồng ý của bố mẹ Quang. Mẹ Quang bảo con trai: “Chuyện hôn nhân bố mẹ không ép con, nhưng mẹ chỉ khuyên con đừng lấy những cô gái đẹp quá. Còn nếu đã trót yêu một cô gái đẹp thì ít nhất, cô gái ấy phải không tự biết là mình đẹp”. Còn với bố Quang thì khác. Ông không thiếu tiền. Cái ông cần là sự học hành. Bởi đến bây giờ, khi sống gần hết hai phần ba đời người, ông đã nghiệm ra rằng tiền bạc cũng cần cho cuộc đời này lắm, nhưng chỉ có tiền không thì cuối cùng cũng chỉ là trọc phú không hơn, rồi cả cuộc đời phải làm nô lệ cho đồng tiền, trong khi đó còn bao nhiêu những trí tuệ, tinh hoa của nhân loại, những thú vui tao nhã mà những kẻ như ông không thể hiểu được. Chỉ có học để hiểu, mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống này. Nhưng sự học hành ấy thằng con quý tử của ông đã không làm được. Vậy thì ông phải tính cách khác. Ông cần một cô con dâu có học, để bổ sung cho cuộc đời thằng con ông, nhưng quan trọng hơn là cho những thế hệ cháu, chắt ông. Ngân không đáp ứng được yêu cầu nào của cả bố và mẹ Quang cả. Ngân đã đẹp quá lại còn rất ý thức được sắc đẹp của mình. Cô đã dùng vốn tài sản trời cho ấy để đùa cợt đám thanh niên, và định rằng sẽ dùng nó để tìm kiếm một cuộc sống nhung lụa mà chẳng cần phải khó nhọc học hành.
Với mẹ thì Quang có thể bỏ qua. Nhưng bố Quang thì không phải là chuyện đùa. Nếu ông đã nói không thì có nghĩa là không. Vì thế mà dù trong lòng rất phân vân nhưng Quang phải hứa là sẽ làm theo lời bố.
Sinh nhật lần thứ hai mươi của Ngân. Giữa buổi tiệc, Quang vẫn còn danh nghĩa là người yêu của Ngân nhưng con mắt Quang đã để ý đến một cô gái khác: Kiều Thu.
Trong buổi tối, dưới ánh đèn màu của quán nhạc Hoa Hồng, Kiều Thu thật duyên dáng với bộ váy áo trắng giản dị. Quang đã gặp Thu một vài lần, nhưng đến hôm đó cậu ta mới nhận ra Thu thật hấp dẫn. Lần đầu tiên, cậu để ý đến cử chỉ và cách nói năng của Thu, và bất ngờ khi nhận ra Thu đối đáp thật học thức, tế nhị, cử chỉ cũng nhẹ nhàng, trái hẳn với cách ăn nói bỗ bã có phần sỗ sàng của Ngân. Cậu tự nhủ: “Ừ, người có học cũng có khác. Có lẽ bố nói đúng”.
Thế là chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra. Từ sau buổi sinh nhật, Quang chuyển “mục tiêu tấn công” sang Thu. Có một điều mà chính cậu ta cũng bất ngờ là mọi chuyện có vẻ thật đơn giản, cậu không lưu luyến quá nhiều với Kim Ngân, không đau khổ hay buồn bực như cậu đã tưởng tượng khi nghe ông bố ra chỉ thị phải bỏ bằng được cô nàng. Cậu cười thầm, tự cho mình là một chàng trai đào hoa có trái tim rộng mở.
Cậu ta có quyền cho mình là một chàng trai đào hoa. Vì sự thực là cuối cùng Thu đã nhận lời yêu cậu ta. Những người biết chuyện đã rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: “Tại sao Thu lại nhận lời yêu một người như Quang, một người không hấp dẫn gì, lại còn là người yêu của bạn gái mình?”. Thật khó để trả lời. Có thể vì chân lý đơn giản không định nghĩa được của tình yêu. Còn Thu thì không nói gì, cũng không giải thích. Từ khi bị bắt cô chỉ khóc, khóc rất nhiều, đến sưng mọng hai mắt. Tuy nhiên sau này, một người bạn gái của cả. Thu và Ngân, đã kể lại tâm sự của Thu khi quyết định yêu Quang mà tôi cho có thể đó là câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Nhưng, cái lý do ấy, nghe nó buồn quá nên tôi không muốn kể ra đây.
Chỉ biết rằng từ đó Thu giữ chặt lấy Quang, như giữ một lá bùa hộ mệnh. Cũng từ đó, cô nảy ra tính ghen. Cô ghen với Ngân, với sắc đẹp của cô ta, với tình yêu đã qua của Ngân với Quang. Trong thời gian chờ bố Quang xin việc, Thu vẫn rỗi rãi và cô sử dụng thời gian ấy để nghĩ ngợi, suy luận. Cô nghĩ ra đủ thứ, tưởng tượng ra cảnh Quang và Ngân yêu nhau. Cô nghĩ tới sắc đẹp, sự đỏng đảnh, đáo để của Ngân để rồi nửa đêm choàng tỉnh dậy hốt hoảng vì mơ thấy Ngân ở trong vòng tay Quang.
Điều đó có thể xảy ra lắm. Còn Ngân, từ hôm Quang trở mặt, Ngân như con thú bị thương. Cô dùng mọi lời lẽ xấu xa cay độc nhất thóa mạ Thu, gửi cho Thu những bức ảnh tình tứ cô và Quang chụp với nhau. Mặt khác, Ngân vẫn tìm cách hẹn gặp Quang. Cô nói với anh ta: “ Anh là kẻ bỉ ổi. Con ấy hơn gì tôi mà  anh bỏ tôi để yêu nó. Nói cho anh biết, con này không ăn được sẽ đạp đổ”. Chì chiết đấy rồi cô ta lại mơn trớn đấy, lại vòng tay qua cổ Quang  mà vít sát xuống bộ ngực mơn mởn thơm ngậy mùi bơ sữa của mình.
Cơn ghen làm Kiều Thu tưởng sẽ điên mất. Tối nào, cô cũng bắt Quang đèo qua nhà Ngân ít nhất một lượt để cố ý cho Ngân thấy cô và Quang tình tứ thế nào. Cô quản lý Quang từng giờ, lúc nào không biết đích xác Quang ở đâu là lại nơm nớp tưởng tượng ra những câu chuyện huyễn hoặc giữa Quang và Ngân.
Và cuối cùng cô điên thật.
Đó là một ngày cuối tháng Tư.
Quang vừa gặp Ngân. Thu theo dõi và chứng kiến từ đầu cảnh họ hẹn hò nhau ở quán Hoa Hồng. Vẫn là cái bàn hôm sinh nhật Ngân. Quang vẫn ngồi ở chỗ cũ, còn Ngân ngồi ở góc khuất hôm Kiều Thu ngồi. Họ to nhỏ chuyện gì với nhau, một lúc, rồi Quang ngồi xích lại, ôm lấy bờ vai của Ngân. Lúc ấy quán đã có khách nhưng Ngân chẳng ngại ngần gì, cô ta ngả hẳn người vào lòng Quang…
Kiều Thu nghẹt thở. Cô uất ức và giận giữ  đứng bật dậy chạy ra khỏi quán, thề rằng sẽ chấm dứt tất cả với Quang, sẽ không cần gì cả, tiền bạc, công việc, sẽ để cho cuộc đời trôi đến đâu thì đến. Cô lang thang rất lâu trên phố. Thị xã về đêm thật tĩnh lặng, những con đường sáng buồn tẻ song Kiều Thu vẫn thấy một nỗi cay đắng hờn ghen tràn trong lòng. Cô có cảm giác tất cả mọi người đều biết đến hoàn cảnh trớ trêu của cô, đều đang cười nhạo cô. Cô nghĩ đến bố mẹ, hai đứa em, đến những chuỗi ngày dài đằng đẵng chờ xin việc làm. Bất giác, Kiều Thu nghiến răng ước ao đứa con gái trơ trẽn kia sẽ tự nhiên biến mất khỏi đời này. Như thế thì tất cả sẽ ổn thỏa. Đúng vậy, giá như cô ta tự nhiên biến mất khỏi cuộc đời này… Thu nghĩ miên man. Dòng suy nghĩ của cô càng lúc càng căng thẳng đến mức nó trở nên một ước muốn mãnh liệt…
Anh đội trưởng đội điều tra Công an huyện kể đến đấy thì dừng lại, với tay lấy chiếc cặp hồ sơ và lôi ra cho tôi xem tập ảnh nạn nhân Kim Ngân. Tôi xem cái thứ nhất, thấy rùng mình và sởn hết gai ốc vì một bộ mặt nham nhở đỏ loét không còn rõ hình mặt người. “Cả một cốc a xít. Ác quá”. Anh công an lắc đầu: “Ngân đã chết ngay ngày hôm ấy. Vì vết bỏng nặng quá, lại phạm vào những chỗ quá hiểm…”.
Lời anh công an loáng thoáng trượt qua tai tôi, bập bõm trong không gian nham nhở đỏ loét máu, một cái cửa sổ vuông bằng bàn tay tối thẫm, ẩn hiện một đôi mắt đờ dại vô hồn thấp thoáng giữa những đường nét thanh tú... Sao lại có thể như thế được?
- “Bây giờ cô ta (Kiều Thu) sao rồi?”
- “Đang trong tình trạng hoảng loạn - Hình như anh Công an cũng không nén được tiếng thở dài, mặc dù ngay sau đó anh nhếch môi cười, không rõ là giễu cợt hay chua xót. - Sau khi đón đường bí mật tạt a xít Kim Ngân ở chỗ vắng, cô ta bỏ chạy luôn. Sau đó nghe biết hậu quả qua dư luận và báo chí, cô ta hoảng sợ và có dấu hiệu hoảng loạn. Đến khi bị Công an bắt thì…”
“Cô ta có nói được điều gì rành mạch không?”
“Hầu như không nói gì, chỉ khóc. Nhưng đến hôm qua thì có vẻ đã bình tĩnh trở lại. Cô ta bảo chỉ định hủy hoại sắc đẹp của Kim Ngân, nhưng không ngờ lại ra nông nỗi đấy, và, dầu sao đi nữa, đó là sự ngu dại không thể tha thứ được. Chỉ thế và lại khóc”
Khóc, khóc. Kiều Thu ơi là Kiều Thu. Khóc thì có làm lại được đâu.
19/1/2018
Nguồn: Tuyển tập tác phẩm đoạt 
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 - 2016
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...