Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 4b; Quyển 2)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 4b; Quyển 2)

MƯA TRƯỚC CỬA NHÀ

Đêm nghe mưa, biết cây đã nhú chồi  

Sáng mở cửa, hoa vườn nhà nở đỏ  
Nhìn mà thương, cây mỡ màng gân lá  
Cành xoan gầy đã lảnh lót tiếng chim  
Cây hồng gãy đã xanh thêm đọt trổ  
Mưa dịu dàng, mưa độ lượng như em.   
Tuổi của mình trầm tĩnh trước mưa êm  
Để mưa thấm vào lòng bao kí ức  
Mưa làm cũ bao nhiêu ngày rét mướt  
Tất cả như là mới sinh ra…  
Giá tóc mẹ cũng thể xanh lên được  
Mưa ơi mưa, mưa rơi trước sân nhà.   
Mùa xuân này em ở biên giới xa  
Mâm cơm trống một khoảng nhìn của mẹ  
Cha chẳng còn để ngồi nghe anh kể  
Những dặm đường từng rét mướt mùa đông  
Chị tần tảo, bàn tay thêm chai nẻ  
Ngói đỏ hồng, gian bếp mới xây xong.   
Nồi bánh thơm mùi khói lá dong  
Mẹ ngồi giữa bi bô đàn cháu nhỏ  
Mẹ lặng lẽ như bếp than mỏng mềm như ngọn lửa  
Có thể nấu chín cơm, có thể đốt cháy rừng  
Nụ cười mẹ bao nếp nhăn vất vả  
Làm làn mưa tươi tốt cả chúng con…  
Hoa đào đỏ như tờ lịch mới  
Ý nghĩ lên tươi tốt một đầu ngày  
Mưa xanh biếc, giăng mềm như sợi khói  
Ấm như tay và mát như tay  
Muốn làm cây để được mưa tắm gội  
Muốn làm mưa xanh tốt những mầm cây.
Xuân 1981
VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ  
Tặng trường THPT Yên Lạc
Không phải là thợ xây để thăm lại ngôi nhà
Biết độ bền vữa vôi mười năm trước
Tôi trở lại nơi xưa từng dạy học
Bâng khuâng nhiều biến đổi của thời gian.
Cây tôi trồng đã rợp một góc sân
Mái tranh cũ đã thay bằng mái ngói
Khu tập thể nhiều thầy cô giáo mới
Bạn bè xưa chỉ còn lại đôi người. 
Không thể tìm chút dấu vết của tôi
Rằng nơi đã rất nhiều đêm tôi mất ngủ
Nơi tôi đã tốn rất nhiều mực đỏ
Rất nhiều lời, nhiều phấn trắng ở đây.
Tôi đã thành người lạ của trường xây
Người lạ của các em đang đến lớp
Có sao đâu học trò mười năm trước
Đã mang đi thương nhớ của tôi rồi.
Tôi ngồi tựa vào cây, cây mát chỗ tôi ngồi
Nhẩm bài hát của các em ngày cũ
Biết không thể tìm mình trong quá khứ
Tôi nghĩ về nơi các em đến hôm nay. 
Cây đã lên chồi biếc của cây
Các em đến với điều em vẫn ước
Lời tôi nói với em mười năm trước
Có lặn vào công việc của các em?
Thời gian ơi, nếu tôi có thể tin
Lời tôi nói, đã thành em một chút
Tôi sẽ xin được nhiều đêm thao thức
Để gặp mình trong những tháng năm sau. 
Tam Hồng 1984
NHẮN NHỦ 
Anh đừng nói gì thêm nhé,  
Để em tự biết thì hơn  
Em sợ những điều hoa mỹ  
Mà đời thì lại giản đơn.  
Mùa xuân có nói gì đâu,  
Mà lá mà chồi cứ biếc  
Mà hoa cứ tươi thắm thiết  
Mà trời cứ thăm thẳm xanh.  
Đừng nói gì thêm nhé anh,  
Chúng mình bên nhau tin cậy  
Tình yêu như mùa xuân ấy  
Lặng thầm tươi tốt cho nhau.
CÁNH ĐỒNG CHIỀU MÙA GẶT 
Cọng rơm vương rối bận vụ mùa
Nắng đã tắt trên đồng, chiều xuống vội
Giờ là lúc đất duỗi dài thư thái
Gốc rạ vàng phả tím khói sương lam.
Vầng trăng non trên ngọn muỗm suộm vàng
Tôi chợt thấy lúc vô tình bắt gặp
Em nhìn tôi thoáng thôi rồi biến mất
Để cho chiều dìu dịu ngấm lòng tôi. 
Xe lúa khuất xa còn vọng lại tiếng cười.
Hương mùa gặt chừng thơm hơn dạo trước
Đàn ri đá rập rình bay mải mốt
Hát đi cây chiều tím cả đồng rồi.
 
Chiều có gì tha thiết thế, chiều ơi
Chiều như những buổi chiều tôi đã gặp
Bếp lửa bập bùng, đêm Trường Sơn rét mướt.
Bạn bè ngồi ôm súng vẫn hằng mơ.
 
Và tôi tin ở một sự bất ngờ
Đồng đội đã lại cùng tôi sóng bước
Trên cánh đồng trăng gần như hái được
Giẫm lên từng gốc rạ nhuốm sương lam.
 
                                          Tháng 5/ 1977
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                        
         
  MẸ 
 
Buổi trưa đi làm về
Mẹ áp con vào ngực
Tim mẹ đập rõ nhất
Ở nơi giành nuôi con.
 
Nắng mưa manh áo sờn
Nón mẹ che trước ngực
Nơi áo ít bạc nhất
Cho dòng sữa không chua.
 
Bàn tay nhỏ con xoa
Khô mồ hôi trán mẹ
Hai bàn chân bé tí
Đạp mềm lớp chai tay
 
Con là dòng mương mát
Giữa hai bờ nắng ong
Giữa sáng chiều áo ướt
Con là bếp nửa hồng
 
Lúc ôm con vào lòng
Ý nghĩ đi xa nhất
Mọi gian lao tất bật
Lại nhẹ nhàng như không.
 
Tháng 3 / 1974
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ĐÊM THỨC VỚI CON
 
Em bồng con, thức suốt canh thâu
Trời trở gió, con không chịu ngủ
Đêm dài quá, em ngồi cho con bú
Bóng em ru lay động cánh màn
 
Ai cũng khen anh biết chăm con
Mua mũ, áo, đồ chơi ngày về nghỉ
Nhìn em bồng con, anh biết mình hời hợt thế
Lúc khoe con mau lớn với bạn bè.
 
Đất nước ru con, gió vỗ cành tre
Con sông xa tiếng trong và mát.
Đêm yên tĩnh không còn bom giặc
Đên dành cho giấc ngủ con ngoan…
 
Thức trong chiều sâu sắc của thời gian
Anh lại thấy mình còn hời hợt
Khi anh khen lúa đồng chắc hạt
Có nghĩ đâu lưng mẹ sớm còng.
 
Thay phiên em anh ngồi bồng con
Giọng khe khẽ chiều con vòi quấy
Lời ru ngắn mà  đêm sao dài vậy
Bao bài hát ru cho đủ một đêm này?
 
 Mai sau, mai sau…ngỡ thể một vươn vai
Con sẽ lớn phổng phao dáng vóc
Lời ru lặn vào trong veo ánh mắt
Lại hiện vào vầng trán mẹ nếp nhăn.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ÔNG GIÀ NGỒI DƯỚI VÒM CÂY GẠO
 
Cổng làng tôi mở ra phía đê. Con đường làng nối ra đê trông như một khúc cây chống cho mặt đê cao sừng sững. Mùa khô con đường đắp trắng bụi phù sa. Hai  hàng cây xoan khẳng khiu không còn một mẩu lá, nửa thân dưới cong sứt vẹo vì lũ trẻ ham chơi hay buộc trâu lại, rồi bỏ đi đánh đáo. Mùa mưa, đường lồi lõm vết chân trâu, vết bánh xe bò, ngồi trên xe đạp xóc tấy vào gan ruột. Hàng xoan trở lá xanh biếc trên thân cây cằn trông như những cây cảnh.Chỉ có một cây gạo to cao, vạm vỡ, bốn mùa xum xuê lá.Vào tháng ba đi xa hàng cây số đã thấy vòm cây đỏ ối màu hoa.
Hầu như chiều thứ bảy nào về, tôi cũng thấy ông lão ngồi dưới gốc cây gạo với đống nan rổ đang đan dở. Ông thả trâu, tranh thủ lúc trâu ăn, đan ít rổ rá bán lấy tiền uống rượu.Ông vẫn mua rượu của bà lão ở quán đầu làng.Với bạn già, ông gọi cái thứ nước cay cay ấy là “thuốc lú”… uống cho lú lẫn, bọn trẻ chăn trâu rất thích ông. Chúng trông hộ ông con trâu cà béo mập. Bù vào ông đan cho chúng những cái giỏ cá nom thật vững chắc và xinh xẻo.
Ông già trông quắc thước, cao lớn, cặp lông với mày rậm với đôi mắt hấp háy nom thông minh đến tinh quái. Ông biết tinh vi mọi chuyện của làng. Chiều nào về, tôi cũng thích tạt vào chỗ ông ngồi hút thuốc.Cái điếu cày của ông rõ kêu.Với gia đình tôi ông là chỗ thân cận.Lúc ít tuổi, ông là học trò của bố tôi, rồi sau lại đến lượt các con ông. Con một ông giáo, tôi cũng dễ được nể trọng và đối xử hậu hĩnh. Có bánh thuốc lào ngon, ông hay dành phần tôi. Nhìn tôi rít một hơi dài, thả làn khói trắng đục đặc sách, mắt lờ đờ say, ông cười một cách thích thú. Ông kể cho tôi những ai đi công tác xa vừa về, những ai ăn nên làm ra, còn cái ngữ nào thì đáng về đuổi gà cho vợ từ lâu rồi…
Người làng tôi nổi tiếng có hoa tay, đi làm ăn thiên hạ cũng nhiều. Vào những ngày vãn việc đồng áng, các bác thợ mộc, thợ nề, phó cối… thi nhau gồng gánh dao bay, cưa đục đi nghề. Và khi lúa đã sẫm hạt, hoặc áp tết trở về, vừa chợt xuống đầu dốc thế nào cũng được ông lão níu lấy hỏi “Thế nào, khá đấy chứ” ? Các bác thợ tòng teng gánh đồ nghề, có đèo thêm ít món ăn được mua làm quà đón tay cho vợ con, nét mặt hân hoan nhưng giọng nói lại quá ư khiêm tốn: “Cám ơn ông hỏi thăm, cũng kiếm được cho cháu vài cân gạo xấu…” Ông lão nheo mắt nhìn theo, cái miệng cười, sứt hai chiếc răng cửa non rõ hóm hỉnh. Còn các cô cậu học sinh, sinh viên mới ra trường, ăn mặc rõ oách về làng, đi ngang qua chào ông lão, sẽ được hỏi “Chào cậu cả! Nào, thử xem cậu đã bêu xấu làng mình đến đâu rồi”?Hỏi thế, nhưng cụ cười thì lại hết mực hồ hởi, bao dung.
Quanh năm ông già thả trâu, ngồi đấy, như cái trạm thường trực của làng.
Có lần, chính tôi thấy ông lão túm tay anh chủ nhiệm trẻ, mắt hấp háy hỏi hết sức thân mật:
-Thế nào, dạo này các chú mày đã chuyển chỗ ăn uống đến những nhà nào rồi? Anh chủ nhiệm mặt ngay thuỗn, đứng như trời trời trồng, giọng ú ớ:
- Bác bảo chuyển cái gì cơ?
Ông lão cười
-Tớ còn lạ gì! Trước, các chú mày chè chén với nhau suốt ở nhà kho.Giờ, sợ mang tiếng, chuyển hết nhà này đến nhà khác để che mắt thiên hạ, chứ gì? Chà, miếng ăn…
Ông lão buông lửng giữa câu, thở dài, lắc đầu bỏ đi, hờ hững như quên phắt anh chủ nhiệm đang mặt đỏ tía tai, miệng ấp úng như ngậm hạt thị.
Lại một lần nữa ông túm tay cậu kế toán trưởng:
-Vụ phân đạm vừa rồi, chú mày được chia mấy tạ?
Chột dạ, cậu kế toán sẵng giọng
-Bác bảo phân đạm nào?
-Thì đơn vị bộ đội họ đổi phân đạm lấy hai cân tư ngô, thế mà cậu lại thông báo cho xã viên những hai cân sáu ấy.
- Ai bảo bác thế? Bác đừng hồ đồ... Bác không có quyền. Nếu cần bác cứ xem, tất cả đều có chứng từ hóa đơn, hợp đồng....
Ông lão đã nóng bừng mặt, nhưng vẫn cười cười:
- Chú mày đừng to tiếng, người ta xúm đến chả lợi gì cho chú cả. Vứt mẹ nó cái hợp đồng ấy đi.Một chữ ký, ai ký mà chả được? Cái khó là ở cái bụng dạ mình đây này!.
- Xem ra, vì thế mà một số vị thường nhập nhèm trong ban quản trị không thú ông lão lắm. Nhưng bọn trẻ con và các ông già thì lại thích ông. Ông biết bao nhiêu là sự tích của làng. Từ tên các vị thánh thờ ở các  đền đình làng, đến mực nước cao nhất từ thời thượng cổ. Rồi chuyện cái bãi non bây giờ xưa là bạt ngàn lau sậy ra sao. Trong bãi sậy ấy có những chim gì, rắn gì, ếch gì... Chỉ cần một con dao, một cái bật lửa, là có thể yên chí sống ở cái bãi sậy đó hàng năm, không chết đói. Vào lúc lúa đồng đã gặt, đàn trâu tha hồ ăn rông, bọn trẻ xúm quanh ông lão, hóng chuyện. Ông kể cho chúng nghe về những người lừng lẫy trong làng, có vị là trung tá, đại tá, những thần đồng học giỏi giờ là tiến sĩ, bác học...
Với danh sách những người hiếm hoi ông hay kể đến, tôi thấy họ thật vinh dự, như được xếp vào cuốn biên niên sử của làng, cuốn biên niên sử ghi bằng... miệng!
Có điều, bọn trẻ không biết rằng chính ông cũng đã từng có một thời là anh hùng, lừng lẫy trong làng.Nhưng các cụ già thì biết.Có khi các cụ thích ông cũng vì thế.
*
*        *
 Đúng ra người ta phải gọi tên ông là ông Nhu – theo tên người con trai cả của ông. Nhưng khắp làng ai cũng vẫn gọi ông là ông lão Cần, tên cúng cơm của ông. Ở nông thôn, khi có con, người ta hay gọi thay bằng tên con. Như thế nghĩa là cha mẹ đã trút tất cả cho con những gì mình có rồi: Của cải, tâm lực, rồi đến cả cái tên mình nữa. Nhưng những người nổi tiếng trong làng, thì dù đã già cả, người ta vẫn gọi bằng cái tên cúng cơm, chứ không gọi tên con. Như thế cũng lại tức là của nả, tâm sức thì có thể trút hết cho con, nhưng cái anh hùng tài ba lừng lẫy thì các con phải tự làm lấy, không cha mẹ nào làm hộ được. Thế mới biết, cái văn minh thôn dã cũng hết sức công bằng, sòng phẳng.
Hồi chống Pháp mới thành công, tụi nhóc chúng tôi nghịch như quỷ sứ, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc cháy nắng há hốc miệng để nghe những sự tích kỳ lạ về anh Cần. Bây giờ, chúng tôi đã đứng tuổi, có người thành anh hùng, có người thành bác học, không ai biết rõ trong máu mình có pha với tỷ lệ bao nhiêu những câu chuyện kể về anh Cần, nhưng ai cũng thấy là có.
Hồi ấy, làng tôi là làng tề, có bốt Tây, bốt hương dõng, nhưng cả cái bãi sậy bạt ngàn bấy giờ là khu căn cứ du kích. Bọn Tây, bọn tề ngụy trong làng đều khiếp vía khi nghe tên Lê Cần. Đó là cái tên hay ký dưới các bản cảnh cáo chữ viết nghuệch ngoạc nhưng lời lẽ đanh thép bỏ vào túi áo treo ở tận đầu giường bất kỳ tên tề ngụy gian ác nào.Và sau khi có bản cảnh cáo đó một thời gian, thỉnh thoảng lại có tên bị mất tích, như bị ma bắt, bị trùng mang. Lê Cần có tài xuất quỷ nhập thần, không biết đâu mà lần.Bọn giặc điên lên quyết bắt sống anh. Một lần chúng đi tuần, thoáng thấy anh trong bãi ngô, chúng vây xiết lại, thì Lê Cần như có tài thăng thiên độn thổ, biết mất tăm tích. Chỉ thấy những người đàn bà khênh vào tận buồng mới giở ra và ... Lê Cần chui lên, đầu tóc đầy râu ngô, cười tít mắt với hai cô gái mồ hôi mồ kê nhễ nhại.Một trong hai cô gái ấy sau này là bà Cần.
Thế rồi, cuối cùng chúng cũng bắt được anh.Chúng lôi anh ra sân đình tập trung cả làng lại.Gậy tre tươi xếp đống và chúng quật anh tới tấp. Trước anh còn kêu la, nhưng sau chỉ nghiến răng, trợn mắt lăn lộn trong trận mưa đòn, không một lời khai. Thằng Tây lắc đầu, quát lính thúc Lê Cần ra bờ sông. Mặt mũi sưng vù thâm tím, miệng tứa máu, anh khấp khiễng bước. Đến bờ sông, nơi có vực xoáy, chúng hô đứng lại. Đoàng! Gần như cùng với tiếng nổ, Lê Cần đổ nhào xuống sông.Bọn lính chạy tới bờ sông xem, chỉ thấy nước xiết ngầu đỏ, yên trí quay về.
Hai hôm sau, khi chị Cần sắp mâm cúng ba ngày cho chồng, thì Lê Cần lại lù lù về.Chị rủn cả người, ngỡ là ma hiện hình, ú ớ định kêu, nhưng Lê Cần đã kịp bịt miệng chị lại. Thì ra anh đã nhanh hơn bọn nổ súng một tích tắc. Lặn một hơi ra giữa dòng chảy, một hơi nữa, anh cập bờ bãi sậy.
Chỉ ít ngày sau đấy, bọn tề ngụy lại thấy xuất hiện những bản cảnh cáo, nét chữ nguệch ngoạc ký tên Lê Cần. Chúng cho là làng tôi có ma quỷ.Có thằng Tây đòi quan trên xin đổi đi bốt khác. Có tên tề ngụy đã trốn biệt, mãi ngót ba mươi năm sau, miền Nam được giải phóng, mới biết tin nó đã vào bán hàng phở tận trong Sài Gòn!.
Con người lừng danh ấy, bây giờ tóc bạc trắng xóa, đang ngồi tỉ mẩn, chuốt từng chiếc nan rổ dưới gốc gạo. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, lý ra ông phải làm công việc gì danh giá trong xã mới đáng. Có lần tôi bảo ông:
- Ông có nhiều công lao thế, mà sao cũng chả được...
Ông già tỏ vẻ không hài lòng với nhận xét của tôi:
- Được chứ! Được độc lập.Được huân chương. Được ruộng đất, vườn tược...
- Là cháu bảo đáng lẽ xã phải xếp cho ông một công việc gì đáng kể từ lúc ông còn trẻ cơ...
Mắt ông già hơi đỏ lên vì men rượu, bỗng nhiên mơ màng một cách ngây thơ:
- À, có đấy! Sau hòa bình lập lại 1954, các anh ấy bố trí tôi làm xã  đội trưởng. Nhưng chỉ được một năm tôi thấy họp hành toét cả mắt, lại công văn giấy tờ toàn chữ đánh máy rối mù cả lên, thế là tôi xin chịu! Tôi  hợp với cái vó bè, với con dao đan lát hơn.
Ông già cười thành thực.Mái tóc trắng ánh lên dưới vòm hoa gạo đỏ rực mùa tháng ba, làm khuôn mặt ông trở nên hồng hào, thanh cao đến kỳ lạ.
*
*      *
Một chiều thứ bảy về, tôi không thấy ông lão ngồi đan lát dưới gốc gạo.Bóng cây gạo thành trơ trọi, hoang trống, như cổng ngõ nhà mình tuềnh toàng, không ai đóng khép vậy. Đúng vào hôm giỗ bố tôi, tôi muốn mời ông lão đến. Tôi bồn chồn hỏi lũ trẻ chăn trâu, chúng bảo ông lão đi chơi nhà bạn già, xưa cũng là du kích ở làng bên đã mấy hôm nay. Sau tôi mới biết là ông lão bỏ đi vì giận con ăn ở tệ bạc. Ông có những ba con trai. Hai người con thứ thấy rõ việc phụng dưỡng bố già không phải là việc của mình mà là việc của ông anh cả. Vì ông anh cả đã được hưởng vườn tược của bố để lại.Cả Nhu cũng giàu có, nhưng khốn nỗi mọi việc lại ở nơi cái chị vợ.Chị vợ giỏi giang quá, thao lược quá, lấn át chồng. Nhà ngói sân gạch đề huề do tay chị ta gây dựng. Anh Nhu chỉ cung cúc cùng con đóng vai làm công điểm, còn chị ta thì giang hồ chợ búa. Đi thì thôi, hễ về đến nhà là chị ta quát tháo, sai phái rối mù cả lên. Cả nhà ai cũng là “đồ ăn hại”, dĩ nhiên là cả ông bố chồng! Anh Nhu đánh bài nín thinh. Anh vốn có máu sợ vợ. Giàu có, nhưng chị Nhu tính đếm cò kè. Chỉ thích mua sắm, nhà lỉnh kỉnh những tủ chè, tủ lệch, giường tây, đồng hồ... mà bữa ăn lại rau dưa, quá nghèo. Chị lê la sang nhà xóm thẽ thọt: “Ông em ấy mà, già thế mà bữa bốn bát cơm, hết veo, lại mấy củ khoai tráng miệng nữa, mới lửng diều”. Kể ra cái sự ăn uống, người kể xấu nhiều, chứ ông có gì mà xấu hổ? Nhưng nghĩ nó cực. Đã đến tuổi nhờ cậy con, mà miếng ăn nó cũng đếm từng bát... Có lúc nghĩ thương số phận trớ trêu ông ông lão, tôi hỏi:
- Xã lâu nay họ có chú ý đến ông không?
- Chú ý thế nào cơ?
-Những ngày hăm bảy tháng bảy chẳng hạn...
Nét mặt ông lão khi ấy dãn ra hệt như lúc nhìn tôi hút thử một điếu thuốc lào ngon ông vê cho:
-Thế giả thử chú là chủ tịch xã thì chú sẽ chú  ý đến tôi thế nào nào?
Tôi thừ người, ngẫm nghĩ, rồi cũng ớ ra.Ừ, mà thật.Ông không phải thương binh, những đòn tra khảo của giặc hồi ấy chẳng để lại dấu vết gì lắm trên thân thể cường tráng của ông. Dĩ nhiên, ông cũng không phải là liệt sĩ, vì ông đã kịp nhào xuống sông một tích tắc trước khi đạn giặc nổ.Còn như trợ cấp khó khăn, gia đình ông lại được tiếng khá giả, trợ cấp nỗi gì? Chuyện con dâu hư đốn lại là chuyện riêng. Có pháp luật nào bắt con cái phải nuôi bố mẹ cho lễ độ, cho no đủ?
Thấy tôi đần mặt ra, ông đắc ý:
- Chú mày đã chịu chưa nào? Cái gì cũng để cho xã, thì xã có là cái đầu tầu hỏa cũng không kéo nổi! Con mình có hư dại, mình chịu, kêu vào đâu?
Thế đấy, kỳ này ông lão bỏ đi chơi chắc là chị Nhu lại riếc móc gì ông lão nữa đây. Có lần, ông đã mắng con dâu, chị ta liền cãi lại to tiếng hơn. Mắng nữa, chị bù lu bù loa ầm ĩ, kể công, kể của. Cái thứ đàn bà mà đã đành hanh, đanh đá thì có mà giời bảo! Miệng cứ như cái còi tàu cực tốt, hơi tí là đã hét vang lên rồi.Đất chả chịu giời thì giời chịu đất vậy. Chẳng lẽ ai lại xui con bỏ vợ bỏ chồng? Thế là giận quá, uất quá, ông lão chỉ tìm cách đi chơi cho khuây khỏa...
Khổ thân ông lão. Không mấy người hết lòng vun đắp cho con như ông. Vợ mất, ông ở vậy nuôi con. Suốt sáng chí tối, quanh năm quanh tháng lặn lội với chiếc vó bè, với con thuyền nan, kiếm cá. Cũng có lần người ta đồn ông sắp lấy vợ kế.Bà Nụ lúc cũng chỉ xấp xỉ bốn mươi.Bà góa chồng. Tuổi bốn mươi nhưng trông bà vẫn còn xuân sắc lắm, người đậm đà, môi ăn trầu cắn chỉ, lông mày lá dăm, mắt ướt như chưa hết thời con gái. Bà hay ra mua cá ngoài bè vó của ông lão, mua rõ sớm rồi lên chợ bán. Mua đã đắt rồi, thế mà có hôm về còn trả thêm tiền.Sau ông lão mới ớ ra biết là bà chỉ cốt đi bán hộ, chứ lời lãi gì?Ông không chịu.Nhưng bà làm mặt giận, mắt như có nước. Lý lẽ của bà như thế này: “Ông chả biết gì cả! Chả lẽ tôi lại ăn bớt ăn xén của các cháu ư?” Ông lão cũng quý bà lắm. Có hôm ông đánh thuyền đưa bà Nụ ra tít tận vó bè lấy cá. Họ ngồi với nhau rất lâu. Chỉ thấy lúc bà Nụ lên bờ, mắt đỏ hoe, ông lão nhìn theo hút bóng bà đi, thở dài. Cái sự là ông không thể đi thêm bước nữa được, con cái nó khổ ra.... Mãi sau này, ngồi hút thuốc lào vặt với ông ở gốc gạo, tôi thấy khi bà Nụ, đã là một bà già, đi qua, ông vẫn hỏi han chu đáo lắm, ánh mắt nhìn trẻ trung như thời xuân còn đọng lại, thoáng chút nhớ nhung hối tiếc. Bà Nụ thì nhìn ông như trách móc...
Ông cố lòng cho con ăn học. Ông nói rằng đời ông, ăn học đã đứt gánh vì nghèo cực đã đành, giờ phải cố cho con. Không mấy người hiếu học như ông. Tết nào ông cũng mang phong chè lam bọc trong giấy hồng điều đến lễ tết thầy giáo. Cho đến những Tết gần đây, bố tôi đã mất, ông không quên mang thẻ hương đến cúng cụ.Với bố tôi, ông thưa gửi lễ phép, đúng phận học trò. Ông nhờ bố tôi hết lòng dạy dỗ con ông. Nhưng khốn nỗi ông suốt ngày bận với cái vó bè ngoài sông, có ngó ngàng gì đến con cái được? Thành thử, người dạy gắng mấy mà người học biếng nhác cũng đành chịu. Các con ông đã mang tiếng ù lì ở các lớp học. Chúng bỏ học dần. Thế là việc học hành của các con ông cũng đành dở dang, đứt gánh nốt. Con dại, cái mang. Lúc còn trẻ thì không lo, giờ, đến tuổi già rồi nó mới đổ đốn ra hết lượt, thật khổ. Thế mới biết dao sắc không gọt được chôi, là vậy...
Giá biết thế này ông lão cứ lấy quách bà Nụ hồi xưa thì lại xong.Tuổi già có bầu có bạn, nương tựa vào nhau mà sống. Nhưng con người ta hạnh phúc nhiều khi cũng chỉ dám hưởng dè xẻn. Cái gánh việc đời nó nặng quá, sâu quá, chả mở mắt ra được mà nghĩ đến mình...
Đang ngồi nghĩ lẩn thẩn, về ông lão, thì đùng một cái, đã thấy ông lão lù lù giữa sân, bước vào nhà, tay cầm chai rượu, tay cầm thẻ hương, ăn mặc rõ chỉnh tề. Tôi mừng quá, luýnh quýnh cả lên:
- Cháu tưởng ông còn đang bận đi chơi xa...
- Ông lão cười, hàm răng hở ra nom đến phúc hậu:
- Ấy, cũng định đi chơi vài ngày cho khuây khỏa. Nhưng lại sực nhớ hôm nay là ngày giỗ cụ, về thắp hương cho phải phép con cháu...
- Tôi ứa nước mắt đỡ chai rượu từ tay ông lão, đặt lên mâm cúng bàn thờ, rút ba thẻ hương thắp để ông sửa lễ. Cảm động vì tấm lòng thủy chung của ông một phần, thương nhớ bố một phần, lại quý trọng đời một phần nữa...
Tàn hương, tôi hạ cỗ mời ông lão uống rượu. Ông lão ép vợ tôi cùng ngồi, nhưng cô ấy chỉ xin được đứng để hầu rượu ông, nghĩa là tìm thêm những món gì dễ nhai để ông gắp, hay vài lá rau thơm, quá ớt, ít nước mắm. Tôi nhìn vợ tôi, tỏ sự biết ơn và đồng tình.Ông lão có vẻ hả lắm, lại cảm động nữa. Uống cạn chén thứ nhất, nét buồn hiện lên làm gương mặt ông tối lại:
- Cụ nhà ta quy tiên thật mát mẻ. Đời mình đã trọn vẹn rồi, mà con cái cũng nên người nhân nghĩa...Còn tôi
  Ông lão buông lửng giữa câu.Tôi nhìn nét mặt thoáng vẻ bất lực của ông già, lòng cay đắng, xót xa.Tôi rót thêm vào đầy chén của ông. Uống cạn chén thứ hai, ông khà một cái, giọng nói trở nên giãi bày, tiêu dao:
- Cái thời loạn, trai anh hùng là phải đi đánh giặc, đã đành rồi. Nhưng bây giờ, trai anh hùng lại phải như chú, như cô đây. Có với cô cũng làm ông giáo, bà giáo cả, cố mà rèn rũa cho học trò, cho con cái nên người. Cái khổ cái nghèo thì mình còn chịu được, còn cố sức mà làm ăn, mà vượt lên, chứ cái luân thường đạo lý mà hỏng, nó hành mình, thì còn khổ gấp trăm lần, khể đến đời con cháu mình. Quy ra, cũng chỉ là ở sự lòng tham. Con cái tôi hỏng cũng vì tham gia. Con cái tôi hỏng cũng vì tham quá. Tôi mang tiếng lắm điều, hay nói mấy chú ở Ban quản trị đây ăn uống, bớt xén của bà con, cũng vì lo cái lòng tham ấy nó hành, nó làm cho người ta mất cái tình người, mất luân thường đạo lý đi. Chứ chú bảo, các chú ấy ăn uống, bớt xén thì cũng có phải chỉ vì thế mà bà con nghèo đâu? Đã ăn cắp, đã tham lam, nó còn sinh trăm sự khác...
Ánh mắt ông lão trở nên xa xăm u uẩn. Con người như thế, buồn vui, sướng khổ, thượng vàng hạ cám đã trả rồi... Bởi vậy, nỗi buồn lo của ông thật thấm thía.
Chiều hôm sau, trên đường sang trường, tôi lại thấy ông lão ngồi dưới gốc cây gạo, lũ trẻ bâu quanh ông, tròn mắt nghe ông kể chuyện. Chắc ông lại đang kể về cái bãi sậy, hay là những người lừng lẫy trong làng, có vị là tướng tá, có những thần đồng học giỏi giờ là tiến sĩ, bác học... Vị nào cũng có một thời trẻ con như chúng với những chi tiết hài hước, hóm hỉnh. Nhưng cái quan trọng là cậu nào cũng là những đứa bé có chí khí, cư xử ăn lời cha mẹ. Một tốp các ông thợ gồng gánh đi qua, ông lão ngẩn lên nói một câu gì đó, cười hở hết cả hàm răng thiếu hụt. Vòm hoa gạo ánh lên trên gương mặt thâm trầm tôi đã thấy chiều qua. Ánh mắt long lanh, tinh quái...
Không hiểu sao, cứ thấy ông lão ngồi ở đấy, là tôi lại thấy ấm cúng, yên tâm.Như cái cổng ngõ nhà mình đã có người khép mở. Như cái làng mình có một nơi thường trực đáng tin cậy để hỏi han tâm sự....
 
 
 
 
 
 
 
VŨ DUY THÔNG
 
- Họ và tên khai sinh: Vũ Duy Thông
- Sinh năm: 1944
- Bút danh: Thi Vũ, Duy Vũ
- Quê quán: Thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là ngoại thành Hà Nội)
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1982)
 
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Nắng trung du (Thơ, 1997)
* Những đám lá đổi màu (Thơ, 1982)
* Tình yêu người thợ (Thơ, 1987)
* Gió đàn (Thơ, 1989)
* Trái đất không chỉ có một người (Thơ, 1991)
* Chối từ cô đơn (Thơ, 1998)
* Một trăm bài thơ (Thơ, 1999)
* Và cuộc đời sẽ cứu rỗi (Thơ, 2003)
* Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975 (Nghiên cứu văn học)
* Ai là bạn tốt (Truyện thiếu nhi, 1978)
* Cây bưởi ngây thơ và con bướm sặc sỡ (Truyện thiếu nhi, 1980)
* Chú tôm gõ mõ (Truyện thiếu nhi, 1981)
* Về thăm bà nội (Truyện thiếu nhi, 1989, 1993)
* Thỏ rừng hóa hổ (Truyện thiếu nhi, 1988)
* Chiếc kẹo tàng hình (Truyện thiếu nhi, 1987)
* Mèo con và cáo đỏ đuôi (Truyện thiếu nhi, 1983)
* Cuộc phiêu lưu của ong vàng…
- Giải thưởng văn học:
* Năm 1969, được giải trong cuộc thi thơ lần đầu của báo Văn Nghệ.
* Hai lần được giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng về truyện ngắn dành cho thiếu nhi, 4 lần được giải thưởng kịch bản phim hoạt hình tại Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan truyền hình Việt Nam.
- Suy nghĩ về nghề văn: Thơ là gì và nói rộng ra văn học là gì? Câu hỏi đã có từ nghìn năm trước và nghìn năm sau nữa người ta vẫn hỏi nhau câu đó vì không có câu trả lời nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Nhưng thơ, nói đúng hơn là thơ hay vẫn đang tồn tại không nhờ những định nghĩa. Thơ như không khí… như nắng trời, như hạnh phúc và nỗi đau khổ, như tình yêu và lòng căm giận… rất khó nắm bắt nhưng lại rất dễ biết có nó hoặc không có nó.
Vậy đừng mất công đi tìm những khuôn phép cũ hay mới cho thơ, càng không nên vì thơ mà lo lắng số người viết, số người đọc nhiều hay ít. Sự cần thiết với nhà thơ và người đọc là tìm đến những bài thơ hay. Những bài thờ hay có mặt ở nơi mà nhờ nó con người khao khát sống hơn, tin người khác hơn và yêu mình hơn.
 
 
 
 
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
MÙA TRE ĐỔI LÁ
  
Mùa tre đổi lá
Tia nắng vàng mơ
Sóng truồi cát mịn
Bến sông sương mờ
Chim sáo gọi người trong vườn quả
 
Mùa tre đổi lá
Tôi đi từ đấy đến đây
Lá vàng trong gió xoay xoay
Đến chóng mặt những vui buồn tuổi nhỏ
Con cò trắng bay đi từ đó
Để lại mắt em trong như nước mưa
 
Gió lang thang dọc luống bừa
Tiếng sấm đầu mùa mưa lắc thắc
Dạo ấy đất nước đầy bóng giặc
Buổi chia tay em trao gửi, dặn dò
Tre lào xào như mưa
Yên lòng người hăm hở
Theo tôi giục giã đường xa
Có bóng mẹ nhẹ tênh trên lúa
Mẹ cứ tin nhìn mãi vào ngọn lửa
Sẽ một lần gặp lời con nhắn nhe
 
Mùa tre đổi lá, tháng ba
Tấm lịch mùa màng thì lúa trổ
Nhịp đập xóm làng trong ngực tôi nhắc nhở
Ôi sâu xa nỗi nhớ mùa cày
Nỗi nhớ cánh đồng, nỗi nhớ đất đai
Như nõn xanh có bao giờ xưa cũ
 
Tháng ba rồi
Lá tre bay trong gió
Bếp lửa cười, mẹ để cửa chờ con
             1974
 
 
 
 
 
 
MƯA TRUNG DU 
 
Mạ mập mạp ngạnh trê
Rễ trắng ngần ngó nhú
Gió se mặt bùn non
Đồng nặng nề mang chửa
 
Tre rì rào nghiêng ngả vòm lá xa xôi
Mưa loãng như sương
Cỏ túa ngòi
Con châu chấu gảy càng tí tách
 
Tôi đằm mình trong hơi mưa trong sạch
Mây trung du tưởng chừng hớp được
Hương ải dịu dàng thấm làn da
Mảnh đất ông bà
Áo quần nhuộm nước nâu già
Thoảng cay mùi trấu bếp
Tiếng thậm thịch trục đá lăn mùa gặt
Tiếng mỏng tang cọ gõ trống mưa rào
Giọt bùi giọt mặn cần lao
Nuôi tôi lớn không
Dạy tôi đánh giặc
Nắm mạ tung giữa chiều mưa nhẹ vắt
Gieo lòng tôi bao chồi biếc trung du.
Vĩnh Yên, 1976

NÓI VỚI CON TRAI
Cha đưa con ra vườn
Xum vầy cùng bạn quen
Trưa vàng hanh tiếng chim
Lá xòe tay bắt nắng
Cái sân rêu đất ẩm
Chum nước mưa đầu hồi
Mỗi lần con ngon giấc
Hoa lại thù thì rơi
 
Cha bồng con trên tay
Như cây bế bồng chồi
Như cành đìu ríu quả
Con áp má vào cây
Nghe nhựa đất lên mầm
Lòng sẽ nên giàu có
Con đặt tay lên lá
Tim trọn đời tươi non
Đặt môi lên hoa thơm
Con sẽ yêu trong sạch
 
Rồi mai gốc ổi già
Khom như ông đánh dậm
Kể chuyện ngày sơ tán
Quả chín rụng ngõ sau
Đầu hồi hai gốc cau
Chuyện  con hay đòi võng
Cây hồng trứng quả mọng
Chuyện bà hay nuông chiều
Chuyện cây cột, cây kèo
Kể đời ông vất vả
Bờ giếng kể chuyện mẹ
Ngồi giặt tã đến khuya
Vạt áo mẹ so le
Lo miếng cơm thìa sữa
Hai cây ngâu trước ngõ
Chuyện mẹ cha thương nhau
 
Cha bồng con lên cao
Hoa thơm tay con hái
Quả ngon tay con với
Thơm ngọt dành cho con
Rồi mai đây lớn khôn
Con sẽ nghĩ xa hơn
Những điều cha từng nghĩ
Con sẽ đi xa hơn
Niềm mong chờ của mẹ
Sẽ đến ngày lặng lẽ
Cha dừng lại dọc đường
Thì mái tranh, cây vườn
Sẽ thành nơi mong nhớ
Thành quê hương, xứ sở
Theo bước con trọn đời.
                               1977
 
 
 
 
 
MÙA THU
 
Bỗng dưng đàn sếu bay ngang
Thu về sao quá khẽ khàng, hỡi thu
Chuỗi cườm đứt nối trong mù
Tiếng kêu gió thổi mơ hồ bãi xa
Con ve khô vỏ vườn già
Đầm sen gắng nở nụ hoa cuối cùng
 
Thu về thăm thẳm nhớ mong
Trời cao rộng mải đợi trông cánh diều
Con đường đến với người yêu
Giật mình chợt thấy quá nhiều ngã ba
 
Tôi không buồn nữa đâu mà
Trước điều chẳng thể đường xa đèo bòng
Trước điều dẫu có cũng không
Trước điều chẳng thể chờ mong một đời
Trước điều như chiếc cốc rơi
Nhặt vun sẽ đứt tay người nhặt vun
 
Mai sau trên những bãi cồn
Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày
Bởi tôi dẫu thoáng phút giây
Từng theo bầy sếu xoải bay trong mù.
         1978
 
 
 
 
 
LẠI NÓI VỚI CON
 
Giờ các con lớn khôn
Trai ria đen lún phún
Gái lảnh lót như chim
 
Vui, con vui chuyện riêng
Buồn, con buồn cách khác
Bè bạn cứ nhiều dần
Suốt ngày đi biền biệt
Thiếu con chè đắng ngắt
Cha thẩn thơ quanh nhà
 
Xưa cháo con ăn thừa
Phần cháy cha ngồi cạo
Tã mỗi ngày một chậu
Chăn chiếu giặt đen thâm
Con vọc đất ngoài sân
Con vào bếp nghịch lửa
 
Đêm sốt con đòi bế
Mẹ ngủ đứng trong màn
Cô Tấm chăm cá bống
Anh Sọ Dừa lăn lăn
Chuyện cò con xa mẹ
Bón theo thìa cơm ăn
 
Giờ con học tiếng Anh
Văn, đọc Giăng Pôn xác
Nhạc, mê nhóm Bít tơn
Tranh, săn tìm Van gốc
Tranh cãi ầm cả nhà
Cha ngồi nghe ngơ ngác
Vừa mừng vừa muốn khóc
Thấy mình thành thừa ra
 
Mở vở con ngày xưa
Gặp lại con cò bé
Cha ngồi ru khe khẽ
Sợ ai nghe tiếng mình.
                                  1990
 
 
 
 
 
  
MƯA Ở MAXCƠVA
 
Mưa phùn ứa từ không gian
Hàng cây im lặng khóc
Chơi vơi muôn hạt cô đơn
Cỏ bên đường bạc tóc
 
Đã qua thời trai trẻ
Bạn bè xưa giờ khác lắm rồi
Chỉ may ra, sau kính mờ cửa sổ
Đôi mắt nào còn lặng lẽ nhìn tôi
 
Mái nhà rêu xám, khói uể oải bay
Đàn chim trên đường lông ướt bẩn
Vội vã nhặt trong ánh ngày quá ngắn
Những hạt thóc mầm rơi dọc lối đi
 
Đừng bỏ sót chim ơi, một hạt nữa kìa
Cả mùa đông đang rình ta đó
Và người hỡi, hãy rời cửa sổ
Ra với mặt trời đâu đó sau mưa.
 
 
 
 
 
 
 
 TUYẾT
  
Trắng tơ trời
Trắng bột đá
Trắng như… 
Mây bong ra lả tả rơi về đất
Cành thông nặng khoảng trời khuya khoắt
Đất trắng ngần, đất không thật đâu em
 
Anh vạch một lối đi nguệch ngoạc về em
Xóa đi triệu dấu chân, in dâu chân duy nhất
Tuyết đa cảm
Và anh nhàu nát
Trên nẻo đường chới với tới bình yên
 
Chạm gốc cây dưới lớp tuyết mềm
Người giá lạnh thương về nơi giá lạnh
Anh hiểu vì sao mỗi bông tuyết mảnh
Lại mang một mặt trời nhỏ xíu lúc hừng đông.
 
 
              
 
 
 
ĐI CHỢ HOA
 
Thong thả chiều nay đi chơi tết
Chợ hoa Hàng Lược nối Hàng Gà
Người ta đi sắm, mình đi ngắm
Mắt thỏa thuê nhìn hoa với hoa
 
Hoa cúc điệu đàng, hoa dơn bụ
Hoa đào chúm chím nụ môi tươi
Em ạ, ngày xưa anh cũng trẻ
Cũng lắm người yêu như em thôi
 
Có đâu mua hết xinh tươi được
Đã người thưa chú, kẻ chào anh
Lòng vui nghiêng nghé vào mặt nước
Gạt cánh hoa tươi gặp lại mình
 
Yêu hoa ai cũng thành thi sĩ
Đâu chỉ lo âu với nhọc nhằn
Đời như cây ấy, qua đông héo
Vẫn chiu chít nụ đợi ngày xanh
 
Đi ngắm thành ra đi say đắm
Ai cũng cao sang, cũng dễ gần
Tôi xin được cối như đào gốc
Để làm bạn cũ của mùa xuân.
 
 
 
 
 
 
CÔ VÀ CHÁU
  
Cô ước một lần ra Hà Nội
Lặn lội cháu về đón tận quê
Mẹ cha khuất núi, còn cô ruột
Cô nữa là thôi, hết chốn về
 
Vui được một hôm, cô đã thở dài
Giò chả không quen, nệm bông khó ngủ
Ăn miếng trầu khó nơi nhả bã
Thảm len êm rón rén tựa rằm gai
 
Đàn cháu ở nhà chắc khóc hết hơi
Trẻ vắng bà như chim mất tổ
Con lợn lang kỳ này trở dạ
Mẹt đỗ xanh ai nhớ mà phơi
 
Tôi dỗ dành, làm mặt giận cô tôi
Nể bụng cháu, cô cười ra nước mắt
Ừ đã thế ở bao lâu cũng được
Nhưng nửa đêm, cô khóc ở ngoài thềm
 
Thôi cũng đành, biết nói gì thêm
Ngày về cô xin một đùm chai lọ
Cái này đựng tương, cái kia đựng mỡ
Còn ống bơ cho trẻ con chơi
 
Đường mịt mờ mang theo cả cô tôi
Tôi về thắp hương thương cha nhớ mẹ.
 
 
 
 
 
 
 
ĐÀ LẠT
 
Tôi đến đây và nghe đến sững sờ
Bè bạn bảo
Nơi này không sống được
 
Tôi là kẻ bị rừng thông huyễn hoặc
Bị nước xanh dẫn dắt đến dại khờ
Bị đánh bẫy sau những làn sương mỏng
Tôi yếu mềm cùng đọt non tơ
 
Trăng đấy ư, rồi buổi sớm đấy ư
Nắng dịu nhẹ chừng không thật nữa
Nước thành mây và mây thành nước rỏ
Rặng tầm xuân chống chếnh cả đôi mùa
 
Con sóc bay trong thung lũng vô tư
Ở đây được quên, ở đây được nhớ
Thật có lỗi nếu không ghìm hơi thở
Im ắng tột cùng đến thoáng lạnh trên da
 
Phong lữ thảo trước thềm, cúc ngõ lại hoa
Hoa hào phóng nở như không trong cỏ
Ngoài quê dạo này rét gió
Thèm chút hoa bèo đỡ tối đường ao
 
Tôi chẳng đi tìm yên tĩnh đó sao
Năm năm gió lào chàm lửa
Lại năm năm Thái Nguyên xóc nảy người bụi đỏ
Ngần ấy năm tất bật, lo toan
 
Sao ở đây tôi không thề ngủ yên
Không đợi nổi mùa anh đào rộ nở
Xa em rồi anh sống nhọc nhằn hơn
Nhưng từ biệt, chúng mình từ biệt nhé
 
Anh lại xếp hàng trước một cân cá bể
Lại thức trắng đêm bên ánh lửa lò
Lại gà gật trên chuyến tàu chật chội
Lại nghẹn lòng trước màu lúa ấm no
 
Anh lai về với những chiều, những sớm vui lo
Làm lụng và chờ đợi
Anh bặm bụi quen hơn, anh bặm bụi
Để còn em nguyên vẹn, tốt lành
 
Đà Lạt trong tôi
Đà Lạt tôi mong mỏi
Suốt đời tìm, suốt đời ở kề bên.
               1978
 
 
 
 
 
 
RƯỢU CẦN
Khèn treo lên vách, chiêng cũng ngủ rồi
Ché rượu khiêng ra nếp lèn lá ủ
Âm âm thác đổ nai tác núi xa
Nước hóa rượu lạnh, em ngả nghiêng hoa
Rượu thành mạch dâng reo trong trúc ngà
Uống tiếng chim khuya uống cơn gió lạc
Uống hương cà phê đồi trăng bát ngát
Uống ánh mắt ướt tan tành hồn tôi 
Tượng mồ bìa rừng đang cho con bú
Hồ âm núi dương êm đềm nhịp thở
Nhà rông tám cột, cột nào đổ nghiêng
Đêm nay uống cạn suối ngàn Tây Nguyên 
Cho bạn thành mình, mình tan trong bạn
Mai thả lá tre thay người về xuôi
Giờ hãy vít cong hai đầu cần dẻo
Qua biển men đầy môi tìm gặp môi.

KHAU VAI
Biết khó còn dịp lên đây nữa
Thôi cũng một lần biết Khau Vai
Rượu ngô lướt khướt bên lều chợ
Người tỉnh chắc gì hơn người say
 
Chung thuỷ chắc gì đã tử tế
Chợ họp suốt đêm lại suốt ngày
Ai bảo chợ họp là có chợ
Mình ta lủi thủi biết tìm ai
 
Nên đêm qua rồi sáng nay nữa
Ta ngồi uống rượu với trời mây
Tuổi già hay tưởng mình còn trẻ
Bát rượu vừa vơi đã rót đầy
 
Uống cho người ấy không yên được
Dẫu đã chồng con, đã vẹn bề
Uống cho trăng lặn bên kia núi
Bật khóc thương người  trong cơn mê
 
Uống cho Khau Vai xa thăm thẳm
Thẳm thẳm trời xa thăm thẳm buồn
Mai người xuống núi người ở lại
Cầm chắc chân trời mưa gió tuôn.
                                               8-12-2010
 
 
 
 
 
 
 
 
UỐNG RƯỢU Ở XỨ NGƯỜI
 
Chiều  nay vắt vẻo Phương Đình quán
Mây bay khuất nẻo rượu nghìn bình
Nghìn đôi mắt rắn ngâm trong rượu
Lặng lẽ nhìn người qua thủy tinh
 
Xưa nghe Tây Thục lắm rắn rết
Khe núi hổ mang đêm gầm rít
Mồ hoang rải rác đường lên trời
Nọc độc nghìn năm chưa tan hết
 
Xưa nghe xà tinh hiển hiện người
Dan díu duyên trần thân lạnh toát
Bao tình yêu rắn bị trời hành
Thân xác tan tành con côi cút
 
Nay hâm rượu nóng ngồi đọc thơ
Ngỡ mình thành vua miền cực lạc
Giữa nhà mồ rắn rượu rót tràn
Trong say, cách trời ba bốn bước
 
Nửa đêm tỉnh giấc chợt rùng mình
Mừng lưỡi còn chưa phun nọc độc
Cay đắng cũng xin làm kiếp người
Mảnh tình phương Nam xa xôi ơi!
        Đất Thục, 1999
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HOA VÀNG
 
Những bông hoa vàng không tên
Nở dọc con đường thiên lý
Thảo nguyên vào thu lặng lẽ
Hoa vàng không biết có tôi
 
 
Hoa vàng trước đêm tuyết rơi
Tươi rói nụ cười sắp tắt
Lá phong lưng trời rụng hết
Hoa vàng từ đất vàng lên
 
 
Có đấy mà không, như em
Vụt đến vụt đi hối hả
Trái tim đến là kỳ lạ
Đeo đẳng màu hoa không đâu
 
 
Tóc tôi rồi sẽ đổi màu
Hoa vàng cứ hoa vàng mãi
Đến tên còn chưa kịp hỏi
Liệu mai nhớ gì hoa ơi!
                              12-2001
 
 
 
 
 
 
 
 
TRƯỚC CHẤM PHẠT ĐỀN
 
Con ơi, đời chúng ta
Nhiều lúc, như thủ môn bóng đá
Đứng trước chấm phạt đền
 
Bằng vôi hay bằng sơn
Trên mặt đất, trên thảm xanh
Cái chấm tròn khắc nghiệt
Nơi đó đối phương không dấu mặt
Không đàm phán
Không thỏa hiệp
Nơi đó được thua tính bằng gang tấc
 
Nơi chỉ mình ta
Giữa khung thành rộng hoác
Sau lưng là tấm lưới trống trơn
Sẵn sang rung lên
Và bên cạnh ta
Đến đồng đội cũng thành ngoài cuộc
 
Con ơi, người ta từng khuyên
Chạy trốn là cách khôn ngoan nhất
Nhưng làm sao trốn được
Như người lính trốn khỏi chiến hào
Như bè bạn hoạn nạn bỏ nhau
Như gã đàn ông run rẩy trong thử thách
 
Thì ở lại thôi
Để chiến thắng
Hoặc thua đau đớn nhất
Để phơi ra trước ngàn cặp mắt
Tài năng thực của mình
Không kẻ đỡ đần
Không nơi ẩn nấp
 
Chúng ta không phải thủ môn
Và mọi trận cầu đều sẽ rơi vào quên lãng
Nhưng trong cuộc đời
Còn rất nhiều khung thành bỏ trống
Cha mong thấy con luôn nhìn thẳng chấm phạt đền
                                                                    
Với sự kiên cường câm lặng.
                                    1-2000
 
 
 
 
 
 
 
EM BÌNH YÊN CHẢI TÓC
  
Em cứ bình yên chải tóc
Ngoài kia gió chải tóc cho cỏ
Nắng chải tóc bạch đàn
 
Trái đất chẳng yên ổn hơn chẳng loạn ly hơn
Máu vẫn đổ và hoa hồng vẫn nở
Chúng ta chẳng buồn hơn cũng chẳng vui hơn
Chưa phải tình yêu nếu chưa đau khổ
Lịch vừa mở đã thành tờ giấy cũ
Có thể bình minh là một ngày hé mở
Có thể bình minh là thêm một ngày tàn
 
Yêu là điều không chút dễ dàng
Anh đã để rơi những chiếc gương không có bóng em
Những chiếc giường không em về ngủ
Nơi em dứng chờ anh bến đỗ
Con thuyền đi cùng sóng gió chòng chành
Giữa mắt bão là khoảng trời yên ả
Cuộc đồng hành định mệnh của trời xanh
 
Anh đã yêu đến xơ xác đời mình
Mảnh thuyền vỡ trăm bờ lăn lóc
Nhưng em cớ bình yên chải tóc
 
Ngoài kia gió chải tóc cho cỏ
Nắng chải tóc bạch đàn.
 
 
 
 
 
 
 
 
TUỔI NÀY…
 
Tuổi này xin chớ có buồn
Một đời chớp bể mưa nguồn mấy mươi
Em xem, gió giật sóng dồi
Mấy cây củi mục rong chơi tưng bừng
 
Tuổi này xin nhớ lưng lưng
Xin đau nhè nhẹ, xin mừng hơi hơi
Trái tim đập đến rã rời
Mang sao được cả một trời nhớ thương
 
Tuổi này ngùi ngẫm cuối đường
Xót chiều nắng lụi, thương sương đầu cành
Cũng liều bám lấy mong manh
Kiếp sau đâu chắc chúng mình còn nhau
 
Tuổi này vời vợi đêm sâu
Thức cùng cầu Thước, sông Ngâu nghìn trùng.
 
 
 
 
 
 
 
 
TẬP TẦM VÔNG
 
Tập tầm vông
Có có không không
Cợt đùa số phận
Sau hai tay nắm
Cuộc đời hỏi ta
Có gì
Có gì
Có gì ?
 
Đường đời nhiêu khê
Bước đời hú họa
Đói nghèo giàu có
Toại nguyện lỡ lầm
Em quay tròn trước tôi nắm tay bé nhỏ
Một lần thôi tha hồ chọn lựa
Hoặc có
Hoặc không
Một lần thôi, tôi đã chọn nhầm
Bàn tay dấu hòn sỏi nhỏ
Em đứng lên cười mà muốn khóc
Em nào có muốn thắng tôi 
Đường đời chia đôi
Em bỏ làng đi không trở lại
Đến bạc đầu tôi không quên hòn sỏi
Có có không không
Lăn lóc kiếp người.
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...