Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 5a; Quyển 2)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 5a; Quyển 2)

XUÂN MAI
- Họ và tên khai sinh: Lê Xuân Mai
- Sinh năm 1945
- Bút danh: Mai Văn Vân
- Quê quán: Làng Ao Gỗ, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997)
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Trận địa đồi sim (1987)
* Một buổi đi săn (1992)
* Giếng làng  (1997)
* Những người đang đi ở cuối hàng  (2003)
* Nơi gặp gỡ hai con sông (2006)
* Vĩnh Phúc - Đất thắng tích và lễ hội  (2008) 
* Điều nó dối đáng yêu  (2010)
* Người về chốn cũ  (2014)
- Giải thưởng văn học:
* Giải A, Giải B, Giải C, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc 5 năm lần I, II, III
* Giải thưởng Văn học thiếu nhi lần thứ II của Nhà xuất bản trẻ và nhiều giải thưởng Văn học Nghệ thuật khác.
- Suy nghĩ về nghề văn:
Giá như không được sinh ra, lớn lên ở một vùng quê trung du, tuy nghèo nhưng lại giàu về bản sắc văn hóa; giá như không trải qua những năm tháng chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc... thì có thể tôi chỉ là một người yêu văn chương chứ không trở thành một nhà văn.
Mọi sáng tác của tôi đều hướng về những người nông dân ở làng quê mình, hướng về những đồng đội trong chiến tranh với mình…Nghĩ ngợi nhiều, mong ước nhiều mà nhìn lại sự “viết lách” của mình chưa được bao nhiêu nên nỗi niềm đau đáu kia càng day dứt mãi trong tôi, mãi còn thôi thúc tôi cầm bút.
A- TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ  
MẤY GHI NHẬN TRONG SÁNG TÁC VĂN XUÔI CHO THIẾU NHI
CỦA NHÀ VĂN XUÂN MAI 
Thanh Vĩnh
Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay, văn chương Vĩnh Phúc có thêm những bước phát triển mới. Đông hơn về số tác giả. Nhiều truyện ngắn và rồi tiểu thuyết - thể loại được xem là “cỗ trọng pháo” của văn học đã xuất hiện. Tuy nhiên, những sáng tác cho thiếu nhi thì vẫn không nhiều. Số tác giả viết cho thiếu nhi cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”: Hoàng Tá (đã mất), với Nguyễn Công Dương và Trần Thịnh. Khoảng mươi năm lại đây, đội ngũ viết cho thiếu nhi ở Vĩnh Phúc tuy có được “tăng cường”, nhưng vẫn rất khiêm tốn: Nguyễn Ngọc Tung (Cánh diều tuổi thơ), Bùi Xuân Dũng, Phùng Quang Ngọc (Trăng đầu tiên) và Chu Thanh Trung. Các tác giả này đều thuộc chuyên ngành thơ. Bởi thế, mảng văn xuôi cho thiếu nhi ở Vĩnh Phúc, nhiều năm nay, vẫn là vắng vẻ. May thay, còn có một người, luôn cặm cụi dồn tâm huyết trên từng trang viết dành cho các em. Người đó, là nhà văn Xuân Mai!
Một mình một ngựa*, Xuân Mai độc hành trên con đường sáng tạo văn chương vì trẻ em, cho trẻ em. Ông viết trong niềm đam mê làng, trong khát vọng lưu giữ hình ảnh, chân dung làng: nơi ông luôn coi là cội nguồn của yêu thương. 7 đầu sách của ông viết cho thiếu nhi, gồm các tập truyện ngắn Trận địa đồi sim - Nhà xuất bản Kim Đồng 1988; Một buổi đi săn - Nhà xuất bản Kim Đồng 1993; Cỏ hoang - Nhà xuất bản Kim Đồng 1997; Giếng làng - Nhà xuất bản Trẻ 1997(tập truyện Giếng làng đoạt Giải khuyến khích sáng tác văn học thiếu nhi - Vì tương lai đất nước lần thứ II do Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức vào 1/6/1997(cuộc thi này có 174 tác phẩm tham dự trên phạm vi cả nước, và chỉ có 11 tác phẩm được trao giải).Tiếp đến là tập truyện Con trai người đi xa - Nhà xuất bản Kim Đồng 2001; Chuyện cổ tích về bà - Nhà xuất bản Kim Đồng 2003;  “Quà của dòng sông” (Hội VHNT Vĩnh Phúc - 2005)
Người lớn và trẻ em đều là đối tượng để nhà văn Xuân Mai hướng tới qua trang viết của chính ông. Ở lĩnh vực nào, Xuân Mai cũng đã gặt hái thành công, nhưng bạn viết và bạn đọc đều nhận thấy: sáng tác của ông viết cho tuổi thơ có “sức nặng” hơn hẳn. Mặc dù, ai cũng biết, viết cho thiếu nhi không hề dễ dàng. Không giàu vốn sống, cảm xúc, không yêu trẻ, không có cho mình một “con mắt trẻ thơ” nhìn cuộc sống thật trong trẻo, hồn nhiên… sẽ khó mà viết cho thiếu nhi thành công. Nếu có cố, cũng chỉ là những “sáng tác người lớn”, “mang danh” viết cho các em mà thôi.
Chân dung làng
7 đầu sách, với hơn 40 truyện ngắn (in trong 6 tập) và một truyện vừa (Con trai người đi xa) của Xuân Mai; có cái là truyện ngắn hoàn chỉnh, có cái mang dáng dấp một tản văn, có cái như một đoản khúc, một hoài niệm, một hồi ức… tất cả đều tập trung xây dựng, hoàn chỉnh một chân dung làng. Hầu hết các tác phẩm viết cho tuổi thơ của Xuân Mai đều dẫn dắt người đọc trở về làng - cội nguồn thân thương của bao thế hệ người Việt Nam. Cội nguồn ấy luôn gắn bó với những tên đất tên người ruột thịt, với bao kỷ niệm buồn vui, cả ngọt ngào hay đắng đót của những tuổi thơ ở làng… dù lấm láp lam lũ nhưng thật bình yên. Cội nguồn ấy còn gắn với bao số phận, với những kiếp người quê nhọc nhằn vất vả; nhưng nồng ấm tình người mộc mạc, chất phác. Cội nguồn ấy, trong trang viết của nhà văn Xuân Mai, là một làng quê rất cụ thể có tên: làng Ao Gỗ (còn gọi là làng Bình Lạc, làng Mộc Cụm) nay là tổ dân phố Bình Lạc, TT Tam Sơn, huyện Sông Lô.
Chân dung làng được phác thảo những nét đầu tiên bởi tâm thức nhân vật, hay cũng chính là tâm thức nhà văn “Ao Gỗ là tên gọi của làng tôi” - (như lời kể của nhân vật, khi mở đầu truyện ngắn) Làng Ao Gỗ – quê hương nhà văn là một ngôi làng cổ. Làng có tự bao giờ, người cao tuổi ở làng cũng không thể biết. Làng không lớn. Nhưng bởi đất lành, nên “người dân nhiều nơi mới rủ nhau về, đánh gốc, bốc chà, phát nương, làm rẫy, sinh cơ, lập nghiệp…” để “từ đó mà thành bản, thành làng!”. Sự tích về làng còn gắn với một câu chuyện bi thương thủa xửa xưa (Sự tích núi Hình Nhân). Ngay cái tên làng cũng là một câu chuyện thú vị: thủa trước, làng dựng đình. Đình to lắm, mấy năm mới làm xong. Gỗ ngâm để làm đình chật đầy cái ao to nơi cửa đình. Ao ngâm gỗ nên gọi là Ao Gỗ, gọi mãi mà thành tên làng! Làng Ao Gỗ nằm gần chân núi Sáng, không có bến nước, không có cây đa. Bù lại, làng có một cây gạo “to hơn tất cả các loại cây có trong làng”. Đó là “cái mốc” để “người đi xa, mỗi lần về quê, ai cũng nhận ngay ra làng mình đầu tiên là nhờ cây gạo ấy”.
Ngôi làng nhỏ, nhưng qua trang viết của nhà văn, bạn đọc được tiếp cận cả một thế giới những câu chuyện muôn đời về làng quê. Những câu chuyện bình dị, luôn gợi nỗi thân thương khôn nguôi về làng. Nơi ấy có “Đình làng”; “Chợ Then”; “phố nhỏ bên sông”; “Rừng cò Chằm Sai”; ao làng, rồi còn cả một “dòng sông Cửa Ngòi”… Dòng sông mà trong mắt những đứa trẻ của làng luôn ăm ắp những điều huyền diệu. Sông tuy nhỏ, nhưng chỉ cần nhìn màu nước sông, người ta đã nhận ra những sắc màu của bốn mùa thiên nhiên luân chuyển với những êm đềm ngọt ngào hay sục sôi dữ dội… Riêng với Giếng làng, nhà văn cho bạn đọc thấy đó còn là một cổ tích, khiến người làng mãi tự hào, rằng: Giếng làng là do ông tổ, cũng là ông vua đầu tiên của nước ta: Vua Hùng - trong một lần đi săn tới làng, đã nghỉ chân, cắm trại, và cho người đào nên. Giếng cho dân làng nguồn nước trong lành mát ngọt, giếng là nơi dân làng gặp gỡ, thăm hỏi nhau trong lúc gánh nước ăn hay giặt giũ đêm trăng; giếng là chốn trai gái làng hẹn hò; đặc biệt, cũng tại giếng này, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có anh bộ đội anh dũng chiến đấu, rồi hy sinh để bảo vệ kháng chiến, bảo vệ dân làng…
Theo chân người viết, bạn đọc sẽ được tham dự những đêm soi ếch, những buổi đặt nắn, đánh lờ cá rô, những mùa tát cá đẫm mùi bùn, mùi cá tép, cái mùi mà “không phải tuổi thơ ai cũng có”. Rồi ta sẽ được thưởng thức Tết cơm mới, biết đến Hương cây rơm; đến vị rau má gắn liền với những ký ức để đời của cái thời “đói quay đói quắt”; biết đến nỗi cực nhọc “đi núi nằm” sơn tràng bòn kiếm cái ăn cầm hơi qua ngày vào buổi “ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt” … của bao vùng quê nghèo Việt Nam hôm qua.
Chân dung làng còn hiện hữu sắc nét qua những ký ức êm đềm của tuổi thơ: một buổi đi săn, tắm mưa, quê ngoại, tháng Mười, một mùa phá đỗ gợi nhớ câu ca “trâu bò được buổi phá đỗ…”, một trận đánh trận giả, một buổi bắt ốc nơi đồng chằm, một buổi gặt đầu tiên của một cô bé. Cô được theo mẹ ra đồng, vụng về đưa liềm tập cắt những bông lúa chín đầu tiên trong đời. Nhẹ nhàng, thủ thỉ, Xuân Mai giúp tuổi thơ Việt, giúp chính mỗi người lớn chúng ta cảm – nhận quê hương.
Chân dung làng trong sáng tác cho thiếu nhi của Xuân Mai còn được lưu giữ bởi rất nhiều mùi hương vị và âm thanh: hương đồng hăng hoải buổi gặt chiêm, cấy mùa, hương cây rơm, vị rau má; là tiếng cò tao tác rừng chiều khi bị con người phá tổ, là tiếng ếch như chỉ còn vẳng lên từ ký ức bởi sự huỷ diệt thiên nhiên của con người.
Nhiều địa danh trong truyện ngắn viết cho tuổi thơ của Xuân Mai đều là địa danh có thật ngoài đời, chân thật, gần gụi như máu thịt.
 Yêu quê, nên nhà văn dường như đã đưa nguyên vẹn hình dáng, tên gọi làng quê vào trang viết. Hay đó cũng là cách ông lưu giữ lại cùng mai sau về những gì đã hiện hữu nơi làng quê mình? Nhất là khi một cuộc sống với guồng quay gấp gáp, dữ dội như hôm nay chúng ta đang sống luôn sục sôi, cuộn chảy, kéo theo, sẵn sàng cuốn đi tất cả. Nhanh tới mức nhiều khi con người dường như bị nó lôi tuột đi, hút xoáy vào, xoáy vào mà không thể tự dừng lại, tự thoát ra…
Có một sự thực đang hiển hiện: Những tên xóm tên thôn tên làng mộc mạc, xưa xa như cổ tích của làng Việt dần bị mai một, bị đánh mất, xoá mất, thay vào là những khu hành chính, tổ dân phố được đánh số khô khốc, cụt lủn theo thứ tự; như ai đó ví là “trại lính”… Thế thì, chả mấy nỗi mà không còn những cái tên của một thưở một thời. Trong khi, đó chính là một phần hồn vía dân tộc. Làm cách nào để giữ lại cho mai sau? Nhà văn Xuân Mai làm theo cách của ông: ấy là, đưa chúng vào trang viết, cho ai? Cho tuổi thơ, để mai sau, các em còn biết được, nơi em và gia đình đang sống, tự thời cụ kỵ ông bà… có tên là gì, sự tích thế nào, đã ra đời, tồn tại ra sao, có những thăng trầm buồn vui hay dở gì… Những điều ấy, cần lắm chứ. Bởi, ít nhất, cũng giúp con người biết về nơi gọi là nguồn cội, là quê hương của mình mà biết sống sao cho xứng đáng. Để rồi bạn đọc, hẳn cũng đồng ý với triết lý của nhân vật trong truyện Làng quê thương nhớ, rằng “Chỉ nơi nào có mộ những người ruột thịt của mình thì đó mới là quê hương con ạ. Ở đời thật buồn cho ai vì lý do nào đó mà quên mất quê hương, hay không có một vùng quê để mà thương nhớ”
“Làng Ao Gỗ” của Xuân Mai giờ là một tổ dân phố của thị trấn huyện lỵ Sông Lô. Làng lên phố. Ít nhiều đồng chằm ruộng dộc, nơi mồ hôi người làng bao đời đầm đầm đổ xuống những buổi gặt chiêm, buổi cấy mùa… giờ đang lùi vào quá khứ, nhưỡng chỗ cho công sở, phố xá. nhưng cái giếng làng huyền thoại ấy giờ cũng đã không còn. Những cánh đồng cầu Giát, cầu Dài, Đề Lương…nơi bao thế hệ người  làng Ao Gỗ vẫn lặn lội cấy gặt, vẫn be bờ tát vét kiếm con cá con tép…đang dần bị san lấp để xây công sở, cơ quan, bến xe bus… Vẫn biết, trong vũ trụ này, đâu có điều gì là tồn tại mãi mãi, mà sao mỗi cuộc đổi dời như vậy, cứ thấy lòng hẫng hụt mất mát vô cùng. Như cảm giác của nhân vật trong truyện mỗi lần về quê, đi qua cánh đồng Cầu Giát, nhớ về buổi tát vét thời thơ dại hôm nao, vẫn thấy vẹn nguyên cảm giác nhói buốt nơi ngón tay bị ngạnh con cá trê đánh trúng hôm nào, giờ bỗng tấy nhức, tận tâm can.
Bằng nhạy cảm đặc biệt của một người cầm bút, nhà văn Xuân Mai đã sớm nhận thấy những mất mát không thể tìm lại đó. Nên từ cách nay nhiều năm, ông đã đưa làng vào trang viết, bằng cả tình yêu, sự nâng niu, trìu mến đặc biệt!
Thân phận con người
Trong những tác phẩm của Xuân Mai, làng Ao Gỗ hiện lên thật sinh động còn bởi nhà văn đã dành tình cảm yêu thương máu thịt của mình để viết về con người. Phần lớn các nhân vật của truyện ngắn Xuân Mai viết cho các em đều có nguyên mẫu ngoài đời. Họ không hề xa lạ với chúng ta. Họ là người làng của những ai sinh ra lớn lên từ làng. Họ, những người nông dân cả cuộc đời lam lũ, quanh năm suốt tháng có lẽ chẳng đi đâu ra khỏi làng. Nhưng họ chính là cuộc sống này, và thân phận của họ, qua sáng tạo của nhà văn Xuân Mai, đã làm nên tác phẩm, làm nên những trang viết gây xúc động lòng người. Đọc truyện của Xuân Mai, bạn đọc gặp một ông Thủ Lộ có tài làm diều, thả diều mê hoặc lòng người, rồi cô hàng xén mau mắn; ông lão nặn tò he nơi cổng chợ Then, rồi bố tôi, mẹ tôi, bà nội, ông nội, bà vãi, ông vãi, bác tôi bá tôi, chị tôi, em tôi, những thằng bạn trong “hội tát vét” tóc cháy nắng dãi dầu… cho đến cả những con vật thân quen: con Miu, chú ngựa đá trên gò Ngọc Nhớ, con gà mái hoa mơ… Có những nhân vật được miêu tả cụ thể, kỹ lưỡng từ ngoại hình, tính cách đến số phận, cả cái chết của họ… Lại có những nhân vật, được nhà văn “điểm nhanh” bằng một câu viết mà vẫn hiển hiện rõ nét thân phận: Ông Chấn hay đi cúng nên gọi là Đồng Chấn, Bà cụ Đức chuyên bán thuốc cam nên được gọi là bà Lang Đức.
Bao nhiêu thân phận là bấy nhiêu những trang đời rất bình dị. Trước vô cùng vô tận của không gian và thời gian, sự bình dị ấy âm thầm góp phần làm nên những giá trị của cuộc sống.
Văn hoá làng Việt
Trong những sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Xuân Mai còn giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu hơn một văn hoá làng Việt Nam mộc mạc, đặc sắc qua những tục lệ rất đặc trưng của một làng quê trung du, cũng là nét quen gặp ở nhiều làng quê trung du Bắc Bộ. Ấy là tết cơm mới, tết giết sâu bọ, tục khảo cây mít, lệ nấu chè kho cúng thành hoàng làng. Nhân vật trong Tết cơm mới kể: Mẹ tôi là người rất chăm lo đến ngày lễ, tết. Tháng ba cụ làm bánh trôi, bánh chay. Tháng năm cụ bắt chúng tôi nhuộm móng tay, móng chân. Sáng ngủ dậy phải ăn hoa quả để giết sâu bọ và không ngồi ở bậu cửa để tránh mọc mụn nhọt.
Một cách khéo léo, nhà văn chỉ cho trẻ em biết về những tục lệ truyền thống của cha ông, qua đó, biết yêu kính, biết ơn, tri ân tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh ra ta, đã lam làm tạo dựng cho ta cuộc sống: Tháng bảy cụ mua vàng mã đốt gửi người thân đã mất . Tháng tám cụ mua bưởi, hồng và giục anh em tôi làm đèn kéo quân, đèn ông sao cho các em. Cái gì cũng thế, từ quả na, quả chuối trong vườn chín bói đến đồng quà tấm bánh ai đó biếu bao giờ cụ cũng đặt lên bàn thờ giục cụ ông thắp hương xong các con mới được ăn. Với Tết cơm mới, mẹ tôi lo, chuẩn bị còn cẩn thận, chu đáo hơn. Và sự chu đáo, thành tâm của bà mẹ đã được Xuân Mai mô tả thật tỉ mỉ, từ việc mẹ nuôi, chăm chút đặc biệt một chú gà trống có cái mào đỏ màu cờ, đôi chân vàng như màu hạt ngô già, mới tập gáy nhưng chưa áp mái, hằng ngày chú gà này được ăn ngô, thóc, được uống nước mưa chứa trong một cái chum đặt dưới gốc cây cau. Tiếp đến, mẹ xay, giã một cối gạo nếp cái hoa vàng, một cối gạo tẻ tám thơm, hai thứ gạo mà chỉ mới là gạo thôi đã có mùi thơm lan toả ra tận ngoài ngõ …Không hiểu sao, đọc những trang viết trong “Tết cơm mới”, đến phần Xuân Mai mô tả cảnh người cha trịnh trọng làm lễ khấn tổ tiên, và cái cách ông đưa gần như nguyên vẹn bài khấn cúng tổ tiên vào trang viết, tôi bỗng thấy lòng mình rưng rưng một cảm giác thật khó tả: Cỗ bàn, trầu, nước… được bày biện đầy đủ lên ban thờ; bố tôi mới ra chum múc nước rửa mặt. Ông cụ lại thay quần áo mới, ăn mặc rất chỉnh tề rồi mới đi đến bên bàn thờ, thắp hương, ra rượu. Nhìn bố quỳ trên phản, hai tay chắp vào nhau, giơ ngang trán, miệng lẩm nhẩm khấn, tôi cảm thấy có một cái gì đó rất thành kính, rất thiêng liêng. Đọc đoạn văn, thấy điều gì như vừa trỗi dậy, tha thiết nhắn nhủ… Điều gì vậy, hay đó chính là những tiếng gọi nơi thẳm sâu cội nguồn vang vọng? Khiến ta thấy như được sống lại tuổi thơ, đang cùng mẹ cha anh em quây quần bên mâm cơm mới dù đạm bạc mà đầm ấm thủa nào. Điều đơn giản vậy, sao bây giờ như là cổ tích khiến tim ta xa xót.
Tính giáo dục, tính thời sự, tính dự báo của người cầm bút
Đọc xong, gấp lại trang cuối mỗi tập truyện của Xuân Mai viết cho các em, đều nhận thấy một điều: Ông viết Trận địa đồi sim; Quà của dòng sông; Con trai người đi xa, Giếng làng; Quê ngoại, Tháng Mười, Điều day dứt…đâu chỉ dành tặng riêng con trẻ. Bằng giọng văn hiền lành, nhẹ nhàng, thủ thỉ, trang viết cho thiếu nhi của Xuân Mai đang nói với tất cả chúng ta – những ai đang là người lớn nhiều điều về lẽ sống ở đời, về những gì rất đỗi bình dị mà cũng vô cùng quý giá, như bối cảnh thanh bình mà truyện ngắn Buổi tối bình thường, Ông cháu Mít - su… Phú…  đã mô tả.
Qua trang viết, nhà văn muốn gửi đến các em nhiều thông điệp: về tình yêu thương, lòng khoan dung giữa con người với nhau, với cả môi trường xung quanh (Một mình, Rừng cò ở Chằm Sai, Cái chết của con Miu), riêng với Chuyện về loài kiến, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ có được một “bài học” lý thú từ loài kiến về tình thân ái, biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để cùng sinh tồn; biết yêu lao động và trân quý thành quả lao động (Buổi gặt đầu tiên)
Xen kẽ với những hồi ức đẹp về quê hương thời thơ ấu, những truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Xuân Mai còn gửi đến bạn đọc những day dứt. Ấy là việc vì sao một người sống hiền lành như ông Thủ Lộ cũng bị người khác ghen ghét tư thù? Tại sao ông già nặn tò he khéo tay thế, tốt bụng thế mà ông trời lại bắt phải chết khổ? Quyền được học hành, được chăm sóc, yêu thương, được vui chơi, phát triển, vv… là những quyền cơ bản của trẻ em – thế hệ tương lai của dân tộc, đất nước, nhân loại, vậy nhưng có bao nhiêu em nhỏ như bé Khoa trong truyện ngắn Đi học, Khoa ơi! phải bỏ học, không được đi học, thậm chí bị lạm dụng, lợi dụng, bức hại hằng ngày? Xã hội hôm nay từng nhiều lần bất bình đến căm phẫn khi chỗ này chỗ kia, những thân phân trẻ em bị bạc đãi, bị vứt bỏ, đánh đập, hành hạ, mua bán, lạm dụng… nhằm phục vụ cho mục đích xấu xa của kẻ ác. Bé Khoa trong truyện ngắn đã được đi học, nhưng vẫn còn bao trẻ em khác ngoài đời đang chịu những cay cực, nhọc nhằn mưu sinh, không được đến trường, không được yêu thương chăm sóc? Viết về vấn đề này, nhà văn Xuân Mai đã góp thêm một tiếng chuông cảnh tỉnh: vì tương lai, hãy thiết thực quan tâm, yêu thương, chăm sóc trẻ em.
Dự cảm về môi trường sống của con người đang bị chính con người huỷ hoại, khi ngắm dãy núi Sáng “sau bao nhiêu năm bị con người tàn phá, khai thác giờ nhìn trọc lốc như đầu ông sư và tiếng chim hót thì thưa vắng đi rất nhiều. Riêng tiếng “bắt tép cho ta” của chim ca ca thì hầu như không còn nữa” nhân vật trong câu chuyện của Xuân Mai đã tự hỏi mình: Liệu có phải buổi đi bẫy ca ca đầy vẻ thích thú của bố con tôi từ mấy chục năm trước đây  đã góp phần làm vắng bóng ca ca ? Tôi bâng khuâng hỏi thế. Và, câu hỏi ấy dần thành điều day dứt mãi trong tôi”. Câu hỏi ấy, không chỉ dành cho trẻ em, mà cho tất cả chúng ta. Vấn đề môi trường, hơn bao giờ hết, đang là vấn đề nóng khiến toàn cầu lo âu. Những hậu hoạ từ biến đổi khí hậu đang khiến con người phải trả giá. Vậy thì sự linh cảm của nhân vật trong truyện ngắn viết cho các em của Xuân Mai có phải là thông điệp cảnh báo con người từ cách nay cả chục năm trời? Đến lúc này, điều dự cảm ấy vẫn đang vẹn nguyên tính thời sự?
Tính giáo dục, tính thời sự, chức năng dự báo, nếu có, của văn học, chính là đã được bắt đầu từ những trang viết giản dị, trong trẻo mà trĩu nặng suy tư như thế của Xuân Mai.
Để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, có biết bao nhiêu điều còn khiến mỗi người chúng ta phải day dứt suy nghĩ và tìm hướng hành động. Hy vọng, những trang viết dành cho các em của nhà văn Xuân Mai sẽ là hành trang đi cùng tuổi thơ, đi cùng thời gian để lưu giữ lâu dài trong lòng dân tộc thêm những hình ảnh đẹp về làng quê của chúng ta. 
T.V

MỘT NỖI ĐAU TRUYỀN ĐỜI 

Phạm Ngọc Chiểu 
Đó là nỗi đau, truyền qua mấy chục thế hệ con cháu suốt 585 năm qua, kể từ ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), ngày vị tướng quân tài ba họ Trần là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cùng đoàn gia thần nội thủ và đồng chí hướng nhất loạt trầm mình, lấy cái chết để tỏ tấm lòng và khỏi phải chết bởi tay Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi. Câu hỏi lớn của Tả tướng quốc khi ông ngửa mặt hỏi trời cao, trước khi cùng mọi người lao xuống ghềnh Đông Hồ tự chết, còn vang động đến hôm nay:
- Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước cứu dân. Nay nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi,Hoàng thiên có biết không?
Sự kiện động trời này, lạ thay, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 trang 374, NXB Khoa học Xã hội, 2009 (in theo Quyển 10, bộ cổ, phần Kỷ Nhà Lê Thái Tổ Cao hoàng đế (1418 - 1433), Thuận thiên năm thứ 3, Kỷ Dậu), chỉ ghi vẻn vẹn có một dòng chú thích như sau: “Tháng 2 này còn có việc bắt giết Trần Nguyên Hãn”, với lời dặn: xem Cương mục chính biên, Quyển 15, tờ 20A. Đang đi tìm sách đọc theo lời dặn nhưng chưa tìm được thì may sao lại nhận được tiểu thuyết “Người về chốn cũ” của nhà văn Xuân Mai gửi cho, mà, ngay trang đầu cuốn sách ông đã trân trọng ghi lại: “Sử làng Sơn Đông viết về Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn: “Thập đại kinh luân mao ức lý, nhân trạch từ miếu” (Sau mười năm đi chinh chiến, về ở lại nơi nhà cũ).
Từ một câu chú thích trong sách Sử và thêm một tờ 20A ở Cương mục chính biên, với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu lịch sử Lê Kim Thuyên và bà Trần Thị Phú mà nhà văn trân trọng cảm ơn ngay ở “Lời đầu sách”, ông đã viết nên quyển tiểu thuyết lịch sử đầy đặn ba trăm trang in, đủ thấy công sức nhà văn dành cho vị Tả tướng quốc đầu tiên của triều vua Lê Lợi đến mức nào.
Câu chuyện bắt đầu từ việc dân thôn Đa Cai, trang Sơn Đông một ngày nọ bỗng thấy một cặp vợ chồng trẻ đến ngụ cư ở bên khoảng rừng cuối làng, ngày ngày phát nương trồng lúa, trồng ngô, lại biết làm ra thứ dầu từ quả dọc đem bán. Hỏi mới biết chồng là Trần Nguyên Án, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi đời thứ bảy của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, vì lánh nạn tìm diệt dòng dõi nhà Trần của Hồ Quý Ly mà cùng vợ là Lê Thị Hoàn phải dạt lên Đa lai, chờ thời. Rồi họ sinh được cậu con trai kháu khỉnh, hơn tháng tuổi mà dài rộng như con nhà người ta ba bốn tháng, tóc xanh ngần, miệng rộng, tai to, mắt sáng và xếch. Ba mươi tám năm sau, cậu bé có dung mạo khác thường ấy đã là vị quan đầu triều, với tước phong Tả tướng quốc khi Lê Lợi lên làm vua, xưng hiệu là Thái tổ Cao hoàng đế. Đó chính là Trần Nguyên Hãn, một vị tướng hữu học thức, tinh binh pháp, lập những chiến công lẫy lừng, lên đến tột đỉnh chức quan nhưng rồi phải trầm mình tự vẫn vì sự đố kỵ, nhỏ nhen của bọn gian thần và của chính người ông từng tôn là minh chủ. Lịch sử các bậc quân vương nước nhà, Lê Lợi là con người thật đặc biệt. Công lao của ông đối với non sông đất nước rất to lớn, đánh đuổi được giặc Minh, dựng lên nhà hậu Lê dài 354 năm, riêng thời Lê Sơ thực quyền của ông và con cháu đã 99 năm. Nhưng, cũng chính vị vua xuất thân hào trưởng này đã nghe bọn gian nịnh mà giết hại các bậc khai quốc công thần từng nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử giúp ông lên tột đỉnh vinh quang, trong đó tiêu biểu là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Phạm Văn Xảo… Sau này, con ông giết tiếp bậc Đại quân sư Nguyễn Trãi, để lại những nỗi đau trong lịch sử. Về cái chết của Nguyên Trãi thì Văn học - Nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhưng nỗi đau về vị quan võ đầu triều Trần Nguyên Hãn, thì “Người về chốn cũ” của nhà văn Xuân Mai, như tôi biết, đây là cuốn sách đầu tiên - một tiểu thuyết dã sử viết công phu và khá thành công.
“Người về chốn cũ” là tiểu thuyết dã sử viết theo lối cổ điển, gợi ta nhớ về bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Pi e Đại đế” của văn hào A lêc xây Tôn-stôi. Nhân vật chính của tiểu thuyết là một nhân vật có thật trong lịch sử, được nhà văn chăm chút tái hiện từ lúc sinh ra cho đến tận cuối đời. Việc này thật không dễ. Vốn liếng “thực tế” chỉ là một ít trang sách và mấy câu chuyện dã sử lưu truyền trong dan gian, trong khi nhà văn phải giới thiệu với người đọc cả cuộc đời của nhân vật, với đầy đủ dung mạo, tính tình, mối quan hệ xã hội, rồi những biến cố lịch sử nhân vật trải qua cách nay ngót sáu trăm năm.
Thật mừng là nhà văn Xuân Mai đã hoàn thành rất tốt các ý tưởng của mình khi viết cuốn tiểu thuyết dã sử này. Một Trần Nguyên Hãn hiện lên trước mắt người đọc khá sống động, từ lúc còn là cậu bé con, đến lúc là trang nam nhi tuấn tú luôn ấp ủ thù nhà nợ nước, biết yêu và lấy vợ, sinh con, cho đến khi là tướng võ nghệ cao cường, tinh thông binh pháp, đánh đâu thắng đó. Những trận Trần Nguyên Hãn cùng Thượng tướng Doãn Nỗ dẫn quân vào đánh chiếm hai xứ Tân Bình, Thuận Hoá, sau đánh thành Xương Giang trên xứ bắc chỉ vẻn vẹn trong có hai giờ lấy được thành, cho đến những trận đánh viện binh của Liễu Thăng khi cùng Lê Sát, lúc cùng Lê Lý… được ngòi bút Xuân Mai tái hiện thật sinh động. Đọc những trang sách này của nhà văn Xuân Mai gợi ta nhớ những trận đánh thời Tam Quốc bên Tàu được La Quán Trung viết lại vậy.
Một thành công nữa rất đáng ghi nhận là trong “Người về chốn cũ” Xuân Mai đã kết hợp đưa vào mạch truyện chính rất nhiều truyện dân gian, những phong tục tập quán, những lễ hội, những trò chơi dân gian. Người đọc sẽ khó quên món “kẹo đất”, còn gọi là “bánh ngói” của dân Sơn Đông dành cho đàn bà có mang ăn “rở”; trò thi tài nấu cơm nồi đồng điếu; trò chơi đánh “phết” trong hội xuân, đến lễ hội Thánh Gióng ở Cổ Loa… Cả lối triết tự cắt nghĩa các chữ Hán, những câu thơ cổ,những lời Khổng Tử,những bài khấn… cũng được nhà văn đưa vào truyện đúng cảnh đúng dịp. Có thể thấy nhà văn Xuân Mai có một vốn liếng văn học dân gian dày dặn, phong phú và ông có ý thức dân gian hoá lịch sử nên đã chọn lọc, đưa vào “Người về chốn cũ” những chuyện dân gian khá đắc địa, giúp cho tiểu thuyết có không khí xã hội sinh động để nhân vật chính có đất sống và hoạt động “như thật”, không bị khô cứng.
Tôi rất ấn tượng với trang miêu tả về cái chết đầy bi tráng của Trần Nguyên Hãn và đoàn người đi theo ông khi họ nhất loạt gác chèo để thuyền lao xuống ghềnh Đông Hồ. Câu hỏi lớn của Trần Nguyên Hãn khi ông ngửa mặt hỏi trời cao trước khi chết thật có sức lay động người đọc - một thành công trong sáng tạo của Xuân Mai khi khép lại câu chuyện về bậc danh tướng.
“Người về chốn cũ” đã đến tay người đọc. Mừng cho nhà văn Xuân Mai, bước vào đúng tuổi “xưa nay hiếm” lại có sách mới tặng bạn Văn, bạn đọc một tiểu thuyết dã sử viết công phu, sinh động, rất đáng được ghi nhận. 
P.N.C
 
 
  
B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
GIẾNG LÀNG 
Nhờ sự giúp đỡ của y tế, nhà tôi khoan được cái giếng nước sạch ngày hôm trước thì ngày hôm sau là đến Tết Đoan Ngọ. Nhìn những xô, những chậu nước mới được bơm lên trong suốt, bà tôi cứ ao ước: ‘Giá như ngày xưa làng ta có nước trong thế này mà nấu chè kho thì quý hóa quá”. Tôi hỏi bà: “Sao nấu chè kho lại cần đến nước thật trong hả bà?” – “Vì đó là chè nấu để cúng cháu ạ. Cúng ông Thành hoàng làng thì nước phải thật tinh khiết. Cháu còn bé chưa biết chứ ngày xưa…”.
Như rất nhiều lần, lần này tôi lại đụng đến cái ngày xưa của bà. Dường như bà chỉ còn có chuyện ngày xưa nữa thôi. Bà rủ rỉ kể rằng: Ở làng ta ngày xưa mỗi năm đến Tết Đoan Ngọ (tức là Tết vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) được ăn to chỉ kém Tết Nguyên Đán. Ngày bà còn bé, năm nào cũng vậy, hễ đến Tết Đoan Ngọ là từ sáng sớm trẻ con nhà nào cũng được bố mẹ cho ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Còn người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu hòa với tam tần đơn, hoặc ăn rượu nếp. Trẻ con “giết sâu bọ” xong thì rửa mặt mũi, chân tay thật sạch rồi nhuộm móng tay, móng chân, đeo chỉ ngũ sắc… Buổi sáng hôm ấy không đứa nào được ngồi ở bậu cửa, bởi ngồi ở đấy sau này rất dễ mọc mụn nhọt. Riêng bà, bà rất hay được bố của bà bắt trèo lên cây mít. Theo lời dặn của bố, mỗi lần bố đánh một roi vào cây mít và hỏi: “Mít, sang năm mày có ra nhiều quả không?” Bà lại phải giả vờ làm vẻ đau đớn và nói: “Thưa ông, có ạ!” Quả nhiên năm sau cây mít có nhiều quả hơn năm trước thật. Làm xong cái công việc linh thiêng, huyền bí ấy bà mới được đi tắm. Mà là tắm nước giếng làng do mẹ bà giánh về từ sáng tinh mơ. Ai được tắm loại nước ấy đến mùa hạ sẽ không có rôm sảy! Tắm gội sạch sẽ xong, mặc váy áo mới, bà theo bố đem chè kho ra đình cúng Thành hoàng làng.
Bà cũng không biết tại sao Tết Đoan Ngọ là ngày giỗ ông Khuất Nguyên – (Ông này ở mãi bên Trung Quốc, thờ vua Sở Hoài Vương. Vì ngăn cản vua không được, bực mình ông ôm đá nhảy xuống sông Mịch La mà chết. Hôm đó là ngày mùng 5 tháng 5). Vì thương tiếc một người con trung nghĩa nên hàng năm đến ngày ấy nhân dân lại làm bánh ngọt, quấn chỉ ngũ sắc, rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông ném bánh xuống để cúng ông, làng ta lại có lệ nấu chè kho cúng Thành hoàng làng? Bà chỉ nhớ là, nước nấu chè kho phải thật trong, thật sạch. Bởi vậy năm nào làng cũng phải tát giếng làng từ đêm hôm mùng 4. Tát thật cạn, vét hết bùn, rác… Những gàu nước đầu tiên sẽ được đem đi nấu chè và giành cho trẻ con tắm. Chả hiểu có phải do được tắm nước tinh khiết ấy của giếng làng hay không mà trẻ con làng ta da dẻ đứa nào cũng nhẵn nhụi như hạt mít.
Câu chuyện của bà đã kích thích trí tò mò của tôi. Tôi không thể làm ngơ trước cái “ngày xưa” nữa:
- Bà ơi, thế giếng làng ở chỗ nào hả bà?
- Ở đâu ư? Ở phía đầu làng, gần nhà cụ Tùng. Chỗ có cây đa ấy cháu ạ.
Từ lúc nãy bố tôi vẫn đang mải mê với công việc xây lát nền giếng, giờ nghe bà bảo thế, vội nói:
- Là bà bảo giếng từ ngày xưa chứ hàng chục năm nay làng ta làm gì còn giếng làng nữa.
- Thế giếng làng bị lấp mất rồi hả bố thằng Hùng?
- Vâng! Lấp rồi. Bây giờ ở đấy chỉ còn mỗi cây đa già.
Nghe bố tôi nói vậy, bà tôi thở dài. Tôi có cảm giác như bà vừa đánh mất một cái gì đó quý lắm. Cái gì đó rất quý của bà thì tôi chưa thể hiểu được nhưng công việc đầu tiên của tôi là phải tìm ra nơi có cái giếng làng của làng tôi. Bụng bảo dạ như thế, tôi chạy phóng sang nhà thằng Dũng.
Thằng Dũng là cháu đích tôn của cụ Tùng. Nó bằng tuổi tôi, học cùng lớp với tôi. Tôi thân với nó bởi hai thằng khoái chơi những trò mạo hiểm. Đặc biệt là rất thích tìm hiểu những cái gì mà mình chưa biết. Keo này tôi với thằng Dũng sẽ tìm xem cái giếng của làng mình ngày xưa nằm ở đâu?
Nghe tiếng huýt sáo hiệu của tôi, thằng Dũng đang cùng ông nó lau lá giúp mẹ nó làm bánh rợm, bánh gai cũng phải đứng dậy chạy ra cổng. Tôi ghé tai nó, hỏi với giọng đầy vẻ quan trọng:
- Mày có biết hôm nay là ngày gì không?
Chắc cho tôi đã hỏi một câu ngớ ngẩn, thằng Dũng nhe răng ra cười thay cho câu trả lời. Tôi lại hỏi:
- Thế mày có biết ngày xưa các cụ phải lấy nước giếng làng để nấu chè kho cúng Thành hoàng làng vào ngày hôm nay không, hả?
Đến lúc này tôi biết thằng Dũng mới thật chú ý tới điều tôi gợi ra. Thấy nó lắc đầu, tôi liền “sì” một cái, đoạn với giọng kẻ cả, tôi bĩu môi:
- Vậy mà cũng đòi là nhà thám hiểm. Này, mày có biết ngày xưa làng mình có một cái giếng làng không?
Thằng Dũng lại lắc đầu. Tôi thật sự lấy làm buồn cho cái thằng bạn chí cốt của mình:
- Bà tao bảo, ngày xưa làng mình có cái giếng làng. Giếng ở gần nhà mày thế mà mày lại không biết!
- Giếng ở gần nhà tao?
- Là bà tao nói thế.
- Ồ, nếu vậy thì vào hỏi ông tao xem có đúng không? Đi! Nhanh lên!
Ông thằng Dũng năm nay đã hơn 80 tuổi. Râu tóc ông trắng như cước. Da dẻ ông đỏ đắn, hồng hào nhìn đẹp như ông tiên trong truyện cổ tích. Ông là người vui tính, rất yêu chúng tôi. Ông hay kể chuyện cho chúng tôi nghe lắm. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, trong đầu ông có chứa đến hàng ngàn pho sách. Ông hiểu biết nhiều thế thì chuyện về cái giếng làng làm gì ông không biết cơ chứ!
Quả đúng như tôi dự đoán, sau khi nghe tôi với thằng Dũng hỏi, không lau lá nữa, ông đứng dậy đi súc ấm, pha trà. Nhấm nháp gần hết chén trà đoạn ông mới chậm rãi nói:
- Các cháu có hỏi thì ông mới nhớ. Phải, ngày xưa cả làng ta chỉ có mỗi một cái giếng nên mới gọi là giếng làng. Xung quanh cái giếng này cũng có nhiều chuyện vui, buồn đấy các cháu ạ. Hai đứa có biết không, ngày xưa…
Ông thằng Dũng kể là, ngày xưa, nghĩa là từ lâu lắm rồi, khi lớn bằng chúng tôi, ông đã thấy làng có cái giếng ấy. Đó là một cái giếng tròn, to bằng ba cái nong. Tang giếng cao chừng 1 mét, nền giếng lá gạch nghiêng. Từ đáy đến tang giếng được chồng toàn bằng đá. Mùa hạ cũng như mùa đông, giếng lúc nào cũng đầy nước. Nước trong, ngọt và rất mát. Tương truyền rằng, từ ngày xửa ngày xưa có một lần Vua Hùng (tức là ông vua dựng nước Việt Nam ta ngày nay) đi săn tới đây thì dừng chân nghỉ. Người cho lính cắm trại, rồi đào giếng lấy nước nấu ăn. Người đi để lại cho dân làng cái giếng. Thấy nước giếng trong mát hơn nước ao hồ bà con mới bảo nhau đào rộng ra, sâu hơn. Tỏ lòng biết ơn vua cha đã cho mình cái giếng, dân làng lại xây một cái miếu thờ dưới gốc cây đa gần đó. Thời gian trôi đi, cây đa lớn lên, cái giếng vẫn còn, riêng cái miếu thì bị đổ nát chỉ còn lại mỗi móng với mấy chục viên gạch vỡ.
Vì cả làng mới có một cái giếng nên hầu như lúc nào ở ngoài giếng cũng có người. Sáng sáng các bà, các chị ra giếng gánh nước; chiều chiều người lớn, trẻ con ra giếng tắm giặt. Vô hình chung giếng là nơi tụ tập của dân làng, đông và vui lắm. Không những thế, giếng còn là nơi hò hẹn thề thốt của những đôi trai gái mới yêu nhau, khi phải xa nhau. Cụ Tùng bảo, chính cụ đã bắt gặp bà nội tôi hồi còn trẻ đứng khóc bên một anh Vệ quốc quân ở bên giếng làng vào một đêm trăng sáng. Anh ấy đóng quân ở làng tôi, yêu bà tôi. Khi phải chuyển quân ra mặt trận, hai người phải chia tay nhau, kẻ đi người ở… Nghe tới đây tôi chợt hiểu tại sao lúc nãy tôi lại có cảm nghĩ như bà tôi vừa đánh mất một cái gì quý lắm.
Ông thằng Dũng đang kể thì dừng lại đột ngột. Cụ thong thả rót nước ra chén. Sau một ngụm trà và lập bập rít mấy hơi thuốc lào thở khói trắng mù trước mặt, với một giọng ngàn ngạt, cụ kể tiếp:
- Nhân nói với các cháu về cái giếng làng, có chuyện này ông thấy cần phải kể để các cháu biết, nếu không nay mai ông chết, ông đem nó xuống hố thì coi như ông có tội với anh ấy…
Cả hai đứa chúng tôi tròn mắt, kinh ngạc hỏi:
- Chuyện gì hả ông? Ông kể cho chúng cháu nghe đi!
- Phải, ông sẽ kể để các cháu nghe. Đấy là chuyện về một người chiến sĩ hoạt động bí mật từ thời đánh Pháp. Các cháu không biết đâu, làng trước kia là vùng địch tạm chiếm. Cái lô cốt ở đầu làng, nơi mà các cháu hay chơi trận giả ấy là của thằng Pháp xây để giữ không cho bộ đội mình về làng. Một đêm, cũng vào dịp Tết Đoan Ngọ như hôm nay, giữa lúc mọi người đang lịch kịch giã bột làm bánh thì bỗng thấy có tiếng súng nổ rộ lên ở ngoài đầu làng. Tiếp đó là tiếng chó sủa, tiếng hô đuổi bắt ai đó cứ ầm ĩ, huyên náo khắp nơi… Sáng ra dân làng mới biết chuyện, đêm qua có một anh bộ đội từ vùng tự do bí mật về bắt liên lạc với du kích trong làng để chuẩn bị phối hợp lực lượng phá đồn, diệt bốt, giải phóng làng. Nhưng không may bị lộ, anh ấy bị chúng nó săn đuổi. Bí quá, anh liền nhảy xuống giếng làng ẩn náu. Đã dìm mình xuống nước chỉ còn hở hai lỗ mũi nhưng bởi nước giếng trong quá nên dẫu là đêm tối, chúng nó bấm đèn pin soi vẫn tìm nhận ra anh. Chúng nó bắt anh lên, trói anh vào gốc đa suốt một đêm, đợi đến sáng bắt mọi người đến xem chúng hành tội anh.
Anh bộ đội ấy còn trẻ lắm. Ông đoán anh chỉ ngoài tuổi hai mươi nhưng nom thật rắn rỏi. Trước mặt dân làng chúng đánh đập tra khảo anh rất dã man nhưng anh lì lợm không hé răng khai lời nào. Cuối cùng chúng trói giật cánh khuỷu anh lại, kéo bùng biêng trên một cành đa, rồi thi nhau xả đạn vào anh. Dây đứt, chúng nó xúm lại túm lấy xác anh quẳng xuống giếng, và cấm không ai được vớt lên chôn cất. Tuy dân làng không ai được chôn cất anh nhưng ông cũng không rõ bằng cách nào, anh chị em du kích vẫn vớt được xác anh ấy, bí mật chuyển ra vùng tự do cho đơn vị của anh. Bà con mình chỉ ân hận một điều, anh ấy đã chết vì làng mà cả làng đều không ai biết được tên anh ấy là gì? Quê quán ở đâu? Mộ chôn ở chỗ nào? Phần thương anh, phần không thể bỏ được cái giếng làng, bà con bảo nhau tát giếng để lại có nước ăn…
Tôi thầm hiểu quá khứ buồn đau đang hiện về trong tâm trí cụ Tùng khiến cụ ngậm ngùi, nếu tiếp tục nói nữa khéo cụ bật khóc. Vì thế cụ lặng đi, mắt cụ chơm chớp và hai tay thì run run vê điếu thuốc lào mà nhét mãi vẫn không đúng nõ. Thấy vậy tôi vội vàng giúp cụ nhồi thuốc còn thằng Dũng giúp ông nó châm lửa. Hút xong điếu thuốc, không chờ chúng tôi hỏi tiếp, cụ vừa nhìn ra sân vừa bâng khuâng nói:
- Không biết có phải là từ ngày xưa năm nào dân làng mình cũng lấy nước sạch từ giếng làng đem về nấu chè kho cúng Thành hoàng làng nên được Ngài phù hộ, hay là nhờ linh hồn anh bộ đội vô danh phù hộ độ trì mà tuy làng ta nhỏ bằng cái bàn tay, có mấy chục nóc nhà nằm chen chúc trong lũy tre nhưng lại có vô khối người học hành cao, thi cử đỗ đạt. Như hai cháu thấy đấy, người làm cán bộ tỉnh có, làm cán bộ huyện có, bác sĩ, kỹ sư có. Có hai ông làm hiệu trưởng trường cấp ba, lại còn có cả hai ông làm nhà văn, nhà báo tầm cỡ trung ương hẳn hoi… Hôm nọ họp Hội những người cao tuổi, các cụ bảo nhau tới đây phải tu bổ lại cái đình làng. Rồi bàn với Hội cựu chiến binh xây lại cái miếu thờ ở dưới gốc cây đa kia kìa…
Chà, đấy là những công việc hệ trọng của các cụ, chúng tôi trẻ con đâu dám tham gia! Nghĩ vậy, chúng tôi chào ông và theo hướng tay ông thằng Dũng chỉ, tôi kéo nó chạy về phía có cây đa.
Giếng làng xưa không còn nữa! Từ khi mỗi nhà có một cái giếng, người ta đã lấp giếng làng rồi! Tôi và thằng Dũng đứng tần ngần cố hình dung ra cái giếng làng theo lời cụ Tùng kể. Nhưng chịu, không thể biết nó nằm chính xác ở chỗ nào. Hiện giờ ở đây chỉ còn cây đa thôi. Cây đa cũng đã già lụ khụ, rất ít lá, chỉ thấy khẳng khiu, lòng khòng những cành, những rễ. Không rõ là bọn địch đã treo anh bộ đội trên cành đa nào? Đang thầm hỏi thế bỗng chúng tôi giật mình vì có mấy anh thanh niên vác đồ nghề khoan giếng đi qua. Có một anh lớn tiếng hỏi:
- Ê! Hai chú nhóc! Có đi khoan giếng với bọn anh không?
- Không! – Tôi trả lời – Chúng em đang tìm lại giếng làng đây.
Anh ngửa cổ cười, vẻ nhạo báng:
- Giếng làng à? Thời buổi này làm gì còn giếng làng. Xưa rồi chú mình ơi!
Ừ nhì? Giếng làng xưa, quá xưa rồi thật. Dẫu biết vậy mà sao tôi vẫn thấy tiêng tiếc, vẫn ước ao giá như làng tôi còn một cái giếng làng để có nước tắm cho chúng tôi không bị rôm sảy vào những ngày Tết Đoan Ngọ như ngày xưa các cụ đã từng được tắm.
 
 
 
 
 
 
 
 
ỐC QUÊ 
Ăn cơm tối xong, đang ngồi uống nước chè xanh bên bàn bỗng ông bảo:
- Đã sang tháng mười rồi. Mùa này ốc đang béo. Sáng mai chủ nhật đi bắt lấy ít ốc Phúc ạ.
Đang hí húi vót nan đan rổ ở ngoài hiên, cu Phúc hỏi lại:
- Bắt ở đâu hả ông?
- Ở dưới đồng Chằm Giàng. Chỗ năm ngoái hai ông cháu mình đi soi chém được con cá quả to bằng bắp chân ấy. Cháu còn nhớ không?
Ồ tưởng đâu xa chứ ở đồng Chằm Giàng thì Phúc nhớ. Phúc nhớ vì hàng ngày, những lúc không phải ngồi học, làm bài nó vẫn hay ra đó quăng câu và đánh lờ cá rô. Đấy là một cánh đồng sâu mỗi năm chỉ cấy được một vụ, còn một vụ bỏ trắng. Vụ không cày cấy ấy cỏ lác và cây hoa mặt mâm tha hồ mọc. Đây chính là môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, ốc, cua… sinh sôi, phát triển. Ngày mai ra đó chắc là nó sẽ bắt được nhiều ốc lắm. Nghĩ thế, cu Phúc hào hứng hẳn lên:
- Tối mai ăn bữa ốc luộc hả ông?
- Ông cũng định thế. Nhưng muốn bắt được ốc thì cháu phải đi thật sớm, nếu không, nắng lên ốc lặn hết, khó mò lắm cháu ạ.
*
*       *
Nghe lời ông dặn, Phúc bảo mẹ gọi dậy từ lúc gà mới ra chuồng. Tuy bóng đêm còn vương đầy trên mặt đất nhưng nó đã vội vàng úp cái nón mê lên đầu, buộc cái giỏ ngang hông, rồi con cón chạy ra cổng.
Thời tiết đã sang thu. Trời se se lạnh. Một màn sương mỏng nhẹ, giăng mờ như khói phủ lãng đãng bên các sườn đồi và trên các dộc ruộng bậc thang. Cu Phúc chạy một mạch qua con đường đất đỏ vắt mình trên đồi cọ là đến cánh đồng Chằm Giàng.
Ở nhà cứ tưởng mình dậy sớm nhất, với lại chỉ có mình đi bắt ốc. Có ra đến đồng mới biết khối đứa còn dậy sớm hơn cu Phúc và chúng nó đang đằm mình mò ốc từ lúc nào.
Dường như sợ bạn bè bắt hết, cu Phúc vội tụt quần áo, vo tròn lại, nhét vào bụi cây, đoạn mình trần như nhộng nó nhảy tùm xuống nước. Nó vừa lội, vừa bì bõm bơi. Chiếc giỏ như cái phao bập bềnh sau lưng nó. Có đứa nào đó lớn hơn cu Phúc thấy thế liền nhắc nó: “Đừng làm động nước, ốc lặn mất”. Cu Phúc chợt nhớ đến lời ông bảo: “Mùa này đi bắt ốc, nếu đứa nào tinh mắt, nhanh tay thì sẽ không phải mò”. Phúc liền dừng lại. Nó giương mắt nhìn xoáy xuống nước. Trong làn nước trong veo, nó nhìn thấy những con ốc nhồi to bằng những quả ổi, có màu xanh đen bám trên những chiếc lá hoa mặt mâm và thân cây lác… đang từ từ khép miêng, lẹ làng lảng dần, lảng dần xuống đáy nước. Đó là những chú ốc đêm qua nổi lên ăn sương giờ thấy động chúng vội vàng lặn trốn. Nhưng đã muộn! Cu Phúc đưa cả hai bàn tay ra tóm lấy từng con và nhét luôn vào giỏ… Bằng cách rình bắt ấy, đến khi mặt trời nhô lên khỏi dãy núi Tam Đảo, tỏa ánh nắng vàng hoe trên cánh đồng thì cu Phúc có một giỏ ốc đầy. Chúng nó gọi rủ nhau lên bờ, mặc quần áo (có đứa chỉ mặc quần còn áo vắt vai) đoạn rồng rắn kéo nhau về.
Cu Phúc vừa về đến cổng, mẹ đã hỏi: “Được nhiều không con?” Ông từ trong nhà đi ra nhìn qua giỏ ốc rồi bảo: “Đem ngâm với nước vo gạo cho nó nhả hết bùn để đến tối luộc ăn mới không bị sạn, mẹ cu Phúc ạ”.
*
*       *
Trong lúc chờ mẹ đun lửa luộc ốc thì ở ngoài sân cu Phúc đang cùng với ông hí húi pha nước chấm. Vừa làm ông vừa nói cho cu Phúc biết có khá nhiều cách ăn ốc: Từ con ốc ta có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Ốc nướng, ốc xào chuối xanh, ốc nấu canh sắn… riêng món ốc nhồi thịt hấp lá gừng, “anh” đặc sản này phải là khách sang mới được ăn. Tối nay, ông cháu cu Phúc sẽ ăn món ốc luộc là cách ăn thông dụng nhất mà ngon cũng không kém các cách ăn khác đâu! Có điều ăn ốc luộc thì phải có nước chấm ngon. Mà xem ra ngon nhất là món nước chấm đấy nhá. Vì thế ông pha món nước chấm cầu kỳ, công phu lắm. Này nhé, ngoài nước mắm ngon còn phải có dấm này, mì chính này, gừng này, quất này, ớt nữa này… Chà thơm quá! Hấp dẫn quá! Thoáng ngửi thấy mùi, chân răng cu Phúc đã tứa đầy nước miếng.
Ông cháu cu Phúc pha nước chấm xong cũng vừa lúc mẹ nó luộc ốc chín. Ông bảo mẹ nó bê cả nồi ra sân và sai nó vào nhà lấy chiếu trải trên cái sân lát gạch. Sau đó ông lại bảo nó mở tủ lấy ra cho ông chai rượu trắng với cái chén con để ông nhắm rượu với ốc.
Khi ba ông con đã ngồi quây quần bên nồi ốc, mẹ cu Phúc mới mở vung ra. Một mùi thơm quyến rũ của lá bưởi, lá chanh cùng mùi mẻ, mùi ốc phả lên thơm đến… nhức mũi. Mẹ định múc ốc bày ra đĩa nhưng ông bảo cứ để cả trong nồi ăn cho nóng, ăn con nào nhúp con ấy như thế mới thật ngon.
Sau một lát nhấm nháp vài ba con, ông khề khà tợp vài ngụm rượu, ông ngồi lặng nhìn hai mẹ con cu Phúc hí hoáy nhể ốc và liên tục phải sịt soạt, hít hà vì vị thơm cay của nước chấm. Hình như ông có chuyện gì sắp nói? Cu Phúc đoán thế bởi lần nào cũng vậy, hễ uống rượu là ông lại nói chuyện. Quả nhiên một lúc sau, với một giọng trầm buồn, ông chậm rãi kể:
- Ngày xưa, nhà mình nghèo lắm. Bố mẹ vẫn  phải đi mò cua, bắt ốc, đem bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Hồi còn sống, bà thằng Phúc mò ốc tài lắm. Nhờ thế mới có đủ tiền nuôi bố nó lên tỉnh học. Bây giờ làm cán bộ nhà nước, được đi đây đi đó, được ăn những sơn hào hải vị, chẳng biết bố nó có còn nhớ đến món ốc luộc của quê mình nữa hay không?
Ông hỏi vậy rồi lại nâng chén rượu lên tợp một ngụm nhỏ. Bỗng cu Phúc ngừng tay nhể ốc, nó nắm lấy cánh tay ông, lắc mạnh:
- Ông ơi! Đợi hôm nào bố cháu về, ông cháu mình sẽ chiêu đãi một bữa ốc luộc như hôm nay xem bố cháu có khen ngon không, ông nhá?
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...