Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 5b; Quyển 2)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 5b; Quyển 2)

ÔNG CHÁU MÍT SU… PHÚ
Ông nội của Phú làm nghề dạy học. Từ ngày nghỉ hưu ông nó chuyên ở nhà làm vườn. Ông nó thường bảo: Tuổi già có hai cái thú. Một là, uống trà vào buổi sáng. Hai là, vạch lá bắt sâu và tưới tắm cho vườn cây.
Về chuyện uống trà của ông cu Phú cũng nhiều điều kỳ thú lắm. Thường thì ông thức dậy từ lúc gà mới ra chuồng. Ông lịch kịch nhóm lửa, đun nước sôi, cho vào phích. Nước pha trà của ông là nước mưa chứa trong cái bể. Trà ông uống là loại trà móc câu, trắng mốc do tự tay ông hái từ lúc trà mới một tôm hai cá, tự tay ông sao, rồi tự tay ông súc ấm, cho trà vào ấm… Ông ngồi uống nhấm nháp từng ngụm nhỏ kiểu như người ta thưởng thức một thứ đặc sản gì quý hiếm. Có một sáng ông mời mấy ông hàng xóm, cũng nghỉ hưu như ông, sang chơi uống trà. Đợi mỗi người uống cạn một chén trà ông mới hỏi mọi người rằng trà có hương vị hoa gì? Kỳ lạ thay là nước trà đều được rót ra từ một chiếc ấm nhưng mỗi ông lại trả lời một khác. Ông này bảo có hương hoa nhài, ông kia bảo có hương hoa hồng, ông khác lại cam đoan có hương hoa ngâu… Sao có chuyện thần tình thế? Thì ra từ tối hôm qua ông đã cọ tách chén thật sạch. Sau khi lau khô ông đặt vào lòng mỗi chiếc tách một bông hoa khác nhau, rồi úp chén lại. Hương hoa đã vương đầy trong lòng chén, thế thì làm gì các cụ chả có nhận xét khác nhau. Biết chuyện các cụ cười rung cả râu. Ai cũng tấm tắc khen ông nội cu Phú là người vừa sành uống trà, vừa biết bày vẽ những trò vui thú thanh tao.
Không biết uống trà nên cu Phú cũng không hiểu được cái ngon, cái thú của ông nó ra làm sao. Nhưng cái thú làm vườn với trồng cây của ông thì nó biết. Ông mới nghỉ hưu có vài ba năm mà mảnh vườn mấy chục mét vuông ngay trước sân nhà cu Phú đã xum xuê lá quả. Đấy là những cây cam Bố Hạ, những cây táo Thiện Phiến, những cây bưởi Đoan Hùng, những cây hồng Hạc Trì, những cây vải thiều Thanh Hà… Những cây giống này, có cây bố nó đem từ Trung tâm khuyến nông về, có cây do người ta biếu, có cây ông tìm mua.
Hầu như sáng nào cũng vậy, uống cạn một ấm trà, không cần ăn thứ gì khác nữa, ông vác cuốc xẻng đi làm vườn. Khi thì ông lóc cỏ đắp gốc cho cây. Khi thì ông san lấp mặt bằng. Ông cặm cụi, ông mải mê với công việc tưởng như không biết mệt, không thấy chán. Chiều xuống, ông lại xách nước từ dưới ao lên tưới đều cho các cây. Tưới xong, ông vạch lá bắt sâu. Mắt ông đeo kính, ông chăm chú nhìn. Hai bàn tay ông nâng niu từng cái lá và lần tìm từng con sâu, con nhện. Cứ thế, ông lặng lẽ làm cho tới khi tối nhọ mặt người mới nghỉ.
Có lẽ được ông chăm sóc như mẹ chăm con nên cây nào ông trồng cũng sống, cũng lớn nhanh như có phép lạ. Nhìn vào vườn cây của ông ai cũng tấm tắc khen. Ông chăm sóc cây đã khéo, ông chiết ghép cây còn khéo hơn, tài tình hơn. Ví như ông ghép cây chanh với cây cam, cây táo ta với cây táo Thiện Phiến, cây bưởi chua.. . rồi cho ra một giống cây mới. Lòng ham mê làm vườn của ông đã lây sang cu Phú từ bao giờ. Một hôm nó đang đứng xem ông chiết cây thì được ông hỏi:
- Cháu Phú có biết ông Mít-su-rin là ai không nhỉ?
Phú ta đứng ngẩn tò te suy nghĩ một lúc mà vẫn không biết ông Mít-su-rin là ông nào? Cả làng này có mấy ông già nhưng không có cụ nào có cái tên nghe lạ tai như thế cả. Nó đành lắc đầu, cười:
- Ông ấy là ai thế hả ông?
Ông ngừng tay nhìn Phú như chợt hiểu:
- À, năm nay cháu mới học lớp năm nên chưa biết ông ấy là phải. Ông này ở mãi bên nước Nga, là người đầu tiên tìm ra cách chiết ghép cây như ông đang làm đây này. Thế cháu có muốn trở thành ông Mít-su-rin không nào?
Cu Phú cười ỏn ẻn như con gái:
- Có ạ! Nhưng ông ơi, cháu chưa biết cách ghép cây.
- Thì phải học. Học sẽ biết hết. Nếu cháu muốn, ông sẽ dạy.
- Thế ông dạy cháu thật nhá?
Ông cốc khẽ vào đầu cu Phú một cái và mắng yêu:
- Thằng bố mày. Ông không dạy thật thì dạy đùa sao? Nào lại đây ông bày cách cho mà làm.
Thế là buổi học đầu tiên về phương pháp chiết ghép cây của cu Phú bắt đầu. Hóa ra người ta chiết ghép cây là để có một loại cây mới có quả nhiều hơn, lại ngon hơn. Mà muốn chiết ghép thành công thì trước hết phải biết chọn những cành cây giống không bị sâu, đang có sức phát triển tốt và những mắt cây phải lành lặn. Sau nữa, phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những đức tính này không thể thiếu đối với người làm vườn. Bởi những cây lá, hoa quả nó giống như trẻ con chỉ thích được chăm sóc chu đáo và thích được vuốt ve chiều chuộng.
Ông “lên lớp” một lúc lâu đoạn đưa dao kéo đồ nghề cho Phú thực hành ngay. Ông bảo Phú hãy chiết táo cho ông xem có làm được không. Sau giây lát lóng ngóng với dao kéo, Phú tách vỏ cây, trích lấy mắt cây đoạn đem ghép lại. Mọi động tác Phú làm đều khéo léo, in ắn y như một người thợ lành nghề. Ông đứng ngoài theo dõi luôn mồn khen: “Tốt! Tốt!”. Đợi Phú bó buộc xong, ông xoa đầu Phú nói:
- Cháu có thể trở thành học trò của ông Mít-su-rin được đấy. Từ hôm nay ông giao cho cháu cây này. Cây táo này là của cháu. Cháu phải trông nom, chăm sóc đến ngày nó ra hoa, kết quả. Liệu Phú có làm được không cháu?
Cu Phú mừng rơn chỉ còn thiếu ôm chầm lấy cổ ông mà nhận: “Có ạ!”.
Từ hôm ấy trừ những lúc phải đi học, ngồi học, làm bài và đi chăn trâu… thời gian còn lại nó quẩn quanh ở ngoài vườn cây với ông. Thay cho những lần trốn ông, trốn mẹ đi chơi bời lêu lổng với bọn trẻ con hàng xóm trước kia, bây giờ nó ở nhà cùng ông xới vườn, lóc cỏ, tưới cây. Càng làm nó càng hiểu ra rằng để có một bông hoa thơm, một quả cây chín ngọt, thật không đơn giản một chút nào. Người làm vườn phải tìm hiểu, phải rút kinh nghiệm để hiểu tính nết của từng loại cây. Có như thế mới biết cách mà vun trồng, chăm bón. Riêng với cành táo do chính tay Phú chiết ghép, nhờ được ngày nào nó cũng để mắt tới nên lớn nhanh trông thấy. Chẳng bao lâu từ một mầm táo đã thành cành táo, rồi thành cây táo. Cây táo vươn cành nở lá, xòe tán phủ kín một khoảnh đất rộng bằng cái nong. Rồi cây táo ra hoa. Cây táo kết quả. Chớm đông, táo bắt đầu chín. Những quả táo mòng mọng, sai trĩu cành cứ vàng rộm lên trong nắng. Đúng vào dịp này thì Hội làm vườn của các cụ ở làng Phú được thành lập. Ông của Phú được các cụ bầu làm Hội trưởng. Buổi sinh hoạt đầu tiên của Hội họp ngay tại nhà Phú.
Sau khi các cụ uống xong một tuần trà do chính Phú giúp ông súc ấm, pha trà, chế nước, ông mới bảo Phú ra vườn hái táo – cây táo mà nó tự chiết ghép và vun trồng ấy – để mời các cụ ăn nếm. Phú chọn hái một mủng con những quả chín nhất, mọng nhất đem vào đưa ông. Ông lại còn bảo nó bày táo ra một cái đĩa men, đoạn ông trịnh trọng đặt lên bàn thờ. Ông thắp hương và lầm rầm khấn vái. Khấn xong, ông quay ra nói với các cụ:
- Đây là những quả táo đầu do thằng cháu Phú nhà tôi làm ra. Tôi đã thắp hương mời tổ tiên thụ hưởng, giờ đến lượt anh em mình, mời các cụ ăn nếm xem có ngon không ạ.
Dứt lời, ông cầm táo đưa cho mỗi cụ hai quả. Các cụ vừa ăn một cách nhâm nhi, vừa bình luận rất sôi nổi. Có cụ khen táo ngọt, giòn, có cụ khen táo hạt nhỏ, thịt nhiều, hơn đứt anh “Thiện Phiến”… Có cụ nói với ông cu Phú:
- Đúng là giỏ nhà ai, quai nhà ấy thật. Cháu Phú khá lắm. Nay mai lớn lên cho nó đi học Đại học Nông nghiệp, học làm kỹ sư trồng trọt được đấy các cụ ạ.
Không giấu nổi niềm vui đang tràn ngập trong lòng, ông cu Phú cười khà khà và khoe luôn:
- Cháu nó đang mơ ước trở thành Mít-su-rin đấy ạ!
Một cụ khác nói:
- Ông Mít-su-rin ở tận đẩu tận đâu tôi không biết, từ nay chúng tôi sẽ gọi ông cháu nhà cụ là ông cháu Mít-su … Phú. Được không?
Các cụ cùng cười rộ lên tỏ ý tán đồng. Riêng cu Phú lại đứng im, mặt nghệt ra. Nó có ý chờ xem các cụ trong Hội làm vườn họp bàn về vấn đề gì? Nếu có thể, nó cũng sẽ xin ông cho gia nhập Hội. Liệu đã nên chưa nhỉ? Liệu có được không nhỉ?
 
 
 
 
 
 
 
NGƯỜI VỀ CHỐN CŨ
(Trích tiểu thuyết) 
 
26
 
Đúng như thầy Nguyễn Thái An hình dung: Từ mấy tháng nay, “ Phủ đệ” của Trần Nguyên Hãn , bà con vẫn quen mồm gọi thế, cứ rộn ràng, tấp nập suốt ngày, suốt đêm. Đấy là những “ gia thần nội chủ” đến giúp Trần Nguyên Hãn làm sống dậy nghề ép dầu dọc gia truyền. Từ quả dọc thành dầu dọc phải qua mấy những mấy công đoạn: Người ta chia nhau tản về mấy vùng quê lân cận tìm hái quả dọc đem về, là công đoạn thứ nhất. Phơi khô, bóc lấy hạt, là công đoạn thứ hai. Gĩa hạt dọc nhỏ như bột ngô, là công đoạn thứ ba. Đun sôi bột dọc lên đoạn trộn với rơm khô, đóng thành từng bánh, là công đoạn thứ tư. Cuối cùng là ép từng “ bánh” bột ấy ra dầu. Có dầu rồi lại phải gánh đi bán tại các chợ quanh vùng. Dầu bán được mới ra đồng tiền... Từng ấy công việc cũng đủ thu hút trên dưới hai chục người làm mỗi ngày. Song hành với lực lượng làm dầu dọc ở trong “ phủ đệ”, tại đồn sở được thiết lập để “ ứng Minh chi hậu” trên Rừng Thần, là các môn sinh thuộc trang Sơn Đông tìm về học võ, tập đua ngựa, nghe giảng Binh thư, Tứ thư, Ngũ kinh do Trần Nguyên Hãn truyền giáo, cũng có khi chàng mời cả thầy Nguyên Thái An đến trợ giảng. Khi các môn sinh đến, khi các môn sinh về, nhất là những lúc các môn sinh múa võ, cưỡi ngựa, thôi thì tiếng hô, tiếng hét cứ rậm rịch, vang dậy một vùng rừng núi. Bên cạnh đó, Trần Nguyên Hãn còn thuê một tốp thợ tới đóng thuyền, đóng trải tại nhà. Cánh thợ mộc này cũng góp một phần làm náo động không gian. Họ xẻ gỗ xoèn xoẹt, họ gõ đục chí chát suốt ngày. Để có trải cho các trai tráng luyện tập kịp thi bơi trải trên sông Lô vào mùa xuân tới, họ phải làm từ lúc rạng sáng đến tối mịt.
Đâu chỉ quan tâm đến công việc của nhà mình, thực hiện dự định như đã nói với thầy Nguyễn Thái An hôm nào, Trần Nguyên Hãn tổ chức họp bàn với các bô lão Đa Cai vận động bà con làm sống lại nghề đan thuyền, nghề làm gốm và tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, Đa Cai như cô gái đến tuổi dậy thì, mỗi ngày một khởi sắc, một thay da đổi thịt. Thôn làng như béo đẫy ra trong mùa thu hoạch. Khi rơm lên cây, thóc vào bồ, cũng là những ngày heo may từ phương Bắc tràn về. Vừa mới mùa đông đấy, loanh quanh vỗ con lợn chưa kịp béo thì Tết đã xồng xộc đến sau lưng. Nếu tính từ ngày giặc Minh cuốn cờ về nước, Tết này là năm thứ hai nhân dân Đại Việt nói chung, bà con Đa Cai nói riêng, đón Tết, mừng Xuân trong không khí tưng bừng của người dân có được Độc Lập, Tự Do. Đó là mùa Xuân Kỷ Dậu, năm 1429!
Ăn Tết xong đến ra giêng là vào mùa lễ hội mùa xuân. Trong rất nhiều trò chơi, trò diễn của những ngày hội, Trần Nguyên Hãn chọn người tham gia thi bơi trải trên sông Lô.
Gọi là bơi chải trên sông Lô nhưng thực ra đó là thi bơi chải Bạch Hạc. Ngã ba Hạc nằm trên vùng đất hợp lưu của sông Hồng, sông Đà, sông Lô. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng là vùng sông nước hữu tình, sơn thanh thủy tú. Theo truyền thuyết, tại ngã ba sông Bạch Hạc này, Hai Bà Trưng đã lấy bãi Hạc và bến Tam Giang làm nơi đóng thuyền và huấn luyện quân sĩ. Đến đời nhà Trần, có Trần Nhật Duật  là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông được giao trấn thành Bạch Hạc. Ông cũng lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền. Tại đền Tam Giang, năm 1285 Trần Nhật Duật đã tổ chức Hội thề “ Giết giặc Thát, báo đền nợ nước, ơn vua”. Ông là một vị tướng kiệt xuất trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của dân tộc. Nhằm ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời để ghi lại những chiến công thủy chiến lẫy lừng trên sông Hạc. Lễ hội thực sự là một chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm, đồng thời gửi gắm những khát vọng của cuộc sống. Lễ hội bơi chải truyền thống hầu như năm nào cũng được tổ chức nhưng từ ngày giặc Minh xâm chiếm Đại Việt, xây thành Tam Giang, cách Bạch Hạc không xa, lễ hội vì thế mà không còn nữa. Năm nay, mừng đất nước hòa bình, các bô lão làng Bạch Hạc bàn với dân làng khôi phục lại hội thi bơi chải cho các giáp quanh vùng tham gia thi thố tài năng trên sông nước. Nhờ vậy Trần Nguyên Hãn mới có cơ hội đưa chải của mình từ Đa Cai bên sông Lô về ngã ba Hạc tham dự.
Ngay từ trong năm, Trần Nguyên Hãn đã thuê thợ đến đóng trải. Trải được đóng bằng gỗ trò, sơn đỏ. Chuôi giầm cũng sơn đỏ. Mái giầm sơn trắng. Đầu trải hình chim phượng. Thân trải thót dần hình đuôi tôm, cong ngược. Trải dài khoảng 20, 5 mét, lòng trải chia thành nhiều khoang, chỗ rộng nhất chừng 1, 5 mét. Có trải rồi Trần Nguyên Hãn lại tuyển chọn lấy 36 tay giầm là những trai tráng khỏe mạnh trong làng. Vào cuộc thi, 36 tay giầm này được chia thành 18 cặp, ngồi quỳ một chân xuống mạn trải theo một tư thế thống nhất, tay cầm giầm đúng chiều. Khi bơi, miệng thì phụ họa theo tiếng hò và tay thì phải bơi đúng nhịp hò của người hò mõ! Những hôm Trần Nguyên Hãn mới cho anh em luyện lập ngoài bến Đông Hồ thôi nhưng không khí  đã rộn ràng, náo nức lắm! Bà con kéo ra xem đứng đông chật cứng trên bờ. Tiếng vỗ tay, tiếng hò hét cổ vũ, động viên của mọi người cứ  rộ lên từng đợt như sấm dậy.
Theo lễ tục, lễ hội bơi chải Bạch Hạc mùa xuân này mới chỉ có 4 chải. Mỗi chải sơn một màu trải khác nhau. Chải Tiên Hạc màu xanh; Chải Đông Nam màu trắng; Chải Thần Chúc màu vàng; Chải Đa Cai của Trần Nguyên Hãn màu đỏ. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra trải. Ngày thứ hai các trải đưa kiệu xuống trải bơi ra sông Hồng để đón Thần về. Ngày thứ ba là ngày bơi chính để đọ sức giữa các trải với nhau. Đường bơi bắt đầu từ cửa bến Đình về làng Đức Bác, rồi quay lại đền Tiên Cát. Đến đền Tiên Cát thì các chải ném thẻ chải xuống. Nhận thẻ chải mới, các chải lại khẩn trương bơi về bến Đình. Đương nhiên chải nào đến đích trước tiên là chải ấy giật giải nhất! Quy định chung là vậy còn trên đường đua các đô thuyền phải kết hợp thật ăn ý mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng.
Trong tiếng trống thúc giục liên hồi và tiếng hò reo ầm ĩ của hàng ngàn người xem đứng trên bờ sông, Trần Nguyên Hãn giữ vai người hò mõ của chải Đa Cai đang gõ từng nhịp mõ dứt khoát và cất giọng hô vang vang để cổ vũ khích lệ sự hăng hái của các tay bơi. Trên dòng sông trong xanh, theo nhịp bơi ào ạt, các chải vun vút lao lên phía trước để lại phía sau những luồng nước sục sôi, cuồn cuộn. Trời trong xanh. Nắng lấp lóa. Bọt nước tung lên trắng xóa. Trần Nguyên Hãn có cảm giác như mình đang sống lại trong trận vây thành Đông Quan trên sông Nhị năm xưa! Mồ hôi vã ra chảy đầm đìa trên khuôn mặt bừng đỏ của Hãn. Không thấy mệt, chàng chỉ thấy tâm hồn mình phơi phới như đang hòa nhập với không khí vô cùng sôi động, như đang bay lên cùng với thiên nhiên vô cùng trong sáng, vô cùng tươi đẹp ở bến sông này.
*
*     *
Đúng hôm Trần Nguyên Hãn thay mặt cho chải Đa Cai bước lên bục nhận phần thưởng của hội bơi chải Bạch Hạc thì ở kinh thành Đông Kinh bọn gian thần lại thậm thụt mò tới cung điện tấu trình với vua Lê Thái Tổ những tin tức mới nhất về chàng.
 Số là, trong những ngày Trần Nguyên Hãn về chốn cũ với ngôi nhà cũ, rồi chàng bị cuốn hút, bận rộn với những công việc nào tổ chức Lễ cầu siêu, nào đi nhận ruộng, nào xây “ phủ đệ”, nào ép dầu dọc, nào dạy võ, nào đóng thuyền bè, luyện thi bơi chải. Cuộc sống nơi thôn dã làm chàng dường như quên đi mọi nỗi buồn về nhân tình thế thái. Thực sự là chàng đang sống an vui cùng sơn khê, cùng mọi người chung tay tìm cách cứu dân thoát khỏi cảnh bần hàn, xây đời no ấm. Thế nhưng cũng trong thời gian ấy, ở Đông Kinh, trước sự bối rối của Lê Thái Tổ vì  sau khi chiến thắng giặc Minh nhưng thế lực chưa đủ mạnh để giữ ngôi Hoàng đế của mình nên đã tiềm ẩn nhiều vấn đề chính trị xã hội phức tạp, nay trở thành mâu thuẫn. Mà mâu thuẫn chủ yếu là sự kèn cựa về địa vị. Sự kèn cựa ấy lại có liên quan đến Trần Nguyên Hãn. Dù bóng dáng chàng không còn ở triều đình thế mà nỗi lo lắng về Tả tướng quốc - một con người hữu học thức, tinh binh pháp -  vẫn ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí Lê Thái Tổ, đặc biệt là những lúc nhà vua nghĩ về người kế vị mình trong tương lai. Đón bắt được ý vua, những kẻ vô danh tiểu tốt trong chiến tranh chẳng có công trạng gì giờ được dịp nhảy vào thời cuộc, lợi dụng “ đục nước béo cò” ra sức tâng công, dèm pha, dâng sớ tấu trình mưu cầu lợi ích cho phe cánh. Đứng đầu bọn cơ hội này là Đinh Bang Bản, một thân cận của đại công thần Lê Sát và Lê Quốc Khí, cháu gọi Lê Thái Tổ bằng bác.
Dạo này, Lê Thái Tổ luôn thấy trong người không được khỏe. Trên mười năm trận mạc, trải qua không biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, sức lực của một hào trưởng đã bị tàn phá một cách nhanh chóng. Mới 44 tuổi mà nhà Vua hay ca thán, tuổi già lắm bệnh! Từ khi lên ngôi báu, những lúc ngồi trong cung điện Lê Thái Tổ thường bày tỏ hơi thái quá với những quần thần thân tín về bản thân mình rằng: “ Ta tuy làm chủ tướng nhưng xét lại mình, ta một là, già ốm lại bất tài; Hai là, sức học nông cạn; Ba là, gánh nặng khó nổi… Cho nên ta phải nhún mình, lấy lòng thành mà khuyên các hào kiệt cùng nhau hết sức cứu giúp muôn dân”. Tự biết mình là vậy nên tuy nhà Lê mới thành lập nhưng Lê Thái Tổ đã sớm lo chọn người kế nghiệp. Ngay từ dạo Trần Nguyên Hãn chưa “ khuất quy hưu” trong triều đình đã hình thành phe cánh xung quanh việc Thái tử Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long, ai sẽ kế vị Lê Thái Tổ?
Khi ấy, Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo lên tiếng ủng hộ Lê Tư Tề. Với cái lý, Thái tử này là con cả, vợ cả của Lê Lợi. Hơn thế, Lê Tư Tề từng theo cha đi đánh giặc Minh. Tư Tề là con người dũng cảm, ham giết đối phương. Trước Hội thề Đông Quan, chấp nhận yêu cầu của Vương Thông, Lê Lợi đã sai Lê Tư Tề cùng tướng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin. Vương Thông rút về nước, Lê Tư Tề mới được trả về. Lê Lợi lên ngôi, Lê Tư Tề được phong làm Hữu tướng quốc. Ganh ghét và đố kỵ với Tả tướng quốc về tài năng quân sự từ trong chiến tranh, Lê Sát âm mưu làm ngược lại với Trần Nguyên Hãn bằng cách ủng hộ Thái tử Lê Nguyên Long. Cho dù Lê Nguyên Long còn nhỏ, dù là con thứ, dù là con vợ thứ của nhà vua, Lê Sát vẫn quyết tâm ủng hộ.
Trần Nguyên Hãn “ khuất quy hưu” bỏ lại chính sự của vương triều phía sau lưng để tránh đi một mâu thuẫn đang tồn tại không có lợi cho mình và nhà vua. Trong cung đình chỉ còn lại Lê Sát, do ảnh hưởng của phe Lê Sát, Lê Thái Tổ đành phải, một mặt dùng Lê Tư Tề làm quốc công coi việc nước nhưng không phải là thái tử để thừa kế. Mặt khác, lại lập Lê Nguyên Long, mới 10 tuổi lên làm thái tử, người sẽ kế vị. Muốn triệt tận gốc những ai đối lập với mình, Lê Sát cùng bọn gian thần liên tiếp bày đặt vu cho đối phương những chuyện nọ, chuyện kia làm nhà vua rất khó kiểm chứng. Thực hiện âm mưu này, thấy cơ hội đến, Lê Sát bày cho Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí xin gặp Lê Thái Tổ ...
Sáng nay không thiết triều, nhà vua ngồi trong lầu lục giác nghe Đinh Bang Bản và Lê Quốc Khí bẩm báo những chuyện về Trần Nguyên Hãn.
Đinh Bang Bản thuộc diện đầu thì đầu giơi, mặt thì mặt chuột, mắt thì ti hí mắt lươn. Hắn cúi gập người trước mặt vua Lê Thái Tổ và ngóc đầu lên nói:
- Muôn tâu bệ hạ. Theo nhiều nguồn tin mà hạ thần nhận được cho thấy rằng: Cách nay hơn một năm, sở dĩ đất nước vừa mới giành độc lập, lợi quyền, danh vọng chưa hưởng được bao nhiêu, tuổi tác cũng đang còn trẻ khỏe mà Hãn đã vội xin nhà vua được “ khuất quy hưu” chính là vì, sau thắng lợi oai hùng của dân tộc thì Trần Nguyên Hãn không muốn gắn kết với bệ hạ nữa! Hãn đã nói với người thân của Hãn là “ Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên ta không thể yên hưởng vui sướng được”.
- Người thân của Han là ai vậy?
- Tâu đức vua là Nguyễn Trãi ạ.
- Tại sao thần biết?
- Tâu bệ ạ! Tối hôm ấy thần đi qua điện giảng Võ, tình cờ tai thần nghe được Trần Nguyên Hãn nói với Nguyễn Trãi câu ấy ạ.
- Tướng như Việt vương Câu Tiễn là sao?
- Tâu đức vua! Người có cổ dài, mép quạ, tức là tướng chim đấy ạ.
Nuốt giận vào lòng, nhà vua bình thản hỏi:
- Hãn coi tướng ta và dám bảo ta giống như  Câu Tiễn bên Trung Hoa sao?
Lê Quốc Khí, vị quan thấp lùn, mặt trắng, mũi hếch, ỷ thế là con cháu nhà vua, từng khuất tất làm nhiều điều xằng bậy, khoanh tay trước ngực, nhanh nhảu đỡ lời Đinh Bang Bản:
- Thưa bệ hạ! Hãn không chỉ xem tướng, nói không tốt về nhà vua mà hiện nay tại trang Sơn Đông Hãn còn xây phủ đệ với nhiều nhà cửa, kiến trúc kiểu như biệt thự, biệt cung. Thế chưa đủ, Hãn còn mua binh khí, tậu ngựa, tậu voi, đóng thuyền, đóng trải, luyện võ, luyện quân, cứ rầm rập suốt ngày. Những việc làm này của Hãn há chẳng phải ra cái dáng là một sứ quân, nghênh ngang một cõi thì là gì, thưa đức vua?
- Muôn tâu bệ hạ! - Đinh Bang Bản phù họa thêm - Theo thiển nghĩ của thần, đâu chỉ làm ra dáng một sứ quân, nghênh ngang một cõi mà làm vậy là rõ ràng Hãn có ý thoán nghịch, phản lại triều đình.
Vua Lê Thái Tổ gật đầu nhưng vẫn thận trọng hỏi thêm:
- Đấy mới là những tin đồn, các thần có bằng chứng gì không?
Rút từ trong chiếc tay nải màu nâu ra một bộ quần áo, Lê Quốc Khí dâng lên trước mặt vua:
- Thưa bệ hạ. Bằng chứng đây ạ.
- Thứ gì vậy?
- Thưa, đây là bộ sắc phục Tả tướng quốc mà khi về đến quê Trần Nguyên Hãn đã cởi bỏ rồi quẳng xuống sông Lô.
- Làm sao thần có bộ sắc phục này?
- Tâu bệ hạ! Một người làm nghề cất vó bè, tên là Sóng, ở bến đò Phú Hậu vớt được, sau đó giao lại cho Phạm Toán là người cùng quê với Trần Nguyên Hãn. Thưa bệ hạ. Phạm Toán chính là người viết sớ tố cáo Hãn xây phủ đệ khang trang, đóng thuyền bè, tuyển tráng binh, tích trữ khí giới, biến ao Son, sông Lô trước cửa nhà Hãn, thành nơi luyện tập thủy quân để phục vụ cho ý đồ làm phản của Hãn và giao nộp triều đình bộ sắc phục này đấy ạ.
Sắc mặt Lê Thái Tổ nghiêm lại. Nhà vua như chợt hiểu, nói:
- Thì ra Trần Nguyên Hãn không giữ gìn hình tích, cũng không thèm về kinh đô chầu vua như ta đã hẹn mỗi năm phải hai lần là vì vậy ư?
Câu nói nhỏ như chỉ đủ cho một mình nghe ấy của Lê Thái Tổ, cũng lọt được vào tai Đinh Bang Bản. Hắn “ vồ” ngay lấy và vội vàng “ tham mưu”:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần nghĩ, tất cả những điều ấy đã là đủ chứng cớ. Xin nhà vua xem xét mà trừ khử sớm đi để tránh mọi tai họa về sau này.
Sau lời đề xuất của Bản, không khí trong lầu lục giác bỗng lặng như tờ. Lê Quốc Khí với Đinh Bang Bản thì ngồi im, nín thở chờ sự phán quyết của nhà vua, còn Lê Thái Tổ thì trầm ngâm suy nghĩ: Đứng trước một thực tế, gần đây không hiểu vì sao Thái tử Lê Tư Tề sinh ra mắc chứng điên khùng, giết bừa các tỳ thiếp; Còn Thái tử Lê Nguyên Long lại quá trẻ thơ, trong khi đó Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo đều là những người có công giúp nước, lại đang rất được người đương thời trọng vọng. Đối trọng này buộc lòng nhà vua phải băn khuăn, lo lắng. Bây giờ hay tin Trần Nguyên Hãn ở quê đang có những việc làm phục vụ cho ý đồ phản nghịch của mình. trong lòng Lê Thái Tổ càng trở nên oán hờn, tức giận Hãn! Thế thì, đúng là Trần Nguyên Hãn có chí khác thật rồi! Vì sự tồn tại của nhà Lê, thôi thì, theo lời các thần đây, ta sẽ tuyên cáo Trần Nguyên Hãn có ý làm phản và ban chiếu bắt Tả tướng quốc về triều đình để khảo vấn xem sao. Là Lê Thái Tổ mới dự định thế chứ sau một hồi lặng im, nhà vua chỉ bảo:
- Hai thần cứ về đi. Việc này để ta sẽ suy xét, quyết định sau.
Đinh Bang Bản và Lê Quốc Khí cùng cúi gập người sát đất, đồng thanh nói lớn:
        - Bệ hạ sáng suốt!
Lê Thái Tổ nhỏ nhẹ nhắc nhở thêm:
- Hai thần nhớ theo dõi thêm Nguyễn Trãi và Phạm Văn Xảo.
 
27
 
Phải công nhận là, từ trước đến nay Trần Nguyên Hãn không có gây thù oán gì, thậm trí cũng không có trêu ghẹo gì đối với Phạm Toán, vậy mà Toán vẫn không ưa Hãn. Toán không ưa Hãn ngay từ thời tóc hai đứa còn để chỏm và cùng theo học thầy Nguyễn Thái An. Ngày ấy, thấy Hãn học giỏi hơn mình, Toán đã ghét. Chơi trận giả hay đánh khăng, đánh đáo, Hãn toàn giành phần thắng,Toán đã tức lộn ruột. Lớn lên, Toán mê Tuyển, định cưới Lê Thị Tuyển làm vợ thì Hãn lại nẫng tay trên mất. Mười năm Hãn đi đánh giặc Minh, Toán những tưởng Hãn sẽ phơi thây ngoài chiến trường như bao người khác. Nào ngờ, danh tiếng Hãn càng nổi như cồn với biết bao chiến tích. Là Tả tướng quốc, Hãn về trí sĩ, cả trang Sơn Đông này ai cũng nể trọng Hãn, yêu mến Hãn. So với Trần Nguyễn Hãn sao mà Phạm Toán thua kém nhiều bề. Cùng là môn sinh với nhau mà nay Hãn như người bay trên trời, còn Toán lại rơi xuống vực. Không thể lúc nào mình cũng chịu thua kém Hãn. Phải cho Hãn nếm mùi thất bại, ít nhất là một lần. Mang nặng lòng ganh ghét, ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi ấy, Phạm Toán luôn kiếm cớ gây sự với Trần Nguyên Hãn. Nhân có lão già làm nghề chài lưới vớt được bộ sắc phục Tả tướng quốc do Hãn ném xuống sông đưa cho Toán, lại tận mắt thấy, tai nghe những việc Hãn làm từ khi về quê, Phạm Toán liền tìm cách mật báo cho triều đình biết. Tin là phen này thế nào Trần Nguyên Hãn cũng sẽ nhận được một bài học cay đắng về cái thói hiếu thắng! Cũng chỉ hy vọng đến thế thôi, Phạm Toán đâu có nghĩ đến việc, chỉ dựa vào cái sớ tấu trình vớ vẩn của Toán, đích thân vua Thái Tổ lại ra chiếu bắt Trần Nguyên Hãn. Phạm Toán biết thông tin này trước khi có chiếu vua ban là nhờ thông qua mồm Lê Quốc Khí. Thế này là to chuyện rồi. Với tâm trạng thắc thỏm nửa mừng, nửa lo, Phạm Toán tìm đến gặp Trần Nguyên Hãn tại phủ đệ.
Buổi trưa, cánh “ gia thần nội thủ” trong nhà Hãn đều nghỉ việc. Trần Nguyên Hãn đang ăn trưa cùng con Trần Trung Khoản dưới nhà bếp. Phía cuối sân, dưới bóng cây hải đường nở hoa đỏ rực, Lê Thị Tuyển đang bận ru rín bé Trần Đăng Huy - cậu con trai thứ hai, nàng mới sinh được vài tháng. Tiếng trẻ khóc oa oa và tiếng ru à ơi của mẹ vang lên trong buổi trưa mùa xuân yên tĩnh, nghe sao mà ấm áp, thanh bình.
Phạm Toán cất tiếng chào Tuyển. Sau giây phút ngỡ ngàng trước sự có mặt của Phạm Toán, Lê Thị Tuyển nói:
- Gớm chưa? Hôm nay rồng lại đến nhà tôm kia đấy! Chàng đến có việc gì vậy?
- Cứ gì phải có việc. Ta đến chơi không được sao? Nàng không mời ta vào nhà ư? Trần Nguyên Hãn có nhà không?
Trần Nguyên Hãn rời bàn ăn ra đón Toán. Hai người đi vào phòng khách mà ánh mắt Phạm Toán vẫn “ nhìn quặt lại đằng sau” vì nhan sắc của Lê Thị Tuyển như dân gian vẫn nói.
Uống chưa cạn chén trà, thực hiện ý định của kẻ ném đá giấu tay, Phạm Toán làm ra vẻ lo lắng thay cho Trần Nguyên Hãn, hắn hỏi:
- Huynh đã biết tin gì chưa?
Nhận ra thái độ là lạ của Phạm Toán, Trần Nguyên Hãn hỏi lại:
- Đệ hỏi vậy là sao? Tin gì nhỉ? Huynh chưa hay biết gì cả.
Nhìn vào mặt Trần Nguyên Hãn để thăm dò thái độ của Hãn, Phạm Toán thì thào:
- Người ta đang đồn rằng, nhà vua ban chiếu triệu huynh về triều đình mà huynh vẫn chưa biết gì thật ư?
- Lê Thái Tổ triệu ta về Đông Kinh? Về việc gì vậy?
- Việc gì thì làm sao đệ biết được. Hình như có kẻ xấu ở trang Sơn Đông muốn tâng công với nhà vua hắn đã gièm pha, thêu dệt những điều không hay vể huynh, rồi vu cho huynh có mưu toan phản nghịch thì phải. Mà đệ nghe nói, tướng Phạm Văn Xảo, người cùng phe cánh với huynh ở triều đình cũng bị nhà vua bắt rồi! - Nửa kín, nửa hở, đưa hai cái tin Toán nghĩ, như sét đánh ngang tai với Hãn xong, nhận thấy sắc mặt Trần Nguyên Hãn hơi bị tái đi, tuy trong bụng mừng thầm nhưng Phạm Toán vẫn cứ nói - Chỗ người cùng làng, lại là bạn đồng môn với huynh nên đệ mới nhanh mồm nhanh miệng báo cho huynh biết. Huynh nên sớm có phương án chống lại nhà vua, hoặc là bỏ trốn đi. Nếu không, sẽ liên lụy đến Lê Thị Tuyển và hai cháu.
Chưa thể tin vào miệng lưỡi của Toán nhưng cũng không thể bình chân như vại trước thông tin Phạm Toán vừa nói, Trần Nguyên Hãn nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chàng bảo:
- Huynh tạ ơn đệ vì đã báo tin trước. Tuy nhiên huynh sẽ không bỏ trốn đi đâu cả. Huynh ở đây đợi chiếu của nhà vua và rất muốn biết ai là kẻ xấu ở cái trang Sơn Đông này.
Phạm Toán xoa xoa tay, hềnh hệch cười:
- Đệ còn nhớ, thầy Nguyễn Thái An của chúng ta hay nói, sống trong thời buổi nhiễu nhương, nhiều khi lòng tốt lại bị nghi ngờ. Tin là trong trường hợp này huynh không hiểu lầm về việc làm có thiện chí của đệ chứ?
- Đấy là đệ nghĩ thế  chứ huynh đã nói gì đâu!
Làm xong cái công việc của kẻ “ khẩu Phật, tâm xà”, Phạm Toán ra về yên tâm là sẽ không có ai nghĩ xấu về mình. Còn Trần Nguyễn Hãn thì bàn với Lê Thị Tuyển, nếu sự việc như Phạm Toán nói xảy ra, nàng phải đưa hai con trốn đi. Hơn ai hết, chàng hiểu từ khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã làm được nhiều việc như quy định về thuế khóa, chia ruộng đất, ban hành luật lệnh, mở khoa thi, tổ chức quân cấm vệ, cắt đặt quan chức, tưởng lục công thần, dựng trường học quy mô sáng nghiệp có thể là rộng lớn, nhưng nhà vua lại là người hay nghi kỵ và đa sát. Mà mối nghi ngại lớn nhất của Lê Thái Tổ là với triều đại cũ! Không thế, tại sao nhà vua lại hãm hại Trần Cảo - một người tự nhận là tôn thất nhà Trần, từng được đưa lên nắm ngôi Hoàng đế bù nhìn? Không thế, sao ép Cung từ hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, mẹ của thái tử Lê Nguyên Long - một người có họ Trần phải đổi sang họ Trình để kiêng húy? Những việc xử sự ấy của Lê Thái Tổ chỉ muốn làm cho thiên hạ quên hẳn nhà Trần đi! Với Trần Nguyên Hãn, là con cháu của hai danh thần có nhiều danh vị của triều Trần cũ thì nhà vua càng khó mà tránh khỏi nghi ngờ và phòng tránh.
Hôm sau, giữa lúc Trần Nguyên Hãn đang ngồi giảng về Binh thư cho các trò nghe ở tại đồn sở trên Rừng Thần thì có quan Khâm sai do nhà vua phái đi làm nhiệm vụ đặc biệt, đem chiếu chỉ đến cho chàng. Chiếu chỉ do đích thân Lê Thái Tổ viết trên tấm lụa với ấn chỉ đỏ chót của nhà vua đóng ngay bên cạnh. Lĩnh hội đầy đủ nội dung ghi trong chiếu chỉ, Trần Nguyên Hãn nói với quan Khâm sai: “ Ta tuân chỉ!”
Theo trù tính từ trước, Trần Nguyên Hãn bí mật bố trí cho Lê Thị Tuyển đem hai con chạy trốn sang làng Kẻ Nú, bên phủ Tam Đới. Trước lúc chia ly, Trần Nguyên Hãn động viên vợ: “ Đang ở vương triều ta xin về chốn cũ là muốn được sống yên ổn, hạnh phúc mãi bên nàng và các con. Nào ngờ cái mong ước giản dị đó của ta cũng không thành. Nay ta phải xa nàng và hai con là ở cái thế không thể khác. Chuyện riêng của ta, hiện nàng chưa hiểu được đâu. Thôi, nàng đưa con đi đi!”. Nói xong, Hãn ứa nước mắt nhìn vợ con khuất dần sau đồi cây. Hãn nghĩ đây là cuộc chia tay cuối cùng, bởi chàng biết, mình không chết vì kẻ thù bạo ngược nhưng có thể sẽ chết vì sự nghi kỵ của nhà vua trong lúc thái bình.
Tin vua Lê Thái Tổ hạ lệnh triệu hồi Trần Nguyên Hãn về thành Đông Kinh để khảo vấn giống như một vết dầu loang, loang rất nhanh khắp trang Sơn Đông. Lập tức thầy Nguyễn Thái An, ông Nguyễn Văn Bụi, nàng “ chúa Lối”, già lão chân chậm, mắt mờ như bà cụ Mến cũng chống gậy cùng bà con thân tín đến tận “ phủ đệ” hỏi han, chia buồn với vợ chồng chàng. ở lại phủ chỉ còn Trần Nguyên Hãn. Các “ gia thần nội thủ”, các võ sinh đều tỏ ra tức tối trước chiếu chỉ của nhà vua. Có người nói với Trần Nguyên Hãn:
- Thưa ông! Chúng ta vừa đông,vừa có nhiều người có võ nghệ cao cường. Ông không nên  “ tuân chỉ” chỉ dễ dàng như thế được.
- Ý mọi người là sao?
- Phải chống lại lệnh của nhà vua! Ông có làm gì sai trái mà vua sai người về bắt chứ?
 Trần Nguyên Hãn lắc đầu không nghe. Chàng nói:
- Cho dù ta biết trước là ta không thể sống được với nhà vua nên ta mới xin khất quy hưu nhưng nay nếu ta ra mặt chống lại, viện vào cái cớ này, nhà vua sẽ tàn sát, sẽ giết hại hết con cháu, dòng dõi nhà Trần mất. Tốt hơn hết là chỉ để một mình ta chịu chết thôi!.
Thầy Nguyễn Thái An, ông Nguyễn Văn Bụi, bà cụ Mến ngậm ngùi bảo nhau, “số” Hãn thế còn biết làm gì được! Riêng nàng “ chúa Lối” tỏ ra rất hiểu Hãn lại nói, một người từng tâm đắc hai câu thơ Tế suy vật lí tu hành lạc - Hà dụng phù danh bạn thử thân của Đỗ Phủ như Trần Nguyên Hãn thì xử sự của chàng sẽ không thể khác được. Ai nấy lặng lẽ gạt nước mắt vì thương Hãn.
Trần Nguyên Hãn xin quan Khâm sai cho mình làm lễ cáo trời đất trước khi về kinh thành.
Vẫn biết, xưa nay các bậc đế vương coi mình là thiên tử, con trời, mà Trời là đấng chí tôn giữ gìn vận mệnh và ban phát hạnh phúc cho muôn dân nên hằng năm họ đều tổ chức long trọng lễ tế Trời Đất. Vì là con Trời, thay Trời trị dân nên đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế để chứng tỏ lòng hiếu nghĩa của một người làm con. Với tấm lòng thành của cả vua quan cùng dân chúng dâng lên Trời Đất và các bậc thần linh nhà vua cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.Nhưng không hiểu sao vào lúc này, tự đáy lòng mình, Trần Nguyên Hãn lại muốn làm lễ cáo với Trời Đất về một đại họa sắp xảy ra với mình.
Lễ được tổ chức ngay trong sân “ phủ đệ”. Lễ vật thật giản đơn chỉ có một bát hương, trà nước, rượu, đèn nến và hoa quả. Trong làn khói hương nghi ngút, Trần Nguyên Hãn chắp hai tay trước ngực, lầm rầm cầu khấn. Khấn hết bài, chàng ngửa mặt lên Trời mà dõng dạc nói:
- Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành. Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?
Đáp lại câu hỏi nhức nhối của Trần Nguyên Hãn chỉ có bốn bề im lặng. Bầu trời cuối mùa xuân ngổn ngang mây đen, mây trắng mịt mù dường như thấu hiểu nỗi lòng của Hãn nhưng lại không thể lên tiếng.
Trần Nguyên Hãn đi vào nhà, châm mấy nén hương thắp lên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ. Chàng chắp tay, lầm rầm khấn vái một lúc lâu rồi quay ra, vẫy tay chào mọi người.
Với thái độ bình thản, ung dung, Trần Nguyên Hãn đi nhanh về nơi có chiếc thuyền to đang chờ sẵn ngoài bến sông, ngay phía trước mặt “ phủ đệ”  nhìn ra. Theo sau Trần Nguyên Hãn có quan Khâm sai và gần bốn mươi người vốn là “ gia thần nội thủ”, những bạn bè, đồng chí từ thủa hàn vi cùng chàng tập võ, mài gươm. Những người này, mặc Hãn can ngăn, họ vẫn quyết xuống thuyền theo chàng, nếu phải chết, họ tình nguyện chết theo chàng!
Dòng sông Lô vào dịp cuối mùa xuân nước vẫn trong xanh, phẳng lì như một tấm gương, sáng lấp lóa dưới ánh nắng vàng tươi rực rỡ. Từ Cống Khẩu nước vẫn lững lờ trôi xuôi miên man chỉ khi đến ghềnh Đông Hồ dòng sông mới bất ngờ hẹp lại. Tại đây, gặp những tảng đá đứng, đá ngồi giữa lòng sông chặn lại, nước bỗng lồng lên, réo sôi, tung bọt trắng xóa. Cư dân sống trên sông nước gọi đây là “ cửa tử”. Người lái thuyền bè phải giỏi giang lắm, khéo léo lắm mới không bị mắc nạn. Vượt qua “ cửa tử” lòng sông lại rộng ra thênh thang, dòng nước lại mệt mỏi lừ đừ chảy thật êm đềm.
Thuyền đưa Trần Nguyên Hãn về kinh thành gần đến ghềnh Đông Hồ.
Ngồi gần người cầm lái, chàng đưa mắt đắm đuối nhìn xóm làng nằm súm xít  hai bên bờ sông và ngẫm ngợi mung lung. Càng ngẫm ngợi, Trần Nguyên Hãn càng thấy chiếu chỉ của nhà vua là một hành vi xúc phạm ghê gớm đến thanh danh một danh tướng. Nhận chiếu chỉ, chàng biết ngay rằng, mình sẽ không có cơ hội để tự minh oan. Chàng cảm thấy uất ức và xấu hổ quá! Hỡi ôi! Vì thiếu chút bình tâm mà nhà vua tin lời xúi bẩy, ra lệnh bắt ta. Bởi vậy, dẫu ta có trở thành anh hùng cũng vẫn không là một công thần trọn vẹn của triều Lê. Việc đã đến nông nỗi này, ta còn sống làm gì nữa? Ta tự chết là để nhà vua khỏi mang tội lớn giết một công thần khai quốc, giết một tướng tài đã cùng mình làm nên sự nghiệp nhà Lê đó!
Thuyền sắp đến Đông Hồ.
Đã nghe thấy tiếng thác ghềnh réo sôi ầm ầm ngay bên tai. Trần Nguyên Hãn đứng bật dậy, chàng ngửa mặt lên trời, một lần nữa, hỏi lớn:
- Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?
Tiếng của Trần Nguyên Hãn tan ra, chìm đi trong tiếng thác nước. Chàng cúi xuống nói lời cuối cùng với những “gia thần nội thủ” và đồng chí hướng:
- Các huynh, các đệ ơi! Ai một lòng một dạ theo ta thì hãy nhìn xuống nước. Nếu ai còn vì cha mẹ già, con dại thì hãy ngửa mặt lên trời.
Thuyền đã đến sát ghềnh Đông Hồ.
Không có ai ngửa mặt nhìn lên trời cả. Thế có nghĩa là, tất cả đều tự nguyện làm theo ý chàng. Trần Nguyên Hãn hô: “Gác dầm lên!” Như là có sự chuẩn bị trước, thống nhất trước, người cầm lái gác mái dầm lên. Không có lái,  nhanh như chớp, con thuyền quay ngang, lao đánh “rầm” xuống ghềnh. Thuyền vỡ! Sóng nước chồm tới ào ạt cuốn những cánh tay chới với, những mái đầu nhấp nhô vào lòng, rồi mất hút!
Hôm ấy là ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429). Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn mới 39 tuổi!.
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...