Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Nhạc cổ điển - Vẻ quyến rũ trường tồn với thời gian

Nhạc cổ điển - Vẻ quyến rũ
trường tồn với thời gian

Nhạc cổ điển được xem là nền tảng 
khoa học của mọi dòng nhạc - Ảnh minh họa
Được xem là nền tảng khoa học của mọi dòng nhạc, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhạc cổ điển đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người.
Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn một số kiến thức thú vị về dòng nhạc luôn được xem là “khó nghe, khó học và khó cảm nhận” này.
1. Sự ra đời
Nhạc cổ điển là một xu hướng thường được biết đến trong lịch sử phát triển âm nhạc phương Tây, trong khoảng thời gian từ 1750 đến 1820, nằm giữa thời kỳ của nhạc baroque và nhạc lãng mạn. Những nhà soạn nhạc lỗi lạc của thế giới đã xuất hiện lúc bấy giờ gồm có Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, và Franz Schubert; ngoài ra, còn có thể kể đến như Luigi Boccherini, Muzio Clementi, Antonio Soler, v.v... Đặc biệt, Ludwig van Beethoven cũng được tính vào thời kỳ nhạc lãng mạn bởi những đóng góp quan trọng của ông trong thời điểm chuyển giao.
Chân dung nhà soạn nhạc Wolfgang 
Amadeus Mozart (1756-1791)
Giữa thế kỷ 18, giới thượng lưu châu Âu bắt đầu hướng đến xây dựng một phong cách mới trong nghệ thuật nói chung, bao gồm cả kiến trúc, văn học và âm nhạc. Những đổi thay trong giai đoạn này thường được gọi là Cổ điển. Nhằm hướng đến mô phỏng những giá trị tốt đẹp của những thời kỳ cổ xưa trong quá khứ, trong khi đó vẫn gắn kết với văn hóa hoàng gia và chế độ quân chủ chuyên chế, phong cách Cổ điển trong âm nhạc với sự chú trọng kỹ thuật, trình tự và cấp bậc khiến mọi thứ trở nên rõ ràng và chân phương hơn. Thường thấy, những tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ này có sự phân chia thành từng phần, chương hay hồi; sự tương phản về sắc độ và màu sắc, cũng như ưu tiên đơn giản, hiệu quả hơn là phức tạp. 
Bản “Giao hưởng số 40” (Symphony No. 40)
Wolfgang Amadeus Mozart
Quan điểm này cũng dần phát triển và tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến ý thức cộng đồng, ở đó, trật tự kinh tế và địa vị trong xã hội cũng dần thay đổi. Kết cấu đa âm, thường được biết đến với tên polyphony với hai hoặc nhiều giai điệu được chơi đồng thời, dần bị thay thế bởi sự đơn giản và mạch lạc của kết cấu đồng âm homophony, khi chỉ một giai điệu chiếm ưu thế trên một nền nhạc đệm. Âm sắc, giai điệu vì vậy cũng trở nên rõ ràng và dễ nghe hơn so với thời kỳ trước đó. Nhờ vậy, dàn hợp xướng cũng bắt đầu được mở rộng về quy mô và cách tổ chức.
2. Vẻ đẹp mỹ học
Vẻ đẹp mỹ học của nhạc cổ điển được thể hiện qua việc gắn liền với việc khai thác giai điệu trong thế giới tự nhiên, loại trừ những nội dung được truyền tải bằng ngôn từ, hành động, thể hiện hình ảnh hay bất cứ loại hình nghệ thuật khác âm nhạc. Thông qua những giai điệu trầm bổng có trật tự và mục đích rõ ràng, nhạc cổ điển cho thấy ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm và nhận thức của mỗi con người. Rõ ràng, việc tiếp nhận thông tin bằng thính giác tồn tại sự khác biệt rõ ràng so với tiếp nhận bằng thị giác. Đối với âm nhạc, chúng ta không nhất thiết phải hình dung hoặc thấy sự vật và hiện tượng khi thưởng thức nó. Điều này giúp con người có xu hướng dễ dàng kết nối giữa giai điệu với những trải nghiệm, cảm xúc, tâm trạng mang tính cá nhân.
Bản “Für Elise” - Ludwig van Beethoven
Vẻ đẹp mỹ học của nhạc cổ điển được thể hiện qua việc khai thác giai điệu trong thế giới tự nhiên.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia đương đại đã đồng ý rằng khi thưởng thức nhạc cổ điển, thực chất thứ chúng ta nghe là một tổ hợp những âm thanh có chủ đích. Theo đó, giai điệu được truyền tải qua một cấu trúc nhất định bao gồm âm sắc, độ ngân rung và độ vang của âm thanh. Quá trình tiếp nhận chính là lúc tâm trí người nghe bị cuốn theo một dòng chảy của giai điệu, khiến não trạng không ngừng làm việc để nhận dạng thứ âm thanh này là quen thuộc hay xa lạ, và đồng thời cũng chuyển động theo từng sự thay đổi đột ngột của bài nhạc.
Chân dung nhà soạn nhạc lỗi lạc 
Ludwig van Beethoven (1770-1827)

Thêm vào đó, nhạc cổ điển có kết cấu rõ ràng, chuẩn mực với sự chú trọng vào sự đa dạng và tương phản trong giai điệu hơn bao giờ hết. Cụ thể, nó có sự đa dạng về nốt, giai điệu, âm vực cùng độ mạnh, lớn và rền vang của âm thanh kết hợp với sự thay đổi có tuần tự trong nhịp điệu và âm sắc. Những quy chuẩn khắt khe và đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật khiến những nhà soạn nhạc, nhạc công biểu diễn nhạc cổ điển phải được đào tạo và trải qua thời gian rèn luyện nghiêm túc để có được trình độ, kiến thức và bản lĩnh nhất định. 
”Impromptu n°3” - Franz Schubert
Nhạc cổ điển đều đòi hỏi ở cả người cảm thụ và người biểu diễn một sự tập trung, độ nhạy cảm để có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm.
Chân dung nhà soạn nhạc Franz Schubert (1797 -1828)
Cùng với những giai điệu lắt léo, đôi lúc trong vắt như sương sớm, đôi lúc huyền hoặc và bí ẩn như đêm tối, những đòi hỏi ấy lại làm nên vẻ đẹp và sự uy nghi của nhạc cổ điển.
3. Nền tảng của nền âm nhạc hiện đại
Những tác phẩm nhạc cổ điển được sáng tác trong khoảng giữa thế kỷ 18 và 19 đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng cho nền âm nhạc hiện đại. Phần lớn những bài nhạc pop thịnh hành hiện nay đều tồn tại những đoạn có phần hòa âm giống với thế hệ trước. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng nhạc cổ điển đến với khán giả đại chúng, mà trong đó, một số giai điệu từ các tác phẩm nổi tiếng trở thành chuỗi âm thanh quen thuộc xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của mỗi người. Bên cạnh đó, nhạc cổ điển còn góp phần vào việc hình thành cấu trúc và định dạng tiêu chuẩn của một bài nhạc, song hành với việc đưa ra chuẩn mực về thẩm mỹ trong âm nhạc.
“Scherzo No. 2” - Frédéric Chopin
Nhạc cổ điển còn góp phần vào việc hình thành cấu trúc và định dạng tiêu chuẩn của một bài nhạc, song hành với việc đưa ra chuẩn mực về thẩm mỹ trong âm nhạc.
Chân dung nhà soạn nhạc Joseph Haydn (1732-1809)
Những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc lỗi lạc từ thế kỷ trước đã đặt một nền móng rất vững chắc cho nền âm nhạc hiện đại của thế giới. Một điều thú vị được đặt ra ở đây là mặc cho sự khác biệt về không gian và thời gian, hai thế hệ dường như chẳng tồn tại bất kỳ khoảng cách nào. Những nghệ sĩ hiện nay, dù có nhận thức được hay không, đều sử dụng nền tảng kiến thức âm nhạc có được từ thế hệ đi trước và thêm vào đó những sáng tạo hay cách tân để phù hợp với thị hiếu khán thính giả đại chúng.
Bản nhạc “Piano Sonata Hob. XVI/49” - Joseph Haydn
Vì lẽ đó, dù là một thể loại kén người học, người biểu diễn và cả người nghe, trải qua những đổi thay trong dòng chảy lịch sử, nhạc cổ điển vẫn cho thấy vẻ quyến rũ vượt thời gian và không gian của mình.
Gấu Trúc
Nguồn: classicfm, Internet Encyclopedia 
of Philosophy, wikipedia.
Theo https://idesign.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...