Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Nghệ sĩ Mạc Can: Cả đời nặng gánh nghệ thuật, "mắc nợ" văn chương

Nghệ sĩ Mạc Can: Cả đời nặng 
gánh nghệ thuật, "mắc nợ" văn chương

Gặp nhau vào một buổi sáng nắng đã vàng ruộm khắp vườn nhà, dưới mái hiên có phần cũ kỹ vì lớp rêu phong, nghệ sĩ Mạc Can - người đang chiến đấu với bệnh tật tuổi già, vẫn nở nụ cười yêu đời khi có bạn bè đến thăm.
Trước khi nói về buổi gặp gỡ này, tôi nhớ về quãng thời gian hai năm trước khi lần đầu bắt gặp nghệ sĩ Mạc Can chân thật giữa đời. Trong những ngày giữa năm 2019, ở một quán nước ven đường giản dị đến gần như không có gì đặc biệt, tôi nhìn thấy nghệ sĩ Mạc Can “đèo” trên con xe máy ọp ẹp đến gặp gỡ mấy “ông bạn già” của mình.
Nghệ sĩ Mạc Can khi đó đã lớn tuổi rồi, mái tóc ngắn kín màu trắng phơ, trên gương mặt nhuốm màu thời gian là những vết đồi mồi - đặc trưng của người bước qua tuổi thất tuần. Thế nhưng nghệ sĩ Mạc Can khi đó vẫn còn nhanh miệng trả lời mấy câu hỏi thăm của chúng tôi - tụi trẻ con hâm mộ “bác Ba Phi” (nhân vật của nghệ sĩ Mạc Can trong phim Đất phương Nam) từ nhỏ đến lớn. Giữa lúc trò chuyện, nghệ sĩ Mạc Can vẫn còn hứng chí đáp trả mấy lời trêu chọc của những “ông bạn già”.
Ấy vậy mà chỉ chưa đầy một năm sau, khi chúng tôi gặp lại nghệ sĩ Mạc Can trong một căn nhà nằm tuốt Ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn khiến ai cũng nhói lòng. Nghệ sĩ Mạc Can giờ không còn nhanh nhảu đáp lời hỏi han sức khỏe, nghệ sĩ Mạc Can giờ chỉ còn quanh quẩn với mấy chữ “bệnh tật”, “tuổi già”. Dường như thời gian chảy trôi đã vô tình khảm sâu vào người nghệ sĩ kỳ cựu ấy một chút xót xa, đau lòng khiến ai nhìn cũng không nén được thương cảm.
Nghệ sĩ Mạc Can (tên thật là Lê Trung Cang) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Theo lời kể của mẹ ông, trên chiếc ghe "hát Xiếc" nhỏ của cha - được người dân gọi bằng nghệ danh thân thương là Sạc lô - Trần, nghệ sĩ Mạc Can đã lớn lên từ đó. Đôi lúc nhìn lại tài năng nghệ thuật, tài hoa văn chương của nghệ sĩ Mạc Can, không ít người đã nghĩ rằng, có lẽ từ khi ông chưa biết thói đời thì đã nghe những câu thoại, những vở tuồng gắn liền với văn hóa Nam bộ mà ê a.
Suốt thời thơ ấu của mình, nghệ sĩ Mạc Can cùng với một người anh trai và một cô em gái rong ruổi ngược xuôi theo con nước, lưu diễn từ miền tây sang miền đông đất Nam bộ để biểu diễn “Xiếc”, bán thuốc dán hay làm ảo thuật. Nhờ gương mặt tròn phúc hậu cùng cái tính chân chất, thật thà mà nghệ sĩ Mạc Can “bén duyên” với phim ảnh qua một kho tàng đồ sộ những vai diễn của ông lão. Từ ông lão hiền lành đến ông lão lém lỉnh, từ ông Bụt thần tiên đến ông già lọm khọm, nghệ sĩ Mạc Can đều đã diễn qua.
Nếu phải kể đến những vai diễn “để đời” của nghệ sĩ Mạc Can thì thật không xuể nhưng điều đặc biệt của nam nghệ sĩ kỳ cựu này chính là dù diễn vở kịch nào, bộ phim nào, ông cũng đều trở thành hình mẫu đáng quý trong lòng trẻ thơ. Nghệ sĩ Mạc Can không chỉ có duyên với phim ảnh mà ông còn là một “ông già ảo thuật” mê trẻ con. Ít ai biết rằng, ngoài giờ diễn, nghệ sĩ Mạc Can thường dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội mang lại tiếng cười cho trẻ thơ thông qua biệt tài biến hóa ảo thuật học được từ chính gia đình mình. Nghệ sĩ Mạc Can - mặt thường cau có nhưng khi cười lại hồn nhiên vô tư, có lẽ vì vậy mà trẻ nhỏ ai cũng thương, ai cũng quý ông.
Là một diễn viên sống khá cô lập với thế giới bên ngoài nhưng nghệ sĩ Mạc Can lại có nhiều người bạn thân thiết trong lĩnh vực văn chương. Những người bạn già của nghệ sĩ Mạc Can, nếu không là người gắn bó với nghề cầm bút thì cũng là những nhà văn với tâm hồn gửi gắm núi sông. Mà chính nghệ sĩ Mạc Can cũng là một trong số những tâm hồn đồng điệu ấy.
Từ năm 1999 đến nay, nghệ sĩ Mạc Can đã sáng tác và xuất bản 13 đầu sách với đa dạng các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tạp bút, tản văn. Hầu hết trong những câu chuyện nghệ sĩ Mạc Can kể đều có điểm chung là thấm đẫm cái chất đời, chất người, câu văn của ông có khi cụt ngủn nhưng vẫn kéo dài một niềm thương sâu xa dành cho cuộc sống.
Nếu hỏi tôi đâu là tấm gương yêu nghề, quý nghề, gắn bó với nghề nhiều nhất thì tôi sẽ không ngần ngại mà nghĩ đến nghệ sĩ Mạc Can. Không một người nghệ sĩ nào thích diễn, mê diễn và muốn diễn đến mức dù nằm trên giường bệnh vẫn không ngừng nhắc về những ngày tháng hoàng kim. Người ta gọi đó là hoài niệm, còn tôi xem đó như một cách khắc ghi, một nỗi niềm không thể giải bày ở hiện thực.
Khi chúng tôi cùng anh Võ Hữu Nghị - một người bạn vong niên của nghệ sĩ Mạc Can, cũng là người đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến thăm hỏi này tìm đến căn nhà của cô Yến - em gái út trong gia đình nghệ sĩ Mạc Can, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là chiếc giường đơn bình dị được đặt dưới gầm cầu thang trong một khuôn viên cũng không quá rộng rãi.
Bà Dương Thị Mai - người em gái thứ 4 của nghệ sĩ Mạc Can ra tiếp đón chúng tôi với một nụ cười còn sáng lạn hơn cả vạt nắng dưới hiên. Bà bảo có bạn bè đồng nghiệp đến thăm, chắc hẳn ông ấy (nghệ sĩ Mạc Can) vui lắm! Nhưng cái “vui” ấy đến chưa bao lâu đã khiến chúng tôi chạnh lòng. Nhìn người đàn ông sắp bước sang tuổi 76 được người thân dìu từng bước ra ngoài, nghệ sĩ Mạc Can hiện giờ, dù có vui đến thế nào cũng không thể nở một nụ cười trọn vẹn. Bờ môi của ông trì nặng, chỉ hơi vểnh lên, không sao khiến lòng người khác vui vẻ.
Nhưng từ ánh mắt và cử chỉ, chúng tôi biết rằng, nghệ sĩ Mạc Can thật sự mong chờ những buổi thăm hỏi, gặp gỡ chuyện trò thế này. Đối với một người đã bước qua tuổi 75, như bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời thì còn ước mong gì ngoài việc “thèm” được gặp người? Kỳ thực cái ý nghĩa của chuyện “gặp người” không phải vì nhớ người mà chỉ muốn nghe người ta kể về một nghệ sĩ Mạc Can tràn đầy sức sống trên phim trường hay một người “mắc nợ” văn chương mấy mươi năm trước, chứ không phải một ông lão gần đất xa trời của hiện tại.
Qua trao đổi, chúng tôi biết được suốt một năm qua, nghệ sĩ Mạc Can thường xuyên nhập viện để điều trị bệnh tình. Sau những đợt ốm đau liên miên, người đàn ông 75 tuổi mang theo nhiều căn bệnh về gout, thấp khớp, viêm loét dạ dày đã bào mòn và hạ gục sức khỏe của người nghệ sĩ từng vẽ nên biết bao nụ cười trẻ thơ. Nghệ sĩ Mạc Can giờ đến đi đứng còn khó khăn, phải nhờ người nhà giúp đỡ. Cuộc trò chuyện với chúng tôi cũng không quá suôn sẻ vì ông thường bị líu lưỡi, mất sức nên nói tiếng được tiếng không.
Nhưng khi anh Hữu Nghị lấy ra hơn chục cuốn sách tựa đề “Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn” đặt ngay ngắn trên bàn chờ ký tặng thì thái độ của nghệ sĩ Mạc Can lại khác hẳn. Dưới bàn tay nhăn nheo, những nét chữ hí hoáy được vẽ nên trên nền sách thơm phức khiến ai cũng kinh ngạc. Rất nhanh, nghệ sĩ Mạc Can đã hoàn thành xong việc ký tặng khán giả ở xa hơn chục cuốn sách mà không hề bị gián đoạn vì hụt hơi hay mất sức giữa chừng.
Anh Hữu Nghị không khỏi thở dài nhớ lại quãng thời gian trước đây: “Lúc ông còn khỏe thường sáng tác bằng nhiều cách khác nhau, khi thì viết giấy, lúc thì đánh máy tính bàn. Sau này, ông có được một chiếc laptop cũ nhưng không lâu sau nó cũng hỏng, thêm việc sức khỏe suy yếu khiến ông không thể viết sách như lúc trước được nữa”.
Nói về “Nhớ” - tựa sách đã thôi thúc Mạc Can quay trở về Sài Gòn sau nhiều năm tháng lạc bước ở đất hải ngoại, anh Hữu Nghị có nhiều xúc cảm. Gần đây được biết anh cũng đã đứng ra kêu gọi cộng đồng ủng hộ mua sách để lấy tiền giúp đỡ nghệ sĩ Mạc Can và nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ mọi người. Hơn 500 quyển sách của nghệ sĩ Mạc Can đang chờ xuất bản là hơn hàng triệu tấm lòng yêu thương của độc giả, khán giả nước nhà.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mai nặng lòng, có nhiều lúc nghệ sĩ Mạc Can thường nói nhiều về những chuyện không liên quan. Mãi một lúc, bà mới nhận ra đó là những kỷ niệm thuở nghệ sĩ Mạc Can vẫn còn chạy vạy theo các đoàn phim để thỏa cái đam mê diễn xuất. Còn nhớ trong một đoạn phỏng vấn trước đây, người thân nghệ sĩ Mạc Can từng nói rằng, ước nguyện lớn nhất lúc cuối đời của ông chính là được đi diễn, có lẽ dù chỉ là một vai diễn già yếu thôi ông cũng chấp thuận!
Bệnh tật là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi han sức khỏe của ông, nghệ sĩ Mạc Can vẫn không nén được niềm vui sướng đong đầy trong mắt. Như chỉ sợ chúng tôi không tin, ông còn dùng hành động để biểu đạt sự khỏe mạnh của mình. “Bác Ba Phi” ngày ấy đã cố gắng cong cánh tay, gồng thành nắm đấm như để minh chứng cho câu “tôi khỏe lắm!”. Giây phút đó, chúng tôi ai cũng bật cười, lại không nhịn được xót xa. Chợt nhận ra rằng, thời gian có thể bào mòn sức khỏe của bất kỳ con người nào nhưng lại không sao hạ gục được ý chí vui vẻ, niềm lạc quan của người ta.
Nói về bệnh trạng của nghệ sĩ Mạc Can, anh Hữu Nghị tiết lộ, nhiều lần nghệ sĩ Mạc Can đau lắm nhưng vẫn giấu bệnh, sau này còn sợ đi bệnh viện, không phải vì sợ phiền hay sợ mệt mà chỉ vì lo sợ chi phí mỗi lần chữa trị. Một người nghệ sĩ gắn bó cả đời với nghiệp diễn xuất, nghiệp cầm bút, ấy vậy mà cuối đời lại rụt rè vì những nỗi lo thường nhật mang tên “cơm áo gạo tiền”. Phải chăng đâu đó, ở những bức tranh về mảnh đời bèo dạt của con người trong sáng tác văn chương, nghệ sĩ Mạc Can cũng gửi vào chính suy ngẫm của mình, hóa thành một mảnh ghép bình dị nhất trong cuộc sống ảm đạm ấy?
“… Tôi còn lại một mình tôi. Chỉ có tôi là vẫn nằm mơ, thường nằm mơ. Tôi thấy mình với manh chiếu rách, trong phòng bán vé… Có lẽ nào, dù cho không có lời hẹn thề, sao tôi vẫn mãi đi tìm chút kỷ niệm hoang đường như vậy cho tới khi qua bên kia thế giới” - Trích một đoạn trong cuốn sách “Nhớ” của nghệ sĩ Mạc Can.
Chúng tôi chia tay nghệ sĩ Mạc Can cùng gia đình khi nắng đã lên cao khỏi đỉnh đầu, vì nghệ sĩ Mạc Can còn phải nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến tái khám vào buổi chiều. Trước khi bóng dáng chúng tôi khuất sau những ngóc ngách hẹp dần của con ngõ nhỏ, nghệ sĩ Mạc Can vẫn ngồi đó, giơ tay vẫy chào như cách người ta vẫn thường tiễn bạn đến nhà chơi. Cho đến khi đôi mắt chúng tôi không còn nhìn thấy bóng dáng già nua, có lẽ người nghệ sĩ ấy vẫn còn ngồi đó, vẫn còn vẫy tay chào vì ông ấy “thèm” người mà! “Thèm” nhớ về chuyện xưa lắm! “Thèm” mắc nợ nghệ thuật văn chương đến nặng lòng!.
1/2/2021
Bảo Khoa - Thiên Trúc
Photo: Phương Dung
Thiết kế: Thiên Trúc
Theo https://yeah1.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...