Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 4b

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 4b

Dọc đường, kể cả trên đường cao tốc lẫn đường dân sinh trong thành phố, lưu lượng ô tô và các phương tiện khác tham gia giao thông khá đông. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy có cảnh sát giao thông hoặc trạm gác kiểm tra nào. Vậy mà việc chấp hành luật lệ giao thông rất tốt. Giải thích điều này, con tôi nói: Mọi diễn biến giao thông trên toàn Ba Lan đều được theo dõi bằng màn hình tại “Trung tâm Quản lý và Điều khiển hệ thống giao thông quốc gia”. Dù bất cứ đâu, đêm hay ngày, nếu có sự cố bất thường xảy ra, thì chỉ ít phút sau, cảnh sát và phương tiện giải cứu giao thông đã xuất hiện.
Đến gần trưa thì xe của chúng tôi đi vào địa phận Lódz - tên thành phố nơi gia đình các con tôi sinh sống và làm việc. Mặc dù Lódz không giáp biển, nhưng biểu trưng trên lá cờ lại vẽ con thuyền và một mái chèo với khẩu hiệu: “Từ một con thuyền, tàu” (Ex navicula navis). Hỏi, tôi được nghe truyền thuyết sau: Ngày xửa ngày xưa có một anh chàng nông dân tên là Janusz, thực hiện cuộc hành trình băng qua vùng đầm lầy bằng một chiếc thuyền thoi. Khi đi tới khu vực phố Zgierska (UlicaZgierska), bây giờ thuộc thành phố Lódz, thì chiếc thuyền bị hỏng, không đi được nữa. Chàng nông dân quyết định dừng lại, lật úp con thuyền làm nhà và sinh sống ở đó. Vì thế tên của ngôi làng đầu tiên ở đây xuất hiện tại vị trí con thuyền thoi bị úp ngược làm thành một mái nhà. Và thành phố Lódz ngày nay chính là tên ngôi làng Lódz thời xa xưa và người ta cũng lấy tên đó làm tên của tỉnh luôn”…
Theo phân chí địa lý hiện nay, Lódz là thành phố lớn thứ ba nằm ở miền Trung của nước Cộng hoà Ba Lan. Diện tích 293,25 km2; dân số khoảng 800. 000 người. Đầu thế kỷ 19, kinh tế Lódz phát triển, tập trung vào ngành dệt may. Hiện nay Lódz là trung tâm dịch vụ thương mại bao gồm các siêu thị lớn, là đầu mối buôn bán và giới thiệu sản phẩm các mặt hàng cao cấp trên toàn thế giới. Ngoài ra, từ lâu thành phố Lódz đã nổi tiếng là trung tâm giáo dục, đào tạo các lưu học sinh và nghiên cứu sinh của Ba Lan và các nước. Ngoài các trường trung học đào tạo các ngành kỹ thuật, Lódz có trường Đại học Lódz; trường Đại học Kỹ thuật; trường Đại học Y khoa; Trường Điện ảnh; Học viện Âm nhạc; Học viện Nghệ thuật và Thiết kế…
Từ cuối thế kỷ trước, trong số lưu học sinh sang Ba Lan có nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã từng học ở đây. Như ông Hoàng Văn Nghiên, Tiến sĩ; nguyên Đại biểu Quốc hội; nguyên ủy viên Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội. Ông Phạm Khôi Nguyên, Tiến sĩ; ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội… và nhiều người khác nữa…
Hiện nay, cộng đồng người lao động Việt Nam ở thành phố Lódz có khoảng trên, dưới 1000 người, hầu hết làm nghề nấu ăn. Người nào có vốn thì làm chủ, số còn lại làm công ăn lương. Nhân dịp đón tôi sang, vợ chồng con trai tôi tổ chức bữa liên hoan gặp mặt tại một nhà hàng của người Việt ở trung tâm thành phố Lódz. Chủ nhà hàng là bà Vượng, quê Hà Nam, vóc người nhỏ nhắn, tính tình điềm đạm, nói năng lịch thiệp, sang Ba Lan đã được 30 năm. Nhà hàng của bà Vượng thuộc nhà hàng lớn, có thể tiếp một lúc vài trăm khách và có tiếng về các món ăn Âu, Á. Nhà hàng được trang hoàng theo lối phương Đông, dùng gam màu đỏ làm chủ đạo. Bên ngoài treo đèn lồng kết hoa rực rỡ; nội thất chia phòng bằng những bức bình phong giả cổ Trung Hoa, khi cần xếp lại thành phòng lớn. Họa tiết trang trí treo trên tường gồm tranh thủy mặc, hành lang bày lọ độc bình gốm, bồn hoa nhỏ, bể cá cảnh, bát, đĩa sứ Bát Tràng; bàn, ghế, tủ, quầy bằng gỗ quí và được chuyển từ Việt Nam sang. Nhân viên phục vụ gồm cả người Việt và người nước ngoài, thái độ phục vụ tận tình chu đáo.
Vì thời gian làm việc của người lao động Việt ở đây từ 10 giờ trưa cho đến 22 giờ đêm, nên tất cả những cuộc gặp gỡ hoặc liên hoan đều diễn ra rất muộn. Và bữa liên hoan chào mừng tôi cũng không là ngoại lệ. Ngồi cạnh tôi là cháu Quý, quê xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh, người nhỏ nhắn, đã có vợ và hai con ở Việt  Nam, vẻ từng trải, sang Ba Lan được 4 năm. Hồi còn ở nhà Quý đã từng làm bốc vác và lái phà múc cát trên sông Hồng. Khi nghe tôi hỏi về thái độ của chính quyền Ba Lan, Quý nói: Ở Ba Lan có cả một chính sách quy định dành cho người những người lao động nước ngoài vào Ba Lan chứ không riêng gì người Việt Nam. Bất cứ ai đến đây hợp pháp đều được đối xử bình đẳng, không có chuyện kì thị hay sách nhiễu, miễn là sống và làm việc phải theo đúng pháp luật. Hỏi về thu nhập hàng tháng, Quý cho tôi biết: Mùa hè bù cho mùa đông, quân bình mỗi tháng có thể để ra được khoảng 1. 000 đến 1. 500 USD. Vậy thế là nhiều hay ít? - Tôi hỏi. Quý cười bẽn lẽn: Với ta thì được, với “tây” là ít!
Nói chung cuộc sống của những người lao động Việt mà tôi gặp ở thành phố Lódz khá ổn định. Mọi người rất thương nhau, mối quan hệ không chỉ nằm trong phạm vi vùng, miền, mà bởi đồng cảnh, xa quê hương với mục đích làm kinh tế nên dễ bề cảm thông. Cháu Sơn, quê xã Trung Hà, huyện Vĩnh Tường - vùng bờ bãi, khoe với tôi, sang Ba Lan hai năm thì làm đủ trả nợ tiền vay làm thủ tục. Nghe tôi hỏi về dự định tương lai, Sơn cười rất tươi: Bây giờ ngoài việc nhớ nhà, ở bên này chúng cháu chẳng phải lo gì cả. Công việc ổn định, thu nhập đều đều. Còn về tương lai thì cháu chỉ mong cố gắng làm việc, dành dụm càng nhiều càng tốt, để khi hồi hương có tiền xây nhà, lấy vốn làm ăn và cưới vợ. Nghe Sơn nói, tôi hiểu đó là ước mơ của hầu hết của những thanh niên người Việt đang làm việc ở thành phố này.
Tuy vậy, cũng không thiếu những cảnh éo le như anh Khánh, người thị xã Phúc Yên. Thời bao cấp, vợ chồng anh thuộc diện có máu mặt, Vợ anh là nhân viên bán bách hóa, anh Khánh suốt ngày cưỡi Honda 67 lượn phố. Khi xóa bỏ bao cấp, anh Khánh sang Ba Lan tìm “chân trời mới”. Bẵng đi vài chục năm, nay tình cờ gặp anh ở đây. Thấy anh luôn thở dài, than vãn, dáng vẻ khác hẳn xưa. Hỏi ra mới biết: Tiền kiếm được anh dốc sạch vào Casino tìm vận may. Vì vậy đã hơn 20 năm rồi, anh Khánh vẫn chưa có đủ tiền mua vé máy bay hồi hương. Thế mới biết, ở bất cứ hoàn cảnh nào, con người không cảnh tỉnh, làm chủ cuộc đời mình, sa đà vào những thói hư tật xấu, thì kết cục hẳn không tốt đẹp gì. Chia tay Khánh, tôi siết chặt tay anh nhưng trong lòng không khỏi một chút bùi ngùi chua chát.
Vào những ngày đầu ở Lódz, tôi đến thăm một số quán bar của người Việt. Tuy trời lạnh, tuyết rơi nhiều, nhưng khách đến quán khá đông. Đối với mặt bằng ngành phục vụ ăn uống, quán bar được xếp vào vị trí thấp so với các nhà hàng và khách sạn (Restaurant - Hotel). Đồ ăn ở quán bar thuộc đồ ăn nhanh, thường dành cho người lao động và những người có thu nhập thấp. Đồ ăn rẻ. Rẻ vì khách vào ăn phải tự đến quầy bê lấy, ăn xong tự thu dọn bỏ vào thùng rác. Tuy vậy, vấn đề văn hóa ẩm thực và an toàn thực phẩm vẫn được chính quyền sở tại đặt lên hàng đầu. Cháu Hà, quê ở Mê Linh, chủ một quán bar kể cho tôi nghe một câu chuyện dường như đó là bài học nhớ đời cho người lao động Việt ở Ba Lan. Do thiếu ý thức, có một vài người Việt, dùng thịt chó thay thực phẩm. Khi bị phát hiện, hầu hết các quán ăn của người Việt trên toàn Ba Lan bị tẩy chay. “Con sâu làm rầu nồi canh”, chuyện đó lan ra làm cho hàng loạt quán bị đóng cửa vì ế hàng, kéo theo người lao động Việt thất nghiệp, cuộc sống khốn đốn. Phải mất một thời gian dài mọi chuyện mới trở lại bình thường.
Sau chuyện đó, có thể nói hiện nay, các quán ăn của người Việt ở Ba Lan nói chung và ở thành phố Lódz nói riêng, đã tạo được “thế đứng” trong nếp sinh hoạt của tầng lớp lao động, học sinh và sinh viên. Gần đây, không hiểu có phải do ảnh hưởng của sự suy thoái nền kinh tế thế giới, hoặc do các bar của người Việt đã chiếm được lòng tin, thực đơn đã có thêm nhiều món và ngon, vì vậy nên đã có nhiều giai tầng khác trong xã hội đến ăn, hoặc có những gia đình người Ba Lan “đặt” cơm bữa mang về nhà. Anna kể cho tôi nghe một chuyện khá thú vị: Một lần Ngài Antoni Macierewicz, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan, trên đường công tác ghé vào quán bar của con tôi dùng bữa. Đi cùng vị Bộ trưởng còn có một nữ thư ký xinh đẹp và đoàn tuỳ tùng. Nhưng khi vào quán, tất cả đều bình đẳng, không phân biệt quyền chức, không có chuyện ai phục vụ ai, ai trả tiền cho ai. Vị Bộ trưởng kia cũng như nữ thư kí xinh đẹp nọ, cùng các thành viên đoàn tùy tùng, khắc chọn món, khắc mua, khắc trả tiền, khắc lấy đồ ăn, ăn xong khắc bê bát, đũa bỏ vào thùng rác. Nghe con kể, tôi lặng đi bởi câu chuyện có những chi tiết khá thú vị mà mình chưa bao giờ thấy.
Thời gian tôi sang, ở Ba Lan đang vào mùa Giáng sinh và chuẩn bị đón năm mới. Vì thế trên đường phố, những nơi công cộng, trong siêu thị và ở những trung tâm mua bán lớn đã trồng cây thông Nô-en và giăng đèn màu sặc sỡ. Tôi đi trên đường phố Lódz mà ngỡ mình đi về phía huyền thoại. Song song với những ngôi biệt thự hiện đại, là cung điện, lâu đài, nhà thờ và những dãy nhà xây bằng đá, có nhiều vòm, một nét đặc trưng kiểu gô-tích cổ. Dọc hè phố, trên những phiến đá lát hè, thi thoảng tôi gặp cây đèn đường đã có cách đây hàng trăm năm được bảo tồn nguyên vẹn trở thành di tích. Đôi khi lại bắt gặp một pho tượng hoặc quần thể tượng mô phỏng sinh hoạt của các danh nhân, nghệ sĩ của thành phố được đặt ngay trên hè đường. Chính vậy, nên tôi có may mắn “được gặp” và chụp ảnh với tượng nhà văn vĩ đại Ba Lan WladySlaw StaniSlaw Reymont (7/5/1867 - 5/12/1925) ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi ngay trên ghế đá bên hè đường. Ông là người đoạt giải Nô - ben Văn học năm 1924 với bộ tiểu thuyết 4 tập Chlopi (Những người nông dân).
Mặc dù hiện nay thành phố Lódz được liệt kê vào một trong những thành phố hiện đại và văn minh. Nhưng sự văn minh, hiện đại không chỉ được đánh giá và thẩm định bởi những tiêu chí như nhà ở, mức sống và các phương tiện sinh hoạt hiện đại; mà chính là sự ổn định về môi trường. Trong thành phố, đi đến đâu cũng gặp cây xanh. Dường như cây xanh là phần không thể thiếu được của thành phố này. Không chỉ là những hàng cây đơn lẻ, mà có cả những khu rừng nhỏ giữa lòng thành phố. Vào mùa này, cây rừng đang thay lá, những bồn hoa trong công viên đang ủ mình tránh rét. Nhưng tôi biết, khi đến mùa hồi sinh, những mầm cây sẽ nhú, những đài hoa sẽ nở, những cánh rừng gỗ phong và những hàng bạch dương kia sẽ phủ lên thành phố này vẻ đẹp thanh bình với nguồn sống kì diệu của thiên nhiên. Tôi đi trong muôn vàn thanh âm hỗn tạp của ô tô, tàu điện, xe ngựa và dòng người hối hả… bất chợt bắt gặp một hình ảnh tương phản: trên nền trắng màu bạch ngọc, dưới trăm ngàn bông hoa tuyết đang rơi, không chỉ có những đàn bồ câu bay lượn rồi sà xuống dưới chân tôi, mà còn có cả những con quạ khoang thủng thỉnh dạo chơi trên nền tuyết trắng. Dường như loài vật thường bị mang tiếng đem đến những dấu hiệu không vui, cũng được bảo vệ như loài chim bồ câu - biểu tượng cho sự thanh bình trên trái đất.                            
Niềm kiêu hãnh và nỗi thương đau của xứ Bạch Dương
Trong bài thơ “Em ơi Ba Lan” nhà thơ Tố Hữu viết: 
... “Anh đã đến quê em Cra - cốp
Như quê anh lộng lẫy cung đền
Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp
Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên... ”
Theo lời thơ của ông, 9 giờ sáng, xe chúng tôi rời khỏi Lódz hướng về thành phố Kraków (Cra-cốp). Địa điểm thăm quan đầu tiên trong chương trình con dâu tôi sắp xếp là mỏ muối Wieliczka. Mặc dù lúc này trời rất lạnh từ 20 đến 15 độ C và sắp tới mùa Giáng sinh, nhưng khi gia đình tôi đến, đã có nhiều đoàn khách du lịch từ các nước trên thế giới đến. Tôi nhận ra quốc tịch của họ qua những lá cờ Anh; Đức; Pháp, Italy… và có cả những đoàn khách du lịch Châu Á như Nhật, Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Sau khi xem xét giấy tờ, mặc dù gia đình chúng tôi chỉ có 5 người, gồm: tôi, vợ chồng đứa con trai và hai cháu gái: Sara Nguyễn Trường 10 tuổi và Maja Nguyễn Trường 3 tuổi nhưng vẫn được đón tiếp chu đáo, coi đó là một đoàn khách của Việt Nam, có riêng một hướng dẫn viên dẫn đường và giới thiệu, còn người phiên dịch chính là Anna con dâu tôi...
Hướng dẫn viên đưa chúng tôi theo lối cầu thang ốp bằng gỗ xuống độ sâu 60 mét gồm 54 đoạn thì tới đường hầm chính. Qua lời phiên dịch của Anna, tôi được biết mỏ muối này được hình thành cách đây 13,5 triệu năm, và việc khai thác muối cách đây đã  hơn 700 năm. Thời ấy, muối được coi là “vàng trắng” và được quản lý rất nghiêm ngặt. Muối là mặt hàng xuất khẩu và là nguồn thu chính chiếm tới 75% ngân khố quốc gia Ba Lan. Vì vậy, mỏ muối cùng với việc khai thác và tiêu thụ muối đều do các hoàng đế Ba Lan độc quyền nắm giữ. Những người thợ khai thác muối hầu hết là những nô dịch đã ký giấy cam kết bán thân cho triều đình.
Công việc khai thác muối thời kì đó hoàn toàn thủ công, dựa vào sức người và ngựa. Hằng ngày, những người thợ phải chui sâu xuống hàng trăm mét, dùng choòng, búa, đục, phá đá muối đã hóa thạch, gom, đựng vào bao rồi vác lên các bậc đá ở độ cao hơn 40 mét, tập kết vào nơi quy định. Một tốp thợ khác làm công việc nghiệm thu, phân loại, cân định lượng, đóng muối vào các thùng gỗ, niêm phong, sau đó các thùng muối được hệ thống ròng rọc do ngựa kéo, tời lên mặt đất.  
Chỉ cần nêu một con số sau đây chúng ta sẽ hình dung ra phần nào sự vất vả và nguy hiểm của những người thợ khai thác muối: Tổng chiều dài của đường hầm trong mỏ muối trên 350 km, với độ sâu dưới mặt đất hơn 400 mét. Dọc theo những đường hầm, có rất nhiều hang, động và lán trại dành cho những người làm công việc quản lí và nô lệ khai thác muối.
Về phần xác, những thợ khai thác lệ thuộc vào những điều khoản do nhà vua quy định; còn phần hồn thì không khác gì ở trên mặt đất, mọi người đều theo đạo Thiên Chúa giáo. Vì thế, giữa lòng mỏ, người ta tạo ra một nhà thờ, có đầy đủ mọi thiết chế với quy mô không kém bất cứ một nhà thờ nào được xây dựng trên đất Ba Lan. Có khác chăng, nhà thờ trong lòng mỏ muối không ốp gạch, lát đá hoa cương; hay bằng bất cứ vật liệu xây dựng nào khác, mà tất cả đều làm từ... muối.
Tôi thực sự choáng ngợp trước sức lao động và sáng tạo của con người. Lòng nhà thờ có thể chứa được hàng ngàn con chiên đến cầu kinh trong một giáo đường nguy nga, đồ sộ; vòm nhà thờ được khoét cao đến 30 mét với bức tượng Đức Mẹ bồng con đứng uy nghi. Trên các bức tường nhà thờ đều được trang trí bằng những bức họa, mô tả gia đình Chúa, các bậc Thánh và “đời sống” sau khi “về với Chúa” của những người theo Ki-tô giáo. Điều đặc biệt, trừ những cây cột và các giàn đỡ bằng gỗ chống dọc theo đường hầm, còn tất cả, từ những bức tượng, tranh điêu khắc, các hình họa mô phỏng các đời vua Ba Lan qua các triều đại, những bức vẽ tả cảnh đời sống của nô lệ khai thác muối đều được tạo từ muối hóa thạch.
Gia đình chúng tôi tới nhà thờ đúng vào buổi lễ trọng. Từ trên mái vòm, tiếng hát ngợi ca Chúa vang vọng, ngân nga trong ánh sáng lung linh huyền ảo của hàng trăm ngọn nến và những chùm đèn treo giữa thánh đường. Anna giới thiệu với tôi: Hôm nay, sau lễ cầu kinh sẽ có đám cưới của một đôi trai gái từ Vacsava đến. Hỏi, tôi được biết, chi phí cho một đám cưới trong “nhà thờ muối” này tốn khoảng 2.000 USD. Để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ có một không hai này, gia đình chúng tôi đứng cạnh bức tranh “Jê-su và 12 vị tông đồ” được tạc bằng đá muối chụp một bức ảnh lưu lại làm kỷ niệm.
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, tôi còn được được biết: mỏ muối Wieliczka là một  trong 7 di sản văn hóa độc đáo của Cộng hòa Ba lan được thế giới ghi danh, hằng năm có hàng triệu khách du lịch quốc tế đến tham quan. Bên cạnh đó, hiện nay ngoài việc khai thác muối làm dược liệu xuất khẩu, dưới độ sâu hơn 200m có một khu điều dưỡng cho các thầy thuốc tận dụng môi trường muối chữa các bệnh như hen, suyễn, phổi và các bệnh dị ứng...
Rời khỏi mỏ muối, chiều hôm đó chúng tôi vào thành phố Kraków. Dưới bầu trời xám lạnh, trong hàng ngàn bông tuyết trắng ngần đang rơi… khu thành cổ hiện ra sừng sững, uy nghi với những ngọn tháp, những mái vòm, lâu đài, thành quách và những cây thông Nô-en cao hàng chục mét được trang hoàng đèn màu rực rỡ để chuẩn bị đón Mùa Giáng sinh và năm mới.
Thành phố Kraków vào thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI  là trung tâm thương mại và nằm trên con đường huyết mạch xuyên suốt giữa Tây Âu và Châu Á. Ngoài khu chợ cổ với những đồ mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng còn có cung điện Wawel Palace.
Cố cung WawelPalace do Đại đế Casimir III xây dựng vào thế kỷ 14, trên một ngọn đồi bên cạnh dòng sông Vistula (Wissla). Vào mùa này, nước sông bị đóng băng, lòng sông thu hẹp lại, từ thành cổ nhìn xuống, dòng sông như một dải lụa màu xanh xuyên suốt, chạy dài giữa một vùng trắng xóa băng tuyết.
Wawel Palace nổi tiếng không chỉ ở phương diện kiến trúc, mà còn là một viện bảo tàng hàng nghìn năm tuổi, có những cảnh quan thiên nhiên vô cùng xinh đẹp, kỳ thú cùng với lịch sử văn hóa lưu giữ những bước thăng thầm về đời sống và sinh hoạt của xã hội Ba Lan qua các thời kỳ. Những dấu tích còn lại minh chứng cho một thời vàng son, phồn hoa, đô hội, nguy nga, sầm uất và rực rỡ nhất Châu Âu.
Qua cổng chính vào thành, cung điện và những tòa lâu đài được xây dựng theo kiến trúc gothique - thời Trung cổ bao quanh một khu sân rộng. Đây là nơi chứng kiến sự sinh hoạt của hệ thống quý tộc Ba Lan qua nhiều thế kỷ. Tôi quỳ xuống, lấy tay nhẹ gạt những bông tuyết, mặt sân hiện ra những tấm đá lát màu xanh dịu. Lắng tâm tư mình trong giây phút, tôi tưởng tượng ra hình ảnh những chiếc xe song mã, tứ mã chở các bậc khanh tướng, công hầu, hoàng thân, quốc thích… vó ngựa bịt kim loại quý gõ nhịp đều đều… Những khuôn mặt cao quý, những tấm áo bào lộng lẫy, những chiếc mũ đính lông chim; những ngù vai đính kim tuyến… tất cả  rộn ràng trong âm thanh trầm bổng của tiếng nhạc du dương. Từ trong những cánh cửa lớn xung quanh cung điện nguy nga, tráng lệ, rộn vang tiếng reo cười của các công nương, hoàng tử ùa ra sân xòe tay hứng những bông tuyết đầu mùa…
Tất cả… tất cả giờ đây đã yên nghỉ; chỉ còn lại các kỷ vật nằm trong tủ kính và những di hài của các bậc quân vương được trân trọng quàn giữ dưới lớp đất dọc hai bên hành lang trong nhà thờ Wawel cùng với những dòng chú thích về các triều đại đã đi qua… xếp từng lớp, từng lớp như cung, bậc của một bản thánh ca lịch sử cho khách du lịch đến viếng thăm và nghiêng mình tưởng nhớ…
Tuy vậy, hiện nay khu thành cổ không chỉ là một địa chỉ du lịch dành cho khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử thăng trầm của các đế chế Ba Lan cổ xưa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy gô-tich kiến trúc độc đáo. Mà đây còn là nơi đặt phần mộ cho những người có công và hy sinh vì quốc gia. Ngoài bức tượng Hồng y Giáo hoàng Jean Paul II (ông là người Ba Lan duy nhất cho đến nay giữ cương vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội công giáo. Ông mất ngày 2/4/2005) đặt trang trọng trước nhà thờ Wawel, còn có lăng mộ Ngài Lech Kaczynski- Tổng thống nước Cộng Hòa Ba Lan bị tử nạn trong vụ nổ máy bay ngày 10/4/2010 khi ông sang Nga dự Lễ kỷ niệm những người lính Ba Lan bị sát hại tại rừng Katyn và một số nơi khác trên lãnh thổ cũ trong Đại chiến thế giới lần thứ hai.    
Ra khỏi cung điện tôi vẫn còn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lộng lẫy của những hiện vật được lưu giữ. Từ những vật dụng sinh hoạt thường nhật trong nơi ở của các bậc quân vương qua nhiều thế kỷ; đến nơi tôn nghiêm đặt tro xác các đời vua quàn trong Nhà thờ Gothique Wawel; cùng với Bảo tàng Wawel là một trong những bảo tàng nguy nga, đồ sộ, giàu có vào bậc nhất châu Âu, nơi trưng bày hàng trăm ngàn hiện vật trong đó có những bức tranh chân dung các nhân vật nổi tiếng; tranh cung đình; tranh gỗ, tranh lụa, thảm Trung Hoa; thảm Ba Tư đặc biệt là bức thảm Phlnmăng với đường nét nghệ thuật tinh xảo tuyệt diệu. Cùng với đó là vương miện, giáp phục, vũ khí và những bộ y phục toát lên vẻ xa hoa, lộng lẫy, quý phái mang sắc thái quyền vương...   
Trong cảm nhận lâng lâng, tôi càng hiểu sự sâu sắc hai câu thơ: “... Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp/ Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên...” trong bài “Em ơi Ba lan” của Nhà thơ Tố Hữu viết khi ông đến thăm mảnh đất này. Đúng như vậy, nếu không được Hồng quân Liên Xô giải phóng kịp thời, thì chắc không chỉ nước Cộng hòa Ba Lan sẽ mất đi một di sản lịch sử văn hóa quý báu, ghi dấu nền móng các triều đại vinh quang nhưng cũng đầy màu sắc của đất nước Ba Lan; mà thế giới còn mất đi một công trình hoa lệ, tuyệt vời và điển hình được mệnh danh là “Quý tộc già của Châu Âu”.
Nghỉ một đêm nơi thành cổ, sáng hôm sau Anna lái xe đưa chúng tôi về thành phố Oswiecim nơi có trại tập trung Auschwitz của phát xít Đức. Đây là nơi mà khi biết tin được các con bảo lãnh sang Ba Lan tôi nghĩ tới đầu tiên. Tôi chắc đó là vì ngay từ hồi còn nhỏ tôi đã được đọc cuốn tiểu thuyết “Trần trụi giữa bầy sói” của Nhà văn Bruno Apitz. Tác phẩm kể về một chú bé người Do Thái được những người tù trong trại tập trung Auschwitz  cứu thoát khỏi sự tàn sát của phát xít Đức. Câu chuyện bi hùng ấy luôn ám ảnh tôi mỗi khi có ai nhắc tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng khi xem bản đồ tôi thấy thành phố Oswiecim cách xa với thành phố nơi con tôi ở nên tôi ngại không nói. Nhưng không hiểu sao, hay do Anna biết nói và rất thông thạo tiếng Việt và đã từng đọc bài thơ “Em ơi Ba Lan” của Nhà thơ Tố Hữu rồi nên muốn đưa tôi đến đó.
Trại tập trung Auschwitz do Đức quốc xã xây dựng vào năm 1940; cách Thành cổ Kraków 50 km và thủ đô Warszawa 286 km, Khu tổ hợp trại tập trung gồm 3 trại: Auschwitz I - Trung tâm hành chính; Auschwitz II (Birkenau) - Trại hủy diệt và Auschwitz III - Trại lao động. Tất cả nơi đây được xây dựng lên với ý đồ giam cầm tù chính trị và tầng lớp trí thức; thời gian sau giam giữ cả những người Do Thái.
Trong gió lạnh, mưa tuyết trắng xóa quất ràn rạt; toàn bộ cảnh trại tập trung hiện ra đen đúa và ghê rợn. Băng tuyết ngập ngụa trên đường và những tháp canh nghễu nghện với những lỗ châu mai như những con mắt của Thần chết đen ngòm, trừng trạo nhìn du khách; từng lớp rào gai dày đặc bao quanh và những hàng cây trơ trọi bên đường bị gió giật ném vào không gian ù ù như tiếng cô hồn của hàng vạn sinh linh đang trở về...
Tôi bước qua cổng trại tập trung, hàng chữ Arbeit macht frei (Lao động làm nên tự do) treo trên cổng như níu chân tôi lại. Ngữ nghĩa của khẩu hiệu hết sức triết học, nhưng sự thật thì khác xa với ý nghĩa của nó. Không đúng như tính triết học của hàng chữ treo trên cổng nhà tù. Những người đã bị đưa vào đây đều hiểu chỉ có hai điều: Lao động đến chết và chết vì không lao động được. Nơi đây đã chứng kiến hàng triệu người Do Thái không còn sức lao động bị chết; còn những người có sức lao động thì phải lao động cho đến khi kiệt sức để rồi chết. Về phần những người tù chính trị và tầng lớp trí thức, Đức quốc xã dùng đủ các nhục hình đầy ải, hành hạ tra tấn cho đến các kiểu chết để giết hại họ.
So với những gì viết trong tiểu thuyết “Trần trụi giữa bầy sói” hoặc cả những gì tôi đã xem ở phim, ảnh và đọc trên tài liệu và báo chí, thì trại tập trung Auschwitz hiển hiện trước mắt tôi còn ghê rợn hơn nhiều. Mặc dù không còn bóng dáng một tên lính phát xít Đức; không còn cảnh tù nhân xếp hàng dài dằng dặc chờ phân loại và những tên lính SS áo dạ, khuy đồng, lê tuốt trần súng lăm lăm trong tay và những kiểu hành hình man rợ nữa... Tất cả giờ đây chỉ còn lại những dấu tích trần trụi nằm lừng lững giữa biển tuyết mênh mông, tưởng như vô hại mà sao vẫn khiến lưng áo tôi đẫm bết mồ hôi.
Sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng hoặc tính toán hết được số phận những con người đã phải vào và chết tại đây. Tôi bàng hoàng trước những gian phòng được lưu giữ nguyên trạng sau giải phóng: Đây là gian phòng chứa hàng ngàn đôi  giày, dép, quần áo, đồ chơi trẻ con... , kia là gian phòng chứa va li, túi xách, ba lô, hòm, xiểng... trên đó vẫn còn ghi tên, tuổi, địa chỉ; và còn có cả khu biệt giam phụ nữ còn nguyên bàn trang điểm cùng với gương, lược... Và kia nữa... những căn phòng làm kho chứa tóc... Tóc được bó, chồng từng đống, được xếp gọn trong bao tải chuẩn bị xuất đi... Tóc - một loại hàng hóa được gọt từ những mái đầu của những tù nhân nữ xinh đẹp trước khi bị ném vào lò thiêu người...
... “Những mái tóc vàng tơ đóng bó/ Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn...”. Hai câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu cứ vang vang trong đầu khi tôi đứng trước những thực thể chứng minh tội ác có một không hai của phát xít Đức đã gây ra cho loài người.
Trong thư tịch, tài liệu và những bức ảnh do các tù nhân trong trại tập trung Auschwitz giấu được, còn ghi lại những tội ác vô cùng ghê rợn của những kẻ tự xưng là tộc người thượng đẳng, văn minh, lịch lãm nhất thế giới: Ngoài các kiểu giết người thông dụng bằng súng đạn, đánh đập, treo cổ... chúng “phát minh” ra kiểu giết người hàng loạt, gọn gàng và nhanh chóng: Bề ngoài những phòng hơi ngạt trông giống nhà tắm tập thể, có đường ống dẫn và gắn vòi hoa sen. Bọn lính SS lùa tù nhân vào, bắt họ cởi hết quần áo và những thứ mang trên người rồi đóng kín cửa lại, hóa chất Zyklon B từ các vòi hoa sen phun ra, các tù nhân quằn quại chết trong những luồng khí độc. Nhưng giết người kiểu như vậy vẫn để lại hậu quả khó xử lý các xác chết, cho nên Đức quốc xã cho xây dựng lò thiêu người và trại tập trung Auschwitz là nơi thực nghiệm đầu tiên.
Tôi đứng trước lò thiêu người, rùng mình ớn lạnh. Cửa lò thiêu há hoác, những chiếc xe đựng tro xác của tù nhân chực chờ... xung quanh một màu thảm đạm; những mảng tường xám ngoét ánh lên vẻ chết chóc, lạnh lẽo còn đọng lại với thời gian...
Đi qua khu lò thiêu, phía trong có một cái ao đựng tro của tù nhân sau khi bị giết. Mà theo phong tục cổ xưa của người Ba Lan, việc đổ tro xác của người chết xuống hồ, ao là điều phỉ báng, xỉ nhục. Nói như vậy để biết thêm sự kỳ thị chủng tộc của chế độ phát xít với người Do Thái và nhân dân Ba Lan đến cỡ nào.
Đi dọc hành lang qua nơi ở của các tù nhân về cuối trại, nơi đây ngoài đài tưởng niệm người ta xây để ghi nhớ những nạn nhân đã chết ở Auschwitz, vẫn còn nguyên đoạn đường sắt nằm dưới băng tuyết, những thanh ray này trước kia đã từng chứng kiến hàng triệu sinh linh bị đưa tới đây trên những con tàu và cũng là đoạn cuối của kiếp người... Bao nhiêu? Bao nhiêu? Câu hỏi không có lời giải đáp kéo dài qua hàng thế kỷ, đeo đẳng, ám ảnh đến mỗi từng viên đá lát ở nơi đây...
Nhưng đến đây, ngoài chứng kiến một trong những địa điểm giết người hàng loạt lớn nhất của lịch sử nhân loại, trong đó có kế hoạch nhằm tận diệt hết dân Do Thái của Hitle; tôi còn được nghe những giai thoại hào hùng của những người tù. Trong phạm vi mà cái ác và sự kìm kẹp, khủng bố gần như không tưởng, vẫn có rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình đồng loại, tình đồng chí cùng với những quan hệ quốc tế giữa những người tù, tuy rằng khác chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, xã hội, chính trị... nhưng cùng chung số phận mất tự do.
Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, sự đói khát, bệnh tật, đau đớn là điều tất yếu trong địa ngục trần gian này, nhưng khí phách, lòng nhân ái và tình thương yêu đồng loại vượt qua tất cả; họ sẵn sàng bao bọc, giữ gìn khí tiết, phẩm giá, thậm chí sẵn sàng chết thay cho nhau... Đó là câu chuyện về cha Maksymilian Maria Klobe, một nhà tu hành người Ba Lan, đã chết thay cho một người bạn tù. Câu chuyện ấy đã trở thành điển tích khi Giáo hội Công giáo phong Thánh cho cha Maksymilian.
Hơn 40 năm sau, Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị đến đây khi nghiêng mình tưởng niệm đã nói: “Biết bao chiến thắng như thế đã nảy sinh từ đây”. Người nói thật đúng, qua tấn thảm kịch này, lương tâm nhân loại được thức tỉnh; loài người tiến bộ xiết chặt tay nhau, kết đoàn, cảnh giác với những mầm mống của tệ “tân phát xít” trên toàn thế giới...  
Và gần đấy nữa, hình ảnh tân Đức Giáo hoàng Benedict 16 lặng lẽ thành kính đặt nến trước “Bức tường chết chóc” và xà lim nơi giam giữ cha Maksymilian - Phải chăng đó như một hành động sám hối cho sự lầm lạc một thời của nước Đức, bởi chính Đức Giáo hoàng đã từng là một người lính Đức tham gia vào thế chiến thứ II. Chắc hẳn vì đã chứng kiến mọi tội ác rùng rợn của phát - xít nên ông nguyện trở thành một nhà tu hành để truyền bá đức tin và gieo sự yêu thương của Chúa đến với mọi con chiên trên trái đất...  
Ra khỏi nhà tù, tôi cúi xuống bốc một nắm tuyết nâng lên môi hôn, thì thầm: Hỡi những con người bị chết tức tưởi trong cái địa ngục âm u, lạnh lẽo, kinh hãi nhất trần gian này! - Cho tôi gửi đến mọi linh hồn oan nghiệt lòng xót thương vô hạn, và coi đó là nén tâm nhang sẻ chia tình đồng loại của một công dân Việt Nam đã tới đây trong Mùa Giáng sinh này.

Mùa Giáng sinh và Chopin vĩ đại

Sau khi rời khỏi trại tập trung Auschwitz, xe chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên đất Ba Lan. Lúc ra tới đường siêu tốc, Anna nói với tôi: Hôm nay con sẽ đưa cả nhà mình đến quê hương của người nhạc sĩ thiên tài nhất Ba Lan. Tôi hiểu ngay người nhạc sĩ mà con dâu tôi nói tới đó là Prédéric Francois Chopin (1810-1849), và tôi mừng vì điều này, bởi trước khi sang Ba Lan, tôi ước mơ sẽ được đến Nhà thờ Holy Cross ở thủ đô Warszawa nơi đặt trái tim của Chopin. Nhưng nay lại được con dâu tôi đưa đến tận nơi ông cất tiếng khóc chào đời đã vượt qua cả điều tôi mong ước.

Làng Zelazơa Wola nơi chôn nhau cắt rốn của Chopin nằm bên bờ sông Utrata cách Warszawa 50 km về phía Tây. Khi chúng tôi đến mưa tuyết dày đặc nhưng cánh cổng vẫn mở và ngôi nhà xưa của gia đình nhạc sĩ (nay là Bảo tàng Chopin) vẫn sáng ánh đèn. Trong nhà, từ chiếc nôi đặt trong phòng nơi ông nằm nghe tiếng ru hời của mẹ, đến chiếc ghế chú bé Chopin ngồi cảm nhận những âm hưởng đầu tiên vang lên từ đôi bàn tay điêu luyện của người cha lướt trên phím đàn dương cầm... Và kia nữa, bản nhạc đầu đời của thần đồng âm nhạc Chopin sáng tạo ra lúc vừa tròn 8 tuổi... Còn có bao nhiêu thứ nữa được trưng bày kể về cuộc sống của một nhà soạn nhạc thiên tài... Mọi thứ... mọi thứ như còn sống động được lưu lại trên dấu tích tuổi thơ bên tình yêu thương, đùm bọc của những người thân yêu trong gia đình...
Với Chopin, đã từ lâu tôi biết đến không chỉ ở hai câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu “... Có phải Sô-panh tình chứa chan/ Nâng đàn ca cô gái Ba Lan... ”; mà tôi đã từng nghe những ca khúc và những bản nhạc của Chopin được ghi trên đĩa than: “... Nghe đàn bâng khuâng... réo rắt buồn ngân... reo bao sầu nhớ... vấn vương những chiều hoàng hôn... giá buốt tâm hồn... ” (Nhạc buồn Sô-panh).
Người Ba Lan coi tiếng đàn và âm nhạc của Chopin như miếng ăn, nước uống hằng ngày; đến đâu, vào đâu, cho dù đó là nơi nào đi nữa, tiếng nhạc, lời ca của ông luôn vang vọng, lắng đọng với một sự gợi nhớ về một xứ sở đầy màu sắc... “... Tiếng đàn gợi nhớ... Vang bao tháng ngày... Trong một chiều mơ... ” (Nhạc buồn Chopin). Và dường như những âm hưởng da diết, tràn đầy chất trữ tình lãng mạn mang màu sắc cổ xưa của người Ba Lan mà người nhạc sĩ thiên tài này làm nên đã ngấm vào huyết quản từng người dân Ba Lan. Khi buồn, người ta tựa vào âm nhạc của Chopin mà vượt qua nỗi khổ đau hay đói nghèo, bệnh tật; khi vui mừng âm nhạc của ông đưa tâm hồn con người vào thế giới của những niềm vui bất tận...
Chopin thiên tài... Chopin vĩ đại... Bao nhiêu lời thế giới ngợi ca về nhân cách và phẩm hạnh khi còn sống của ông, cùng với di sản đồ sộ để lại cho hậu thế gồm 257 tác phẩm, trong đó có 17 ca khúc, 3 bản hoà tấu nhạc thính phòng cùng với 230 sáng tác xuất sắc cho đàn Piano. Những bản nhạc ông viết cho đàn piano được thể hiện qua những tác phẩm như: Mazurka, Polennaisa, Waltz, Sonata hay bản Dạ khúc (Notude), Khúc mở đầu (Uvectuya), Bài tập luyện ngón (Étude)... mặc dù những tác phẩm ấy không mang hình thức lớn nhưng vẫn rất công phu, đậm đà tính cách dân tộc Ba Lan, mang đến cho thính giả lòng tin yêu, nhân hậu của con người...
Robert Schumann (1810-1856) nhà nhạc soạn nhạc người Đức đồng thời là người thầy trong giới phê bình âm nhạc đã từng viết khi Chopin hoàn thành những khúc biến tấu giai điệu dựa trên bản Lacidarenlaman từ vở Don Juan của Mozart như sau: “Thưa các ngài, hãy hạ mũ xuống. Đây là một thiên tài”.
Bởi vậy, khi đến đây, nơi sinh ra Chopin, tôi lại càng thấu hiểu được vì sao Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn là người đầu tiên trên thế giới bỏ công sức ra ghi lại toàn bộ tác phẩm của Chopin. Và chính Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn được công nhận là nghệ sĩ biểu diễn piano xuất sắc, làm sống dậy những nét tài hoa nhất của người nhạc sĩ thiên tài này trên khắp các châu lục; như lời nhận xét của giới nhạc sĩ khi nghe tác phẩm của Chopin do Nghệ sĩ Nhân dân Đăng Thái Sơn biểu diễn: “... Nghe tiếng đàn anh (tức Đặng Thái Sơn), ngỡ Chopin thức dậy...”.  
Mặc gió lạnh, tuyết rơi, tôi ra khỏi ngôi nhà lững thững dạo bước trong trang viên rồi ngồi xuống chiếc xích đu đặt ven khu rừng nhỏ; tiếng đàn dương cầm của bản nhạc van-xơ từ biệt nhè nhẹ vang lên trong thinh không thánh thót, du dương lẫn với thanh âm nhè nhẹ của những cành liễu lô xô trong gió... Đây chính là bản nhạc mà chàng trai 17 tuổi Chopin tặng Mari - người chị họ nhưng cũng là mối tình đẹp đẽ, thơ ngây mang hương vị ngọt ngào, sâu lắng nhất trước khi ông phải rời quê hương ra nước ngoài...
Nghe những chuỗi thanh âm kỳ diệu ấy, tôi chợt nhớ tới quan điểm âm nhạc của Chopin; ông vẫn cho rằng âm nhạc khác các loại hình khác như: tượng, tranh, văn, thơ... Bởi những loại hình đó sự diễn tả gần như trực tiếp, còn âm nhạc để gợi, nhớ, nhắc lại hoài niệm và đánh thức những xúc cảm khi không thể diễn tả bằng lời... Có lẽ chính vì quan niệm và suy nghĩ như vậy nên hầu hết những tác phẩm của ông đưa tâm hồn con người vào một thế giới lung linh, huyền ảo; quá khứ được hoài niệm trong từng cung bậc vừa sôi động vừa da diết...
Tôi đứng lên bước đến bức tượng Chopin với cây đàn dương cầm đặt giữa trang viên, đưa tay gạt những bông tuyết phủ trên vầng trán của ông. Ngắm tượng ông trong tuyết lạnh, nghe hồn nhạc của ông bay chơi vơi... chợt nhớ tới Thi hào Heinrich Heire (1797-1856) người Đức đã nói về ông: “... Ảnh hưởng của ba dân tộc đã hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Nước Ba Lan đã cho ông tình cảm nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ gần và duyên dáng. Nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một khuôn mặt thon, đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài. Ta phải thừa nhận ở Chopin cái thiên tài với tất cả ý nghĩa từ đó; ông không chỉ là một nhạc sĩ kỳ tài, mà còn là thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho chúng ta biết chất thơ ở trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không có gì so sánh được với sự hoàn mỹ khi ông tuỳ hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông không còn là người Ba Lan, Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa hơn; từ xứ sở của Môda, của Raphaen. của Gơt, tổ quốc thực sự của ông là xứ sở của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca...”.
Nô-en ở làng Krsiniec (Przánýe)
Tạm biệt quê hương Nhà soạn nhạc thiên tài Chopin, xe chúng tôi hướng về làng Krsiniec (Quê ngoại của Anna) thuộc ngoại thành Warsawa để đón Giáng sinh. Hôm nay đã là ngày 23 tháng 12, đi tới đâu cũng đã thấy không khí của ngày lễ trọng đến gần. Trong thành phố, ở những nơi công cộng như nhà thờ, công viên, cơ quan, siêu thị... đã trồng những cây thông Nô en cao hàng chục mét; trên biển quảng cáo các cửa hàng dọc hai dãy phố trang hoàng lộng lẫy, cành ô-liu uốn hình vòng cung treo những ngôi sao và trái tim nhiều màu; phía trong quầy hàng đặt những cây thông nhỏ chăng đèn nhấp nháy.
Trong ánh sáng, lung linh, huyền ảo của hàng trăm ngọn đèn và những sợi phản quang muôn màu rực rỡ trang hoàng trên cây thông Nô-en, những bông tuyết rơi xuống đậu trắng ngần trên những cành lá xanh non… Ngồi trong xe, hai đứa cháu gái nhỏ của tôi tỏ ra rất thích thú, cứ mỗi lần nhìn thấy cây thông Nô-en chúng lại đưa tay chỉ trỏ và reo cười…
Tôi hỏi con trai: “Thế này thì mỗi kỳ Giáng sinh tốn nhiều cây thông lắm nhỉ?”. Con trai tôi giải thích: “Cây thông Nô-en ở Ba Lan cũng thể như hoa đào, hoa mai ở Việt Nam mỗi khi mùa xuân đến. Trồng thông trong Lễ Nô-en không những là tập tục truyền thống văn hóa, mà đó còn là biểu tượng của những người theo đạo Thiên Chúa giáo để nói lên lòng kính Chúa, yêu tự do và  hòa bình. Theo thống kê của nhà chức trách, hằng năm cứ mỗi lần đến kỳ lễ Giáng sinh và đón năm mới có hàng triệu cây thông bị đốn. Nhưng mấy năm gần đây, do ảnh hưởng nền kinh tế thế giới bị suy thoái nên nhiều gia đình Ba Lan trang trí bằng cây thông nhựa, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Chỉ có ở những nơi công cộng, nhà thờ, công viên, cơ quan hoặc những gia đình khá giả mới dùng cây thông thật”. Như vậy cũng như ở Việt Nam - Tôi nghĩ - Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình mà sắm gốc đào, cây mai thế to hay nhỏ mỗi khi tết đến; và bây giờ ở Việt Nam cũng bán những cây đào, cây mai và các loại hoa giả nhưng rất đẹp và tiện lợi...
Ra khỏi thành phố, xe chúng tôi xuyên qua những cánh rừng lá kim. Khung cảnh tuyệt đẹp; rừng cây như cùng trồng một lứa, cảnh lá sum suê xanh rời rợi; thân thẳng, đều tăm tắp, ngọn chĩa lên trời như trăm ngàn mũi giáo. Tôi để ý ven những cánh rừng tuyệt nhiên không hề có cảnh tượng cây cối bị chặt chém ngổn ngang, mà điểm xuyết vào mầu xanh rời rợi ấy là những bông tuyết trắng phau, long lanh, lả lướt như một bức tranh tạo không khí trong lành, yên tĩnh và ấn tượng vô cùng. Trong bức tranh chuyển động theo tốc độ xe chạy, thỉ thoảng có những ngôi nhà gỗ ẩn, hiện như trong truyện cổ tích… Anna nói đó là những ngôi nhà của những gia đình ở thành phố mua quyền sử dụng để mùa hè vào vui chơi. Nhưng nếu có ai vào rừng chẳng may lạc đường hay lỡ độ vẫn có thể vào đấy nghỉ qua đêm, vì cửa không khóa mà mọi phương tiện, vật dụng, lương thực, thực phẩm đều có sẵn.
Mặc dầu đây là đường rừng, nhưng mặt đường rộng rãi, trải nhựa nhẵn, phẳng lì; dọc đường quãng quãng lại bắt gặp biển hiệu, báo có động vật hoang dã cho lái xe biết để đề phòng. Tôi để ý mỗi lần gặp biển, Anna lại giảm tốc độ xe và chú ý quan sát. Con trai tôi giải thích: “ Đường này là đường tắt, đi không mất lệ phí, nhưng nếu chẳng may chẹt chết một con thú thì phải nộp phạt gấp hàng trăm lần đấy bố ạ!”. Tôi hỏi: “Giữa rừng này nhỡ có chẹt thì ai biết mà sợ?”. Anna cười, nói chen vào: “Mình phải tự giác chứ bố! Vì cố tình trốn chạy thì qua ảnh vệ tinh họ vẫn tìm ra; lúc ấy không chỉ có lỗi chẹt chết thú rừng đâu, mà còn thêm cả tội trốn tránh nữa, phải ra tòa đấy bố ạ!”.
Thảo nào đi hàng tiếng đồng hồ đường rừng mà chẳng gặp một trạm gác hay đội tuần tra nào. Tôi ắng lặng suy nghĩ về điều này và thầm so sánh với nạn “lâm tặc” và những kẻ buôn bán thú hoang dã vẫn còn đang hoành hành ở Việt Nam. Tự giác chấp hành pháp luật đó là điều mỗi một công dân dù ở bất cứ đất nước nào cũng nên tự nguyện chấp hành… Nhưng ước muốn là vậy, còn để cho những điều chưa thể so sánh đến khi có thể so sánh được, âu là cả một thời gian có lẽ sẽ thật dài…
Gần đến trưa thì xe chúng tôi đến Krsiniec. Gọi là làng, nhưng thực chất đó là cách gọi theo truyền thống. Còn hiện nay làng Krsiniec cũng như các vùng nông thôn trên lãnh địa Ba Lan đều đã được đô thị hóa. Đất nông nghiệp được quy hoạch, dồn điền phân thửa, tùy theo vùng đất canh tác trồng lúa mì, khoai tây, cà chua và các cây ăn quả như lê, táo, nho... hoặc các trang trại chuyên canh rau sạch... Nhà cửa của nông dân nằm dọc theo hai bên đường nhưng phía sau vẫn có khu vườn để tăng gia và chăn nuôi gà, vịt... . Song, mọi thứ thoạt nhìn sẽ không nhận ngay ra được đó là vùng nông thôn. Đường xá đi lại rộng rãi, sạch sẽ; đèn đường và các phương tiện biển báo, tín hiệu giao thông như trong thành phố. Người ta chỉ có thể nhận biết qua cách phân khu hành chính, vùng thổ nhưỡng trên bản đồ và đặc thù làng quê thông qua sự sinh hoạt của cộng đồng được biểu hiện qua phong cách của bản chất con người.
Vì đã được báo tin sẽ có khách từ Việt Nam về chơi nên cổng ngõ đã dọn sạch sẽ; tuyết được gom thành đống sang hai bên lấy đường cho xe vào. Theo như lời của Anna, thì ở quê hiện nay chỉ còn có ông bà ngoại của Anna. Cụ ông Wact aw Wale Rych sinh năm 1930 và cụ bà Hahana Wale Rych sinh năm 1934. Hai cụ sinh hạ được hai người con; một gái một trai. Người con gái (mẹ Anna) lớn lên thoát ly rồi xây dựng gia đình; người con trai cũng vậy, làm việc ở vùng biên giới giáp với Cộng hòa Séc. Mặc dù biết tôi sang chơi nhưng vì điều kiện công việc nên không về quê được.
Xe vừa đỗ đã thấy hai cụ ra cổng đón. Khi tôi xuống xe, hai cụ bước nhanh đến chìa tay bắt kèm theo những tiếng nói lơ lớ: “Việt Nam... Việt Nam... chào... chào...”. Rồi hai cụ ôm lấy tôi, áp lên má tôi những nụ hôn thân thiện, nồng ấm như gặp gỡ người thân đi xa về…
Tôi theo chân hai cụ vào phòng khách. Căn phòng ấm và rất gọn gàng. Những tấm thảm treo tường và lót trên nền nhà rất đẹp. Cụ ông rót nước mời, bóc kẹo cho tôi ăn, thi thoảng lại vỗ vỗ vào tay tôi ra hiệu bảo cứ tự nhiên... Tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng qua cử chỉ và thái độ, tôi biết con dâu tôi đã nói về tôi qua lần về Việt Nam cho hai cụ biết một phần nào.
Vừa ngồi nhấm nháp tách trà nóng tôi vừa hỏi thăm cuộc sống của hai cụ hiện nay. Qua lời phiên dịch của Anna, tôi biết: Sau thời đất nước Ba Lan được giải phóng, cụ Wact aw Wale Rych là xã viên hợp tác xã; là người thông minh, lanh lợi nên cụ làm nhiều nghề. Sau thời Liên bang Xô viết tan rã, cụ làm nghề lái xe vận chuyển lương thực, thực phẩm cho siêu thị các cửa hàng ở địa phương và các vùng lân cận.
Trong gia đình, cụ Wact aw Wale Rych là lao động chính, còn cụ bà từ khi lấy chồng chỉ ở nhà làm công việc nội trợ và chăm sóc con cái. cuộc sống hiện nay của hai cụ dựa vào số tiền 600 USD hàng tháng của cụ ông được hưởng theo chế độ do Nhà nước Ba Lan cấp. Tôi tò mò hỏi tại sao cụ bà Hahana Wale Rych không có lương thì được biết: do cụ bà thời trẻ đã nổi tiếng là một thiếu nữ xinh đẹp, rất nhiều chàng trai quanh vùng nhòm ngó, nên sau khi cưới, cụ ông dứt khoát bắt vợ ở nhà chăm sóc con cái và lo việc nội trợ, còn phần kinh tế do cụ ông đảm nhiệm. Quả thật nhìn cụ bà dù bây giờ tuổi đã cao, nhưng qua vóc dáng và đường  nét trên khuôn mặt, tôi vẫn nhận đó là một người phụ nữ vừa phúc hậu lại rất nhan sắc. Tôi cười nói vui với con dâu: “Trông cụ bà bây giờ vẫn còn xinh đẹp thế này thảo nào hồi còn trẻ, cụ ông không cho cụ bà đi đâu là phải”, con dâu tôi dịch lại lời tôi nói làm cho cả nhà cười, cụ ông nhìn tôi gật đầu tán thưởng...
Chờ cho tôi đỡ mệt vì đường xa. cụ Wact aw Wale Rych dẫn tôi đi thăm nhà. Ngôi nhà được xây dựng theo lối nửa cổ điển nửa hiện đại. Phần trên cùng gồm phòng đệm, phòng khách, phòng ở, khu bếp và phòng ăn; phía dưới sàn nhà là phần trồi cao trên mặt đất để chống lạnh, có những khoang chứa vật dụng; dưới cùng là tầng hầm; ngoài những nơi để thực phẩm, kho chứa đồ còn có một khoang đặt lò sưởi. Mặc dù ờ vùng này vẫn có hệ thống sưởi hiện đại như ở các thành phố, nhưng cụ và nhiều gia đình dân làng ở Krsiniec dùng lò sưởi theo kiểu cổ điển đốt bằng than đá.
Tôi khá ngạc nhiên vì hệ thống lò sưởi rất đơn giản; diện tích chừng 3m2, giữa đặt một chiếc lò đốt than bằng kim loại, khá giống với lò luyện nhiệt; bên trên là nồi chứa dầu nối với những đường ống dẫn, chia nhiệt đến những nơi cần sưởi ấm. Lò sưởi hoạt động theo nguyên lý chênh lệch áp suất, khí nóng được tuần hoàn trong đường ống; chỉ cần đốt một lần thôi, nhưng thời gian giữ nhiệt kéo dài được 36 giờ và duy trì nhiệt độ trong nhà vào khoảng 25 - 27 độ C.
Sau khi thăm nhà, cụ và tôi trở về phòng khách trò chuyện và Anna là người phiên dịch. Biết tôi vừa đến thăm Trại tập trung Auschwitz, cụ Wact aw Wale Rych cho tôi biết: khi mới hơn chục tuổi cụ đã chứng kiến cảnh chiến tranh và chính cụ là một trong những tù nhân nhỏ tuổi bị dồn vào Trại tập trung Auschwitz. Sau khi kể lại những ngày bị giam giữ và chịu những nỗi đói khát, khổ cực trong trại tù, cụ Wact aw Wale Rych mang ra cho tôi xem một chiếc áo khoác ngoài của sĩ quan Đức quốc xã và kể: “Đây là chiếc áo do một chiến sĩ Hồng quân Xô viết vào giải phóng nhà tù; thấy tôi bé nhỏ, ăn mặc lại phong phanh mà trời thì lạnh, nên đưa cho tôi mặc và tối đi ngủ thì làm chăn đắp. Ghi nhớ tình cảm ấy nên tôi giữ lại và coi tấm áo này là kỷ vật thiêng liêng... ”.
Tấm áo vẫn còn mới, khá nặng, lượt ngoài là dạ màu xám nhạt, bên trong là lớp lông cừu, những hàng khuy đồng sáng bóng sực nức mùi thơm của hương nước hoa... Tôi đang bâng khuâng về câu chuyện xảy ra từ nửa thế kỷ trước thì cụ Wact aw Wale Rych ngỏ ý muốn cho lại tôi tấm áo ấy làm kỷ niệm. Tôi cảm ơn và tế nhị từ chối món quà vô giá và tấm lòng thịnh tình của cụ. Nhưng rất dứt khoát, cụ cầm chiếc áo lên trao cho tôi và xua tay ra hiệu tôi phải nhận và không được từ chối. Thấy tôi ngần ngừ, Anna nói: “Ông ngoại con đã có ý từ trước, chờ khi nào bố sang sẽ tặng lại chiếc áo này cho bố đấy. Bố đừng từ chối”. Tôi lặng đi vì tình cảm chân thành của cụ dành cho tôi và không biết nói gì hơn.
Buổi chiều, tôi cùng gia đình ra nghĩa trang chung của dân làng. Hầu hết các ngôi mộ đều được ốp bằng đá hoa cương. Trong khung cảnh dưới ánh chiều tà, trên nền tuyết trắng, nghĩa trang đẹp, sạch sẽ. Theo tập tục của người theo đạo Ki tô giáo ở làng Krsiniec, trước ngày Nô-en người ta ra sửa sang, quét dọn, lau rửa lại mộ những người đã khuất rồi thắp đèn, nến suốt một tuần. Cả nghĩa trang bừng sáng rực rỡ, lung linh tỏa ra từ những ngọn nến và những cây đèn cầy đặt trước mộ và trong đài tưởng niệm riêng của mỗi dòng họ.  
Cụ Wact aw Wale Rych đốt thêm nến và kiểm tra lại mức dầu cần thiết trong các cây đèn rồi cùng cả gia đình thành kính đứng trước khu mộ của những người thân đang an nghỉ, ra dấu và chắp tay tưởng nguyện, miệng lầm rầm đọc kinh…
Qua hình ảnh này cho tôi cái nhìn thật gần gũi và làm thay đổi quan niệm trước đây về tục lệ của người công giáo đối với những người đã khuất. Thể như người Việt Nam, vào những ngày cuối năm, mọi người ra nghĩa trang thắp hương, khấn vái mời “các cụ” và những người đã khuất về ăn tết với gia đình. Có khác chăng, nơi đây không thắp hương nhưng thay vào đó là hương dầu thơm nhè nhẹ toả ra từ những chiếc đèn thắp trên những nấm mộ… Tuy khác về hình thức nhưng ý nghĩa tâm linh, cho dù đó là đạo Phật hay đạo Giáo thì vẫn đều dành cho những linh hồn thân yêu những tình cảm nhớ thương, thành kính và sâu sắc…
Đêm Nô en, cả vùng quê yên tĩnh chìm trong tiếng chuông dong dã. Thời khắc lễ trọng đã đến. Mọi người trong gia đình đoàn tụ quây quần; bên cây thông Nô En rực rỡ, dưới bức ảnh trang nghiêm, uy nghi của Đấng cứu thế. Ánh sáng từ nơi Chúa ngự tỏa ra muôn ánh hào quang; mọi con mắt tràn đầy đức tin hương về nơi Chúa Cả... Tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên... sau phút giây thành kính, cụ Wact aw Wale Rych nghiêng mình chìa tay mời cụ bà. Khúc nhạc đêm Nô en và điệu nhảy của niềm hạnh phúc. Tất cả mọi người trong gia đình đứng lên vừa nhún nhảy vừa bẻ những tấm bánh bột mì - thứ bánh biểu trưng cho sự kỳ diệu của thiên nhiên được sinh sôi, nảy nở từ đất đai màu mỡ; từ những ước mơ an lành, ấm no, hạnh phúc trong tình cảm quê hương, trong tình thương yêu đồng loại và cũng là thủ tục không thể thiếu được trong đêm Nô En...  
Nhìn hai cụ nhẹ nhàng lướt đi trong tiếng nhạc du dương và bón cho nhau những miếng bánh ngọt ngào, tôi cảm giác như các cụ đang trờ về với tuổi thanh xuân; trở lại với tình yêu đôi lứa... Các con tôi và những đứa cháu của tôi cũng vậy, chúng nhảy say sưa, trao cho nhau những miếng bánh thần kỳ... và tôi nữa, một công dân Việt Nam, đêm nay ngỡ như mình lạc vào một trang cổ tích...
Nhớ lại thời gian cách đây gần chục năm, sau khi vợ tôi mất, nghe con trai điện về nói lấy vợ Tây, tôi rất lo lắng. Ngoài địa lý xa xôi, còn có biết bao nhiêu cách trở. Về ngôn ngữ; tập tục, cách sống và còn bao điều chưa biết. Nhưng sau khi nghe chuyện tôi mới hiểu; dường như hoàn cảnh cuộc sống của con dâu tôi, và điều kiện cuộc sống của hai cụ cũng thể như người Việt Nam ta có câu thành ngữ: “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Thật đúng vậy, do bố mẹ chia tay; mẹ đi làm ở xa nên từ nhỏ hai chị em Anna đã phải gửi về quê ngoại; và hai cụ chính là người đã cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng, chăm bẵm hai chị em Anna vào những ngày tháng bơ vơ, khốn khó nhất; từ tuổi đầu đời cho đến lúc vào trường đại học. Chính vì ơn nghĩa ấy, nên sau khi đã trưởng thành và lập gia đình, con trái tôi và Anna coi hai cụ không chỉ là ông bà ngoại mà còn là hai người thương yêu nhất trong cuộc đời.
Tôi vui vì điều đó. Lòng hiếu thảo và cách đối nhân xử thế của con người ở đâu cũng vậy; vốn là thước đo đạo lý được thể hiện ở lòng nhân ái thông qua sự đối xử với chính những người ruột thịt của mình. Thể như niềm ước muốn của tất cả những người làm cha làm mẹ ở Việt Nam; nuôi con, dạy con để khi con cái  trưởng thành sẽ trở thành “dâu thảo, rể hiền”...
Theo lịch trình, ngày mai tôi sẽ đi thăm Nhà Thờ Lớn Ba Lan và một số danh lam thắng cảnh, sau đó sẽ cùng gia đình con tôi đón tết Dương lịch ở thành phố Lódz. Nhưng qua chuyến đi này, tôi thật sự an tâm. Chính vì nhờ sự đùm bọc và dạy dỗ của hai cụ, nên Anna không khác chi một người phụ nữ người Việt Nam và gia đình tôi có một người con dâu hiếu thảo. 
NGÔ MAI AN
Lời hứa lúc cầu hôn

Tập truyện ngắn đoạt Giải Khuyến khích,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ IV (2011 - 2015)
GIÓ THOẢNG QUA TRỜI
Chiếc xe máy dừng lại trước sân cơ quan, người con gái rút chìa khóa điện, tay xách theo chiếc túi nhựa màu nâu nhẹ nhàng bước vào phía hội trường. Ở trong đó, các thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó trong toàn huyện về dự đông đủ. Hội nghị đã đến giờ giải lao, nhiều thầy cô tràn ra hành lang, người hút thuốc lá, người uống nước trà nói cười vui vẻ.
Với dáng vẻ tràn đầy tự tin, người con gái đi thẳng về phía cuối hội trường. Cô dáng người cao dong dỏng dễ coi, mái tóc bồng bềnh, làn da trắng mịn, nhất là điệu bộ lịch thiệp, pha chút kiêu hãnh. Đã có sắc đẹp trời phú, cô lại còn biết cách ăn mặc khá hài hòa: Chiếc quần bò màu tím nhạt bó sát cặp chân dài và thon, chiếc áo trắng kẻ sọc xanh bằng loại vải khá mỏng như bám hờ vào tấm thân có bộ ngực đầy đặn, đôi giày cao gót… tất cả gợi lên một sự sang trọng, tự nhiên của người có gu thẩm mỹ. Khi cô nhanh nhẹn bước vào hội trường phòng Giáo dục, không gian đang rôm rả tiếng nói bỗng ngừng cả lại bởi tiếng chào lanh lảnh: “Em xin kính chào các anh, các chị”. Mọi người quay ra, người khách lạ bước vào hội trường cất tiếng hỏi:
- Em xin phép được hỏi, có thể gặp bác Trần Phác trưởng phòng?
Cô Lan nhanh tay chỉ:
- Bác Phác ngồi giữa bàn uống nước kia kìa.
Cô gái bước đến trước mặt người đàn ông mặc bộ comple - lê màu đen,  thắt cà - vạt đỏ đang thì thầm trao đổi gì đó với một thầy tóc đã hoa râm. Cô không ngại cắt ngang câu chuyện của họ. Cô bước đến trước trưởng phòng, tay chắp ngang ngực, lưng khom khom: “Dạ! Xin chào bác Trần Phác trưởng phòng. Em xin được gặp bác để chuyển thư riêng của bác Đỗ Việt trên Hà Nội gửi đến bác”.
Đôi tay và đôi môi thì tỏ vẻ cung kính thế, nhưng đôi mắt vẫn liếc ngang, liếc dọc. Chẳng hiểu cô ta định tìm cái gì.
Trưởng phòng đứng lên rồi quay lại phía đám đông, cất tiếng:
- Xin lỗi anh chị em, tôi bận khách.
Nói rồi, Trần Phác dẫn cô gái xinh đẹp sang phòng tiếp khách.
Bên này anh, chị em bắt đầu rì rầm bàn tán.
Thầy Hùng khẽ lên tiếng:
- Người đâu mà đẹp gái, lịch thiệp thế nhỉ?
- Người này thoáng trông có lẽ là người thị xã hay thành phố, nhìn đôi mắt, thấy cũng khiếp đấy.
- Ghê nhỉ. Bà Thọ thì nhìn cô nào cũng nhìn đôi mắt. Chứ như cô Huyền đây chẳng bao giờ nhận xét, bình phẩm về ai.
Thầy Hoàn:
- Các cậu ạ! Biết đâu cô ta lại là con ông này, bà nọ ở cấp tỉnh hay cấp bộ về đây có chuyện riêng tư với trưởng phòng, hay tổ chức sở. Chắc huyện ta lại sắp được phân công thêm một cô giáo trẻ.
- Giáo sào gì? Trông cái mắt và cách làm dáng có vẻ một tay ăn chơi thì đúng hơn - Đó là lời cô Lan.
Rồi cô Hà:
- Lan được cái nhanh miệng, chỉ tội hay “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhưng tài xem tướng của nó thì hơi bị giỏi đấy nhá! Ai mà nhờ nó chọn vợ thì an tâm đi!
Từ nãy đến giờ, Phúc - cán bộ tổ chức của phòng - vẫn ngồi yên một góc. Lúc này, anh đang cố vắt óc nhớ lại: hình như ta đã gặp cô nàng ở đâu? Một hay hai lần gì đó, cái dáng cao cao, vầng trán hơi rộng, con mắt liếc ngang liếc dọc… Không, có thể ta nhầm! Ở đời này thiếu gì người giống nhau. Phúc linh cảm và thấy lo cho Trần Phác khi con người này xuất hiện, bởi thủ trưởng của anh là người tính tình hiền hậu, cả nể, dễ xiêu lòng…
Với thủ trưởng, Phúc đúng là người tâm phúc. Mỗi khi Trần Phác gặp cơn trái gió trở trời, anh đều quan tâm chăm sóc. Những điều thủ trưởng vui, Phúc cũng vui lây, mỗi khi ông buồn, Phúc cũng buồn theo - hình như tâm tư suy nghĩ của người này chỉ có mình anh cảm nhận được. Trong phòng Giáo dục huyện, không ai hiểu hơn anh về người trưởng phòng còn khá trẻ này.
Ở ghế góc trong - cũng hơi khuất góc bàn uống nước - từ phút đầu tiên đến giờ, Thành - Hiệu phó trường Bằng Luân, không nói năng gì, chỉ ngồi lơ đãng nhìn lên trần nhà, đôi khi lại gục đầu xuống bàn như buồn ngủ.
Thành không lạ gì cô gái đó. Cô chính là Hiền, người bên Yên Phong, quê hương quan họ.
Ngày ấy, Thành là sinh viên khoa Toán - Lý năm cuối, Hiền là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn - Sử của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Học cùng trường, hai người gặp nhau, thân thiết nhau. Thành tuổi 25, Hiền vừa tròn tuổi 20.
Khi biết Thành yêu Hiền, ai cũng khen: “Đẹp đôi đấy”. Cặp tình nhân đã xác định: “Đến khi ra trường cả hai đều có công ăn việc làm ổn định sẽ cưới nhau”. Nhưng, có điều rất đáng hồ nghi: mỗi khi Thành đặt vấn đề đưa nhau về thăm gia đình đôi bên, thì Hiền chỉ chấp nhận về nhà Thành, còn việc về nhà Hiền thì Hiền đưa ra đủ các lý do khác nhau nhưng đều khá hợp lý. Hiền còn nói với Thành: “Mẹ em rất khó tính, phải làm công tác tư tưởng từ từ, chờ đến khi nào thuận tiện”.
Ra trường, Thành về quê. Đi từ Mê Linh sang bên Yên Phong - Bắc Ninh chưa hết một giờ xe máy. Đã nhiều lần Thành sang Yên Phong thăm bạn bè hay dự đám cưới, anh đã gặp được người biết rất rõ về gia cảnh của Hiền.
Hiền là con gái độc nhất của bà Vựng làng Kim Môn, bố Hiền mất cách đây đã chục năm. Gia đình Hiền có ngôi nhà cổ bề thế, khu vườn rộng độ hai sào, trồng đủ các loại cây ăn quả, ngoài đồng có ba sào ruộng cấy hai vụ, đều thuộc loại đẳng điền. Bà Vựng người nhỏ thó, da đen, răng vểu, nghiện trầu, hàng năm thu hoạch từ trái cây trong vườn, con lợn con gà chăn nuôi trong chuồng cũng đủ chu cấp cho Hiền ăn học. Bà sống thật thà, chất phác, chẳng to tiếng với ai bao giờ. Tình tình tự ti, khép nép với mọi người, thiên hạ nói gì, bà thường tin ngay, có khi còn lấy điều đó làm “kim chỉ nam” trong cuộc sống. Ông bà nên vợ nên chồng từ thuở mười tám, đôi mươi, vậy mà đến ngoài bốn mươi tuổi vẫn chưa đẻ được đứa con nào. Bà đã nhiều lần nói với ông: “Làng trên xóm dưới có mấy cô quá lứa nhỡ thì, ông ưng cô nào, để tôi đến nói chuyện với người ta”. Lần nào, ông cũng đều gạt đi, vì ông biết bệnh ông không thể có con được. Ông bà tính đến chuyện xin con để nuôi cho vui nhà vui cửa. Gần một năm sau, được dì Lý - y tá khoa sản trên bệnh viện Thái Nguyên - giúp đỡ, ông bà xin được một bé gái, đặt tên cho nó là Hiền. Cũng là mong sao sau này con người nó được như cái tên Hiền của nó.
Trải theo năm tháng, Hiền khôn lớn dần, càng lớn nó càng đẹp. Những năm nó học cấp hai, mẹ nó đi tát vét, được con tôm con cá, kho cho cả nhà cùng ăn. Tôm thì con Hiền chỉ quen ăn thân, cá nó chỉ ăn khúc giữa, còn lại nó “nhường” cho bố mẹ. Ông bà Vựng thì lại khen con bé này sau nó sẽ là người giàu có vì nó biết ăn ngon.
Học lên cấp ba, nhà chỉ cách trường gần một cây số, nhưng Hiền đòi mẹ phải mua xe đạp. Chủ nhật nào nó cũng ra chợ Chờ hay đi Hà Nội. Quần áo nó luôn thay đổi mẫu mã, giày dép nó có tới hàng tá. Bù lại, nó lại là đứa con gái học giỏi, hết năm học nào nó cũng được giấy khen học sinh tiến tiến. Thấy con gái học hành tấn tới, lại có mỗi mình nó, nên bà Vựng chiều con hết mực. Mấy lần có tiếng đồn trong làng ngoài xã, rằng con Hiền, khi với thằng Sáu bên thôn Ngoại, khi lại với thằng Hùng bên thôn Yên, đưa nhau ra Hà Nội thuê phòng tâm sự suốt từ sáng cho đến chiều muộn mới ra xe về nhà, bà đều gạt đi. Tiếng đồn thì mặc tiếng đồn, cuối năm nó vẫn tốt nghiệp cấp ba; thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, nó vẫn thừa hai điểm để vào học.
Hôm ấy, anh giáo Thành trở lại trường cũ làm việc với phòng tổ chức. Khi đến cổng trường, trời nắng nóng, anh gặp một bà cụ quê mùa, đầu tóc bạc phơ mặc chiếc quần láng đen, cái áo gụ đã phai màu, gót chân nứt nẻ trong đôi dép nhựa nâu, tay xách cái túi vải màu xanh. Cụ như có vẻ nóng ruột chờ ai.
- Cụ đang cần gặp ai thì phải?
- Dạ không… dạ không… Tôi đứng nghỉ chân cho đỡ nóng.
- Thưa cụ, cháu là học sinh trường này, cụ cần gặp bạn nào, cháu gọi giúp cụ được mà
Nghe Thành nói, mắt cụ sáng ra, nét mặt trở nên tươi tỉnh, nhưng cũng tỏ vẻ lo âu.
- Xin cảm ơn anh! Tôi muốn gặp em Hiền, quê Yên Phong - Bắc Ninh học khoa Văn - Sử… Nhưng, anh giúp được tôi, thì tôi lại sợ lớp sẽ kiểm điểm em nó.
Thành càng năn nỉ, bà cụ càng lùi dần, lùi dần, nét mặt không giấu nổi vẻ lo âu.
Lúc ấy, Thành đã lờ mờ hiểu ra nguyên do Hiền luôn luôn giấu giếm về bố mẹ, về cả những điều dị nghị của xóm làng về mình. Hiền chỉ muốn không ai biết gì quá khứ của mình và về bà mẹ xấu xí cũ kỹ đã nuôi Hiền nên người. Là con cái, đâu có quyền chọn cha mẹ. Không ai lại chê bai cái kém cỏi, thua thiệt của bậc sinh thành. Nhưng Hiền không biết ai đã sinh ra để rồi bỏ rơi mình. Hiền là đứa con nuôi, được lớn lên và trưởng thành nhờ người mẹ nuôi cưu mang… Thế mà Hiền đã mặc cảm với điều thiêng liêng ấy.
Tốt nghiệp ra trường, Hiền thay đổi chỗ công tác xoành xoạch, đó cũng là lý do khiến thư từ qua lại giữa hai người thưa thớt dần và tình cảm của Thành đối với Hiền phai nhạt. Anh biết, Hiền ưa quan hệ với những người có máu mặt, có quyền thế để dựa dẫm, để luồn lách vào những trường gần thành phố hơn. Hiền mang nhan sắc và thân mình để khích lệ và đền ơn những người giúp mình được việc. Cứ như vậy, Hiền đã dấn sâu vào chỗ tối…
Khi thấy Hiền dừng xe đến đây, Thành đã nhận ra ngay người cũ, chẳng biết Hiền có nhìn thấy Thành không? Đã gần bốn năm nay, hai người đã không còn quan hệ gì với nhau nữa.
Cuộc tiếp khách của trưởng phòng mất gần nửa tiếng đồng hồ. Khi ra khỏi phòng tiếp khách, cô gái khôn khéo đi dọc hành lang, đến cửa phía trước hội trường thì dừng lại, nhoẻn miệng cười tươi “Xin kính chào các anh, các chị, em xin phép” rồi mới ra về.
Ngồi thu lu ở góc trái gần cuối hội trường, Thành thấy trong lòng chua chát: “Một màn ra mắt ngoạn mục”.
Trần Phác đi ra, mỉm cười nói nhỏ với Phúc “Cô Lê Thúy Hiền là cháu ông Đỗ Việt, vụ phó trên Bộ, bạn học cũ của tôi, giới thiệu cho cô Hiền được dạy hợp đồng môn Văn - Sử, chờ sang năm tới xin thi công chức tại tỉnh ta. Cô này nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe và cũng lịch thiệp. Tôi đã nhận lời. Vả lại, cũng còn khuyết một chỗ ở trường Hạ Lôi. Hạn sáng thứ tư tuần sau, cô ấy đến gặp anh để làm hợp đồng”.
Hội nghị lại tiếp tục…
Một năm sau, phòng Giáo dục lại mở hội nghị tổng kết năm học đã qua. Các thầy hiệu trưởng, hiệu phó trong toàn huyện lại có mặt đầy đủ. Có nhiều báo cáo điển hình để rút ra ưu và khuyết điểm của các trường. Riêng trường Hạ Lôi bị xếp hạng C, vì có một số hiện tượng tiêu cực, mất đoàn kết giữa hiệu trưởng và hiệu phó, đôi ba giáo viên dính quan hệ không bình thường. Giải thích về kết quả xếp hạng của phòng, Trần Phác có ý biện bạch, nhưng ông không giấu được vẻ sượng sùng.
Bất giác, Thành liên tưởng đến Hiền, và vết xước cũ của trái tim anh lại thấy nhoi nhói. Nghe nói sau đấy, Hiền lại xuất hiện ở trường Trung Phương, huyện bên cạnh… Thành thấy con người ấy thật lạ: đến đâu cũng nhanh chóng gây được ấn tượng ban đầu, rồi đi qua, như một cơn gió thoảng…
CHUYỆN NGƯỜI GIÚP VIỆC
Đối với người nghỉ hưu, đọc báo, xem ti vi là việc hằng ngày. Từ khi nhận sổ, bà Thu quanh quẩn chẳng biết làm gì, cứ đi ra đi vào, bứt rứt. Con dâu và con trai đã mấy lần nhắc nhở bà: “Bây giờ mẹ phải nghỉ ngơi, đi chơi nhà bạn bè hay đi lễ chùa, tùy ý, đó là quyền của mẹ. Miễn là mẹ lúc nào cũng phải mang theo điện thoại di động, có chuyện gì chúng con còn biết mà đến với mẹ. Còn tất cả công việc hàng ngày trong gia đình, chúng con đã nhờ cô Tạo làm hộ”.
Một hôm, đọc tờ báo Phụ nữ Việt Nam, có một mẩu tin ở mục “Rao vặt” làm bà chú ý: “Cần tìm một người giúp việc, tuổi không dưới 50, không quá 60, có thâm niên trong ngành y, để chăm ông già 75 tuổi. Lương tháng một triệu tám trăm. Ăn ở gia đình chu cấp hoàn toàn. Ai có thể giúp đỡ gia đình chúng tôi, xin mời đến gặp tại số nhà 2x, phố Px, quận Hx, Hà Nội. Trước khi đến, xin liên hệ với số máy 0912xxxxxx, hoặc gửi thư, để tiện bàn bạc”.
Bà Thu nhận ra ngay: Đây chính là số nhà của Giáo sư Trần Phát, trường Đại học Y Hà Nội. Bà thốt lên nghẹn ngào: “Anh Phát ơi! Sao anh khổ thế!”.
Cách đây ba chục năm, giảng viên Trần Phát mới bốn chục tuổi đời đã phải chịu cảnh góa vợ. Tuy được thừa kế cơ nghiệp rất khang trang của cha mẹ để lại, nhưng lâm vào cảnh gà trống nuôi con, anh phải một mình vất vả xoay xở với hai thằng con trai đang tuổi lớn tuổi nghịch - đó là Trần Triển 16 tuổi - đang học cấp ba, và Trần Hùng 13 tuổi - đang học cấp hai. Thời đó không ai dám thuê người giúp việc. Công việc ở trường quá bận nên đôi khi, thầy Phát phải nhờ mấy cô sinh viên đến nhà giúp thầy dọn dẹp nhà cửa, có hôm còn lo luôn cả việc bếp núc nếu như thầy chưa về kịp. Thu là cô gái quê vùng trung du, lớn tuổi nhất lớp, sức học hơi yếu so với các bạn khác, nên thầy Phát thường phải kèm cặp, phụ đạo thêm mới nắm được bài. Phiền thầy bao nhiêu thì đáp lại, Thu cũng đỡ đần việc nhà cho thầy nhiều hơn các bạn nữ khác. Đến năm cuối cùng của khóa học, tình cảm thầy trò trở nên khó phân biệt, Thu chỉ biết rất quý và cũng rất thương thầy. Đối lại, thầy cũng có ý mến Thu, cho nên sau lễ tốt nghiệp, thầy dùng uy tín của mình xin cho Thu về một bệnh viện ngay tại Hà Nội và đã được phòng tổ chức nhà trường chấp thuận. Khi trách nhiệm thầy trò đã được hoàn tất, tình cảm giữa hai con người quá thông cảm với nhau trở nên gắn bó tự nhiên…
Chần chừ mãi, rồi cũng đến lúc Trần Phát phải đưa chuyện riêng của mình ra thăm dò ý kiến các con. Anh lớn Trần Triển đang học Đại học Ngoại thương, thằng em Trần Hùng đang học lớp mười - cả hai đều tỏ ra cứng rắn. Chúng đề nghị bố cứ ở vậy với chúng, và còn đe: “Nếu bố đưa bất kỳ một phụ nữ nào vào nhà, chúng con sẽ lập tức bỏ học và ra đi tự kiếm sống”.
Lúc này, cái thai trong bụng Thu đã được ba tháng. Phong tục quê Thu còn rất nặng lễ giáo phong kiến, đứa con ra đời không thể thiếu cha, mà cứ tiếp tục làm ở Hà Nội thì trước sau cũng vẫn bị lộ. Trần Phát cũng rất sợ hai thằng con phá bĩnh, không dám đẩy mối quan hệ giữa hai người trở thành chính thức, có cưới hỏi công khai. Cuối cùng, ông thở dài: “Hay là em chuyển vào phía Nam công tác và đẻ con, chờ anh về hưu, ta sẽ chung sống”… Trong tình huống của Thu, đó là giải pháp tạm thời thuận cả đôi đàng, nên cô bằng lòng chuyển vào làm cho một bệnh viện tuyến Trung ương đặt tại Cần Thơ.
Ở đây, Thu sinh hạ được thằng Thanh. Được các bạn bè cũ mới che chở và giúp đỡ tận tình, hai mẹ con ổn định cuộc sống dần dần. Thằng Thanh càng lớn thì hình ảnh Trần Phát trong trái tim Thu cũng càng phai nhạt, mặc dù anh vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên hai mẹ con Thu. Bạn bè đồng nghiệp cũng tìm cách thông tin cho Thu biết: Hai đứa con thầy Phát vẫn không thay đổi lập trường, dứt khoát cấm bố cưới vợ mới, mặc dù chúng cũng biết cô Thu đã có con với bố mình.
Thu như người đã kinh qua trận mạc, vết thương đã liền sẹo trong lòng, nên không lần nào hồi đáp thư Trần Phát. Tình cảm của Thu đã trở nên chai lỳ, nên cô bác sĩ một con chỉ còn biết lạnh lùng từ chối mỗi khi có người tỏ tình hoặc nhận làm mai mối. Toàn bộ cuộc sống của Thu mấy chục năm nay chỉ xoay quanh công việc chuyên môn và nuôi dạy thằng Thanh.
Trần Thanh sống với mẹ mãi thành quen, nó sớm biết đây là người thân duy nhất của mình nên mẹ bảo gì nó nghe răm rắp. Sau một lần lỡ miệng hỏi mẹ “bố đâu?”, được mẹ kể chuyện về giáo sư Trần Phát và căn dặn, nó không bao giờ hỏi lại câu ấy nữa. Hai mẹ con họa hoằn mới có khách, chủ yếu là bạn cùng học với mẹ và những người trong họ ngoại tiện đường công tác ghé thăm. Học xong phổ thông, Thanh thi đỗ vào Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó, nó yêu một cô học dưới nó hai năm. Khi mới tốt nghiệp, mẹ đang còn làm việc, Thanh được nhận vào bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khi mẹ sửa soạn nghỉ hưu, Thanh đề đạt nguyện vọng và được chuyển về Cần Thơ, còn cô vợ được nhận suất kế chân mẹ chồng. Thế là cái gia đình nhỏ của mẹ con Thu đã quy về một mối, chẳng còn gì phải lo lắng nữa.
Cuộc sống đang yên đang lành thì bà Thu đọc được mẩu tin tuyển người giúp việc của hai người con quý hóa của Giáo sư Trần Phát. Lập tức, ký ức một thời đã ngủ yên ba chục năm trời có cơ choàng tỉnh. Chắc Trần Phát bị ốm liệt giường đã lâu, và đang lay lắt ở biên giới mong manh giữa sự sống và cái chết. “Một ngày nên nghĩa”, bà Thu vân vi suy đi tính lại mất nhiều ngày, rồi mới ngỏ ý với con trai và con dâu:
- Mẹ muốn ra Hà Nội thăm bố các con. Các con xem báo Phụ nữ, chắc biết rồi đấy, cái nhà ấy tuyển người giúp việc là để chăm sóc bố của các con. Bệnh tình như thế xem ra nặng rồi, nếu cần, mẹ có thể ở lại chăm sóc, cho ăn uống thuốc men và luyện tập đúng chế độ thì mới mong tránh khỏi tật nguyền…
Trần Thanh gạt đi:
- Mấy chục năm qua, ông ấy có ngó ngàng gì đến mình đâu, mẹ… Lấy đâu ra tình cảm vợ chồng, cha con, mặc dù con vẫn biết ông ấy là bố đẻ của con.
Cô con dâu góp lời:
- Mẹ có ý định như vậy thật là đáng phục, chúng con không dám can ngăn. Con chỉ e mẹ chỉ làm cái việc quá sức của người già. Nữa là, hai người con kia còn trẻ khỏe thế mà còn phải trốn cái việc của chính họ…
- Họ quả là những người con ích kỷ nên mới ngăn cản bố đến với mẹ. Giờ đây họ mải làm ăn, để vinh thân phì gia, họ lấy đồng tiền ra thuê người khác trông nom hầu hạ bố mình, thế là họ đã vứt bỏ chữ hiếu. Chính vì vậy mẹ phải xin làm ô-sin để bí mật chữa bệnh cho bố con. Mẹ nghĩ, phải thế mới trọn vẹn chữ nghĩa chữ tình.
Khi đến nhà ông Phát, bà Thu phải qua cuộc kiểm tra, phỏng vấn rất khắt khe, kỹ càng, phải trả lời và nhận đáp ứng mọi điều kiện của chủ nhà; cuối cùng, anh em Trần Triển - Trần Hùng đã giữ “ứng viên” này ở lại mà không hề nhận ra người quen cũ.
Giáo sư Trần Phát bị bệnh não, trí nhớ suy giảm, lưỡi cứng không phát âm được, chân tay cử động hết sức khó khăn. Điều dưỡng cho bệnh nhân kiểu này, phải là người vừa có tâm, vừa có kinh nghiệm chuyên môn thì mới tránh khỏi sơ sảy. Hàng ngày ông uống thuốc, tập luyện và tiếp nhận sự chăm sóc của bà mà đâu có ngờ rằng đấy chính là cô sinh viên cũ lớn nhất khóa từng khao khát được làm vợ ông, thậm chí còn có với ông một đứa con trai.
Thời gian thấm thoắt, đã gần năm tháng trời bà Thu ở nhà Giáo sư Trần Phát thuốc thang, cơm nước, dìu dắt và nâng giấc cho ông. Sức khỏe giáo sư đã bình phục dần dần, trí nhớ trở lại từng bước từng bước, tai nghe miệng nói tuy còn khó khăn, nhưng lạ một điều, là bà ô-sin hiểu hết. Cho đến một ngày giáo sư biết chắc: Bà ô-sin này chính là Thu của mình. Ông khóc ròng.
Tháng tháng, hai anh em Triển và Hùng vẫn đến thăm bố đều đều, mặt khác - cũng là để đưa tiền công cho người giúp việc. Họ làm việc đó với thái độ nhã nhặn lịch sự, tiền công ô-sin lần nào cũng để trong phong bì in sẵng dòng chữ “Công ty TNHH… ” gì gì đó…
Còn ở Cần Thơ, bác sĩ Trần Thanh vẫn thường xuyên liên lạc với mẹ qua điện thoại, nhờ đó anh biết được tiến triển trong việc chữa trị cho bố. Anh quyết định bay ra Hà Nội một chuyến để gặp cả song thân, đồng thời cũng phải nói chuyện thẳng thắn với hai người anh cùng cha khác mẹ.
Giáo sư Trần Phát cho gọi hai anh em Triển - Hùng đến để họp toàn gia đình. Nghe bố nặng nhọc giới thiệu hai mẹ con bà ô-sin là ai, Trần Triển run giọng xin phát biểu:
- Đến lúc này, anh em chúng con mới biết ân hận, chỉ xin bố và dì tha thứ cho chúng con, xin em Thanh hết sức thông cảm cho hai anh!
Bác sĩ Trần Thanh có ý kiến:
- Thực tế nửa năm qua cho thấy, việc nghĩa của người vợ đối với chồng, thì mẹ em đã làm. Nhưng  phần đời còn lại của bố không thể thiếu sự chăm sóc của mẹ em được. Nói thật lòng, vợ chồng em đã bàn nhau và thống nhất một vấn đề, em nêu ra đây để xin ý kiến hai anh…
Bà Thu ngắt lời con, đặt tệp phong bì lên bàn, nói rành rẽ:
- Đây là sáu phong bì hai anh đã lần lượt đưa cho tôi trong sáu tháng qua, hôm nay có mặt cả nhà, tôi xin hoàn lại đầy đủ.
Trần Hùng nghĩ bà Thu chê ít, vội chữa:
- Đấy là tiền riêng của anh em con, dì ạ. Chứ tiền lương hưu của bố, chúng con để nguyện vẹn, có dùng đến đâu.
Bà Thu nghiêm nghị:
- Tôi làm ô-sin cho nhà các anh là để được thỏa nguyện của một người vợ chứ không phải để kiếm tiền công.
Không để cho anh em Triển - Hùng kịp phản ứng gì nữa. Trần Thanh tiếp tục trở lại chủ đề của chuyến ra Hà Nội lần này:
- Không như hai anh, mẹ con em đều nối nghiệp bố, phục vụ trong ngành y, cho nên, để tiện bề chăm sóc, em đề nghị hai anh cho phép em được đưa bố vào Cần Thơ. Bố không thể thiếu sự chăm sóc của mẹ con em được.
Hai người con lớn vừa thoát được gánh nặng phải thuê diễn viên đóng thế vai mình, giờ chỉ còn biết lặng im, cố lấy vẻ tẽn tò trước lòng hiếu thảo của đứa em cùng cha khác mẹ.
NGƯỜI LIỆT SĨ VÀ BA NGƯỜI ĐÀN BÀ 
1.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
- Xin mời vào!
Trung úy Toàn hôm nay trực ban doanh trại xuất hiện với vẻ bối rối bất thường:
- Báo cáo lữ trưởng! Chị Loan nhà ta đang chờ ngoài cổng, em mời vào, chị nhất định không chịu vào, chỉ một mực nhờ em gọi thủ trưởng ra để nói chuyện trực tiếp - đến đây, Toàn hạ giọng gần như thì thào: - Em thấy chị có vẻ bực tức về chuyện gì đó, không còn vui vẻ như mọi khi…
Trần Vũ hỏi:
- Nhà tôi đến lâu chưa? Đi cùng với những ai?
- Dạ, đi một mình thôi. Chị nhà đến cách đây độ mười lăm phút ạ.
Trần Vũ đứng lên lấy chiếc áo dạ dài màu lính khoác vào mình, chụp trên đầu chiếc mũ lông, kéo Toàn cùng ra cổng doanh trại.
Vừa đi Toàn vừa trình bày:
- Anh ạ! Không hiểu có chuyện gì mà chị nhà rõ ra là không vui. Chị còn nổi cáu với cả em khi em mời chị vào trong phòng khách. “Thôi. Anh Vũ có nhà hay không? Chú vào, gọi ngay anh ra cho tôi”…
Trần Vũ cười xòa:
- Toàn ơi! Chuyện đàn bà mà!
- Thì em có trách gì chị đâu! Nói chuyện để anh biết mà ứng xử khi gặp chị.
Đến lúc sắp ra đến cổng doanh trại, hai anh em đều im lặng.
Gặp Loan, Trần Vũ thấy vợ không vui, vẻ bực tức điều gì đó đã thể hiện rõ trên nét mặt vốn rất bình dị của Loan.
- Bà lên đây lâu chưa?
- Tôi vừa từ ngoài nhà khách vào đây, phải gặp ông, để hỏi, về con mụ đàn bà nào ấy đến thăm ông…
Trần Vũ có một chút bối rối, xong trấn tĩnh được ngay. Với sự từng trải của mình, ông đang gắng làm sao hạ cho được cơn khùng của vợ xuống dần dần, hết sức tránh chuyện om sòm ầm ĩ… Ông ôm vai vợ, cử chỉ cố làm cho thật âu yếm, rỉ tai nói nhỏ:
- Ai đời, chính thất phu nhân của một lữ đoàn trưởng mà lại đến đơn vị, trước ba quân, lại mang cái vẻ mặt giương lê thế này…
Ông biết, lúc này phải ghìm vợ đi thật chậm, thật chậm, vào nhà khách của đơn vị nói chuyện cho kín đáo. Nhưng Loan gỡ tay chồng ra:
- Tôi không ngờ ông lại có vợ hai. Nó đến thăm ông đấy, con đĩ ấy nó đang ở nhà khách đơn vị kia kìa… Tôi phải xé xác nó ra, ngay trước mặt ông!
- Vợ thì tôi chỉ có một, là bà thôi mà…
- Người ta đã cướp chồng tôi mất rồi… hu… hu…
- Thì chồng bà vẫn đi ngay bên cạnh bà, chứ ai cướp được!... Bà đừng hiểu lầm, đừng suy nghĩ nông cạn như vậy, oan cho tôi với người ta. Có gì đáng phải ghen đâu mà bà nổi máu ghen. Bà không bình tĩnh, mà làm om sòm ngoài nhà khách, thì xấu chàng hổ ai! Bà sẽ ân hận về hậu quả của việc ghen không đúng cách!
Trần Vũ dìu vợ vào một phòng riêng trong nhà khách, tương đối tách biệt với các phòng khác. Ông pha trà rót nước mời Loan đúng như mình là chủ doanh trại tiếp đón khách thăm, tỉ mỉ và chu toàn - kẻo Loan tiếp tục nổ chuyện ầm ĩ thì hỏng bét…
2.
Loan lấy Trần Vũ đã hơn hai chục năm nay. Chồng theo binh nghiệp, chẳng phải lúc nào cũng được tay ấp má kề, nhưng hợp tính hợp nết nên không khí gia đình luôn luôn đầm ấm. Đứa con gái của hai người ra đời trong sự chào đón, chăm bẵm của cả hai bên nội ngoại, nay đã thi đỗ và vừa vào học tại một trường đại học ở Hà Nội. Lẽ ra là nó đã có em, nhưng em nó bị sớm phát hiện nằm ngoài dạ con, nên không giữ được. Loan phải chịu sự can thiệp kịp thời của y học hiện đại nên bảo toàn được sinh mạng, song khả năng chửa đẻ đã không còn. Số phận đã an bài, con nào chả là con, Loan tự an ủi như thế và chỉ biết cúc cung tận tụy với chồng con, trong lòng vẫn cảm thấy ít nhiều mình có lỗi, phải lấy sự tử tế, hiền thục bù đắp lại cho chồng. Bỗng dưng, cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng… Ngẫm nghĩ về thân phận mình, Loan tê tái bởi nỗi bị chồng phụ bạc, nên vào phòng khách đã một hồi lâu, bà vẫn không nói được câu nào…
- Tôi báo cáo để bà biết, người đàn bà đó là mẹ đẻ ra hai đứa con của tôi. Hiện giờ chúng đang học đại học ở Hà Nội, sắp ra trường rồi. Nó là con của chúng ta, tức là con bà đấy! Tôi đã lo cho chúng ăn học bằng người, suốt từ năm bảy sáu cho đến ngày hôm nay, và còn tiếp tục lo cho đến khi chúng hoàn tất việc học hành, lập gia đình riêng, phương trưởng.
- Tức là ông có con riêng chứ gì?
- Cái quan hệ cha con này đã có từ khi bà chưa xuất hiện đâu. Người đàn bà ở phòng ngoài nhà khách hiện nay là mẹ của hai đứa con tôi, là vợ người bạn đồng tuế, đồng môn, đồng đội, đồng chí của tôi! Những người đó, bây giờ bà phải biết đấy nhé…
- Sao? Ông nói sao? Không phải vợ lại có con với nhau thế này là thế nào? Ông định lừa dối tôi, phải không? Hu… hu… hu…
- Tôi không lừa dối bà, nhưng tôi thấy chưa đến lúc thuận tiện để nói với bà về sự thực của việc này, vì các con tôi còn đang bận học, vì tôi còn đang bận công tác.
- Ông chê tôi chỉ đẻ được mụn con gái, nên ông kiếm thêm để có người nối dõi tông đường chứ gì?
- Tôi vừa nói với bà rồi đấy. Hai đứa con này đã có từ khi bà chưa xuất hiện đâu. Mong bà bình tĩnh lại khi giáp mặt bà ấy! Bà nên cư xử nhẹ nhàng, và còn phải thầm cảm ơn bà ấy đã sinh cho chúng ta hai đứa con, có cả nếp cả tẻ.
- Thế con mụ đẻ thuê ấy là người như thế nào?
- Bà ấy không phải là người đẻ thuê, mà đẻ cho gia đình mình. Bà ấy là Lê Diễm Hà, giáo viên trường Tiểu học Vũ Thư. Bà là vợ của đồng chí Tạ Phú Vọng, đại đội trưởng, đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên đầu năm bảy nhăm. Tôi nhắc lại: Ông Vọng là bạn đồng tuế, đồng môn, đồng đội, đồng chí của tôi, ông ấy đã giao lại tôi trông nom giúp vợ con cho đến ngày các cháu trưởng thành…
- Ông nói gì tôi khó hiểu lắm.
- Được. Tôi sẽ đưa bà đọc bức thư của chồng bà Hà gửi cho tôi trước khi hy sinh. Tôi nhận được bức thư này tại Sài Gòn sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam do bạn cùng học với tôi giao lại.
3.
Từ ngày nhận được giấy báo tử của chồng, Hà gầy tọp hẳn đi, người liêu xiêu tưởng gió thổi bay được. Trên khuôn mặt cô hoa khôi sư phạm của thời con gái, nay chỉ còn đôi mắt, nhưng cái nhìn thật thơ mơ hồ ngơ ngác. Vừa ra trường sư phạm, cô đã bước chân đi lấy chồng theo đính ước của hai gia đình, Hà liên tiếp gặp những chuyện không may mắn. Mất một thời gian dài mà vợ chồng cô vẫn chưa có con, phải xem số, phải chạy chữa - kín đáo có, công khai có - rồi chồng nhập ngũ. Lo liệu đám tang mẹ chồng chẳng được bao lâu thì nhận tin chồng hy sinh. Vậy là Hà phải một nách nuôi dạy hai con nhỏ! Nhưng ông trời cũng rủ lòng thương: sau lần chồng “nhờ người đẻ hộ”, Hà đậu được liền hai đứa, cho ra đời một gái một trai. Người ta đồn, trẻ sinh đôi mà khác giới tính thường rất khó nuôi, nhưng hai đứa con Hà lại là trường hợp khác. Hoàn cảnh đã tạo nên đức tính ngoan ngoãn, đôi trẻ biết nghe lời mẹ, chăm chỉ học hành, nên dù năm nào, dù ở cấp học nào, cả hai đứa cũng đạt học sinh giỏi toàn diện. Hai đứa con chính là lẽ sống của Hà, chúng mang lại cho Hà nguồn vui hàng ngày. Ngoài giờ dạy, cả ngày nghỉ Hà cũng làm quần quật, bỏ công sức ra chăm sóc mấy sào ruộng của nhà để có thêm lương thực. Hà còn chăn nuôi con lợn đàn gà, để tặng thêm chút thu nhập. Đồng lương giáo viên cấp hai cộng với thu nhập từ tăng gia sản xuất và phụ cấp con liệt sĩ cũng đủ cho Hà trang trải để các con yên chí học hành. Tối tối, Hà ngồi soạn giáo án, chấm bài đến khuya mới đặt mình đi nằm để mọi đau thương mất mát đều lắng dần vào kỷ niệm.
Nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Khi cuộc sống đỡ gieo neo, vật chất tạm ổn, sức khỏe Hà dần dần bình phục, cô đã lấy lại được dáng đi thong thả như ngày xưa, sắc diện dần dần hồng hào trở lại… Cặp mắt thăm thẳm của gái một con vô tình đã làm xiêu lòng một số người “ưa của lạ” hoặc đang góa vợ. Những lời chòng ghẹo, gạ gẫm lửng lơ của họ ngày đêm rình rập mẹ con chị, chị không buồn để lọt vào tai, nhưng trong thâm tâm vẫn thấy ê chề đau đớn cùng nỗi trống trải khôn lường. Đau đớn hơn nữa là ánh mắt u buồn của hai đứa con đã vẻ hồ nghi về nỗi sợ mất mẹ. Đêm đêm Hà soi đèn nhìn hai con ngủ ngon lành mà lòng đau quặn. Hà nhớ đến mẹ đẻ, mẹ chồng, và càng nhớ Vọng da diết. Vọng không ích kỷ như nhiều người khác. Lúc anh biết mình mắc căn bệnh trời buộc, anh phải đấu tranh mãnh liệt mới tìm ra được giải pháp, nhờ một người đàn ông khác mang đến cho vợ niềm vui làm mẹ. Đã là con người, trái tim ai mà chẳng có dòng máu ấm, chứ đâu phải tim gỗ tim đá! Lúc này, Hà mới thấm thía: Chồng mình đã hy sinh điều quý giá nhất cho mình, trước khi bị kẻ thù bắn ngã trên cao nguyên miền Tây. Nghĩ đến chồng, Hà bất giác lại nhớ đến Trần Vũ. Mới biết, giới đàn ông có những tình bạn như thế, trung thành, chính trực và cao thượng, sống đúng với sự trong sáng của lương tâm mình, không thèm chấp những dư luận tầm thường nhảm nhí. Và Hà tự nhủ, mình chớ có phụ lòng giúp đỡ thân tình của bạn chồng, nếu có khi nào gặp lại.
4.
Đầu năm bảy sáu, Đại đội trưởng Trần Vũ i được cấp trên cho nghỉ phép dài ngày. Anh có ý định về quê lần này sẽ lấy vợ vì anh nay tuổi đã trên băm rồi! Anh có nghĩ đến Hà và con, song anh đã tự dập tắt ngay ý nghĩ đó! Hà hẳn là còn mẹ chồng - các cụ già thường hay nệ lối cổ “con thầy, vợ bạn thì kiêng”, mà cơ nghiệp nhà Vọng là nơi thờ cúng tổ tiên, đành rằng Vọng đã gợi ý và cho phép… Trước mắt, mình phải coi mẹ con Hà là người rất cần được cưu mang giúp đỡ, mình phải làm cho mẹ con Hà yên tâm. Dù có thế nào, mình cũng phải giúp Hà nuôi con ăn học nên người, với mớ suy nghĩ ngổn ngang như thế, Trần Vũ đến nhà Vọng lúc nào không hay.
Vừa thấy bóng người lạ, con mực cứ hướng ra cổng sủa ầm ĩ. Hà chạy ra cổng xua chó và đón khách. Khi nhận ra Trần Vũ, Hà đứng sựng lại, miệng như câm nín, hai hàng nước mắt tự nhiên trào ra. Hai đứa con ngơ ngác không hiểu tại sao gặp chú bộ đội lạ, mẹ chúng lại khóc?
Trần Vũ dắt tay mẹ con Hà đi vào trong nhà. Anh ngỏ ý được thắp hương cho Vọng trước đã. Đến bảy giờ tiếng khóc của Hà mới bật ra được, thảm thiết. Hai đứa con cũng khóc theo mẹ, nghe thật não lòng! Mắt Trần Vũ cũng cay xè, anh nghẹn ngào, cố kìm tiếng nấc. Đọc thư Vọng, anh đã biết Hà có thai, nhưng Tạ Phú Vọng đã hy sinh rồi, sao trong nhà có những hai đứa trẻ?
Thắp ba nén hương và lầm rầm khấn khứa, lúc cắm vào bát hương trên bàn thờ, Trần Vũ mới luống cuống nhận ra: - Trên bàn thờ có một bát hương nữa, cũ hơn một chút so với bát hương thờ Tạ Phú Vọng. Anh cố trấn tĩnh, thắp thêm ba nén nhang nữa và hiểu: Mẹ Vọng đã không còn! Chờ cho Hà nguôi dần tiếng nức nở, Vũ mới cất tiếng hỏi:
- Bà cụ mất lâu chưa?
- Bà em đã mất từ đầu năm bảy tư!
- Con đây, là?
- Vẫn hai đứa con em đó. Sinh đôi, anh ạ!
Trần Vũ như người bị trúng gió. Đầu óc anh choáng váng, phải một lúc lâu mới lấy lại bình tĩnh: mình đã có những hai đứa con, và từ lúc chúng lọt lòng mẹ đến giờ, việc nuôi nấng hẳn là khó nhọc lắm. Vậy mà lúc đầu anh đã vội tưởng Hà là người vợ không chính chuyên…
Thấy mình thật là vô duyên, chưa chi đã ghen thay cho thằng bạn quá cố, anh nói, như để chữa thẹn:
- Nay anh đã trở về… Từ giờ trở đi, mẹ con em đã có chỗ dựa…
Sau nhiều câu chuyện của người đi xa, Trần Vũ dần dần đi vào câu chuyện - chủ đề chính của chuyến đến thăm mẹ con Hà:
- Hà ạ! Từ ngày ở trường sĩ quan ra, anh và Vọng được phân công về hai đơn vị khác nhau, từ đấy không có dịp gặp lại, không nhận được tin tức của nhau. Cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, vào Sài Gòn, tình cờ anh gặp lại anh Hùng, người xã Vũ Xá, là bạn học thời phổ thông cùng anh và Vọng. Anh Hùng là chính trị viên của đại đội anh Vọng cho đến ngày Vọng hy sinh đầu năm bảy lăm trong trận mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. Trong ba lô của Vọng có một bì thư đề “gửi Trần Vũ” chưa kịp gửi. Hôm gặp nhau, anh Hùng đã trao tận tay cho anh. Từ bấy đến nay, đi đâu anh cũng mang lá thư của Vọng bên mình. Thư đây, em đọc đi!
Đọc xong lá thư, Hà lại nấc lên dồn dập. Chị nắm lấy bàn tay Vũ, khẩn khoản:
- Anh về với mẹ con em! - Rồi Hà quay sang nói với con: - Hai con ơi! Đây là bố Trần Vũ, bạn rất thân với bố Tạ Phú Vọng của các con…
Gặp lại Vũ, chị nhớ lại hình ảnh đêm ân ái như vợ chồng giữa chị và Vũ ngày ấy. Mặc dù việc này là do Vọng sắp đặt, Hà vẫn thấy ngường ngượng như buổi ban đầu… Anh Vọng là người cao thượng đến không ngờ. Chị phải miễn cưỡng làm theo ý chồng mà thật lòng vẫn ngầm cay đắng cho anh. Nếu có kết quả, thì người bị lừa dối là ba mẹ chồng và dòng họ Tạ!
… Sau ngày gặp mẹ con Hà, Trần Vũ cưới Loan. Từ đó anh biền biệt, hết ở mặt trận Tây Nam lại ra Đông Bắc tổ quốc. Đến năm tám mốt, anh theo học Đại học Quân sự ở Liên Xô, sau đó được cử đi làm chuyên gia quân sự bên Lào. Dù ở đâu, Trần Vũ đều đặn thư từ về cho Hà và gửi tiền chu cấp cho hai con ăn học. Cuối năm chín hai, Trần Vũ từ Lào trở về phụ trách Lữ đoàn 406 công binh, anh thường xuyên đến thăm mẹ con Hà. Từ đây tình cảm giữa anh và Hà sang trang mới, anh dành tình cảm và thời gian cho mẹ con Hà nhiều hơn Loan: Anh đã cùng Hà nâng cấp ngôi nhà lên to đẹp đàng hoàng, có tiện nghi nội thất khang trang. Hai con nhất nhất kính và yêu bố Trần Vũ…
5.
Hai con đang học ở Hà Nội, Hà phải tạm gác việc nhà, tìm đến đơn vị Trần Vũ vì ở nhà có chuyện: Xuất hiện một người phụ nữ lạ nói giọng miền trong… Hà ngạc nhiên, luống cuống nhưng chị vẫn ân cần đón tiếp người khách lạ. Sau vài câu chuyện xã giao, người khách lạ giới thiệu về mình…
“Em tên là Lê Thị Miên, người huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam - người khách lạ tâm sự - Thời chiến tranh chống Mỹ, quê em là vùng tranh chấp, khi ta, khi địch. Chồng em là du kích xã, bị địch bắt. Chúng đem ảnh về quê định xử lý cùng gia đình một thể. Đại đội của anh Tạ Phú Vọng tổ chức đánh trả. Chồng em bị địch bắn chết, trước khi chúng rút lui, nhưng hầu hết mọi người còn lại đều được giải thoát. Anh Tạ Phú Vọng là ân nhân của gia đình em. Ba má em đã nhận anh Tạ Phú Vọng là con đỡ đầu từ nhiều năm, chúng em đều rất quý ảnh và gọi ảnh là anh Hai Vọng. Đầu năm bảy lăm, nghe tin ảnh đã hy sinh, gia đình đã tìm cách lên Tây Nguyên tìm được phần mộ của ảnh, chờ dịp có điều kiện sẽ cải mộ, đem hài cốt anh Tạ Phú Vọng về an táng bên mộ của chồng em trong khu khuôn viên của gia đình theo đúng phong tục của địa phương. Mãi bốn năm sau, gia đình em mới hoàn tất việc bốc mộ của anh. Do em sơ suất, để mất địa chỉ của anh Tạ Phú Vọng, nên không liên lạc ngay được với chị và cháu. Liên tiếp các năm sau thiên tai bão lụt, ba má em lần lượt ra đi, không kịp thực hiện nguyện vọng ra Bắc đến thăm quê quán, gia đình anh chị. Gần đây, em đã liên hệ với Sở Lao động và Thương binh - Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc mới biết được địa chỉ của gia đình. Hôm nay em đã được gặp chị tại nhà anh Tạ Phú Vọng”.
Hai người phụ nữ góa bụa còn kể nhau nghe nhiều chuyện vui buồn đã qua. Cuộc đời của họ sao có nhiều đoạn giống nhau đến thế. Đôi ngày Miên ở lại thăm gia đình giúp Hà thêm vững tin: Chồng mình là con người “đi dân nhớ, ở dân thương” thì mới được gia đình Miên và bà con xứ Quảng đối xử ân tình như vậy, cho nên mình càng phải dạy con sống sao cho xứng đáng với người đã khuất. Hai nữa, nhất thiết phải tìm đến đơn vị gặp Trần Vũ để thông báo tình hình và tìm cách đưa di cốt anh Vọng về quê, nơi có Hà và hai đứa con mà anh Vọng hằng mong nhớ.
6.
Suốt từ bấy đến nay, Loan vẫn chưa biết gì về hai đứa con của Trần Vũ và Lê Diễm Hà, để đến hôm nay đã xảy ra to tiếng. Hai vợ chồng ngồi riêng với nhau một hồi lâu, cơn giận của Loan đã tạm nguôi nguôi, Trần Vũ mới mời vợ sang phòng khách dành cho riêng Hà. Loan đồng ý.
Trong gian nhà khách có ba người: một người đàn ông và hai người đàn bà. Người đàn ông lơ đãng nhìn phía ngoài cửa, vẻ mặt trầm ngâm. Người đàn bà nhiều tuổi hơn, da dẻ trắng trẻo, nét mặt hiền hậu nhìn lên trần nhà như nóng lòng chờ đợi việc gì… Còn người đàn bà trẻ hơn có dáng người nhỏ nhắn, nước da hơi xanh đang nhíu mắt đọc một bức thư dài. Trong thư không biết viết gì mà khiến người đọc tỏ vẻ chăm chú, căng thẳng. Hình như bà vừa đọc vừa khóc!
Trần Vũ thân!
Ở ngoài Quảng Bình mình nhận được thư của vợ. Hà báo tin vui, mình trích nguyên ra đây, Trần Vũ cùng xem:
“Sau ba ngày đêm anh đưa em sang chơi nhà anh Trần Vũ bên xã Ngô Khê, em đã có thai. Mừng quá, em viết thư này báo cho anh biết. Anh Vọng ạ! Nếu đẻ con trai, mình đặt tên con là Tạ Phú Nguyên, nếu đẻ con gái đặt là Tạ Diễm Giang, anh nhé! Thế là chúng ta đã có con – điều mà vợ chồng mình mong muốn đã đạt được nguyện vọng. Mong ngày anh về nhận mặt con”.
Trần Vũ thân!
Chúng ta làm bạn với nhau từ khi còn đi học trường huyện, cùng tuổi, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đơn vị. Rồi đây sống chết sẽ phải có trách nhiệm với nhau, mãi mãi về sau.
Mình đã tâm sự thật tình với Vũ: Cưới vợ được một thời gian mới biết mình không may bị vô sinh nên không thể có con được. Hà - vợ mình cũng biết sự thật này nên rất buồn. Vợ mình đã tính đến chuyện phải xin trẻ sơ sinh ở bệnh viện về để được làm mẹ. Nhưng mình không đồng ý, vì không thể biết nguồn gốc đứa trẻ - mà các cụ gọi là “tông” và “giống”. Mình khuyên Hà, tốt nhất Hà cho phép mình nhờ một người bạn chí cốt giúp đỡ, để Hà vẫn được sinh con bình thường. Khi đó, ai ai cũng phải công nhận là con của vợ chồng mình đẻ ra, miễn là chuyện này cần thận trọng và kín đáo, chỉ có người trong cuộc biết với nhau. Nhưng Hà phản đối kịch liệt. Dù biết mình nói việc này đâu phải là bột phát và Hà trân trọng sự cao cả của chồng, nhưng vợ mình vẫn tủi thân, khóc sưng cả mắt.
Với Vũ, mình đã chân thành nhờ cậy. Khi đó, Vũ còn nói với mình: Chẳng lẽ cậu lại cam tâm để tớ với vợ cậu làm chuyện ngoại tình à? Cậu coi thường vợ, coi thường bạn quá!
Đây phải là chuyện ngoại tình hèn hạ. Đây là sự thỏa thuận ngầm để giúp nhau của ba chúng ta.
Nếu Vũ và Hà không dám dấn thân để có một sự hy sinh cao cả thì làm sao giúp mình gỡ được số phận hẩm hiu. Mình phải phân tích kỹ điều hơn lẽ thiệt, Hà vợ mình mới tạm thông về tư tưởng và đành chấp hành một cách miễn cưỡng ý nguyện của mình. Kỳ nghỉ phép trước khi ra trường để chúng mình đi chiến đấu, mình đã đưa vợ mình sang nhà Vũ.
Vũ nhớ chứ? Vũ còn suy xét mãi mới nhận lời giúp mình, vì khi đó Vũ là con trai tân, còn chưa có vợ! Mấy buổi tối ấy, mình đã tự giác uống thuốc ngủ để Vũ giúp mình công việc hệ trọng đó.
Đến nay vợ mình đã có thai, mình vạn lần cảm ơn Vũ.
Mình thư cho Vũ, cho nó minh bạch và chắc chắn, vì chiến tranh còn có thể kéo dài. Trong chiến đấu, sự mất mát hy sinh với người lính chúng mình không có gì phải sợ. Mình chỉ dặn lại Vũ: Hết chiến tranh, nếu cả hai đều được trở ra Bắc, chúng mình hãy cùng giữ kín việc cả ba chúng ta đã thống nhất làm chuyện ấy - đó là cách tôn trọng tình bạn của nhau. Nếu Vũ hy sinh, mình có trách nhiệm trông nom bố đẻ Vũ như bố đẻ mình cho đến khi về tiên tổ. Và đứa con chung của ba chúng mình đương nhiên sẽ là con Vũ. Nếu chẳng may mình hy sinh, Vũ trở ra Bắc, Vũ sẽ trông nom chăm sóc mẹ mình như mẹ đẻ của Vũ, coi mẹ con Hà là vợ con của Vũ, là máu thịt của Vũ. Khi gặp lại mẹ con Hà, Vũ đưa cho mẹ con Hà đọc lá thư này, để mẹ con Hà được biết đó là lời di chúc của mình để lại.
Vũ ơi! Nếu không còn mình ở trên trái đất này, mình mong Vũ hãy thương mẹ con Hà, nếu Vũ thấy chấp nhận được, Vũ cứ việc… Mình ở chốn xa xăm, lẽ nào mình không phù hộ cho gia đình ân nhân của mình!
Đọc xong lá thư, hai hàng nước mắt đã chảy dài trên gò má Loan.
7.
- Trần Vũ bình thản chờ vợ đọc xong bức thư, vẫn giữ bầu không khí im lặng trong phòng, một lúc sau mới quay lại nói với vợ:
Tôi có ý định sau khi nghỉ hưu, các con ra trường, có công ăn việc làm ổn định, tôi sẽ thưa với bà việc này thật ngọn ngành, rồi cho hai chị em gặp nhau. Không ngờ, nhà ông Vọng có việc đột xuất, Hà muốn xin ý kiến tôi… Chắc bà cũng hiểu, nếu tôi có ý định, thì tôi đã lấy Hà làm vợ từ hồi bảy sáu, nghĩa là trước khi đến với bà một năm…
Loan như người vừa tỉnh sau cơn mê sảng: Trần Vũ đâu có lừa dối, phụ bạc mình. Trong đầu bà hiện lên rất nhanh hình ảnh một chàng trai và một cô gái sắp tốt nghiệp đại học ra trường - thành quả mà bà vô tình không góp tay vun vén… Bà khẽ bật cười khi nghĩ đến câu nói cửa miệng “cá vào ao ta…” và liên tưởng đến phận mình. Nghĩ đến lúc mình còn hằm hằm đứng ngoài cổng đơn vị, Loan thấy sượng sùng, bà trách chồng nhưng kỳ thực là để chữa thẹn:
- Đúng ra, ông cũng nên cho tôi biết trước, chứ đừng để đến hôm nay. Rồi Loan quay sang Hà - Chị Hà ơi! Từ đây trở đi, chúng ta tuy sống hai ngôi nhà, hai địa phương khác nhau, nhưng gia đình thì là một. Chúng ta có chung với nhau ba đứa con, đến đây. Đến đây giọng Loan trở nên nghiêm trang và có phần quyết đoán, cắt đặt - Chị không ở nhà khách đơn vị nữa, về nhà em, cũng gần đây thôi. Cháu Thúy nhà em mới nhập trường học năm thứ nhất, sắp nghỉ tết đến nơi, cháu sẽ về. Tết này em muốn chị đưa hai cháu về đây nhận bố đẻ, nhận thêm mẹ Loan và em Thúy. Ba mẹ con phải ăn tết với gia đình chúng em!
Trần Vũ tiếp lời Loan:
- Có việc này, tôi xin thông báo với hai bà: Sang năm tôi sẽ xin nghỉ phép để trực tiếp vào Quảng Nam chuyển di cốt ông Tạ Phú Vọng về quê.
Hà từ nãy chỉ im lặng, đến giờ bật lên tiếng:
- Bố thằng Nguyên ạ! Cứ để thư thư đã, đến lúc bố nghỉ hưu, thằng Nguyên, con Giang có công việc làm ổn định, lúc đó mới thích hợp để chúng ta đón bố Vọng của chúng nó về. Còn từ giờ nhờ bố thằng Nguyên, nếu đi công tác vào miền trong, thì tranh thủ đến thăm nhà cô Miên và thắp hương cho ba má nuôi của bố Vọng.
 19/1/2018
Nguồn: Tuyển tập tác phẩm đoạt 
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 - 2016
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Olga Berggoltz, những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại 9 Tháng Ba, 2022 Nữ thi sĩ Nga – Xô Viết Olga Fiodorovna Berggoltz sinh năm 19...