Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Yếu tố âm nhạc trong tác phẩm phim truyện

Yếu tố âm nhạc trong tác phẩm phim truyện

I. VỀ YẾU TỐ ÂM NHẠC TRONG TÁC PHẨM PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH.
Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong hệ thống các ký hiệu âm thanh, góp phần quan trọng vào quá trình sáng tạo tác phẩm điện ảnh. Việc điện ảnh đưa âm nhạc vào trong phim đã tạo nên những hiệu quả cảm xúc, đưa lại cho người xem những mỹ cảm. Ngoài ra, ở một số bộ phim, âm nhạc còn độc lập bổ sung ý tứ cho tác phẩm. Người nhạc sĩ viết nhạc cho phim phải dệt những sáng tạo của mình vào một tấm vải chung duy nhất của bộ phim - đó là màn ảnh.
Nghệ thuật điện ảnh đã biết tiếp thu những năng lực hàm ý từ các loại hình nghệ thuật khác, trong đó có âm nhạc. Âm nhạc trong phim đồng hành với hình ảnh, góp phần hỗ trợ cho phần hình ảnh của phim để mình họa cho ý tưởng của tác phẩm và chủ đề của tác phẩm.
Nhạc phim là một thể thức sử dụng những yếu tố âm nhạc nhất định, và cách sử dụng của nó có những nét khác biệt so với tác phẩm âm nhạc tự thân. Cảm thụ âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh hướng sự chú ý của người xem tập trung vào quá trình diễn tiến của hành động phim thông qua hình ảnh và lời thoại.
Vì đặc trưng riêng, nhạc phim không có tính liên tục về mặt thời gian và cấu trúc hoàn chỉnh như ở âm nhạc tự thân. Trong phim, thời lượng nhạc diễn biến chỉ diễn ra ở từng phân đoạn, trường đoạn. Sự thống nhất của nội dung phim đã chi phối tới diễn biến và phương cách thể hiện của âm nhạc, nhằm tạo lập nên sự hoàn chỉnh cho chỉnh thể tác phẩm điện ảnh.
Công việc sáng tác nhạc phim thường trên nguyên tắc dựa vào những yêu cầu cụ thể của kịch bản điện ảnh. Vì hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực hình ảnh, nên âm nhạc viết cho phim thường dùng những phương tiện thể hiện của âm nhạc để góp phần làm nhấn mạnh hoặc lý giải cho các biểu tượng trong tác phẩm điện ảnh. Yếu tố âm nhạc tham gia vào phim đã làm cho ngôn ngữ điện ảnh sinh động hơn và có sức biểu cảm cao.
Âm nhạc trong phim thường không có tính liên tục về mặt thời gian, không nhất quán về cách thức, và phương tiện thể hiện. Đó là hình thức âm nhạc với mối quan hệ tương hỗ giữa hai lĩnh vực chủ yếu: Âm thanh và hình ảnh.
Âm nhạc được xử lý trong tác phẩm Điện ảnh như một yếu tố ngôn ngữ, góp phần phản ánh tâm trạng nhân vật, phản ánh thiên nhiên và thực tại khách quan cuộc sống. Việc sử dụng âm nhạc trong phim đã làm cho tác phẩm điện ảnh trở nên gần gũi hơn với hiện thực.
Những âm thanh hiện hữu trong cuộc sống được đưa vào phim (dù hiện thực hay mô phỏng) đều mang ý nghĩa tạo dựng một không gian, tạo không khí, giúp người thưởng thức dễ dàng thâm nhập vào tác phẩm. Ngoài ra, âm nhạc còn được đưa vào phim với tư cách như một yếu tố nghệ thuật.
Trong tác phẩm Điện ảnh, yếu tố âm nhạc được xử lý dưới nhiều hình thức, để miêu tả tâm tư, tình cảm của nhân vật, được sử dụng để gây kịch tính, hoặc để tạo môi trường không gian cho tác phẩm. Bàn về âm nhạc trong phim, nhà soạn nhạc Khatsaturian cho rằng: Nếu biết cách xử lý thì “Bản thân âm nhạc và tiếng động được xử lý trong phim cũng có thể chơi tốt như một nhạc cụ”.
II. "TÍNH NHẠC" TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG.
Văn xuôi truyền thống Việt Nam cũng mang nét duy cảm của thơ, với lối cấu trúc cân đối, nhịp nhàng, chặt chẽ, có vần điệu. Tính chất này xuất phát từ đặc trưng tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu thanh điệu, tự thân các thanh điệu đã tạo nên “tính nhạc” cho câu văn. Ở thể loại tiểu thuyết xuất hiện sau này cũng mang dấu ấn của truyền thống: tính chất cân đối nhịp nhàng, biểu trưng, ước lệ - những nét đặc thù của văn học Việt Nam. Các thể loại tiểu thuyết, văn chính luận của Việt Nam đôi khi cũng có thể mang chất trữ tình, chất thơ, và mang vần điệu của “tính nhạc”.
Trong tiếng Việt, hình thức thơ vốn được phổ biến khá rộng rãi. Ngôn ngữ thơ ca nổi bật với tính nhịp điệu, tính âm hưởng, tính trữ tình và gợi tạo sự liên tưởng, tưởng tượng. Trong ngôn ngữ thơ ca truyền thống, nổi bật chất nhạc trong thơ, với sự cộng hưởng của ngôn ngữ và tính âm nhạc trong ngôn từ gợi cảm, như cổ nhân từng nhận xét “Thi trung hữu họa” (Trong thơ có họa), và “Thi trung hữu nhạc” (Trong thơ có nhạc).
Hầu như tất cả các loại hình của Sân khấu truyền thống cổ truyền như chèo, tuồng, hay loại hình ra đời sau này như cải lương, bài chòi, đều có một đặc điểm xuyên suốt lấy nguồn âm nhạc từ nền âm nhạc dân gian truyền thống. Âm nhạc và các làn điệu dân ca Việt Nam phần lớn đều mang đậm chất trữ tình với nhịp điệu chậm rãi, âm sắc trầm, gợi tình cảm quê hương, đất nước, cội nguồn,…
Âm nhạc truyền thống thường mang tính biểu cảm rất rõ nét với hai thành tố: dân ca và nhạc cổ. Phần lớn các điệu hát, bài ca được khởi nguồn, phát sinh và tồn tại từ trong sinh hoạt sản xuất, từ trong các dịp lễ hội của người nông dân thời xa xưa. Truyền thống “thiên về thơ ca” của nghệ thuật ngôn từ Việt Nam đã khởi sinh ra lối hát làn điệu dân ca phong phú, với đầy đủ sắc thái “địa văn hóa” của ba miền Bắc - Trung - Nam.
Nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam nổi bật với các đặc tính như: tính biểu cảm, tính tổng hợp và tính linh hoạt cao độ của nghệ thuật âm sắc.
Đặc biệt, khi nghệ thuật sân khấu phương Tây thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, ở Nam Bộ hình thành cải lương như một sản phẩm của trào lưu cải cách nghệ thuật hát bội theo hướng bổ sung những yếu tố của sân khấu phương Tây. Cùng với nghệ thuật cải lương, âm nhạc Tài tử miền Nam đã thành hình. Sự xuất hiện của điệu ca vọng cổ được phần lớn công chúng ưa thích, có thể cho thấy tính biểu cảm và chất trữ tình vẫn là một yếu tố hiện hữu khá mạnh mẽ trong truyền thống của người Việt Nam.
III. BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG ÂM NHẠC.
Bản sắc văn hóa trong nghệ thuật Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử của đất nước. Cũng như các đặc trưng của bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng có biến đổi. Sự biến đổi thể hiện trong việc tiếp nhận và xử lý Việt hóa các yếu tố mới.
Âm nhạc truyền thống Việt Nam là một bộ phận của văn hóa, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật các thế hệ. Bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống Việt Nam thể hiện qua những đặc điểm của dòng âm nhạc dân gian tức nhạc hát - dòng “chủ lưu”, gắn liền với ngôn ngữ.
Bản sắc văn hóa dân tộc trong âm nhạc truyền thống Việt Nam được thể hiện ở “tính biểu trưng”, “tính biểu cảm”, “tính tổng hợp” và “tính linh hoạt”. Các đặc tính này được cụ thể qua các đặc điểm về nhịp điệu, nhịp độ, nội dung, tính chất âm nhạc trong các làn điệu, các bài bản; qua “nguyên lý đối xứng, hài hòa”.
Âm nhạc Việt Nam hiện đại là kết quả sự tiếp biến từ âm nhạc châu Âu vào âm nhạc Việt Nam, làm biến đổi những phương thức biểu đạt của âm nhạc Việt Nam trên hai lĩnh vực Thanh nhạc và Khí nhạc.
Về khí nhạc, âm nhạc Việt Nam hiện đại xuất hiện các tác phẩm mới viết cho các nhạc cụ truyền thống; các tác phẩm kết hợp nhạc cụ truyền thống với các nhạc cụ có xuất xứ từ châu Âu và các tác phẩm viết cho các nhạc cụ có xuất xứ từ châu Âu.
Các tác giả Việt Nam luôn có ý thức thể hiện bản sắc dân tộc trong các tác phẩm của mình. Bản sắc dân tộc đó được thể hiện thông qua sự vận dụng các đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong tác phẩm; từ nhịp điệu, nhịp độ đến cấu trúc âm nhạc để xây dựng bè giai điệu, bè đệm cho đến các kỹ thuật diễn tấu mang sắc thái dân tộc của nhạc khí. Bản sắc dân tộc được thể hiện trong việc sử dụng âm nhạc từ các bài dân ca, các bài bản trong các thể loại âm nhạc truyền thống làm giai điệu chủ đề tác phẩm.
Để xây dựng nên một không gian hiện thực cuộc sống sinh động với những diễn biến về tư tưởng, tính cảm. Tác phẩm Điện ảnh đã sử dụng những phương tiện âm thanh - ngoài ngôn ngữ thoại còn có các thành tố như: âm nhạc, tiếng động,… Trong thành phần âm thanh của điện ảnh thì yếu tố âm nhạc trong sáng tác phim truyện Điện ảnh, Truyền hình đã được đặc biệt quan tâm.
Đề cập đến “yếu tố âm nhạc trong tác phẩm phim truyện Điện ảnh”, phân tích về “tính nhạc” trong tác phẩm văn học nghệ thuật truyền thống, nói về bản sắc dân tộc trong âm nhạc nhằm tạo nên một sắc thái riêng biệt - sắc thái dân tộc trong tác phẩm phim truyện Điện ảnh và Truyền hình - Đặc biệt là đối với các sinh viên đang được đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
18/3/2015 
Phan Thị Bích Hà
Theo http://skdahcm.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, như...