Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại (Phần 2b; Quyển 1)

Nhà văn Vĩnh Phúc hiện đại
(Phần 2b; Quyển 1)

HẢI THANH LÀM MỚI LẠI THƠ LỤC BÁT
Nguyễn Hưng Hải 
Không ngắt nhịp, xuống dòng, không tìm thi tứ lạ nhưng Hải Thanh đã làm mới lại những câu thơ lục bát bằng thi liệu và những ý tưởng đan cài nhiều vỉa tầng thành tư tưởng đầy can dự vào thời thế và nhân thế. Khác với thơ lục bát của Nguyễn Bính nghiêng bút chủ âm về nỗi buồn, về tình yêu lỡ dở, về một nông thôn đang “trôi” dần khỏi nông thôn, thơ lục bát của Hải Thanh là tiếng lòng nhiều trắc ẩn, là một thái độ rõ ràng của một tâm thế luôn đứng ra bênh vực và bảo vệ cho cái đẹp đã và đang bị băng hoại. Sự chuyển dịch về lối sống, về quan niệm, về kết cấu làng xã, văn hóa ở nông thôn đang tiệm cận với văn minh đô thị. Nhưng hệ lụy từ nó cũng để lại nhiều vết thương, nhiều niềm đau, nhiều sự tiếc nuối. Hải Thanh đã dũng cảm dấn thân vào mảng đề tài tưởng như quen thuộc, thân thuộc mà lại vô cùng khó viết này. Và anh đã biết tìm đúng mạch, khơi đúng lạch luồng, khắc họa được một nông thôn vùng trung du Bắc Bộ đang có nhiều sự lạ và cái mới trong “Tự thanh II” xuyên suốt cả tập thơ một đề tài, một cái nhìn nhất quán, một trăn trở nghĩ suy đầy trách nhiệm. Trong tập thơ này, Hải Thanh đã “chạm” đến cái “hồn” của dân tộc, xác lập được những giá trị mới trong việc tìm tòi, đổi mới thơ truyền thống. Và qua đó, anh đã cho chúng ta thêm hiểu biết về những sự chuyển dịch trong cả đời sống và tư tưởng ở nông thôn hiện nay. Đã có rất nhiều truyện, ký viết về nông thôn – nông nghiệp – nông dân khá hay nhưng để có một tập thơ hay ở mảng đề tài này là một thử thách đối với bất cứ nhà thơ nào. Ngay cả những tên tuổi về lục bát thì “tỉ lệ” những bài lục bát hay viết về nông nghiệp – nông thôn – nông dân cũng còn  khiêm tốn. Nói như thế để thấy “Tự thanh II” của Hải Thanh thực sự là một đóng góp cho thi đàn cả nước, trong việc khắc họa chân dung những con người, tâm trạng của nhân thế và thời thế ở nông thôn trong thời hội nhập.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó của tỉnh Vĩnh Phúc đang có rất nhiều cái mới lạ, đi đầu trong cả nước, nên Hải Thanh thấm được những sự thẩm thấu và bứt phá. Đi qua những lời du dương dễ ru ngủ những tâm hồn; đi qua những vũng ao làng đầy váng chua, bèo tấm; đi qua sáng tối những mặt người nơi đồng quê lam lũ, Hải Thanh đã đến được căn cốt của cõi người trong những sáng tạo mang tính truyền thống nhưng lại đầy can dự, bứt phá theo hướng hiện đại. Và trong sự hiện đại ấy, Hải Thanh đã lắng lọc qua chuyển dịch, để hiện rõ một giọng điệu, một phong cách biết làm lạ đi nhiều sự đã quen, làm mới lại những điều đã cũ. Nông thôn qua cái nhìn của Hải Thanh là một nông thôn đang vận động, đang chuyển dịch, đang có rất nhiều việc phải làm, nhiều điều phải nghĩ ngợi, phải quan tâm.
Tắm mình trong văn hóa làng với một tuổi thơ đẫm đầy nước mắt, ngày khôn lớn lại chịu nhiều va đập, lúc trưởng thành vẫn cô đơn (không cô đơn khó mà viết được) Hải Thanh đã “Tự thanh I”; “Tự thanh II”, nghĩa là trong chủ đích rõ ràng về sự trong xanh, trong sáng, anh luôn khát khao về cái đẹp và luôn mong muốn cuộc đời này tươi đẹp, dẫu rằng đã có lúc tự mình phải thốt lên: “Ao sâu mơ chẳng thành ngòi/ Đất nâu đổi sắc muôn thời vẫn nâu”. Ngẫm mà thấy đúng quá, ngay cả với người viết bài này cũng vậy, dù ra phố ở đã lâu mà vẫn không thành người phố được. Quê đã ngấm vào trong máu. Ngày bươn chải phố phường có thể không nghĩ đến nhưng về đêm, quê lại trỗi dậy, lại “hành xác” như Hải Thanh ám ảnh: “Vẫn là trong héo ngoài tươi/ Chợ bao nhiêu nỗi khóc cười đi qua”. Có vào chợ quê trong những ngày mưa gió mới có thể thấm được nỗi sụt sùi của trời đất, của lòng người nơi thôn dã. Và cái chợ quê ấy, hôm nay cũng đã khác trong thơ Hải Thanh, khi mà tác giả đã cho ta một trải nghiệm, đúc rút: “Vẫn đây câu chuyện làm quà/ Để anh hàng trứng trở ra hai lòng”. Cái sự thật tưởng như không thật này, đang là một trớ trêu ở nông thôn khi bước vào cơ chế thị trường. Một nông thôn thuần nhất với bờ tre mái rạ đang được bê-tông hóa, và lòng người cũng có lúc đã đông cứng lại như bê-tông: “Từ khi em nắm chính quyền/ Em nghen nghét cả láng giềng trẻ trung”. Câu thơ ngỡ như chẳng có gì ăn nhập này lại rất ăn nhập với khung cảnh nông thôn đang có nhiều chuyển dịch: “Quê già phố xá thì non/ Làm cho lũ trẻ lon ton bỏ nhà…”. Trong vô vàn cái sợ, Hải Thanh đã cảnh tỉnh: “Sợ rằng mình cũng bê-tông/ Thèm nghe cổ tích lại không còn bà/ Sợ ai buộc lạt quê nhà/ Bưng ra phố xá bảo là… mớ rau!?”
Ta vẫn quen nói với nhau “lạt mềm buộc chặt”… Vậy mà Hải Thanh lại đem đến một liên tưởng khác, liên tưởng ấy như tâm sự, như giãi bày nhưng cũng là ý thức rất rõ về mình, về người, về những sự thay đổi: “Mưa nhiều ruộng thấp thành ao/ Nắng lâu cái đám đất cao thành đồi”. Lẽ dĩ nhiên là như thế, đương nhiên là như thế nhưng vẫn không hết lạ, khi mà đâu đó vẫn đập vào mắt ta: “Bến tri âm khuất bóng rồi/ Mênh mang nước; mênh mang trời; mênh mang…”.
Trong nỗi mênh mang ấy, Hải Thanh đã bơi trong cảm giác có nhiều bấu víu như những tay tre: “Mẹ là đấu gạo ăn đong/ Con là nồi nước đợi trong đói mèm/ Cha là chút lửa đất đèn/ Hóa thân khói trắng khói đen khói gì”.
Những thân phận ấy là thân phận của nông dân một thời, cũng là thân phận của Hải Thanh ở nơi phố xá những khi nghĩ về cội gốc: “Học trò vẫn học nghề nông/ Bài văn thầy giảng lại không có cày…”.
Trong bao nhiêu cái “suông”: Trăng suông, rượu suông, tình suông – Hải Thanh đã mang đến cho chúng ta một bữa tiệc về cái sự buồn và đẹp ở quê: “Này chén chú, này chén anh/ Uống đi rồi húp bát canh cua đồng”.
Giơ đôi càng lên cũng như con cua đồng ấy, Hải Thanh không phải chỉ “dọa” đâu, mà anh cho chúng ta nhận ra nhiều sự trắng trợn: “Bây giờ lời lãi con buôn/ Mang ra giữa chợ làm khuôn cho đời”.
Cái “khuôn” ấy, có lẽ chỉ xuất hiện trong thời cơ chế mở - Hải Thanh đã nhìn thấu vào tận cùng của những cái gợi là khuôn mẫu - Và anh đã lại một lần nữa giác ngộ: “Từ khi chân chậm mắt mờ/ Con như hoa thắm chẳng sờ thấy hương”.
Vẫn biết “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng lầm lụi như người quê dưới bóng tre bóng mít, ngàn đời nay vẫn cứ quanh quẩn mãi, liệu có ai biết được tâm trạng này: “Bếp rơm rớm lửa dầm dề/ Khói mê man khói để khê đặc chiều”.
Có cảm giác cay mắt, cay cay nơi sống mũi khi gặp nhiều những câu thơ như thế trong “Tự thanh II” của Hải Thanh. Cái lạ nhất ở tập thơ này là viết về nông thôn mà vẫn thấy bóng dáng thị thành, viết về nỗi buồn của người quê một thuở mà cảm được cái buồn muôn thuở của làng quê Việt. Lạ nữa, là trong tiếc nuối những cái đẹp truyền thống bị mất đi vẫn thấy thấp thoáng cánh cò trong ca dao, vành nón trắng trên đồng và tình làng nghĩa xóm - nơi tắt lửa tối đèn có nhau. Còn cái mới, dĩ nhiên rồi - rất mới là đằng khác - ấy là những can dự vào nhân thế thời cuộc, tuy không bạo liệt, nhưng cũng vừa đủ để chúng ta nhận ra những góc khuất, những chỗ giột, những xê dịch… Mới ở cách nhìn, cách cảm, cách lập tứ dụng câu, dùng từ. Mới ở cảm quan về một thế giới nông thôn muôn thuở đã có nhiều sự khác. Mới về ý tưởng, về ý thức cảnh tỉnh và thức tỉnh - Hải Thanh đã viết về mình, về nông thôn, về vùng quê mình gắn bó bằng cả sự nuối tiếc và trân trọng nên cho ta cái cảm giác “nhìn giọt nước thấy mênh mông biển cả”. Soi chiếu vào đó ta thấy một nông thôn không giống nông thôn ngày nào ở sự ăn đong, ở niềm tạm bợ, ở ánh trăng suông - buồn nhưng đẹp. Buồn bởi nhiều nét đẹp truyền thống mất đi. Nhưng đẹp bởi nông thôn với muôn sự va đập vẫn là nơi bình yên, ấm áp để ta đi - về những khi lòng mình có điều gì oi ngạt. Và như thế “Tự thanh II” đạt đến sự lạ, và trong sự lạ, gặp một Hải Thanh quen thuộc nhưng rất mới trong việc tự làm mới lại mình, làm mới lại thơ lục bát Việt.
 
N.H.H
 
 

B - MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
 
 
CHỢ QUÊ
 
Vẫn là gạo, vẫn là ngô
Chợ bao nhiêu gió để khô mặt người
Vẫn là trong héo ngoài tươi
Chợ bao nhiêu nỗi khóc cười đi qua…
 
Vẫn đây câu chuyện làm quà
Để anh hàng trứng trở ra hai lòng
Vẫn đây cam quýt đèo bòng
Để cô bán rượu chán chồng, vì men…
 
Như là lạ, như là quen
Vẫn đây cay đắng hằn lên kiếp người…
 
 
 
 
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở MỘT BẾN SÔNG
  
Bây giờ chị lại ngồi thêu
Mang ra chợ bán những điều ước mong
Bây giờ chị lại ngồi hong
Những vuông lụa trắng cất trong vại sành.
 
Bao nhiêu mưa gió tanh bành
Người trong một kiếp phải đành xa nhau
Những là nước cả sông sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.
 
Bây giờ chị lại lặng im
Trách đi trách lại con tim dại khờ
Bỗng dưng chị bước sang đò
Xa xăm chỉ thấy một bờ cỏ gianh.
 
Nắng về bên ấy nắng hanh
Chị về bên ấy lắm chanh
                                        chợ chiều…
 
 
 
 
 
THƠ TẶNG CHỊ
 
Chị mấy mươi năm lặn lội
Gom về được mấy cây tre
Tưởng chị dựng túp lều trên đảo nổi
Mênh mang sóng dội tứ bề
Nhưng chị đã ở trần
Chẻ tre làm củi
Cho bếp lửa sau những mẻ lưới mất mùa
                  đỡ lạnh mỗi đêm mưa
 
Chị lấy chồng xa thế
Hàng năm trời chẳng có dịp thăm quê
Em cũng chả có thời gian mà nhớ chị
Chỉ đôi lúc hình dung sóng gió đổ trăm bề
 
Giờ hằng đêm chị có còn kịp khóc
Như thuở nào ấm ức bởi đòn roi
Và mỗi ngày chị có còn dịp hát
Như ngày xưa sắc nước hương trời
 
Em tưởng tượng
Chị giống chiếc thuyền gầy kéo theo bao
thuyền con vội vã
Cập bến này lại tiếng gọi bến kia
Chị như nước hồ vơi cho mấy ngả
Biết bên nào khô quá để phân chia
 
Cứ như thế ngày nối ngày như thế
Không gì vui cũng chẳng có gì buồn…
 
 
 
 
 
 
 
XUÔI DÒNG CỔ TÍCH
 
Nội nửa đời gồng thuê gánh mướn, lúc thanh thản đôi vai nội quen gọi: ơi trời. Không biết chữ nhưng sau mỗi ngày tàu muộn, nội vẫn hay kể sự tích đất và trời cốt để tôi vui.
Cha tôi đi… xương trắng giữa trời, chiến trận nào ai hay biết. Chiếc đòn gánh lại được mẹ tôi tự đặt lên vai mình như một lời phó thác.
Tôi không rõ những gì sau mỗi ngày được - mất. Nội qua đời, mẹ vẫn thì thầm cổ tích kể cho tôi…
Quê muôn thuở chiếc đòn tre gánh những ông trời. Mẹ bảo tôi cũng chính là một ông trời con của mẹ. Mẹ dẫm dãi chăm tốt tươi hoa lá - cho một ngày tôi lớn để rồi xa…
Cứ thế hạt phù sa đắp bồi thương bên lở. Cổ tích truyền đời: Quê vẫn chỉ là quê trong thương nhớ - Quê vẫn chỉ là quê gió mưa xiêu xọ - kẽo kẹt đòn tre lặng lẽ xuôi dòng…
 
 
 
 
 
 
 
CÁNH ĐỒNG CÓ MẸ
 
       Miên man gió, dưới trời không bóng cỏ
      Người làng đi lánh khổ những phương nào
      Tôi run rẩy cầm nén hương cháy đỏ
      Gọi mẹ mình trong tiếng gió nôn nao
 
      Chẳng biết những gì sẽ tới
      Nhưng sẵn tin năm tháng đổi dời
      Có mộ mẹ nên cánh đồng bớt tủi
        Những thân cò thân vạc đỡ đơn côi… 
 
 
 
 
 
 
 
TÂM SỰ Ở QUÊ
 
Mưa nhiều ruộng thấp thành ao
Nắng lâu cái đám đất cao thành đồi
Mẹ ta tóc bạc da mồi
Khấn mây khấn gió khấn trời xa xăm…
 
Ngoài kia bao nỗi nhọc nhằn
Lại thêm bao sự cỗi cằn về quê
Quanh năm một gánh bộn bề
Người quên cả nỗi người tê tái buồn…
 
Quê già, phố xá thì non
Làm cho lũ trẻ lon ton bỏ nhà…
 
 
 
 
 
 
 
 
DÂN CA
 
1.
Chuyện kể
Một đêm thanh
Có người đàn bà gánh nước
Bắt được câu dân ca ai đẻ rơi đỏ hỏn giữa sân đình
 
Năm năm
Mười năm
Câu dân ca ấy lớn lên
Từ nước mắt của người đàn bà đêm đêm gánh nước
(Tưới vun vầng trăng khuyết)
Rồi gửi hồn cho ly biệt một mùa thương.
 
2.
Làng đã thành tên
Đêm đã đêm tròn
Rêu khỏa lấp những nét buồn xưa cũ
Cả dáng dấp những hình hài vô chủ
Trên đất gầy
Nức nở gọi yêu thương
 
Và trăng tha phương
Và đêm lên đường
Để lại đằng sau câu dân ca chinh phụ
Ôi
Xương trắng của bao người lam lũ
Chỉ để giữ một tên làng bất tử
Với dân ca…?
 
 
 
 
 
 
MẸ Ở QUÊ
 
Nhà ở quê chỉ có mẹ bảy mươi với con chó mồ côi đỡ tuổi già lẻ bóng (chỉ có hai cái bát, hai cái nồi, một đôi đũa gọi là đôi - nhưng chẳng mấy khi mẹ dùng đũa bát, chiếc thìa mòn vẹt, mẹ run rẩy xới bên này, khuấy bên kia, mỗi ngày một lần thổi lửa…).
Nhà ở quê có mẹ già như chiếc lá, bên mảnh vườn con một chiếc cuốc mòn, đất quê mênh mông luôn in bóng mẹ, phố xá phồn hoa lời mời không lẽ… mẹ quen sống nghèo đâu dễ xa quê.
Nhà ở quê có tấm áo mưa mẹ thường lăn sàn mùa hạ, chiếc chăn chiên cha để lại mùa đông; mùa tiếp mùa trăn trở, chiều nối chiều với trông, đường trơn dài dễ ngã, mẹ làm sao yên lòng…
Nhà ở quê vẫn chỉ một bếp lửa bập bùng mẹ nhóm những nhành khô cho mầm xanh lớn dậy.
Nhà ở quê một tháng có ba mươi mốt ngày thứ bảy, biết con không về mẹ vẫn đợi cơm…
 
 
 
 
 
 
  
TRÊN VAI TRUYỀN THUYẾT
 
Không phải Ngũ Hành Sơn mọc trên vai truyền thuyết
Người xưa liệu mình
Trước mờ mịt gió mưa
Hồn non nước
Nhuốm bao nhiêu tang tóc
Những màu mây thêu dệt chẳng nên mùa
 
Đất vẫn khát giữa bốn bề hoang lạnh
Biển miên man những đợt sóng thét gào
Trong hoang hoảng sắc trời u ám
Đời bắt đầu tơ tưởng đến trăng sao
 
Rồi nắng đến
Giữa một ngày êm gió
Hạt giống cựa mình hé mở mầm xanh
Rồi nhánh nước ngọt lành
Như sữa mẹ
Mang vơi đầy chia sẻ
Nghĩa em anh
 
Núi biết vươn vai giữa trời cao lộng
Biển biết lùi xa nương bóng con tàu
Như quả trứng
Như cái móng rùa thần
Như bàn tay che chắn
Như truyền thuyết nghìn đời gửi gắm lại muôn sau…
 
Rằng,
Khát vọng yên lành không thể khác
Ngũ Hành Sơn, Non Nước
Những vương triều…
Núi chở che cho người
Người chở che cho đất
Đất nước là điều thứ nhất để tin yêu.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NỖI NIỀM BÊN ĐẦM VẠC
 
       Nước nguồn trong mát thế
       Cây xanh đến nhường kia
       Một chiều nào trở gió
       Những đàn chim không về
 
 
 
 
 
 
 
 VỀ  LÀNG
 
Mê mải những vần thơ có cánh
Một chút xanh đã tưởng đỉnh trời
Tôi chẳng biết đời bao nhiêu nóng lạnh
Chợt thẫn thờ trước ngàn vạn gió mây trôi
 
Ngày trở lại, gặp miệng cười vồn vã
Hỏi nhớ gì nơi xóm Hạ ươm tơ?
Tôi biết trả lời sao, em khác quá
Cứ như quê hoá phố tự bao giờ
 
Tất cả vẫn hồn nhiên như bắt được
Một sớm mai đầy những giấc mơ vàng
Tôi ngơ ngẩn nhìn đám mây sũng nước
Chợt giật mình trước bão táp mang mang…
 
 
 
 
 
 
 
 
MỘT KHOẢNG ĐƯỜNG
 
… Thế là đi
Trái tim
Khối óc
Tôi hay ai khác
Đâu là đâu
Cho đến được bây giờ
 
Tôi trở lại những miền quê cực nhọc
Cánh đồng dở mặn dở chua
Khoai sắn nối dài thay những mùa thóc lép
Những cánh rau xanh gượng mọc
Cỏ hoang cằn cọc ria bờ
 
Tôi đã trở về ngày xưa
Cái ngày xưa ở giữa vườn cổ tích
Có bà Tiên, ông Bụt
Xòe tay nâng giấc mơ buồn.
 
Tôi gặp lại dáng mẹ tôi ngơ ngác
Sau chiến chinh mòn gót tìm chồng
Như mảnh đất vắt nghèo nuôi trái ngọt
Mẹ vẫn cầm mơ ước trở về không
 
Có lẽ phút giây này
Tôi đã được làm tôi bé nhỏ
Òa khóc trước tổ tiên, thương mẹ vô bờ
Tôi
Cánh phượng tím đang thì rụng vỡ
Con ve sầu khản cổ gọi hè xưa…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
GỌI EM
                   Cho em gái út tôi
 
Con tàu chợ đưa em tới thiên đàng
Thật rồi ư
Đừng có đùa dai như thế
Em mười bảy tuổi chưa tròn
Tay còn hơi vú mẹ
Sao đá hóa bồng bềnh trong khói mây?
 
Quà chợ mẹ mua phần cả cho em đây
Cầm lấy đi
Đừng có đùa dai như thế
Đất quê gầy dù có là ga lẻ
Chẳng nỡ nào em giận dỗi
Theo gió ngàn về vui với trăng sao
 
Tỉnh lại đi ơi chiêm bao
Em sẽ thấy một đêm đầy trăng
Một ngày ngập nắng
Mùa vàng xôn xao những trưa hạ trắng
Những cánh thu chiều ăm ắp ca dao
 
Tỉnh lại nào chiêm bao
Mưa cũng biết điều ngớt hạt
Luống khoai đã vùi xong đất
Dù gánh rạ em chưa đầy
 
Chiêm bao em ơi lại đây
Đừng đùa dai như thế
Trên cánh đồng sứt mẻ
Hạt bụi đâu làm mắt trời ứa lệ
Ô hô!
 
 
 
 
 
 
 
 
TUỔI THƠ
 
Tuổi thơ tôi có con chuồn chuồn ớt
dật dờ trên vũng nước
mang theo câu ca mặn chát:
chuồn chuồn đi cấy cho ma
ma cho bát gạo cúng cha chuồn chuồn
 
mang máng những màu sơn
nhở xíu bàn chân tôi đã đặt vào mảnh đất
có con chuồn chuồn tím đỏ
đất nước,
làng quê nào cũng có nghĩa trang
và có những ngôi chùa tháng đôi lần ngỏ cửa
 
Những người đi đã đi không về nữa
nhưng tuổi thơ tôi còn nhớ
mẹ hay dắt ngoại lên chùa
đọc kinh cứu khổ
cho mảnh đất có con chuồn chuồn tím đỏ
cho tôi lớn lên mở mắt nhìn bầu trời câm gió
chiến chinh như thể mây mù
 
Tuổi thơ tôi cứ thế đánh đu
trên cái võng là lưng con ngựa già mòn chân chiến trận
thay lời ru là những buổi lên chùa
như ngoại và mẹ tôi
và bao thế hệ đàn bà cô quạnh
đã cháy hết mình như lửa hóa chân nhang
cho những ngày sau trắng án
Những tượng đài nghĩa trang ngày một cao hơn
tượng trưng cho lá bùa giải hạn
tuổi thơ tôi,
với con chuồn chuồn ớt xa đâu
mang câu ca nào chát mặn:
chuồn chuồn đi cấy cho ma…
tuổi thơ cứ thế trôi qua
buồn thương không quay về bát gạo…
 
 
 
 
 
 
 
 
MỘT KHÚC TUỔI MÌNH
 
Kể từ cái đoạn ham chơi
Lấy nơi kín gió làm nơi hẹn hò
Em gầy như những giấc mơ
Anh đen như nhánh củi khô nhuộm dầu
Quê mình nắng gió không đâu
Bùa yêu vẫn rực đỏ màu yêu đương…
 
Rồi em buôn bạn bán phường
Anh say quên cả con đường chưa say…
 
Sau cơn tối mặt tối mày
Có con nhền nhện giăng dây mối sầu
Qua cầu trông xuống sông sâu
Thấy hình gương mặt nát nhàu như dưa…
 
Lá xanh thì trả về xưa
Người xuân xanh đã lên chùa tụng kinh…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TRUNG DU
 
Khi tôi lớn lên
đất đã chìm hoang vắng
cây cọ khát chìa tay xin giọt nắng
vắt đời xanh
 
Ý nghĩ loanh quanh
chân dệt bước bập bềnh mặt lộ
chia từng ngọn ghó
chắt chiu hoài chưa đủ một ngày mai
 
Gánh tình em gổng nghiêng vai
hững hờ duyên khách đùa dai chợ chiều
mái gầy bóng quán đổ xiêu
lắt lay một cánh diều kêu rợn người
 
Đất rách tả tơi
trăm ngàn hạt cát
cuộn dòng bụi bạc
mắt đường mù sương
 
Tiếng hạc cô đêm
mẹ già như ngọn đèn leo lét
em như vành môi khuyết
quay với vòng trung du…
 
 
 
 
 
 
 
 
ÁM ẢNH
 
Ám ảnh tôi đêm đêm
Là những bóng người cụt đầu
Chân đất
 
Ám ảnh tôi đêm đêm
Là những bộ xương hóa thạch
Không tên
 
Ám ảnh tôi đêm đêm
Là những cơ thể như chiếc túi vải mềm đầy vụn sắt
Lang thang dọc đường
 
Ám ảnh tôi đêm đêm
Là những cành cây xác xơ sằng sặc tiếngcười
Trong gió rét
Tất cả bước ra từ bóng đen
Bóng đen chật ních
Của thường đêm
 
Hình như đấy là dư ảnh, dư âm của ngày qua vọng lại
Sau những cuộc chiến vô tình
Những thiên tai cố ý
Sau những gỉ gì gi lý do sẵn kể
Cả những sự cợt cười qua nét mặt hồn nhiên!
 
Ám ảnh tôi là một bảo tàng
Có thời gian và bia đá
Có mặt người và dạ thú
Giữa muôn trùng bể dâu
 
Cảm giác trọc đầu
Trong khoảng không êm ả
Tôi muốn cố quên đi
Mà đêm đêm trong giấc ngủ
Cánh cửa bảo tàng rạng mở
Ở đó,
Có cả cuộc đời mà không có ai…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
THÁNG MƯỜI, NGƯỜI QUÊ
 
Bát cơm gạo mới đầy cười
Vênh vênh khúc cá tháng Mười nằm trên
Ước mơ cũng đáng đồng tiền
Làm chi cái chức cái quyền trao tay...
 
Mưa đêm phụ bạc nắng ngày
Tháng năm thấp thỏm bát đầy bát vơi
Có đâu sẵn cỗ mà ngồi
Sẵn xôi mà nắm, sẵn trời mà kêu…
 
Liêu xiêu ngọn gió qua chiều
Sợi dây dưới ruộng cánh diều trên không
Tháng Mười bỗng chốc mênh mông
Bao nhiêu gốc rạ giữa đồng chơ vơ…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TUỔI THƠ BÊN BỜ SÔNG VẮNG
 
                  Tôi nghèo lắm chẳng có gì để khóc
                   Như những người nước mắt sẵn như mưa
                  Tuổi thơ buồn chỉ có những giấc mơ
                   Giờ tan biến vào mây và gió loãng.
                                                                 H.T
 
Giở tờ lịch cuối năm
Sực nhớ tuổi thơ xưa bên bờ sông vắng
Đã trôi theo con thuyền trăng đầu tháng
Sang bên kia đỉnh trời.
 
Sang bên kia đỉnh trời
Những giỏ ước mơ tôi
Có con cua, con cá
Những cánh cò chở ắp câu ca dao ngày hạ
Những ổ rơm nồng, bát cơm tấm… những đêm đông.
 
Những ổ rơm nồng, bát cơm tấm… những đêm đông
Lấm láp hương đồng
Không ai bán mua, không ai mặc cả
Thị trường không định giá
Quê nghèo, quê vẫn chỉ quê thôi.
 
Quê vẫn chỉ quê thôi
Xao xác góc trời
Tuổi thơ chết dưới vũng bùn nhão nhét
Con trâu ra khỏi làng, quên mất mình lấm lết
Vui hay buồn, nước mắt khác gì nhau.
 
Nước mắt khác gì nhau
Khác ở cái gật đầu…
 
 
 
 
 
 
MỘT MÌNH NGỒI NGẮM MÙA ĐÔNG
 
Một mình ngồi ngắm mùa đông
Mưa giăng kín mặt buồn trông thấy buồn
Ngoài kia mấy chú chuồn chuồn
Lướt đi lướt lại như buôn sự đời
 
Ao sâu mơ chẳng thành ngòi
Đất nâu đổi sắc muôn thời vẫn nâu
Thế rồi con cá cắn câu
Con chim mắc lưới biết đâu là mình
 
Em về với mộng tươi xinh
Còn tôi đổ chén rượu tình xuống sông
Một mình ngồi ngắm mùa đông
Vẫn mưa như cũ mà không thấy gì…
 
 
 
 
 
 
 
NỖI NIỀM BÊN ĐẦM VẠC
 
Nước nguồn trong mát thế
Cây xanh đến nhường kia...
Một chiều nào trở gió
Những đàn chim không về...
 
 
 
 
 
 
 
Ở PHÍA SAU NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC
 
Ở phía sau ngôi nhà hạnh phúc
Có cánh đồng thúc giục những mùa xanh
Ở phía sau ngôi nhà hạnh phúc
Có mầm non không đủ sức lên cành
 
Ở phía sau ngôi nhà hạnh phúc
Có bức tường rêu mọc trong rêu
Có ngọn gió thoảng qua trời vẩn đục
Có con mương rữa mục những thân bèo
 
Ở phía sau ngôi nhà hạnh phúc
Có lối mòn không thẳng tắp để người qua
Có phiên chợ đủ bà già, kẻ cắp
Có người xưa đôi lúc vẫn đưa quà…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
QUA ĐỈNH PHÙ VÂN
 
Qua đỉnh phù vân còn ngoảnh lại
Dại khờ biết hỏi những ai khôn
Ở đây mây gió trong lành thế
Bạc cả niềm vui, cả nỗi buồn…
 
 
 
 
 
 
 
SỢ RẰNG MÌNH CŨNG BÊ-TÔNG
 
Tự nhiên như bắt được tiền
Làng xây mới cả ưu phiền dáng quê
Mang câu “giấy rách giữ lề”
Mà không ngăn được lời thề gió bay
 
Thôi đành bắt tỉnh làm say
Bắt mưa thành nắng, bắt ngày thành đêm
Thôi đành làng đã thay tên
(Tại con diều sáo bỏ quên cánh đồng)
 
Sợ rằng mình cũng bê-tông
Thèm nghe cổ tích lại không còn bà
Sợ ai buộc lạt quê nhà
Bưng ra phố xá bảo là… mớ rau!?
 
 
 
 
 
 
 
 
NỖI QUÊ
 
Trời xa. Người vẫn trông sau trước
Lỗi hẹn chiêm - mùa, nỗi nước sông
Bao nhiêu trong vắt thời đâu mất
Chỉ thấy miên man khói ngập đồng
 
Chiều nay. Ngày cũ còn lưu lại
Chút nắng mơ mòng ở cuối thôn
Có người bươi rác mừng trông thấy
Một mảnh đồ chơi chửa nhuốm buồn…
 
 
 
 
 
 
 
 
HƯƠNG KHÓI MONG MANH
  
 Cái đói chỉ có ở mẹ
Những người đàn bà bây giờ không đói nữa đâu;
Cái rét chỉ có ở mẹ
Những người đàn bà bây giờ không rét nữa đâu;
Nhưng ngày xưa thì mãi trẻ
Ngày nay cứ ra vẻ mình già…
 
Ẩn khuất trên bàn thờ
Những di ảnh của mẹ, của bà
Vẫn nụ cười đôn hậu
Những đôi mắt như giếng nước mùa thu
Bát ngát như cánh đồng lúa đang thì con gái…
 
Năm tháng đi qua, đi qua mãi
Bàn thờ vẫn đứng yên
Khói hương thì đã khác.
 
 
 
 
 
 
 
 
DAY DỨT LÀNG QUÊ
  
 Mẹ ơi
Mẹ ở đâu
Phía trước là sông
Phía sau là núi
Làng quê râm ran nắng mới
Bơ vơ con
Một tiếng gọi Người
Đất làng còn đây
Tên làng giờ  đâu
Bờ tre làng đây
Lũy tre làng đâu
Con cuốc bờ ao
Xa xăm tiếng cuốc...
Những câu ca dao gầy guộc
Lang thang tìm chốn nương thân
Cô đơn đầy ắp
Năm cũ xa, năm mới cũng xa dần
 
Ngọn đèn sắp tắt
Cái bóng lắt lay như khóc
Vầng trăng lu
Cái bóng ngả nghiêng như cười
Nỗi khổ bao đời cất thành tiếng hát
Tiếng hát như chim thao thiết đại ngàn
 
Con chim khôn tìm đậu nóc nhà quan
Con khờ dại
Giữa bờ tre, mái rạ
Mẹ thương lắm vì con là con mẹ
Trong khổ nghèo người hết mực thương nhau
 
Thương nhau chẳng lọ sang giàu
Mong manh dải yếm qua cầu gió bay
Tưởng rằng tay đã cầm tay
Bến sông lại nỗi chân mây cuối trời
 
Vẳng tiếng ru hời
Xa xăm mấy thuở
Làng đây người đây
Làng đâu người đâu...
 
 
 
 
 
 
 
 
LẶNG THẦM TÂY BẮC
 
Này là núi
Chờn vờn như khói thuốc
Bản vừa xuân, ngàn ngạt cánh ong rừng
Này là mây
Bập bềnh như nhịp bước
Bậc thang chiều chênh chếch sườn hôm
 
Những cây lá hân hoan tiệc đứng
Giữa tràn trề mưa gió rùng rinh
Ai cũng mắt môi hồng lửa đượm
Rét ở đâu không rét đến bạn tình
 
Rồi phiên chợ mang người về xa thẳm
Để rưng rưng những câu ví mặn mòi
Hoa ban nở vật vờ như bướm trắng
Phiên chợ bây giờ, phiên chợ vẫn đông vui
 
Thôi chẳng nói
Nỗi mịt mờ sương lạnh
Mang chơi vơi treo vào mảnh trăng ngàn
Thôi chẳng trách
Suối nguồn xanh lễnh loãng
Đành ngậm lòng… thương bóng nắng đã xa xăm
 
Giờ gặp lại ai người, sao đến lạ?
Thương nhớ đâu rồi
Thương nhớ rồi đâu
Rượu đã một lần say, và rượu đã 
Lạc dưới trời lau
Gió trắng đầu…
 
 
 
 
 
 
 
NHIỀU GIÓ QUÁ
THỔI VỀ ĐÂU KHÔNG BIẾT 
 
Nhiều gió quá
Thổi về đâu không biết
Những thân cây xơ xác đã bao mùa
Những cánh buồm như mắc nắng vào mưa
Vẫn khô khát
Một bầu trời rỗng ruột
 
Nhiều mây quá
Trắng về đâu không biết
Những đầu non vẫn bạc phếch mỗi chiều
Những thân cò trong ký ức phiêu diêu
Trăng mỗi kiếp tròn một đêm đã khuyết
 
Nhiều người quá
Đi về đâu không biết
Những phố phường, làng mạc đã như nêm
Những con đường xa tắp chửa thành tên
Đã dưới cỏ bao nhọc nhằn ẩn ức
 
Nhiều thơ quá
Tặng cho ai không biết
Những chuyện tình sướt mướt đã đầy trang
Phía xa kia, riêng mẹ với mùa màng
Sau thất bát lại lặng thầm gieo hạt. 
NGOÀI CỬA SỔ CÓ RẤT NHIỀU MÂY TRẮNG 
Ngoài cửa sổ có rất nhiều mây trắng
Không biết gió đợi mây
Hay là mây đợi gió
Thế gian muôn sự đợi chờ 
Con ta đứng bên cửa sổ 
Có rất nhiều mây gió đã ngang qua 
Ngoài cửa sổ có rất nhiều mưa nắng
Trong ngôi nhà
Chỉ có cha và mẹ 
Chỉ ngần ấy thôi
Mỏng manh
Một sợi dây diều…
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
CỦA CHÀNG TRAI 18 TUỔI
Ngày gánh gạo theo chồng đi kháng chiến
Tưởng Điện Biên chỉ có chín năm rừng
Tôi chẳng biết những nghẹn ngào sâu thẳm
Mỗi bận chong đèn
Mắt mẹ cháy như hương
Tôi bám váy câu ầu ơ còn lại
Những luỹ thành đã dầm dãi máu xương
Ru rằng:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng…
Mười tám tuổi
Theo bước quân hành
Tôi hình dung
Tổ quốc
- Tổ quốc ở  đâu?
- Ở chính nhà này
Đấy là cha “chiến trường đi đời xanh chẳng tiếc”
- Tổ quốc ở  đâu?
- Ở chính nơi này
Đá chồng lên đá thành núi
Nước chảy theo nước thành sông
Những nếp nhà chụm vào nhau
qua gió mưa, tang tóc
- Tổ quốc là nước non này
Những xóm những làng
Đẻ cái sinh con
Truyền đời giữ  đất 
- Tổ quốc là mặt trời
Mặt trời là mẹ
Mãi soi đường cho mỗi bước con đi…
ĐẤT QUÊ TÔI 
Tờ lịch cũ cuối ngày còn lưu lại
Mảnh trăng gầy tê tái tháng Giêng
Đất quê tôi thở dài hoang hoải
Những chiêm mùa vươn mãi chẳng thành tên
Vì yêu đất nên trồng cây đỡ nắng
Vì thương quê, nhưng… thương vụng nhớ thầm
Rồi năm ấy cây ổi đào cũng chín
Chút hương đầu gói kín tặng riêng em
Thì vẫn biết chợ chiều phiên đổi bán
Nơi xa xôi thành mái ấm quê người
Nhưng ngơ ngác là đồi hoa lẻ bạn
Tím một trời tím lịm cánh sim rơi
Đàn chim khách, thế rồi, quay trở lại
Đất quê tôi hoa trái đã thơm cành
Nắng vẫn đỏ những mùa hè thơ dại
Trong cỗi cằn, cây cứ ngẩn ngơ xanh…
19/1/2018
Xuân Mai - Nguyễn Ngọc Tung
Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...