Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 1b

Văn xuôi Vĩnh Phúc - Phần 1b

PHÒNG CHỜ… 12 MÉT VUÔNG
Tặng XT 
Cái biển ghi hai chữ “Phòng chờ” treo trên cửa như bảo tôi: “Vào đi”.
Tôi xoay tay nắm mở cửa. Một luồng không khí mát lạnh phả lên da mặt. Sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng với cái nóng bên ngoài làm tôi rùng mình, gai ốc nổi rần rần. Nhìn nền gạch hoa bóng loáng, tôi cúi xuống, đưa tay định lột dép. Bỗng vang lên tiếng nói của một phụ nữ:
- Không phải bỏ! Cứ vào! Đóng cửa lại!
Một câu nói, ba cái lệnh. Tôi chấp hành tắp lự, rồi ngẩng mặt lên nhìn xem ai nói? Nhưng không nhận ra được, vì trong phòng đông người mà ai cũng nhìn tôi. Cái nhìn nửa biểu hiện như đó là điều tất nhiên, phòng chờ là của chung; còn nửa kia dành cho sự ngạc nhiên, bởi tôi đi có một mình, râu ria tua tủa, mặt già nua, lại ục ịch vác cái bụng phệ vì bia, được che bằng chiếc áo phông khuyến mại màu xám, in hàng chữ Vitek VTB nửa đỏ, nửa trắng nổi vầng trên ngực.
Tôi gật đầu:
- Chào… các đồng chí!
Không một lời đáp. Tất cả đã quay về với những gì liên quan tới họ.
Tôi ngồi xuống hàng ghế chưa có ai, kê ngang căn phòng, sát cửa ra vào, còn mắt thì liếc rất nhanh đám người và óc nhẩm rất nhậy: Mười hai người - tức sáu cặp vợ chồng. Tôi khẳng định chắc chắn vì ranh giới giữa đôi một là người cùng giới. Tất cả còn rất trẻ, mặt người nào người nấy hồng hào, tươi rói, rạng rỡ, mơn mởn. Từng cặp ngồi bên nhau rất tình ý; đầu chụm đầu, mắt nhìn mắt, tay trong tay, người phụ nữ nào bụng cũng vồng cao, như khoe với đạo Khổng rằng mình không mắc tội bất hiếu (!)
Căn phòng chừng 12m2. Nhưng thoạt nhìn đã thấy căn phòng được cố tình ngăn, tách ra làm thành phòng đợi. Phía ngoài là tường nhà cũ, cửa ra vào làm bằng khung nhôm, ép kính mờ vân hoa dâu. Phía trong, phần tường quay thêm dựng ván tráng phoóc mi ca màu trắng, kẻ ô vuông, thấp hơn trần nhà không quá nửa mét. Trước mặt sáu đôi trai gái đang ngồi là cửa kéo kiểu “ôsin”, thông với phòng làm việc. Trên ván cửa dán hàng chữ:  
IM LẶNG - TRẬT TỰ
Phía dưới thêm một hàng: 
KHÔNG HÚT THUỐC LÁ
Máy điều hòa kêu “rì rì”, lẫn trong tiếng thì thầm nhỏ to của những cặp vợ chồng ngồi trong phòng.
Chợt tay quả đấm cửa xoay. Cửa mở, thêm hai người bước vào, một bà nạ dòng và một cô bé. Gọi là cô bé vì trông mặt non choẹt, nhưng cái bụng vượt mặt thì không non tí nào. “Chắc sắp tới tháng đẻ?”. Tôi nghĩ vậy. Bà nạ dòng ngồi xuống ghế cạnh tôi, nói với cô bé:
- Vào đặt giấy đi.
Nghe vậy, tôi giật mình, lơ ngơ với tờ giấy in chữ vi tính mình đang cầm trong tay. Tôi hỏi:
- Cũng phải đặt giấy hả bác?
Bà nạ dòng trả lời tôi bằng một câu hỏi lại:
- Thế ông còn chưa đặt à? Thời nào mà chả phải xếp hàng thứ tự?
Cô gái khệ nệ vác cái bụng, đưa tay kéo cánh cửa. Tôi nhỏm dậy đi theo.
À… giấy đặt ở bên trong. Như vậy tôi lại phải đợi sau một người nữa! Thôi, cũng được! - Tôi tự an ủi - Tránh được con số mười ba.
Trở lại ghế ngồi, tôi hỏi:
- Con dâu của bác đấy ạ?
- Ối dào! Con gái đầu của tôi đấy! - Người mẹ kể lể - Khổ vì con. Cưới được hai tháng thì thằng chồng đi cai nghiện. Mẹ chồng, chị chồng, em chồng, cả nhà chồng hành hạ, nên phải “tay nải, gió đưa” về bám váy mẹ! Đã bảo đừng lấy, lại còn cố rước cái của nợ ấy vào. Bây giờ, sướng chửa?
Cô gái lấy cùi chỏ hích mẹ, miệng hấm hứ. Người mẹ đập vào khuỷu tay cô:
- Con nỡm, đau tao! Mà làm gì phải giấu? Chuyện ấy bây giờ như “chuyện thường ngày ở huyện” chứ có gì mà ngại. Mày không thấy ở phố ta, mười thằng con trai thì đi cai nghiện cả mười một à?
Cả phòng đợi cười ồ. Cô gái giãy nảy:
- Mẹ cứ ngoa ngôn.
Có tiếng bên trong nói vọng ra:
- Đề nghị trật tự!    
Nghỉ hè, người tình bảo tôi:
- Thứ bảy này đi cùng em lên trại cải tạo trên Tuyên Quang!
Lệnh của người tình còn hơn cả lệnh của sếp. Tôi đổ đầy bình xăng xe, xếp áo mưa vào cốp, mở ví đếm tiền, nói:
- Nhuận bút truyện ngắn tháng 6 được hai trăm nghìn, tiêu mất trăm rưỡi rồi. Nói để em liệu.
Nàng cười tít mắt:
- Em vừa lĩnh lương. Đủ tiền bao anh theo kiểu: Vợ giáo học nuôi chồng văn sĩ.
Tôi lấy tay dứ dứ, dọa yêu vào mũi nàng.
Tám giờ sáng thứ bảy tôi và nàng đã tới cổng trại. Nhưng phải đợi đến buổi chiều mới được gặp. Hòa trong dòng trại viên được ra thăm người nhà, ông anh trai người tình của tôi xanh rớt như tàu lá chuối, gầy tựa một con cò hương, đầu nhẵn hín như đầu chú tiểu. Riêng đôi mắt bất cần nhìn tôi săm soi như đánh giá “đối tượng” đang theo đuổi em gái mình:
- Chào… hoàn cảnh là thế! Thôi, được… cũng thông cảm.
Câu nói không nhân xưng, chắc vì thấy đối tượng của em mình không cân xứng về tuổi tác. Chủ đề không rõ rệt, vì lần đầu anh và tôi gặp nhau. Tôi hỏi:
- Nghe nói, anh vừa bị kỷ luật?
- Chuyện vặt! - Anh ta bắt lời, không để ý đến thái độ rầu rĩ của cô em gái - Quen rồi, ở trại này còn “sướng” hơn nhiều. Phòng kỷ luật “thơm”, có “lính hầu” (trại viên) đến quét dọn. Hồi dưới TP, mỗi lần vào “nghỉ”, thối, khắm không chịu được!
Cô em lái sang chuyện gia đình:
- Thầy vừa đi mổ về, còn yếu lắm. Mẹ nhắn anh: Cố gắng cải tạo để được ân giảm.
- Tao nghe nói - Anh trả lời cô em - Tụi dính vào hàng trắng như bọn tao không được giảm. Hết hạn, không nộp đủ tiền phạt, không được ra.
- Anh bị bao nhiêu năm? - Tôi hỏi:
- “Tái cử ba khóa” nên bị chồng án. Còn “bóc” mười tám “quyển” nữa. Một giấc ngủ dài…
Tôi cố nén tiếng thở dài, đứng dậy, tế nhị để hai anh em nói chuyện với nhau. Mười tám năm. Mà bố mẹ anh ở nhà năm nay đã hơn bảy mươi tuổi rồi. Sự chờ đợi mới khắc khoải và xót xa làm sao?
Khi chia tay, người anh trai cầm lấy tay cô em gái dặn:
- Em về nói với thầy giữ gìn sức khỏe, bảo với mẹ anh sẽ cố gắng, nhắn với mọi người anh nhớ quê hương lắm…
Trong ánh nắng xế chiều, khuôn mặt bất cần đời dịu xuống, tần ngần, thẫn thờ, ngơ ngác. Rồi đột ngột anh buông tay đứa em, quay ngoắt, bước vội, giấu đi những giọt nước mắt sắp trào ra trên khóe mắt. 
Cửa xịch mở, một phụ nữ mặc áo bờ-lu bước vào. Không chào, cô kéo cửa đi vào phòng. Tiếng thì thào theo sau:
- Bác sĩ đến rồi đấy!
Những lời đối, đáp từ trong phòng vọng ra:
- Sao đến muộn thế?
- Chậm có năm phút. - Người phụ nữ đáp lại - Ta bắt đầu làm việc chứ anh? Rồi tiếng cô trong vắt, xướng to, rành rọt:
- Ai là Lý Hương Liên? Mời vào.
Ngoài phòng đợi, cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, da mịn, căng mọng như da quả táo tây, môi hồng như gạch mới ra lò, ngồi ngay hàng ghế đầu đứng lên. Bụng cô lùm hơn bình thường một chút. Không thấy anh chồng đứng dậy, cô quay lại:
- Anh… vào với em.
Anh chồng đầu cắt tóc ngắn, thoáng nhìn trẻ hơn vợ, ngần ngại:
- Họ có cho vào không?
- Cứ vào với em! - Cô kéo tay chồng, giọng như lệnh.
Cửa phòng đóng lại. Một lúc sau, tiếng đàn ông lõm bõm vọng ra:
- … Đang trong thời kỳ hình thành… phát triển… tim… gan…
Nghe câu được, câu chăng, bất giác tôi thở dài.
“Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Ai gặp tôi đều khuyên như vậy. Nghe, tôi gãi đầu gãi tai, vâng, ừ cho qua chuyện. Mấy thằng bạn đồng niên chê:
- Mày là đồ lợn thiến!
Tôi chẳng cãi. Với bạn bè thân thiết, tôi thổ lộ:
- Khó lắm! Cái gì làm lại dễ, chứ cái này làm lại không đơn giản chút nào.
Quả thật, ai ở hoàn cảnh như tôi mới thấy khó. Nào có “cành cao, cành thấp” gì đâu. Sự cô đơn là sự khổ nhất trần gian. Đang sống có đôi, có lứa, con cái dề huề, bỗng dưng bây giờ lẻ một, ai không khổ?
Nhưng sự đời đâu cứ vợ chết thì lấy vợ khác? Rổ rá cạp lại là xong? Biết bao chuyện sau khi “làm lại” rồi lại phải chia tay, “anh đường anh, em đường em” đấy thôi. Chuyện “trong chán, ngoài thèm” chẳng đầy rẫy đó ư? Chưa kể, trong người tôi lại có chút “điên điên, khùng khùng” của kẻ võ vẽ thơ phú, thi ca; có cái “chập choeng, hâm hấp” của chàng văn sĩ nghiệp dư.
Thấy tôi lần lửa, mọi người vận động mãi, chán! Bạn bè mối mai không được, tức! Kệ! Mặc cho tôi làm bạn với thơ văn. Có môn đệ của cụ Khổng còn khen tôi “chính chuyên” với người đã khuất! Nhưng có kẻ lại nghĩ: “Ối giời, bây giờ thời buổi thông thoáng, có tiền ở đâu mà chẳng sẵn. Năm chục, ba chục sẽ có đứa bằng tuổi con, nó liếm từ gót đến…”. Tôi nghe mà phát khiếp.
Của đáng tội, tôi cũng chẳng cao đạo gì lắm đâu! “Trẻ chưa qua, già chưa quá”, mới hơn năm chục tuổi đầu, đêm nằm cô đơn, thèm một bàn tay ấp; vương vấn trong lòng, thèm một lời thổ lộ; bản năng thức dậy, thèm một chút ái ân…
Nhiều khi cũng muốn “ừ” cho xong. Kệ, muốn ra sao thì ra! Con cái đã có phần con cái. Nuôi chúng lớn, cưới, gả chồng, nhà cửa cho chúng xong là hết trách nhiệm. “Đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào”. Lo ấy à? Có lo đến “lúc sang tiểu”. 
Tiếng chuông điện thoại kêu, nhắc tôi về với thực tại. Đã có ba đôi khám xong. Hàng ghế sau một đôi đã vào phòng trong. Cô chửa bụng vượt mặt chuyển sang ngồi một mình một ghế, hai tay xoa xoa vùng rốn, mặt nhăn nhó. bà mẹ ngồi cạnh tôi, đầu gối lên cánh tay ngủ ngon lành, tiếng ngáy nghe đều, nhỏ như dế rúc.
- A lô! - Tiếng đàm thoại của cô bác sĩ - Thôi, đừng nhận nữa. Làm hết số người này là tối. Hẹn họ đến mai… Ừ… thôi nhé! - Có tiếng “cạch” của ống điện thoại để xuống mặt máy, rồi kèm thêm một câu - Trực cả ngày, bã người ra rồi. Còn phải để dành cho chồng cho con chứ! Làm lấy chết à?
À… Ra đây là họ làm thêm. Tôi hỏi cô bé có cái mũi hếch ngồi ở đầu ghế:
- Họ là bác sĩ chuẩn chứ cháu nhỉ?
- Toàn các giáo sư, bác sĩ đầu ngành cả đấy! - Người trả lời tôi không phải cô mà là anh chồng - “Xịn” một trăm phần trăm! Ở đây làm ngoài giờ nhưng trách nhiệm hơn bệnh viện nhiều. Chúng cháu đến đây lần thứ sáu rồi đấy! Con trai là con trai, con gái là con gái! Không trượt được!
Tiếng ông bác sĩ từ trong phòng vọng ra:
- Các em nhìn thấy chưa? Đấy! Đúng là cái chim em ạ! Giọng người chồng reo rất to, làm tôi liên tưởng tới chuyện ông Ácsimét trần truồng chạy từ buồng tắm ra, mồm kêu: “Ơrêca! Ơrêca… ”
Cô bé ngồi đầu ghế hỏi chồng:
- Có chụp ảnh cho con không anh?
- Có chứ! - Người chồng sốt sắng - Còn phải lưu vào đĩa mang về cho vào máy vi tính để ông bà nội, ông bà ngoại xem chứ! Nay mai cu cậu lớn, lúc cưới vợ mang ra xem thì buồn cười lắm em nhỉ?
Cô gái bụng chửa vượt mặt quay xuống hỏi:
- Ghi vào đĩa mất bao nhiêu tiền hả chị?
- Dạ - Cô bé trả lời - Có mười nghìn thôi mà chị.
- Mày ghi làm gì? - Bà mẹ tỉnh dậy từ bao giờ, nghe con hỏi liền vặc - Gửi vào trại để thằng bé bị nghiện từ lúc mới mang thai à? Tao cấm!
Không khí trong phòng đợi chùng xuống.  
Tôi quen nàng vào hồi này năm ngoái, trong một lần xem triển lãm ảnh của các nghệ sĩ không chuyên trong tỉnh. Nàng chủ động:
- Anh viết cho báo nào?
- Tôi… tôi… à… anh viết tin cho đài… đài phát thanh tỉnh. - Không hiểu sao tôi bị nói lắp?
Nàng khoe có hai bức ảnh được trưng bày. Tôi vốn dốt về nghệ thuật, nên khi xem không dám nhận xét, mà chỉ khen: “Đẹp! Đẹp!”.
Nàng kéo tôi đến bàn bày tiệc đứng. Rót đầy hai cốc bia, nàng bảo:
- Em đọc truyện ngắn của anh rồi. Khiếp! Sao anh tả chuyện yêu đương bạo thế? Đọc đến đấy, xấu hổ chết đi được.
Tự nhiên tôi thấy mến cô gái có lẽ chỉ hơn con cả tôi một hoặc hai tuổi là cùng. Bỏ mặc phòng triển lãm và những bức ảnh, tôi rủ nàng đến ngồi bên một bãi cỏ ngoài hội trường:
- Anh muốn chơi với em, liệu có gì cản trở không?
Nàng thẳng thắn:
- Em và ông xã chia tay nhau rồi! Còn anh?
Tôi cũng thẳng thắn không kém gì nàng. Qua nói chuyện, tôi được biết nàng là giáo viên. Chụp ảnh lấy tiền nuôi ảnh nghệ thuật. Nàng say mê nghệ thuật thật sự. Chính thế, sau một thời gian, tình yêu tự đến bao giờ tôi không còn nhớ nữa.
Cách đây ít ngày, tôi đột ngột bỏ nhà đi lên huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai. Ở trên đấy, tôi bình tĩnh viết một lá thư vĩnh biệt gửi nàng. Trong thư, chan chứa lời yêu thương nhưng cũng tràn đầy nỗi tuyệt vọng. Ai ngờ, nàng lần theo dấu bưu điện. Khi tìm thấy tôi, nàng “áp giải” tôi về.
Tì sâu ba đầu ngón tay ấn mạnh vào hạ sườn phải, tôi nói:
- Anh yêu em. Nhưng chính vì tình yêu mà anh phải bỏ đi. Anh không muốn vì anh mà em khổ. Em còn trẻ, em hãy đến với người khác mà yêu thương. Còn anh…
Đặt bàn tay nồng ấm, áp lên chỗ tôi đau, nàng ngắt lời:
- Anh nhăng cuội gì đấy? Chắc gì đã phải… mà sợ.
Tôi biết nàng nói mạnh thế thôi, chứ thực ra đến hai từ “ung thư” mà nàng còn ngại không muốn nhắc đến nữa là… Còn tôi, bệnh trong người của tôi thế nào tôi biết chứ!
Trước thời gian tôi bỏ đi ít ngày, tôi thấy hạ sườn bên phải tưng tức, anh ách, như có vật gì chèn ép mãi bên trong. Muốn bớt khó chịu, phải lấy ngón tay thọc, day day mới đỡ. Một hôm, thằng bạn mời đi ăn đặc sản thịt trâu. Khi nâng cốc “cộc”, nó hỏi:
- Sao mắt và da của mày vàng thế?
Chột dạ, tôi soi gương, thấy lòng trắng con ngươi ngả màu vàng, da bợt bạt. Tôi đến nhà một anh bạn cùng thị xã có vợ chết vì ung thư gan tìm hiểu. Thấy tả hiện tượng y như bệnh tôi mắc phải, làm cho tôi kém ăn, mất ngủ. Bao nhiêu đề tài định viết tôi quẳng vào góc tủ. Máy vi tính để tơ nhện chăng ngang, chăng dọc. Lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ tới ngày tận cùng của cuộc đời.
Một lần, nằm trên giường, nàng hôn tôi. Chợt nàng đẩy tôi ra xa ngắm nghía một lát rồi bảo:
- Em thấy anh xanh xanh thế nào ấy? Anh đừng uống rượu nữa! Anh làm sao, em biết làm thế nào?
Tôi giấu tất cả mọi người và nàng những cơn đau và nỗi khó chịu. Rồi một đêm, cơn buồn nản lên tới tột cùng, tôi lẳng lặng ra ga, lên tàu ngược.
Từ hôm tìm được tôi về, nàng quản lý tôi rất chặt. Nàng thuyết phục tôi đi khám xem bệnh tình thế nào. Tôi nhất quyết không đi:
- Sống chết đã có số! - Tôi cãi bài bây - Để “nó” trong bụng may ra còn sống được thêm ít ngày. Phát hiện ra, động dao kéo vào là xong!
Hết năn nỉ đến giận hờn, tôi vẫn không nghe. Nàng phát bẳn, thuyết giáo:
- Anh là người viết truyện. Khi nói về người anh hùng, sao anh miêu tả gan dạ, kiên trung thế? Cho họ đối mặt với hiểm nguy, cho họ nhảy vào nước sôi, lửa bỏng, hiên ngang trước mũi súng quân thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Chẳng lẽ những nhân vật trong truyện của anh, chỉ là anh hùng rơm? Là mẫu người giả tạo?
Tôi trả lời liều:
- Truyện khác! Đời khác!
Nàng văng vào mặt tôi một câu:
- Anh là thằng hèn! - Nói rồi nàng lên giường úp mặt vào gối khóc.
Sáng dậy, tôi bảo nàng:
- Em lai anh về Hà Nội kiểm tra.
Ông bác sĩ bảo tôi:
- Bác nằm lên giường. Cởi cúc áo, nới thắt lưng!
Tôi làm theo, nằm ngửa, mắt nhìn lên màn hình màu treo trên cao. Cô bác sĩ ngồi góc nhà, trước mặt cũng có một cái màn hình; cạnh đầu tôi nằm là màn hình của ông bác sĩ. Như vậy màn hình của ai người ấy xem. Hiện đại thật! - Tôi nhủ thầm.
Người bác sĩ cầm một vật mềm, trông như cái micơrô nhúng vào một loại dung dịch gì đó, quét đi quét lại trên bụng tôi. Hình ảnh xuất hiện, tôi cố giương mắt nhìn lên, nhưng chỉ thấy một mớ ruột gan lộn tùng phèo hiện ra, không tài nào phân biệt nổi. Tiếng người bác sĩ đọc như tiếng phát thanh viên truyền hình:
Gan:
Kích thước bình thường, nhu mô echo đồng nhất, echo gan tăng âm honecho, thận giảm âm vùng sâu, trong gan không có khối bất thường.
Tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan không giãn. Dòng chảy bình thường.
Tôi thở đánh phào một cái rõ mạnh. Người bác sĩ nói:
- Bác đừng thở thế để tôi nhìn cho rõ.
Nói rồi người bác sĩ đọc tiếp:
Hệ thống đường mật:
Đường mật trong gan và đường mật ngoài gan không giãn, không có hình ảnh bất thường.
Tôi lại thở đánh phào. Người bác sĩ nhăn mặt:
- Ấy… bác! Đã bảo đừng thở mạnh, khó nhìn…
Tôi cố thở thật nhẹ. Tiếng người bác sĩ vẫn đều đều:
Túi mật:
Túi mật kích thước bình thường, thành dày 4,6mm, lòng có nhiều sỏi nhỏ… Bỗng tiếng nói dừng lại. Người bác sĩ bảo tôi:
- Bác nghiêng người tôi xem nào.
Mặc dù nằm dưới nhiệt độ 200C tôi vẫn thấy lưng mình nóng ran, tim thắt lại. Sự im lặng tưởng chừng dài hàng thế kỷ. Một lát, người bác sĩ đọc tiếp:
Đường kính trung bình = 5cm chiếm gần hết thể tích túi mật. Dịch mật còn rất ít.
Tôi hỏi:
- Không có u bướu gì chứ bác sĩ?
Người bác sĩ trả lời:
- Đã soi hết đâu mà biết? Bác đừng ngọ ngoạy, nằm yên để tôi phát hiện cho chính xác! - Rồi ông nói thêm - Nếu phát hiện tiếp không có gì thì chỉ cần nhờ y học can thiệp giải quyết chỗ sỏi trong túi mật là xong.
Sau câu nói, cái “micơrô” lại quét đi, quét lại trên bụng, còn tôi cố nén sự hồi hộp, thở thật nhẹ… thật nhẹ…
 

Tôi bước ra khỏi phòng chờ, đèn cao áp đường Hà Nội sáng rực. Nhìn thấy tôi, nàng nhỏm dậy, mặt tái xám, vẻ lo âu, căng thẳng vì chờ đợi. Chân nàng không dám bước tới, mắt nàng nhìn tôi không chớp, đôi mi cong của nàng run run. Thương quá! Không kìm nổi, tôi chạy tới, dang tay ôm choàng lấy nàng, gắn chặt môi mình vào môi nàng, trong phút chốc, quên đi tất cả mọi người ở xung quanh.
XUÂN MAI
Những người đang đi ở cuối hàng 
Tập Truyện và Ký đoạt Giải C,
Giải thưởng VHNT tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ II (2000 - 2005)
NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐI Ở CUỐI HÀNG
Có lẽ coi tôi là đứa con của quê hương nên đồng chí Bí thư Đảng ủy xã mới nhắn tôi về dự Hội nghị “Những hộ thường xuyên gặp khó khăn” của địa phương. Thú thật, khi nhận được tin mời tôi rất băn khoăn. Tôi chưa biết mình có nên hay là không nên về dự? Bây giờ, Đảng ta, Nhà nước ta đang ủng hộ những người biết làm giàu. Sự ủng hộ ấy không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hàng loạt những chủ trương, chính sách với những biện pháp được cụ thể hóa có văn bản hẳn hoi. Rồi người ta còn tổ chức những hội nghị để cổ vũ, tuyên truyền, để rút kinh nghiệm chỉ đạo… Bản thân tôi cũng đã đến dự nhiều hội nghị của những người biết làm giàu cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đó là hội nghị của những người làm kinh tế vườn giỏi, những người biết làm ăn giỏi. Ở những hội nghị này, tôi đã gặp những ông, những bà có khuôn mặt sáng sủa, đầy đặn, có dáng đi mạnh dạn và đặc biệt có tiếng nói, tiếng cười rất to, rất thoải mái, tự tin. Tôi đã được nghe tại một hội nghị có một vị dõng dạc nói như thế này: “Tôi mong rằng ai cũng biết lo, biết làm ăn như chúng tôi thì xã hội ta sẽ không có cảnh đói nghèo, chẳng có chuyện tiêu cực”. Ai cũng nghĩ, ông ấy nói như vậy về khách quan mà xét thì chưa hoàn toàn đúng. Nhưng vì đó là một người có tiềm lực mạnh, lại nói ở hội nghị những người biết làm giàu nên đã được mọi người vỗ tay hoan nghênh rất to và rất dài! Tuy không dám nói ra nhưng ngay từ hôm ấy tôi có cảm nhận là, hình như hiện nay người ta đang quên những người nghèo đói, mặc dù đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng ta đã nhắc nhở, đại ý, chúng ta không sợ những người giàu nhưng chúng ta cũng đừng quên những người nghèo. Có phải không quên những người nghèo mà đồng chí Bí thư Đảng quê tôi mới có ý định tổ chức một hội nghị dành riêng cho những hộ thường xuyên thiếu đói? Hội nghị nhằm giải quyết vấn đề gì? Và tôi? Tôi sẽ giúp được gì cho những người nghèo của quê hương? Chẳng có lẽ về chỉ để bà con kể nghèo, kể khổ? Mà chuyện khổ với chuyện đói ở quê, tôi đâu có lạ! Nó giống như căn bệnh mãn tính đã từ nhiều năm nay rồi. Nói đâu xa, vụ đói tháng ba năm ngoái, ở quê tôi vẫn có người phải đem con ra chợ bán. Có nhiều gia đình phải ăn rau cháo cầm hơi, nhiều nhà bếp chỉ đỏ lửa có một lần trong ngày. Nghe mà thương, mà giận. Thương cho những số phận nghèo hèn. Giận vì các vị lãnh đạo của địa phương sao nỡ để những câu chuyện đau lòng ấy kéo dài? Nhưng chả lẽ không dám nghe những người nghèo kể khổ mà không về? Những vị đứng đầu một xã còn dám đối diện với cái nghèo, cái khổ ngay trên quê hương mình, dưới quyền mình thì tại sao tôi lại trốn chạy như một người không trách nhiệm?
Đã có một thời Lê Thiệp làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, sau đó anh được huyện rút lên làm Phó Ban nông nghiệp vài năm. Từ cuối năm ngoái huyện lại đưa anh về xã. Đại hội Đảng bộ khóa mới rồi, anh trúng vào Ban chấp hành, được phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy.
Gặp Lê Thiệp tại Trụ sở làm việc của Đảng ủy, tôi nói với anh:
- Các ông to gan thật. Dám cả gan tổ chức hội nghị những người nghèo. Các ông đã chuẩn bị tinh thần nghe bà con “đấu” chưa?
Lê Thiệp gật đầu, mỉm cười:
- Đã dám tổ chức hội nghị thì đương nhiên chúng tôi chỉ muốn nghe sự thật, dẫu sự thật ấy có đắng cay đến bao nhiêu.
Trái với dự đoán của tối, những hộ thường xuyên gặp khó khăn đến dự hội nghị dành riêng cho mình chỉ có trên 20 người, trong khi Bí thư Lê Thiệp cho tôi biết số hộ thuộc diện này có tới 114.
Trước khi vào họp, tôi để ý thấy rất ít người dám đi một mình mà họ đi từng tốp 3, 4 người. Hình như được mời đến dự hội nghị kiểu này người ta ngượng, người ta tủi thân nên phải rủ nhau cùng đi cho đỡ xấu hổ? Khi vào hội trường, người ta lại cũng rủ nhau ngồi ở những hàng ghế cuối cùng, có người ngồi sát tường, khuất sau những cái cột nhà… Anh Lê Thiệp phải “kêu gọi” mãi mới có dăm người cui cúi đi lên ngồi trên mấy cái ghế đầu, vẻ rụt rè, nếu không muốn nói là khúm núm, sợ sệt. Đấy là những ông bà, những anh chị có khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, có cái nhìn sầu muộn, có dáng đi chậm chạp và về mặc thì phải nói là khoác những cái ngẫu nhiên lên người, có sao mặc vậy!
Sau khi Lê Thiệp nói rõ mục đích, ý nghĩa hội nghị để mọi người phát biểu, thảo luận, không khí trong hội trường dường như căng ra, im lặng và bức bối như chuẩn bị cho cơn bão.
Nhưng mà tôi lại lầm. Không có bão bùng gì mà chỉ có mưa - những cơn mưa nước mắt. Ở hội nghị những người biết làm giàu nhiều tiếng cười bao nhiêu thì ở hội nghị này nhiều tiếng khóc bấy nhiêu. Có người khóc nức nở, có người khóc thổn thức, có người chỉ rưng rưng khóc. Họ vừa khóc, vừa nghẹn ngào nói. Tôi đã lắng nghe tất cả mọi người nói và không thấy ai oán trách Đảng, không có ai lên án chế độ. Họ chỉ bảo, họ tủi thân, họ xấu hổ. Vì cũng là một kiếp người, với đầy đủ mắt mũi, chân tay mà sao người ta giàu, mình lại nghèo? Ông Hợp, vốn là một thầy giáo, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn: Bố chết, vợ mắc bệnh phải mổ đã phải bán bò lấy tiền chạy thuốc. Rồi phải vay lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến kinh tế gia đình ngày một sa sút, ông phải bỏ nghề về quê giúp vợ con, đã nói rằng: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết hãy trách mình, sau hãy trách người”. Tại mình lười suy nghĩ, tại mình lười lao động. Các cụ nhà ta đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Bởi vậy cho nên, thay mặt các hộ nghèo, ông hứa sẽ cố gắng làm ăn có kế hoạch để nay mai có bát ăn, bát để, để Đảng, Nhà nước không phải bận tâm đến mình. Ông chỉ có hai đề nghị: Hợp tác xã đừng rút ruộng, rút trâu bò của các hộ nghèo và cho nợ sản một năm.
Tôi biết Lê Thiệp chuẩn bị tư tưởng để nghe bà con “đấu” nhưng thật bất ngờ không có ai đấu bát gì cả! Bà con chỉ nói cho anh nghe về những khó khăn, thiếu thốn mà họ đang gặp phải và yêu cầu tập thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ vượt qua những tháng năm vất vả này. Trước một thái độ biết người biết ta, là người đứng đầu lãnh đạo một xã, Lê Thiệp như thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Đứng trước mọi người anh thành thật tự phê bình về những non kém của Đảng ủy trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Những non kém ấy của lãnh đạo đã góp một phần không nhỏ làm cho đời sống của nhân dân địa phương chưa được cải thiện, nâng cao. Đảng ủy sẽ phải rút kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo trên mặt trận nông nghiệp, tăng gia sản xuất tốt hơn trước. Thế nhưng về phía những hộ thường xuyên gặp khó khăn thì phải làm gì? Lê Thiệp thẳng thắn và mạnh dạn nói tiếp:
- Chúng ta phải làm cho rõ, phải tìm cho đúng căn bệnh thì mới có cách điều trị. Tôi đề nghị, chúng ta không đưa những hộ có người ốm đau, tai nạn rủi ro, họa vô đơn chí vào danh sách những hộ nghèo. Vì những khó khăn đột xuất ấy, sớm muộn gì bà con mình cũng có cách vượt qua. Còn các hộ nghèo thực sự? Tại sao mình lại nghèo? Theo ý chúng tôi tìm hiểu thì, một là không có kế hoạch làm ăn. Người chủ hộ không có năng lực tổ chức lao động. Không biết cân đối giữa thu và chi trong gia đình. Hai là, lười. Rất là lười! Có người ngủ trừ bữa. Ai đời là nhà nông mà ngủ cả trong giờ lao động.
Để minh họa cho hai nhận xét của mình, Bí thư Lê Thiệp đưa ra một loạt ví dụ. Đó là vợ chồng anh Đồng, ông Hồng, bác Nghị, anh Kính… Họ đều đông con và có vẻ rất chăm làm. Sớm mở mắt ra là lên rừng hái củi, tối nhọ mặt người mới gánh củi về. Ngày hôm sau lại đi chợ bán củi. Được đồng nào là mua bánh cuốn, mua cá, thịt, rượu đem về nấu nướng. Vợ chồng, con cái ăn cho no cho chán. Hôm sau hết tiền, hết gạo thì đi vay, đi mượn. Vay mượn không được thì đi ngủ nhịn! Đó là ông Luân, phải công nhận là ông là người rất hay làm, vì thương vợ, thương con. Người như thế quý lắm chứ? Nhưng là chủ gia đình mà để vợ con nằm đóng cửa ngủ trưa như viên chức nhà nước, còn mình tranh thủ giã cối gạo để chiều đi họp là hỏng mất rồi. Một người không biết bố trí, không biết sử dụng lao động mới làm như ông Luân. Đó là anh Nhĩ, dựng lán để làm kinh tế đồi rừng tuy ở ngay cửa rừng mà lại phải chạy về làng xin giềng mẻ làm thịt chó! Anh Hoạt thấy mưa phùn, gió rét, ngại đi kiếm củi liền lấy sắn lát khô trong hòm ra nhóm lửa để… sưởi! Đó là các anh Nhân, Tửu, Kính… còn rất trẻ, lấy vợ xong bố mẹ làm nhà cho ra ăn riêng, lại cho cả chó, gà, lợn làm giống, nhưng chỉ nuôi có vài tháng, thích ăn là mổ thịt, uống rượu luôn, chẳng cần giống má gì cả! Ở riêng đã được hàng năm mà trong vườn chưa trồng được cây chuối, cỏ mọc ở sân bò lên tới tận hiên…
- Các vị lười đến như thế, tổ chức gia đình như thế thì tập thể chúng tôi biết làm thế nào?
Bí thư Lê Thiệp nhìn mọi người. Anh băn khoăn hỏi cả hội nghị và như hỏi cả chính mình. Mọi người im lặng. Dường như có nhiều người đến tận lúc này mới thực sự thấy mình cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên sự đói nghèo của cả xã. Biết thế nhưng cái “số” mình nó thế thì biết làm sao? Chả lẽ ban nãy ông Cận ví von thế mà lại đúng. Ông ấy bảo, cuộc đời mỗi con người trong xã hội giống như cái vườn cây kia. Cây nào to vươn lên được thì cây cao bóng cả, được hưởng nhiều ánh sáng thì cành lá xùm xòa, sum suê xanh tốt. Cây nào nhỏ bé thì chen chúc ở bên dưới. Cũng có rất nhiều cây bị cớm nắng. Biết oán trách ai bây giờ? Tạo hóa sinh ra có người thông minh lại có người ngu dốt, có người ác lại có người thiện, có người giàu lại có người nghèo… Mình là anh nghèo thì phải cam phận nghèo thôi. Hay nói như ông Hợp cũng phải. Xã hội ta đã từ bỏ cái thời cùng xếp hàng ngang mà tiến rồi. Tiến quân theo lối ấy, người nọ níu áo người kia là không được. Xã hội đang xếp lại hàng ngũ, đang tiến theo đội hình hàng dọc. Chúng tôi là những người đang đi ở cuối hàng. Buồn đấy, tủi đấy nhưng biết làm sao? Tuy vậy, cũng có người nói lại: Không! Cuộc đời của mỗi người chúng ta sống dưới chế độ ta không thể lại vô thức như những loài cây trong vườn kia được. Xếp lại đội ngũ thì có, rất tự nhiên thôi, nhưng đừng lấy quy luật của tự nhiên để suy diễn áp đặt cho con người.
Hội nghị im lặng khá lâu. Tôi có cảm nhận là Bí thư Lê Thiệp cố ý tạo ra cái không khí ấy. Làm vậy là rất nên. Con người ta cũng cần có lúc phải bình tĩnh lại, lặng yên để suy ngẫm, để nhìn vào chính bản thân mình. Chỉ có như thế mới rút ra được những điều yếu, mạnh.
Là người của quê hương nhưng từ nhỏ tôi đã vác gạo đi trọ học mãi ngoài thị xã. Lớn lên, sau ngót 20 năm đi lính, đến khi được “giã từ vũ khí” tôi lại công tác trên tỉnh. Thứ bảy, chủ nhật mới vượt sông Lô về với vợ con thì như người đi thăm bẫy, như con chuồn chuồn đập nước… Với tất cả những lý do đó nên tôi không biết mấy ai ở làng xã mình. Thành thử sau khi dự hội nghị, tôi quyết định đi thăm một số gia đình, mà chỉ đến những gia đình khó khăn, những gia đình nghèo.
Biết được ý định của tôi, không những Lê Thiệp không can ngăn mà anh còn khuyến khích, ủng hộ, lại còn bố trí Lê Minh Sếp, Trưởng Ban Tuyên giáo xã, đi cùng.
Trên đường đi, Sếp bảo sẽ đưa tôi đến nhà ông Lê Văn Hảo trước tiên và anh tranh thủ giới thiệu cho tôi biết trước là ông Hảo mới 54 tuổi, có 5 đứa con. Hai cháu lớn đang tại ngũ, cháu bé nhất mới lên 3. Nhà hiện có 5 khẩu… Vậy mà thiếu ăn triền miên, nợ nần triền miên. Thiếu thốn thế, nợ nần thế nhưng ông Hảo lại rất hay ăn và rất hay uống rượu. Không có con trâu, bò nào trong xã chết mà lại vắng mặt ông Hảo. Ông không mua thịt mà chỉ xin mua cái xỏ và bộ da, chịu tiền đến mùa sẽ trả bằng thóc. Đem 2 thứ ấy về, ông Hảo “khao” vợ con một bữa thỏa thuê, còn thừa ông đem treo lên gác bếp, sấy khô đi để làm thứ nhắm rượu dần. Các con ông đứa nào cũng biết uống rượu và hút thuốc lào từ khi người còn thấp hơn cái ống điếu. Vợ ông thuộc diện “đi chợ thì hay ăn quà”, chả có mấy quán trong làng mà bà không có tên trong sổ nợ. Đã có lần chủ quán phải đến tận nhà bắt cày của ông để trừ nợ khiến ông phải nổi khùng, vác gậy đuổi đánh cả chủ nợ lẫn con nợ.
Nhà ông Hảo ở đội 2. Đấy là một ngôi nhà xây 5 gian nhưng tường chưa trát. Mái lợp lá đã mòn cũ, nhiều chỗ thủng nhìn thấy cả trời… Và, tuy có nhà nhưng vẫn không có cửa… Đang nửa buổi, khoảng tám, chín giờ sáng mà sao cả hai ông bà đều không đi làm? Còn mấy đứa con ông thì đang bận đánh đáo, đánh bi ở ngoài vườn.
Không ngần ngại, không giấu giếm, ông Hảo kể ngay gia cảnh của ông cho tôi biết: Rằng trước kia ông cũng đi thoát ly, làm kế toán của phòng Thủy lợi huyện. Vì hoàn cảnh gia đình bấn bíu nên ông phải xin nghỉ việc. Khi mới về quê ông còn có xe đạp, có đài bán dẫn Na - ti - ô - nan và xây được cái nhà này. Sau đấy mẹ ông ốm chết, ông phải bán trâu lấy tiền làm tang cho mẹ. Vợ ông bị viêm cơ, ông phải bán xe, bán đài, bán cả ba bộ cánh cửa kia để lấy tiền cho vợ đi viện chữa bệnh. Rồi các con ông đi bộ đội, ông phải vay mượn làm mươi mâm liên hoan cho con phấn khởi lên đường. Rồi 50 tuổi mà còn bị “vỡ kế hoạch”, vợ ông đẻ thêm con. Người làm thì ít, người ăn thì nhiều. Làm không đủ ăn thì phải đi vay. Vay không trả được thì lãi mẹ đẻ lãi con. Hiện ông còn nợ của Hợp tác xã và của một số bà con trên một tấn thóc! Người không có mà ăn còn nói gì đến chuyện chăn nuôi. Ông không có lợn, không có gà, không có trâu bò. Nhà ông bị xếp vào loại 3 của Hợp tác xã, được nhận làm 2 sào ruộng. Nhưng sức kéo không có, không có phân bón cho nên thường là cấy sau, gặt muộn, năng suất chẳng ra gì.
Nghe ông Hảo nói mà tôi thấy ngao ngán quá, bi đát quá. Tôi hỏi ông;
- Gia đình ta lắm khó khăn quá. Thế bác có đề nghị gì với Hợp tác xã không?
- Không! - Ông Hảo trả lời ngay - Hợp tác xã giúp đỡ tôi nhiều rồi, tôi không dám có đề nghị gì nữa. Tôi nghĩ là mình phải tự cứu lấy mình để mà, với gia đình tôi là bò dần lên, tiếp tới đi dần lên cho kịp mọi người.
- Chắc bác có kế hoạch để bò lên rồi chứ?
- Phải bám lấy ruộng đất, phải phát triển chăn nuôi, phải có thêm nghề phụ…
- Và phải ít uống rượu…
Lê Minh Sếp nói chen ngang thế làm ông Hảo thoáng đỏ mặt. Hình như mới nhắc đến tiếng “rượu” ông đã chếnh choáng say. Ông cười hề hề và đi mở hòm tìm rượu. Vừa mở khóa hòm, ông vừa xởi lởi mời:
- Chả mấy khi hai bác đến chơi, hai bác uống với tôi chén rượu suông mà cánh thanh niên chúng nó bảo là uống “xếch”, cho vui.
Tôi đang định từ chối thì ông Hảo đã lôi từ trong hòm ra một cái chai… không! Có lẽ ngượng với khách, ông lớn tiếng gọi con, giục nó chạy ra quán bà Hiệu “cho bố cháu mua chịu một chai sáu lăm’. Tôi và Sếp vội vàng đứng dậy, hẹn với ông để đến khi nào ông vượt được nghèo sẽ về uống rượu mừng, còn bây giờ chúng tôi phải tới thăm vài nhà nữa.
Nhà thứ hai chúng tôi đến là cặp vợ chồng Nguyễn Văn Chí – Nguyễn Thị Chanh.
Lê Minh Sếp cũng cho tôi biết trước là vợ chồng Chí Chanh còn trẻ lắm. Chồng 33, vợ 30. Trước kia Chí là công nhân lâm trường huyện. Vì yếu sức khỏe, Chí xin nghỉ việc về quê đã 6 năm. Bố mẹ anh làm nhà cho vợ chồng anh ra ăn riêng đã được 4 năm rồi. Anh chị đã có với nhau ba mặt con nhưng không may hai cháu ốm chết từ năm ngoái. Cũng năm ngoái, cô Chanh bị nghi là viêm gan, đi chạy chữa hết viện này đến viện khác. Vợ chồng anh đã phải bán đài, bán xe, bán đồng hồ, rồi vay nợ lãi để lấy tiền thuốc men, thăm khám… Cuối cùng phát hiện ra Chanh chỉ bị giun móc thì chao ơi, trong nhà đã rỗng tuếch, không còn lấy một hạt thóc nhổ râu! Bây giờ vợ chồng Chí có một thằng cu lên 3 và cô vợ lại chửa lùm lùm. Có 3 miệng ăn thôi mà nhà Chí nợ sản của Hợp tác xã tới hai tạ ba, bị xếp hộ loại 3.
 Nhà Chí ở trên một quả gò, rộng 3 sào, không có cổng. Lê Minh Sếp dẫn tôi đi theo lối mòn mọc rất nhiều cỏ may mà đến nhà Chí.
Vài năm nay do có điều kiện đi về các làng xã công tác nên tôi có nhận xét thế này: Bây giờ ở nông thôn, chưa cần vào nhà, cũng không cần hỏi, chỉ cần nhìn ở bên ngoài nếu thấy hộ nào có vườn cây sum suê lá quả, có ao thả cá, nuôi bèo, có chuồng nuôi lợn, gà, trâu bò, và nhất là, trước sân lại có một giàn nho, một hai búi hoa ngâu, hoa sói thì ta biết ngày rằng nhà này chí ít cũng phải đủ ăn. Còn nếu như thấy hộ nào, trước sân loe hoe vài ba khóm chuối, lơ phơ vài luống sắn thì chắc chắn là quanh năm chạy chẳng đủ ăn. Nhà Nguyễn Văn Chí thuộc diện thứ 2 này.
Chúng tôi đến giữa lúc thằng cu con đang tập quét sân, cô Chanh đang cho lợn ăn. Thoáng thấy chúng tôi, cô rối rít giục con đi gọi bố về, rồi cuống quít mở cửa, mời “hai bác vào nhà xơi nước”.
Đây là ngôi nhà ba gian, tường đắp vắt. Một gian ngăn lại làm buồng, một gian làm bếp, còn gian nữa kê: bên trong sát tường là cái hòm, bên ngoài là tấm phản bục. Cô Chanh lại cuống quít thu dọn mấy cái chén vại cáu bẩn, nằm lăn lóc trên phản. Rồi cô lau giường, lau hòm, vơ quần áo gọn lại một đống. Nhà không có phích, cô phải đi nhóm lửa đun nước. Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà bé bằng… cái lỗ mũi, trên tấm phản cũ kỹ, long đinh, suýt ngạt thở vì khói bếp bay lên, quẩn quanh mù mịt.
Siêu nước vừa sôi thì Chí cũng đi từ dưới đồng về. Chí mặc quần áo cộc, đầu trần, chân tay còn dính bùn be bét. Biết chúng tôi là khách đến thăm, anh vừa cười như người có lỗi, vừa thanh minh rằng, anh đi vảy lấy mấy con tép và vội vã đi rửa chân tay. Rồi anh vào nhà mặc quần áo dài, súc ấm pha trà, cọ đĩa chén…
Chờ vợ chồng Chí Chanh chuẩn bị xong các động tác tiếp khách, Lê Minh Sếp mới bắt đầu vào chuyện. Nghe chưa hết mục đích của cuộc đến thăm của chúng tôi, cô Chanh đã òa khóc. Cô cắt ngang lời Sếp, nghẹn ngào trong nước mắt:
- Chúng cháu cám ơn các bác. Vợ chồng cháu rất ái ngại trước sự quan tâm của tập thể. Chúng cháu thấy xấu hổ và tủi thân lắm. Giá như chúng cháu không nghèo thì các bác không phải vất vả lặn lội đến tận đây.
Không muốn nghe thêm nỗi khổ của cái nghèo nữa, tôi hỏi:
- Khó khăn lớn nhất của cô chú hiện nay là cái gì?
- Ruộng và sức kéo bác ạ - Chí điềm đạm trả lời - Chưa có “ khoán 10” vợ chồng cháu còn có hai sào ruộng mà làm, nay Hợp tác xã rút ra một, ba khẩu mà chỉ có một sào là quá ít. Sức kéo không có, chúng cháu phải đi thuê trâu bò. Nếu không có tiền thuê thì phải cuốc, phải thay trâu bò mà vợ cày, chồng kéo. Hai bác tính, theo nghề nhà nông mà trâu bò không, ruộng đất không thì biết làm gì để sống?
- Nhưng cô chú vẫn đang sống và chắc chắn sẽ không chịu chết. Sức dài, vai rộng thế này mà chịu bó tay, ngồi chờ chết thì yếu quá.
Nghe tôi khiêu khích, Chí có vẻ hăng hái lên, anh mạng dạn nói:
- Cháu nghĩ là sông có khúc, người có lúc. Thế nào vợ chồng cháu cũng vượt qua những ngày bĩ cực để đến ngày thái lai. Chả giấu gì hai bác, chúng cháu đang nuôi hai con lợn, một nái, một bột. Cháu sẽ cho lợn ăn sắn ở ngoài nương, cua ốc ở dưới đồng. Cháu sẽ bán lợn mua thóc trả sản. Nội trong năm nay chúng cháu sẽ trả cho hết nợ. Không nợ nần gì nữa thì mới yên tâm làm ăn, phải không hai bác?
Ra khỏi nhà Chí, tuy biết vợ chồng anh còn thật lắm khó khăn nhưng tôi vẫn hy vọng, vẫn thấy vui vui. Dẫu sao thì đây cũng là những con người có lòng tự trọng, tự ái và có chí. Người xưa dạy: “Có chí thì nên”. Tôi tin là vợ chồng Chí - Chanh sẽ biết đi lên theo cái cách của mình.   
Hai chúng tôi đi ra tới con đường liên xã thì tình cờ gặp Đào Văn Trực. Trực là người cùng làng với tôi. Anh rót 40 tuổi, có 6 con, lau nhau kiểu trứng gà, trứng vịt. Gia cảnh Trực cũng khó khăn, thiếu thốn, vất vả đủ bề. Nghe vợ tôi nói chuyện, năm ngoái Hợp tác xã rút ruộng của anh giao cho một hộ giàu làm, anh uất lên đã rút dao bầu đuổi chém ông chủ nhiệm, suýt nữa thì gây ra án mạng tày đình. Công an xã phải gọi Trực ra trụ sở làm việc, lập biên bản, phạt vi cảnh, anh mới chịu. Nhưng sau đó thì Trực cùng ba đứa con lơn lớn bỏ làng đi. Không ai biết là Trực phải bỏ làng ra đi vì miếng cơm manh áo hay bất mãn với lãnh đạo địa phương? Hợp là em trai Trực, can anh không được, đành để anh đi. Hợp sắm cho anh trai và ba cháu một cái cuốc, một con dao quắm và mấy bát gạo. Trực hứa với em, với vợ là, anh đi lần này, nếu không ăn nên làm ra thì anh sẽ chết ở nơi đất khách quê người chứ không thèm vác mặt về cái làng này nữa! Còn nếu như ông trời có mắt, ông trời thương, ở chỗ nào đó lại làm ăn được, anh sẽ về đón vợ và 3 con nhỏ đi sau. Cuộc chia ly kẻ ở người đi đều chứa chan nước mắt!
Do biết trước chuyện về Trực nên sau cái bắt tay, tôi hỏi ngay;
- Chú về bao giờ thế?
- Báo cáo hai bác, em về một tuần nay rồi ạ.
- Về ở với làng hay đón cô ấy với các cháu đi?
- Chuyện dài lắm. Hai bác vào đây uống với em chén nước đã.
Miệng mời, tay Trực kéo tôi và Sếp vào cái quán ngày bên lề đường (ở các làng quê tôi thời gian gần đây mọc lên rất nhiều quán nước). Trực bảo bà chủ quán rót cho 3 chén trà. Anh cầm bao Du lịch đỏ còn nguyên đai, bóc ra mời chúng tôi. Tôi không hút thuốc nhưng vẫn biết một anh nhà quê dám tiếp khách thuốc lá loại có cán, thế là chơi sang rồi đấy.
Vừa hút thuốc nhả khói trắng mù trước mặt, Trực vừa chậm rãi thuật lại cái ngày anh bỏ làng “đi tìm hạnh phúc” cho chúng tôi nghe.
Trực quyết định lên Hà Tuyên. Tiền không có một xu dính túi, bốn bố con anh phải cuốc bộ. Một, hai ngày đầu còn có cái ăn vào bụng, sức còn khỏe còn đi được. Khổ nhất là mấy ngày sau đó, Trực phải cõng con, phải đi đến đâu xin ăn đến đấy. Lôi thôi, lếch thếch. Thế là bốn bố con anh trở thành kẻ ăn mày!
Sau 5 ngày lang thang trên đường, Trực đã đưa các con đến một xã miền núi thuộc đất Tuyên Quang cũ. Anh dắt con vào ăn xin các gia đình người dân tộc. Anh kể cho họ nghe về tình cảnh của mình. Đồng bào thương bố con anh, họ cho ăn, cho ở nhờ. Rồi họ bảo nhau dựng cho bố con anh một cái lán, chỉ cho anh chỗ làm nương…
Với con dao quắm và cái cuốc trong tay, ngày này qua ngày khác, mấy bố con anh phát rẫy, đốt nương, đánh gốc, bốc chà. Vỡ đất tra ngô, trồng sắn… Thấm thoắt gần hai năm trôi qua, bố con anh đã có sắn, có ngô, có lúa, không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa. Anh bán lúa, bán ngô, bán sắn lấy tiền mua lợn, mua gà, mua chó để chăn nuôi và mới rồi anh lại tạu được một con trâu cái. Cơ ngũ của anh đang lên. Lần này anh về để đón vợ và 3 con đúng như anh đã hứa.
- Hai bác thông cảm. Phải xa quê cha đất tổ, có lẽ là điều không ai muốn. Nhưng hoàn cảnh của em nó thế, bắt buộc em phải thế - Trực trút hơi thở dài đánh sượt, giọng anh trầm xuống, ướt nhòe nước mắt -  Thôi thì ở đâu làm ăn được ở đấy là quê hương vậy.
Nói xong câu ấy, Đào Văn Trực ngồi im. Hình như Trực sắp bật khóc. Anh chớp chớp mắt. Hai giọt nước to tròn, đùng đục lặng lẽ lăn trên má Trực…
Nghe Trực nói, nhìn Trực âm thầm khóc, tôi và Lê Minh Sếp cảm động ngồi lặng đi. Không rõ là nghe xong câu chuyện của Đào Văn Trực, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo này đang nghĩ gì? Còn tôi? Tôi thầm hỏi: Tại sao cũng vẫn là con người ấy mà ở nơi này thì khổ, khi đến nơi kia lại không khổ nữa? Còn cái gì nữa ngoài yếu tố lao động cơ bắp ra, anh Lê Thiệp ơi, anh có biết chăng???.

HƯỚNG ĐI TỪ MỘT VÙNG QUÊ NGHÈO
... Các cụ quê tôi bảo, phần lớn xã Hải Lựu ngày nay là làng Bạch Lưu Hạ ngày xưa. Từ xưa Bạch Lưu Hạ đã có tiếng là vùng quê nghèo của huyện Lập Thạch. Đó là một làng quê bám chênh vênh bên bờ con sông Lô, gồm mấy chục nóc nhà nằm chen chúc, mái gianh nhà nọ gối đầu lên mái gianh nhà kia. Mùa hanh khô, chẳng may nhà nào đó bị cháy là thế nào cũng kéo theo thêm vài nhà nữa cùng chung số phận.
Người dân làng Bạch Lưu Hạ chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Nhưng ruộng ít, lúa ít nên người ta phải sống thêm bằng nghề sơn tràng. Nghĩa là bà con rủ nhau lên rừng hái củi, lấy dây tết quang gánh, đục cối đá... đem bán kiếm thêm tiền đong gạo. Tuy làm “anh” nông dân nhưng quanh năm sống bằng gạo chợ, nước sông. Dẫu có đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng cái đói, cái no lại phụ thuộc vào bàn dân thiên hạ. Cuộc sống vất vưởng thế nhưng được cái không có ai bỏ làng đi tìm sự an nhàn, no đủ riêng cho bản thân mình. Dường như người dân Bạch Lưu Hạ càng nghèo lại càng bìu ríu thương nhau. Và, càng thương nhau lại càng không dám xa nhau để đi tìm nơi nào đó khả dĩ sống dễ chịu hơn, kể cả cái năm đói “ bốn lăm” làng chết mất trên ba mươi người. Phải đợi đến thời kỳ chống Mỹ, chỉ vì sợ bom đạn của thằng giặc trút xuống đầu, đồng thời không thể chịu nổi cảnh lụt lội mỗi mùa nước lên mà có một số hộ mới liều mạng rời làng vào trại. Họ phá rừng, làm nương, bới đất lật cỏ để sinh cơ lập nghiệp. Cư dân Hải Lựu mới giãn ra, đông dần lên từ đấy...
 Người ta còn nhớ cái thời đâu đâu cũng “Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”, những người lãnh đạo chủ chốt của Hải Lựu lúc bấy giờ không cam chịu để người dân quê mình chịu cảnh đói nghèo mãi, họ mới cơm nắm, cơm gói ra khỏi làng, đi tham quan, kiểu như tầm sư học đạo. Khi trở về họ đã phát động nhân dân làm thủy lợi. Bằng quang sọt, cuốc xẻng và đôi vai của mình, người dân Hải Lựu đã khoanh bờ vùng, bờ thửa, đã đắp hồ chứa nước, đã đào kênh mương, đoạn để dẫn nước, đoạn để chống xói mòn... Vậy mà vụ mùa vẫn bấp bênh, vụ chiêm vẫn là chiêm... bao! Lúa đang phơi màu, trời không mưa là coi như mất trắng. Lúa sắp đỏ đuôi chỉ cần một cơn mưa đã lại trắng tay. Chả biết ở những đâu làm chủ được thiên nhiên chứ ở Hải Lựu thì hoàn toàn bị thiên nhiên chi phối, thiên nhiên khống chế. Có lẽ bởi vậy mà cái đói, cái nghèo chẳng mấy năm buông tha cho Hải Lựu? Nói đâu xa, sau 2 năm vỡ đê vô khối người dân Hải Lựu phải tay dao, tay thuổng cuốc bộ trên 20 cây số vào tận núi Bầu, núi Thét đào củ mài, đánh cây đao đem về nuôi nhau cho qua những ngày giáp hạt.
Anh tính, thời nào chả thế. Ở đâu chẳng thế, dân có giàu thì nước mới mạnh. Dân Hải Lựu nghèo nên xã Hải Lựu cũng nghèo. Mà nghèo thì thường đi với hèn. Làm anh cán bộ một xã nghèo vốn đã lắm điều cơ cực nay lại nghèo trong lúc đâu đâu cũng đua nhau làm giàu thì điều cơ cực kia càng nhân lên gấp bội. Chưa nói đến nỗi băn khoăn, trăn trở mỗi khi nhìn thấy người dân quê mình phải đi chạy ăn, khu nghĩa trang còn quá sơ sài, hãy chỉ nói đến chuyện đi họp huyện, anh em xã bạn họ phóng xe kích, cúp vèo vèo, còn mình thì gò lưng đạp cái xe xích nhão, lốp “bó bột” mà tủi thân. Lắm bận đến muộn, đành cười trừ mà chống chế: “Mong các sếp thông cảm cho đồng bào vùng sâu, vùng xa”. Trong hội nghị, xã người ta giàu, người ta nói to lắm, cười to lắm, bắt tay chặt lắm. Còn mình thì ngồi lặng lẽ một góc trong hội trường, có nói, có cười cũng chỉ dám nói cười nho nhỏ thôi. Vẫn biết không ai bắt mình phải thế nhưng cái lòng tự trọng, cái liêm sỉ của anh cán bộ có tâm bảo anh phải ứng xử thế. Nghĩ lắm lúc buồn và ức đến phát khóc lên được, anh ạ.
Đồng chí chủ tịch xã nói đến đấy thì ngừng lời. Anh châm đóm hút thuốc lào và uống nước, rồi ngồi lặng đi.
Là người đã đi qua trong chiến tranh, tôi hiểu và cảm thông với nỗ băn khoăn, day dứt của các anh. Các anh làm lãnh đạo chủ chốt của xã Hải Lựu hiện nay hầu hết là những chiến sĩ bộ binh, đặc công, thông tin trong chống Mỹ, cứu nước... Khi chiến tranh kết thúc, họ xin “giã từ vũ khí”, kẻ trước người sau trở về với “ chùm khế ngọt’ của mình. Ai cũng ước ao sẽ đem sức lực của mình góp phần cải tạo quê hương, đưa bà con vượt qua cảnh đói nghèo, túng thiếu. Những tấm huân, huy chương cùng những vết sẹo trên cơ thể họ đã là “tấm bằng tốt nghiệp” về lòng tin yêu của bà con đối với người đã có một thời cầm súng vì nước, vì dân. Chả thế mà, đâu phải bỗng dưng, mươi năm nay các anh đều được Đảng cử, dân bàu làm người đứng mũi chịu sào của một xã? Ước mơ là thế mà lại chưa làm được bao nhiêu cho dân nhờ thì điều băn khoăn, trăn trở càng trở nên nhức nhối.
Nhìn đồng chí chủ tịch xã - Người chiến sĩ năm xưa, chỉ vì tấm lòng nặng nợ với quê nhà mà cách đây hơn 10 năm đã từ chối kết hôn với một cô gái Sài Gòn, đang cúi đầu trầm ngâm, nghĩ ngợi, tôi lại hỏi:
- Sau mười năm làm chủ nhiệm, làm Bí thư giờ đương nhiệm chủ tịch xã, theo anh, tại sao Hải Lựu lại chưa “ngóc đầu” lên được?
Như đã nghiền ngẫm điều tôi vừa hỏi từ lâu nên chủ tịch xã trả lời ngay:
- Nhiều lý do thuộc về chủ quan, khách quan lắm anh ạ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, năm ngoái anh em chúng tôi đã tổ chức một hội nghị, kiểu như “Hội nghị Diên Hồng” của ông bà mình ngày trước, gọi là hội nghị tháo gỡ khó khăn cho quê hương. Hôm ấy các đồng chí là đảng viên lão thành của địa phương, các đồng chí từng là cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, bộ đội về nghỉ hưu, về phục viên... phát biểu hăng lắm, với nhiều gợi ý hay lắm. Nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong đầu tôi là vấn đề hoàn cảnh. Hoàn cảnh nói ở đây là vấn đề địa lý Anh biết đấy. Hải Lựu là vùng quê bán sơn địa: Đồi rừng thì xen kẽ, ruộng đất thì bạc màu, lầy thụt. Đồi gò thường có độ dốc trên 15 độ, lại gần sông, thành thử bị úng lụt liên miên. Mùa màng được mất là tùy thuộc vào ông trời.  “Cụ” cho ăn thì được. “Cụ” bắt nhịn thì phải treo niêu! Bởi vậy, muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo thì nhất thiết Hải Lựu phải giải quyết được khâu thủy lợi. Phải đi lên từ thủy lợi. Nghĩa là phải giải quyết được khâu tưới, tiêu cho đồng ruộng
Điểm cần tháo gỡ hay là hướng đi cho một vùng quê nghèo coi như đã rõ. Nhưng đào đâu ra vốn? Bây giờ chả cứ gì người đi buôn mới cần vốn mà người làm ruộng cũng cần phải có vốn mới tính chuyện làm ăn được, huống hồ đây là việc tày đình, nhẩm tính tiền triệu cũng phải đến hàng trăm. Thời bao cấp, Hợp tác xã còn có nguồn thu, còn có vốn, giờ kho tàng rỗng không. Chính quyền cũng vậy, thu không đủ chi mấy đồng lương còm cho cán bộ xã. Còn bà con mình thì nghèo. Vả lại, huy động vốn của nhân dân vốn đã không dễ lại thêm “dịch hụi” khắp nơi khiến nhiều người lo ngại, không tin. Hay là vốn của Nhà nước? Chắc chắn cũng không đơn giản. Ngân hàng cũng giống như anh nhà giàu, họ nhìn mặt mới cho vay. Mà khuôn mặt Hải Lựu lại thuộc loại không có máu, lấy gì để thế chấp mà cho vay? Thế mới thấm thía cái câu “cái khó bó nó cái khôn” đến thế nào!
Chủ tịch xã ngừng lời, lại nhẩn nha hút thuốc lào, uống nước làm tôi sốt ruột phải hỏi:
- Vậy làm sao các anh lại có vốn, theo chỗ tôi biết, không chỉ đủ làm thủy lợi mà còn làm đến điện thủy lợi?
Nhả khói trắng mù trước mặt, vẫn cái giọng trầm đục, chủ tịch xã kể tiếp:
- Cũng là chuyện tình cờ. Ở đời có nhiều chuyện tình cờ mà lại nên cơm nên cháo lắm chứ anh. Số là ở quê tôi có một ông cán bộ trên tỉnh, thương quê nghèo mới mách nước cho chúng tôi, không phải đi vay mà đi xin vốn. Nghe ông ấy, chúng tôi liều đi công cán một chuyến xem sao.
Khi mới vào cuộc, giờ nghĩ lại thấy mình vừa hăng, vừa liều. Nghe đồn bây giờ đi “giao địch” người ta coi trọng cái hình thức ghê lắm. Họ đón khách đi ô tô trước, khách đi xe máy sau, còn thời gian mới đến anh đi xe đạp. Mọi sự ưu ái cũng phải xếp theo cái thứ tự ấy. Anh em chúng tôi, như anh thấy đấy, chỉ có mỗi cái xe đạp cà tàng thì có khác gì “ đơm đó ngọn tre”. Nhưng thực tế lại không phải thế anh ạ, hay là ở huyện tôi không thế. Đồng chí chủ tịch huyện,, cùng các anh ở các phòng, ban trên huyện đã ưu tiên làm việc với một xã vừa nghèo, vừa ở xa huyện trước. Thế rồi sau nhiều lần phân tích đi, phân tích lại, lại cũng thấy rằng, cấp vốn cho Hải Lựu xây một cái trạm bơm điện bên bờ sông Lô để phục vụ cho công tác thủy lợi là có lý, có tình. Đồng chí chủ tịch còn giao cho Hải Lựu hai việc để thử thách quyết tâm của chúng tôi: Đó là đắp một đoạn đường từ Hải Lựu đi Lãng Công dài 300 mét và đào đắp một con kênh ở đập Suối Sải với khối lượng 6. 000 mét khối! Chủ tịch hẹn thêm: Hai việc không lớn này, nếu các đồng chí tổ chức được thì huyện mới tin, mới giao vốn lớn, làm việc lớn.
Vì lẽ muốn có vốn lại thêm vì lẽ vốn có lòng tự trọng của người lính, thế là anh em chúng tôi tập trung dồn sức huy động vốn từ bà con, tập trung sức lực trong 2 tháng thì hoàn thành 2 việc mà chủ tịch huyện giao. Sau đó, giữ đúng lời hứa, trên “rót” vốn từng đợt về cho Hải Lựu. Với tư cách là bên A, chúng tôi đã giao công việc khảo sát, thiết kế toàn bộ đường điện cao thế, hạ thế, trạm biến áp, lắp đặt thiết bị và máy bơm cho “xí nghiệp Dịch vụ cơ điện thủy lợi tỉnh” đảm nhận. Phần xây trạm bơm, đào đắp hệ thống kênh mương do chúng tôi tự lo. Có lẽ mời anh uống nước rồi anh em mình đi thăm công trình một chút.
Đây là lần thứ 2 tôi lên Hải Lựu. Lần sau cách lần trước chỉ một vòng quay trái đất... Vậy mà xem ra khuôn mặt Hải Lựu giống như người mới ốm dậy đang ở thời kỳ hồi sức. Đồi, gò, rừng của Hải Lựu vẫn nằm gối đầu lên nhau nhấp nhô thế nhưng nhờ có chính sách khoán và sự hỗ trợ vốn của tổ chức PAM mà rừng núi cũng như đồi gò đều xanh hơn, vẻ như trù phú, xum xuê hơn. Đồng ruộng của Hải Lựu vẫn là những cánh đồng nhỏ hẹp, nơi bậc thang, nơi lầy thụt, chạy ôm quanh dưới chân các trái đồi như trước, nhưng bông lúa dài hơn, mẩy hơn. Bên cạnh những thửa ruộng lúa vàng hoe là những vạt ngô đông và rau ngắn ngày chống đói tháng 3. Trên đường làng, đường liên thôn, liên xã mọc lên nhiều quán hàng, nhiều lò nung vôi, nhiều người đục và bán cối đá. Không khí làm ăn nhỏ thuộc các nghề thủ công và buôn bán nhỏ nhằm thu nhập thêm ngoài hạt thóc, củ khoai đang hình thành rất rõ ở Hải Lựu. Âu đó cũng là sự năng động, một hành động tự cứu mình của người dân. Đồng chí chủ tịch xã bảo, tới đây các anh sẽ khuyến khích bà con phát triển thêm các nghề phụ. Làm sống lại và cải tiến hơn nữa nghề làm đồ đá dân dụng truyền thống. Phải đưa người dân làm quen dần với sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường. Nhằm biến cái chợ quê từ hình thức chợ thành nơi giao lưu hàng hóa cho bà con nông dân. Các anh sẽ đầu tư vốn xây chợ ngoài bến sông để thu hút khách hàng từ Hà Giang, Tuyên Quang xuống, từ Bãi Bằng, Phong Châu sang. Nhưng trước mắt phải làm xong cái điện đã...
Công trình điện - thủy lợi đang được khẩn trương thi công. Tuy chưa kéo dây, điện chưa về nhưng trạm biến thế đã xây dựng xong. Những hàng cột điện trông như những người lính đứng trong hàng ngũ, giơ đôi cánh tay như chào mời, như vẫy gọi, như khích lệ người dân Hải Lựu hãy gắng lên. Sự khích lệ tưởng tượng ấy thực sự đã biến thành sức mạnh vật chất ở Hải Lựu.
Tôi cùng đồng chí chủ tịch xã đi ra bến Chảy. Ở khúc sông ồn ào sóng nước đầy vẻ hoang dã này của con sông Lô, Hải Lựu đã xả bạt 500 mét khối đất đá để xây và đã xây dựng xong trạm bơm điện với công suất 400 mét khối/ giờ. Từ trạm bơm chúng tôi lại đi dọc theo tuyến kênh mương. Do địa hình cao thấp khác nhau mà tuyến kênh phải, đoạn thì đào hạ thấp xuống, chỗ lại phải đắp tôn cao lên. Từ tuyến kênh chính này có rất nhiều mương “xương cá” và cống “xương cá” tỏa về các cánh đồng. Khi leo lên đến đỉnh đập hồ Khuôn, chủ tịch xã bảo tôi dừng lại nghỉ. Anh giới thiệu, đây là cái hồ được đào đắp từ những năm sáu mươi. Đứng ở độ cao này, chúng tôi nhìn thấy trạm bơm điện ngoài sông Lô và toàn bộ tuyến kênh mương mới được đào đắp của Hải Lựu tỏa ra chằng chịt trên những cánh đồng, y như những mạch máu trong cơ thể con người.
Chủ tịch xã giơ tay chỉ và hào hứng giới thiệu thêm:
- Kế hoạch của anh em chúng tôi là, từ trạm bơm kia sẽ đưa nước tưới theo 2 tuyến: Một, bơm về chứa ở hồ Khuôn. Rồi từ hồ Khuôn đưa nước về đồng Chăm, đồng Mọc, đồng Len... Một, thẳng về các cánh đồng như đồng Soi, đồng Him, Gò Hội, Trũng Hóp, đồng Dừa... Nay mai, khi công trình đưa nước vào sử dụng, trước mắt chúng tôi đảm bảo tưới tiêu cho 210 ha ruộng, trong đó có một số diện tích từ một vụ chuyển thành hai vụ, thành ba vụ. Sau đó kết hợp với các loại giống mới, chúng tôi sẽ cho thâm canh và thay đổi dần cơ cấu mùa vụ. Để hoàn thành công trình, Hải Lựu còn phải huy động nhân công và vốn sửa chữa, đào đắp mới 4 cây số kênh mương với khối lượng 12.000 mét khối đất đá, xây mới 36 cống lớn, nhỏ...
- Bằng vốn tự có hả anh? - Tôi hỏi chen ngang.
- Vâng, bằng vốn tự có. Tự có của tập thể một phần, còn một phần, mà phần chủ yếu là của xã viên - Như đoàn biết tôi chưa thật hiểu, chưa thật tin, chủ tịch xã giải thích - Đó là số công của nhân dân. Bà con cứ đi làm, cứ đưa vật liệu ra xây dựng mà chưa đòi tập thể thanh toán ngay. Cái vốn tiềm ẩn này trong nhân nhân đối với chúng tôi là lớn lắm, quý lắm.
Tôi gật đầu công nhận và góp phần lý giải:
- Điều lớn hơn, có thể coi đây là vốn của lòng tin của bà con đối với người lãnh đạo. Làm sao các anh lại được dân tin, dân ủng hộ?
Hẳn là đồng chí chủ tịch xã chưa một lần nào tự đặt ra câu hỏi này cho mình, vậy nên nghe tôi hỏi anh mới ớ người ra. Nhưng chỉ một thoáng sau anh lại trả lời tường tận ngay được:
- Là người lính trở về, sau mấy năm làm việc cho dân, tôi nghiệm ra điều này: Phàm những việc mình làm đều xuất phát từ lợi ích của dân, hợp với lòng dân thì đều được dân tin, dân ủng hộ. Làm công trình điện thủy lợi là vì hướng đi lên của quê hương, là vì cơm no, áo ấm của dân... cho nên dân mới hết lòng ủng hộ. Cấp trên tinh lắm, nhân dân cũng tinh lắm. Mình mà làm ngược lại lợi ích của dân thì sẽ bị dân phản đối, dân chửi cho không có tai mà nghe chứ nói gì đền chuyện đồng tình, ủng hộ.
Là người đã qua cái tuổi bồng bột nhưng nghe chủ tịch xã nói vậy, không thể kìm giữ nổi tình cảm của mình, tôi nắm lấy tay anh vừa siết chặt, vừa vồn vã khen:
- Đúng quá! Đây mới thực sự là yếu tố quyết định cho hướng đi của một vùng quê nghèo vươn đến cái đích ấm no, hạnh phúc.
NỬA ĐÊM LẠ LÙNG
Không biết tự bao giờ ở làng này lại có câu: “Gái thôn Đông ăn cơm với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm”? Câu nói ấy từ ngày xưa đã đúng, lâu nay vẫn đúng, và bây giờ càng đúng. Bởi vì hầu hết gái thôn Đông đều đi buôn. Họ ra đi đem hàng đến bán ở các chợ trong huyện từ lúc gà gáy. Chợ tan, cuốc bộ về đến nhà thì đã quá ngọ sang chiều. Thành ra họ chỉ được ăn cơm với chồng vào bữa tối, được ngủ bên chồng từ chập tối tới lúc sang canh.
Như nhiều cặp vợ chồng khác, vợ chồng anh Lục, chị Thường cũng rơi vào cảnh sống tương tự của cả làng. Có điều khác là họ còn trẻ. Anh chồng mới 30, chị vợ mới 28. Và chỉ có hai con: một trai, 1 gái. Vừa có nếp, có tẻ, vừa đúng kế hoạch “trên giao” thật còn hạnh phúc gì hơn. Hai, ba năm trước đây, dạo mới được bố mẹ cho ra ăn riêng, họ còn nghèo. Nhờ anh chồng chịu khó, chị vợ đảm đang mà họ ăn nên làm ra rất nhanh. Càng giàu họ càng vui, càng ham việc. Anh Lục ngoài việc nhận làm “khoán sản” với hợp tác xã, tối tối anh còn tranh thủ nhào đất, đóng gạch ùm ụp suốt đêm. Chị Thường đi chợ thì thôi, về đến nhà là lúc ở ngoài đồng, lúc ở ngoài vườn cuốc cuốc, xới xới, tối vào lại cám bã lợn gà… mải mê với công việc nên tuy còn trẻ mà có khi cả tháng vợ chồng chẳng “gặp” nhau lấy một lần. Anh Lục thì khả dĩ dễ hiểu, bởi khẩu hiệu của vợ chồng anh là: “Phải thắt lưng buộc bụng. Tất cả cho làm giàu”. Anh làm hùng hục như trâu húc bờ lại không dám ăn uống tẩm bổ gì nên người còm nhom như con ếch đói. Thế là cái “nghĩa vụ kia” đối với vợ anh ta cũng quên luôn. Ngược lại với chồng, là gái hai con, chị Thường vẫn tươi giòn lắm. Đi buôn đi bán vất vả thật nhưng bữa trưa ăn đồng quà tấm bánh cũng có chất hơn nên chị vừa khỏe, vừa béo, hai má lúc nắng cứ đỏ hây hây. Tuy thế, khi không thấy chồng “hỏi gì” chị cũng quên luôn đòi “cái của nợ”. Thường thì công việc buổi tối xong, mặc anh đóng gạch ngoài sân, chị ôm đứa con nhỏ vào buồng nằm một lúc là ngủ ngay được. Ngủ một giấc dài, thật sâu cho tới khi tiếng chuông đồng hồ “leng keng” báo thức, chị bừng tỉnh dậy, sắp xếp hàng họ để đi chợ. Đứa con nhỏ chị lại bế ra đặt cạnh bố đang ngủ mê mệt trên tấm giường phản ở nhà ngoài. Chị sẽ sàng khép cửa lại rồi đi mà không cần dặn dò gì. Họ sống mãi cái cảnh ấy nên quen rồi.
Hôm nay là phiên chợ Thiên, chị Thường đi bán bắp cải. Rau đầu mùa năm nào chả thế, gọi là đắt bay khói! Chị Thường vừa xếp những cái bắp cải đã được ngâm dưới ao uống nước no nê vào hai cái sọt vừa nghĩ thế, vừa mừng. Nếu “trúng” vụ rau này nữa thì gì chứ, vợ chồng chị đủ tiền mua một cái tủ buýt - phê lùn là cái chắc. Bằng mọi cách phải làm giàu! Thời buổi này không giàu thiên hạ người ta cũng khinh. Ý nghĩ này khiến chị Thường dù ngồi trên cái xe phía sau thồ hai sọt rau bắp cải đầy có ngọn mà vẫn đạp băng băng.
Đêm hạ tuần có trăng sáng, lại thuộc đường như lòng bàn tay nên chị Thường càng hăng hái đạp mà không sợ ngã. Đi chợ phải đi sớm. Có đi sớm mới chiếm được chỗ ngồi. Vị trí ngồi trong chợ quan trọng lắm. Phải ngồi ở phía đầu chứ ngồi giữa với cuối chợ, có mà đem hàng về.
Chị Thường đến chợ thật sớm, tầm này quá lắm mới 3 giờ sáng là cùng. Chị thoáng trách mình sao hôm nay lại đi sớm thế? Nhưng chỉ thoáng trách thôi chứ có đi sớm thế này mới không sợ mất chỗ ngồi lại đỡ mất mấy trăm mua vé vào chợ thì có đi sớm cũng chả thiệt gì!
Chị Thường dựng xe đạp vào cột tre của một cái quán đoạn lôi tấm ni - lông trải ra tranh thủ làm thêm một giấc. Về sáng trời se lạnh, chị nằm co lại như con tôm rang. Lát sau, một giấc ngủ hết sức dịu nhẹ và dễ dàng đã đến với chị.
Nhưng chị Thường đã giật mình tỉnh giấc bởi chị linh cảm như có ai đang đứng nhìn mình. Chị hốt hoảng ngồi bật dậy. Tưởng ngủ mơ hóa ra có người thật. Nhưng tưởng ai mới sợ chứ người đó là anh Hàm thì có gì mà sợ.
Tuy quê ở xa chợ Thiên đến một giờ đạp xe nhưng chả có phiên chợ nào chị Thường vắng mặt. Vì thế với anh Hàm chị là chỗ người quen cơ đấy. Vậy thì chị không sợ cũng chẳng có gì là lạ.
Hàm là một chàng trai trên 30 tuổi, nhưng chưa vợ. Mà cũng có thể nói rằng, Hàm không có vợ. Bởi Hàm câm từ bé. Khổ, người trông khỏe mạnh, đẹp trai lồng lộng thế kia mà “ông trời” lại bắt câm. Dường như biết mình là người tật nguyền nên Hàm ăn ở rất tốt với mọi người. Bằng sức lực của mình, hắn làm thuê được vô khối việc. Thấy hắn làm khỏe, công lại rẻ, trả thế nào cũng xong nên ai cũng muốn thuê. Vào những phiên chợ Thiên, hắn thường ra đây quét chợ, rồi bốc hàng cho các bà, các cô đi buôn… Công việc nhì nhằng vậy mà trừ ăn tiêu hàng ngày đi hắn cũng ki cóp được số tiền kha khá phòng khi ốm đau, bệnh tật sẽ có mà dùng. Hôm nay sao Hàm ra chợ sớm thế? Chắc là mới ngủ dậy Hàm đi ngay nên hắn chỉ mặc cái quần đùi, còn cái áo bộ đội tàu tàu của ai cho thì vắt trên vai. Dưới ánh trăng hạ tuần, nhìn hắn khỏe đẹp như bức tượng. Những bắp thịt trên đùi, trên tay, trên ngực hắn nổi cuồn cuộn, bóng láng như tráng một lớp đồng đen.
“Sao hôm nay ra sớm thế?” Không rõ hắn có nghe được không còn nói thì không rõ rồi nhưng chị Thường vẫn cất tiếng hỏi Hàm. Và, bằng một động tác, chị ra hiệu bảo Hàm gỡ hai sọt bắp cải ra. Hàm hiểu và làm việc đó rất nhanh. Thấy hắn đã xếp hàng xong như ý định của mình, chị Thường móc cái túi may liền trong quần lấy ra 500 đồng đưa cho Hàm. Hàm lắc đầu tỏ ý không nhận “Gớm! Hôm nay bụt lại chê oản. Hay chê ít? Hay là muốn gì?” - Chị thường hỏi hắn. Hàm không “nói” mà chỉ nhìn chị, nhìn xoáy vào cổ chị, phía trên cái hõm của hai bầu vú, lúc ngủ cúc áo bị tuột ra, nom trắng ngần. Cảm nhận được cái nhìn như biết nói của Hàm, chị Thường thoáng nóng mặt. Chị đóng vội cúc áo lại và ngồi thụp xuống, xua tay ra hiệu bảo Hàm: “Xong việc rồi, đi đi”. Nhưng Hàm không đi. Hàm vắt áo lên ghi-đông xe và hắn vẫn đứng im nhìn chị Thường.
Trời vẫn còn khuya lắm. Vắng vẻ quá. Quanh đây chỉ có tiếng giun dế rỉ rả kêu và xa xa phía trong làng vọng ra xao xác mấy tiếng gà gáy báo canh ba, canh 4 gì đấy. Hình như càng về sáng trăng hạ tuần càng sáng tỏ hơn. Bởi thế chị Thường càng nhìn rõ cặp mắt đen, sáng rất đẹp của Hàm. Từ cái nhìn ấy của Hàm, bằng sự nhạy cảm của người đàn bà đã hai con, chị Thường hiểu Hàm đang muốn gì ở mình. Trời ơi, chị muốn bỏ chạy, muốn lẩn trốn trước cái nhìn ấy của Hàm mà không thể chui xuống đất được. Mà sao lúc này chị lại nhìn thấy ở Hàm vẻ đẹp trai, khỏe mạnh quá. Cái cặp đùi vạm vỡ vẻ chắc nịch của Hàm đứng sừng sững ngay trước mặt chị, chợt đánh thức trong chị bừng lên một nỗi khát khao, thèm muốn. Chị nhìn Hàm. Hai ánh mắt giao nhau dưới ánh trăng, không nói gì mà như nói lên được tất cả.
Bất thần Hàm ngồi thụp xuống bên Thường. Hắn ôm ghì lấy Thường. Hai cánh tay rắn chắc như hai thanh sắt của Hàm ôm gọn Thường trong lòng. Đã đến nông nỗi này dù có muốn quẫy cựa, Thường cũng không thoát ra được nữa. Người Thường như mềm nhão ra, nóng rực lên. Chị để mặc hắn hôn như mưa trên mặt, trên mắt, trên môi mình. Bất thần hắn lại xô chị ngã ngửa ra trên tấm ni-lông trải từ lúc nãy. Rồi như một con thú đã vồ được mồi hắn cắn vào đùi, vào ngực Thường. Thường không thấy đau. Chị đắm mình trong cảm giác đê mê. Chị tự nguyện uốn cong người dâng hiến cho Hàm...
Giống như đứa trẻ khát sữa đã được bú no nê. Hàm lăn ra ngủ. Còn chị Thường, cơn lửa tình bùng cháy đã tàn, chị cũng mệt mỏi thiếp đi, rồi bất chợt ngồi dậy mặc vội áo quần, chải lại mái tóc rối tung, đoạn quay lại nhìn Hàm. Hắn vẫn ngủ như chết. Miệng hắn há ra, đầu ngoẹo sang một bên. Ôi, lúc nãy hắn cường tráng bao nhiêu thì nay hắn tiều tụy, mềm nhão bấy nhiêu. Bỗng chị thấy ghê sợ Hàm, căm ghét Hàm. Không thể ở đây đến sáng để trông thấy Hàm lần nữa. Chị hấp tấp đứng dậy, xếp vội những cái bắp cải vào sọt. Chị phải về hoặc là đi chợ khác. Ý nghĩ ấy giục Thường đặt sọt rau lên cái móc hàng, rồi cầm ghi-đông xe định dắt đi thì bắt gặp cái áo của Hàm. Cái áo có mùi mồ hôi chua chua, hai túi căng phồng. Chị mở nắp túi lôi ra. Trời ơi! Hàm có nhiều tiền quá, toàn tờ loại 5.000 đồng. Phải có tới vài trăm ngàn, thừa sức để mua một cái tủ. Không chần chừ, Thường nhét tất cả số tiền ấy vào túi quần mình. Còn tấm ni-lông? Thôi bỏ! Đáng là bao nhiêu mà đánh thức Hàm dậy? Dậy, nhỡ hắn đòi tiền và lại “đòi”… nữa thì chết. Phải biết thả con săn sắt bắt con cá sộp chứ? Bụng bảo dạ như vậy, Thường lấy tấm áo của Hàm đắp lên người Hàm đoạn lặng lẽ dắt xe đi. Vừa đi Thường vừa ngoái lại nhìn Hàm. Mặt đất rõ bằng mà chị ta vấp, suýt ngã mấy lần.
Trời đã rạng sáng. Có lẽ Hàm thức giấc bởi có tiếng chim hót ngay trên nóc quán và tiếng cười nói lao xao của mấy bà đi buôn đến chợ sớm. Hắn ngồi dậy, bàng hoàng nhớ lại chuyện đêm qua… Mơ hay tỉnh nhỉ? Hình như là hắn ngủ mơ. Mấy năm nay nhiều đêm Hàm vẫn mơ như thế. Nhưng tới khi Hàm sờ vào túi áo có hơn 200 ngàn đồng dành dụm từ vài năm nay mới có được không còn nữa thì hắn tỉnh hẳn ra. Ai móc túi tiền của Hàm? Hẳn là cô hàng rau chứ còn ai vào đây nữa. Cô ta đâu rồi? Hàm nhớn nhác tìm. Nhưng hắn chỉ thấy toàn người lạ. Chợt nhớ đến công việc của mình, Hàm đi lấy chổi. Bỗng hắn thấy đau đau ở ngực, Hàm cúi xuống nhìn thì đó là vết cắn của cô hàng rau lúc làm tình với hắn. Hai hàm răng của cô giờ là hai vệt bầm tím, chạy song song trên vầng ngực nở nang của Hàm…
19/1/2018
Nguồn: Tuyển tập tác phẩm đoạt 
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 - 2016
Theo http://hoivhntvinhphuc.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...