Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Cánh phượng tình thơ 3

Cánh phượng tình thơ 3

Chương 11

Mẹ tôi viết thư báo tin mẹ sẽ lên thị trấn ăn tết với gia đình dì Hai và anh em tôi lần nữa giống như năm ngoái. Mẹ còn nói thêm mẹ có chuyện cần nói cho mọi người biết. Ai trong nhà cũng thắc mắc không biết là chuyện gì, nhất là hai anh em chúng tôi. Chúng tôi không biết mẹ có chuyện gì quan trọng đến nỗi không thể viết trong thư mà phải chờ tới Tết để gặp tận mặt. Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi cho Tết mau đến, vừa được nghỉ học ở nhà ăn Tết, vừa được gặp mẹ, vừa thắc mắc muốn biết chuyện mẹ muốn nói là chuyện gì. Còn một chuyện nữa khiến chúng tôi háo hức muốn biết là chuyện mẹ nói sang mùng ba Tết mẹ sẽ dẫn chúng tôi lên Đà Lạt thăm cha. Đây là chuyện ngạc nhiên to lớn nhất của chúng tôi. Bao năm nay từ ngày cha mẹ bỏ nhau, chỉ có cha tôi hàng năm đi thăm anh em chúng tôi chứ mẹ không bao giờ dẫn chúng tôi về Đà Lạt thăm cha. Đối với mẹ, về Đà Lạt chỉ làm mẹ nhớ lại những quá khứ đau buồn. Mẹ vẫn còn giận cha tôi trong lòng và không bao giờ muốn về lại xứ đó, thế mà lần này mẹ lại đột nhiên có ý định dẫn chúng tôi về Đà Lạt thì thật là chuyện trọng hệ.

Mọi người trong nhà dì Hai bàn tán dữ dội. Người đoán thế này kẻ đoán thế kia. Ngay cả dì Hai, người được coi là thấu hiểu mẹ nhất, cũng không thể đoán ra. Anh Quốc Dũng lúc nào cũng lạc quan, đoán mò có lẽ mẹ sẽ về làm hòa với cha. Anh em tôi thì không đoán gì, chỉ chờ đợi.

Chị Bích Phượng cũng đã từ Nha Trang về nhà ăn Tết. Sau chuyến đi Nha Trang về lần này chị trông đã khá hơn nhiều. Tuy vẫn chưa lấy lại nét vui tươi như xưa, nhưng chị đã không còn sầu khổ khóc lóc hay tuyệt vọng như lúc trước. Chị đã chịu ra chợ phụ dì Hai như lúc xưa và không còn trốn ở nhà như lúc chị mới tự tử nữa. Mấy hôm chị mới về, cả thị trấn lại xì xào bàn tán chuyện của chị. Nhưng chỉ vài ngày sau, người ta cũng thôi không nói nữa. Người trong thị trấn nói có một chuyện này suốt mấy tháng nay rồi nghe cũng nhàm tai. Bây giờ người ta đã tìm được những đề tài khác nóng bỏng hơn để nói. Chị Phượng nói với dì Hai sau Tết chị muốn ra ngoài xin việc đi làm. Dì Hai nghĩ như vậy cũng là điều hay cho chị.

Anh Lâm thường hay qua thăm chị Phượng, anh tỏ vẻ lo lắng chăm sóc cho chị thật nhiều. Anh nói với chúng tôi anh Tuấn có nhờ anh sang chăm sóc cho chị Phượng, cho đến khi nào chị Phượng thật sự quên anh Tuấn. Tuy anh Lâm nói như vậy nhưng mấy đứa nhỏ chúng tôi đã nhìn ra bụng dạ của anh. Không biết anh thật tình không muốn nhận hay anh không hiểu chính mình, tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng anh thích chị Phượng. Sự lo lắng quan tâm của anh vượt ra khỏi sự nhờ cậy của bạn anh. Những gì anh làm là vì trong lòng anh thật sự thương chị Phượng. Đôi mắt của anh khi nhìn chị Phượng đã tố cáo anh, chúng đã không che dấu tình cảm của anh dành cho chị. Cái nhìn của anh chứa đựng sự thương yêu trìu mến. Cử chỉ của anh thì dịu dàng ân cần.

Anh Lâm là một người tốt, tôi thật mong rằng sau này chị Phượng và anh sẽ là một cặp. Tôi lâu nay chưa được gặp mặt hay hiểu rành về con người của anh Tuấn, nhưng tôi lại thấu rõ con người của anh Lâm. Anh Lâm không có bằng cấp cao hay sự nghiệp bằng anh Tuấn, nhưng với tình yêu và cá tánh của mình, anh sẽ mang hạnh phúc cho chị Phượng. Đã đôi lần tôi đem chuyện này gợi ý nói với chị Phượng nhưng chị cứ gạt đi không nghe. Chị nói anh Tuấn và anh Lâm là bạn thân, không thể làm như vậy được. Tôi cũng cảm nhận được sự khó chịu này của chị. Nếu chị cặp với anh Lâm, sau này khi anh Tuấn về nước, mỗi lần hai người bạn họ gặp nhau, có chị đứng giữa, họ biết nhìn nhau ra sao. Tôi vì vậy không nhắc gì chuyện anh Lâm với chị Phượng nữa.

Chúng tôi được nghỉ học từ ngày hai mươi ba tết. Dì Hai gói một nồi bánh tét thật lớn, dì đặt nồi đốt lửa phía sau vườn để nấu bánh. Mấy đứa nhỏ chúng tôi được giao nhiệm vụ canh lửa nồi bánh. Tụi tôi đứa nào cũng thích làm công việc này vì được dịp thức đêm ngồi canh lửa và bỏ củi. Trời mùa đông lạnh, chúng tôi đem mền ra khoác cho ấm rồi ngồi quanh bếp lửa, giống như cắm trại đêm. Anh Quang Hùng rủ thêm anh Quang Cận và anh Trần Bá Kỳ tới coi lửa nồi bánh cho vui. Minh Châu cũng xin phép mẹ sang nhập bọn với chúng tôi, thêm vào có cả anh Quốc Dũng. Đến tối, chúng tôi mang đàn ra vừa hát vừa tán dóc. Minh Châu nấu nồi chè đem sang để chúng tôi ăn khuya. Trời lạnh, ngồi bên bếp lửa chúng tôi không còn cảm thấy lạnh nữa.

Anh Quang Hùng ôm đàn hát bản nhạc Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang.

"Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối

Bên kia núi, núi cao chập chùng

Bên kia suối, suối réo lạnh lùng

Là bài thơ, toàn chữ hư vô

Này người yêu anh ơi!

Cho anh nồng ấm cuộc đời

Hoa thơm có ánh mặt trời

Như núi mừng - vì mây đến rồi

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Yêu nhau mình đưa nhau tới

Bước nhẹ - và nói bên môi

Nói cho vừa .. mình anh nghe thôi!"

Tôi biết anh tôi hát bài này để tặng riêng cho Minh Châu, bởi vì khi anh hát, đôi mắt của anh nhìn Minh Châu một cách trìu mến. Khi anh Hùng hát đến câu "Bước nhẹ và nói bên môi, nói cho vừa mình anh nghe thôi." thì anh hát với giọng nhỏ lại và đôi mắt của anh càng thêm tha thiết. Qua ánh lửa bập bùng, tôi thấy Minh Châu mỉm cười bẻn lẻn sung sướng. Đôi mắt to, sâu, đen, sáng long lanh hàng ngày của nó lúc đó càng thêm sâu, thêm đen và thêm long lanh. Cái hình ảnh dễ thương của một anh trai trẻ ngồi ôm đàn hát thì thầm cho một cô gái mắt đen thăm thẳm trong đêm, dưới ánh lửa bập bùng, trông thật thơ mộng. Đó là một hình ảnh ghi đậm mãi trong tôi không bao giờ quên.

Hát xong bài đó, mọi người vỗ tay nhiệt liệt và yêu cầu anh Hùng hát nữa. Được hứng anh hát tiếp bài Em Đến thăm Anh Đêm Ba Mươi của Vũ Thành An.

"Em đến thăm anh đêm ba mươi

Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em"

Tiếng hát của anh Hùng nhẹ nhàng và thiết tha như lời của bản nhạc. Dư âm của tiếng đàn như cuộn lẫn vào trong tiếng hát, ngân xa vào trong bóng đêm và cuối cùng tan vào trong khoảng trống phía sau lưng. Tiếng củi cháy lách tách nghe giống như tiếng hoà âm của một loại nhạc khí diệu kỳ. Nó gây cho người nghe một cảm xúc vừa xao xuyến vừa bâng khuâng. Anh Hùng tuy đã ngừng hát ở lời cuối cùng, nhưng những ngón tay của anh vẫn lướt nhẹ trên dây đàn để chuẩn bị chấm dứt. Nốt nhạc nhạc cuối cùng được anh đánh rất chậm và rất nhẹ, để nó ngân dài, bay lãng đãng vào không gian rồi từ từ chấm dứt.

Sau khi anh Hùng dứt lời hát, mọi người ngẩn ngơ rơi vào trong im lặng, không ai nói gì. Mãi một lúc lâu, anh Quang Hùng đưa đàn cho mấy anh kia hát. Anh Quốc Dũng thôi không còn hát bài nhạc tủ Cô Hàng Xóm mà anh Quang Hùng dạy anh hát lúc trước nữa. Bây giờ anh đã chuyển sang hát bài hát mới, nhạc trẻ. Hai anh Quang Cận và Kỳ Triết Học cũng góp hát vài bản. Càng khuya trời càng trở lạnh, chúng tôi xích lại sát bếp lửa hồng cho ấm. Anh Kỳ bắt đầu kể chuyện ma rùng rợn. Hai đứa con gái chúng tôi quấn người co ro trong mền sợ hãi. Hết kể chuyện ma đến chơi câu đố, rồi kể chuyện tếu lâm, nói chuyện hiện tại, nói chuyện của tương lai, nói đủ thứ chuyện, chúng tôi thức tới sáng cho đến khi bánh chín.

Chiều ngày hai mươi bảy Tết mẹ tôi lên đến nơi như đã báo trước. Mẹ xách va li bước vào nhà, đi theo sau lưng là một người đàn ông ngoại quốc đứng tuổi. Lúc đó vì sắp Tết mọi người ai cũng có mặt ở nhà. Chúng tôi ai cũng cảm thấy bất ngờ. Dì dượng Hai ngượng ngùng đứng lên chào khách. Anh Quốc Trung và chị Bích Dung thấy người ngoại quốc lạ mặt nên cúi đầu chào lí nhí rồi rút lui lên lầu. Nhưng vì tò mò, hai người đứng núp lấp ló trên cầu thang nhìn xuống coi sự việc gì. Anh Quốc Dũng và chị Bích Phượng lên tiếng chào mẹ tôi nhưng không có thái độ vồn vã như mấy lần trước mẹ lên chơi. Không phải là hai chị em có vấn đề với mẹ tôi nhưng là vì ngượng ngùng trước mặt người lạ. Còn hai anh em tôi thì biết chết trân nhìn không nói được lời nào.

Mẹ tỏ vẻ hơi mắc cở trước thái độ đón tiếp của mọi nên kéo người ngoại quốc lại và giới thiệu cho chúng tôi. Mẹ nói ông tên là William, gọi tắt là Bill. Ông Bill người Canada, là cán sự kỹ thuật của công ty mẹ tôi đang làm. Mẹ sau đó thấp giọng giới thiệu tiếp ông là bạn trai của mẹ. Tuy mẹ nói rất nhỏ nhưng mọi người chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Sau lời giới thiệu này, chúng tôi lại càng sửng sốt và lại càng không nói tiếng nào. Để phá tan bầu không khí im lặng nặng nề, mẹ quay qua ông Bill giới thiệu mỗi chúng tôi đến cho ông. Ông Bill giơ tay bắt tay từng người, miệng cười thân thiện và nói vài câu English chào hỏi. Khi đến phiên hai anh em chúng tôi, nghe mẹ tôi giới thiệu là con, ông càng cười tươi hơn nữa, nói một hơi dài tiếng English, dáng điệu càng tỏ vẻ thân thiết. Mẹ tôi thông dịch lại cho chúng tôi nghe:

- "Ổng Bill nói ổng rất hân hạnh gặp hai con. Ổng nghe mẹ nói nhiều về hai con nhưng bây giờ mới gặp mặt."

Sau những lời chào hỏi thông thường mà mẹ tôi là người làm thông dịch cho đôi bên, mẹ tôi ra mướn khách sạn gần chợ cho ông ngoại quốc ở, còn mẹ quay về ở nhà của dì Hai. Buổi tối, dì Hai mời ông Bill đến nhà ăn cơm. Không khí bữa ăn đã đỡ hơn lúc chiều khi hai người mới tới. Ông Bill chịu khó nói chuyện nhiều và dì dượng Hai cũng đã trả lời hay đối đáp lại nhiều hơn qua trung gian thông dịch của mẹ tôi. Các con dì Hai không ai nói gì, chỉ ăn và lén lút nhìn quan sát ông Bill. Anh em tôi thì cứ cúi gằm mặt, khi nào ông Bill hỏi câu gì qua mẹ, chúng tôi mới lí nhí trả lời.

Sau bữa ăn ông Bill ở lại chơi một lát rồi về lại khách sạn. Mẹ tôi ở lại. Lúc đó cả nhà đều tỏ vẻ như đang nóng lòng chờ đợi câu giải thích của mẹ. Mẹ tôi cười một cách ngượng ngùng:

- "Sao ai cũng nhìn tôi dữ vậy? Bộ chưa thấy người ngoại quốc bao giờ sao?"

Dì Hai lên tiếng:

- "Người ngoại quốc thì không phải chưa bao giờ thấy qua, nhưng ai cũng ngạc nhiên vì chưa nghe em nói qua bao giờ."

- "Em quen với ông Bill chừng hơn một năm nay. Ông là người Canada được công ty gửi sang Việt Nam làm chuyên viên kỹ thuật. Vợ ông chết cách đây mấy năm vì bị ung thư. Ông buồn quá đên tình nguyện xin đi xa để khỏi nhớ thương cảnh cũ. Ông gặp em, thấy em cũng không chồng nên theo đuổi. Em đã có quan hệ với ông chừng một năm nay."

- "Vậy mà dì Ba dấu kỹ quá. Giờ mới nói." Dượng Hai nói.

Mẹ đỏ mặt.

- "Em không nói vì không biết quan hệ giữa em và ổng sẽ đi tới đâu. Chỉ sợ được dăm ba tháng là chia tay. Anh chị biết đó, đã lầm lẫn và tan vỡ một lần, em thật không tin tưởng ai."

- "Vậy sao bây giờ em dẫn ổng lên đây giới thiệu? Có phải quan hệ hai người lên tới mức nghiêm chỉnh rồi phải không?"

Dì Hai hỏi một cách dọ dẫm. Mẹ không trả lời, mẹ ra dấu cho tôi và anh Hùng đến ngồi bên cạnh mẹ. Anh Hùng kéo ghế đến ngồi bên cạnh mẹ, còn tôi thì ngồi xà xuống đất, ôm chân và dựa đầu lên đùi mẹ. Mẹ đưa tay nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và vén những sợi tóc phũ trước trán của tôi qua hai bên mang tai. Mẹ nhìn anh Hùng âu yếm:

- "Ông Bill sắp về nước rồi, ông tỏ ý muốn kết hôn và đưa em theo ổng về Canada. Em đã suy nghĩ mấy tháng nay rồi. Em thật không muốn bỏ xứ đi xa như vậy nhưng vì tương lai của hai cháu, cuối cùng em đã quyết định sẽ theo ổng về Canada."

- "Hả?"

Dì dượng Hai đều thảng thốt la lên. Anh Quang Hùng thì đứng bật dậy, tôi cũng ngửng đầu lên nhìn mẹ. Những lời mẹ tuyên bố làm mọi người sửng sốt, lời nói tuy ngắn nhưng nó có sức công phá như một quả bom ngàn tấn. Mẹ tôi im lặng một lát để cho mọi người có thời gian thấu hiểu những lời mẹ nói và vượt qua cơn trấn động lúc đầu, sau đó mẹ giải thích thêm:

- "Anh chị biết đó, hai cháu nó đã lớn rồi, nhất là thằng Hùng, hết năm nay nó học xong trung học, em thật lo lắng không biết tương lai của cháu sẽ ra sao. Em không đủ sức lo cho cháu đầy đủ, nhờ cậy dòng họ thì chị biết em không muốn nhờ ai. Cha nó dư sức lo cho cháu nhưng em đương nhiên không muốn. Vả lại nếu em có muốn nhờ cha nó giúp, với tính thằng Hùng chưa chắc nó đã chịu."

Mẹ ngừng nói, quay qua nhìn anh Hùng chờ sự phản ứng xác nhận của anh. Anh Hùng cúi đầu im lặng chứng tỏ anh không phủ nhận lời mẹ nói về việc nhờ vả cha. Mẹ tôi nói thêm:

- "Con người ta được đi du học phải là con nhà giàu hay phải học rất là giỏi để có học bổng đi nước ngoài. Nhưng hai điều kiện đó em nghĩ con em đều không có. Bây giờ em có dịp lo cho cả hai đứa đi Canada học, anh chị nghĩ em sẽ bỏ qua sao? Em cũng không tính đi luôn đâu. Mang hai cháu qua đó học, sau khi hai cháu đã học xong, nếu tụi nó muốn quay về nước, em sẽ lại đem hai cháu về lại. Nếu nói em lợi dụng ông Bill thì em cũng xin chịu mang tiếng lợi dụng. Em tuy thương ổng thật đấy nhưng em làm bất cứ việc gì cũng là vì các con của em. Em có thể hy sinh cả cuộc đời của mình cho con."

Dì Hai nghĩ về sự mất mát em gái trong tương lai, dì rơi nước mắt:

- "Em đi xa như vậy chị làm sao có dịp gặp lại em. Ở đây ít nhất một năm hai ba lần chị còn có dịp gặp mặt em. Hoặc khi nào có nhớ lắm thì cũng chỉ mất hơn nửa ngày đường xe đò là gặp mặt. Nếu em đi xa nơi xứ lạ quê người như vậy chị làm sao có cơ hội gặp em nữa. Đi nơi xa xôi, người ngoại quốc bắt nạt em làm sao có ai chống đỡ bảo vệ em."

Mẹ tôi cười nụ cười trấn an dì Hai.

- "Chị thấy đó, bao nhiêu học sinh đi du học, có ai than thở gì đâu. Mấy sinh viên đó đi học xa cha xa mẹ, chỉ có một thân một mình họ còn học cho đến ngày thành tài ra trường. Tụi em có đi cũng có cả ba mẹ con, đùm bọc cho nhau có gì mà phải sợ. Vả lại còn có ông Bill đỡ đầu em cũng yên tâm. Ông Bill nói sẽ tìm cách xin cho em làm việc trong công ty em đang làm, ở bên bển."

- "Nhưng mà chị sẽ thật là nhớ em." Dì Hai mếu máo.

Mẹ tôi nghẹn ngào. Nãy giờ mẹ vẫn dùng dáng điệu trầm tĩnh thuyết phục mọi người, bây giờ thấy dì Hai khóc mẹ không khỏi không xúc động:

- "Chị đừng lo, công ty tụi em làm vẫn còn ở bên đây. Mỗi năm ông Bill sẽ qua đây đi công tác một lần, như vậy em sẽ xin đi theo và đưa hai cháu về thăm anh chị."

- "Nhưng còn ba của tụi nhỏ, ổng có chịu ký giấy cho tụi nó đi không?"

Mẹ im lặng một lát rồi mới nói, giọng không được quả quyết cho lắm:

- "Ba tụi nó mới là người mà em lo sẽ không đồng ý. Cho nên em đợi mùng ba Tết em sẽ dẫn hai cháu lên gặp ổng nói chuyện."

Bây giờ thì mẹ tôi đã trả lời cho câu hỏi mà mấy hôm nay ai cũng thắc mắc. Anh Quang Hùng từ nãy đến giờ không nói gì, mặt anh trắng xanh. Đến lúc này anh đứng lên giọng lớn tiếng:

- "Trông ra mẹ đã sắp xếp sẵn rồi, không hỏi xem anh em con có muốn đi không."

Mẹ tôi quay qua anh phân bua.

- "Dĩ nhiên mẹ phải hỏi ý kiến hai con. Đương nhiên nếu hai đứa con không chịu đi thì mẹ sẽ bãi bỏ tất cả. Nhưng vì tương lai của mình, mẹ hy vọng hai đứa con sẽ suy nghĩ cho chính chánh."

Anh Quang Hùng vùng vằng bước nhanh về phía cửa, vừa đi vừa nói:

- "Bỗng dưng mẹ xuất hiện đem theo một ông ngoại quốc tới nói là bạn trai của mẹ. Rồi lại tuyên bố mẹ sẽ đem tụi con qua Canada. Mẹ còn chuyện mới nào để nói thêm không, con đang sẵn sàng để nghe luôn đây."

Dì Hai cố khuyên cho anh Hùng nguôi lại:

- "Hùng à, con đừng nói kiểu đó. Để nghe mẹ giải thích đã."

Anh Hùng không trả lời dì, vẫn hướng về mẹ to tiếng:

- "Mẹ có hiểu cảm giác của con không?"

Nói xong anh lấy xe đạp, bước ra khỏi nhà đạp xe đi khỏi. Mẹ tôi ngồi tấm tức khóc. Dì dượng Hai phải cố dỗ cho mẹ nín. Tôi ngồi lặng yên không biết phải nói gì, cơn sửng sốt vẫn chưa qua.

Dì dượng Hai tiếp tục nói chuyện với mẹ tôi và nghe mẹ phân bày. Tôi lặng lẽ bỏ lên ban công ngồi một mình. Sau đó tôi tránh mặt mẹ đi vào phòng ngủ sớm. Mẹ tôi hôm đó ngủ chung phòng với chị Phượng. Còn anh Quang Hùng thì mãi tới khuya mới về, về đến nhà anh lên thẳng phòng.

Cả đêm tôi không ngủ được, tôi nằm suy nghĩ những gì mẹ tôi đã nói. Tôi biết chắc chắc ở bên những căn phòng kia mẹ tôi và anh Quang Hùng có lẽ cũng không ngủ được. Cũng giống như anh Quang Hùng, buổi chiều khi thấy mẹ bất ngờ dẫn ông Bill tới giới thiệu là bạn trai, tôi buồn và giận lắm. Thấy một người đàn ông xa lạ làm người tình của mẹ, tôi thật thấy khó chịu. Rồi đến tối khi nghe kế hoạch của mẹ dẫn anh em tôi đi Canada, tôi càng giận thêm. Tôi có cảm tưởng như mẹ tôi đã lừa dối và bỏ rơi anh em chúng tôi. Nhưng bây giờ sau một lúc lâu nằm suy nghĩ, tôi lại thấy thương mẹ tôi thật nhiều. Cả cuộc đời mẹ sống trong cay đắng. Bị nhà chồng khinh khi, bị chồng bỏ lấy vợ hai, bao năm nay mẹ tôi sống trong cô đơn, không bồ bịch với ai, chỉ lo nuôi cho anh em tôi. Tôi thấy mẹ tôi thật là một người mẹ đáng thương. Tôi tự hỏi có phải mẹ ưng chịu ông Bill cũng là chỉ vì muốn hy sinh cho bản thân mình để lo cho anh em tôi được ra ngoại quốc học. Cũng chỉ vì chúng tôi mà mẹ phải từ bỏ quê hương xứ sở và người chị mà mẹ yêu thương nhất để đi theo một người đàn ông ngọai quốc. Cuộc đời của mẹ bao năm nay có được vui thú gì đâu. Mẹ còn quá trẻ, tuổi ngoài ba mươi chưa tới bốn mươi chưa phải là già để bắt mẹ chôn vùi cuộc đời cho chúng tôi.

Càng nghĩ tôi càng thương mẹ và quyết định sẽ làm theo ý mẹ. Vả lại được đi ra nước ngoài du học xưa nay vẫn là ước nguyện của hai anh em chúng tôi. Mơ vậy thôi chứ chúng tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ thành sự thật. Giờ đây chúng tôi có cơ hội để đạt được nguyện ước đó, tuy không phải là bằng sức học xuất sắc của mình hay bằng tài sản giàu có của gia đình, tôi thật không muốn bỏ qua.

Vì gần như suốt đêm không ngủ được, sáng hôm sau tôi đã dậy thật sớm, lúc đó vẫn còn mờ tối, mặt trời chưa lên. Chị Bích Dung vẫn còn ngủ say, tôi rón rén bước khỏi giường và đi xuống nhà. Tôi vào phòng tắm đánh răng một cách nhẹ nhàng sợ làm mọi người trong nhà thức dậy. Thế nhưng khi tôi đi ngang qua bếp, tôi thấy mẹ tôi và dì Hai đã thức dậy từ lúc nào. Hai người đang ngồi ở trên hai cái ghế thấp trong bếp vừa nấu nước vừa nói chuyện. Thấy tôi đi vào bếp dì Hai nói ngay:

- "Vào đây cháu, uống nước trà không dì rót. Dì và mẹ cháu đã dậy từ khi nảo khi nào, vào đây nấu nước pha cà phê uống. Chắc cháu giống mẹ suốt đêm không ai ngủ. Thằng Hùng đêm qua khuya nó mới về."

Tôi vào trong bếp kéo thêm một cái ghế thấp khác ngồi cạnh xuống bên cạnh mẹ. Mẹ tôi tính nói gì đó với tôi, nhưng tôi đã nhanh chóng chận lời nói trước:

- "Con nghĩ suốt đêm qua rồi. Con nghĩ việc mẹ làm là có lợi cho tương lai anh em chúng con. Bỏ qua cơ hội lần này anh em con chắc khó có cơ hội được đi học nước ngoài."

Mẹ tôi ngạc nhiên vì sự ưng thuận dễ dàng của tôi. Có lẽ mẹ đã tưởng tôi sắp sửa chống đối dữ lắm. Mẹ tỏ vẻ mừng ra mặt. Dì Hai tiếp lời:

- "Hôm qua khi mới nghe xong dự định của mẹ cháu dì cũng không bằng lòng lắm. Nhưng sau khi có thời gian suy nghĩ lại và sáng nay có dịp nói chuyện rất lâu với mẹ cháu, dì nghĩ các cháu nên theo mẹ qua Canada. Đó là một cơ hội quý giá cho các cháu tiến thân về sau này."

Mẹ tôi một lần nữa lại giải thích cho tôi nghe lý do tại sao mẹ làm như vậy. Mẹ nói tình cảm của mẹ với ông Bill không phải là lý do chính mẹ muốn theo ông về Cadana. Tương lai và việc học của anh em chúng tôi mới là nguyên nhân chính cho mẹ làm như vậy. Tôi gật đầu biểu lộ sự cảm thông những lời mẹ nói.

Chúng tôi ngồi nói chuyện tiếp tục với dì Hai thật lâu mãi cho đến khi trời sáng hẳn. Dì Hai và mẹ tôi ít có dịp chị em ngồi nói chuyện tâm tình lâu như vậy. Lần này, cảm giác được sự chia tay sẽ xẩy ra trong tương lai, hai người càng thêm gắn bó, nói chuyện hoài không biết chán. Trời đã sáng hẳn, mọi người trong nhà đã dậy và xuống nhà. Vào đến bếp ai cũng chào mẹ và góp chuyện với chúng tôi. Người mà mẹ tôi kiên nhẫn chờ đợi hoài không thấy xuống là anh Hùng. Anh Dũng nói anh Hùng đã dậy từ sáng sớm và đã ra khỏi phòng. Mãi một lúc lâu, không thể chờ lâu hơn được nữa, mẹ tôi rủ tôi lên lầu tìm anh. Không thấy anh ở trong phòng, chúng tôi ra ban công và thấy anh đang rồi ở đấy một mình. Anh không làm gì cả, chỉ ngồi chống cằm nhìn xuống đường coi xe chạy qua lại. Thấy chúng tôi bước ra, anh không nhìn lên chỉ giả vờ như không thấy.

Mẹ tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh anh tôi, anh vẫn không lên tiếng. Một lúc lâu mẹ nói, giọng thật nhẹ, thật dịu dàng:

- "Mẹ con mình không nhà không cửa, mẹ thì ở nhà mướn, con và em thì ở nhà nhờ. Nếu nhớ anh em con lắm, mấy tháng mẹ mới được gặp một lần. Ngày xưa dẫn anh em con rời Đà Lạt, mẹ tự thề trong lòng mẹ con mình sẽ tự lập không nhờ gia đình bên nội hay cha con đến một đồng. Mẹ thật muốn chứng tỏ cho họ biết không có họ mình vẫn sẽ sống được và cũng sẽ thành công."

Nói đến đây giọng mẹ nghẹn lại không nói thêm được nữa, mẹ đưa tay chùi giọt nước mắt vừa trào trên khóe mắt. Nghe những lời than thở của mẹ và lại thấy mẹ khóc anh Quang Hùng dường như đã xao động trong lòng nhưng anh vẫn làm cứng chưa lên tiếng. Mẹ đợi một lát cho cơn xúc động đã bớt lại rồi nói tiếp:

- "Đời mẹ thật ra chẳng còn gì mà tiếc nuối, tuổi thanh xuân của mẹ đã qua rồi. Hai con thì khác, còn cả một tương lai trước mặt. Sau này khi hai con đến tuổi lập gia đình hai con sẽ thấy rằng đẹp trai, đánh đàn giỏi và hát hay chưa chắc sẽ khiến mình có thể lấy được người mình ưa thích. Nhà người ta trước tiên nhìn coi mình có bằng cấp gì không, có giàu không, hay có tài sản không họ mới dám gả con cho mình. Mẹ biết các con ở đây có bạn bè thân và có những tháng ngày tươi đẹp, nhưng con sắp tốt nghiệp trung học rồi, con phải biết nhìn vào thực tế. Cuộc vui nào rồi cũng có ngày tàn, những bạn con ngày hôm nay rồi cũng sẽ phải chia tay nay mai, mỗi người rồi sẽ mỗi phương ra đời lập nghiệp. Còn con, con đã suy nghĩ xem sau khi học xong trung học con sẽ làm gì không? Được đi du học là ước mơ của bao nhiêu học sinh. Giờ đây có người đem cơ hội đi du học này để ngay vào tay con, có muốn nắm lấy cơ hội đó để tạo lập sự nghiệp và thay đổi cuộc đời mình hay không là quyết định của con. Khi xưa mẹ bỏ cha mang theo hai con đi theo, mẹ đã khiến hai con không được hưởng những gì tụi con đáng ra được hưởng. Tuy bây giờ mẹ vẫn chưa hề hối hận mẹ đã bỏ cha con nhưng mẹ thấy mẹ thật có lỗi với hai con. Mẹ thấy hai con sắp lớn, nhất là con sắp học xong trung học, mẹ nghĩ đến lúc mẹ phải nghĩ cho hai con."

Mẹ ngừng lời nhìn anh Hùng. Anh Hùng tránh trả lời và tránh nhìn mẹ. Anh vẫn chống cằm nhìn xuống đường. Một lát mẹ tôi đứng lên đặt tay lên vai anh Hùng:

- "Mẹ sẽ tôn trọng bất cứ quyết định gì của con, mẹ sẽ không ép con làm chuyện gì con không muốn làm. Con cứ từ từ suy nghĩ và cho mẹ hay quyết định của con trước mùng ba Tết. Nếu con quyết định không đi, mẹ sẽ về chia tay ông Bill và mẹ con chúng ta sẽ tiếp tục cuộc sống của chúng ta. Còn nếu như anh em con muốn về ở với cha con, mẹ sẽ gửi hai đứa về Đà lạt. Các con càng lớn, mẹ càng nghĩ được thông suốt, mẹ sẽ làm bất cứ chuyện gì nếu chuyện đó đem lại tương lại và hạnh phúc cho hai con."

Sau đó mẹ tôi bỏ đi xuống nhà. Mẹ tôi đi rồi tôi bước tới ngồi xuống chiếc ghế mẹ vừa ngồi, tôi cũng bắt chước anh, chống cằm nhìn xuống đường. Một lát anh Hùng nhìn tôi, tôi nhận ra mắt anh ươn ướt:

- "Em có muốn đi không?"

- "Mẹ con mình bao năm nay vẫn đùm bọc nhau mà sống. Anh với mẹ đi đâu thì em đi đó, em không có ý kiến, em chỉ mong mình được sống chung với nhau." Tôi trả lời, vẫn tiếp tục nhìn xuống đường không nhìn anh.

- "Như vậy là em giống mẹ, cả hai đều ác, chừa ghánh nặng này cho anh bắt anh quyết định. Nếu quyết định của anh sau này khiến đời mẹ và đời em đều khổ thì anh sẽ ăn năn hối hận dằn vặt suốt đời."

- "Làm con người, mình phải tự chấp nhận hậu quả của quyết định mình làm. Hôm nay cả mẹ và em đã quyết định làm theo ý của anh thì sau này em và mẹ sẽ không hề oán trách nếu quyết định của anh là sai lầm."

- "Nhưng quyết định hôm nay của anh có lẽ sẽ khiến cuộc đời của em và mẹ không có lối tiến thân hay nó sẽ làm thay đổi cuộc đời của mọi người. Trách nhiệm đó thật quá to tát và trọng đại, anh thật không dám nhận." Anh Hùng mím môi.

- "Cuộc đời con người cũng còn tùy thuộc vào số mạng. Nếu như anh đã tận hết sức và khả năng của mình thì không ai có thể trách anh. Bao năm qua anh vẫn thường chăm sóc bảo vệ cho em một cách chu toàn không gì chê trách. Hôm nay em tin tưởng và để anh quyết định cho em. "

Anh Quang Hùng dường như không chú tâm đến lời tôi nói, anh có vẻ như đang chìm vào suy nghĩ. Trán anh cau lại, mặt anh nghiêm trang. Tôi muốn để cho anh tôi được yên tịnh suy nghĩ nên đứng lên đi vào nhà. Anh Hùng có lẽ đang suy nghĩ dữ lắm cho nên khi tôi đứng lên đi rồi anh cũng không hay biết.

Nguyên ngày hôm đó và ngày hôm sau mẹ tôi không hề đả động gì tới chuyện đi Canada tới anh em tôi nữa. Như mẹ đã nói, những gì mẹ muốn nói mẹ đã nói xong, quyết định bây giờ đang nằm trong tay anh em chúng tôi. Ông Bill chỉ ở chơi có hai ngày thì lên xe về lại Sài Gòn một mình. Mẹ nói ông tế nhị, muốn gia đình chúng tôi được thoải mái ăn tết với nhau mà không phải ngượng ngùng vì sự có mặt ông.

Anh Hùng thì dường như đã suy nghĩ thông suốt và đã có quyết định cho mình. Sau khi ông Bill rời khỏi rồi, tối đó anh cho mẹ hay anh đã quyết định theo mẹ đi Canada. Mẹ tôi mừng lắm, nghẹn ngào không nói lên lời, nước mắt chảy ra, mãi một lúc lâu mới nói được "Mẹ hy vọng ba mẹ con mình đã không làm một quyết định lầm lẫn."

Anh Hùng đợi khi chỉ còn có hai anh em, anh mới nói với tôi:

- "Từ nhỏ đến lớn anh không làm chuyện gì mà không nghĩ đến em. Em đã để cho người anh Hai này quyết định cho cả ba người thì anh phải làm cho tốt. Từ nay ba người mình một nhà sống chết giàu nghèo sẽ cùng ngồi chung một thuyền."

Nghe anh tôi nói câu đầy tình nghĩa này tôi thương anh thật nhiều. Có lẽ nếu không vì tôi, anh sẽ quyết định không đi. Anh quá thương tôi và làm việc gì cũng chỉ lo cho hạnh phúc và an bình của tôi.

Chương 12

Sáng mùng ba Tết, mẹ tôi dẫn hai anh em tôi lên Đà Lạt gặp cha. Mẹ tôi đã viết thư cho cha tôi từ trước, nhắn ông đến khách sạn Mộng Đẹp nơi chúng tôi sẽ ở để gặp mặt. Tôi đoán cha tôi ắt hẳn đã ngạc nhiên ghê lắm. Từ ngày mẹ tôi bồng bế anh em tôi rời khỏi Đà Lạt, đây là lần đầu tiên chúng tôi quay về thành phố đó.

Bảo Lộc chỉ cách Đà Lạt có hơn một trăm cây số. Buổi sáng ba mẹ con tôi đi chuyến xe đò sớm chỉ chừng hai tiếng đồng hồ đã lên tới Đà Lạt, tới nơi trời hãy còn là buổi sáng. Lúc xe đò đi ngang qua hồ Xuân Hương, tôi và anh Hùng đều nhớ ra và nhắc lại kỷ niệm khi xưa cha và mẹ đã từng dẫn chúng tôi ra hồ đạp ngỗng nước và ăn bánh ở nhà hàng Thanh Thủy cạnh hồ. Mẹ tôi không nói gì nhiều lắm, mắt mẹ đăm chiêu, có lẽ cảnh cũ đã gợi mẹ nhớ lại chuyện xưa.

Tuy không có ý định ở qua đêm, mẹ tôi cũng mướn một căn phòng ở khách sạn Mộng Đẹp để mẹ con có chỗ nghỉ chân. Khách sạn Mộng Đẹp nằm trên đầu con dốc, ngay cạnh chợ Đà Lạt và chỉ cách một khoảng đi bộ ngắn từ bến xe đò.

Như đã hẹn, khoảng mười một giờ, cha tôi đến gặp mẹ con tôi ở khách sạn, tôi thấy dáng điệu của ông ra chừng như rất hân hoan hớn hở. Ông đi có một mình, ăn mặc rất chỉnh tề và sang trọng, không dẫn theo vợ và hai đứa con của ông. Tuy nhiên thái độ của cha và mẹ lúc gặp nhau thì trông rất ngượng ngùng và khó chịu như lệ thường, hai người chào hỏi nhau qua loa và tránh không nhìn vào mặt nhau. Anh Quang Hùng cũng không kém. Từ đầu đến cuối anh không nói lời nào, cha có hỏi gì thì anh chỉ trả lời bằng những câu trả lời chữ một. Rút cuộc tôi là trung gian cho mọi người nói chuyện. Mọi người dùng tôi để đưa đẩy câu nói của mình đến người kia. Lúc đó mẹ tôi cũng chưa nhắc nhở gì về mục đích về Đà Lạt của mẹ. Cha tôi tuy không hỏi nhưng chắc ông cũng đoán mẹ tôi dẫn anh em về lần này là có lý do hay mục đích. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông có thể đoán được lý do đó là gì. Qua dáng điệu vui mừng của ông như vậy, có lẽ ông nghĩ mẹ tôi đã tha thứ cho ông và từ nay sẽ cho chúng tôi về thăm ông ở Đà Lạt thường xuyên. Anh em chúng tôi không dám nói gì, sợ làm mất đi nỗi vui mừng đang có của ông.

Cha tôi nhẫn nại chờ coi mẹ tôi sẽ nói chuyện gì quan trọng như mẹ đã nói trong thư. Nhưng chờ mãi mẹ tôi cũng không nhắc nhở gì. Sau khi nói chuyện thăm hỏi một hồi, mẹ tôi nhắc cha dẫn hai anh em chúng tôi về thăm nhà nội. Mẹ tôi đương nhiên ở lại khách sạn không đi. Mẹ nói có sự hiện diện của mẹ sẽ làm cho mọi người khó chịu. Mẹ dặn cha đem anh em tôi về lại khách sạn trước ba giờ để mẹ con tôi kịp chuyến xe đò về Bảo Lộc. Mẹ còn nói:

- "Chiều nay ông nhớ dẫn vợ ông tới đây thăm tôi. Chuyện quan trọng mà tôi muốn nói với ông, tôi sẽ nói chiều nay trước mặt hai vợ chồng ông."

Cha tôi tuy tò mò lắm nhưng cũng không hỏi gì hơn. Ông hứa sẽ đưa anh em tôi về lại khách sạn đúng giờ. Sau đó chúng tôi lên xe theo cha về thăm nhà nội. Dọc đường cha tôi cố tình hỏi dò xem chuyện mẹ tôi muốn nói là chuyện gì, nhưng những câu trả lời tránh né của chúng tôi đã không cho cha biết thêm gì.

Xe rời chợ Đà Lạt, chạy lên những con dốc cao đi và vào trong khu dân cư không buôn bán. Cha hỏi:

- "Hai con đã rời Đà Lạt nhiều năm rồi, có còn nhớ khung cảnh ở đây không?"

Anh Quang Hùng trả lời anh vẫn còn nhớ nhiều những khung cảnh chung quanh, nhưng tôi thì trả lời tôi chỉ còn rất chút ít ấn tượng. Tôi rời Đà Lạt năm bẩy tuổi, trong ký ức tôi ngoại trừ hình ảnh của hồ Xuân Hương, của những đồi thông và những con dốc cao, tôi không còn nhớ gì hơn. Mỗi khi đi ngang qua một chỗ nào quen thuộc thì cha tôi lại lái xe chậm lại chỉ cho chúng tôi coi và nhắc lại những kỷ niệm của chúng tôi ngày xưa.

Xe chạy một lúc không lâu thì đến nhà. Anh Quang Hùng thì thầm vào tai tôi:

- "Anh vẫn nhớ mang máng khung cảnh quanh đây. Hai anh em mình thường hay chơi ở sân đó". Anh Hùng vừa nói vừa đưa tay chỉ vào mảnh sân rộng trước nhà.

Nhà của cha là một tòa nhà lớn, nằm trên một khu đất rộng. Từ cổng phải đi qua một mảnh sân rộng mới tới được hiên nhà. Cha tôi đậu xe vào mảnh đất trống bên hông nhà và dẫn anh em tôi vào. Trên hiên nhà, mấy chậu hoa cúc vàng được sắp thẳng hàng dưới đất, trên mái cao treo lủng lẳng một hàng những bụi hoa lan Long Tu, bụi nào cũng nở đầy hoa vàng, những nhánh hoa rủ xuống từ cao xuống thấp như một bức mành trông thật đẹp. Mấy chậu hoa lan Hạc Đĩnh trắng trưng gần đó cũng không thua kém hoa sắc. Tôi nhớ cha tôi trước kia rất thích sưu tập hoa lan, nhất là Long Tu và Hạc Đĩnh, không ngờ bây giờ ông vẫn vậy.

Thấy người lạ, mấy con chó từ trong nhà chạy ra sủa om tỏi. Một đám đông người trong nhà bước ra đón chúng tôi, tíu tít hỏi chuyện. Trong những năm vừa qua, tôi đã từng được cả mẹ lẫn cha cho coi hình của những người bên nội cho nên tôi không khó khăn gì nhận ra trong số những người ra đón chúng tôi có chú Ba, cô Tư và cô Út. Tôi có nghe nói những cô chú của tôi đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Hôm nay họ về cả đây có thể là để gặp anh em chúng tôi.

Cha tôi vui mừng để lộ ra mặt. Ông dẫn chúng tôi vào trong nhà, mọi người cũng nối đuôi vào theo. Trong nhà tôi thấy ông bà nội tôi đang ngồi ở hai ghế sofa, mỗi người ngồi một ghế. Bà nội mặc áo dài kiểu Huế, tóc búi cao ra phía sau, miệng đang nhai trầu. Ông nội thì ngồi ghế bên kia mắt đeo kính lão, tay cầm tờ báo. Đứng gần đó là hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi, tôi biết chúng vì cha thỉnh thoảng vẫn dẫn hai đứa đến thăm anh em chúng tôi. Đứng sát bên cạnh hai đứa nó là một người đàn bà, tôi đoán là mẹ hai đứa nó, dì Lan, vợ sau này của cha tôi. Dì Lan tuy không đẹp bằng mẹ tôi nhưng trông trẻ hơn và sắc sảo hơn. Quả tôi đoán không sai, sau khi nghe cha giới thiệu, người đàn bà đó đúng là dì Lan. Trong nhà, lúc đó còn có cả chồng và các con của cô Tư, cô Út và vợ con của cậu Ba. Sau khi anh em tôi gật đầu lí nhí chào mọi người, bà nội ngoắc tay cho hai anh em tôi đến gần:

- "Hai đứa mi lại đây cho nội nhìn mặt. Tụi bay đi lâu quá rồi bây giờ về trông lớn quá. Thằng Hùng ni càng lớn càng giống y cha mi, nhưng đẹp trai hơn cha mi lúc trước nhiều." Bà đưa tay khăn quẹt nước trầu bên mép. "Con ni thì mặt giống mẹ. Con mẹ tụi mi thiệt tệ, giận thằng cha mi rồi dẫn con đi luôn không về. Để nội nói cho nghe, cái nhà này đâu có bỏ tụi mi, con mẹ tụi mi đáng lẽ ra nên mỗi người nhường một bước thì anh em tụi mi ngày nay cũng vẫn còn ở đây. Tệ chi mà tệ, đem con đi đến chừ mới cho về thăm".

Tôi không nói gì, liếc nhìn anh Hùng thì thấy anh chỉ mím môi nheo mày. Cha tôi có lẽ cũng nhận ra sự khó chịu của anh em tôi, nên chen vào:

- "Thôi mà mẹ, chuyện người lớn nói gì cho con nít. Chúng đâu hiểu chi."

- "Sao không nói" Bà tôi cãi lại, "phải nói cho chúng hiểu, chứ không chúng tưởng nhà nội ngược đãi đuổi chúng đi."

Cha tôi nhìn sang các cô tôi ra dáng cầu cứu, cô Út hiểu ý bước tới:

- "Hai cháu tới chúc Tết ông bà nội để ông bà lì xì."

Chúng tôi nghe lời, bước đến chúc Tết ông bà nội. Ông bà mỗi người lấy ra một phong bì đỏ lì xì cho anh em tôi. Hai đứa tôi đều không nhận, nói rằng đã lớn rồi, tiền lì xì là cho con nít nhỏ. Ông nội nói:

- "Nhỏ lớn gì, ông bà nội cho thì cũng cầm đi. Coi như cho bù mấy năm trước còn nhỏ."

Hai anh em tôi miễn cưỡng cầm lấy phong bì lì xì. Sau đó mấy cô chú khác trong nhà thay phiên nhau lì xì chúng tôi. Cả dì Lan cũng làm y như vậy, tuy nhiên không như các cô và chú của tôi, trong khi mỗi người đều thăm hỏi nhiều câu, dì Lan không nói gì cả, bà chỉ đưa phong bì kèm theo một nụ cười nhẹ.

Sau đó ông bà nội gọi cho dọn cơm cả nhà ăn chung. Đồ ăn rất thịnh soạn, ngoài những món ăn cổ truyền của ngày Tết còn có thịt cá ê hề. Tôi không biết đây là những món ăn ngày Tết bình thường của gia đình giàu, hay nó đã được làm cho thịnh soạn để đãi anh em chúng tôi. Không khí bữa ăn hơi có phần nặng nề vì anh em tôi không ai biết nói gì. Suốt bữa mọi người thay phiên nhau hỏi chuyện chúng tôi hoặc nhắc chuyện ngày xưa lúc chúng tôi còn nhỏ. Anh Hùng nói chuyện rất ít, anh chỉ trả lời cầm chừng những câu hỏi dành cho anh, phần lớn anh để cho tôi trả lời mọi câu hỏi. Cô Út nói:

- "Thằng Hùng bi chừ ít nói quá hỉ. Ngày xưa cô nhớ cháu liếng thoắng láu liên không ai bằng. Lúc đó các cô chú chưa ai lấy chồng, hai đứa mi suốt ngày bám theo mẹ không cho ai đụng tới."

- "Thì là do con mẹ chúng dạy chúng như rứa." Bà nội tôi lại tiếp tục mỉa mai mẹ tôi. Hai anh em tôi đưa mắt nhìn nhau nhưng không nói gì.

Mấy đứa nhỏ con của các cô chú đã được cho ăn cơm từ trước, chúng đứng sau lưng bố mẹ nhìn hai anh em tôi. Có lẽ vì chưa gặp chúng tôi bao giờ chúng giương mắt nhìn anh em tôi một cách tò mò và lạ lùng. Trong nhà, cô Út là người thân thiện nhất, cô không ngừng hỏi han chúng tôi và làm mọi cách cho chúng tôi cảm thấy hòa đồng thoải mái. Bà nội là người nói nhiều nhất, bà nói đủ chuyện trong nhà ngoài đời, nhưng lâu lâu cũng không quên chêm vào nói thêm vài câu trách mắng hay mỉa mai mẹ tôi. Những lúc đó cô Út và cô Tư phải chen vào cản bà, hay đổi đề tài cho bà không nói nữa. Chúng tôi ở chơi chừng vài tiếng thì nhắc cha đưa về đúng như đã hẹn với mẹ. Cha tôi nói dì Lan chuẩn bị để dẫn hai đứa con cùng đi theo.

Đến lúc ra về, chúng tôi vòng tay đến chào từng người ra về. Hai cô và chú của tôi vỗ vai anh anh em dặn nhớ về thăm bên nội thường xuyên. Ông bà nội cũng nói y như vậy, hai người lấy tay xoa đầu chúng tôi, đây là một cử chỉ thân thiện nhất của họ đối với chúng tôi kể từ lúc gặp mặt. Sau đó chúng tôi lên xe ra về, cùng đi theo có cả dì Lan và hai đứa con trai.

Chúng tôi gặp lại mẹ ở khách sạn. Ba giới thiệu mẹ và dì Lan đến lẫn nhau. Qua cách chào hỏi tôi đoán đây là lần đầu tiên hai người họ gặp mặt, họ tỏ ra rất xã giao và thường nhìn dò xét lẫn nhau. Vì khách sạn không có chỗ ngồi nói chuyện thoải mái, mẹ tôi mời mọi người ra quán nước bên ngoài nói chuyện. Anh Quang Hùng viện cớ mệt xin được ở lại trong phòng, hai đứa con của dì Lan cũng muốn được chơi ở trước sân khách sạn. Tôi tuy không muốn tham dự vào cuộc nói chuyện của người lớn nhưng mẹ tôi thì thầm vào tai tôi nói mẹ muốn tôi đi theo, có người cho mẹ lấy tinh thần

Chúng tôi vào quán nước cạnh đấy, sau khi gọi nước mẹ bắt đầu giải thích cho cha tôi nghe ý định của mẹ và muốn cha tôi đồng ý ký giấy cho anh em tôi đi Canada. Tôi có thể thấy được những lời mẹ đang nói ra đã gây một sự ngạc nhiên bất ngờ cho cha tôi và dì Lan. Trong khi dì Lan chỉ ngồi im lặng lắng nghe và đưa mắt dò xét cả cha lẫn mẹ, thì cha tôi mặt càng lúc càng đỏ, ông tỏ vẻ giận dữ. Nhiều khi ông không cho mẹ tôi nói hết lời, chen vào những câu nói nóng giận. Mẹ tôi lại dùng những lời giải thích mà trước đây đã từng xử dụng đến cho dì Hai và anh em chúng tôi, nhưng cha tôi nhất định không đồng ý. Ông nói bất cứ giá nào ông cũng không cho đi và không ký giấy. Nhiều lúc cha tôi đã lớn tiếng vì không giằn được bực tức, dì Lan phải lấy tay cản ông lại và khuyên ông nhỏ giọng lại.

Mẹ tôi vẫn mang vẻ trầm tĩnh nhẫn nại, mẹ nói:

- "Cả cuộc đời tôi, tôi chỉ xin xỏ ông có hai điều. Điều thứ nhất xin cho bản thân tôi thì tôi đã xin cách đây tám năm nhưng lúc đó ông không làm được. Lúc đó tuy tôi đã tha thứ hết những chuyện lang bang mèo chuột của ông bên ngoài và ăn nỉ xin ông quay về với tôi, nhưng ngày đó ông đã không làm được. Còn bây giờ tôi xin ông một điều thứ hai trong đời. Lần xin này là vì các con. Ông hãy vì tương lai chúng nó mà ký giấy cho chúng được đi theo tôi sang Canada. Đi du học là ước nguyện của hai con. Chỉ có cách này tôi mới làm tròn ước mơ của tôi và của tụi nó."

Cha tôi tỏ ra xúc động mãnh liệt, hay tay ông run run và cặp mặt đỏ lên:

- "Tôi biết tôi có lỗi với bà. Nhưng chuyện đó là chuyện của hai chúng ta, bao nhiêu năm qua bà không hề tha thứ cho tôi. Nhưng hai đứa con cũng là con của tôi. Tuy tôi không được bà cho ở gần chúng và không được nuôi nấng chúng nhưng tình thương của tôi dành cho chúng không phải là không có. Nếu hai đứa nó có ước nguyện muốn đi du học thì tôi nghĩ tôi đủ sức lo cho chúng mà đâu cần bà phải dẫn chúng đi như vậy."

Mẹ tôi cười khẩy. Bà nhạt giọng:

- "Nếu ông muốn lo thì ông đã lo lâu nay rồi, đâu để đợi đến lúc chúng tôi nhắc ông mới làm. Ông biết tôi mà, cả đời tôi, tôi có bao giờ ngửa tay xin tiền ông không? Hừ.., lo cho con. Thằng Hùng đã học sắp xong lớp mười hai rồi, chỉ còn có mấy tháng nữa là nó tốt nghiệp, sao không thấy ông nói lo từ trước?"

Cha tôi cứng miệng không trả lời được. Mãi một lúc ông mới nói được:

- "Thì để cho nó học đỡ ở đâu đó một năm đi rồi từ từ tôi sẽ lo cho nó."

- "Ông nói thì dễ dàng lắm. Lỡ một năm qua rồi mà ông không lo được thì sao? Ông lại nói đợi thêm một năm nữa phải không?" Ngừng một chút mẹ tôi dịu giọng lại. "Trong khi nếu ông để cho chúng đi với tôi lần này ông không phải bỏ tiền bạc gì ra cả, mà thằng Hùng cũng không phải bỏ đi một năm chờ đợi."

- "Nhưng bà mang con tôi đi xứ người xa xôi như vậy coi như tôi mất con. Đến bao giờ tôi mới được gặp lại chúng."

- "Tôi hứa với ông mỗi năm tôi mỗi cho chúng về nước thăm ông. Một năm một lần, tuy không nhiều nhưng ông sẽ được ở với chúng cả ba tháng hè. Như vậy cũng còn hơn bây giờ, tuy mỗi năm ông gặp chúng hai ba lần nhưng lần nào cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ."

Cha tôi vẫn chưa qua khỏi cơn xao động. Ông đứng lên, khuôn mặt đổi sang tái xanh. Ông nói lớn tiếng:

- "Bà nói sao thì nói. Tôi nhất định không ký."

Mẹ tôi nói một giọng thật lạnh nhạt:

- "Ông vẫn như xưa. Thật là ích kỷ và chỉ nghĩ cho riêng mình."

Cha tôi cầm ly nước lên uống một hơi sau đó dằn ly nước xuống bàn. Ông đứng lên và bước nhanh ra cửa. Ông đi lại phía xe hơi, rút thuốc lá châm hút, sau đó đi qua đi lại những bước mạnh. Một lát ông lại đứng dựa lưng vào bên cánh cửa xe, mắt nhìn ra ngoài đường suy nghĩ. Mẹ tôi vẫn ngồi trong quán nước, bình tĩnh nhìn ra ngoài quan sát thái độ của cha mà không nói gì. Dì Lan kéo ghế đứng lên có vẻ chuẩn bị theo cha tôi ra xe. Mẹ tôi vội vàng đưa tay cản bà lại:

- "Chị có thể nán lại vài phút cho tôi nói vài lời không?"

Dì Lan ngừng lại. Bà ngập ngừng:

- "Con thì không phải con tôi. Tôi không biết tôi sẽ giúp được gì."

Mẹ tôi dịu giọng nói:

- "Chúng ta cùng là đàn bà, tôi nghĩ chị sẽ thông cảm tôi. Tôi thương hai con tôi như thế nào thì tôi biết chị cũng thương hai con chị như vậy. Chúng ta ai cũng muốn con mình sau này có một tương lai tốt đẹp."

Mẹ tôi ngừng lại thăm dò phản ứng dì Lan, thấy bà ta không nói gì có vẻ như đồng ý với những gì mẹ nói, mẹ tôi tiếp lời:

- "Tuy bao nhiêu năm nay tôi đã nhường chồng cho chị và tôi đã bước đi ra khỏi gia đình giòng họ bên chồng, nhưng điều đó không có nghĩa hai con tôi không có địa vị gì trong giòng họ cha nó. Thằng Hùng dù gì cũng là con trai lớn trong nhà và cũng là cháu đích tôn. Sau này lớn lên, nó sẽ chiếm phần lớn tài sản của cha nó. Chị nỡ nhìn thấy tài sản của hai con chị bị chia xẻ vậy sao? Còn nữa, nếu bây giờ chị để chồng chị bỏ tiền ra lo cho hai con tôi đi du học thì chúng sẽ xài rất nhiều tiền của gia đình chị, chị nỡ lòng sao. Nếu chị chịu về khuyên chồng chị ký giấy cho hai con tôi sang Canada, như vây hai vợ chồng chị không tốn một đồng xu lo cho tụi nó đi du học. Đã vậy nếu tụi nó sau này thành công, tụi nó cũng sẽ không quay trở lại dành dựt tài sản với các con chị làm gì."

Dì Lan nghe mẹ tôi nói một hồi hình như cũng xiêu lòng. Lòng ích kỷ và tham lam của một người đàn bà đã bị mẹ tôi đánh trúng, Thế nhưng bà vẫn nói cứng.

- "Tôi không phải là người tham tiền như chị nghĩ đâu. Tôi không biết tôi sẽ giúp gì được chị. Ba xấp nhỏ là một người cứng rắn, tôi có khuyên chưa chắc anh ấy đã nghe."

- "Tôi biết chồng chị là người cứng rắn và chị là người không tham tiền. Nhưng tôi cũng biết chị sẽ có cách làm cho anh ấy chuyển ý. Vì con tôi cũng được hay vì con chị cũng được, tôi mong chị sẽ nói giúp." Mẹ tôi ngừng một chút rồi nói tiếp một cách cay đắng. "Ngày xưa chị có đủ khả năng khiến anh ấy về bỏ vợ con đi lấy chị. Chuyện khó khăn như vậy chị còn làm được thì chuyện nhỏ nhặt này có thấm thía gì."

Câu nói của mẹ có thể hiểu theo nghĩa là câu khen nhưng cũng có thể hiểu là câu mỉa mai. Dì Lan đỏ mặt bước đi:

- "Tôi không dám hứa gì chị đâu. Mọi chuyện tôi để cho cha tụi nhỏ quyết định."

Nói xong dì Lan bước ra xe. Dì Lan nói gì đó với ông, hình như nói là bà muốn về. Tôi thấy cha tôi gật đầu, hai người vẫy tay gọi hai con trai đang chơi gần đó lại. Cha tôi quay nhìn mẹ con tôi trong quán nước, sau đó mọi người lên xe bỏ đi không chào gì mẹ con tôi.

Sau khi cha tôi và vợ con của ông đã đi rồi, mẹ con tôi vẫn ngồi lại trong quán nước một lúc lâu. Mẹ tôi không nói gì, chỉ suy nghĩ. Tôi không dám hỏi mẹ, chỉ biết nhìn mẹ trong yên lặng. Mãi một lúc sau mẹ tôi dường như bừng tỉnh ra khỏi dòng suy nghĩ cũa mình mẹ dục tôi đứng lên ra về.

Tôi ngập ngừng hỏi mẹ:

- "Như vậy là cha không bằng lòng cho tụi con đi?"

Mẹ tôi đứng lên chuẩn bị đi tính tiền nước. Trước khi đứng lên, mẹ quay sang nhìn tôi trên môi nở một nụ cười tin tưởng:

- "Con đừng lo. Rồi cha con sẽ bằng lòng. Mẹ biết người đàn bà đó sẽ có cách làm cho cha con đổi ý. Vì lợi ích tiền bạc của hai con bà ta, bà ta sẽ tìm mọi cách tống khứ mẹ con mình đi khỏi. Bà ta sẽ tìm đủ mọi cách thuyết phục cha con. Thôi chiều rồi, mình đi đón anh con rồi ra cho kịp chuyến xe về Bảo Lộc."

Mẹ tôi là một người đàn bà thông minh. Bà đã biết đo lường đối phương của mình. Dì Lan không biết làm sao và nói gì cuối cùng sau này đã khiến cho cha tôi đổi ý.

Sau khi Tết đã qua rồi và sau khi mẹ tôi về Sài Gòn được một tuần thì cha tôi viết thư báo cho mẹ biết ông đã đồng ý và sẽ vào Sài Gòn ký giấy tờ cho anh em tôi xuất cảnh. Như vậy mọi chuyện coi như đã ổn thỏa. Sau khi cha tôi ký tên, mẹ tôi và ông Bill đi hoàn tất giấy tờ xuất ngoại cho chúng tôi. Mẹ nói giữa tháng Sáu, ngay sau khi trường nghỉ hè thì anh em chúng tôi sẽ lên đường. Tương lai của anh em tôi như vậy đã được quyết định, chúng tôi sẽ theo mẹ sang Canada sống với người đàn ông ngoại quốc xa lạ mà mẹ tôi sẽ lấy làm chồng. Chúng tôi sẽ được ông ta cho đi học cho đến hết đại học như ông đã hứa với mẹ. Còn mẹ tôi thì hứa với chúng tôi bà sẽ cho chúng tôi về nước chơi mỗi mùa hè, sau khi anh em chúng tôi ra trường rồi, nếu chúng tôi không thích ở Canada nữa chúng tôi sẽ hồi hương.

Có lẽ anh Hùng đã nói chuyện đi Canada của chúng tôi đến Minh Châu, nó buồn lắm. Càng cảm nhận ra sự sắp sửa chia tay, hai người họ càng quấn quít với nhau và càng dành nhiều thì giờ cho nhau. Mỗi buổi chiều họ thường hẹn hò cùng nhau đi riêng hơn. Trong thời gian này tôi cũng ít gặp Minh Châu, thông cảm cho anh và bạn, tôi để hai người họ được có nhiều thời gian ở bên nhau trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại.

Một buổi chiều Minh Châu rủ tôi đi ra mộ ba nó để nhổ cỏ và thắp nhang. Hai đứa chúng tôi đều muốn đi bộ, không đi xe đạp. Chúng tôi thả bộ xuống con dốc dài, rồi rẽ băng qua cầu Trắng đi về phía nghĩa trang. Lúc đi ngang qua cầu Trắng, tôi chỉ cho Minh Châu coi mấy đứa trẻ nhỏ đang thả diều bên bờ hồ. Nhìn những con diều đuôi dài bay nhởn nhơ trên trời tôi nhớ lại những ngày theo anh Hùng đi thả diều ở Sài Gòn. Tôi kể cho Minh Châu nghe những kỷ niệm thơ ấu của hai anh em tôi. Minh Châu nói nó từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi thả diều.

Đến nghĩa trang, tôi phụ Minh Châu nhổ những cây cỏ mọc lên thành mộ của ba nó. Nhổ cỏ xong, Minh Châu thắp cây nhang cắm vô bình trên mộ. Hai đứa tôi chưa về ngay, còn nán lại ngồi nói chuyện một hồi. Không hiểu vì địa thế đất cao của vùng cao nguyên, hay vì có cây cối nhiều và bụi đất đỏ, nắng buổi chiều ở thị trấn thường rất vàng và hay có ráng chiều. Minh Châu nhìn ánh ráng chiều tà đỏ rực ở chân trời, nó nói với nhiều cảm xúc:

- "Mai mốt mình chắc sẽ không còn dịp được ngồi bên nhau ngắm nắng ráng chiều như thế này."

Tôi nghe và cũng cảm thấy buồn trong lòng.

- "Sau này tao sẽ về mà."

- "Lúc mày học xong về nước, hai đứa mình đều đã lớn rồi, không biết lúc đó hoàn cảnh, con người, tình cảm và suy nghĩ có còn như hôm nay."

- "Tao không biết nhưng tao nghĩ mình sẽ không thay đổi."

Minh Châu nhìn tôi, đôi mắt nó buồn lạ lùng. Màu đen của mắt nó bị ánh chiều vàng chiếu vào nên đã đổi sang màu nhạt hơn.

- "Mày thì tao không sợ sẽ thay đổi, nhưng anh mày thì tao sợ. Tao thấy ba mày, rồi tao thấy anh Tuấn, tao sợ anh Hùng cũng giống như họ."

- "Mày hỏi anh tao đi."

- "Hỏi rồi, anh hứa anh sẽ không bao giờ giống như hai người đó, nhưng tao sợ tao sẽ giống chị Phượng của mày. Mày không biết đâu, lúc nào tao cũng sợ cuộc tình của tao và anh mày sẽ mau chấm dứt, tao thật sợ. Tao thật quý mến cuộc tình này. Tao thương thầm anh Hùng từ những ngày anh em mày mới dọn lên ở. Nhưng lúc đó tao nghĩ không bao giờ có ngày anh mày sẽ để ý đến tao. Ông anh mày vừa đẹp trai vừa đa tài, nhiều cô thích như vậy làm sao đến lượt tao. Rồi lại thêm chị Kim Điệp bên cạnh, tao thật chỉ là con lọ lem yêu thầm hoàng tử. Bây giờ đã có được cuộc tình trong tay, tao thật không cam lòng nếu phải chấm dứt sớm."

- "Thì không phải lọ lem cuối cùng cũng chiếm được tim hoàng tử sao và có được một kết cuộc hạnh phúc?"

- "Tao cũng mong được như vậy."

Hôm đó khi về nhà tôi kể cho anh Hùng nghe câu nói của Minh Châu về những cánh diều. Ngày hôm sau đi học về tôi thấy anh Hùng lái xe đạp đi kiếm tre về chẻ ra rồi vuốt mỏng làm diều. Anh làm lẹ lắm, chỉ trong buổi chiều hôm đó đã làm xong con diều. Chiều ngày hôm sau anh rủ tôi và Minh Chảu ra sân đá banh trước cửa ty bưu điện để thả diều. Minh Châu xem chừng cảm động ra mặt, cả hai chúng tôi đều biết anh Hùng làm con diều này là vì nó. Trước khi thả cho diều bay lên trời, Minh Châu viết tên chúng tôi lên con diều. Sau đó anh Hùng dạy cho Minh Châu thả diều. Anh đứng một chỗ cầm con diều và nói Minh Châu cầm ống dây chạy, từ từ thả dây cho diều bay lên. Chẳng mấy chốc con diều đã được thả bay cao lên trời. Anh Hùng nói diều bay cao rồi không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần giữ giây, nếu thấy diều chao cánh thì dựt kéo lên.

Ba đứa chúng tôi kiếm bãi cỏ ngồi xuống đất chơi. Minh Châu là người vui nhất trong bọn. Nó vui có lẽ không phải là vì lần đầu tiên được đi thả diều, nhưng là vì được thả diều với người nó yêu thích. Hôm đó gió nhiều, lại thêm có ráng chiều, con diều bay cao thẳng dây, nhởn nhơ giữa ánh ráng chiều vàng trông thật đẹp. Chúng tôi nhìn cánh diều bay, mỗi đứa một ý tưởng không khỏi không nghĩ đến tương lai. Năm đó tôi và Minh Châu được mười sáu tuổi và anh Hùng mười tám tuổi.

Chương 13

Mùa hè 1974 là một mùa hè ảm đạm, nhóm bạn lớp anh Quang Hùng tốt nghiệp và chia tay nhau. Ngày cuối cùng, lớp anh Hùng làm một buổi tiệc chia tay trong lớp, không khí bữa tiệc không còn phá phách, nghịch ngợm và châm chọc như xưa nhưng mang đầy cảm xúc. Trước khi buổi tiệc tan, anh Hùng cầm đàn dạo nhạc hát bài Cho Lần Cuối của Lê Uyên Phương:

"Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu, gần bối rối biên giới từ lòng đau. Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng, cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng, cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau. Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau, hẹn sau. Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau, mộng mau. Ngoài trời mưa, mưa hoài, gió mưa nặng nề. Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi, mỏi mòn.

……

"Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau.......Ngày mai ta không còn thấy nhau..."

Sau đó cả lớp cùng nhau nắm tay đứng thành vòng tròn hát bài ca tạm biệt:

"Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai, đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy."

Sau ngày đó, hầu hết các bạn của anh đi về Sài Gòn thi đại học, một vài người thi vào trường Nông Lâm Súc ngay tại thị trấn, một hai người lên Đà Lạt thi vào trường đại học Đà Lạt, còn vài người ra Nha Trang thi vào Hải Học Viện Nha Trang. Chỉ có chị Kim Điệp là không lo lắng gì về thi cử. Đám cưới của chị diễn ra ngay sau khi tốt nghiệp và rồi chị theo chồng về Sài Gòn. Hai anh em chúng tôi cũng khăn gói về Sài Gòn theo mẹ đi Canada. Ông Bill đã về Canada từ hai tháng trước, ông nói ông phải về để chuẩn bị đón mẹ con tôi qua. Cả gia đình dì Hai cũng về Sài Gòn tiễn chân mẹ con chúng tôi. Minh Châu không đi Sài Gòn. Mấy ngày trước khi chúng tôi rời thị trấn, nó tặng hai anh em tôi mấy tấm hình và tặng riêng anh Hùng quyển thơ chép tay. Ngay trang đầu nó viết một câu thơ của nó làm:

"Em gửi cho anh vạt nắng quê nhà

Anh đem theo mình về nơi xứ xa

Nắng nơi đây rồi sẽ thành nắng nhạt

Một thủa yêu người một buổi chia xa"

Tội nghiệp Minh Châu, ‘một thủa yêu người’ và những tháng ngày dài ôm trong lòng mối tình câm với anh tôi bây giờ lại thành ‘một buổi chia xa’. Ngày chúng tôi về Sài Gòn, nó tiễn chân anh em tôi ra tận bến xe. Nó khóc đỏ mắt và nắm tay tôi bịn rịn không rời. Anh Quang Hùng không nói gì cả, càng buồn anh càng trở nên lầm lì không nói. Anh không dám nắm tay Minh Châu, chỉ đứng thẩn thờ cạnh nó. Tôi và Minh Châu ôm vai nhau chào tạm biệt, hai đứa ôm nhau thật chặt thật lâu. Cổ họng tôi nghẹn lại nên tôi không nói được điều gì. Khi anh lơ xe dục mọi người lên xe để xe khởi hành thì lúc đó anh Quang Hùng mới thật sự cảm thấy cuống quít. Anh nhìn Minh Châu tha thiết và dặn nó ráng học, sang năm anh sẽ về thăm. Hai người bịn rịn mãi và anh là người cuối cùng bước chân lên xe.

Tôi thấy Minh Châu đứng lại phía sau đưa tay quẹt nước mắt. Nó đưa tay vẫy chào chúng tôi lúc xe lăn bánh. Tôi không dám quay đầu lại nhìn bạn, nước mắt tôi ứa ra. Anh Quang Hùng ngồi cạnh cửa sổ, anh chồm người ra khỏi cửa sổ ngoái đầu lại vẫy tay chào Minh Châu. Lúc đó Minh Châu chợt nhớ ra nó còn quên một chuyện nên vội chạy theo xe, nó chồm lên cửa sổ đưa cho anh Hùng gói bánh đậu. Nó nói:

- "Để cho hai anh em ăn dọc đường. Nhớ viết thư về thường xuyên nhe."

Anh Hùng gật đầu, cầm gói bánh trên tay thật chặt, anh mím môi cố ngăn cơn xúc động. Xe càng lúc chạy càng xa, bóng Minh Châu càng lúc càng nhỏ và cuối cùng thì mất hút lúc xe quẹo ra đường quốc lộ.

Hôm chúng tôi ra sân bay, gia đình hai cậu tôi và gia đình của dì Hai đều ra tiễn chân. Dì Hai khóc mếu máo, dì hết ôm mẹ tôi rồi lại ôm anh em tôi dặn dò mẹ tôi phải cho anh em tôi về mỗi mùa hè. Các con của dì không nói gì nhiều, mỗi người chỉ ôm chúng tôi thật chặt và vỗ vai khuyên ráng học hành. Cha tôi cũng đến, ông dẫn theo hai người con trai, dì Lan không có mặt. Cha tôi trông có vẻ ngượng ngập với gia đình dì Hai và gia đình hai cậu tôi, ông và hai con đứng cách ra một bên không dám lại gần mọi người. Mãi một lúc lâu, hai cậu tôi tế nhị kéo mọi người tránh sang một bên và gọi cha tôi lại, lúc đó ông mới dám tới. Khi đối diện với mẹ tôi thì sự ngượng ngùng bối rối của cha tôi càng lộ ra rõ ràng. Ông hình như muốn nói nhiều lắm với mẹ nhưng lại không biết nói sao. Tôi thấy hai bàn tay ông rung rung chứng tỏ ông rất xúc động. Mẹ tôi dịu dàng hứa sẽ cho anh em tôi về nước mỗi năm thăm mọi người, và cũng như lúc trước mẹ hứa nếu anh em tôi muốn về nước ở luôn sau khi ra trường, mẹ sẽ không ngăn cản. Cha tôi có vẻ an tâm, ông nói gì đó với mẹ nhưng tôi không nghe rõ được. Cuối cùng ông giơ tay bắt tay mẹ. Mẹ tôi ngập ngừng một lát, tỏ ra hơi ngỡ ngàng nhưng sau đó cũng dơ tay bắt tay lại. Hai người bắt tay nhau thật chặt thật lâu. Đây là một cử chỉ thân thiện giữa hai người mà tôi lần đần tiên thấy kể từ ngày mẹ bỏ cha ra đi.

Quay sang chúng tôi, cha tôi ôm mỗi đứa thật lâu không buông. Cha tôi xưa nay ít khi ôm anh em chúng tôi như vậy, mọi lần gặp mặt ông chỉ vỗ vai hay bắt tay. Ông không khóc nhưng tôi thấy mắt ông ướt long lanh. Mãi một lúc lâu ông mới nói được bằng một giọng rung rung xúc động:

- "Hai con nhớ phải viết thư cho cha thường xuyên và nhớ về thăm cha. Khi nào học thành tài thì về nước lập nghiệp chứ đừng ở luôn bên đó. Cơ nghiệp nhà mình hai con cũng có phần, nhớ về. Sau này cha sẽ giao lại cho hai con cai quản. Hùng là con trai, nhớ chăm sóc mẹ và em gái. Mẹ con tuy cứng lòng cứng miệng nhưng dù gì cũng là đàn bà." Ông sau đó đẩy hai đứa con trai nhỏ lại phía chúng tôi. "Các con sao đi nữa cũng là anh em cùng cha khác mẹ. Sau này có chuyện gì thì đừng chém giết nhau và phải thương yêu nhau. Đó là ước nguyện của cha."

Như thường lệ anh Quang Hùng thì không nói gì cả chỉ gật đầu. Tôi cố nói vài tiếng trấn an cha tôi. Đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp cha và nghe được tiếng nói của ông.

Chương 14

Hơn ba mươi lăm năm sau. Một buổi chiều mùa thu, tôi ngồi trong quán cà phê ở phi trường một tiểu bang miền đông nước Mỹ để chờ chuyến bay chuyển tiếp về Texas. Chuyến bay của tôi bay từ thủ đô Washington về Houston nhưng phải ngừng ngang một phi trường thứ hai để đổi chuyến bay. Lúc máy bay trên trời chuẩn bị đáp xuống phi trường, tôi nhìn xuống đất thấy những rừng cây lá đã chuyển sang màu vàng đỏ. Tháng mười là tháng tôi thích nhất trong năm đi về những tiểu bang miền đông nước Mỹ, lúc đó những rừng cây lá bắt đầu đổi màu trông thật đẹp.

Tôi ngồi giết thời gian bên ly cà phê và chăm chú đọc sách. Một lúc lâu bỗng tôi thấy có người đi lại phía mình và giọng một người đàn bà hỏi tôi bằng tiếng Mỹ:

- "Xin lỗi bà có phải người Việt Nam không?"

Tôi bỏ quyển sách đang đọc xuống, gỡ mắt kiếng ra và ngửng đầu lên nhìn. Trước mặt tôi là một người đàn bà châu Á khoảng hơn năm mươi tuổi. Bà ta trông còn rất đẹp và ăn mặc quần áo sang trọng, mắt đeo cặp kiếng mát to che hết đôi mắt khiến tôi không thể nhận ra là ai. Tôi không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ xác nhận. Người đàn bà mỉm cười, bà bắt đầu nói sang tiếng Việt:

- "Bà trông rất giống một người tôi quen trước đây. Bà có phải em của Nguyễn Quang Hùng trước kia học ở trường trung học Bảo Lộc?"

Tôi nhìn người đàn bà một các ngỡ ngàng, khẽ gật đầu lần nữa, trong đầu tôi nhanh chóng quay ngược giòng ký ức để ráng nhớ coi người đang đứng trước mặt mình là ai. Trong khi tôi còn đang ngỡ ngàng chưa nhận ra được người đối diện, thì người đàn bà lộ vẻ vui mừng trên khuôn mặt, bà không đợi tôi mời đã kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi. Sau khi ngồi xuống rồi, bà ta ngồi dựa vào lưng ghế và cởi mắt kiếng ra:

- "Em có lẽ không nhìn ra chị, nhưng chị nhận ra em. Đoán coi chị là ai?"

Nghe cách xưng hô chị em của bà tôi đã ngờ ngợ đoán ra bà là ai nhưng vẫn chưa chắc chắc lắm. Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt người đàn bà trước mặt để khẳng định xem bà ta có phải là người tôi đang nghĩ trong đầu không. Chiếc mụn ruồi duyên bên khóe môi khiến tôi nghĩ tới một người, tôi đứng bật dậy thảng thốt:

- "Chị Kim Điệp?"

Khuôn mặt người đàn bà lộ nét xúc động. Bà đứng lên và hai đứa chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi ôm nhau như vậy một lúc lâu, sự cảm xúc mãnh liệt trong lòng khiến chúng tôi không ai nói nên lời. Một lúc sau, cơn xúc động dường như đã lắng xuống, chúng tôi buông vai nhau và ngồi lại xuống bàn. Tôi lên tiếng hỏi một cách vui mừng:

- "Sao chị nhận ra em hay vậy?"

Người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi chính là chị Kim Điệp. Chị chỉ sang một chiếc bàn bên góc kia quán cà phê, nói:

- "Chị vào đây ngồi bàn bên kia, nhìn sang thấy em đang đọc sách. Chị ngờ ngờ là em nhưng không dám nhận."

- "Còn em, nếu chị không tới hỏi và nhắc thì em không thể nào có thể nhận ra chị."

- "Chị già quá phải không? Cho nên em không nhận ra." Chị Kim Điệp cười.

Tôi cười theo, lấp liếp câu nói của mình:

- "Đâu phải chị già. Tại lâu quá em không gặp chị. Đã vậy chị còn đeo cặp mắt kiếng lớn che mắt, làm sao em nhận ra." Tôi nghiêng đầu ngắm nhìn chị một lúc lâu rồi bỡn cợt. "Con bướm vàng ngày xưa bây giờ tuy đã có già đi nhưng vẫn còn đẹp như thủa nào."

Chị Kim Điệp cười phá lên:

- "Em thật vẫn không thay đổi, lúc nào cũng biết nói cho người ta vui. Đẹp gì nữa mà đẹp, đã trên năm chục tuổi rồi và đã làm bà ngoại của ba cháu ngoại rồi."

- "Bà ngoại tóc vẫn còn đen, quần áo sang trọng đúng thời trang, trưng diện đẹp nên trông cũng còn ‘hot’ lắm." Tôi nheo mắt tiếp tục chọc.

- "Bà ngoại tóc đen vì bà ngoại chịu đi nhuộm hàng tháng. Quần áo sang trọng vì bà ngoại chịu đi shopping mua đồ sale. Còn trang điểm cho nhiều để che đi những vết nhăn trên mặt."

Sau câu nói đùa này, hai chị em tôi phá lên cười. Tuy chị Kim Điệp nói vậy nhưng tôi vẫn phải công nhận chị còn đẹp lắm. Ở vào cái tuổi trên năm mươi, chị tuy không còn đẹp như một cô gái xuân thời nhưng nét đẹp của chị là một nét đẹp quý phái của một người đàn bà đứng tuổi. Vẫn như lúc còn con gái, chị vẫn ăn mặc quần áo đắt tiền sang trọng:

- "Chị bây giờ ở đâu? Chị sang Mỹ hồi nào? Chị đang làm gì?"

- "Chị đang ở Chicago. Chị sang đây ở từ năm 1983. Chồng chị, chắc em vẫn còn nhớ, sang đây đi học và thi lấy bằng lại rồi về mở phòng mạch ở Chicago. Còn chị, có làm cái gì em, toàn ở nhà chồng nuôi, ở Việt Nam cũng vậy mà sang đây cũng vậy. Bây giờ thì ở nhà trông cháu ngoại, rảnh thì ra phòng mạch của chồng xem sét coi ổng có mèo chuột gì không."

Tôi cười. Chị Kim Điệp nói tiếp:

- "Chị có bốn đứa con, tụi nó đều thành đạt cả rồi, đứa nhỏ nhất năm nay cũng 22 tuổi đang theo học đại học ở Cailifornia. Nhớ con, chị đi máy bay sang thăm nó.

Sau đó chị Kim Điệp kể cho tôi nghe về gia đình chị, về chồng, về các con và các cháu ngoại. Sau khi đã kể xong, chị hỏi lại tôi:
- "Nãy giờ em cứ hỏi về chị mà chị chưa nghe nói gì về em. Em bây giờ ở đâu. Chồng con ra sao? Chị tưởng lúc xưa gia đình em đi Canada?"
Tôi gật đầu xác nhận:
- "Đúng như vậy, năm 1974 tụi em theo mẹ sang Canada. Nhưng sau này em lấy chồng bên Mỹ nên theo chồng về Mỹ. Bây giờ em đang ở Texas."
- "Bây giờ em làm gì?"
- "Em mãi gần ba mươi tuổi mới lập gia đình. Em học về chemistry và lúc trước làm trong phòng thí nghiệm của một hãng hóa học ở Canada. Sau đó một lần đi họp hội nghị ở Washington em tình cờ gặp nhà em bây giờ, lúc đó cũng đi họp. Anh ấy là người Mỹ. Tụi em quen nhau, liên lạc với nhau một thời gian rồi cặp với nhau. Sau này khi tụi em kết hôn, em theo chồng về Texas. Bây giờ thì em đã không còn làm ở phòng thí nghiệm nữa mà đã đi dạy học rồi. Lúc về Texas, em vừa đi làm vừa đi học thêm lên. Đến khi em lấy được bằng tiến sĩ về hóa học, em bỏ làm và xin đi dạy ở trường đại học cộng đồng ở Texas."
- "Em vậy là khá lắm. Trong đám tụi mình ngày xưa có lẽ chỉ có em là đạt được ước mơ của mình. Chị nhớ em đã nói sau này em muốn đi dạy đại học."
- "Chị nhớ dai quá. Lời em nói lúc đó mà chị cũng nhớ. Chị cũng vậy, chị cũng đạt được ước mơ của chị."
Tôi nói và đầu óc nhớ về chuyến đi suối Thanh Bình của chúng tôi ngày nào, nơi mà chúng tôi đã kể cho nhau nghe những ước mơ của mình khi trưởng thành.
- "Ước mơ của chị ai mà làm không được, cứ ở nhà nuôi con không biết đi làm."
- "Nhưng ít ra chị đã lấy được người thương chị và đời sống của chị được sung túc suốt đời."
- "Nhưng không như em được tự do thoải mái, tự mình kiếm tiền, có đi đâu hay xài gì cũng không phải xin ai. Còn chị, cái gì cũng phải phụ thuộc vào chồng, muốn mua gì cũng phải xin chồng, phải xem coi mặt chồng lúc đó có vui không."
Tôi cười không trả lời, chị hỏi tiếp:
- "Ba mẹ em thì sao?"
- "Ông Bill chồng mẹ em mất lâu rồi. Sau khi ông chết, em bảo lãnh cho mẹ và anh Hùng sang Mỹ với em. Bây giờ bà cụ đã trên bẩy mươi rồi, ở với anh Hùng, không làm gì cả, chỉ ở nhà và đi chùa thôi. Bà cụ thấy em lấy chồng Mỹ nên ngại con rể, về ở với con trai, dù gì con dâu cũng là người Việt Nam. Lúc cha ruột em mất ở Việt Nam, tụi em không về được. Mấy năm sau tụi em mới về thăm mộ ông cụ." Tôi thở dài buồn bã. "Năm 1974 tụi em bước chân ra đi cũng là lần cuối cùng tụi em gặp mặt ông cụ. Sau đó tụi em chỉ liên lạc với ông cụ bằng thư từ thôi. Sau này ông cụ chết vì ung thư phổi, ông cụ hút thuốc nhiều quá."
- "Em về thăm mộ năm nào?"
- "Mấy năm sau khi ông cụ mất tụi em mới về thăm mộ. Tụi em có gặp bà vợ hai của ông cụ và hai đứa con trai. Họ bây giờ nghe nói đã chuyển sang làm khách sạn du lịch ở Đà Lạt. Ông cụ trước khi chết có viết di chúc để một nửa tài sản cho anh em tụi em. Nhưng tụi em bên này cũng khá giả rồi tụi em cũng không muốn chia trác làm gì. Vả lại đa số tài sản của ông cụ là đất đai, tụi em có lấy về cũng không đứng tên được. Cho nên tụi em cho luôn hai con trai bà hai."
Chị Kim Điệp từ nãy giờ vẫn chưa hỏi thăm đến anh Quang Hùng, tuy anh mới là bạn học thân của chị. Tôi nhắc:
- "Anh Quang Hùng cũng đang ở Texas. Chị biết đó, chỉ có ba mẹ con, em đi rồi ảnh và mẹ buồn nên ảnh nói em bảo lãnh sang Texas xin việc và ở lại luôn."
Nghe tôi mở lời, chị Kim Điệp lúc này mới hỏi:
- "Quang Hùng bây giờ ra sao? Vợ con thế nào?"
- "Anh Quang Hùng làm kỹ sư cơ khí. Anh ấy đang làm cho một hãng ở Texas. Em không biết nên nói rằng anh ấy đa tình hay lận đận, quen bao nhiêu cô cuối cùng lớn tuổi mới lấy được một cô ở Texas. Vợ anh ấy làm nghành kế toán. Anh ấy bây giờ có hai con. Nhà anh ấy cũng ở gần nhà em lắm. Hai anh em tụi em vẫn thân nhau như ngày xưa, tuần nào cũng thay phiên đến nhà nhau ăn uống. Chồng em là người Mỹ nhưng được cái dễ tính, để vợ muốn làm gì thì làm. Từ ngày sang nước ngoài anh Hùng đã không còn cao ngạo hay ăn nói ngông nghênh như ngày xưa. Anh đã trở nên chững chạc, nghiêm túc và đạo mạo. Không biết sự thay đổi này là do trưởng thành hay do mất mát."
Chị Kim Điệp im lặng trầm ngâm, chị có lẽ đoán ra sự mất mát mà tôi vừa nói:
- "Em chắc muốn ám chỉ chuyện Minh Châu?"
Tôi gật đầu. Câu hỏi của chị Điệp làm tôi thấy ngậm ngùi. Tôi im lặng một lúc mới lên tiếng:
- "Tội nghiệp con bé, em nghe nói chừng hai năm sau khi tụi em đi khỏi, nó bị tử nạn trên chuyến xe đò về Sài Gòn. Lúc đi ngang qua đèo Bảo Lộc, xe bị lật đèo chết hết cả xe."
- "Lúc Minh Châu qua đời chị còn ở Saigòn. Nghe tin nó chết ai cũng thương. Anh Hùng của em chắc đau lòng lắm."
- "Sau năm 1975 tụi em mất liên lạc với Minh Châu. Mãi đến khi được gửi thư thông thương năm 1977 tụi em mới liên lạc được với gia đình dì Hai, lúc đó tụi em mới hay tin."
Chị Kim Điệp thở dài:
- "Tội nghiệp con bé chết lúc còn trẻ quá." Chị ngừng một lát hỏi tiếp. "Anh Hùng của em đón nhận tin này như thế nào?"
- "Anh đau buồn lắm. Cả năm trời anh giữ nỗi đau buồn trong lòng. Anh không nói hay tâm sự với ai nhưng em biết anh buồn lắm." Tôi ngừng một lát rồi nói tiếp. "Trong đời anh Hùng, ngoài vợ của anh ra, em nghĩ có hai mối tình thơ mà anh ấy sẽ không bao giờ quên. Một người anh ấy yêu nhưng lại không dám yêu, đó là chị. Còn một người anh ấy dám yêu nhưng lại không giữ được, đó là Minh Châu."
Chị Kim Điệp nghe tôi nói mà im lặng không nói gì. Chị cúi đầu nhìn xuống ly cà phê của mình, tay cầm muỗng quậy cà phê một cách thẩn thờ. Không biết chị đã thấy gì trong ly cà phê của chị, không biết chị có thấy một bóng hình của ai đó trong đáy ly để chị có thể nhớ về một cuộc tình xa xưa, giống như những lời thơ của nhà thơ Trần Quang Dũng:
"Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa"
Có lẽ chị Kim Điệp đã không thấy bóng dáng anh Quang Hùng trong đáy ly cà phê nhưng thấy anh trong đáy trái tim chị, nơi mà bao năm qua chị đã chôn vùi và quên đi giữa đời sống hàng ngày. Tôi tự hỏi trong mấy chục năm qua, trong lòng chị còn chút vương vấn gì với anh của tôi không. Tôi hỏi dò dẫm.
- "Anh của em nếu nghe nói em gặp được chị, chắc anh ấy mừng lắm. Ngoại trừ anh Quang Cận ra anh ấy chưa gặp lại ai từ ngày tụi em rời Việt Nam."
- "Gặp em chị mừng lắm, chị mong hai chị em mình sẽ liên lạc với nhau trong những thời gian sắp tới. Nhưng chị chưa chuẩn bị tinh thần để gặp lại anh của em. Như em đã nói, chị là một trong những mối tình thơ mà anh ấy yêu quý. Có lẽ trong đầu óc của anh ấy vẫn còn hình ảnh của chị là một cô nữ sinh xinh xắn mười bẩy mười tám tuổi ngày nào. Chị sợ khi gặp một bà già như chị bây giờ thì mộng đẹp ngày xưa của anh ấy sẽ vỡ tan. Ngay cả chị cũng vậy, xưa nay trong lòng của chị vẫn mang trong lòng hình bóng Quang Hùng, một cậu học sinh trung học đẹp trai, thông minh và láu lỉnh. Chị thật chưa chuẩn bị tinh thần để gặp môt ông già tóc muối tiêu, da nhăn nheo."
Tôi phá lên cười về cách suy nghĩ của chị Kim Điệp. Tôi ngắm nhìn người phụ nữ trước mặt. Đã trên năm mươi tuổi chị chưa phải là đã già, nhưng chị nói đúng, trước mặt tôi bây giờ không còn một nữ sinh Kim Điệp xinh đẹp ngây thơ như ngày xưa với váy mini skirt và tóc dài cột đuôi nữa. Trước mặt tôi bây giờ là một phụ nữ đứng tuổi, thân hình đã không còn nét thon thả, quần áo tuy sang trọng nhưng đã mang vẻ già giặn, khuôn mặt vẫn còn mang nét đẹp nhưng không còn là nét đẹp của tuổi thanh xuân. Chị nói đúng, có lẽ họ không nên gặp nhau. Hãy để trong lòng hai người họ một ấn tượng đẹp đẽ của mối tình thơ đẹp năm nào, để họ mãi thần tượng lẫn nhau và thương nhớ về nhau. Gặp nhau rồi mối tình thơ ngày xưa sẽ tan vỡ và họ sẽ không còn gì để mà nuối tiếc để mà vấn vương trong những ngày còn lại cuộc đời họ.
Chị Kim Điệp đổi đề tài quay sang chọc tôi:
- "Em đi rồi, người ta mới biết có mấy chàng thất tình ngẩn ngơ."
Tôi tròn mắt ngạc ngạc nhiên:
- "Ai vậy chị? Em là con bé lọ lem có ai thèm thương."
- "Chị không nói ra nhưng có lẽ em trong lòng đã đoán ra ai. Con gái nhạy cảm những chuyện này lắm. Người thứ nhất thì quá rõ ràng ai mà không biết, đó là Quang cận, còn người thứ hai có lẽ chỉ có em biết, đó là Khiêm Thủ Quân."
Tôi cười, vẫn không xóa hết sự ngạc nhiên nhiên của mình. Anh Quang Cận thì quả thật tôi đã đoán ra, nhưng anh Khiêm thì tôi thật tình không biết :
- "Vậy sao? Anh Quang thì em còn đoán được, anh Khiêm thì em chịu thua."
- "Ừ, sau này ai cũng ngạc nhiên chuyện Khiêm Thủ Quân yêu thầm em. Em đi rồi nó buồn, bày đặt đi uống rượu, không biết uống nên say ói tùm lum rồi chính miệng nó khui ra."
- "Rồi bây giờ anh Khiêm ở đâu rồi?"
- "Chị nghe nói nó sau này về miền tây lấy vợ rồi ở luôn dưới đó. Sau này không thấy quay về thị trấn nữa."
- "Cũng may là anh Khiêm không tỏ tình với em lúc còn ở đó, nếu không em lại mang trong lòng một mối tình thơ nhức nhối cả đời."
Chị Kim Điệp nheo mắt nhìn tôi. Cái nheo mắt cổ hủ của chị đã bao năm qua vẫn chưa thay đổi.
- "Em thật là lạ. Có phải mọi chuyện trong đời em, em sẽ không làm nếu em nghĩ nó sẽ không có kết quả?"
- "Có lẽ em hơi thực tế, chuyện gì làm cũng tính toán. Nếu thấy chuyện gì không có kết quả, em sẽ không làm."
- "Ngay cả chuyện tình yêu?"
- "Ngay cả chuyện tình yêu."
- "Em không để cho trái tim mình tự do yêu ai sao?"
- "Tự do yêu là một chuyện, có nên tiến tới tình yêu đó hay không thì là một chuyện khác."
- "Em có nghĩ em làm như vậy sẽ mất đi nhiều cơ hội có được những mối tình yêu đẹp."
- "Em sợ bị đau khổ. Những cuộc tình làm cho người ta nhớ suốt đời thường là những cuộc tình ngang trái lỡ làng. Em thà không yêu." Tôi cười khi nhớ lại một vài giai thoại lúc nhỏ, nói tiếp. "Lúc trước anh Quốc Dũng cứ nghêu ngao với triết lý tình yêu của mình ‘Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ, thà khổ sướng hơn lỗ’. Có lẽ triết lý yêu của em là ngược lại." Tôi nhân dịp này hỏi thăm sang những bạn khác của anh Hùng "Chị có biết tin tức gì của mấy người trong nhóm Thất Hiệp không?"
- "Chao, mấy mươi năm nay chị mới nghe có người nhắc tới cái tên Thất Hiệp này. Có, chị vẫn liên lạc với chị Nguyễn thị Hậu. Chị ấy vẫn ở tại thị trấn. Bây giờ hai vợ chồng chị mở quán ăn. Chị Hồng cũng vẫn ở đó, mở tiệm bán phụ tùng xe. Quang cận thì chị không được tin tức gì của nó. Những năm thập niên bẩy mươi chị còn gặp nó ở Sài Gòn, nhưng sau khi chị đi sang Mỹ rồi thì chị mất liên lạc luôn với nó. Thịnh Ú đang ở bên Úc đã có vợ con. Còn Kỳ Triết Học thì nghe nói đang ở Sài Gòn. Nghe nói nó nhận thầu từ mấy công ty ngoại quốc may hàng quần áo, bây giờ rất giàu. Kỳ nó đã vượt qua cái ải nghèo."
- "Thật ra anh Quang Cận là người duy nhất hai anh em tụi em liên lạc được. Anh ấy đang ở bên Pháp, có sang Canada thăm tụi em một lần. Sau đó khi tụi em đã định cư ở Mỹ anh cũng sang thăm một lần nữa, đi dự đám cưới của anh Quang Hùng."
Chị Kim Điệp nhìn tôi cười châm chọc:
- "Nó sang tới Canada mà không tỏ tình với em à? Sao lại để em lấy chồng mãi bên Mỹ? Ai mà không biết nó mê em."
- "Có, anh ấy có tỏ tình với em khi đến thăm tụi em ở Canada, nhưng tụi em thấy hoàn cảnh tụi em lúc đó không thích hợp, do đó cả hai đều hoan hỉ tiếp tục làm bạn. Sau này anh lấy vợ bên Pháp, người Việt Nam, từ đó không thấy sang thăm tụi em nữa. Cách đây vài năm gia đình anh Hùng có sang Pháp thăm anh ấy."
- "Lúc em về Việt Nam có ghé thăm Bảo Lộc không?" Chị Kim Điệp đổi hướng câu chuyện.
- "Có, nhưng đã đổi khác quá nhiều không còn nhận ra. Những bãi đất trống và những đồi trà ngày xưa bây giờ đều là nhà cửa phố xá xầm uất. Ty bưu điện đã không còn, người ta xây bưu điện ở chỗ khác lớn hơn. Sân banh ngày xưa mấy ảnh hay đá banh cũng bị dẹp đi. Rạp chiếu bóng Hoàng Huê giờ là những nhà lầu. Những bụi hoa hướng dương trồng bên hồ không còn gốc tích gì hết. Trường của mình vẫn còn, nhưng giờ đây chỉ là trường cấp hai. Người ta xây trường cấp ba mới to cao hơn ở chỗ khác."
- "Ừ, chị cũng đã về lại thăm trường, cảnh còn đó mà người còn đâu. Ngoại trừ ngôi trường này, mọi cảnh trí khác dường như đã hoàn toàn thay đổi."
Hai chị em tôi ngồi tâm sự với nhau một hồi lâu thì tôi phải lên máy bay. Chúng tôi thật có quá nhiều chuyện để hỏi han tâm sự, những giây phút ngắn ngủi qua thật không đủ cho chúng tôi kể lể hết mọi chuyện. Chúng tôi trao đổi địa chỉ email cho nhau và đứng lên chia tay. Chúng tôi ôm nhau thật chặt, thật lâu, trong lòng dạt dào tình cảm. Tôi xách túi xách đi về hướng terminal để lên máy bay, còn chị Kim Điệp vẫn ngồi lại quán cà phê chờ chuyến bay của chị.
Khi ngồi lên máy bay rồi, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay thả hồn vào mông lung. Tôi nhìn những áng mây trời bay lơ lửng trên những rừng cây lá vàng ở phía xa và đưa hồn trở về những ngày xưa ở thị trấn. Những tháng ngày sống ở đó là những tháng ngày vui tươi nhất trong đời anh em chúng tôi, nơi đó chúng tôi đã có những tình bạn thắm thiết và những kỷ niệm êm đềm khó quên.
Tôi nhớ về Minh Châu với đôi mắt đen sâu long lanh. Đôi mắt đó khi nhìn thẳng vào người đối diện sẽ làm người ta luống cuống. Nó là con bạn tôi chơi thân nhất trong thời niên thiếu. Lúc trước Minh Châu lúc nào cũng sợ anh Hùng sẽ phụ tình nó và làm nó đau khổ. Nhưng thật ra cuối cùng chính nó mới là người phụ tình anh tôi. Minh Châu đã chết, cái chết của nó đã để lại trong tim anh Quang Hùng vết thương nhức nhối không lành và để trong lòng tôi nỗi thương tiếc ngậm ngùi.
Tôi nhớ về anh Khiêm Thủ Quân, người con trai dáng cao với mái tóc cắt ngắn và đôi mắt nâu, về những buổi đi câu cá của chúng tôi và về tiết lộ bất ngờ của chị Điệp. Tôi không ngờ anh Khiêm ngày xưa lại có tình ý với tôi như vậy. Thật ra lúc xưa tôi cũng từng có những giây phút xôn xao khi ở bên cạnh anh, tôi đã từng thấy bâng khuâng nhớ khi không gặp anh ở cầu thủy tạ. Nhưng rồi lúc đó hai đứa tôi chỉ đối xử với nhau như bạn. Nếu tôi đã ở thị trấn được lâu hơn, chúng tôi có thể đã có một kết cuộc khác, có thể chúng tôi đã bước xa hơn tình bạn.
Tôi nhớ về anh Quang Cận và cuộc đời bình thản giản dị của anh ở Pháp, về chị Hậu và chị Hồng với cuộc đời nơi thị trấn nhỏ ở từ ngày sanh ra cho tới nay. Anh Thịnh và anh Kỳ đều có cuộc đời riêng và mỗi người ở một nơi. Chị Kim Điệp ở Mỹ với một cuộc đời mà chị đã thấy trước và chọn sẵn cho mình. Còn tôi và anh Quang Hùng, sau những năm tuổi thơ lận đận sống từ nơi này sang nơi kia, rút cuộc cuối cùng anh em tôi cũng có nơi để an thân lập nghiệp. Chị Kim Điệp nói đúng, trong tất cả các bạn ngày xưa đi suối Thanh Bình và kể cho nhau nghe về những ước mơ của mình, có lẽ chỉ có tôi là may mắn đạt được ước nguyện. Cuộc đời bể dâu thăng trầm, mỗi con người một số mạng không ai biết trước được.
Tôi nhớ về cha tôi và những năm cuối cùng của cuộc đời ông. Ngày anh em tôi bước chân rời khỏi đất nước cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp mặt ông. Những năm sau đó vì đất nước chưa thông thương, Việt Kiều chưa về nước được, chúng tôi chỉ viết thư thăm ông thường xuyên. Ông bị bịnh ung thư phổi và qua đời mười lăm năm sau đó. Lá thư cuối cùng ông gửi cho chúng tôi đã nói lên nỗi thương tiếc của ông khi không có dịp gặp lại anh em chúng tôi. Ông bày tỏ cho chúng tôi biết ông đã thương chúng tôi như thế nào. Lá thư viết cho mẹ thì mang nặng lời tự than trách. Mẹ là mối tình đẹp và là người đàn bà cha yêu nhất trong đời. Cha tôi nói lúc trước ông không bao giờ hề có ý định bỏ mẹ. Khi mẹ bỏ ra đi, ông không còn làm gì được hơn, lúc đó dì Lan đã có con và hăm dọa sẽ tự tử chết cả hai mẹ con nếu cha bỏ bà ta. Hai bên, bên nào cũng là con, ông chỉ mong sao ông có thể thương yêu cho con của cả hai bên. Thế nhưng cha tôi đã không có can đảm để làm một sự lựa chọn cho bản thân mình, chính mẹ tôi đã đứng ra làm một sự lựa chọn trong mối tình tay ba này. Tôi tội nghiệp cho cha tôi, yêu hai người đàn bà một lúc không phải là điều may mắn hay sung sướng như những người đàn ông khác thường nghĩ. Với cha tôi, cái giá mà ông phải trả để yêu hai người đàn bà một lúc trong đời là mất đi người đàn bà mà ông yêu quý nhất và những đứa con mà cho đến khi chết ông cũng không được gặp mặt lại.
Về phần dì Hai tôi, mẹ tôi đã bảo lãnh cho cả gia đình dì sang Canada, chỉ trừ chị Phượng. Chị Phượng lúc đó đã kết hôn và đã có con với anh Lâm nên không được đi theo. Gia đình dì Hai đi rồi gia đình chị Phượng dọn về Nha Trang ở. Anh Quốc Dũng, Quốc Trung và chị Bích Dung đều đã lập gia đình ở Canada. Gia đình hai cậu tôi thì vẫn ở Sài Gòn. Sau này thì dì Hai cũng bảo lãnh gia đình chị Phượng qua Canada luôn. Tôi nghĩ về chị Phượng, cuối cùng đã tìm được người đàn ông thật tình thương chị và mang hạnh phúc lại cho chị. Anh Lâm tuy không học thức cao như anh Tuấn nhưng anh thương yêu và lo lắng cho chị hơn. Tôi không biết trong lòng chị Phượng còn thương yêu hay oán ghét gì anh Tuấn hay không, nhưng nghe nói hai vợ chồng chị sau này không còn liên lạc gì với anh Tuấn nữa, cho dù anh Lâm trước kia là bạn thân của anh Tuấn. Có lẽ như vậy cũng tốt, gặp nhau làm gì chỉ khiến cho cả ba thêm khó chịu. Tôi nghĩ chị Phượng là người hiền lành và chị đã tha thứ cho người tình phụ của chị từ lâu lắm rồi. Khi gặp chị Phượng tôi tế nhị không bao giờ hỏi hay nhắc chuyện của anh Tuấn. Chuyện đau buồn đã qua rồi hãy để cho chị quên đi.
Tôi nghĩ về mẹ tôi và những năm còn lại của cuộc đời bà. Sau khi đã vất bỏ cái quá khứ tình yêu đau buồn của mình lại sau lưng, mẹ tôi đã sống trọn tình trọn nghĩa với ông Bill. Hai mươi mấy năm chung sống với ông Bill còn dài hơn vài năm làm vợ cha tôi, tình nghĩa vợ chồng của mẹ và ông Bill có lẽ còn gắn bó hơn với cha thôi. Tôi nghĩ trên thực tế ông Bill mới là người chồng trọn đời của mẹ. Mẹ tôi đã ở với ông và chăm sóc cho ông tận tình trong những ngày ông về già nằm liệt trên giường bịnh và đã ở bên ông cho đến cuối cuộc đời khi ông nhắm mắt ở nhà thương. Tôi kính trọng ông Bill, ông đã đem lại cho mẹ con chúng tôi một tình người thắm thiết và những chuỗi ngày sống sung túc êm đềm. Tuy hai anh em tôi chưa bao giờ gọi ông một tiếng cha, nhưng trong lòng chúng tôi ông đã thật là một người cha đáng kính thứ hai. Tình cảm của mẹ tôi đối với ông Bill là tình cảm chân thật. Mẹ tôi kính trọng ông và yêu thương ông. Tình yêu của mẹ với ông trong mấy mươi năm không phải là tình yêu thắm thiết đam mê như mẹ đã từng yêu cha tôi, nhưng đó là tình yêu được xây trên nền tảng của sự tôn trọng và biết ơn.
Tôi nghĩ về anh Hùng và những mối tình thơ của anh thủa trước. Có lẽ giờ đây anh đã thật sự chôn đi những cánh phượng tình thơ của mình như trong bài thơ anh làm ngày nào. Anh đẹp trai lại hoạt bát, tuy những năm anh em tôi ở nước ngoài con gái Việt Nam thật có hiếm hoi, nhưng anh tôi vẫn không thiếu các cô yêu thương. Anh đã từng trải qua ba bốn cuộc tình nữa để cuối cùng đã gặp và cưới chị dâu tôi, cũng là người người Việt Nam.
Anh Quang Hùng ít ra đã không đi theo bước chân cha tôi. Sau khi lấy vợ, anh đã chôn đi những tình cảm cũ trong lòng, nhắm mắt lại với những cám dỗ của đàn bà chung quanh để sống đời sống một người chồng, người cha mẫu mực, yêu vợ thương con. Lòng uất hận đối với cha tôi đã tạo cho anh một quyết tâm anh sẽ không bao giờ nối gót đi con đường cha tôi đã đi qua. Những cuộc tình đã đi qua trong đời anh, anh có còn nhớ hay không chỉ có anh mới biết. Nhưng tôi biết những cuộc tình anh đã trải qua ở xứ người không ai có thể thay thế được mảnh tình thơ anh đã có với Minh Châu và chị Kim Điệp ở vùng thị trấn nhỏ ngày nào. Ở Texas, những ngày đẹp trời anh Hùng thường dẫn hai con của anh ra công viên thả diều. Ở bên Mỹ diều làm bằng vải dù, anh Hùng không còn phải lấy tre để làm diều như ngày xưa. Thế nhưng có một điều anh không bao giờ quên làm, điều mà tôi nghĩ anh đã học lại từ một người lúc trước, anh lúc nào cũng không quên viết tên của những người thân trong gia đình lên trên cánh diều. Tôi đoán khi anh nhìn lên cánh diều bay trên cao, anh có lẽ đang nghĩ về ánh ráng chiều tà của buổi thả diều năm nào.
Tôi nhắm mắt lại nghe tâm hồn bâng khuâng. Cuộc đời như một giòng sông, nước sông trôi qua đi rồi không bao giờ còn quay được, nước chảy rẽ vào những nhánh sông như những lối rẽ trong cuộc đời.
Tôi mở máy laptop mang theo và nối vào Internet ở trên máy bay, tôi không thể đợi để nói cho anh của tôi biết về cuộc gặp gỡ vừa rồi.
" Anh Hai
"Anh không thể đoán ra hôm nay em đã gặp được ai ở phi trường. Em nghĩ nếu có đố, anh chắc chắn cũng sẽ thua. Nếu anh còn nhớ câu thơ này thì anh sẽ biết người em vừa gặp là ai.
Con bướm vàng ngày xưa sắp bay xa rồi
Tôi đem cánh phượng chôn tình thơ tuổi mới lớn.
"Hẹn gặp anh cuối tuần.
Em
Quỳnh Vân"
Thu Trinh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...