Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Cung đàn tuổi thơ 1

Cung đàn tuổi thơ 1

Chương 1

Tôi đang một mình trong khoảng vườn rộng, nắng lên cao soi những đốm trắng nhảy múa chung quanh. Thảm cỏ mềm, xanh biếc còn lấm tấm những hạt sương mai, mơn man bàn chân trần của tôi lành lạnh... Đã xong bài thể dục buổi sáng, tôi chậm rãi xỏ chân vào đôi dép xốp màu hồng rồi đi về phía chiếc ghế mây đặt dưới giàn thiên lý xanh tươi. Tôi dựa hẳn mình vào ghế, ngước lên nhìn bầu trời xanh thấp thoáng sau những chùm hoa non. Một ngày đẹp lại bắt đầu với bao ước mơ thầm kín, những nao nức gặp lại bạn bè sau một thời gian nghỉ Tết. Không biết Minh Châu về Mỹ Tho ăn Tết lên chưa? Cả Tuấn nữa, hôm mồng hai có đến nhà chơi một lát rồi đi biệt cho mãi đến hôm nay, chắc là anh chàng lại đi du lịch đâu đó rồi. Trường mình nghỉ Tết thiệt sớm và vào học lại rất trễ, thật đúng là "nghệ sĩ lang thang".

Sau ngày thi chuyên môn là chả thấy tăm hơi đứa nào cả, mặc dù các thầy cô bên phân hiệu Văn Hóa la hét khản cổ, bắt phải đi học cho đến ngày 25 Tết. Nhưng một khi đã thi xong các môn thì tất cả học sinh đều biến thành mây khói, biết "mô" mà tìm!

Một đám mây bay qua làm khu vườn trở nên râm mát. Tôi nhìn xuống thảm cỏ xanh, đã mất rồi những đốm sáng lung inh óng ả, những đọt lá nhung mềm vươn lên uống giòng không khí trong lành buổi sáng, lay động nhè nhẹ làn gió hiền thoảng qua mơn man. Tôi duỗi thẳng hai chân lên chiếc bàn mây, những hạt nắng ljia xuất hiện trên nền đất, leo lên bàn, chạm nhẹ vào da thịt làm cho những ngón chân tôi trở nên hồng hào. Mới hôm qua đây, chị Hai đã bảo tôi:

- Dạo này trông cô xanh lắm, sao cô chả chịu ăn gì hết vậy?

Tôi đưa bàn tay lên xem, cổ tay tôi đã gầy guộc hẳn đi và mu bàn tay thì đầy những gân xanh. Quả tôi đã ốm đi thật, tôi đã mất ăn mất ngủ kể từ ngày vết rạn nứt trong gia đình tôi đã lan rộng đến vô phương hàn gắn, từ một đêm nào tỉnh giấc nghe ba má cãi nhau ở phòng bên:

- Tôi muốn ly dị, tôi không thể nào chịu nổi một người chồng trụy lạc và sa đọa...

- Càng tốt, tôi cũng đã chán cô lắm rồi, thứ đàn bà ăn chơi hưởng thụ...

Hai người ngày xưa đã từng yêu nhau tha thiết, đã từng tranh đấu vượt qua bao trở ngại mới lấy được nhau. Vậy mà giờ đây, họ đang ngồi đối diện trong một căn phòng cực kỳ tráng lệ, đầy đủ tiện nghi, nhưng không phải để nhìn nhau âu yếm, để thì thầm những lời ân cần dịu ngọt mà họ đang phóng vào mắt nhau những tia lửa hận thù, họ đang vạch trần nhau những thói hư tật xấu. Ôi, không còn cảnh nào mỉa mai chua xót hơn!

Bây giờ má đã dọn về Thủ Đức ở với ông bà ngoại. Lá đơn ly hôn đã gởi lên tòa án không biết đến bao giờ người ta mới xử? Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm đối với tôi không thành vấn đề, chỉ biết từ bây giờ tôi là đứa con gái bất hạnh nhất trong đời. Có nhiều lúc tôi tự hỏi, giàu sang đã là sung sướng chưa? Ôi, chưa bao giờ tôi thấy nuối tiếc những ngày tháng chật vật mà đầy hạnh phúc như bấy giờ. Thuở đó, tôi chưa ra đời nhưng nghe người lớn kể lại, hồi ba má mới cưới nhau, hai người đều là sinh viên Đại Học Sư Phạm mới ra trường, may mắn được công tác tại thành phố, đó là điểm thuận lợi nhất để họ đi đến hôn nhân. Tuy vậy, dù được hai bên nội ngoại giúp đỡ, nhưng với đồng lương ít ỏi, ba má vẫn không thuê nổi một căn nhà, phải về tá túc bên ngoại. Nhà của ngoại không rộng lắm nhưng được mảnh vườn tuyệt diệu, bốn mùa cây trái xanh tươi. Hàng ngày trên chiếc mobylette cà tàng, ba đã chở má về thành phố dạy học, họ yêu đời và ríu rít bên nhau như đôi cánh uyên ương. Tôi đã ra đời giữa áng mây bồng bềnh hạnh phúc đó, khi mùi hương hoa bưởi dịu dàng thoảng đưa vào khung cửa và chim chóc trong vườn theo nhau về mở hội, cùng hòa tấu bản giao hưởng "Mùa Xuân" rộn ràng để chào đón tôi. Tôi lớn lên trong vườn nhà ngoại bằng sữa ngọt của má, trái thơm của bà và tình cảm dạt dào của những người thân. Luôn luôn, bên cạnh tôi đều có mặt ba má, trong hồi ức ấu thơ. Hình ảnh rõ nét nhất là mỗi chiều, ba má dẫn tôi đi dạo quanh vườn xem hoa nở, hoa lựu đỏ thắm, hoa mận trắng ngần và những lần nhãn ra hoa, hương thơm sực nức một vùng đã làm tâm hồn tôi ngây ngất men say. Và từ đó, lòng yêu thiên nhiên của tôi tràn dâng mãnh liệt, khi tôi lớn lên chút nữa, tôi trở thành khách hàng thường trực của vườn nhà ngoại. Ngoài hai bữa cơm, tuổi mẫu giáo của tôi quanh quẩn bên những gốc mít, gốc dừa, dưới bóng râm của tàn lá nhãn và bạn bè của tôi là những chú chim vành khuyên suốt ngày ca hót chuyền cành. Tôi yêu tiếng chim, tôi thích nghe mãi tiếng chim và có lần tôi kiên nhẫn ngồi suốt ngày trên một mô đất để bắt chước tiếng hát của chúng. Thật là kỳ diệu khi trong không gian yên ắng của buổi sáng mai vang lên giọng hót líu lo của bầy chim nhỏ, những chiếc mỏ xinh xinh chiêm chiếp ca ngợi ánh hào quang rực rỡ của vầng thái dương. Mặt trời ơi, mau xuống đây cùng chơi với tôi, này vườn nhà ngoại tôi xanh mát, này mận này dừa, này chôm chôm chín đỏ, và các bạn chim vành khuyên, chốc mào, se sẻ, chích chòe của tôi đang ca hát chào mừng ông đó! Và ông Mặt Trời đã xuống cùng với chị Gió đồng hành. Nắng soi hồng đôi má tôi và Gió thì hôn lên bờ tóc mịn. Ồ, thiên nhiên thật đẹp khi không gian tràn ngập tiếng chim.

Nói theo kiểu nhà Phật, hình như tôi có duyên nợ với âm nhạc từ một tiền kiếp nào, nên năm đầu tiên vào lớp Một, tôi đã làm cho cô giáo ngạc nhiên hết sức. Tôi thuộc lòng rất nhanh các bài hát, cả múa nữa, nhìn bộ điệu cô dạy qua một lần là tôi làm được ngay, rất đúng nhịp và chuẩn xác. Trong một buổi liên hoan văn nghệ tại trường, tôi múa đẹp đến nỗi bà hiệu trưởng khuyên ba má nên cho tôi vào trường múa để phát triển năng khiếu. Tôi còn nhớ rõ ngày đó, má đã ôm chặt tôi vào lòng còn ba thì nhìn tôi đầy hãnh diện. Rồi trong bữa ăn đơn sơ chiều hôm ấy, có mặt cả ông bà ngoại, ba đã hỏi tôi:

- Thảo Phương bé bỏng của ba ơi, con có thích học múa không?

Tôi lắc đầu, tôi đã xem trên tivi sinh hoạt của một trường dạy múa, kỷ luật khắt khe và gương mặt nghiêm trang của các cô giáo đã làm tôi run sợ.

- Con không muốn học múa đâu ba ơi.

Má vuốt tóc tôi âu yếm:

- Vậy con gái cưng của má thích học gì?

Tôi nũng nịu nép vào lòng má, dụi mũi vào chiếc cổ thơm tho, cho những sợi tóc dài của má chạm nhẹ vào vai.

- Ồ, con chả thích học gì cả, con chỉ thích suốt ngày nhảy múa với lũ chim trong vườn thôi.

Cho đến một hôm, ngôi nhà bên cạnh thay chủ mới và tôi rất buồn khi nghe bà ngoại nói, lần này tôi vẫn không có người bạn láng giềng nào đồng trang lứa để cùng chơi. Trước đây chủ ngôi nhà này là một đôi vợ chồng già mà con cái cháu chắt đều ở bên Mỹ, bây giờ là hai vợ chồng trạc tuổi ba má nhưng không có con. Ồ, chẳng lẽ suốt đời tôi làm bạn với chim chóc mãi sao? Nhưng không, cuộc đời tôi sắp rẽ qua một bước ngoặt mà từ đó tâm hồn tôi chấp cánh thênh thang. Đó là một đêm trời se lạnh, ông bà ngoại đã ngủ, ba đang chấm bài ở nhà ngoài, má ngồi bên cạnh mạng lại mấy chiếc áo đã sờn vai, một mình tôi nằm yên trong phòng chờ má. Tôi có thói quen như vậy, không có má bên cạnh tôi không làm sao ngủ được, hơn nữa hồi trưa tôi có làm một giấc nên bây giờ thấy khó ngủ làm sao. Tôi giết thời gian bằng cách theo dõi hai con thằn lằn đuổi nhau trên trần nhà.. rồi lại nhìn những nét hoa văn thêu trên tấm màn cửa sổ. Bỗng, tim tôi như ngừng đập, một nét nhạc nào thật trầm lắng mơ hồ thoảng vào tai như nâng tôi bềnh bồng chao đảo, âm thanh rất nhẹ vẳng sang từ vườn nhà bên cạnh đưa hồn tôi vào cõi mộng xa xăm. Tôi nghe có tiếng những chiếc lá khô trở mình trong vườn lặng, tiếng thánh thót của ngàn giọt sương đêm rơi trên những cánh hoa vừa hé nụ đầu mùa. Không gian như tràn ngập hương thơm ru tôi vào giấc ngủ êm đềm bằng tiếng đàn tuyệt diệu ấy. (Sau này tôi mới biết đó là bài Nocturne số 9 của Chopin).

Sáng hôm sau, tôi không ra chơi với lũ chim ngoài vườn nữa, tôi đến bên hàng rào dâm bụt nhìn đăm đăm sang ngôi nhà đã vẳng ra tiếng đàn đêm qua. Nhà chưa mở cửa, tôi kiên nhẫn đứng chờ, chả biết tôi đang chờ gì đây, không lẽ chủ nhân ngôi nhà lại đánh tặng tôi thêm một bản đàn nữa chắc? Mặc kệ, tôi vẫn cứ chờ. Lát sau, một người đàn ông đi chiếc Honda bóng lộn, chở hai đứa bé một trai một gái trạc bằng tuổi tôi ăn mặc sang trọng, quẹo vào nhà, dựng xe rồi bước lên bậc thềm bấm chuông. Hai cánh cửa màu xanh hé mở, một người đàn bà rất đẹp ra dẫn hai đứa bé vào nhà, còn người đàn ông thì lên xe đi đâu mất. Khi tiếng đàn chập choạng từ trong nhà vang ra, tôi mới hiểu đó là hai đứa học trò đến học đàn với cô giáo, còn người đàn ông là cha của chúng. Ồ, tiếng đàn của chúng thật đáng ghét, sao mà vấp lên vấp xuống như người say rượu. Không dằn được tò mò, tôi chui qua hàng rào đến bên cửa sổ và rụt rè nhìn vào. Ôi, căn phòng mới tráng lệ làm sao, tường sơn màu hồng và ghế salông bọc nhung đỏ thắm. Nhưng điều quyến rũ tôi hơn hết là chiếc đàn dương cầm đặt phía trái căn phòng, cạnh cửa lớn mở ra vườn bên. Đàn rất đẹp, gỗ đen láng bóng, bên trên có một chiếc nắp cao và rộng nghiêng góc với mặt đàn, hàng phím ngà lộng lẫy kiêu sa. Thằng bé học trò đang ngồi trước đàn, cạnh cô giáo, cô đang kiên nhẫn cầm những ngón tay của nó ấn lên phím:

- Nào, em đánh lại đoạn đó đi.

Nó vụng về luống cuống, cô giáo gắt:

- Em lại không học bài chứ gì, nào xem cô đánh đây nè.

Tôi chằm chằm nhìn vào tay cô, những ngón tay điêu luyện nhảy múa trên phím ngà, những ngón tay biết hót lời chim.

- Nào, em làm theo cô đi.

Thằng bé đàn và cô lại la lên:

- Em sai tay rồi, nhìn cô đây.l

Tôi lại say sưa theo dõi những ngón tay của cô, cũng đơn giản thôi, tại sao thằng bé lại làm không được? Mải mê nhìn, tôi đụng mạnh vào cánh cửa và cô giáo nhìn ra. Tôi hoảng hốt sắp bỏ chạy trốn thì cô gọi:

- Em bé, vào đây.

Tôi rụt rè bước vào nhà, cô nhìn tôi hiền lành:

- Em ở đâu vậy?

Tôi bối rối chỉ tay sang nhà mình, cô gật đầu:

- À, cô biết rồi, em là cháu ngoại của bà Sáu phải không?

- Dạ, thưa cô.

Cô chỉ chiếc ghế mây nhỏ, bảo tôi:

- Hãy ngồi đấy xem các bạn học, nếu em thích.

Thêm ba bốn đứa nhỏ được cha mẹ chúng chở đến học nữa và cô giáo lần lượt hướng dẫn từng bạn. Tôi chăm chú nhìn những bàn tay nhỏ bé chập chững trên phím đàn và thầm ao ước, giá tôi được sờ vào những làn phím trắng ngần ấy nhỉ, và khi đó, âm thanh nào sẽ phát ra? Chắc chắn là những tiếng chim dễ thương trong vườn ngoại tôi. Đó là ngày đầu tiên tôi được nhìn thấy cây đàn piano và yêu thích nó.

Chị Hai xách giỏ từ nhà trong đi ra:

- Tôi đi chợ, cô ngó nhà nghe. Bữa điểm tâm tôi đã dọn sẵn trên bàn, gắng uống cho hết ly sữa tươi nghe cô.

Chương 2

Trước mặt tôi là bữa ăn sáng thịnh soạn, bánh mì, ba tê, jambon, trứng gà ốp la và một ly sữa lớn... nhưng tôi chẳng buồn ăn, nỗi chán chường đã dâng lên bóp nghẹt tim tôi. Phòng ăn rộng thênh thang càng khơi niềm trống trải. Ba đi công tác nói hai ngày về mà nay đã năm ngày vẫn không thấy tăm hơi. Giờ này má đang làm gì nhỉ, chắc vẫn là những ngày chưng diện se sua. Các người bạn thiệt thà đôn hậu của má đâu mất rồi, dì Khuê, dì Hậu, dì Phước, dì Hoa... đó là những giáo viên dạy cùng trường với má, thương yêu tôi như con ruột, mỗi lần ghé nhà thăm trông họ chẳng khác nào những bà tiên hiền lành xoay tít chiếc đũa nhiệm màu để cho ra trước mắt tôi những món đồ chơi hấp dẫn, những cuốn sách hay ho, những gói bánh kẹo đủ màu.. từ ngày má thôi dạy, các dì đã thưa lại nhà, thay vào đó là đám bạn bè mới của má, những cô này mắt xanh mũi đỏ, các bà nạ dòng ăn mặc diêm dúa như tài tử xi nê, sao mà tôi ghét họ thế, họ là quỷ sa tăng, là cơn lốc dữ lôi cuốn má ra khỏi mái ấm gia đình này.

Tôi uể oải đưa miếng bánh mì lên miệng, phải uống hết ly sữa này kẻo chị Hai buồn. Thật ra chị Hai có một cái tên rất Huế, đó là Diệu Tâm, nhưng ba má cứ gọi Hai cho thân mật và từ đó chết tên luôn. Chị là bà con xa của chú Tấn, bạn ba, giúp việc cho gia đình tôi gần một năm nay. Cơn bão dữ dội ở miền Trung năm ngoái đã đưa chị từ Huế lưu lạc vào đây, theo lời chị kể, cha mẹ chị mất hồi chị đang học lớp chín, chị phải giã từ đèn sách, một mình buôn bán nuôi nấng hai em. Bây giờ hai người em của chị đã đi nghĩa vụ, cuộc sống ở miền quê quá nghèo khổ, thêm nữa thiên tai đã làm cho con người càng cơ cực hơn, đó là lý do chị phải rời bỏ quê hương vào tận miền Nam sinh sống. Năm nay chị đã ba mươi tuổi, còn độc thân, tính chị hiền lành thật thà nên ba má rất mến. Chị cũng rất thương yêu tôi và từ khi má bỏ ba dọn về bên ngoại, chị đã lo lắng săn sóc cho tôi bằng tất cả tấm lòng.

Đồng hồ trên tường thong thả gõ chín tiếng, đã đến giờ tập đàn. Tôi nhắm mắt uống cạn ly sữa, thẫn thờ đến bên đàn và buông người xuống ghế. Nắng chiếu qua song cửa in những bông hoa nhảy múa trên nắp đàn, gió phất lay tấm màn hồng chạm vào vai tôi, như vuốt ve mơn trớn, hãy làm cho không gian này đầy ắp tiếng nhạc, hỡi cô bé Thảo Phương! Tôi mở nắp, hàng phím trắng ánh vào mắt tôi tia nhìn như trách móc, phải rồi, suốt ngày hôm qua tôi không tập đàn, đây là lần đầu tiên nỗi buồn đã làm tôi làm biếng kể từ ngày tôi bước chân vào trường nhạc. Thôi đàn ơi, cho Phương xin lỗi nhé. Tôi sửa mình ngồi lại ngay ngắn rồi giở tập nhạc ra, bài Étude cô cho hôm trước Tết, tôi đã gần thuộc, giờ phải ôn lại cho nhuyễn để còn học tiếp bài mới chứ. Những ngón tay tôi ngoan ngoãn đi vào nề nếp và trong không gian tĩnh lặng giờ đây đã dìu dặt tiếng đàn... Tôi quên, quên hết, quên sự lạnh nhạt giữa ba má, quên những giọt nước mắt bao đêm chảy vào trái tim non nớt của mình. Tôi đang đi ngược thời gian tìm về thuở ấu thơ, khu vườn của ngoại và ngôi nhà có cánh cửa màu xanh. Nhà của cô giáo, người làm ra tiếng chim, người đã dắt dìu những bước chân đầu đời của tôi vào thế giới âm thanh tuyệt diệu. Tôi còn nhớ, sau buổi sang nhà cô, những ngày tiếp theo tôi vẫn thường đứng nơi cửa sổ để xem cô dạy đàn, say sưa ngưỡng mộ. Có một lần, học trò về hết, cô đã gọi tôi vào, cô nâng cằm tôi lên và nhìn sâu trong mắt:

- Em thích học đàn lắm sao?

Tôi cúi đầu dạ nhỏ rồi nhìn về cây đàn với sự háo hức lạ lùng. Cô đã dẫn tôi đến ngồi cfung cô trước đàn, rồi cô dạo một đoạn nhạc ngắn, cô bảo tôi:

- Em hãy nghe cho kỹ rồi hát lại, thử được không nào.

Lần đầu tôi chỉ sai một chỗ, nhưng sau đó tôi hát đúng, dù cô thay đổi rất nhiều nốt nhạc, và tôi rất thích thú với trò chơi này. Ít lâu sau, khi cô trở thành người bạn láng giềng khá thân thiết của má, tôi mới biết cô tên là Nguyệt Hằng, giảng viên dạy dương cầm tại nhạc viện thành phố. Cô thua má ba tuổi, rất nổi tiếng từ trước năm 75. Sau này, cô vẫn được giữ lại trường nhạc, nhưng cô ít trình diễn và sống ẩn mình hơn trước. Và cũng ngay khi quen biết má, cô đã sốt sắng bảo má:

- Chị nên cho cháu Thảo Phương học đàn. Cháu có nhạc cảm rất tốt, năng khiếu của cháu nếu không được phát triển thì rất uổng.

Má đã ngập ngừng:

- Hằng thấy đó, mình không đủ điều kiện, cho cháu học cũng được nhưng lấy đàn đâu cho cháu tập bây giờ.

- Chị khỏi lo, đàn bên em buổi chiều rất rảnh, em sẵn sàng cho cháu sang tập.

Khi má đem chuyện này nói với ba, ba đã trợn mắt nhìn má:

- Em có biết giá một cây đàn piano là bao nhiêu không? Nếu lương anh và em cộng lại, không ăn, không uống, thì cũng phải đến ba bốn năm mới mua nổi một cây đàn loại thường.

Má rơm rớm nước mắt:

- Cô Hằng đã nói, có nhiều lần cô thử dạy Thảo Phương, và cô nhận xét rằng con của chúng ta rất có năng khiếu...

Ba ngắt lời:

- Em phải biết rằng Thảo Phương nó có rất nhiều năng khiếu, như múa chẳng hạn, nhưng nó có thích học đâu.

Tôi chạy đến ôm chầm lấy ba:

- Nhưng con thích học đàn, con chỉ thích học đàn thôi ba ơi.

Đó là năm tôi lên lớp Hai và những giọt nước mắt của tôi đã làm ba xiêu lòng. Má gửi tôi cho cô Nguyệt Hằng và tôi đã nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của cô. Má dạy thêm giờ phụ trội, ba mở lớp học ở nhà để kiếm thêm tiền mua sách nhạc cho tôi. Ôi những cuốn sách giản dị sao mà đắt kinh khủng thế, có nhiều loại mua không nổi, ba má phải mượn về rồi thay nhau chép tay cho tôi học. Biết được sự hy sinh của ba má, tôi càng cố gắng và điều an ủi lớn lao nhất của ba má là hơn một năm sau đó, tôi đã trúng tuyển vào nhạc viện thành phố.

Tiếng nói trong trẻo của chị Hai đã kéo tôi vào thực tế:

- Kìa, sao cô không ăn hết dĩa trứng đi?

Tôi rời đàn, bước về phía chị:

- Nhưng em đã uống xong ly sữa, chị vui lòng chưa?

Chị Hai để chiếc giỏ thức ăn xuống nền nhà, cầm lấy tay tôi săm soi:

- Cô còn ốm lắm, phải ăn thật nhiều để lấy sức mà học hành, cô Phương à.

Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế:

- Tình trạng gia đình như thế này, làm sao em học cho được.

Chị Hai nhìn tôi ái ngại, có lẽ chị không lựa được lời nào để khuyên tôi cho có hiệu quả hơn, nên chị chỉ lắc đầu rồi xách giỏ xuống bếp.

Có tiếng chuông reo ngoài cổng. A, bác đưa thư. Hai lá thư gửi cho tôi, một của ba và cái kia là của Minh Châu. Chà, con nhỏ bữa nay bày đặt dữ, sắp vào học rồi mà cứ ở riết Mỹ Tho ăn Tết chả chịu lên, lại thơ thẩn gì đây? Thôi, để đó, mở thư ba xem trước đã, ba chỉ viết có mấy dòng hẹn thứ năm mới về bận công tác đột xuất. Tôi cất hai lá thư vào túi, chạy xuống bếp. Chị Hai đang loay hoay xào nấu, mùi hành phi thơm lừng bốc lên điếc cả mũi, tôi đập vào vai chị:

- Chị Hai trông nhà nhé, em phải lên phòng học bài đây.

Chị ngẩng lên, vài sợi tóc rối rơi xuống trán, trông thật dễ thương:

- Cô khóa cửa chưa?

- Rồi, cổng ngoài em cũng khóa luôn. À, chị Hai ơi, thứ năm ba mới về, em vừa mới nhận được thư nè.

Chị Hai đưa cao chiếc đũa bếp, nhíu mày:

- Chết cha, rứa mà tôi mua đồ ăn quá loạn, chừ làm sao đây?

Tôi cười:

- Cứ cho vào hết tủ lạnh, mai mốt khỏi đi chợ càng khỏe, có sao đâu. Thôi em đi học bài nhé.

Ra khỏi bếp, tôi vẫn còn nghe tiếng chị Hai nói một mình:

- Ông đi đường ông, bà đi đường bà, con cái thì bỏ lăn bỏ lóc, tội trời vạ đất.

Tôi nằm xuống giường kê gối thật cao rồi bóc thư Minh Châu ra đọc:

Mỹ Tho, ngày ....

Thảo Phương thân mến!

Lâu rồi không gặp mày thật là nhớ, muốn lên trước ngày vào học vài hôm nhưng không được vì ba má tao không cho, ông bả cứ giữ riết tao lại. Ngày mốt có đám giỗ bà ngoại tao, chắc là thứ năm tao mới lên thành phố được, vậy là bị trễ học hai ngày, nhớ xin phép cô chủ nhiệm giúp tao với nhé.

Ngày tao lên sẽ có rất nhiều quà cho mày.

Thương,

Minh Châu

Lá thư ngắn ngủn. Chà, chắc là vì lý do lên trễ, sợ cô chủ nhiệm la nên chi nàng mới đoái hoài đến tôi đây, lại còn hứa hẹn quà cáp hối lộ nữa chứ. Phen này lên đây sẽ biết tay con Phương này, Châu ơi. Tôi rút bớt một chiếc gối dưới đầu cho thân hình duỗi thẳng ra, rồi đọc lại lá thư của con bạn thân một lần nữa. Minh Châu, cô bé dễ thương có mái tóc dài óng ả luôn luôn xõa kín nửa lưng, cứ một tháng nó lại đi cắt tóc một lần làm cho tôi và các bạn cứ có cảm tưởng là tóc nó chưa hề dài ra một milimét nào cả. Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã tám năm. Nhớ ngày nào mới vào trường, tôi rời tay ba má chạy lăng xăng khắp chốn, mắt trong veo ngỡ ngàng nhìn bao điều lạ. So với ngôi trường cấp 1 tôi đang học thì đây quả là một thiên đường. Thiên đường đó mở ra trước mắt tôi với hội trường rộng lớn, với những phòng học rộng rãi thoáng mát và điều làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú là trong mỗi phòng đều có một cây đàn piano đặt trang trọng bên tấm bảng đen có kẻ sẵn ô nhạc. Ôi cây đàn piano trong mơ ước của ba má, của tôi... Hàng ngày tôi vẫn sang tập đàn bên nhà cô Nguyệt Hằng với tấm lòng của cô bé Lọ Lem mơ nhặt được ba hạt dẻ thần để thực hiện niềm ao ước thầm kín: một mái nhà nhỏ cho ba má, cây đàn piano và chồng sách nhạc tinh khôi cho tôi, bởi hiện giờ ba má tôi phải ở đậu nhà ngoại, còn tôi thì học đàn nhờ và sách mượn. Cũng trong ngày này, tôi đã gặp Minh Châu. Hai đứa đã cùng chạy nhảy dưới bóng mát của cây me to phía sau trường và tranh nhau nhặt những quả me vàng chín rụng đầy sân. Tâm hồn tuổi thơ rất dễ cảm thông, chỉ một thoáng ngỡ ngàng, chúng tôi thân nhau ngay và bày ra nhiều trò chơi đến nỗi ba má tôi và ba má nó giục mãi, hai đứa mới chịu chia tay ra về. Vào trường, tôi lại được tiếp tục học chuyên môn với cô Nguyệt Hằng, mỗi tuần ba chở tôi lên thành phố hai lần để học đàn, hợp xướng và ký xướng âm. Thật vui mừng khi tôi được xếp ngồi cạnh Minh Châu trong lớp hợp xướng và ký xướng âm. Tôi được biết Minh Châu ở xa thành phố hơn tôi nhiều, mãi tận Mỹ Tho. May mà gia đình nó khá giả, có xe vận tải chạy tuyến Mỹ Tho - thành phố Hồ Chí Minh, nên việc đi lại học hành của nó cũng tiện. Về chuyên môn, Minh Châu học khác khoa tôi, nó học đàn tranh, nhưng điều đó không ngăn được tình thân ái giữa chúng tôi ngày càng mật thiết.

Có tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa phòng:

- Cô Phương ơi, mở cửa.

- Chị vào đi.

Chị Hai bưng vào một mâm đầy thức ăn. Tôi ngồi dậy:

- Em ăn sáng hãy còn no.

Chị Hai đặt mâm lên bàn học của tôi:

- Tôi nấu món ăn Huế đặc biệt cho cô ăn đó, ngon lắm.

- Em còn no mà.

- Khi sáng tới chừ, no chi mà no. Gắng ăn đi cô.

Nhìn đôi mắt van lơn của chị, tôi không nỡ lắc đầu, nên bảo chị:

- Chị ăn chung với em nghe.

Nét mặt chị Hai rạng rỡ:

- Được, để tôi xuống nhà lấy thêm chén đũa.

Tôi ăn cơm chả thấy ngon lành gì cả nhưng cũng cố nuốt kẻo tội nghiệp chị Hai.

- Chị Hai làm món này ngon lắm.

Được thể, chị trút hết dĩa thức ăn vào chén của tôi:

- Chả tôm đó cô, món Huế chính cống đó.

- Sao chị làm được hay quá vậy?

Chị Hai được dịp kể:

- Ồ, hồi đó tôi sống bằng nghề làm chả tôm để nuôi hai đứa em ăn học, cha mẹ tôi mất sớm lắm cô à.

Tôi tò mò:

- Vậy hai người em của chị có chăm chỉ học hành không?

Chị Hai tươi cười:

- Chúng nó ngoan lắm cô ơi, học lại giỏi nữa, năm mô cũng có phần thưởng.

Tôi đặt chén cơm xuống bàn:

- Chị thật hạnh phúc, hồi ba má chị còn chắc gia đình chị vui vẻ lắm nhỉ.

Chị Hai gắp thêm thức ăn cho tôi:

- Nhà tôi nghèo nhưng được cái là hòa thuận nên cũng vui.

Tôi cúi đầu:

- Em đang ao ước một gia đình hoà thuận, chị Hai à.

Chị Hai nhìn tôi thương cảm:

- Cô đừng buồn nữa, thế nào ông bà cũng sẽ nghĩ lại, cô yên tâm đi.

Tôi lắc đầu chán nản:

- Ba má em đã đưa đơn ra tòa rồi.

Chị Hai tỏ vẻ hiểu biết:

- Còn hòa giải năm lần bảy lượt nữa, đâu phải ly hôn liền mô mà cô lo.

Tôi đẩy mâm cơm về phía chị Hai:

- Em ăn xong rồi, chị dọn đi.

Còn lại một mình, tôi không sao dỗ được giấc ngủ trưa. Ngủ đi Thảo Phương, sự nghỉ ngơi của tâm trí sẽ đem lại cho mày sức khỏe, sự sáng suốt và nỗi chịu đựng những tháng ngày khó khăn sắp đến. Ba và má sắp ra tòa, liệu lần hòa giải đầu tiên có thành công không? Rồi tôi sẽ ra sao? Ở với má hay ở với ba? Dù với ai thì niềm đau trong tôi vẫn không hàn gắn được, nỗi mất mát gặm nhấm tâm hồn, bào mòn trái tim và se buốt thịt da. Tôi mở mắt ra nhìn tấm ảnh màu được phóng lớn treo nơi bàn học. Ba đang nhìn tôi, mái tóc dày hơi quăn, vầng trán rộng, đôi mắt cười theo môi, trông ba có vẻ nghệ sĩ hơn là một giáo viên. Còn má nữa, má đang âu yếm tựa mái tóc đen huyền vào vai ba với gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Xen giữa hai người là tôi đó, cô bé Thảo Phương có hai bím tóc thắt nơ hồng xinh xắn, đôi mắt tròn xoe như hai hạt nhãn lồng, nhìn thẳng về phía trước đầy tin tưởng. Tôi lại thả hồn về quá khứ, tấm ảnh này ba má đã dẫn tôi đi chụp trước lần trình diễn đầu tiên của tôi tại trường. Đó là vào dịp Tết năm tôi học sơ cấp 2. Nói làm sao được hết nỗi vui mừng của ba má khi nghe cô Nguyệt Hằng báo tin tôi được chọn độc tấu trong chương trình liên hoan mừng Xuân tại hội trường của Nhạc viện. Thật là một vinh dự. Chính cô Nguyệt Hằng cũng đã nói, từ trước đến nay, cô dạy rất nhiều học trò nhưng chưa có em nào mới vào trường một năm mà đã được chọn trình diễn. Có lẽ đó là thành quả của hai điểm 10 sáng chói mà tôi đã được trong hai lần thi học kỳ vừa qua. Chẳng những cô Nguyệt Hằng thương yêu tôi, mà bà Minh Ngọc, trưởng khoa piano, một vị giáo sư lớn tuổi rất khó tính, cũng rất bằng lòng khi nghe tôi đàn. Bà bảo, tuy còn nhỏ nhưng tiếng đàn của tôi rất có hồn, đây là điểm thành công nhất của ngừơi nhạc sĩ, là năng khiếu bẩm sinh không thể luyện tập mà có được. Đêm đó, tôi đánh rất tự tin bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" của Mozart, một bản nhạc khá khó đối với một đứa trẻ lên chín như tôi, nhưng tôi đã thành công giữa những tràn pháo tay rộn rã. Có một vị thính giả già bằng ông ngoại đã bước lên sân khấu tặng cho tôi một con búp bê có bao giấy kiếng rất đẹp và ôm hôn tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những giọt nước mắt cảm động hơi ứa ra từ hai khóe mi nhăn nheo của ông. Ngày đó sao mà êm đềm hạnh phúc. Tôi khép mắt lại nghe lòng bâng khuâng rời rã, ngủ đi Thảo Phương, nhưng không được, tôi lại mở mắt ra, khung ảnh màu trước mặt đã nhòa nhạt tự bao giờ.

Chương 3

Buổi chiều trời thật nực, tôi nhờ chị Hai cùng mang chiếc xích đu ra vườn đặt dưới giàn thiên lý. Vừa đưa qua lại được mấy cái đã nghe tiếng gọi tíu tít ngoài cổng:

- Thảo Phương, Thảo Phương.

Tuấn xuất hiện với chiếc xe đạp mới tinh sơn màu huyết dụ. Tôi mở rộng hai cánh cổng:

- Vào chơi Tuấn, sao lâu nay đi đâu mất biệt thế?

Tuấn bước theo tôi ra phía góc vườn:

- Tuấn vừa đi Nha Trang về nè.

Tôi liếc:

- Thú vị quá hén, vậy mà chả cho người ta biết tin, tệ ơi là tệ.

Tuấn ngồi xuống chiếc ghế mây:

- Tại ba má Tuấn đi bất ngờ quá, cho Tuấn xin lỗi nhen. - Rồi Tuấn lục giỏ xách - Có quà cho Phương nè.

Tuấn lấy ra một gói nhỏ rồi tự tay mở lớp giấy bao: một chuỗi hạt bằng vỏ ốc đủ màu lấp lánh và một chiếc thuyền buồm đính bằng những mảnh vỏ sò rất mỹ thuật, tôi reo lên:

- Ồ, đẹp ghê!

Tuấn do dự một lát rồi quàng chuỗi hạt qua đầu tôi, trông mặt anh chàng vừa đẹp trai vừa ngây ngô đến tội nghiệp. Sau Minh Châu, Tuấn là người bạn thân thứ hai của tôi. Tôi quen Tuấn vào năm học lớp Sáu, khi tất cả các học sinh Nhạc viện học hết văn hóa cấp 1 ở trường ngoài, phải chuyển toàn bộ hồ sơ vào đây để học tiếp phần văn hóa. Tôi được cô chủ nhiệm xếp ngồi giữa Tuấn và Minh Châu, từ đó ba đứa trở thành thân thiết. Tuấn học violon, cùng vào trường một lần với tôi nhưng Tuấn học ký xướng âm và hợp xướng vào nhóm buổi chiều nên mãi đến bây giờ tôi mới biết Tuấn.

Cũng trong năm này, cuộc sống gia đình tôi bước vào một lối rẽ đầy lạc quan. Ba gặp lại bác Trân - một người bạn cũ rất thân - hiện làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Bác đến nhà ngoại thăm ba má cùng với sự giúp đỡ tận tình của một người bạn chân thành lâu ngày gặp lại. Vài lạng sâm nhung cho ông bà ngoại, một xấp vải hàng mousseline cho má may áo dài, chiếc đồng hồ đeo tay cho ba, nhiều đồ chơi thật đẹp cho tôi, bác như một làn hương mới thay đổi nếp sống của gia đình tôi. Sau một thời gian bàn tính, ba làm đơn xin nghỉ dạy để vào làm kế toán trưởng cho công ty của bác Trân, má vẫn tiếp tục đi dạy nhưng nếp sống của chúng tôi trở nên khá hơn. Đã có những tiện nghi nho nhỏ làm tươi thêm cuộc đời như một cái cassette ru giấc ngủ từng đêm, một cái máy đánh trứng đỡ tay má mỗi tuần làm nên những ổ bánh thơm ngon, mái nhà ngoại đã được sửa sang lại để vào mùa mưa không còn dột khắp nơi nữa. Điều vui nhất là chúng tôi đã dọn về ở ngay thành phố, rất tiện cho việc dạy dỗ của má và việc học hành của tôi. Công ty của bác Trân đã cấp cho ba một căn nhà tuy nhỏ nhưng mát mẻ khang trang. Lúc mới dọn về tới, tôi như bị cuồng chân, vì nhà không có vườn, không có sân, suốt ngày đi ra đi vào đụng bàn đụng ghế, bởi vậy nên những ngày có giờ học, tôi ở lại trường chơi cho thỏa thích đến tối mới chịu cho ba đón về.

- Phương đang nghĩ gì vậy?

Tiếng hỏi của Tuấn làm tôi giật mình:

- À, Phương ... Phương đang nghĩ lung tung.

Tuấn đưa tay đẩy chiếc xích đu đong đưa:

- Phương có bài mới chưa?

- Cô của Phương mới cho một bài étude thôi. Phương đánh còn quỷnh lắm. Mai có giờ chuyên môn rồi, sợ cô la ghê.

- Tuấn cũng vậy, mấy ngày Tết chẳng đụng tới cây đàn, kỳ này chắc là thầy Tuấn nạo cho te tua.

Tôi mân mê chuỗi hạt nơi cổ:

- Mới đó mà nhanh ghê, đã hết Tết rồi.

Tuấn đứng dậy:

- Thôi Tuấn về, hẹn mai gặp lại nhé.

Tôi tiễn Tuấn ra cổng rồi đứng yên lặng nhìn người qua lại. Một chiếc xe hơi dừng nhanh bên đường, tôi suýt reo lên vui mừng, ngỡ ba về, nhưng không phải, bác Trân bệ vệ mở cửa xe bước xuống đến bên tôi, bác đưa cho tôi một gói nhỏ, nằng nặng:

- Của ba cháu đấy, nhớ cất cho kỹ nhé, hai hôm nữa ba cháu sẽ về.

- Mời bác vào chơi đã.

- Thôi bác bận lắm, bác đi đây. Nhớ bỏ cái đó vào tủ khóa lại nhé.

Tôi quay vào nhà, bữa cơm chiều đã sẵn sàng trên bàn ăn. Chị Hai từ bếp đi lên, tay bưng ly nước cam:

- Uống miếng nước cho khỏe rồi ăn cơm, cô.

Tôi định ngồi vào ghế nhưng nhớ đến cái gói còn cầm trên tay, tôi nói:

- Chờ em chút xíu.

Tôi chạy lên lầu, mở tủ, nhét vội gói đồ dưới đống quần áo chưa ủi. Lại vàng, lại tiền, lại ngọc ngà châu báu, chưa bao giờ tôi thấy chúng nguy hiểm như bây giờ, chúng đưa con người lên tận đỉnh cao danh vọng rồi cũng chính chúng dìm họ vào vũng lầy đam mê, mà một khi thức tỉnh thì mọi việc đã muộn màng. Công ty của bác Trân càng ngày càng phát triển thì công việc của ba cũng tiến nhanh như tia chớp. Cuộc hội ngộ giữa ba và bác Trân chẳng khác gì cá gặp nước, rồng gặp mây, hai người đã ăn ý với nhau đến độ không ngờ. Bao nhiêu cú áp phe lớn nhỏ thành công, những chuyến làm ăn xa tận Hà Nội, Hải Phòng đã đem về cho ba rất nhiều nguồn lợi. Ba đã tậu nhà riêng, sắm xe hơi và thực hiện được ước mơ của đứa con gái duy nhất: một cây đàn piano bóng lộn bắt đầu làm bạn đêm ngày với tôi vào năm tôi lên sơ cấp 5. Từ đó trong vườn nhà mới, tôi đã gặp lại tiếng chim thân yêu của tuổi ấu thơ cùng với mặt trời và hoa lá, tất cả đã tạo nên nguồn cảm hứng trong tôi ngày một dạt dào. Tôi vẫn là đứa học trò giỏi nhất của cô Nguyệt Hằng, chỉ trừ một lần chín điểm, tất cả mọi lần thi học kỳ tôi đều đạt điểm mười. Hồi mới làm quen với âm thanh, tôi rất yêu nét tươi sáng trong nhạc của Mozart, nhưng đến khi biết buồn, biết mơ mộng tôi lại say mê tính sâu lắng của nhạc Chopin hơn. Đã nhiều lần tôi mơ ước được thành công như Đặng Thái Sơn, đem tiếng đàn của mình đi khắp nơi trên thế giới cho mọi người, mọi sắc da cùng thưởng thức, để họ biết rằng trên hành tinh này có một nước Việt Nam vô cùng nhỏ bé đã sản sinh ra những nghệ sĩ tài ba như Đặng Thái Sơn, như Trần thị Thảo Phương chẳng hạn... (Nói nhỏ cho các bạn nghe, đó là ước ao thật lòng nhất của tôi đó, nhưng tôi chả bao giờ dám hé môi, kể cả với những đứa bạn thân, nhỡ có lúc nó giận mình, nó hở ra cho các bạn trong lớp cùng biết thì khi đó chỉ có nước độn thổ, bởi vì... Thảo Phương chưa là cái gì cả, con ếch làm sao to được bằng con bò, phải không các bạn?)

Tối nay nhớ má quá, chả học hành gì được, định ra hàng hiên ngồi chơi thì chị Hai đến bên cạnh:

- Cô Phương, tối nay thứ bảy cô không mở ti vi à? Có tuồng cổ Minh Tơ hay lắm.

Tôi quay lại:

- Tôi không ưa cải lương, chị có thích thì cứ bật lên xem.

Nét mặt chị Hai hớn hở:

- Vậy thì tôi coi một mình nghe, lát nữa ông có gọi, nhớ kêu tôi.

Tôi bước ra sân. Đêm không trăng trời thật đen, cảnh vật chìm khuất trong bóng tối, nhấp nháy trên vài phiến lá, ánh đèn đường bên ngoài hắt vào, vàng vọt, loãng tan... Ba đã về từ chiều, đang ngủ trên lầu. Một xe chở đầy hàng đã theo ba vào nằm yên vị trong căn phòng xép phía sau nhà. Tôi đã quen với những chuyến đi như thế của ba, những chuyến đi mở đường cho một vực thẳm lôi cuốn hạnh phúc êm đềm của chúng tôi vào nỗi buồn đau. Tiền bạc tràn vào nhà tôi như giòng suối, vật chất đã thay thế ân tình. Ba vắng nhà luôn, nay chiêu đãi, mai tiệc tùng... những khuya về đến cửa mặt mày đỏ ửng nồng nặc men say, những lần cãi vả với má vì những nguyên do nào đó rất người lớn mà tôi không thể hiểu được... Và để trả thù ba, má đã xin nghỉ dạy, bắt đầu một cuộc sống xả láng, nghĩa là má trút bỏ không nuối tiếc bộ áo đạo đức sư phạm để khoác lên mình những kiểu áo thời trang nổi tiếng nhất. Má còn trẻ và đẹp, lại sẵn tiền trong tay, tha hồ chưng diện. Má từ giã đám bạn bè thuở hàn vi để bước vào một thế giới mới, thế giới có nhạc hay, có rượu nồng và có những bước chân quay cuồng trên sàn nhảy. Bao nhiêu người đàn ông đã quỳ dưới chân má và điều này đã khiến ba ghen điên lên. Sóng gió bắt đầu dậy lên trong gia đình tôi mà kết quả là lá đơn ly hôn đã gửi lên tòa án. Mặc cho tôi khóc lóc, mặc cho tôi van lơn, ba má đã vì tự ái không chịu nhường nhau một bước nào. Tôi biết ba má vẫn rất yêu thương tôi, đứa con duy nhất tội nghiệp từ đây hoặc vắng má hoặc thiếu ba, nên ai cũng giành được có tôi bên cạnh. Nhưng tôi đành gạt nước mắt xa má thôi, vì tôi phải ở cạnh ba mới tiện việc học hành, nhất là năm nay, bước vào trung cấp, còn phải học rất nhiều món mới như hòa âm, trích giảng... có khi thiếu phòng phải học ban đêm rất bất tiện. Thỉnh thoảng, tôi cũng có về Thủ Đức thăm ngoại và má, nhưng sao cảnh cũ vườn xưa cứ làm tôi buồn da diết và hoài nhớ bao kỷ niệm đã tàn phai. Này là chiếc ghế xi măng cũ mòn, từng chiều tôi đã ngồi đây lắng nghe tiếng chim, kia là dãy hàng rào dâm bụt với những đóa hoa rực lửa tôi thường hái chơi mỗi sáng, và lối đi qua vườn bằng cát mịn đã bao lần in dấu chân ba má hằng ngày bên nhau bàn chuyện tương lai. Ôi, tương lai nào ai ngờ đến, giờ ba má đã chia xa còn tôi thì lạc lõng tới bao giờ?

Chương 4

Sáng nay trong giờ học chuyên môn, cô Nguyệt Hằng nhìn tôi chăm chú:

- Em làm sao vậy, Thảo Phương?

Tôi cúi đầu, không đáp, nhưng nước mắt đã tràn mi. Cô Nguyệt Hằng là láng giềng của ngoại nên cô cũng đã biết phần nào tình trạng gia đình của tôi trong những tháng vừa qua. Cô vỗ nhè nhẹ vào vai tôi:

- Tiếng đàn của em đầy vẻ bối rối, cô biết em đang buồn, nhưng đừng vội tuyệt vọng, Thảo Phương ạ, có cô đang ở bên em đây.

Tôi nói trong tiếng nấc:

- Cô ơi, hôm qua ba má em đã ra tòa hòa giải nhưng thất bại rồi cô ạ, em chỉ muốn chết đi cho xong.

- Em đừng nói gở thế - Cô đưa chiếc khăn tay cho tôi - Em lau nước mắt rồi ra ngoài chơi một lát cho thoáng, khi nào bình tĩnh trở lại, hãy vào gặp cô, cô có chuyện quan trọng cần nói với em.

Tôi bước ra cửa vừa lúc Minh Châu ôm cây đàn tranh to tướng đi ngang:

- Làm gì mà mặt mày tèm lem thế kia?

Tôi lau vội giọt nước mắt vừa ứa ra:

- Không có gì. Mày xách đàn đi đâu vậy?

Minh Châu liến thoắng:

- Sáng nay tao tập dàn nhạc, tuần sau lên ti vi thu hình rồi đó, hên ghê Phương ơi, tao được giữ phần sô lô, hách chưa.

Tôi cố gượng cười:

- Mừng cho mày.

Minh Châu đã nhận ra, nó đến gần bên tôi:

- Phương, chuyện ba má mày ra sao rồi, nói cho tao biết đi.

Tôi cúi đầu:

- Mày không giúp được gì cho tao đâu.

Minh Châu dựng cây đàn vào vách, cầm tay tôi:

- Tao sẽ chia sớt nỗi buồn với mày, như vậy, bớt đau khổ hơn Phương ạ.

Tôi chùng lòng xuống:

- Châu ơi, mày luôn luôn là người bạn tốt của tao nhé.

Minh Châu nâng mặt tôi lên:

- Đương nhiên - Rồi nó làm mặt vui - Thôi chả nói đến chuyện này nữa, mình ra căn tin ăn sáng đi.

Hai đứa lựa chiếc bàn tròn dưới gốc me, kéo ghế ngồi chễm chệ. Chị Lan bán hàng chạy ra:

- Hai em ăn gì, hôm nay có miến gà ngon lắm.

Minh Châu vênh váo:

- Hay quá, chị cho em hai tô miến và một dĩa thịt gà, có thêm một cái phao câu nữa.

Tôi trố mắt nhìn bạn, ăn bạo như vậy hèn gì trông nó tròn quay như hột mít. Chưa kịp hỏi, Minh Châu đã vội giải thích:

- Mày biết không, tao ăn để trả thù đời. Vừa rồi lãnh học bổng phải mua một cái áo mưa, thay cái líp xe đạp, rồi còn phải mua thêm sách vở nữa. Viết mấy cái thư chả thấy ba tao gởi tiền lên đành phải nợ nần lung tung. Thì ra ba tao bận về quê có công chuyện ruộng vườn gì đó, mới hôm qua ông lên thanh toán nợ nần cho tao, ông cho thêm một số tiền khổng lồ, lại còn thức ăn nữa, ê hề... Nó vỗ vào vai tôi:

- Trưa nay mày lên chỗ tao ăn cơm nhé.

Tôi vui theo nó:

- Mày trúng mánh thú quá nhỉ.

- Để bù cả tuần này đói rách mày ơi!

Chị Lan bưng thức ăn ra, Minh Châu yêu cầu tiếp:

- Cho em thêm hai ly sữa tươi nữa.

Rồi nó gắp miếng phao câu béo ngậy để vào tô của tôi:

- Người ta bảo ăn óc bổ óc, ăn tim bổ tim, vậy tao cho mầy ăn cái này để cái thân hình khô đét của mày nở nang thêm tí nữa.

Tôi rùn vai:

- Mày nói thấy ghê.

Minh Châu nghiêm mặt lại:

- Tao nói rất thật, dạo này mày ốm quá, Phương ạ.

Tôi ăn mới nửa tô miến, đã bỏ đũa xuống:

- Tao no lắm rồi.

Không nài ép, Minh Châu đẩy ly sữa tươi đến trước mặt tôi:

- Gắng uống đi Phương, xong đi chơi với tao. Mình ra chợ Bến Thành mua đôi dép rồi về nhà tao, chiều đi học văn hóa luôn nhen.

- Nhưng tao chưa học xong chuyên môn, cô Nguyệt Hằng đang chờ tao đấy.

Minh Châu thương mến nhìn tôi:

- Vậy mày vào học đi, tao ngồi đây đợi.

Tôi bước vào phòng khi còn một mình cô Nguyệt Hằng đang ngồi bên đàn, các bạn đồng học đã về hết. Cô ngẩng lên:

- Hay quá, em đã lại. Thảo Phương, đến đây với cô.

Cô ngồi đối dịên với tôi, đôi mắt cô trong sáng phản chiếu gương mặt tôi với mái tóc dài cài chiếc kẹp xanh. Giọng cô ấm áp:

- Điều cô muốn nói với em là, dù tình cảm giữa ba má như thế nào đi nữa, hai người vẫn rất thương yêu em và quan tâm đến tương lai của em. Em biết điều đó chứ?

Tôi dạ nhỏ.

- Vậy thì, nếu em thật lòng thương ba má, em không nên nản lòng mà phải chăm lo vun quén cho tương lai mình nhiều hơn nữa. Nghĩa là, em phải dẹp đi mọi ưu tư để gắng học, cả văn hóa lẫn chuyên môn, không ai lo được tương lai cho mình bằng chính bản thân mình, em phải nghe lời cô, Thảo Phương ạ.

Tôi rưng rưng nước mắt:

- Thưa cô, em sẽ vì ba má và.. vì cô nữa, em sẽ cố gắng.

Cô Nguyệt Hằng ôm lấy đôi vai tôi:

- Cám ơn em đã nghĩ đến cô, quả em đã không phụ lòng cô.

Cô mở xắc lấy ra một chương nhạc photocopie rất rõ nét, đưa cho tôi:

- Đây là bài Nocturne số 9 của Chopin, một tác phẩm mà cô rất tâm đắc vì nó đã gợi cho cô thật nhiều kỷ niệm của tuổi hoa niên. Thảo Phương, em sẽ đánh bài này vào kỳ thi cuối năm.

Tôi cảm động đón lấy bài nhạc. Cô bước đến bên đàn:

- Cô sẽ đàn cho em nghe một đoạn.

Những nốt nhạc bay bổng nhẹ nhàng nâng hồn tôi chơi vơi, tiếng đàn đưa cô về quá khứ và dẫn tôi vào một đêm sương mờ thời thơ ấu xa xưa. Từ vườn bên, tiếng đàn đã len qua hàng rào dâm bụt, nhảy múa trên thảm cỏ mềm đẫm ướt sương khuya. Tiếng đàn mơn man nụ hoa hàm tiếu, làm thức giấc những ngọn lá khô mê ngủ trong vườn nhà ngoại, và làm cho cô bé sáu tuổi Thảo Phương phải ngây ngất say sưa...

Cô đã ngưng đàn, cô âu yếm nhìn tôi đang vẫn còn ngẩn ngơ:

- Cô tin là em sẽ chơi hay bài này vì em là một cô bé rất có tâm hồn.

Rồi cô đưa cho tôi một cuộn băng nhỏ:

- Trong này có bài Nocturne do một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới là Rubinstein đánh, em đem về nghe để học thêm.

Cô vẫn nhìn tôi đăm đăm, hình như cô muốn nói với tôi một điều gì nhưng rồi cô im lặng, cô chỉ vịn nhẹ vào vai tôi:

- Thôi em về, cô đặt cả kỳ vọng nơi em.

Minh Châu ở tập thể trong một căn phòng tận trên lầu 8. Phòng nhỏ nhưng có đến sáu bạn ở chung, toàn là dân nhạc viện nhưng gia đình ở xa thành phố, đứa ở Long An, đứa Sông Bé.. Còn Minh Châu thì ở tận Mỹ Tho. Nhà có thang máy nhưng đã bị hư từ đời nảo đời nào, hai đứa leo bằng lô ca chân đến tận cửa phòng thì muốn hụt hơi, phải đứng thở dốc một hồi mới mở được cửa. Các bạn đã đi vắng hết nhưng mùng màn thì ngổnn ngang khắp nơi, báo chí rớt tràn lan trên sàn. Minh Châu nhặt tất cả bỏ lên bàn, cằn nhằn:

- Đúng là lũ ma lười chảy nhớt.

Thấy tôi vẫn còn đứng tần ngần giữa cảnh chiến trường bừa bãi, Minh Châu kéo tay tôi:

- Mặc kệ bọn chúng, tới nhà tao chơi nè.

"Nhà" của Minh Châu là cái giường xếp của nó, những gọng nhôm trắng và tấm bạt căng thẳng có in hình hoa hồng rất đẹp. Nó kéo tôi nằm xuống:

- Nghỉ một lát cho khỏe rồi ăn cơm.

- Nấu cơm nhanh lên kẻo trễ giờ học đó.

- Yên trí lớn, tao đã nấu một nồi từ hồi sớm, giờ chỉ việc giở ra ăn.

Hai đứa duỗi thẳng tay chân thoải mái, Minh Châu bật nút cassette, một giọng hát trong trẻo cất lên:

Về đây đứng bên mái trường xưa

Thấy như mình trôi trong ngày cũ

..............................

Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy

Vang trong lớp học sân trường

Như vách đá còn vang vọng mãi

Lời chim muông reo trong nắng

Ai mang đến gần trời lưu luyến...

Tôi bật lại bài hát nghe một lần nữa:

- Nhạc hay quá, bài gì vậy Châu?

- Bài "Về Thăm Mái Trường Xưa" của Trịnh Công Sơn, băng nhạc tao mới vừa mua đó.

- Sao cái "air" nghe như của Phạm Trọng Cầu? Bài hát quá dễ thương. Mày chép lời cho tao nhé.

- Ờ, còn mày ghi phần nhạc lại cho tao, được "hông"? Tao cũng thích bài này lắm.

Rồi Minh Châu ngồi dậy:

- Dọn cơm ăn hén.

Minh Châu trải tờ giấy ra giường rồi bưng cái nồi National nhỏ xíu đặt trước mặt. Tôi dọn chén đũa ra, hai đứa ăn cơm với dưa chua chấm thịt kho nước dừa, thật là ngon miệng và vui làm sao. Chả bù những bữa cơm ở nhà một mình lủi thủi, dù cao lương mỹ vị nhưng nuốt vào chẳng khác gì sỏi đá khô cằn. Ăn vừa xong thì cả bọn kéo về phá như quỉ, đứa vo gạo, đứa xách nước ầm ĩ cả lên.

- Ê, hết nước rồi, chiều nay đứa nào có nhiệm vụ hứng nước đây?

- Con Thu.

- Nói có lộn không đó. - Thu la lên - Tao mới hứng hôm qua nè, giờ đến phiên con Châu.

Châu vừa dẹp nồi cơm vừa phản đối:

- Lại nhầm nữa rồi bạn, chiều nay con Tuyết diễn xuất màn này.

Cả bọn lao nhao, nhỏ Sương nghênh mặt:

- Sao tụi mày đổ qua đổ về mãi thế, tự giác lên đi. Nào, ai?

Ngọc Tuyết từ sau tấm màn đi ra:

- Tao, tao nè. Gớm, thay cái áo cũng không xong với tụi mày, làm gì mà ầm ĩ thế.

Gặp đúng đối tượng, mỗi đứa nhắc một câu:

- Ê Tuyết, nhớ hứng cho đầy nghe.

- Tuyết ơi, hứng xô của tao trước nhé.

- Hứng thêm vào mấy cái thau giặt đồ nữa đó.

- Nhớ mở hết "volume" nghe!

Tôi ngồi yên trên giường, lặng lẽ theo dõi các bạn cãi nhau, lòng thấy vui vui. Đời sống tập thể của chúng nó thật là náo động. Dù có nhiều bất tiện như phải leo lầu, phải xách nước từ tầng trệt lên, xa cách mặt đất đến nỗi đâm ra lười biếng, lên rồi thì không muốn xuống, mà khi đã xuống rồi thì chả muốn lên, nhưng thật vui. Nghe Minh Châu kể, toàn khu tập thể nước chảy rất yếu, không lên nổi lầu hai, nhưng thường thường vào lúc 5 giờ chiều, nước đột xuất mạnh, lên đến tận lầu tám. Vì vậy chúng nó phải thay phiên nhau có mặt ở nhà vào thời điểm đó, dựa trên thời khóa biểu của mỗi đứa hàng tuần. Để khỏi giành giựt, sáu đứa sắm sáu cái xô nhựa màu khác nhau, người ở nhà có nhiệm vụ hứng đầy sáu xô. Nước này thường dùng để nấu ăn và tắm, còn giặt giũ phải đem xuống dưới nhà. Trong số năm bạn ở chung với Minh Châu, tôi chỉ quen với Thu Sương và Ngọc Tuyết vì chúng học cùng khoa piano với tôi (nhưng chúng không phải là học trò của cô Nguyệt Hằng, Thu Sương học với thầy Sơn, còn Ngọc Tuyết học cô Hồng Hạnh).

Chợt thấy tôi, Ngọc Tuyết reo lên:

- A, Thảo Phương, mày có tin mừng, sao không khao tụi này đi!

Tôi ngạc nhiên:

- Tin mừng gì?

- Mày chưa biết thật sao? Mày sắp được đi dự thi "Tài Năng Trẻ" tại Hà Nội đấy.

- Mày đừng có xạo.

Ngọc Tuyết nhìn qua Thu Sương:

- Ê Sương, nó không tin kìa.

Thu Sương đến ngồi bên tôi:

- Thật đó mày, hỗi nãy dưới căn tin, hai đứa tao thấy cô Minh Ngọc đưa cho cô Nguyệt Hằng của mày một bản danh sách có hàng chữ đầu rất lớn: "Tên các học sinh dự kiến tham dự cuộc thi tài năng trẻ tại Hà Nội" và tao đã nghe cô của mày đề nghị tên "Trần Thị Thảo Phương".

Tôi nhìn vào mặt Thu Sương:

- Chắc mày nghe lộn đó, tao mà thi với ai.

Ngọc Tuyết xen vào:

- Mày giỏi thí mồ.

Minh Châu vỗ tay loạn xạ:

- Hay quá, hay quá, vậy là con Thảo Phương sắp ra thăm Hà Nội 36 phố phường rồi...

Tôi kéo tay nó:

- Đi học thôi, trễ rồi đó.

Chương 5

Tôi ngồi lặng lẽ trước đàn. Bên ngoài, trời đã rất khuya, cửa sổ mở ra vườn xôn xao bóng lá, ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt trải những lớp bạc mỏng trên giàn thiên lý xa. Tôi vừa dạo xong bài Nocturne tuyệt vời của Chopin, tôi vừa lang thang trong đêm xưa dĩ vãng. Vườn nhà ngoại đẫm ướt trăng khuya, những quả mận hồng ngủ yên trong khóm lá, hoa nhãn đầu mùa thơm nức hương trinh... Tiếng hát dịu dàng của má ru tôi say giấc đêm xuân: "Xuân tươi.. êm êm ánh xuân nồng, nâng niu sáo bên rừng, dăm ba chú tiên đồng... Êm êm, ôi tiếng sáo tơ tình xinh như bóng xiêm đình trên không uốn thân hình.. Đường lên thiên thai, lọt vài cung nhạc gió, thoảng về mơ mộng quá, nàng Ngọc Chân tưởng nhớ, tiếng lòng bay xa..."

Trong giấc mơ tôi lạc vào thiên thai với hạc trắng, tùng xanh, suối bạc, mây vàng và tiếng sáo tiên đồng cao vút. Thuở ba má còn đầm ấm bên nhau, ba đã ví má là nàng tiên Ngọc Chân, còn ba là chàng nghệ sĩ đa tình từng chiều đến trước cung đình thổi sáo cho tiếng lòng nàng đắm đuối bay xa...

Tôi nhìn lên khoảng tường trước mặt, tấm hình màu chụp ba má trong ngày cưới đã được thay bằng một bức tranh sơn dầu. Hình ảnh cô gái tóc dài tha thướt bên hồ với hàng liễu rũ trông cũng đẹp thật đấy nhưng sao tôi bỗng ghét cay ghét đắng cô ta. Này cô gái không quen kia ơi, cô có tư cách gì mà dám thay thế khoảng không gian hạnh phúc của ba má tôi? Ảnh ba má chụp cách đây mười sáu năm mới đẹp làm sao. Dù ba có dẹp đi, dù má có xé bỏ, tôi vẫn mường tượng ra một hình ảnh chói ngời hạnh phúc đã khắc đậm trong tâm trí tôi: ba và má tay trong tay, mắt trong mắt, chiếc nơ đỏ trên bộ vét trắng của ba như ngọn lửa nhỏ thắp sáng niềm tin, tấm voan hồng trên mái tóc mượt mà của má là giấc mơ hoa đã chín, gắn bó hai linh hồn mãi mãi bên nhau. Vậy mà bây giờ, tự nhiên cô gái này lại xen vào, đáng trừng trị quá. Tôi đậy nắp đàn lại, bắc ghế lên gỡ bức tranh xuống. Chưa biết xử lý như thế nào thì đã có tiếng gọi:

- Thảo Phương.

Ơ kìa ba, tôi luống cuống xuýt té:

- Con làm gì vậy?

Tôi vẫn chưa nói được. Ba đến gần:

- Con điên à, sao lại phá phách thế!

Ba treo lại bức tranh rồi nhìn vào mắt tôi:

- Bức tranh của bác Trân tặng cho ba, con không thích nó hả?

Tôi gật đầu.

Ba ngắm nghía bức tranh:

- Ba thấy nó rất đẹp.

Tôi cãi lại:

- Con thấy nó rất.. lãng xẹt vì hiện diện không đúng chỗ.

Ba trố mắt:

- Sao... sao vậy?

Tôi nói như muốn khóc:

- Con thích bức ảnh trước cơ, sao ba lại thay đi hả ba?

Ba chợt hiểu, đôi mắt ba tối lại, ba đưa tay vuốt mái tóc để dấu niềm bối rối:

- Thảo Phương à, con đã buồn ngủ chưa?

- Dạ chưa ba.

- Vậy ba con mình ra vườn chơi nhé.

Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp sánh bước bên ba. Con đường mịn màng ôm ấp ánh trăng xanh, trăng đổ lên vai áo toi từng hạt sáng ngời, trăng soi vào mắt ba âu yếm nhìn tôi:

- Thảo Phương, ba biết, con đang rất buồn.

Tôi ôm lấy cánh tay ba:

- Ba ơi, con nghĩ là... ba má phải có một giải pháp khác tốt đẹp hơn chứ.

Ba dừng lại bên giàn thiên lý, kéo chiếc ghế mây:

- Con ngồi xuống đi - và ba ngồi xuống bên tôi - ba muốn nói với con là, trong sự đổ vỡ này không phải một mình ba có lỗi.

- Má, má cũng có lỗi ư?

- Má không bao giờ chịu hiểu ba.

- Má có lý của má.

- Cũng như ba, ba có lý của ba, ba đi sớm về trễ, ba vắng nhà thường xuyên cũng vì công việc, mà mục đích của công việc là kiếm được thật nhiều tiền cho má, cho con.

- Nhưng ba đã quên má...

Ba ngắt lời:

- Con lầm rồi, Thảo Phương ạ, ba vẫn luôn luôn nghĩ đến gia đình.

- Vậy tại sao ba không giữ má lại?

Ba lắc đầu:

- Ba không đủ sức ngăn trở một cánh chim trời. Má đã vuột khỏi tay ba hồi nào ba chẳng rõ, để khi nhìn lại thì đã muộn mất rồi.

Tôi nép đầu vào ngực ba, van lơn:

- Không muộn đâu ba ơi, hãy gọi má trở về!

Ba thở dài:

- Má đã đặt tự ái quá cao, sự ra đi của má là giọt cuối cùng làm tràn ly nước, má đã xúc phạm ba quá nhiều.

Tôi òa khóc:

- Ba ơi, đừng giận má nữa.

Ba đứng dậy:

- Khuya rồi, vào ngủ đi con.

Ba đã vào phòng đóng chặt cửa lại, còn mình tôi bơ vơ trong đêm, không biết giờ này má đang làm gì? Tôi bước ra bao lơn, nhìn theo một đám mây thật mỏng trôi lang thang trong bầu trời. Càng về khuya trăng càng vằng vặc và đám mây kia mỏng dần tan biến vào không gian. Phải chăng hạnh phúc là những áng mây? Gió thổi cho mây tan đi, chỉ còn lại vòm trời lồng lộng, tìm nơi đâu những ngày tháng ngọc ngà khi ba má còn đầm ấm bên nhau? Tôi nhìn xuống vườn nhà, trăng vẫn sáng soi những hàng cây thưa thớt. Ngôi biệt thự này ba mới mua không lâu nên những cây ăn trái ba trồng còn nhỏ xíu, chỉ có mấy chậu kiểng bên hồ cá là mau lớn không ngờ. Cả giàn thiên lý nữa, những chùm hoa màu hồ thủy tỏa ngát hương đêm. Gần một năm nay, tôi thường bắt ghế ngồi dưới giàn hoa này mỗi buổi chiều nghỉ học, để ngắm nhìn giọt nắng lung linh nhảy múa trong vòm lá và để buồn cùng bóng hoàng hôn xuống chậm bao phủ cõi hồn tôi.

Có tiếng bước chân nhẹ nhàng sau lưng:

- Cô Phương, khuya rồi, vào ngủ đi thôi.

Tôi nghe cay cay nơi mắt:

- Chị Hai cứ đi ngủ để mặc em.

Chị Hai cầm bàn tay tôi:

- Tôi dắt cô vô ngủ, mai còn đi học sớm.

- Mai em được nghỉ buổi sáng mà.

- Có nghỉ cũng phải đi ngủ, nghe lời Hai, Phương à.

Tôi chợt thèm nhõng nhẽo:

- Nhưng chị Hai phải vào phòng ngủ với em cơ.

Chị Hai cười dịu dàng:

- Tôi phải ngủ ở phòng dưới để trông nhà.

Tôi dậm chân xuống đất:

- Không biết, vậy thì em không thèm ngủ nữa.

Chị Hai để một ngón tay lên môi:

- Suỵt, đừng làm ồn để ông ngủ.

Tôi vẫn bướng bỉnh đạp chân rầm rầm. Ba mở cửa bước ra:

- Cái gì mà ồn vậy?

Chị Hai hoảng hốt giữ tay tôi lại:

- Thưa ông, cô Phương đòi tôi phải ở trên này ngủ với cô.

Ba nhìn tôi rồi bảo chị Hai:

- Thì chị vào ngủ với nó đi.

- Toi còn phải trông nhà, thưa ông.

- Chị cứ khóa cửa nẻo cẩn thận, không sao đâu.

Chị Hai đưa tôi vào phòng, tôi kéo tay chị:

- Chị ngủ chung giường với em nghe.

Chị Hai mở chiếc ghế xếp:

- Tôi nằm đây được rồi.

Tôi lại phụng phịu:

- Chị phải nằm gần em kia...rồi chị... chị hát ru em ngủ nha.

Chị Hai lại cười hiền hậu:

- Trời ơi, cô là dân trường nhạc, nghe tôi hát chắc là phải bịt lỗ mũi lại.

Tôi cảm thấy vui vui:

- Bộ chị tưởng dân trường nhạc xịn lắm sao? Có đứa cũng ngu thí mồ.

Tôi bắt chị Hai phải nằm cạnh tôi, đắp chung tấm mền mỏng:

- Chị Hai, chị hát ru em ngủ đi, hay là chị hò Huế cũng được.

- Tôi không biết hò Huế, nhưng dạo còn đi học tôi cũng biết hát sơ sơ, để tôi hsat ru cô nghe.

Tôi rúc đầu vào vai chị:

- Hay quá, chị hát bài về xứ Huế của chị nhé.

Giọng hát của chị Hai thật êm ái:

"....Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương, lạnh lùng trong bóng chiều giòng sông Hương. Tràng tiền qua mấy nhịp mờ trong sương, để lòng khách thấy buồn dâng mênh mang..."

Tôi chìm sâu vào một giấc mơ xanh, màu hàng thùy dương bên giòng sông quê hương của chị Hai.

Dù đêm qua thức khuya, sáng tôi vẫn dậy thật sớm, nhìn sang bên cạnh, chị Hai đã mất tiêu. Tôi chạy xuống nhà, thấy chị đang giặt đồ:

- Chị Hai ơi, ba em đâu?

- Ông đi làm rồi, cô ăn gì, phở hay bún để tôi đi mua.

Tôi có một quyết định:

- Em không ăn đâu, chị Hai ơi, sáng nay em về ngoại thăm má rồi chiều lên trường luôn, chị đừng nấu phần cơm em nhé.

Tôi vào phòng thay áo quần, sửa soạn sách vở cho bốn tiết học văn hóa buổi chiều rồi dắt chiếc Chaly ra cổng. Tôi chạy xe ra chợ Tân Định mua cho ông bà ngoại một hộp trà ngon, mua cho má một cái kẹp tóc mô đen. Gần hai tháng chưa gặp lại má, chắc tóc má đã dài quá vai rồi.

Mới sáng sớm mà chợ đã rất đông, trái cây bán ê hề hai bên lề đường. Tôi lách qua đám người chen chúc rồi phóng xe nhanh, đến chân cầu Sài Gòn, chợt có tiếng gọi ơi ới:

- Thảo Phương, Thảo Phương.

Tuấn đang đứng nơi một tiệm sửa xe, nhìn tôi cười vui vẻ:

- Phương đi đâu vậy?

- Phương về Thủ Đức thăm ngoại.

- Vậy chiều nay Phương không đi học à?

- Có chứ, Phương đi chút xíu à, ăn cơm trưa ở nhà ngoại xong là Phương đi thẳng về trường luôn.

- Phương làm xong mấy bài tập toán chưa?

- Rồi, còn Tuấn?

Tuấn gãi đầu:

- Sao Tuấn lười quá. Phương có tập cho Tuấn mượn "nghiên cứu" coi.

Tôi mở cặp đưa tập toán cho Tuấn:

- Nè, không khó lắm đâu, thôi Phương đi nhé.

- À Phương -Tuấn níu tôi lại - Báo cho Phương một tin mừng nhé, Phương có tên trong danh sách dự kiến ra Hà Nội dự thi "Tài năng trẻ" đó.

Tôi sững sờ, vậy mà tôi đã bảo Thu Sương nói xạo. Tuấn nhìn sát mặt tôi:

- Sao? Cô Nguyệt Hằng không nói gì với Phương cả à? Thầy của Tuấn đã bật mí cho tụi Tuấn biết hết rồi, trong số học trò của thầy, chỉ có mỗi mình Tuấn được đi.

- A, Tuấn cũng được chọn hả, hay quá.

- Thôi, Phương đi kẻo trưa. Chiều mình gặp lại nhé, bái bai.

Tôi phóng xe trên đường rộng thênh thang với niềm vui lâng lâng. Tôi được chọn ra Hà Nội dự thi "Tài năng trẻ" là một điều mà tôi không thể nào ngờ đến, dù tôi là một học sinh giỏi của cô Nguyệt Hằng, vì ngoài tôi ra, trường còn thiếu gì những bạn giỏi khác, như Hồng Giang học trò cô Minh Ngọc hoặc Đặng Hùng ở Biên Hoà mới thi đậu vào trung cấp chẳng hạn.. Về cuộc thi này, năm ngoái trường tôi có tổ chức nhưng chỉ dành cho môn violon thôi nên không nổi đình nổi đám lắm. Năm nay Hà Nội tổ chức chắc là xôm tụ hơn nhiều vì có cả violon và piano. Bây giờ tôi mới hiểu được ánh mắt của cô Nguyệt Hằng khi cô bảo tôi tập bài Nocturne số 9 của Chopin. Phải chăng đây là bài thi mà cô đã chọn cho tôi? Sao bỗng nhiên tôi vừa mừng vừa run, dù thời gian còn lâu nhưng việc tập luyện một bản đàn để dự một cuộc thi có tầm cỡ quốc gia như thế này đâu phải là chuyện đơn giản, không biết tôi có làm vui lòng cô được chăng?

Màu xanh mát mẻ của vườn nhà ngoại đã hiện ra trước mắt, tôi chạy xe chầm chậm giữa hai hàng nhãn xanh um. Các bạn ơi, Phương đã về đây, hỡi gốc mít, gốc xoài, gốc mận, cùng đàn chim thân yêu đang nhảy nhót trên cành, Phương bây giờ vẫn là Phương ngày cũ, nhưng là Phương với tâm sự ngổn ngang, với nỗi buồn trong mắt, gia đình Phương có nguy cơ tan vỡ! Các bạn hãy cầu nguyện cho Phương đi, cho đám mây đen thôi giăng mờ hạnh phúc, cho bão tố phong ba đừng lôi cuốn những tháng ngày tươi đẹp của gia đình Phương chìm vào biển cả bao la. Hãy giúp Phương với.

Nhà đi đâu vắng, cửa trước đóng kín, tôi vòng ra ngã sau. Bà ngoại đang vãi thóc cho gà ăn, thấy tôi, bà rất mừng:

- Thảo Phương đó hả, sao lâu quá không về thăm ngoại?

Tôi dựng xe, tắt máy:

- Dạ con bận học, chương trình càng ngày càng nặng bà ơi.

- Ừ, thôi gắng học, ông bà cũng thường hỏi thăm cô Hằng, cô khen con chăm chỉ, ông bà cũng mừng.

Tôi ngồi xuống bên bà:

- Ông đâu rồi bà?

Bà đưa mắt nhìn quanh:

- Ủa, mới thấy ổng đây mà, chắc là qua nhà ông Tú đánh cờ rồi.

- Còn má con đâu?

Bà ngoại đứng dậy:

- Má mày đi đâu với cô Diễm Hương, Diễm Hoa gì đó, chắc cũng sắp về đấy. Thôi vô nhà, bà lấy mãng cầu cho ăn, có hai quả mới chín to lắm.

Tôi theo bà vào bếp, thấy nồi niêu lạnh ngắt, tôi hỏi:

- Sáng nay bà không đi chợ à, sao không có đồ ăn gì hết trơn vậy?

- Hôm nay ăn chay, lát nữa hái rau dền luộc ăn được rồi, bà ngại đi chợ lắm.

Tôi với lấy chiếc rổ nylon màu đỏ trên bên cửa bếp:

- Để cháu hái rau cho bà nhé.

Tiếng nói ồ ồ của ông ngoại làm tôi giật mình:

- Con Thảo Phương đó phải không?

Tôi ôm cánh tay ông ngoại:

- Thưa ông cháu mới xuống.

Ông lấy trong túi ra một gói bánh xốp đưa tôi rồi bảo bà ngoại:

- Bánh tôi mua cho bà đó, giờ gặp nó, cho nó ăn.

Bà ngoại nói:

- Để nó đem về nhà ăn dần, bây giờ có mãng cầu phải ăn ngay mới ngon.

- Hai trái to tướng một mình nó ăn gì hết, bà nên ăn cùng nó, tốt lắm.

Bà nhìn ông âu yếm:

- Ông đi đâu nãy giờ vậy? Tôi đã pha trà cho ông rồi đó.

- À, tôi sang nhà ông Tú chơi.

- Sao về nhanh vậy?

- Ổng không có nhà.

Bà đến bên ông, sửa lại chiếc cổ áo:

- Ông này thật, sáng sớm ra đường không chịu mặc áo lót cho kín cổ, lớn tuổi rồi ông đừng có ỷ y.

Ông ngoại cười:

- Bà yên trí đi, tôi còn sống đến trăm tuổi mà.

Bà ngoại nguýt yêu:

- Người thì yếu như sên mà cứ giở cái giọng... thấy ghét.

Ông ngoại lại cười hề hề, ông đến bên bàn rót một ly nước trà nóng, rồi gồng hai cánh tay lên, hát ồ ề:

"Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba..."

Bà ngoại che miệng cười, không để ý đến tôi đang ngồi bên ngưỡng cửa, một tay cầm gói bánh, tay kia nắm chặt chiếc rổ nylon, ngẩn ngơ trước hạnh phúc dài lâu của ông bà.

Tôi lựa những cọng rau thật non, ngắt bỏ vào rổ. Đám rau dền ngoài vườn ngoại thật xanh tươi trải rộng một góc rào. Tôi để rổ rau đầy vừa hái lên một tảng đá rồi leo lên chạc cây ổi thấp, tựa lưng vào cành, nghĩ ngợi lan man.. Ông bà ngoại thật hạnh phúc. Nhìn những sợi tóc trắng ẩn hiện trên mái đầu ông bà tôi thấy thương quá. Má là người con gái duy nhất của ông bà và tôi cũng vậy, tại sao tuổi thơ tôi lại bất hạnh như thế này? Liệu ngày xưa ông bà ngoại yêu nhau có thắm thiết như cách đây mười sáu năm ba má đã yêu nhau? Bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu khúc hát ba má đã tặng cho nhau, và bản "La vie en rose" là bài hát kỷ niệm ngày hai người gặp gỡ đã được tôi đàn đi đàn lại mãi trong những lần sinh nhật của ba má.

Gần ba năm nay tôi chưa có dịp đàn lại bản này vì những ngày sinh nhật của ba má đã dần trôi trong quên lãng và đúng như lời chị Hai thường nói: "Ông đi đường ông, bà đi đường bà...", chỉ còn lại Thảo Phương cô đơn lẻ loi bên chị.

Có tiếng bà ngoại gọi:

- Thảo Phương, nước sôi rồi, đem rau vào cho ngoại.

Tôi nhảy xuống, xỏ vội dép, mang rổ rau dền chạy vào bếp. Ông ngoại đang loay hoay xé bao mì gói bỏ vào tô, ông ngoắc tôi lại:

- Ông để dành cho cháu gói mì Thái Lan này đặc biệt lắm - rồi ông gọi bà - bà ơi, cho nước sôi vào đây nhé.

Tôi mang nước sôi đến cho ông:

- Ông ăn mì đi, để cháu ăn cơm với bà ngoại cho vui.

Ông nhíu mày:

- Vui gì mà vui, bả ăn chay rau dền chấm tương chán chết....

Bà ngoại ngắt lời:

- Ông này, ăn với nói, không sợ Trời Phật.

Ông cười giả lả:

- Thì tôi nói như vậy để con Phương nó ăn gói mì đặc biệt của tôi.

Bà liếc dài:

- Ngon lành gì thứ mì gói Thái Lan, giá đã mắc lại còn thua mì gói VIệt Nam xa.

Tôi cười:

- Ông mắc bệnh "chuộng hàng ngoại" rồi bà ơi, cháu chưa ăn mì Thái Lan nhưng đã ăn mì Mã Lai rồi, dở như chưa bao giờ được dở.

Ông đưa hai tay lên trời:

- Thôi ông chịu thua, khi những người phụ nữ đứng về một phía thì sức mạnh còn hơn bom hạt nhân.

Tôi chia nửa tô mì với ông ngoại rồi ăn thêm cơm chay cùng bà ngoại, chưa ăn xong bữa thì má về. Má ôm chầm lấy tôi:

- Thảo Phương của má, sao lâu quá con không lên đây?

- Con bận học, con cũng rất mong má, sao những lần lên Sài Gòn má không ghé con?

Má hôn vào má, vào tóc tôi:

- Má rất nhớ con, má có ghé trường nhưng gặp lúc con không có giờ học.

- Thì má lại nhà mình.

- Má không muốn gặp ông ấy.

Tôi nghe lòng quặn đau:

- Sao.. sao má lại gọi ba bằng danh từ xa lạ đó?

Má bật khóc:

- Má căm ghét ông ta.

Ông ngoại trầm ngâm:

- Thảo à, con nói như thế là hơi quá đáng đấy, thằng Khôi không đến nỗi tệ lắm đâu.

- Vậy thì như thế nào mới gọi là tệ hả ba? Ổng đã từng đi suốt ngày đêm, về đến nhà thì say sưa, phát ngôn bừa bãi, mất hết cả nhân cách.

Ông ngoại vẫn bênh ba:

- Theo ba nghĩ, có thể công việc làm ăn đã khiến chồng con phải ăn nhậu, nhưng.. đàn ông mà, miễn nó không bỏ bê vợ con là được.

Má cương quyết:

- Con không chấp nhận một người chồng ăn chơi sao đọa như vậy.

Bà ngoại ăn cơm xong, bỏ đũa xuống:

- Mày vừa thôi Thảo ạ, không có thằng Khôi gặp vận may thì mày đâu được sung sướng như bây giờ.

Má cười chua chát:

- Đó là điều sai lầm nhất trong cuộc đời của con đấy má ạ, về một phương diện nào đó, tiền bạc không thể đem lại hạnh phúc đâu.

Bà ngoại lắc đầu:

- Có hạnh phúc hay không là do nơi mình cả, một sự nhịn chín sự lành, chúng mày tự ái quá rồi đâm ra hư bột hư đường hết.

Đồng hồ treo tường chỉ mười một giờ rưỡi, tôi đứng dậy:

- Thôi con phải về đi học.

Má cầm tay tôi:

- Bỏ học một buổi, ở lại với má.

- Không được má ơi, chiều nay có giờ kiểm tra toán.

Tôi lục cặp đem gói trà ra để trên bàn rồi đưa cho má cây kẹp tóc, lòng thật buồn khi thấy mái tóc dài của má được cắt cao lên để uốn theo một kiểu rất mốt. Mái tóc mới làm má trẻ hẳn ra nhưng làm tôi như già đi trước tuổi, ôi tuổi mười lăm của tôi sao lắm nỗi muộn phiền? Má đã dứt khoát với dĩ vãng rồi sao? Ngày xưa ba rất yêu mái tóc dài của má, sau này, tuổi càng lớn, thấy để tóc dài không tiện, má đã hỏi ý kiến ba để cắt ngắn bớt, ba nói không nên cắt cao quá mà hãy để tóc đến vai. Má nghe lời ba, má luôn luôn làm vui lòng ba và ba đã yêu má biết bao! Đã có những chiều ba má ngồi bên nhau, ba âu yếm gỡ từng cánh hoa cau trắng ngà đậu trên tóc trên vai má và má cũng thường nghịch tóc của ba bằng cách vén từng lớp lên để tìm những sợi tóc bạc chưa hề có, rồi cười khúc khích bên ba. Bao ngày tháng trôi qua trên bờ vai gầy ốm của tôi rồi nhỉ, khoảng thời gian nhạt nhòa tình cảm giữa ba má dễ chừng đã ba bốn năm rồi, ba bốn năm ở chung nhà nhưng không nói với nhau một lời êm dịu nào mà chỉ có gây gổ hành hạ lẫn nhau. Cuối cùng là má về với ngoại, cuối cùng là tôi vò võ cô đơn.

Má tiễn tôi ra cổng. Trời đã trưa nhưng ngôi vườn vẫn đầy những bóng cây, vẳng tiếng đàn chập chững thoáng qua từ nhà cô Nguyệt Hằng, cô đang dạy bọn nhóc. Đinh sang thăm cô nhưng sợ trễ giờ, tôi đành chạy xe về trường.

Chương 6

Tối nay bác Trân mời ba và tôi đi ăn ở nhà hàng Năm Sao. Thật là xịn, nhưng quả lòng tôi không muốn đi chút nào, tính tôi rất ghét đến những nơi ồn ào náo nhiệt và quá sang trọng như vậy. Chả bù cho đám bạn quậy nhất của lớp tôi, chúng thuộc loại đi nhà hàng Năm Sao như cơm bữa và thường huênh hoang tuyên bố, đứa nào chưa vào đó là đồ cù lần, không phải là "dân chơi". Rất nhiều lần chúng rủ tôi vào băng của chúng nhưng tôi từ chối, chả bao giờ tôi thích làm "dân chơi", tôi chỉ muốn là "dân học" và bạn bè tôi chỉ gồm năm sáu đứa học hành chăm chỉ, vậy đủ rồi. Lấy cớ ngày mai chưa thuộc bài chuyên môn, tôi để ba đi một mình, rồi giở sách xem lại bài văn. Một cánh thiệp màu đỏ rơi ra, thiệp mời sinh nhật của Tuấn. Tôi đếm đốt ngón tay, vậy là chủ nhật này rồi, chả biết Tuấn thích gì để liệu mua quà cho thích hợp, thôi để gặp Minh Châu rồi tính. Tuấn là nam sinh hiền nhất của lớp tôi, tuy học không giỏi nhưng Tuấn chăm chỉ và hòa đồng với mọi người nên rất được thầy cô thương. Đó là nói về văn hóa, còn về chuyên môn, Tuấn là một học sinh rất xuất sắc, tiếng đàn violon của Tuấn mượt mà và truyền cảm, nhất là khi nghe Tuấn chơi bài Thais, hay đến lạnh cả người. Gia đình Tuấn khá ổn định. Ba Tuấn là bác sĩ làm việc tại bệnh viện Chợ Rẩy, mẹ Tuấn là giáo viên nhưng khác với má là hiện giờ bà vẫn còn đi dạy, và phụ trách môn văn ở trường Lê Quí Đôn. Vì khá đông con nên cuộc sống gia đình Tuấn không được thoải mái lắm, nhưng về phương diện tinh thần, Tuấn được diễm phúc hơn tôi nhiều, bạn luôn luôn được sống bên cạnh cha mẹ và anh chị trong một gia đình tràn đầy hạnh phúc.

Chị Hai đến bên cạnh:

- Sao cô không đi ăn nhà hàng với ông?

Tôi uể oải vươn vai:

- Em bận tập đàn, mai phải trả bài cho cô.

Nghĩ đến ngày mai đến giờ chuyên môn, sao nghe hồi hộp lạ. Tin hành lang tôi được chôn đi tham dự cuộc thi "Tài năng trẻ", được các bạn loan đi một cách khẳng định, đến giờ vẫn chưa nghe cô Nguyệt Hằng nói gì với tôi cả, cô chỉ cho tôi những bài tập khó hơn bình thường và luôn luôn khuyến khích tôi hãy cố gắng tập dượt bằng tất cả khả năng của mình. Ăn cơm xong, tôi chăm chú ngồi đánh đi đánh lại một đoạn étude rất khó, nhiều đoạn lặp đi lặp lại rất gần giống nhau làm tôi cứ lộn tùng phèo. Ghét ghê, tôi bỏ đàn, vào bếp mở tủ lạnh tìm ly nước lọc uống vào cho tỉnh táo. Một chiếc bánh sinh nhật khá lớn trình bày rất mỹ thuật hiện ra trước mắt tôi như một phép lạ, vì bánh để trên tầng cao của tủ lạnh nên tôi không thấy được hàng chữ viết bên trên.

- Chị Hai ơi, bánh ở đâu thế này?

Chị Hai đang rửa chén, chạy lại:

- Ông mới mang về hồi chiều.

- Chị lấy xuống cho em xem đi.

- Tay tôi dính xà bông dơ lắm.

Tôi kéo chiếc ghế đẩu đến sát tủ lạnh.

- Thôi để em leo lên ghế xem cũng được.

Hàng chữ xanh trên mặt kem vàng làm tôi cảm động đến run lên: "Mừng sinh nhật thứ 15 của Thảo Phương 25-4". Dưới ký tên của ba: "Trần Vĩnh Khôi".

Tôi nhìn lên tấm lịch treo tường, 24-4, vậy là ngày mai, cách đây 15 năm, tôi đã ra đời. Thật lu bu đến nỗi ngày sinh của mình tôi cũng không nhớ nữa, ngớ ngẩn ghê. Tôi đóng tủ lạnh lại, ra ngồi bên đàn, tay lướt lên phím mà hồn thả đâu đâu. Tội nghiệp ba, má thật sai khi bảo ba đã đánh mất hết tình cảm, ba mất tình cảm sao ba còn nhớ đến ngày sinh của tôi? Tôi tin rằng ba vẫn nhớ cả ngày sinh của má nữa đó, chỉ tại má giận ba nên ba không dám gửi quà đến thôi. Tôi ngồi lại ngay ngắn, nhìn lên bản nhạc để trước mặt, những nốt nhạc, móc đơn, móc kép, khóa fa, khóa sol, nhảy múa lộn xộn trước mắt. Sao chóng mặt quá, nhưng phải cố gắng thôi, vì tình thương của ba, vì ánh mắtư đầy tin tưởng của cô Nguyệt Hằng, Thảo Phương sẽ không phụ lòng mọi người đâu. Tôi tập đàn đến 11 giờ khuya, ba vẫn chưa về.

Buổi sáng khi tôi còn mơ màng trong giấc ngủ muộn, một nụ hôn nhẹ nhàng lên trán đánh thức tôi dậy, trên tay ba là bó hoa hồng trắng còn ngậm sương mai:

- Chúc con gái cưng của ba một ngày sinh nhật vui vẻ.

Tôi ngồi dậy, dúi đầu vào vai ba:

- Đêm qua con chờ ba mãi, sao ba về khuya vậy?

Ba âu yếm vuốt tóc tôi:

- Tại bác Trân giữ ba lại bàn một vài công chuyện làm ăn, nhưng con yên tâm đi, ngày hôm nay ba ở nhà với con.

Tôi thòng chân xuống đất tìm đôi dép nhẹ:

- Sáng nay con phải lên trường học chuyên môn, chiều lại có hai tiết văn và hai tiết lý.

Ba cắm bó hoa vào chiếc bình thủy tinh đặt nơi bàn học tôi:

- Ba sẽ lo bữa tiệc trưa nay cho con, con nhớ rủ vài người bạn đến chơi cho vui nhé.

Tôi chu môi:

- Sao bao không nói trước để con mời chúng nó.

- Thú thật với con, ba bận quá, khi gặp mặt con thì lại quên.

- Hay ba để chiều tối đi, sợ sáng nay không gặp đủ tụi nó.

- Chiều ba lại bận, thôi thì gặp ai tiện mời, con cứ mời cũng được.

Nghĩ vừa giận vừa thương ba ghê, giá có má thì mọi việc sẽ chu đáo chứ đâu có lúng túng như giờ.

Tôi vào trễ, đến chín giờ mới được học cô. Tôi trả bài thật thông suốt, kể cả bài étude hóc búa, may mắn thay tôi chẳng vấp nốt nào, cô Nguyệt Hằng rất hài lòng. Khi tôi thu xếp ra về, cô giữ tay tôi lại:

- Thảo Phương, cô muốn nói với em một chuyện.

Tôi đã đoán được chuyện gì nhưng lòng vẫn hồi hộp, tôi ngồi xuống bên cô. Cô vuốt nhè nhẹ bờ vai tôi:

- Thảo Phương, mùa Thu năm nay em sẽ được ra Hà Nội dự cuộc thi "Tài năng trẻ", cô định chọn cho em hai bài của Chopin để tập ngay từ bây giờ, em nghĩ sao? Nói cho cô biết.

Tôi bối rối:

- Em.. em ra Hà Nội hả cô?

- Đúng rồi, cô đã đăng ký tên em vào danh sách dự kiến, sẽ qua một cuộc thi để lọc lại lần nữa, nhưng cô tin chắc là em sẽ được chọn.

Tôi cúi đầu mân mê tà áo, cô nói tiếp:

- Cô đã cho em tập bài Nocturne số 9 của Chopin rồi, cô sẽ lựa cho em một bài nữa, sao, em thích nhạc Chopin chứ?

Tôi ấp úng:

- Thưa cô, em rất thích và em cũng rất vui mừng khi cô đặt niềm tin nơi em.

Cô Nguyệt Hằng siết chặt tay tôi:

- Cô rất tin ở em.

Tôi ra về, trời đã rất trưa, chạy vội qua phòng 20 để tìm Tuấn đang học chuyên môn ở đấy, nhưng phòng đã đóng cửa, học sinh về hết cả rồi. Qua phòng nhạc dân tộc, may quá, còn ba bạn đang ngồi đấu láo: Minh Châu, Ngọc Minh và Thanh Hằng. Không lẽ mời một mình Minh Châu, thôi đành rủ thêm hai cô nàng này nữa cho đông đúc buổi sinh nhật. Bốn đứa chạy xe đến nhà Tuấn vẫn không thấy Tuấn đâu, người chị của Tuấn bảo anh chàng đi chơi không biết lúc nào về, Minh Châu đề nghị:

- Mặc kệ nó, về nhà Thảo Phương đi, càng ít người dự tụi mình càng ăn được nhiều.

Chị Hai sửa soạn bàn tiệc nơi hàng hiên mát mẻ. Hôm nay chị diện rất bảnh bao, chiếc quần xoa đen mượt mà, áo bà ba hồng có thêu những đóa hoa trắng. Ba đang ngồi chờ tôi, thức ăn đã được dọn ra bàn, cả chiếc bánh sinh nhật của tôi nữa. Tất cả đều thơm tho và lộng lẫy bên chiếc bình thủy tinh cắm mười lăm đóa hoa hồng trắng tượng trưng cho tuổi của tôi. Nhân có đem theo đàn, ba nhỏ bạn của tôi, một đàn tranh, một đàn nguyệt, và một tì bà, đã hòa tấu cho chúng tôi nghe những bài dân ca thật hay. Người khoái nhất có lẽ là chị Hai, chị cứ ngồi há hốc mồm đến quên cả dọn ly tách, và sau buổi tiệc chị đã nói với tôi:

- Sao cô không học đàn tranh, tôi thấy hay hơn loại đàn cô đang học nhiều.

Rồi chị cứ níu lấy Minh Châu hỏi lung tung:

- Cô có biết đàn bài "Ai ra xứ Huế" không? Cô biết đàn bài "Đêm tàn bến ngự" không?

Minh Châu gật đầu lia lịa:

- Em biết, em biết, nhưng bây giờ em phải đi học.

- Khi nào rảnh cô tới chơi, đàn cho tôi nghe với nhé.

Ba phải giục lắm chị Hai mới chịu đi dọn dẹp. Điều tôi nghĩ lúc này là chị Hai rất thích dân ca và tôi sẽ thu một băng nhạc toàn dân ca cho chị nghe những lúc rảnh rỗi, để bù lại những tình cảm chị đã dành cho tôi từ trước đến nay.

Sinh nhật của Tuấn được tổ chức vào buổi chiều tại phòng khách chỉ với những người bạn rất thân mà thôi. Chiếc bàn tròn đặt giữa nhà phủ khăn ren trắng làm nổi bật bó glaieul đỏ thẫm cắm trong chiếc bình sứ men xanh. Chị Thu của Tuấn đang sắp chén đũa, thấy tôi và Minh Châu tới, chị vồn vã:

- Vào đây hai em, chờ Tuấn chút xíu nhé, nó đi đón mẹ chị, sắp về rồi.

Một lát, có thêm Hùng và Bảo học cùng khoa với Tuấn, hai anh chàng khệ nệ mang một thùng quà gói giấy hoa, không biết bên trong đựng gì mà xôm thế. Riêng tôi và Minh Châu, suốt sáng nay chạy xe vòng vòng chợ Bến Thành hết một lít xăng vẫn chưa biết mua cái gì cho Tuấn. Buổi trưa Minh Châu ở lại nhà tôi ăn cơm, ngủ một giấc mới chợt nhớ:

- Nè Phương ơi, ta nghĩ ra rồi, nên tìm mua cho Tuấn một bộ dây ngoại thật xịn để anh chàng đương đầu với các địch thủ trong kỳ thi "Hà Nội mùa Thu" sắp tới.

Tôi vỗ tay reo:

- Hay quá, nhưng mà mắc lắm đó, tụi mình hùn tiền nha.

Bây giờ thì hai chúng tôi thật yên tâm với gói quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong xắc. Chắc là Tuấn phải thích mê đi.

Chị Xuân, người chị thứ hai của Tuấn mang từ nhà trong ra một chiếc bánh sinh nhật nhỏ xíu nhưng rất đẹp, bên trên cắm 15 cây nến hồng và hàng chữ "Mừng sinh nhật Hoàng Tuấn 28-4". Tuấn sinh sau tôi ba ngày, đây là điều làm Tuấn khổ tâm nhất mỗi lần có ai nhắc đến, vì sau đó thì y như rằng tụi bạn bắt Tuấn gọi tôi bằng chị để nhìn vẻ lúng túng của anh chàng mà cười đùa với nhau. Hùng kéo ghế cho tôi ngồi:

- Nghe nói kỳ này Thảo Phương cũng được ra Hà Nội dự thi hả?

Tôi gật đầu. Bảo đưa cho tôi ly nước cam:

- Chúc mừng Phương.

Minh Châu hỏi:

- Còn hai bạn thì sao?

Hùng rùn vai:

- Kỳ này có mỗi thằng Tuấn được chọn, tụi này lọt sổ hết.

Tôi vui vẻ ngắm nhìn Hùng và Bảo. Chà, hôm nay hai người ăn mặc đứng đắn ghê, quần sọc thẫm, áo sơ mi nhạt màu bỏ vô quần hẳn hoi, chả bù những lần gặp họ ngoài phố, mô đen thất kinh luôn.

Tuấn chở mẹ về bằng xe đạp. Mẹ Tuấn đã lớn tuổi (vì Tuấn là con út) nhưng trông còn khá trẻ, bà ăn mặc giản dị, quần đen, áo dài màu xanh nhạt, tóc búi cao cài chiếc trâm đồi mồi. Thấy chúng tôi bà mừng rỡ:

- Ồ, Phương và Châu, lâu quá bác mới gặp lại hai cháu, chà, càng lớn hai cháu càng trổ mã đẹp hẳn ra.

Tuấn, Hùng và Bảo phụ hai chị mang thức ăn ra, nhất định không cho tôi và Minh Châu động đến móng tay. Xong xuôi, Tuấn xoa hai tay vào nhau:

- Thôi, chúng ta bắt đầu đi.

Mẹ Tuấn hỏi:

- Ba không về sao con?

Tuấn sửa lại bình hoa:

- Ba bận trực nhưng có hứa sẽ về vào giờ con cắt bánh, mẹ ạ.

Mẹ Tuấn gật gù:

- -Vậy cũng được, nào các cháu, ngồi vào bàn đi.

Minh Châu ngập ngừng:

- Thưa bác, còn hai anh đâu rồi ạ?

Mẹ Tuấn vui vẻ:

- Chúng nó đi picnic cháu ạ, chắc phải tối mới về, chúng ta cứ ăn đi.

Bữa tiệc đơn sơ nhưng thật ngon miệng, chúng tôi được ăn gỏi ngó sen và hủ tiếu Nam Vang do hai chị Xuân và Thu trổ tài.

Đang ăn bỗng Minh Châu giật mình, tôi ngạc nhiên hỏi:

- Gì vậy Châu?

- Chết cha, chiều nay tới phiên tao hứng nước.

- Cho biến đi!

- Biến sao được, tụi nó chửi chết, vả lại tối lấy nước đâu mà tắm.

Thấy nó thấp thỏm, tôi nhíu mày:
- Sao mày không tính trước, đổi cho đứa khác một bữa?
- Tao quên, giờ làm sao đây?
Tôi giữ nó lại:
- Vì lịch sự, bắt buộc mày phải ngồi lại, tối ghé nhà tao tắm rồi rửa tai cho sạch để nghe chúng nó chửi. Ô kê?
Minh Châu thừ người ra, miễn cưỡng gật đầu.
Mẹ Tuấn nhìn chúng tôi:
- Hai cháu có chuyện gì vậy?
- Dạ... không ạ.
- Hai cháu ăn cho no nhé.
- Dạ.
Tuấn nhắc:
- Các bạn nhớ để dành bụng ăn bánh nhé.
Ba của Tuấn về đúng lúc Tuấn thổi tắt mười lăm ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật của mình. Chờ mọi người vỗ tay xong, ba Tuấn đứng ra nói:
- Cách đây mười lăm năm, vào ngày này và cả giờ này nữa - Ông quay sang mẹ Tuấn - phải không em?...
Mẹ Tuấn cảm động gật đầu, ông nói tiếp:
- Vâng, vào giờ này, Tuấn đã ra đời, và hôm nay, để kỷ niệm ngày đáng nhớ đó, các cháu đã đến chung vui với Tuấn và hai bác, hai bác rất cảm kích. Hai bác sinh chúc Tuấn, con trai của hai bác cùng các cháu học thật giỏi và luôn luôn đạt được mọi ước mơ.
Chúng tôi lại vỗ tay. Ba Tuấn lấy trong túi ra một gói nhỏ:
- Đây là quà của ba mẹ tặng Tuấn - Ông mở lớp giấy hoa - một bộ dây đàn violon của Ý, niềm ao ước của Tuấn từ bấy lâu nay nhưng mãi đến bây giờ ba mẹ mới chiều được lòng con.
Minh Châu bấm tay tôi, vậy là món quà của chúng tôi bị trùng lặp mất rồi, nhưng không sao, có hai bộ dây đàn, niềm vui của Tuấn lại được nhân gấp đôi.
Nhìn Tuấn cầm gói quà sung sướng đứng bên ba mẹ, tôi thấy tủi thân quá. Ba mẹ già hơn ba má nhiều, nhưng ẩn trong mắt họ là cả một thời mộng mơ áo trắng đã xa vời, nhưng dường như đang trở về thấp thoáng sau nụ cười hạnh phúc của họ. Sao ba má lại không được như họ nhỉ. Đã có một thời ba má yêu nhau biết bao, sao không vì con mà hai người xích lại cho trái tim non nớt của Thảo Phương ấm nồng qua nỗi xót xa.
Chị Thu mang lên một bình trà:
- Mời các bạn uống trà ăn bánh nhé.
Hùng và Bảo cùng song tấu bài "Múa kiếm" để tặng Tuấn, không hiểu hai anh chàng tập tành làm sao mà vấp lung tung, Minh Châu che miệng khúc khích sau lưng tôi làm tôi cũng tức cười và quên đi nỗi buồn vừa thoáng qua. Tuấn vào nhà đem cây đàn tranh của chị Thu ra để trước mặt Minh Châu, thế là cô nàng trổ hết tài nghệ khiến mọi ngừơi phải sững sờ. Châu đáp ứng tất cả mọi yêu cầu, từ cổ nhạc đến tân nhạc, ngay cả những bài ngoại quốc Châu vẫn diễn tả được bằng hai bàn tay điêu luyện của mình. Thảo nào từ hơn năm nay cô nàng mang danh là "Trùm" của giàn nhạc cũng không ngoa. Đến phiên tôi, vì không có piano, nên tôi hát tặng Tuấn bài "Tuổi mười lăm" của Trương Quang Lục: Em bước vào tuổi mười lăm, bao mới lạ đến dần theo tháng năm. Bao ước vọng và mộng mơ nhẹ nhàng như vần điệu những dòng thơ, dịu dàng như lời mẹ hát ầu ơ..".
Buổi tiệc sinh nhật chấm dứt trong vui vẻ. Minh Châu theo tôi về nhà để tắm. Đã hơn tám giờ tối, chị Hai ra mở cổng, tôi hỏi:
- Ba em về chưa?
- Chưa, à, có lá thư của ông, tôi để trong phòng cô.
Tôi đau đớn gieo mình xuống ghế, lá thư nằm thản nhiên trên mặt bàn như một thách thức tàn nhẫn nhất. Hàng chữ nơi góc bì "Tòa Án Nhân Dân" quen thuộc đã cho tôi biết rằng cuộc hòa giải thứ hai của ba má sắp bắt đầu và với tình trạnh căng thẳng như hiện nay, chắc rồi cũng thất bại thôi.
Nước mắt tôi chảy ràn rụa trên má. Minh Châu đã tắm xong, ái ngại đến ngồi bên tôi:
- Thảo Phương, mày đừng buồn nữa...
Tôi mếu máo:
- Thế nào ba má tao cũng ly hôn Châu ơi!
Minh Châu cầm tay tôi, định lựa lời an ủi nhưng nghĩ mãi không ra, nó ôm chầm lấy tôi và hai đứa cùng khóc.
30-10-1990 
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...