Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Sao băng

Sao băng

Giữa chiến dịch đường số 18, năm 1951, trên đỉnh đèo Thùng, trời mưa như trút. Phong được lệnh cho đơn vị nghỉ ăn trưa. Căng vải bạt hứng nước mưa để nấu cơm. Khó nhất là chụm được lửa đốt những cành khô ướt sũng, anh em bẻ ở trong rừng gom lại. Và quan trọng hơn là giữ cho khói không lên cao, đề phòng máy bay địch.
Đang ăn thì một đoàn dân công nữ vượt lên, vừa gồng gánh leo đèo vừa nói cười vui vẻ. Có người cất tiếng hò:
Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần phục vụ ta nào chịu thua!
Phong nhận thấy chỉ huy đội dân công là một cán bộ nữ. Trông chị này quen quá, đôi mắt to và đen, mái tóc hoe vàng. Ngần ngừ một lúc, Phong đánh bạo hỏi:
- Cô Tâm phải không?
Tâm - người con gái ấy đúng là Tâm - mừng rỡ reo lên:
- Ôi anh Phong! Không ngờ lại gặp anh ở đây!
Tâm cho đội dân công tạm nghỉ. Mưa đã ngớt. Dân công bộ đội hoà vào nhau, trò chuyện râm ran.
Phong và Tâm ngồi bên gốc cây xau xau, hồi tưởng lại những năm tháng cũ.
Khi Tâm 10 tuổi, Phong 12, ở thị xã Hà Đông, hai nhà chỉ cách nhau một bức tường ngăn. Cha Phong và cha Tâm đều là công chức. Năm ấy, Nhật đã đảo chính Pháp. Phong và Tâm thường chuyền tay nhau xem những tập sách tranh Êhông Níppông tuyên truyền cho đời sống Nhật Bản. Loại sách này, trẻ con được lính Nhật phát không. Và anh Giao, anh lớn của Tâm, buổi tối ngồi đầu hè thường đánh đàn băng-giô hát bài Biệt ly rất phổ biến thời ấy. Tình cảm giữa Phong và Tâm đã chớm nở, dịu nhẹ và trong sáng như ban mai. Cho tới khi cha Phong thuyên chuyển về Nam Định, cha Tâm đi Thái Nguyên, hai đứa trẻ lìa xa nhau, trong đầu Phong thường văng vẳng câu hát "Biệt ly, nhớ nhung từ đây...".
- Hiện nay, em công tác ở đâu? - Phong hỏi.
- Em ở Phụ nữ Phú Thọ, đi phục vụ chiến dịch, làm chính trị viên dân công. Có dịp nào anh đến chơi chỗ em. Em nuôi được gà, trồng được su hào, có các món để đãi anh, anh đừng ngại.
Hết chiến dịch, Phong bị thương nhẹ, nằm điều trị ở quân y. Tình cờ bệnh viện dã chiến lại ở gần cơ quan phụ nữ tỉnh. Một hôm, Phong chống gậy đến tìm Tâm. Tâm và chị em cơ quan đón tiếp Phong rất nồng hậu. Tâm thảng thốt hỏi thăm về vết thương của Phong, tự mình giết con gà tăng gia để đãi anh. Rồi hai anh em ra ngồi bên bờ suối.
- Anh Phong hồi ở Hà Nội học trường nào?
- Trường Thăng Long. "Ngàn năm cố nhớ đến ngày xanh chúng ta, sống vui trong Thăng Long học đường nguy nga...". Đấy là bài hát của trường anh. Còn em, em học ở đâu?
- Trường Hoài Đức, toàn nữ sinh cả.
Phong xuýt xoa:
- Cùng ở Hà Nội cả mà anh chẳng gặp em lần nào!
Tâm cười, đôi mắt nheo nheo rất tinh nghịch:
- Thì bây giờ gặp rồi còn gì!
Hai người di chuyển từ hòn đá này sang hòn đá kia để tránh nắng, nói với nhau những chuyện đâu đâu, mà chẳng dám hỏi nhau đã có người yêu chưa.
Tâm bỗng hỏi:
- Anh Phong biết bài hát La Jeune Garde chứ?
- Biết, bài ca của Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp.
- Nào, ta hát nhé!
Tâm nói rồi cất giọng hát: "Nous sommes la Jeune Garde. Nous sommes les gars de l'avenir E'levés dans la souffrance, oui nous saurons vaincre ou mourir...": (Chúng ta là Thanh niên Cận vệ. Chúng ta là những chàng trai của tương lai. Được rèn trong đau khổ, vâng, chúng ta sẽ biết chiến thắng hoặc là chết...".
Hai người vừa nhìn vào mắt nhau vừa hát. Nắng vàng rỡ trên mái tóc vàng hoe của Tâm. Phong đôi lúc ngắc ngứ vì quên lời, khiến Tâm phải nhắc.
Chiều tối, Tâm tiễn Phong về bệnh viện. Cô quàng cho anh một tấm khăn mỏng, để chống lạnh.
Đêm ấy, Phong cởi khăn quàng cổ để đi ngủ, thấy phảng phất mùi nước hoa dìu dịu. Tâm đã gửi ý tình vào hương thơm này chăng? Anh không chợp được mắt vì nghĩ nhiều đến Tâm, đến những ngày thơ bé, những năm Tâm 10 tuổi và anh 12 tuổi.
° ° °
Ngày 6 tháng 1 năm sau, đúng dịp sinh nhật lần thứ 21 của Tâm, Phong ghé thăm nhà cô và gặp cô ở đó. Anh chưa kịp đặt balô, Tâm đã reo lên kéo tay anh gọi mẹ:
- Mẹ ơi, nhà mình có khách! Anh Phong con bác Phán ở Hà Đông ngày xưa đấy mẹ ạ.
Mẹ Tâm từ dưới bếp chạy lên, vồn vã:
- Cậu Phong đây à? Nếu gặp ngoài đường thì chẳng thể nhận ra. Hai bác vẫn mạnh khoẻ chứ cậu?
- Vâng. Thầy mẹ cháu tản cư vào Thanh Hoá, cũng vất vả lắm.
Cha Tâm nghỉ việc từ sau Cách mạng tháng Tám, tậu được cái đồn điền nhỏ ở vùng đồi núi này, trồng chè trồng sắn nuôi gia đình. Anh Giao, người hay đánh đàn băng-giô bài Biệt ly ngày xưa, nay đã là một thầy giáo. Còn hai em gái Tâm thì trọ ở nhà dân, đang học trường cấp ba ở huyện. Tóm lại gia đình vẫn nguyên vẹn, mặc dầu kháng chiến gian khổ.
Mẹ Tâm giết gà đãi khách. Lâu lắm Phong mới được chan nước xuýt gà vắt chanh, sao mà ngon thế. Anh bỗng nhớ đến mẹ mình. Theo tin tức nhận được, mẹ anh ở nơi tản cư cũng cuốc đất làm vườn, trồng rau trồng mía.
- Cậu Phong đã có đám nào chưa? Bộ đội trẻ như cậu khối cô để ý đấy!
Tâm hơi đỏ mặt vì câu hỏi của mẹ mình.
- Cháu còn chờ độc lập, bác ạ.
Phong đáp, mà thấy nóng ran ở hai tai.
Sau bữa cơm tối, gia đình Tâm lánh lên nhà trên để hai bạn trẻ chuyện trò. Trời lạnh, Tâm đốt một đống củi. AÁnh lửa hồng hắt lên mặt cô, sao mà xinh thế. Có lúc Phong cứ lặng im ngắm nhìn Tâm, chẳng nói được câu nào. Bỗng nhiên Tâm mở đầu:
- Em sắp chuyển công tác anh ạ, về Tỉnh hội Phụ nữ Bắc Ninh.
- Bắc Ninh tạm bị chiếm nhiều...
- Vâng. Nhưng phong trào ở đây hay lắm. Đội nữ dân công em phụ trách vừa rồi, nhiều cô ở địch hậu Bắc Ninh ra đấy. Em muốn thử sức mình.
- Tâm lúc nào cũng liều lĩnh.
- Anh định ngăn em à? Anh buồn cười thật. Em cũng phải xung phong như bộ đội các anh chứ.
- Đời nào anh lại ngăn Tâm. Nhưng em phải rất thận trọng. Công tác vùng địch hậu mà bồng bột như Tâm thì dễ gặp nguy hiểm lắm.
- Anh yên tâm. Còn có các chị ở đó bày cho kinh nghiệm. Với lại "nous saurons vaincre..." (chúng ta sẽ biết chiến thắng) cơ mà, anh vẫn nhớ bài hát ấy chứ?
Phong bỗng nhói trong lòng một nỗi lo. Nguyên văn câu hát là: "Chúng ta sẽ biết chiến thắng hoặc là chết", Tâm chỉ nhắc lại nửa câu đầu.
Than đã rực hồng. Tâm bóc mấy củ sắn, gói giấy báo cho vào nướng. Những khúc sắn chín thơm giòn. Tâm rút hết lõi sắn, lấy thìa rót mỡ nước vào, thêm vài hạt muối. Ăn ngon tuyệt.
- Đó là patê nóng, bánh quà sinh nhật của em đấy!
Phong sững người nhìn Tâm. Anh vẫn miên man lo cho công tác mới của cô.
Rồi Tâm lại kéo Phong vào ca hát. Hết Suối mơ lại Ca ngợi Xtalin, lại Thanh niên cận vệ...
Khuya quá rồi. Tâm dẫn Phong ra sườn đồi ngắm trời sao.
- Đẹp quá anh ạ. Kìa, một ngôi sao băng kìa!
Mẹ Tâm từ nhà trên xuống nhắc:
- Tâm ơi, để cậu Phong đi nghỉ.
Tâm lấy cái màn cá nhân mắc trên chiếc chõng tre, cô giải thêm tấm bạt cho khỏi lạnh.
- Anh nghỉ ở đây nhé. Để em tiếp thêm ít củi cho anh ấm.
Tâm đã lên nhà trên rồi. Phong nằm nghe củi cháy tí tách, lòng tràn ngập một tình cảm khó tả, được một cô gái thân yêu chăm sóc, và ngày mai lại phải chia tay.
Sớm hôm sau, mẹ Tâm nấu cơm nếp để tiễn khách. Khi chỉ có hai đứa ngồi bên nhau, Tâm khẽ hỏi:
- Anh Phong có điều gì cần nói không?
Đáng lẽ là một câu tỏ tình âu yếm thì Phong lại mở balô ra nói:
- Em cầm lấy tấm vải dù này, vừa để ngụy trang vừa để làm chăn đắp.
Tâm cũng lấy ra một cái mũ len màu nâu cô mới đan:
- Anh đội chiếc mũ này, những đêm hành quân lạnh, để nhớ đến em. Anh đi, nhiều cố gắng và nhiều thành công nhé!
Hai người bắt tay nhau, nắm chặt. Phong nhìn vào mắt Tâm, đôi mắt ấy nói thật nhiều.
Gần hai năm sau, một tai nạn vu vơ đã cướp đi mạng sống của Phong. Trong một đêm trú quân ngủ rừng, Phong đã bị rắn độc cắn. Đó là sự trớ trêu của số phận.
Mất đi một mối tình đẹp, Tâm lấy chồng rất muộn. Sau này, cô sống hạnh phúc với chồng con, nhưng trong bầu trời tình cảm cô, Phong như một ngôi sao băng bay ngang qua, ánh sáng của ngôi sao ấy mãi mãi không bao giờ tắt.
Vũ Tú Nam
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...