Vỡ đê 1
PHẦN THỨ NHẤT
CHƯƠNG I
Phú uống vội bát nước vối nóng, cầm cái tăm bỏ miệng, rồi xách cái ghế mây ra sân, để chỗ dưới gốc lựu. Chàng đứng tần ngần như lãng quên một điều gì mà chưa nhớ ngay ra được, rồi lại đi vào nhà cầm một tờ nhật báo ra. Chàng ngồi xuống ghế, chân bắt chữ ngũ, cổ ngửa trên thành ghế, rộng mở tờ báo...
Cái tin một ủy ban đã làm việc suốt ngày đêm để có thể kịp gửi những hồ sơ của
chính trị phạm về cho quan Tổng trưởng thuộc địa khiến Phú sung sướng mỉm cười
một mình, cái tăm rơi xuống đất mà không biết. Chàng ngồi ngay ngắn lên, nhìn
vào bếp gọi:
- Đẻ ơi đẻ! Sướng quá, đẻ ạ!
Bà Cử lúc ấy đương ngồi đun xanh cám lợn, thấy con gọi thì ngơ ngác quay ra đáp
bằng một giọng hơi gắt:
- Cái gì thế?
Giọng chua chát của mẹ làm cho Phú hơi cụt hứng và hơi giận mẹ. Nhưng chợt nghĩ
đến cảnh bần hàn bảy năm nay nó làm cho mẹ chàng hóa cấm cảu, khó chịu thì Phú
lại động lòng thương. Chàng chạy xuống bếp, nói:
- Đẻ ạ, con chắc anh con sắp được tha!
Bà Cử ngơ ngác, trước thì còn hoài nghi, mà sau thì không tin nữa. Bà lại quay
mặt nhìn vào xanh cám, hời hợt đáp:
- Mày chỉ được cái chuyện nhảm.
Phú vẫn cười, cố làm cho mẹ tin:
- Báo đăng rồi đấy mà! Hiện quan trên đương xét hồ sơ những người cách mệnh, để
bên ấy xét rồi tha cho. Bây giờ ở bên Tây có sự thay đổi, đảng Xã hội và đảng Cộng
sản...
Phú nói đến đấy thì bà mẹ cắt đứt:
- Thôi tao không chuyện rườm!
Bực mình, Phú lại ra ngồi ghế mây ngoài sân. Chàng không biết tìm cách nào làm
cho mẹ chàng hiểu nổi. Rồi chàng thấy rằng một người đã chịu đau khổ như mẹ
chàng đến nỗi không còn tin gì nữa, không còn dám hy vọng gì nữa, thì cũng
không lạ gì. Phú ngẫu nhiên ôn lại quãng đời xưa...
Từ khi Phú còn nhỏ lắm, phụ thân của chàng, ông Cử, đã bị bắt và bị đày đi Côn
Đảo. Từ đấy, mẹ chàng vẫn can đảm sống bằng nghề quay tơ mà nuôi nổi ba con:
Minh, anh Phú, Tuất, chị Phú và Phú. Rồi anh Minh được bổ đi dạy học, rồi chị
Tuất đi lấy chồng, rồi Phú vào trường trung học. Cuộc đời đã tưởng tốt đẹp.
Công khó nhọc của bà Cử tưởng đã được đền bù... nào ngờ chưa được hai năm nhàn
hạ thì Minh bị bắt, vào năm 1930 là năm Việt Nam Quốc dân đảng vỡ lở. Năm sau nữa
Tuất góa chồng, quay về ở với mẹ với một đứa con thơ... Phú học đến năm thứ ba
trường trung học thì cảnh túng thiếu khiến chàng phải bỏ đèn sách. Bà Cử cứ mỗi
ngày một nhiều nợ thêm lên, già đi, hóa ra khó chịu thêm... Phú không kiếm được
việc làm, không biết học nghề gì cả, đành về quê nhà đóng cái vai trí thức thất
nghiệp trong hương thôn. Bà Cử từ đấy tuyệt vọng, lấy sống làm vui, cả đến sự
no ấm cũng không dám ao ước nữa.
Một phiên tòa Đề hình đã kết án giáo Minh 15 năm tội đồ. Bà Cử không dám hy vọng
đến cái thời xa lắc xa lơ kia mà coi con mình như đã chết hoặc trước khi con
mãn hạn tù, thì bà cũng đã chết.
Ngày nay...
Thốt nhiên Phú kêu anh mình sắp được tha! Như vậy kể cũng khó tin thật. Phú chỉ
còn cách cắt nghĩa cho kỹ nhưng không bao giờ bà Cử lại chịu để cho Phú cắt
nghĩa. Mỗi khi nghe thấy Phú nói đến: "Đảng cộng sản bên Pháp" thì bà
Cử lại giật nẩy mình lên đánh thót một cái và không cho Phú được nói tiếp. Bà sợ
con bà sẽ bị vạ miệng. Bà cho con bà sắp hóa dại, hoặc nói chuyện làm quà.
Nghĩ thế, Phú tức lắm. Phú lại muốn vào bếp nói kỹ càng cho mẹ hiểu, để mẹ có
hy vọng, để mẹ đỡ khổ, để mẹ được một chút vui mừng. Nhưng chợt một tư tưởng
thoáng qua làm cho Phú vừa đứng lên lại ngồi xuống ghế. Liệu Minh có được tha về
nay mai không hay là người ta sẽ giảm hạn tù từ 15 năm xuống độ 10 năm mà thôi?
Nếu vậy, có nên nói với mẹ không? Phú sợ ngộ cái ảo tưởng của Phú sẽ làm cho
Phú nói rõ thì mẹ chàng sẽ vì đó mà lại càng buồn bã hơn xưa. Chàng nghĩ thầm:
"âu là chờ bao giờ có đích xác vậy".
Gió hây hây thổi, đã có cái vẻ heo may. Nắng chiều rọi qua rặng tre ở góc sân
in lên vách nhà hình bóng một cành tre đẹp như trong những tranh thủy mạc Tầu,
lại còn rung rinh hoạt động nữa. Những mẩu lá tre úa rụng lả tả xuống sân, trước
khi rơi xuống đất cứ quay tít theo chiều một chiếc ngư lôi vừa bị bắn ra khỏi
miệng súng. Một cành lựu bị gió đẩy thỉnh thoảng lại chạm vào tai Phú, tinh
quái như một người nhân tình.
Phú nhìn lên trời, nhìn những đám mây thiên hình vạn trạng, nhìn kỹ cả những
hình tròn tròn hiện trên da trời - phản ảnh của con người mà tầm mục quan chỉ đến
được đấy thì hắt trở lại. Một cái diều vo vo những tiếng sáo như bị treo lưng
chừng mây, trông như một vầng trăng đen, khiến Phú ngẫu nhiên có những cảm tưởng
man mác buồn. Chàng bỗng tủi cho thân thế.
Phú đã 24 tuổi đầu mà còn cứ phải ăn hại mẹ, mà người mẹ khốn khổ, nghèo xơ
nghèo xác! Chàng có một khối óc sáng suốt để suy nghĩ mà không biết để suy nghĩ
vào việc gì cả. Chàng có hai cánh tay khỏe mạnh sẵn sàng làm việc mà xã hội
không thèm mượn đến, không cắt cho một việc gì cả. Sự mầu nhiệm của tạo hóa, sự
mang nặng đẻ đau của bà Cử, bao nhiêu công ăn học của Phú, ngần ấy cái chỉ kết
quả nên Phú là một người thừa... Phú thấy rằng cái xã hội như vậy phải cải
cách, không thể để thế được nữa. Cải cách? Chỉ còn có một đường là: không sợ chết,
như những người đã há sinh cả tính mệnh lẫn con khôn vợ đẹp. Há sinh thì cũng
không thể biết trước kết quả sẽ thế nào, song đã muốn thì phải há sinh... Khốn
nỗi Minh đã há sinh mất rồi, đã để lại một cảnh gia đình tiều tụy, để lại một mẹ
già chỉ còn có trông cậy ở Phú. Chàng thấy nếu không liều thì chỉ là người hèn
nhát, mà liều thì sẽ phạm tội đại bất hiếu với mẹ - thật là tiến thoái lưỡng
nan...
Phú đã sống những ngày buồn bực, cực khổ.
Nhưng nay, thời cục đã làm cho Phú được phép lạc quan. Cũng như những người trí
thức hiểu đời, Phú rất hy vọng vào Chính phủ Bình Dân Pháp. Xưa kia Phú không
bao giờ dám hy vọng đến cái hy vọng ấy, nên chi khi thấy nay hy vọng kia đã hiện
ra sự thực, thì Phú cũng vẫn phải hơi lo sợ, hơi nghi ngờ, mặc lòng rằng không
dám tin vững thì chàng khổ sở lắm, và chàng không muốn phải nghi hoặc một phút
bao giờ. Hằng ngày, những tin tức của Chính phủ Bình Dân bên Pháp càng làm cho
Phú chứa chan hy vọng. Chàng cảm thấy rằng cái "sự không hiểu nhau" của
hai dân tộc thế là không còn có nữa - Người bị chinh phục đã có thể coi kẻ đến
chinh phục như ân nhân của mình nếu mình không muốn bị một kẻ thù khác nữa, nếu
mình không muốn bị diệt chủng hoặc bị tái nô. Cái việc có một không hai trong lịch
sử nước Pháp là cuộc toàn thắng của thuyền thợ và nông dân, làm cho Phú được dịp
nhận thấy rằng cái quan niệm quốc gia của chàng là hẹp hòi, là sai lầm, và có tội
nặng nữa. Một nước Việt Nam độc lập trong đó có một ông vua độc lập hay một ông
tổng thống Việt Nam, mà tựu trung vẫn không chắc giữ vững được bờ cõi, hoặc là
vẫn để cho dân quê ngu dốt, đói khát lầm than thì quả nhiên không khi nào bằng
một nước Việt Nam hộ thuộc của một nước Pháp trọng công lý hơn, của một nước
Pháp nhân đạo hơn.
Một con gà mái vừa cục cục vừa dắt díu mười hai con gà con đến chỗ trước mặt
Phú làm cho sự mơ màng của chàng phải gián đoạn.
Phú nhìn những con gà con mới nở xinh xinh, mỗi con trông như một cuộn nhung
vàng ấy, mà thích chí quá, chỉ những muốn bắt để kề vào miệng, hôn... Chàng tự
cười mình vì đã đi mượn mấy cuốn sách dạy nuôi gà, hy vọng giúp đỡ mẹ bằng cách
nuôi gà theo phương pháp mới. Chàng lại nghĩ đến cái vườn rau một sào do chính
tay chàng trông nom tưới bón theo những phương pháp khoa học, cũng do cái kiêu
ngạo muốn giúp mẹ mà bày ra hai tháng rưỡi rồi kết quả vẫn chẳng thấy đâu vào
đâu... Phú nghĩ thầm: "Nay mai ta sẽ được gánh vác những bổn phận nặng nề
hơn, ta sẽ được góp sức vào làm những công việc vĩ đại hơn". Phú nghĩ thế
là vì cái hy vọng nếu ông toàn quyền mới mà sang nhậm chức thì nước nhà sẽ được
hưởng những sự cải cách lớn, Phú sẽ góp sức vào cuộc nâng cao trình độ tri thức
và nhân sinh của dân quê, đạp đổ những hủ tục, giáo hóa cho nông dân có quan niệm
về chính trị, truyền bá khoa học cho lan rộng, tổ chức những chính đảng, những
nghiệp đoàn... Phú nghĩ thế rồi lại phải thôi, e mình mơ mộng nhiều quá.
Cô Tuất về, với đống quần áo và đứa bé con trần truồng đeo sau lưng, Phú hỏi:
- Chị đã tắm cho cháu rồi? Bé ơi, ra đây với cậu.
Cô Tuất vừa đi vào nhà vừa nói:
- Ấy ông thủ ông ấy nhắn rằng cậu đọc báo xong chưa thì cho ông ấy mượn đấy.
- Đã xong đâu, tôi vừa mượn được có một lát.
Phú lại tìm tòi trong trang báo và nét mặt lộ đầy những vẻ sung sướng khi thấy
bài phỏng vấn quan tổng trưởng Moutet của bà André Viollia. Chàng miệt mài như
người ta đọc thư của nhân tình. Bỗng ngoài ngõ có tiếng hỏi:
- Bác Phú ơi, nhật trình có gì lạ không?
Phú vẫn cúi xuống tờ báo mà đáp:
- Ông vào chơi! Thú vị lắm ông ạ, quan toàn quyền và quan thống sứ cũng định
xin đại xá cho hết thảy chính trị phạm. Thật là một tin mừng không ai ngờ.
Ông thủ quỹ, một người đứng tuổi, vẻ mặt tỏ ra là chỉ có nho học, tất tưởi bước
nhanh vào, hỏi dồn:
- Đâu? Đâu?
Phú giơ tờ báo ra, nói:
- Đây này!
Ông thủ đọc ba phút rồi ngơ ngác như bị mất cắp:
- Lạ nhỉ! Tôi không ngờ đấy!
Phú đứng lên nhường ghế, nói một cách kiêu ngạo:
- Tôi vẫn bảo ông cứ nên tin vững ở nội các Bình Dân kia mà.
- À, đây là ảnh quan tổng trưởng mới!
- Phải, từ khi đảng Xã hội còn kém thế, quan tổng trưởng lúc ấy chỉ mới là một
ông nghị, cũng đã nhiều lần lên diễn đàn cãi cho Đông Dương. Chúng ta có hy vọng
nhiều lắm.
- Bác đã thưa chuyện cho cụ Cử nhà rõ tin rằng...
- Chưa, để đích xác hơn đã. Tôi sợ anh tôi không được về hẳn, hoặc là chỉ được
giảm hạn thì đẻ tôi lại buồn thêm. Ông thủ châu đầu xuống tờ báo, chăm chú đọc,
Phú vào nhà lấy thêm cái ghế mây nữa ra sân. Giữa lúc ấy, ngoài ngõ có tiếng
người:
- Thủ quỹ trong này đây phỏng?
- À, kìa ông lý! Ông lên quan về có việc gì lạ đấy không?
Ông lý vào, lắc đầu, thất vọng:
- Nguy lắm! Nước lên to lắm. Quan sở tại đòi riêng làng nhà phải có ít ra là
năm chục phu đi tạp dịch.
Ông thủ nói:
- Năm chục thì đào đâu ra? Làng ta còn bao nhiêu bạch đinh? Chả nhẽ có chân tư
vấn cũng phải đi hộ đê.
Ông lý cau có:
- Thế mới rầy rà! Lại còn bao nhiêu người vắng mặt là khác! Quan bảo đứa nào đi
vắng thì đã có vợ con chúng nó thay! Cậu Phú ạ, việc quan tôi cứ phép công tôi
làm, âu là ai không có chân tư văn tôi bắt đi ráo cả một lượt vậy.
Phú cười khanh khách:
- Thôi thế thì tôi phải đi rồi!
- Chứ gì! Tôi chẳng nể ai cả, vì nếu thiên tư thì không xong.
CHƯƠNG II
Bình tĩnh và khoan hòa trên một ngọn xoan, mặt giăng soi sáng cái sân có sáu người, đem vào cho tâm hồn của sáu người sự vui vẻ, sự minh mẫn. Ngồi nép vào ria chiếu, sau Phú, cô Tuất bóc những củ lạc luộc rồi thỉnh thoảng với tay lại sau lưng... Thằng cu Hiền đứng ôm lấy mẹ, há mồm đớp một cách vụng dại đáng yêu, mỗi khi đớp lại để chảy một sợi nước rãi vào cổ mẹ, và một khi được nhân lạc lại ôm chặt lấy cổ mẹ, run rẩy hai cái chân mũm mĩm dài bằng gang tay, miệng kêu "Ông! Ông! Ông!..." để bắt chước một ông lý cưỡi ngựa.
Trước mặt Phú là ông thủ quỹ, bác hộ lại, và anh hai Cò - một giai làng, một kẻ
vô nghĩa lý mà chỗ nào người ta cũng thấy có mặt, mà có mặt ở chỗ nào thì người
ta cũng chẳng biết là có mặt hay vắng mặt, một kẻ không được yêu, chẳng bị
ghét, cả đến bị khinh bỉ nữa cũng không, một thứ người đần độn mà ở nhà nào có
việc thì người ta cũng thấy ngồi thái thịt dưới bếp.
Ông thủ quỹ hỏi Phú về chuyện thế giới. Bác hộ lại kể những chuyện quan trên ở
phủ này sức cho dân phải uống rượu ra làm sao, ở huyện kia một con lợn bao
nhiêu chai, một con bò bao nhiêu chai... Người ta phàn nàn cho ông lý đã lỗ mất
hai trăm bạc vào vụ thuế tháng năm vừa rồi mà bây giờ lại bị giày vò bởi cái vấn
đề đê điều có lắm chuyện rắc rối. Cả hai người đều cùng một giọng than phiền về
nạn khủng hoảng kinh tế, về những sự đau khổ của dân quê, cho nên khi thấy Phú
cắt nghĩa cho nghe cái hy vọng ông toàn quyền mới sang nhận chức sẽ có nhiều điều
cải cách hay, thì ai cũng phải tạm dẹp bớt những nỗi bất bình. Tuy nhiên bác hộ
lại vẫn ra vẻ hoài nghi mà rằng:
- Bác Phú nói thế thì tôi cũng đành phải tin như thế. Đã bao nhiêu lần tôi thấy
nói ông toàn quyền này sang với ông toàn quyền kia sang! Mỗi lần thay đổi một vị
thủ hiến thì thấy ai cũng nói sẽ có sự thay đổi chính sách, sẽ có sự cải cách
chế độ, dân gian lại hy vọng... Rồi thì đâu lại hoàn đấy cả.
Ông thủ quỹ họa theo:
- Ừ, mà quả thế đấy! Ừ nhỉ! Chính tôi đây chứ phải ai? Tôi đã bao nhiêu phen thất
vọng rồi, vậy mà tôi cũng vẫn cứ còn sức hy vọng mãi, như trăm nghìn kẻ khác đấy.
Họ dứ mình y như là dứ trẻ con, mà mình thì lần nào mình cũng tin y như trẻ
con!
Trước những luận điệu như thế, Phú cũng thấy sự tín ngưỡng của mình có bề lung
lay, không dám cam đoan nữa. Chàng bình tĩnh nói:
- Phải tin chứ! Phải tin mới sống được chứ!
Bác hộ lại nói một cách hằn học:
- Những kẻ không tin thì đã đi Côn Đảo cả mất rồi còn gì!
Ông thủ quỹ nói:
- Ừ, mà người ta ai chả thế? Ai chả sống, vì hy vọng?
Phú cố hòa giải:
- Không, lần này thì tôi tưởng chúng ta không đến nỗi mơ ước hão đâu. Xưa kia
cũng đã có nhiều cuộc cải cách đấy, song chưa đến cùng dân được là vì...
- Bao nhiêu lần cải cách rồi mà dân quê vẫn chết đói một cách thỏa mãn lắm!
- Là vì xưa kia, bên Tây, quyền chính chưa vào tay phái Bình Dân. Xưa kia bọn
tư bản chủ trương mọi việc, tất nhiên thuộc địa đối với họ chỉ là chỗ để lấy lợi,
mà đã thế, tất nhiên dân mình phải khổ. Bây giờ đảng Xã hội lên cầm quyền thì
phải khác, vì chủ nghĩa xã hội có tính cách đại đồng, chủ trương hòa bình,
không phân biệt màu da. Trong chương trình của đảng Xã hội có khoản giải phóng
thuộc địa, cho những dân hậu tiến được hưởng công lý và tự do để có thể cho tất
cả các thuộc địa cùng với mẫu quốc hợp lại thành một khối bất khả lá tán, cùng
một mối đồng tâm ghê gớm... Có được như vậy thì nước Pháp mới giữ mãi được cái
địa vị cao trọng trong thế giới. Bằng không thì...
Ông thủ quỹ nói luôn:
- Bằng không thì ắt là có phen mất!
Ông hộ lại bàn:
- Cái đó có thể lắm. Vì nước Pháp được tiếng là có nhiều thuộc địa béo bở cho
nên những cường quốc khác lăm le thèm muốn đã rõ rệt lắm. Nếu không giữ được
lòng trung thành của dân tộc thuộc địa thì lấy gì mà chống lại với những sự ham
muốn của các cường quốc kia? Một cuộc binh đao, một cuộc xâm chiếm... ai biết
trước được sự thắng bại thế nào!
- Ừ! Ừ... Mà hiện giờ thì nước Nhật...
- Ờ! Mà nếu vậy thì ra đảng Xã hội mà có giải phóng cho thuộc địa thì cũng là
điều cần chứ chưa chắc đã phải là vì lòng nhân đạo muốn cho hậu tiến mau bước
trên đường văn minh!
Tóm lấy những lời lẽ ấy, Phú vội kết luận:
- Ấy chính vì những lẽ ấy cho nên tôi mới dám hy vọng vào ông toàn quyền mới đấy
mà! Ông này cũng có chân trong đảng Xã hội như ông Varenne năm xưa. Đảng Xã hội
cho các lối áp chế thuộc địa của phái tư bản là thất sách, là có hại cho nước
Pháp, vì những chính sách hà khắc sẽ dắt đến sự công phẫn và sự mất thuộc địa,
nên họ muốn cho thuộc địa càng được hưởng nhiều sự cải cách thì dân đen, dân
vàng càng yêu họ hơn, càng trung thành với nước Pháp hơn...
Ông thủ quỹ, bác hộ lại gật gù ra vẻ bằng lòng. Hai người đã được yên tâm về chỗ:
nên hy vọng. Riêng Phú, chàng thấy rất đáng tự kiêu ở việc chàng bao lâu nay vẫn
cứ ngấm ngầm mà giáo hóa được bọn dàn anh trong làng, làm cho họ có một quan niệm
về quốc gia, có những tư tưởng xã hội và biết rõ cái guồng máy chính trị của xứ
sở. Chàng nghĩ thầm: "Nếu người dân quê nào cũng biết sự đời được như ông
thủ quỹ và bác hộ lại này thì tương lai nước nhà trông chừng cũng khả
quan".
Sở dĩ có ý nghĩ ấy là vì mấy năm trước đây khi chàng mới về quê ở với mẹ, thì
trình độ trí thức của mấy ông đàn anh trong làng thật là thảm hại. Trong cả một
làng chỉ có độ hai chục người biết chữ, cả quốc ngữ lẫn chữ nho, trong số ấy
không có một người nào đọc mà lại hiểu nổi một tờ nhật trình hàng ngày, cả làng
chỉ có một người mua năm một tờ báo. Người ta tranh nhau đọc báo nhưng mà đọc
cái gì? Trước nhất là đọc những tiểu thuyết hoang đường quái kiệt. Rồi đến những
tin vặt, nạn xe cộ, trộm cướp, những vụ hiếp dâm. Không bao giờ họ hiểu thế giới
là gì cả. Những chữ như: hội Quốc Liên, chính phủ Xô Viết, đảng Xã hội, Nhật đế
quốc, phát xít, Hitler, Cộng Hòa v.v... đối với họ đều là những danh từ không
có nghĩa. Cho nên gặp những khi thấy nhật trình đăng những tin đại khái
như: Tưởng Giới Thạch đi tiễu trừ cộng sản... Thủ tướng Herriot chủ trương
thuyết thân thiện với nước Nga... vụ cờ đỏ ở Cao Bằng, 30 người bị bắt... Nga-
Pháp đã ký hiệp ước đồng minh v.v... thì họ ngạc nhiên, thì họ hãi hùng,
thì họ kinh hoảng... Không ai cắt nghĩa cho họ hiểu cả. Ngạc nhiên, hãi hùng,
kinh hoảng mãi cũng vô bổ, dần dần họ không thèm để ý đến những tin tức như đã
kể trên. Vị lẽ ngoài những điều ấy, nhật báo cũng vẫn có những truyện lợn đẻ ra
voi, rắn đẻ ra gà, nên chi họ vẫn tranh nhau đọc báo.
Cái chính sách ngu dân đã đắc thắng một cách hoàn toàn.
Bây giờ, sự vật đã thay đổi hẳn. Nhờ có Phú, ông thủ quỹ đã biết sung sướng khi
đọc thấy những dòng: Đảng Cấp tiến, đảng Xã hội, đảng Cộng sản ở Pháp đã hợp
nhất để lập một chiến tuyến Bình dân. Ông lý trưởng đã lo con giai cả của ông sẽ
phải gọi ra lính khi thấy trên báo có tin: Nước Đức đem quân vào phi chiến
khu... Bác hộ lại đã bất bình vô cùng khi thấy đăng: Nhật và Nga đã
ký hiệp ước bất xâm phạm, vì cái chủ trương của bác ta chỉ là thế giới chiến
tranh cho hết khủng hoảng kinh tế.
Người ta bắt đầu ham đọc những bài xã thuyết chính trị, kinh tế can hệ cho nước
nhà, hoặc việc của nước ngoài.
Người ta bắt đầu khinh bỉ những chuyện hoang đường, những chuyện quái đản, những
tin chó chết, mục "Xuân thủ đàm ân"...
Người ta đã hơi hiểu những sự gì can hệ, những sự gì phù phiếm.
Sở dĩ có sự tiến bộ ấy là chỉ bởi một mình Phú nên Phú lấy chỗ ấy làm tự hào lắm,
và cũng được đền bù lại vì cả làng đều coi Phú là một bậc trí thức.
Mối hoài bão gửi vào ông toàn quyền mới khiến ba người ngừng chuyện, mơ màng ngửa
cổ nhìn lên cung trăng. Trên không ngẫu nhiên có một đám mây có hình một cái đầu
rồng đương vờn mặt trăng là một viên ngọc. Thằng cu Hiền kêu "Ông, ông,
ông"càng to hơn trước, hình như con ngựa tưởng tượng của nó đương phóng nước
đại. Cô Tuất khoan thai vấn lại mớ tóc rối loạn trên đầu. Trong nhà, cụ Cử vẫn
ngồi làm vàng, thoăn thoắt không ngừng tay. Phú tưởng đến sự vui của gia đình,
nếu nay mai Minh được tha hẳn.
Chợt có tiếng giày kêu ngoài ngõ. Mấy người nhìn ra... Ông chánh Mận đi vào...
- Chào các quan! Bác Phú hẳn chưa đi ngủ! à, họp đây mà!
- Chào ông chánh! Ông ngồi chơi đây! Ngắm trăng suông tuy vậy cũng có một cái
thú...
Cả bọn dọn chỗ cho ông chánh ngồi. Anh hai Cò bỏ hẳn chiếu, kều được cái mo cau
sau lưng thì lổm ngổm lùi về đằng sau rồi ngồi lên. Cô Tuất chào qua khách một
câu rồi ẵm con vào buồng với bà cụ Cử. Phú rót một chén nước, đẩy cái điếu về
phía ông chánh Mận. Ông này nhìn vào nhà, cất cao giọng:
- Lạy cụ ạ! Cụ chưa đi nghỉ...
Không ngừng tay cuốn những thoi vàng, cụ Cử thản nhiên nói với ra:
- Không dám, chào ông, ông sang chơi.
Thế rồi bốn bề lặng im.
Sự ông chánh Mận có mặt tại đó làm cho mấy người cụt hứng.
Là vì ông chánh là người giàu nhất làng. Ông đã mãn khóa rồi, nhưng ở xã hội
ta, mỗi khi ai có được một chức gì thì sẽ giữ chức ấy được mãi cho đến lúc chết,
cũng như những ông quan vì hối lộ mà mất quan, mà phải tù, thì cũng vẫn được gọi
và vẫn cứ nhận mãi mãi là quan. Tính nết ông này thật khó hiểu. Độc ác không ra
độc ác, hiền lành không ra hiền lành. Lắm lúc hoang ra phết, lắm lúc lại bẩn thỉu
đáo để. Có khi sính làm quan, có khi rộng miệng cả tiếng mạt sát những kẻ thích
quan.
Phú không ghét ông chánh Mận vì cái vô học của ông, song vì ông ta giàu. Thế mà
mấy tháng trước đây, chàng đã phải ở vào một cảnh ngộ khó xử. Chị Tuất đã hỏi
Phú rằng "Ông Mận hỏi tôi làm vợ kế đấy thì cậu tính sao?". Phú không
dám có một ý kiến gì cả, sợ cái trách nhiệm về sau, bảo chị cứ nghĩ cho chín rồi
liệu mà quyết định. Cụ Cử kêu con gái đến lúc đã rổ rế cạp lại thì cụ cũng chẳng
nói gì vào đấy, cũng cho tùy lòng... Cụ chỉ kêu: "Chỉ bực nỗi người ta
giàu có, khó nghĩ lắm". Một đường thì thủ tiết nuôi con mà ăn hại mẹ, một
đường thì trả lại đứa con cho gia đình nhà chồng rồi đi cải giá, sẽ làm mẹ đứa
bé khác... Tuất thấy đường nào cũng đầy rẫy chông gai nên đã để mấy tháng lưỡng
lự. Mà ông chánh thì cứ giục điên, nay tin đi mai tin về...
Thoạt đầu Phú đâm ra ghét ngọt ông chánh. Nhưng khi nghĩ người ta giàu và hỏi
chị mình, thế không đáng tội, thì chàng nguôi nguôi.
Thấy rằng nếu vồ vập ông chánh Mận là vô ý thức, lúc ấy Phú hết sức lãnh đạm.
Sau, thấy thái độ ấy có lẽ quá đáng, chàng lại phải hời hợt mà rằng:
- Kìa nước đương nóng, ông xơi đi! Thuốc đây, điếu đây... Ông không có chuyện
gì lạ đấy chứ?
CHƯƠNG III
C
ái sân gạch bát tràng là vật sở hữu hoàn toàn của chín con gà
con và con gà mẹ. Với những tiếng kêu cục cục vừa hiền từ vừa nghiêm nghị như
những câu ra lệnh cho kẻ dưới, với hai cánh buông sã xuống như tà áo buộc thắt
đáy của người đàn bà đảm đang lúc vội việc, con gà mẹ oai nghiêm đi tìm đường đời
cho lũ con nhỏ ngây thơ, ríu rít, kêu chiêm chiếp theo sau. Bầu không khí mát mẻ
dử một vài con châu chấu dại dột đã bỏ địa phận của chúng để từ nội cỏ tung
tăng nhảy vào du lịch sân gạch. Ấy thế là... con gà mẹ nghển cao cổ, lóng lánh
hai mắt, quay cổ vài ba lần để soi mắt tìm quanh như những cây hải đăng tự động,
rồi thì, sau khi rú lên mấy tiếng ương ước đầy những vẻ khát máu và tàn sát, nó
văng mình đuổi theo con bọ, nhanh nhẹn tựa hồ một khối bị ném đi... Đàn gà con
còn ngẩn ngơ đứng xúm với nhau thành một tốp, mãi cho đến khi con châu chấu đã
bị hành hạ dưới mỏ con gà mẹ thì cái đống nhung nhúc ấy cũng lại bị văng đi như
một khối khác nữa, hàng ngũ đều đặn như một đạo binh đã được thao luyện chỉnh tề.
Cuối cùng thì một vài con nghển cổ hai ba lần vì nghẹn mồi, và những con khác
chiêm chiếp kêu đòi công lý chung quanh, con gà mẹ lúng túng không biết xử trí
ra sao...
Cây chuối in bóng vào cây rơm. Cây với bóng cao bằng nhau, vì mặt trời hình như
mới mọc từ mặt đất.
Một con chào mào bay đến để điểm thêm, bằng cái đuôi đỏ, một chấm đỏ nữa cho
cây lựu. Nó kêu lên như muốn nói: "Thích tình nào!... Thích tình
nào!..." vì cây lựu là của nó, cái sân là của nó, - bốn bề là của sự im lặng.
Con gà mẹ chỉ lúng túng có một lát rồi lại nghển cổ đập cánh vài cái, y như bọn
người quen lấy cái xoa tay khu xử những việc khó xử. Tức khắc sự khiếu nại của
những con gà con không được gì thế là hóa ra sự quên. Mẹ dắt con đi chỗ khác bằng
những lời hứa. Và những đứa con phải quên đi vì mối hy vọng mới, cho nên lại sống
thuận hòa với nhau ngay.
Phú đã dậy, còn ngồi ở bậu cửa ngắm nghía cái xã hội loài vật ấy. Chàng nghiệm
rằng nó là phản ánh của xã hội loài người, nhất là xã hội Việt Nam. Sự nhẫn nhục,
những hy vọng luôn luôn kế tiếp nhau, sự chóng quên, sự cầu hòa, tính thủ phận:
đó là những điều kiện gây nên hòa bình sau những khi có những sự bất công đáng
bất bình. Chàng thấy phải hay công phẫn, hay phản đối, phải hiếu động như người
Pháp thì mới nâng được quốc gia lên cái trình độ tiến bộ.
- Cậu Phú đã dậy chưa? Cậu Phú ơi cậu Phú?...
Tiếng gọi réo của ông lý trưởng làm tan hoang mất cả cái thú vị của buổi sáng.
Con chim chào mào bay vụt đi. Đàn gà hãi hùng rủ nhau chạy trốn. Phú mất trầm mặc,
vùng lên, ra đẩy cái cổng tre đón ông lý vào nhà. Đằng sau ông lý, bảy tám người
lạ mặt trông có vẻ lực điền cả mà không vào theo ông lý, khiến Phú nhớ ra ngay
cái việc trông đê. Tuy nhiên chàng cũng cứ hỏi:
- Có việc gì mà ông sang sớm thế?
Ông lý đứng dừng lại vì ngạc nhiên. Ông quay lại đưa mắt cho Phú để ý đến những
người đứng chờ ở ngoài hàng rào. Rồi ông hỏi:
- Thằng cháu tôi nó không bảo gì cậu? Phú cười, vỗ lưng ông lý, nói:
- Ông hãy cứ vào trong này đã...
- Tôi vội lắm đấy. Còn phải đưa bọn phu này đi ngay cho kịp sáng hôm nay...
Phú cuốn chiếc mành lên, giải chiếc chiếu ra phản, đi kiếm điếu thuốc lào, ấm
chén. Lúc ấy, cụ Cử cũng đã bị cái giọng gọi réo của ông lý đánh thức dậy rồi.
Cụ còn ngồi lại ở giường vấn lại vành khăn.
- Tất cả làng có hơn một trăm đinh thì hơn một chục ông có chân tư văn, năm bảy
người đi làm xa! Đào ngoáy xoay xỏa mãi cũng chưa được ba chục. Thật rõ lôi
thôi quá... Tôi mà biết trước những nông nỗi thế này thì tôi không ra hứng lấy
việc quan, việc dân... Rõ bực!
- Thế những người lạ mặt vừa rồi?
- Phu đấu làng bên cạnh đấy. Họ ở Hải Dương lên từ tháng trước đắp nền nhà mới
cho cụ án. Họ vừa nghỉ việc mấy hôm nay. Cũng may có họ, không, chả mượn người
đâu được.
- À, ra những ai không đi thì thuê họ.
- Phải. Mỗi lượt, một đồng một người; năm ngày một lượt; hết lớp ấy tôi lại phải
bắt lớp khác.
- Thế không đủ đinh thì ông làm thế nào?
- Tôi hãy cứ đem ba chục phu lên đã. Quan có quở thì tôi hãy cứ khai bướng là
tư văn không đi. Rồi có sao sẽ liệu vậy. Thế còn phần cậu thì cậu định liệu thế
nào?
- Tôi ấy à?
- Thằng cháu nó có bảo gì cậu không?
- Có. Nhưng mà tôi không có tiền...
- Chết! Cậu phải đi xoay chứ? Cậu phải cố cào cấu cho nó ra tiền chứ? Đi vay mượn
chứ!
- Ông bảo vay thì vay ai? Một đồng bạc bây giờ bằng chục bạc lúc khác...
- Ông chánh Mận ấy!
- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến vay tiền ông Mận.
- Cậu khái quá! Cả làng này vay ông ta chứ cứ gì một ai!
- Nhưng mà... tôi thì lại... khác. Nghe đến đấy, ông lý buồn rũ người ra như thấy
tin nhân ngãi chết. Chẳng buồn hút thuốc, uống nước, ông để tay chống cằm. Hồi
lâu ông thở dài:
- Thế cậu định để chết cho tôi hay sao! Việc là việc hữu ích chung chứ phải tôi
tư túi gì? Đấy, cậu xem, vụ thuế vừa rồi tôi đã sạt nghiệp vì cả làng đấy!
Phú cười khanh khách:
- Ông đừng lo! Tôi không để cái chết cho ông đâu.
Ông lý trưởng lại càng lộ vẻ sốt ruột, cáu kỉnh. Ông nói như gắt:
- Thế cậu định thế nào?
Ông lý đứng phắt lên tỏ ý giận dỗi vì không tin, Phú cũng đứng lên lôi hai tay
ông ta. Chàng không dám cười nữa, phải nghiêm nghị nói:
- Thưa ông, tôi xin đi phu.
Ông lý hắt tay Phú, nguây nguẩy:
- Tôi không nói đùa! Việc quan không phải chuyện đùa!
Phú làm ra bộ cáu kỉnh:
- Thưa ông, tôi, tôi cũng không nói đùa!
Đến đây, ông lý đứng lặng người ra, ngạc nhiên nhìn. Sau cùng ông cúi mặt, cậy
mấy hạt dử mắt. Ông lầu nhầu:
- Quái thật! Quái thật!
Vừa lúc ấy, cụ Cử hầm hầm đi ra, xỉa xói mãi vào mặt Phú:
- Đã biết chưa, hở con? Đã biết chưa? Nhục! Nhục! Bây giờ thì mới biết cái chân
tư văn là cần nhé! Xưa kia nói thì cứ cang cảng gân cổ ra mà cãi mãi!
Phú nhớ lại lúc mẹ lấy được một bát họ năm chục bạc để định mua cho chàng cái
tư văn, chàng đã phải hết sức phản đối, hết sức công kích... Trong hai mẹ con
đã xảy ra một trận bất hòa kịch liệt, chỉ vì thương yêu nhau nhưng mà không hiểu
nhau. Phú muốn dùng tiền ấy lợp lại cái nhà mục nát, trát lại mấy bức vách đã
long lở, may cho mẹ và cho chị vài cái quần áo, trả những món nợ vặt, mua cho
thằng cháu bồ côi một cái vòng bạc... những việc tối cần. Sau những trận cãi
nhau khá kịch liệt mà chỉ kết cấu bằng nước mắt, bằng sự hờn, giận, chàng đã phải
hết sức cương quyết cho đến kỳ cùng mới chống lại được cái nạn tư văn. Cụ Cử đã
phải tấm tức nghe theo để may quần cho mình, cho con gái, lợp lại nhà, trát lại
vách - Những việc cụ cho là không cần lắm.
Đến bây giờ...
Nước lên...
Phú định đi làm phu!
Cụ Cử lại xỉa xói hai ba lần nữa vào mặt con:
- Nhục! Giời ơi! Nhục ơi là nhục!...
Phú không kịp nghĩ đến sự thất hiếu với mẹ nữa. Chàng gắt:
- Ô hay! Đẻ làm gì thế? Đi phu thì đã làm sao?
- Nhục! Sức vóc học trò! Rồi ốm! Rồi chết!
Tuy mẹ nói thế nhưng ý nghĩ của con lại trái ngược hẳn. Phú cho việc mình đi hộ
đê là một bổn phận phải gánh vác một cách sốt sắng. Dù là học trò, chàng cũng
thấy mình đủ sức vóc làm những việc nặng nhọc. Chàng lại muốn dúng tay vào những
việc chân lấm tay bùn của đồng bào dân quê để gánh vác đỡ một phần công lao tối
tăm không biết đến của họ. Được gần với cái phần tử khốn khổ nhất của xã hội,
Phú sẽ được dịp quan sát mọi điều, và mong sẽ nuôi được tấm lòng yêu nước; vì
thế chàng đã mơ tưởng đến bao nhiêu cảnh lầm than nó kích thích mạnh vào tâm hồn
chàng, nó làm cho chàng biết đến cái gì là cái há sinh. Thành thử Phú chỉ thấy
việc đi làm phu là chứa chan thi vị. Chàng cứng cỏi nói bằng giọng một cái chiến
thư:
- Ý tôi đã quyết, đẻ đừng nói gì nữa. Tôi ngồi không ở nhà thì cũng chẳng ích
gì. Cụ Cử ngồi xuống bậu cửa khóc. Ông lý trưởng ngán ngẩm đứng lên:
- Thôi, cậu đi hay cậu vay tiền để thuê mượn thì tùy cậu đấy. Cứ biết là chốc nữa
thì cậu đã phải có mặt tại điếm. Tôi còn sang làng bên giục nó thuê xe đánh tre
đi. Xin cậu nhớ cho nếu có tiền thì là một đồng hai hào tiền người và tiền cây
tre. Bằng không thì cậu chạy bộ một cây tre rồi đem ra điếm cho tôi. Thôi, xin
phép cụ, chào cậu.
Nói rồi ông lý ra hẳn, Phú quay lại hỏi vặn mẹ:
- Đấy đẻ xem! Tôi không đi thì đẻ có chạy được một đồng hai hào cho tôi không?
Đẻ lại khóc nữa thì vô lý quá.
Cụ Cử vẫn sì sụt khóc. Phú lấy con dao rựa ra bụi tre, vén tay áo bổ vào một gốc.
Cô Tuất cũng ẵm con ra sân:
- Cậu nhất định đi phu thật đấy à?
Phú ngừng tay quay lại phân trần:
- Đấy chị xem! Dù có vay tiền được, tôi cũng không muốn đẻ lại mắc thêm một món
nợ. Chứ đừng kể là chẳng ma nào cho mình vay tiền nữa. Mà đi phu thì đã mất
danh giá gì? Việc quái gì? Mình là ông gì mà lại từ những việc bổn phận mình phải
gánh vác? Chị cứ yên tâm.
- Sức vóc cậu làm thế nào những việc của phu phen được?
- Chị mặc kệ tôi.
- Hay là...
- Sao?
- Nói với ông chánh Mận... Phú bất bình mà rằng:
- Thôi đi! Người ta hỏi chị, chị chưa thuận, tôi là ai mà lại đến đấy vay tiền?
Dù người ta đã lấy chị rồi thì tôi cũng không nên nhờ mới phải.
Phú lại quay vào chặt gốc cây tre. Cô Tuất đứng tần ngần hồi lâu... Khiến em phải
nghĩ đến việc ông Mận gạn hỏi. Ông Mận say mê cô Tuất ra mặt. Ông nói thế trước
mặt cả làng. Phú vẫn sợ, lo rằng chị mình sẽ sa ngã, sẽ... phải lòng người ta
chăng. Là vì ái tình nó hút ái tình như điện nam châm hút sắt. Đối với lòng
yêu, cái gì lãnh đạm được? Cho nên Phú vẫn lo trước khi chị mình công nhiên nhận
lời hoặc trước khi việc thành, Tuất sẽ nhẹ dạ, mà đi trò chuyện gì với người ta
chăng. Nhưng không! Tuất là gái có một, trăm phần trăm. Trong hôn sự Tuất không
thấy gì là ái tình. Bằng lòng thì sẽ lấy, không thì thôi, chứ Tuất không có cái
tính thận trọng sợ người ta khổ vì yêu mình, và do thế, tự mua cho mình một mối
tơ vương, nếu mình không lấy người ta vì những lẽ éo le khác. Không, những cái ấy
chỉ bọn gái tân thời mới có mà thôi.
Tuất lại nói:
- Tôi thương cậu quá. Đi phu khổ lắm cậu chưa biết...
Phú quay lại nhìn thì thấy ở mắt chị có hai dòng lệ. Chàng bực mình mà rằng:
- Chị tưởng anh Minh ở Côn Đảo sướng lắm đấy hẳn? Tôi đi đắp đê cũng chưa khổ bằng
anh ấy đi đập đá! Anh ấy khổ, tôi không cần ngồi khoanh tay sướng lấy một mình!
- Thôi thế để tôi đi thổi cơm rồi nắm cho cậu vậy.
- Phải. Ngày nào cũng thổi cho tôi hai nắm cơm và một ít muối vừng, thế thôi.
Liệu mà gửi bà Đám từ sáng sớm, ngày nào cũng vậy.
PHẦN THỨ HAI
CHƯƠNG I
Ô
ng huyện bỏ cái nón dứa, ngồi phịch xuống cái ghế gụ kiểu Tầu,
thở hồng hộc. Ngọn đèn con dùng để châm đóm ăn thuốc lào chiếu một ít ánh sáng
vàng vào mặt quan... Một cái mặt xương xẩu, lưỡng quyền rất cao với hai cánh
râu thưa thớt vẽ ra hai vệt bóng đen võng xuống. Một cái mặt sa sầm như giời
trước một cơn mưa rào.
Lúc ấy, bà huyện đương ngồi ở sập, xắt một khoanh giò lụa. Cách đấy vài thước,
tại một cái kỷ nhỏ kê sát vào tường, một chiếc đèn măng sông đương được Kim
Dung tiểu thơ đốt cho mồi cồn thứ hai. Những làn lửa xanh lè phì lên, liếm
quanh cái bấc hình búp đa một cách huyền ảo, kỳ quái...
- Sao mà lâu thế, con? Mau lên để cậu xơi cơm chứ?
- Thưa me không biết sao mãi nó cứ không lên lửa?
- Đốt nữa đi! Nhanh lên!
- Vâng, con đương...
Vừa đến đây, lửa xanh bốc lên kín cả cái bấc sau một tiếng nổ ục, và ánh sáng
đèn vấp phải ánh sáng ở hai hàm răng ngọc và ở hai đuôi mắt tuyệt đẹp của Kim
Dung. Cả cái sắc đẹp lộng lẫy của thiếu nữ hiện ra với tất cả vẻ diễm lệ, vẻ
huyền ảo của một cái hư ảnh. Con đường ngôi thẳng băng, hai mảnh tóc đen lay
láy lòa xòa rủ xuống cái trán nở nang... với đôi má đầy đặn có nhung tơ như của
hai quả đào. Kim Dung mê man nhìn vào cái măng sông như chìm đắm trong những điều
bí mật của khoa học.
Bà huyện nhìn ra ngoài hè thấy anh lính lệ đương khoanh tay dựa lưng vào cột mà
nhìn giăng sao trên giời như một nhà thi sĩ thì bảo:
- Kìa, lệ không vào cởi giày cho quan đi à?
- Dạ.
Quan vẫn ngồi thừ người ra, mắt lim dim... Cái áo tơi sau lưng, cái khăn trên đầu,
đôi giày ống bó dưới cẳng. Lính lệ quỳ xuống đất vừa toan tháo đôi ống ra thì
quan chợt mở mắt, từ tốn giơ cánh tay ra, xua... Lính lệ đứng lên, lại ra ngoài
hè với cái cột. Bà huyện ngơ ngác nói:
- Để nó tháo giày, ông đi xơi cơm chứ? Bảy giờ rồi còn gì!
Vẫn không nói gì cả, quan đứng lên, ra sập để lại ở ghế cái áo tơi ủ rũ nó dần
dần gục xuống như một người ngủ gật. Quan ngồi ghé ở sập nhìn vào mâm cơm. Con
chim xào, đĩa trứng muối, đĩa củ cải đen, đĩa thịt gà, bát canh rau cải, không
làm cho nét mặt quan thay đổi gì cả. Bà huyện xới xong bát cơm mới hỏi:
- Hay ông xơi một cốc rượu cao cho nó tỉnh?
Thấy chồng vẫn không đáp, bà huyện nghiêng mình mở tủ chè lấy nậm rượu và cái cốc
để ra mâm cơm. Bà vừa rót đầy cốc rượu vừa bảo con gái:
- Dung ơi Dung! Con ra quạt cho cậu vài cái đi!
Dung bỏ cái đèn, vớ chiếc quạt ở kỷ, ra ngồi sau bố, vừa che miệng cười vừa phe
phẩy mấy cái, nửa lần khân, nửa tôn kính. Mãi đến lúc ấy, ông huyện mới nói:
- Chết mất! Khó lòng thoát vỡ đê!
Vợ cau mày nghĩ vẩn vơ hồi lâu rồi hỏi:
- Sao? Nước lên to lắm à?
Chồng vẫn nhỏ nhẻ nhai cơm một cách khó chịu như phải làm một việc bần cùng,
nét mặt vẫn đăm đăm, trí não để cả vào một ý nghĩ. Kim Dung nói một cách rất
ngây thơ:
- Sắp lụt ạ, hở cậu? Thế thì thích lắm đấy nhỉ? Từ bé đến giờ, con chưa được
trông thấy vỡ đê bao giờ đấy!
Mẹ mắng con gái:
- Im! Để cậu mày xơi cơm!
Dung vừa cười vừa cãi:
- Thì con làm gì đâu nào?
- Con nói những câu ngu dại lắm! Ngần ấy tuổi đầu rồi mà...
Vì đương ở vào cái tuổi trẻ, cái tuổi sung sướng, cái tuổi nó làm cho người ta ở
vào bất cứ việc gì, bất cứ trường hợp nào cũng có thể lạc quan để cười đùa được.
Dung cãi lại:
- Con tưởng phải lụt chớ? Thỉnh thoảng cũng phải có một tai nạn gì xảy ra thì bọn
phụ nữ chúng con mới có dịp lập chợ phiên hay đi quyên tiền để làm việc xã hội
chứ?
Thấy con gái nói thế, bà mẹ chẳng biết dạy bảo ra làm sao nữa. Thật vậy, Kim
Dung là hạng gái tân thời, có sắc, cũng đã có đi học, mà trước khi chờ có người
đến rước thì chỉ còn một cách giết thì giờ ở sự nay tìm mốt y phục ở một tờ báo
này, mai tìm một mốt đánh kem đánh phấn khác ở một tờ báo kia. Vì lẽ bà cần quảng
cáo cho con gái lắm, óc bà chỉ bận có một việc là mong được làm thông gia với một
ông quan cao chức hơn ông huyện để gia đình được thêm thanh thế trong quan trường,
nên không dịp nào có thể để Kim Dung khoe sắc đẹp trước công chúng mà bà lại để
lỡ... Sáu tháng trước ở tỉnh có mở một cuộc quyên tiền giúp Hội bài trừ bệnh
lao do bà công sứ chủ tịch thì Kim Dung đã quyên được nhiều tiền nhất, và đã được
bà công sứ hết lời ngợi khen. Do thế, ông huyện cũng được quan trên có ý bằng
lòng. Bà huyện đã mãn nguyện ở chỗ Kim Dung cứ việc vừa ăn chơi vừa nhảy đầm
cũng đã đủ giúp ích cho bố mẹ. Do thế những bộ y phục tân thời rất kỳ lạ của
Kim Dung không còn tính cách xa xỉ đàng điếm nữa mà đã được bà huyện coi trọng
như những vật thần thánh bất khả xâm phạm. Do thế, trước kia ông huyện mắng con
gái về tội lãng mạn một cách kịch liệt bao nhiêu thì về sau ông lại im lặng một
cách gan góc bấy nhiêu. Theo cái thói phép nhà quan, việc gì lấy được lòng quan
trên là được coi trọng, chẳng cứ nó trái với sách luân lý. Vì vậy, Kim Dung
càng được bố mẹ yêu chiều. Nàng không phải chỉ là một tiểu thư, con gái một ông
huyện mà thôi, nàng là một vị công chúa nữa. Nàng muốn mặc gì thì mặc, muốn nói
gì thì nói, muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi gì thì chơi.
Thấy cả bố lẫn mẹ đều có ý chịu mình, Kim Dung lại nói:
- Con ước rằng có lụt thì lụt cho sớm!
Ông huyện làm như không nghe thấy, đưa mắt nói với vợ:
- Lo lắm, mợ ạ. Mỗi lần nước lên một ít thì lại một lần nghiệm thấy rằng đê đắp
phần nhiều bằng cát chứ không phải bằng đất. Cái bọn thầu đê láo thật! Chuyến
này mà vỡ thì rồi nhiều người khổ.
Bà huyện chép miệng:
- Kinh tế thế này mà lại còn vỡ đường nữa thì dân quê ắt rồi trộm cướp tứ tung.
Ông chồng ra vẻ bực mình mà rằng:
- Khi tôi nói nhiều người khổ không phải là tôi nói dân quê mà là tôi nói hạng
quan lại như tôi! Nếu mình có gan thì không kể, nhưng mình lại không có gan, ấy
khổ là vì thế! Chứ không thì giàu! Vô số người sẽ giàu về dịp này! Mình không
ăn thì mình dại!
Nói đến đấy, ông mới sợ hãi nhìn ra ngoài hiên... Không thấy tên lính lệ đấy nữa,
ông gật đầu một cái thì bà huyện kệ nệ xích lại gần chồng, nghiêng đầu nghe nói
thầm...
- Mợ tính nào là bắt phu, bắt tre, ở tỉnh thế nào người ta cũng cho là mình gặp
dịp béo bở, dù không ăn người ta cũng cho là ăn. Như thế không ăn cũng dại. Nếu
mà vỡ đê nữa thì họ lại càng tin là mình kiếm chác được nhiều...
Bà huyện vì chưa bao giờ được làm việc quan, nhất là lại việc quan vào những
lúc vỡ đê, nên rất kinh ngạc. Bà trợn mắt, cái miệng thành ra tròn y như một chữ
o. Mãi mới lắp bắp:
- Kiếm chác?... Vỡ đê mà lại còn kiếm chác?
Ông chồng nổi nóng:
- Bẩm vâng ạ! Nếu vỡ đê thì tất có nhiều chuyện lôi thôi! Tất rồi có thằng lý
trưởng này bị cách chức, thằng chánh tổng kia được bát phẩm! Rồi còn cứu tế,
còn chẩn bần!
Mặc dầu ngu dại là giống đàn bà, khi người ta đã là vợ một ông huyện thì người
ta cũng phải thông minh trước những câu cắt nghĩa mập mờ ấy. Bà gật gù mà rằng:
- Àà!
Chỉ có cô con gái là không hiểu nên tức khắc hỏi:
- Thế là thế nào?
- Im! Im ngay, không được nói leo vào chuyện người nhớn!
Mắng con gái rồi ông lại khẽ nói với vợ:
- Nói thế là bà đủ hiểu. Mình không kiếm chác thì cũng chẳng yên được với họ!
Bà huyện chép miệng một cái, nghĩ ngợi đến nhăn đặc cả cái mặt. Rồi nói:
- Thôi thế thì tùy cậu... Nghĩa là mình phải giữ gìn, ăn cho có nhân có nghĩa
thì thôi, chứ mà cứ theo đúng lời dặn của cụ Cố nhà thì cũng không được... Ừ,
mà còn bao nhiêu người chứ mình có nuốt trôi một mình được bao giờ đâu!
Đến đây cả hai vợ chồng cùng nghĩ đến cụ Cố! Cụ Cố năm nay đã trên bảy chục tuổi.
Ra làm quan từ đời vua Tự Đức, cụ đã xin từ chức, khi thành Thăng Long thất thủ,
quyết giữ chữ trung, mặc dù cụ không vào đảng Cần Vương. Một năm sau, nhận thấy
các bạn hữu cũng lục tục kéo nhau ra làm quan, lại nhân có dịp một ông thống sứ
về tận làng triệu, cụ lại ra làm quan để theo cái thuyết tùy thời. Các bạn hữu
vẫn bảo cụ:
"Nước mất thì đã mất rồi, mà dân thì vẫn còn. Giữa lúc này, nếu hạng sĩ
phu không ra nhận cái trách nhiệm làm cha mẹ dân thì người Pháp phải nhấc bọn
thông ngôn "lục tỉnh", bọn bồi bếp lên làm quan. Cứ để bọn ấy chiếm hết
mọi địa vị trong quan trường thì thật chỉ hại cho dân, sỉ nhục cho nước. âu là
bọn khoa mục chúng ta tùy thời mà gánh vác việc nước còn hơn". Thế là cụ
ra nhận chức, bỏ mặc ngoài tai những sự hờn giận của một bọn sĩ phu khác ngụ
trong bốn chữ "làm quan với Tây". Cụ tin rằng cứ giữ thanh liêm cũng
đã là một cách giúp nước, không câu nệ vì những lời câu chấp. Mà quả nhiên cụ
cũng đã giữ được thanh liêm cho đến lúc về hưu trí với số hưu bổng khá hậu và một
cái ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Lúc còn làm quan, cụ thường khinh bỉ những kẻ
nhũng lạm, những ông quan vì nghề làm quan mà giàu. Bây giờ, đến lúc con giai cụ
lại từ chức tham tá cai trị ra làm cha mẹ dân, cụ vẫn phải dặn con cố giữ thanh
khiết cho khỏi phạm đến danh dự của cụ mà cụ bảo một cách hơi kiêu ngạo là của
cả gia tộc. Vì lẽ nhà nho Bắc kỳ dễ không còn ai là không biết sự thanh bạch của
cụ, nhất là lại cái cảnh một người Tây đen đem mõ tòa đến hỏi nợ cụ, định bỏ tù
cụ, mà cụ chỉ khoan thai lấy Bắc đẩu bội tinh ra đeo vào ngực rồi ung dung đứng
lên nói: "Vâng, ông là chủ nợ mà ông muốn bỏ tù, tôi cũng xin vui
lòng..." để cho viên mõ tòa phải cáo lui sau khi xin lỗi rất khẩn khoản. Cụ
cho điều ấy đủ làm chứng cho cả cuộc đời thanh liêm của một ông Tổng đốc và
không còn sự gì vinh dự đáng khoe khoang hơn. Không hối lộ! Chỉ có thế là được
nên quân tử, cụ bảo con cụ đến hàng nghìn lần rằng đừng nên phạm phải cái điều
rất dễ theo ấy.
Ông huyện đã nghe theo lời khuyên bảo ấy những khi nào ông không nghe theo
không được, những khi nào ông sợ nguy hiểm, và đã không nghe theo những khi nào
ông có thể không nghe theo. Do đó, những sự bực tức, những lúc oán giận bố mỗi
khi ông tự lừa dối mình mà tưởng rằng ông không chóng giàu chỉ tại có một sự
khuyên ngăn của cụ Cố. Dần dần việc khó chịu ấy làm cho ông đổi chương trình.
Đáng lẽ chỉ ăn những món nhỏ, thì ông quyết định là cứ ăn cả những việc lớn, miễn
là ăn cho được công được việc, có nhân có nghĩa, không là ăn liều thì thôi!
Ông huyện quyết định như thế. Ông ăn cơm thấy ngon. Vợ ông lại nói như xui như
giục ông:
- Đấy, cậu xem! Hai bát họ mỗi bát hai nghìn để chạy chọt ra làm quan! Đã bao
lâu nay, đến họ cũng chưa đóng hết! Như người ta thì đã tậu ô tô rồi! Lắm lúc
nghĩ giá cứ làm tham tá thì lại sướng mà chả đến nỗi đến lo mất ăn mất ngủ...
Ông huyện lặng thinh trước lời trách cứ. Ông chan đầy canh vào bát cơm, và lùa
luôn mấy đũa rồi vứt bát đứng lên. Con gái ông vẫn ngồi thừ ra, lưng dựa vào tủ
chè, mơ mộng như ngồi trước một cái máy ảnh. Chợt có một hồi gót giày tây nện
vang lên.
- Lạy quan lớn ạ!
Một người to béo, mặc quần áo đi săn, lưng có đeo một khẩu súng hai nòng, đứng
sững trên thềm mà cười như lệnh vỡ... với anh lính lệ nét mặt hoảng hốt đứng
bên cạnh. Ông huyện rộ lên:
- Àà! Anh Khoát! Cơn gió nào thế, hở giời?
Người khách bước vào, không bông phèng nữa, cúi đầu chào bà huyện:
- Lạy bác ạ! Kìa, cháu Dung... Tôi tạt vào xin ngủ trọ, mai đi săn sớm.
- Không dám ạ, lạy bác. Đun nước đi, chúng bay.
Nói xong, bà ra hiệu cho con gái tháo sang phòng bên. Không có đàn bà trẻ con đấy
nữa, hai người bạn được phép tỏ tình thân mật ngay tức khắc.
- Thế nào, mày? Mày làm quan độ này có khá không?
- Nước chó gì! Chán chết!
- Thôi đi, đừng nói phét! Ông biết tỏng ra! Dân huyện mày nó kêu như cháy đồi!
Dù sao đi nữa thì nghề làm quan vẫn còn kiếm ăn được.
- Thế mày, độ này mày có phát tài không?
- Tối nguy! Chí nguy! Rượu thì bị rượu Fontaine hạ giá, rượu lậu nó cạnh tranh
dữ dội! Xe thì vừa rồi một chiếc lăn mẹ nó xuống sông, một chiếc nhảy lên vồ phải
đầu xe lửa! Kiện nhau mấy tháng chưa biết thua được ra làm sao! Buôn bán cái gì
cũng hỏng, chết mất, mày ạ.
- Ừ, báo cũng có đăng, tao cũng đã biết...
- Đấy, mày xem! Mày không cứu ông thì ông tự tử mất!
- Tao làm gì được?
- Quan thầy mày vừa sang bằng chuyến Henri Rivière đấy thôi. Mày chả phất thì
còn ai mới phất?
- Chưa chắc. Thế mày muốn gì?
- Ông... Ông chỉ muốn xoay một vố! Nhân vụ đê điều này, có cái số tre đấy ắt ăn
được. Mày để tao thầu cho nhé? Nhất là lụt thì ông hả quá! Mày ạ, tao có hai
nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết không? Với lại bốn nghìn bao gai mà phòng
Thương mại nó không lấy nữa, chó thế. Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm tiền...
Đến đây, ông khách ngừng lại. Vì người lính lệ đã mang khay nước ra. Ông tháo
súng, cởi cái thắt lưng đầy những ổ đạn, tháo cả giầy ống. Pha xong nước, người
lính lặng lẽ lùi ra.
- Mày ngủ đây chứ? Khoát?
- Thì đã hẳn. Mai tao đi săn sớm. Bảo nó trông cái mô tô của tao cho cẩn thận ở
sân ngoài.
- Được. Lâu nay anh em mình chưa có đêm nào đôi hồi được vài câu tâm sự nhỉ? Thế
thì để tao phải bảo nó dọn cái món "xương khướu" mới được.
- Thuốc phiện ấy à?
- Chứ gì nữa!
- Thế thì nhất! Người Việt Nam ở thế kỷ hai mươi này lại không hút thì còn ra
cái thể thống chó gì nữa! Bảo ngay đi thôi!
Quan nhìn về phía sau lưng, thấy con gái đứng sau rèm, ông huyện gật lại, khẽ
nói:
- Này con! Con nói với mợ bảo thằng bếp nó làm một con gà nhé? Sửa soạn cho cậu
ăn cháo đêm. Bảo mua ít nem chua nhắm rượu, trứng gà tươi, lạp xường, ca la thầu
ăn cháo, cái gì cũng phải đủ. Và gọi cho cậu thằng lính.
Khi thằng lính vào, ông lại hất hàm một cái, ra cái hiệu lệnh bí mật bằng cách
nắm hai tay lại, để lên mồm, như người ta thổi một cái tù và tưởng tượng.
Người lính cúi đầu, mỉm cười, lùi ra.
CHƯƠNG II
Q
uãng đê chạy ngòng ngoèo theo hình một chữ ạ dài độ bốn cây số.
Nước sông đỏ ngầu đã dâng lên chinh phục đến gần mái những thôn xã ở ngoài đê.
Giữa dòng sông, những củi rều, gỗ, cành cây, lá cây, những thứ hoa, quả rừng rất
kỳ quái, hoặc lẻ loi, hoặc bám nhau thành từng mảng mà chung quanh có bọc bọt
ngầu, trôi theo dòng nước, phăng phăng. Đủ hiểu là nước to ghê gớm lạ thường,
và nỗi lo sợ của dân quê là đáng kể từng giờ, từng phút. Quãng đê ấy cách huyện
lỵ độ chừng hai cây số, và cách Lục đầu giang độ chừng mười tám cây. Vì lẽ là
chỗ hiểm nghèo, hiểm nghèo vì thế đê lại gần huyện lỵ, nên sự hộ đê và những
cách canh phòng rất là chu đáo, nghiêm ngặt. Ba trăm người! Ba trăm người đã
đào đất, khiêng đất, đổ đất, đóng cọc tre, đan rọ, đan phên... Ba trăm người
trong số ấy thì độ sáu chục là đàn bà và trẻ con, người thì thay chồng, thay
anh, đứa thì thay bố, thay mẹ. Phú cũng có mặt trong đám người xấu số ấy, cũng
chân lấm tay bùn như họ. Từ sáng sớm cho đến chiều, cắt quãng bằng bữa cơm trưa
độ nửa giờ để nghỉ ngơi.
Dân phu đã muốn xin ngừng tay, nhưng bọn người trông nom họ như cai lục lộ, thầu
khoán Nhà nước, nhân viên sở công chính, đã bảo họ nên cố làm cho đến tối mịt
hãy nghỉ. Cơm nước? Thì cần gì cơm nước nếu ai ai cũng phải lo nạn vỡ đê nó sẽ
hại tính mệnh sản nghiệp hàng vạn người!
- Cố đi ít lâu rồi cơm nước nghỉ ngơi một thể.
Một người cai khố xanh đã cưỡi xe đạp dạo một lượt và nói thế với bọn lính và bọn
lý dịch có phận sự đốc thúc bọn phu. Thế là từ cai cho đến lý dịch và lính khố
xanh, những câu chửi rủa thô tục, những cái roi mây giơ lên vụt xuống không tiếc
tay đã gọi vào khuôn phép những kẻ nào không tuân lệnh trên bằng sự uể oải. Chốc
nữa, chỉ chốc nữa thôi, là quan huyện ra khám đê. Sợ vạ "chôn chân"
hoặc bị cách, sợ bị rầy la là chểnh mảng phận sự, bọn lính, lý dịch và cai đã
không công nhận cái đói, cái khát, cái nhọc mệt của ba trăm phu, người lớn, trẻ
con, đàn bà. Về phần phu thì đã đói lắm, và rất căm tức sao cái bọn cai quản họ
lại không biết cho đến nỗi khổ sở, cả vật chất lẫn tinh thần, của họ. Nhưng bọn
người này - Chọc gậy xuống nước - Tin vững vàng đó là dân phu lười biếng, không
có lương tâm về phận sự, nên giả cách đói khát nhọc mệt đó thôi. Họ có một mối
tín ngưỡng quái lạ: đối với dân ngu, lôi thôi là cứ đánh bỏ mẹ.
Mặt trời gần khuất sau một dãy núi. Trên không gian, da trời đã từ màu xanh lơ
mà ngả về màu xám xịt. Những đám mây vàng, trong khoảnh khắc, lần lượt hóa ra
cá vàng, rồi đỏ ửng, rồi tía, rồi xám, rồi lại trắng toát ra, khi mặt trăng lấp
ló sau một ngọn gạo cổ thụ to như một cái bánh đa.
Trên đê, người ta chạy đi, rồi lại chạy lại. Sự tấp nập giả dối lại ồn ào, hỗn
loạn và nghiêm trọng hơn cả cái áy náy về phận sự. Thỉnh thoảng, chỗ này, chỗ
kia, một tiếng mắng chửi, một câu văng tục, một tiếng đét của cái roi mây, những
tiếng rên rỉ, hoặc kêu khóc, hoặc lầu nhầu... Trong những việc công cộng như thế,
người ta lại thấy cái tinh thần giai cấp hiện ra đến nỗi ngang tai chướng mắt,
vì một bọn người vô tích sự, nhờ tài sản hoặc chức vụ, đã tưởng là mình có quyền,
cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là hành hạ một bọn người khác
đông đúc hơn, tuy có ngu dốt hơn nhưng mà vất vả hơn, hữu ích hơn.
Đã mấy hôm nay, hàng trăm phu phen đã làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, dưới những
sự tàn nhẫn như thế. Đêm đến, họ túm tụm nhau dưới mấy dãy lều cọc tre mái lá,
hở đằng trước, hở đằng sau, hở hai bên. Cái nhọc, cái rét, những cơn gió phũ
phàng, những hạt mưa lạnh toát, đã làm xong cái gì mà công việc đào đất, khiêng
đất, những câu mắng chửi, những cái thượng cẳng tay hạ cẳng chân, v.v... hãy
còn bỏ dở. Đó là cảnh địa ngục giữa cõi trần.
Những dân phu ấy bị đủ mọi tai trời ách đất, nạn bã rượu lậu, nạn trộm cướp, nạn
hối lộ, nạn tổng lý, đã bị dồn vào cảnh ngộ cực kỳ khốn nạn, đã phải tranh
giành nhau đến nỗi có khi gây án mạng vì một việc làm thuê gì đó để lấy mỗi
ngày ba xu, mà bây giờ vì bổn phận làm dân, đã phải mỗi người đem một cây tre với
hai cánh tay ra cứu vớt một hai sào ruộng hay cái lều gianh của họ, hòng cứu vớt
hàng nghìn vạn mẫu đồn điền của những ông chủ phưỡn bụng khác, cứu vớt đường hỏa
xa, con đường nhựa của những chiếc xe hơi hình cánh cam, hay những cái cột dây
thép mà những ông quan lớn dùng để đánh điện tín cho thân bằng cố hữu lúc các
bà lớn đẻ con, hay các cô khuê các tiểu thư hẹn với nhân tình. Trong khi làm việc
ích chung đó thì họ không làm nổi cái việc ích nhất cho họ, là cái miếng cơm nuốt
vào bụng. Quan trên đã hứa sẽ giả tiền công. Đã mấy ngày lời hứa vẫn chỉ là lời
hứa. Những người không kiếm nổi ba xu một ngày thì chết đói ấy, đã phải lần hồi
xoay xở thế nào cho có được một người làng thổi cơm ở làng đem đến chỗ đắp đê
cho mà ăn; là vì trong số ba trăm phu phen, chỉ có hai trăm là cùng đinh của ba
thôn giáp giới với đê, còn hơn một trăm là dân các làng xa năm cây số, mười cây
số, hai mươi cây số, có khi hơn thế nữa. Không một ai lại đủ tư cách mua cơm nắm
muối vừng của một mụ béo có khuyên vàng nặng trĩu ngồi bán ở cái lều cạnh điếm ở
trên đê, một mụ đầu cơ lợi dụng, bóp cổ dân nghèo, không rõ người nhà ông thầu
khoán, hay ông cán lục lộ, hay chân tay thân thuộc của ông quan.
Trời sắp tối mịt.
Đứng dưới một hố đất sét, bên cạnh một cái cột bằng đất bên trên chỏm là cỏ
xanh mà người ta để nguyên để đo xem thùng đấu đã đào sâu xuống là bao nhiêu,
Phú đứng giụi tay, cậy những cái móng tay cáu bẩn trắng xóa. Chung quanh chàng
là anh hai Cò, ông nhiêu Đơ, ông xã Đấu, với mấy người làng nữa, những người
cho rằng Phú đi làm phu hộ đê thì không những là một sự lạ mà còn là một sự
đáng vui. ở làng được kính nể bao nhiêu, ở đây Phú cũng được giúp đỡ như thế.
Không ai quên Phú có cái sức vóc học trò. Người ta đã cặm cụi làm những việc
khó nhọc để Phú cầm một cán cuốc giữ cho lấy lệ, và nói chuyện gì cho vui
chung. Thoạt đầu Phú thấy thế là đáng sỉ nhục cho lương tâm, song dúng tay vào
mới biết rằng những công việc của dân quê thì chàng không có sức nào kham nổi.
Phú cầm cái cuốc giơ lên cũng đã đủ thấy nặng và mỏi tay. Mới vài ngày mà quần
áo vải trắng của chàng đã thành ra như quần áo nâu vậy. Chàng cặm cụi, hí hoáy
được một lúc thì cái đói đã đến đánh thức cái dạ dày. Phú luôn luôn nhìn đến
gánh cơm có hai cái mo cau đậy trên. Nhưng chưa có lệnh nghỉ tay... Chàng suy bụng
mình ra bụng người, thấy cái đời người dân quê là khổ nhục, không đáng sống.
Chàng bỗng căm tức dân quê lắm, và tự hỏi: "Tại sao hàng mấy nghìn năm rồi
mà họ vẫn cứ thế mà cũng sống được?" Phú hối hận đã không đi vay tiền thuê
phu. Chàng lại cho rằng dân quê tuy vậy mà sướng, sướng ở chỗ khổ mà không biết
mình khổ. Thói quen! Đến thế nào nữa mà cũng quen đi là xong; mà hạnh phúc, nếu
không có cách khác, ắt phải kiếm nó ngay trong lòng mình. "Họ khổ nhưng họ
không thấy khổ, âu là mặc quách họ!".
Phú đương đứng ngây người ra nghĩ thế thì chợt bị một bàn tay cục mịch đập mạnh
vào vai. Quay lại, Phú thấy đó là một người cai, không biết của sở lục lộ hay của
thầu khoán, với cái áo vải vàng, cái quần nâu bó trong xà cạp, đôi giày đen to
tướng ở dưới, cái nón dứa cũ ở trên, với một cái mặt lỳ lỳ có những vết nhăn ác
nghiệt, do cái nghề nghiệp nó ảnh hưởng ra cả ngoài hình dáng. Người ấy trỏ tay
vào mặt Phú nói:
- Thằng này! Tao để ý đến mày đã nhiều! Mày chỉ vờ vĩnh thôi. Liệu thần xác!
Điên ruột lên, Phú cự lại:
- Nhưng mà tối rồi! Ông thử trông xem! Cũng phải nghỉ tay để còn ăn uống chứ!
- Quan chưa có lệnh cho nghỉ!
- Quan nào! Làm gì có quan nào ra lệnh nào! Nếu có quan ở đây thì đã không đến
nỗi... Chỉ có bọn các ông là bắt nạt dân quê thôi.
Người cai giơ luôn cái roi mây vụt mạnh vào Phú đánh đét một cái rồi khoanh tay
đứng nhìn. Phú nghiến răng lại, vì roi đánh trúng bắp thịt cánh tay trái. Chàng
xuýt xoa, rồi thừa lúc bất kỳ vô ý của người kia, chàng xông lại, bàn tay phải
nắm chặt dùng hết sức đấm một cái rõ mạnh vào hàm. Không kịp đề phòng, anh kia
loạng choạng về phía sau, bị một vết thương kín khá nặng. Cái nón rơi ra, cái
roi mây cũng rơi. Anh hai Cò, bác nhiêu Đơ, bác xã Đấu, vừa ngạc nhiên, vừa
kinh hoảng, đã ngừng tay làm việc để sửng sốt... Đến lúc nói được lên tiếng rồi,
người cai kia vừa nhặt nón, nhặt roi, nhảy đến mặt Phú mà rằng:
- Mẹ kiếp! Quân này giỏi thật nhỉ! Dám cả gan đánh lại người Nhà nước phỏng!
Ông thì trói cổ lại giam mày một đêm cho mày biết thân...
Nói rồi xông vào túm ngực Phú. Hai người giằng co nhau, vật lộn nhau, chực đẩy
ngã nhau. Bọn người làng của Phú bổ đến can khéo, tháo gỡ. Giữa lúc bối rối cuống
quít thì ông lý làng Phú hấp tấp chạy xuống. Nhanh trí khôn, ông kêu to:
- Chết chửa! Sao thế, cậu giáo! Sao thế ông cai?
Rồi ông đứng vào giữa, lại nói rầm lên, cốt cho người cai kia để ý đến chức
"cậu giáo" mà ông tặng cho Phú. Khi nghe thấy rõ rồi, người cai kia
cũng hơi chột dạ, đứng ngẩn mặt ra đấy, tiến thoái lưỡng nan. Ông lý nói thêm:
- Chết! Cậu giáo con cụ lớn tôi đấy không phải là dân ngu đâu, ông đừng nên thế.
Nếu không ngồi chễm chệ ở nhà mà lại đi làm phu hộ đê là vì cậu ấy chơi ngông,
thích như thế đấy thôi, ông đừng lấy làm lạ.
Đến đây, người cai chòng chọc nhìn kỹ Phú từ đầu đến chân. Rồi nói:
- Sao nó lại dám đánh giả tôi mới được chứ?
Hăng hái thêm lên, Phú đáp:
- Mày đánh tao thì tao lại tha mày à?
Cuộc cãi cọ chưa kết liễu thì từ trên đê, một bác lính khố xanh đã tập tễnh nhảy
xuống. Bác ta xông xuống thùng đấu, hỏi xách mé:
- Cái gì? Lôi thôi gì, hở cái bọn này? Làm sao? Đầu đuôi làm sao?
Không biết đối phó thế nào với cách dọa nạt gián tiếp của thầy lý dịch của Phú,
người cai kia la rầm lên:
- Cậu giáo chứ nhất là cậu cả giời! Đây chỉ biết làm phu mà không chăm việc thì
đây đánh, mà bị đánh mà đánh giả lại người Nhà nước thì... không được!
Phú khoanh tay, hách dịch:
- Ừ, thế đấy! Muốn làm gì thì làm!
Người cai lục lộ xin với người lính khố xanh:
- Ông cứ lôi cổ nó lên quan cho tôi!
- A-lê đi! Cứ biết lên quan đã.
Nhưng chợt từ một cái điếm trên đê có một hồi trống cái tùng tùng đưa ra. Mấy
người làng của Phú cũng vội reo lên:
- A! A! Được nghỉ tay rồi! Ta cơm nước đi, anh em ơi!
Phú nói vào giữa mặt người lính:
- Đây... Phải, đây cũng ăn cơm chơi cái đã.
Ông lý trưởng thì cuống cuồng lên mà rằng:
- Thôi, tôi xin cậu giáo, cậu đừng bướng với người Nhà nước như thế! Thôi, tôi
xin khuyên hai ông, đây là cậu giáo con cụ lớn làng tôi, hai ông đừng có quá
tay quá miệng mà rồi rầy rà lôi thôi.
Không biết nghĩ thế nào, người lính bảo người cai:
- Để hỏi quan xem nên thế nào đã.
Trong khi Phú tự do ra ngồi ăn cơm nắm muối vừng với mấy người làng thì người
cai và người lính kéo nhau lên đê. Mười phút sau, ở một điếm canh bước ra, hai
người lại hùng hổ kéo xuống thùng đấu, vào lúc trời sắp tối mịt...
Lại một hồi trống dài nữa vang lên. Lý dịch, lính tráng chạy dài trên đê ra cái
lệnh rằng ai ai cũng phải xếp dọn xẻng cuốc, thúng mủng lên cả mặt đê một lượt.
Người lính và người cai dẫn Phú vào cái điếm gạch trong có một ngọn đèn đất để
trên một cái bàn, cái bàn cạnh cái ghế, cái ghế dưới một người đương hí hoáy viết
lách. Phú đoán hẳn đó là một viên chức cán sự công chính. Quần áo tây vải vàng,
giày ống, một đôi kính cận thị trên sống mũi, một cái roi cá đuối đeo bên lưng.
Người ấy vừa viết vừa uống nước ở cái cốc sắt, nắp một cái ống ủ nước. Sau cùng
người ấy ngẩng lên hỏi:
- Cái gì?
- Bẩm quan lớn, nó đánh lại tôi, nếu quan lớn không nghiêm trị để làm gương cho
kẻ khác, thì ắt tôi không trông nom nổi, mà cái dân vùng này cũng đã bất trị lắm.
Người tham tá lục lộ ấy nóng nẩy hỏi ngay Phú:
- Thằng này, sao mày dám đánh lại người có quyền trông nom mày?
Thấy Phú không đáp, người ấy gắt:
- Ô hay? Mày câm hay sao?
Phú bèn nghiêng đầu khinh bỉ đáp bằng tiếng Pháp:
- Thưa ông, nếu ông là một viên chức thì ít ra tôi cũng là một người công dân!
Và tôi xin nói thẳng ngay rằng lối mày tao của ông là sai với lời dặn của quan
trên và lại tỏ ra cái tư cách của người kém giáo dục! Ông không là quan cai trị
cái chỗ này.
Người cán sự kinh hoảng lên, không ngờ một tên phu đi hộ đê mà lại có học thức
như thế, bướng bỉnh như thế. Thật là bất ngờ! Muốn giấu cái hổ thẹn, người ấy
nói với anh lính và anh cai:
- Thôi, cứ đi đi, để rồi chốc nữa thì quan huyện đến.
Rồi bảo Phú cũng bằng tiếng Pháp:
- Vâng, thế thì ông cứ đứng đấy mà chờ quan sở tại!
- Hân hạnh vô cùng.
Bên ngoài có tiếng nạt nộ lẫn nhau rất xôn xao. Quan đến thật. Cùng đi với quan
có một đoàn nha lại lính tráng. Quan vào điếm, bắt tay viên chức lục lộ, ngồi
xuống một cái ghế mây có người nhanh tay đưa ra. Một thiếu nữ ăn vận xuềnh
xoàng, đội nón Huế, đi giày kinh, cũng theo quan vào điếm.
Lời nói thứ nhất của quan là mắng con gái:
- Ô cái con bé này hay nhỉ? Ai cho đi mà đi thế?
Dung nũng nịu như quanh đấy không có ai nữa, cười trừ mà rằng:
- Thì cậu để yên con quan sát mọi sự thì đã sao!
Quan hỏi người sở lục lộ tình hình đê điều, mực nước lên xuống một vài con số.
Bên ngoài, bọn lý dịch rúc tù và, hò nhau đốt đuốc, chẻ nứa, tiếng quát tháo,
tiếng hỏi, tiếng đáp, xôn xao... Quan bảo một thầy thừa gọi các lý dịch đến điếm
nghe lệnh. Một hồi tù và rúc liên thanh. Khi có trước mặt mình một số đông người
mà người nào quần cũng ống thấp ống cao, toét mắt, khăn khố lúng ta lúng túng,
quan huyện hoặc khen ngợi, hoặc quở trách, tiếng đồng sang sảng.
- Mày khất đến bao giờ? Sao hơn trăm phu mà mày lại gọi có ba chục? A, quân bay
giỏi nhé? Ông lại cách cổ mày đi bây giờ!
Người phó tổng mặt tái xám, run lẩy bẩy, để cho Kim Dung đứng sau lưng bố bịt mồm
cả cười một cách rất đỗi ngây thơ. Cái tuổi trẻ nhìn sự gì cũng không thấy bi
đát.
- Bẩm quan lớn, chúng con chưa kịp sức cho dân gian, chỉ đến mai là cùng, thể
nào cũng phải cố sống cố chết để đúng lệnh quan lớn!
- Cái quân này không làm gương cho chúng thì dễ không xong mất! Lính đâu?
- Dạ!
- Gọi mấy thằng phu đào ngay cho tao một cái hố ngay trước điếm này đây
- Bẩm lạy quan lớn, xin quan lớn xét cho nỗi khổ tâm của chúng con, thể chẳng
được mà thành ra không tròn phận sự.
- Câm ngay! Im cái mồm! Mày muốn chôn chân hay mày muốn mất cái phó tổng thì bảo
ông một thể!
- Bẩm lạy...
- Im ngay! Lính đâu! Đào hố ngay, chốc nữa tao quay về mà chưa thấy nó bị chôn
chân thì chúng mày đừng có trách!
- Dạ!
- Chánh tổng Xuyên Lư, chánh tổng Quýnh Cao, chánh tổng Hội Lãm đâu?
- Dạ! Dạ!
- Ba trăm phu thì chia làm hai bọn, một bọn ngủ đến ba giờ đêm thì phải dậy
thay bọn kia mà đốt đuốc soi chân đê cho kỹ lưỡng không có mà mắt cáo nó xói...
Canh phòng cho thật cẩn mật, trống lệnh phải điểm luôn.
- Bẩm vâng.
- Đốt đuốc tao đi khám đây.
- Bẩm có đến năm chục phu đàn bà trẻ con, quan lớn dạy cho thế nào?
- Đàn bà trẻ con thì thôi, tha cho chúng nó được ngủ.
Quan sắp đứng lên thì viên tham lục lộ nói mấy câu tiếng tây trỏ Phú. Quan huyện
lại ngồi xuống ghế, ra hiệu cho Phú đến đứng trước bàn. Từ đây trở đi, Phú được
cô tiểu thư chú ý đặc biệt.
- Sao mày to gan thế? Đánh lại người Nhà nước! Gớm nhỉ?
- Bẩm tại nó dã man quá sức, và đánh tôi trước.
- Tại sao thì nó mới đánh mày chứ?
- Quan lớn có trông thấy thì mới hiểu cái dã man của chúng trong lúc chúng hành
hạ dân quê.
- Tên mày là gì? Đưa xem thẻ.
Phú đưa thẻ. Quan ngẫm nghĩ rồi hỏi một câu khiến cho ai đứng đấy cũng phải ngạc
nhiên:
- Thế bao giờ ông Cử được tha?
Phú cười nhạt:
- Bẩm, ông tôi chết tại Côn Đảo đã lâu rồi.
- Giáo Minh liệu có được tha không?
- Bẩm có, tin tức riêng mà chúng tôi nhận được cũng đã đích xác.
- Thế thầy đừng có lôi thôi sinh sự với họ nữa nhé!
Trước sự bực tức im lặng của viên tham lục lộ, ông huyện trả thẻ thuế thân cho
Phú rồi ra. Trước khi ra theo bố, Dung quay lại nhìn trộm Phú, và Phú cũng biết
rõ thế.
CHƯƠNG III
Khi Phú mở mắt choàng dậy thì dưới chân chàng, nước mưa đã đọng lại thành một vũng lớn. Chung quanh chàng, dưới cái lều trống trải, bốn chục người nằm co quắp, chồng chất lên nhau mà ngủ, ngổn ngang, lổng chổng, như một lớp cá mè, trên mặt cỏ hai lần giát tre ngăn đón sự ẩm ướt của đất, nó là một thứ đệm gồ ghề chẳng hiền lành cho những cái lưng của bọn người ngủ. Bọn này gối đầu vào ngực, vào lưng, vào đùi, vào cẳng nhau, dùng những cái áo tơi lá gồi phủ một lượt lên trên làm chăn. Họ ngáy o o, mặc lòng gió thổi từng cơn ào ào, mặc lòng khi một người tức ngực, tê đùi, mỏi lưng mà muốn trở mình thì ít nhất cũng phải đẩy một cái đầu, quẳng một cái cánh tay, hất một cái cẳng của vài ba người khác, nghĩa là làm cho cả bọn phải cựa cậy lục đục.
Một lần nữa, những cái thế nằm tuy có đổi mà kỳ chung sự hỗn độn vẫn nguyên là
sự hỗn độn, vì những cái đầu này lại chúi vào những cái đít khác, cái chân của
người nọ lại đặt lên một cái mặt người kia! Một giấc ngủ, tuy vậy, cũng thần
tiên. Một đống người, tóm lại, sung sướng, nếu cái ngủ là phương pháp cuối cùng
chống với cái đói.
Lúc ấy, trời đã hửng sáng. Phú đứng lên vươn vai, sau khi đắp lại một cái áo
tơi cho ông xã Đấu, người có một cái lưng lực điền mà Phú đã dùng để gối đầu
cũng như chàng đã đem cả người chàng để che chở thay cho chăn. Việc thứ nhất của
Phú, cũng như của tất cả mọi người lúc trở dậy, là xem lại túi áo hay hầu bao
có còn nguyên vẹn cái thẻ thuế thân không. Sau những khi ăn nằm thân mật với
nhau, người ta phải đề phòng sự ăn cắp, chứ không tin ai được, mặc lòng chẳng
người nào có cái gì đáng cho một kẻ khác lần lưng móc túi. Khi thấy cái thẻ, mấy
đồng xu buộc trong một cái khăn tay vẫn nguyên vẹn trong túi áo, Phú bước ra khỏi
lều.
Vì không ngủ được, Phú hóa ra trở dậy sớm nhất, tựa hồ một người siêng năng.
Nhưng những con chim nhạn lại còn siêng năng hơn Phú. Lần đầu trong đời, Phú được
dịp thích mắt khi thấy hàng trăm con chim đen ấy nhoang nhoáng liệng như tên
bay trên mặt sông, dốc đê, mặt ruộng, để hớp mồi, hai cánh thả rộng, cái đuôi
như chữ V. Phú nhớ đến những chuyện đời xưa mà cổ nhân gán cho loài chim có thi
vị ấy những cái trách nhiệm nặng nề...
Nhưng mà, kìa, từ những điếm gạch, một vài bác quyền đã bước ra, cái roi mây đã
sẵn sàng ở tay. Một hồi trống. Năm phút im lặng. Lại một hồi trống nữa. Trong
khoảnh khắc, mặt đê lúc trước vắng ngắt, nay đã lố nhố mấy trăm con người. Lính
tráng, lý dịch, cai cú, đã cắt đặt ỏm tỏi. Trước sự sung sướng chung, người ta
hò reo với nhau rằng mực nước đã rút xuống được hai gang tay! Dân phu hộ đê, do
thế, ít ra cũng đỡ khổ, dẫu là được một ngày. Vẫn phải làm việc, điều ấy cố
nhiên, nhưng sự đốc thúc hẳn không còn gay gắt tàn tệ như ngày hôm trước. Một
vài người đã bắt đầu muốn trốn về thăm nhà.
Hồi trống thứ ba đã lại bắt đầu nổi lên. Cái hiệu lệnh cho người nào cũng phải
đến chỗ người ấy, phu đào đất xuống thùng đấu, phu đan sọt ra chỗ có những đống
tre xanh... Nhưng mà, lần này, dân phu, đáng lẽ tản mát đi mọi nơi, thì lại họp
nhau lại cả một chỗ.
Người ta chợt nhớ rằng đã làm việc năm hôm. Theo lệ hộ đê xưa nay, cứ tốp này
làm việc năm hôm thì được tha về. Nhà nước lại gọi tốp khác. Người ta nhớ lại
quan trên đã nói rằng Nhà nước xử nhân đạo, sẽ trả tiền cho mọi người. Vậy thì
phải kêu ca: con không khóc, khi nào mẹ lại cho bú? Cho nên dân phu, người lớn,
trẻ con, đàn bà, khi thấy sắp được tha về mà chưa được biết tin tức gì về công
xá, đã họp nhau lại để kêu... Một vài cái roi vọt chẳng đủ họ sợ.
- Chúng tôi muốn biết quan trên có tha chúng tôi hôm nay không?
- Để nhờ ông lý nói lên ông chánh tổng hộ!
- Rồi các ông chánh tổng nói lên quan huyện.
- Không phải đánh! Không phải chửi!
- Chúng tôi không làm gì nên tội mà phải đánh chửi như thế!
Thế là xong! Đám dân đã bắt đầu bất trị. Một vài bác lính quay lại sợ hãi cái
nhẫn tâm của mình. Bọn lý dịch ngơ ngác gọi nhau, đi tìm một vài ông chánh tổng
lúc ấy còn ngồi uống nước, hút thuốc trong điếm. Một bác lý trưởng ra điều giỏi
việc quan, gân cổ diễn thuyết:
- Các người làm gì mà nhặng lên thế? Quan trên đã có lệnh gì đâu mà lý dịch biết
được! Có tha cho về thì cũng hết hôm nay đã chứ, sao mới bảnh mắt đã đòi về?
Thì hãy cứ làm đi đã xem sao nào!
Dân hộ đê chẳng ai dám nói nửa tiếng. Họ thì thào với nhau, xui giục nhau, cãi
cọ nhau. Thấy tình hình khốn nạn ấy, Phú chạy lên hàng đầu thay mặt họ:
- Thưa các ông lý dịch! Chỉ có bây giờ chúng tôi mới họp nhau được, chứ nếu
chia đi các ngả rồi thì ai cho chúng tôi họp nhau nữa mà kêu! Các ông xét cho!
Chúng tôi vất vả năm hôm nay rồi! Chúng tôi còn phải lo sao cho cha mẹ, vợ con ở
nhà khỏi chết đói! Nhà nước bảo có trả tiền công mỗi ngày xu năm một người, vậy
thì tiền đâu? Có thực mới vực được đạo chứ?
Người cai lục lộ đánh nhau với Phú hôm trước nói leo vào:
- Ấy cái thằng ấy nó chẳng làm được việc gì mà nó kêu la to nhất!
Một người phu hộ đê khác nói bướng:
- Không được ăn thì bố ai làm được! Chúng tôi sợ gì? Chúng tôi chỉ cầu vỡ đường
vỡ xá thôi! Có thế may ra nhà nước mới xóa thuế, chứ hoa mầu chúng tôi chẳng có
chó gì mà chúng tôi sợ!
Người lý dịch phát cáu:
- Để chờ quan ra đây rồi nói! Ông tóm cổ mày lại để rồi mày nói thế với quan!
Con giun xéo lắm cũng quằn, cái công phẫn của quần chúng đã bị kích thích mạnh.
Hốt nhiên có tới ba mươi người xông lên hàng đầu, sừng sộ:
- Có tóm cổ, xin tóm cổ tất cả! Ngần này người tình nguyện sẽ nói thế!
Đâm hoảng, người lý dịch ấp úng:
- Có tha về thì cũng đến tối chứ?
- Chúng tôi kêu ngay bây giờ thì vừa!
Phú xua tay ngăn hai bên, rồi khoan thai:
- Không thể được! Nếu tha về thì các ông nên tha vào lúc xế chiều, vì ở đây có
nhiều người ở xa hàng hai mươi cây số! Đến tối thì chúng tôi biết lần đường nào
mà về! Vậy tôi xin hỏi rằng các ông lý dịch đã bắt lớp phu khác thay cho chúng
tôi chưa?
- Lý dịch khác thì ai biết đâu đấy! Các anh nói ngu lắm! Chúng tôi ở đây là
trông nom các anh, mà các anh được về thì chúng tôi cũng được về chứ gì!
Phú chả để mất cơ hội, vội phân bua:
- Ừ! ấy thế! Mà đã thế thì các ông đừng đàn áp dân phu nữa, mà kêu ca hộ dân
phu có phải hơn không?
Ông lý trưởng làng của Phú cũng nói với các lý dịch:
- Phải đấy! Anh em ta phải nhân đó mà kêu lên quan, rồi mà cùng về.
Đây kia một ông chánh tổng. Ông đến nói khuấy khóa, giọng lè nhè:
- Chào ôi! Chưa được việc gì cả mà đã om xòm lên. Vẫn biết Nhà nước có giấy sức
đi là trả tiền, nhưng chưa đủ giấy má thì chưa có tiền chứ sao? Giấy còn tư về
tỉnh, rồi tỉnh mới lại tư về huyện chứ? Phải chờ đợi việc quan là thường chứ?
Thôi quan sắp ra rồi! Ai vào phận sự người ấy! Hãy cứ biết hộ đê đi đã, bao giờ
có lệnh quan hãy hay! Các người giải tán đi!
Phú nói:
- Xin cụ biết cho rằng mực nước đã xuống! Như vậy dân phu mới dám họp nhau kêu
cụ, nhờ cụ kêu lên quan cho! Chúng tôi khổ lắm rồi!
Người chánh tổng lè nhè:
- Tôi lên huyện đây! Để tôi xin kêu! Nhưng mà cứ đi làm việc đã!
Phú quay lại nói với dân phu:
- Ấy đấy! Sự tình là thế đấy, tùy các người xử trí.
Ba trăm người ấy lầu nhầu một hồi dài. Nhưng chưa chi, độ một trăm người đã vội
giải tán đi các ngả. Một trăm người khác nữa, chột dạ, cũng giải tán theo. Còn
lại một phần ba những kẻ bướng bỉnh nhất thì bị bọn lý dịch, lính tráng bắt giải
tán bằng chửi rủa hoặc roi vọt.
Thế là, sau một lúc ỏm tỏi hỗn loạn, đâu lại vào đấy cả.
Phú lẳng lặng xuống thùng đấu với mấy người làng. Chàng lại căm tức dân phu hơn
là bọn người có phận sự cai quản họ. Phú cho rằng đối với người trên, cùng dân
phải hết sức nỗ lực, hết sức cương quyết, mới mong được việc. Trái hẳn lại, cái
hăng hái của dân quê chỉ như lửa rơm, chưa nhóm đã tàn. Như vậy chỉ là trò trẻ,
và những nguyện vọng chính đáng đến đâu rồi cũng bị khinh thường. Đã vậy, cái
thất bại bây giờ còn đẻ ra bao nhiêu cái thất bại khác về mai sau. Dân quê! Dân
quê khổ sở, bị áp chế chỉ vì thất học, mà đã thất học thì lại càng bị áp chế
cho không thể học được nữa; như vậy, biết làm thế nào cho họ hành động nổi một
việc ý thức được.
Cạnh Phú, anh hai Cò, anh xã Đấu, mấy người đàn bà... lại chăm chỉ làm việc, tựa
hồ không có việc gì xảy ra. Phú thở dài, lầm bầm: "Nhẫn nhục ở đâu là một
nết tốt, thì ở đây chỉ là một điều tai hại".
Lúc mặt trời đã lên cao quá ngọn tre, bọn phu được nghỉ tay để cơm nước. Lý dịch
và tuần tráng xúm xít nhau lại ở cái hàng cơm cạnh điếm của mụ béo có đôi
khuyên vàng. Được thả lỏng trong chốc lát, phu phen lại thấy cái cần phải bảo
nhau quyết tìm một phương kế đương đầu lại mọi áp bức. Chẳng để lỡ dịp, Phú cầm
một nắm cơm ở tay chạy vội đến một thùng đấu khác đông đàn ông nhất, cổ động
lên tiếng:
- Tôi nói thật cho các ông biết, chứ dễ thường quan đã phát tiền cho lý dịch rồi
mà bọn lý dịch tuần tráng ăn chặn của mình đi cũng nên! Các ông không biết tự cứu
lấy thân thì các ông chết!... Phải phản đối kỳ cùng cho lòi những kẻ gian tà ra
mới được.
Nói thế xong, Phú lại chạy về chỗ cũ. Từ đấy trở đi, những câu "ăn chặn,
gian lận" đã từ miệng kẻ nọ bay đến miệng người kia. Trong chốc lát, mấy
trăm người đều công phẫn, xót xa về nỗi bị bóc lột. Họ bảo nhau lại kéo nhau
lên đê... Lần này, khôn hơn, họ mang theo liền tay cả xẻng, cả cuốc, hoặc không
thì cũng một thanh tre to tướng. Đó không những là một vụ đình công, mà còn là
một vụ biểu tình. Và khi dân biểu tình lại có cả "khí giới" trong tay
thì ấy là họ dại dột tự đem thân dấn vào chỗ chết.
Sau khi cơm nước, bọn lý dịch và tuần tráng kinh hồn hoảng vía, khi họ quay ra
ngoài hàng cơm mà đã thấy dân phu xúm lại rất đông. Người ta hoảng hốt chạy trốn.
Một người lính khố xanh cắm cổ phóng xe đạp về huyện. Hai ông chánh tổng chạy đến
nỗi khăn khố xổ tung trên vai, lòng thà lòng thòng. Dân biểu tình hò hét om
xòm:
- Những đứa nào ăn chặn tiền thì sẽ biết!
- Đồ khốn nạn! Đồ ăn cướp cơm chim!
- Chúng ông cứ moi gan những quân nhũng lạm đã, rồi chúng ông liệu!
- Rồi chúng ông trói mình nộp cửa công một thể!
- Phải làm cho quan tỉnh biết rõ mọi việc!
Phú luống cuống, không biết cách nào ngăn họ lại nữa... Cái đám quần chúng hiền
lành bình tĩnh ấy đã muốn sinh sự. Một lần cơn phẫn uất trong đáy lòng của họ bị
một lời cổ động nguy hiểm khêu nhóm lên, đánh thức họ tỉnh một giấc ngủ mấy
nghìn năm. Đáng lẽ chiến đấu một cách hòa bình, cương quyết và khôn ngoan, thì
đó là những cử động mạnh bạo một cách dại dột. Họ không còn biết nghe lời lẽ phải
trái gì. Phú thấy bối rối cả tâm trí, khi một tên cai lục lộ và một anh tuần
tráng dã man có tiếng, bị phu phen đánh cho một trận nên thân.
Nửa giờ sau thì quan huyện ngồi trên xe nhà, đến với sáu người lính khố xanh.
Trông thấy súng ống, dân quê mới kịp hoảng sợ. Đến khi sáu cái súng nổ chỉ
thiên thị uy một lúc, cái đám dân phu đáng thương bỏ chạy tan tác, xô đẩy lẫn
nhau, giày xéo lên nhau... như một đàn ruồi ở sau mông con bò, khi bị cái đuôi
bò đập một cái.
Sau cuộc hỗn loạn, số bị thương vì xẻng của phu là bốn đứa trẻ con, hai người
đàn bà. Rồi thì... sau cùng, đâu lại vào đấy.
Trên đê, hai trăm phu khác mới đến, do một bọn lý dịch khác chăn dắt.
Phú bị một người lính khố xanh áp giải về huyện lỵ với cái tội cầm đầu biểu
tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét