Bảo vật quốc gia ở đâu?
Đã hai năm trôi qua kể từ khi Luật Di sản Văn hóa quy định việc
xếp hạng ''bảo vật quốc gia'' nhằm ''phong tỏa'' chúng trước nguy cơ bị thất
thoát. Thế nhưng, hàng triệu triệu hiện vật nằm rải rác trong các di tích, các
bộ sưu tập tư nhân vẫn chưa được kiểm kê, phân loại. Trong cảnh ''vàng thau lẫn
lộn'' đó, nhiều khi ''cục vàng thì mất hòn đất thì còn'' mà cũng chẳng ai biết.
Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa-Thông tin) vừa có công văn gửi
các bảo tàng, các Ban quản lý di tích đề nghị "tổng kiểm kê" các hiện
vật trên toàn quốc nhằm đề cử các bảo vật quốc gia. Sau ngày 30-10 tới, đợt xét
bảo vật quốc gia đầu tiên trên toàn quốc sẽ được tiến hành.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản cho biết: Các
cổ vật đề cử sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, đánh giá một cách
nghiêm túc và khoa học để Chính phủ phê duyệt. Việc xét chọn sẽ kéo dài đến
sang năm hoặc năm sau nữa.
Cần hiểu đúng về bảo vật quốc gia
- Tiêu chí: Là những hiện vật nguyên bản, độc bản/hình thức độc
đáo/có giá trị đặc biệt quý hiếm về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Như vậy bảo
vật quốc gia không nhất thiết phải là cổ vật (có niên đại trên 100 năm) mà có
thể bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật.
- Chính sách: Được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt. Nhà
nước sẽ dành ngân sách thích đáng để mua. Phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước,
và khi thay đổi chủ sở hữu trong nước phải báo cáo trong thời hạn 15 ngày.
Những bảo vật ít được biết đến
Tỉnh đầu tiên tôi chọn đến là Bắc Ninh, vùng đất cổ với những
ngôi chùa nổi tiếng (chùa Bắc, đình Đoài). Gần đây, Bắc Ninh lại rộ lên thông
tin về những "báu vật" mới được phát hiện, từ mộ tổ nhà Lý ở Dương
Lôi (còn nghi vấn), khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu (duy nhất có ở Việt Nam), lò
gốm cổ Đương Xá (thế kỷ 10, sớm nhất ở Việt Nam, còn nguyên vẹn) đến gần đây nhất
là tượng có cốt xương thiền sư Như Trí (thời Lê, tại chùa Tiêu). Biết đề cử cái
gì đây?
Dạo qua một vòng trên địa bàn, đã có thể chỉ ra ngay những cổ
vật không thể thiếu được trong danh sách đề cử. Theo ông Lê Viết Nga, Giám đốc
Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ngoài những cổ vật kể trên, sẽ là: Cột đá chùa Dạm (một
tuyệt tác điêu khắc thời Lý, được làm phiên bản đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt
Nam); Phật Bà nghìn tay nghìn mắt (chùa Bút Tháp, thế kỷ 16-17), ba pho tượng
đá Đông Côi (thời Trần), bốn pho tượng đá thánh Tam Giang (ở Vân Mẫu, huyện Quế
Võ, tượng ngồi trên ngai, cao 1,8m); và đặc biệt là pho A Di Đà chùa Phật Tích,
một trong bốn tượng đá thời Lý còn sót lại ở Việt Nam...
Cuộc tìm kiếm "báu vật" trở nên lý thú khi chúng
tôi lật lại hồ sơ về một số cổ vật đang nằm trong sự quên lãng. Ông Nga chỉ cho
tôi thấy một thanh kiếm cổ không có gì đáng chú ý đang được cất giữ trong Bảo
tàng. Trong một cuộc bắt giữ đồ cổ, công an huyện đã tìm thấy nó. Thì ra, thanh
kiếm này vốn ở dưới đáy sông Như Nguyệt. Khoảng chục năm trước, những người dân
xúc cát đã vô tình vớt được nó, rồi đem bán cho dân buôn. Theo ông Nga, thanh
kiếm này xứng đáng là "bảo vật quốc gia".
Hành trình tìm bảo vật tiếp tục. Tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu,
huyện Gia Bình, trong đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh có một pho tượng kỳ lạ.
Những người dân ở đây đã sửng sốt khi đào lên được một pho tượng bằng đá nguyên
khối tạc hình một con rắn lớn (dạng rồng) trong tư thế "miệng cắn thân,
chân xé mình".
Ban đầu người ta tưởng là một "quái tượng" hung dữ,
nhưng nhìn kỹ thì khác hẳn: pho tượng toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất. Đó chính
là hiện thân của Lê Văn Thịnh, ông Trạng khai khoa của nền quốc học Việt Nam,
đã bị hàm oan trong vụ án hồ Dâm Đàm từ thời Lý (triều đình kết tội ông hóa hổ
để giết vua). Người dân đã tạc pho tượng này để thể hiện nỗi oan khuất đó, và
niên đại của pho tượng theo ông Nga, vào khoảng thời Lê, trùng hợp với thời
gian Lê Văn Thịnh được minh oan...
Ưu tiên cho các di tích để tránh bị thất thoát
Chỉ sơ sơ một vòng ở Bắc Ninh, ông Nga cũng đã tìm được khoảng
100 cổ vật xứng đáng được công nhận là "bảo vật quốc gia", trong đó
có không ít là những đồ vừa mới được biết đến.
Cũng có khi lần theo địa chỉ tới nơi thì nó đã bị mất tự bao
giờ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì những kho báu ở chốn dân gian
vẫn còn nhiều, chúng ta chưa thể biết hết, trong khi giới buôn đồ cổ thì
"thạo" hơn nhiều. Bởi thế chúng có nguy cơ bị thất thoát rất cao.
Theo chủ trương của Cục Di sản, đợt xét chọn bảo vật quốc gia
này không chỉ gói gọn ở các di tích, mà trên toàn bộ hệ thống bảo tàng Trung
ương và địa phương, kể cả các bộ sưu tập tư nhân. Điều này tất nhiên là không
thừa, nhưng rõ ràng là quá rộng.
Mặc dù Cục đề nghị các đơn vị khi đề cử phải quán triệt các
tiêu chí về bảo vật quốc gia, tránh tình trạng đưa lên ồ ạt, nhưng số lượng chắc
chắn vẫn sẽ rất lớn.
Thiết nghĩ, mục đích cuối cùng của việc xét chọn bảo vật quốc
gia là để tôn vinh các hiện vật quý, và bảo vệ chúng. Chính vì vậy, rất cần tiến
hành một cuộc tổng kiểm kê các di tích, các bộ sưu tập tư nhân - những nơi có
nhiều bảo vật chưa được biết, để kịp thời phát hiện trước khi chúng bị thất
thoát ra ngoài.
22/9/2004 Khuyết Danh
22/9/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét