Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Đi trong thành phố có nắngXXXXX

Đi trong thành phố có nắng

Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hồ Dzếnh
Tôi mở  mắt ra rồi nhắm mắt lại. Chưa tin. Lại mở ra rồi nhắm lại.Chưa tin hẳn. Dụi mắt nheo nheo. Lạ quắc. Không phải nóc mùng trắng và vách mùng trắng như mọi bữa. Nóc mùng xanh lợt, vách mùng màu xanh ô liu, thuộc loại nhà binh. Tôi đang ở đâu đây? Đầu nhức nhối, cổ khô rát.  Tôi nằm đây từ hồi nào? Một vệt nắng sáng lọt qua cửa sổ mở hờ chói thẳng vào mắt tôi. Có tiếng thở của ai khác lạ. Tôi day sang bên cạnh. Một người con gái nằm đó. Hơi thở nàng chậm và đều. Ngực nàng phập phồng nhấp nhô dưới chiếc áo ngủ mỏng màu hồng. Giữa hai đùi trắng tươi của nàng, chiếc gối ôm dài đã tuột xuống thấp. Cúi xuống ngó kỹ. Nhi! Nhi? Nhi… Phải rồi… Nhi!... Tôi nhớ ra rồi. Đêm qua tôi đã theo Nhi về nhà nàng rồi ngủ lại ở đây luôn.
 
Nhi là vũ nữ ở vũ trường Đại Kim Đô. Nói chuyện có cảm tình. Tôi thích nhảy với nàng vì nàng có da thịt, ôm sát Nhi vào người có cảm tưởng như ôm chiếc gối nhồi bông, êm êm, nhẹ nhàng, thơ thới, hân hoan. Nàng nhảy rock với tôi rất ăn nhịp. Đêm qua anh Ba Lợi rủ tôi đi nhót, anh bao sòng một đám bốn đứa.
 
Tối qua tôi và Lộc hai đứa cưa hết một chai whisky nhãn đen, anh Ba tôi bị suyển nên cữ rượu, còn anh chàng thứ tư bạn của anh Lợi chỉ nhấm nháp chiếu lệ. Tôi kêu Nhi tới ngồi bàn trọn buổi tối. Rượu vào lời ra, không rõ tôi đã tán tỉnh nàng ra sao mà coi mòi em bé chịu đèn. Vãn màn nhảy nhót tôi theo Nhi về nhà nàng ở dốc cầu chữ Y. Thêm một lần nữa, tôi lại bỏ nhà đi hoang.
 
Nhi làm đêm nên sáng nào cũng dậy trễ, có khi bỏ ăn buổi trưa luôn. Trót mang lấy nghiệp vào thân! Tôi cẩn thận từ từ ngồi dậy, sợ làm kinh động giấc ngủ nàng. Tôi vén mùng bước xuống nền gạch bông còn thấm lạnh hơi đêm. Rón rén đi ra nhà sau kiếm nước uống cho đã khát. Đút đầu dưới vòi nước ở chậu rửa mặt, vừa vò tóc tai vừa mở miệng tợp nhiều ngụm nước từ phía sau ót chảy xuống. Đêm qua tôi ăn ít, bụng nhờn nhợn xông lên mùi whisky từng chập. Dựa theo kinh nghiệm, tôi thọt một ngón tay vào miệng mình tự móc cổ họng cho ói ra. Ói được thì nhẹ người.
 
Sửa lại lần chót chiếc cổ áo mình cho ngay ngắn, tôi rón rén đi lên nhà trên, nhè nhẹ mở khóa cửa rồi lách mình ra ngoài khép cửa lại. Nghĩ sao, tôi lại quay trở vào nhà tìm một mảnh giấy nhỏ nguệch ngạc viết để lại cho Nhi mấy chữ: “Anh phải đi sớm. Hẹn gặp lại em tối thứ Năm”.” Tôi rời thềm nhà bước hẳn ra ngoài hẻm đất. Nắng chan hòa tưới lên mình mẩy tôi vàng hực. Tôi bẻ ngón tay lắc cắc, vặn xương sống lụp cụp, vươn vai ngáp dài mấy cái, hít không khí mát rượi của buổi ban mai cho tỉnh ngủ. Dứt con hẻm tôi bước ra lộ cái bắt gặp lại sự náo nhiệt thường trực của thành phố. Tôi quẹo tay mặt kiếm một con đường nhỏ đi cho yên tỉnh. Nắng! Nắng! Nắng! Thiệt không phải là một ngày để chào quốc kỳ, để giải quyết công vụ và để ngó mặt mấy thằng trốn quân dịch chó má. Một ngày để tắm nắng, để nhìn én liệng trên trời, để ngó mây bay đổi dạng thành nhiều hình ảnh kỳ lạ, để lãng mạn, để yêu, để la, để khóc, hay để làm bất cứ một cái gì đó chứ không phải để gân cổ lên hét “Thanh niên ơi! Ta quyết đi đến cùng… Thanh niên ơi!... Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!”” Biết rồi, ta là con rồng cháu tiên do một trăm cái trứng nở ra, năm chục lên núi theo cha, năm chục xuống biển theo mẹ, ta đã từng chém đầu Liễu Thăng, đã từng phá tan giặc Nguyên đánh tan Mông Cổ, đã từng đuổi hết lũ  giặc Minh… Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
 
Tôi lửng thững đi dọc theo con lộ nhỏ. Thành phố đã thức dậy, một đám người ngồi chùm nhum quanh cái sạp thấp uống cà phê, ăn bánh cuốn chả lụa, kẻ húp cháo lòng còn bốc khói nghi ngút, ai nấy cũng có vẻ hấp tấp để bắt tay ngay vào việc sau khi phủi đít đứng dậy. Một con chó lảng vảng dưới chân thực khách chờ gậm xương, đuôi ngúc ngoắc để kiếm chút cảm tình. Ai nấy đều chăm chú vào thức ăn trước mặt mình. Con chó ngước lên nhìn, đôi mắt thèm khát, đuôi ngoắc lia lại. Tiếng ăn xen lẫn với tiếng uống, tiếng húp xì xụp. Con chó sủa lên một tiếng nhỏ để gây sự chú ý cho thực khách, liền bị nạt cho nín. Than ôi! Trong một buổi sáng đẹp trời như thế nầy, người ta không thể nào rộng lượng hơn với con chó một chút sao? Quăng cho nó một cái xí quách hay một miếng thịt dai chẳng hạn cho bỏ cái công nó cố gắng làm vui lòng khán giả.
 
Tôi tiếp tục đi, đi thẳng vậy thôi chớ không có mục đích gì rõ rệt, nhứt là đi tới sở làm thì bỏ đi tắm. Đầu đã bớt nặng, tôi cảm thấy yêu đời và hân hoan trong cơn mưa ánh sáng rực rỡ. Nắng khắp nơi, nắng chan hòa, nắng bao dung, nắng rộng lượng,  nắng tưới đầu ngọn cây, nắng lăn mình trên thảm cỏ, nắng vút cao trên bức tường vôi trắng, nắng đong đưa trên những chùm bông giấy sai oằn đủ màu sắc, đỏ ối, vàng cam, tím thẫm, trắng tinh. Bỗng có tiếng ai khóc. Một đứa nhỏ gái độ chừng năm tuổi đang ngồi ở thềm đất trước nhà khóc tấm tức, hai tay ôm con búp bê đã gẫy hết hai chưn. Bé ơi! Làm sao mà khóc vậy cưng? Bé khóc con búp bê tật nguyền của mình? Bé khóc vì vấp té? Bé khóc vì mới bị má đánh đòn? Mà sao lại đi đánh đòn em nhỏ trong một buổi sáng rạng rỡ nắng như thế này. Bé dụi mắt, nắng rạng rỡ trên mặt em bé tèm lem nước mắt.
 
Tôi tiếp tục đi, ngước mặt ngó lên bầu trời xanh thẳm và nắng tươi mướt nhảy múa trên đầu các ngọn cây, như tôi và Nhi ôm khiêu vũ đêm qua, nhưng nắng không ngạt ngào thơm tho mùi son phấn. Nắng trong lành. Nắng tươi tốt. Nắng nhẹ hổng. Cuối đường tôi quẹo trái đi vào con đường lớn. Tôi đi ngang qua một góc phố được Mỹ chuyển thành công sự chiến đấu càng lúc càng nhiều sau Tết Mậu Thân. Nhiều ống xi măng lớn ruột đổ đầy bê tông cốt sắt được dựng quanh ra tới sát lề đường. Tên G.I. đứng gác còn trẻ măng, miệng nhai tóp tép kẹo cao su, báng súng M16 chống bên hông mặt, nòng súng chỉa nghiêng chênh chếch ngó trời, một ngón trỏ đặt trên cò súng trong vị thế sẵn sàng nhả đạn. Này anh lính trẻ kia ơi! Anh có biết vì lẽ nào mà anh hiện diện ở cái xứ sở xa tít đầy muỗi mòng đỉa vắt của người Việt chúng tôi, thay vì giờ phút này có thể anh đang coi tivi màu trực tiếp truyền hình một trận base ball gay cấn ở Los Angeles?
 
Tôi đi ngang qua công sự, từ lỗ châu mai loe ra miệng súng đại liên làm tôi ghê ớn. Nghĩ tới một ngày nào đó mình phải tiến lên dưới hỏa lực, đạn AK và đạn B40 bay ào ào, tôi đâm nổi gai ốc cùng mình. Một đám năm sáu cô gái mặc áo dài trắng, nón lá che đầu đang đạp xe đến trường, nói cười ríu rít như những con chim sẻ --- những con chim sẻ mỹ miều và dễ thương biết mấy! Nhớ thuở học trò, ngày nào cũng ra ngồi ở đống cây trước cửa nhà mình để ngắm các nàng tiên áo trắng qua lại. Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, chim non dấu mỏ, dưới cội hoa vàng. Mặt trời xòe trắng, những chùm tơ nắng quấn quít trên những chiếc ngực thanh tân, trên những quai nón lá vắt dưới những chiếc càm nhỏ duyên dáng. Em tan trường về, bước em thênh thang, áo tà nguyệt bạch, ôm nghiêng cặp sách, vai nhỏ tóc dài. Anh đi theo hoài, gót giày thầm lặng…
 
Tiếp tục đi rong chậm rãi. Ngang một đống rác ngùn ngụt xông ra mùi hôi thúi nồng nặc. Một con chó đen vùi đầu trong đống rác, hai cẳng bới tìm một chút cặn thừa của thặng dư thành phố. Tôi dừng bước, con chó không hay biết. Tôi hút gió búng tay lóc chóc. Nó giựt mình đánh thót quay đầu ngó lại, thè lưỡi liếm quanh mõm. Hai mắt lấm lét, đuôi cụp giữa hai đùi sau sợ sệt. Mày sợ tao chi vậy chó? Trong cái xứ sở tang thương này, tao có gì hơn mày đâu mà mày sợ, ngoại trừ tao đứng bằng hai cẳng và khi tè không dở một cẳng lên cao. Nói về cái chứng tưới gốc cây thì tao dám ăn thua với mày, nhứt là khi tao đã tu liền tù tì mười chai 33. Tôi tiến lên một bước tỏ dấu hiệu thân thiện. Con mực thụt lùi rồi hoảng sợ bỏ chạy. Quả thiệt mình là đồ phá đám! Tôi đi nhanh hơn cho khuất mắt cái đống rác đồ sộ bên đường.
 
Gió từ trước mặt thổi thốc lại, các chùm bông giấy nhuộm nắng đong đưa những chiếc lồng đèn treo khiến cho lòng tôi bâng khuâng nhớ, Tết, cái Tết ấu thơ mà bất cứ một chút gì cũng có thể khiến cho mình hạnh phúc vô biên. Bây giờ liệu còn có được những gì có thể khiến cho tôi sung sướng? Tiền bạc chăng? Rượu chăng? Xì ke chăng? Tôi chưa nếm thử nên không biết. Gái chăng? Đã có những chuyến bay đêm với Nhi, với Nguyên, với Phấn và còn em nào nữa, nhớ sao cho hết. Khoái cảm thì có, còn hạnh phúc thì không. Tìm kiếm lăng xăng. Nhưng tôi tìm gì hay kiếm gì chính tôi cũng không biết. Nói như Nguyễn Đình Toàn:” Tôi có cái mình không thể tìm, tôi tìm cái mình không thể có.” Trong khi chờ gặp gỡ hạnh phúc, tôi ngáp dài liền mấy cái, nước mắt ứa ra. Cơn ghiền cà phê kéo đến. Tôi tấp vào một cái sạp cạnh gốc me uống cà phê bít tất. Người đàn bà hỏi:
- Cậu có có muốn ăn hột gà chiên không cậu? Tui có bưa Bretel ngon hết xẩy.
Trong bụng hãy còn nhờn nhợn, tôi lắc đầu:
- Cảm ơn thím tôi không đói, Nhưng thím cho một giọt bưa vào ly cà phê cho nó thơm.
 
Mà thơm thiệt. Tôi gọi thêm một ly nữa. Trả tiền đứng dậy đi thêm một khoảng hơn trăm thước, trở ra đại lộ. Xe buýt, xe du lịch, xe xích lô máy, xe hai bánh khua động ầm ĩ. Tôi thả rễu trên vỉa hè. Có tiếng nhạc từ phía trước văng vẳng vọng lại. Tôi tiến lại về phía đó. Dừng lại trước một tiệm bán máy thu thanh, băng nhựa và đĩa hát. Hàng hóa trưng bày thanh lịch trong tủ kiếng. Từ trong tiệm vẳng ra tiếng hát của một nữ ca sĩ. Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lả lơi… Giọng ca trữ tình, lời ca lãng mạn nhuộm thơm ánh nắng. Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng chờ đến kiếp nào, tình đầu trong gió mùa, người yêu ơi!... Tôi tần ngần sung sướng với hạnh phúc bất ngờ, từng giọt nhạc rớt xuống lao xao, Em nay về đâu? Phong thư còn đây. Nhớ nhau tìm trong ánh sao…” Thần trí hòa trong tiếng nhạc, thân xác trôi nổi bập bềnh, Thời gian như xóa lời yêu thương. Thời gian phai dần theo bao lá thư…
 
Tôi muốn băng qua đại lộ, vỉa hè bên kia rộn nắng, vỉa hè bên này khuất mát. Tiếng hát trở lại điệp khúc văng vẳng đuổi theo……Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương… Tai còn vấn vương, đầu óc lơ đãng. Đặt chân bước xuống mặt đường nhựa. …chờ đến kiếp nào, tình đầu trong gió mùa , người yêu ơi… Mặt đại lộ chia hai mỗi bên có kẻ trắng hai hàng cho xe chạy. Tôi dợm bước …thời gian xóa dần theo bao lá thư. Ái ân… Một chiếc xe nhà binh chạy vút ngang sát rạt mặt mũi, tóc tôi cuốn theo gió hút dựng đứng. Tôi kinh hoàng thối lui. Một tiếng bánh xe thắng gấp rợn người chợt vang lên rát ruột… người tôi tự động phản ứng ểnh ngược ra trước một cách máy móc, đồng thời một vật gì cạ lên sợi dây nịt làm tôi lao chao muốn té sấp… Một chiếc xe du lịch màu đỏ thẳm lủi vào vỉa hè, dằn xóc một nửa xe trên lề một nửa xe trên lộ mấy lượt, rớt trở lại mặt nhựa, chạy thẳng thêm chừng vài chục bước rồi thắng xịt lại. Trên xe bước xuống một người đàn ông mặc áo sọc xanh, quần xanh đậm, mặt mày cau có giận dữ:
- Đ.m! Bộ muốn tự tử hả cha nội?
Người đàn ông hầm hầm tiến về phía tôi, miệng không ngớt la lớn:
- Đ.m.! Bộ không thấy đèn xanh cho xe chạy hay sao mà khi không băng qua đường bất tử vậy hả?
 
Tôi lặng thinh. Hắn tiến tới sát mặt tôi, mặt mày đỏ ké:
- May mà tôi cứng tay lái chớ không thôi thì cha nội đã rồi đời rồi, còn tôi thì lủi vô gốc cây bể đầu dập ngực. Cha nội chưa tới số đó, chớ không thôi thì bà hú rồi!
Tôi lí nhí xin lỗi, tim vừa đập bấn loạn, vừa sượng sùng, không biết nói gì để tự bào chữa . Thấy tôi không có cử chỉ gì muốn gây gổ, hắn cũng nguôi giận đôi phần.
- Cha nội hên lắm đó nghe! Chớ không thôi cảng xe hay kiếng chiếu hậu trên vè hất cha nội té sấp trên mặt lộ, không gãy răng thì cũng ói máu.
Tôi lại lí nhí xin lỗi. Hắn bỏ qua, quay gót đi ngược trở lại xe, đóng rầm cửa lại rồi rồ ga vọt thẳng, bánh xe lết rét rét trên mặt nhựa.
 
Trong bụng ngỡ ngàng, tim vẫn hãy còn đập mạnh, tôi cẩn thận ngó trước ngó sau trước khi thối lui có trật tư lên vỉa hè, đứng ẩn trong bóng mát. Xớ rớ hồi lâu, trong lòng không khỏi tiếc rẻ sao một ngày đẹp trời như thế này mà tuồng như không một ai biết thưởng thức, cứ phóng xe ào ào chạy như trối chết. Bộ gấp lắm sao? Chạy đi giựt giàn, chạy để cố bắt cho kịp chuyến bay, hay chở vợ đang chuyển bụng đẻ? Không thôi vì lý do gì mà gấp dữ vậy? Hiểu không nổi. Sao không chạy từ  từ để còn kịp nghe cô ca sĩ đang trổ hết tài nghệ của mình. Tôi trở lại tiệm nhạc, đứng ngó vào tủ kiếng… Chiều tím, chiều nhớ thương ai? Người em tóc dài, sầu trên trên phím đàn, mây bay quan san. Có hay ?
 
Chao ôi! Sao trong một ngày nắng rạng rỡ như thế này mà lại nỡ đánh đòn em nhỏ? Không thể nuông chìu em thêm một chút nữa hay sao?”…Ai nhớ mắt xanh năm nào, chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu, kề hai mái đâu, nhìn mây tím nhớ nhau… Sao trong một ngày nắng tươi sáng như thế này mà lại tiếc rẻ một chút gân dai với con chó đang ngoắc đuôi trông đợi, đôi mắt nhìn năn nỉ… Từ đấy đàn nhớ thanh âm, chùn dây vĩ cầm. Người xa vắng rồi! Chiều sang em ơi, thương ai hoa rơi lá rơi!”  Sao trong một ngày nắng đẹp đẽ như thế nầy mà lại đi tính chuyện giết nhau! Gã G.I. trẻ măng kia có thù hận  gì với ai mà lại thủ súng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn? Không có cách nào êm thắm hơn để chấm dứt cuộc chém giết tập thể đã kéo dài ngót ba chục năm nay trong núi rừng lạnh lẽo, trên đồi đá cháy da, trên sông rạch sình lầy? Làm sao để giảm bớt tốc độ đám nhân loại đang nhắm mắt nhắm mũi chạy theo hiệu năng: Sản xuất, sản xuất cho thiệt nhiều, cho thiệt lẹ. Tiêu thụ , tiêu thụ cho thiệt nhiều, cho thiệt lẹ. Giết người, giết cho thiệt nhiều, cho thiệt lẹ. Tích tắc, nửa giây đốt cháy cả một triệu người thành tro bụi. Làm sao đây? Cứ tiếp tục như vầy mãi sao?
 
“… Mây gió bốn phương giăng hàng. Mùa thu thêu áo, nếp hoa võ vàng. Và em với chàng, kề vai áo phấn hương… Tôi chợt có một ý nghĩ rất đằm thắm và ngùi ngùi về Nhi --- Nhi loài chim ăn đêm, Nhi nhạc khuya sàn gỗ. Nhi không hề biết sáng nay trời nắng đẹp, Nhi không hề hay biết trận ái ân đêm qua suýt nữa đã trở thành lần cuối cùng trong cuộc đời phóng đãng của tôi? Ừ nhỉ, sao tôi không thể dịu dàng với nàng hơn một chút, sao tôi không thể thiết tha với nàng hơn một chút, thay vì chỉ chăm chú vào thân xác của nàng? Tôi đã có làm một chút gì để cho nàng đẹp dạ? Tôi đưa tay ngoắc chiếc taxi. Lên xe đóng mạnh cửa lại: “Anh chở tôi xuống chợ hoa Nguyễn Huệ”. Người tài xế dạ nhỏ, xe từ từ lăn bánh. Bỏ lại sau lưng, tiếng ca dìu dặt văng vẳng dõi theo:
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu. Người đi hướng nào, tình trong chiêm bao, tóc bay dài gió viễn khơi…
2/12/1987
Kiệt Tấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...