Chiên lạcTranh Giáng Sinh của Họa sĩ Rừng
Tôi là con đầu trong một gia đình đông con nên dầu là con
trai tôi làm việc giỏi giang y như con gái. Cha mẹ tôi không bắt buộc tôi vẫn tự
nguyện làm việc siêng năng, vui vẻ, coi đó là bổn phận tự nhiên của một đứa con
trong gia đình. Lúc ấy gia đình tôi từ quê dời lên thành phố, ở trong một xóm đạo
Công giáo.
Gia đình tôi không phải là tín đồ – như phần đông dân trong
xóm đạo – mà cũng không theo đạo nào cả. Chúng tôi thờ cúng ông bà, nhưng trong
nhà không có bàn thờ với lư đồng bóng lộn hay một hình thức thờ cúng giản dị
nào. Chỉ đến ngày đám giỗ mới thấy mẹ tôi làm mâm cơm bày lên bàn với bát nhang
làm bằng lon sữa bò, cúng xong dẹp đi ngay. Cha tôi thường nói: “Chỉ cốt ở lòng
mình thôi, con ạ!”
Tôi hỏi:
- Vậy ba theo đạo gì, ba?
- Đạo làm người. Ông nói một cách nghiêm trang. Giữ cho đúng
đạo đó đã là khó lắm rồi!
Lúc ấy tôi chưa hiểu ý người. Nhưng hình như tôi lờ mờ nhận
ra cái “đạo làm người” của ba tôi qua cách sống của ông.
Thoạt tiên, khi cha tôi quyết định dời nhà đến “xóm đạo” thì
nhiều người can không nên. Họ nói rằng mình là người “Lương”, có ông có bà, có
tổ tiên, làm sao sống với bọn quên ông bà tổ tiên đó được. Nhưng cha tôi chỉ cười
hồn nhiên vẫn giữ ý người. Rồi khi gia đình tôi mới đến ở nơi “xóm đạo”, chúng
tôi lại bắt gặp những cái nhìn đầy xa lạ, hoài nghi của những người có đạo
trong xóm. Riêng tôi với bọn trẻ cùng lứa tuổi thì tình hình khá hơn. Những đứa
trẻ chúng tôi dễ thân nhau vì trong tâm trí chưa có những hàng rào thành kiến –
sau này tôi biết, đó thật là điều tệ hại – nên sau vài tuần là tôi
có bạn.
Mỗi sáng chúa nhật, dân xóm đạo đi lễ nhà thờ nhỏ trong vùng.
Tôi thấy cha tôi ăn mặc tử tế, ra đứng trước nhà chào hỏi họ với nét mặt bình
thản và nụ cười tươi tắn, chân thành.
Ông sống bình thường, tham gia những công tác xã hội, đưa những
ý kiến xây dựng thẳng thắn để cải tiến tình hình sinh hoạt trong xóm: bắc một
cây cầu, đắp lại một khúc đường, lấp một ao nước tù đọng....Thời gian kéo dài
không rõ bao lâu, chỉ biết rằng sau đó thì cha tôi quen với mọi người trong
xóm, từ ông cụ già cho đến đứa bé con, nhất là lũ nhỏ, chúng rất thương mến
ông, có lẽ vì chúng hãnh diện được kêu đúng tên ông trong những lần chào hỏi và
chúng được cha tôi đáp lễ một cách vui vẻ, đầy khích lệ. Tôi thấy mọi người
cũng vui vẻ khi gặp ông và họ không ngần ngại bày tỏ thiện cảm với gia đình tôi
– một gia đình ngoại đạo – có lần đứa em nhỏ của tôi đau nặng sắp chết. Bác sĩ
bảo phải chuyền máu cho em mà bệnh viện không có máu và trong gia đình không có
ai có loại máu em cần. Tin đó được loan truyền nhanh trong xóm, lập tức có hàng
chục người đến bệnh viện tình nguyện hiến máu. Nhờ đó, em tôi thoát chết. Sau
nghĩa cử đó, gia đình tôi sống bình thường như những gia đình có đạo khác, nếu
không muốn nói là được thương mến, ngay đối với cả những người có định kiến nặng
nề nhất.
Những ngày chúa nhật, khi rảnh rỗi công việc tôi xin phép cha
tôi theo các bạn nhỏ trong xóm đi lễ nhà thờ. Tôi luôn luôn đi nhà thờ lớn dù
có hơi xa nhà. Nơi đó tôi bị quyến rũ ngay từ giây phút đầu tiên. Một cảm giác
ngây ngất vô cùng thanh thoát khi tôi bước qua vòm cửa nhà thờ hình vòng
cung. Tôi bị choáng ngợp bởi ánh sáng huyền ảo tỏa ra từ các cửa
kính vẽ hình những vị thánh màu sắc tươi vui. Hai hàng cột cẩm thạch cao vút
lên đến trần làm thành những vòm, nét cong rủ xuống, bao bọc một cách dịu dàng
các tín hữu đang quì hay đứng vòng tay hướng mắt về phía tận cùng của nhà thờ.
Nơi đó, trong ánh sáng chan hòa của các giá nến, tượng đức Ky tô ốm giơ xương –
tạc bằng cẩm thạch trắng – nổi bật lên trên chiếc thánh giá bằng gỗ gụ đánh xi
bóng loáng. Lần đầu tiên, hình ảnh Ngài đang chịu nhục hình, đầu quàng vòng gai
gục xuống vai, thân thể hầu như trần truồng khiến tôi rúng động cảm xúc. Tôi
chưa hiểu vì cớ gì Ngài phải chịu đau đớn như vậy, nhưng chỉ riêng hình ảnh một
con người chịu cảnh đó cho đến chết đã khiến cho trái tim thơ dại của tôi thắt
lại. Nước mắt tôi chảy ra ràn rụa. Giọng cầu kinh từ hàng trăm chiếc miệng âm
vang nhịp nhàng theo một tiết điệu lạ tai. Tôi có cảm tưởng, dù là họ đã nói
lên thành tiếng mà thực ra là họ không nghĩ là họ đã làm như thế. Vẻ nhũn nhặn
trong sự chừng mực ở những âm cao nhất không gây cho tôi một cảm giác ái ngại,
và khi giọng họ trầm xuống thì lời thì thầm hầu như tắt hẳn, nhưng họ không âu
lo là Chúa không nghe đến nỗi lòng của họ, dường như họ không muốn thốt ra thành
lời nữa, họ chỉ nghĩ trong lòng mà thôi và Chúa không bỏ qua lời nào.
Đường nét của kiến trúc, màu sắc của trang trí, ánh sáng chan
hòa, giọng kinh cầu hòa với tiếng phong cầm trầm bổng, hình ảnh đau thương của
Đức Ky Tô, tất cả ngần ấy thứ hòa hợp, gieo vào tâm hồn ngây thơ của tôi một ấn
tượng mới mẻ, cao khiết, khiến lòng tôi nhẹ nhàng, thanh thoát, như trong cơn mệt
mỏi tột độ của thân xác, tôi tìm được một chỗ tựa lưng êm ái trên nệm nhung. Từ
đó, dù chưa phải là một tìn đồ chánh thức của Ngài, tôi như một con chiên ngoan
đạo với những buổi đi xem lễ đều đặn, thành kính vào những buổi sáng chúa nhật.
Có lần tôi nài nỉ cha tôi cho tôi theo đạo. Cha tôi nói:
- Con chỉ cần tin Ngài. Con đi nhà thờ với lòng tin của con,
thế là đủ rồi. Ngài biết con tin Ngài. Cần gì con phải theo đạo.
Tôi chưa hiểu hết ý nghĩa lời nói của cha tôi. Thảng hoặc tôi
nghĩ, nếu không theo đạo thì chắc Chúa không nhận mình là con cái của Ngài.
Nhưng tôi vẫn vâng lời cha tôi với chút lòng hoài nghi. Tôi vẫn đều đặn đến nhà
thờ để được thấy màu sắc ánh sáng, hình ảnh Chúa đau khổ trên thánh giá nghe giọng
kinh cầu và tiếng phong cầm, tưởng tượng thấy các thiên thần nhỏ trắng toát bay
lượn trên nóc vòm và để thưởng thức cảm giác thanh thoát lâng lâng của tâm hồn
tôi – hơn là nghe lời giảng của cha xứ – và hướng trái tim về Đức Ky Tô – người
đàn ông mà tôi nghe nói là đã chịu chết đau đớn vì tình yêu đối với con người.
Nhà tôi rất nghèo, hầu như làm bữa nào có ăn bữa đó. Cha tôi
bị bệnh nặng vừa từ vùng kháng chiến ra sau hiệp định 1954. Là một cựu công chức
Pháp, nhưng ông không trở lại làm việc cho chính phủ thời ấy mà ông nói là “bọn
liếm gót giày thực dân, ăn bơ thừa sữa cặn”. Ông mở một quán bán thức ăn kiếm sống.
Mẹ tôi thì mua gánh bán bưng đầu chợ cuối chợ. Ngoài giờ đến trường, tôi bận rộn
phụ giúp cha mẹ không lúc nào rảnh. Từ bốn năm giờ sáng, tôi thức dậy học bài với
chiếc đèn trứng vịt, xong đem các món hàng vặt ra chợ cho mẹ rồi về giúp cha
tôi sửa soạn gian hàng ở nhà: dọn dẹp bàn ghế khách đã làm bừa bộn đêm trước,
lau nhà, rửa chén bát, làm gà, làm vịt...
Vào dịp lễ giáng sinh năm đó tôi lên mười tuổi. Nhà trường
cho nghỉ trước mấy hôm. Các bạn tôi trong xóm đạo nôn nao sửa soạn đón mừng đêm
Chúa hài đồng ra đời. Tôi cũng nôn nao không kém. Đối với tôi, Chúa hài đồng là
một người bạn nhỏ tuyệt diệu và cái đêm chú bé ấy ra đời là một đêm linh thiêng
bao trùm làn ánh sáng huyền diệu đầy bí mật. Nếu đời sống thơ ấu của tôi có đôi
khi buồn khổ thì nhờ cái đêm kỳ diệu đó, nhờ làn ánh sáng tỏa ra từ thân thể
chú – bé – Chúa đó sẽ làm cho tươi sáng lên. Vừa cảm động sung sướng, hồi hộp
chờ đợi giây phút hiển linh, lòng tôi như một cửa sổ mở chờ đợi làn hương lạ.
Ở nhà các bạn tôi có bày cây giáng sinh với những quả cầu
xanh, đỏ, vàng óng, lóng lánh, những gói quà cột dây vải hồng. Ờ góc nhà là
hang đá, tượng chúa hài đồng nằm trên máng cỏ, tượng Đức mẹ, ông Giuse, ba ông
bác sĩ, các vị thánh và những chú chiên bé xíu. Tất cả đều được sơn màu sắc rất
đẹp. Tôi ao ước những món quà đó biết bao, nhưng nhà tôi nghèo quá, cha mẹ tôi
không có tiền để mua cho tôi những món ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng “mình phải làm một
cái gì ra vẻ để đón mừng Chúa hài đồng chứ. Cứ giản dị như thế này thì hẳn chú
– bé – Chúa sẽ buồn mình lắm.”
Thế là sau công việc, tôi thức đêm vót tre làm một cái đèn
ngôi sao với sự giúp đỡ của cha tôi. Người cho tôi mấy cắc mua giấy màu dán.
Tôi có hoa tay nên tôi vẽ lại bằng mực tím không khó hình ảnh Chúa hài đồng nằm
trong máng cỏ – từ tấm thiếp người bạn thân cho tôi – lên vòng tròn mặt đèn.
Tôi thắp bên trong một ngọn nến trắng nhỏ rồi sung sướng đem treo trước cửa
nhà. Cũng nhờ khéo tay, tôi lấy đất sét ngoài đồng nặn tượng Chúa hài đồng, Đức
mẹ, các thánh..., lấy rơm làm máng cỏ. Tôi đặt tượng Chúa hài đồng nằm trên ổ
rơm có đắp một miếng vải cắt ra từ chiếc khăn cũ, vì nghĩ rằng để chú – bé –
Chúa trần truồng, hẳn chú sẽ bị lạnh. Xong, tôi đi bộ lên núi bẻ một nhánh
thông nhỏ – một ngọn thông thì đúng hơn – đem về làm cây giáng sinh. Cây giáng
sinh của tôi không có đèn, giấy kim tuyến, trái cầu lóng lánh hay những gói
quà. Trên những lá thông xanh mướt, tôi cắt những giấy màu vụn nối lại thành những
dây dài và quấn chung quanh.
Cha tôi nhìn tôi làm. Tôi chạy đến bên người nắm lấy tay hỏi:
- Ba thấy con làm đẹp không, ba?
- Đẹp lắm. Con trai ba khéo léo lắm. Cha tôi vuốt tóc tôi,
nét mặt đăm chiêu.
Tối đến, tôi thắp trong hang đá một cây nến. Mặc dù ánh sáng
tỏa ra lung linh, bóng những tượng đất nhảy múa, nhưng sao trông hang đá của
tôi lạnh lẽo, nghèo nàn quá. Tôi lo sợ không biết Chúa hài đồng có được hài lòng
không. Tất cả các tượng đều có một màu xám buồn của đất chưa khô, mầu cỏ úa
cũng không vui gì hơn. Tôi lại níu lấy tay cha tôi kéo tới trước hang đá, rơm rớm
nước mắt nói:
- Hang đá của con nghèo quá, ba ơi! Chúa hài đồng có về với
con không, hả ba?
Cha tôi ngồi thụp xuống ôm tôi và nói:
- Hang đá của con đúng y như hang đá mà cách nay hai ngàn năm
Chúa hài đồng đã sinh ra, con ạ. Ngài sinh ra trong cảnh nghèo nàn, lạnh lẽo y
như vậy.
Tôi vui lên ngay và nhìn lại hang đá của mình, tôi thấy hang
đá của tôi có vẻ giống với hình ảnh các họa sĩ vẽ hơn là những hang đá sáng
choang, rực rỡ ở nhà các bạn. Tôi thấy cha tôi nói đúng. Hang đá của
tôi thật nghèo hèn rách rưới, lạnh lẽo cô đơn. Nhưng sao lòng tôi
bùi ngùi khi nghĩ rằng Chúa hài đồng đã ra đời trong hoàn cảnh nghèo nàn như thế.
Tuy vậy tôi cảm thấy được an ủi. Ít ra là tôi đã cố gắng hết sức mình để làm lễ
vật mọn đón mừng Chúa hài đồng. Tôi thầm mong rằng Chúa biết cho nỗi lòng thành
kính của tôi đối với Ngài. “Chẳng phải con có thể làm hơn thế nữa mà con không
làm”, tôi nguyện với Ngài như vậy.
Cha tôi cho phép tôi đi dự lễ nửa đêm. Tôi lo quá về nỗi tôi
không có một bộ đồ cho ra hồn để ra mắt Ngài ở nhà thờ lớn trong dịp trọng đại
này. Tôi chỉ có một cái áo sơ mi ngắn tay màu xanh thợ thuyền đã bạc, mặc ngắn
cũn cỡn, rách vài chỗ mà mẹ tôi may cho từ trước ngày khai trường năm ngoái.
Năm học ấy, lệnh của nhà trường học sinh phải mặc áo trắng, quần ngắn xanh.
Nhưng mẹ tôi cố gắng lắm chỉ có thể mua đủ vải xanh – gọi là vải xi ta – để may
cho tôi một bộ đồ.
Tôi hỏi mẹ tôi:
- Mẹ ơi, màu này đâu phải màu trắng?
- Màu này cũng thuộc về màu trắng đó con. Giọng mẹ tôi ngập
ngừng. Màu này cũng phải giặt bằng xà bông như màu trắng vậy. Mẹ tôi không nhìn
tôi, cắm cúi may, trả lời.
Tôi vui lên ngay:
- Vậy hả mẹ, áo con giặt bằng xà bông à? Nó thuộc về màu trắng
à?
Thế là tôi yên tâm mặc bộ đồ màu xanh đi học, lòng đinh ninh
là nó “cũng thuộc về màu trắng” vì nó cũng “được giặt với xà bông”. Các bạn tôi
xầm xì rằng tôi mặc áo màu xanh, nhưng tôi cãi lại y như lời mẹ tôi nói, tôi cả
quyết đến nỗi chúng cũng đâm hoài nghi. Nhưng cô giáo của tôi thì không thể
nghe xuôi cái luận điểm kỳ quái của tôi được. Cô đã gọi riêng và nói cho tôi biết
là tôi sai. Cô giảng cho tôi biết sự khác nhau của các màu sắc và mỗi màu có một
tính chất riêng của chính nó chứ không liên quan gì đến việc giặt xà bông hay
không. Tôi khóc, nhưng tôi vẫn tin lời mẹ tôi nói là đúng. Mẹ tôi rất thương
tôi và không bao giờ nói dối tôi. Nhưng biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi, cô cho
phép tôi được mặc bộ đồ màu xanh đi học.
Cả ông Đốc cũng vậy, “màu trắng của tôi” là ngoại lệ. Ông đốc
rất nể cha tôi, vì cha tôi là một “ông Phán chống Tây”. Ông Đốc thừa sức cho
tôi một hay nhiều cái áo trắng nhưng ông không làm, ông sợ mất lòng cha tôi.
Từ đó đến nay, mẹ tôi không có tiền để may cho tôi cái áo nào
khác, cho nên cái áo màu – xanh – giống – trắng vẫn là cái áo khá nhất của tôi.
Tôi đành mặc đi lễ nửa đêm vậy.
Dịp lễ giáng sinh, trong xóm tôi mọi người vui chơi thỏa thích.
Tôi thấy hình như người ta để lòng đón mừng Chúa hài đồng thì ít, mà nhân dịp
đó để được ăn, để được uống rượu, để bày các trò vui chơi nhiều hơn. Gian hàng
nhỏ nhà tôi khách ra vào tấp nập. Họ uống nhiều, ăn nhiều hơn ngày thường, nói
là để đón mừng ngày Chúa ra đời. Riêng gia đình chúng tôi thì được một đêm mệt
hơn. Tôi vừa làm việc vừa đoán chừng thời gian đã trôi đến đâu rồi, đến giờ lễ
nửa đêm chưa, lòng như lửa đốt chỉ sợ trễ không được dự lễ. Lúc xắt thịt, tôi cứa
vào tay chảy máu.
Lúc rửa chén bát, lóng cóng làm bể một cái đĩa. Tôi mong cho
khách ra về hết để tôi đi, nhưng sao họ cứ ăn mãi, uống mãi trong lúc lòng tôi
nôn nao như khi nghe tiếng trống giục của đám hát ở đình làng. Đúng lúc ấy, cha
tôi mặt mày nhem nhuốc mồ hôi, mặc cái tạp dề cáu bẩn đến bên tôi nói:
- Thôi để ba má lo, con sửa soạn đi dự lễ.
- Cám ơn ba má!
Tôi nói và phóng ra sàn nước rửa vội tay chân, mặt mũi, thay
áo quần.
Khi tôi ra đường trời đã khuya lắm rồi. Tuy nhiên, đường phố
hãy còn nhiều người rong chơi. Các cậu trai ăn mặc bảnh bao chạy xe đạp lượn
sát các cô gái mặc áo dài sặc sở. Họ cười lên đắc chí khi các cô tỏ vẻ hoảng sợ.
Trời lạnh nhưng tôi thấy thoải mái vô cùng. Trời xanh trong thăm thẳm, lấp lánh
sao. Không khí đêm nay như có rắc hương thơm của muôn hoa, như được lọc. Tôi vừa
đi vừa chạy, nhẹ nhàng, như bay.
Từ nhà tôi đến nhà thờ lớn xa hơn hai cây số đường dốc. Tôi đến
nơi, mồ hôi thấm ướt áo. Tôi quên hết cả mệt nhọc khi hình ảnh ngôi nhà thờ to
lớn sừng sững, rực rỡ hiện ra trước mắt tôi. Trước sân, người ta dựng cây giáng
sinh bằng cả một cây thông cao. Một ngôi sao báo sáng trắng có ba tia sáng vàng
nổi bật lên giữa các màu sắc lộng lẫy. Các dây đèn đủ màu xen kẽ với những lá cờ
đuôi nhọn từ ngọn cây chạy về các góc sân làm thành một chóp nhọn, chớp tắt
liên tục. Đó là cây giáng sinh vĩ đại mà tôi thấy lần đầu tiên trong đời, nhiều
đèn màu nhiều gói quà nhất. Tôi như lạc hồn vào trong từng cành lá của
cây giáng sinh. Chung quanh sân rộng lát gạch hoa, từng dọc cờ bay phất phới.
Sân đã vắng hẳn, chỉ còn vài đôi trai gái đi dạo. Tôi vội chạy
băng qua sân vào nhà thờ, vì tôi muốn được mau vào chiêm ngưỡng Chúa ở nơi uy
nghiêm nhất mà tôi nghĩ rằng Ngài hài lòng để ngự về. Nhưng bước chân tôi khựng
lại ở ngưỡng cửa, toàn thân tôi chợt run lên, lạnh toát, trước khung cảnh cao sang
tột bực mà người ta đã tạo ra để tiếp đón sinh nhật ngài. Tôi chưa hề tưởng tượng
ra nổi thiên đường cũng chỉ đẹp như cái quang cảnh trong nhà thờ trước mắt tôi
lúc ấy mà thôi. Trong đó tôi thấy Đức Cha đang làm lễ, các con chiên quì, bên
trên đầu họ dường như có hào quang. Từ đứa bé con đến người lớn, tất cả đều mặc
áo quần tươm tất, sạch sẽ. Tôi hít thở bầu không khí thơm tho, thấm nhuần ơn
phước đó bay tỏa ra ngoài. Tôi đứng nhìn sững sờ, không dám cử động. Rồi tôi nhận
ra cũng đã quì gối xuống sân lúc nào không biết. Tôi cũng cúi đầu xuống, chắp
tay lên ngực, tưởng tượng ra hình ảnh Chúa hài đồng... Một hoạt cảnh
về sự giáng sinh của Ngài diễn ra. Một lúc, tôi ngẩng lên và bị thu hút bởi làn
ánh sáng tỏa ra từ tượng Chúa trên bàn thờ, bởi tiếng nhạc phong cầm vừa trỗi
lên. Tôi muốn tiến về phía ấy để được gần Ngài mà tôi tin là đang ngự trên ấy. Ở
đây xa quá, ngoài ngưỡng cửa nhà thờ, làm sao Ngài trông thấy tôi được, nhưng
tôi không dám nhúc nhích nửa bước. Bầu không khí quá trang nghiêm làm cho tôi hầu
như khiếp sợ. Tôi sợ rằng, bất cứ cử động dầu nhỏ nhặt nào của tôi cũng sẽ làm
tan vỡ nó đi như khi chọc tay vào chiếc bong bóng xà bông tức thì nó tan biến
cùng với thế giới chiếu dọi trong đó với ánh ngũ sắc. Nhưng lòng ước muốn của
tôi mãnh liệt đến nỗi hai đầu gối tôi bắt đầu xê dịch mà tôi không
hay. Tay chấp trên ngực, mắt nhìn tượng Chúa, tôi đi bằng gối men
theo cửa hông, tiến về chính điện. Tôi không biết ngoài hành lang nhà thờ có những
gã đàn ông đang đi lại đã chú ý đến tôi. Không rõ thời gian trôi qua bao lâu,
tôi lần đi cho đến khi chỉ còn cách vài hàng ghế nữa là ngang với bục giảng.
Tôi sung sướng và tôi khóc. Chúa kia rồi. Ngài nằm trong máng cỏ một cách sang
cả. Tôi cúi đầu thấp xuống hơn nữa để ngưỡng vọng Người. Trên bục cao, ban hợp
xướng, đứng sắp hai hàng chuẩn bị hát thánh ca. Những cô gái trạc bằng tuổi
tôi, đẹp dịu dàng. Tóc mượt cài hoa, đội vương miện, mắt sáng long lanh nhưng
mơ màng, đang hiền hòa nhìn xuống đám đông. Các cô mặc toàn trắng, phủ che lấp
cả chân. Trên vai có đôi cánh trắng như thiên thần. Tiếng phong cầm trỗi lên rồi
tiếng hát bắt đầu cất cao. Những âm thanh trong vắt thoát ra từ những nụ môi
tròn đỏ thắm. Tôi tưởng như thấy được trước mắt chuỗi âm thanh sáng như ngọc
lưu ly uốn lượn, bay lững lờ trong vòm cung giáo đường. Những thiên thần nhỏ
đón lấy quàng vào người. Những chuỗi ngọc âm thanh lóng lánh ngân vang từ những
nụ môi nhỏ cứ tiếp tục thoát ra mãi đầy cả giáo đường. Một vài chuỗi nhẹ nhàng
len lén bay ra cửa, lướt trong không sáng như những đường sao. Rồi bầu trời
xanh hé mở, tiếng hát nhẹ lách mình, bay vào cõi thiên đường. Tâm hồn tôi cũng
chơi vơi theo tiếng hát. Cả hồn và xác tôi như tan hòa làm một trong
ánh sáng màu sắc, âm thanh, trong tình yêu bao la của tôi dành để dâng tặng
Chúa hài đồng.
Chợt, tôi giật nẩy người, choàng tỉnh. Một bàn tay hộ pháp chộp
lấy cổ áo tôi, túm thật chặt. Mạnh mẽ nhưng hết sức yên lặng, gã đàn ông lôi
tôi đứng lên, kéo tôi xuống những bậc thềm bên hông giáo đường như bắt một kẻ
phạm tội. Tôi chưa hết bàng hoàng, nghe một giọng nói nhỏ nhưng lạnh lùng và
cương quyết:
- Áo quần cháu bẩn thỉu thế này mà dám đến trước mặt Chúa à?
Về thay áo quần mới.
Ông ta đẩy tôi đi nhè nhẹ, nhưng quá sợ hãi và xúc động, tôi
ngã chúi nhũi xuống đất, mũi tôi dập, chảy máu. Ông ta bước tới, có lẽ định đỡ
tôi dậy nhưng tôi vội lồm cồm đứng lên, tay ôm mũi ràn rụa máu, kinh hoàng đâm
đầu chạy. Không kịp quay đầu nhìn lại, dầu là tôi muốn hết sức được nhìn lần
chót làn ánh sáng dịu dàng đang tỏa ra từ các cửa hông giáo đường.
Tôi vừa chạy vừa khóc trong đêm giáng sinh giá buốt với nỗi đau đớn cùng cực,
như có ai cào vào trái tim tôi, bứt lìa và xé nát nó ra. Nỗi đau đớn dày vò tưởng
như tôi không còn chịu được nữa, nhưng cũng không biết làm gì khác hơn là khóc
sướt mướt:
- Chúa ơi! Con khổ lắm! Con khổ lắm! Chẳng phải là xưa kia
Chúa sinh ra nơi máng cỏ, trong đêm đông lạnh mà không có lấy một mảnh vải che
thân sao? Hình vẽ của các họa sĩ là sai sao? Rồi khi Chúa chết trên Thập tự
cũng thế, Chúa hầu như là trần truồng chỉ có một miếng vải quấn ngang người? Vậy
nay sao con có mặc áo quần hẳn hoi, dù là áo quần con cũ, rách, mà người ta
không cho con đến thờ lạy Chúa? Sao người ta xua đuổi con? Chúa ơi! Tại sao?
Tôi nghĩ thế mà nước mắt tuôn ra không dứt. Về đến nhà, tôi lạnh
hầu như không bước nổi nữa. Tôi không còn cảm thấy một chút hơi ấm nào sót lại
trong tim tôi.
Cả nhà tôi đã ngủ, nhưng cửa còn khép hờ. Tôi vào nhà nhẹ
nhàng, chợt một luồng hơi ấm bất ngờ ập đến khi tôi nhìn về phía máng cỏ đang tỏa sáng
một cây nến mới. Ai đã thay nến cho máng cỏ của tôi. Tôi thầm hỏi. Hẳn là cha
tôi, tôi nghĩ, vì chỉ có cha tôi, với một tâm hồn đa cảm và tế nhị mới làm những
việc như thế. Tôi ngồi sà xuống trước hang đá nhỏ của tôi, cảm thấy lòng mình ấm
lại. Ở đây, Chúa hài đồng màu xám đất bùn, màu rơm cũng không rực rở, ánh nến
nhỏ nhoi khiêm nhường, Chúa trong khung cảnh nghèo hèn này gần gũi với tôi hơn.
Đúng ra, tôi không nên đến giáo đường lớn. Chúa ở đó là Chúa – những người
giàu, họ có áo quần đẹp và thơm tho. Tôi ân hận là tôi đã không nghĩ ra điều
đó. Tôi nhớ lại lời mắng mỏ nhục nhã của gã đàn ông có bổn phận bảo vệ buổi lễ.
Tôi nghĩ “giữa hang đá nghèo nàn của tôi với giáo đường nguy nga kia, hẳn Ngài
sẽ không chọn nơi đây. Nơi đây nhỏ quá, không có chỗ cho Ngài ngự về, vậy thì
tôi đâu còn được Ngài biết đến nữa, Chúa bỏ rơi tôi rồi”. Nỗi đau khổ
nghĩ rằng mình bị Chúa bỏ rơi khiến tôi không dằn được cơn nức nở.
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Tôi quay lại. Cha tôi.
Người đến sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi ngã vào lòng người khóc nấc lên... Ôm chặt
lấy tôi, cha tôi áp má người vào má tôi âu yếm hỏi:
- Vì sao con khóc?
- Người ta đuổi con, ba ơi! Tôi nói trong cơn tức tưởi. Người
ta đuổi không cho con đến lạy Chúa. Người ta nói con ăn mặc dơ dáy, rách rưới.
Im lặng một lúc lâu, tôi ngước lên nhìn người. Mặt cha tôi buồn
rười rượi. Hai mắt người long lanh ngấn lệ, nhưng ông quay đi.
Thấy thế, tôi vội ôm lấy người, hỏi:
- Phải ba thắp thêm nến cho hang đá của con không?
- Ừ! Ba đã thay nến cho con. Ông vuốt vuốt đầu tôi. Ba còn thức
chờ con về, đâu đã ngủ!
Giọng ông bình thản như nói với chính mình. Ông vẫn tiếp tục
ve vuốt lưng tôi một cách âu yếm:
- Con xin đi lễ thì ba để con đi, cho con vui
lòng, giọng cha tôi thiết tha. Lẽ ra ba không nên làm như vậy...Ở
nhà con cũng có Chúa rồi. Chúa ở khắp nơi, con à. Ngài ở ngay trong chính lòng
con.
Lời nói của cha tôi êm ái, vỗ về làm lòng tôi dịu lại. Tuy
tôi chưa hiểu hết lời người nói, nhưng tôi tin ông. Cha tôi còn ôm tôi hồi lâu,
vỗ vỗ vào lưng tôi y như ru em bé vậy. Và chỉ một lúc sau, sự đau khổ của tôi
như tan biến hẳn cùng với cơn buồn ngủ vừa đến. Cha tôi bồng tôi lên giường nằm
cạnh ông. Tôi thiếp ngủ trong khi cây nến nơi hang đá nhỏ của tôi vẫn còn tiếp
tục cháy trong quạnh hiu.
Những lễ giáng sinh kế tiếp tôi không dám đến nhà thờ nữa –
nhất là ngôi nhà thờ lớn – tôi cứ nghĩ rằng nơi đó dành cho những người giàu,
còn tôi nghèo nên tôi chỉ được đón mừng, thờ lạy Chúa nghèo ở nhà mình thôi. Và
nghèo thật là một cái tội đối với Ngài.
Sau này khi lớn lên, có dịp đọc lời Ngài, tôi mới hay Ngài có
nói, rằng Ngài chẳng xét đoán ai theo bề ngoài mà Ngài nhìn thẳng vào lòng người
ấy và không phải hễ ai thờ lạy Ngài mà được nhận vào nước Ngài, duy
chỉ những ai làm theo lời Ngài mới khiến Ngài hài lòng... và những ai nhân danh
Ngài mà không sống vì, và không thương yêu anh em mình là những tiên tri giả. Đọc
xong, tôi khóc. Tôi khóc vì sung sướng.
Từ cái đêm giáng sinh xa xôi nọ đến nay đã ngoài ba mươi năm
rồi. Cha tôi đã chết. Trong tuổi trưởng thành, sau khi đã sống, đã đau khổ tôi
mới hiểu những lời cha tôi nói với tôi đêm ấy. Tôi biết rằng chỉ có một người
đáng cho tôi trao gởi trái tim, đó chính là Đức Giê–Su bằng cách dâng hiến trái
tim mình cho anh em đồng loại – và chỉ có một ngôi nhà thờ thực sự và duy nhất,
đó chính là trái tim của mỗi chúng ta, trong đó có hình ảnh Ngài. Ngoài ra
không có một ngôi nhà thờ nào nữa dù cho nó có nguy nga tráng lệ đến đâu.
24/12/2010 Kinh Dương Vương
24/12/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét