Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Ngày ấy… Bây giờXXXX

Ngày ấy… Bây giờ

Ba mươi năm trước, không biết họ có bao nhiêu người, nhưng sáu là con số lúc tôi bắt đầu biết họ, cũng có thể là mười hai trong những lần họp mặt, vì bên cạnh họ còn có sáu gương mặt khác, một nửa hạnh phúc hay khổ đau của đời họ!
 
Khi tôi có dịp ghé phần mình bên chiếc bàn ấy thì những mái đầu kia đã bắt đầu điểm bạc, nét thanh xuân đã mất dấu trên những gương mặt thấp thoáng vết chém của thời gian, nhưng tâm hồn họ dường như vẫn cứ đầy ắp tình yêu, tràn trề cảm xúc như thuở còn chân cứng đá mềm. Dưới bầu trời đầy sao trên sân thượng hay trong một căn phòng nhỏ, họ cụng với nhau những ly rượu vàng đong đưa những trái tim nước đá. Họ nhắc chuyện văn chương, chuyện đời, đề tài có thể thay đổi, nhưng lang thang đâu rồi họ cũng quay về với ngày xưa, cái ngày xưa đầy hào khí cách đây hơn ba mươi năm, khi họ hăm hở bắt tay nhau quyết tạo nên tờ báo của nhóm – bán nguyệt san Ý Thức – hay xưa hơn nữa, khi họ chỉ mới là những chàng trai trẻ mười lăm mười bảy ngất ngây với những tác phẩm đầu tay, hừng hực lửa đam mê văn chương lẫn bóng dáng những nàng thơ dịu dàng kín đáo mà đầy quyến rũ của xứ Huế.
Bìa số 3 Ý Thức 
Tôi không có mặt trong ngày xưa của họ, nhưng ngồi cạnh họ, tôi thấy như thế giới ký ức ấy lồ lộ trước mắt mình, quá quen thuộc và gần gũi. Tôi thấy mớ ổi xanh họ (những chàng trai tóc húi cua ấy) nghịch ngợm hái trộm ở vườn bên trong buổi trưa hè gắt nắng. Tôi thấy họ ngồi bên nhau trên bờ sông chiều tà, sôi nổi nhắc đến cô bạn gái cả bọn cùng thầm yêu nhưng chưa ai có đủ can đảm tỏ tình. Tôi lại thấy họ ngồi lặng lẽ trong đêm, tự vấn về thân phận, về chiến tranh, về cái sống cái chết, lần đầu tiên cảm nhận nỗi cô đơn vô bờ mà có kẻ trong số họ đã hồn nhiên bỏ lại sau lưng mình ngay từ thời tuổi trẻ nhưng cũng có kẻ phải mang theo đến mãi tận hôm nay – chặng cuối của một đời người.
 
Gần nửa thế kỷ qua, vẫn là họ ngồi bên nhau, nhưng không phải trên bờ sông xưa (rác rưởi đã che phủ thảm cỏ xanh ngày ấy) mà trong những căn phòng tiện nghi ngột ngạt. Đôi mắt họ mờ đục hơn và bầu trời như hẹp lại. Chỉ có một điều vẫn thế: trái tim họ vẫn cứ nồng cháy tình yêu người, yêu đời. Thứ tình nồng và cay như loại rượu họ uống thay cho những ly cà phê pha sữa thời trai trẻ. Họ ngồi bên nhau, có thể là ồn ào tranh luận, cũng có thể là một khoảng lặng giữa những nói cười. Rồi ai đó sẽ đòi cụng ly, mừng bạn bè còn gặp mặt, một bài thơ mới viết, một sinh nhật mà nhân vật chính không còn muốn nhớ đến tuổi… Họ mềm môi cho những niềm vui mà cũng có thể uống cho thấm nỗi buồn của những mất mát khó tránh trong cuộc sống.
 
Chính trong những cuộc họp mặt bàn tròn ấy, tôi khám phá ra người “trẻ” nhất và sôi nổi nhất bàn tiệc lại chính là Nguyên Minh, kẻ luôn luôn ngồi mơ màng lặng lẽ trước mặt mình. Tôi tưởng như anh đang mải sống trong thế giới tĩnh lặng của riêng anh, không quan tâm gì đến nhân tình thế thái. Nhưng không. Hóa ra anh vẫn đang tham dự vào cuộc chơi của bạn bè. Anh không nói nhưng vẫn lắng nghe và có cách riêng để tỏ bày ý kiến. Một cái nhếch môi với đuôi mắt nheo nheo láu lỉnh hay hơi thở hắt mệt mỏi khi cuộc tranh luận của bạn bè đi vào chỗ không thấy lối ra. Anh chỉ thực sự là anh khi ai đó bắt đầu nhắc đến chuyện văn chương. Những lúc ấy, anh không còn là con người trầm tư cao niên nhất đám. Cặp mắt sáng lên nỗi đam mê, giọng nói tiếng cười tràn đầy phấn khích, anh lại trở thành chàng thanh niên ngày nào đang hăm hở khám phá mảnh đất văn chương mới xới, đầy ắp dự định tương lai, chẳng khác gì ngày xưa ấy khi cả nhóm bạn còn vui thích chia nhau những ly bia, đĩa đầu vịt đổi bằng mớ giấy làm báo xén thừa. Thế nhưng nếu ai đó chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác, lập tức anh lại rút vào thế giới của riêng mình. Có vẻ như đối với anh, không có gì là quan trọng và đáng để tâm ngoài chuyện viết văn, làm báo. (Chả thế mà thuở ấy, anh đã có lần để cô người yêu nhỏ ngơ ngác đứng đợi trong mưa cùng chiếc xe chết máy, còn mình thì vẫy taxi cho kịp giờ họp mặt bàn chuyện ra mắt bán nguyệt san Ý Thức).
Nhìn mái tóc điểm sương của anh, tôi tự hỏi làm sao anh có thể “trẻ” lâu đến vậy? Làm sao mà cảm xúc của anh vẫn cứ mới như ngày xưa? Giờ đây, hơn ba mươi năm sau, có ai tin được anh vẫn cứ là chàng trai trẻ ngập ngừng đi bên cạnh người yêu cũ vừa quay về từ nơi xa, vẫn chọn những con đường có bóng cây và bối rối ngắm mây trời để che dấu cảm xúc khi trái tim đang đập những nhịp hỗn loạn nồng nàn. Tôi cảm thấy mình già đi bên cạnh anh dù anh hơn tôi nhiều tuổi. Tôi đã không còn cái háo hức đáng yêu của một tâm hồn mới lớn trước ngưỡng cửa đời. Nhưng anh thì lạ thay, vẫn không vơi đi chút nào những xôn xao ngày ấy. Và tôi biết rằng anh mãi mãi sẽ là người trẻ nhất trong bọn chúng tôi.
2/10/2010
Kim Quy
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...