Sóng ngầm
Tôi quyết định đi Vũng Tàu không phải để du lịch
mà để đi tìm cho được ông ta - cha của thằng con trai đã quyến dụ con gái tôi sớm
đi vào đường... yêu - Mà con đường yêu thì ai cũng biết, có trăm lần vui, có vạn
lần sầu.
Ai thuở đời, mới vào học năm nhất trường Đại học
Sư phạm có mấy tháng, chuyện đèn sách còn đang bừa bộn thì đã vội có bồ. Phân
tích cặn kẽ mọi lẽ, nó bảo:
- Vậy chớ ngày xưa mẹ cũng đang đi học, nhảy qua đấu
đá trong phong trào sinh viên rồi gặp ba, rồi chạy vô chiến khu, có lấy được bằng
cấp nào đâu.
- Hồi đó khác. Bây giờ thời bình, học hành xong xuôi đâu đó rồi
chọn lựa. Đời bây giờ thiếu gì thanh niên lịch sự, có tài mà con đi quen cái thằng
nước da nó đen thui thùi lùi, nói năng cụt ngủn cụt ngẳn không giống
ai vậy?
- Thì cũng tại mẹ. Mẹ nói đàn ông có nước da trắng là loại lười
lao động, thằng nào nói nhiều, nói hay là lọai ba hoa vô tích sự, con chọn như
vậy đúng “ gu” mẹ rồi, còn gì nữa.
Tôi ngắc ngứ vài giây rồi quát:
- Đen thì cũng đen vừa phải thôi, đằng nầy nó giống như người
từ châu Phi tới, thằng đó mà đi đêm phải đốt nhang cắm trên đầu không thôi người
ta đụng nó. Hôm trước thấy tao ngoài ngõ, thay vì chào hỏi cung kính, nó nép
vào cột đèn đường, mặt cúi gầm xuống đất, hỏi tới nó trả lời nhát gừng. Có ai
dám cả gan thấy mẹ người yêu mà làm như vậy không? Trên đời trời đất nầy tao
chưa thấy ai như vậy cả.
- Ảnh là dân biển, hè nào nghỉ học ảnh cũng theo
thuyền đánh cá, ảnh biết lo gia đình lắm đó. Tại ảnh sợ mẹ quá nên không được tự
nhiên. Mong mẹ thông cảm cho sự vụng dại của ảnh.
- Nó có mấy anh chị em? Cha mẹ còn đầy đủ không? Ba má nó làm
nghề gì?
- Anh sống với ba, mẹ mất rồi.
- Đó ! Thấy chưa? Lấy thứ không có mẹ tới chừng đẻ
chửa ai lo?
- Vậy chớ con không có ba, mẹ cũng lo được hết đó sao?
- Tao khác, họ khác. Đàn bà dù gì cũng chăm chút cho con hơn
đàn ông. Đàn ông ít khi nuôi con đàng hoàng lắm. Gà trống nuôi con là không được
rồi, cái kiểu nuôi dạy ba hút ba trớt đó làm sao nên người được. Ư hùm…Mà nè!
Nó học ngành nào?
- Kỹ sư hóa dầu. Anh nầy giỏi lắm mẹ ơi! Tại mẹ chưa hiểu ảnh
nhiều chớ ảnh chân chất, dễ thương lắm.
- Tụi bây vậy không. Chưa biết rõ đích xác gia thế người ta
đã vội tin tưởng. Tao với ba bây hồi đó quen nhau cả chục năm còn chưa thấy nước
non gì, mới gặp đầu hôm sớm mai mà vội kết luận, yêu không có căn cơ nên bỏ
nhau cũng dễ như thay áo. Đời bây giờ loạn cả lên, không biết đâu mà lần. Con
với nó đi đến giai đoạn nào rồi?
- Giai đoạn nào là sao hở mẹ?
- Còn làm bộ ngây thơ nữa. Nó có làm gì… bậy bạ con chưa?
- Trời ơi! Hí hí.. Mẹ lo lắng chi thái quá vậy. Chúng con lúc
nào cũng giữ gìn khoảng cách. Con lớn khôn rồi, con biết tự giữ mình chớ mẹ.
- Thôi đừng nói tài. Bảy mươi chưa gọi là lành. Đầu bạc hai
thứ tóc còn lầm lẫn vì yêu. Con đường đó là con đường đau khổ nhưng ai cũng phải
đi như đi chợ vậy thôi. Có người chọn được món đồ vừa ý, có người bị lầm, cũng
có người không mua được gì, đành trắng tay. Nhưng chuyện trước mắt là phải lo học
hành. Tao với ba mầy ngày xưa lúc nào cũng mơ ước được trở lại đại học
mà công việc cứ xô đẩy trôi dạt, ngày ổng chết còn căn dặn phải nuôi con đi đại
học. Bây giờ lo cho con được mẹ mừng, vậy mà chưa chi con đã như vậy… Tôi sụt sịt
khóc…
- Mẹ à! Mẹ đừng lo. Từ khi có anh ấy con học khá lên rất nhiều
mẹ à. Con hứa sẽ học tốt, ra trường đi làm vài năm nuôi mẹ rồi mới lấy chồng.
- Mẹ không mong con nuôi mẹ đâu, chỉ mong con được ấm no, hạnh
phúc như người ta. Mẹ có một mình con, mà con chọn đứa xa xôi như vậy làm sao mẹ
lo cho con được.
- Thành phố mình với Vũng Tàu đâu có xa xắc gì, tàu cánh ngầm
đi chỉ hơn một tiếng. Mà thôi! Chuyện đó còn xa vời quá. Nếu mẹ không đồng ý,
có khi con với ảnh chia tay cũng không chừng.
Tôi lặng thinh buồn rầu nhìn no. Hai mươi mốt tuổi,
nó lớn phổng phao, đã là một thiếu nữ xinh xắn. Đôi mắt to tròn và mái tóc đen
dài, óng mượt xõa ngang vai giống hệt tôi ngày xưa. Cái miệng cười rất tươi,
duyên dáng nhờ có chiếc răng khểnh. Cũng vì cái răng đó mà tôi với ba nó đã từng
giận nhau mấy ngày. Ba nó nói con gái thì hàm răng phải trắng, phải đều đặn
ngay hàng thẳng lối. Tôi lại thích miệng cười có chiếc răng khểnh mới có duyên.
Nó theo phe tôi nên không cho ba nó nhổ, thế là vì nhan sắc của con mà hai bên
cãi lẩy giận hờn.
Thuở nhỏ, lúc nào nó cũng nghe theo tôi nhưng từ khi có bạn
trai, đôi lúc nó có ý ngược lại. Thế đó! Con còn nhỏ là con của mình, con lớn rồi
thuộc về người ta. Đời tôi bây giờ chỉ còn mình nó, mà nó thì như cánh chim muốn
bay khỏi tổ. Rồi đây nó sẽ theo chồng về tận xứ xa, hạnh phúc hay khổ đau tôi
nào biết được, có bị chồng ăn hiếp cũng không ai bênh vực, lúc yếu đau sinh nở
ai lo? Càng nghỉ tôi càng băn khoăn lo lắng.
Nhiều lần muốn gả nó cho con những người bạn thân thiết, biết
rõ gốc gác nguồn cội nhưng giới thiệu đứa nào nó cũng lắc đầu. Tưởng con còn nhỏ
dại chưa nghỉ chuyện hôn nhân, ai ngờ…
Qua cách nó nói, đọc lén nhật ký thì biết nó quyết tâm với thằng
nầy lắm. Nếu không lo trước cho nó một bước, không tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn, rồi
đây rủi lỡ xảy ra sự cố gì làm sao chống đở cho kịp. Khổ lắm! Có con gái lớn
trong nhà như chứa bom nổ chậm, không biết nó châm ngòi lúc nào.
Tôi phải bí mật ra Vũng Tàu, tầm theo địa chỉ nhà mà nó ghi
trong nhật ký.
***
Biển Vũng Tàu vẫn ngàn đời là những con sóng bạc đầu,
ngày đêm vỗ ì ầm vào bờ. Gió lồng lộng mang hơi nồng của biển. Bầu trời trong vắt
với những cánh hải âu chao liệng.
Lần nào đứng trước biển tôi cũng thấy xao xuyến bồi hồi, có lẽ
vì vẻ đẹp hoành tráng của nó hay vì nơi đây đã ghi lại bao kỷ niệm buồn vui thời
đi học. Ngày còn sinh viên, đã bao lần cùng bạn bè ra đây cắm trại, nô đùa với
nhau trên biển. Rồi bao đêm dưới trăng, những ngày đầu cưới nhau đã cùng Khang
ngồi trên bãi cát nghe sóng biển rì rào, trao nhau biết bao lời yêu thương nồng
cháy. Đến khi có với nhau đứa con, vợ chồng con cái lại dẫn ra đây
nghỉ ngơi sau những ngày tất bật công việc.
Mỗi lần ra bãi Sau, tôi hay thơ thẩn đi tìm những bước chân
ngày xưa. Sóng biển vô tình xóa mất bao kỷ niệm vui buồn, nhưng trong trái tim
tôi vẫn còn hằn những tiếng cười, những dấu chân hạnh phúc thuở nào.
Đáng lẽ không nên đến nhà “ đàng trai” trước. Ai thuở đời “ cột
đi tìm trâu” ngược đời như vậy, nhưng do yêu cầu bức bách và vì sự
lo lắng quá độ nên tôi đành đánh liều. Tôi sẽ không tiếp cận “đối phương” ngay
mà dò tìm dư luận trong địa bàn dân cư trước. Nếu thấy tiện thì thẳng tới mục
tiêu, còn không cần thiết thì êm luôn.
Bước xuống xe, định đi ngay đến địa chỉ cần tìm nhưng biển
níu chân tôi lại. Đã ra đây thì phải tắm táp một chút, lấy lại bình tĩnh trước
khi gặp “đối thủ”. Đi tìm “ ông sui” mà đầu tóc mặt mũi bơ phờ coi chừng bị người
ta đánh giá.
Tôi mặc lại bộ bikini ngày xưa vẫn còn vừa vặn ôm sát thân
hình, nhảy ào xuống biển, hòa vào dòng người đang cười đùa vui vẻ trên sóng nước.
Mọi lo âu buồn bực bỗng tan biến theo những đợt sóng xô. Càng lội ra xa, càng
thấy lòng thanh thoát lâng lâng.
- Dừng lại ! Không được bơi ra xa.
Tôi ngoái lại nhìn. Trong những đợt sóng lớn liên tiếp xô
nhau, người ấy bơi nhanh về phía tôi kêu lớn.
- Quay vào bờ ngay! Cô không thấy cờ báo hiệu người ta cặm đầy
đó sao.
Tôi chợt giật mình khi nhìn thấy gương mặt có nước da đen xạm
và đôi mày rậm hình lưỡi kiếm.
Trong tiếng sóng biển ầm ào, tôi lí nhí nói lời cám ơn và
nhìn anh ta không chớp mắt. Anh ta cũng len lén liếc nhìn tôi.
Lên bãi cát ngồi hong nắng, tôi cố moi trong cuồn phim dĩ
vãng xem gương mặt kia là ai. Anh ta rất giống người bạn thời học Đại học Văn
khoa. Không lẽ là Mạnh? Mà Mạnh ngày xưa nước da trắng và ốm yếu hơn nhiều.
Tôi nhìn xuống chỗ anh ta đang tắm, kiểm tra lại một lần nữa.
Hàm râu quai nón xanh rì hai bên mép khiến tôi quyết tâm đứng lên, chạy xuống
bãi tắm, tiến đến gần anh ta. Anh ta nhìn tôi chăm bẵm.
- Xin lỗi! Phải cô là Nhãn không?
- Anh Mạnh đó hả?
- Hồi nãy mình nghi là Nhãn nhưng ngờ ngợ không dám gọi.
Hà..hà..lâu quá mới gặp cố nhân . Thôi! Ta lên bờ đi nào..!
Chúng tôi ngồi dưới bóng mát của cây dù màu, hỏi han nhau tíu
tít. Mạnh bảo:
- Em vẫn như xưa, chỉ già đi đôi chút. Nghe nói Khang mất rồi
phải không?
- Dạ. Sao anh biết ?
- Không thấy mặt nhưng vẫn nghe tin. Bọn thằng Trung ra Vũng
Tàu lần nào cũng ghé anh. Chúng nó bây giờ làm ăn giàu có lắm. Em đi với ai vậy?
- Một mình. Đi công việc, chắc chiều em về.
- Thay quần áo, anh đưa về nhà chơi cho biết nhà rồi đi đâu
thì đi.
- Ủa! Sao mang chân giả vậy?
- Thì thời chiến mà. Lúc cánh mình bị bể, tụi em vô chiến
khu, anh cũng bay theo địa phương quân ở đây. Không đi thì nó bắt vô võ bị Đà Lạt.
- Nhà anh ở đâu?
- Thay quần áo rồi anh chở về. Gần đây thôi.
Tôi đi về phía nhà tắm công cộng, lòng tràn niềm vui khi gặp
lại người bạn cũ. Ngày xưa, đã một thời Mạnh đeo đuổi tôi, nhưng tôi yêu Khang.
Trái tim không thể yêu một lượt hai người. Vì vậy, có lúc Mạnh đột nhiên làm
thơ thất tình. Anh gởi cho tôi nhiều bài nhưng tôi không nhớ câu nào cả, vả lại
tôi phải thủ tiêu nó vì sợ Khang ghen. Bây giờ nghỉ lại thấy lúc đó sao mình vô
tâm quá.
Mạnh chở tôi về. Anh dừng lại trước ngôi nhà đường Huyền Trân
Công Chúa. Nhìn số nhà vẻ trước cổng tôi chưng hửng. Lật cuốn sổ tay ghi địa chỉ,
đúng là 117/16. Không lẽ…
Tôi bàng hoàng giây lâu rồi chợt nhớ ra là gương mặt thằng bồ
con gái mình có nét hao hao giống Mạnh.
Tôi lẳng lặng theo sau anh, đi giữa hai hàng cây Ngọc Lan rợp
bóng trước sân nhà, lòng bồn chồn quá đỗi.
Ngồi xuống bộ salon, tôi chăm chú nhìn khung ảnh treo trên tường.
Đúng là nó. Nó và ba nó nhìn tôi cười rạng rỡ.
Nhìn nụ cười của họ, nỗi lo của tôi cũng vơi bớt. Dẫu gì nó
cũng là con của người bạn cũ. Con cháu của những người bạn đã một thời
sống chết bên nhau.
Mạnh lễ mễ bưng ra một dĩa thịt nguội, hai lon bia Tiger đặt
lên bàn, hỏi:
- Nhãn ra chơi chừng nào về?
- Công việc xong rồi chắc chút nữa em về.
- Đi ra có việc gì chớ không phải đi du lịch sao?
- Em đi tìm nhà thằng rể tương lai mà gặp rồi.
- Đi xong rồi à? Sao không để anh đưa đi?
Tôi cười nụ:
- Biết rồi còn đi đâu nữa. Em cũng không ngờ trái đất tròn.
Trời xui đất khiến sao mà con anh kết bạn với con em, nghỉ thiệt buồn cười.
Đây! Hình chúng nó đây.
Mạnh vồ lấy tấm hình, đôi mày lưỡi kiếm dựng ngược lên cùng nụ
cười rạng rỡ.
- Trời đất! Thiệt vậy sao? Vậy mà thằng nầy kín miệng dữ đa.
Anh định năm nay ra trường xin cho nó làm dầu khí ở đây. Sao không nghe nó nói
gì về việc vợ con hết vậy cà? À! Mà hình như có lần nó nói quen con nhỏ nào
nhưng mẹ nó không đồng ý. Vậy là con của em à? Ối! Trời đất ơi! Được vậy thì
còn gì bằng. Nó xinh gái giống mẹ quá. Cha chả! Làm sui với đàn bà giá nguy hiểm
quá đây. Hà..hà..
Mạnh rót bia vào ly, đon đã mời:
- Thôi thì sui gia sơ ngộ hai lon bia. Ngày mai anh gọi nó về
hỏi han sự việc coi như thế nào. Nếu tiện thì cưới ngay năm nay.
- Làm gì như điện chập vậy? Tính anh xưa nay vẫn vậy,
già rồi mà cũng không thay đổi chút nào. Cưới thì cũng phải từ từ, con
em còn đi học nữa chớ.
- Nó học ở đâu?
- Đại học Sư phạm. Mới vô năm thứ nhất màkhông hiểu sao nó
quen nhau nhanh như vậy không biết. Con em còn khờ dại lắm.
- Đã vào Đại học là trưởng thành rồi còn gì nữa mà khờ . Thì
nó cũng giống mẹ nó ngày xưa, biết bao chàng xếp hàng nộp đơn đợi chờ.Anh thuộc
hạng” đội sổ” đâu có hy vọng gì. Em chọn Khang cũng phải thôi, anh ta hơn anh
nhiều mặt. Con người tài hoa vậy mà bạc mệnh. Dạo đó nó bị bệnh gì vậy em?
- Mấy năm ở rừng ảnh bị sốt rét trị không dứt điểm, nó chuyễn
qua gan. Tội ảnh lắm anh à. Những khi nhắc lại bạn bè cũ, ảnh cũng hay nhắc đến
anh. Còn anh, vợ con ra sao rồi?
- Số anh lận đận tình duyên, suốt đời yêu đơn
phương. Lần đó, chuyện em không thành, anh theo bộ đội hai năm thì cưới vợ. Cô ấy
dáng vẻ cũng từa tựa như em nhưng tính tình yếu đuối hơn nhiều. Mấy năm anh được
rút lên R, không có tin tức, cô lấy chồng khác, bỏ thằng Thịnh cho mẹ anh nuôi,
bây giờ cô ta ra nước ngòai rồi.
- Sao anh không cưới vợ khác?
- Trái tim rỉ máu nhiều rồi, còn sức lực đâu mà đèo bòng. Bây
giờ tình thương dồn hết cho thằng Thịnh. Nó lao động giỏi, biết hiếu thảo lắm.
Vừa đi học vừa nhận làm vi tính cho một công ty. Anh khỏi phải nuôi mà nó còn
gơi tiền về cho anh. Anh có thằng con đã lắm. Thôi! Cạn ly rồi ăn cơm.
Tôi vui lây với cái tính sôi nổi của Mạnh. Mái tóc đã điểm bạc
mà tánh tình vẫn như chàng trai mới lớn. Nói năng bổ bã chẳng ra vẻ người già
tí nào. Hèn gì! Thằng kia cũng giống tính, ăn nói cụt ngủn, cụt ngẳn. Thôi thì
miễn sao tính nó lành là được rồi.
- Nào! Chúc mừng thắng lợi vẻ vang. Tôi cầm ly lên hò hởi
nói. An cơm xong, nghĩ ngơi một chút em về. Nhà cửa bộn bề lắm, gà mái nuôi con
mà. Thằng Thịnh có về, anh nói bên đàng gái đồng ý rồi, nhớ đừng nói chuyện của
tụi mình ngày xưa làm chi cho nó hiểu lầm.
Hiểu lầm hay hiểu đúng gì kệ nó. Mình có làm gì bậy bạ đâu mà
sợ. Nhưng anh nói thiệt tình, anh vẫn một đời quí yêu em, trước sau như một,
không có gì thay đổi cả.
- Thôi thôi! Đừng nói nhảm nhen. Anh lơ mơ là em không gả con
gái cho đó. Muốn thằng Thịnh đau khổ nữa thì tùy anh.
- Hà.. hà..Hăm he hù dọa nghe ghê quá ta. Ông Trời
thật công bằng. Cha mẹ không cưới được nhau thì cho đám con nó tái ngộ. Vậy là
huề cả làng, đâu cũng vào đó thôi.
- Bây giờ là sui gia rồi, nói năng, cư xử cũng khác ngày xưa,
anh nên cẩn thận mới được. Hai năm nữa con em ra trường sẽ tính. Bây giờ chiều
rồi, em phải về, việc nhà bê bối lắm.
- Em yên tâm đi, không có gì quan trọng đâu, bây giờ già hết
cả rồi, tất cả đều vì hạnh phúc của con mình … Em về khỏe mạnh, gởi lời thăm
con dâu. Để anh đưa ra bến xe.
- Em đi xích lô được rồi. Em còn ghé người bạn nữa.
- Vậy thì thôi. Có gặp Thịnh nói nó về anh bảo.
- Dạ. Em đi nghen.
Tôi lật đật bước lên chiếc xích lô như bị ma đuổi, không dám
ngoáy lại nhìn. Dường như Mạnh vẫn còn đứng đó trông theo.
Ngồi trên chiếc tàu cánh ngầm trở về thành phố, lòng tôi rối
rắm trăm bề, không biết nên buồn hay nên vui? Con tôi đã gặp nơi xứng đáng để
trao thân gởi phận. Còn tôi, tự nhiên lại rơi vào tình trạng khó xử. Tuy Mạnh
nói năng có vẻ cứng cỏi, hồn nhiên nhưng tôi vẫn thấy trong tia mắt của anh ánh
lên tình cảm dạt dào thuở nào.
Dù rằng lòng tôi đã dửng dưng nguội lạnh nhưng biết làm sao
cho hết chuyện đời. Chuyện đời luôn phức tạp, không giản đơn. Tôi sợ tấm chân
tình của Mạnh, sợ cả cõi lòng đang trống vắng cô đơn của tôi.
Rồi đây tôi phải chống chọi ra sao trước những cơn sóng ngầm
của biển?.
3/1/2005 Kim Quyên
3/1/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét