Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

XXXXGiáo sư Trần Quốc Vượng: Khảo cổ học Việt Nam, nơi hội tụ của khoa học, lịch sử và văn hóa

Giáo sư Trần Quốc Vượng: Khảo cổ học Việt Nam,
nơi hội tụ của khoa học, lịch sử và văn hóa

"Mặc dù có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng trước hết cần khẳng định nền khảo cổ học Việt Nam là do chính các nhà khoa học Việt Nam tạo dựng. Tuy vậy, hiện nay chúng ta thiếu một nền tảng lý thuyết, phương pháp luận, do vậy còn lúng túng trong bảo tồn...". Đó là những tâm sự của GS Trần Quốc Vượng nhân dịp Viện Khảo cổ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động...
PV: Thưa GS, sau ngày 9-10-1954, khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô Hà Nội, bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong hoàn cảnh đó, ngành Khảo cổ học Việt Nam đã được hình thành và phát triến như thế nào?
 
GS Trần Quốc Vượng: Gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, Khảo cổ học Việt Nam là con số 0. Ngoài một số thư ký khảo cổ học (KCH) đã làm việc cho Pháp như cụ Trần Huy Bá, Lê Xuân Động, bà Hoàng Thị Thân, thì không có một nhà nghiên cứu KCH nào.
 
Tuy nhiên, người Pháp đã làm nhiều việc cho nền Khảo cổ học Việt Nam (KCHVN). Phần lớn những người Pháp được phân công sang Việt Nam để nghiên cứu địa chất, tiến hành khai thác thuộc địa đều là những nhà địa chất học, do ngẫu nhiên tìm ra những di chỉ KCH và từ đó họ bước vào nghiên cứu...
 
Nền KCHVN luôn ghi nhận công lao của các nhà địa chất kiêm khảo cổ học Pháp, như Hăngri Măngsi đã phát hiện ra nền văn hóa Bắc Sơn; nhà địa chất học Mađơlen Côlani đã phát hiện ra nền văn hóa Hòa Bình; ông Hăngri Phôngten với văn hóa Bắc Sơn. Phát hiện ra văn hóa Đông Sơn và tìm ra thời đại đồ đồng là ông Pagiô... Họ quây quần trong cơ quan Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) cùng nghiên cứu về KCHVN... và cả những nền văn hóa lớn như Hòa Bình, Bắc Sơn, Hạ Long, Đông Sơn đều do người Pháp phát hiện sau này được các nhà KCHVN tiếp tục nghiên cứu sâu và khẳng định.
 
Khi chúng tôi tốt nghiệp cử nhân khoa Sử (1956) thầy tôi là GS. Đào Duy Anh nói: "Bây giờ, không có môn Khảo cổ học, cần bắt đầu từ đầu". Tôi được phân công đọc sách chữ Hán về khảo cổ Trung Quốc, sách chữ Nga về khảo cổ Liên Xô... để ba năm sau (1959) chính thức mở đầu môn KCHVN tại khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
 
Tôi và GS Hà Văn Tấn lên lớp dạy về KCHVN với lý thuyết chắt lọc từ các nền khảo cổ Liên Xô, Pháp, Trung Quốc. Ngày đó, Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, cụ Trần Văn Giàu tuy không đề ra nhưng đã nhiệt tình ủng hộ chủ trương của cụ Đào Duy Anh đã nêu, bởi Việt Nam là một nước nhỏ về không gian nhưng lại có bề dày về thời gian, mật độ KCH đã và sẽ dày đặc, triển vọng KCHVN rất lớn.
 
* Trong nhũng năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nền KCHVN đã nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ bạn bè quốc tế?
 
- Về lý thuyết, nền KCHVN ra đời từ khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp năm 1959, nhưng trên thực tế phải đến năm 1960 mới thực sự được định hình khi yếu tố nội sinh được kết hợp chặt chẽ với yếu tố ngoại sinh. Đây cũng là lúc GS.TS Paven Borikovski (nhà KCH lớn của Liên Xô) sang Việt Nam hướng dẫn thêm lý thuyết khảo cổ học, phương pháp tìm hiểu thực tiễn văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn... tiến hành khai quật, tìm ra di tích Thiệu Dương, di tích đồ đá cũ ớ Núi Đọ, những di tích đồ đá mới ở Đông Khối...
 
Từ đó đến nay, những người làm KCHVN đều cho rằng GS.TS Paven Borikovski là yếu tố trợ lực ngoại sinh, có những đóng góp đáng kể cho nền KCHVN.
 
Sau này có thêm một số nhà KCH được đào tạo từ Trung Quốc như: PGS Lê Xuân Diệm, PGS Hoàng Xuân Chinh, PGS. TS Diệp Đình Hoa, PGS Chữ Văn Tần, Nguyễn Duy Tỳ... được đào tạo từ Liên Xô, Trung Quốc. Còn lại đa số được đào tạo tại trường Đại học Tổng hợp.
 
Năm 1968, Viện Khảo cổ học được thành lập. Lực lượng chủ yếu lấy từ trường Đại học Tổng hợp, đội khảo cổ học Bảo tàng lịch sử.
 
Gần 40 năm làm việc cần mẫn, những thế hệ cán bộ của Viện KCHVN đã làm được khá nhiều việc. Họ đã rất tích cực trong việc nghiên cứu lịch sử bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng cơ sở phát triển nguồn cán bộ cho công tác này... đúng với chức năng góp phần mang lại thành công chung cho nền KCHVN.
 
* Kể từ khi GS và GS. Hà Văn Tấn (lớp đầu tiên) đã góp phần đề ra chiến lược vĩ mô về KCHVN đến nay, đội ngũ các nhà KCHVN đã phát triển vượt bậc?
 
- Tất nhiên trong thời gian ngắn rất khó lấp đầy lỗ trống lớn của nền KCHVN. Ngoài lớp tôi, đến nay đã có thêm ba lớp các nhà khoa học làm công tác KCH. Lớp thứ hai được đào tạo tại trường Đại học Tổng hợp, Trung Quốc, Liên Xô... đã và đang tham gia công tác nghiên cứu tại các viện khảo cổ, lịch sử, bảo tàng... trải qua nhiều thực tiễn đến nay đã trở thành những GS, PGS, TS giàu kinh nghiệm. Lớp thứ ba được đào tạo tại khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp xưa và nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bắt tay ngay vào nghiên cứu KCH miền trung, miền nam Việt Nam. Lớp thứ tư được đào tạo trong thời đại mới, có đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật cùng với kế thừa kinh nghiệm của các lớp trước sẽ đưa nền KCHVN tiến xa hơn.
 
* Hiện nay, khoa học kỹ thuật trên thế giới phát triển đưa những trang thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, trong khi ở Việt Nam, sự đầu tư cho KCH còn hạn chế nhưng vẫn đạt những kết quả, nhiều công trình nghiên cứu KCH đã và đang gây được sự chú ý của các nhà KCH quốc tế. Theo GS, có được thành công hôm nay là xuất phát từ đâu?
 
- Mặc dù có sự giúp đỡ từ bên ngoài nhưng trước hết cần khẳng định, nền KCHVN là do chính các nhà khoa học Việt Nam tạo dựng.
 
Các nhà KCHVN có ưu điểm bám chắc thực tiễn của đất nước. Xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh "Vừa làm vừa học, vừa học vừa làm". Đây là tư duy chiến lược về giáo dục của Việt Nam từ thập niên 50 của thế kỷ 20.
 
Trên con đường phát triển và khẳng định mình, các nhà khoa học Việt Nam đã tập trung vào những đề tài trọng điểm, làm khoa học nhưng đồng thời phục vụ kịp thời và có hiệu quả những nhiệm vụ, chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó...
 
Theo thiển ý của tôi, trong giới KCHVN rất ít và hầu như không có hiện tượng "Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới" mà phổ biến là "đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên" . Tôi tâm đắc điều này...
 
* Thưa GS, quá trình phát triển của nền KCH Việt Nam từ trước đến nay và triển vọng của ngành trong nền khoa học lịch sử - văn hóa nước nhà sẽ như thế nào?
 
- Sở dĩ, ngành KCH có được thành công hôm nay là do ngay từ đầu đã đi đúng hướng: Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, có kế thừa và có phát triển. Qua thực tiễn phong phú, đa dạng và dày đặc những phát hiện KCH, những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết... KCHVN có quá nhiều công việc để làm, phải làm...
 
Ngành KCHVN cần đoàn kết lại hơn nữa với phương pháp liên ngành - đa ngành - xuyên ngành để phát triển một cách toàn diện, hội tụ cả văn hóa lịch sử và văn hóa nhân học. Hiện nay, không chỉ có KCHVN đi theo con đường này mà còn có các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác cũng triển khai nhưng còn chậm.
 
* Từ 1954 đến nay KCHVN đã có ba lớp nối tiếp, GS đánh giá như thế nào về lớp các nhà KCH trẻ Việt Nam được đào tạo trong thời đại mới và có nhắn gửi gì với những người làm công tác KCH hôm nay với tư cách là người thầy, người gắn bó với nền KCHVN hơn 40 năm qua?
 
- Sau nhiều năm giảng dạy về KCH cho các cử nhân ở khoa Sử, Đại học Tổng hợp, tham gia "lò luyện các tiến sĩ" ở Viện Khảo cổ học, nhận thấy, chức năng đào tạo cử nhân KCH là "độc quyền" của trường đại học nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp, vào làm việc tại các cơ quan, viện nghiên cứu KCH, tiếp tục học sau đại học, lúc này mới thực sự bước vào "lò luyện tiến sĩ khảo cổ học" - đây là lò luyện "tiến sĩ khảo cổ học" lớn nhất nước, đào tạo những cán bộ nghiên cứu khoa học đang đi đầu cho nền KCHVN.
 
Khoa học thông tin ngày càng phát triển sẽ góp phần không nhỏ vào thành công cho nền KCHVN trong tương lai, nếu chúng ta thực sự làm chủ được nó.
 
Nhưng thực tế, thế hệ các nhà KCH trẻ còn bộc lộ những mặt yếu về chuyên môn. Trước hết là nền tảng về lý thuyết (bất cứ một nhà khoa học nào cũng phải có một nền tảng về ý thức hệ đó là lý thuyết), trong khi ta chưa có triết lý khảo cổ học. Phần phương pháp luận còn yếu, dẫn đến tình trạng lúng túng cả trong phương pháp bảo tồn di tích KCH sau khi đã phát hiện trong lòng đất. Thiếu thực tiễn, trải nghiệm trước sự phân hóa đa ngành của nền KCHVN như KCH thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ kim khí, KCH lịch sử, KCH Chămpa...
 
Nói thêm về tình trạng đào tạo thiếu lý thuyết, coi thường lý thuyết ngay cả khi điều kiện thực hành không nhiều không chỉ riêng đối với ngành KCH mà tại các trường đại học hiện nay đang diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt đối với ngành KCH, phải có lý thuyết khảo cổ mới có khảo cổ học, mới có thực tiễn KCH.
 
Điều cốt lõi hiện nay, cần chấn chỉnh lại cách đào tạo chuyên ngành KCH nói riêng và lịch sử nói chung tại các trường đại học, không để diễn ra tình trạng sinh viên ra trường yếu về lý thuyết, kém khi vận dụng vào thực tế. Chỉ đến khi được phân công về các viện nghiên cứu, những nhà tân khảo cổ mới tá hỏa tìm tài liệu đọc tìm thầy học thêm. Nền KCHVN cần lưu tâm hơn nữa trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của mình để phát triển đồng đều và bền vững.
23/11/2004
Khuyết Danh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...