Những người còn sót lại
của các dòng tranh dân gian
Hơn 30 năm qua, ông đã sưu tầm được
cả một kho tranh thờ có giá trị trên cả hai phương diện: Giá trị tôn giáo và
giá trị nghệ thuật. Nhưng ông Khuê rất buồn vì không tìm nổi một đệ tử nào để
truyền lại cái đam mê, cái nghiệp sưu tầm dòng tranh đặc biệt này.
30 năm và một kho tàng không có người thừa kế!
Ông Phan Ngọc Khuê có cái may mắn được tham dự rất nhiều lễ cấp
sắc và nhiều nghi lễ tôn giáo khác của các tộc người đinh cư ở vùng núi miền Bắc
Việt Nam. Hơn 30 năm qua, ông đã sưu tầm được cả một kho tranh thờ có giá
trị trên cả hai phương diện: Giá trị tôn giáo và giá trị nghệ thuật. Nhưng ông
Khuê rất buồn vì không tìm nổi một đệ tử nào để truyền lại cái đam mê, cái nghiệp
sưu tầm dòng tranh đặc biệt này. Cái duyên, cái nghiệp nghiên cứu tranh thờ đã
đưa dẫn ông Khuê đến những bản làng heo hút nhất, gặp những thầy cúng kỳ bí nhất,
nghe những câu chuyện khó tin nhất với bao kỷ niệm khó quyên.
Lần ở Lào Cai, cách nay đã hơn mười năm, nghe tin trong một bản
xa có gia đình ngày hôm sau làm lễ, thế là ông gấp rút lên đường. Đến nơi, vì
là người lạ nên nói khó mãi gia chủ mới cho vào nhà. Khi gia chủ biết rõ mục
đích, ông Khuê được chủ nhà mời lên ngồi chiếu trên uống rượu và được "mãn
nhãn" nhìn ngắm một bộ tranh cúng đến hơn ba chục bức của thầy cúng bày ra
làm lễ.
Chục ngày sau, khi đã quen với sự xuất hiện của ông khách lạ,
anh thợ vẽ mới mời ông Khuê về nhà. Cũng phải sau bữa rượu khoản đãi của chủ
nhà, ông mới tò mò gạn hỏi: Làm sao anh vẽ tranh thờ đẹp và nhanh thế? Bấy giờ
anh ta vào buồng và ôm ra rất nhiều tranh. Ông Khuê thực sự bất ngờ vì những mẫu
tranh gia bảo đó. Tất cả đều được bảo quản rất nguyên vẹn. Có những mẫu lần đầu
tiên ông gặp, có những mẫu chỉ còn lưu được trên bản can giấy dó. Bản can gốc
là những mẫu vẽ cổ và chuẩn xác nhất mà các thầy Tào còn giữ
Theo ông Khuê, tranh thờ Đạo giáo phía Bắc có nguồn gốc
châu Á nhưng không phải tranh Tây Tạng (Lạt Ma giáo); Ấn Độ ( Ấn Độ giáo)
cũng không phải tranh của thời của Trung Quốc như ta đã biết rõ. Những bức
tranh thờ của các dân tộc Tày, Nùng, Sán chỉ, Cao lan, Giáy… ngoài ý nghĩa về mặt
tôn giáo còn có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật. Tranh thường được vẽ trên giấy
dó, giấy bản hoặc giấy xuyến chỉ bằng mực tàu và tô phẩm màu.
Tại những vùng núi phía Bắc, thầy Tào (thầy cúng) ngoài việc
“chăm sóc tâm linh” cho đồng bào còn là những nghệ nhân dân gian trong việc vẽ
và lưu giữ những mẫu tranh thờ từ đời này sang đời khác. Có những thầy Tào tuổi
ngoài bảy, tám mươi vẫn có thể vẽ lại những bức tranh thờ giống y nguyên bản mẫu
cổ. Điểm khác nhau duy nhất là bức mới còn thơm mùi mực và bức kia cũ kỹ đã bạc,
sờn vì thời gian.
Thầy Tào làm công việc cha truyền con nối. Bộ tranh thờ được
coi là đồ gia bảo tối linh. Vì vậy, nếu không có người nối dõi, đến cuối đời thầy
Tào thường phải làm lễ “giam âm binh”, tức là nhốt những bức tranh thường ngày
vẫn dùng cúng tế vào ống tre rồi đem vào tận hang sâu vứt bỏ. Họ tin rằng làm
thế sẽ ngăn được những “âm binh” vô chủ tìm đến phá hoại cuộc sống an
lành nơi duơng thế. Cũng vì tập tục này mà rất nhiều tranh thờ ngày
nay đã không còn nữa.
Với hơn 200 bức tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật
Việt Nam, có lẽ ông Khuê là một trong những người sưu tầm nhiều tranh thờ nhất
miền Bắc. Với mục đích nghiên cứu, bảo tồn tranh Đạo giáo Việt Nam, hơn ba mươi
năm qua, ông đã phân loại và bảo quản chúng cẩn thận tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt
Nam. Một cuốn sách của ông với tên gọi “Tranh Đạo giáo Việt Nam” đã được Nhà xuất
bản Mỹ Thuật ấn hành năm 2001. Nhưng cái lo của ông là một ngày nào đó, chính
ông cũng sẽ trở thành một “thầy Tào cuối cùng” trong công việc nghiên cứu
<SPAN
Những bộ tranh “Quốc bảo” bị lãng quên.
Người ta hay nhắc đến tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội);
tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); tranh Đại Hoàng (Hà Tây); tranh Sình (Huế) và
tranh Đạo giáo miền núi phía Bắc. Các làng tranh dân gian này trên thực tế gần
như đã ngừng hoạt động, có làng tranh đã mất thất truyền cả những bộ ván khắc
kinh điển. Năm 1944, trận lụt tràn qua làng Đại Hoàng (Hà Tây) đã cuốn trôi
toàn bộ các ván khắc trong làng. Từ đó tranh Đại Hoàng chỉ còn lại trong ký ức
của dân chơi tranh, các nhà nghiên cứu tranh dân gian và tất nhiên là một vài
phiên bản vẫn được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Dân sưu tầm
tranh ai ai cũng có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng rất ít người may mắn
có được tranh Đại Hoàng hay tranh Sình. Những bộ tranh mà ván khắc độc
bản đã bị thất truyền thì bộ tranh ấy càng được săn lùng mạnh, có giá
cao.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là người cuối cùng còn sót lại
của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội). 45 năm đã qua, chỉ còn có ông là người duy
nhất am tường và có thể làm được từ đầu đến cuối mọi công đoạn của một bức
tranh dân gian Hàng Trống. Làm tranh đối với ông vừa là tình yêu vừa là trách
nhiệm. Yêu vì đó là nghề đòi hỏi một khối óc và con tim tràn đầy nhiệt huyết.
Trách nhiệm bởi đó là nghề cha truyền con nối đã ba đời của gia đình ông…
Năm 1972, ông Nghiên được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời
phục chế tranh của bảo tàng. Chính tại đây, ông có điều kiện
nghiên cứu rất nhiều nguồn tranh được lưu giữ trong kho của bảo tàng.
Ông được tiếp xúc và tận tay chạm vào từng đường nét của biết bao nhiêu bản
khuôn in tranh cổ. Nhờ đó, ông có cơ hội so sánh và tìm ra những nét
chung, riêng của từng gia đình làm tranh Hàng Trống. Theo ông Nghiên, dòng
tranh Hàng Trống do nghệ nhân của làng Tự Tháp (tên cổ của phố Hàng Trống bây
giờ) sáng lập. Ngoài ra, còn có những người làm nghề vẽ từ nhiều vùng tìm đến
đây làm ăn sinh sống, chẳng hạn như những nghệ nhân từ Bình Vọng
(Thanh Trì) ra kinh đô mang theo phong cách vẽ tranh của quê mình hòa quyện với
phong cách vốn có của làng Tự Tháp, tạo nên phong cách tranh dân gian Hàng Trống
mà ngày nay chúng ta được biết. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dòng ghi
chép về tranh dân gian Hàng Trống trong rất nhiều sách cổ. Thi sĩ Hoàng Sĩ Khải
(thế kỷ XVI) cũng đã nhắc đến tục chơi tranh dân gian Hàng Trống ngày Tết trong
bài thơ tả quang cảnh Tết ở kinh thành Thăng Long .
Nhớ lại, cách đây chừng 20 năm, những phiên chợ hoa ngày
áp tết của Hà Nội vẫn bày bán tranh dân gian nhưng nay tuyệt nhiên không
còn nữa. Tranh Hàng Trống tàn phai theo thời gian, hiện chỉ còn thấy ở một vài
viện bảo tàng Hà Nội và những gallery bán đồ lưu niệm cho người nước
ngoài trong phố cổ…
Những bản in cổ nhất được khắc hai mặt của dòng tranh Hàng Trống
chỉ còn tìm thấy tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đó là một số ván in có
niên hiệu: “Quí mùi lục nguyệt khởi, Minh Mạng tứ niên”, nghĩa là được khắc
vào tháng 6 năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng thời Nguyễn. Còn theo GS Kiều Thu
Hoạch: Tranh dân gian vốn có quan hệ với tín ngưỡng bắt nguồn từ thời nguyên thủy,
sau đó chịu ảnh hưởng của các yếu tố Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy, từ những
hình thức vẽ bùa, chú ban đầu, theo thời gian đã xuất hiện tranh vẽ Tiên,
Thánh… Việc vẽ theo huyền thoại chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian
từ thế kỷ XV - XVIII.
Hiện ông Nghiên chính là nghệ nhân sở hữu hơn 200 bộ ván in cổ
của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Trong đó có những bức ván còn nguyên vẹn có
giá trị rất cao về nghệ thuật như: ván in bức Chợ quê và Canh
nông Chi đồ (làm nông nghiệp). Bản khắc Chợ quê diễn tả cảnh
họp chợ đông đúc, nhộn nhịp và ồn ào ở một vùng quê. Có những người bán hàng dưới
gốc đa, lại có những người ngồi trong những túp lều với đủ mọi hàng hóa… Mọi
chi tiết của một chợ phiên được khắc họa bay bướm, tỉ mỉ đến không
ngờ, từ cảnh “cò kè bớt một thêm hai”, đến cảnh thợ rèn đang quai búa, cảnh các
bà, các cô nón áo thướt tha rồi cảnh anh thợ cày ngồi một góc chợ khoan khoái
phả khói thuốc lào. Và đặc biệt thú vị là hình ảnh kẻ gian tham mắt trước mắt
sau rình mò ăn trộm…
Tranh thờ dân gian Hàng Trống đẹp có thể kể đến như: Tranh Tứ
phủ, Tam phủ, Mẫu, Thượng thiên, Thượng ngàn, các thần tướng Bạch hổ, Hắc hổ
hay Ngũ hổ. Ngũ hổ không chỉ là "hoạ hổ" đơn thuần mà chủ yếu diễn
đạt ngũ hành - âm dương. Khác với tranh Đông Hồ, Đại Hoàng, tranh Hàng Trống có
phần thiên về cái đẹp tinh thần dựa theo các điển cố học thuật rất cao, thể hiện
khát vọng vươn tới cái toàn thiện, toàn mỹ như: Lý ngư vọng nguyệt, các bức
tranh tố nữ, các bức tứ bình (4 bức tranh liên hoàn như Xuân - Hạ Thu - Đông),
nhị bình ( hai bức đăng đối như: Xuân Hạ - Thu Đông), điển cố truyện Kiều, Nhị
độ mai, Hoa tiên vv...Bộ phận này của tranh Hàng Trống đáp ứng nhu cầu của tầng
lớp trí thức cao. Sau này các danh hoạ như Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Bùi
Xuân Phái vì ít nhiều đã lĩnh hội được phong cách quý phái này.
Trong tranh Hàng Trống, ngoài nét in tinh nhỏ, màu trên tranh
phần lớn được nghệ nhân vẽ bằng tay. Đặc điểm dễ nhận thấy là tranh Hàng Trống
không tuân theo luật sáng tối: Ánh sáng dường như từ trên cao đổ xuống đồng đều
nên các đồ vật, người...đều không có bóng. Sắc độ màu trong tranh được điều chỉnh
theo cảm nhận của từng người vẽ. Các nhân vật trong tranh được thể hiện to nhỏ
không theo luật xa gần mà theo địa vị xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất ở tranh
thờ bởi các ông hoàng bà chúa lớn hơn người hầu, thần phải lớn hơn dân và phải
luôn ở vị trí trung tâm. Bố cục của tranh thường theo phối cảnh các
nhân vật mà dàn trải ra khắp tranh, không che khuất nhau. Yếu tố thời gian và địa
điểm khác nhau được bố trí theo từng mảng trên cùng một mặt tranh…
10/10/2004 Khuyết DanhNguồn: Nguyên Vũ - VietNamNet
10/10/2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét